Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Tản văn 21

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>
GIÁ TRỊ CỦA PHÂN SỐ
 (viết chung với tonachombu, lấy tư liệu từ file Ông Ngoại, Bà Ngoại, Thư Viện Gia Đình và internet)
Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi Ba: Trên đời, Ba thương ai nhất? Ba trầm ngâm: Ba thương Bà Nội nhất, vì Bà Nội đã nhường mọi quyền lợi tinh thần, vật chất cho sự thành đạt của Ông Nội, các Bác, các Cô, các Chú. Tôi hỏi gặng: Thế Mẹ là thứ mấy? Ba mỉm cười: Mẹ thứ nhì, chỉ sau Bà Nội thôi, và trầm ngâm: Nói riêng với con, Bà Nội còn thương Mẹ hơn thương Ba nữa, lần nào thấy Ba Mẹ tranh luận, Bà Nội cũng đều bênh Mẹ cả. Thế mà, mới năm trước thôi, tôi lại nghe Ba tâm sự với bạn bè: Trước đây, đối với tao, Mẹ là Nhất, Vợ thứ Nhì. Nhưng tới ngày tao nhập viện điều trị vết thương khó lành do tiểu đường, phải nằm một chỗ cạnh máy hút chân không, mới thấy thương Vợ: buổi sáng đút cháo cho Bà Gia (tức Bà Nội, bị tai biến, nằm một chỗ hơn 20 năm) ăn xong, chạy đến Khoa Nội Tiết đổ bô phân, nước tiểu cho tao, rồi mới quay về cơ quan làm việc. Giờ thì cả hai người có Giải Nhất đồng hạng rồi. Đến đám tang Bà Nội cách đây một năm (miền Bắc gọi là hồng tangvì Bà thọ đến 93 tuổi), Ba đã tuyên bố với cả nhà, với tư cách trưởng nam: Đừng quá quan trọng hóa việc tham gia Lễ Tang. Thể hiện chữ Hiếu là chăm sóc khi Bà còn sống, còn khi Bà đã nằm xuống, con cháu chỉ cần lo toan trong khả năng của mình.
Tôi học Công nghệ Thông Tin, hầu hết các kiến thức đều tiếp thu từ mạng internet. Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được tuyển vào một Công ty Công nghệ - Truyền thông ở Hà Nội. Tôi tự nhủ: Đời mình đã có một số điểm xuất phát thuận lợi, chỉ thiếu có Gấu (người yêu) nữa thôi. Dù không nói ra, tôi vẫn mơ tìm được một em Gấu, được mọi người thương quý như Mẹ tôi. Ông bà ta có câu: Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giốngtương tự dân Anh: Like father, like son, hay Like mother, like daughterMọi người bảo tôi giống tính Ba - tốt nhưng cục tính, kiên quyết nhưng chủ quan, vậy tôi cứ từ từ mà sửa dần tật xấu. Nghe nói, Ba tôi sau này có thuần tính lại cũng nhờ Mẹ tôi uốn nắn, chính Ba đã nói đùa: Cha mẹ có công sinh thành ra ta, Vợ có công nuôi dạy ta nên người. Trong thâm tâm, tôi muốn kiểm chứng nhận xét của Ba: Mẹ học Bà Ngoại, sống vì mọi người, làm việc gì cũng nghĩ thay người khác, trước khi nghĩ đến mình! Cụ thể, tôi tìm hiểu những chi tiết liên quan đến Bà Ngoại, người đã cùng Ông Ngoại sinh thành, nuôi dạy Mẹ...
Ông Ngoại mất năm tôi mới lên 6. Kỷ niệm về Ông Ngoại năm tôi lên 3, là một tháng theo Mẹ ra ở cùng Ông Bà, khi Mẹ đi tập huấn ở Hà Nội, và hồi 5 tuổi, có lần được ngủ trưa, nằm chung với Ông trong tầng 1 chiếc giường rộng 1m, khi Ba Mẹ bắt đầu ra ở riêng, tách khỏi nhà Nội. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi được tắm bùm trong khách sạn, khi Ông Bà vào thăm quê, nhắn cả nhà tôi lên thăm. Nhìn chung, Ông là người thành đạt trong xã hội, nổi tiếng trong ngành Văn hóa – Văn nghệ. Tôi khó kể hết gần ngàn bản nhạc của Ông đủ các thể loại, giai điệu, tiết tấu, họa chăng chỉ có Bà (thư ký không ăn lương của Ông) là nhớ đầy đủ. Đó là một trong những điểm nổi bật của Bà Ngoại, đối tượng mà tôi tìm hiểu tính cách qua những trang sách báo mạng, báo giấy, hoặc từ Thư viện gia đình.

oOo
Bà Ngoại tham gia kháng chiến sớm hơn Ông Ngoại (lúc mới 16 tuổi, trước Cách mạng Tháng Tám), làm giao liên, rồi thành lập Tiểu tổ Phụ nữ Cứu quốc, tham gia cướp Chính quyền. Bà làm Thường Vụ Phụ nữ Cứu quốc của làng Xuân Tường, rồi của huyện Thanh Chương. Được kết nạp Đảng năm 17 tuổi, chỉ 3 năm sau Bà tham gia Huyện Ủy. Năm 21 tuổi, Bà lập gia đình với Ông, bắt đầu cuộc sống nội tướng bên cạnh nhiệm vụ chính trị được xã hội phân công: Ủy viên Đảng Đoàn, Tỉnh hội Phụ nữ Nghệ An, đơn vị có trụ sở thường xuyên thay đổi do chiến tranh: Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành... Cưới nhau mới được 3 hôm, Bà phải tiễn Ông đi công tác ở vùng địch hậu Khu 3, và tiếp tục công việc của Bà ở Huyện. Có lần đi công tác về gần đến nhà, Bà gặp người làng báo tin Ông mất, trái tim Bà như ngừng đập, may thay nguồn tin đó không đúng…
Sau Giải phóng Thủ đô (1955), Bà tham gia đoàn tiếp quản Hải Dương, Hải Phòng; Ông đang công tác địch hậu khu Tả ngạn sông Hồng, cùng về tiếp quản Hải Phòng. Từ đó, Ông và Bà bắt đầu bước vào cuộc sống gia đình và công việc mới. Bà được chuyển sang ngành giáo dục, học trung cấp sư phạm, rồi dạy cấp 2; Ông nhận nhiệm vụ ở Sở Văn hóa Hải Phòng. Rồi lần lượt Dì Cả, Cậu, Mẹ tôi và Dì Út ra đời trong cảnh hòa bình trên miền Bắc. Bà phải vừa hoàn thành công việc được giao, vừa chăm con nhỏ, vun vén gia đình. Lúc đó, tuy Ông bận rộn thường xuyên, nhưng việc có mặt bên nhau đã động viên tinh thần Bà rất nhiều. Trong những sáng tác của Ông, luôn thấy thấp thoáng hình bóng Bà, rõ ràng việc duy trì đời sống gia đình ổn định là chỗ dựa vững chắc để Ông yên tâm, hăng say công tác.
Trong điều kiện khó khăn thời đó, gia đình dù có nhiều nhân khẩu cũng chỉ được cấp nơi ở tạm là một phòng làm việc của Sở Văn hóa, bếp dùng chung. Đến khi sắp có con thứ 3 (tức Mẹ tôi, hồi đó chưa có chủ trương kế hoạch hóa gia đình), Ông mới được phân một phòng 32m2, ở tầng 2 của ngôi nhà trước là tư gia của Giám đốc Cảng (người Pháp). Thương con cháu, Bà Cố đã từ Nghệ An ra Hải Phòng đỡ đần công việc chăm sóc cháu cho Bà. Trách nhiệm nội tướng nặng nề hơn khi Mỹ đánh phá miền Bắc (1964), gia đình đi sơ tán ở An Lão, rồi theo trường của Bà về sơ tán ở Đông Sơn, Thủy Nguyên, cách Hải Phòng 10km. Bà phải tập cho Dì Cả và Mẹ tôi khiêng nước từ giếng chung (gần chân núi) về nấu ăn, vì nước giếng đào quanh nhà hơi chua, chỉ có thể dùng để giặt giũ. Ông công tác ở tận Vĩnh Bảo, cách Hải Phòng 40km, mỗi cuối tuần lại đạp xe về thăm gia đình ở nơi sơ tán. Đỉnh điểm của sự vất vả là khi Ông chuẩn bị đi B (1966): gánh nặng gia đình sẽ dồn hẳn lên vai Bà, và về mặt tinh thần, sự nhớ nhung, buồn khổ khó có ai cùng chia sẻ. Ngày xưa, bên sông Dịch, Kinh Kha đã hát Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn (Tráng sĩ một đi không trở về - Thời Xuân Thu, Kinh Kha nhận nhiệm vụ đi hành thích Tần Thủy Hoàng) khi từ biệt bạn là Cao Tiệm Ly; khi đó Ông vẫn lạc quan, động viên Bà yên tâm Đợi Anh Về - tên bài thơ của Xi Mô Nốp - qua Lời Người Ra Đi - bài hát về sau đã đưa nhiều ca sĩ lên đỉnh cao âm nhạc. Nhờ đó, Bà nén được nỗi buồn, động viên Ông lên đường, thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc tin giao.
Thời chiến tranh, việc liên lạc bằng thư từ dễ bị gián đoạn, không chỉ vì đường quân bưu hay tắt nghẽn, mà còn vì địa chỉ các đơn vị thay đổi theo từng chiến dịch. Ở chiến trường, Ông rất mong thư của Bà, nhưng có lúc bặt tin mấy tháng liền (càng sốt ruột hơn khi máy bay Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc), rồi sau đó nhận liền gần chục lá thư theo kiểu no dồn, đói góp. Ngược lại, có lúc Bà lo lắng khi nghe tin Mỹ mở chiến dịch càn quét nơi đơn vị Ông đóng quân mà chẳng có tin của Ông, sau đó vỡ òa hạnh phúc khi nghe đài phát bài hát của Ông (dưới bút danh mới) viết sau chiến dịch. Những bức thư đầy yêu thương gửi cho nhau được Ông Bà nâng niu, gìn giữ, đến nay đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cất giữ - được tổng hợp lại thành quyển Những Lá Thư Vượt Tuyến.
Năm 1971, phi cơ Mỹ lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai, Bà Cố và 3 cháu phải sơ tán tận Hà Giang, khá xa nhưng đảm bảo an toàn, trong khi Dì Cả đi học ở Đông Triều (Trường dành cho học sinh miền Nam), Bà ở lại nội thành Hải Phòng công tác. Ngoài trách nhiệm hoàn thành công việc được giao, lòng Bà chia sẻ nhiều hướng, vừa ngóng tin Ông trong chiến trường, vừa nhớ mẹ, nhớ các con và lo gởi thêm lương thực, thực phẩm lên cho cả nhà.
Suốt 9 năm đi B, Ông Bà chỉ gặp nhau 2 lần: lần thứ nhất năm 1970, Ông được tranh thủ về thăm nhà nửa tháng sau khi ra Bắc điều trị sốt rét ác tính, rồi đi điều dưỡng ở Sochi (Liên Xô); lần thứ hai lúc Giải phóng Quảng Trị (1972), Bà tranh thủ cùng 3 con (Dì Cả đang học ở Đông Triều, không đi được) lặn lội tàu xe vào thăm Ông ở Đông Hà trong nửa tháng, nhân dịp các trường nghỉ hè. Dịp này, Bà mới được ra mắt bà con, họ hàng ở quê Ông, với cương vị cô dâu mới gặp, khi Ông Bà đã có 4 con, Dì Út khi đó đã lên 10. Sau lần đó, Ông Bà lại trở thành vợ chồng Ngâu đến sau ngày thống nhất đất nước, năm 1975, Ông tranh thủ thăm Bà khi ra Bắc công tác, kết hợp bàn phương án điều trị cho Bà Cố bị ung thư giai đoạn cuối, sau mấy năm hỗ trợ cho Bà chăm lo cho con cháu - Ông rất thương quý Bà Cố, vốn là Đảng ủy viên xã, phối hợp hoạt động với Ông trước khi Ông gặp Bà… Ba tháng sau ngày Thống nhất Đất nước, Bà phải thay Ông lo đám tang của Bà Cố, ra đi vì căn bệnh nan y. Vô cùng đau xót, nhưng Bà không muốn báo tin buồn cho Ông, sợ Ông phân tâm vì công việc ở vùng mới giải phóng đang ngập đầu…
Đến tháng 08/1976, sau chuyến vào Huế thăm Ông, xót xa thấy cảnh ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân dù Ông đã lập gia đình hơn phần tư thế kỷ, có với Bà tới 4 mặt con, Bà quyết định làm đơn xin chuyển từ Hải Phòng vào Huế, vẫn công tác trong ngành Giáo dục, để kết hợp làm Chủ nhiệm Hậu cần cho Ông. Vào Huế trước Bà, Mẹ tôi đã nộp đơn thi đại học, dì Út cũng chuyển vào học cấp 3, mấy năm sau dì Cả tốt nghiệp đại học cũng nhận công tác ở Huế. Riêng Cậu (con trai duy nhất của Ông Bà) đang đi học nước ngoài.
Đất nước đã hết chiến tranh, các nước anh em giảm dần mức viện trợ, nên nhân dân bắt đầu tự lực cánh sinh. Lúc đó mới thấy hết những vất vả, nặng nhọc của cuộc sống hàng ngày trên đất Huế nghèo khổ… Huế thơ, Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu! Xứ Huế nên thơ, trữ tình, nhưng có mức sống bình quân khá thấp so với các tỉnh khác ở miền Trung, nền công nghiệp hồi đó gần như không có gì. Ông Bà được cấp một căn nhà vách gỗ, lợp tôn, láng xi măng, vốn là nhà vợ hai của một đại úy quân đội Saigon, năm 1975 tạm trưng dụng làm nơi đổi tiền. Dù nhà chật, tiện nghi thiếu, nhưng tấm lòng của Ông Bà luôn rộng mở với các con cháu có nhu cầu học tập: các cháu gọi Ông bằng Ông, Bác, Chú, Cậu về ở quây quần trong nhà, cùng với Mẹ tôi theo các lớp đại học đủ ngành nghề. Với tiêu chuẩn khiêm tốn hạng C của Ông Bà thời bao cấp, và các tem phiếu hạng E của sinh viên đại học, Bà phải xoay xở đủ cách để chế biến lương thực, thực phẩm được cung cấp…
Tôi nghe Mẹ kể các sinh hoạt thời bao cấp, cứ ngỡ như chuyện tưởng tượng: đúng lịch Cửa hàng lương thực, thực phẩm bán hàng, Bà phân công người đi sớm xếp sổ chờ đến lượt mua, khi vào kho nhận hàng phải biết nói khéo với mậu dịch viên để được gạo mới, thịt tươi, rau sạch, tránh được gạo mốc, thịt ôi, rau bẩn… Đặc biệt, sau cơn lụt năm 1976 ở Huế, Cửa hàng Lương thực thông báo bán 3 sắn tươi thay 1 gạo, nhà nào cũng trở thành nơi bóc, ngâm, chế biến sắn (như muối dưa vỏ sắn), có lần mấy chị em say sắn nằm dài cả ngày… Khi Cửa hàng bán bo bo, Bà nhờ xay thành bột làm bánh mì, ăn với canh su su hay bầu, thu hoạch trên giàn ở góc vườn, mà Bà là nhà sinh vật học lo thụ phấn. Mỗi lần Bà xin được phiếu lấy trấu, mạt cưa (hồi đó tiêu chuẩn củi phân phối thường không đủ đun nấu), mấy chị em bịt kín mặt mũi vào kho tranh nhau để xúc, nén vô bao cho thật đầy, chở về nhà, phần thì lèn chặt vào lò nấu bếp cho đỡ tốn củi, phần thì sàng, giần lấy cám nấu cho lợn. Bà chỉ huy các cháu nuôi lợn và thỏ, khi đủ lớn thì đem bán lấy tiền để bổ sung thực phẩm hàng ngày. Trong khi một số nhà ở Huế vô cùng vất vả khi bị cắt nước, may thay, vườn nhà Ông Bà có nửa cái giếng (dùng chung với hàng xóm là tập thể Công An) nên đỡ được khoản ban ngày, cả nước lo việc nhà, ban đêm, cả nhà lo việc nước… Điện thì bữa có bữa không, các sinh viên tranh thủ học ban ngày, tối nào cúp điện thì phải ra nhờ ánh điện đường. Đã nghèo còn gặp cái eo, quần áo đang phơi có lúc bị khoèo mất, có người bị mất quần áo ngay khi còn ngâm trong chậu, chưa kịp giặt, có lần trộm cạy cửa vào nhà quơ hết quần áo… Bà làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục, thỉnh thoảng phải đạp xe về cơ sở cách vài chục km, đường thì xấu mà lốp xe thường thuộc loại cố vấn - cách chơi chữ thời bao cấp – dùng xăm cao su cố gắng vấn lốp xe bị bung triên (ta lông), trong khi Cửa hàng Thương nghiệp cung cấp mỗi năm một bộ xăm lốp xe đạp cho 4-5 người, phải bốc thăm để chọn. Hồi ấy Bà gầy lắm, vừa bị bệnh đại tràng phải ăn kiêng cá tôm, thịt và gạo thì ít, ăn toàn độn, nhà lại đông người; lúc khám sức khỏe tổng quát, Bà chỉ được 36 kg… Cuộc sống thời ấy thiếu thốn, vất vả nhưng trong nhà Ông Bà vẫn luôn vang lên tiếng cười của lớp trẻ, của Ông, kéo được Bà Cô (chị Cả của Ông, sống cùng với Ông Bà sau khi cả nhà chuyển vào Huế) vốn là người giữ nếp phong kiến, kín đáo, đôi khi cũng buông nhiều câu nói đùa vui vẻ. Đang trong tuổi ăn, tuổi ngủ, các Dì, các Cậu cứ béo tròn ra, đến kỳ hạn tất cả đều hoàn thành khóa học. Trong ngôi nhà gỗ, con cháu lần lượt tổ chức liên hoan chè, khao bằng tốt nghiệp đại học, rồi tỏa đi khắp nước công tác, xa nhất là tận Thốt Nốt, Cần Thơ…
Đến 1983, Trung ương điều Ông ra công tác ở Thành ủy Hà Nội, sau chuyển sang Phụ trách ngành Thông tin. Ra thăm Ông, thấy cảnh ăn uống sơ sài vì không hợp khẩu vị, Bà xót ruột muốn chăm sóc Ông chu đáo hơn, nên xin chuyển theo Ông ra Hà Nội. Nhà của Ông Bà được trả lại cho Nhà Đất Thành phố Huế, gia đình dì Cả và Mẹ tôi chuyển về ở gác 5 chung cư Đống Đa theo đúng tiêu chuẩn, với đường cầu thang khá dốc, mang xe đạp lên xuống phải vác trên vai. Tôi nghe Ba kể chuyện: hồi đó, Ba là Bí thư Chi đoàn của Mẹ, cùng các đoàn viên khác hỗ trợ Mẹ chuyển nhà, hình như trong lần chuyển nhà đó, sau khi mang hết chổi cùn, rế rách… từ nhà cũ đi, đã mở được cánh cửa gỗ lim của trái tim Mẹ…
Ở Hà Nội, Bà tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục, một năm sau thì về hưu, dành toàn tâm, toàn ý chăm sóc cho Ông. Bà bắt đầu công việc quản lý các sáng tác của Ông, thu lại trong băng cassette các bài hát do Ông sáng tác, sắp xếp lại thành các album theo chủ đề hoặc địa phương liên quan. Sau này, khi tổng hợp các sáng tác của Ông, mọi người đều công nhận công sức lớn lao của Bà khi sắp xếp, bảo quản, hệ thống lại đúng yêu cầu, ngay Ông đôi khi cũng phải hỏi lại Bà về những sáng tác trong quá khứ mấy mươi năm của mình. Giống như hồi ở Huế, gia đình Ông Bà lại là nơi tập trung học tập, chủ yếu của cháu gọi Bà bằng Bác, bằng Dì, từ Hải Phòng lên học Kiến Trúc, từ Vĩnh Phú về tập huấn bóng đá, hay chính Ba tôi đi học nghiên cứu sinh… Ông Bà rất tiết kiệm, sống giản dị, không quan cách, rất thống nhất khi tổ chức các sự kiện riêng của gia đình (rút kinh nghiệm từ nhiều đám cưới con các cấp lãnh đạo thời đó). Ông Bà (chủ yếu là Bà – phụ trách Tài chính Gia đình) tổ chức đám cưới cho dì Cả, cho Mẹ, cho dì Út thật đơn giản, không ồn ào, phô trương…
Năm 1981, Dì Cả lập gia đình với Anh Thợ Rèn (biệt danh hồi đó, thật ra Dượng là giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp, sau này là Đại học Nông Lâm). Đám cưới tổ chức dưới trời mưa lụt, gia đình hai họ chỉ có vài người, dự tiệc trà, liên hoan ca hát cây nhà lá vườnÁo quần cô dâu, chú rễ là thứ có sẳn hay đi mượn. Con của Dì, cháu ngoại đích tôn của Ông Bà, chào đời năm 1982, được cả nhà cưng quý. Cái tài của Bà lúc đó là thu xếp nơi ăn ở cho cả đại gia đình, đặc biệt là tiểu gia đình Dì Cả có cháu nhỏ, trong căn nhà khá hạn chế về diện tích. Tiêu chuẩn bồi dưỡng cho Dì Cả chẳng có gì, chỉ là sắn cõng cơm, hoặc bo bo, sang lắm là bột mì cán sợi. Đến khi mì - phương ngữ của miền Nam, có nghĩa là (củ) sắn - chất đầy nhà, Vấn đề bồi dưỡng lại là cơm không! Do đó, con Dì Cả rất gầy, Ông đã gọi trại tên chị Sông Hương thành Xương Hôngvì bế cháu toàn sờ thấy xương…
Lễ cưới Ba Mẹ được tổ chức năm 1987 (sau Lễ Hỏi đơn giản ở Hà Nội với ít thuốc lá, hạt sen), đón dâu từ gác 5 chung cư Đống Đa bằng một xe 12 chỗ về gia đình nhà trai ở Huế (lúc đó, Ông đi công tác ở nước ngoài), khách mời của Ông Bà chỉ có bà con, họ hàng, các cơ quan chỉ nhận thiệp báo hỉ. Sau đám cưới, Ba ra tạm trú ở nhà Ông Bà để học nghiên cứu sinh, Ba Mẹ được Ông Bà dành cho một căn phòng 10m2, quá lý tưởng so với cuộc sống ở Hà Nội thời đó. Cuộc sống đầy khó khăn, mấy tháng gần ngày sinh, Mẹ được bồi dưỡng riêng 1 quả trứng vịt lộn -  - mỗi ngày. Đầu năm 1989 sinh anh C. gần 4kg, từ đó trong đại gia đình, trứng vịt lộn trở thành tiêu chuẩn thí điểm bồi dưỡng cho bà bầu. Anh C. được Ông gọi trại là ArơChôm (Artiom Cortsagil, anh ruột nhân vật chính trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy), dù tên C. có nguồn gốc là Chôm Chôm, trái cây đặc trưng miền Nam quê nội. Hồi nhỏ anh C. rất hợp sữa Similac, năm đầu tiên cứ mỗi tháng lại tăng đều đặn 1 kg, nên có biệt danh Similac. Có lần Ông đi công tác ở Liên Xô, hỏi Bà muốn mua gì thì Bà trả lời đơn giản: ưu tiên một thùng Similac cho cháu, mà chẳng yêu cầu gì cho riêng mình! Anh C. sống trong nhà Ông Bà đến 6 tuổi rồi theo Mẹ vào Huế với Ba, con đầu, dâu trưởng của họ Nội mà…
Đám cưới của Dì Út tổ chức ở Hà Nội rất đặc biệt, đầy bất ngờ. Năm 1990, Ông Bà mời bạn bè, thân hữu đến với lý do dự Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày cưới, địa điểm phải nhờ nhà ông Duyên trong làng Trung Tự, vì căn hộ đôi 48m2 được phân không đủ chỗ tiếp khách. Mọi người gặp mặt, sinh hoạt, ca hát vui vẻ suốt cả ngày. Đến cuối buổi, Ông Bà mới tuyên bố: hôm nay, chúng tôi tổ chức cho cháu Út ra riêng, mọi người mới vỡ lẽ. Thắm thoát đã gần 30 năm, Dì Út đến nay đã lên chức bà nội rồi…
Năm 1992, cả nhà Dì Cả chuyển ra Hà Nội, Ông Bà được phân về nhà N3, khu 222A Đội Cấn. Năm 2000, chuẩn bị chuyển nhà sang khu Vạn Bảo (nơi ở hiện nay), Bà đau ruột thừa, khi nhập bệnh viện Việt Xô điều trị mới phát hiện khối u ở đại tràng. Bà đồng ý khi bác sĩ đề nghị mổ chẩn đoán và tự ký vào đơn cam đoan, sau đó Ông và các Dì mới biết để vào chăm sóc. Mẹ cấp tốc xin nghỉ phép ra Hà Nội, kết hợp với dì Cả, dì Út thay phiên chăm sóc Bà, tôi mới 3 tuổi, tất nhiên phải bám theo Mẹ. Hôm Mẹ trực với Bà, tôi cứ tha thẩn theo mọi người đi lại giữa nhà cũ, nhà mới cách nhau hơn trăm mét, rồi bị lạc, ngồi khóc ở vệ đường, may có người cho vào nhà, mấy tiếng sau Mẹ mới tìm ra tôi đang nằm ngủ khoèo… Một tuần sau, Ông gọi điện cho Ba tôi, tâm sự: Bệnh viện K đọc sinh thiết của Mẹ là u ác tính rồi. Mình sẽ điều trị tích cực, nhưng Ba muốn Mẹ thoải mái tinh thần, về đến nhà là đã chuyển xong về nơi ở mới. Con ra Hà Nội, chỉ huy việc dọn nhà! Tài chính Ba lo cả. Ba xin nghỉ làm đề tuyển sinh ở Đại học Y Dược, cấp tốc ra Hà Nội, điều động một nhóm em họ của Mẹ và ông anh đồng hao - (anh) rể cùng một nhà; phương ngữ miền Nam là (anh) cọc chèo - tức là chồng Dì Cả, biết tháo lắp đồ mộc như thợ chuyên nghiệp… Đến khi hoàn thành, gần như chẳng tốn kém gì, Ông cho khui chai rượu Mai Quế Lộ thơm phức, mua chục lít bia hơi để khao quân: đã hoàn thành nhiệm vụ gia đình đầu tiên do Ông làm Tổng Chỉ huy, khi Bà đang điều trị trên giường bệnh… Cuối cùng, với sự tích cực điều trị của Viện K, Bà đã chạy đủ 6 đợt hóa chất, ăn kiêng đúng chế độ quy định, sau gần 20 năm chiến đấu kiên cường, cuối cùng con ma Ung Thư phải chịu thua Bà, lắc đầu bỏ đi…
oOo
Sách vở thường nói: Đằng sau người đàn ông thành đạt, bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ. Trường hợp Ông Bà Ngoại là một minh chứng cụ thể. Mọi nhiệm vụ phức tạp (như Phó đoàn Tuyên truyền kháng chiến Trung Bộ và khu IV, Thường vụ phụ trách địch hậu Khu III, chiến dịch Hòa Bình, Tả ngạn Sông Hồng trong kháng chiến chống Pháp, đến Lãnh đạo Sở Văn hóa Hải Phòng, rồi trong chiến trường chống Mỹ, đến các chức vụ cấp Trung  ương được giao sau này) được Ông Ngoại hoàn thành với hiệu suất cao, bằng lòng nhiệt tình sôi nổi và khả năng uyên bác… Một yếu tố không thể quên nhắc đến là sự động viên tích cực của Bà Ngoại, đúng với châm ngôn hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mạnh mẽ…
Năm 2003, Bà phải chịu cái tang lớn nhất đời, khi Ông ra đi ở tuổi 75. Với tiền sử là những cơn cao huyết áp đột xuất, lại phải đặt 2 stent ở vị trí tắc của động mạch vành, Ông tiếp tục điều trị bệnh bằng thuốc nội khoa. Tuy bác sĩ chỉ định Ông phải hạn chế làm việc căng thẳng, nhưng Ông chỉ có thể chấp hành ở mức độ tương đối. Ông xin từ chối nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Lễ Khai mạc Sea Games 22 (và ParaGames), Ban Tổ chức không đồng ý, thuyết phục Ông nhận để khỏi ảnh hưởng tinh thần đạo diễn và biên đạo múa… Sau mấy ngày làm việc căng thẳng, sáng thứ bảy 15/11, đang đi bộ thể dục với Bà, ông thấy chóng mặt. Đưa vào bệnh viện Saint Paul rồi chuyển sang Việt Xô, ông chỉ hồi tỉnh được hơn 1 ngày rồi sức khỏe bắt đầu suy giảm. Bệnh viện cố gắng giữ đến 5 giờ sáng chủ nhật 23/11/2003, khi các con cháu đã tập trung về đông đủ, bác sĩ cho rút ống thở oxy… Vô cùng đau đớn, tim Bà đau nhói như muốn ngừng đập, nhưng Bà cố gắng tỉnh táo để thực hiện các nghi thức của Lễ Tang. Đặc biệt, Bà đích thân lựa chọn những bài hát đặc trưng, ưa ý nhất của Ông hồi còn sống, để làm nhạc đệm trong Nhà Tang Lễ Bộ Quốc Phòng trong buổi sáng 27/11, thay bài Hồn Tử Sĩ như với các đám tang khác.
Mọi người tưởng rằng khi Ông mất, Bà đã chịu nỗi đau lớn nhất của đời mình, nhưng Bà gắn niềm yêu thương, nỗi đau đớn vì mất Ông vào chính công việc sắp xếp lại các bản nhạc, chọn lọc bài hát đã thu âm cũ, in được 2 album nhạc của Ông, tự đánh máy viết sách kể về kỷ niệm tình yêu của hai người và Hồi ký của bà... Năm 2016, Bà bị ngã, phải thay khớp gối, đến hậu phẫu, Bà chủ động tập đi, không phiền đến con cháu… Bà vẫn tự làm mọi công việc cá nhân, âm thầm lên kế hoạch cho những việc của gia đình sau khi Bà đi gặp Ông. Các con cháu đều trông mong Bà luôn mạnh khỏe, sống thượng thọ để an hưởng tuổi già.
Đến tuổi 88, Bà lại phải chịu tiếp nỗi đau thứ hai. Tết Kỷ Dậu 2017, cậu P. con trai duy nhất của Ông Bà, đưa vợ con từ Hungaria về thăm Bà mấy tuần, ăn Tết Nguyên Đán ở Việt Năm. Trở lại Hungaria chưa được 1 tuần, Cậu bị đột quỵ và mất trên đường chở đến bệnh viện. Tin dữ đến như sét đánh ngang tai, các Dì thống nhất dấu Bà, thu xếp sang đón tro cốt Cậu về, làm Lễ Tang và tẩn liệm ở tỉnh Hòa Bình, trong khi cho Bà nhập viện điều trị ở bệnh viện Việt Xô. Mọi người định từ từ sẽ báo cho Bà hay... thì tình cờ, Bà dọn dẹp phòng, phát hiện trong một cặp giấy, bài viết Lời Truy Điệu, đã đọc trong Lễ Tang của Cậu! Sau mấy tiếng đồng hồ gọi cấp cứu, Bà vuốt ngực để tránh quá xúc động vì tin dữ và vì thương các con, các cháu còn đang sống. Bà dần dần hồi phục và lặng lẽ tính ngay đến chuyện chăm sóc hai con của Cậu, con út chưa đến 20… Chính điều này làm tôi khâm phục Bà vô cùng: Bà đã cố nén nỗi đau mất đứa con trai duy nhất, vừa mới chia tay hai tháng trước, để lo cho tương lai các cháu nội…
Tôi hỏi Mẹ một thắc mắc ngoài lề: Mẹ ơi, Ông là nghệ sĩ., nghệ sĩ thường đa tình lắm! Chính ban đầu, Bà cũng từ chối lời cầu hôn của Ông, vì Ông là nghệ sĩ. Vậy suốt hơn 50 năm sống chung, có khi nào xuất hiện hình bóng thứ ba không? Thật choáng với câu trả lời của Mẹ: Có, con ạ! Nhưng buồn cười lắm, mọi chuyện xuất phát từ Bà mới lạ. Hồi năm 2000, Bà bị ung thư đại tràng, tưởng không qua khỏi. Bà lẩn thẩn tính toán: nếu không có Bà, ai sẽ sớm hôm chăm sóc cho Ông, vì các con còn phải lo toan cho gia đình riêng. Cuối cùng, Bà nhắm đến cô Z. trong cơ quan của Ông, đặt vấn đề với các Dì: nếu Bà ra đi trước, Cô Z. sẽ thay Bà chăm sóc Ông… Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Cuối cùng, Ông lại ra đi trước Bà…
Mẹ tôi cho là chuyện buồn cười, nhưng tôi nghĩ khác. Theo logic, với một người luôn suy tính công việc thay cho người khác, quên cả chính mình như Bà, suy nghĩ như trên là hoàn toàn khả thi. Tôi nhớ lại câu nhận định của Lev Tolstoy (Nga): Giá trị con người là một phân số: tử số là cái mình có, mẫu số là cái mình tưởng mình có… Bà ơi, Bà luôn nghĩ Bà chỉ là số không, vậy giá trị của Bà tiến đến vô cùng!
viết nhân ngày Thượng Thọ của Bà Ngoại