Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

Truyện ngắn 20

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>


PHÍA SAU NHỮNG LỜI NÓI DỐI
Như Quỳnh, Trưởng phòng Kế toán:
Từ thuở nhỏ, tôi đã được gia đình, nhà trường dạy dỗ về lòng thành thật.
Tôi đã đọc, nhớ như in Ông đồ Bể của Khái Hưng, truyện ngắn thứ nhất ở bộ Sách Hồng của Tự Lực Văn đoàn dành cho thiếu nhi. Tôi tự hứa cố gắng sống thành thật như ông đồ Bể, dù tôi biết đó chỉ là nhân vật tưởng tượng của Trần Khánh Giư. Ông đã chứng tỏ một tư cách quang minh chính đại, từ việc không bẻ mía bên đường để ăn khi đang khát, đến việc không đút lót, lễ lạc quan viên để thi đỗ, và không nhận phẩm vật vua ban, khi biết mình thi đỗ trạng nguyên nhờ thần linh can thiệp…
Tôi cũng tâm đắc mẩu chuyện Tuyển Nhân Viên đọc trên báo. Với câu thứ nhất: Ở cơ quan chúng tôi, tiêu chí thứ nhất là sự sạch sẽ. Anh/Chị đã chùi sạch giày vào tấm thảm để ngoài hành lang chưa? Ứng viên giật mình: Thưa, chùi rồi ạ. Câu tiếp theo là phán quyết: Tiêu chí thứ hai là sự thành thật. Anh/Chị bị loại: ngoài hành lang không có tấm thảm chùi chân nào cả…
Tốt nghiệp đại học Tài chính, tôi nhận công tác Kế toán Vật tư, vài năm sau là Kế toán Tổng hợp, kiêm Trưởng phòng Kế toán một trường đại học ở Huế. Công việc chuyên môn giúp tôi hoàn chỉnh sự chính xác, chỉn chu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Lâu dần thành thói quen, khi có sai sót, tôi sẳn sàng nhận lỗi để sửa chữa lại, chứ càng né tránh, hậu quả càng nặng nề hơn.
Tháng 4, năm 1979…
Thế mà anh chàng Quân lại dẫn dắt tôi vào con đường dối trá. Tôi nhớ rõ mồn một buổi gặp anh đầu tiên, qua điện thoại.
Theo Quân kể lại (đường dây quân đội thường bị nhiễu sóng, tôi phải vận dụng hết thính lực mới nghe rõ), Quân và anh Chiến (chồng của Linh Chi, bạn thân của tôi, đang là Quản thủ Thư viện trong Trường) đều là lính Trinh sát của Tiểu đoàn, thuộc F286. Sau mấy lời tự giới thiệu, Quân hỏi thăm mọi người trong nhà anh Chiến (anh Chiến là độc đinh, ba anh đã mất từ lâu). Trước hết là bệnh tình của mẹ anh Chiến (đang được tiếp tục điều trị tại nhà để phục hồi, sau tai biến do huyết áp), rồi đến sức khỏe của Linh Chi (đang mang thai tháng thứ ba, tiến triển và tiên lượng tốt).
Vui miệng, tôi định nhắc lại chuyện Chiến tranh thủ tạt về nhà nửa tiếng đồng hồ mấy tháng trước (và tạo ra sản phẩm). Lũ bạn gái chúng tôi tếu táo bịa chuyện: anh Chiến vội vàng quên cả tháo ba lô, nên ban đầu Linh Chi cứ thắc mắc mới mấy tháng ăn cơm lính mà sao anh lên cân quá! Sau đó, tôi chợt nhớ ra, ở đầu dây bên kia chỉ là người mới quen thôi, nên lặng im, cố nhịn.
Lại nghe giọng ngập ngừng của Quân, tôi phải lắng tai mới nghe rõ: Cách đây hai tuần, Mặt trận 479 đang mùa chiến dịch, Tổ tam tam của Chiến bị một quả B41. Chiến bị thương nặng, nhập viện điều trị mấy tuần rồi hy sinh… Tôi thảng thốt: Anh Chiến mất rồi à? Sao không thấy đơn vị ở Kampuchia báo về gia đình? Có đem xác về nước được không? Quân chậm rãi: Chiến tranh mà. Chúng tôi phải tạm chôn anh ấy ở Kompong Cham, nhờ dân địa phương đó hương khói. Có điều kiện, đơn vị sẽ tổ chức đưa xác anh và những liệt sĩ khác về.
Tôi ngậm ngùi: Tội nghiệp cho anh ấy. Không biết khi hay tin dữ, mẹ anh ấy có chịu đựng được không… Quân nhỏ giọng: Biết mình khó qua khỏi, anh ấy rất lo ảnh hưởng đến sức khỏe của Mẹ, nên dặn tôi nhờ chị báo riêng cho chị Chi thôi. Tôi ngắt lời: Chẳng lẽ tụi em dấu Mẹ anh ấy suốt đời à? Quân trầm ngâm: Cụ đang mong ngày chào đời của cháu nội, hy vọng cháu sẽ làm Cụ khuây khỏa. Trong mấy tuần cuối đời, anh Chiến viết liền sáu lá thư cho gia đình, nhờ tôi mỗi tháng gởi về gia đình một lá, mong sao giữ Cụ được đến ngày cháu chào đời. Anh Chiến đã tính, khoảng sáu tháng nữa là chị Chi sinh cháu...
Suy đi tính lại, không biết làm gì hơn để giữ sức khỏe cho mẹ anh Chiến, tôi nghĩ chắc phải nghe theo lời của anh Quân.
Giọng Quân ngần ngừ: Khi nào tôi về phép, sẽ ghé ngang Huế, mang quân tư trang của anh Chiến về trao lại cho chị Chi. Nhờ chị làm công tác tư tưởng cho chị Chi trước… Tôi gật đầu, dù qua điện thoại, Quân không thấy cái gật đầu của tôi: Em sẽ cố trấn an và thuyết phục Linh Chi bình tĩnh, lo chu toàn cho cháu. Anh nhớ tuyệt đối giữ không để mẹ anh Chiến biết nhé.
Vô hình chung, tôi nhớ lại công chúa Liên Hương, vợ nhân vật truyền thuyết Ông đồ Bể, khi chứng tỏ tính thành thật với vua cha: Trong đời con, một đôi khi con cũng nói dối, nhưng là những câu nói dối vô hại, hoặc vì phép xã giao, hoặc vì lòng nhân đạo, để bào chữa hành động dối trá của tôi.
***
Tháng 10, năm 1980…
Hôm nay là ngày Lễ Thôi Nôi của con trai anh Chiến và Linh Chi.
Tôi ngắm mẹ anh Chiến đang bế cháu nội bằng tay trái, ru cháu Thắng bằng giọng hơi ngọng nghịu. Thật khó tin rằng, bà đã vượt qua đợt tai biến mạch máu não năm trước. Tuy tay phải của bà có phần lóng ngóng, nhưng thần thái bà luôn luôn vui vẻ, phấn khởi. Giọng nói, nụ cười của bà tuy hơi méo mó, nhưng vẫn nở thường xuyên trên môi. Cháu Thắng nhờ đã quen mặt, quen hơi bà nội từ lúc mới sinh, nên không lấy làm lạ, chịu để cho bà bế ẵm.
…Tôi không còn mặc cảm dối trá như những tháng đầu, sau khi liên lạc với anh Quân nữa. Đến hẹn lại lên, khoảng tuần đầu mỗi tháng, tôi đến Phòng Văn thư của Trường, nhận phong bì thư dán tem quân đội, do anh Chiến viết trước khi mất (và anh Quân tuần tự gởi về), mang đến Thư viện trao lại cho Linh Chi, để đọc cho mẹ anh Chiến nghe.
Sau cơn sốc tinh thần, ban đầu khóc lóc, vật vã khi biết tin Chiến hy sinh, Linh Chi đã bình tĩnh lại dần, lau nước mắt để tập trung trước là lo cho cháu, sau là lo cho Bà Nội, theo lời khuyên của mọi người. Nhiều lần nhìn Linh Chi chăm chú đọc những lá thư với những nét chữ chân phương quen thuộc của anh Chiến, lòng tôi lại nao nao xúc cảm. Tôi thương hình ảnh anh bộ đội đang xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, quý gia đình đang xây dựng hậu phương vững chắc để ổn định tinh thần người lính nơi tiền tuyến, và đặc biệt trân trọng những người chấp nhận âm thầm chịu nỗi đau để trấn an tinh thần người thân, như Linh Chi bạn tôi. Hồi còn đi học, Linh Chi và tôi thường nói đùa: sau này chỉ lấy chồng là bộ đội, hoặc bộ đội chuyển ngành, và giải thích tếu táo: vì đã quen với tác phong thi hành trước, khiếu nại sau
Nội dung những lá thư của anh Chiến viết trước khi mất không đúc khuôn như một. Theo ngày tháng gởi đi, anh hư cấu những diễn tiến thay đổi theo thời gian, đúng tính cách sâu sát của anh. Có lần, Chi tâm sự với tôi, thư anh Chiến gởi về, có kể với mẹ: anh bị sốt rét nặng, tưởng không qua khỏi, may nhờ chính anh Quân đưa đi viện, rồi lại hiến 2 đơn vị máu để cấp cứu cho anh ấy. Tôi ngầm hiểu, trong những ngày cuối đời, anh Chiến đã có kế hoạch định hình dần cho mẹ mình sự mất mát, để mẹ không quá đau thương khi biết tin con trai mình hy sinh. Ngoài ra, những lời khen ngợi, tri ân của anh Chiến đối với anh Quân, dù chỉ thoáng qua trong thư, cũng cho tôi thấy mục đích của anh, muốn cho hình bóng anh Quân xuất hiện dần trong gia đình mình, nhất là với mẹ mình và vợ mình.
Phụ nữ có linh cảm nhạy bén trước những biểu hiện khác thường của nam giới.
Sau khi nắm được nội dung các lá thư anh Chiến đã viết (và anh Quân gởi về), tôi hiểu rằng kế hoạch điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa… đã được anh Chiến (và cả anh Quân nữa) xây dựng và đang thực hiện. Tự nhiên tôi thấy chạnh lòng khi chợt nhận ra hình bóng anh Quân đang choáng ngợp trong tâm trí tôi, dù tôi chỉ mới nói chuyện với anh qua điện thoại, chỉ biết thêm một ít thông tin qua những lá thư của anh Chiến. Vậy mà, buồn cười chưa, tim tôi lại đập rộn ràng, khi thấy Linh Chi chỉ tỏ thái độ thản nhiên khi nhắc đến anh Quân, như nhắc đến những đồng đội thân thiết khác của chồng. Tuy nhiên, trước đôi mắt sắc như dao của Linh Chi, tôi lại phải thản nhiên như không quan tâm gì đến anh Quân.
Trong lúc tôi xoay xở làm thủ tục xin ứng trước mấy tháng lương chuẩn bị cho Linh Chi sinh (thu nhập gia đình dựa chủ yếu vào lương công chức của Linh Chi, lương hưu của mẹ anh Chiến), thì Linh Chi nhận được ngân phiếu chuyển tiền tới mấy triệu đồng. Ban đầu tôi nghĩ, bộ đội như anh Chiến làm gì có tiền tử tuất cao như thế, thì thư kèm theo của anh Quân đã giải thích rõ. Đơn vị đã xét trợ cấp khó khăn cho gia đình liệt sĩ, cộng với nguồn ủng hộ từ các anh em trong đơn vị. Thôi thì được đồng nào quý đống đó, tôi hiểu cuộc sống ở biên giới Tây Nam nhiều khó khăn, khoản tiền này đã thể hiện tấm lòng quý báu của đồng đội rồi.
Rồi đến ngày cháu Thắng chào đời. Tháng trước đó, Linh Chi đã về quê, nhờ đứa cháu gái lên chăm sóc cho mẹ chồng, để chủ động lo việc sinh nở. Rất may, mọi việc đều thuận lợi, không chỉ nhờ mẹ cháu thuộc dạng thắt đáy lưng ong nên sinh nở dễ dàng, cháu Thắng lại là con bộ đội biên giới, nên khắp nơi, từ cơ quan đến bệnh viện, đều tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Đặc biệt, khi nghe được tiếng khóc chào đời của cháu nội, mẹ anh Chiến như trẻ ra đến chục tuổi. Tôi cảm nhận ngay thành quả của vở kịch mà tôi tham gia, và tôi tin tưởng rằng vong linh anh Chiến (nếu có) cũng toại nguyện. Mẹ anh Chiến thường xuyên giành quyền chăm sóc cháu nội, bà bảo con trai đi xa thì đã có cháu nội thay, mẹ nhìn cu Thắng cũng như thấy Chiến rồi…
Trước sau, mẹ anh Chiến vẫn chưa biết gì về tin tức của con. Tôi cũng mong vở kịch này kéo dài mãi, vì mẹ già như chuối chín cây, hiện tại thì như vậy nhưng nếu nghe tin con trai duy nhất không còn, chưa biết phản ứng của mẹ ra sao? Tôi dặn Linh Chi, đóng thùng thư riêng có khóa của gia đình trước cổng nhà, phòng khi giấy báo tử anh Chiến được gởi trực tiếp về nhà…
Buỗi Lễ Thôi Nôi của cu Thắng kết thúc trong tiếng cười vui vẻ của mọi người. Theo phong tục địa phương, gia đình đưa một loạt đồ dùng bằng nhựa cho cháu chọn, cu Thắng đã vồ ngay lấy ống seringue nhựa (dĩ nhiên, không gắn kim) và giữ rịt không rời. Bà Nội vui vẻ: lớn lên cháu sẽ làm bác sĩ, chăm sóc sức khỏe cho cả nhà nhé. Rồi bà ước ao: đợi Ba cháu về, cho cháu một em gái nữa thì tuyệt! Cả nhà cười ồ, nhưng rõ ràng tiếng cười của Linh Chi và tôi đều có nét gượng gạo.
Cuối buổi, Linh Chi kéo tôi ra ngoài, nói nhỏ: Theo kế hoach, tháng sau anh Quân sẽ mang quân tư trang của anh Chiến về giao cho gia đình. Anh chỉ ghé Huế một buổi rồi về quê. Tao hẹn gặp anh ấy sáng chủ nhật đầu tháng, ở quán cà phê Mimosa, mày đi với tao nhé! Tôi xao xuyến trong lòng, vờ ngẩn ngơ: Chuyện gia đình mày thì kéo tao vào làm gì? Linh Chi nghiêm nghị: Việc cần thì tao mới nhờ mày. Mày đi với tư cách bạn, và với tư cách quân sư nữa. Tôi gật đầu, hỏi: Mà mày định nói chuyện gì? Linh Chi nhỏ giọng: Tới khi đó mày sẽ biết. Tao cần nắm một số thông tin rồi mới quyết định. Nhớ thu xếp đi với tao nhé.
Tôi mỉm cười, ít nhất mình cũng gặp trực tiếp anh Quân đã mọi thứ tính sau. Tự nhiên tôi thấy lo lo. Anh Chiến và Linh Chi có tên cùng âm CHI, thì bây giờ anh không còn nữa! Anh Quân và tôi (Quỳnh) có tên cùng âm QU, liệu có rủi ro gì không?
***
Minh Quân, Trung đội trưởng Trinh sát:
Tháng 3, năm 1979…
Tội nghiệp thằng Chiến bạn tôi. Khuôn mặt đẹp trai như tài tử điện ảnh (đẹp hào hùng như tài tử Trung Quốc, chứ không ẻo lả như tài tử Hàn Quốc đâu) không còn nữa. Trong đợt chống cường tập cuối chiến dịch, để Tổ Cứu thương đưa thương binh rút ra hậu cứ, Tổ tam tam của Chiến nhận ở lại giữ chốt, đã lãnh trọn mấy quả B41. Khi chúng tôi cùng thê đội bổ sung quay lại cứu viện, hai đồng đội của Chiến đã hy sinh, còn Chiến, thân xác tả tơi như cái mền rách. Lửa B41 đốt chảy bỏng gần hết khuôn mặt của Chiến, mắt phải đã hỏng hoàn toàn, mắt trái chỉ còn thấy lờ mờ. Cánh tay trái của Chiến bị cối 82 dập nát, xương thịt bắn tung tóe khắp nơi. Vất vả lắm, chúng tôi mới đưa Chiến về đến trạm phẫu thuật tiền phương để cứu chữa. Hai tuần nằm viện, nhiều khi tưởng Chiến không qua khỏi, nhưng thật kỳ lạ, Chiến vẫn mở được mắt sau những ca phẫu thuật hàng chục tiếng đồng hồ. Khi nghe câu nói đùa của Chiến: cái số tao sống dai lắm, Quân ạ… tôi biết hắn vẫn sống nhăn, như hồi nhỏ, cùng chăn trâu, đi học, nhập ngũ với tôi. Tôi an ủi Chiến: còn giữ được cái gáo về với Bọ Mạ là tốt rồi, à với em Chi nữa chứ! Hắn cười méo mó.
Ngày trước, Chi đã chọn Chiến giữa hai chúng tôi, không phải vì hắn đẹp trai hơn, mà vì cái gì khác, chúng tôi không rõ. Hắn đòi tôi đưa gương soi cho hắn ngắm dung nhan mùa hạ của mình, rồi ngăn tôi khi định viết thư về nhà, báo tin Chiến còn sống… Chiến nhếch mép: Bây giờ tao đẹp trai như thằng Quasimodo thế này, mày định tập cho Chi làm Esremalda hả? Tôi gượng gạo: ­Thì Chi vẫn là vợ của mày mà! Chiến gằn giọng: Ngày trước Chi là vợ, còn ngày nay tao là cục nợ, mày biết không? Làm sao con người xinh tươi, đẹp đẽ như Chi lại có thằng chồng có hình thức ma chê, quỷ hờn như tao được? Tôi im lặng.
Chiến xuống giọng: Mày có còn là bạn của tao không, Quân? Tôi cười: Có khi nào tao chẳng là bạn mày đâu. Chiến ngậm ngùi: Vậy thì tốt. Mày nghe tao đây. Xem như đối với gia đình, đối với Linh Chi, tao đã chết rồi! Tao chỉ ngại, tin tao chết sẽ làm ảnh hưởng đến bệnh tình mẹ tao, tháng trước bà mới nhập viện điều trị tai biến do huyết áp cao. Chi đã có thai sang tháng thứ tư, nhưng tao tin Chi sẽ đủ nghị lực để vượt qua, vì đứa con sau này. Bây giờ, mày gọi điện về cho Quỳnh, bạn cùng cơ quan của Chi, báo tin tao đã mất, nhưng dặn Quỳnh từ từ rồi báo cho Chi hay. Với mẹ tao, chắc khó đón nhận hung tin này. Tao chỉ mong sao Cụ sống đến ngày Chi sinh, hy vọng cháu nội sẽ làm nguồn động viên cho Cụ vượt qua nỗi đau. Mày nói với Quỳnh, mỗi tháng sẽ có một lá thư tao đã viết sẳn, nhờ mày gởi về Quỳnh chuyển cho gia đình, cho tới ngày con tao chào đời…
Tôi chớp mắt: Vậy ai sẽ lo cho Nhi và con sau này? Chiến cười: Tao muốn mày là bạn vì vậy. Tao sẽ xin ở lại mãi trong quân đội. Lương, phụ cấp khu vực, phụ cấp thương binh của tao sẽ gởi về cho Chi và con, mày chỉ tìm cách giải thích hợp lý. Tao tính rồi, những lá thư của tao sẽ đưa hình ảnh mày dần dần vào gia đình tao, và cuối cùng mày sẽ thay thế tao, đối với Chi và con, thậm chí cả mẹ tao nữa.
Tôi ngần ngừ: Liệu Chi có chấp nhận không? Chiến nhún vai: Tao xác định rồi. Tao đâu muốn Chi hy sinh tuổi xuân để thờ chồng, nuôi con suốt đời. Để thay thế tao, mày là thằng phù hợp nhất. Thương tao, mày sẽ lo cho con tao, như chính con mày. Với Chi, ngày trước, mày cũng thích Chi phải không? Tôi lúng túng: Tao cũng không biết nữa. Chiến ngậm ngùi: Cứ xem như tao đã chết rồi, tao nhờ mày gánh giúp món nợ trần ai cho tao vậy…
Mọi việc tiến hành đúng như chúng tôi dự định. Tôi đã gởi sáu lá thư của Chiến viết (bằng tay phải còn lại) về cho gia đình, đến ngày sinh cu Thắng (mọi thông tin đều biết qua Quỳnh, vì trên lý thuyết, Chiến đã mất, có ai để nhận thư gia đình đâu?). Gộp lương, phụ cấp thương tật và phụ cấp khu vực trong mấy tháng của Chiến được một khoản tương đối, anh em đơn vị ủng hộ ít nhiều, tôi mạnh dạn gởi ngân phiếu về cho Linh Chi, để chuẩn bị cho ngày cu Thắng chào đời. Sau đó, Chiến không viết nữa, vì khi đó cu Thắng đã chào đời, hy vọng Bà Nội đã ổn định…
Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa hết. Tôi còn nhớ lời hứa mang sẽ quân tư trang của liệt sĩ Trần Quyết Chiến về cho gia đình, dự định sẽ tìm cách nói quanh co, đổ lỗi cho các thủ tục hành chính phức tạp quá, nên chưa mang giấy chứng nhận liệt sĩ về được.
Tuy nhiên, tôi linh cảm mình khó lọt vào được gia đình Linh Chi như đã dự tính với Chiến, vì trước sau, đối với Linh Chi, tôi chỉ là cái bóng mờ. Những điều Chiến kể trong thư quá mờ nhạt để thuyết phục con người sâu sắc như Linh Chi. Thôi thì, một liều, ba bảy cũng liều, cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây. Tôi gói ghém hai bộ quân phục của Chiến, bộ đồ dành cho chiều cao 180cm, chắc chắn mọi người nhận ra. Một quyển sổ tay có nét chữ của Chiến, hai tấm ảnh của mẹ Chiến và của Linh Chi, trước đó Chiến phải lùng khắp Kompong Cham, tìm một hiệu ảnh tư nhân để chụp lại. Chiến ngậm ngùi: Tao chỉ giữ ảnh chụp lại thôi, mày mang ảnh gốc về, Linh Chi mới tin được. Nhớ mang ảnh cu Thắng cho tao nhé. Chúng tôi chia tay nhau trong tiết chiều se se lạnh.
Tháng 11, năm  1980…
Quán cà phê Mimosa, đường Hùng Vương, không xa Bến xe Phía Nam bao nhiêu. Tôi dự định xong việc, sẽ đi chuyến xe Huế về Vinh Thanh, quê mẹ của tôi. Nhưng mọi việc không như tôi tính…
Bộ quân phục còn nhuốm bụi rừng núi giúp hai cô phát hiện ra tôi ngay, khi tôi ngơ ngác bước vào quán. Linh Chi vẫn đẹp như ngày nào, tuy có hơi đẫy ra một tí. Gái một con mà! Cô gái mảnh mai bên cạnh chắc là Như Quỳnh, bạn qua điện thoại với tôi. Hai ly chanh muối trước hai cô còn đầy, chắc họ mới tới chưa lâu. Thủ tục giới thiệu qua nhanh, vì Linh Chi và tôi đã biết nhau trước.
Tôi lóng ngóng đặt giò lan rừng trước mặt Linh Chi, lúng túng: Anh tặng gia đình em giò lan rừng. Của một đồng,…
Như Quỳnh tiếp lời: … nhưng công một nén! Còn quà của em đâu?
Tôi ngớ người, vì tưởng chỉ gặp Linh Chi thôi, trao mấy thứ của Chiến rồi đi. Có ai ngờ hai người cùng đi với nhau.
Tôi đánh trống lảng: Cu Thắng thế nào, Linh Chi? Bà nội cháu khỏe không? Linh Chi điềm đạm: Cháu ở nhà với Bà. Cả hai bà cháu đều khỏe. Em cảm ơn đơn vị các anh đã quan tâm giúp đỡ, khi em sinh cháu.
Linh Chi mỉm cười: Anh uống gì, gọi đi, rồi mình nói chuyện. Chắc hơi lâu đó! Tự nhiên tôi thấy ớn. Có tật thì giật mình. Tôi gọi ly cà phê đen đá, nhấp một ngụm để dấu xúc động.
Linh Chi nhẹ nhàng: Trước khi vào việc, em muốn giới thiệu với anh về công việc hiện nay của em. Em làm Quản thủ Thư viện của Trường, thỉnh thoảng cũng tham gia Hội đồng Xử lý các vụ đạo văn…
Tôi nghe mà chóng cả mặt. Sao Linh Chi lại đề cập tới chuyện đạo văn? Tôi có ăn trộm văn của ai đâu?
Linh Chi rành rẽ: Em thường được Hội đồng phân công theo dõi tính logic của các văn bản không chính gốc, từ đó phát hiện những điểm vi phạm.  Hôm nay, em muốn nói chuyện với anh về sáu lá thư mà theo anh, anh Chiến đã viết trước khi mất, nhờ anh chuyển về, để mẹ anh ấy nghĩ rằng con mình còn sống. Còn em, gần hai năm trước, anh đã báo thông qua Quỳnh: anh Chiến đã mất sau khi viết cho em sáu lá thư trong hai tuần cuối đời… Tôi ấp úng: Đúng vậy…
Linh Chi nghiêm giọng: Nếu đúng như vậy, anh vui lòng trả lời cho em những thắc mắc sau đây. Thứ nhất, sáu lá thư anh Chiến viết trong hai tuần ở bệnh viện trên các loại giấy khác nhau: ba lá đầu tiên trên giấy Ford, hai lá tiếp theo trên giấy Couché matt, lá cuối cùng viết trên giấy Crystal. Bệnh viện làm gì có đủ các loại giấy này để thương binh viết thư? Thứ hai, lá thư cuối cùng của anh Chiến, (ghi tháng 10 năm 1979 nhưng được viết từ tháng 4), có nhắc đến cu Thắng. Em sinh con so, chỉ sau 38 tuần, cu Thắng sinh vào tháng 9. Làm sao từ tháng 4, anh Chiến đã biết em sinh con trai, và đặt tên là Thắng? Thứ ba, khoản tiền anh gởi về cho em cao hơn nhiều so với chế độ phụ cấp cho gia đình liệt sĩ theo quy định, nguồn gốc ở đâu? Từ những nghi ngờ đó, đầu tháng trước, em đã gởi thư đến Bộ Tư Lệnh Mặt Trận 479, hỏi về hồ sơ Liệt sĩ Trần Quyết Chiến, quê ở Thừa thiên Huế. Thư trả lời đây: không có liệt sĩ nào ở Thừa thiên Huế tên Trần Quyết Chiến, mà chỉ có Thương binh hạng 1/4 tên Trần Quyết Chiến, quê ở Phú Vang, Thừa thiên Huế. Anh có muốn em đọc chi tiết lá thư trả lời không?
Như học sinh không thuộc bài, bị Cô giáo quay như chong chóng, tôi hoảng hồn, lắp bắp như chó ăn vụng bột: Thôi thôi, anh chịu thua Linh Chi rồi! Anh xin khai tất cả đây! Tôi thuật lại chi tiết những dằn vặt của Chiến khi nằm viện, việc trao đổi với tôi về kế hoạch điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa… Linh Chi im lặng ngồi nghe, nét mặt không lộ một chút phản ứng. Như Quỳnh cũng im thin thít theo dõi, chẳng nói lời nào.
Linh Chi điềm đạm: Anh đã nói xong chưa, tới phiên em nói nhé!
Giọng Linh Chi cao dần lên: Các anh là đàn ông, nên lời nói sặc mùi gia trưởng! Các anh chỉ suy luận thế này, quyết định thế kia, có bao giờ các anh đặt mình vào vai trò phụ nữ để suy nghĩ không? Anh Chiến nghĩ người chồng phải có bề mặt xứng đáng với vợ, nhưng anh ấy có nghĩ, người vợ phải có chiều sâu xứng đáng với người chồng không? Phụ nữ chúng em yêu hình bóng anh bộ đội, không phải vì bộ đội dễ điều khiển như chúng em nói đùa trước đây, mà chính vì bộ đội đã hy sinh xương máu để bảo vệ sự bình yên cho chúng em, cho gia đình chúng em. Các anh đã chẳng tiếc tính mạng, thì chúng em đâu có thể sĩ diện mà không dám sống chung với người chồng bị thương tật do chiến tranh? Sau này, cu Thắng lớn lên, nó sẽ tự hào khi có cha đổ xương máu cho Tổ quốc, nhưng chắc nó sẽ buồn khi thấy mẹ nó bị cha đánh giá thấp quá!
Đưa tay quệt hai dòng nước mắt chảy ròng ròng trên má, Linh Chi tiếp: Tiếc là em chỉ gặp anh thôi, chứ gặp anh Chiến bây giờ, em sẽ tát anh ấy mấy cái về việc coi thường phụ nữ chúng em! Rồi sau đó, em sẽ lôi tuột anh ấy về nhà, cho gặp Bà Nội và cu Thắng, bắt anh ấy thực hiện đầy đủ nhiệm vụ làm con, làm cha của mình!
Có tiếng cười rúc rích của Như Quỳnh: Nhiệm vụ làm chồng nữa chứ! Cu Thắng đang thích có em mà! Chỉ tội cho riêng tao…
Linh Chi quay phắt lại nhìn tôi: Anh Chiến và anh định thu xếp cho anh lọt vào nhà em, thì em đã đóng sập cửa từ chối rồi! Sao anh không nghĩ đến gia đình Quỳnh, cũng yêu thương, mến chuộng bộ đội như gia đình em, có khác gì đâu? Quỳnh, tao giành lấy giò lan rừng, nhường anh Quân cho mày…
Tôi sững sờ, lúng túng nhìn Như Quỳnh. Tôi tưởng Như Quỳnh sẽ xù lông cánh lên, vặc lại Linh Chi, nhưng ơ kìa, lạ chưa? Mặt Như Quỳnh đỏ như gấc chín, em nhìn lảng ra chỗ khác, tránh cái nhìn đăm đăm của tôi.
Lòng rộn ràng mở hội, tôi tự nhủ trong lòng: Quỳnh ơi, hôm nay, nhất định em phải cùng về quê với anh nhé!

(viết nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Kampuchia 07/01)