Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 03

MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ...
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Nhâm nhi xong chén chè móc câu đặc sánh – thói quen cố hữu từ ngày còn tại ngũ, chồng tôi dắt chiếc Cub 90 ra khỏi nhà. Lão dặn với lại: Trưa nay tôi bận việc ở cơ quan, có thể về muộn. Cả nhà đừng chờ cơm! Tôi lặng lặng dọn dẹp bàn ăn, không nói gì. Ghê nhỉ! Lão nói có vẻ chu đáo lắm, chỉ lo vợ sốt ruột chờ ở nhà. Có ai đoán ra trong bụng của lão đang suy tính điều gì? Tôi nhớ lại lời của Quỳnh, cô bạn thân thiết của tôi. Quỳnh nhắc đến một câu đố vui bên châu Âu, hàm chứa một triết lý sâu sắc: Nếu chọn giữa một quả táo và hai nửa quả táo, bạn chọn bên nào? Trả lời: nên chọn hai nửa quả táo, như thế mới biết được trong đó có sâu hay không! Ngạn ngữ Việt nam cũng đã ví von: làm sao biết được có gì trong trái ổi?
Tôi lẳng lặng chở con đến nhà mẫu giáo, thằng bé vẫn vô tư không biết những cơn sóng ngầm đang cuồn cuộn trong lòng tôi. Cu cậu chỉ hỏi: Mẹ oi, sao hôm nay mẹ lại mang nồi cơm điện? (ở nhà, tôi vẫn thường gọi mũ bảo hiểm như thế). Tôi trầm ngâm: Mẹ có chuyện phải đi ra ngoài thành phố, đến chiều mẹ về sẽ đón con...
Gởi con cho cô bảo mẫu xong, tôi vẫn chần chừ chưa đi ngay được. Tôi kiếm một quán café – thói quen đã bỏ từ khi lấy chồng, gọi một ly ca cao, đọc lại một lần nữa lá thư mà tôi đã gần như thuộc lòng (thư gởi cho chồng tôi, đến nhà cách đây 2 hôm, chồng tôi đi công tác chưa về, nên tôi bóc ra xem có gì gấp không). Những dòng chữ có nét cứng quèo - nhưng được viết một cách nắn nót, chứng tỏ người viết đã rất chú trọng đến ý tứ trong thư - nhảy múa trước mắt tôi: ... Gia đình không bao giờ quên tình cảm của cháu đã dành cho em Hà... Hiện nay trong người em Hà đang mang dòng máu của cháu..., tôi bàng hoàng gấp thư lại, không thể tỉnh táo để đọc thêm được nữa. Ngoài phong bì còn ghi rõ: gởi anh Kỷ (tên chồng tôi), bộ đội chuyển ngành, và địa chỉ mà gia đình chúng tôi hiện đang ở, còn sai chạy đi đâu được nữa? Tôi xem lại phần địa chỉ người gởi: bà Mai thị Hậu, ở một địa danh cách Huế không đến 10 km, nằm gần đường quốc lộ, với đầy đủ tên xóm, thôn, xã, huyện... Về địa phương, một địa chỉ như thế là đầy đủ lắm rồi, nhiều khi với lá thư chỉ có tên họ người nhận, tên xã là nhân viên bưu điện có thể đưa đến tận tay rồi.
Tôi nhìn lại đồng hồ, mới gần 8 giờ thôi. Tôi nhẩm tính: đi từ đây về đó mất tối đa 30 phút, để tìm ra nhà cho thêm 30 phút nữa, nói chuyện mất khoảng 1 giờ đồng hồ (mà biết nói chuyện gì nhỉ?), toàn bộ cho hết 2 tiếng đồng hồ, còn khoảng 30 phút để về. Tôi chua chát tự nhủ: liệu có thể ra về bình thường được không, hay là khi biết được sự thật, tôi không thể cùng sống chung với chồng tới dưới một mái nhà nữa?
Tôi tự dặn mình phải luôn luôn bình tỉnh. Cái lý thuộc về tôi, tại sao không cố tìm hiểu sự việc đến đầu, đến đũa? Tôi tự tin mình không dễ bị đàn áp đâu, hơn 40 tuổi đầu, bao nhiêu năm lăn lộn với đời, tôi có sợ gì ai nữa. Trông bề ngoài tôi chỉ như những phụ nữ bình thường khác, nhưng có ai biết tôi đã có bằng lý luận chính trị trung cấp, đã gần 4 năm theo đuổi môn Judo, mang thắt lưng đen nhị đẳng, có phải thằng đàn ông nào cũng đàn áp tôi dễ dàng đâu?
Rồi tôi chạnh nghĩ lại, thằng đàn ông đang làm tôi khổ sở như hiện nay, chính là lão - chồng của tôi (bực mình thì tôi gọi bằng lão, chứ chồng tôi chỉ hơn tôi vài tuổi, năm nay mới gần 50 thôi!). Lão sinh trưởng ở miền Nam Trung bộ, mang cái tính ào ào của dân miền Nam. Được cái, lão khá xông xáo, công việc nào cũng hăng hái đi đầu, cách đây 20 năm là bí thư chi đoàn của tôi, một ủy viên ban chấp hành đoàn trường năng nổ. Lão cũng có lắm tài lẻ, trong thời buổi hiện nay - ngoại ngữ, tin học là mode thời thượng, lão lập trình cho máy tính mà cứ như múa hai tay trên bàn phím, trả lời điện thoại bằng tiếng nước ngoài cứ nói ro ro như tiếng mẹ đẻ...
Trước đây, tôi chỉ không bằng lòng cái tính ba hoa của lão thôi. Mới cách đây mấy tuần, thằng con lớn đang học lớp 9, hỏi tôi: Mẹ ơi, “mèo mù vớ cá rán” là gì hở Mẹ? Tôi đã liếc nhìn lão, trả lời, giọng hơi khiêu khích: Con hỏi Ba con thì rõ... Lão cười khà khà, nói ngay: Thì như Mẹ với Ba đây, (ngừng vài giây), Mẹ vớ được Ba đó! Về sau, có lần lão huênh hoang phịa thêm khi nhậu với bạn bè, ngay cả khi tôi có mặt ở đó: Hồi tao sắp cưới, có nghe bà gia của tao trách ông gia “Nó hỏi cưới con mình là được rồi, việc gì ông bắt tay cám ơn nó nữa?”. Tôi không thèm chấp lời nói của rượu, nhưng có lần tôi phản công, hỏi: liệu ngoài tôi ra, có ai thèm rước ông không? lão lại cười khà khà, trông thật dễ ghét: cần gì rước, vật tư tôi thừa, ai xin thì tôi cho, đổ xuống sông, xuống bể làm gì cho uổng...
Tôi cũng mong sao lão thuộc loại thùng rỗng, kêu to, chứ loại người thô lỗ như lão, có cô nào dám dây vào? Ăn to, nói lớn, ruột để ngoài da, loại nông dân chính hiệu cả ba đời. Lão chỉ được ưu điểm nổi bật là rất có tinh thần trách nhiệm: tôi nhớ ngày trước, có lần chấm thi tuyển sinh môn Toán, lão nhớ đã chấm sót một ý không biết ở bài thi nào, cứ nằng nặc đòi tôi (làm thư ký chấm môn Toán) tìm ra cho được bài đó để chấm lại. Hồi đó, tôi như bị mê hoặc trước tính cách của lão và bị chinh phục vì những yếu tố có vẻ viễn vông, trừu tượng như thế. Khi lập gia đình với tôi – nói theo ngôn ngữ của lão là tra chân vào cùm, lão chỉ yêu cầu tôi đừng bao giờ xen vào những mảnh trời riêng của lão, chẳng hạn mối quan hệ của lão với bạn đồng đội ngày trước… Quả thật, tôi khó tưởng tượng một giảng viên đại học như lão, trình độ, bằng cấp chẳng phải kém cỏi gì, lại có thể ngồi bá vai, bá cổ, mày tao chi tớ với những cậu đạp xích lô, xe thồ, nốc rượu cuốc lủi nhắm với lạc rang và kể chuyện ngày xửa, ngày xưa… Lão giải thích với tôi: đó là những lúc tôi sống thật với mình nhất, với những kỷ niệm xương máu…
Lần này, quả thật tôi không ngờ, bên cạnh những biểu hiện sôi nổi, nhiệt thành như thế, lão lại bí mật thiết lập một mối quan hệ với một hậu quả quá nặng nề: …Hiện nay trong người em Hà đang mang dòng máu của cháu..., chi tiết đắt giá này và những câu phát biểu tưởng chừng bâng quơ trước đây của lão bây giờ kết hợp lại thành một mắt xích hoàn chỉnh trong đầu óc tôi: lão đang tách dần ra khỏi cuộc sống gia đình, bằng một mối quan hệ mật thiết khác.
Tự nhiên tôi thấy mệt mỏi, cảm thấy riêng mình khó hoàn thành công việc tìm hiểu khó lường được kết quả - thậm chí sẽ là hậu quả - này. Tôi đến trạm điện thoại công cộng, gọi cho Quỳnh, cô bạn thân thiết, luôn ở bên cạnh tôi, mỗi khi vui sướng cũng như lúc buồn bã. Quỳnh vẫn sống độc thân, nhưng đã khá trưởng thành, lại là người ngoài cuộc nên chắc đủ sáng suốt để góp ý cho tôi. Tôi tin Quỳnh quan tâm đến hạnh phúc của tôi, dù ngày xưa Quỳnh đã có ý kiến phản đối khi tôi lập gia đình với lão, nhưng bây giờ chắc chắn Quỳnh không nhân dịp này để quậy, nó sẽ lo cho tôi như một cố vấn tình cảm thực sự… Tôi hỏi ngắn gọn: Hôm nay em rảnh không, đi với chị một chuyến về quê, gần thành phố thôi. Câu trả lời cũng ngắn gọn: OK, chị cứ ở quán café chờ, 15 phút nữa em đến.
Chúng tôi đi cùng một xe, Quỳnh ngồi trước đèo tôi, phóng thẳng về địa chỉ ghi trên bì thư. Tôi ngồi sau, kể lại mọi chuyện một cách lộn xộn, chẳng có thứ tự gì, thỉnh thoảng lại xen lẫn những suy nghĩ của mình vào từng chi tiết của câu chuyện. Dọc đường đi, thỉnh thoảng Quỳnh ngắt lời tôi để hỏi lại chi tiết, con bé có vẻ quan tâm đến những nhân vật nêu trong thư, đặt ra những câu hỏi (rồi lại cùng tôi tìm câu trả lời). Tại sao cô Hà đó không viết cho chồng chị, lại để cho mẹ mình viết? (có lẽ để người lớn nói thì thuyết phục hơn chăng, kể như được gia đình thông qua). Có thời điểm nào chồng chị về vùng đó không, để gặp cô Hà đó? (lão đi công tác khỏi thành phố thường xuyên, mỗi lần vài ba ngày, có khi cả tuần, với lý do đi dạy tại chức, làm sao quản được). Chồng chị có đưa hết tiền lương cho chị không, hay đòi giữ quỹ riêng? (lão không bao giờ giữ quá trăm ngàn trong túi, có lần hư xe, sửa có 60 ngàn mà phải mắc nợ, hôm sau chị mang tiền đến trả thay). Cuối cùng,Quỳnh kết luận: Theo em nghĩ, mối quan hệ này chẳng phải vì tiền, mà cũng không phải vì tình đâu, có lẽ vì cô Hà đó hoặc tính cách lẳng lơ, hoặc ế chồng, cần một đứa con chẳng hạn, gặp ông chồng chị năng nổ, tốt bụng nên cô ta bám vào thôi. Phải kiểm tra lại xem, nếu đúng như thế, chuyện cũng không quá phức tạp, chị có thể tìm cách giải quyết êm thắm…
Quỳnh phóng xe như bay, chẳng mấy chốc đã đến ngã ba rẽ vào làng. Địa chỉ tôi tìm chỉ còn cách vài trăm mét nữa thôi. Tự nhiên, tôi thấy ngần ngại, nửa muốn đi tiếp, nửa muốn quay về. Tôi nói nhỏ: Em chú ý nói năng cho khéo nhé, đùng làm ầm ỉ, xấu chàng, hỗ ai mà. Quỳnh cười nhẹ: Chị cứ yên tâm, mình là dân từ thành phố về, hành động phải như dân có học, em biết đường cư xử mà…
Quỳnh chận một cậu bé đang dắt trâu đi ngang, hỏi thăm đường về nhà bà Hậu. Cậu ta chỉ một ngôi nhà ở cuối xóm, có trồng mấy cây cau cao vút: nhà mệ Hậu đó chị ơi, nhưng chẳng có ai ở nhà đâu, đi vắng cả rồi! Tôi ngớ cả người: sao nhà họ lại đi vắng vào lúc này? cô Hà đang bụng mang dạ chửa, không ở nhà nghỉ ngơi, còn đi đâu nữa?
Quỳnh đảo xe một vòng trước sân, chúng tôi cùng bước lên thềm, xem xét. Nhà ba gian, hai chái khang trang, có sân gạch, vườn rộng đầy cây ăn quả, có chuồng heo, ao cá khá rộng, chắc kinh tế cũng khá. Cửa chính khoá trái, nhưng nhìn vào vẫn thấy một chiếc xe máy, loại Dream Thái hẳn hòi chứ không phải của Tàu, vật dụng trong nhà tương đối đầy đủ, từ chiếc TV Samsung 20 inches màn hình phẳng đến bộ giàn karaoké Toshiba khá hiện đại. Tôi bần thần tự nghĩ: không biết kinh tế gia đình này so với gia đình tôi, bên nào hơn?
Có lẽ Quỳnh không suy nghĩ lẩn thẩn như tôi, nó đang nóng lòng biết sự thật nên đề nghị tôi cùng sang nhà hàng xóm tìm hiểu thêm. Sang ngôi nhà đối diện, chúng tôi gặp một bà cụ già đang trông cháu trong bếp, lân la tìm hiểu thêm chi tiết về gia đình này. Hiểu phong tục ở nông thôn, chúng tôi không dám đề cập ngay đến mục tiêu chủ yếu, chỉ bảo là từ Huế về thăm gia đình bà Hậu có câu chuyện cần bàn… Gặp bà hàng xóm hay chuyện, chúng tôi khai thác được khá nhiều điều (quả thật, ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ): chồng bà Hậu là bộ đội phục viên, hiện đang là Phó chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh của xã, vừa là Tổ trường Tổ Mây tre, một ngành tiểu thủ công nghiệp của địa phương; bà Hậu trước đây là Thanh niên xung phong, bây giờ là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã (càng tốt, chúng tôi càng dễ đề cập đến việc giải quyết mối quan hệ giữa chồng tôi và cô Hà); cậu con trai cả là đại đội trưởng trinh sát ở Lạng sơn, đã lấy vợ là giáo viên cấp I ở đó, có 2 cháu còn nhỏ; cậu con trai thứ hai vừa mới nhập ngũ tuần trước, đang được huấn luyện tân binh ở Nghệ an…
Quỳnh nóng ruột chen vào: Thế ông bà Hậu có con gái không hả bà? Bà cụ chép miệng: Có, tội nghiệp…, đúng lúc đó thì cháu bà đang ngủ lại giật mình khóc váng lên, bà quay lại dỗ cháu, không biết hai chúng tôi đang nóng ruột chờ bà tiếp tục câu chuyện dang dở. Mười phút sau, cháu mới nằm yên, bà kéo chúng tôi lên nhà trên, dặn nhỏ giọng để cháu khỏi giật mình, rồi tiếp tục: Con bé mất rồi, tội nghiệp… (tôi giật mình, thư mới gởi đó mà, sao nhanh thế? và cố nén một tiếng thở phào ích kỷ). Mọi người đều thương tiêc nó, hy sinh đúng vào năm 1975, lúc giải phóng Huế, thật thương tâm, nó là chị cả trong nhà, làm gương sáng cho các em noi theo (không, thế thì còn người con gái khác nữa mà). Tôi nghẹn giọng, may có Quỳnh hỏi thay: Bà ơi, thế nhà ấy không còn cô con gái nào nữa à? Bà cụ chậm rãi: Không, ông bà chỉ có tất cả ba đứa, tôi kể hết rồi. Tôi dồn hết can đảm để hỏi: Thế cô Hà là cô nào hả bà?
Bà cụ tròn mắt nhìn tôi, không biết bà nghĩ gì mà ngớ người ra một hồi lâu, rồi bà lắc đầu: Làm gì có cô Hà nào, nhà ấy chỉ có cô Minh đã mất, cậu Anh ở Lạng sơn, và cậu Hà mới nhập ngũ! Lời bà nói thật từ tốn, chậm rãi, mà chúng tôi nghe như sét nổ ngang tai. Hoá ra, ”em Hà” được kể trong thư là ... đàn ông, cùng giới với chồng tôi, vừa mới nhập ngũ mấy hôm…
Chúng tôi tẽn tò đứng lên, định chào bà cụ để cáo lui, vì thấy mục tiêu chuyến đi đã lệch hướng rõ ràng, dù trong bụng vẫn băn khoăn, không hiểu dòng máu của chồng tôi ghi trong thư nhận được thực chất là gì? Đúng lúc đó, bà cụ chỉ sang nhà bên cạnh,giọng linh hoạt hẳn lên: Kìa, bà Hậu đã đi chợ về rồi! Hai cô sang hỏi thăm đi. Rồi bà cao giọng: Ớ bác Hậu ơi, có hai cô trên Huế về thăm em Hà này.
Bà Hậu tất tả chạy sang ngay. Biết chúng tôi từ Huế về, sau một hai phút ngờ ngợ, bà hỏi chúng tôi có phải người nhà của anh Kỷ không? Gia đình chúng tôi có quen ai ở Huế đâu, chỉ có mỗi một lần vừa rồi phải đưa em lên Huế để mổ, mới gặp anh Kỷ thôi. Mời hai cô uống nước đi, hôm nay đã về được đây thì xin dùng với chúng tôi bữa cơm rau, chúng tôi vẫn mong có được dịp may như thế này. Quý hoá quá!
Mặc dù chúng tôi đã cố khước từ, bà vẫn vồn vã mời chúng tôi về nhà, tất tả thổi cơm, bắt gà làm thịt, sau khi đã điện về cơ quan chồng tôi (bây giờ tôi hết muốn gọi bằng lão rôi) báo tôi bận việc, đến chiều mới về đến nhà, đón thằng em luôn (thằng anh trưa nay đi dự sinh nhật của bạn). Suốt bữa cơm, tôi lẳng lặng ngồi nghe bà kể chuyện, uống từng lời của bà cụ chất phác, mẹ của em Hà, và ngấm ngầm tự hào lắng nghe lời bàn luận của ông cụ, ba của em Hà, vừa mới từ Tổ Mây tre về nhà dùng bữa trưa:
“... Hôm đó trời mưa to, em Hà mang dây nài trèo lên cây cau trước nhà để hái buồng cau chuẩn bị cho ngày giỗ sắp đến. Không ngờ dây nài cũ quá nên đứt, em rơi từ cây cau xuống, không bám víu vào đâu được nên bị gãy xương chân... Đến khi nhập viện, phải chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế, em Anh ở Lạng sơn mới gọi điện về, bảo đã liên lạc nhờ anh Kỷ là đồng đội cũ ở Lạng sơn giúp đỡ, hiện nay anh ấy đang công tác ở Trường Y, rất quen biết, gần gũi với các thầy thuốc ở bệnh viện... Khi sắp phẫu thuật, bác sĩ điều trị bảo cần chuẩn bị máu để chuyền cho em, chúng tôi chẳng biết chạy tìm ở đâu ra, mà gia đình chúng tôi (bà cười chữa thẹn) sợ bị lấy máu lắm, cô thông cảm, ở nông thôn mà!... Đến khi anh Kỷ biết em Hà cùng nhóm máu B, anh xắn tay áo lên cho máu ngay, tôi đâu có ngờ người ta lấy của anh gần nửa lít máu (tôi biết chồng tôi đã cho đúng 2 đơn vị), cho xong rôi anh ấy đi ngay, bảo đã đến giờ dạy học, tôi chỉ kịp ghi địa chỉ của anh ấy... Mãi đến khi em Hà bình phục hẳn, đúng đợt tuyển quân, chúng tôi chuẩn bị cho em nhập ngũ, chỉ kịp viết mấy dòng cho anh Kỷ (suýt nữa tôi phì cười, nhớ lại những hiểu nhầm của mình qua những dòng thư chân thật - nhưng nghe thật văn vẻ, nên gây hiểu nhầm - của bà cụ)... Các cô ơi, đúng là ông Trời có mắt, gia đình tôi có 3 cháu nhập ngũ, không những được cấp bảng vàng danh dự mà còn có được anh em bộ đội quan tâm giúp đỡ...” (ông cụ nhường cho bà nói hết, chỉ chen vào: “Bộ đội cụ Hồ là thế đó bà ạ, không bao giờ quản ngại khi giúp được ai đâu, tôi đã là bộ đội, tôi biết mà...”)
.....
Buổi chiều hôm nay, gia đình chúng tôi tổ chức bữa cơm khá thịnh soạn, có cả Quỳnh tham dự. Tôi đã dặn Quỳnh tuyệt đối không được kể lại chuyện sáng hôm nay (ngượng chết!), mà con bé ngồi ăn cứ tủm tỉm cười suốt bữa cơm, làm tôi chột dạ chẳng dám nói gì nhiều. Đến khi con tôi vô tình kể: Mẹ ơi, lớp con có một bạn mới, tên Thanh Hà, ban đầu cả lớp thấy bạn để tóc dài, tưởng là con gái, sau thấy bạn đi tiểu mới biết, hoá ra bạn là con trai, Mẹ ạ, thì Quỳnh phá lên cười sặc sụa, tôi ngượng chín cả người, chỉ riêng ông chồng tôi vẫn ngơ ngác nhìn mọi người, chẳng hiểu tí gì…
(viết nhân ngày Hiến máu Nhân đạo 7/4)
04/2003

1 nhận xét: