Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 01

VỊ ÂN NHÂN GIẤU MẶT
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Trong buổi cơm trưa, bà xã của tôi hỏi:
- Bây giờ anh không còn đi học nữa. Vậy ngày 20/11 tới đây, anh muốn đến thăm nhà ai?
- Trước hết, anh muốn đến thăm nhà người đã dạy cho anh chữ TÂM, cái đạo làm người, em ạ.
- Ai đó hả anh?
- Em cứ đọc mấy trang nhật ký này của anh ngày còn đi học sẽ rõ.
*****
Ngày 15 tháng 1 năm 1994,
Chiều nay có buổi kiểm tra đơn vị học trình thực tập môn Giải phẫu, môn học mà tôi yêu thích nhất. Bài vở đã chuẩn bị xong, nhưng tôi vẫn nấn ná chưa muốn đến Trường. Tôi muốn tránh không gặp gương mặt ông T. (mà trước mặt ông, tôi phải miễn cưỡng gọi là “thầy” vì ông ta làm ở Phòng Giáo vụ, với nhiệm vụ quản lý sinh viên khối chúng tôi). Tôi biết thế nào tên tôi cũng lại được nhắc nhở trong danh sách những sinh viên chưa đóng học phí đợt 1… Nhắc đến ông T., không riêng gì tôi, mà nhiều sinh viên khác đều lắc đầu ngán ngẩm… Chúng tôi gọi trớ tên ông là ông Têta, vì ông thường dùng chữ ký thật quái đản - chữ cái Théta của Hylạp, trông như một nhát chém ngang mặt người hình tròn!
Đó là một người đàn ông không còn trẻ, tứ thời khoác trên người một chiếc áo quân phục (chắc để khoe khoang quá khứ bộ đội của mình) và chiếc quần kaki bạc màu, chỉ biết có công việc và công việc! Đặc biệt, ông ấy không hề biết (hoặc không bao giờ nghĩ đến) những câu nói làm vừa lòng nhau. Ông Têta quản lý rất chặt chẽ những sinh hoạt của sinh viên khối chúng tôi, từ những buổi đi học muộn (khỏi nói gì đến chuyện vắng mặt) đến những điều nhỏ nhặt phạm đến Nội quy học sinh – sinh viên (chúng tôi chỉ loáng thoáng nhớ đến vào những buổi học chính trị đầu năm, nhưng ông Têta thì thuộc nằm lòng!). Có lẽ ông chẳng còn công việc gì khác để quan tâm nữa (vợ con không có, mà với cái tính khắc nghiệt như thế, cô nào gặp cũng phải chạy dài…), nghe nói ông Têta đã học xong đại học tại chức trong những năm chiến tranh (lúc đó việc đánh giá kết quả khoá học thường rất “linh động”, thời buổi chiến tranh mà!), sau này đi học thêm cũng chẳng được kết quả gì, nên chỉ biết an tâm công tác lâu dài ở vị trí mà chúng tôi thường nói trộm sau lưng: bé không học, lớn làm … quản lý sinh viên!
Với một hoàn cảnh gia đình đầy khó khăn như tôi (bố mẹ bị tai nạn mất sớm, hai anh em chúng tôi chỉ được bà ngoại, một nông dân ở Quảng bình, nuôi dưỡng), việc chậm đóng học phí là khó tránh khỏi (mà theo quy định, muốn thi học phần phải đóng xong học phí của học kỳ đó). Hàng tháng, ngoài khoản tiền nhỏ bà ngoại tôi gởi vào, tôi phải đi dạy kèm thêm để mưu sinh (thông qua Tổ chức Hội sinh viên và Câu lạc bộ Gia sư của Trường, tôi đã tìm được một hai chỗ dạy để kiếm thêm tiền sách bút), nhưng mức học phí tương đương hàng mấy tấn thóc là cả một vấn đề lớn. Việc tôi thường xuyên được ông Têta nhắc nhở đóng học phí đã gây nên sự quan tâm của nhiều bạn trong lớp, mà con trai chúng tôi, anh nào chẳng muốn giữ sĩ diện trước bạn bè, nhất là bạn gái chứ…
Tôi chờ đến sát giờ kiếm tra mới đến thẳng Phòng Thực tập để khỏi gặp ai khác. Nhưng chạy trời không khỏi nắng, đến cuối buổi kiểm tra, thầy giám thị lại đọc một danh sách do ông Têta ký mời lên Phòng Giáo vụ vào cuối buổi (dĩ nhiên, tên tôi lại được nhắc). Tôi vội vã kết thúc cho xong bài kiểm tra, chẳng còn lòng dạ nào để làm nữa, cũng may tôi đã chuẩn bị bài này khá kỹ lưởng…
Tại Phòng Giáo vụ, ông Têta lại lên lớp giảng giải về nội quy – quy chế cho chúng tôi một hồi (có lẽ không được đứng trên bục giảng nên khi được dịp giảng bài, ông nói hăng say lắm!) và công bố đến cuối tuần (tức là 3 ngày nữa), nếu không đóng học phí vì có thể khỏi thi học phần (ông nhắc lại: như thế không phải miễn thi đâu!). Các bạn đồng hành của tôi dạ dạ cho qua, tôi thừa biết chúng chẳng khó khăn như tôi đâu, nộp học phí chậm chẳng qua ví chúng dùng tiền gia đình gởi cho để nhậu nhẹt, ăn chơi, khi cần thì lại điện về xin tiếp, chứ tôi bây giờ chỉ còn có mấy chục ngàn đồng trong túi và trong két sắt (tức là rương gỗ ở nhà trọ), biết lấy đâu ra mà trả? Tôi nấn ná ở lại, chờ các bạn ra khỏi phòng rồi mới ngỏ lời xin ông Têta (dĩ nhiên, phải gọi là thầy T. khi nói chuyện) nghiên cứu hoãn cho trường hợp của tôi một thời gian. Tôi đã nhẩm tính trong đầu: trước mắt xin ứng hai tháng tiền lương dạy kèm, sau đó hàng ngày nhận đi bỏ bánh mì buổi sáng, mỗi tuần 3 buổi tối dạy võ thuật, đến mùa tốt nghiệp nhận đánh máy vi tính cho các luận văn, như thế là tạm đủ cho các đợt nộp học phí rồi.
Không ngờ hành động này lại dẫn đến một sự cố khác. Sau khi nghe tôi trình bày, ông Têta lớn tiếng: “Trong thông báo gọi nhập học, đã có quy định về việc nộp học phí rồi. Nếu gia đình anh thấy không thể lo được thì anh tập trung đến Trường làm gi? Anh đã học quy chế rồi, anh phải biết nộp học phí là bổn phận của từng sinh viên chứ. Nếu ai cũng đi học mà không trả học phí như anh thì lấy đâu ra nguyên tắc ‘Nhà nước và Nhân dân cùng làm’ nữa? Thiếu học phí tức là mắc nợ, thế anh định quỵt nợ Nhà nước chắc?”
Nghe tiếng ồn ào, người ở các phòng chung quanh đổ xô đến, cả những sinh viên đang học ở giảng đường chung quanh nữa. Máu nóng bốc lên, tôi lớn tiếng trả lời, không thèm xưng em nữa: “Thầy là người, tôi cũng là người. Gia đình tôi nghèo, nhưng tôi không ăn cắp, không ăn quỵt ai cả. Người nghèo cũng có quyền đi học chứ. Tôi chỉ xin được hoãn nộp học phí thôi, rồi tôi lao động để kiếm tiền trả học phí. Mà Thầy cũng không có quyền hành gì mà từ chối hay chấp thuận, chỉ có Ban Giám hiệu mới có quyền. Thầy không có quyền nhục mạ tôi. Thầy là kẻ nhẫn tâm…”
Mắt tôi mờ đi, nhưng tôi vẫn thấy gương mặt ông Têta tái hẳn lại. Nhìn thấy đôi mắt của ông tối sầm lại, tôi thấy ân hận vì những lời nói của mình, nhưng mũi tên đã trót buông ra khỏi cung rồi. Một phút im lặng trôi qua, có người nắm chặt cánh tay tôi, tôi nhận ra thầy H. dạy Giải phẫu, người thầy mà tôi yêu quý nhất. Thầy H. nói gì đó với ông Têta, rồi dẫn tôi ra ngoài. Bão tố chút nữa là ập đến đầu tôi, may nhờ thầy H. chắn được. Tôi quay lại, chỉ kịp thấy ông Têta đang xua xua tay mời mọi người ra ngoài…
Tôi trằn trọc không ngủ được. Đầu tôi cứ ong ong vì những câu nói đối đáp hồi chiều. Đến giữa khuya mới chợp mắt được một tí, tôi mơ thấy mình đứng trước Hội đồng kỷ luật của Nhà trường, ông Têta đang hùng hồn phát biểu về thái độ của tôi, đôi mắt vẫn lạnh lùng như mọi ngày. Ngoài cửa số thấp thoáng bóng thầy H., còn trong phòng toàn những gương mặt sắt lạnh. Mắt tôi hoa lên, tôi lại chìm vào giấc ngủ mê man, lại thấy cảnh mình ôm ba lô leo lên tàu VQ trở ra quê, tìm về với bà ngoại…
*****
Bà xã lại ngước nhìn tôi, mim cười:
- Tính của anh bây giờ chẳng khác gì ngày xưa, bao giờ cũng “ruột để ngoài da” cả. Thế nào rồi cũng khổ đấy anh ạ.
Tôi nhún vai, nói đùa:
- Chẳng hạn lấy em đây là khổ rồi, nhìn đâu cho xa nữa. Thôi đọc tiếp đi, không cần đọc đến nổi khổ chạy tiền của anh. Tìm đến trang viết về ngày thi Mô phôi đó.
*****
Ngày 19 tháng 1 năm 1994,
…Tôi đánh liều vào phòng thi học phần Mô phôi, danh sách niêm yết ở phòng thi vẫn còn tên tôi, chắc Phòng Giáo vụ chưa kịp gạch tên. Các bạn cùng bị gọi lên Phòng Giáo vụ với tôi hôm nọ vẫn thư thái vào thi, chắc chắn họ đã đóng học phí cả rồi (còn tôi mấy hôm nay có dám báo tin gì với bà ngoại tôi đâu?). Giấy thi phát ra, tôi điền tên vào mà vẫn run, không biết đến khi nào thì bị Phòng giáo vụ đọc tên đuổi ra khỏi phòng thi đây? Một giám thị đến ký tên vào bài thi, tôi bàng hoàng nhận ra chữ têta, trời ơi gặp oan gia, có lẽ Bộ môn Mô phôi không có đủ giám thị coi thi nên ông Têta đi hỗ trợ. Tôi ấp úng: “… Thưa … thưa thầy…”, ông quay lại: “Có thắc mắc gì, nói lớn lên, cả phòng cùng nghe!”, tôi lí nhí: “Dạ, không có gì ạ.”
Tôi bàng hoàng, bắt đầu làm bài, tự nhủ không biết ông Têta sẽ hành hạ tôi như thế nào đây, hay là cho tôi thi hết các môn rồi tuyên bố huỷ kết quả theo quy chế? Thôi mắc kệ, đến đâu thì đến, tôi cứ làm cho xong bài rồi mang nộp. Bí mật bắt đầu hé mở vào cuối buổi thi, khi tôi nộp bài, ông Têta dặn: “Chốc nữa, lại Phòng Giáo vụ gặp tôi”.
Tôi chờ đến khi ông bàn giao bài cho Bộ môn xong mới về lại Phòng Giáo vụ. Ông Têta nói không thèm nhìn tôi: “Anh đến Tổ Tài chính – Kế toán (để làm gì, tôi nghĩ, mình chỉ còn có 14 ngàn trong túi thôi), lấy biên nhận đóng học phí rồi mang về nộp cho tôi làm thủ tục”. Tôi ấp úng: “Thưa thầy, em chưa có…”, ông khoát tay: “Đi đi, có người thanh toán rồi”…
Tôi như mọc cánh, phóng như bay đến Tổ Tài chính – Kế toán, chị kế toán béo núc ních sao hôm nay lại duyên dáng thế, mở máy tính in tờ phiếu thu rồi đưa cho tôi ký, cười cười: “Sướng nhé, có quý nhân phù trợ đó, khao đi”. Tôi mời chị một chiếc kẹo Nuga, chị vui vẻ bóc ăn, chị biết sinh viên nghèo như tôi chỉ mời được như thế là cùng. Tôi tò mò: “Chị ơi, ai cho em mượn tiền thế hả chị?” Chị lắc đầu: “Chị cũng không rõ, thầy T. chuyển tiền xuống đây”.
Tôi quay lại Phòng Giáo vụ, trao biên nhận cho ông Têta, rồi cố giữ giọng thât lễ độ: “Thưa thầy, thầy có thể cho em hay, ai đã cho em mượn khoản tiền này?”. Ông Têta lầm lì không nói gì, chỉ trao cho tôi một lá thư đánh máy vi tính, không có chữ ký, kiểu chữ VRES thông dụng ở đa số các bàn giấy văn phòng:

Kính gởi: Ban Giám hiệu Trường …………….
Đồng kính gởi: Phòng Giáo vụ - Công tác sinh viên
Tôi là một cán bộ công chức của Trường, tình cờ biết được hoàn cảnh kinh tế khó khăn của em Nguyễn văn Lành trong việc theo đuổi việc học (tôi đỏ mặt nhớ lại buổi to tiếng vừa rồi, có lẽ ân nhân của tôi có trong số người hiếu kỳ hôm đó!).
Tôi thông cảm với hoàn cảnh và hiểu tính cách của em Lành, nên mạn phép xin Ban Giám hiệu và các Phòng chức năng cho tôi được đóng giúp em Lành khoản học phí đợt 1 năm học này. Các đợt sau của năm học, cũng như các năm học sau, tôi sẽ căn cứ kết quả học tập của em Lành để hỗ trợ, nếu em ấy tỏ ra xứng đáng trong học tập và rèn luyện. Mục đích của việc hỗ trợ này là tôi muốn góp phần tạo điều kiện cho một học sinh nghèo, có chí tiến thủ có thể tiếp tục việc học trong hoàn cảnh “cơ chế thị trường” hiện nay.
Điều duy nhất tôi đề nghị là xin được giữ kín danh tính của tôi. Mỗi học kỳ, thông qua cán bộ phụ trách khối học của em Lành, tôi sẽ theo dõi việc học của em ấy và nếu em ấy học tốt, tôi sẽ chuyển khoản tiền hỗ trợ bằng mức học phí cần phải đóng của em Lành và nhờ các đồng chí ấy làm thủ tục hộ.
Kính thư,
Một người quan tâm đến việc học

Thấy tôi chào và hớn hở ra về, ông Têta ngăn lại, nói cụt lủn: “Đây là sự may mắn cho anh. Tôi nghĩ anh nên cố gắng học tập để xứng đáng với…”, tôi ngắt lời, mạnh dạn: “Thưa thầy, thầy không phải nhắc. Em biết phải thực hiện bổn phận của em, (giọng cố tình mỉa mai) như thầy biết thực hiện bổn phận của thầy”. Ông lầm lì trở lại: “Được, thế thì tốt”. Tôi đoán ông bực mình lắm vì đã có người bảo trợ cho tôi, một sinh viên đã dám ngang ngược cãi lại cán bộ phụ trách, mà chẳng biết làm gì hơn được…
Tôi về nhà, viết ngay một lá thư dài cho bà ngoại và em tôi ở quê, kể lại chi tiết những mối thăng trầm trong suốt mấy ngày qua, không quên chép nguyên văn nội dung lá thư của ân nhân mà tôi đã xin ông Têta cho photocopy lại. Với lời tự hứa sẽ tìm cho ra danh tính của ân nhân và tìm cách báo đáp xứng đáng, tôi chăm chú dở sách vở ra học tiếp các môn thi học phần còn lại, thề sẽ dồn hết sức lực, trí tuệ của mình vào việc học để xứng đáng với lòng tốt của người ân nhân chưa biết mặt ấy. Tự dưng tôi lại nhớ đến thấy H., người thầy kính mến đã cứu tôi khỏi cơn bão lửa hôm đó…
*****
Bà xã chớp chớp mắt, nhận định:
- Chắc là thầy H. rồi. Thời buổi này con người có tấm lòng vàng hiếm lắm.
- Thì ban đầu anh cũng nghĩ như thế. Nhưng có đúng đâu. Em đọc tiếp đi, thời gian chuẩn bị thi luận văn cuối khoá, anh bận lắm nên chẳng có thời gian viết được nhiều.
*****
Ngày 30 tháng 9 năm 1999,
Sáu năm học đằng đẳng (đúng ra là năm năm rưỡi, kể từ ngày tôi hưởng sự bảo trợ của vị ân nhân giấu mặt này), tôi đã học như chưa bao giờ được học, đến nối có lần thầy H. dạy Giải phẫu đã phải khuyên tôi nên nghỉ ngơi, giải trí hoặc chơi thể thao bớt để giữ cho thần trí được luôn minh mẫn, thay vì suốt ngày cứ chúi mũi, chúi lái vào việc học, học quá lỡ bị suy nhược thần kinh thì hỏng. Tôi bảo xin thầy cứ yên tâm, thể trạng em rất tốt vì ngày trước em chơi thể thao nhiều, nhưng nay thì em phải tập trung để đền đáp lòng tin của vị ân nhân khả kính đó. Tôi kể lại chi tiết cho thầy H. và chú ý phản ứng của thầy, sau đó theo tâm lý phán đoán, tôi thấy người ân nhân đó khó có thể là thầy H. được: thầy chỉ làm thuần tuý chuyên môn nên không hiểu mấy về các quy chế như ân nhân của tôi (thể hiện trong thư viết), hơn nữa cũng nhiều lần thầy tìm cách giúp tôi tìm hiểu, điều tra về người ân nhân đó nhưng không có kết quả gì.
Đầu mối còn lại mà tôi có thể tìm hiểu là những cán bộ của Phòng Giáo vụ. Trong hai năm học còn ở khối ông Têta phụ trách, tôi thật khó gần được tính cách của ông ấy, nên chẳng nói chuyện gì nhiều, có chăng chỉ là nhận những lời chê bai của ông Têta, cho rằng tôi chưa xứng đáng với tầm lòng của vị ân nhân giấu mặt (mà có lẽ ông ấy cũng đã tò mò tìm hiểu mà không biết), vì hồi đó tôi chỉ mới đạt danh hiệu tiên tiến khi tổng kết năm học thôi...
Đến những năm sau, kết quả học tập của tôi đã khả quan thực sự, tôi bắt đầu quen thuộc với tờ giấy khen Sinh viên Xuất sắc mỗi đợt phát thưởng nhân dịp khai giảng, thậm chí nhiều môn học của tôi đã đạt điểm cao nhất khối học, các cán bộ phụ trách khối (ông Têta chỉ phụ trách khối các năm đầu thôi) đã có lần lấy tôi làm tấm gương tiêu biểu về học tập và tôi đã có vinh dự được chọn đi báo cáo điển hình về kinh nghiệm học tập. Thậm chí từ năm Y5, thầy H. đã thỉnh thoảng cho tôi phụ mổ cho thầy trong phòng mổ (dĩ nhiên dưới tên bác sĩ khác), tôi cảm thấy mình đã trưởng thành rất nhiều, chỉ mong sao gặp được vị ân nhân khả kính của tôi để báo cáo thành tích học tập…
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, tôi vẫn không khỏi mặc cảm khi đứng trước mặt ông Têta khắc nghiệt này. Ông thường nói lửng lơ, trích câu nói của Vương Dương Minh “Việc học ví như thuyền đi ngược nước, nếu không tiến, ắt phải lùi” và tỏ ý nghi ngờ không biết tôi có thể học tốt đến khi tốt nghiệp không, hay là nửa đường đứt gánh? Câu nói của ông biết đâu cũng làm nhiều cán bộ khác lưỡng lự khi đánh giá về tôi, viêc bình chọn tôi đi báo cáo về học tập hình như cũng gặp trắc trở, dù cuối cùng cũng được thông qua. Tôi nghĩ rằng đến cuối đời, chẳng cách nào gần gủi được ông Têta - con người khó tính đó.
*****
- Rõ ràng, anh có thành kiến với ông Têta rồi. Ông ấy làm đúng chức năng quá, mà cán bộ quản lý thì phải giữ vững quy chế chứ.
- Em phải làm cán bộ tổ chức mới phải, phát biểu cứ như cấp lãnh đạo ấy thôi. Nhưng thời sinh viên thì khác chứ, ai lại chẳng muốn mọi người dễ dàng với mình? Hồi đó sinh viên có ai gần gủi ông ấy đâu? Bây giờ ra công tác, anh đã “thuần” hơn nhiều rồi, nếu có gặp lại trường hợp đó chắc sẽ biết cư xử tế nhị hơn.
- Thế bây giờ ông ấy lập gia đình chưa anh? Con người khắc nghiệt như thế, nếu yêu thì chắc say đắm lắm nhỉ?
- Thôi, xin nhà tâm lý học đọc tiếp đi, sắp kết thúc rồi.
*****
Ngày 2 tháng 3 năm 2000,
Sau khi tốt nghiệp loại Xuất sắc, tôi xin được phân nhiệm sở tại quê nhà, nơi ngày xưa tôi đã ấp ủ nguyên vọng đem việc học của mình đóng góp cho việc xây dựng quê hương. Nhiệm sở của tôi là một bệnh viện lớn do Cuba tài trợ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ. Tuy tôi chỉ tốt nghiệp hệ đa khoa, nhưng chỉ sau vài tháng bổ túc chuyên khoa sơ bộ, tôi đã được chính thức về khoa Ngoại, chuyên khoa gắn bó với tôi từ những ngày đầu chập chững bước vào Trường Y. Tôi bắt đầu tham gia các lớp học nâng cao trình độ, được đi tham dự một hội thảo quốc tế ở Hà nội với đề tài tốt nghiệp của tôi, và cũng qua đợt hội thảo đó, tôi được một giáo sư đầu ngành gợi ý làm chuyển tiếp Cao học tại thủ đô. Đề cương nghiên cứu Cao học của tôi đã được Hội đồng đánh giá rất cao về khả năng ứng dụng, giáo sư hướng dẫn đã dự tính khi nếu bảo vệ xong có thể phát triển thành luận án phó tiến sĩ…
Điều trăn trở duy nhất của tôi là danh tính của người ân nhân giấu mặt, đã tích cực giúp đỡ tôi trong những năm tháng khó khăn của thời đại học. Tôi đã cất công tìm hiểu rất nhiều, nhưng vẫn không tìm thấy được tung tích gì của người đó, đã dọ hỏi hầu hết cán bộ trong Trường cũ, thiếu điều tôi gởi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chẳng có thông tin gì cả.
Có một chủ trương mới của Bộ Giáo dục – Đào tạo mà tôi rất hoan nghênh, là dự án của Nhà nước cho học sinh – sinh viên nghèo vay tiền ăn học trong các năm đi học, và sẽ hoàn trả lại dần sau khi tốt nghiệp và nhận công tác. Đối với những người đã từng là học sinh – sinh viên nghèo như tôi trước đây, dự án này như một chiếc cầu nối kết chặt chẽ với trường đại học, vì ít nhiều chúng tôi có thể bớt lo toan đến vấn đề kinh tế, tưởng chừng không thể vượt qua được trong suốt thời kỳ đi học. Càng mừng cho lớp hậu sinh sau này, tôi càng thấy quý mến người ân nhân mà không biết đến khi nào tôi mới gặp mặt được.
Mọi chuyện đến với tôi một cách ngẫu nhiên…
Trong một chuyến công tác vào Huế, ghé lại thăm trường cũ. Chỉ mới một năm công tác, trở lại Trường tôi gặp bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu gương mặt mới. Thầy H. đã bảo vệ tiến sĩ xong, hiện đang đi giảng một chuyên đề về ngoại khoa ở nước ngoài. Ngồi ở bàn làm việc của ông Têta - nơi hơn sáu năm trước đây, tôi đã to tiếng với ông, rồi được vị ân nhân giúp đỡ - là một bác sĩ trẻ mới chuyển công tác từ tỉnh khác về. Hỏi thăm về ông Têta, tôi được biết ông đã mất cách đây mấy tháng: đúng trong cơn lũ thế kỷ năm 1999, ông tham gia cứu mấy người bị lũ cuốn trôi, cuối cùng chính ông lại kiệt sức, bị dòng nước đục cuốn mất xác. Gia đình ông chẳng còn ai cả, các bạn bè đồng nghiệp đã lập một bàn thờ trong căn phòng tập thể nhỏ mà ông ở chung với người khác, hiện đang chờ người bà con xa từ quê vào nhận bát hương để chuyển ra quê…
Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi tìm đến bàn thờ của ông để thắp một nén hương tưởng nhớ. Người bạn cùng phòng giới thiệu cho tôi các di vật còn lại của ông, thật đơn sơ, thậm chí ảnh trên bàn thờ cũng phải lấy chứng minh nhân dân vì ông chẳng mấy khi chụp ảnh riêng cả. Tôi tỉ mẩn giở chiếc hộp gỗ nhỏ đựng giấy tờ của ông, phía dưới các giấy chứng nhận, bằng khen, giấy khen đủ loại là những giấy tờ dược ông ghi chú: LINH TINH. Cuối cùng, cài mà tôi mong chờ bao nhiêu năm đã hiện ra: một xấp phiếu chuyển tiền, chỉ cần nhìn qua, tôi nhận ra ngay là tiền nộp cho các khoản học phí của tôi những năm nào. Tên người nhận lần lượt là những thầy cô giáo phụ trách khối học của tôi, và lý do gởi tiền: trả học phí cho sinh viên Nguyễn văn Lành, khoá 1993-1999. Tôi lật ra mặt sau để tìm thấy đúng điều mình vừa nghi ngờ cách đây mấy phút, khi phát hiện xấp phiếu chuyển tiền: tên người gởi chính là thầy T., với một chữ ký têta vô cùng quen thuộc…
*****
- Em hiểu rồi, anh ạ. Thầy T. không dạy chữ cho anh, nhưng thầy đã dạy cho anh cái đạo làm người. Ngày 20/11, anh cứ tạm thắp hương ngoài trời để khấn với thầy T., rồi mình sẽ tìm ảnh của thầy, hoạ lại bức chân dung để thờ chung với ông bà.
11/2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét