Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Truyện ngắn 29

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

SỰ CHỌN LỰA BẤT NGỜ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Con đường dẫn tôi đến công tác hiện nay khá hi hữu: từ khi còn học phổ thông, tôi đã mơ ước thoát ly khỏi quê hương, về sống và làm việc ở thành phố, chia tay với cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của mạ và chị cả. Gia đình thuộc diện bần nông, kinh tế khá khó khăn, bọ và anh trai cũng chỉ biết con trâu đi trước, cái cày đi sau, tôi biết bọ mạ khó nuôi con học tiếp lên cao đẳng hay đại học được. Nghe lời rủ rê của Nhàn, bạn thân con chấy cắn đôi từ thuở nhỏ, thi phổ thông xong, tôi xin bọ mạ làm đơn nhập ngũ, đúng dịp quân đoàn 14 có đợt tuyển nữ quân nhân. May mắn hơn các bạn cùng khóa, tôi đỗ kỳ thi phổ thông, chắc là đỗ vớt vì tôi viết sức học của mình. Tôi trúng tuyển vào bộ đội nhờ tấm bằng vớt này, thoạt tiên được phân về tổ chị nuôi một thời gian, mới nhập ngũ mà được làm chị các anh bộ đội mấy tuổi quân cũng oai phong chán. Mấy tháng sau, cấp trên điều tôi về tổ Văn thư – Bảo mật, sau khi cho tôi tham gia khóa học sáu tháng về đánh máy chữ. Tôi thay quân hiệu Hậu cần với cây súng, con dao mà bọn tôi gọi là dao chặt xương thịt, thay bằng quân hiệu Văn thư, với cuốn sổ và cây bút trông học thức hơn nhiều. Hàng ngày, tôi tập thao dượt mười ngón tay như múa trên chiếc máy đánh chữ Remington cũ kỹ, thỉnh thoảng mỉm cười mỗi khi thấy ai đó mổ cò trên bàn máy chữ từng chữ một. Sau ba năm quân ngũ, tôi xuất ngũ về địa phương với quân hàm hạ sĩ trên ve áo…

Vẫn theo đuổi mơ ước được là cư dân thành phố, theo lời khuyên của anh Bảo, Trưởng Ban Quân lực của quân khu, nhập hộ khẩu về địa phương xong, tôi làm hồ sơ thi đại học khối B vào Đại học Y khoa Huế, với hy vọng được hưởng diện ưu tiên của bộ đội xuất ngũ. Tôi nghĩ lẩn thẩn: nếu có thi rớt đại học y khoa vẫn vinh quang hơn rớt đại học nông nghiệp nhiều! Sau ba tháng tập trung ôn tập vất vả ở ôn thi Trương Định, dự thi xong ba môn Toán-Sinh-Hóa, tôi không hy vọng mấy vì biết lực học của mình qua các kỳ thi thử ở trung tâm luyện thi chỉ ở mức trung bình khá; nhưng rốt cuộc, tôi thật bất ngờ khi bác đưa thư của xã đưa chiếc phong bì có giấy báo trúng tuyển. Cả nhà tôi rất vui mừng, phấn khởi, bọ mạ tôi quyết định mổ thịt con bê một tuổi mà em tôi đang chăn dắt, khao cả họ nội, họ ngoại, thành ra gần như khao cả làng, vì vùng tôi ở, hầu như họ hàng với nhau cả, có mấy ai đậu được vào đại học đâu? tôi lại là con gái, đậu được vào y khoa càng được xem là của hiếm… Hình như cánh mũi tôi lúc đó tự nhiên nở to ra thì phải, đi đến đâu tôi cũng vênh váo nhìn mọi người, làm như mình sắp trở thành bác sĩ đến nơi.

Sự việc thật bất ngờ khi tôi đến làm thủ tục nhập học ở trường đại học y khoa Huế, sau khi đã cắt hết hộ khẩu, lương thực ở địa phương, chia tay với bạn Nhàn hiện nay làm kế toán hợp tác xã, đã tay bồng, tay mang con mọn trong khi tôi vẫn còn son rỗi: trưởng phòng Quản lý sinh viên gọi đích danh tôi lên phòng Ban Giám hiệu để giải thích, do một sai lầm của người nhập danh sách trúng tuyển, số báo danh và tên tôi đã bị đánh nhầm, nghĩa là tôi đậu phải cành mềm chứ không trúng tuyển như nhà Trường đã thông báo. Nhà trường sẽ nghiêm khắc xử lý người sai sót, nhưng hậu quả thì tôi lãnh đủ…, không thể trở thành tân sinh viên y khoa, như trong thông báo trúng tuyển mà tôi đã photocopy ra nhiều bản, có bản lộng kính để trong nhà, cạnh giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua trước khi xuất ngũ...

Quá bất ngờ cho tôi, khi địa phương cắt hộ khẩu, lương thực của tôi rồi, làm sao mà nhập lại, nhập với lý do gì…, tôi không muốn la khóc nhưng theo mọi người sau này kể lại, mặt tôi tái xanh, tay chân giật giật như người động kinh, làm mấy vị chức sắc trong phòng phát hoảng. Ông Thanh, Hiệu phó phụ trách tổ chức, sau này tôi mới biết là đồng hương cấp huyện với tôi, sau khi xem kỹ hồ sơ lý lịch, đề nghị một phương án giải quyết dung hòa: tuyển tôi vào Tổ Văn thư của Trường, lâu nay chưa nhận nữ giới làm hành chính, nhưng tôi có mác ba năm quân ngũ, chứng chỉ đánh máy chữ tốc ký loại khá, một danh hiệu chiến sĩ thi đua bù lại. Ban Giám hiệu cân nhắc khá lâu rồi cũng thông qua, như thế nghiễm nhiên tôi sẽ trở thành cán bộ thuộc biên chế của trường, có tiêu chuẩn lương, chỗ ở tập thể… Vậy là trúng ý tôi quá rồi, được ở ngay trung tâm thành phố Huế mà chẳng cần phải học hỏi, tu dưỡng gì thêm. Tôi nghe họ bàn luận mà sướng mê đi, cứ giả vờ suy nghĩ, xin gia hạn ba ngày để điện hỏi ý kiến gia đình, trong thâm tâm biết chắc chắn là bọ mạ sẽ đồng ý…

Mấy năm sau, theo mô hình cơ cấu chung của Bộ trực thuộc, Trường sát nhập hai bộ phẫn Tổ chức và Hành chính, tôi là nữ đảng viên duy nhất, trở thành cán bộ tổ chức, phụ trách mảng Lao động – Tiền lương. Ngẫu nhiên, tôi có quyền quản lý, nắm trong tay hồ sơ, lý lịch của những bác sĩ, vốn là sinh viên tốt nghiệp được giữ lại công tác ở trường, những người mà ngày trước tôi đã ghen tị với số phận của họ.

Như các thầy tướng số thường phán, với một người, con đường tình duyên và con đường công danh khó thông suốt cả hai, được đường này sẽ mất đường kia ngược lại. Con đường công danh của tôi xem như có được quý nhân phù trợ, thì con đường tình duyên của tôi lại rất suôn sẻ, vì không có ai chịu đi cùng mà tranh giành đường đi, nói theo giọng lưỡi tiếu lâm hiện đại. Thời gian mười năm trôi qua như trong chớp mắt, tôi đã vượt quá tuổi băm mà chưa có một mảnh tình rách vắt vai… Riêng anh Bảo quân lực của quân khu, ngày trước tôi ít nhiều có cảm tình, đã toan tính đến chuyện lâu dài, đã chuyển sang mặt trận 479 rồi mấy tháng sau lại hy sinh sau chiến dịch truy quét Kmer đỏ ở đất bạn Kampuchia, thư của đồng đội cũ báo tin dữ làm tôi mất ăn, mất ngủ mấy hôm liền. Mất anh Bảo, biết có ai làm chỗ dựa tinh thần cho tôi? Ở môi trường chung quanh tôi bây giờ, nam giới hơn tôi một vài tuổi đã có gia đình ổn định, lứa trẻ hơn một chút thì gọi tôi bằng chị, xưng em ngọt xớt. Tôi chỉ biết tìm lãng quên trong công việc hàng ngày, không chỉ tham mưu cho lãnh đạo về công tác tổ chức, mà còn cung cấp thông tin, tư vấn cho anh chị em khi tìm hiểu đối tượng khác giới trong trường.

Lúc này, chủ nghĩa lý lịch xem ra vẫn rất mạnh: cán bộ trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng vẫn ngầm chia thành hai nhóm riêng biệt: nhóm thứ nhất là thành phần gia đình cán bộ, có cha mẹ từng sinh sống ở miền Bắc sông Bến Hải hay từ miền Nam tập kết ra năm 1954, và nhóm thứ hai là thành phần gia đình tiểu tư sản, cha mẹ sinh sống ở miền Nam vĩ tuyến 17, mà nhiều cán bộ tả khuynh thường gọi xách mé họ là ngụy quân, ngụy quyền, ngụy dân. Trong số đó, có một số được chuyển dần sang nhóm thứ nhất, nếu gia đình có người đi tập kết hoặc bản thân lại tham gia cách mạng sau 1975, như đi nghĩa vụ quân sự. Chẳng hạn trường hợp anh Đồng, trước học đại học ở Huế, sau khi tốt nghiệp đã đi bộ đội, khi mãn hạn nghĩa vụ trở về, tham gia công tác ở Phòng Giáo vụ, được phân công việc sắp xếp lịch học của sinh viên, theo chuyên môn vận trù đã theo đuổi hồi đại học. Khi nhà Trường mở lớp xóa mù tin học, anh lại đứng lớp giảng dạy Tin học văn phòng cho nhiều cán bộ, trong đó có tôi, trên chiếc máy vi tính đầu tiên của Trường, loại máy lắp ráp ở trong nước, mua từ Đà Nẵng. Tôi nhớ mình đã bật cười thành tiếng khi anh thao tác trên bàn phím chỉ với 4 ngón tay. Anh cũng đỏ mặt, thú nhận không phải là thợ đánh máy chữ, hồi đi học chỉ học 60 tiết Ngôn ngữ Lập trình Fortran IV, và khi thực hành, chỉ làm phiếu đục lỗ tạo dòng lệnh ở Trung tâm IBM đặt tại Saigon, về sau này chỉ tự mày mò học thêm MS Office trên chiếc máy vi tính 386 tự bỏ tiền ra mua, nghe nói ngang giá chiếc Cub 86 kim vàng giọt lệ, đặt ngay trong nhà để anh em trong nhà tự học, giảng dạy cho chúng tôi ở dạng lính bữa mai cai lính bữa hôm. Tôi nhớ hồi ở bộ đội, trung đoàn bộ đã nhờ anh binh nhì Tá, trước là lính ngụy trong quân đội Saigon, lên lớp giảng về cách sử dụng súng phóng lựu M79 mới được trang bị cho trung đoàn, cho các cán bộ, sĩ quan tác chiến còn quá lạ lẫm với loại vũ khí mới này. Tôi tự nhủ trong lòng, và nói lại với cô em kết nghĩa Hồng đang học cùng lớp, vốn là con một cán bộ tuyên huấn trong Tỉnh: có gì lạ đâu, mình chỉ học kiến thức chưa được biết, chứ có học quan điểm, tư tưởng chính trị của giảng viên đâu

Tôi vẫn chỉ là Phó Trưởng phòng Tổ chức, Tổ trưởng công đoàn của bộ phận liên phòng ban trong trường, nhưng lạ thay, một số chị em vẫn tìm đến tôi, chuyện trò tâm sự như với bà chị cả, có trách nhiệm gỡ rối tơ lòng cho các em gái đang tuổi lớn… Ngẫu nhiên, việc này cũng phù hợp vai trò cán bộ tổ chức của tôi, theo quan điểm chính trị khá tế nhị không nêu thành văn bản cụ thể: người được dự nguồn phát triển về mặt chính trị có nhiệm vụ báo cáo với tổ chức lai lịch của người mà mình đang tìm hiểu, có thể tiến đến hôn phối sau này, để Tổ chức có thể tạo điều kiện giúp đỡ nếu thấy thuận lợi, hoặc can thiệp, góp ý nếu xét thấy có vấn đề… Quan điểm này được minh họa bằng một trường hợp điển hình mà dân làm tổ chức rỉ tai nhau để rút kinh nghiệm: một sĩ quan công an đã phải chấp nhận làm đơn xin ra khỏi ngành vốn rất có giá đó để cưới con gái một nhà tư sản tăm tiếng ở Thành phố. Tôi nghĩ, cứ cái đà này, tiện nhất là giới thiệu những người cùng nhóm, có thành phần gia đình giống nhau, gần như quan điểm môn đăng, hộ đối của tư tưởng cổ truyền ngày trước…

Chính sách Đổi Mới đã tác động không chỉ về mặt kinh tế năm thành phần, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách đánh giá con người của tổ chức. Xác định nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục – đào tạo, Trường chú trọng tuyển sinh đầu vào, đặc biệt ngành Y. Nghe nói mấy năm trước, có người chạy đến mấy cây vàng để vào được vào học đại học y khoa, không biết theo con đường quái quỷ nào? Có dịp tìm hiểu quy chế tuyển sinh vào Trường, tôi hiểu Hội đồng Tuyển sinh kiểm tra rất chặt chẽ (biết đâu chẳng rút kinh nghiệm từ chuyện giấy báo trúng tuyển của tôi năm nọ), hàng năm các thí sinh trúng tuyển được rút ba bài thi để so sánh nét chữ, phòng tránh chuyện thi hộ, chứ không dựa trên biên bản chấm thi và chữ ký giám khảo và dò từng hàng, từng chữ một, tránh nhầm lẫn khi đánh máy chữ nhập điểm. Theo anh Đồng, nếu biết nghiên cứu vận dụng Tin học, có thể phục vụ tốt cho các giai đoạn tuyển sinh: lập danh sách thí sinh dự thi tuyển theo phòng, nhập điểm chấm theo phách bài thi, và thông báo kết quả thi cho từng thí sinh riêng biệt. Anh đang nghiên cứu việc ứng dụng đó, dự định xin thành lập nhóm nghiên cứu, gồm những người tâm huyết và có khả năng soạn thảo văn bản nhanh, chính xác, có tên tôi trong số đó. Tôi chỉ nghe mà không có ý kiến, chỉ nghĩ trong bụng: bộ phận làm phách Tuyển sinh rất quan trọng, Hội đồng thường do Hiệu trưởng đứng đầu, chọn thành viên là đảng ủy viên cho tin cậy, anh Đồng còn ở ngoài Đảng, chuyện này chắc là nghiên cứu chỉ để nghiên cứu thôi...

Trở lại quy chế tuyển sinh, tôi thấy một kẽ hở mà anh Bảo hồi còn sống đã cho tôi thấy, nay mới có dịp kiểm chứng lại: lớp Dự bị Y khoa là một lổ hổng khá lớn để thí sinh lọt vào trường! Lấy ví dụ tuyển sinh năm 1982, thí sinh nhóm III phải đạt 19.5 điểm mới vào được Y1, trong khi lớp Dự bị nhận nhóm I và II với điểm chuẩn 13.5 điểm và 16.5 điểm; như vậy, thí sinh nhóm III không đạt điểm chuẩn, nếu tình nguyện đi bộ đội trong 2 năm, hết nghĩa vụ rồi về thi lại thì kể như lợi được khoảng 6 điểm, để vào Dự bị, cuối năm thi lên lớp dễ dàng, trong khi mức chênh lệch 6 điểm đó, học luyện thi 10 năm chưa chắc đã có được. Như vậy, chưa nói chuyện tuyển sinh lâu dài, trước mắt nhà Trường cần tập trung quản lý chặt chẽ điểm thi lớp Dự bị, trám ngay lỗ hổng mới phát hiện đó.

Tôi tìm gặp bác Thanh Hiệu phó ngày trước đã đưa tôi vào Trường, nay là thủ trưởng cấp trên, trực tiếp quản lý Phòng tôi, trình bày các nhận xét của mình, nói thêm: dạy lớp Dự bị hiện nay chỉ có cô Kim đã gần về hưu, đa số là lớp trẻ, anh Nhân, anh Hữu, đều là thành phần gia đình cán bộ, là bộ đội trước 1975, tin tưởng được. Duy chỉ có anh Đồng, có thành phần gia đình tạch-tạch-sè, nhưng cũng đã qua bộ đội. Bác Thanh nhăn mặt: cháu phải nhớ, bộ đội 1975 khác bộ đội thời chống Mỹ, đừng lẫn lộn… Thôi, cháu nhớ chú ý theo dõi sát cậu Đồng, có gì khả nghi báo cho bác, để kịp xử lý! Nói chung, phải đảm bảo nguyên tắc công bằng trên hết. Tôi không tiện nói thêm với bác, lâu nay cũng đang theo dõi hai anh Nhân, Hữu không phải về đào tạo, tuyển sinh mà về lĩnh vực khác, cho cô em kết nghĩa Hồng… Hai anh này đều đang rắp ranh bắn sẻ Hồng, con bé đang phân vân, thường hỏi ý kiến tôi. Nói chung, tôi thấy cả hai cậu đều chững chạc, đàng hoàng, là con nhà gia thế; cậu Nhân đẹp trai, rắn rỏi, trông khỏe mạnh hơn, là cầu thủ hậu vệ của đội bóng đá cán bộ; cậu Hữu có vẻ giàu có hơn, mẹ làm Giám đốc Sở Thương nghiệp, lại có khiếu văn nghệ, đàn hay, hát giỏi, từng hát song ca với Hồng hồi hội diến văn nghệ cán bộ toàn trường. Tôi thấy Hồng chọn ai cũng được, nhưng chẳng lẽ lai khuyên chọn cả hai? Mà chơi trò oẳn-tù-tì lại càng vô lý, chuyện lâu dài, liên quan cả đời người đâu có thể quyết định bằng yếu tố may rủi đươc? Thôi để một thời gian nữa xem sao, Hồng chỉ mới 25 tuổi, chờ một vài năm nữa, thời gian sẽ giúp Hồng có cái nhìn chín chắn hơn để quyết định đời mình, tôi khuyên Hồng như thế

Tôi tạm biệt đất Huế để tham gia khóa học 18 tháng về lý luận chính trị cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia ở Hà Nội. Tôi dành hết thời gian để học kỹ bài ghi chép hàng ngày trên lớp và tranh thủ đến Thư viện Quốc gia trong ngày nghỉ để đọc thêm tài liệu tham khảo theo hướng dẫn của giảng viên. Thỉnh thoảng mới nhận được thư của Hồng, có lẽ con bé lười viết thư nên ít thấy đề cập đến chuyện tình cảm như khi nói chuyện trực tiếp với tôi, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy có những biến động mà không thấy thể hiện qua thư. Lá thư cuối cùng tôi nhận được khi chỉ còn một tuần nữa là mãn khóa học, Hồng báo cho tôi chuẩn bị về uống rượu mừng ngày vui của con bé với một người ở ngay trong Trường, mà tôi cũng biết. Anh chàng này đã tiếp xúc với mẹ ruột của Hồng, nghe Hồng nói bà cụ đang công tác trong ngành giáo dục, nổi tiếng bôn-sê-vích, lại có vẻ hợp bạn trai mà con mình giới thiệu. Tôi đoán đó là cậu Hữu, ăn nói bặt thiệp, có duyên, mẹ lại công tác trong Tỉnh, chắc có quen biết với mẹ của Hồng. Thôi thế cũng được, tôi chỉ băn khoăn Hồng đã dựa trên tiêu chuẩn gì để chọn Hữu, có lẽ là bạn văn nghệ, chuyển sang bạn đời thì hợp hơn bên thể thao của Nhân chăng? Vì kinh tế thì chắc chắn không phải rồi, Hồng vốn coi thường vật chất, không se sua ăn diện, chính sự mộc mạc chân quê lại lôi cuốn các anh hơn các cô bám sát thời trang hiện đại…

Mọi thắc mắc của tôi được giải tỏa khi chuyến tàu Thống Nhất 3 đến Huế, Hồng đi xe đạp đón tôi như đã hẹn, con bé đã vừa đạp xe vừa kéo theo chiếc xe đạp thổ tã tôi gởi tạm ở nhà Hồng sáu tháng trước, có cả dây cao su để giằng buộc hành lý của tôi trên khung đèo hàng. Hai chị em gặp nhau mừng tíu tít, chúng tôi dựng tạm hai xe đạp bên lề, mang hành lý vào hàng nước cạnh nhà ga nói chuyện. Hóa ra không phải Hồng nghỉ chơi với riêng Nhân mà cả với Hữu: sau khi tôi đi học, Hồng nhờ bác Thanh, Hiệu phó Tổ chức tư vấn giúp khi có khúc mắc cần giải quyết. Sự cố đầu tiên là ở anh Hữu: khi tập trung bộ môn Hóa để chấm bài thì anh lén lút rút bài của người quen, cho vào túi xách định đem về nhà thì bị phát giác, Hội đồng lập biên bản, anh phải nhận quyết định cảnh cáo toàn trường. Bác Thanh nghiêm khắc khuyên Hồng cắt đứt quan hệ với anh Hữu, vì nghe gia đình sinh viên khai là anh đã nhận trước 2 chỉ vàng để giúp đỡ, xong việc sẽ nhận nốt 8 chỉ. Thế anh Nhân thì sao? Tôi nóng lòng hỏi. Hồng ngần ngừ: Anh Nhân có đứa em họ học lớp Dự Bị nhưng không khai báo với Nhà Trường, khi chấm điểm thi cuối năm đã nâng khống lên thành 5 điểm, đến khi có người khiếu nại, nhà Trường tổ chức chấm phúc khảo, bài đó chỉ được điểm 2. Bác Thanh cũng khuyên Hồng đừng giao thiệp với Nhân nữa. Thế là hai đối tượng tôi đã nhắm cho Hồng đều xôi hỏng bỏng không. Thế ai là chú rể sắp tới? Hồng mỉm cười: Bác Thanh đã rất khen anh ấy, kỳ thi tuyển sinh dài hạn vừa qua, anh có đứa em ruột dự thi mà bên Tổ chức làm sót không báo khi anh cũng chấm môn Toán, anh tự giác báo và đề nghị chấm công khai bài thi của em, và từ chối nhận 0.5 điểm chấm rộng cho phép mà tổ trưởng đề nghị công khai. Em của anh chỉ được 8 điểm Toán thay vì 8.5, nhưng vẫn thừa 1 điểm để đậu chính thức. Tôi hơi ngờ ngợ, hỏi tới: Anh ấy là ai? Hồng cười: Chị cũng biết anh ấy, anh Đồng mổ cò ấy mà. Tháng trước, anh ấy thổ lộ đã chú ý đến em từ lâu, nhưng mặc cảm không dám nói. Vợ bác Thanh cũng nói vào, cô ấy lại thân với mẹ em nên mọi việc đều suôn sẻ. Ba anh ấy là giáo viên lưu dung, có tiếng nghiêm khắc trong thành phố. Mẹ em biết chuyện cũng đồng thuận kết giao với gia đình nền nếp như gia đinh anh ấy.

Thế là rõ. Tôi mừng vì em Hồng kết nghĩa đã tìm ra người bạn đời xứng đáng, qua đó tôi đã rút ra được bài học: bản chất con người tốt đẹp không phải từ nguồn gốc, thành phần gia đình, mà từ ý thức của chính bản thân họ.

 

 

 

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Truyện ngắn 28


  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

HAI TUẦN GIAM LỎNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Mọi chuyện xảy ra đối với tôi như một giấc mơ. Trong suốt hai tuần, thỉnh thoảng tôi lại lẩn thẩn dụi mắt, cắn nhẹ môi để kiểm tra xem mình có mơ ngủ hay không. Rõ ràng là không, mọi việc thật sáng tỏ như ban ngày: tôi, Nữ Chúa nhóm Nữ Quái Sông Hương như bạn bè thường gọi, đang bị quản thúc giữa bốn bức tường quét vôi trắng, cùng hai cô bạn cánh hẩu Hạnh, Ngân cùng nhóm, giống như đang giết thời gian mỗi buổi sáng ở quán cà phê quen thuộc… Tôi bần thần nhớ lại, bắt đầu từ sáng hôm đó, ngày Chủ nhật định mệnh…

Ngày đầu tiên:

Như thường lệ các ngày trong tuần, từ sáu giờ sáng, ba đứa chúng tôi hẹn nhau đi bộ ra vườn hoa trước quán cà phê Lộng Gió, khởi động chân tay mấy phút rôi băng qua cầu, bắt đầu đi bộ dọc theo cầu Phú Xuân, đứa nào thích chạy jogging thì nhún nhảy một chút nhưng vẫn giữ tốc độ đi bộ thể dục của cả nhóm. Dọc theo đường đi bộ sát bờ Bắc sông Hương, thỉnh thoảng liếc sang bên kia đường Trần Hưng Đạo ngắm nhìn phố xá bắt đầu thức giấc, vẫn áo pull, quần short và khẩu trang nghiêm chỉnh – đang mùa dịch CoVid mà, chúng tôi thong thả tiến về cầu Trường Tiền, tay vẫn giữ chai Aquafina đong đưa theo nhịp đi, hôm đó trời hơi se lạnh nên chẳng đứa nào khát nước. Vượt quá cầu Trường Tiền, sang đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, chai nước chỉ hơi vơi, riêng tôi bắt đầu thấy đói, tối qua hai mẹ con tôi ăn cơm hơi sớm vì khu vực nhà tôi bị cắt điện cả ngày, mà đã từ lâu tôi bỏ thói quen ăn bữa khuya để giữ eo rồi. Tôi rủ cả bọn vào quán bún Trâm trong khuôn viên cạnh cercle nautique – tên mới là nhà hàng Festival Huế, nhưng tôi quen gọi tên hồi cả nhà tôi hay đi tập bơi hồi trước; lúc này dịch đã hơi ngớt, quán bún được phép mở bán dưới 10 khách, nhỏ Hạnh láu táu: ừ, để tao có cớ bỏ khẩu trang ra cho đỡ bí, nhỏ Ngân điềm đạm: bọn mình trả tiền kiểu Mỹ nhé, tôi ngắt lời: không, hôm nay tao mời, mới được tăng lương…

Có hai người khách đã ngồi trong quán, đều là nam giới, trông rất ngầu, tay xăm trổ vằn vện, đang uống dở hai chai Heineken, chú ý ngay đến chúng tôi đang kéo ghế ngồi. Người lớn tuổi hơn, có bộ râu quai nón, hắng giọng nói với chủ quán: Bà chủ, tôi trả tiền ăn sáng của mấy em này… rồi cười duyên với tôi: Được không, em gái? Không biết tên này từ đâu đến mà định vuốt râu hùm, tôi thản nhiên: Bác chủ quán, cho ba tô bún loại đặc biệt, và gói cho ba tô mang về, cũng đặc biệt... Ngân cười khoái chí, nó biết tôi chơi xỏ gã kia, vì quán này lâu nay chỉ bán đồng giá hai mươi lăm ngàn đồng một tô bún. Gã đàn ông tím mặt, tên trẻ hơn, có ria mép, gầm gừ: Để em dạy cho tụi nó một bài học, đại ca… Thêm chai nữa, lấy trớn đã! Nút chai bia khi khui bắn sang phía tôi, tôi nhẹ nhàng bắt lấy, rôi thi triển trò chơi Ngạnh công quen thuộc từ nhỏ của Thiếu Lâm Bắc phái, bóp nút chai dẹp lép bằng ba ngón tay. Tôi búng tay, nút chai bay trở lại bàn bên kia. Bà Trâm chủ quán biết có chuyện, chạy ra: Xin các ông các bà, để yên cho quán tôi làm ăn… Hai gã đàn ông trả vội vàng tiền bia, vùng vằng bước ra khỏi quán, bước vào quán cà phê trước mặt. Tôi vẫn thản nhiên nhận tô bún được mang ra, chỉ nhắc Hạnh, Ngân nạp năng lượng đầy đủ.

Đòn trả thù hèn hạ đến khá bất ngờ, khi tôi vừa từ lề bước một chân xuống mặt đường nhựa. Thoáng nghe tiếng xe máy rú to sau lưng, tôi xoay phắt người lại, phát hiện ra bộ mặt có râu quai nón dữ dằn đáng ghét trên chiếc SH đang lao thẳng tới sau lưng. Phản xạ tập luyện hàng ngày kịp giúp tôi trụ vững chân phải, xoay 180 độ, tống ngọn cước chân trái Bàn Long sở trường vào mặt kẻ gây rối. Liền ngay sau đó là cảm giác đau nhói ở đầu gôi phải, rồi lan ra ê ẩm toàn thân, đau quá tôi thiếp đi, chỉ biết loáng thoáng sau đó có hai cánh tay khỏe mạnh nhấc bổng tôi lên, đặt lên xích lô, rồi xe chạy thẳng vào bệnh viện ở gần đó…

Tôi mở mắt, nhận ra mình đang ở trong khoa Ngoại Chấn thương-Chỉnh hình của Bệnh viện Trung ương Huế, đúng là nơi tôi đã có lần thăm bà chị họ bị tai nạn giao thông được đưa vào điều trị. Bây giờ tôi cũng đang được điều trị đây, đầu gối phải đang bó bột nhưng không đau lắm, chắc chỉ bong gân thôi, nhưng sao tôi lại bị giam trong một cái chụp lớn như con cá mắc lưới thế này? Lựa lúc được tiêm mũi thuốc, chắc là thuốc hồi sức, tôi hỏi cậu y tá đang trùm áo bảo hộ kín mít, chỉ nhận ra giới tính nhờ dáng cao dong dỏng và giọng nói vịt đực, có hơi ngàn ngạt dưới lớp vải che kín mặt mũi. Cậu ta mới nhận trực từ sáng nay, nên các thông tin cho biết chỉ từ người chở tôi vào viện báo cho nhân viên trực ca trước. Hóa ra tôi đã thành bệnh nhân CoVID cấp F1, dù đã được tiêm phòng đủ 2 mũi Astra Zaneca theo cơ quan tôi đang công tác, nhưng vì đã tiếp xúc gần với F0 nên được phong cấp F1. Còn F0 không ai xa lạ, chính là tên đàn ông râu quai nón, cũng phải nhập viện dạng cách ly còn nghiêm ngặt hơn tôi nữa, để điều trị ở khoa Răng Hàm Mặt do sống mũi bị vỡ nát, thành quả của ngọn cước Bàn Long của tôi. Còn nữa, bộ đồ thể dục của tôi đã được thay thế bằng đồng phục hồng của bệnh nhân nữ, ai đã thay cho tôi thế này? Hy vọng là nhân viên y tế nữ, tôi đại kỵ để người khác giới chạm vào mình, nam nữ thọ thọ bất tương thân mà. Còn sợi dây chuyền đá có trái tim lồng hình tôi và ba mẹ nữa, tôi đã giữ rất kỹ từ khi ba tôi mất vì tai biến, có lẽ đã rơi mất đâu đó khi xung đột rồi. Hai đứa Hạnh, Ngân cùng đi thể dục với tôi, chắc cũng thuộc diện F1 rồi. Còn bao nhiêu người ở quán bún Trâm nữa? Một loạt câu hỏi ập đến làm tôi rối trí… Tôi mệt mỏi nhắm nghiền mắt, thôi biết thế là đủ, bó bột xong mẹ tôi sẽ làm thủ tục cho tôi xuất viện, không phải để về nhà mà để chuyển về nơi cách ly tập trung, nghe nói hiện nay đặt cơ sở tại Phân hiệu Trường Nghiệp Vụ Thuế của Tỉnh, ở cuối đường Phạm văn Đồng, hay còn gọi là tỉnh lộ 49. Hạnh, Ngân và chị Trâm chủ quán bún cùng dạng F1 như tôi cũng được cách ly tập trung ở đây, cả tên đàn em có ria mép của gã râu quai nón cũng vậy. Riêng nguồn gốc tai họa, tên râu quai nón, kẻ F0 mới bỏ trốn từ trại cách ly ra, được đưa về đâu chẳng biết, tôi không thèm quan tâm, chỉ biết chắc hắn sẽ nhớ tôi mãi, khi sống mũi chưa liền lại…

Thôi đã vào đến đây thì chấp nhận tất cả, ai gọi làm gì thì mình làm nấy, tôi tự nhủ. Trước hết là thủ tục lấy dịch tỵ hầu. Theo thứ tự tên, Hạnh, Ngân, rồi đến tôi – Quỳnh – lần lượt đến bàn xét nghiệm, ngửa mũi cho cô nhân viên y tế chọc vào. Nhỏ Ngân nhút nhát, cứ khấn lạy Trời cho âm tính, tôi phải phì cười: mày phải nói: âm hộ em như trong truyện cười chứ! Rồi cũng tới phiên tôi phải ngửa mũi, đúng là cực hình vì tôi lâu nay không quen bị chạm vào mũi, dù chỉ nhỏ thuốc mỗi khi bị nghẹt mũi. Cũng may, cô y tá làm thủ tục ngoáy mũi có giọng nói nhẹ nhàng, trông vui vẻ dễ thương, chứ có bề ngoài dễ ghét như tên F0 râu quai nón dễ bị tôi ngứa mũi cho một đạp lắm. Sau tôi, tới phiên bà Trâm, chủ quán bún; kiểm tra kết quả thì bốn người đều âm tính. Cả bốn người được Hội đồng Y tế tuyên án: 14 ngày cách ly tập trung, sau đó là 14 ngày cách ly tại gia nữa. Chúng tôi được xếp vào ở chung phòng 14, tầng 2, thuộc dãy nhà B. Thế là trở lại cuộc sống như mấy tuần quân sự ở đại học, có khác chăng là chỉ nằm giường cá nhân mà không ăn cơm tập thể, mỗi buổi ăn sáng, trưa, chiều có suất cơm hộp do điều dưỡng mang tới. Nhà vệ sinh ở đầu dãy thì dùng chung với phòng 15 bên cạnh, ngoài ra phạm vi diện tích đi dạo giải khuây là lan can dài 4m, rộng 1m, ngoài hai mươi mét vuông phòng ở, mà bốn giường đơn kê cách nhau 2m theo quy định đã chiếm nửa diện tích rồi. Phòng có một bàn gỗ nhỏ và mấy chiếc ghế nhựa, chiếc ti vi 14 inches đã chiếm gần hết diện tích bàn. Chúng tôi đặt tivi lên hai ghế nhựa kê sát nhau, kéo bàn lai, đặt giữa hai giường là có thể chơi tiến lên đủ bốn tay rồi. Điều dưỡng có nhắc nhở: nhớ giữ quy định khoảng cách, thì Hạnh tếu táo: giữ chứ, không được nhìn trộm bài người khác mà…

Mẹ tôi quá chu đáo, đã chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết cho tôi trong chiếc valise giấy bồi, ngoài những trang phục áo quần, vật dụng cần thiết hàng ngày như sữa tắm Enchanteur, kem đánh răng Sensodyne, dầu gội đầu biotin&collagen là những thứ tôi quen dùng từ mấy năm nay, khu cách ly chưa chắc đã có… Ngoài chiếc smartphone thường xuyên mang theo mình, mẹ tôi còn chuẩn bị cho tôi chiếc laptop I5 thế hệ 3 có tai nghe, cài cả Viber, Zalo để xem phim, nghe nhạc, đọc báo khi cần. Đôi giày vải Bata đế crêpe tạm để ở nhà vì chật chỗ, chân tôi đang đau, đến khi tháo băng gối cũng vừa hết thời gian cách ly. Hỗ trợ cho đôi dép quai nhựa để đi lại là chiếc gậy tập đi khi bị tai biến của ba tôi hồi còn sống, mẹ tôi đã hạ độ cao xuống một nấc cho hợp với chiều cao của tôi. Một góc của chiếc valise là gói thuốc tây đủ loại, từ giảm sốt đến đau họng, tiêu chảy, tăng sức đề kháng..., tôi thấy mình cứ như một hiệu thuốc di động. Chắc mẹ tôi đã nghiên cứu tìm hiểu kỹ để chuẩn bị cho mấy tuần bị giam lỏng của tôi, mẹ biết con gái mẹ tính tình đuểnh đoảng như con trai, có bao giờ đi ra khỏi vòng tay của mẹ mà biết chuẩn bị đồ đạc đâu?

Nhỏ Ngân mở túi xách du lịch, lấy ra hộp Nestcafé, sau khi liếc thấy phích nước sôi đã chuẩn bị sẳn; nhỏ Hạnh góp hộp bánh đậu xanh Hải Dương cũng còn nguyên, tôi khui bao thuốc lá Camel; chị Trâm đặc biệt hơn, lấy trong túi xách hộp bánh pâté-chaud bọc giấy kính còn nóng hổi, nháy mắt: ông xã mình mới gởi vào, ổng hứa sẽ tiếp tế đều. Thế là đủ món xôm trò cho buổi gặp mặt tân gia đầu tiên…

Ngày cách ly thứ bảy:

Hôm nay, một ngày như mọi ngày. Tôi giữ thói quen cố hữu dậy khá sớm, từ lúc 4g30 khi mọi người vẫn đang say ngủ. Tranh thủ lúc chưa ai thức dậy, tôi vào phòng vệ sinh chung của hai phòng, thực hiện các thủ tục vệ sinh cá nhân; đầu gối đang bó bột, tôi không thao tác nhanh như mọi người được. Sau đó là phần thể dục buổi sáng. Thay vì dượt lại mấy bài quyền cơ bản như mọi ngày, vì chân vẫn phải nghỉ, tôi chỉ ngồi thiền trong nửa tiếng đồng hồ cho tĩnh tâm, rồi chống gậy đi ra lan can, vừa ngắm cảnh vừa thở hít sâu để tận hưởng không khí trong lành vùng ngoại ô buổi sáng sớm. Đây là khu vực cách ly tập trung cho các F1, nhưng giữa các phòng ở đều có tường ngăn cách ra tận lan can, tòa nhà đối diện lại cách hằng chục mét nên tôi không ngại. Phóng tầm mắt ra xa, tôi thấy quán cà phê Gọi đã có lác đác vài người ngồi ngoài vườn nhâm nhi cà phê sáng, có lẽ họ ngắm cảnh ở vườn hoa là chính chứ cà phê ở đó cũng chẳng có gì đặc sắc, tôi đã uống vài lần ở đó mà vị giác chẳng có gì đáng nhớ…

Đến giờ ăn sáng, tôi quay vào phòng, ăn nhanh tô bún giò, xương thịt ở tô bún cũng chất lượng chẳng kém ở quán chị Trâm, chính chị cũng công nhận, có điều giá và rau sống hơi ít, chắc vì đang mùa dịch … Mấy hôm nay, ăn sáng cũng khá chất lượng, vài ngày lại đổi món, sang xôi đậu xanh muối mè hay bánh ướt thịt heo. Tiêu chuẩn buổi sáng tiếp theo sau đó là cà phê đen, uống nóng hay lạnh tùy khẩu vị từng người, vì dĩa đá cục và phích nước sôi luôn kèm theo, ai thích pha sữa thì sẳn hộp sữa Phương Nam khui sẵn, đậy kín bằng nắp nhựa, chị Trâm đã sung công. Buổi trưa và buổi tối cũng có cơm nóng, canh sốt, một món cá hay thịt, một món rau củ quả luộc hay xào, tất cả đều xếp gọn trong hộp xốp nhỏ cho một khẩu phần. Nhỏ Hạnh thường tấm tắc: Ăn thế này cũng sang đó chứ, mình sẽ thanh toán ra sao? Chị Trâm điềm đạm: Chị hỏi rồi, mỗi ngày 80k, mình ở hai tuần chỉ mất hơn một triệu thôi! Hạnh cười: Có khi dân nghèo thành thị lại tìm cách vào đây ở, khỏi lo nhà ở, điện nước, mà ăn uống lại rẻ… Nhỏ Ngân bĩu môi: Mày thử bị giam vài tháng xem, không buồn tình trốn ra ngoài thì đừng nói…

Cả bọn ăn sáng xong thường rủ nhau chơi bài tiến lên giết thời gian, có khi lại cãi với cán bộ trực ban: Đây cũng là thể dục trí tuệ, chúng tôi thực hiện lời khuyên tập thể dục thường xuyên mà! Tôi không thích sa đà vào những trò chơi vô bổ đó, lại bật laptop lên, cắm tai nghe để thưởng thức nhạc Trịnh một mình. Khu cách ly này không có wifi, quán cà phê Gọi thì có, tôi biết mật khẩu qua vài lần đến đó, nhưng sóng đến đây thì rất yếu nên có cũng như không. Cũng may, laptop của tôi đã được tôi download ở nhà từ YouTube và lưu lại trên đĩa cứng 500Gb những thứ tôi ưa thích, như nhạc tiền chiến, phim võ thuật của Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt…, những truyện trinh thám của tác giả yêu thích như Chase hay Christie thì tôi chép từ viet-messenger-ebook. Tóm lại, laptop của tôi như ký ức tinh thần của tôi, cái gì cần nhớ thì tôi lưu lại cả, cần tìm lại gì, mở laptop ra là có hết. Nghe nhạc một lúc, tôi lại ra lan can, mở nhạc nghe một mình, không cần tai nghe.

Đưa mắt nhìn sang tòa nhà cách ly dành cho F1 nam, tôi chợt thấy một bóng dáng vạm vỡ, trông quen quen, cũng giỏng tai lắng nghe tiếng nhạc trong laptop của tôi. Ở khá xa cả chục mét, nhưng nhờ xuôi gió, chắc hắn cũng nghe được, dù tôi chưa nhận rõ hắn là ai. Đến khi có người đến bên cạnh hỏi gì đó, tôi nhận ra đó là tên đàn em có ria mép, F1 của tên F0 râu quai nón, hắn hất hàm trả lời, tôi chợt nhận ra hắn là ai nhờ cái hất hàm ngạo nghễ quen thuộc. Đúng rồi, lão Don Quichotte của Huế!

Thật ra, tên cúng cơm của lão là Lê Đông, còn biệt danh Ki Sốt được tôi ngầm tặng sau giai thoai hy hữu: trong trận chung kết giải bóng đá Trường Sơn giữa đội Huế và đội Đà Nẵng, lão giữ chân trung phong của đội nhà, lúc hai bên đang hòa 1-1 vào những phút bù giờ của hiệp phụ thứ hai, một cầu thủ Đà Nẵng bị thổi phạt vì bóng chạm tay trong vòng cấm. Thời đó chưa có công nghệ VAR để soi lại các tình huống gây tranh cãi, giải các đội vườn ở nước ta vẫn phải công nhận trọng tài là cha mẹ! Bản thân tôi, một fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, ngồi ở khán đài ngay cạnh cầu môn, thấy rõ hậu vệ đội bạn đã khép chặt tay vào nách khi chạm bóng, nhưng trọng tài đã thổi còi rồi! Penalty của trung phong Đông sút, gặp thủ môn loại giấy của Đà Nẵng bắt thì mười quả ăn cả mười! Thế mà lão Đông lại đá phạt đền nhẹ hều, giống như chuyền bóng cho thủ môn bắt vậy, làm đội Huế hỏng ăn trận chung kết trong 120 phút. Đến khi sút phạt đền tranh thắng bại thì Huế thắng 4-2, mà chưa phải đá đến quả phạt đền thứ 5. Khi tổng kết giải, tôi hỏi tiêng lão có định bán độ không thì lão hất hàm rất ngạo nghễ, trả lời cụt lủn: tôi không thích thắng trận nhờ trọng tài. Tôi thay mặt nhóm Nữ Quái Sông Hương ngầm tặng cho lão danh hiệu Ki Sốt, vì trận hòa do cái tính bốc đồng đó của lão làm tôi mất một chầu nhậu, nếu thắng độ…

Nhận ra người bên khu cách ly của nam, tôi ngẩn ngơ suy nghĩ, rồi trổ tài suy đoán như Sherlock Holmes. Đông Ki Sốt mà cũng vào khu cách ly CoVid à? Lão cũng mắc F1 như tôi? Tôi biết lão là viên chức hành chính, cha mẹ là dân nghèo thành thị, biết đá bóng, chơi khá tốt nhưng không say mê, suốt ngày chỉ lo việc sinh kế, làm gần như thợ đụng khi rảnh rỗi. Nghe bạn bè nói, tính lão hiền khô, bao lần tranh chấp với bạn cũng chịu phần thiệt về mình, khác hẳn những lần xông xáo trên sân cỏ, thường được hàng cầu thủ hậu vệ đối thủ gọi là sát thủ ẩn danh. Hay là lâu nay, lão cũng ẩn danh chờ cơ hội tung hoành, thì cũng vướng CoVid như tôi? Lão ở cùng phòng với tên ria mép, như vậy có khả năng nhập khu cách ly cùng ngày. Nhưng ở quán bún chị Trâm hôm đó có thấy mặt lão đâu?

Hôm nay là hết một tuần cách ly, chúng tôi sẽ lại phải bị ngoáy mũi lần nữa theo quy định. Dù sao, tôi cũng mong kết quả của ai cũng âm tính, để mau chóng về đoàn tụ với gia đình.

Ngày thứ mười ba:

Hôm trước đầu tuần, tự nhiên thấy buồn, tôi lại gia nhập sòng tiến lên với Hạnh, Ngân và chị Trâm để giải sầu. Chơi hội 30 điểm, không ăn tiền mà thống nhất hai người thua phải chia nhau trực vệ sinh Phòng trong tuần. Chơi đủ bốn tay, vui hẳn lên vì mỗi người có cơ hội đoán bài đối thủ, thay vì chơi ba người, thiếu một tay bài rất khó đoán. Ván cuối, tôi và Ngân cùng 29 điểm, tôi tính rất kỹ, từ quân 3 đến Át đều đã xuất hiện rồi, nên mạnh dạn tung quân 2 cơ đè quân 2 rô của Ngân. Không ngờ nó rình mãi mới chụp được Bốn Đôi Thông lên đè tiếp 2 cơ, tôi đành chịu phép, cười nhận thua: tao tính rồi, Tứ Quý không thể có, lại mắc Bốn Đôi Thông của mày, chứ dễ gì đè được tao! Hạnh lí lắc: Đúng rồi, ai mà đè được Nữ Chúa Sông Hương, họa chăng có anh xích lô… Tôi gằn giọng: Mày nói thằng nào? Hạnh mỉm cười: Thì hôm mày bong gân đầu gối nhập viện, anh xích lô bế mày lên xe rồi giữ tay chân mày cho tụi tao đẩy xe, vì mày vùng vẫy dữ quá… Tôi lắp bắp: Nói… nói bậy... Ngân xen vào: Nó nói thật đấy, mày xem ảnh chụp đi, tao còn lưu đây. Tôi nhìn vào smartphone của Ngân mà sững sờ, hoa cả mắt, thấy lão Đông đang ghì chặt tay tôi trên xe xích lô, cảnh vật chung quanh trông nhòe nhoẹt, chứng tỏ xe đang di chuyển khá nhanh. Tôi nghẹn giọng: Có ai nhìn thấy ảnh này chưa? Ngân thản nhiên: Chưa, hôm trước định cho mày xem mà tao quên mất, thôi mày không thích thì tao xóa đi nhé! Tôi ngần ngừ, ấp úng: Mày chuyển cho tao giữ đã rồi xóa, mà thôi đi, ở đây không có wifi để chuyển, tao chụp ảnh lại đã! Chụp ảnh xong, tôi xóa ngay bức ảnh tang tích quái ác, kiểm tra điện thoại của Ngân thật cẩn thận để ảnh mất hẳn. Thế là từ nay, chỉ có tôi có bức ảnh đó, không hiểu vì sao tôi muốn giữ cho riêng mình mãi. Nhìn kỹ ảnh phóng to, tôi thấy trên cổ mình vẫn còn đeo sợi dây chuyền đá có trái tim lồng hình cả nhà, vậy nó chỉ mất khi tôi vào bệnh viện. Mất nó tôi rất tiếc, mua chẳng bao nhiêu, nhưng đó là kỷ vật lưu lại hình ảnh người cha đã quá cố, giờ biết tìm đâu ra? ở nhà tôi còn bức ảnh này khổ lớn mẹ tôi treo trong phòng, lần này ra chắc phải làm lại cái khác để đeo mới được. Tôi lại nghĩ, như vậy mình đã biết nguồn gốc lây CoVid của Đông Ki Sốt rồi. Ảnh chạy xích lô từ sáng sớm, gặp mình trong đám đánh nhau, thấy bị thương nên chở mình vào viện, nên dính chưởng luôn! Tội nghiệp, đã nghèo còn gặp cái eo, vì mình mà ảnh phải vào khu cách ly, biết ai lo cho cha mẹ ở nhà? Tự nhiên, tôi không muốn gọi Đông Ki Sốt là lão nữa, dù đã quen miệng.

Có tiếng gõ cửa, chị Trâm nhìn đồng hồ: Chưa đến giờ cơm mà! Sao sớm thế? nhưng vẫn ra mở cửa. Anh điều dưỡng đưa cho chị một gói tướng bánh bông lan điểm nho khô, có vẻ chồng chị định vỗ vợ cho béo hay sao, tôi nghĩ vậy và định đi ra lan can ngắm trời đất cho khuây khỏa thì nghe điều dưỡng gọi tiếp: chị Quỳnh đến nhận quà, cớ người gởi! Tôi thắc mắc, mình đã dặn Mẹ đừng tiếp tế mà, có thiếu gi đâu? nhưng vẫn nhận chiếc hộp nhỏ hình vuông bọc giấy trắng. Mở hộp ra, trước mắt tôi là sợi dây chuyền đá lồng ảnh gia đình, mà tôi đã tưởng mất. Điều dưỡng cười, giải thích: người nhà gởi cho anh Đông dãy nhà A, nhưng ảnh có dặn trước, chuyển qua cho cô Quỳnh bên dãy B. Ảnh đã nhặt được trên xe xích lô của ảnh. Tôi bàng hoàng, Đông đã quá chu đáo, đã lo trả của rơi cho tôi, cũng không phủ nhận công việc kiếm thêm hàng ngày của mình, mà nhiều người cho là hạ tiện…

Tôi lại mang laptop ra lan can, mở bài Cám ơn người của Hoài An, do hai ca sĩ Phúc Lâm và Thu Minh hát: Ϲám ơn người cho tôi thương, cho tôi yêu giữa cuộc đời... Bài này tôi ít nghe, nằm trong série nhạc hải ngoại tôi ngẫu hứng download từ YouTube. Tôi mở volume hết cỡ, tin rằng anh sẽ hiểu lòng tri ân của tôi. Tôi mơ hồ thấy anh đang mỉm cười, nụ cười hiếm hoi xuất hiện trên nét mặt thường ngày ngạo nghễ. Có tiếng chị Trâm gọi tôi, tôi chạy vào giúp chị mấy việc lặt vặt, thì nghe laptop phát sang bài mới Ở hai đầu nỗi nhớ: Có một không gian nào... đo chiều dài nỗi nhớ Có khoảng mênh mông nào... sâu thẳm hơn tình thương. Bể dĩa rồi. Tôi hoảng hồn chạy ra định tắt nhạc, không hiểu vì sao lại thôi. Tiếng chị Trâm trầm ngâm: Cứ nghe hết bài đã em, tự nhiên chị nghe, thấy nhớ chồng chị quá… Tôi giả vờ nghe lời chị, trong thâm tâm lại muốn nghe lần nữa mà không dám nói ra.

Buổi chiều, chúng tôi lại làm thủ tục ngoáy mũi lần cuối, chuẩn bị cho đợt trả tự do của cả phòng. Bên tòa nhà A của nam có mấy người đến hạn nhưng chưa được ra, vì đã vi phạm nội quy: lén tổ chức uống rượu trong khu cách ly. May thay, không có anh Đông của tôi trong số đó.

Ngày cuối cùng:

Mẹ tôi đi taxi đến khu cách ly từ sáng sớm, dù chỉ mới xa tôi đúng hai tuần, mà tối nào cũng gọi điện cho nhau cả tiếng đồng hồ. Mẹ vẫn mang khẩu trang và màng kính chống giọt bắn, ngồi cùng với cha mẹ Hạnh, Ngân và nhiều người nữa, chắc là thân nhân những người cách ly. Mẹ ơi, con sắp về với Mẹ đây. Sau hai tuần cách ly tại gia, mẹ nhớ đi với con về Thủy Dương thăm gia đình anh Đông, Mẹ nhé!

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Truyện ngắn 27

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

MÓN QUÀ NGÀY HIẾN CHƯƠNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Trường Xuân, lớp trưởng, quân Xa 10 điểm:

Chúng tôi quen biết nhau từ đầu cấp trung học phổ thông, nhưng chỉ chơi thân nhau vào học kỳ hai của lớp 12, sau khi đăng ký ngành thi đại học, bước đầu theo đuổi những ước mơ thuở nhỏ của mình. Trường NH của chúng tôi không phải là trường chuyên, nhưng điểm chuẩn thi tuyển vào lớp 10 thuộc diện cao nhất nhì trong Tỉnh, nên nhiều học sinh giỏi ở trung học cơ sở ngoại tỉnh cũng muốn thi tuyển để vào học… Để củng cố bề dày truyền thống có nhiều học sinh giỏi từ trước 1975, Ban giám hiệu Trường thường chú ý chiêu mộ những giáo viên có khả năng, tâm huyết với nghề. Lớp chúng tôi là Lớp Chọn từ đầu cấp, tập trung những học sinh vốn đã giỏi, lại thường xuyên phấn đấu chăm học để được giữ lại lớp Chọn sau mỗi năm học, nên bạn nào cũng được xem là hy vọng của Nhà Trường.

Thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi từ lớp 10 là Lê Hữu, mà bọn học sinh tai quái thường gọi là Hữu bạc, nổi tiếng không chỉ vì mái tóc và chòm râu bạc trắng, mà còn bởi đầu óc suy luận chu đáo khi dạy Toán. Đặc biệt, thầy có thói quen hướng suy nghĩ của học sinh về những giải pháp đặc biệt, mới lạ khi giải toán, nhất là những bài toán sơ cấp. Vốn là một cây Toán của lớp, tôi không bao giờ quên kinh nghiệm từ kỷ niệm khi học với thầy: lần đó, mày mò cả đêm, tôi tìm ra lời giải một bài toán hình học về dựng hình khá phức tạp, hôm sau ở lớp, sau khi tình nguyện lên bảng giải để ra oai với các bạn, đang chờ khen, thầy chỉ hỏi tôi: còn cách nào khác không? Trong khi cả lớp đang ngẩn ngơ cắn bút suy nghĩ, thầy đã giới thiệu tới ba cách giải khác, dựa trên những khái niệm rất căn bản, và ôn tồn giải thích: trong toán học, những khái niệm căn bản rất quý, nếu đào sâu suy nghĩ sẽ phát hiện rất nhiều điều mới lạ… Cho nên, nhiều học trò của thầy đã đỗ vào đại học, đi theo ngành Toán như thầy. Tính ra hàng năm, số học sinh trường tôi thi tuyển vào đại học có đến hơn trăm người, hơn nửa số đó có giấy báo trúng tuyển, đã có người giật giải thủ khoa khối A của vài trường đại học danh tiếng.

Nhóm chúng tôi hình thành tình cờ sau một buổi sinh hoạt lớp dịp sau Tết, khi có bạn đưa ra câu Tiên hạ thủ vi cường để bàn luận. Sau khi nghe các ý kiến ủng hộ sôi nổi, cho rằng với lực lượng tương đương, ai ra tay trước sẽ có lợi, tôi hỏi: Trong lớp mình, ai biết chơi cờ tướng? Tôi vốn được ba tôi tập chơi cờ tướng từ nhỏ, sau này tôi đã đấu ngang ngửa với sư phụ của mình. Nhìn thấy lác đác có mươi bạn giơ tay, tôi liền lấy giấy kẻ một bàn cờ nhỏ, vẽ quân tròn, quân vuông làm hai phe, sắp thành thế cờ đối xứng, mỗi bên có một Tướng, một Tốt, hai Sĩ, hai Pháo, sắp thành thế đối xứng nhau qua đường biên. Rõ ràng ở thế cờ này, bên đi trước sẽ thua, vì đi Tốt hay đi Pháo tạt ngang đều bị đối thủ đi sau gài vào thế chiếu bí. Tôi lên tiếng: Đây có thể gọi là thế cờ hình bình hành, vì 4 con Pháo cứ giữ thành hình bình hành là được… Khi cả lớp đang ngẩn người thán phục, thì bạn Minh ruộng, quê Quảng Trị, đã lên tiếng: Mình có ý kiến, nếu tấn Pháo hết mức để chận đường Tướng lên, rồi dạt Tốt ra, bị đối thủ xuất Tướng dọa đâm Tốt chiếu bí, thì con Tốt lụt cứ dàn ngang, dọa chiếu, đối thủ lên Tướng sẽ mắc pháo, phải vào cung, cứ nhất điểm, nhất chiếu là thế cờ hòa… Tôi cười giả lả: Tóm lại, đây là thế cờ phản biện, hai bên quân số như nhau, bên tiên được đi trước, giỏi lắm chỉ có cờ hòa. Bạn Phúc cận, chuyên gia tính nhẩm của Lớp, góp ý: Tớ còn một thế khác, một bên còn đủ 16 quân, bên kia chỉ có Pháo và Tốt thôi, nhưng nếu bên ít quân biết đi, đi tiên sẽ thắng, đi hậu sẽ hòa. Quân số rất chênh lệch, duy trì cờ hòa mới khó… Mấy con ma-cờ xúm lại xem, cãi nhau ỏm tỏi, cuối cùng cả bọn thống nhất ý kiến thành lập nhóm Tam Đảng, trong cờ tướng là bộ Xa mười, Pháo bảy, Mã ba, tình cờ tên bọn tôi Xuân-Phúc-Minh lại trùng các phụ âm. Mấy tên khác, như Tín, Tùng… khả năng chơi cờ mờ nhạt hơn, được xếp là Tốt đen. Từ đó, chúng tôi thường gặp mặt để trao đổi kiến thức chuyên môn, thỉnh thoảng ngoài giờ học, chúng tôi lại mài dũa trí ruệ bằng môn thể thao yêu thích…

Tự lượng khả năng, sở thích và theo lời khuyên của thầy chủ nhiệm, tôi đăng ký thi vào ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Đây là ngành đang hot mà tôi yêu thích và Đà Nẵng cũng đang phát triển mạnh, hy vọng là môi trường phát triển trong tương lai.

Hồng Phúc, lớp phó học tập, quân Pháo 7 điểm:

Tôi mồ côi mẹ từ khi còn đang được ẳm ngửa. Mẹ tôi mắc chứng ung thư đại tràng, khi các bác sĩ phát hiện được đã bị di căn qua gan. Thời đó, quan niệm xưa cũ phong lao cổ lại, tứ chứng nan y vẫn đang phổ biến, mắc bệnh như mẹ tôi là phải chấp nhận trời kêu ai nấy dạ thôi! Gia đình tôi đã chạy chữa đủ kiểu cho Mẹ, từ Tây y sang Đông y, cho Mẹ uống đủ thứ, từ mật gấu đến tam thất, nhiều lần Ba tôi lên thượng nguồn miền Trung, đến những bản làng nghe nói có vị thuốc đặc trị ung thư, nhưng tất cả đều vô vọng… Khi lớn lên, nghe Ba tôi kể lại, hồi còn nhỏ, khi tôi khát sữa vì thiếu Mẹ, Ba phải bế sang nhà hàng xóm xin bú ké một bà mẹ khác đang nuôi con mọn, cũng may bà ấy đang thừa sữa để nuôi con... Vì thế, tôi được Ba tập cai sữa từ rất sớm, và được nuôi bộ bằng sữa hộp Similac và bột ngũ cốc. Người ta thường nói: Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường, cũng may gia đình tôi kinh tế không quá khó khăn, ba tôi làm thầu khoán xây dựng nên có điều kiện chăm sóc tôi cẩn thận… Những khi thấy tôi cặm cụi khâu vá quần áo, hay đơn giản là thêu bảng tên trên áo đồng phục, Ba có vẻ chạnh lòng, có ý muốn đi bước nữa để tìm người phụ nữ chăm sóc cho tôi, nhưng tôi cương quyết từ chối. Tôi nghĩ, tình cảm gia đình là vô biên, mất mẹ thì dồn hết sang ba, làm sao chia xẻ với người khác đươc nữa? Lớn lên, không có anh chị em, tôi thường sang nhà ngoại, học bà ngoại và các dì cách nấu nướng, bếp núc cẩn thận để tập lo vai trò nội tướng trong gia đình. Tôi đã sử dụng thành thạo bàn máy may Singer của mẹ ngày trước, tra dầu máy cẩn thận mỗi khi dùng xong, đồ dùng, soong chảo nấu ăn trong bếp bao giờ cũng được chùi rửa sáng choang. Lần giỗ mẹ vừa rồi, tôi cùng các dì sửa soạn, nấu ăn suốt buổi, nhưng khi dọn ra mời khách, mọi người trong nhà đều bảo tôi đã đứng bếp, lo giỗ cho mẹ, khách khứa ngạc nhiên trầm trồ làm tôi ngượng chín mặt.

Ngoài ra, khi rảnh rỗi, tôi chi biết vùi đầu vào tủ sách của mẹ tôi trước đây. Sinh thời, Mẹ đã học nữ hộ sinh, lúc lập gia đình với Ba, Mẹ đã chấp nhận bỏ nghề để chăm sóc gia đình. Mẹ chỉ khai trong lý lịch hai từ nội trợ đơn giản, trong khi vài đồng nghiệp tốt nghiệp cùng khóa với Mẹ đã đứng đầu những nhà hộ sinh tăm tiếng của Thành phố. Khi mang thai tôi, được Ba và gia đình nhà ngoại khuyến khích, Mẹ đã bắt đầu ôn tập mấy tháng môn Toán và môn Hóa với thầy Hữu, và tự ôn Chuyên môn để thi vào Y hệ Chuyên tu - nay gọi là hệ Dài Hạn 4 năm, thì căn bệnh ung thư ập đến… Tóm lại, gia sản tinh thần Mẹ để lại cho tôi là hơn ngàn đầu sách đủ loại, từ loại sách cơ bản để ôn thi đại học khối B đến chuyên môn sơ cấp ngành Y khoa. Không hiểu sao cuốn Cẩm nang Cờ Tướng lại lọt vào trong tủ sách, có lẽ của Ba tôi hay nghiền ngẫm, hồi còn làm thợ xây dựng, Ba cũng thích chơi cờ tướng, và nhờ tình cờ đọc kỹ một bài cờ thế độc đáo trong đó, tôi được xếp vào nhóm Tam Đảng. Ngay từ khi thi tuyển vào Trường NH, tôi đã có ý định sẽ đi tiếp con đường mà Mẹ đã đi dở dang. Tôi đã chú trọng học môn Sinh và Hóa, bên cạnh môn Toán thường trực ở các khối thi A,B,D và nhiều khối thi khác, mà thầy Hữu đã dày công đào luyện, tôi đăng ký thi vào Đại học Y khoa Huế. Biết học phí ngành Y đa khoa cao hẳn hơn các ngành học khác, nhưng tôi tin Ba sẽ ủng hộ tôi với dự định sẽ hướng đến chuyên ngành hẹp Sản Phụ khoa dở dang của Mẹ. Thây Hữu rất ủng hộ khi biết tôi chọn ngành Y, chỉ dặn tôi nhớ chú ý giúp đỡ người nghèo khổ đau ốm…

Công Minh, lớp phó lao động, quân Mã 3 điểm:

Quê tôi nằm ngay ngay giữa miền Trung đất nước, thường được xem là tỉnh nghèo. Là con giữa của một đám anh chị em gà vịt năm đứa, tuy học tương đối khá, bọ mạ tôi xác định trước, không nuôi nổi con đến hết cấp đại học. Điển hình là anh cả nhà tôi: bọ mạ tuyên bố chỉ nuôi nổi anh đến năm thứ nhất Cao đẳng Công nghiệp, sau đó giao cho anh tự lo, từ tiền ăn ở đến học phí. Tự đánh giá không kham nổi chi phí đến khi tốt nghiệp, anh đã bỏ học sau khi theo đuổi hai học kỳ, ra ngoài làm thợ cơ khí, cũng tạm đủ sống.

Rút kinh nghiệm từ anh, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, tôi xin bọ mạ bán con heo giống tôi nuôi chung với bầy heo trong nhà, làm lộ phí để vào Huế thì tuyển vào lớp 10 trường NH danh tiếng, và may mắn trúng tuyển. Suốt ba năm học, được các bạn đề cử làm lớp phó lao động, tôi chấp thuận làm vì thấy còn dễ hơn công việc đồng áng ngày mùa ở quê trước đây. Gay go nhất là vấn đề đầu tiên, tức tiền đâu, tôi phải khá vất vả lo sinh kế bên cạnh việc học. May mắn được ở nhờ nhà cậu ruột, vốn là nhà thờ ngoại nằm ở gần trường, hàng ngày khi đi học về, tôi phải giúp cậu mợ xắt chuối cho bầy heo nhà nuôi đang tuổi lớn, rồi khi học bài xong, lại lo rửa đống chén bát của cả nhà. Hàng tháng, bọ mạ tôi gởi vào cho cậu mợ yến rưỡi gạo quê và ít rau củ quả trồng trong nhà, tháng nào thiếu thì tháng sau bù, tôi biết mình chịu ơn cậu mợ nhiều nên mỗi chủ nhật, tôi chú ý kèm cặp thêm cho mấy em con cậu mợ, kết quả khá khả quan, các em có biểu hiện tiến bộ, cậu mợ khá vui lòng và tôi cũng thấy lạc quan. Đến khoản học phí mấy trăm ngàn đồng một tháng là cả một vấn đề lớn, may thay, thầy giáo chủ nhiệm là người đồng hương, rất thương tôi, thầy nhận tôi là cháu trong họ, hàng tháng đóng học phí cho tôi, có dặn tôi không nên cho ai biết điều này. Tôi biết mức lương tháng của thầy, cộng thêm các khoản vượt giảng, phúc lợi hàng quý, dạy thêm chẳng được bao nhiêu, điều đó càng làm tôi thêm quý trọng, nên tôi xin xem thầy như chính cha ruột của mình. Thầy chỉ cười bảo, ngày trước có người giúp thầy, chỉ dặn thầy giúp lại người khác khi có điều kiện.

Tôi đăng ký thi vào sư phạm Toán ở Huế, hy vọng sau này sẽ nối nghiệp Thầy, một phần cũng vì kinh tế gia đình tôi khá hạn chế, cha mẹ ruột ở quê là nông dân, suốt ngài chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ngay ở cấp phổ thông, tôi đã phải bươn chải khá nhiều rồi. Bốn năm đại học, nếu đỗ vào sư phạm sẽ không tốn tiền học phí, và nếu tìm được việc làm thêm như kèm trẻ tại gia thì quá tốt, có điều kiện vừa trau dồi dần nghiệp vụ sư phạm khi thực hành, vừa đỡ đần kinh tế cho gia đình…

Thành Tín, thành viên Lớp, quân Tốt 1 điểm:

Chúng tôi đã chia tay với trường NH cùng năm với thầy Hữu chủ nhiệm: nhận quyết định chuẩn bị về hưu từ mấy tháng trước, nhưng Thầy xin Ban Giám hiệu cho tiếp tục chủ nhiệm lớp cho đến hết năm học. Ngày lớp tổ chức liên hoan nhẹ, chỉ có ít bánh kẹo chia tay, thầy Hữu cũng đến dự cùng với các thầy cô bộ môn khác. Khi được mời phát biểu, Thầy chúc các học sinh thi tuyển đại học thật tốt, đặc biệt các học sinh đem chuông đi đấm xứ người ở Đà Nẵng, Saigon, Vinh, Hà Nội… Các học sinh chia tay thầy cô khá xúc động, có đứa thường ngày cục mịch như Minh ruộng (quân Mã trong Tam Đảng) chỉ lí nhí mấy câu rồi ôm thầy chủ nhiệm, nước mắt ràn rụa… Xuân lớp trưởng (quân Xa trong Tam Đảng) là đứa tỉnh táo nhất, đề nghị Lớp tổ chức gặp mặt mười năm sau, khi các bạn đã trưởng thành, đúng 9 giờ sáng như hôm nay, vào ngày Hiến chương Nhà Giáo 20/11, tại nhà thầy Hữu chủ nhiệm, gần cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bên Gia Hội, nơi có cây mận sai quả mà ai cũng thích. Để thêm phần long trọng, mỗi người sẽ phải chuẩn bị một món quà đặc trưng cho nghề nghiệp của mình để biếu Thầy. Mọi người ồn ào tán thưởng…

Mười năm sau…

Tôi biết mình chỉ là thành viên bình thường của Lớp, thuộc loại Tốt đen nên lo đến nhà Thầy từ sớm. Đang mùa dịch CoVid, tôi chỉ đi một mình trên taxi 6 chỗ, cùng mấy thùng các tông. Quà mang về biếu Thầy chỉ là mấy cân cà phê hạt và dăm quả sầu riêng, những thứ thu hoạch tử rẫy của tôi trên cao nguyên Gia Lai. Tốt nghiệp đại học Nông Lâm ngành Trồng Trọt, tôi lập nghiệp ở cao nguyên, kiếm được ít đất làm rẫy, mang được ít thành quả về biếu Thầy. Đang khệ nệ mang mấy thùng các tông đựng trái cây theo con đường lát gạch từ cổng vào nhà, có tiếng gọi tránh đường làm tôi giật mình né sang một bên. Thằng Tùng đen cũng học Nông Lâm như tôi, chuyên ngành Chăn Nuôi, từ trên taxi bước xuống, hắn đội trên đầu chiếc khay bọc giấy bạc, phía trên có một con heo sữa khá lớn, đã quay vàng rộm. Hắn cười hì hì hỏi tôi: ngành Nông Lâm mình làm ra sản phẩm ăn được, còn dân trí thức, chẳng lẽ đem giấy má, bút phấn đến biếu Thầy?

Thằng Minh ruộng đến sau Tùng đen một phút, khệ nệ mang hộp kính nền nhung đỏ, trên có dòng chữ dát vàng TÔN SƯ – TRỌNG ĐẠOChà, giáo viên mà chơi sang quá, tính ra tới mấy chỉ vàng chứ có it đâu? Mày lên phó giáo sư rồi à? Tùng ngậm ngùi, gõ gõ ngón tay lên mặt kính: ngày trước thầy giúp tao quá nhiều, giờ tao mở lò luyện thi kiếm được cũng bộn, mùa dịch thì tổ chức zoom dạy trực tuyến là thừa ăn. Chừng này của tao có đáng gì so với tấm lòng của Thầy hồi đó đâu?

Một số bạn lần lượt kéo đến, mang các loại quà đại diện cho ngành nghề của mình. Lớp trưởng Trường Xuân đến trên chiếc Mercedès đời mới, cũng mang khẩu trang như mọi người, tay xách chiếc cặp diplomate, ra dáng lãnh đạo lắm. Trả lời những câu chất vấn: quà đâu? hắn mỉm cười, mở tung chiếc cặp: một chiếc laptop I7 nhỏ gọn, đầy đủ webcam và bộ loa rời xinh xắn. Sản phẩm mới của công ty tao thành lập đó, hắn nhỏ giọng. Mà sao chưa thấy thằng Phúc cận, nhỉ? Hay là quân Pháo tịt nòng rồi?

Một cô gái trẻ, áo trắng có đính băng tang đen, dắt một cậu nhóc chừng ba tuổi, bước về phía chúng tôi. Tuy cả hai đều mang khẩu trang, nhưng rõ ràng không phải là người cùng lớp chúng tôi ngày trước.  Cô gái cần thận xịt nước khử khuẩn lên tay, gỡ khẩu trang ra và hỏi: Các anh cho biết, đây có phải là nhà thầy Lê Hữu? và tự giới thiệu khi biết đúng nơi cần tìm: Em là vợ anh Phúc, và đây là con trai của anh ấy. Mẹ anh Phúc hồi còn sống cũng đã học với Thầy. Anh Phúc mới mất trong đợt cùng y bác sĩ thành phố tình nguyện tham gia chống dịch ở Đồng Nai, trước khi ra đi có điện nhắc em đến nhà thầy Hữu thay anh và Mẹ thăm Thầy, gặp mặt Lớp và…  Xuân cắt ngang: Thôi, tôi hiểu rồi. Xin chia buồn với Chị và Cháu về cái tang lớn này. Cả lớp đang tập trung chờ thăm Thầy. Kìa, Cô đã ra mở cửa…

Một bà già tóc bạc phơ chậm rãi mở rộng cửa, nói với chúng tôi: Các anh chị đến thăm nhà và thắp hương cho Thầy phải không? và giải thích về sự ra đi của Thầy khi có người thắc mắc: Thầy đã mất năm ngoái, do tuổi cao, lại lao phổi nặng sau hơn bốn mươi năm dạy học. Tháng sau là giỗ đầu. Cả nhóm nghẹn ngào xúc động, có đứa bật khóc mếu máo: Thầy ơi…, rõ ràng là tiếng Minh. Xuân cũng nghẹn ngào: Thôi, theo quy định 5K, chúng ta lần lượt từng người vào thắp hương và lễ Thầy, thăm sức khỏe Cô, rồi theo Chị sang nhà thắp hương cho Minh luôn thể. ChắcPhúc đã gặp Thầy và mẹ của Phúc ở thế giới bên kia để báo cáo công việc rồi.

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Truyện ngắn 26

 

MÓN NỢ KHÓ TRẢ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Cậu mợ tôi gởi mail từ quận Cam, California, Hoa kỳ, nhờ tôi tìm bác sĩ Trần Phi Hùng ở Bệnh viện Mắt của Tỉnh, để chuyển trả sáu trăm đô la Mỹ mà cậu mợ mượn từ mấy năm trước, nay mai tiền sẽ chuyển đến tôi ở cơ quan làm việc theo đường kiều hối. Cậu cũng nói thêm: đúng ra là cậu phải về, nhân tiện thắp hương bàn thờ tổ tiên, nhưng bây giờ dịch CoVid đang tràn lan khắp nơi, về đến nơi lại phải chịu 21 ngày cách ly tập trung thì mất thời gian quá, thôi thì mọi việc đành ủy quyền cho cháu vậy…

Cậu vốn là em họ mẹ tôi, lại ở sát nhà mẹ tôi nên hai người thân thiết với nhau như chị em ruột, nhất là khi mẹ tôi đột quỵ do tai biến mạch máu não, từ đó suốt mấy năm liền đến khi mẹ mât, ngày nào cậu hoặc mợ cũng sang xoa bóp, tập luyện cho mẹ tôi cả giờ đồng hồ, sau khi mẹ được lương y điều trị châm cứu. Đặc biệt, Long con trai cậu mợ đang du học ở Virginia, Hoa kỳ thường xuyên gởi mấy hộp kem dưỡng da mua ở siêu thị, có tác dụng chống loét rất tốt vì chứa chất kiềm, mẹ tôi nhờ đó mà không bị loét da dù phải làm bạn gắn bó với chiếc giường đơn một thời gian dài. Đến khi mẹ ra đi vì tuổi già (nhờ bôi thuốc kem của Long, sự chăm sóc của tôi cùng với sự hỗ trợ thường xuyên của cậu mợ, nên da dẻ mẹ vẫn tươi tắn như trẻ nhỏ), cậu mợ lại đứng ra lo tang ma khá chu đáo. Cũng may là khi đó, thành phố Huế chưa bị CoVid xâm lấn nên đám tang của mẹ tôi có đầy đủ thủ tục lễ nghi trang trọng. Vì thế, tuy ngoài miệng xưng cháu, gọi cậu, mợ, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn xem hai người như cha mẹ, với tâm niệm một giọt máu đào hơn ao nước lã. Ba tôi mất từ khi tôi còn nhỏ, tôi lại muộn đường chồng con nên xem gia đình cậu như gia đình mình. Sau khi mẹ tôi mất, cậu mợ được con trai bảo lãnh sang Hoa kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, tôi buồn như chấu cắn, lại trở về kiếp sống như nhân vật Remi trong truyện Không Gia Đình của Hector Malot rồi…

Cậu mợ đã nhờ thì tất nhiên tôi phải nhận, chỉ hơi băn khoăn: người kỹ tính như cậu, không muốn nợ nần ai, làm gì mà phải mượn nợ đến hơn chục triệu đồng, tính theo tỷ giá ngoại tệ vào thời điểm đó? Trong mail phúc đáp, tôi khẳng định sẽ tìm mọi cách làm việc cậu mợ nhờ, và bóng gió đề cập đến thắc mắc của mình. Mail tiếp theo của cậu mợ đã giải thích rõ: hồi đó mợ bị cận thị đến 8 đi-ốp, Bệnh viện Mắt đề nghị phẫu thuật Lasik thường quy, chi phí khá cao, lương hưu hàng tháng cậu mợ cộng lại chỉ mới được non nửa, dù điều kiện sức khỏe mợ đáp ứng đủ cho phẫu thuật, nhưng vì vấn đề tài chính nên mợ định xin thôi… Bác sĩ Hùng trực tiếp điều trị cho mợ,  còn trẻ, mới tốt nghiệp, thuyết phục mợ mạnh dạn mổ, nhân tiện đang có đoàn bác sĩ chuyên gia nhãn khoa từ nước ngoài đang ghé thăm bệnh viện, còn chi phí sẽ vận động xin các tổ chức từ thiện, vì mợ là thương binh từ hồi chống Mỹ, gia đình lại khó khăn, thuộc diện cận nghèo. Mấy hôm sau, bác sĩ Hùng báo tin vui, đã tìm ra mạnh thường quân hỗ trợ chi phí vật tư phẫu thuật. Cậu mợ quá mừng, nhưng khi hỏi danh tính mạnh thường quân để cảm ơn thì bác sĩ Hùng ấp úng, bảo theo nguyên tắc phải giữ bí mật. Thôi thế là được, mợ yên tâm bước lên bàn mổ, kíp phẫu thuật có bác sĩ Hùng phụ mổ, kết quả rất thành công, mắt mợ lại sáng rõ như thời con gái… Chỉ mấy tháng sau khi kết thúc thời gian chăm sóc hậu phẫu, anh Long đã làm xong thủ tục cho cậu mợ sang Hoa kỳ đoàn tụ, rồi cậu mợ chuyển về quận Cam, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Tôi thăm dò và biết, chi phí một ca phẫu thuật Lasik không đến 600 USD, nhưng cậu tôi, khi tính toán, thường có thói quen làm tròn số, với thiệt thòi luôn chịu về phần mình… Cậu còn dặn thêm trong phần tái bút: phương án 2: nếu bác sĩ Hùng không chịu tiết lộ danh tính vị mạnh thường quân để hoàn trả, thì cháu xin bác sĩ cứ nhận khoản tiền đó làm từ thiện, xem như đóng góp của cậu mợ cho công việc từ thiện trong xã hội…

Tôi cầm chiếc phong bì chứa sáu tờ một trăm đô la Mỹ, cất kỹ trong ví mà thấy nó nặng nề như viên gạch, cứ sợ rơi ra ngoài. Chẳng gì cũng bằng quý lương của tôi mà! Bệnh viện Mắt, trước ở Tỉnh lộ 10 đã chuyển sang cơ sở mới ở đường Phạm văn Đồng, còn gọi là Tỉnh lộ 49, tôi tìm mãi mới ra. Đúng lúc dịch CoVid đang chuyển biến rầm rộ vì nhiều người từ tỉnh khác về, Bệnh viện phải kiểm tra phòng dịch rất kỹ, tôi phải trình mã QR và chứng nhận đã tiêm phòng 2 mũi vaccine trên sổ sức khỏe điện tử mới qua được cổng vào bệnh viện. Nhưng bước đầu đã gặp trắc trở! Cô nhân viên văn thư kiêm thường trực ở Bệnh viện Mắt cho biết: bác sĩ Trần Phi Hùng đã đi tu nghiệp ở nước ngoài hơn một năm nay rồi. Thất vọng vì không gặp được bác sĩ Hùng, tôi đưa đẩy vài câu xã giao, định bụng sẽ về thuật chuyện với cậu mợ về mission impossible thì tình cờ, cô nhân viên vui miệng cho tôi thấy le lói một vài tia sáng thông tin: hồi đó, bác sĩ trưởng đoàn chuyên gia nhãn khoa (nước bạn không phong Giáo sư dễ dàng như nước minh) rất mến mộ khả năng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn của bác sĩ Hùng, nhất là sau khi biết chính bác sĩ Hùng đã bỏ tiền túi bằng mấy tháng lương bác sĩ tập sự để hỗ trợ chi phí phẫu thuật Lasik cho một bệnh nhân nữ thuộc hộ cận nghèo, nguyên là thương binh (có khả năng là mợ tôi rồi), đã đề nghị một suất FFI một năm cho đích danh bác sĩ Trần Phi Hùng. Như vậy, bác sĩ Hùng sẽ làm việc như một bác sĩ nội trú ở nước ngoài để trau dồi thêm chuyên môn và, theo cô nhân viên kể chuyện nói lại, thời gian tu nghiệp đang được gia hạn thêm sáu tháng theo đề nghị của bệnh viện bên đó, căn cứ vào khả năng làm việc. Thế là, dù không gặp mặt người cần tìm, tôi đã dò được thông tin khá quan trọng: người mạnh thường quân giấu tên ngày nào chính là bác sĩ Hùng. Tôi cảm ơn cô và dò hỏi luôn địa chỉ gia đình, bác sĩ Hùng chưa có vợ, trước khi xuất ngoại vẫn ở với mẹ trong căn hộ chung cư tập thể, cách nhà tôi ở không xa mấy…

Tuân thủ chế độ 5K, tôi mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn rồi mới phóng xe thẳng ra chợ mua ít hoa quả ở quầy hàng quen, và tìm đến nhà mẹ của bác sĩ Hùng, gõ cửa. Lần này gặp may, khu chung cư chưa bị giăng dây vì dịch CoVid. Gian chung cư mẹ bác sĩ Hùng ở chỉ có hai phòng, trông đơn sơ nhưng khá ấm cúng: phía trong chắc là phòng ngủ và công trình phụ, phòng ngoài có bày bộ bàn ghế mây để tiếp khách, và đặt một bàn thờ nhỏ, có ảnh ông cụ mặc quân phục, có lẽ là ba của Hùng. Bà cụ ra mở cửa, chắc là mẹ của Hùng, đã lớn tuổi, tóc bạc trắng, trông khá phúc hậu. Tôi tự giới thiệu, xin phép thắp hương và đặt hoa quả lên bàn thờ. Qua mấy câu thăm hỏi, vừa đề cập đến món nợ chi phí phẫu thuật Lasik, bà cụ đã mỉm cười xua tay, ngắt lời: trước khi đi, con trai tôi có nói việc này… Ngày trước, tôi làm quân y sĩ tiểu đoàn, rất vui lòng khi con nối nghiệp mình, nên luôn khuyên con phải giữ gìn y đức. Thú thật với cô, ngày cháu còn đi học ở Đại học Y Dược Huế, đã có bác sĩ Trần Thọ, đồng đội cũ của ba cháu, giúp cháu trả một phần tiền học phí từng năm học, trong cả 6 năm. Nó bảo giúp ca phẫu thuật này là bước đầu thể hiện lời hứa với bác Thọ: làm việc gì cũng nghĩ tới người bệnh trước hết! Tôi không dám nhận tiền đâu! Nếu muốn cảm ơn, cô hãy tìm đến bác sĩ Trần Thọ ân nhân ngày nào của cháu, ở địa chỉ… Tôi nấn ná một lát rồi xin kiếu từ, rồi tìm đến nhà bác Thọ theo địa chỉ mới được biết. Hy vọng lần này tìm được nguồn gốc các nghĩa cử tình cờ tôi được biết, qua đó mới thấy được trong xã hội nhiễu nhương này, vẫn có những tấm lòng vị tha, tìm niềm vui qua việc san sẻ gánh nặng của người khác…

Nhà bác Trần Thọ ở ngoại ô Thành phố Huế, xây theo kiểu nửa thành thị, nửa nông thôn: mái lợp nửa ngói, nửa fibrociment, tường có chỗ xây gạch, chỗ lại đóng tôn… Xem chừng chủ nhà ít khi bỏ công chăm sóc nơi che nắng mưa cho mình. Tôi đang tần ngần đứng ở cổng thì một ông già ở nhà bên cạnh lên tiếng hỏi. Cô tìm bác sĩ Thọ hả, có việc gì cần thiết không? Rồi khi biết tôi tìm gặp chỉ để cảm ơn, ông huyên thuyên: Ổng vào miền Nam theo đội y bác sĩ tình nguyện của Thành phố huy động đi dập dịch rồi. Nhà ổng không còn ai nên nhờ tôi vừa là hàng xóm, vừa là tổ trưởng, trông coi nhà cửa, vườn tược, cho chó mèo ăn cơm. Ông ngừng một chút rồi tiếp: Tình hình dịch như thế này, biết khi nào mới xong, chỗ này dịch lắng thì chỗ khác lại nổi, mà ông Thọ này, chỗ nào có dịch là ổng xông vào dập, đã bảo là Thọ húc mà!... Chỉ căn nhà hơi xiêu vẹo, ông ngập ngừng tiếp: Tôi có hỏi ổng: vào nơi thập tử nhất sinh, nếu phỉ phui, ông có mệnh hệ gì thì căn nhà này ra sao? ổng trả lời: lỡ tôi có mệnh hệ gì thì có tập thể, có Nhà nước lo. Còn nhà của tôi, làng xã cứ trưng dụng làm công ích xã hội, tôi chẳng có vợ con để bàn giao. Xuất thân ở Cô nhi viện, các sơ nuôi tôi trưởng thành, có dặn tôi nhớ giúp đỡ người cơ nhỡ, theo lời Chúa dạy.

Tôi chào ông, xin phép ra về, trong đầu đã định sẳn nội dung trả lời mail cho cậu: cháu đã tìm được nguồn gốc khởi phát các nghĩa cử mà cậu đã thụ hưởng một phần. Bác Thọ đã nhận giúp đỡ từ các sœur dòng Mến Thánh Giá, bác giúp anh Hùng, rồi anh Hùng giúp mợ… Khoản tiền cậu gởi, cháu đề nghị theo phương án 2 của cậu mợ: chuyển vào kinh phí hỗ trợ dập dịch ở miền Nam do Nhà nước phát động, ở đó bác Thọ cũng đang tham gia dập dịch theo tên cậu mợ. Nếu đồng ý, xin cậu mợ phản hồi sớm để cháu thực hiện.