Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 35

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

                                              

                                 QUỸ ĐEN CỦA BẠN TRAI

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Tôi là Quỳnh, thuộc loại con gái Trời bắt xấu: là con thứ hai và cũng là út, giàu con út, khó con út nên được ba mẹ ưu ái hơn anh Giao, lớn hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi sinh trưởng trong một gia đình rất trọng nguyên tắc. Ba tôi, vốn là giáo viên tiếng Pháp suốt mấy chục năm rồi nghỉ hưu, thường nhắc đi nhắc lại từ một câu ngạn ngữ tiếng Pháp loại chơi chữ: chaque chose a sa place, et doit à sa place (mọi thứ đều có chỗ, và phải ở đúng chỗ), nên trong dòng máu chảy trong người tôi đã un đúc nếp suy nghĩ nguyên tắc trên hết này. Là đầu tàu gương mẫu, ba tôi ý thức rõ đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm nên bao nhiêu lương phạn, tiền thưởng đều giao hết cho mẹ tôi – chỉ làm nội trợ nhưng lại là bộ trưởng tài chính lo mọi chi tiêu của gia đình trong thời buổi vật giá leo thang; mỗi sáng ba chỉ nhận lại số tiền nhỏ vừa đủ để uống ly cà phê đen đầu ngõ, thứ mà ông không thể cai hẳn như cai thuốc lá được. Anh Giao có lần kể đùa: Ba khoe trúng số một trăm ngàn, Mẹ hỏi: Tiền đâu mà mua số? thì nhịn cà phê… Vậy từ nay cắt tiền cà phê sáng nhé! làm Ba im luôn.

Hai anh em tôi, khi còn đi học, mỗi sáng tự lục cơm nguội còn lại từ hôm trước rang sơ lại để ăn, uống miếng nước sôi nguội rồi cắp sách đi học, không đòi hỏi gì thêm. Đến khi anh Giao tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tiếng Pháp anh nối nghiệp ba, đi làm có lương, hàng tháng anh tự động trích ra đóng tiền ăn cho mẹ, chỉ giữ lại ít tiền để tiêu vặt - anh em chúng tôi rất thông cảm với mẹ, chỉ dựa vào lương của ba mà lo đủ thứ: tiền ăn, tiền mặc, tiền thuê nhà - chúng tôi vẫn ở thuê trong căn hộ chung cư, thỉnh thoảng còn giúi cho tôi - lúc đó đã bắt đầu vào đại học, ít tiền mua cái gương, cái lược, để khỏi dùng chung trong nhà; biết kinh tế gia đình khó khăn,  tôi cũng tự bằng lòng với những áo quần cũ mà mẹ tôi sửa lại cho vừa vóc dáng của tôi, không muốn, đúng ra là không dám, theo đuổi thời trang như bạn bè cùng lứa…

Lúc tôi vào học lớp 10, mẹ bắt đầu trao quyền quản lý, thủ quỹ cho tôi tập dần vai trò tay hòm, tay chìa khóa để mẹ nghỉ ngơi, chỉ giữ vai trò cố vấn. Biết khả năng của tôi, bạn bè trong lớp bầu tôi làm Thủ quỹ suốt ba năm phổ thông trung học, nên kinh nghiệm quản lý của tôi càng già giặn hơn. Như ở nhà, tôi đã làm một cuốn sổ chi tiêu, thu nhập thật rõ ràng, minh bạch đến nỗi bạn bè kháo nhau: tiền Lớp giao cho nhỏ Quỳnh thì chắc như bắp, còn hơn gởi Ngân hàng nữa. Có lần từ giữa lớp 10, Lớp trưởng Tâm mượn quỹ Lớp một trăm ngàn đồng để mua nước chanh chiêu đãi đội bóng đá nam đấu giao hữu với lớp bạn, đến cuối năm lớp 12 tưởng tôi đã quên, nhưng tôi dở sổ ra, nhắc lại vanh vách ngày giờ mượn làm Tâm hoảng hồn... Sang học kỳ 2 của lớp 12, biết khả năng mình không theo nghề godautre (gõ đầu trẻ) của ba tôi được, tôi làm hồ sơ thi và đỗ vào học ngành Tài chính - Kế toán của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Tôi học cũng khá, vẫn được bầu làm lớp phó lao động kiêm thủ quỹ như hồi phổ thông, suốt bốn năm đại học…

Trong đợt thực tập cuối khóa. tôi được phân về thực tập ở Phòng Tài chính - Kế toán của Công ty Thành Công, một Trung tâm Công nghiệp trong Tỉnh. Ở đó, tôi đã mất cả tuần để rà kỹ mớ chứng từ hỗn độn, giúp Công ty tìm ra sơ hở tài chính từ mấy năm về trước, giúp Công ty tránh được thất thoát tài chính khá lớn. Cuối đợt thực tập, tôi nhận được bản nhận xét có lời phê khá nồng hậu, và ngay sau Lễ tốt nghiệp, đích thân ông Vũ Tiến - tôi còn nhớ tên ông rất rõ trên bản nhận xét đợt thực tập của tôi, Giám đốc Công ty Thành Công, đến thẳng Trường tôi, xin nhận đích danh Phạm thị Như Quỳnh - là tôi, về làm kế toán Công ty. Mới tốt nghiệp ra Trường đã có nơi nhận, lại làm ở Công ty lớn trong Tỉnh, gần nhà, đúng là cầu được, ước thấy… Tôi hiểu thành quả này là từ kết quả thực tập cuối khóa học của mình, hay nghĩ xa hơn là tính cách chỉn chu, minh bạch, rõ ràng, được ba mẹ rèn luyện, un đúc từ thuở nhỏ, nên tự nhủ: trong cuộc sống sau này, mình sẽ luôn duy trì tính cách này.

Đụng chạm đầu tiên ở đơn vị công tác là ông Duy, phó Giám đốc đối ngoại của Công ty. Chuyện khá dài dòng: một lần, trong khi mải mê tính toán sổ sách trong phòng, tôi nhớ đã nghe rõ ràng ông Duy hỏi mượn nóng chị thủ quỹ một khoản tiền, bằng cả lương tháng nhân viên quèn chúng tôi, để tiếp khách, rồi đến kỳ lĩnh lương ông chối phắt, nói có mượn hồi nào đâu? chị Hạnh thấp cổ bé họng, mất oan tháng lương mà không biết kêu ai, vì chị vướng phải khuyết điểm hàng ngày hay đi trễ về sớm; chị uất ức làm đơn xin nghỉ việc, chuyển vào Nam làm nghề tự do; hôm chia tay chị có tâm sự với tôi, tôi biết chị có lý nhưng khẩu chứng vô bằng, không làm sao giúp chị được, chỉ biết an ủi và chúc chị may mắn...; Công ty khuyết chân thủ quỹ, sau khi hội ý trong nội bộ Lãnh đạo - có cả ông Duy trong đó, Giám đốc Tiến quyết định điều tôi làm kế toán tổng hợp, kiêm luôn nhiệm vụ thủ quỹ thay chị Hạnh đã nghỉ việc. Dĩ nhiên, trên đã phân công thì tôi phải chấp hành, dù trong bụng tự nhủ không hiểu đây có phải là dạng đá hất lên để trám vị trí thủ quỹ mà ai cũng e ngại làm sau cái dớp của chị Hạnh. Rút kinh nghiệm chị Hạnh đã mắc vào những khuyết điểm nhỏ nhặt không đâu, tôi cố gắng duy trì đúng giờ giấc làm việc như bấy lâu nay, khi mới đi làm, và tâm niệm luôn giữ đúng tính nguyên tắc truyền thống của gia đình…; mấy tháng sau, khi ông Duy giở bổn cũ soạn lại, vay nóng thủ quỹ ba triệu đồng để tiếp khách nước ngoài, tôi lẳng lặng đưa cho ông một phiếu tạm ứng, yêu cầu xác định rõ thời điểm hoàn tạm ứng. Ông đập bàn đập ghế, làm ầm lên, đưa chức danh phó giám đốc ra dọa, tôi chỉ trả lời nhẹ nhàng: ngay cả giám đốc cũng vậy, nếu mượn nóng dưới một trăm ngàn thì cháu lấy tiền túi đưa ngay, còn mượn vài triệu thì phải làm giấy tạm ứng… Nội vụ đưa lên trên Tổng Công ty, ồn ào một thời gian rồi im ắng, chị em trong phòng lo cho cái ghế kế toán tổng hợp của tôi, ông Duy có phải tay vừa đâu, tôi nghe thấy hết nhưng không ngại, cây ngay không sợ chết đứng! Cuối cùng, quyết định thay đổi công việc của tôi đã được ban hành, tôi phải bàn giao lại công việc kế toán tổng hợp cho người khác, để nhận nhiệm vụ mới là Trưởng phòng Kế toán - Tài chính. Khi trao quyết định cho tôi, chú Tiến - đọc kỹ quyết định tôi mới biết, chú cũng là Phó Tổng Giám đốc, chia xẻ: Tổng Công ty rất ủng hộ chủ trương nguyên tắc của cháu, đang dự kiến đề bạt cháu làm Kế toán truởng Công ty thay cô Hòa sắp nghỉ hưu, chỉ hiềm cháu chưa lập gia đình… Sau này nghĩ mãi tôi mới hiểu, Kế toán trưởng phải là người có đủ độ chín trong cuộc sống, mà theo nhiều người, đã lập gia đình là một tiêu chuẩn để đánh giá độ chín của phụ nữ… Tôi nghĩ kỹ mà bật cười, giới lãnh đạo vẫn có rất nhiều ông chưa có vợ, thế thì những người đó chưa đủ độ chín hay sao, còn đâu quan niệm nam nữ bình quyền nữa? Tôi tránh không muốn tranh cãi với chú Tiến, ngại mang tiếng ngựa non háu đá, muốn tranh giành chức vụ kế toán trưởng Công ty…

Mãi nghĩ ngợi lan man, tôi chợt nhớ lại thân phận chưa có một mảnh tình rách vắt vai của mình. Ở cấp phổ thông, tôi vẫn nghĩ mình còn nhỏ, chỉ nên chú trọng việc học, không quan tâm đến hình thức hay bạn bè khác phái, đến nỗi bạn bè trong lớp xem tôi gần như con trai, gọi tôi là thằng Quỳnh. Vào đến đại học, bắt đầu trưởng thành, được mẹ hướng dẫn, tôi chú ý đến ăn mặc hơn, nhưng vẫn quan niệm ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, kín đáo là đươc, không cần phải chạy theo thời trang, mốt này mốt nọ. Bạn bè cùng lớp đã có vài anh chú ý, trêu đùa cợt nhả với tôi, nhưng tôi luôn giữ thái độ lạnh như kem, đặc biệt với tính nguyên tắc cố hữu của người nắm tay hòm, tay chìa khóa của Lớp, các anh dần dần lảng ra xa, thậm chí tặng cho tôi bí danh khá trào lộng, phản ảnh phần nào tính cách: tướng Quỳnh. Có thể hiểu tướng là bà tướng để xác định rõ giới tính, nhưng đứng trước tướng thường chỉ có quân lính hay vua chúa thôi, mà có quân lính nào dám sánh vai với tướng, và chẳng có ai dám tự phong là vua chúa được. Thành ra, suốt mấy năm đại học tôi cứ thui thủi một mình, chẳng có bạn bè nào để tâm sự, về nhà chỉ biết trò chuyện với ba mẹ và ông anh trai, khi ngủ thì độc thoại với chiếc gối ôm trên giường…

Tôi quen anh Bình trong tình huống khá đặc biệt: anh là Phó Phòng Kỹ thuật của Công ty, đang tham gia dự án hoàn thiện một chi tiết máy kéo do chú Tiến - hay giám đốc Tiến, sau này tôi hay quen gọi là chú – điều hành (các dự án bao giờ cũng do các sếp điều hành) cùng với hai kỹ sư trẻ khác: Tân, Hội. Tháng trước, anh trình bày với Lãnh đạo Tổng Công ty kết quả nghiên cứu là chi tiết sản phẩm đã hoàn chỉnh, Hội đồng nghiệm thu của Tổng Công Ty đã đánh giá với nhận xét khá tốt. Anh Bình nói rõ, công lao của anh Hội là chính, khi anh đã đọc nhiều sách báo nước ngoài và đề xuất chi tiết cải tiến, cả ba anh đã kiểm tra lại và giao cho Tổ Nguội gia công; đến khi báo cáo, cả nhóm giao cho anh Bình trình bày vì anh có khả năng diễn thuyết rành mạch, lưu loát hơn cả. Do đó, anh đề xuất Tổng Công ty khen thưởng cho riêng anh Hội, còn anh và anh Tân chỉ góp phần kiểm tra thôi! Cuối cùng, Tổng Giám đốc quyết định thưởng anh Hội hai triệu đồng, trích từ quỹ phúc lợi của Công ty; riêng chú Tiến hứa thưởng cả ba anh một chầu bia: phải uống đến lên bờ, xuống ruộng. Tôi cũng được chú Tiến mời dự buổi bia thưởng này, hôm đó tôi chỉ nhắp môi cho có lệ, trong khi cả ba anh đều dzô, trăm phần trăm với chú Tiến. Trong cơn ngây ngất vì men bia, tôi thoáng nghe chú Tiến lè nhè hỏi Bình: Mày nghĩ sao mà nhường thưởng cho thằng Hội hết? Mười đồng tiền công bằng một đông tiền thưởng mà! và giọng anh Bình: Có công trạng thì mới hưởng lộc, chất xám là từ Hội mà! chú Tiến cười sảng khoái: Ừ, thằng này khá! Mày giống tính con nhỏ Quỳnh này! Thôi, nhập làm một… Tôi ngắt lời: Chú cứ đùa! Thôi, cháu xin về trước… Xin chào các anh, chúc vui vẻ… Tôi không rõ anh Bình có chú ý đến nội dung trao đổi giữa tôi và chú Tiến trong bữa uống bia hôm nọ hay không, nhưng ánh mắt của anh Bình khi nhìn tôi bắt đầu thấy khác lạ. Riêng tôi chỉ nghĩ anh hợp với tính nguyên tắc cố hữu của gia đình tôi: anh có thể là một người bạn tốt, nhưng tiến xa hơn thì… chưa chắc!

Ngày Valentine năm đó đến giữa tháng 2, đúng ngày thứ bảy, ngày sinh hoạt nội bộ của các phòng theo quy định của Công ty. Trong khi các phụ nữ trong phòng tôi nô nức khoe nhau những món quà như hoa hồng, chololat… của bạn trai hay của chồng thì tôi lặng lẽ ngồi một mình suốt ngày trong góc, vì biết chẳng có ai quan tâm đến mình theo đúng nghĩa Valentine suốt hai mươi tám năm rồi! Tóc tôi đã chớm vài sợi bạc, rồi thành bà cô già mất, tôi buồn rầu tự nghĩ… Hơn hai tuần sau, cũng là ngày đặc biệt đối với tôi, không phải vì là ngày chủ nhật (đối với tôi, chủ nhật chỉ là ngày nghỉ bình thường), mà hôm đó đúng là sinh nhật của tôi, ngày 29/2, chỉ bốn năm mới có một lần. Buổi tối, khi bốn người trong gia đình tôi và chị Thùy, bạn gái anh Giao, quây quần lại trong phòng khách, tôi chuẩn bị cắt bánh kem sinh nhật thì chuông cửa reo ầm ỉ. Anh tôi chạy ra mở cửa, ra cổng, rồi quay vào, nhỏ giọng: khách của Quỳnh! Tôi ngạc nhiên, ra ngay cổng, nhận ra anh Bình với bó hoa hồng lớn trên tay, đầu tóc, áo quần lấm lem bụi đường. Anh mỉm cười, trao bó hoa cho tôi: Mừng sinh nhật Quỳnh! Tôi nhận bó hoa, cảm ơn rồi đưa anh dắt xe vào nhà, nghe mẹ hỏi đúng câu tôi đang thắc mắc: Cháu đi đâu về mà bụi nhiều thế? Anh Bình nhỏ giọng: cháu đi công tác một tháng ở Đà Nẵng, đến mai mới phải về, nhưng nhớ hôm nay là sinh nhật Quỳnh nên hồi chiều phóng xe về cho kịp… Tội nghiệp anh Bình, hơn một trăm cây số, chạy từ chiều mới đến được bây giờ, chắc không kịp ăn cơm tối? Chợt thấy mẹ tôi đưa mắt nhìn túi nylon bánh mì treo trên xe, anh cười: cháu mua bánh mì định ăn dọc đường, nhưng trời đã tối, ăn thì sợ mất thời gian, chỉ kịp ghé shop hoa lấy hàng đã đặt trước… Mẹ tôi ngắt lời: Thôi, nhà vẫn còn cơm, để cô dọn cho cháu dùng tạm, rồi lên đây ăn bánh sinh nhật với cả nhà… Trong khi chờ anh, tôi lúi húi cắm hoa lên chiếc lọ pha lê trong phòng khách, đúng 28 bông hoa đỏ thắm trông thật rực rỡ, xem như thay cả quà Valentine của anh. Ba tôi đằng hắng rồi nói: Không biết ý của con ra sao, ba thấy cậu này cũng được, đối với con rất nhiệt tình. Không biết làm việc ra sao, có hợp với nhà mình không? Tôi ngập ngừng không biết nói gì, chỉ kể lại nguồn gốc bữa uống bia chú Tiến đãi, ba gật gù; mẹ chen vào, chắc đã dọn xong cho anh Bình trong phòng ăn: thì cũng như ông ngày xưa, đèo tôi bằng xe đạp gần trăm cây số về thăm quê tôi, có thế mới được vợ chứ…                              

Chuyện tặng hoa sinh nhật của chúng tôi tưởng bí mật mà lan ra khắp Công ty, ai gặp tôi cũng chúc mừng, hỏi khi nào tổ chức, làm tôi ngượng ngùng, chẳng biết trả lời ra sao? Anh Bình vẫn im lặng, suốt ngày miệt mài theo công việc chuyên môn, hình như anh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chi tiết sản phẩm của nhóm các anh đã được nghiệm thu và thưởng, có vẻ anh không vừa lòng vì chi tiết sản phẩm tuy chạy tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Sau vài lần tâm sự, tôi biết anh học ngành Cơ khí - Công nghệ của Trường Đại học Nông Lâm, cũng thuộc Đại học Huế, rất gần trường tôi đã học. Gia đình anh ở nông thôn tỉnh Quảng Trị, khá nghèo, nên xác định chỉ nuôi con hết năm đầu tiên của đại học, sau đó con cái phải tự lo chuyện ăn, chuyện ở, và học phí đi học. Anh đã phải xin học bổng hỗ trợ khắp nơi, làm đủ nghề phụ mới có điều kiện hoàn thành khóa học. Cho nên mục tiêu lớn nhất của anh là làm ra sản phẩm với giá thành thấp để người nghèo có thể dùng, sản phẩm nghiệm thu trước đây vẫn chưa được anh ưa ý. Tôi thông cảm với hoài bão của anh, nhưng làm khác ngành nên chỉ biết động viên về mặt tinh thần, chia xẻ với anh bữa ăn trưa mà mẹ tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ trong cặp lồng, thỉnh thoảng lại mời anh đi ăn cơm bụi, chỉ cơm bụi thôi chứ không vào nhà hàng, vì tôi hiểu tính anh rất nguyên tắc - như gia đình tôi, mời nhau đi ăn nhưng trả tiền kiểu Mỹ, ai gọi món gì thì trả tiền món ấy. Nhìn gia đình anh tôi mới biết, cuộc sống thiếu thời của tôi còn sung túc, đầy đủ hơn anh rất nhiều. Giữa chúng tôi chưa dám gọi là tình yêu, nhưng tấm lòng tri kỷ, hiểu biết lẫn nhau thì giá trị hơn nhiều.

Cho đến một ngày, công việc nghiên cứu của anh đã đơm hoa, kết trái: anh đã hoàn thành quy trình chế tạo sản phẩm chi tiết cũng hoạt động tốt như lần trước nhưng giá thành chỉ bằng một phần năm, được Tổng Công ty tổ chức nghiệm thu rất kỹ lưỡng, mời cả chuyên gia nước ngoài đến đánh giá. Cuối cùng, đại diện Công ty nước ngoài đặt vấn đề mua lại quy trình này và mời anh Bình sang nước họ một tháng để trao đổi kinh nghiệm. Tôi nghe mà mừng cho anh Bình, tương lai của anh đang rộng mở…

Câu chuyện chưa dừng ở đây…

Sau khi đến Phòng Tài chính – Kế toán để làm thủ tục nhận thưởng sáng kiến, lần này là mười triệu đồng cho anh Bình, anh ngồi nán lại nói chuyện với tôi một lát, mọi người tìm cách lảng đi để chúng tôi tâm sự. Được mươi phút thì điện thoại nội bộ ở phòng tôi réo vang, chú Tiến nhắn anh Bình lên gặp Ban Giám đốc để bổ sung hồ sơ, anh lật đật đi ngay, bỏ quên chiếc điện thoại trên bàn. Tôi định cất điện thoại trong ngăn bàn cho anh, thầm nghĩ phải khuyên anh đổi điện thoại đời mới hơn, thôi dùng chiếc cùi bắp này thì điện thoại anh bỗng réo vang. Tôi vừa nhìn thấy số điện thoại lạ, với tên Huyen Tran ở trên, chưa kịp nhớ số, thì điện thoại tắt. Tôi vốn không thích nghe điện thoại của người khác, theo nguyên tắc cố hữu, nhưng tự nhiên mấy chữ Huyen Tran làm tôi nhớ tới lần anh tâm sự, có cô người yêu cũ cùng khóa tên Trần thị Huyền, học ngành Công nghệ Thực phẩm, nhưng đã chia tay vì cô chê nhà anh nghèo, không có tương lai… Biết đâu cô ta hay anh sắp đi nước ngoài, tương lai rộng mở nên nối lại mối quan hệ, theo quy luật tình cũ không rủ cũng đến? Anh Bình gần như của tôi rồi, phải quản lý chứ…

Tự nhiên tôi thấy khó chịu, muốn tìm cho ra nhẽ. Chỉ còn cách mở chiếc điện thoại của anh Bình, mà chiếc điện thoại đã khóa bằng mật mã số rôi. Với người khác thì khó, nhưng với tôi lại hóa đơn giản. Hôm nọ tôi hỏi anh, làm sao anh biết và nhớ ngày sinh của Quỳnh? Anh cười: Hỏi Phòng Tổ chức là ra, anh lưu trên điện thoại, nhớ hàng ngày. Tôi mở ngay mật mã sáu số 290292, là ngày sinh của tôi, vẫn không được. Suy nghĩ giây lát, nhớ lại quy định thời gian tiếng Anh, tôi bấm lại 022992, quả nhiên mở được ngay. Lướt nhẹ trên điện thoại vài lượt, tôi nhớ ngay số điện thoại 090… của Huyen Tran, nhưng điều khác làm tôi chú ý hơn: mẫu chuyển tiền của anh Bình về số tài khoản 0161000… cũng của Ngân hàng Ngoai Thương, với khoản tiền không nhỏ, với tên người thụ hưởng Nguyen thi Huyen Tran, không phải Trần thị Huyền như tôi tưởng, chắc đây mới là đầu mối tôi đang phải tìm kiếm…

Tôi ghi nhận rất nhanh hai số điện thoại và số tài khoản như máy tính điện tử, dân Tài chính – Kế toán mà! Đầu tôi vẽ rất nhanh con đường truy tìm nguồn gốc: chị Thùy, người yêu anh Giao, chị dâu tương lai của tôi là Phó Giám đốc Chi nhánh Huế của Ngân hàng Ngoại Thương. Cú điện thoại nhờ vả của tôi, trăm giặc Ngô không bằng mụ cô bên chồng, đã được đáp ứng cấp thời: chị Nguyễn thị Huyền Trân, với số điện thoại và số tài khoản ngân hàng đúng như tôi đã báo, đã đăng ký địa chỉ ở … Tôi liếc nhìn đồng hồ, đã hết giờ hành chính, vội lấy xe phóng nhanh đến địa chỉ được thông báo, trong lòng thầm nghĩ phải xem mặt mũi cô Huyền Trân này ra sao, mà anh Binh dành một phần ba khoản tiền mới được thưởng làm quỹ đen để chuyển đến? Đến nơi, nhớ quy luật 5K đã được phổ biến, tôi mang đủ hai lớp khẩu trang, sát trùng tay cẩn thận bằng chai nước thuốc đặt ở cổng vào, rồi chào một phụ nữ khá lớn tuổi ngồi trên chiếc ghế mây: xin Cô cho cháu gặp chị Nguyễn thị Huyền Trân, trong lòng tự nhủ phải hết sức bình tĩnh khi diện kiến nguồn gốc của quỹ đen mà anh Bình tạo ra… Câu trả lời làm tôi ngạc nhiên muốn té xỉu: Tôi là Trân đây, thế chị là ai? Tôi lắp bắp: Tôi… cháu là bạn gái anh Lê Thái Bình… Giọng người phụ nữ mừng rỡ: Tôi vừa điện thoại cho anh Bình để cảm ơn, nhưng không liên lạc được. Gặp được cháu thì quý quá! Tôi cố trấn tĩnh, ngồi lặng thinh nghe người phụ nữ nói chuyện…

Chồng cô trước đây là thầy dạy bậc đại học của anh Bình, thường hoạt động từ thiện, đã giúp đỡ anh vài lần khi gặp khó khăn về kinh tế. Nay thầy đã về hưu, lại bị tai biến, chỉ thu gọn hoạt động từ thiện về việc phát học bổng cho học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, nhu cầu không cao như sinh viên đại học. Do dịch CoVid đang hoành hành, các hoạt động đều làm trực tuyến để tránh lây nhiễm, nên thầy nhờ tài khoản của vợ (là người phụ nữ đang tiếp chuyện tôi) có đăng ký mobile-banking để giao dịch với các nơi hỗ trợ học bổng như anh Lê Thái Bình và những nơi nhận học bổng…

Tôi nghe như uống từng lời của cô Trân, đến khi điện thoại tôi reo lên, hiện số điện thoại của mẹ tôi, tôi xin lỗi cô Trân, mở máy nghe đúng giọng anh Bình: Hình như anh quên điện thoại ở phòng em, đến tìm thì em về rồi, anh tìm đến nhà không thấy, phải mượn máy mẹ, vậy em đang ở đâu vậy? Ba mẹ đang trông… Tôi mỉm cười, sao hôm nay anh lại xưng hô như người trong nhà vậy, chỉ trả lời ngắn gọn: Anh cứ chờ ở nhà, trên đường về em tạt qua cơ quan lấy điện thoại cho anh, tự nhủ sẽ được bổ sung thêm tên Phạm thị Như Quỳnh vào danh sách hỗ trợ học bổng, sau tên Lê Thái Bình, với suy nghĩ thú vị: một giọt nước cộng với một giọt nước không thành hai giọt nước riêng biệt, mà thành một giọt nước lớn hơn…                   

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                               

                                                                                                                              

                                                                                                                                       

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét