Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 34

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>




TRƯỚC NGÃ BA TÌNH CẢM

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Chúng tôi thân thiết nhau từ thuở còn bé, khi còn cởi truồng tắm mưa chung với bạn bè đồng lứa, nhưng đến khi bắt đầu lớn lên, vào lớp 10, ba đứa chúng tôi (Công, Định và tôi-Quỳnh) tự tách thành nhóm riêng sau một sự cố đặc biệt mà tôi nhớ mãi: học buổi sáng xong, tôi đeo chiếc ba lô vải chứa đầy sách vở, vượt lên trước các bạn cùng đi để về nhà sớm, vì đã hẹn với mẹ buổi trưa sang nhà ngoại ở làng Hạ để chuẩn bị giỗ họ... Chiếc ba lô khá nặng vì hôm nay lớp học tăng tiết, bụng đói mà tôi vẫn cố bước nhanh trên con đường làng khúc khuỷu nên thấy mệt hoa cả mắt. Bỗng trước mặt tôi, mấy bóng đen lù lù hiện ra trên đường, ngăn tôi lại: nhìn thấy chiếc áo ca rô xanh đỏ và chiếc quần bò mốc, tôi nhận ra thằng Hùng, con ông bá Hồng trong làng. Hắn lớn hơn tôi một tuổi, học cùng lớp nhưng chỉ được bữa đực bữa cái, chuyên trốn học đi chơi với bọn thiếu niên mới lớn ở phố huyện. Hùng rủ tôi vào uống nước ở quán cà phê ven đường, nhưng tôi từ chối, còn lòng dạ nào ngồi lại khi biết mẹ đang chờ… Hùng vốn quen được cưng chiều, kéo tay tôi, tôi dằng lại, nhưng sức con gái yếu đuối, làm sao hơn được sức con trai đang tuổi lớn, hình như mới uống rượu xong, tôi ngửi thấy mùi men nồng nặc. Bọn trong lớp cũng vừa đến nhưng chẳng dám can thiệp, đứa nào cũng sợ nhóm bạn thằng Hùng đứa nào cũng xăm trổ vằn vện, chỉ có bạn Công gạo- bí danh do lớp đặt ra vì bạn rất chăm chỉ học tập, tôi ở cạnh nhà nên biết rõ, lên tiếng: Ê Hùng, bỏ tay bạn Quỳnh ra đi! Thằng Hùng mím môi rồi cười khẩy: Mày muốn làm hiệp sĩ hả, có giỏi vào đây! Thế là bắt đầu đánh nhau. Thằng Hùng cao hơn bạn Công một cái đầu, sải tay dài hơn, lại có mấy năm luyện võ trên đường phố, còn Công chỉ được cái dẻo dai nhờ ngày nào cũng có mấy tiếng đồng hồ giúp cha cày ruộng khi không phải đến trường. Mấy phút sau, mũi Công đã chảy máu đỏ lòm, chỉ mới đấm được một quả vào bụng thằng Hùng, nhưng Công vẫn không chịu thua, cứ lùi lũi xông vào. Mọi ngày Công vẫn đi chung với bạn Định, hôm nay tôi chẳng thấy Định đâu. Lát sau, mới thấy thầy Hữu chủ nhiệm can hai đứa ra. Tôi bận lấy khăn tay lau máu trên mặt Công, sau mới nghe Định kể lại: tớ biết Công khó đánh lại thằng Hùng, nếu tớ có xông vào giúp cũng thua mấy thằng đầu gấu bên đó, nên chạy về trường gọi thầy ra ngay. Mấy hôm sau, Hội đồng Kỷ luật của nhà trường nhóm họp và ra quyết định cảnh cáo hai học sinh Hùng, Công vì khuyết điểm đánh nhau ngoài đường, nghe nói ông bá Hồng đòi kỷ luật Công nặng hơn vì Hùng bị đau phải bóp mật gấu mấy ngày mới khỏi. Thầy Huy, Hiệu phó phụ trách thi đua là em ruột ông bá Hồng, ủng hộ ý kiến này nhưng thầy Hữu chủ nhiệm lớp lại phản đối sau khi hỏi kỹ các bạn có mặt hôm đó, cuối cùng Hội đồng thuận theo ý thầy Hữu. Thằng Hùng sau đó bỏ học luôn, còn Công không đạt tiên tiến năm học đó, dù học lực rất khá, hơn hẳn Định hay tôi. Năm đó, học lực của tôi chỉ đạt trung bình, nhờ được cộng điểm thi đua văn nghệ nên được xếp loại tiên tiến. Ngược lại, Định học khá và rất được uy tín với nhà trường, đương nhiên là học sinh tiên tiến, được cử làm Đội phó Đội Cờ đỏ, chuyên trách theo dõi tình hình kỷ luật của học sinh toàn trường. Định được kết nạp vào Đoàn khá sớm so với đám học sinh cùng lứa, còn tôi với cương vị ủy viên văn nghệ cũng được kết nạp sau đó vài tháng, riêng Công vẫn được xem là học sinh cá biệt, đến cuối năm lớp 12 vẫn giữ chức danh cảm tình đoàn. Tuy vậy, trong lớp ba đứa Định, Công, và tôi lại chơi thân với nhau sau cái án kỷ luật đó, thậm chí lập thành tổ học tập ba người. Đề nghị này xuất phát từ Định, lấy lý do ở nhà gần nhau nên giúp nhau học tập chuyên môn, bồi dưỡng ý thức chính trị thuận lợi hơn. Tôi chẳng có ý kiến gì, chỉ thấy bài toán khó đến đâu cũng được tổ tôi giải thông suốt trên bảng, nếu bị chất vấn thì đã có bạn Công giải thích nếu không ở trên bảng. Ngoài ra, trong các đợt hội diễn văn nghệ, tiết mục đơn ca của tôi có tiếng đàn đệm của Định luôn được tán thưởng nhiệt liệt, làm tôi ít nhiều thỏa mãn lòng hiếu thắng của mình.

Chúng tôi kết thúc lớp 12, thi tốt nghiệp phổ thông xong, khi tiếng súng ở biên giới Tây Nam bắt đầu rộn rã, trên báo chí cũng như Đài phát thanh. Trường tôi rộ lên phong trào nộp đơn tình nguyện nhập ngũ, cả giáo viên lẫn học sinh, một số người đã viết đơn bằng mực đỏ giả là máu, đến khi nghe phổ biến máu không đông, thiếu Vitamine K, mới viết được ra chữ mới thôi! Đến khi khám sức khỏe xong, nhiều bạn dự kiến xếp loại A1 đã phát sinh ra nhiều loại bệnh cấp tính mà y học chưa biết tới, Thậm chí có giáo viên là bí thư Đoàn trường, trong buổi lễ đưa tiễn tân binh do Nhà trường tổ chức đã phát biểu, tuyên thệ rất hùng hồn, nhận đủ thứ quà cáp của Nhà trường, phụ huynh rồi hôm sau biến mất tăm, để lại lá thư, viện cớ ở quê có cha ốm, mẹ đau, không ai chăm sóc nên xin hoãn trình diện. Cuối cùng, số lượng tân binh dự kiến của Trường chỉ có mặt hơn nửa số lượng, lớp tôi ban đầu có hơn hai mươi bạn, giờ chỉ còn non mười, trong đó có Định. Khi đó, Công mới lò dò đến nộp đơn xin nhập ngũ lần hai, lần trước đơn đã bị loại vì Công chưa là đoàn viên, còn lần này thì nhà Trường và Hội đồng Tuyển quân nhanh chóng thông qua.

Các tân binh tập trung tại Cung An Định, từ đó các đơn vị bộ đội sẽ chính thức nhận quân. Trong buổi giao quân đó, lẫn trong đoàn người đến đưa tiễn, tôi thấy Công mang túi xách quần áo đứng lủi thủi một mình: ba mẹ Công đã mất, bà ngoại đã già yếu nên không ai đưa tiễn, nên tôi đến nói đôi câu cho Công bớt thấy cô quạnh. Định thì có khá đông người nhà đi cùng, ba của Định tách ra nói chuyện khá lâu với một bác bộ đội lớn tuổi, đeo quân hàm khá nhiều sao-gạch, mà sau hỏi ra tôi mới biết là Trung Tá. Định thầm thì nói với tôi: có khả năng mình sẽ đi Công an vũ trang ở A Lưới, cách Huế chỉ 70km. Công thì về sư đoàn 441 ở Hà Tĩnh! Tôi hỏi: Sao không xin về cùng một nơi, có anh, có em… Định nhăn mặt: Khó khăn lắm, Ba mới xin được cho mình... Cuối cùng, một số tân binh của thành phố Huế lại bổ sung thêm, tráo qua tráo lại một hồi, cả hai cùng phiên chế về cùng tiểu đoàn 8 của sư đoàn 441. Nơi huấn luyện là Khe Lang, Đập Trống, tên nghe lạ hoắc, chỉ biết từ ga Đức Lạc đi vào hơn chục cây số nữa. Tôi dở cuốn lịch sổ tay có ghi các ga tàu mới biết ga Đức Lạc nằm ngay giữa Huế và Hà Nội, xa hơn Thuận Lý và gần hơn Vinh. Thôi thì huấn luyện ở đâu cũng được, có anh có em, hai bạn Công, Định cùng đỡ đần cho nhau cũng yên tâm. Mẹ của Định mua mấy loong nước ngọt cho Định, Công giải khát, rồi lại đưa một loong cho tôi. Tỉnh đội lại thông báo qua loa, các tân binh của 441 sẽ hành quân theo đơn vị trung đội về xã Thủy Xuân nghỉ một ngày, sáng ngày mốt sẽ theo tàu quân vận về ga Đức Lạc và sẽ hành quân về nơi huấn luyện quân sự.

Chúng tôi còn sinh hoạt chung trong bữa cơm gia đình trong căn nhà mà đơn vị tạm trú ở Thủy Xuân. Ba mẹ Định sốt sắng mời Công cùng tham gia bữa cơm với gia đình như thành viên, tôi hiểu vì họ muốn gởi gắm Định vào sức vóc trai tráng của Công. Một điều lạ là mẹ của Định cũng sốt sắng với tôi như vậy, dặn đi dặn lại tôi nhớ đến Thủy Xuân giúp bà chuẩn bị bữa cơm chia tay, sau tôi mới biết Định đã thổ lộ với mẹ đã chú ý đến tôi từ lâu, nên bữa cơm chia tay cũng tạm xem như bữa cơm tôi ra mắt gia đình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, hai bạn thân thiết sắp đi xa, mình nên bày tỏ sự quan tâm nhất định. Tôi còn trẻ, còn một tương lai rộng mở trước mắt, còn phải học hành phấn đấu nhiều, tính gì đến chuyện chồng con, quá sớm! Do đó, tôi lẳng lặng xem như không biết lời tâm sự của bà, chỉ chú tâm giúp việc bếp núc. Đến khi chuyến tàu quân vận chở tân binh nổi còi, sắp rời khỏi ga Huế, Định mới cầm tay tôi, ấp úng: Quỳnh nhớ… chờ Định nhé! Tôi ngượng đỏ mặt, cố lấy giọng thản nhiên: Ừ, mình chờ cả hai bạn. Tôi liếc mắt thấy Công đang nhìn đăm đăm phía đầu đoàn tàu, không biết Công tránh nhìn thấy cho chung tôi đỡ ngượng, hay đang suy nghĩ về chặng đường dài trước mặt?

Hai tháng sau...

Tôi đã trúng tuyển vào khoa Văn của Trường đại học khoa học Huế. Ba mẹ muốn tôi đi ngành khác có tương lai hơn, nhưng tôi tự

lượng khả năng và niềm đam mê để chọn ngành này. Để có thêm thu nhập đỡ đần cho cha mẹ, tôi tìm chỗ kèm trẻ tại gia, đúng lúc

mẹ của Định gợi ý tôi kèm môn Văn-Tiếng Việt cho hai đứa em của Định, một đứa lớp 10, một đứa lớp 7. Thế là tôi có thể giúp ba mẹ giảm bớt gánh nặng kinh tế của gia đình, vì các em tôi còn quá nhỏ, công việc này cũng hỗ trợ cho chuyên môn học tập của tôi.  Sau buổi dạy kèm, mẹ Định luôn giữ tôi lại ăn cơm rau với gia đình, xem chừng ba mẹ tôi cũng đồng ý vì hai gia đình trước đây đã khá thân thiết. Với mọi người. mẹ Định thường giới thiệu tôi là con gái nuôi, tôi nghe cũng thấy thinh thích, về sau tôi nghe bạn bè kể chuyện, mấy anh bộ đội làm rể hụt gia đình nào thường xưng là con nuôi gia đình đó, không biết mẹ của Định suy nghĩ gì khi giới thiệu tôi như thế?

Một ngày chủ nhật, tôi đang dạy cho hai em của Định thì lại thấy Định khoác ba lô, nhưng lại ăn mặc như dân thường, cũng bộ quần áo đồng phục học sinh hôm nhập ngũ, xuất hiện như bóng ma, đứng lù lù ngoài cổng. Mới có hai tháng, sao tân binh được nghỉ phép rồi? Trong buổi cơm tối, hỏi ra mới biết, Công về tiểu đội hỏa lực, còn Định được phân công làm liên lạc cho đại đội, được đơn vị cho đi công tác mười ngày, hỏi kỹ mới biết là công tác xin tre, chỉ cần nộp được năm cây tre để dựng nhà thì có được mười ngày công tác, đi đâu cũng được, kể như ngày phép. Thật ra, giá một cây tre cũng không đắt lắm, ở nông thôn lại càng rẻ hơn, một tháng phụ cấp tân binh được năm đồng, mua được gần ba cây tre, nhưng để có đủ tiền mua vé tàu về Huế, Định đã đem bộ quân trang mùa, quân trang niên hạn như áo quần bộ đội, mũ, giày, tấm ni lông che mưa… bán hết. Tôi thắc mắc: Thế tiền đâu mua vé ra, rồi mặc gì về đơn vị? Định cười: Mẹ có dặn rồi, chỉ cần về đến nhà thôi, hết bao nhiêu tiền, mẹ bù cho hết, còn áo quần, ra nhà dân quanh đơn vị có đầy, toàn từ các tân binh ra bán hoặc đổi kẹo cu đơ để bồi dưỡng, vì ăn có đủ no đâu. Tiền mua được hết mà! Tôi thấy hơi lạ, hồi này Định ăn nói khác hẳn ngày trước, khi còn là ủy viên ban chấp hành Đoàn trường, phụ trách Liên Chi đoàn khối 12. Tôi nhớ lại món quà của Công gởi về biếu bà ngoại, nhờ chú đại đội phó đồng hương xã đi phép chuyển giùm, là một đôi tất trắng bằng vải sợi để ngoại mang cho ấm, và mười tờ giấy một đồng để ngoại ăn trầu, ngoại của Công đã khoe với tôi hôm sang chơi. Tự nhiên tôi đắng miệng, không muốn ăn bát chè hạt sen, loại chè mà trước đây nhóm chúng tôi rất thích. Tôi bần thần suy nghĩ, đương nhiên quân trang được phát thì mình toàn quyền sử dụng, nhưng hai bạn lại sử dụng theo hai hướng khác nhau. Lâu nay tôi gắn bó hơi nhiều với gia đình của Định, ít qua lại thăm bà ngoại Công, có phải suy nghĩ của tôi đã thiên lệch chăng?

Một năm sau…

Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Tôi chỉ biết thông tin hai bạn qua những lá thư Định thường xuyên gởi về nhà, cứ mỗi tuần một lá, có đánh số rõ ràng, và của Công gởi về cho bà ngoại, kèm theo mấy dòng nhắn gởi cho tôi. Lứa tân binh xem như đã kết thúc huấn luyện sau ba tháng, đã chuyển về Quân khu 9, chuẩn bị sang nước bạn Kampuchia, nghe báo chí thì bên đó thương vong khá nhiều, vì lính Kampuchia trước đây do Việt Nam huấn luyện, bao nhiêu bài vở của chiến tranh du kích hay chính quy đều nắm sạch, nên nhiều khi tân binh lại bị hại vì những đòn phép mà đám cựu binh truyền lại. Hai bạn Định, Công của tôi được tách riêng, không về Quân khu 9 vì hai lý do khác nhau: Định được phiên về Ban Văn Nghệ sư đoàn sau một dịp tuyển tài năng văn nghệ, Định trổ tài đệm đàn guitare như ngày đi học đã đệm cho tôi hát; còn Công sau khi bắn bài 1 đạt thành tích 30 điểm được đề bạt là A trưởng, và được giữ làm cán bộ khung của đại đội chuẩn bị cho đợt huấn luyện sau. Chỉ tiếc là Công chưa được hưởng 10 ngày phép thưởng thành tích bắn loại Xuất sắc theo quy định thì có lệnh của Quân khu chuyển toàn bộ lứa tân binh tách riêng về đơn vị mới là sư đoàn 337, với nhiệm vụ tương lai là xây dựng kinh tế bên Lào. Định báo tin này với gia đình với giọng rất phấn khởi trong thư, ngược lại Công buồn rầu báo có đề đạt nguyện vọng xin theo đồng đội về Quân khu 9 nhưng bị từ chối… Rồi biến động ngày 17/2 nổ ra, sáu tỉnh biên giới phía Bắc đều ở tình trạng báo động, Bộ Quốc Phòng điều toàn bộ sư đoàn 337 ra phía Bắc, sát nhập vào Quân đoàn 14 mới được hình thành, Công đã lên binh nhất, phụ trách một tiểu đội hỏa lực, đóng chốt ở Đồng Đăng; Định vẫn ở Sư đoàn bộ, đã lên hạ sĩ, làm cần vụ của Sư đoàn trưởng, có lần theo Lãnh đạo lên thăm chốt, có gặp Công và xin chụp một bức ảnh chung với Sư đoàn trưởng trên chốt. Bức ảnh chụp Sư trưởng đứng giữa đám lính của Tiểu đội hỏa lực do Định gởi về, được gia đình Định phóng to và gởi tặng trường cũ, được trang trọng lộng kính, treo ở Phòng Truyền Thống. Có lần đến thăm trường cũ, ngắm bức ảnh đó, trông hình ảnh Công mặt mũi tiều tụy, áo trấn thủ xác xơ, ngồi khuất nửa mặt, nhìn kỹ mới nhận ra, thật tương phản với Định đầu tóc gọn ghẽ, mặt mũi bảnh bao, trong bộ quân phục xuân hè mới tinh, đứng sát cạnh viên Đại tá tóc hoa râm mà dòng chú thích phía dưới xác định là Sư đoàn trưởng. Từ đó, tôi tự xác định nhiệm vụ đến thăm bà ngoại Công thường xuyên hơn, không chỉ còn một tuần một lần như hồi Định mới về phép mà gần như hàng ngày.

Rồi một buổi chiều, tin dữ ập đến, người mang tin dữ, khốn khổ thay, lại là Định: bạn cầm trong tay giấy báo tử của Nguyễn Thành Công, tức là bạn Công của chúng tôi! Bạn kể khá chi tiết: tiểu đội của Công nhận lệnh chi viện cho một tiểu đội khác đang bị vây hãm, đe dọa bị cường tập bằng biển người, Công tức tốc điều động tiểu đội, nhận đủ cơ số đạn rồi lên đường ngay, giữa đường thì bị tập kích… Khu vực tiểu đội đang di chuyển bị pháo băm nát, đại đội chi viên đến nơi thì tiểu đội bị thương vong quá nửa, số còn lại chạy lạc khắp nơi. Tôi khấp khởi hy vọng, biết đâu Công chạy lạc? Định lắc đầu: xác một tử sĩ còn mang chiếc áo K.74 có thêu mấy chữ C6-K5-V2 CôngNT phía dưới cổ áo, còn trật đi đâu nưa? Sư đoàn làm giấy báo tử, nhờ tớ mang đến nhà Công, cả mấy kỷ vật còn lại trong ba lô đây, còn chăn màn được cấp phát thì để lại cho anh em đang thiếu, như thống nhất từ trước của trung đội. Tôi sững sờ nhìn cây viết nguyên tử và cuốn sổ tay chính tôi đại diện lớp mua tặng cho từng bạn nhập ngũ, nay vật còn đây, hồn phách người ở đâu? Định bàn với tôi cách báo tin với bà ngoại Công cho khéo, vì bà đã lớn tuổi, không nên gây xúc động mạnh. Tôi lặng im không nói, chỉ bảo Định tính sao cũng được, trong khi ruột gan đau xé như người thân trong nhà mới mất… Định tiếp, giọng nhỏ hẳn: Định có báo xin đơn vị cho nghỉ phép bảy ngày để lập gia đình, Quỳnh có đồng ý không? Thời chiến mà… Tôi ngắt lời, giọng lạnh tanh: Định làm gì thì làm, Công mới mất thì Quỳnh để tang như anh ruột, ít nhất một năm sau mới tính chuyện khác. Tự trong thâm tâm, tôi thấy thật bất nhẫn khi Định toan tính đủ chuyện mà quên mất cái tang của người bạn, người đồng đội thân thiết.

Mấy ngày sau, tôi sang thăm bà ngoại Công, định bụng sẽ an ủi bà thật nhiều cho khuây khỏa, nhưng bà lại nói ráo hoảnh: Báo tử báo sinh gì, tao không tin, hồi hôm tao nằm mơ thấy thằng Công về, hẹn sẽ sớm về cưới vợ cho ngoại có chắt để bồng bế mà! Tôi nghĩ trong bụng, thôi cứ để bà tin như thế để an hưởng tuổi già. Tôi xin bà cuốn sổ tay kỷ niệm, di vật của Công, để về đọc lại những suy nghĩ của bạn cho đỡ nhớ. Bà chấp thuận ngay: Cháu lấy luôn đi, chữ nó như kiến bò, cháu mắt sáng đọc được dễ dàng, mắt bà kém, có thấy gì đâu? Cuốn sổ viết gần nửa số trang, có nội dung khá đơn giản, cũng những tâm sự của anh tân binh mới nhập ngũ, những vất vả, thiếu thốn trong ba tháng huấn luyện, xen lẫn những mặc cảm vui buồn khi biết Định được cử đi công tác về Huế. Đến khi nhận lệnh lên cắm chốt ở biên giới, kề cận với cái chết mới thấy nhớ nhung những người thân thương nhất, như bà ngoại… Tới đó thì chỉ còn giấy trắng đến hết cuốn sổ. Tôi quan sát thật kỹ cuốn sổ mới thấy dấu xé bỏ ở trang tiếp theo, cuốn sổ 48 trang chỉ còn 40, không biết Công đã xé bỏ làm gi? Tôi tìm đến Định đúng lúc gia đình đang tổ chức bữa ăn chia tay sau một tuần phép, tôi hơi lạ vì

Định trở về đơn vị không báo gì với tôi, chắc từ hôm đấu khẩu căng thẳng quanh giấy báo tử của Công, thái độ gia đình Định đối với tôi khác hẳn đi, tự nhiên tôi cũng tự ái không hỏi tới. Trả lời câu hỏi cuốn sổ di vật của Công có mất trang nào không, Định ấp úng: chắc Công nó xé… đi vệ sinh, ở núi thiếu giấy lắm. Tôi lẳng lặng không nói gì, tính Công chu đáo, đời nào xé cuốn sổ kỷ niệm của bạn bè. Định cũng sắp đi, tôi chào ra về, định bụng sẽ tìm hiểu chuyện này cho thấu đáo.

Cuộn chỉ rối đã được gỡ ra một tháng sau, một cách hoàn toàn ngẫu nhiên.

Hôm đó, tôi đang ngồi gỡ tóc rối cho bà ngoại Công thì thấy bóng một bác bộ đội lấp ló trước cửa. Tôi chạy ra thì nghe hỏi, đây có phải là nhà anh Nguyễn Thành Công không? Linh tính báo có điều quan trọng, nhìn quân hàm hai sao, hai gạch, tôi biết bác là trung tá, chắc có chức vụ khá lớn trong đơn vị của Công. Tôi mời bác vào, rót nước, mời ngồi để nói chuyện với bà ngoại Công, chỉ ngồi khoanh tay bên cạnh như con cháu trong nhà. Qua câu chuyện, tôi mới biết bác đến báo với gia đình Công mấy việc quan trọng: thứ nhất, xin lấy lại giấy báo tử của Nguyễn Thành Công, do chính bác thay mặt đơn vị xác nhận từ tháng trước, vì Công vẫn còn sống, sau trận pháo kích khi đi giải vây đã lưu lạc sang sư đoàn 3 thiện chiến, chiến đấu mấy trận rồi tìm về đơn vị cũ, với giấy xác nhận của đơn vị thu dung là Sư đoàn 3; bác mỉm cười, vẻ biết lỗi: còn tử sĩ mặc áo có thêu tên CôngPT là tiểu đội phó, hôm đi giải vây bị lên cơn sốt rét nên Công đưa áo cho mặc, gây nên sự hiểu nhầm; thứ hai, đơn vị cử bác là chủ nhiệm chính trị về quê của Công để thẩm tra lý lịch, chốc nữa sẽ tìm đến nhà bí thư đảng ủy xã để làm nốt thủ tục; thứ ba, theo đề nghị của sư đoàn 3 và xét công sức của Công trong thời gian qua, Sư đoàn quyết định tặng bằng khen cho Công về thành tích chiến đấu, riêng đại đội đề bạt Công lên trung đội phó. Các giấy tờ khen thưởng, xin trao cho gia đình, không tiện mang lên chốt, ở đó cũng khó bảo quản! Bà ngoại Công chỉ nghe được chữ đực chữ cái, chỉ hỉ hả: Tôi biết mà, cháu tôi còn sống, sẽ về! Tôi cũng không chú tâm lắm đến chuyện khen thưởng, đề bạt, chực đừng lên xin phép ra về để khoe tin mừng với mọi người, thì nghe bác nhỏ giọng: còn một chuyện vặt nữa, cuốn sổ tay của Công, hôm nọ tưởng là di vật, tôi đã giao cho đồng chí Định mang về cho gia đình, sau lục trong thùng rác văn phòng mới thấy mấy trang giấy bị rơi ra (bác tránh dùng chữ ), tôi xin giao lại để gia đình giao lại cho Công, sắp tới thế nào đồng chí ấy cũng được thưởng mấy ngày phép…

Bác trao cho bà ngoại Công một bọc ni lông niêm kỹ. đựng mấy tờ giấy mà tôi nhận ra ngay loại giấy của cuốn sổ tay ngày nào tôi đã tặng Công và Định. Bà trao cả cho tôi, tôi lễ phép cúi chào mọi người, về ngay nhà và trùm chăn nằm đọc. Tôi đã thức suốt đêm để đọc tám trang giấy đặc kín chữ, loại chữ kiến bò của Công, nội dung không tiện kể lại, và thấy không dưới một trăm lần tên của tôi trong đó, thỉnh thoảnh lại thấy hai chữ Q-C lồng vào nhau khá nghệ thuật. Bây giờ, tôi đã hiểu nguồn gốc của cuộc tranh luận giữa tôi và Định hôm nọ, và đã nhận ra hướng phải đi trước ngã ba tình cảm mà tôi trăn trở bấy lâu nay.                         

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét