Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Truyện ngắn 29

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

SỰ CHỌN LỰA BẤT NGỜ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Con đường dẫn tôi đến công tác hiện nay khá hi hữu: từ khi còn học phổ thông, tôi đã mơ ước thoát ly khỏi quê hương, về sống và làm việc ở thành phố, chia tay với cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của mạ và chị cả. Gia đình thuộc diện bần nông, kinh tế khá khó khăn, bọ và anh trai cũng chỉ biết con trâu đi trước, cái cày đi sau, tôi biết bọ mạ khó nuôi con học tiếp lên cao đẳng hay đại học được. Nghe lời rủ rê của Nhàn, bạn thân con chấy cắn đôi từ thuở nhỏ, thi phổ thông xong, tôi xin bọ mạ làm đơn nhập ngũ, đúng dịp quân đoàn 14 có đợt tuyển nữ quân nhân. May mắn hơn các bạn cùng khóa, tôi đỗ kỳ thi phổ thông, chắc là đỗ vớt vì tôi viết sức học của mình. Tôi trúng tuyển vào bộ đội nhờ tấm bằng vớt này, thoạt tiên được phân về tổ chị nuôi một thời gian, mới nhập ngũ mà được làm chị các anh bộ đội mấy tuổi quân cũng oai phong chán. Mấy tháng sau, cấp trên điều tôi về tổ Văn thư – Bảo mật, sau khi cho tôi tham gia khóa học sáu tháng về đánh máy chữ. Tôi thay quân hiệu Hậu cần với cây súng, con dao mà bọn tôi gọi là dao chặt xương thịt, thay bằng quân hiệu Văn thư, với cuốn sổ và cây bút trông học thức hơn nhiều. Hàng ngày, tôi tập thao dượt mười ngón tay như múa trên chiếc máy đánh chữ Remington cũ kỹ, thỉnh thoảng mỉm cười mỗi khi thấy ai đó mổ cò trên bàn máy chữ từng chữ một. Sau ba năm quân ngũ, tôi xuất ngũ về địa phương với quân hàm hạ sĩ trên ve áo…

Vẫn theo đuổi mơ ước được là cư dân thành phố, theo lời khuyên của anh Bảo, Trưởng Ban Quân lực của quân khu, nhập hộ khẩu về địa phương xong, tôi làm hồ sơ thi đại học khối B vào Đại học Y khoa Huế, với hy vọng được hưởng diện ưu tiên của bộ đội xuất ngũ. Tôi nghĩ lẩn thẩn: nếu có thi rớt đại học y khoa vẫn vinh quang hơn rớt đại học nông nghiệp nhiều! Sau ba tháng tập trung ôn tập vất vả ở ôn thi Trương Định, dự thi xong ba môn Toán-Sinh-Hóa, tôi không hy vọng mấy vì biết lực học của mình qua các kỳ thi thử ở trung tâm luyện thi chỉ ở mức trung bình khá; nhưng rốt cuộc, tôi thật bất ngờ khi bác đưa thư của xã đưa chiếc phong bì có giấy báo trúng tuyển. Cả nhà tôi rất vui mừng, phấn khởi, bọ mạ tôi quyết định mổ thịt con bê một tuổi mà em tôi đang chăn dắt, khao cả họ nội, họ ngoại, thành ra gần như khao cả làng, vì vùng tôi ở, hầu như họ hàng với nhau cả, có mấy ai đậu được vào đại học đâu? tôi lại là con gái, đậu được vào y khoa càng được xem là của hiếm… Hình như cánh mũi tôi lúc đó tự nhiên nở to ra thì phải, đi đến đâu tôi cũng vênh váo nhìn mọi người, làm như mình sắp trở thành bác sĩ đến nơi.

Sự việc thật bất ngờ khi tôi đến làm thủ tục nhập học ở trường đại học y khoa Huế, sau khi đã cắt hết hộ khẩu, lương thực ở địa phương, chia tay với bạn Nhàn hiện nay làm kế toán hợp tác xã, đã tay bồng, tay mang con mọn trong khi tôi vẫn còn son rỗi: trưởng phòng Quản lý sinh viên gọi đích danh tôi lên phòng Ban Giám hiệu để giải thích, do một sai lầm của người nhập danh sách trúng tuyển, số báo danh và tên tôi đã bị đánh nhầm, nghĩa là tôi đậu phải cành mềm chứ không trúng tuyển như nhà Trường đã thông báo. Nhà trường sẽ nghiêm khắc xử lý người sai sót, nhưng hậu quả thì tôi lãnh đủ…, không thể trở thành tân sinh viên y khoa, như trong thông báo trúng tuyển mà tôi đã photocopy ra nhiều bản, có bản lộng kính để trong nhà, cạnh giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua trước khi xuất ngũ...

Quá bất ngờ cho tôi, khi địa phương cắt hộ khẩu, lương thực của tôi rồi, làm sao mà nhập lại, nhập với lý do gì…, tôi không muốn la khóc nhưng theo mọi người sau này kể lại, mặt tôi tái xanh, tay chân giật giật như người động kinh, làm mấy vị chức sắc trong phòng phát hoảng. Ông Thanh, Hiệu phó phụ trách tổ chức, sau này tôi mới biết là đồng hương cấp huyện với tôi, sau khi xem kỹ hồ sơ lý lịch, đề nghị một phương án giải quyết dung hòa: tuyển tôi vào Tổ Văn thư của Trường, lâu nay chưa nhận nữ giới làm hành chính, nhưng tôi có mác ba năm quân ngũ, chứng chỉ đánh máy chữ tốc ký loại khá, một danh hiệu chiến sĩ thi đua bù lại. Ban Giám hiệu cân nhắc khá lâu rồi cũng thông qua, như thế nghiễm nhiên tôi sẽ trở thành cán bộ thuộc biên chế của trường, có tiêu chuẩn lương, chỗ ở tập thể… Vậy là trúng ý tôi quá rồi, được ở ngay trung tâm thành phố Huế mà chẳng cần phải học hỏi, tu dưỡng gì thêm. Tôi nghe họ bàn luận mà sướng mê đi, cứ giả vờ suy nghĩ, xin gia hạn ba ngày để điện hỏi ý kiến gia đình, trong thâm tâm biết chắc chắn là bọ mạ sẽ đồng ý…

Mấy năm sau, theo mô hình cơ cấu chung của Bộ trực thuộc, Trường sát nhập hai bộ phẫn Tổ chức và Hành chính, tôi là nữ đảng viên duy nhất, trở thành cán bộ tổ chức, phụ trách mảng Lao động – Tiền lương. Ngẫu nhiên, tôi có quyền quản lý, nắm trong tay hồ sơ, lý lịch của những bác sĩ, vốn là sinh viên tốt nghiệp được giữ lại công tác ở trường, những người mà ngày trước tôi đã ghen tị với số phận của họ.

Như các thầy tướng số thường phán, với một người, con đường tình duyên và con đường công danh khó thông suốt cả hai, được đường này sẽ mất đường kia ngược lại. Con đường công danh của tôi xem như có được quý nhân phù trợ, thì con đường tình duyên của tôi lại rất suôn sẻ, vì không có ai chịu đi cùng mà tranh giành đường đi, nói theo giọng lưỡi tiếu lâm hiện đại. Thời gian mười năm trôi qua như trong chớp mắt, tôi đã vượt quá tuổi băm mà chưa có một mảnh tình rách vắt vai… Riêng anh Bảo quân lực của quân khu, ngày trước tôi ít nhiều có cảm tình, đã toan tính đến chuyện lâu dài, đã chuyển sang mặt trận 479 rồi mấy tháng sau lại hy sinh sau chiến dịch truy quét Kmer đỏ ở đất bạn Kampuchia, thư của đồng đội cũ báo tin dữ làm tôi mất ăn, mất ngủ mấy hôm liền. Mất anh Bảo, biết có ai làm chỗ dựa tinh thần cho tôi? Ở môi trường chung quanh tôi bây giờ, nam giới hơn tôi một vài tuổi đã có gia đình ổn định, lứa trẻ hơn một chút thì gọi tôi bằng chị, xưng em ngọt xớt. Tôi chỉ biết tìm lãng quên trong công việc hàng ngày, không chỉ tham mưu cho lãnh đạo về công tác tổ chức, mà còn cung cấp thông tin, tư vấn cho anh chị em khi tìm hiểu đối tượng khác giới trong trường.

Lúc này, chủ nghĩa lý lịch xem ra vẫn rất mạnh: cán bộ trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng vẫn ngầm chia thành hai nhóm riêng biệt: nhóm thứ nhất là thành phần gia đình cán bộ, có cha mẹ từng sinh sống ở miền Bắc sông Bến Hải hay từ miền Nam tập kết ra năm 1954, và nhóm thứ hai là thành phần gia đình tiểu tư sản, cha mẹ sinh sống ở miền Nam vĩ tuyến 17, mà nhiều cán bộ tả khuynh thường gọi xách mé họ là ngụy quân, ngụy quyền, ngụy dân. Trong số đó, có một số được chuyển dần sang nhóm thứ nhất, nếu gia đình có người đi tập kết hoặc bản thân lại tham gia cách mạng sau 1975, như đi nghĩa vụ quân sự. Chẳng hạn trường hợp anh Đồng, trước học đại học ở Huế, sau khi tốt nghiệp đã đi bộ đội, khi mãn hạn nghĩa vụ trở về, tham gia công tác ở Phòng Giáo vụ, được phân công việc sắp xếp lịch học của sinh viên, theo chuyên môn vận trù đã theo đuổi hồi đại học. Khi nhà Trường mở lớp xóa mù tin học, anh lại đứng lớp giảng dạy Tin học văn phòng cho nhiều cán bộ, trong đó có tôi, trên chiếc máy vi tính đầu tiên của Trường, loại máy lắp ráp ở trong nước, mua từ Đà Nẵng. Tôi nhớ mình đã bật cười thành tiếng khi anh thao tác trên bàn phím chỉ với 4 ngón tay. Anh cũng đỏ mặt, thú nhận không phải là thợ đánh máy chữ, hồi đi học chỉ học 60 tiết Ngôn ngữ Lập trình Fortran IV, và khi thực hành, chỉ làm phiếu đục lỗ tạo dòng lệnh ở Trung tâm IBM đặt tại Saigon, về sau này chỉ tự mày mò học thêm MS Office trên chiếc máy vi tính 386 tự bỏ tiền ra mua, nghe nói ngang giá chiếc Cub 86 kim vàng giọt lệ, đặt ngay trong nhà để anh em trong nhà tự học, giảng dạy cho chúng tôi ở dạng lính bữa mai cai lính bữa hôm. Tôi nhớ hồi ở bộ đội, trung đoàn bộ đã nhờ anh binh nhì Tá, trước là lính ngụy trong quân đội Saigon, lên lớp giảng về cách sử dụng súng phóng lựu M79 mới được trang bị cho trung đoàn, cho các cán bộ, sĩ quan tác chiến còn quá lạ lẫm với loại vũ khí mới này. Tôi tự nhủ trong lòng, và nói lại với cô em kết nghĩa Hồng đang học cùng lớp, vốn là con một cán bộ tuyên huấn trong Tỉnh: có gì lạ đâu, mình chỉ học kiến thức chưa được biết, chứ có học quan điểm, tư tưởng chính trị của giảng viên đâu

Tôi vẫn chỉ là Phó Trưởng phòng Tổ chức, Tổ trưởng công đoàn của bộ phận liên phòng ban trong trường, nhưng lạ thay, một số chị em vẫn tìm đến tôi, chuyện trò tâm sự như với bà chị cả, có trách nhiệm gỡ rối tơ lòng cho các em gái đang tuổi lớn… Ngẫu nhiên, việc này cũng phù hợp vai trò cán bộ tổ chức của tôi, theo quan điểm chính trị khá tế nhị không nêu thành văn bản cụ thể: người được dự nguồn phát triển về mặt chính trị có nhiệm vụ báo cáo với tổ chức lai lịch của người mà mình đang tìm hiểu, có thể tiến đến hôn phối sau này, để Tổ chức có thể tạo điều kiện giúp đỡ nếu thấy thuận lợi, hoặc can thiệp, góp ý nếu xét thấy có vấn đề… Quan điểm này được minh họa bằng một trường hợp điển hình mà dân làm tổ chức rỉ tai nhau để rút kinh nghiệm: một sĩ quan công an đã phải chấp nhận làm đơn xin ra khỏi ngành vốn rất có giá đó để cưới con gái một nhà tư sản tăm tiếng ở Thành phố. Tôi nghĩ, cứ cái đà này, tiện nhất là giới thiệu những người cùng nhóm, có thành phần gia đình giống nhau, gần như quan điểm môn đăng, hộ đối của tư tưởng cổ truyền ngày trước…

Chính sách Đổi Mới đã tác động không chỉ về mặt kinh tế năm thành phần, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách đánh giá con người của tổ chức. Xác định nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục – đào tạo, Trường chú trọng tuyển sinh đầu vào, đặc biệt ngành Y. Nghe nói mấy năm trước, có người chạy đến mấy cây vàng để vào được vào học đại học y khoa, không biết theo con đường quái quỷ nào? Có dịp tìm hiểu quy chế tuyển sinh vào Trường, tôi hiểu Hội đồng Tuyển sinh kiểm tra rất chặt chẽ (biết đâu chẳng rút kinh nghiệm từ chuyện giấy báo trúng tuyển của tôi năm nọ), hàng năm các thí sinh trúng tuyển được rút ba bài thi để so sánh nét chữ, phòng tránh chuyện thi hộ, chứ không dựa trên biên bản chấm thi và chữ ký giám khảo và dò từng hàng, từng chữ một, tránh nhầm lẫn khi đánh máy chữ nhập điểm. Theo anh Đồng, nếu biết nghiên cứu vận dụng Tin học, có thể phục vụ tốt cho các giai đoạn tuyển sinh: lập danh sách thí sinh dự thi tuyển theo phòng, nhập điểm chấm theo phách bài thi, và thông báo kết quả thi cho từng thí sinh riêng biệt. Anh đang nghiên cứu việc ứng dụng đó, dự định xin thành lập nhóm nghiên cứu, gồm những người tâm huyết và có khả năng soạn thảo văn bản nhanh, chính xác, có tên tôi trong số đó. Tôi chỉ nghe mà không có ý kiến, chỉ nghĩ trong bụng: bộ phận làm phách Tuyển sinh rất quan trọng, Hội đồng thường do Hiệu trưởng đứng đầu, chọn thành viên là đảng ủy viên cho tin cậy, anh Đồng còn ở ngoài Đảng, chuyện này chắc là nghiên cứu chỉ để nghiên cứu thôi...

Trở lại quy chế tuyển sinh, tôi thấy một kẽ hở mà anh Bảo hồi còn sống đã cho tôi thấy, nay mới có dịp kiểm chứng lại: lớp Dự bị Y khoa là một lổ hổng khá lớn để thí sinh lọt vào trường! Lấy ví dụ tuyển sinh năm 1982, thí sinh nhóm III phải đạt 19.5 điểm mới vào được Y1, trong khi lớp Dự bị nhận nhóm I và II với điểm chuẩn 13.5 điểm và 16.5 điểm; như vậy, thí sinh nhóm III không đạt điểm chuẩn, nếu tình nguyện đi bộ đội trong 2 năm, hết nghĩa vụ rồi về thi lại thì kể như lợi được khoảng 6 điểm, để vào Dự bị, cuối năm thi lên lớp dễ dàng, trong khi mức chênh lệch 6 điểm đó, học luyện thi 10 năm chưa chắc đã có được. Như vậy, chưa nói chuyện tuyển sinh lâu dài, trước mắt nhà Trường cần tập trung quản lý chặt chẽ điểm thi lớp Dự bị, trám ngay lỗ hổng mới phát hiện đó.

Tôi tìm gặp bác Thanh Hiệu phó ngày trước đã đưa tôi vào Trường, nay là thủ trưởng cấp trên, trực tiếp quản lý Phòng tôi, trình bày các nhận xét của mình, nói thêm: dạy lớp Dự bị hiện nay chỉ có cô Kim đã gần về hưu, đa số là lớp trẻ, anh Nhân, anh Hữu, đều là thành phần gia đình cán bộ, là bộ đội trước 1975, tin tưởng được. Duy chỉ có anh Đồng, có thành phần gia đình tạch-tạch-sè, nhưng cũng đã qua bộ đội. Bác Thanh nhăn mặt: cháu phải nhớ, bộ đội 1975 khác bộ đội thời chống Mỹ, đừng lẫn lộn… Thôi, cháu nhớ chú ý theo dõi sát cậu Đồng, có gì khả nghi báo cho bác, để kịp xử lý! Nói chung, phải đảm bảo nguyên tắc công bằng trên hết. Tôi không tiện nói thêm với bác, lâu nay cũng đang theo dõi hai anh Nhân, Hữu không phải về đào tạo, tuyển sinh mà về lĩnh vực khác, cho cô em kết nghĩa Hồng… Hai anh này đều đang rắp ranh bắn sẻ Hồng, con bé đang phân vân, thường hỏi ý kiến tôi. Nói chung, tôi thấy cả hai cậu đều chững chạc, đàng hoàng, là con nhà gia thế; cậu Nhân đẹp trai, rắn rỏi, trông khỏe mạnh hơn, là cầu thủ hậu vệ của đội bóng đá cán bộ; cậu Hữu có vẻ giàu có hơn, mẹ làm Giám đốc Sở Thương nghiệp, lại có khiếu văn nghệ, đàn hay, hát giỏi, từng hát song ca với Hồng hồi hội diến văn nghệ cán bộ toàn trường. Tôi thấy Hồng chọn ai cũng được, nhưng chẳng lẽ lai khuyên chọn cả hai? Mà chơi trò oẳn-tù-tì lại càng vô lý, chuyện lâu dài, liên quan cả đời người đâu có thể quyết định bằng yếu tố may rủi đươc? Thôi để một thời gian nữa xem sao, Hồng chỉ mới 25 tuổi, chờ một vài năm nữa, thời gian sẽ giúp Hồng có cái nhìn chín chắn hơn để quyết định đời mình, tôi khuyên Hồng như thế

Tôi tạm biệt đất Huế để tham gia khóa học 18 tháng về lý luận chính trị cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia ở Hà Nội. Tôi dành hết thời gian để học kỹ bài ghi chép hàng ngày trên lớp và tranh thủ đến Thư viện Quốc gia trong ngày nghỉ để đọc thêm tài liệu tham khảo theo hướng dẫn của giảng viên. Thỉnh thoảng mới nhận được thư của Hồng, có lẽ con bé lười viết thư nên ít thấy đề cập đến chuyện tình cảm như khi nói chuyện trực tiếp với tôi, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy có những biến động mà không thấy thể hiện qua thư. Lá thư cuối cùng tôi nhận được khi chỉ còn một tuần nữa là mãn khóa học, Hồng báo cho tôi chuẩn bị về uống rượu mừng ngày vui của con bé với một người ở ngay trong Trường, mà tôi cũng biết. Anh chàng này đã tiếp xúc với mẹ ruột của Hồng, nghe Hồng nói bà cụ đang công tác trong ngành giáo dục, nổi tiếng bôn-sê-vích, lại có vẻ hợp bạn trai mà con mình giới thiệu. Tôi đoán đó là cậu Hữu, ăn nói bặt thiệp, có duyên, mẹ lại công tác trong Tỉnh, chắc có quen biết với mẹ của Hồng. Thôi thế cũng được, tôi chỉ băn khoăn Hồng đã dựa trên tiêu chuẩn gì để chọn Hữu, có lẽ là bạn văn nghệ, chuyển sang bạn đời thì hợp hơn bên thể thao của Nhân chăng? Vì kinh tế thì chắc chắn không phải rồi, Hồng vốn coi thường vật chất, không se sua ăn diện, chính sự mộc mạc chân quê lại lôi cuốn các anh hơn các cô bám sát thời trang hiện đại…

Mọi thắc mắc của tôi được giải tỏa khi chuyến tàu Thống Nhất 3 đến Huế, Hồng đi xe đạp đón tôi như đã hẹn, con bé đã vừa đạp xe vừa kéo theo chiếc xe đạp thổ tã tôi gởi tạm ở nhà Hồng sáu tháng trước, có cả dây cao su để giằng buộc hành lý của tôi trên khung đèo hàng. Hai chị em gặp nhau mừng tíu tít, chúng tôi dựng tạm hai xe đạp bên lề, mang hành lý vào hàng nước cạnh nhà ga nói chuyện. Hóa ra không phải Hồng nghỉ chơi với riêng Nhân mà cả với Hữu: sau khi tôi đi học, Hồng nhờ bác Thanh, Hiệu phó Tổ chức tư vấn giúp khi có khúc mắc cần giải quyết. Sự cố đầu tiên là ở anh Hữu: khi tập trung bộ môn Hóa để chấm bài thì anh lén lút rút bài của người quen, cho vào túi xách định đem về nhà thì bị phát giác, Hội đồng lập biên bản, anh phải nhận quyết định cảnh cáo toàn trường. Bác Thanh nghiêm khắc khuyên Hồng cắt đứt quan hệ với anh Hữu, vì nghe gia đình sinh viên khai là anh đã nhận trước 2 chỉ vàng để giúp đỡ, xong việc sẽ nhận nốt 8 chỉ. Thế anh Nhân thì sao? Tôi nóng lòng hỏi. Hồng ngần ngừ: Anh Nhân có đứa em họ học lớp Dự Bị nhưng không khai báo với Nhà Trường, khi chấm điểm thi cuối năm đã nâng khống lên thành 5 điểm, đến khi có người khiếu nại, nhà Trường tổ chức chấm phúc khảo, bài đó chỉ được điểm 2. Bác Thanh cũng khuyên Hồng đừng giao thiệp với Nhân nữa. Thế là hai đối tượng tôi đã nhắm cho Hồng đều xôi hỏng bỏng không. Thế ai là chú rể sắp tới? Hồng mỉm cười: Bác Thanh đã rất khen anh ấy, kỳ thi tuyển sinh dài hạn vừa qua, anh có đứa em ruột dự thi mà bên Tổ chức làm sót không báo khi anh cũng chấm môn Toán, anh tự giác báo và đề nghị chấm công khai bài thi của em, và từ chối nhận 0.5 điểm chấm rộng cho phép mà tổ trưởng đề nghị công khai. Em của anh chỉ được 8 điểm Toán thay vì 8.5, nhưng vẫn thừa 1 điểm để đậu chính thức. Tôi hơi ngờ ngợ, hỏi tới: Anh ấy là ai? Hồng cười: Chị cũng biết anh ấy, anh Đồng mổ cò ấy mà. Tháng trước, anh ấy thổ lộ đã chú ý đến em từ lâu, nhưng mặc cảm không dám nói. Vợ bác Thanh cũng nói vào, cô ấy lại thân với mẹ em nên mọi việc đều suôn sẻ. Ba anh ấy là giáo viên lưu dung, có tiếng nghiêm khắc trong thành phố. Mẹ em biết chuyện cũng đồng thuận kết giao với gia đình nền nếp như gia đinh anh ấy.

Thế là rõ. Tôi mừng vì em Hồng kết nghĩa đã tìm ra người bạn đời xứng đáng, qua đó tôi đã rút ra được bài học: bản chất con người tốt đẹp không phải từ nguồn gốc, thành phần gia đình, mà từ ý thức của chính bản thân họ.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét