Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

Truyện ngắn 49

 

ÔNG DƯỢNG VÀ BỐ GIÀ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Khi đọc tiêu đề của mẩu tâm sự ngắn ngủi này, xin mọi người chú ý đến dấu sắc trong từ BỐ, tránh nhầm lẫn thành dấu huyền ra chữ BỒ tối kỵ: tôi là con gái vừa trưởng tràng, vừa út ít của Ba Mẹ, hồi học phổ thông đã dự thi Nữ Sinh Thanh Lịch (và vinh dự đạt giải ba) ở ngôi trường nổi tiếng đất cố đô, sau ngày thống nhất đất nước đã đổi tên từ một nhà vua triều Nguyễn thành nữ vương anh hùng đất Việt…

Gia đình bên Ngoại tôi vốn hiếu học: ông Ngoại, một cụ đồ nho (như trong thơ của Vũ Đình Liên) cùng bà ngoại (chỉ biết tề gia - nội trợ) nhắc nhau nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm, tiết kiệm để nuôi con cái ăn học đến đại học, vào thời kỳ xã hội đang khuyến khích phổ cập tiểu học. Mẹ tôi là chị, học ngành Kinh Tế, được bổ nhiệm làm kế toán, và thăng dần thành kế toán trưởng Công ty Dược phẩm Thành phố; cậu út Tuân, chỉ ba năm sau khi học xong sư phạm Toán, vừa dạy phổ thông vừa học thạc sĩ, được trường QH danh giá tin tưởng, phân công dạy lớp Toán chuyên… Học theo ông bà ngoại, Mẹ luôn khuyên tôi: Người ta hay nói: Con gái có thì, nhưng Mẹ muốn con tập trung cho việc học, ít ra là bằng Mẹ, rồi mới tính chuyện hôn nhân. Do đó, Nhà ngoại - dĩ nhiên cả Mẹ, xem từ BỒ là cấm kỵ đối với tôi, tuổi đã hơn 18… Về chuyện này, quan niệm của nhà Nội, đúng ra là của Ba tôi (ông Nội mất sớm, mấy đời rồi đều độc đinh), lại hoàn toàn trái ngược, theo Mẹ nhận xét. Ngày tôi chào đời, sinh khó phải can thiệp, bác sĩ bảo về sau, khả năng Mẹ có thai rất thấp, Ba định đặt tên con là Hùng Anh cho có vẻ con trai, Mẹ phải nói mãi để đổi tên Hùng thành Quỳnh… Năm tôi lên sáu – vừa vào lớp một, Ba đã mấy lần bị bạn bè dè bỉu vai trò ông ngoại muôn năm, đã thuyết phục Mẹ cho tôi cắt tóc demi-garçon, mặc trang phục áo chemise, quần short, giày bata như con trai, thậm chí đăng ký cho tôi gia nhập môn phái Vạn An để trau dồi võ thuật; tóm lại, Ba muốn tạo tôi thành hình tượng một trượng phu tóc dài. Đôi lúc nhìn khung ảnh lộng kính, chụp tôi còn hỉ mũi chưa sạch, xúng xính trong bộ võ phục đen tuyền, trang trọng treo trên tường, bên cạnh ảnh của Ông Bà Nội và Ba Mẹ ngày cưới, tôi nghĩ mình là cô công chúa, sống trong lâu đài hạnh phúc mà không phải ai cũng có... Theo nhiều người nhận xét, tôi có tính cách nam giới, rất mạnh mẽ, quyết liệt, hễ bọn con trai cùng lứa khiêu khích là xắn tay áo xông vào, ục nhau ngay. Thình thoảng, tôi tâm sự với Ba Mẹ: Phải gì nhà mình có thêm đứa em trai nữa là đủ tiêu chuẩn điểm mười, Ba Mẹ nhỉ!

Từ tuổi 15, Ba rất gắn bó với tôi, theo thông lệ các buổi sáng trước khi đi làm hay rủ tôi chạy bộ mấy vòng, qua hai chiếc cầu vắt ngang sông,  rồi về ăn sáng ở quán điểm tâm – giải khát Trâm cạnh Cercle nautique, theo công thức tô-ly-điếu; tôi thường nhanh chóng thanh toán tô bún giò, ly bạc xỉu, trừ điếu thuốc lá Marlboro là nhường lại cho Ba. Sang 16, thỉnh thoảng tôi còn được Ba kéo đi cùng, đến  các buổi liên hoan để phá mồi, ở đó bạn bè trong Đội Xe của Ba thường ngâm thơ, không biết chép của ai: Cháu là con gái Trời cho đẹp, Tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi! và đòi gởi rượu bia (thay vì gởi gạo) cho cô con gái rượu của Ba. Ba hay chép miệng: Con gái là con người ta, lớn mau đi cho Ba gả chồng, Ba sẽ nhận rể làm con trai… Mẹ chỉ ủng hộ các hoạt động thể chất, bảo vận động càng khỏe người, hay nhắc tránh ăn nhậu nhiều, chỉ bắt đầu lên tiếng phản đối Nó là con gái mà! trong buổi tiệc sinh nhật ở tuổi 17 tổ chức ở nhà, Ba nghe các chú trong Đội Xe của Công ty Vận Tải, bảo nam vô tửu như kỳ vô phong, ép tôi uống một chén mắt trâu quốc lủi… Quả thật, các thứ rượu nhẹ, rượu mùi… tôi còn ngửi thấy mùi thơm, nhắp môi thấy nhẹ nhàng lâng lâng, chứ quốc lủi đưa đến gần mũi đã muốn sặc... Từ đó, tôi gần gũi với Mẹ và nhà Ngoại hơn với Ba, khi cậu Út xem như cuốn từ điển sống về Toán, môn học mà tôi rất ngại suốt mấy năm phổ thông, Mẹ thường chăm sóc và hỗ trợ tôi giải quyết những vấn đề thuần túy phụ nữ, ngay Giải ba Nữ Sinh Thanh Lịch của tôi cũng nhờ công sức tư vấn của Mẹ khá nhiều…

Sau khi nhận giấy báo tốt nghiệp trung học phổ thông, ngày tôi chuẩn bị xong hồ sơ nộp để thi vào khoa Anh trường đại học ngoại ngữ, cũng là ngày mà tôi đối diện một sự kiện quá quan trọng, mới nghe tưởng là tin vui, sau nghĩ kỹ, tôi mới thấy chẳng vui chút nào... Sáng đó, chạy vận động buổi sáng xong, tôi vào quán Trâm với Ba; ăn xong tô bún bò giò heo, đang nhâm nhi ly bạc xỉu pha kiểu Saigon, tôi nghe giọng Ba trầm trầm: Ba báo với con một tin vui: tháng sáu qua, nhà mình đã đạt tiêu chuẩn điểm 10 mà con mơ ước từ nhỏ… Tôi tròn xoe mắt, mở to miệng nghe Ba nói tiếp, giọng hơi ngập ngừng: … Con đã có em trai, tên em là Zil, con gọi là Jean cũng được. Tôi ngớ người, nhớ lại hồi tháng sáu, Mẹ cùng cô Hằng, Giám đốc Công ty vào Khánh Hòa một tuần để họp với Tổng Công ty, sinh em đâu mà nhanh thế? Tôi vừa ấp úng: Nhưng Mẹ…, đã nghe Ba nói nhanh: Mẹ chưa biết đâu, Ba báo cho con trước, rồi chiều nay Bà Nội sẽ nói với Mẹ, thế là họ Huỳnh nhà mình có cháu trai nối dõi rồi! Mẹ của Zil là dì An, bạn học cũ của Mẹ, thỉnh thoảng con có gặp đó! Bàng hoàng như bị sét đánh ngang tai, ly bạc xỉu ngọt ngào trở nên đắng ngắt khi tôi nghĩ: cậu em Zil bắt đầu chen vào giữa tôi và Ba Mẹ, đằng sau nó là dì Thiên An quen thuộc, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt lá dăm sắc sảo bỗng trở nên lạnh lẽo như của bà dì ghẻ, mụ phù thủy trong các truyện cổ tích…

Chiều hôm đó, bà Nội  đến nhà, đuổi tôi lên gác học bài, rồi rì rầm nói chuyện với Mẹ, tôi chỉ nghe loáng thoáng mấy tiếng vọng qua khe ván gỗ của sàn gác: … cháu trai chống gậy… nối dõi tông đường… khai sinh cho cháu nội… Nhìn qua khe gỗ, tôi thấy Mẹ lẳng lặng nghe, không nói một tiếng, giữ thái độ câm lặng suốt thời gian dài bà Nội nói, đến cuối buổi lấy tờ giấy trắng rồi ký tên phía dưới, thật dứt khoát rồi đưa cho Ba và Bà Nội. Tôi biết sau đó, Ba đã vận động Tòa Án thực hiên nhanh thủ tục ly hôn với Mẹ, để hợp lý hóa khai sinh cho Zil, rồi Ba cũng báo cho tôi, xem như đã báo với Mẹ: Ba sắp đi công tác liên tục thường xuyên, nên đến ở hẳn trong Khu tập thể Đội Xe - hay một nơi khác, tôi không rõ. Đến cuối tháng, khi tình cờ cầm bản sơ yếu lý lịch tự khai trong hồ sơ ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn 12A, thấy tôi viết về phần cha: Huỳnh Hữu Tuệ (đã chết), Mẹ bật khóc rồi ôm tôi, ngậm ngùi nói với giọng đứt đoạn: Bây giờ, chỉ có con là hiểu Mẹ… Thật tình, với Mẹ, ba Tuệ không còn tồn tại nữa. Tôi hiểu nỗi lòng của Mẹ, và trong thâm tâm, không muốn nhắc đến từ BA quen thuộc ngày nào, mà quyết định chuyển sang cách xưng hô mới, đầy mỉa mai, khi đã trót gọi người bạn học quý báu của Mẹ là dì An: dượng Tuệ.

Câu nói Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai không hiểu sao lại hiệu nghiệm với tôi đến như thế. Đang nẫu ruột vì chuyện dượng Tuệ nửa đường đứt gánh với gia đình, tôi càng xuống tinh thần, định bỏ học luôn khi lại nghe cậu út Tuân báo với Mẹ, em đã có giấy gọi đi học tiến sĩ ở Pháp, dự kiến trong ba năm. Cuốn từ điển sống về Toán chuẩn bị biến mất, chắc tôi bỏ thi đại học thật… Thấy tôi ngã lòng, cậu động viên: yên tâm đi, cháu đã có kiến thức căn bản, chỉ cần quyết tâm; cậu sẽ nhờ bạn thân của cậu, thay cậu kèm Toán cho cháu, chỉ vài ba tuần là OK; hồi học sư phạm, cậu Trung là bộ đội chuyển ngành, nhưng học ngang ngửa với cậu đó! Yên dạ phần nào với lời cậu út, tôi bắt đầu ôn tập dần hai môn Anh ngữ và Văn – Tiếng Việt, chờ tập trung đầu óc để luyện môn Toán với thầy Trung…

Thầy Trung ban đầu chỉ đơn giản tự giới thiệu là bạn học cũ của Tuân - cậu út tôi, nhưng đã khai sáng đầu óc vốn mù mờ về môn Toán của tôi rất nhiều: những kiến thức cơ bản khá hỗn độn, dung nạp từ cậu út, được hệ thống lại một cách logic, thật sáng sủa, rõ ràng, tôi có thể mạnh dạn tự hỏi Thế thì môn Toán phổ thông có gì phức tạp đâu? Có điều, tôi phải động não rất nhiều trong mỗi buổi học với thầy Trung, mỗi tuần học đúng ba buổi chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy (là những buổi chiều thầy rỗi việc), mỗi buổi 2 tiết, học xong buổi nào tôi thấy phấn khởi, nhưng cũng mệt phờ người... Không biết thầy công tác ở đâu? Có lần đang buổi học, điện thoại bàn reo, tôi nghe thấy giọng nam giới Bắc kỳ, chắc khá lớn tuổi, rất trịnh trọng: Xin lỗi, có phải số … không, tôi là Hữu, xin được gặp thầy Trung… nên tôi đoán công việc của thầy có ít nhiều liên quan đến giáo dục… Đến ngày thi, Mẹ bận họp sơ kết quý, (dương Tuệ báo đang nghỉ phép, đi du lịch ở Phú Quốc với mẹ con cu Zil), thầy nhận chở tôi đi và đón về cả 3 buổi thi, mỉm cười nói khi Mẹ sợ phiền thầy: Vía tôi nhẹ lắm, hy vọng cháu sẽ đậu…

Một tháng sau, trường đại học báo kết quả thi tuyển, tôi phấn khởi mang giấy báo trúng tuyển vào ngành Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ khoe với Mẹ, ông bà Ngoại, và thầy Trung (khi đó đang ngồi đánh cờ tướng với ông Ngoại, hai người trước đó đã nhanh chóng kết bạn vong niên), ông Ngoại xoa đầu tôi, khen giỏi, còn thầy chỉ cười: Thầy hy vọng cháu được 9 điểm Toán kia. Tôi chụp ảnh giấy báo gởi qua mail cho cậu Út. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định photocopy tờ giấy báo, bỏ vào phong bì gởi bưu điện đến: ông Huỳnh Hữu Tuệ, Đội Xe Cơ Giới, Công ty Vận tải…: theo huyết thống, dượng cũng là người sinh thành ra tôi, thỉnh thoảng có hỏi thăm tôi về việc học…

Năm đầu tiên học ở ngôi trường mới vừa tách ra từ mấy khoa chuyên ngữ trường đại học sư phạm, qua vài lần sinh hoạt lớp, biết điểm Toán  khi thi tuyển (được 8.5 – là công kèm cặp của cậu út và thầy Trung, hơn cả nửa số điểm chuẩn 16.5 mà tôi đạt vừa đúng) và khả năng kế toán đã học được từ Mẹ, các bạn trong lớp tín nhiệm bầu tôi vào Ban Cán Sự, phụ trách đời sống. Mẹ nghe thuật chuyện, không vui lắm khi muốn tôi tập trung cho học tập chuyên môn. Ngược lại, dượng Tuệ - suốt ngày cầm tay volant chiếc Zil ba cầu, không quan tâm mấy đến việc học tập, chỉ nói lửng lơ, chắc lấy thông tin từ mấy ông bạn nhậu: Lớp phó phụ trách học tập hay đời sống, thứ gì cũng tốt, xếp loại cuối năm đều được cộng điểm ưu tiên. Tôi tự biết lực học của mình, khi thi đạt vừa đúng điểm chuẩn tuyển vào, nhờ môn  Toán - sẽ không gặp lại suốt mấy năm học, làm sao sánh chuyên môn bằng các bạn khác mà có thể phụ trách học tập?

Tình cờ sau này tôi mới hay (thông qua ông Ngoại), thầy Trung ngoài việc dạy Lớp chuyên Toán phổ thông ở đại học khoa học, còn điều hành một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị Tin học trong thành phố: thầy Trung là cán bộ trong biên chế nhà nước, theo Luật Giáo dục không được phép đứng đầu doanh nghiệp tư nhân, nên thầy cân nhắc rồi nhờ ông Ngoại đứng tên Giám đốc doanh nghiệp giúp, chỉ ký tên vào những văn bản thầy ký nháy trước. Khi bạn bè ông Ngoại sợ bị thầy lợi dụng, lấy tấm gương Topaze trong vở kịch cùng tên của Marcel Pagnol để ngăn cản, Ông cười khà khà: Tôi hay chơi cờ với cậu Trung, thấy nước cờ minh bạch, thoáng đãng, nên biết Trung là bậc quân tử, rồi mạnh dạn đồng ý, chỉ yêu cầu không nhận đồng lương nào, chỉ đứng tên trên danh nghĩa! Thầy Trung chấp nhận, xin được đặt một máy điện thoại bàn (khá hiếm hoi thời đó) tại nhà ông Ngoại để tiện liên lạc, chi phí hàng tháng do doanh nghiệp chi trả, xem như tiêu chuẩn của giám đốc... Ông Ngoại giữ ý, dặn bà Ngoại và các con cháu không được gọi điện thoại đường dài. Thầy Trung quá cảm động, đề nghị ông bà Ngoại nhận thầy làm con đỡ đầu. Được đồng ý, thầy mang mấy đĩa xôi, con gà đến cảm ơn, và xin phép chỉ gọi là Ông, Bà (thay các cháu con thầy), tránh không gọi là Ba, Mẹ - để giữ tiếng cho Mẹ tôi… Riêng với tôi, thầy tâm sự: Vợ chồng thầy không có con… mỉm cười, giải thích thêm cho rõ ràng khi thấy tôi tròn mắt: … chỉ có hai thằng, nên mơ ước có được một cô con gái, nay có con… Cô Hoa, vợ thầy đã đến gặp Mẹ, xin nhận cháu Quỳnh Anh là con đỡ đầu, có nêu thắc mắc không biết ý ba cháu ra sao? Mẹ thẳng thừng: Mẹ con tôi đồng ý là đủ, Cô ạ! Tôi giơ hai tay,reo to: Con đồng ý hai tay, cả hai chân nữa! Mẹ mỉm cười, nhắc: Cẩn thận con, khéo ngã bây giờ…

Hai năm sau, ông Ngoại mắc chứng ung thư vòm họng, không đi lại được nhiều, thầy Trung nhận nhiệm vụ hàng ngày đến xoa bóp, tập vận động chân tay cho Ông, theo hướng dẫn của ngành phục hồi chức năng ở bệnh viện: bệnh tình ông Ngoại không thuyên giảm, nhưng tinh thần thấy thoải mái hơn nhiều. Những lúc thấy khoe khỏe, ông Ngoại lại lôi bàn cờ ra, kỳ kèo bác Trung (tôi đã mạnh dạn gọi thầy bằng Bác – anh của Mẹ - rồi) làm vài ván giải khuây, nhiều lần bà Ngoại phải can thiệp, để cho thầy làm nhiều việc khác. Những việc nặng nhọc trong nhà, trước đây do ông Ngoại hay cậu Út đảm nhiệm, nay ông ngoại đau yếu, cậu ở xa, các con cậu còn nhỏ, ham chơi, thầy Trung xắn tay áo làm tất. Đặc biệt, thầy rất đồng cảm với ông Ngoại về ý nguyện xây dựng Quỹ Khuyến học cho Phái 5, dòng họ của ông Ngoại, hai cha-con đỡ đầu bàn luận các chi tiết thực hiện khá tâm đắc: hàng năm các nhà hảo tâm trong Họ (cả bác Trung) đóng góp để làm phần thưởng cho cho con cháu trong dòng họ, có giấy chứng nhận Học sinh Giỏi, các cấp tiểu học, trung học (cơ sở, phổ thông), theo quy định cấp càng cao, phần thưởng càng lớn; ngày phát thưởng là ngày chạp họ, Quốc Khánh 02/09 hàng năm, để nhiều người cùng được nghỉ… Riêng dượng Tuệ có đến thăm Ông một hai lần, lần nào ngồi được năm mười phút, cũng xin kiếu với lý do … cháu Zil đi tướt… cháu Zil mọc răng…

Rồi cũng đến ngày ông Ngoại nhắm mắt, xuôi tay dù chưa đến tuổi 80, sau mấy tháng chịu đựng khối u với morphine do bệnh viện cấp. Mẹ gởi mail ngay cho cậu Tuân ở Pháp, cậu đang trong thời kỳ cuối của luận án nên bận bịu đủ thứ. Trong mail trả lời, cậu bảo sẽ xin Hội Đồng hoãn ngày bảo vệ luận án một thời gian để về quê trong chuyến bay sớm nhất, lo việc tang ma, rồi sẽ qua lại, xin bảo vệ sau. Ở nhà, thầy Trung lo đặt áo quan, nhờ người khâm liệm, chuẩn bị bàn thờ, xe đưa đám tang như đang lo chính đám tang của cha ruột mình. Dượng Tuệ có đến, xin bà ngoại đeo khăn tang, nghĩa tử là nghĩa tận, bà ngần ngừ nhìn tôi đang vận tang phục, rồi gật đầu. Khách đến viếng tang khá đông, nhiều người quan sát rồi nhận xét: Trưởng nam thừa trọng đi xa, chưa về kịp mà gia đình con gái tổ chức chu đáo quá!  Dượng Tuệ giả lả, để mọi người hiểu sao cũng được: Có gì đâu… Thấy không ai nói gì, tôi mấp máy môi, định lên tiếng: số lần con rể quý đến thăm Ông khi còn sống, đếm chưa hết một bàn tay… thì Mẹ kịp thời đưa mắt ngăn lại… Sau đó, dượng Tuệ ít thấy xuất hiện trong đám tang.

… Tôi đang quấn lại khăn tang trên đầu đang bị sổ ra, nghe rõ cụ Sanh, bậc cao niên trong họ được mời làm chấp lệnh - thực hiện các nghi thức tang lễ rất bài bản - lúc vắng khách đến viếng tang, hỏi cậu út Tuân vừa về đến nhà, thay bộ complet bằng quần áo tang của Trưởng nam, gậy tre, mũ rơm đầy đủ: vậy anh Trung là gì trong nhà, không mang khăn tang mà bất cứ việc gì, ngay cả anh là Trưởng Nam, cũng hỏi ý kiến anh ấy? Cậu út cung kính trả lời: Thưa Cụ, anh ấy chỉ là bạn của cháu, được Ba cháu nhận làm con đỡ đầu, đã thay cháu lo liệu công việc mấy bữa nay. Anh Trung có xin phép Gia đình không mang khăn tang để tránh cho mẹ ruột đang còn sống với tuổi gần 90. Cụ Sanh gật gù: Phải, phải…

Lễ cúng Tuần thứ sáu, chuẩn bị Lễ Chung Thất vào tuần sau, bà Ngoại bảo cậu Út mời bác Trung đến cúng cơm, có chuyện cần bàn… Tôi thấy hơi lạ vì lần cúng Tuần nào, bác cũng đến, quỳ lạy và ở lại hưởng lộc của ông Ngoại. Chắc việc quan trọng cần bàn là chi tiết Lễ Chung Thất vào tuần sau, tôi nghĩ vậy. Nhưng nội dung hoàn toàn khác. Sau bữa cơm chay, bà Ngoại mời Bác dùng trà và nhẹ giọng: Cả nhà rất hiểu tấm lòng của Trung đã lo cho Ông trước và sau khi nằm xuống, bác Trung ấp úng: … Thưa Bà, có gì đâu… vẫn nội dung như lời dượng Tuệ với khách viếng tang, nhưng về ý nghĩa, mọi người trong nhà cảm nhận hoàn toàn khác. Bà đưa tay chỉ Mẹ và cậu út ngồi bên, mỉm cười tiếp tục: Nhân tiện có cháu Tuân và cháu Mai là chủ tang và chủ phụ của tang lễ, tôi thực hiện ý nguyện của Ông, muốn để lại cho Trung một món quà nhỏ. Đây là tấm lòng, là Lộc của Ông, mong Trung đừng từ chối. Như đã chuẩn bị sẳn, Mẹ tôi đưa cho bác một phong bì, tôi thấy rõ dòng chữ ghi tên bác và con số hai mươi triệu đồng (tôi biết khoản tiền này tương đương hai lượng vàng theo thời giá). Bác Trung chớp mắt: Tấm lòng của Ông Bà, con xin nhận lãnh. Thưa Bà, khoản tiền này, con dùng làm gì cũng được, phải không ạ? Bà Ngoại trầm ngâm, rồi gật đầu: Đúng thế!

Nửa tháng sau, tôi mới biết mục đích sử dụng khoản tiền đó của bác Trung. Sau Lễ Chung Thất, cậu Mẫn, em con chú, con bác với Mẹ, ngồi lại nói chuyện với Gia đình. Cậu được dòng họ cử Phụ trách Quỹ Khuyến Học của dòng họ (từ khi ông Ngoại còn sinh thời). Năm tới đây, sẽ không có phần thưởng cho học sinh cấp phổ thông trung học (khó đạt Giỏi lăm) nữa, mà sẽ chuyển thành Học bổng mang tên Ông Ngoại tôi, chi phí lấy từ tiền lãi gởi Ngân hàng của khoản tiền hai mươi triệu đồng từ một nhà hảo tâm ẩn danh, bây giờ sổ tiết kiệm đứng tên cậu Mẫn… Tôi hiểu bác Trung đã thể hiện tâm nguyện của ông Ngoại yêu quý của tôi thật chu đáo.

Tôi hỏi riêng bác Trung: Bác ơi, bây giờ đối với con, Bác đã như người cha, chứ không chỉ là anh của Mẹ nữa! Con đã trưởng thành rồi, nên xin được gọi Bác là Ba, bác Hoa là Mẹ, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của các từ ấy, được không ạ? Bác cắn môi, trầm ngâm rồi trả lời: Với bác Hoa thì được, nhưng với bác đây thì không nên. Con phải giữ tiếng cho Mẹ con, đừng để thiên hạ đàm tiếu. Con có thể gọi Bác là Bố Già, kiểu như GodFather của Mario Puzo ở đảo Corse nước Ý.  Tôi suy nghĩ và tuyên bố, rõ ràng từng tiếng một: Năm sau con ra trường, xin đăng ký góp tháng lương đầu tiên vào quỹ Học bổng mang tên Ông, và mỗi tháng tiếp theo, con xin đóng góp 3% thu nhập hàng tháng…

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Truyện ngắn 48

 

DI DỜI KHU MỘ TỔ TIÊN

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Sau khi thắp mấy nén hương, lâm râm khấn vái trước bàn thờ, Ba gọi tôi vào Phòng đọc sách. Gọi là Phòng đọc sách của Gia đình, thật ra là Phòng khách dành riêng cho Ba… Phía sau chiếc tủ nhiều ngăn khá lớn, cao đến trần nhà, có cửa kính chắn bụi, chứa đủ loại sách Đông phương kim cổ mà Ba thường đọc, là bàn thờ gỗ gụ, với các bát hương của ông bà nội, thấp hơn một chút là của Mẹ, đã mất cách đây mấy năm, sau cơn bạo bệnh. Trước bàn thờ là bộ trường kỷ, thường chỉ dùng để tiếp khách trang trọng của Ba…

Lịch sử về bộ bàn thờ - trường kỷ được Ba kể lại, tôi còn nhớ rõ: đầu năm 1975, thấy chiếc bàn thờ cũ trong nhà đã hư hỏng, mục nát, Ba tìm mua ở Pleiku một khối gỗ cẩm lai, thuê chú Hiền thợ mộc có tay nghề cao, đóng chiếc bàn thờ mới, loại có chốt bằng thép thay mộng bằng gỗ để dễ tháo lắp, nhân tiện đóng luôn bộ trường kỷ… Ba Mẹ tôi vừa mới cúng xong bàn thờ mới, thắp được vài tuần hương, thì cuộc binh biến tháng tư ập đến đột ngột, không kịp trở tay… Tháng sáu năm đó, theo quy định, Ba bắt buộc phải trình diện rồi tập trung học tập cải tạo không biết đến khi nào - ban đầu Ủy ban chỉ phổ biến đem theo 10 ngày lương thực rồi cứ kéo dài mãi… Từ điều kiện vật chất tương đối đầy đủ của gia đình (khi đó, Ba đang là Đại tá, phụ trách Tổng cục Tiếp Vận), cả nhà bắt đầu lâm cảnh túng bấn. Thỉnh thoảng Mẹ phải bán đi một vài vật dụng trong nhà (quạt máy, radio-casette, ti vi, tủ đông lạnh…) để chi dụng hàng ngày. Để duy trì sinh hoạt của gia đình – anh hai và tôi còn ở cấp Tiểu học, Mẹ đã phải tận dụng khả năng học được từ thời con gái với bà ngoại để sinh nhai: hàng ngày làm yaourt, bỏ mối bán khắp thành phố. Công việc đòi hỏi bỏ giấc ngủ trưa để canh mặt trời, sưởi dưới nắng nóng, hoặc thức khuya ủ yaourt trong nước ấm ba sôi hai lạnh khi trở trời, kịp cất yaourt vừa lên men vào trong tủ lạnh - cũng may gia đình còn giữ được chiếc tủ lạnh Hitachi loại trung (trước đây để trong bếp, chỉ dùng cho gia nhân trong nhà), vừa đủ để ủ lạnh yaourt gần trăm thẩu và vài chục gói nylon bán lẻ. Trừ đi tiền điện nước, tiền bỏ mối yaourt hàng ngày, gom lại trong cả tháng vừa đủ cho chi phí thăm nuôi Ba vào đầu tháng, tính thực phẩm khô để bới xách và lộ phí để Mẹ đi đường từ Huế ra tận Hoàng Liên Sơn. Sức khỏe của Mẹ suy sụp dần nhưng Mẹ vẫn cố gượng… Thư Ba gởi về, ngoài việc hỏi thăm sức khỏe mấy mẹ con, phần tái bút có dặn rất kỹ: nhớ không được bán chiếc bàn thờ, cố giữ cho được bằng mọi giá! Đến giữa thập niên 80, Ba trở về nhà, thân thể gầy rộc, da đen sạm, mang theo theo giấy tờ ra trại với nhận xét: đã học tập cải tạo tốt; trong khi theo Ba là: còn sống được nhờ Ơn Trên phù hộ. Hồ sơ xuất cảnh theo diện HO được nhanh chóng hoàn thiện, mấy tháng sau, gia đình bốn người - Ba, Mẹ, anh hai và tôi - đã lọt qua đợt phỏng vấn và nhận vé máy bay sang nửa bên kia của Trái Đất! Trước khi đi, tận dụng tay nghề thợ mộc học được trong trại cải tạo, Ba tỉ mẩn tháo chiếc tủ thờ, bó gọn lại thành khối, gởi theo đường tàu biển sang địa chỉ cậu Hữu, em họ của Mẹ - đang học dở West Point ở New York, Hoa kỳ; ảnh thờ và bát hương thì Ba mang theo người. Riêng bộ trường kỷ, không tháo lắp được, tính tiền gởi theo thể tích thì quá đắt, đành để lại; Ba suy nghĩ rồi đem tặng dì Xuân, chị ruột của Mẹ, đã cùng anh Quang Huy - anh con dì con già của tôi, bằng tuổi anh hai Dũng – nhận trách nhiệm sẽ thay Ba - Ba và ông nội đều là độc đinh của dòng họ Trần, trông coi, hương khói mồ mả khu Trần tộc mộ địa của họ nội ở khu vực Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế, trong đó có phần mộ dượng Yêm, chồng dì Xuân, gốc gác tận miền Tây - sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, tử trận năm 1971, đang tạm trú trong phần mộ họ Trần nhà vợ… Gia đình tôi sang Mỹ, ban đầu tạm định cư ở quận Orange, bang California. Riêng Mẹ, sức lức đã mỏi mòn sau hơn mười năm một mình lo toan cho cả nhà, đã sụp đổ hẳn rồi ra đi vì lao phổi – một trong tứ chứng nan y thời xưa, chụp X-quang thấy hai buồng phổi chỉ còn hoạt động một ít ở chóp đỉnh… Là người rất tự trọng đến mức tự ái, Ba từ chối trợ cấp, giúp đỡ của bạn bè, sĩ quan dưới quyền trước đó, nhận lái xe cho hãng taxi Gold, làm việc ngày đêm để nuôi hai con ăn học… Hai mươi năm sau, anh hai Dũng tốt nghiệp Đại học Ngân hàng ở City University of Seattle, ban đầu được tuyển vào làm Kế toán viên, rồi cất nhắc làm Trưởng phòng Nghiệp Vụ Ngân hàng Goldman Sachs, còn tôi đang theo học Văn hóa Phương Đông năm cuối đại học ở Iowa State University, theo lời khuyên của Ba. Kinh tế gia đình đã khấm khá dần, anh hai khi lên chức Trưởng phòng, đã bỏ tiền mua đất và xây căn hộ khá tiện nghi ở Alum Rock Avenue phía Đông San Jose, vợ chồng anh dần dần nắm vai trò chủ chốt của gia đình trong việc chi tiêu (lúc này Mẹ đã mất), Ba và tôi sống chung nhà với vợ chồng anh (chị hai là Trưởng phòng Nhân sự cùng cơ quan) ở tầng hai - tôi chỉ giữ căn phòng nhỏ cuối dãy khi nghỉ hè về nhà... Cố khôi phục bộ trường kỷ, Ba chấp nhận bỏ tiền mua mấy tấc gỗ bocote ở Mexico có giá cao hơn loại cẩm lai ở Việt Nam nhiều, thuê thợ mộc đóng theo kích cỡ chuẩn - thỏa thuận xong mới biết tiền công thợ mộc ở đây gấp mấy lần tiền gỗ. Trường kỷ đóng xong được sắp trước bàn thờ; tầng hai trở thành giang sơn riêng của Ba: ngoài những công trình phụ, Ba chỉ ra Phòng đọc sách để trò chuyện với con cái hoặc khách bình thường, hoặc ngồi nghiền ngẫm cuốn sách nào Ba thấy hay ho, hay đọc tài liệu hiện đại trên laptop; bộ trường kỷ chỉ để tiếp khách lớn tuổi hơn Ba, như bậc cha chú…

Tôi đã định ngồi ở bàn đọc sách như mọi ngày, Ba đã bảo vào trong, ngồi đối diện Ba trên bộ trường kỷ. Ba thong thả chế ấm trà móc câu, đúng loại Tân Cương ở Thái Nguyên, nước trà trong như ngọc, loại Ba vẫn thường mua ở siêu thị 99 Ranch Market, mỗi ngày chỉ chế uống đúng một ấm. Tôi ngẩn ngơ, hình như đây là lần đầu Ba xử sự với tôi như bậc trưởng thượng… Quả nhiên, Ba đã nêu ra với tôi một vấn đề khá quan trọng: nhân dịp nghỉ hè, gần đến lễ Vu Lan, nhờ tôi thay mặt Ba đang ở tuổi chuối chín cây, về quê hương, chuẩn bị đất đai di dời khu mộ tổ tiên… Trả lời thắc mắc của tôi sao không cử anh hai, trưởng nam gia đình, trưởng tộc dòng họ, Ba lắc đầu: Nó đang lo cho cuộc họp Hội đồng Quản trị vào tháng sau, đâu có quan tâm chuyện này! Tôi chợt nhớ lại lần tranh luận căng thẳng giữa Ba và anh hai trong bữa ăn tối cuối tuần trước – hôm đó chị hai đi dự party sinh nhật bạn: Ba vừa đọc obituary - cáo phó - trên báo biết tin cậu Hữu, em họ của Mẹ, vừa quá cố ở thành phố Los Angeles, California, đề nghị anh hai thay mặt gia đình đến viếng tang, anh nhăn mặt, trả lời: Con đang vận động ý kiến ủng hộ của các thành viên Hội đồng Quản Trị để ứng cử vào chức vụ Phó Giám đốc, chắc bận lắm! Ba điện hỏi số tài khoản của Mợ hoặc các em con Cậu, con chuyển khoản ít tiền viếng tang là được rồi! Ba im lặng không nói gì, hôm sau chỉ lẳng lặng báo đi vắng khỏi nhà mấy ngày. Khi Ba trở về, soạn quần áo của Ba đem giặt, tôi mới thấy cuống vé khứ hồi San Jose – Los Angeles – San Jose trong túi áo… Tôi hỏi chuyện, Ba ngậm ngùi: Mợ Vy, vợ cậu Hữu, và các cháu rất xúc động khi Ba, dù tuổi cao, đã vượt hơn 300 miles đến thắp hương cho cậu Hữu, mợ bảo: ở đất khách quê người, nén hương của bà con cùng quê đủ làm ấm lòng cả nhà… Tôi càng hiểu tâm sự của Ba hơn khi nhớ lại các kiến thức Tâm lý ngành học đang theo đuổi. Thấy tôi im lặng, xem như đồng ý, Ba mỉm cười: Ngày mai Ba book vé khứ hồi Los Angeles – Đà Nẵng cho con, thứ bảy đi, còn ngày về vẫn để open, rồi Ba cầm smartphone hí hoáy một lúc, Ba chuyển vào tài khoản con tám ngàn đô, của Ba chỉ còn chừng đó… Tôi lẩn thẩn tính nhẩm: Ba đã trích 50% trợ cấp thất nghiệp hàng tháng để đưa cho vợ chồng anh hai, vậy dành dụm mấy năm mới được chừng này… rồi Ba trầm ngâm: Về đến Huế, con đừng ở nhà dì Xuân, có thể tạm trú ở nhà dì Huệ, em cậu Hữu, rồi liên hệ với bà con bên nội bàn chuyện mua đất quy tập phần mộ tổ tiên, dự phòng phải di dời phần mộ tổ tiên theo quy hoạch Công viên Văn hóa Ngự Bình. Dự kiến khu vực nhận di dời sẽ là Nghĩa trang Hương Hồ, ở Hương Trà và Nghĩa trang Phú Sơn, ở Hương Thủy. Nhưng có tới hàng ngàn ngôi mộ, địa điểm bố trí sẽ phân tán, khó chăm sóc. Với dì Xuân… Ba im lặng, rồi buông thõng: Ba ủy quyền, con cứ xem tình hình mà xử sự. Nhớ tôn chỉ là mộ di dời cần đặt gần nhau, tiện chăm sóc, các hương hồn ở thế giới bên kia vẫn thấy gần gũi nhau. Tôi uống cạn chén trà như cố nuốt hết lời căn dặn của Ba, thắp hết các bát hương trên bàn thờ, vái bốn cái, rồi quay về phòng, chuẩn bị hành lý, không quên mấy hộp chocolat cho Hồng, bạn thân thiết từ hồi tiểu học, thường xuyên liên lạc bằng e.mail với tôi. Kiểm tra lại tài khoản, ngoài khoản tiền Ba vừa chuyển, tôi vẫn còn mấy trăm đô la, tiền dành dụm khi tranh thủ làm thêm ngoài giờ học ở các quán ăn trong mấy năm học ở Iowa, đủ để chi tiêu cả tháng, không xâm phạm vào khoản tiền Ba gởi. Nghĩ lại, dù sao anh hai Dũng cũng hết lòng lo cho tôi khi hàng năm đều đặn chuyển tiền học phí đến Nhà trường, và tiền lưu trú cho tôi đến đại học xá…

* * *

Bất ngờ đầu tiên tôi gặp là sự chênh lệch giữa gia cảnh dì Huệ và dì Xuân; dù cùng là chị em họ - cậu Hữu, dì Huệ gọi ông ngoại tôi, tức là ba của dì Xuân và Mẹ tôi là cậu, nhưng điều kiện hai nhà thật khác biệt. Tôi chỉ nắm sơ lược thông tin: dì Huệ là cô giáo mầm non đã về hưu non, góa chồng từ khi còn trẻ, chỉ có một cậu con trai; dì Xuân là bác sĩ cũng đã nghỉ hưu, con trai là anh Huy làm ngành địa chính…

Tạm gởi hành lý ở Hồng, tôi đến tìm nhà dì Huệ theo địa chỉ Ba cho, ngớ người khi trông thấy mái nhà nửa tôle (dân địa phương gọi là tồn) nửa ngói, tường xây cũng hơn nửa bằng tableau ciment (dân còn gọi là bờ lô), còn lại xây bằng gạch thẻ đủ loại, là loại nhà mà tôi tưởng sang thế kỷ 21 không còn tồn tại nữa - hỏi Dì thêm mới biết, một phần tư dân địa phương này đều sinh hoạt trong những căn nhà tạm bợ như thế, riêng Dì nhờ cậu Hữu giúp một ít tiền mới mua được nhà này. Nói chuyện được một lát, một cậu thanh niên bước vào, chào tôi. Đó là Nghĩa, con trai duy nhất của Dì, trạc tuổi tôi, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Ngân hàng, đang chạy xin việc, theo Dì kể. Chi nhánh Ngân hàng X đồng ý nhận Nghĩa vào làm nếu thỏa thuận hàng tháng giới thiệu khách hàng gởi tiết kiệm 50 triệu đồng. Suy đi tính lại, Nghĩa tìm đến Huy, con dì Xuân, là anh con cô con cậu – khi học đại học Kinh tế ngành Tài chính, Nghĩa đã làm đơn xin Tổ chức Khuyến học do anh Huy phụ trách, cho vay vốn để ăn học suốt bốn năm, sẽ trả dần khi ra Trường, nhưng bây giờ Huy lại từ chối gởi tiết kiệm vào Ngân hàng X để đầu tư tiền vào việc khác có lợi hơn, theo Nghĩa nhắc lại lời Huy: Trong công việc, không có anh em, bà con, họ hàng… chỉ có đối tác…, đồng thời rủ Nghĩa về giúp việc cho Huy ở Tổ chức Khuyến học, nhưng Nghĩa từ chối vì trái ngành nghề, lại không hy vọng có thu nhập… Tuy nhiên, điều làm tôi ngán sợ nhất nếu ở nhà dì Huệ, là chuyện giải quyết nỗi buồn nhà vệ sinh. Tình cờ, theo Dì ra sau nhà, rửa tay trong lu nước mưa, thấy Dì múc một gáo nước uống ngon lành, tôi lắc đầu từ chối khi Dì mời, Dì thản nhiên bảo tôi chờ một lát để Dì đi giải (!) rồi vào pha trà cho dễ uống, tôi thấy rõ Dì đến ngồi xổm khuất sau bụi dứa… Đến khi uống trà, Dì còn mời: Trưa con ở lại đây, ăn canh cá rô với Dì, cá rô nuôi béo, ngon lắm! Thoáng thấy ao cá có khung tre phía trên được che kín - đúng dạng cầu tõm, tôi vội vàng xin chiếc đĩa, đặt tờ 50 USD xin gởi cúng giỗ dượng Phú chồng Dì, sắp tới, lấy cớ đã hẹn ăn cơm với bạn Hồng, rồi theo xe ôm - dịch vụ này thật khó tìm thấy ở mọi tiểu bang đất Hoa kỳ - tìm đến một khách sạn vùng nhà dì Xuân trước đây – ký ức tôi nhớ rõ ở khu phố Vĩnh Lợi, nay là Phú Hội, được quy hoạch thành khu du lịch trông lạ hẳn. Tôi kiểm tra cẩn thận chất lượng toilette rồi yên tâm đưa hộ chiếu ra, báo với lễ tân sẽ ở lại khoảng hai tuần, hy vọng đến khi đó, công việc đã tạm ổn. Hỏi đến dì Trần thị Kim Xuân, vợ ông Lê Quang Yêm, vẫn không ai biết, đến khi nhắc đến tên Lê Quang Huy con Dì, thì mọi người mới cho biết: anh Huy thuộc Hội đồng Quản trị chuỗi khách sạn ở đây, kể cả khách sạn tôi đang ở. Ngoài ra, anh còn đang là đại gia ngành địa ốc ở thế giới bên kia… Tò mò, tôi hỏi thêm thông tin chi tiết từ chị phụ trách lễ tân: dì Xuân bị tai biến gần chục năm nay, tránh tiếp xúc bên ngoài gia đình, nên ít người biết, riêng anh Huy phụ trách địa chính của Thành phố, đang sở hữu nhiều lô đất, lớn bé có cả, có thể quy hoạch thành nghĩa trang gia đình, nên có khá nhiều người cầu cạnh. Huế là thành phố chú trọng tâm linh, đã có khu An Bằng, nổi tiếng trong và ngoài nước là Thành phố Ma, với nhiều ngôi mộ có chi phí xây dựng bằng cả ngôi biệt thự cao cấp, nhờ tiền con cháu ở nước ngoài gởi về… Trong quy hoạch thế kỷ 21, khá nhiều ngôi mộ cũ sẽ phải di dời (như Trần tộc mộ địa của họ nội tôi), đương nhiên anh Huy có quyền thao túng…, nghe nói giá đất mua cho một ngôi mộ cải táng ngoài quy hoạch khoảng hai chai (tiếng lóng của dân địa ốc, chỉ một triệu đồng). Thông tin này cho tôi thấy ngay con đường liên hệ mua đất để quy tập mồ mả, tính nhẩm khoản tiền hơn tám ngàn đô la (của cả hai cha con cộng lại) theo tỷ giá hối đoái trên thị trường chỉ hơn một nửa chi phí mua đất cho gần trăm ngôi mộ Trần tộc cần cải táng, hy vọng anh Huy nghĩ tình bà con (họ nội của tôi cũng là họ ngoại của anh Huy) mà tính gia hữu nghị cho Trần tộc chăng?

Tôi xin số điện thoại của anh Huy, gọi điện xin gặp anh để bàn chuyện mua đất xây Nghĩa trang cho gia đình. Tôi không muốn xưng là em con dì của anh Huy (tức Mẹ tôi, em ruột của dì Xuân), vì trước mắt, tôi muốn sòng phẳng trong công việc – anh Huy đã chẳng từng nói với Nghĩa, em con dì họ: Trong công việc, không có anh em, bà con, họ hàng… chỉ có đối tác khi từ chối làm sổ tiết kiệm, để giúp Nghĩa có việc làm sao? Anh Huy trả lời trên điện thoại rất lịch sự - với đối tác làm ăn nào chẳng lịch sự, báo đang bận việc ở Đà Nẵng – lại đang theo đuổi một dự án địa ốc ở thế giới bên kia chăng, xin hẹn tôi đến đầu tuần sau sẽ gặp mặt tại nhà để bàn chi tiết. Tôi lẳng lặng ra chợ Đông Ba mua ít hoa quả đến thăm dì Xuân, nghe nói Dì đang nằm liệt trên giường ở nhà, có người phục vụ 24/24 giờ bên cạnh…

Trông qua căn phòng dì Xuân đang nằm, với đầy đủ tiện nghi như vô tuyến truyền hình siêu mỏng, máy điều hòa không khí mát rượi, so với nhà dì Huệ, rõ ràng là hai thái cực… Tưởng chỉ là thủ tục thăm hỏi bình thường, hóa ra qua buổi nói chuyện với dì Xuân đang nằm bán thân bất toại trên giường, tôi mới vỡ vạc ra được khá nhiều chuyện không nghĩ ra được… Nghe tôi tự giới thiệu là con của ba Lý, dì hơi nhổm người lên rồi rơi phịch xuống giường sau khi cố gắng quá sức. Dì trỏ bộ trường kỷ kê đối diện giường cho tôi ngồi, kể lại chuyện ngày trước, giống như Ba tôi đã từng kể lại: Năm 1971, trước khi dì sang nhận hài cốt Dượng từ Đồi 31 ở Hạ Lào về, Ba con đã đấu tranh để nhà nội cho an táng Dượng trong khu Trần tộc mộ địa, dì nhớ mãi mấy từ rể thảo như con trai mà Ba con đã thuyết phục ông bà nội, để cuối cùng Dượng được yên nghỉ bao nhiêu năm ở đây… Bộ trường kỷ con đang ngồi đây, hồi đó dì nhận cho Ba con yên tâm, chờ con cháu Ba con về để bàn giao lại, chứ trước nghĩa cử của Ba con, dì dặn anh Huy phải thay mặt chăm sóc, hương khói khu Trần tộc Mộ địa, có cả phần mộ của Dượng, đến trọn đời. Tôi ngắt lời: Thưa Dì, cháu nghe nói hình như Tỉnh đã có kế hoạch di dời để xây dựng Công viên Văn hóa… Dì gật đầu: chuyện đó, thằng Huy làm bên Địa chính đã biết, đã chuẩn bị phương án xử lý. Đã từ lâu, nó đã thăm dò, tìm hiểu các khoảnh đất dự định quy hoạch làm Nghĩa trang, đã mua riêng một mảnh đất năm trăm mét vuông ở Giạ Lê, Hương Thủy, dưới dạng đền bù hoa màu trồng trọt, rất hợp phong thủy, tả thanh long, hữu bạch hổ, dưới chân có suổi chảy, dự định làm nghĩa trang dòng họ Lê… Tôi ngẩn ngơ: Nhưng mảnh đất lâu nay là của họ Trần mà. Dì mỉm cười: Trần tộc mộ địa trước đây chỉ hơn 200 mét vuông, nếu cải táng còn chiếm ít diện tích hơn nữa. Thằng Huy định chia mảnh đất đó ra làm hai phần, một bên cho họ Lê nhà nội, một bên cho họ Trần nhà ngoại. Bà con nội ngoại khi mãn phần đều có thể an táng ở đó, với điều kiện… Tôi hồi hộp: Điều kiện gì hả Dì? Dì trầm ngâm suy nghĩ rồi noi: Trước đây thằng Huy thích hoạt động từ thiện xã hội, nhưng bị lợi dụng nhiều quá. Chẳng hạn như nó thành lập Hội Khuyến học, cho sinh viên nghèo vay tiền ăn học, khi tốt nghiệp ra trường sẽ trả, chưa thấy ai trả mà nhiều sinh viên cứ nghĩ nó có nhiều tiền, lại tiếp tục khai thác… Tôi gật gù, nhớ đến trường hợp em Nghĩa, con dì Huệ. Dì tiếp tục: Rồi đến khu Nghĩa trang họ Trần, cứ tưởng là tạo điều kiện để bà con anh chị em ở thế giới bên kia quây quần cạnh nhau, không ngờ có nhiều gia đình hãnh tiến, tuy cùng họ nhưng xa đến mấy tầm đại bác, ỷ có tiền nên xây mộ phần người thân trong nhà quá sức hoành tráng, hơn cả mộ ông bà, cha mẹ…, trông cứ như lăng tẩm thu nhỏ của vua chúa ngày trước, nên thằng Huy yêu cầu… Tôi nghe cũng thấy sôi máu, hỏi luôn: Yêu cầu sao hả Dì? Dì nhẹ nhàng: Nó yêu cầu quy cách phải định sẳn từ trước, nếu ai muốn sửa sang cho mộ phần người thân thì phải xây cho mộ phần người trên trước hoành tráng hơn, thế thôi… Tôi thấy thông tin nắm bắt như thế đã tạm đủ, nên cúi chào dì Xuân, xin phép ra về…

* * *

Đầu tuần sau, anh Huy hẹn tôi gặp mặt ở quán cà phê S-line trước mặt nhà để nói chuyện, vì phải dành không gian cho mẹ nghỉ ngơi. Tôi đồng ý ngay, vì có những chuyện không tiện bàn trước dì Xuân. Vừa gặp mặt anh Huy, tôi cứ tưởng sẽ đóng vai trò đối tác làm ăn, thì anh đã vồn vã thăm hỏi sức khỏe dượng Trần Lý và anh hai Dũng, cứ như người thân trong họ. Tôi lễ phép trả lời các câu hỏi của anh, và hỏi luôn: Sao anh mới gặp đã biết em là con ba Lý? Anh mỉm cười, nhẹ nhàng: Thăm mạ Xuân của anh, ngồi lâu tâm sự chỉ có người thân trong họ. Anh đi xa, nhưng luôn theo dõi Mạ anh qua camera giám sát gắn trong phòng mà! Cuối cùng, anh hỏi: Em định làm đối tác, bàn việc gì với anh hôm nay? Tôi đổi giọng nghiêm chỉnh: Công việc Ba em ủy quyền, anh đã chuẩn bị xong cả rồi, rất chu đáo, đúng yêu cầu của Ba em! Thế anh định tiến hành thế nào? Anh cười: Anh chỉ chịu trách nhiệm các phần mộ của họ Lê thôi! Còn họ Trần bên em, đã cho ba anh tạm trú bấy lâu nay, giờ anh chỉ mời các cụ về làm láng giềng với họ anh, các thủ tục lễ nghi chắc phải phiền ba em hoặc chú hai Dũng! Tôi nhẹ nhàng: Em sẽ cố thuyết phục anh hai về Việt Nam thực hiện ước nguyện của Ba em. Em chỉ còn một nguyện vọng: xin anh nhận khoản đóng góp của Ba và em cho những hoạt động từ thiện trong giáo dục của anh! Tôi xin số tài khoản của anh, làm thủ tục chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản sang, và đề nghị thêm: Em không dám đòi, mà chỉ xin anh, nếu có điều kiện, tạo điều kiện cho em Nghĩa, con dì Huệ có công ăn việc làm… Anh Huy gật gù: anh đã nhắn Nghĩa, đang cần người tin cẩn phụ trách kế toán, khi nào Nghĩa thu xếp được, cứ đến tìm anh…

Câu chuyện chỉ kết thúc hoàn toàn một tháng sau đó, sau cuộc bỏ phiếu thăm dò cương vị Phó Giám đốc Ngân hàng Goldman Sachs. Hóa ra, bà con của mợ Vy, vợ cậu Hữu đã quá cố, chiếm số cổ phần khá cao trong Ngân hàng, chỉ cần mợ lên tiếng ủng hộ con trai ông Chen Lee (Trần Lý) là cán cân lệch hẳn đi về phía Chen Zung (anh Dũng). Vô cùng phấn khởi, anh Dũng đã mua luôn mấy vé khứ hồi về Viêt Nam cho mẹ con mợ Vy, và xin tham gia đoàn thỉnh tro cốt cậu Hữu về yên nghỉ ở quê nhà, kết hợp làm lễ tạ khu Trần tộc mộ địa mới…

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Truyện ngắn 47

 

GIẤC MƠ BLOUSE TRẮNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Ba đứa nhóm Tam Tài (tên tự đặt) chúng tôi – Hằng, Minh và Quỳnh - chơi thân với nhau từ nhỏ, cha đều là dân tập kết 1954 từ miền Trung ra đất Bắc, cùng ở khu tập thể Nam Đồng, chỉ khác nhà do được bố trí từ nhiều cơ quan, ngành nghề khác nhau. Ban đầu, ba ông còn độc thân, thường duy trì thói quen mỗi chiều thứ bảy tụ tập bên ghế đá công viên, uống nước lá do bác Huy (là công nhân chế biến lâm sản nên rất sẳn củi) nấu từ mấy ngọn lá cẩm voi tím (còn gọi là chằm khâu) - mà bác Ngôn đã mang về từ Tây Bắc sau chuyến tìm tòi, khảo sát các cây thuốc nam của Sở Y tế, trồng ở chậu cây ngoài mái hiên căn phòng Thành đội cấp cho chú Hoài em út (tức Ba tôi, hồi đó là thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp), ba người thường vừa nhâm nhi cốc nước lá màu tím đặc sánh, vừa nhắc lại những kỷ niệm thời chiến ở mỗi vùng quê khác nhau như Hương Điền, Phú Lộc, Hương Phú … với các phương ngữ rất đặc trưng kiểu mô tê răng rứa, hàng xóm ở khu Nam Đồng há hốc miệng ra nghe, thỉnh thoảng phải nhờ phiên dịch lại... Rồi theo thời gian, bác Huy, bác Ngôn, ba tôi lần lượt lập gia đình, với quy định thống nhất: hễ người này làm chú rể thì hai người kia cùng làm phù rể, dù có người còn độc thân, chẳng có kinh nghiệm gì để hướng dẫn. Bác Huy lập gia đình đầu tiên với bác Lành (hồi đó còn gọi là o), công nhân cùng đơn vị nên hai người được nới rộng thêm mấy mét vuông của căn phòng độc thân ra đầu hồi. Lấy nhau trước nhưng hai bác lại muộn đường con cái, bác Ngôn lập gia đình sau một năm mà bác Hiền (tức bác Ngôn gái, một bác sĩ tuyến huyện) lại đến Bệnh viện E cùng thời gian với với bác Lành, rồi chị Hằng và anh Minh cất tiếng khóc chào đời gần như cùng một ngày; theo vai vế chị Hằng vẫn được xếp trên, nghiễm nhiên làm chị, dù sau này khi nô đùa với anh Minh vẫn cùng xưng hô mi, tau rất ngang hàng…

Tôi lại rủi ro nhất, chịu cảnh mồ côi mẹ khi mới lọt lòng. Quỳnh, mẹ tôi mất sau cas sinh khó ra tôi: dù mọi người đã tích cực chuyển cấp cứu từ Bệnh viện E về Bệnh viện Phụ Sản, nghe nói sau hội chẩn là chứng nhau tiền đạo, hồi đó ngành Y xử trí chưa linh hoạt như bây giờ… Biết cô dâu út của nhóm đang mất máu trầm trọng, các bác đã chìa tay ra ngay, sẳn sàng hiến máu, khổ nỗi máu của Mẹ thuộc nhóm AB dạng Rhkhá hiếm - chuyên môn chỉ nói thế, nên máu của mấy bác không tiếp được; riêng bác Lành lại cùng nhóm máu, bác tình nguyện hiến ngay 2 đơn vị (nghe đơn giản, nhưng thật ra cho đến gần nửa lít máu) để còn nước còn tát. Nhưng bệnh tình Mẹ quá nguy kịch, đến khi tôi cất được tiếng khóc oe oe đầu đời sau cú vỗ vào mông của cô y tá, Mẹ tôi chỉ kịp mỉm cười ngắm nhìn đứa con gái mới lọt lòng, rồi nhắm mắt, xuôi tay… Mọi người ngồi chờ ngoài Phòng Sinh đều khóc, tiếc thương sự ra đi của Mẹ khi bác sĩ ra báo tin buồn. Trong lúc bận rộn tổ chức lễ tang cho Mẹ, Ba tôi không cần hỏi ý kiến mọi người, đã đặt tên cho tôi trong khai sinh là Nguyễn thị Hoài Quỳnh, vừa ghép tên cha mẹ, vừa tỏ lòng tiếc thương đến Mẹ, xem tôi là hình bóng của Mẹ còn lưu lại.

Vấn đề phải lo tiếp theo là cách thức nuôi nấng tôi khi vắng bóng người mẹ… Lương thiếu úy chuyên nghiệp của Ba tôi khó có thể nuôi bộ bằng sữa ngoài lâu dài trong thời bao cấp: gia đình nhà nội tôi đều ở trong Phú Vang-Huế, cách con sông giới tuyến Bến Hải, nhà ngoại ở Vũ Thư, Thái Bình nghèo khổ - thiên hạ thường mỉa mai Thái Bình là đất ăn chơi, Tay bị, tay gậy, khắp nơi tung hoành, mẹ là con thứ trong đám con gà vịt năm đứa của ông bà ngoại, đã phải xin thoát ly sớm để gia đình đỡ miệng ăn… Cũng may, bán bà con xa, mua láng giềng gần, tuy chị Hằng đã hơn một tuổi, gia đình đã làm lễ thôi nôi gần hai tháng, nhưng vẫn còn bú sữa mẹ vì cơ thể bác Lành còn khá nhiều sữa, có lẽ do cơ địa di truyền từ gia đình. Sau khi bàn luận với vợ, bác Huy nhắn với Ba tôi ngày ngày đem tôi sang bú nhờ bác Lành: chị Hằng và tôi được nuôi dưỡng từ cùng một nguồn sữa mẹ; người lạ đến nhà thấy hai đứa nhỏ chia nhau bú hai bên ngực bác Lành, cứ tưởng hai đứa là chị em sinh đôi vì - nói trộm vía - trông tôi mạnh khỏe, cứng cáp hơn bọn trẻ cùng tuổi. Sau đó, Ba đã xin vợ chồng bác Huy cho Ba nhận chị Hằng là con đỡ đầu: cuối tháng Ba gởi biếu bác Huy khi cân đường, khi hộp sữa, tiếng là gởi cho cháu Hằng, thực ra là để cảm ơn tấm lòng hồn hậu của hai bác… Dần dần khi lớn lên, tôi bắt chước chị Hằng, gọi bác Lành là Mạ rất quen miệng - ba gia đình đồng hương chúng tôi thống nhất bắt con cái, khi ở trong nhà chỉ được nói theo giọng Huệ (Huế), ra ngoài đường thì tùy ý, nói theo giọng của cô bảo mẫu hoặc cô giáo cấp một (chúng tôi đều học cấp mầm non, mẫu giáo và tiểu học ở trường Trung Tự, cách khu Nam Đồng hơn cây số, từ nhà đến trường chỉ đi bộ chưa đến nửa tiếng)… Mấy năm sau, gia đình bác Huy-Lành và Ngôn-Hiền lần lượt sản xuất thêm hai chú nhóc, đúng tiêu chuẩn quy định của Nhà nước về số con một thiếu, hai vừa, ba thừa, bốn quá… Quân số gia đình tôi đã chấm hết sau khi mẹ mất, nhưng tôi nghiễm nhiên được lên chức chị khi có hai em Hồng và Hoàng đều nhỏ tuổi hơn mình…

***

Tôi giới thiệu hơi dài dòng về lịch sử quan hệ, để mọi người thấy rõ tuy thuộc ba gia đình riêng biệt, nhưng chúng tôi thân thiết với nhau như người trong một nhà, có việc gì quan trọng cũng báo với nhau và cùng bàn bạc, hỗ trợ nhau cùng giải quyết. Đến năm 1975, đất nước thống nhất, ba nhà chúng tôi lên kế hoạch cùng về quê nội Thừa thiên trong mươi ngày, bọn trẻ con chúng tôi được rảnh mấy tháng hè (tôi học sớm một năm, ba chị em chúng tôi đều đã xong lớp 9, đến hè năm sau là tốt nghiệp cấp 3), còn Ba tôi và các bác đều thống nhất đăng ký nghỉ phép năm từ đầu tháng 8, nhằm dự được Lễ Vu Lan ở quê. Ngoài mục đích thăm gia đình anh chị em, thắp hương ở mộ ông bà, cha mẹ (các cụ đều đã mất trong thời kỳ chiến tranh), cả ba gia đình đều có ý định tìm hiểu các cơ sở thành phố Huế để chuyển về ở gần quê công tác lâu dài, đồng thời định hướng cho con cái tiếp tục việc học… Hai em Hồng, Hoàng chỉ học xong lớp 6, sẽ làm đơn xin chuyển về trường cấp hai Hai Bà Trưng (được đổi tên từ Đồng Khánh – tên nhà vua triều Nguyễn có lẽ không hợp thời), nghe nói học sinh trường này có truyền thống hiếu học, hy vọng môi trường này sẽ thúc đẩy các em học tập chăm chỉ.

Kế hoạch về thăm quê đã định hình, nhưng số phận nghiệt ngã lại đưa chúng tôi đổi khác. Sau ba ngày nghỉ ngơi đón Xuân Bính Thìn 1976, chuẩn bị đi làm sau Tết, bác Lành thấy cảm lạnh, tay chân nhức mỏi, đau đầu, đau khớp, thỉnh thoảng lại bị chảy máu chân răng dù không nhai vật cứng. Nghi ngờ, bác Huy đưa vợ đến khám ở Bệnh viện E thì sau khi xét nghiệm máu, hội chẩn, tập thể y bác sĩ đề nghị chuyển sang Bệnh viện K; người ngoài ngành y cũng biết K (Ca) là cancer tức ung thư - ai nghe qua cũng tái mặt. Chỉ sau một tháng chạy chữa bệnh bạch cầu cấp (nghe tên thế thôi, chúng tôi có biết nghĩa là gì), bác Ngôn là Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai, có điều kiện nhất, đã gởi mua đủ thứ thuốc quý bên Trung quốc để giúp điều trị, nhưng vô vọng – Trời kêu ai nấy dạ thôi. Cuối cùng, bác Lành đã tìm gặp Mẹ tôi bên kia cầu Nại Hà - nói theo cách văn hoa của các nhà văn chuyên viết về thế giới bên kia. Trong đám tang, bác Huy, chị Hằng, em Hồng khóc ngất sau vành tang trắng, Ba tôi cũng khóc khi nhớ lại ngày tôi chào đời, hai đơn vị máu Bác tiếp không giúp cho Mẹ qua khỏi, nhưng cũng tiếp sức cho Mẹ cầm cự đến khi thấy được hình hài con gái trước khi nhắm mắt. Tôi và mọi người trong lễ tang nghe rõ lời hứa của chị Hằng trước linh cữu của mẹ trong buổi lễ Triêu Điện: Con hứa với Mạ, sẽ học ngành Y để giúp cho những người mắc chứng bệnh trầm kha như Mạ. Thắt khăn tang bà mẹ nuôi, đứng cạnh chị, tôi không nói gì, trong thâm tâm, tôi cũng tự hứa với Mạ Lành - người mẹ thứ hai, người vú đã nuôi tôi trưởng thành bằng dòng sữa ngọt ngào tình nghĩa: sẽ mặc cho được áo blouse trắng, đi chung đường với chị Hằng.

***

Thế là chuyến đi về quê giảm mất hai người: bác Lành đã yên nghỉ tạm thời (sau mấy năm, phải cải táng từ Văn Điển lên Bất Bạt) dưới ba tấc đất, và chị Hằng xin phép ở lại để tham dự lớp ôn tập chuyên Hóa và chuyên Sinh, những môn căn bản để thi tuyển vào Y khoa. Tôi nao nức vào thăm đất Huế - quê nội, nơi sử sách cho biết công chúa Huyền Trân đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để mang về châu Ô, châu Lý cho đất nước, và không quên hứa với chị Hằng, sẽ tìm hiểu sự khác biệt của các môn Toán-Hóa-Sinh giữa hai hệ 10 năm và 12 năm, đồng thời tìm mua các tài liệu ôn thi nếu thấy cần thiết. Riêng anh Minh xem chừng không thiết tha lắm với chuyện thi đại học, anh bảo gia đình đã dọn đường sẳn cho anh: sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh sẽ nhập ngũ rồi đi học trường sĩ quan một binh chủng nào đó, tốt nghiệp ra trường với cấp bậc thiếu úy, lương cũng không thua bác sĩ y khoa, bác Ngôn ba anh bảo thể. Trước mắt, trong chuyến về quê này, anh định lùng khắp thành phố Huế mua mấy bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, thứ đó mà đem ra Bắc, anh tha hồ lên mặt với bạn bè cùng lứa…

Vào đến bến xe Nguyễn Hoàng, ba gia đình chúng tôi tạm chia tay để về các vùng quê thăm bà con họ hàng, hẹn năm ngày sau sẽ gặp mặt ở khu vực Cửa giữa chợ Đông Ba, cùng đi thăm thú Đại nội, các lăng tẩm… Tôi khó lòng kể hết những nơi đã cùng Ba đến thăm, trò chuyện và liên hệ chuyển công tác, chỉ thuật lại kết quả: bác Huy đã được nhận về Xưởng Chế biến Lâm sản của Ty Lâm nghiệp, bác Ngôn dự kiến sẽ phụ trách Phòng Nghiệp vụ Y của Ty Y Tế (bác Hiền cùng về Ty – sau này đổi thành Sở), và Ba tôi về công tác ở Thành đội Huế. Tôi đã tìm mua được các bộ sách Toán Giải tích, Hóa Hữu Cơ, Sinh Di Truyền là những tài liệu chắc sẽ cần thiết nếu chị Hằng và tôi đều ấp ủ mộng thi vào đại học y khoa Huế. Những người Ba tôi quen biết bên ngành giáo dục đều khuyên chúng tôi nên thi đại học, vì con cán bộ tập kết thuộc nhóm II (chỉ sau nhóm I gồm anh hùng cách mạng - dân tộc ít người – cán bộ, bộ đội đi học – con thương binh, liệt sĩ), điểm chuẩn thường thấp hơn mấy điểm, trong khi các thí sinh đối chọi nhau từng nửa điểm một trong cuộc thi hơn mười người chỉ chọn một. Đúng hạn hết phép, chúng tôi lại mua vé xe trở ra Hà Nội, hành lý thêm một thùng các tông đựng sách, mà hơn nửa là các bộ truyện kiếm hiệp mà anh Minh nằng nặc đòi hai bác Ngôn-Hiền mua cho bằng được…

***

Sau khi thi tốt nghiệp cấp ba, từ đầu mùa hè, bộ ba Tam tài Hằng-Minh-Quỳnh theo gia đình vào Huế, chuẩn bị thi tuyển vào đại học y khoa Huế, như hồ sơ đã đăng ký dự tuyển từ hồi sau Tết Nguyên Đán. Tôi rất thán phục tính kiên trì học tập của chị Hằng, những tài liệu có được, chị nghiền ngẫm đến thuộc lòng, mỗi khi truy bài lý thuyết Sinh, Hóa với tôi, chị đọc ro ro như mở băng cát xét, thậm chí còn nhắc tôi (đang say mê nghe chị trả bài) dở sang trang nếu quên. Cả ba người chúng tôi đều đăng ký theo học Lớp Luyện Thi cấp tốc ở đường Trương Định, một cơ sở tư nhân quy tụ nhiều giảng viên tăm tiếng, chuyên dạy ba môn Toán, Hóa, Sinh cho sinh viên năm đầu tiên Trường Đại học Y khoa. Chăm chỉ, chuyên cần nhất trong nhóm vẫn là chị Hằng, chị không bỏ buổi học nào dù trời mưa ướt át hay gió bấc lạnh lẽo, tôi cũng cố theo với chị những buổi thắng được con ma lười, riêng anh Minh chỉ học bữa đực bữa cái, anh bảo thi rớt y khoa vẫn vinh quang hơn (!) rớt ngành khác, hơn nữa anh được gia đình dự trữ sẳn con đường nhập ngũ từ trước.

Tình cờ, tôi làm quen với chị Minh Minh, trong Trung tâm Luyện Thi Cấp Tốc khối B. Tôi chú ý đến chị, ban đầu vì thấy tên kép Minh Minh nghe hay hay, lại trùng với tên anh Minh, con hai bác Ngôn-Hiền, sau gần gũi hơn vì thấy chị khá chăm học, có lẽ mực độ chuyên cần tương đương với chị Hằng. Qua tâm sự, tôi biết chị lớn hơn tôi mấy tuổi, sẽ thi đại học lần thứ hai, có vẻ thuộc con nhà khá giả: nhà chị ở phố Trần Hưng Đạo, cha là bác sĩ lưu dung ở Ty Y Tế (rất muốn con học y khoa như mình, đã thuê thầy kèm Toán tại gia cho chị từ đầu năm học), mẹ mở cửa hàng tơ lụa, chị đi học bằng xe Honda dame còn khá mới, trong khi đa số học sinh lóc cóc đạp xe. Có lần chị mời tôi sang quán giải khát đối diện Trung tâm ăn cốc yaourt, món này tôi rất thích vì có vị chua chua dễ chịu, nhưng kinh tế eo hẹp, tôi chi biết mời lại chị nước vối hàng sáng ba hái ở vườn nhà (tiếng là quê ở Hương Phú, nhưng nhà nội tôi ở Phú Thượng, cách Huế con hói Mộc Hàn), nấu rồi rót vào trong chiếc bi đông Trung quốc Ba được cấp, chuẩn bị cho tôi đi học, chị uống nước vối lạ miệng trông thích thú như tôi ăn yaourt vậy. Biết chị mặc cảm với lý lịch ngụy dân (chị thuộc nhóm III, điểm chuẩn để đậu vào còn cao hơn bọn tôi mấy điểm), tôi mạnh dạn giới thiệu chị Minh Minh với nhóm Tam Tài, chị khiêm tốn chào hỏi mọi người, xin mời cả nhóm một chầu yaourt để ra mắt (dĩ nhiên, tôi đồng ý ngay), nhóm được đổi tên là Tứ Quý. Ban đầu mọi người đều hòa đồng với nhau, nhưng về sau, có vẻ như anh Minh tránh tiếp xúc với chị (do người lạ, lại khác biệt giới tính chăng?). Thế là nhóm Tứ Quý chúng tôi cùng thi vào Đại học Y khoa Huế. Có 3 cụm thi đều ở gần nhau: chị Hằng thi ở Trường Đại học Y khoa, chị Minh Minh, anh Minh đều thi ở Trường Trung học Y tế, tôi thi ở Tiểu học Vĩnh Ninh. Một thời gian sau, khi đã khá thân thiết, chị Minh Minh tâm sự với tôi: có người đề nghị trả chị năm chỉ vàng để giúp con họ cùng thi vào đại học y khoa, ngồi cùng phòng trong cụm Trung học Y tế, với số báo danh YHB-… rất gần với chị, nếu bạn ấy đậu vào sẽ trả gấp đôi, thành một lượng vàng Kim Thành! Tôi ngẩn ngơ nghĩ: Ba mình có kể chuyện, vét mãi mới được năm phân vàng làm của để dành, mình đâu chơi sang kiểu nhà giàu như nhà nọ…, rồi hỏi: Thế chị tính sao? Chị úp mở mỉm cười: Chị đang suy nghĩ, có tiền riêng cũng hay, tiêu pha gì khỏi xin cha mẹ. Nghe nói mấy năm nữa sẽ ra đời loại Honda Cub 78, chị định lên đời xe… Tôi lẩn thẩn tự nghĩ, chị Hằng cũng như mình, chỉ biết dựa vào sức học là chính, để thực hiện lời hứa trước vong linh Mạ Lành, nghe chuyện chị Minh Minh như nghe chuyện viễn tưởng…

***

Đầu tháng 7, kết thúc kỳ thi tuyển, chúng tôi hồi hộp trông chờ kết quả. Các thầy dạy ở Trung tâm đều được điều động chấm thi tuyển sinh, chúng tôi chỉ biết quây quần mổ xẻ các đề thi, dự đoán đáp án, thang điểm và tự nhận xét, đánh giá bài làm của mình. Một vài thầy giáo ở trường phổ thông, quen biết với chúng tôi, đã góp ý bổ sung để hoàn chỉnh đáp án tự làm của các đề thi. Tựu trung, trong nhóm Tứ Quý, chị Hằng có nhiều hy vọng đậu nhất, chị Minh Minh có khó hơn vì thuộc nhóm III, phải thêm đạt mấy điểm nữa mới có khả năng, tôi chỉ hy vọng 50%, còn anh Minh lửng lơ, nói rất tiếu ngạo giang hồ: … Đợi hồi sau sẽ rõ…

Ngày treo bảng điểm cũng là ngày yết điểm chuẩn, cả nhóm Tứ Quý đều sững sờ vì không ai trúng tuyển cả! Đau nhất là chị Hằng, vì so với điểm chuẩn 16.5 điểm cho nhóm II, chị dự kiến vẫn đủ điểm. Cầm phiếu báo điểm trên tay, chị lớn tiếng phân tích: môn Toán chỉ 5.5 điểm là hợp lý, vì Hằng làm sai câu Đại số 2 điểm và bỏ câu Hình học 2 điểm, có thể trừ đi nửa điểm lập luận. Môn Sinh chỉ 4.0 điểm khi thí sinh cao điểm nhất là 6.5 điểm, cũng hợp lý. Riêng môn Hóa, thầy Duy dạy chuyên Hóa ở Quốc Học chấm bài nháp của Hằng được tối thiểu 7.0 điểm, mà yết bảng chỉ có 2.5 điểm là thậm vô lý! Xem lại thời hạn nộp đơn phúc khảo còn hơn 10 ngày, chị hí hoáy lấy giấy viết ngay đơn xin phúc khảo, kèm theo tờ giấy nháp thi Hóa có ghi lại đầy đủ như bài thi. Chị định gởi luôn cả bản chính Giấy chứng nhận Giải Nhì chuyên Hóa toàn quốc được cấp năm trước, cả nhóm khuyên đừng, lỡ thư lạc thì mất cả chì lẫn chài; góp chung cả nhóm được 5 đồng, chạy đến tiệm photocopy ở đường Trần Hưng Đạo duy nhất còn hoạt động ở Huế, sao một bản rồi đến Phòng Công chứng Thành phố đóng dấu sao y bản chính, tiền còn lại vừa đủ đóng lệ phí phúc khảo đúng môn Hóa. Nộp đơn xong, chị Hằng thắp hương ở bàn thờ Mạ Lành (cả nhà chị đang tạm trú ở khu tập thể Xưởng Chế biến Lâm sản), khấn: Con xin Mạ phù hộ cho sự thật được sáng tỏ, con quá ức chế với kết quả này. Bác Huy và nhóm Tứ Quý đều trấn an chị Hằng, khuyên chị giữ bình tỉnh, chờ kết quả, đồng thời tìm gặp thầy Châu, giáo viên dạy luyện thi Hóa của Trung tâm, đồng thời thuộc Tiểu ban chấm thi môn Hóa, để báo tình hình…

Không hiểu vì hương hồn Mạ Lành linh thiêng hay vì Ban Tuyển Sinh Trường làm việc tích cực, chỉ trong tuần sau, gia đình bác Huy nhận được giấy báo chị Hằng trúng tuyển vào Đại học Y khoa Huế, kèm theo những thủ tục theo quy định. Thời điểm này chậm mất mấy ngày so với các thí sinh trúng tuyển khác, dù trên phong bì có in dấu KHẨN; nét chữ viết cũng khác lạ, so với nét chữ chị Hằng ghi địa chỉ nhà trên phong bì có dán tem để Nhà trường gởi phiếu báo điểm. Dù sao cũng là tin quá mừng, chị Hằng đã kính cẩn đặt giấy trúng tuyển lên bàn thờ và thắp ba nén hương như một ngày giỗ lớn. Trưa hôm đó, theo ý bác Huy, chị Hằng nấu 2 loong nếp để đồ xôi, ít chè đậu xanh mời nhóm Tứ Quý về dự. Bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác: mấy hôm sau, lần lượt chị Minh Minh và tôi lần lượt nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa, cũng trong phong bì có con dấu KHẨN kỳ lạ. Khỏi nói ai cũng biết, gia đình chị Minh Minh tổ chức ăn mừng con gái trúng tuyển long trọng như thế nào. Hàng xóm chung quanh được mời dự cứ tưởng ai đó trong nhà chị Minh Minh lập gia đình với người nước ngoài. Nhóm Tứ Quý dĩ nhiên được mời đến dự, chia vui với chị (chị có dặn kỹ: đừng quà cáp gì, có mặt là chính). Hôm đó anh Minh không đến, cũng không ra quê ngoại, có thể anh đang chuẩn bị nhập ngũ theo phương án hai…

***

Thắc mắc của chúng tôi dần dần được sáng tỏ sau mấy năm học.

Học đến năm thứ ba, tôi đã làm quen với cán bộ, công nhân viên trong trường, đặc biệt ở các phòng hành chính, có những văn thư chuyên đánh máy tốc ký như cô Hảo. Thông tin giải tỏa cũng từ cô Hảo văn thư mà ra: mỗi đợt tuyển sinh, Nhà Trường điều động ba văn thư đánh máy vào Ban Thư ký, kết hợp với ba bác sĩ để nhập điểm theo phách của ba môn, rồi gởi kết quả ra Bộ, nhập điểm và tính điểm tổng theo số báo danh từng thí sinh, gởi trả về Trường. Quy trình này loại bỏ chuyện tiêu cực khi nhập điểm, vì từ điển phách chỉ có chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh (Hiệu trưởng) nắm. Nhưng, đã chặt chẽ nơi này lại lỏng lẻo nơi khác! Bác sĩ Mỹ được phân công đọc biên bản chấm môn Hóa với cô Hảo, mới lần đầu tham gia tuyển sinh, chắc chưa ý thức nguyên tắc phải chính xác đến từng ly, đã đọc từng nhóm năm điểm một lần để nhập kết quả cho nhanh. Chỉ một giây lơ đểnh, bác đọc nhảy một số phách, từ đó về sau, người có số phách trên nhận điểm của người có số phách dưới. Cô Hảo cứ đánh máy theo tiếng đọc của bác Mỹ, và sai lầm cứ tiếp tục đến khi nhập điểm và tính tổng thành kết quả… Nhận được đơn khiếu nại và xin phúc khảo của thí sinh Hoàng thị Hằng, Ban Tuyển Sinh đã đối chiếu với biên bản chấm và phát hiện ngay: Hằng được hai cán bộ chấm thi môn Hóa thống nhất cho 8.5 điểm, lại được hưởng 2.5 điểm của thí sinh có số phách tiếp theo. Tất nhiên, Ban Tuyển sinh phải trả lại số điểm 8.5 cho thí sinh Hằng, thành ra điểm tổng thừa đến 1.5 điểm để trúng tuyển. Đồng thời, qua kiểm tra, một số thí sinh cũng bị hỏng oan vì môn Hóa, đã được chuyển thành đậu, như chị Minh Minh vừa đúng 18.5 (Toán 8.5, hai môn kia đều 5), tôi (Hoài Quỳnh) đúng 16.5, và một vài thí sinh khác. May là bổ sung thêm số đậu KHẨN (tạm gọi như vậy), số thí sinh gọi nhập học vẫn nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ cho phép. Cái khó là xử lý các thí sinh đậu oan do sai lầm nhập điểm Hóa: Nhà trường đã phải thành lập một Hội đồng Chấm thi bổ sung mỗi môn Hóa để chấm lại các thí sinh này, sau đó mời các thí sinh đến để giải thích nếu kết quả thay đổi… Ngoài việc sửa sai điểm số ra, Nhà trường cũng đề ra biện pháp xử lý người gây hậu quả: sau nhiều lần gọi lên, mời xuống để thẩm tra, cô văn thư đánh máy Hảo được xác định vô can, trách nhiệm quy hẳn về bác sĩ Mỹ, thì vị này đã xin chuyển công tác vào miền Nam theo gia đình sau kỳ thi tuyển sinh. Do hậu quả sai sót đã được xử lý kịp thời, người có lỗi đã đi xa nên vụ án được khép lại…

Riêng anh Minh, với phiếu báo điểm 16.0 (Toán 6.0, Hóa 5.0, Sinh 5.0 – tôi thấy hơi lạ vì hai môn học thuộc anh đạt ngang ngửa điểm chị Minh Minh, và chị Hằng, dù anh khá lười học), chỉ thiếu có 0.5 điểm để đậu. Nghe bác Hiền kể, anh đã làm đơn phúc khảo môn Sinh, ban đầu nghe nói điểm phúc khảo do Phó Tiểu ban Sinh chấm là 5.5 (thế là đủ đậu rồi!), nhưng sau Nhà Trường báo lại, cả Tiểu ban Sinh 6 người chấm tập thể bài anh Minh vẫn thống nhất chỉ là 5.0, như vậy anh Minh đã đậu trúng cành mềm nên không trúng tuyển. Đợt nghĩa vụ quân sự tiếp theo, anh đã nhập ngũ một tháng rồi được đơn vị trả về địa phương do thiếu sức khỏe, sau đó bác Ngôn xin cho anh học lớp Kỹ thuật viên 3 năm, tổ chức ở trong Trường…

***

Hai mươi năm sau…

Nhóm Tứ Quý chúng tôi đã tương đối trưởng thành, hàng ngày vẫn mặc chiếc áo blouse trắng mơ ước từ thuở nhỏ: chị Hằng sau khi tốt nghiệp loại Giỏi, được Trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, đã bảo vệ luận án tiến sĩ và được phong hàm phó giáo sư. Với cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ung Bướu, chị đóng vai trò nòng cốt trong Trung tâm Hỗ trợ Bệnh nhân Ung Thư, với mục tiêu giảm bớt khó khăn cho những bệnh nhân mắc bệnh như Mạ Lành của chị ngày nào. Anh Minh đã là kỹ thuật viên lâu năm của Trung tâm Xét nghiệm Sở Y tế, hàng ngày vẫn truyền đạt kinh nghiệm thực hành cho những lứa đàn em, nghe nói đang cộng tác làm thêm với nhiều bệnh viện tư nhân, thu nhập hàng tháng cũng khá cao. Tôi tốt nghiệp chuyên khoa Phụ Sản, gắn bó với Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Bà Mẹ, Trẻ em và Kế hoạch hóa Gia đình, vì tôi khó quên lần hiến máu của Mạ Lành cho mẹ tôi, và nguồn sữa mẹ tôi đã bú chung với chị Hằng…

Thật thiếu sót nếu quên nhắc đến chị Minh Minh. Sau khi tốt nghiệp hệ Nội Nhi, chị hành nghề bác sĩ mấy năm ở huyện Phú Lộc rồi lập gia đình với Johnny Danh, một Việt kiều Mỹ, mấy năm sau sang định cư ở Los Angeles, đã có hai cháu trai. Bằng bác sĩ không sử dụng ở Mỹ được, chị lại đi học điều dưỡng, khi ra hành nghề cũng được bệnh nhân tín nhiệm. Tháng trước, về thăm quê, chị tìm đến tôi, mời đi ăn đặc sản, nhưng tôi đề nghị ghé quán yaourt đường Trương Định để nhắc lại kỷ niệm ngày nào. Đang ăn, nghĩ vẩn vơ, tự nhiên tôi buột miệng: Giờ đã đi xe Mercedès rồi, chị có nhớ ước muốn đi xe Cub 78 ngày trước không? Chị Minh Minh mỉm cười: Quỳnh nhắc chị mới nhớ. Ngày đó, chính chú Ngôn nhờ chị giúp Minh thi cho tốt, nhưng buổi thi Toán đầu tiên, Minh loay hoay để cán bộ coi thi cảnh cáo, chuyển Minh đến bàn cuối phòng, nên môn Toán chỉ chép được hơn nửa bài. Hai môn sau Sinh, Hóa được ngồi gần chị, nên điểm có khá hơn. Rồi chuyện phúc khảo môn Sinh, chị nghĩ khó thành công, họa chăng môn Hóa… Tôi nhận định: Mục đích của màu trắng áo blouse, ngoài việc nhắc nhở người mặc giữ vệ sinh, còn nhắc nhở ý thức giữ được tâm hồn mình trong sạch như màu áo, để mạnh dạn thực hiện thiên chức của người thầy thuốc. Chị Minh Minh gật gù: Chị đã qua những thăng trầm của cuộc sống nên rất hiểu em…

(ngày 27/02/2023 – 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam)