Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Truyện ngắn 23

 

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

Người vắng mặt Ngày Hội Lớp

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Với thói quen như lập trình sẵn, dù ở trong nhà hay ra ngoài, tôi đều thức giấc lúc 5g30. Qua cửa kính, trời đã sáng, trên Quốc lộ 1A đã thấy đông đúc xe qua lại. Chiếc xe giường nằm Saigon-Huế từ từ giảm tốc độ, bật signal, bóp còi rồi rẽ phải, rời đường An Dương Vương, tiến vào khu vực Bến xe Phía Nam. Xe vừa dừng, mấy giọng nói đặc Huế của cánh xe ôm, taxi chào mời đã vọng vào trong xe, qua cánh cửa hé mở. Tôi thong thả đứng lên, vặn mình cho đỡ mỏi: đã hơn nửa ngày giam mình trên nửa mét vuông giường nệm từ chiều hôm qua, trừ một tiếng đồng hồ nghỉ ăn tối ở Nha Trang. Tôi tiến ra cửa lên xuống, xỏ chân vào đôi xăng đan Biti’s quen thuộc, làn quai êm ả ôm gọn đôi chân làm tôi nhẹ cả người. Xua tay từ chối lời mời của xe ôm, giờ này xe ôm chạy ra thấu Sịa cũng đòi cả trăm ngàn, tôi thầm nghĩ, tiến về dãy xe bus ở cuối sân. Trong đầu văng vẳng lời dặn của Quỳnh: đến Bến xe Phía Nam, mày cứ lên xe buýt tuyến 6 đi Sịa. Tới Trạm quay đầu Quảng Vinh, xuống xe hỏi nhà cô giáo Quỳnh, ai cũng biết. Đi bộ 50m là tới… Xe buýt chuẩn bị chạy, kịp cho tôi tạt ngang quán hàng rong bên cạnh, mua chiếc bánh mì chả ăn điểm tâm… Hôm nay xe vắng khách, tôi nhẩn nha tìm chỗ trống, đặt chiếc túi xách bên cạnh, ngắm cầu Phú Xuân, cống Thăng Long, cầu Bạch Yến lần lượt lướt qua cửa sổ, miên man hồi tưởng quá khứ mấy chục năm trước…

Tôi đang học lớp 11 ở trường Nữ Thành Nội thì xảy ra cuộc biến động 1975. Cả gia đình (bà ngoại, mẹ, anh Hùng và tôi) sơ tán vào tận Saigon, tạm trú ở nhà cậu ruột, khu Thanh Đa. Tôi hiểu vì sao gia đình không liên lạc với ba tôi: ông đã chia tay với mẹ tôi khi tôi còn ẵm ngửa, đã lập gia đình mới, có con cái đầy đủ, sống ổn định ở Đakao. Theo mẹ kể lại (bà ngoại chẳng bao giờ nhắc đến) và xem ảnh cũ trong nhà, ba tôi có dáng to cao, khỏe mạnh (Trung Úy Quân cảnh Tư pháp mà), ăn nói lưu loát, bặt thiệp, được lòng nhiều người… Tôi không rõ lý do ba mẹ chia tay, chỉ mơ hồ cảm thấy có liên quan tới bà ngoại. Bà ngoại nói nhiều như mọi người già, nên khắc khẩu với với người trọng tự ái như ba tôi, vốn xuất thân nghèo khổ, vươn lên từ cảnh hàn vi…

Dù vậy, lý lịch gia đình vẫn gây hệ quả, mà anh em tôi phải gánh chịu khá nặng nề… Anh Hùng đậu vào Đại học Sư phạm Toán trước 1975. Còn tôi (khốn khổ thay), dù đã nhận giấy báo trúng tuyển năm 1976 vào ngành Toán như anh, khi đến Trường làm thủ tục nhập học thì bị gạt ra, do Quy chế Tuyển sinh ngặt nghèo mới bổ sung: gia đình em Mai vướng mắc về lý lịch, thuộc Nhóm IV, có người anh đã học đại học là đủ rồi, theo lời giải thích của cán bộ tuyển sinh. Bầu trời hy vọng như sụp đổ trước mặt. Tôi ngậm ngùi cầm hồ sơ về nhà (giấy báo đã bị thu rồi), gậm nhấm nỗi buồn thi không ăn ớt thế mà cay thời mới. Tôi đóng cửa nhà, không tiếp một ai: những bạn trong lớp đến nhà, trước mừng thi đậu, sau chia buồn với nỗi đau rớt vì lý lịch. Ngay cả Long lớp phó (sau 1975, một số nam sinh từ trường Hàm Nghi chuyển sang, trường tôi đổi tên thành Nguyễn Huệ; cả lớp đều gọi là Long ngố vì mặt trông ngơ ngác, dù học giỏi) đến nhà tìm tôi mấy lần, chỉ có anh Hùng ra tiếp…

Hai năm sau, 1978. Anh Hùng tốt nghiệp hạng Khá, nhưng lại vướng lý lịch, phải nhận nhiệm sở ở tỉnh Đắc Lắc, về một huyện lạ hoắc: Krông Pak. Ở nhà, tôi tham gia tổ hợp thêu ren (được nói trại cho vui, thành thợ rèn) của phường cho qua ngày giờ và quên đi nỗi buồn hận ngày nào. Long đã nhập ngũ, tham gia chiến dịch Tây Nam (nghe nói có 1 bằng khen qua chiến đấu) rồi chuyển về Nha Trang, học ở Trường Sĩ quan Thông tin. Thi thoảng Long gởi thư về cho tôi, hỏi thăm mọi người, động viên tôi ôn luyện kiến thức chờ thi lại. Long bảo: quy chế Tuyển sinh ngày càng nới rộng, về chính trị đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại rồi (đúng giọng lưỡi của sĩ quan quân đội, nhưng nghe cũng có lý). Cũng từ lời khuyên của Long, tôi nộp đơn thi đại học lần nữa, vẫn thi vào Sư phạm Toán vì hình ảnh cô giáo dạy Toán như có bùa mê đối với tôi… Cuối cùng, giấy báo thứ 2 cũng đến tay tôi, của Trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên, ra trường chỉ dạy cấp I. Tôi suy nghĩ và quyết định đi học, sau khi tham khảo ý kiến nhiều người, của Long là chính. Long nói trong thư: Trước mắt, Mai cứ lấy ngắn mà nuôi dài. Phải hy vọng phát triển từ Trung cấp, Cao đẳng lên Đại học… Tôi chỉ nghĩ đơn giản: mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, sức mình chắc chỉ bươn tới đây là hết…

Thời gian học ở cơ sở tại Đường 9, Đông Hà trôi qua nhanh, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá. Suốt hai năm học, vì công việc vất vả, đường sá đi lại khó khăn, bà ngoại và mẹ không ra thăm tôi được, còn anh Hùng vẫn dạy ở Tây Nguyên chưa hề về Huế. Có một lần, Long về phép, mang cả xe đạp, đi xe đò ra Đông Hà, đạp tiếp gần chục cây số theo Đường 9 ra thăm tôi ở cơ sở 2 của Trường. Sau chiến tranh ở Campuchia, hình ảnh anh bộ đội sáng giá lắm, nên giáo viên cho phép hai đứa tôi nói chuyện riêng trong 30 phút, rồi Long quay ngược lại, vào Huế. Trở về khu tập thể nữ, các bạn cùng lớp bắt khao Mai có người yêu ra thăm, và trấn lột luôn mấy cái bánh Trung Thu (chắc Long mua ở chợ Đông Ba ra làm quà) mà tôi muốn nửa giấu, nửa khoe. Việc nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay, tin sốt dẻo Mai có người yêu bộ đội đến thăm đã lan vào đến Huế…

Năm 1980, tôi nhận công tác ở Trường phổ thông cấp I-II Phong Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Hương Điền. Đường chim bay cách Huế không xa, nhưng đi đường bộ phải trên dưới 40km. Cơ sở xa nhất của Trường là Hòa Bắc, phải lội qua con suối (thường ngập lút đầu khi lũ về), là nơi nghỉ chân của cánh tìm trầm trước khi vào sâu trong núi. Long tốt nghiệp sĩ quan, nhận công tác ở huyện đội PL. Mỗi tháng một lần, Long đạp xe lên Phong Mỹ thăm tôi, theo đường Thanh Tân - Ồ Ồ, hoặc theo ngã ba Phò Trạch rẽ vào. Sáng đi, chiều về, chúng tôi gặp nhau chỉ 1-2 tiếng đồng hồ, tính cả buổi trưa, ăn cơm với các bạn đồng nghiệp. Bạn bè đánh giá quan hệ chúng tôi là mối tình trong sáng, vì dù mọi người tế nhị tìm cách tránh mặt, chúng tôi vẫn luôn giữ đúng lễ giáo, so với lớp trẻ sau này sáng quen ở quán net, chiều dắt nhau vào khách sạn quả là một trời một vực… Quà của Long mang lên thường là mấy cân gạo nếp, khi về nhà lại chở ít khoai sắn núi rừng…

Năm 1982, Long bàn chuyện tương lai khá rõ ràng: cuối năm nay làm đám hỏi, và xin cho Mai chuyển công tác về đồng bằng, chuyển được xong là cưới luôn. Đám hỏi tổ chức đơn giản nhưng đủ lễ nghi… Long nhờ các bạn đồng đội có tay nghề trang trí nhà tôi thật trang trọng, và lễ vật mang đến đúng phong tục xứ Huế: trầu cau, bánh phu thê, nem chả… Tôi tự nghĩ, đến bây giờ xem như đã là dâu của ba mẹ Long rồi…

* * *

Xe buýt chạy dọc đường Nguyễn Chí Thanh của Phong Điền, song song với đường 1A. Theo dân địa phương nhận xét, mở đường này tốn nhiều công sức, nhưng rút ngắn thời gian Quảng Điền vào Huế và ngược lại. Ký ức của tôi cũng trôi về những bước ngoặt lớn của cuộc đời…

Ban đầu, một người tìm gặp tôi đang nghỉ hè về nhà, tự xưng là Lãnh đạo Huyện đội PL. Sau vài câu xã giao, anh ta đề nghị tôi tác động để Long ngừng chuyện đấu tranh. Tôi không biết nội vụ cụ thể, chỉ nghe họ tuyên bố: cô nói với cậu Long, sinh sự thì sự sinh, nó muốn chuyển cô về Huế, cưới cô thì liệu mà ngậm miệng lại. Tương lai của cô và con cô sau này tùy thuộc vào nó. Nó mà chịu nghe, cái ghế Huyện đội phó sẽ giành cho nó. Khi tôi đến nhà, kể chuyện lại, Long trầm ngâm: Huyện đội, nơi Long công tác, đã và đang xảy ra chuyện động trời. Trước đây, Huyện đội trưởng đã làm thủ tục che chở cho một số thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, nay lại tiếp tục, Long mới phát hiện ra. Họp cơ quan, khi Long nêu vấn đề, Ban Chỉ huy trấn áp, dọa nạt, nên Long định báo cáo lên Tỉnh đội. Tôi dè dặt: Chuyện quan trọng, phe họ có đông người, nếu Long manh động, hậu quả sau này sẽ ảnh hưởng đến Mai, đến gia đình, chẳng phải đầu cũng phải tai. Thôi Long nên bỏ qua đi, việc gì mất công sức để đội đá vá trời, dành sức lo chuyện mình… Ánh mắt Long chợt tối lại, chỉ nói nhát gừng với tôi, tôi mơ hồ cảm thấy, tình cảm giữa Long với tôi bắt đầu rạn nứt. Mà điều tôi quan tâm hiện nay chỉ là việc chuyển công tác về đồng bằng. Tôi nói với Long: không ai chịu lên miền núi công tác thay Mai đâu. Mai chỉ còn cách nộp đơn thi đại học, phải ôn thi cho đậu. Nhưng cả Phòng Giáo dục của Huyện năm nay chỉ có một suất nghỉ ôn thi, Huyện có tới mấy trường học, ngay ở trường của Mai, anh Tính, Hiệu phó chuyên môn cũng xin nghỉ ôn thi, làm sao Mai tranh với Tính được?

Chắc ông Trời đi vắng, để cơ may rơi xuống cho tôi: không hiểu sao, Phòng Giáo dục Huyện gởi công văn về Trường, báo tôi được nghỉ dạy sáu tháng để ôn thi đại học. Tôi dẹp mọi chuyện khác qua một bên, ôn lại kiến thức Toán, Lý, Hóa... Long sắp xếp thời gian đến ôn với tôi ở nhà, vào các chủ nhật. Vốn giỏi Toán Lý hồi phổ thông, thêm mấy năm học sĩ quan, gặp các giáo viên dạy cơ bản tâm huyết nên Long càng có điều kiện trau dồi. Dần dần, tôi nắm hết kiến thức cần thiết để thi, nhưng càng nắm chắc kiến thức, tôi càng nhận thấy Long tuột dần khỏi tay tôi… Tôi có cảm tưởng Long chỉ còn là người bạn tốt, chấm hết!

Tôi trúng tuyển Đại học Sư phạm Toán năm 1983, vậy là muộn mất bảy năm so với lần đầu… Bảy năm để trả giá cho lý lịch nặng nề ngày nào, nhưng phải công nhận, lần thứ hai trúng tuyển không chỉ nhờ khả năng mà còn nhờ lý lịch. Tôi là giáo viên đi học, lý lịch đã chuyển từ Nhóm IV (thuộc gia đình có vướng mắc) sang Nhóm I (bản thân là cán bộ, công nhân viên đi học), với điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn khá nhiều…

Bốn năm đại học trôi qua như một giấc mơ. Tôi tham gia lớp học mà bạn cùng lớp trẻ hơn gần chục tuổi, thậm chí tôi còn hơn tuổi vài giáo viên trẻ, nên được xem như bà chị cả của Lớp. Tôi tham gia toàn tâm, toàn ý vào các môn học, các giáo viên cũng thường nâng đỡ cô sinh viên lớn tuổi chăm học, nên tôi hiểu điểm số các môn học cũng có phần chiếu cố. Thôi, những ưu đãi này xem như bù trừ cho những thiệt thòi trước đây. Tôi bắt đầu nhìn cuộc sống qua cặp kính màu hồng, chỉ trừ một điều... Thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau, Long nhìn tôi thờ ơ như người xa lạ, và tôi cũng có cảm tưởng giữa hai người chưa có một đám hỏi ràng buộc. Nói phải thì củ cải cũng nghe, thế mà củ cải Long cứ lầm lì thì biết làm sao được? Hai bên đã không có tiếng nói chung, tôi nghĩ ràng buộc với nhau chỉ vô ích. Nghe nói Long đã chuyển công tác về Tỉnh đội, rất được ưu ái… Cũng may, ở chỗ cũ chắc khó thoát khỏi búa rìu của Lãnh đạo.

Năm học cuối cùng, tôi hoàn tất trọn vẹn các môn học, còn bảo vệ xong khóa luận là tốt nghiệp (bảo vệ khóa luận bao giờ chẳng tốt?). Tôi xin làm khóa luận tốt nghiệp với thầy Liêm, theo chuyên ngành Giáo học pháp, khá phù hợp với khả năng của tôi, với kinh nghiệm mấy năm giảng dạy ở miền núi, với đối tượng là người dân tộc chậm hiểu. Ngày tôi bảo vệ khóa luận, anh Hùng từ Tây Nguyên có ra Huế dự, còn Long bận hội nghị quân chính ở Hà Nội, chỉ nhờ người mang hoa đến chúc mừng. Tôi vẫn hồi hộp chờ, chuyện giữa Long và mình sẽ kết thúc như thế nào đây? Mọi việc sáng tỏ khi Long gởi cho tôi một lá thư khá dài, đề nghị chia tay vì không hợp tính cách… Dân xứ Huế đều quan niệm đám hỏi gần như là đám cưới rồi, con gái có đám hỏi rồi lại thôi thì chịu nhiều tai tiếng, nhưng theo Long, hậu quả còn đỡ tệ hại hơn nếu cưới nhau rồi bỏ nhau, ảnh hưởng tới con cái nếu có… Cuối cùng, Long xin nhận mọi sai trái về phần mình, vì làm dang dở cuộc đời của Mai…

Tôi tốt nghiệp đại học loại Khá, được ưu tiên chọn nhiệm sở, và tôi chọn nơi xa nhất, tận Biên Hòa. Tôi muốn đi khỏi mảnh đất xứ Huế, đã mang lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm đau xót…

* * *

Quỳnh như ma xó, tôi nghĩ đến là xuất hiện ngay. Xuống xe buýt, đang định tìm người hỏi nhà thì mắt tôi bị hai bàn tay bịt chặt. Nghe tiếng cười khanh khách và giọng nói giả trọ trẹ cho khác: Đố là ai? tôi mỉm cười: Con quỷ Quỳnh. Sao biết tao về mà ra đón? Quỳnh tếu táo: Thấy tao tài không? Định ra chợ mua con gà, gặp đúng mày đang lơ ngơ xuống xe. Thôi theo tao về nhà nghỉ ngơi, sáng mai về Trường dự Hội Lớp. Tuần trước, thằng Quý vẩu ở Sing gởi mấy trăm đô la về, khao Lớp mình liên hoan gặp mặt. Bốn mươi năm rồi, biết có đông đủ không? Gần năm chục đứa, kể cả bọn từ Hàm Nghi chuyển về, tao chỉ mới liên lạc với vài đứa ở Huế thôi. Rồi Quỳnh nhỏ giọng: Chuyện mày với Long kết thúc lâu rồi, hai bên đã yên phận, mày đã hạnh phúc với anh Hội, nhưng tao chưa nghe mày tâm sự. Tối nay, hai đứa nói chuyện nhé. Chồng tao trực cơ quan, càng tiện.

Đêm đó, Quỳnh tra hỏi đủ chuyện, tôi như tội nhân tự giác khai báo. Đến khi tôi kể chuyện gặp cơ may được nghỉ mấy tháng để ôn thi, Quỳnh cười khanh khách: Chẳng có cơ may vô tình nào đâu? Tay Kết, cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục là anh họ chồng tao, hắn biết mày rất rõ. Không biết hồi đi bộ đội, hắn có ân oán gì với Long, mà khi Long nói: nếu Kết giải quyết cho Mai nghỉ ôn thi thì xóa nợ, hắn thực hiện liền… Tôi nhớ lại, khi nghe tôi báo được nghỉ 6 tháng ôn thi, Long im lìm, chỉ lẳng lặng lên kế hoạch ôn tập Toán Lý cho tôi. Quỳnh trầm giọng: Mày biết vợ Long không? Con gái cưng của Tỉnh đội trưởng đó, Long núp bóng cha vợ nên chắc dễ thở hơn hồi ở Huyện đội. Tôi nghẹn giọng. Quỳnh thở dài: Thôi được, sáng mai đến trường dự Hội Lớp, tao sẽ hỏi đến đầu đến đũa. Tao nguyên là Bí thư Chi đoàn Khối 12 mà, nguyên Lớp phó Long phải nể tao chứ. Thôi, ngủ đi… Con bé vô tư thật, mới dứt tiếng đã quay nằm ngang, gác chân lên bụng tôi, bắt đầu ngáy nhè nhẹ.

* * *

Buổi Hội Lớp khá đông, nhưng vẫn thiếu một vài nhân vật: Quý vẩu chủ chi đang ở Sing, một bạn nam đã mất do ung thư, một bạn nữ bận chăm sóc mẹ ốm nặng ở tỉnh xa. Long đang trực chỉ huy bộ đội chống bão Aere gây lụt ở Vinh Thanh, Phú Vang, bạn Thế cao cùng công tác ở Tỉnh đội với Long cho biết. Quỳnh phát pháo: Con rể Tỉnh đội trưởng cũng phải trực chiến chống bão lụt hả? Sao Sếp không ưu tiên cho miễn? Thế phì cười: Sếp nghỉ hưu lâu rồi. Ở Tỉnh đội, ai cũng biết Long Húc (lại biệt danh mới) chuyên lao vào đầu sóng, ngọn gió. Hồi chưa là cha vợ, Sếp đã làm việc với thằng Húc đang ở Huyện đội, ưa ý mới kéo nó về Tỉnh đội chứ. Quỳnh tò mò: Chuyện gì ở Huyện mà Tỉnh phải chen vào? Thế nhỏ giọng, như muốn mọi người chú ý: Chuyện đã lâu, hơn 30 năm rồi. Ở PL, thằng Húc phát hiện Huyện đội làm thủ tục giả mạo cho thanh niên trốn nghĩa vụ, hắn nêu lên thì Huyện đội trưởng chơi trò cả vú lấp miệng em, lôi kéo nhiều người quen biết tác động Húc (tôi chột dạ, nghĩ tới lần gặp chính tay này ở nhà khi nghỉ hè). Húc vẫn cương quyết làm tới, đặt vấn đề lên thấu Tỉnh đội. Sếp dẫn đoàn Thanh tra (có tao) về xử lý. Cuối cùng, Ban Chỉ huy bị cảnh cáo, Huyện đội trưởng chịu kỷ luật ra quân, Tỉnh đội điều thằng Húc về làm Trưởng phòng Kế hoạch. Quỳnh hắng giọng: Chứ không phải Húc chịu kỷ luật phải làm rể Sếp à? Thế cười khì khì: À, chuyện này thú vị lắm. Húc nắm bắt thông tin việc chạy nghĩa vụ của Huyện đội nhờ con bé Hà văn thư hành chính cung cấp, nên búa rìu Huyện đội đổ hết lên đầu Húc và Hà. Đến khi Đoàn Thanh Tra về, Sếp mới cho biết Hà là con gái ổng, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Văn thư, Sếp đã lẳng lặng đưa về Huyện đội để thực tập. Qua chuyện này, Sếp thấy con gái đã trưởng thành, mà còn kén được thằng rể quý. Bây giờ Húc và Hà đã có hai thằng con lớn bộn rồi…

Mọi người vẫn cười nói, riêng tôi lặng lẽ suy ngẫm chuyện ngày xưa. Long đã một thời trân quý tôi, không quản ngại khó khăn để đến với tôi, còn tôi chỉ nghĩ đơn giản, không muốn chia xẻ tính cách thẳng thắn của Long, chỉ muốn yên phận. Cơ duyên trong đời chỉ đến một lần, không biết nắm bắt thì phải để vuột mất. Bây giờ tôi cũng đã có một gia đình êm ấm, chỉ biết cầu mong cho gia đình Long Hà được hạnh phúc.

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Truyện ngắn 22

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

NÓI VỀ NGƯỜI NẰM XUỐNG

Sáu Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh
Hai Công mới nghỉ hưu hai năm – được xếp loại mầm non của Hội Người cao tuổi. Hắn sống một mình trong gian nhà nhỏ cuối xóm do cha mẹ để lại, trồng mấy luống rau, chăn dăm con gà. Tháng trước, hắn bị đột quỵ, nhập viện kịp trong 36 giờ vàng, được điều trị ở khoa Nội tiết – Thần kinh – Hô hấp, sau chuyển sang Khoa Tim mạch. Cũng may, có Ba Nhỏ ở thôn bên cạnh (bạn đồng đội cũ, thỉnh thoảng đến khề khà trà rượu) nhận nhiệm vụ hàng ngày đến bệnh viện vài tiếng đồng hồ để chăm nom. Mấy con gà lần lượt được Ba Nhỏ hóa kiếp để nấu cháo bồi dưỡng cho Công. Những lúc cần sự vun vén, ân cần của người phụ nữ, tôi mới thấm thía với nhận xét: phụ nữ được ví như giẻ vụn trong thùng bát đĩa, trông không cần thiết, nhưng nếu không có, bát đĩa dễ vỡ tan tành!
Hôm nọ, anh em trong Hội mang ít hoa quả đến thăm – đi đại diện vài người thôi vì đang mùa cách ly do dịch CoViD – trông Công mày râu nhẵn nhụi, tôi thấy hắn vẫn phong độ như trai trẻ, cái sẹo trên mí mắt trái (hắn bảo là vết thương chiến tranh) càng tạo nét duyên thầm. Ba Nhỏ đang vò đầu bức tai tìm nước đi ở bàn cờ tướng, còn Công vừa nhẩn nha uống trà, vừa liếc mắt đưa ghèn với mấy cô y tá trẻ qua lớp khẩu trang, tới phiên đi chỉ đưa ngón tay điểm một nước. Ra về, Ba Nhỏ tâm sự: sức cờ tôi có kém Công đâu, nhưng hồi này phải giả vờ thua để hắn tự thấy mình còn phong độ. Tôi nghĩ chắc chỉ vài hôm Công sẽ xuất viện về nhà…
Hôm nay chủ nhật, quả Công về thật, nhưng lại về theo lối giải phẫu bệnh! Đúng như các chuyên gia tim mạch ví von, bệnh tim mạch như thanh gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu, rơi xuống là phải ô hô, ai tai! ngay. Buổi sáng, Ba Nhỏ đang ngồi bên cạnh, thấy Công trợn ngược mắt, ngáp cá liên tục, liền gọi ngay ca trực, phối hợp đẩy xe đưa lên Khoa Hồi sức Cấp cứu ở lầu sáu, chờ đến chiều tối thì… mang đến lại mang về! Ba Nhỏ gọi điện báo tin cho tôi, nhờ chuẩn bị trước hậu sự ở nhà. Hắn chờ Khoa Giải phẫu bệnh thực hiện xong việc khám nghiệm tử thi, mới thay thế nhân viên Nhà Xác rửa ráy, khâm liệm cho Công – hình như trước đây Ba Nhỏ làm quân y nên khá thông thạo. Tôi đến Nhà Xác, thấy hắn đang săm soi các áo quan, chọn loại gỗ pho lái - lấy lý do không cần gỗ thật tốt, chỉ cần kín mùi trong Lễ Tang là đủ - rồi thực hiện các thao tác trị quan, tắm gội, phạn hàm kỹ lưỡng – hắn xua các nhân viên Nhà Xác ra ngoài (càng khỏe), bảo để hắn tự lo cho bạn. Đến khi nhập quan, Ba Nhỏ đóng vai chấp sự, cùng các nhân viên Nhà Xác đưa Hai Công vào thật nhẹ nhàng, êm ái… Hắn tuyên bố: Ở nhà chẳng còn ai cần nhìn mặt nữa, hôm nay được ngày, hoàn tất khâm liệm luôn, rồi sửa sang Hai Công nằm ngay ngắn, đậy nắp quan, xịt keo 502 kín hết các khe hở, nhờ một nhân viên phối hợp ràng dây néo luôn.  Tôi nhận xét: xem chừng chú Ba cũng thạo việc nhỉ, hắn nhún vai: hồi chiến tranh, bọn quân y chúng tôi liệm xác mãi, thằng Công là thằng thứ mấy chục rồi…
Đã cầm giấy tờ chứng tử trên tay, Ba Nhỏ và tôi còn chờ đến hơn nửa đêm mới thuê được xe bệnh viện đưa Công về. Nhà của Công nhỏ quá, nên hồi chiều tôi đã làm việc với Trưởng thôn Ba Phụng, mượn Hội trường Thôn để tổ chức Lễ viếng. Đang mùa CoViD, Ba Phụng dặn rất kỹ: hạn chế thời gian viếng chỉ trong 1 ngày – đúng ngày mai, thứ hai đầu tuần, - mỗi khách viếng phải giữ khoảng cách 2 mét, mang khẩu trang, xịt nước sát khuẩn… Thầy chùa thì chắc khỏi mời rồi! Đồng ý thôi, Hai Công sống tứ cố vô thân, họa chăng có vài người quen ở Huyện đội – xã chúng tôi sát thành phố, từ Huyện lỵ về đên cũng hơn chục cây số, mấy ai về được?
Ba Nhỏ trao lại cho tôi tờ giấy có mấy chữ nguệch ngoạc của Hai Công. Tiên lượng mình khó qua khỏi, Công đã chủ động tính toán hậu sự trước: gởi Ba Nhỏ 20 triệu đồng tiền mặt để lo chi phí tang lễ, và viết giấy nhờ tôi giúp thủ tục cho Ba Nhỏ nhận gần chục mét vuông nhà đất của Công, để sau Lễ tang, Ba Nhỏ có thể lo thủ tục hỏa táng – phải vào tận Đà Nẵng - lấy tro cốt gởi chùa Ba La Mật. Tôi hơi đắn đo rồi gật đầu, con rể tôi làm ở Văn phòng Huyện ủy, thủ tục chuyển nhượng mấy mét vuông loại hang cùng ngỏ hẻm ở xã chắc không khó. Tôi gợi ý Ba Nhỏ đứng ra làm Trưởng Ban tổ chức Lễ Tang, vì là người gần gũi với Công nhất. Ba Nhỏ sốt sắng nhận lời. Dặn dò cậu Thư ký Hội viết chương trình tang lễ để treo lên cổng Hội trường Thôn xong, tôi nhắc Ba Nhỏ gọi điện báo cho cơ quan Huyện đội, người thân… Ba Nhỏ ngần ngừ khi nghe nhắc đến người thân, ấp úng: Công có… bạn cũ, nhà ở… ngoại ô Thành phố, nhưng lâu lắm… không liên lạc. Tôi dứt khoát: Cứ gọi đi! Tao bên Huyện đội, chú bên người thân! Nghĩa tử là nghĩa tận mà!
Năm Tân, Tham mưu phó Huyện đội
Anh Tư Thân, Huyện đội trưởng, sau cú điện thoại của Sáu Mạnh, giao cho tôi thay mặt Huyện đội viếng đám tang Hai Công, dặn kỹ: Đang mùa dịch CoViD, họ báo chỉ tổ chức Lễ viếng 1 ngày, đồng chí là đại diện cho cơ quan cũ, nhớ đến sớm. Không cần đi nhiều người. Trích hai trăm ngàn từ quỹ Đơn vị theo quy định. Anh móc túi, đưa thêm tờ một trăm ngàn, nói: phần viếng của tôi. Một vài anh em trong Huyện đội góp thêm thành 450 ngàn, tôi bổ sung phần của mình, vừa tròn nửa triệu. Tôi bỏ hết vào phong bì, nắn nót viết danh sách viếng, nhâm nhi ly cà phê đen nóng, chờ 7g30 thì xuất phát. Mấy nét về hình ảnh Hai Công thoáng hiện lại…
Tính Công lầm lì, ít giao thiệp, từ khi chuyển về Huyện đội chẳng chơi thân với ai. Tôi nhớ có lần Huyện đội tổ chức Hội thao quân sự, đón Thượng tá Tư Thôi, Đại diện Tỉnh đội về dự. Đến khoa mục bắn đạn thật 100m, Công nhận trách nhiệm báo bia – nhiều người vẫn châm biếm: kết quả thi bắn phụ thuộc chủ yếu vào khâu báo bia mà! Hắn liên tục báo điểm khá thấp, sau 10 lượt bắn, người cao điểm nhất chỉ được 24 điểm sau 3 phát, có vài người không đạt được điểm trung bình 15, tôi thấy rõ lông mày bác Tư Thôi nhăn tít lại. Lúc giải lao, tôi thấy Huyện đội phó Năm Căn đến trao đổi với Công, hắn lắc đầu quầy quậy, đưa trả cờ hiệu báo điểm, như muốn từ chối nhiệm vụ báo bia. Anh Năm Căn lẳng lặng quay trở về, bực dọc thấy rõ (tay Công này ngang thật!). Gần cuối buổi bắn, tự nhiên hắn nhảy cẩng lên, phất cờ hiệu báo bệ bắn số 2 đạt 29 điểm! Nhìn lại mới biết bác Tư Thôi đích thân ra bắn thử. Anh Năm Căn lầm bầm: Hay hắn thấy sếp ra bắn nên báo điểm cao? Bác Tư Thôi mỉm cười: Anh Năm thử lên báo bia đi! rồi nằm xuống bệ bắn số 1, chuẩn bị bắn lại. Kết quả lần này vẫn 29 điểm. Buổi chiều, vui chuyện, bác Tư Thôi cho biết trước đây là A trưởng của Công, trong tiểu đội bắn tỉa ở chiến trường K…  Hắn vẫn lầm lì không nói gì, đúng cái loại ỷ quen sếp lớn mà!
Tính chi li, chặt chẽ đến bủn xỉn của Công càng đẩy hắn xa hẳn mọi người. Anh em giao thiệp với hắn vì công việc, chứ tâm tình thì không bao giờ. Tôi nhớ mãi hồi mức lương cơ sở vừa điều chỉnh thành hơn triệu đồng, mọi người đều phấn khởi thì Công (đang là Tham mưu phó) lại chẻ sợi tóc làm tư, hắn nhắc nhở tôi (đang làm quản lý): mức phụ cấp của binh nhất, với hệ số phụ cấp 0.45 là 472500 đồng, chứ không phải 470 ngàn đồng như đồng chí vẫn phát. Thật ra, là quản lý, tôi thuộc lòng các mức phụ cấp của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ thấp đến cao: 420k, 472.5k, 525k, 630k, 735k, nhưng hệ số phụ cấp 0.45 biết tính thế nào, thôi làm tròn cho dễ phát! Hắn gay gắt: Mình là cấp chỉ huy, phải sát sao từng chút một, tạo lòng tin cho cấp dưới. Khổ nỗi, Ban Chỉ huy Huyện đội sau khi tranh cãi, cuối cùng lại ủng hộ hắn, yêu cầu tôi phát bổ sung cho gần năm trời trước đó. Đơn vị có hơn chục binh nhất, tính cả năm tôi cũng chẳng thiệt bao nhiêu, nhưng từ đó thiên hạ lại soi đến những năm trước (tôi vẫn quen làm tròn lui như thế!), mà phụ cấp binh nhất với hệ số (0.45) luôn luôn lẻ 500 đồng bọ! Mọi chuyện rồi cũng qua, nhưng sau đó ai cũng gờm Công, nghe kể lại, có người đứng trước mặt Công bị đầy hơi mà không dám trung tiện, phải chạy ra xa, khỏi tầm nghe của Công mới thực hiện xả hơi ngạt
Nghe bọn lính trẻ kháo với nhau, cha Công này còn thuộc loại sát gái! Trước khi đi Kampuchia, nghe nói hắn gắn bó với cô nữ sinh rất xinh ở Thành phố, không biết đã xơ múi gì chưa? Thư từ qua lại liên tục (mà chủ yếu chỉ từ hậu phương ra tiền tuyến), cô này cương quyết bỏ qua lời thuyết phục của gia đình, từ chối những lời tỏ tình của các chàng trai thành đạt về mọi mặt, để chờ anh Công yêu quý trở về. Đến hạn xuất ngũ, hắn làm đơn xin chuyển ngành về Tỉnh đội, được phân công về Huyện đội quê nhà. Mối tình thơ mộng, lý tưởng giữa anh bộ đội phương xa và cô hoa khôi (ngầm bình chọn) của trường phổ thông trung học nổi tiếng trong Thành phố lại chấm dứt không kèn không trống, hay nói đúng hơn, những người trong cuộc không muốn ai nhắc tới. Tôi chỉ biết rằng, mấy năm sau, cô gái ấy lập gia đình với một Việt Kiểu ở Đức, trưởng nam của một gia đình danh giá…
Thanh Hương – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Miền Trung
Tôi thường không trả lời những số điện thoại lạ. Có lẽ những năm sống bình ổn cạnh chồng con không xua hết những bóng ma ám ảnh trong quá khứ; hơn nữa, những số điện thoại chuyên tiếp thị, quảng cáo cứ nhắm vào những gia đình thành đạt (hai vợ chồng quản lý Công ty Địa Ốc lớn nhất nhì miền Trung, hai đứa con học đại học Y ở Nhật và Dược ở Đức - có thể xem gia đình tôi thuộc loại này) để kết nối. Thế mà tối nay, một số điện thoại lạ hoắc gọi liên tiếp mấy lần, tôi định tắt nguồn điện thoại hoặc tinh tế hơn, thực hiện chế độ chặn cuộc gọi thì tin nhắn xuất hiện đột ngột trên màn hình chiếc Vertu Signature S Navy Alligator của tôi: Tôi xin lỗi đã làm phiền Bà. Tôi chỉ muốn báo với Bà, anh Trần Thành Công đã mất chiều nay. Lễ tang tiến hành tại Hội trường thôn X trong ngày mai. Sáng mốt sẽ di quan vào Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên ở Đà Nẵng. Tôi bần thần thả điện thoại xuống bàn…
Hình ảnh mấy chục năm trước lũ lượt kéo nhau về. Tôi đã muốn xóa hết quá khứ, thì ai khơi gợi nỗi đau cũ làm gì? Trong đầu tôi, thấp thoáng hai hình ảnh hoàn toàn đối lập của cùng một đối tượng: một anh Công cù lần, ngờ nghệch, hiền lành, ngây thơ như con nai tơ, thường ấy a ấp úng khi gặp tôi, có dạn dĩ hơn một tí khi cho tôi xem quyết định nhập ngũ, và một tên Công lọc lõi, mồm mép, ngang tàng, đểu cán như con cáo già, từ chiến trường K trở về. Buổi tối trước ngày nhập ngũ, trong quán cà phê Hạ Trắng, lần đầu chúng tôi gặp riêng nhau, con nai tơ run rẩy nắm vội mấy ngón tay của tôi đưa lên môi rồi bỏ đi như chạy. Hơn hai năm sau, cũng trong quán cà phê đó, con cáo già lại nói trơn tru, thở ra toàn giọng đểu cán: Tôi gặp em để nói lời chia tay. Sau mấy năm đi xa, tôi thấy mình không hợp với em nữa. Em bỏ tôi rồi lấy ai cũng được, quanh em có bao nhiêu vệ tinh sáng giá mà. Nhưng nay tôi trở về hai tay trắng, phải tìm vốn để kinh doanh, kiếm sống, lập gia đình với cô gái tôi yêu… Tôi chẳng có gì, chỉ có mấy lá thư em gởi mấy năm nay, định in thành sách, bán cho thiên hạ đọc chơi, lấy tiền sinh sống. Nhưng em là tác giả, nên tôi ưu tiên bán lại cho em. Tính theo ký lô giấy vụn, nhưng với giá thỏa thuận. Tôi đếm kỹ, có hon 100 lá thư em gởi, tôi tính trọn gói là 2 lượng vàng! Hai lượng vàng đổi lấy quá khứ trắng tinh như tuyết của em, rẻ quá phải không? Nếu em đồng ý, đưa vàng hay tiền cũng được, 3 ngày nữa, buổi tối gặp tôi tại quán cà phê này. Tôi trả hết toàn bộ thư, không giữ lại lá nào, cũng không photocopy đâu…
Tôi ù cả tai, lẳng lặng bỏ về nhà như kẻ mất hồn, nằm trằn trọc suy nghĩ suốt đêm. Người mà tôi đã đặt trọn niềm tin lại như thế này ư? Tôi đã nâng niu, gìn giữ mối tình trong sáng suốt hai năm trời, để nhận một thành quả như vậy sao? Đến gần sáng, sau một đêm thức trắng, tôi quyết định chọn con đường đi cho mình. Tôi nghĩ, cũng may là bộ mặt thật của hắn đã lộ ra sớm, không thì tôi đã dại dột trao thân, gởi phận cho hắn rồi. Không muốn ai hay, tôi soạn lại sợi dây chuyền vàng năm chỉ Mẹ cho trước khi mất, ngắm chiếc xe Cub kim vàng giọt lệ còn khá mới – quà sinh nhật Ba mừng tôi 20 tuổi, nếu gặp mối bán được cũng gần 2 cây vàng… Một người bạn cho tôi biết, anh Nhân, bạn của anh tôi, đi du học ở Đức về, đang muốn tìm mua xe máy. Anh cũng là một trong những vệ tinh bám theo tôi lâu nay, nhưng luôn tự trọng, không vồ vập, khoe khoang như mấy tên ở nước ngoài về. Không hiểu sao tôi thấy tin tưởng anh Nhân, có lẽ trong lúc chao đảo trong dòng xoáy cuộc đời, anh như cái phao tôi có thể bám được… Anh Nhân mua lại chiếc Cub của tôi với giá 2 lượng vàng, và nhận luôn trách nhiệm mang vàng đổi thư, tránh cho tôi khỏi gặp lại khuôn mặt đểu cán...
Mọi việc tiến hành khá suôn sẻ, tôi nhận lại đủ mấy lá thư oan nghiệt (tôi có thói quen viết mỗi tuần đúng một lá thư cho anh Công nai tơ, nên biết rằng tên cáo già đã trả đủ hết thư). Tôi không biết diễn tiến việc trao đổi, sau này chỉ nghe chủ quán Hạ Trắng kể, tối đó trước khi ra về, anh Nhân đã tát tên kia một cái như trời giáng, gằn giọng: Mày phải biến hẳn khỏi đời cô Hương, hắn ngã xuống, đầu đập vào cạnh bàn, rách mi mắt trái… Hơn hai năm sau, tôi tốt nghiệp đại học, và nhận lời cầu hôn của anh Nhân. Quà cưới của tôi lại là chiếc xe Cub yêu quý ngày nào. Tôi hy vọng đời mình đã tìm được bến đỗ an toàn… Bây giờ, tôi đã nghĩ kỹ rồi. Tôi không muốn đến bàn thờ con cáo già, nhưng nghĩa tử, nghĩa tận, tôi sẽ nhờ anh Nhân đến, thay mặt tôi, thắp một nén hương cho hắn.
Ba Nhỏ, Trưởng Ban Lễ tang
Tôi tiễn bà sœur già ra cửa, tưởng là người cuối, quay ra lại thấy một bóng đàn ông đang dừng chiếc SH trước cửa Hội trường. Thời gian viếng kết thúc lúc 18 giờ, đúng lúc đó hắn vừa xịt xong nước sát khuẩn lên hai tay và gỡ khẩu trang che mặt. Tôi ngồi ở Bàn Tiếp lễ, đọc rõ tên người viếng: Lê Thanh Hương và chồng. Hóa ra tin nhắn tối qua của tôi đã có phản hồi, dù chỉ ở giây phút cuối cùng. Cặp kính đổi màu lướt nhanh qua các hiện vật trang trí đơn giản trong Hội trường, cũng như mọi khách viếng tang khác, hắn xác định được gia cảnh của tang quyến. Thủ tục viếng tang tiến hành chỉ vài phút, đúng quy định cách ly mùa CoViD. Hắn chào tôi, hỏi mối quan hệ với Công, ngần ngừ rồi mời tôi đi uống nước. Còn 60 phút nữa mới phải ăn cơm tối với Ban Lễ tang, tôi gật đầu.
Quán cà phê vắng khách rộng thênh thang, hai chúng tôi ngồi cách nhau 2 mét như quy định, nói chuyện đủ nghe, không có ai chú ý, giờ này Đội quy tắc cách ly cũng nghỉ ăn cơm rồi. Hắn hỏi tôi về gia đình của Công, lấy làm lạ vì không thấy vợ con người mất, Ban Lễ Tang cũng toàn là bạn bè nam giới. Biết tôi thân thiết với Công, hắn hỏi lan man về cuộc sống của Công, tỏ ý thắc mắc sao không thấy có bóng dáng phụ nữ trong cuộc đời Công? Đến nước này, tôi nghĩ có thể bật mí điều mà Công che dấu bao nhiêu năm: … Trong chuyến hành quân cuối cùng trên đất bạn, Công vướng phải một trái mìn lá. Mìn phát nổ không gây thương tích nặng, nhưng tác hại vô cùng quan trọng: Quân Y sư đoàn xác định Công đã mất chức năng làm chồng vĩnh viễn. Đó là sự thua thiệt lớn về thể chất – bạn bè luôn thấy Công mày râu nhẵn nhụi, có ai hiểu đó là nỗi đau về mặt tinh thần? Hắn rất ngại làm phiền người khác, đặc biệt Thanh Hương, người mà hắn tôn sùng. Chẳng lẽ lại thú thật với Hương, để Hương gậm nhấm nỗi đau khó nói, hay lại bỏ rơi hắn để đi lấy chồng? Chung quanh Hương có bao nhiêu đối tượng để lựa chọn, mà ông là người may mắn nhất... Vậy để Hương thanh thản làm lại cuộc đời, Công chỉ có thể chết đi, hoặc biến thành người khác. Hắn suy tính với riêng tôi, rồi lên kế hoạch đóng vai một tên đểu giả, để Hương yên tâm rời bỏ hắn. Cuối cùng, kế hoạch đã thành công! Hương đã sống hạnh phúc với ông đến bây giờ, đó là điều Công mong muốn nhất. Sống một mình, nhưng Công luôn theo dõi cuộc sống của Hương… À, ông hỏi về hai lượng vàng trấn lột ngày nào hả? Ông có thấy bà sœur già đến viếng trước Ông không? Bà đã thành lập Mái Ấm Tình Thương Nguyệt Biều, nơi nuôi dưỡng Trẻ Em Khuyết Tật của Tỉnh, ngày đó Công đã chuyển 2 lượng vàng ông đưa ở quán Hạ Trắng để hỗ trợ hoạt động của Mái Ấm…
Chúng tôi nói chuyện say sưa, khi sực nhớ thì đã quá giờ hẹn ăn cơm tối với Ban Lễ tang. Điện thoại tôi hiện ra mấy cuộc gọi nhỡ, do tôi để chế độ rung nên vô tình không biết. Không sao cả, giờ tôi phải lo đăng ký bổ sung hai người vào đoàn sớm mai đi Đà Nẵng.

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Tản văn 21

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>
GIÁ TRỊ CỦA PHÂN SỐ
 (viết chung với tonachombu, lấy tư liệu từ file Ông Ngoại, Bà Ngoại, Thư Viện Gia Đình và internet)
Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi Ba: Trên đời, Ba thương ai nhất? Ba trầm ngâm: Ba thương Bà Nội nhất, vì Bà Nội đã nhường mọi quyền lợi tinh thần, vật chất cho sự thành đạt của Ông Nội, các Bác, các Cô, các Chú. Tôi hỏi gặng: Thế Mẹ là thứ mấy? Ba mỉm cười: Mẹ thứ nhì, chỉ sau Bà Nội thôi, và trầm ngâm: Nói riêng với con, Bà Nội còn thương Mẹ hơn thương Ba nữa, lần nào thấy Ba Mẹ tranh luận, Bà Nội cũng đều bênh Mẹ cả. Thế mà, mới năm trước thôi, tôi lại nghe Ba tâm sự với bạn bè: Trước đây, đối với tao, Mẹ là Nhất, Vợ thứ Nhì. Nhưng tới ngày tao nhập viện điều trị vết thương khó lành do tiểu đường, phải nằm một chỗ cạnh máy hút chân không, mới thấy thương Vợ: buổi sáng đút cháo cho Bà Gia (tức Bà Nội, bị tai biến, nằm một chỗ hơn 20 năm) ăn xong, chạy đến Khoa Nội Tiết đổ bô phân, nước tiểu cho tao, rồi mới quay về cơ quan làm việc. Giờ thì cả hai người có Giải Nhất đồng hạng rồi. Đến đám tang Bà Nội cách đây một năm (miền Bắc gọi là hồng tangvì Bà thọ đến 93 tuổi), Ba đã tuyên bố với cả nhà, với tư cách trưởng nam: Đừng quá quan trọng hóa việc tham gia Lễ Tang. Thể hiện chữ Hiếu là chăm sóc khi Bà còn sống, còn khi Bà đã nằm xuống, con cháu chỉ cần lo toan trong khả năng của mình.
Tôi học Công nghệ Thông Tin, hầu hết các kiến thức đều tiếp thu từ mạng internet. Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được tuyển vào một Công ty Công nghệ - Truyền thông ở Hà Nội. Tôi tự nhủ: Đời mình đã có một số điểm xuất phát thuận lợi, chỉ thiếu có Gấu (người yêu) nữa thôi. Dù không nói ra, tôi vẫn mơ tìm được một em Gấu, được mọi người thương quý như Mẹ tôi. Ông bà ta có câu: Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giốngtương tự dân Anh: Like father, like son, hay Like mother, like daughterMọi người bảo tôi giống tính Ba - tốt nhưng cục tính, kiên quyết nhưng chủ quan, vậy tôi cứ từ từ mà sửa dần tật xấu. Nghe nói, Ba tôi sau này có thuần tính lại cũng nhờ Mẹ tôi uốn nắn, chính Ba đã nói đùa: Cha mẹ có công sinh thành ra ta, Vợ có công nuôi dạy ta nên người. Trong thâm tâm, tôi muốn kiểm chứng nhận xét của Ba: Mẹ học Bà Ngoại, sống vì mọi người, làm việc gì cũng nghĩ thay người khác, trước khi nghĩ đến mình! Cụ thể, tôi tìm hiểu những chi tiết liên quan đến Bà Ngoại, người đã cùng Ông Ngoại sinh thành, nuôi dạy Mẹ...
Ông Ngoại mất năm tôi mới lên 6. Kỷ niệm về Ông Ngoại năm tôi lên 3, là một tháng theo Mẹ ra ở cùng Ông Bà, khi Mẹ đi tập huấn ở Hà Nội, và hồi 5 tuổi, có lần được ngủ trưa, nằm chung với Ông trong tầng 1 chiếc giường rộng 1m, khi Ba Mẹ bắt đầu ra ở riêng, tách khỏi nhà Nội. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi được tắm bùm trong khách sạn, khi Ông Bà vào thăm quê, nhắn cả nhà tôi lên thăm. Nhìn chung, Ông là người thành đạt trong xã hội, nổi tiếng trong ngành Văn hóa – Văn nghệ. Tôi khó kể hết gần ngàn bản nhạc của Ông đủ các thể loại, giai điệu, tiết tấu, họa chăng chỉ có Bà (thư ký không ăn lương của Ông) là nhớ đầy đủ. Đó là một trong những điểm nổi bật của Bà Ngoại, đối tượng mà tôi tìm hiểu tính cách qua những trang sách báo mạng, báo giấy, hoặc từ Thư viện gia đình.

oOo
Bà Ngoại tham gia kháng chiến sớm hơn Ông Ngoại (lúc mới 16 tuổi, trước Cách mạng Tháng Tám), làm giao liên, rồi thành lập Tiểu tổ Phụ nữ Cứu quốc, tham gia cướp Chính quyền. Bà làm Thường Vụ Phụ nữ Cứu quốc của làng Xuân Tường, rồi của huyện Thanh Chương. Được kết nạp Đảng năm 17 tuổi, chỉ 3 năm sau Bà tham gia Huyện Ủy. Năm 21 tuổi, Bà lập gia đình với Ông, bắt đầu cuộc sống nội tướng bên cạnh nhiệm vụ chính trị được xã hội phân công: Ủy viên Đảng Đoàn, Tỉnh hội Phụ nữ Nghệ An, đơn vị có trụ sở thường xuyên thay đổi do chiến tranh: Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành... Cưới nhau mới được 3 hôm, Bà phải tiễn Ông đi công tác ở vùng địch hậu Khu 3, và tiếp tục công việc của Bà ở Huyện. Có lần đi công tác về gần đến nhà, Bà gặp người làng báo tin Ông mất, trái tim Bà như ngừng đập, may thay nguồn tin đó không đúng…
Sau Giải phóng Thủ đô (1955), Bà tham gia đoàn tiếp quản Hải Dương, Hải Phòng; Ông đang công tác địch hậu khu Tả ngạn sông Hồng, cùng về tiếp quản Hải Phòng. Từ đó, Ông và Bà bắt đầu bước vào cuộc sống gia đình và công việc mới. Bà được chuyển sang ngành giáo dục, học trung cấp sư phạm, rồi dạy cấp 2; Ông nhận nhiệm vụ ở Sở Văn hóa Hải Phòng. Rồi lần lượt Dì Cả, Cậu, Mẹ tôi và Dì Út ra đời trong cảnh hòa bình trên miền Bắc. Bà phải vừa hoàn thành công việc được giao, vừa chăm con nhỏ, vun vén gia đình. Lúc đó, tuy Ông bận rộn thường xuyên, nhưng việc có mặt bên nhau đã động viên tinh thần Bà rất nhiều. Trong những sáng tác của Ông, luôn thấy thấp thoáng hình bóng Bà, rõ ràng việc duy trì đời sống gia đình ổn định là chỗ dựa vững chắc để Ông yên tâm, hăng say công tác.
Trong điều kiện khó khăn thời đó, gia đình dù có nhiều nhân khẩu cũng chỉ được cấp nơi ở tạm là một phòng làm việc của Sở Văn hóa, bếp dùng chung. Đến khi sắp có con thứ 3 (tức Mẹ tôi, hồi đó chưa có chủ trương kế hoạch hóa gia đình), Ông mới được phân một phòng 32m2, ở tầng 2 của ngôi nhà trước là tư gia của Giám đốc Cảng (người Pháp). Thương con cháu, Bà Cố đã từ Nghệ An ra Hải Phòng đỡ đần công việc chăm sóc cháu cho Bà. Trách nhiệm nội tướng nặng nề hơn khi Mỹ đánh phá miền Bắc (1964), gia đình đi sơ tán ở An Lão, rồi theo trường của Bà về sơ tán ở Đông Sơn, Thủy Nguyên, cách Hải Phòng 10km. Bà phải tập cho Dì Cả và Mẹ tôi khiêng nước từ giếng chung (gần chân núi) về nấu ăn, vì nước giếng đào quanh nhà hơi chua, chỉ có thể dùng để giặt giũ. Ông công tác ở tận Vĩnh Bảo, cách Hải Phòng 40km, mỗi cuối tuần lại đạp xe về thăm gia đình ở nơi sơ tán. Đỉnh điểm của sự vất vả là khi Ông chuẩn bị đi B (1966): gánh nặng gia đình sẽ dồn hẳn lên vai Bà, và về mặt tinh thần, sự nhớ nhung, buồn khổ khó có ai cùng chia sẻ. Ngày xưa, bên sông Dịch, Kinh Kha đã hát Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn (Tráng sĩ một đi không trở về - Thời Xuân Thu, Kinh Kha nhận nhiệm vụ đi hành thích Tần Thủy Hoàng) khi từ biệt bạn là Cao Tiệm Ly; khi đó Ông vẫn lạc quan, động viên Bà yên tâm Đợi Anh Về - tên bài thơ của Xi Mô Nốp - qua Lời Người Ra Đi - bài hát về sau đã đưa nhiều ca sĩ lên đỉnh cao âm nhạc. Nhờ đó, Bà nén được nỗi buồn, động viên Ông lên đường, thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc tin giao.
Thời chiến tranh, việc liên lạc bằng thư từ dễ bị gián đoạn, không chỉ vì đường quân bưu hay tắt nghẽn, mà còn vì địa chỉ các đơn vị thay đổi theo từng chiến dịch. Ở chiến trường, Ông rất mong thư của Bà, nhưng có lúc bặt tin mấy tháng liền (càng sốt ruột hơn khi máy bay Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc), rồi sau đó nhận liền gần chục lá thư theo kiểu no dồn, đói góp. Ngược lại, có lúc Bà lo lắng khi nghe tin Mỹ mở chiến dịch càn quét nơi đơn vị Ông đóng quân mà chẳng có tin của Ông, sau đó vỡ òa hạnh phúc khi nghe đài phát bài hát của Ông (dưới bút danh mới) viết sau chiến dịch. Những bức thư đầy yêu thương gửi cho nhau được Ông Bà nâng niu, gìn giữ, đến nay đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cất giữ - được tổng hợp lại thành quyển Những Lá Thư Vượt Tuyến.
Năm 1971, phi cơ Mỹ lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai, Bà Cố và 3 cháu phải sơ tán tận Hà Giang, khá xa nhưng đảm bảo an toàn, trong khi Dì Cả đi học ở Đông Triều (Trường dành cho học sinh miền Nam), Bà ở lại nội thành Hải Phòng công tác. Ngoài trách nhiệm hoàn thành công việc được giao, lòng Bà chia sẻ nhiều hướng, vừa ngóng tin Ông trong chiến trường, vừa nhớ mẹ, nhớ các con và lo gởi thêm lương thực, thực phẩm lên cho cả nhà.
Suốt 9 năm đi B, Ông Bà chỉ gặp nhau 2 lần: lần thứ nhất năm 1970, Ông được tranh thủ về thăm nhà nửa tháng sau khi ra Bắc điều trị sốt rét ác tính, rồi đi điều dưỡng ở Sochi (Liên Xô); lần thứ hai lúc Giải phóng Quảng Trị (1972), Bà tranh thủ cùng 3 con (Dì Cả đang học ở Đông Triều, không đi được) lặn lội tàu xe vào thăm Ông ở Đông Hà trong nửa tháng, nhân dịp các trường nghỉ hè. Dịp này, Bà mới được ra mắt bà con, họ hàng ở quê Ông, với cương vị cô dâu mới gặp, khi Ông Bà đã có 4 con, Dì Út khi đó đã lên 10. Sau lần đó, Ông Bà lại trở thành vợ chồng Ngâu đến sau ngày thống nhất đất nước, năm 1975, Ông tranh thủ thăm Bà khi ra Bắc công tác, kết hợp bàn phương án điều trị cho Bà Cố bị ung thư giai đoạn cuối, sau mấy năm hỗ trợ cho Bà chăm lo cho con cháu - Ông rất thương quý Bà Cố, vốn là Đảng ủy viên xã, phối hợp hoạt động với Ông trước khi Ông gặp Bà… Ba tháng sau ngày Thống nhất Đất nước, Bà phải thay Ông lo đám tang của Bà Cố, ra đi vì căn bệnh nan y. Vô cùng đau xót, nhưng Bà không muốn báo tin buồn cho Ông, sợ Ông phân tâm vì công việc ở vùng mới giải phóng đang ngập đầu…
Đến tháng 08/1976, sau chuyến vào Huế thăm Ông, xót xa thấy cảnh ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân dù Ông đã lập gia đình hơn phần tư thế kỷ, có với Bà tới 4 mặt con, Bà quyết định làm đơn xin chuyển từ Hải Phòng vào Huế, vẫn công tác trong ngành Giáo dục, để kết hợp làm Chủ nhiệm Hậu cần cho Ông. Vào Huế trước Bà, Mẹ tôi đã nộp đơn thi đại học, dì Út cũng chuyển vào học cấp 3, mấy năm sau dì Cả tốt nghiệp đại học cũng nhận công tác ở Huế. Riêng Cậu (con trai duy nhất của Ông Bà) đang đi học nước ngoài.
Đất nước đã hết chiến tranh, các nước anh em giảm dần mức viện trợ, nên nhân dân bắt đầu tự lực cánh sinh. Lúc đó mới thấy hết những vất vả, nặng nhọc của cuộc sống hàng ngày trên đất Huế nghèo khổ… Huế thơ, Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu! Xứ Huế nên thơ, trữ tình, nhưng có mức sống bình quân khá thấp so với các tỉnh khác ở miền Trung, nền công nghiệp hồi đó gần như không có gì. Ông Bà được cấp một căn nhà vách gỗ, lợp tôn, láng xi măng, vốn là nhà vợ hai của một đại úy quân đội Saigon, năm 1975 tạm trưng dụng làm nơi đổi tiền. Dù nhà chật, tiện nghi thiếu, nhưng tấm lòng của Ông Bà luôn rộng mở với các con cháu có nhu cầu học tập: các cháu gọi Ông bằng Ông, Bác, Chú, Cậu về ở quây quần trong nhà, cùng với Mẹ tôi theo các lớp đại học đủ ngành nghề. Với tiêu chuẩn khiêm tốn hạng C của Ông Bà thời bao cấp, và các tem phiếu hạng E của sinh viên đại học, Bà phải xoay xở đủ cách để chế biến lương thực, thực phẩm được cung cấp…
Tôi nghe Mẹ kể các sinh hoạt thời bao cấp, cứ ngỡ như chuyện tưởng tượng: đúng lịch Cửa hàng lương thực, thực phẩm bán hàng, Bà phân công người đi sớm xếp sổ chờ đến lượt mua, khi vào kho nhận hàng phải biết nói khéo với mậu dịch viên để được gạo mới, thịt tươi, rau sạch, tránh được gạo mốc, thịt ôi, rau bẩn… Đặc biệt, sau cơn lụt năm 1976 ở Huế, Cửa hàng Lương thực thông báo bán 3 sắn tươi thay 1 gạo, nhà nào cũng trở thành nơi bóc, ngâm, chế biến sắn (như muối dưa vỏ sắn), có lần mấy chị em say sắn nằm dài cả ngày… Khi Cửa hàng bán bo bo, Bà nhờ xay thành bột làm bánh mì, ăn với canh su su hay bầu, thu hoạch trên giàn ở góc vườn, mà Bà là nhà sinh vật học lo thụ phấn. Mỗi lần Bà xin được phiếu lấy trấu, mạt cưa (hồi đó tiêu chuẩn củi phân phối thường không đủ đun nấu), mấy chị em bịt kín mặt mũi vào kho tranh nhau để xúc, nén vô bao cho thật đầy, chở về nhà, phần thì lèn chặt vào lò nấu bếp cho đỡ tốn củi, phần thì sàng, giần lấy cám nấu cho lợn. Bà chỉ huy các cháu nuôi lợn và thỏ, khi đủ lớn thì đem bán lấy tiền để bổ sung thực phẩm hàng ngày. Trong khi một số nhà ở Huế vô cùng vất vả khi bị cắt nước, may thay, vườn nhà Ông Bà có nửa cái giếng (dùng chung với hàng xóm là tập thể Công An) nên đỡ được khoản ban ngày, cả nước lo việc nhà, ban đêm, cả nhà lo việc nước… Điện thì bữa có bữa không, các sinh viên tranh thủ học ban ngày, tối nào cúp điện thì phải ra nhờ ánh điện đường. Đã nghèo còn gặp cái eo, quần áo đang phơi có lúc bị khoèo mất, có người bị mất quần áo ngay khi còn ngâm trong chậu, chưa kịp giặt, có lần trộm cạy cửa vào nhà quơ hết quần áo… Bà làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục, thỉnh thoảng phải đạp xe về cơ sở cách vài chục km, đường thì xấu mà lốp xe thường thuộc loại cố vấn - cách chơi chữ thời bao cấp – dùng xăm cao su cố gắng vấn lốp xe bị bung triên (ta lông), trong khi Cửa hàng Thương nghiệp cung cấp mỗi năm một bộ xăm lốp xe đạp cho 4-5 người, phải bốc thăm để chọn. Hồi ấy Bà gầy lắm, vừa bị bệnh đại tràng phải ăn kiêng cá tôm, thịt và gạo thì ít, ăn toàn độn, nhà lại đông người; lúc khám sức khỏe tổng quát, Bà chỉ được 36 kg… Cuộc sống thời ấy thiếu thốn, vất vả nhưng trong nhà Ông Bà vẫn luôn vang lên tiếng cười của lớp trẻ, của Ông, kéo được Bà Cô (chị Cả của Ông, sống cùng với Ông Bà sau khi cả nhà chuyển vào Huế) vốn là người giữ nếp phong kiến, kín đáo, đôi khi cũng buông nhiều câu nói đùa vui vẻ. Đang trong tuổi ăn, tuổi ngủ, các Dì, các Cậu cứ béo tròn ra, đến kỳ hạn tất cả đều hoàn thành khóa học. Trong ngôi nhà gỗ, con cháu lần lượt tổ chức liên hoan chè, khao bằng tốt nghiệp đại học, rồi tỏa đi khắp nước công tác, xa nhất là tận Thốt Nốt, Cần Thơ…
Đến 1983, Trung ương điều Ông ra công tác ở Thành ủy Hà Nội, sau chuyển sang Phụ trách ngành Thông tin. Ra thăm Ông, thấy cảnh ăn uống sơ sài vì không hợp khẩu vị, Bà xót ruột muốn chăm sóc Ông chu đáo hơn, nên xin chuyển theo Ông ra Hà Nội. Nhà của Ông Bà được trả lại cho Nhà Đất Thành phố Huế, gia đình dì Cả và Mẹ tôi chuyển về ở gác 5 chung cư Đống Đa theo đúng tiêu chuẩn, với đường cầu thang khá dốc, mang xe đạp lên xuống phải vác trên vai. Tôi nghe Ba kể chuyện: hồi đó, Ba là Bí thư Chi đoàn của Mẹ, cùng các đoàn viên khác hỗ trợ Mẹ chuyển nhà, hình như trong lần chuyển nhà đó, sau khi mang hết chổi cùn, rế rách… từ nhà cũ đi, đã mở được cánh cửa gỗ lim của trái tim Mẹ…
Ở Hà Nội, Bà tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục, một năm sau thì về hưu, dành toàn tâm, toàn ý chăm sóc cho Ông. Bà bắt đầu công việc quản lý các sáng tác của Ông, thu lại trong băng cassette các bài hát do Ông sáng tác, sắp xếp lại thành các album theo chủ đề hoặc địa phương liên quan. Sau này, khi tổng hợp các sáng tác của Ông, mọi người đều công nhận công sức lớn lao của Bà khi sắp xếp, bảo quản, hệ thống lại đúng yêu cầu, ngay Ông đôi khi cũng phải hỏi lại Bà về những sáng tác trong quá khứ mấy mươi năm của mình. Giống như hồi ở Huế, gia đình Ông Bà lại là nơi tập trung học tập, chủ yếu của cháu gọi Bà bằng Bác, bằng Dì, từ Hải Phòng lên học Kiến Trúc, từ Vĩnh Phú về tập huấn bóng đá, hay chính Ba tôi đi học nghiên cứu sinh… Ông Bà rất tiết kiệm, sống giản dị, không quan cách, rất thống nhất khi tổ chức các sự kiện riêng của gia đình (rút kinh nghiệm từ nhiều đám cưới con các cấp lãnh đạo thời đó). Ông Bà (chủ yếu là Bà – phụ trách Tài chính Gia đình) tổ chức đám cưới cho dì Cả, cho Mẹ, cho dì Út thật đơn giản, không ồn ào, phô trương…
Năm 1981, Dì Cả lập gia đình với Anh Thợ Rèn (biệt danh hồi đó, thật ra Dượng là giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp, sau này là Đại học Nông Lâm). Đám cưới tổ chức dưới trời mưa lụt, gia đình hai họ chỉ có vài người, dự tiệc trà, liên hoan ca hát cây nhà lá vườnÁo quần cô dâu, chú rễ là thứ có sẳn hay đi mượn. Con của Dì, cháu ngoại đích tôn của Ông Bà, chào đời năm 1982, được cả nhà cưng quý. Cái tài của Bà lúc đó là thu xếp nơi ăn ở cho cả đại gia đình, đặc biệt là tiểu gia đình Dì Cả có cháu nhỏ, trong căn nhà khá hạn chế về diện tích. Tiêu chuẩn bồi dưỡng cho Dì Cả chẳng có gì, chỉ là sắn cõng cơm, hoặc bo bo, sang lắm là bột mì cán sợi. Đến khi mì - phương ngữ của miền Nam, có nghĩa là (củ) sắn - chất đầy nhà, Vấn đề bồi dưỡng lại là cơm không! Do đó, con Dì Cả rất gầy, Ông đã gọi trại tên chị Sông Hương thành Xương Hôngvì bế cháu toàn sờ thấy xương…
Lễ cưới Ba Mẹ được tổ chức năm 1987 (sau Lễ Hỏi đơn giản ở Hà Nội với ít thuốc lá, hạt sen), đón dâu từ gác 5 chung cư Đống Đa bằng một xe 12 chỗ về gia đình nhà trai ở Huế (lúc đó, Ông đi công tác ở nước ngoài), khách mời của Ông Bà chỉ có bà con, họ hàng, các cơ quan chỉ nhận thiệp báo hỉ. Sau đám cưới, Ba ra tạm trú ở nhà Ông Bà để học nghiên cứu sinh, Ba Mẹ được Ông Bà dành cho một căn phòng 10m2, quá lý tưởng so với cuộc sống ở Hà Nội thời đó. Cuộc sống đầy khó khăn, mấy tháng gần ngày sinh, Mẹ được bồi dưỡng riêng 1 quả trứng vịt lộn -  - mỗi ngày. Đầu năm 1989 sinh anh C. gần 4kg, từ đó trong đại gia đình, trứng vịt lộn trở thành tiêu chuẩn thí điểm bồi dưỡng cho bà bầu. Anh C. được Ông gọi trại là ArơChôm (Artiom Cortsagil, anh ruột nhân vật chính trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy), dù tên C. có nguồn gốc là Chôm Chôm, trái cây đặc trưng miền Nam quê nội. Hồi nhỏ anh C. rất hợp sữa Similac, năm đầu tiên cứ mỗi tháng lại tăng đều đặn 1 kg, nên có biệt danh Similac. Có lần Ông đi công tác ở Liên Xô, hỏi Bà muốn mua gì thì Bà trả lời đơn giản: ưu tiên một thùng Similac cho cháu, mà chẳng yêu cầu gì cho riêng mình! Anh C. sống trong nhà Ông Bà đến 6 tuổi rồi theo Mẹ vào Huế với Ba, con đầu, dâu trưởng của họ Nội mà…
Đám cưới của Dì Út tổ chức ở Hà Nội rất đặc biệt, đầy bất ngờ. Năm 1990, Ông Bà mời bạn bè, thân hữu đến với lý do dự Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày cưới, địa điểm phải nhờ nhà ông Duyên trong làng Trung Tự, vì căn hộ đôi 48m2 được phân không đủ chỗ tiếp khách. Mọi người gặp mặt, sinh hoạt, ca hát vui vẻ suốt cả ngày. Đến cuối buổi, Ông Bà mới tuyên bố: hôm nay, chúng tôi tổ chức cho cháu Út ra riêng, mọi người mới vỡ lẽ. Thắm thoát đã gần 30 năm, Dì Út đến nay đã lên chức bà nội rồi…
Năm 1992, cả nhà Dì Cả chuyển ra Hà Nội, Ông Bà được phân về nhà N3, khu 222A Đội Cấn. Năm 2000, chuẩn bị chuyển nhà sang khu Vạn Bảo (nơi ở hiện nay), Bà đau ruột thừa, khi nhập bệnh viện Việt Xô điều trị mới phát hiện khối u ở đại tràng. Bà đồng ý khi bác sĩ đề nghị mổ chẩn đoán và tự ký vào đơn cam đoan, sau đó Ông và các Dì mới biết để vào chăm sóc. Mẹ cấp tốc xin nghỉ phép ra Hà Nội, kết hợp với dì Cả, dì Út thay phiên chăm sóc Bà, tôi mới 3 tuổi, tất nhiên phải bám theo Mẹ. Hôm Mẹ trực với Bà, tôi cứ tha thẩn theo mọi người đi lại giữa nhà cũ, nhà mới cách nhau hơn trăm mét, rồi bị lạc, ngồi khóc ở vệ đường, may có người cho vào nhà, mấy tiếng sau Mẹ mới tìm ra tôi đang nằm ngủ khoèo… Một tuần sau, Ông gọi điện cho Ba tôi, tâm sự: Bệnh viện K đọc sinh thiết của Mẹ là u ác tính rồi. Mình sẽ điều trị tích cực, nhưng Ba muốn Mẹ thoải mái tinh thần, về đến nhà là đã chuyển xong về nơi ở mới. Con ra Hà Nội, chỉ huy việc dọn nhà! Tài chính Ba lo cả. Ba xin nghỉ làm đề tuyển sinh ở Đại học Y Dược, cấp tốc ra Hà Nội, điều động một nhóm em họ của Mẹ và ông anh đồng hao - (anh) rể cùng một nhà; phương ngữ miền Nam là (anh) cọc chèo - tức là chồng Dì Cả, biết tháo lắp đồ mộc như thợ chuyên nghiệp… Đến khi hoàn thành, gần như chẳng tốn kém gì, Ông cho khui chai rượu Mai Quế Lộ thơm phức, mua chục lít bia hơi để khao quân: đã hoàn thành nhiệm vụ gia đình đầu tiên do Ông làm Tổng Chỉ huy, khi Bà đang điều trị trên giường bệnh… Cuối cùng, với sự tích cực điều trị của Viện K, Bà đã chạy đủ 6 đợt hóa chất, ăn kiêng đúng chế độ quy định, sau gần 20 năm chiến đấu kiên cường, cuối cùng con ma Ung Thư phải chịu thua Bà, lắc đầu bỏ đi…
oOo
Sách vở thường nói: Đằng sau người đàn ông thành đạt, bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ. Trường hợp Ông Bà Ngoại là một minh chứng cụ thể. Mọi nhiệm vụ phức tạp (như Phó đoàn Tuyên truyền kháng chiến Trung Bộ và khu IV, Thường vụ phụ trách địch hậu Khu III, chiến dịch Hòa Bình, Tả ngạn Sông Hồng trong kháng chiến chống Pháp, đến Lãnh đạo Sở Văn hóa Hải Phòng, rồi trong chiến trường chống Mỹ, đến các chức vụ cấp Trung  ương được giao sau này) được Ông Ngoại hoàn thành với hiệu suất cao, bằng lòng nhiệt tình sôi nổi và khả năng uyên bác… Một yếu tố không thể quên nhắc đến là sự động viên tích cực của Bà Ngoại, đúng với châm ngôn hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mạnh mẽ…
Năm 2003, Bà phải chịu cái tang lớn nhất đời, khi Ông ra đi ở tuổi 75. Với tiền sử là những cơn cao huyết áp đột xuất, lại phải đặt 2 stent ở vị trí tắc của động mạch vành, Ông tiếp tục điều trị bệnh bằng thuốc nội khoa. Tuy bác sĩ chỉ định Ông phải hạn chế làm việc căng thẳng, nhưng Ông chỉ có thể chấp hành ở mức độ tương đối. Ông xin từ chối nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Lễ Khai mạc Sea Games 22 (và ParaGames), Ban Tổ chức không đồng ý, thuyết phục Ông nhận để khỏi ảnh hưởng tinh thần đạo diễn và biên đạo múa… Sau mấy ngày làm việc căng thẳng, sáng thứ bảy 15/11, đang đi bộ thể dục với Bà, ông thấy chóng mặt. Đưa vào bệnh viện Saint Paul rồi chuyển sang Việt Xô, ông chỉ hồi tỉnh được hơn 1 ngày rồi sức khỏe bắt đầu suy giảm. Bệnh viện cố gắng giữ đến 5 giờ sáng chủ nhật 23/11/2003, khi các con cháu đã tập trung về đông đủ, bác sĩ cho rút ống thở oxy… Vô cùng đau đớn, tim Bà đau nhói như muốn ngừng đập, nhưng Bà cố gắng tỉnh táo để thực hiện các nghi thức của Lễ Tang. Đặc biệt, Bà đích thân lựa chọn những bài hát đặc trưng, ưa ý nhất của Ông hồi còn sống, để làm nhạc đệm trong Nhà Tang Lễ Bộ Quốc Phòng trong buổi sáng 27/11, thay bài Hồn Tử Sĩ như với các đám tang khác.
Mọi người tưởng rằng khi Ông mất, Bà đã chịu nỗi đau lớn nhất của đời mình, nhưng Bà gắn niềm yêu thương, nỗi đau đớn vì mất Ông vào chính công việc sắp xếp lại các bản nhạc, chọn lọc bài hát đã thu âm cũ, in được 2 album nhạc của Ông, tự đánh máy viết sách kể về kỷ niệm tình yêu của hai người và Hồi ký của bà... Năm 2016, Bà bị ngã, phải thay khớp gối, đến hậu phẫu, Bà chủ động tập đi, không phiền đến con cháu… Bà vẫn tự làm mọi công việc cá nhân, âm thầm lên kế hoạch cho những việc của gia đình sau khi Bà đi gặp Ông. Các con cháu đều trông mong Bà luôn mạnh khỏe, sống thượng thọ để an hưởng tuổi già.
Đến tuổi 88, Bà lại phải chịu tiếp nỗi đau thứ hai. Tết Kỷ Dậu 2017, cậu P. con trai duy nhất của Ông Bà, đưa vợ con từ Hungaria về thăm Bà mấy tuần, ăn Tết Nguyên Đán ở Việt Năm. Trở lại Hungaria chưa được 1 tuần, Cậu bị đột quỵ và mất trên đường chở đến bệnh viện. Tin dữ đến như sét đánh ngang tai, các Dì thống nhất dấu Bà, thu xếp sang đón tro cốt Cậu về, làm Lễ Tang và tẩn liệm ở tỉnh Hòa Bình, trong khi cho Bà nhập viện điều trị ở bệnh viện Việt Xô. Mọi người định từ từ sẽ báo cho Bà hay... thì tình cờ, Bà dọn dẹp phòng, phát hiện trong một cặp giấy, bài viết Lời Truy Điệu, đã đọc trong Lễ Tang của Cậu! Sau mấy tiếng đồng hồ gọi cấp cứu, Bà vuốt ngực để tránh quá xúc động vì tin dữ và vì thương các con, các cháu còn đang sống. Bà dần dần hồi phục và lặng lẽ tính ngay đến chuyện chăm sóc hai con của Cậu, con út chưa đến 20… Chính điều này làm tôi khâm phục Bà vô cùng: Bà đã cố nén nỗi đau mất đứa con trai duy nhất, vừa mới chia tay hai tháng trước, để lo cho tương lai các cháu nội…
Tôi hỏi Mẹ một thắc mắc ngoài lề: Mẹ ơi, Ông là nghệ sĩ., nghệ sĩ thường đa tình lắm! Chính ban đầu, Bà cũng từ chối lời cầu hôn của Ông, vì Ông là nghệ sĩ. Vậy suốt hơn 50 năm sống chung, có khi nào xuất hiện hình bóng thứ ba không? Thật choáng với câu trả lời của Mẹ: Có, con ạ! Nhưng buồn cười lắm, mọi chuyện xuất phát từ Bà mới lạ. Hồi năm 2000, Bà bị ung thư đại tràng, tưởng không qua khỏi. Bà lẩn thẩn tính toán: nếu không có Bà, ai sẽ sớm hôm chăm sóc cho Ông, vì các con còn phải lo toan cho gia đình riêng. Cuối cùng, Bà nhắm đến cô Z. trong cơ quan của Ông, đặt vấn đề với các Dì: nếu Bà ra đi trước, Cô Z. sẽ thay Bà chăm sóc Ông… Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Cuối cùng, Ông lại ra đi trước Bà…
Mẹ tôi cho là chuyện buồn cười, nhưng tôi nghĩ khác. Theo logic, với một người luôn suy tính công việc thay cho người khác, quên cả chính mình như Bà, suy nghĩ như trên là hoàn toàn khả thi. Tôi nhớ lại câu nhận định của Lev Tolstoy (Nga): Giá trị con người là một phân số: tử số là cái mình có, mẫu số là cái mình tưởng mình có… Bà ơi, Bà luôn nghĩ Bà chỉ là số không, vậy giá trị của Bà tiến đến vô cùng!
viết nhân ngày Thượng Thọ của Bà Ngoại