Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 37

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

BÀI HỌC VÀO ĐỜI

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Tôi được dạy về ý thức tiết kiệm từ nhỏ, khi bắt đầu giúp Mẹ làm nội trợ: lúc rửa bát, phải dùng giấy báo lau trước bát đĩa dính mỡ rồi mới thoa nước rửa chén, loại đơn giản như Sunlight cũng là mặt hàng xa xỉ ở xã Trung Sơn này; làm vệ sinh khu bếp núc, tôi phải hạn chế dùng nước, vì anh Phóng phải cõng nước từ khá xa, ở tận giếng khoan chung của thôn Ta Ay Ta; khi được giao đứng bếp nấu ăn, tôi phải tập lên thứ tự bắc nồi cơm, cắt gọt, tỉa tót rau củ quả. rồi mới xào nấu, cuối cùng là món canh, để tiết kiệm thời gian và củi lửa, dù kiếm củi vùng rừng núi quanh nhà không khó lắm, nhưng Mẹ dặn kỹ, bếp núc là chuyện của đàn bà, phải biết tiết kiệm, về sau lập gia đình sẽ giúp nhiều cho chồng, cho con… Nước uống cho cả nhà thì, từ hơn mười năm trước, khi người CơTu chúng tôi mắc phải mấy trường hợp sốt rét rừng, Mẹ tôi bắt đầu dậy thật sớm, nấu một nồi nước chè xanh rồi ủ trên bếp, giữ nóng từ sáng đến tối, còn lu chứa nước mưa thì đậy kỹ, chỉ để đun sôi để pha trà khi nhà có khách, tuyệt đối không ai được tự tiện múc uống; nhờ những việc nhỏ đó mà cả nhà, từ Cha, Mẹ, đến anh Phóng và tôi, đều tránh khỏi những chứng bệnh vặt vãnh như cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, sâu răng…

Tới tuổi trưởng thành, học hết cấp cơ sở, anh Phóng tỏ ý muốn theo học nghề mộc của bác Thành người kinh, là hàng xóm gần nhà. Cha tôi suy tính mất mấy đêm rồi sau khi bàn luận với bác Thành, đã đứng ra vay tiền Ngân hàng mở xưởng chế biến lâm sản, có bác Thành là thợ cả và gần chục thợ phụ đang học việc như anh Phóng. Phải nói thêm là anh Phóng được bác Thành chăm sóc hơi kỹ, vì anh định mấy năm nữa, ra nghề mộc sẽ bắt vợ là chị Hương, con gái bác, học cùng lớp với tôi, nghe chừng cả nhà bác đều vừa lòng. Tôi ấp ủ nguyện vọng khác hẳn anh Phóng, mà cũng không như chị Hương - nghỉ học chữ để học nghề thợ may, chờ ngày được anh Phóng bắt vợ. Mấy năm học ở trường phổ thông cơ sở Trung Sơn, tôi học con chữ cũng khá, luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, thậm chí năm lớp 9, tôi đã đạt giải nhất môn Toán cấp Tỉnh, nên tôi muốn phát triển tương lai theo việc học chữ…

Cách đây ba năm, tôi đã đi đến một hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn, có kết nghĩa với Trường Đại học Nông Lâm ở Huế, xin giống chuối lùn mang về trồng rải rác quanh con suối không xa nhà ở. Đây là vùng đất hoang, chung quanh toàn là đồi núi hiểm trở, mà tôi tình cờ tìm ra lối đi vào khi tìm con chó Vện của nhà bị lạc. Mấy trăm mét vuông đất trũng, tích tụ nước đọng từ đất cao chung quanh sau mưa, quả là nơi lý tưởng để trồng chuối theo hướng dẫn của sách vở. Sau này Cha Mẹ tôi biết chuyện, giúp tôi làm một con đường tắt, đi thuận lợi hơn đến giang sơn trồng chuối của tôi, lúc đó đã phát triển thành hơn trăm bụi chuối, mỗi buồng trổ ra đi ít nhất chục nải; mỗi ngày, thu hoạch xong mang ra chợ bán sỉ cũng được mấy chục ngàn đồng. Cha Mẹ cho phép tôi cất riêng khoản tiền này, sau ba năm được gần hai triệu đồng, mẹ nói để cái Quỳnh làm vốn lấy chồng, thật ra tôi định đi trữ dần để theo đuổi việc học …

Tốt nghiệp phổ thông cơ sở xong, tôi vừa làm đơn xin thi vào lớp 10 của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú của Tỉnh, vừa làm hồ sơ xin được xét chuyển thẳng vào; theo bác Viễn, Trưởng phòng Giáo dục của Huyện, bạn Cha tôi cho hay, nếu được giải cấp quốc gia sẽ được chuyển thẳng. Tôi không có giải cấp quốc gia nhưng tôi hy vọng giải nhất môn Văn cấp tỉnh sẽ bù lại được. Thật ra, Mẹ tôi muốn tôi thi vào trường phổ thông trung học A Lưới, gần chợ Bốt Đỏ, nơi học sẽ gần nhà hơn, có thể sáng đi chiều về nếu học cả hai buổi, chỉ cần bới cơm buổi trưa, nhưng Cha tôi lại ủng hộ phương án học trường dân tộc nội trú, tuy thường xuyên ở xa nhà nhưng tôi có thể nhanh chóng trưởng thành. Hơn nữa, về đến Phường Đúc là đến thành phố rồi, ở đó tôi có thể dễ dàng theo đuổi các trung tâm luyện thi ở Huế nếu muốn học cao hơn… Tôi rất ủng hộ ý kiến của Cha, chỉ hơi băn khoăn về vườn chuối trên này không ai chăm sóc… Mẹ trấn an: Khỏi lo, mỗi ngày Mẹ sẽ bỏ ra một giờ buổi chiều lo cho con… Thế là ổn!

Tôi không được xét chuyển thẳng vào Trường mà vẫn phải thi theo quy định. Ngày thi tuyển, dù người đi hơi ê ẩm sau gần nửa buổi ngồi trên chuyến xe buýt A Lưới – Huế hơn bảy mươi cây số, hơn nửa đường là đèo dốc quanh co, tôi tỉnh hẳn người khi đọc đề thi: chỉ có hai môn Toán và Văn – Tiếng Việt, đối với tôi không khó lắm, tôi làm bài thi khá suôn sẻ, sau đó lang thang ngắm cảnh dọc bờ sông Hương, tâm trí hoàn toàn thoải mái trên chuyến khứ hồi hôm sau. Tôi không ngạc nhiên khi nhận giấy báo đi học theo đường bưu điện, chỉ hai tuần sau ngày thi. Ở xã, từ lâu chắc tôi là người đầu tiên nhận giấy báo vào học trường Nội trú, lại là con gái, nên bác Lâm đưa thư của Xã chờ gặp để đưa tận tay tôi phong bì chứa tờ giấy báo nhập học rồi chúc mừng. Tôi thấy sự việc chẳng có gì to tát mà Cha tôi định làm thịt con heo choai đang tuổi lớn để ăn mừng, tôi phải cản mãi, Cha mới quyết định chỉ cắt tiết con gà trống thiến để xé phay, làm mồi uống rượu mừng với bác Thành, người bạn thân cận nhất…

Đến gần ngày tập trung, Mẹ tôi đi với tôi từ sáng sớm, không ra bến xe buýt A Lưới, mà đến nhà chú Giáp, em bác Thành đi nhờ xe thổ mộ, như đã thỏa thuận. Chú có một trang trại nhỏ nuôi bò thịt, được xem là đặc sản của A Lưới cứ cách ngày lại đánh xe chở mấy yến thịt bò và ít nông sản núi rừng về Huế, bỏ hàng cho mấy mối quen thuộc rồi mua vải vóc, các thứ gia dụng lên A Lưới lại. Nay bác Thành gởi hai Mẹ con tôi là người nhà theo xe, nếu người quy ra cước như hàng hóa thì còn rẻ hơn nhiều, so với hai vé xe buýt về xuôi và cả tiền xe ôm từ Bến xe phía Nam lên đầu đường Huyền Trân Công Chúa, gần Thủy Biều nữa. Thế nhưng chú Giáp nhất định không nhận tiền, chở người nhà cho thêm đằm xe thôi! Khi ghì cương ngựa để dừng xe ở cổng trường Dân tộc Nội trú, chú dặn kỹ: tính ngày âm lịch, ngày lẻ xe xuôi về Huế, ngày chẵn lại ngược lên, ngày nào cũng ngang chỗ này, chị hay cháu muốn đi cứ ra chờ! Mẹ con tôi chỉ biết cảm ơn, chú cười nhỏ rồi giục ngựa chạy đi, thấp thoáng một tí rồi khuất hẳn. Tôi nhớ lại câu châm ngôn đã học từ nhỏ: tích Tiểu thành Đại, giờ mới hiểu rõ hơn, những nghĩa cử nhỏ bé như thế này, đối với chúng tôi lại có ý nghĩa tinh thần thật to lớn!

Sau khi làm xong các thủ tục nhập học cho tôi, Mẹ tìm mua ở Cửa hàng kim khí gần trường một chiếc rương bằng tôn dày có móc khóa để làm giang sơn chứa tài sản đặt ở đầu giường cho tôi, và đưa cho tôi đeo vào ngón tay áp út chiếc nhẫn vàng một chỉ, tôi biết ngày xưa đó là của hồi môn Bà Ngoại cho Mẹ lúc lấy Cha. Tôi định không nhận nhưng Mẹ bảo kể như con bắt đầu ra ở riêng, cứ giữ cho Mẹ vui! Nhìn đôi mắt Mẹ bắt đầu rơm rớm dù miệng thốt ra chữ vui, tôi không dám từ chối. Mẹ quay qua nói chuyện với cô Thùy, giám thị phụ trách phòng, hóa ra Cô là đồng hương xã Khe Tre bên huyện Nam Đông với Mẹ, lát sau Cô bảo: Tối nay chị ở lại chơi với cháu, nói chuyện với em cho vui. mai hẳng về! Tôi nghe mà mừng rơn, Mẹ mà về ngay, chắc lạ nhà, tôi chỉ biết trùm chăn nằm khóc…

Sáng hôm sau, hai Mẹ con dậy sớm như thường lệ ở nhà, tôi đưa Mẹ ra ăn sáng ở mấy hàng quán trước cổng trường. Tôi định kéo Mẹ đến quán bún tôi đã ăn thử hôm về thi, chỉ hai mươi ngàn mà lại khá ngon, thì Mẹ dừng bên gánh xôi của bà lão bán dạo dọc đường: Bà cho hai gói xôi đậu năm ngàn… rồi cười với tôi: mình ăn xôi cho chắc bụng. Tôi nhớ lại, năm nay tôi gần tròn mười sáu tuổi, suốt hơn mười năm từ khi biết nhận thức, tôi chưa hề thấy Mẹ ăn quà buổi sáng, thường chỉ lục cơm nguội chiều hôm trước còn dư, rang lại cho nóng rồi ăn. Mọi ngày, bao nhiêu món ngon vật lạ trong nhà đều nhường cho chồng, cho con đang tuổi lớn, có bao giờ Mẹ nghĩ đến cho bản thân mình? Tôi nghĩ xa hơn, nhịn ăn nhịn mặc thường xuyên như Mẹ mới duy trì được sự ổn định của gia đình, giúp Cha mở xưởng chế biến lâm sản, lo cho anh Phóng học thành nghề thợ mộc, và tôi được theo đuổi được con chữ đến tận bây giờ? Nước mắt tôi lặng lẽ ứa ra, tôi im lặng gạt qua cho Mẹ nửa gói xôi phần mình, nhỏ nhẹ: Mẹ ăn giúp con, đường về còn xa, con còn suất ăn sáng trong trường… Kìa, xe chú Giáp đến rồi… Một lần nữa, tôi có điều kiện thấy rõ ý nghĩa sâu sắc của câu châm ngôn mà tôi tưởng đã vỡ vạc được từ ngày hôm qua.

Ba năm sau…

Tôi sống xa gia đình suốt ba năm ròng rã, hàng năm chỉ về nhà thăm nhà vào dịp Tết hoặc hè, vẫn nhờ chiếc xe thổ mộ của chú Giáp, đến khi quay lại Trường, tôi lại theo xe chú, cũng khá thuận lợi vì nhà chú Giáp cũng gần nhà tôi như nhà bác Thành, anh ruột chú. Ngày Tết thì đương nhiên tôi phải về nhà rồi, Cha tôi dặn rất kỹ: giỗ cha không bằng ba ngày Tết, phải về để thắp hương trên bàn thờ, thăm mồ mả ông bà, tổ tiên… Ngoài ra, tôi chỉ về nhà kỳ nghỉ hè năm lớp 10, để khoe với Cha Mẹ giấy chứng nhận học sinh giỏi, tuy nhiên, sang năm sau, tức là ở lớp 11, đến thời gian hè, khi được nghỉ gần hai tháng như quy định, tôi viết thư xin phép Cha Mẹ cho ở lại xã Hồng Tiến để kèm cặp hai môn Toán và Văn-Tiếng Việt cho hai chị em sinh đôi Sang-Xuân, con của bác Mưu bí thư Xã, cùng học dưới tôi một lớp: hai bạn học hơi yếu nên viết thư xin bác Mưu cho phép tôi - năm trước đã đạt danh hiệu học sinh Giỏi, đến cùng ăn ở cùng nhà trong hai tháng hè, để ôn lại các kiến thức cũ và hướng dẫn sơ qua kiến thức mới, bác Mưu đã đồng ý. Nhưng Mẹ tôi hơi ngại vì nhà tôi nghèo, sợ phiền nhà Bác, sau Cha tôi thuyết phục Mẹ được vì hồi cùng tại ngũ, Cha biết Bác rất trọng việc học.

Biết rõ hai chị em Sang-Xuân mất kiến thức căn bản, tôi tập trung ôn kỹ kiến thức phổ thông cơ sở trước, rồi thong thả nhắc lại kiến thức lớp 10… Quả là học thầy không tày học bạn, hai chị em khi đã lấy lại được thăng bằng kiến thức đã học rất tiến bộ, đến bài kiểm tra đầu năm học sau được điểm chín, mười nên viết thư về khoe ngay với bác Mưu, đến chủ nhật đã thấy bác đến Trường thăm hai con, rồi mời tôi đi ăn tối, sau đó đề nghị tôi các buổi tối sang học cùng các em - bác bắt Sang-Xuân gọi tôi bằng chị dù chúng tôi bằng tuổi, thích mày tao chi tớ hơn, nếu cần thì giải đáp thắc mắc luôn, bác đã xin phép cô Thùy rồi. Từ đó tôi học các buổi tối chung bàn học với Sang-Xuân, rất thoải mái, dưới ánh đèn bàn sáng quắc và cây quạt nước Sanyo mát rượi. Việc học của hai chị em ngày càng tiến bộ, cuối năm đều đạt tiên tiến, đầu hè đó bác Mưu đánh cả ô tô 7 chỗ đến đón cả ba chúng tôi về tận nhà tôi ở Trung Sơn, thăm Cha Mẹ tôi và gởi quà cảm ơn đã nuôi dưỡng được một cô giáo trẻ tài ba, như lời bác nói rất trang trọng: Cha tôi nhận được chiếc khăn phu la rất ấm - sau Cha đem biếu cho chú Giáp thường phải đi rất sớm, và đôi giày Ý đúng cỡ chân 44 - mà Bác biết rõ hồi cùng tại ngũ, Mẹ tôi nhận bộ quần áo thổ cẩm khá đẹp. Từ đó trở đi, mỗi khi địa phương có lễ hội, Mẹ luôn vận bộ quần áo thổ cẩm, súng sính như trẻ con, khoe luôn miệng: con gái đi dạy, kiếm cho tôi đấy… làm tôi phát ngượng.

Tôi từ giã ngôi trường Phổ thông Dân tộc Nội trú thân thương, hai chị em Sang-Xuân thân thiết, cô Thùy kính yêu để bắt đầu chặng đường đi mới. Thật ra, tôi vẫn có thể làm cô giáo của chị em Sang-Xuân thêm hai tháng nữa, đến hết hè, như bác Mưu đề nghị, nhưng hai chị em đã khá vững vàng, riêng tôi phải tập trung cho kỳ thi tuyển vào đại học. Về việc chọn trường, không phải chỉ khi tiếp xúc với chị em Sang-Xuân mà tôi đã suy nghĩ từ khi vào lớp 10, tôi tự biết mình đam mê ngành sư phạm, muốn đứng trên bục giảng để truyền lại kiến thức đã học cho đồng bào CơTu quê tôi, và muốn nỗ lực thực hiện niềm mong muốn đó. Trong các ngành học, tôi nghĩ tính logic của ngành Toán hợp với tính chặt chẽ, cần kiệm vốn là truyền thống của gia đình, nên tôi quyêt định nộp hồ sơ thi vào đại học sư phạm Toán, thi khối A với ba môn Toán, Lý, Hóa. Tôi tìm đến các trung tâm dạy luyện thi ở khắp thành phố Huế, chọn nơi tương đối hẻo lánh, ít người đăng ký học để chọn làm nơi học, với suy nghĩ đơn giản, lớp càng đông thì học sinh càng dễ bị chia trí, trong khi đề thi không phải dạng đánh đố, chỉ cần theo sát nội dung giáo khoa và đào sâu các bài tập. Nghĩa là, như thầy Trình dạy Toán cho tôi ở lớp 12 đã nói, thi đậu tùy thuộc 75% vào học sinh, chỉ 20% vào thầy cô, còn 5% là yếu tố may rủi, học tài thi phận. Tôi càng hăng hái thi tuyển vào sư phạm hơn, khi biết ngành sư phạm luôn được ưu tiên đào tạo, được miễn đóng học phí cả khóa nếu khi tốt nghiệp, sẳn sàng nhận nhiệm vụ được phân công, như miền núi, hải đảo... Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình đã gắn bó cuộc sống với rừng núi A Lưới, với Cha Mẹ, với gia đình, thì còn muốn đi đâu khác nữa, đi để làm gì? Đến gần ngày thi tuyển, được biết ba môn thi Toán-Hóa-Lý được chia ra ba buổi, tôi lo nhất là chuyện ngủ quên sau khi thi môn Toán, nếu thức dậy mà đề Hóa đã phát thì coi như chấp các đối thủ một môn rồi, khi đó thì cầm bằng năm sau thi lại! May thay, Mẹ luôn đồng hành với tôi khi gặp gian nan, hứa bỏ hết việc đồng áng theo sát tôi từ buổi đầu tiên tập trung để làm thủ tục nên tôi rất yên tâm, đã có đồng hồ báo thức sống bên cạnh rồi.

Tôi nhận giấy báo, điểm thi ở trường Trung học phổ thông Phường Đúc, không xa so với trường Dân tộc Nội Trú của tôi trước đây. Buổi sáng trước hôm tập trung, vừa xuống khỏi chiếc xe thổ mộ của chú Giáp – gần như là phương tiện quen thuộc của gia đình tôi khi xuôi về Huế, Mẹ con tôi đang lơ ngơ tìm nhà thuê trọ mấy hôm cho tiện việc đi lại, thì một ông trung niên, trạc tuổi Cha tôi, đến làm quen. Ông tự giới thiệu là trưởng nhóm Tiếp sức Mùa Thi ở phường này, cùng với nhiều thành viên trong nhóm sẳn sàng tiếp nhận thí sinh các nơi về dự thi, lo giúp chổ ở, điện nước… hoàn toàn miễn phí trong thời gian dự thi. Ông giải thích: chỗ ở, màn chiếu đều có sẳn, chúng tôi chỉ trả thêm ít tiên điện nước, chẳng đáng là bao… tôi tiếp lời: mà lại giúp người ở xa đến ấm lòng rất nhiều! Tôi nhớ lại những việc đã chứng kiến, từ việc chú Giáp cho đi nhờ ngày trước đến việc hỗ trợ trước mắt, chỉ cần có tấm lòng nhân ái, sẳn sàng giúp đỡ người khác thì sự việc dù đơn giản đến đâu cũng có ý nghĩa lớn lao… Sau này, tôi được biết để giảm bớt khó khăn cho thí sinh, Nhà nước đã tổ chức hình thức thi tốt nghiệp phổ thông 3 trong 1, đa số học sinh có thể dự thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng ngay tại trường đang theo học của mình, thuận lợi này biết đâu là thành quả của những hoạt động Tiếp sức Mùa thi đã tác động đến những cấp có thẩm quyền?

Tôi vượt qua ba buổi thi thật thuận lợi, càng yên tâm hơn khi chợp mắt buổi trưa, mở mắt ra luôn thấy Mẹ vẫn đang lặng lẽ ngồi khâu vá bên cạnh, Mẹ hứa thức thay con mà, tôi yên tâm thiếp đi, nên buổi thi nào tâm trí cũng minh mẫn… Đến khi nhận phiếu báo điểm, dù không đạt điểm cao bằng các đối thủ ở thành phố - như báo chí địa phương có đăng tải, nhưng số điểm cũng khả quan, đủ cho tôi hy vọng với những ưu tiên khu vực cho người dân tộc CơTu như tôi. Quả nhiên, hơn một tuần sau, tôi nhận được tờ giấy triệu tập đi học tại Trường Đại học Sư Phạm Huế. Gia đình tôi quá đỗi vui mừng, lúc này tôi cũng đồng thuận cho Cha Mẹ mổ con lợn gần tạ để khao quân, nhưng vẫn lấy lý do là kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới của Cha Mẹ, nói văn hoa là Đám cưới Hồng Ngọc, để mời khách chung quanh.

Tôi hiểu những kết quả mình đạt được là từ những giúp đỡ lớn hoặc nhỏ của những người chung quanh, xuất phát từ tấm lòng nhân ái muốn giúp đỡ cho người khác; tôi trân trọng tấm lòng của người khác, nên muốn thể hiện biết ơn của mình một cách cụ thể. Với khoản tiền tích cóp từ giang sơn vườn chuối với sự hỗ trợ của Cha Mẹ đã lên đến hơn năm triệu đồng, tôi sẽ xin phép Cha Mẹ về Huế một ngày đẹp trời, tìm đến các nơi bán sách giáo khoa giá rẻ dưới dạng giấy vụn để vét hết tiền mua lại, kết hợp với tủ sách cũ của chị em Sang-Xuân ở Hồng Tiến từ lâu đã có ý thanh lý, làm quà cho Hội Khuyến học xã Trung Sơn: món quà này tuy nhỏ, toàn sách cũ, nhưng cũng mang ý nghĩa cho những trẻ thích tìm hiểu con chữ, nhưng không có điều kiện, như chính tôi một thời trước đây.

 

 

 


Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 36

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>


NGƯỜI THẦY KỲ QUẶC

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Tháng trước, anh mới tổ chức sinh nhật thứ 16 cùng với gia đình, nhưng tính ra không còn trẻ nữa: con trai lớn của anh đã hơn 30, tuổi tam thập nhi lập, con gái sau cũng đã ngoài 25, đều chưa lập gia đình, dù cũng đã được xếp loại hotboy, hotgirl ở thành phố. Rất đơn giản, anh sinh ngày 29 tháng 2, nên đã về hưu mấy năm rồi. Đứng trên bục giảng trên dưới 40 năm, tính ra lượng học trò đến chục vạn người, nhưng nhắc đến tên anh, hầu như học sinh nào cũng nhận ra ngay, vì cái tính nết khá kỳ quặc trong cuộc sống, đối với học sinh -sinh viên, cũng như đối với những người khác trong xã hội mà anh tiếp xúc. Riêng tôi có dịp tiếp xúc với anh từ khi anh còn là sinh viên, xin kể lại những kỷ niệm với anh từ thuở đó; để có tính khách quan hơn, tôi xin phép được đặt tên anh là X, như Xuân chẳng hạn.

Tôi dự thi tuyển sinh vào đại học năm 1977, hồi đó quy chế tuyển sinh chưa thống nhất 3 trong 1 như hiện nay, tốt nghiệp phổ thông là cứ nộp đơn dự thi vào trường đại học mình chọn. Tôi học phổ thông ở Thanh Chương, Nghệ An, tốt nghiệp lớp 10 xong là chuyển vào Huế theo gia đình; tôi học khá hai môn Sinh, Hóa nên chọn thi vào đại học tổng hợp Sinh, dù biết khả năng khó đối chọi với sĩ tử đất Huế, vốn có tiếng chăm học, hơn nữa phần Hóa hữu cơ lại khá xa lạ với học sinh hệ 10 năm… Quả nhiên, năm đó tôi chỉ đậu phải cành mềm, thời kỳ đó Trường không báo điểm, tôi không biết mình được dưới điểm chuẩn để đậu là bao nhiêu. Tôi chỉ nhận được thông báo vào học lớp Dự bị đại học, tiêu chuẩn này có được từ việc ba mẹ tôi đã từng là bộ đội, riêng ba tôi đã đi B ở miền Nam mấy năm trước 1975, theo lời bác Trác, bạn ba tôi công tác bên Ban Tuyển Sinh của Tỉnh... Học Dự bị một năm, rồi năm sau phải thi tuyển sinh lại như mọi người…

Tôi gặp anh Xuân trong lớp Dự bị này: anh không thuộc Nhóm I hay II theo lý lịch như sinh viên trong lớp, mà anh thường tự xưng là ngụy dân, theo cách gọi người miền Nam là ngụy quân, ngụy quyền hồi đó. Lúc đó, anh là sinh viên năm thứ ba, thuộc Tổ Học Tập của Lớp Toán 3 nên theo sự phân công của Chi đoàn, nhận nhiệm vụ ôn tập môn Toán cho lớp chúng tôi thay các thầy đang rất bận. Tôi quên nêu một chi tiết khá thú vị: anh vẫn chưa là đoàn viên dù đã học đến năm thứ ba, hồi đó kết nạp vào Đoàn phải qua khá nhiều bước, từ giai đoạn đang là Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng, phải phấn đấu để làm cảm tình đoàn, rồi tiến lên là cơ sở đoàn, sau cùng là cảm tình đoàn, được thẩm tra lý lịch gia đình hai ba đời, được hai đoàn viên giới thiệu mới được kết nạp Đoàn. Bản thân anh chi mới ở cấp cơ sở đoàn, chắc còn lâu mới được giơ tay tuyên thệ, như tôi đã làm hồi mới lớp 8 ở Trường cấp 2 Xuân Tường. Chắc anh chỉ hơn bọn tôi vài tuổi, trong lớp còn có người đi bộ đội mấy năm mới về học, có khi còn hơn tuổi anh, làm gì phải gọi bằng thầy? Để dằn mặt, hôm đầu tiên gặp mặt các thầy giáo nai của Tổ Học Tập, tôi chép trước một đề bài khó, lựa trong cuốn Tuyển tập các bài Toán sơ cấp tập I của Phan Đức Chính – Phạm Tấn Dương - Lê Đình Thịnh, đưa ra, dùng giọng nhỏ nhẹ, lễ phép nói: Bài này do bạn em hỏi, nhờ các Thầy giải giúp, tuần sau em xin… cười thầm biết rằng mới đọc qua đề, anh nào anh nấy đều tái cả mặt. Rồi tuần sau, đúng buổi học Toán của lớp tôi, anh Tổ trưởng đề nghị Lớp không nên hỏi những thứ ngoài chương trình ôn tập, rồi giao cho anh Xuân lên giải đáp thắc mắc. Lời giải của anh Xuân khác hẳn với lời giải trong cuốn sách tôi đã chép, nhưng lại ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Khi tôi đứng lên, nêu lời giải trong sách, anh nhỏ nhẹ: Lời giải của bạn chiếm đến nửa trang 84, kéo sang nửa trang 85 của sách in, dài dòng hơn vì phải dùng đến một bổ đề, phải chứng minh được bổ đề rồi ứng dụng. Khi ôn tập, bạn nên chú trọng sự đơn giản, ngắn gọn… Sau này tôi mới biết, anh không chỉ có tập I (được xem như hàng độc hồi đó) như tôi mà có cả tập II, tập III; anh đã bỏ ra hơn một tháng học bổng sinh viên mười tám đồng để mua lại từ một đàn anh học chuyên Toán ở Hà Nội. Anh khuyên chúng tôi: nên học cái lõi của bài toán khó, chứ đừng quan tâm đến các dạng toán, chẳng lẽ giải toán lại ghi: xem sách xxx, trang yy sao? Bài toán khó nào cũng có cách giải, cứ nắm chắc lý thuyết là được! Tôi nghe bạn bè trong lớp gọi anh là Xuân hâm, vì anh chủ trương chỉ học kỹ theo sách giáo khoa, không quan tâm đến nhiều loại sách nâng cao khác… Tôi không chú tâm đến việc học Toán với nhóm các anh lắm, vì đã tính trước đường đi của tôi; năm học Dự bị chỉ để giết thời gian ở không, và để ôn luyện kiến thức trước khi thi tuyển vào đại học lần nữa…

Hai năm sau…

Tôi đã là sinh viên, học gần xong năm thứ nhất, không phải của đại học tổng hợp mà của đại học y khoa, nhất y nhì dược, vinh quang hơn nhiều. Kết thúc năm Dự bị, tôi xin nghỉ học sớm ba tháng để ôn luyện, theo đuổi các điểm luyện thi của thầy Quang, thầy Khải, thầy Đạt ở khắp thành phố, và mạnh dạn làm hồ sơ thi tuyển vào trường đại học y khoa Huế, và may mắn thay, đã trúng tuyển. Lần này vẫn thi khối B với ba môn Toán Sinh Hóa, nhưng thi xong tôi thấy yên tâm hơn năm trước rất nhiều. Tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào học năm thứ nhất, cả nhà tôi rất vui mừng vì tôi đã đạt được ý nguyện học y khoa của ông bà, cha mẹ…

Tôi tình cờ gặp lại anh Xuân tại Cung An Định, khi tiễn các bạn cùng lớp nhập ngũ sau cuộc chiến ở biên giới Tây Nam. Anh đã tốt nghiệp, nói đúng ra là tốt nghiệp đặc cách, chế độ dành cho những sinh viên năm cuối nhận lệnh nhập ngũ – anh vẫn chưa là đoàn viên. Bạn Phúc lớp tôi cũng nhập ngũ lứa này, có anh ruột là anh Viễn, học cùng lớp với anh Xuân, nghe Phúc nói anh Viễn cay cú vì đơn tình nguyện nhập ngũ bị bác, còn đơn của anh Xuân lại được chấp thuận, trong lúc rất nhiều thanh niên tìm đủ mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự như cha mẹ đau ốm, bản thân có bệnh mãn tính... Tôi lân la hỏi chú Hùng, bạn ba tôi bên Thành đội, đang thu nhận hồ sơ, chú nói vắn tắt: một đứa có nguyện vọng trực tiếp cầm súng, bảo vệ Tổ quốc thì được, còn đứa muốn đi bộ đội thay để em được học tiếp thì nhận làm gì? Tôi hiểu anh Xuân không màng đến chế độ tốt nghiệp đặc cách, còn anh Viễn tính toán cho gia đình, sau này nghe nói đi dạy học rồi vượt biên sang Canada: tôi mới có cái nhìn khác hơn về tính kỳ quặc của anh Xuân. Nhưng thôi, đó là chuyện người ngoài, mình lo học đã…

Hết học kỳ 2 năm Y4, tôi được xếp loại Khá về học lực, nên Ba Mẹ cho về quê thăm nhà ngoại, thưởng công học tập vất vả suốt năm, và trực đêm một tuần hai buổi. Trên chuyến tàu TN4 ra Hà Nội, tình cờ tôi gặp cậu Chương, đồng hương của mẹ tôi, cũng ra Bắc trên cùng chuyến tàu. Cậu là Quyền Hiệu trưởng trường đại học tổng hợp mà tôi đã học năm dự bị hồi đó, sau này mới chuyển sang học y khoa. Tôi đã nói khéo với bà cụ ngồi cạnh cậu Chương xin đổi chỗ, cụ bằng lòng ngay vì tình cờ vé ngồi của tôi có số 36, ngồi sát cửa sổ, rất thoáng. Hai cậu cháu nói chuyện rất vui vẻ trên quãng đường sắt gần bảy trăm cây số, tàu chạy phải mất hơn một ngày đêm. Cậu cũng dạy Toán, nhiều lần hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho sinh viên. Câu chuyện dần dần chuyển về lớp thầy nai tơ đã dạy tôi hồi đó, cậu càu nhàu: Lớp đó có thằng Xuân, học cũng được nhưng bướng không thể tả. Hồi đó, tôi đã định nhận hướng dẫn tốt nghiệp cho nó làm về sơ đồ Pert thì nó có lệnh nhập ngũ, mới đây nó mặc quân phục về Trường, lại gây ồn ào… Cậu im bặt, chắc chuyện chẳng hay ho gì, nhưng tính con gái là chúa tò mò, tôi hỏi phăng tới. Cậu ậm ừ rồi kể lại tự sự. Hóa ra sau khi công bố luật nghĩa vụ quân sự, khóa nhập ngũ hồi đó đã gần hết hạn, đứa thì xuất ngũ, đứa lại chuyển ngành, anh Xuân đại diện về hỏi nơi nhận thì chú Liêu ở Phòng Tổ chức trả lời: Nhà Trường không biết, các cậu có gia đình ở đâu thì về địa phương đó, Trường không nhận… Anh Xuân hét to, tôi nhớ âm lượng của anh, ngày trước khi anh nói ở giảng đường không cần micro vẫn nghe rõ: Đâu được? Ngày trước nhà trường được tiếng đưa sinh viên sắp tốt nghiệp nhập ngũ, nay có thằng chết, thằng sống quay về, Trường lại đem con bỏ chợ, lý đâu lạ thế? Nghe ồn ào, cậu Chương ra hỏi: Ai nói thế? Anh Xuân ưỡn ngực: Em là Xuân, khóa lưu dung ngành Toán, thầy ghi tên đi! Cậu Chương kể xong, kết luận: Phòng Truyền thống còn treo bằng khen, giấy khen của nó do đơn bị bộ đội ở biên giới cấp, nên cho qua tội làm náo loạn! Tôi im lặng nghe, không nói gì, chỉ nghĩ trong bụng, chắc gì mình đã làm tốt hơn, trong trường hợp đó! Tự nhiên tôi hết hứng thú nói chuyện, tàu đã đến ga Vinh rồi, tôi xin phép Cậu rồi nhắm mắt thiu thiu ngủ… Tự nhiên trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy mình đến thăm gia đình người bạn cũ đã nhập ngũ, vừa mới chết trận, thấy cả cậu Chương đang thắp hương trên bàn thờ ghi rõ chữ Tổ quốc ghi công.

Tôi tốt nghiệp không thuộc loại Giỏi, nên không hy vọng được giữ lại Bộ môn làm cán bộ giảng dạy được. Nhưng nhờ Ba tôi làm bên ngành Tuyên Huấn của Tỉnh, cũng ít nhiều quen biết, nên được nhận công tác ở Phòng Giáo vụ, làm công việc theo dõi học tập của vài khối sinh viên, và được 50% biên chế ở khoa lâm sàng, như một vài bác sĩ khác. Tôi đã nghĩ rằng công việc hành chính này thật nhàm chán, nhưng chui vào chăn mới biết chăn có rận, làm một thời gian ngắn, tôi mới biết vai trò tham mưu cho công việc đào tạo của Nhà trường. Khi không có việc thì ngồi không, thỉnh thoảng mang tiếng là đi dự giờ nhưng thực chất là kiểm tra thái độ học tập của sinh viên xem có đúng nội quy nhà trường hay không, nhưng khi vào mùa công việc thì rối mù, như thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp, hay đơn giản như thi học kỳ… Theo nguyên tắc, mỗi buổi thi phải có hai giám thị, hễ Bộ môn không đủ người là điều thêm cán bộ giáo vụ chúng tôi, đôi khi mất cả buổi nghỉ sau trực để thực hiện những công việc sự vụ này…

Tôi đã gặp lại anh Xuân đúng thời gian thi tuyển sinh đại học, anh chuyển ngành từ quân đội về, sau ba năm giảng dạy ở Trường Sĩ quan, anh được anh Dự, bạn học cũ giới thiệu về bộ môn Toán Lý thuộc khối Khoa học Cơ bản, nơi đó đang thiếu giáo viên; nhưng Tổ chức lại đưa anh về Giáo vụ, và biên chế 50% bộ môn như bọn chúng tôi, rồi sau quyết định được sửa thành 100% Giáo vụ, vì nơi đó có nhiều chuyện tiêu cực, cậu có mặt sẽ làm giảm bớt…, theo lời giải thích của Trưởng phòng. Mới chân ướt, chân ráo về Phòng, anh tham gia ngay Tổ chấm thi Tuyển sinh môn Toán, còn tôi được cử làm Thư ký của Tổ. Theo quy định thống nhất của Tổ, cán bộ chấm thi sẽ được trả tiền theo số bài chấm, nên ai chấm nhanh sẽ được hưởng nhiều tiền. Dự kiến thời gian chấm thi mất mười ngày, nhưng sau vài ngày chấm, Tổ Chấm môn Toán phát hiện có một cách giải một câu 2 điểm, ngắn gọn hơn đáp án của Bộ, nên thống nhất sửa lại đáp án cho hoàn chỉnh. Anh Xuân nhớ đã gặp một bài giải theo hướng mới đó, cán bộ chấm trước không cho điểm, anh chấm sau cũng đồng ý, nay nghĩ lại có khả năng thí sinh mất oan 2 điểm! Anh đề nghị lục bài ra chấm lại, đa số cán bộ trong Tổ chấm đều phản đối vì đang lúc cao trào, chậm phút nào mất tiền phút đó, có người nói, coi như thí sinh đó rủi ro, phải chấp nhận thôi! Anh không chịu, nếu đó là con em của bạn thì sao? Cuối cùng, anh tự nhận trách nhiệm cùng tôi lục cho ra bài đó, mất đứt hai ngày, nên tiến độ chấm của anh chậm hẳn lại, khi tổng kết thua bạn chấm khác gần trăm lượt chấm. Bản thân tôi là Thư ký Tổ Chấm, phải có mặt đến khi kết thúc, lỡ mất một buổi xem phim rạp Hưng Đạo, đúng suất cuối cùng của phim đang ăn khách Cuốn theo chiều gió, mà bạn bè nghĩ tôi đã rảnh, mua vé mời đi… Lỡ mất buổi xem phim, tôi còn tức anh ách khi nghe anh nói: Mục tiêu cao nhất của tuyển sinh là công bằng, Quỳnh làm giáo vụ, phải gương mẫu chứ! Bực mình hơn là khi biết chuyện, nhiều người lại ủng hộ anh Xuân mới chết…

Trong phòng, công việc anh được phân công là lên lịch học trên lớp và thực hành ở bệnh viện, phòng thí nghiệm cho sinh viên các khối lớp, anh đã hoàn thành khá suôn sẻ và dự định sắp xếp để tối ưu hóa, thu nhỏ số phòng học đến mức tối thiểu mà vẫn đảm bảo chương trình giảng dạy, theo lý thuyết tối ưu đã học… Trường tổ chức lớp học Hướng dẫn Nghiên cứu khoa học cho cán bộ, tôi ghi tên tham gia học nhưng chỉ bữa đực bữa cái, rồi mất gần mười ngày dính trận dịch sốt xuất huyết, người cứ bần thần không đi học được, nên khi yết danh sách thi, không có tên tôi vì vắng quá quy định. Tôi phàn nàn với anh chị em trong Phòng, anh Xuân bảo để liên hệ với Ban Tổ chức Lớp, nhận kèm thêm nội dung học cho tôi, cũng không dược. Biết chuyện, anh Dự cười, bảo tôi: Em dại quá, ông Trưởng Ban Tổ chức Lớp vốn ghét Xuân, nó ra mặt giúp thì em bị loại cầm chắc! Sau đó, anh Xuân cùng tôi đăng ký làm chung một đề tài nghiên cứu khoa học về tình hình học tập của sinh viên, đề tài không đoạt giải gì, nhưng sau này, nghe nói trong Ban Giám hiệu đã phát triển đề tài đó thành đề tài cấp Bộ… Dư luận trong Trường bắt đầu có lời ong, tiếng ve về quan hệ giữa chúng tôi, tôi liền đổi cách xưng hô, gọi anh là thầy, danh xưng mà hồi học lớp Dự bị tôi rất ghét, trong khi anh vẫn thản nhiên gọi tôi bằng từ bạn

Rồi đến khi nhà Trường mua chiếc máy vi tính đời 386 đầu tiên, đặt ở Phòng Giáo vụ chúng tôi, đối với mọi người khá xa lạ nhưng anh Xuân rất dễ dàng thích nghi, hỏi ra mới biết anh đã làm quen với máy tính từ đời 286 khi còn trong quân đội, khi chuyển ngành về, anh đã tom góp hết tài sản, xin thêm tiền ba mẹ để mua chiếc máy vi tính đặt trong nhà. Thế là ma cũ thành thầy ma mới, mọi người tôn anh làm thầy để học những bước đầu tiên của Tin học văn phòng mà anh đã dày công tìm hiểu… Đặc biệt, anh không đòi trang bị máy điều hòa không khí để bảo quản máy mà anh chỉ yêu cầu mỗi ngày mở máy tính một lần, dùng trong nửa giờ, chơi game cũng được, để tránh ẩm mốc. Tôi nhớ anh chị em phòng chúng tôi -trong đó có tôi, huênh hoang tự xưng là những đại đệ tử của thầy để được ưu tiên thực hành trên máy khi rảnh rỗi. Các cán bộ khác trong Trường cũng tìm cách gặp anh để trao đổi thêm về Tin học, anh luôn chân thành, đơn giản khi nói chuyện, tự nhận mình chỉ là lính bữa mai, không dám cai lính bữa hôm. Cho nên, danh xưng thầy mà tôi gọi không quá lạc lõng trước mặt người khác…

Chiếc máy vi tính đã phù phép giúp công việc hành chính của chúng tôi đơn giản rất nhiều, như soạn thảo, tra cứu số liệu lưu trữ, nên có thể dành nhiều thời gian để làm việc chuyên môn. Bộ môn bắt đầu chú ý đến việc phát triển chuyên môn cho tôi, cho tôi đi học bồi dưỡng tiếng Phàp mỗi năm một tháng ở Hà Nội, nếu kiểm tra đạt yêu cầu sẽ đi tu nghiệp FFI ở Pháp trong một năm. Cái khó của tôi là trước đây chỉ học qua tiếng Nga, giờ thêm tiếng Pháp quá xa lạ, dễ gì thu nhận được? Chị em trong Phòng rỉ tai với tôi, ông Xuân là con nhà nòi tiếng Pháp đó, hóa ra trước đây anh đã có bằng tú tài chương trình Pháp, nhưng thích học Toán nên bỏ không. Tôi đặt vấn đề và anh vui vẻ nhận lời mở một câu lạc bộ tiếng Pháp cho tôi tham gia tập đàm thoại, nghe giọng mũi của anh, tôi cứ tưởng anh là ông thầy người Pháp dạy bồi dưỡng ở Hà Nội. Thế là hết giờ hành chính, câu lạc bộ tiếng Pháp bắt đầu hoạt động, ban đầu chỉ hai ba người, rồi số lượng cứ tăng dần lên theo nhu cầu học tiếng Pháp của cán bộ trong Trường. Anh Xuân tự nhận trước là người dốt đặc về chuyên môn y khoa nên chỉ trao đổi về giao tiếp hàng ngày, đối với chúng tôi như vậy là đủ, vì chuyên môn đã có sách vở rồi. Khả năng tiếng Pháp của tôi tăng tiến rõ rệt trong đợt ra Hà Nội tiếp theo, cuối cùng tôi đã kiểm tra đạt yêu cầu, sẳn sàng cho đợt FFI tiếp theo…

Anh Xuân vẫn tiếp tục dạy Toán cho sinh viên hệ dài hạn lẫn chuyên tu, và nổi tiếng là người khắc nghiệt về điểm số lẫn quan hệ. Tôi đã nghe các sinh viên chuyên tu - sau này gọi là dài hạn 4 năm, kháo nhau về chuyện anh mang trả trên lớp học chiếc phong bì hai triệu đồng kèm theo lẳng hoa lớp đã tặng nhân ngày 20/11, tuyên bố rõ ràng số tiền này đã vượt quá mức tình cảm, nể lớp nên anh nhân nhượng không truy tố trước pháp luật, nhưng từ nay sinh viên chỉ được gặp anh trên lớp, anh không tiếp ở nhà. Quả thật, đến Tết Nguyên Đán, anh đã bắt Ban Cán sự của chính lớp đó đứng ngoài cổng dưới trời mưa, dở chậu hoa cảnh quà Tết ra, thấy không có gì kèm theo, mới mở cổng mời vào nhà. Tôi nhớ mãi câu nói của anh khi thuật chuyện này: danh tiết người thầy to lắm, không mua được bằng tiền…

Có người hỏi tôi: Giờ anh ấy đã về hưu, chị chắc cũng vậy, thế cứ mãi gọi là thầy à? Xin trả lời nhỏ thôi: Tôi chấm dứt gọi Thầy mấy chục năm nay rồi, đã chuyển sang gọi bằng Anh, rồi Chú này Chú nọ, bây giờ là Thằng Cu lớn để phân biệt với con trai đầu lòng…


Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 35

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

                                              

                                 QUỸ ĐEN CỦA BẠN TRAI

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Tôi là Quỳnh, thuộc loại con gái Trời bắt xấu: là con thứ hai và cũng là út, giàu con út, khó con út nên được ba mẹ ưu ái hơn anh Giao, lớn hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi sinh trưởng trong một gia đình rất trọng nguyên tắc. Ba tôi, vốn là giáo viên tiếng Pháp suốt mấy chục năm rồi nghỉ hưu, thường nhắc đi nhắc lại từ một câu ngạn ngữ tiếng Pháp loại chơi chữ: chaque chose a sa place, et doit à sa place (mọi thứ đều có chỗ, và phải ở đúng chỗ), nên trong dòng máu chảy trong người tôi đã un đúc nếp suy nghĩ nguyên tắc trên hết này. Là đầu tàu gương mẫu, ba tôi ý thức rõ đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm nên bao nhiêu lương phạn, tiền thưởng đều giao hết cho mẹ tôi – chỉ làm nội trợ nhưng lại là bộ trưởng tài chính lo mọi chi tiêu của gia đình trong thời buổi vật giá leo thang; mỗi sáng ba chỉ nhận lại số tiền nhỏ vừa đủ để uống ly cà phê đen đầu ngõ, thứ mà ông không thể cai hẳn như cai thuốc lá được. Anh Giao có lần kể đùa: Ba khoe trúng số một trăm ngàn, Mẹ hỏi: Tiền đâu mà mua số? thì nhịn cà phê… Vậy từ nay cắt tiền cà phê sáng nhé! làm Ba im luôn.

Hai anh em tôi, khi còn đi học, mỗi sáng tự lục cơm nguội còn lại từ hôm trước rang sơ lại để ăn, uống miếng nước sôi nguội rồi cắp sách đi học, không đòi hỏi gì thêm. Đến khi anh Giao tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tiếng Pháp anh nối nghiệp ba, đi làm có lương, hàng tháng anh tự động trích ra đóng tiền ăn cho mẹ, chỉ giữ lại ít tiền để tiêu vặt - anh em chúng tôi rất thông cảm với mẹ, chỉ dựa vào lương của ba mà lo đủ thứ: tiền ăn, tiền mặc, tiền thuê nhà - chúng tôi vẫn ở thuê trong căn hộ chung cư, thỉnh thoảng còn giúi cho tôi - lúc đó đã bắt đầu vào đại học, ít tiền mua cái gương, cái lược, để khỏi dùng chung trong nhà; biết kinh tế gia đình khó khăn,  tôi cũng tự bằng lòng với những áo quần cũ mà mẹ tôi sửa lại cho vừa vóc dáng của tôi, không muốn, đúng ra là không dám, theo đuổi thời trang như bạn bè cùng lứa…

Lúc tôi vào học lớp 10, mẹ bắt đầu trao quyền quản lý, thủ quỹ cho tôi tập dần vai trò tay hòm, tay chìa khóa để mẹ nghỉ ngơi, chỉ giữ vai trò cố vấn. Biết khả năng của tôi, bạn bè trong lớp bầu tôi làm Thủ quỹ suốt ba năm phổ thông trung học, nên kinh nghiệm quản lý của tôi càng già giặn hơn. Như ở nhà, tôi đã làm một cuốn sổ chi tiêu, thu nhập thật rõ ràng, minh bạch đến nỗi bạn bè kháo nhau: tiền Lớp giao cho nhỏ Quỳnh thì chắc như bắp, còn hơn gởi Ngân hàng nữa. Có lần từ giữa lớp 10, Lớp trưởng Tâm mượn quỹ Lớp một trăm ngàn đồng để mua nước chanh chiêu đãi đội bóng đá nam đấu giao hữu với lớp bạn, đến cuối năm lớp 12 tưởng tôi đã quên, nhưng tôi dở sổ ra, nhắc lại vanh vách ngày giờ mượn làm Tâm hoảng hồn... Sang học kỳ 2 của lớp 12, biết khả năng mình không theo nghề godautre (gõ đầu trẻ) của ba tôi được, tôi làm hồ sơ thi và đỗ vào học ngành Tài chính - Kế toán của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Tôi học cũng khá, vẫn được bầu làm lớp phó lao động kiêm thủ quỹ như hồi phổ thông, suốt bốn năm đại học…

Trong đợt thực tập cuối khóa. tôi được phân về thực tập ở Phòng Tài chính - Kế toán của Công ty Thành Công, một Trung tâm Công nghiệp trong Tỉnh. Ở đó, tôi đã mất cả tuần để rà kỹ mớ chứng từ hỗn độn, giúp Công ty tìm ra sơ hở tài chính từ mấy năm về trước, giúp Công ty tránh được thất thoát tài chính khá lớn. Cuối đợt thực tập, tôi nhận được bản nhận xét có lời phê khá nồng hậu, và ngay sau Lễ tốt nghiệp, đích thân ông Vũ Tiến - tôi còn nhớ tên ông rất rõ trên bản nhận xét đợt thực tập của tôi, Giám đốc Công ty Thành Công, đến thẳng Trường tôi, xin nhận đích danh Phạm thị Như Quỳnh - là tôi, về làm kế toán Công ty. Mới tốt nghiệp ra Trường đã có nơi nhận, lại làm ở Công ty lớn trong Tỉnh, gần nhà, đúng là cầu được, ước thấy… Tôi hiểu thành quả này là từ kết quả thực tập cuối khóa học của mình, hay nghĩ xa hơn là tính cách chỉn chu, minh bạch, rõ ràng, được ba mẹ rèn luyện, un đúc từ thuở nhỏ, nên tự nhủ: trong cuộc sống sau này, mình sẽ luôn duy trì tính cách này.

Đụng chạm đầu tiên ở đơn vị công tác là ông Duy, phó Giám đốc đối ngoại của Công ty. Chuyện khá dài dòng: một lần, trong khi mải mê tính toán sổ sách trong phòng, tôi nhớ đã nghe rõ ràng ông Duy hỏi mượn nóng chị thủ quỹ một khoản tiền, bằng cả lương tháng nhân viên quèn chúng tôi, để tiếp khách, rồi đến kỳ lĩnh lương ông chối phắt, nói có mượn hồi nào đâu? chị Hạnh thấp cổ bé họng, mất oan tháng lương mà không biết kêu ai, vì chị vướng phải khuyết điểm hàng ngày hay đi trễ về sớm; chị uất ức làm đơn xin nghỉ việc, chuyển vào Nam làm nghề tự do; hôm chia tay chị có tâm sự với tôi, tôi biết chị có lý nhưng khẩu chứng vô bằng, không làm sao giúp chị được, chỉ biết an ủi và chúc chị may mắn...; Công ty khuyết chân thủ quỹ, sau khi hội ý trong nội bộ Lãnh đạo - có cả ông Duy trong đó, Giám đốc Tiến quyết định điều tôi làm kế toán tổng hợp, kiêm luôn nhiệm vụ thủ quỹ thay chị Hạnh đã nghỉ việc. Dĩ nhiên, trên đã phân công thì tôi phải chấp hành, dù trong bụng tự nhủ không hiểu đây có phải là dạng đá hất lên để trám vị trí thủ quỹ mà ai cũng e ngại làm sau cái dớp của chị Hạnh. Rút kinh nghiệm chị Hạnh đã mắc vào những khuyết điểm nhỏ nhặt không đâu, tôi cố gắng duy trì đúng giờ giấc làm việc như bấy lâu nay, khi mới đi làm, và tâm niệm luôn giữ đúng tính nguyên tắc truyền thống của gia đình…; mấy tháng sau, khi ông Duy giở bổn cũ soạn lại, vay nóng thủ quỹ ba triệu đồng để tiếp khách nước ngoài, tôi lẳng lặng đưa cho ông một phiếu tạm ứng, yêu cầu xác định rõ thời điểm hoàn tạm ứng. Ông đập bàn đập ghế, làm ầm lên, đưa chức danh phó giám đốc ra dọa, tôi chỉ trả lời nhẹ nhàng: ngay cả giám đốc cũng vậy, nếu mượn nóng dưới một trăm ngàn thì cháu lấy tiền túi đưa ngay, còn mượn vài triệu thì phải làm giấy tạm ứng… Nội vụ đưa lên trên Tổng Công ty, ồn ào một thời gian rồi im ắng, chị em trong phòng lo cho cái ghế kế toán tổng hợp của tôi, ông Duy có phải tay vừa đâu, tôi nghe thấy hết nhưng không ngại, cây ngay không sợ chết đứng! Cuối cùng, quyết định thay đổi công việc của tôi đã được ban hành, tôi phải bàn giao lại công việc kế toán tổng hợp cho người khác, để nhận nhiệm vụ mới là Trưởng phòng Kế toán - Tài chính. Khi trao quyết định cho tôi, chú Tiến - đọc kỹ quyết định tôi mới biết, chú cũng là Phó Tổng Giám đốc, chia xẻ: Tổng Công ty rất ủng hộ chủ trương nguyên tắc của cháu, đang dự kiến đề bạt cháu làm Kế toán truởng Công ty thay cô Hòa sắp nghỉ hưu, chỉ hiềm cháu chưa lập gia đình… Sau này nghĩ mãi tôi mới hiểu, Kế toán trưởng phải là người có đủ độ chín trong cuộc sống, mà theo nhiều người, đã lập gia đình là một tiêu chuẩn để đánh giá độ chín của phụ nữ… Tôi nghĩ kỹ mà bật cười, giới lãnh đạo vẫn có rất nhiều ông chưa có vợ, thế thì những người đó chưa đủ độ chín hay sao, còn đâu quan niệm nam nữ bình quyền nữa? Tôi tránh không muốn tranh cãi với chú Tiến, ngại mang tiếng ngựa non háu đá, muốn tranh giành chức vụ kế toán trưởng Công ty…

Mãi nghĩ ngợi lan man, tôi chợt nhớ lại thân phận chưa có một mảnh tình rách vắt vai của mình. Ở cấp phổ thông, tôi vẫn nghĩ mình còn nhỏ, chỉ nên chú trọng việc học, không quan tâm đến hình thức hay bạn bè khác phái, đến nỗi bạn bè trong lớp xem tôi gần như con trai, gọi tôi là thằng Quỳnh. Vào đến đại học, bắt đầu trưởng thành, được mẹ hướng dẫn, tôi chú ý đến ăn mặc hơn, nhưng vẫn quan niệm ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, kín đáo là đươc, không cần phải chạy theo thời trang, mốt này mốt nọ. Bạn bè cùng lớp đã có vài anh chú ý, trêu đùa cợt nhả với tôi, nhưng tôi luôn giữ thái độ lạnh như kem, đặc biệt với tính nguyên tắc cố hữu của người nắm tay hòm, tay chìa khóa của Lớp, các anh dần dần lảng ra xa, thậm chí tặng cho tôi bí danh khá trào lộng, phản ảnh phần nào tính cách: tướng Quỳnh. Có thể hiểu tướng là bà tướng để xác định rõ giới tính, nhưng đứng trước tướng thường chỉ có quân lính hay vua chúa thôi, mà có quân lính nào dám sánh vai với tướng, và chẳng có ai dám tự phong là vua chúa được. Thành ra, suốt mấy năm đại học tôi cứ thui thủi một mình, chẳng có bạn bè nào để tâm sự, về nhà chỉ biết trò chuyện với ba mẹ và ông anh trai, khi ngủ thì độc thoại với chiếc gối ôm trên giường…

Tôi quen anh Bình trong tình huống khá đặc biệt: anh là Phó Phòng Kỹ thuật của Công ty, đang tham gia dự án hoàn thiện một chi tiết máy kéo do chú Tiến - hay giám đốc Tiến, sau này tôi hay quen gọi là chú – điều hành (các dự án bao giờ cũng do các sếp điều hành) cùng với hai kỹ sư trẻ khác: Tân, Hội. Tháng trước, anh trình bày với Lãnh đạo Tổng Công ty kết quả nghiên cứu là chi tiết sản phẩm đã hoàn chỉnh, Hội đồng nghiệm thu của Tổng Công Ty đã đánh giá với nhận xét khá tốt. Anh Bình nói rõ, công lao của anh Hội là chính, khi anh đã đọc nhiều sách báo nước ngoài và đề xuất chi tiết cải tiến, cả ba anh đã kiểm tra lại và giao cho Tổ Nguội gia công; đến khi báo cáo, cả nhóm giao cho anh Bình trình bày vì anh có khả năng diễn thuyết rành mạch, lưu loát hơn cả. Do đó, anh đề xuất Tổng Công ty khen thưởng cho riêng anh Hội, còn anh và anh Tân chỉ góp phần kiểm tra thôi! Cuối cùng, Tổng Giám đốc quyết định thưởng anh Hội hai triệu đồng, trích từ quỹ phúc lợi của Công ty; riêng chú Tiến hứa thưởng cả ba anh một chầu bia: phải uống đến lên bờ, xuống ruộng. Tôi cũng được chú Tiến mời dự buổi bia thưởng này, hôm đó tôi chỉ nhắp môi cho có lệ, trong khi cả ba anh đều dzô, trăm phần trăm với chú Tiến. Trong cơn ngây ngất vì men bia, tôi thoáng nghe chú Tiến lè nhè hỏi Bình: Mày nghĩ sao mà nhường thưởng cho thằng Hội hết? Mười đồng tiền công bằng một đông tiền thưởng mà! và giọng anh Bình: Có công trạng thì mới hưởng lộc, chất xám là từ Hội mà! chú Tiến cười sảng khoái: Ừ, thằng này khá! Mày giống tính con nhỏ Quỳnh này! Thôi, nhập làm một… Tôi ngắt lời: Chú cứ đùa! Thôi, cháu xin về trước… Xin chào các anh, chúc vui vẻ… Tôi không rõ anh Bình có chú ý đến nội dung trao đổi giữa tôi và chú Tiến trong bữa uống bia hôm nọ hay không, nhưng ánh mắt của anh Bình khi nhìn tôi bắt đầu thấy khác lạ. Riêng tôi chỉ nghĩ anh hợp với tính nguyên tắc cố hữu của gia đình tôi: anh có thể là một người bạn tốt, nhưng tiến xa hơn thì… chưa chắc!

Ngày Valentine năm đó đến giữa tháng 2, đúng ngày thứ bảy, ngày sinh hoạt nội bộ của các phòng theo quy định của Công ty. Trong khi các phụ nữ trong phòng tôi nô nức khoe nhau những món quà như hoa hồng, chololat… của bạn trai hay của chồng thì tôi lặng lẽ ngồi một mình suốt ngày trong góc, vì biết chẳng có ai quan tâm đến mình theo đúng nghĩa Valentine suốt hai mươi tám năm rồi! Tóc tôi đã chớm vài sợi bạc, rồi thành bà cô già mất, tôi buồn rầu tự nghĩ… Hơn hai tuần sau, cũng là ngày đặc biệt đối với tôi, không phải vì là ngày chủ nhật (đối với tôi, chủ nhật chỉ là ngày nghỉ bình thường), mà hôm đó đúng là sinh nhật của tôi, ngày 29/2, chỉ bốn năm mới có một lần. Buổi tối, khi bốn người trong gia đình tôi và chị Thùy, bạn gái anh Giao, quây quần lại trong phòng khách, tôi chuẩn bị cắt bánh kem sinh nhật thì chuông cửa reo ầm ỉ. Anh tôi chạy ra mở cửa, ra cổng, rồi quay vào, nhỏ giọng: khách của Quỳnh! Tôi ngạc nhiên, ra ngay cổng, nhận ra anh Bình với bó hoa hồng lớn trên tay, đầu tóc, áo quần lấm lem bụi đường. Anh mỉm cười, trao bó hoa cho tôi: Mừng sinh nhật Quỳnh! Tôi nhận bó hoa, cảm ơn rồi đưa anh dắt xe vào nhà, nghe mẹ hỏi đúng câu tôi đang thắc mắc: Cháu đi đâu về mà bụi nhiều thế? Anh Bình nhỏ giọng: cháu đi công tác một tháng ở Đà Nẵng, đến mai mới phải về, nhưng nhớ hôm nay là sinh nhật Quỳnh nên hồi chiều phóng xe về cho kịp… Tội nghiệp anh Bình, hơn một trăm cây số, chạy từ chiều mới đến được bây giờ, chắc không kịp ăn cơm tối? Chợt thấy mẹ tôi đưa mắt nhìn túi nylon bánh mì treo trên xe, anh cười: cháu mua bánh mì định ăn dọc đường, nhưng trời đã tối, ăn thì sợ mất thời gian, chỉ kịp ghé shop hoa lấy hàng đã đặt trước… Mẹ tôi ngắt lời: Thôi, nhà vẫn còn cơm, để cô dọn cho cháu dùng tạm, rồi lên đây ăn bánh sinh nhật với cả nhà… Trong khi chờ anh, tôi lúi húi cắm hoa lên chiếc lọ pha lê trong phòng khách, đúng 28 bông hoa đỏ thắm trông thật rực rỡ, xem như thay cả quà Valentine của anh. Ba tôi đằng hắng rồi nói: Không biết ý của con ra sao, ba thấy cậu này cũng được, đối với con rất nhiệt tình. Không biết làm việc ra sao, có hợp với nhà mình không? Tôi ngập ngừng không biết nói gì, chỉ kể lại nguồn gốc bữa uống bia chú Tiến đãi, ba gật gù; mẹ chen vào, chắc đã dọn xong cho anh Bình trong phòng ăn: thì cũng như ông ngày xưa, đèo tôi bằng xe đạp gần trăm cây số về thăm quê tôi, có thế mới được vợ chứ…                              

Chuyện tặng hoa sinh nhật của chúng tôi tưởng bí mật mà lan ra khắp Công ty, ai gặp tôi cũng chúc mừng, hỏi khi nào tổ chức, làm tôi ngượng ngùng, chẳng biết trả lời ra sao? Anh Bình vẫn im lặng, suốt ngày miệt mài theo công việc chuyên môn, hình như anh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chi tiết sản phẩm của nhóm các anh đã được nghiệm thu và thưởng, có vẻ anh không vừa lòng vì chi tiết sản phẩm tuy chạy tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Sau vài lần tâm sự, tôi biết anh học ngành Cơ khí - Công nghệ của Trường Đại học Nông Lâm, cũng thuộc Đại học Huế, rất gần trường tôi đã học. Gia đình anh ở nông thôn tỉnh Quảng Trị, khá nghèo, nên xác định chỉ nuôi con hết năm đầu tiên của đại học, sau đó con cái phải tự lo chuyện ăn, chuyện ở, và học phí đi học. Anh đã phải xin học bổng hỗ trợ khắp nơi, làm đủ nghề phụ mới có điều kiện hoàn thành khóa học. Cho nên mục tiêu lớn nhất của anh là làm ra sản phẩm với giá thành thấp để người nghèo có thể dùng, sản phẩm nghiệm thu trước đây vẫn chưa được anh ưa ý. Tôi thông cảm với hoài bão của anh, nhưng làm khác ngành nên chỉ biết động viên về mặt tinh thần, chia xẻ với anh bữa ăn trưa mà mẹ tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ trong cặp lồng, thỉnh thoảng lại mời anh đi ăn cơm bụi, chỉ cơm bụi thôi chứ không vào nhà hàng, vì tôi hiểu tính anh rất nguyên tắc - như gia đình tôi, mời nhau đi ăn nhưng trả tiền kiểu Mỹ, ai gọi món gì thì trả tiền món ấy. Nhìn gia đình anh tôi mới biết, cuộc sống thiếu thời của tôi còn sung túc, đầy đủ hơn anh rất nhiều. Giữa chúng tôi chưa dám gọi là tình yêu, nhưng tấm lòng tri kỷ, hiểu biết lẫn nhau thì giá trị hơn nhiều.

Cho đến một ngày, công việc nghiên cứu của anh đã đơm hoa, kết trái: anh đã hoàn thành quy trình chế tạo sản phẩm chi tiết cũng hoạt động tốt như lần trước nhưng giá thành chỉ bằng một phần năm, được Tổng Công ty tổ chức nghiệm thu rất kỹ lưỡng, mời cả chuyên gia nước ngoài đến đánh giá. Cuối cùng, đại diện Công ty nước ngoài đặt vấn đề mua lại quy trình này và mời anh Bình sang nước họ một tháng để trao đổi kinh nghiệm. Tôi nghe mà mừng cho anh Bình, tương lai của anh đang rộng mở…

Câu chuyện chưa dừng ở đây…

Sau khi đến Phòng Tài chính – Kế toán để làm thủ tục nhận thưởng sáng kiến, lần này là mười triệu đồng cho anh Bình, anh ngồi nán lại nói chuyện với tôi một lát, mọi người tìm cách lảng đi để chúng tôi tâm sự. Được mươi phút thì điện thoại nội bộ ở phòng tôi réo vang, chú Tiến nhắn anh Bình lên gặp Ban Giám đốc để bổ sung hồ sơ, anh lật đật đi ngay, bỏ quên chiếc điện thoại trên bàn. Tôi định cất điện thoại trong ngăn bàn cho anh, thầm nghĩ phải khuyên anh đổi điện thoại đời mới hơn, thôi dùng chiếc cùi bắp này thì điện thoại anh bỗng réo vang. Tôi vừa nhìn thấy số điện thoại lạ, với tên Huyen Tran ở trên, chưa kịp nhớ số, thì điện thoại tắt. Tôi vốn không thích nghe điện thoại của người khác, theo nguyên tắc cố hữu, nhưng tự nhiên mấy chữ Huyen Tran làm tôi nhớ tới lần anh tâm sự, có cô người yêu cũ cùng khóa tên Trần thị Huyền, học ngành Công nghệ Thực phẩm, nhưng đã chia tay vì cô chê nhà anh nghèo, không có tương lai… Biết đâu cô ta hay anh sắp đi nước ngoài, tương lai rộng mở nên nối lại mối quan hệ, theo quy luật tình cũ không rủ cũng đến? Anh Bình gần như của tôi rồi, phải quản lý chứ…

Tự nhiên tôi thấy khó chịu, muốn tìm cho ra nhẽ. Chỉ còn cách mở chiếc điện thoại của anh Bình, mà chiếc điện thoại đã khóa bằng mật mã số rôi. Với người khác thì khó, nhưng với tôi lại hóa đơn giản. Hôm nọ tôi hỏi anh, làm sao anh biết và nhớ ngày sinh của Quỳnh? Anh cười: Hỏi Phòng Tổ chức là ra, anh lưu trên điện thoại, nhớ hàng ngày. Tôi mở ngay mật mã sáu số 290292, là ngày sinh của tôi, vẫn không được. Suy nghĩ giây lát, nhớ lại quy định thời gian tiếng Anh, tôi bấm lại 022992, quả nhiên mở được ngay. Lướt nhẹ trên điện thoại vài lượt, tôi nhớ ngay số điện thoại 090… của Huyen Tran, nhưng điều khác làm tôi chú ý hơn: mẫu chuyển tiền của anh Bình về số tài khoản 0161000… cũng của Ngân hàng Ngoai Thương, với khoản tiền không nhỏ, với tên người thụ hưởng Nguyen thi Huyen Tran, không phải Trần thị Huyền như tôi tưởng, chắc đây mới là đầu mối tôi đang phải tìm kiếm…

Tôi ghi nhận rất nhanh hai số điện thoại và số tài khoản như máy tính điện tử, dân Tài chính – Kế toán mà! Đầu tôi vẽ rất nhanh con đường truy tìm nguồn gốc: chị Thùy, người yêu anh Giao, chị dâu tương lai của tôi là Phó Giám đốc Chi nhánh Huế của Ngân hàng Ngoại Thương. Cú điện thoại nhờ vả của tôi, trăm giặc Ngô không bằng mụ cô bên chồng, đã được đáp ứng cấp thời: chị Nguyễn thị Huyền Trân, với số điện thoại và số tài khoản ngân hàng đúng như tôi đã báo, đã đăng ký địa chỉ ở … Tôi liếc nhìn đồng hồ, đã hết giờ hành chính, vội lấy xe phóng nhanh đến địa chỉ được thông báo, trong lòng thầm nghĩ phải xem mặt mũi cô Huyền Trân này ra sao, mà anh Binh dành một phần ba khoản tiền mới được thưởng làm quỹ đen để chuyển đến? Đến nơi, nhớ quy luật 5K đã được phổ biến, tôi mang đủ hai lớp khẩu trang, sát trùng tay cẩn thận bằng chai nước thuốc đặt ở cổng vào, rồi chào một phụ nữ khá lớn tuổi ngồi trên chiếc ghế mây: xin Cô cho cháu gặp chị Nguyễn thị Huyền Trân, trong lòng tự nhủ phải hết sức bình tĩnh khi diện kiến nguồn gốc của quỹ đen mà anh Bình tạo ra… Câu trả lời làm tôi ngạc nhiên muốn té xỉu: Tôi là Trân đây, thế chị là ai? Tôi lắp bắp: Tôi… cháu là bạn gái anh Lê Thái Bình… Giọng người phụ nữ mừng rỡ: Tôi vừa điện thoại cho anh Bình để cảm ơn, nhưng không liên lạc được. Gặp được cháu thì quý quá! Tôi cố trấn tĩnh, ngồi lặng thinh nghe người phụ nữ nói chuyện…

Chồng cô trước đây là thầy dạy bậc đại học của anh Bình, thường hoạt động từ thiện, đã giúp đỡ anh vài lần khi gặp khó khăn về kinh tế. Nay thầy đã về hưu, lại bị tai biến, chỉ thu gọn hoạt động từ thiện về việc phát học bổng cho học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, nhu cầu không cao như sinh viên đại học. Do dịch CoVid đang hoành hành, các hoạt động đều làm trực tuyến để tránh lây nhiễm, nên thầy nhờ tài khoản của vợ (là người phụ nữ đang tiếp chuyện tôi) có đăng ký mobile-banking để giao dịch với các nơi hỗ trợ học bổng như anh Lê Thái Bình và những nơi nhận học bổng…

Tôi nghe như uống từng lời của cô Trân, đến khi điện thoại tôi reo lên, hiện số điện thoại của mẹ tôi, tôi xin lỗi cô Trân, mở máy nghe đúng giọng anh Bình: Hình như anh quên điện thoại ở phòng em, đến tìm thì em về rồi, anh tìm đến nhà không thấy, phải mượn máy mẹ, vậy em đang ở đâu vậy? Ba mẹ đang trông… Tôi mỉm cười, sao hôm nay anh lại xưng hô như người trong nhà vậy, chỉ trả lời ngắn gọn: Anh cứ chờ ở nhà, trên đường về em tạt qua cơ quan lấy điện thoại cho anh, tự nhủ sẽ được bổ sung thêm tên Phạm thị Như Quỳnh vào danh sách hỗ trợ học bổng, sau tên Lê Thái Bình, với suy nghĩ thú vị: một giọt nước cộng với một giọt nước không thành hai giọt nước riêng biệt, mà thành một giọt nước lớn hơn…