Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Truyện ngắn 16

CHUNG QUANH LY CAFÉ SÁNG
Truyện ngắn của Quỳnh Anh
Sáng nay, cơ quan họp muộn. Tôi tự cho phép thưởng thức café như sáng chủ nhật. Tráng xong lượt nước sôi, tôi thong thả cho một thìa rưỡi café Purio cho vào chiếc phin Vinalu, lắc cho bột café san đều mặt phin. Tôi nhấn chốt gài, chờ tiếng tách ngắt điện của bình đun nước siêu tốc để rưới đều nước sôi vừa chín thành vòng tròn quanh thành phin, đủ ngập nửa phin và nhẹ nhàng đậy nắp. 20 phút nữa, tôi sẽ rưới tiếp nửa phin nước sôi, để giữ đều độ nóng của phin cho café nở đều. Quy trình này được tôi duy trì hơn 25 năm nay vào mỗi sáng chủ nhật, tuy mất thời gian nhưng giúp tôi thưởng thức hương vị café tuyệt hảo… Chồng tôi quen dùng Nestcafé, anh ấy hay càu nhàu mỗi khi thấy tôi pha café mất thời gian quá. Biết sao được? Anh ấy còn chưa biết tôi tránh dùng nước máy, mà kỳ công trộn nửa nước mưa, nửa nước giếng theo đúng thuyết phối hợp âm-dương trước khi đun sôi nữa… Lặng lẽ nhìn từng giọt cà phê thánh thót rơi trong ly, tôi nhớ lại thời điểm mình bắt đầu học tính nết chỉn chu, hệ thống này.
Mùa hè năm 1982. Tôi vừa tốt nghiệp cấp ba ở Vinh, đánh liều nộp đơn thi vào Học viện Y Huế, sau lời động viên của cậu tôi, cán bộ Ban Tuyển sinh Bình Trị Thiên: dự thi ở Huế, cháu được cộng thêm điểm ưu tiên của diện con cán bộ, lợi tối thiểu 1-2 điểm so với diện bình thường. Tôi hy vọng nhiều vào điều này, vì với lực học loại Khá (hàng ngày còn bận giúp mẹ nuôi mấy con lợn), tôi khó sánh với học sinh xứ Huế vừa có tiếng thông minh, vừa thuộc loại chăm chỉ hạt bột, lại thường được gia đình ưu tiên cho học tập.
Trong mấy môn thi, tôi ớn nhất môn Toán, các khái niệm giải tích ở hệ 12 năm quá mới lạ với học sinh hệ 10 như tôi. Vì thế, Ba tôi nhờ anh Ngô, con một đồng nghiệp, ôn tập môn Toán cho tôi. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với anh: con trai xứ Huế mà “tẩm” quá chừng, tên anh phải thêm dấu sắc nữa (Ngố) mới phải. Lập chương trình ôn tập, anh giải thích: đề Toán có phần tùy chọn 5 điểm, dành  cho 2 hệ 10 năm và 12 năm; vì thời gian eo hẹp, em nên tập trung vào phần chung và phần tùy chọn hệ 10 năm đã học ở phổ thông.
Chia chương trình thành các phần hàm số, phương trình, lượng giác và hình học, anh ôn lý thuyết rõ ràng rồi buộc tôi học nhập tâm những công thức toán; anh giải bài tập rất chi tiết, chấm bài thật khắc nghiệt, trừ điểm từng lỗi nhỏ: có lần làm bài thi thử, tôi tự đánh giá được tám điểm mà anh chấm có năm điểm rưỡi, làm tròn từ năm điểm một phần tư. Tôi hy vọng bài mình gặp phải giám khảo dễ tính, họ dễ có thiện cảm với nét chữ thường được chọn để viết giấy khen của tôi.Tôi chỉ mong đạt trung bình môn Toán, hy vọng trội hơn các đối thủ nhờ 2 môn Hóa và Sinh, vì tôi học Chuyên Hóa, phần Hóa hữu cơ cũng khá quen thuộc.
Học mấy tuần, tôi mới biết anh Ngô đang dạy Toán ở Đại học Y Huế (kết hợp với Bệnh viện Trung ương Huế thành Học viện Y Huế). Bộ môn Toán-Lý chỉ có mấy người, tôi khấp khởi mừng thầm - khi chấm thi, mình có tay trong rồi. Nhưng trông nét mặt nghiêm nghị của anh, tôi không dám mở lời, chỉ gần xa tâm sự với anh về tâm tư, nguyện vọng học ngành Y sau khi chứng kiến nỗi đau đớn và sự ra đi vì bệnh ung thư phổi của bà ngoại, mong anh thấy sự thuận lợi nếu may sao anh gặp đúng bài thi Toán của tôi. Vì thế, thi xong môn Toán, tôi đưa ngay giấy nháp (được ghi lại khá chi tiết, cùng nét chữ khá trau chuốt hy vọng anh nhớ rõ) nhờ anh chấm giúp, và muốn té xỉu khi anh kết luận một câu xanh rờn: bài sai sót nhiều quá, anh cho ba điểm một phần tư
Chạy Trời không khỏi nắng! Sau này, theo Ba tôi kể lại, anh có gặp riêng Ba tôi để thuật lại chuyện chấm thi. Theo nguyên tắc tuyển sinh hồi đó, bài thi của con em cán bộ chấm thi được rút riêng ra để chấm tập thể, nghĩa là bị cả 5 giám khảo mổ xẻ trước khi cho điểm, nên khó có điểm cao lắm. Tôi không thuộc diện này, nhưng anh lại chủ động tự giác báo với Tiểu ban chấm khi phát hiện ra bài thi của tôi (qua bài nháp tôi đưa, anh đã biết rõ về nội dung, hình thức), đề nghị chấm tập thể. Anh khăng khăng bảo vệ mức điểm quái ác 3.25, từ chối đề nghị ưu tiên chấm rộng lên của Trưởng Tiểu ban chấm Toán, vốn là bạn thân của anh: nếu cô ấy rớt, mình sẽ kèm tiếp để năm sau thi lại Cuối cùng, Tiểu ban thống nhất cho 3.5 điểm.
Tổng kết điểm thi, tôi được 16 điểm, trong khi điểm chuẩn tuyển vào là 17 cho đối tượng nhóm II như tôi: tôi không trúng tuyển, nhưng được xét vào học lớp Dự bị đại học (điểm chuẩn 15.5), một năm sau sẽ thi lên lớp Y1, khỏi thi tuyển quốc gia. Nhìn lại, tôi thấy mình chẳng học thêm được kiến thức mới gì từ anh cả. Nhưng Ba tôi đã khẳng định: anh Ngô đã tập cho tôi tính logic, có hệ thống, và hỏi thêm: không có anh ấy, với tính cách hớp tớp như con trước đây, liệu có đạt được ba điểm rưỡi Toán không?
Tôi tính ra: vào được Đại học Y hoàn toàn nhờ sức của mình, nếu có phải nhận 3.25 điểm Toán (như anh Ngố chấm) tôi vẫn đủ điểm vào Dự bị. Nhưng tôi tức anh ách với cái tính khắc nghiệt của anh, nên suốt một năm học môn Giải tích ở lớp Dự bị với anh, rồi một học kỳ năm Y1 học Toán cao cấp và Xác suất Thống kê, tôi không nói riêng với anh một tiếng, ngoài những lần buộc trả lời khi được gọi lên bảng, (vì tự ái, tôi luôn chuẩn bị cẩn thận để làm được bài, không để cho anh Ngố chê trách điểm nào). Anh cũng thản nhiên, đối xử với tôi như với người xa lạ: anh vẫn giảng bài kỹ lưỡng với cả lớp và chấm bài khắc nghiệt với từng sinh viên, như thời còn kèm cặp tôi ôn thi đại học.
*  *  *
Nửa phin café đầu tiên đã gần cạn. Tôi châm tiếp nửa phin nước sôi còn lại, hài lòng nhìn thấy tốc độ các giọt café vẫn tí tách đều đều, không đổi. Nhớ lại thời điểm bắt đầu cảm nhận giá trị của cách truyền đạt kiến thức của anh, thì cuộc đời của tôi và của anh đều bắt đầu bước sang trang mới…
Tôi tốt nghiệp bác sĩ năm 1989, khóa chuyên khoa cuối cùng trước khi Nhà trường chuyển sang đào tạo hệ đa khoa. Tôi tự đánh giá mình học không thật giỏi, dù trong 6 năm đại học, tôi đã có điều kiện tập trung sức lực, trí lực vào những môn chuyên ngành mình yêu thích, nhưng xếp loại năm nào cũng chỉ là hạng Khá. Điều bất ngờ là, kết thúc học kỳ I năm Y5, giáo sư V. đầu ngành Nhi khoa của Học viện đã thuyết phục tôi chọn chuyên ngành Nhi, ông rất tâm đắc với cách lập luận (khá logic, theo nhận xét của giáo sư - vốn nổi tiếng khắt khe) của tôi, thể hiện trong những buổi bình bệnh án từ năm Y4.
Tôi không dám kể cho Giáo sư biết nguồn gốc hình thành tính cách này (vốn xuất phát từ việc học môn Toán mà tôi vốn ác cảm từ môn học đến người dạy). Về sau, Giáo sư vô tình đả thông cho tôi về vai trò của anh Ngô qua nhận xét: trong ngành Y, môn Toán không chỉ nhằm giới thiệu các ứng dụng kiến thức toán học mà còn giúp người học luyện tính logic trong hoạt động chuyên môn như chẩn đoán, điều trị bệnh...
Sau kỳ thi tốt nghiệp, Giáo sư đề nghị Trường giữ tôi lại làm giảng viên Bộ môn Nhi: ông đã thuyết phục thành công Ban Giám hiệu châm chước cho điểm tổng kết khóa học chưa đạt loại Giỏi của tôi bằng tính logic, hệ thống thể hiện trong công việc chuyên môn hàng ngày. Giáo sư đã tận tình hướng dẫn tôi từ những bước đầu chập chững trong chuyên ngành Nhi khoa, đến những báo cáo đăng trong Nội san của Nhà trường, và cuối cùng trong bài báo khoa học đứng tên chung với Giáo sư (vinh dự thay!) in trong Tạp chí Nhi khoa Việt Nam, sau khi tôi đã trở thành giảng viên chính thức ở Bộ môn Nhi, Đại học Y Huế.
Từ đó, đường công danh của tôi thăng tiến như được rải thảm đỏ. Học xong chuyên khoa cấp I ngành Nhi khoa, tôi được Giáo sư đứng ra hướng dẫn làm luận văn Cao học, vài năm sau đó tiếp tục đồng hướng dẫn cho tôi làm luận án tiến sĩ, cùng với giáo sư Jane Green Schaller, người Đức. Đề tài của luận án - Ứng dụng logic mờ trong chẩn đoán một số bệnh nhi khoa - dựa trên nền tảng của logic học, được Hội đồng đánh giá tranh luận rất sôi nổi, cuối cùng được xếp loại Xuất sắc với số phiếu tuyệt đối. Trong Lời cảm ơn ở những trang đầu của luận án, cùng với Giáo sư V. và những thầy cô giáo khác, tôi trân trọng nhắc đến anh Ngô (tôi không dám thêm dấu sắc vào tên anh nữa), người bắt đầu khai sáng cho tôi về logic học…
Hiện nay, ngoài cương vị giảng viên chính Bộ môn Nhi, tôi còn tham gia một dự án cấp quốc gia về lĩnh vực nhi khoa mà Giáo sư V. là Chủ tịch danh dự. Gia đình tôi cũng ổn định đâu ra đó, chồng tôi sau hơn 35 năm giảng dạy ở Đại học Khoa học Huế, đang chuẩn bị nghỉ hưu và hai đứa con cũng đang học những năm cuối cùng bậc đại học. Trước những lời tâng bốc của bạn bè rằng tôi thuộc lớp phụ nữ Giỏi việc nước, Đảm việc nhà, tôi chỉ mỉm cười khiêm tốn, nhưng trong thâm tâm cảm thấy vô cùng tự hào…
Có vẻ như Số Mệnh đã quá hà khắc với anh Ngô, người thầy mực thước đã mở đầu cho con đường khoa học của tôi. Anh tham gia nghĩa vụ quân sự năm 1984 cùng với một số cán bộ khác của Đại học Y Huế (đã tách khỏi Học viện Y Huế), đóng quân ở Hà Tuyên, hy sinh trong một trận chống cường tập ở biên giới. Vợ anh tần tảo nuôi cậu con trai khôn lớn, gia đình nội ngoại đều ở xa nên chẳng trông cậy được bao nhiêu.
Mỗi năm Tết đến, tôi đều thăm hỏi, động viên hai mẹ con, nhưng thật khó tiếp cận cháu Huy con anh, rõ ràng ảnh hưởng tính khắc kỷ của cha. Cháu từ chối mọi giúp đỡ vật chất của tôi, lấy lý do gia đình đã đủ sống, cuối cùng mới đồng ý làm hồ sơ xin hưởng suất học bổng hàng năm, dành cho con liệt sĩ từng là cán bộ viên chức thuộc Trường, mà tôi nhân danh Chủ tịch Công đoàn cơ sở, đứng ra vận động. Mức học bổng này mang ý nghĩa tinh thần là chính so với những chi phí trang trải bằng đồng lương giáo viên cấp hai của mẹ cháu, tiêu chuẩn khiêm tốn của gia đình liệt sĩ và thu nhập làm thêm của hai mẹ con.
Tôi cảm thấy an ủi hơn khi biết cháu Huy theo học ngành Y đa khoa của Đại học Y Dược Huế, nơi tôi đã trưởng thành. Điểm khác biệt là cháu không vào Trường bằng cánh cửa hẹp như tôi: cháu trúng tuyển chính thức ngay lần thi tuyển đầu tiên, không cần nhờ đến tiêu chuẩn ưu tiên dành cho con liệt sĩ.
*  *  *
Nửa phin thứ hai đã xong. Tôi lấy nửa thìa đường vàng cho vào chiếc ly trống, nhỏ vào mấy giọt café và nghiêng ly lại, dùng thìa đánh nhanh vào thành ly liên tục trong mấy phút. Đường vàng thấm café dậy lên thành bọt kem, tạo hương vị thơm dịu. Tôi học được thủ thuật này từ thời bao cấp, được sản phẩm kem café thơm ngon, từ đó tôi luôn dùng thay sữa đặc khá hiếm thời kỳ đó. Mỗi lần thưởng thức hương vị đắng của café và thơm ngọt của kem café, tôi thường liên tưởng đến thành ngữ “khổ tận cam lai” của người xưa…
Tôi tiếp xúc nhiều với Huy từ hai năm nay, từ khi cháu bắt đầu ôn thi Cao học. Dù không theo dự một lớp ôn luyện nào (những lớp cấp tốc này thường chỉ tập trung vào việc phổ biến đề thi và bài giải mẫu các khóa trước), Huy vẫn vượt qua hai môn Toán cao cấp Thống kê và Giải phẫu học khá dễ dàng, có lẽ nhờ tư chất Toán thừa hưởng từ cha và sự miệt mài, chuyên cần của cháu trong sáu năm đại học. Cháu được miễn thi Ngoại ngữ, nhờ chứng chỉ tiếng Anh trình độ C và kết quả TOEFL đạt chuẩn 500 điểm.
Về định hướng nghiên cứu, cháu theo chuyên ngành Gây Mê, khác hẳn chuyên ngành Nhi của tôi. Nhưng càng học lên cao, sự giao thoa kiến thức giữa hai chuyên ngành khác nhau càng phong phú, đa dạng. Đề cương nghiên cứu của cháu - Về các phương pháp giảm đau sau phẫu thuật - khá gần với nền tảng logic mờ của dự án mà tôi tham gia. Do đó, tuy không trực tiếp đứng tên hướng dẫn, tôi vẫn theo dõi các kết quả của cháu và cung cấp cho cháu những tư liệu cần thiết, qua hộp thư điện tử mà cháu và tôi duy trì mối liên lạc (tôi khuyên cháu chưa vội tham gia mạng facebook, để tránh lãng phí thời gian vô ích).
Ngoài ra, tôi còn muốn tránh cho cháu vấn đề tế nhị trong mối quan hệ khá phức tạp với các giảng viên khi học Cao học. Một số học viên, nhất là những học viên kém chuyên môn, thường biện minh “cần cù bù khả năng” để ngụy trang mối quan hệ trên mức tình cảm với các giảng viên, thay cho lao động chất xám của mình – một thói quen xấu mà học viên khóa trước thường truyền lại cho học viên khóa sau. Tôi thảo một lá thư để ngỏ, đưa cháu chuyển cho thầy hướng dẫn, Tiến sĩ D. – khi còn học đại học là sinh viên của tôi. Trong thư, tôi xác định mình là người đỡ đầu cho Huy, con của người thầy giáo cũ đã quá cố, và nhờ D. giúp đỡ Huy về chuyên môn để đạt kết quả thật tốt! …mọi thứ khác để tôi lo liệu… Tôi tin chắc D. sẽ hiểu! Trong thâm tâm, tôi muốn phần nào đền đáp công sức của cha cháu trước đây giúp tôi bước vào ngưỡng cửa đại học, và hình thành cho tôi tính cách làm việc hệ thống, tạo tiền đề cho những thành công sau này, để cháu khỏi phân tâm về những việc nhiễu nhương, mà dành toàn tâm, toàn ý tập trung cho việc học.
Tôi nhận thư của Giáo sư Jane Green Schaller mời sang làm việc 3 tháng ở Đức, với tư cách thành viên Dự án. Đáp ứng lời mời, tôi chỉ cần sắp xếp công việc giảng dạy ở Bộ môn, nhờ đồng nghiệp dạy thay các học phần đại học và sau đại học còn dang dở, và dặn dò cô con gái út chu toàn việc nội trợ trong nhà. Việc liên lạc, hỗ trợ cho Huy (chỉ vợ chồng tôi và Tiến sĩ D. biết) có thể thực hiện bằng đường skype, đặc biệt ở Viện nghiên cứu bên Đức, tôi có điều kiện tìm thấy nhiều tài liệu quý hiếm hơn ở trong nước nhiều.
Ngày Huy bảo vệ luận văn Cao học, chắc tôi chưa về đến Việt Nam, nhưng dự tính mọi việc sẽ vào guồng như kế hoạch dự định. Nếu Huy biết tổng hợp lại các tài liệu được cung cấp, từ bảng phân loại các cơn đau sau phẫu thuật do chính tôi biên soạn dựa trên lý thuyết logic mờ, đến tài liệu tổng hợp các phương pháp nội ngoại khoa hiện đại nhất ở Âu Mỹ, chắc chắn Huy sẽ hoàn thành luận văn Cao học, vì qua các e.mail trao đổi, các ý kiến phản hồi của Huy chứng tỏ cháu đã đọc kỹ các tài liệu do tôi cung cấp… Tôi yên tâm bước lên máy bay, mãn nguyện khi đã lập xong kế hoạch cho những gì cần chuẩn bị…
Tôi hoàn thành công việc ở nước ngoài hai tuần trước khi visa hết hạn. Buổi sáng vừa nâng cốc với Giáo sư Schaller chúc mừng bài báo khoa học mới nhất vừa hoàn thành, đến tối tôi đã nhận được e.mail của Tiến sĩ D., người hướng dẫn luận văn của Huy: Thưa Cô, luận văn của Huy thành công rực rỡ (hầu hết các luận văn khi được đưa ra bảo vệ đều thành công). Bên cạnh bảng tổng hợp khá súc tích về các mức độ đau trích dẫn từ báo cáo khoa học của Cô, thành công lớn nhất của luận văn là sự so sánh và phối hợp Đông Tây Y khá nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nội ngoại khoa với châm cứu, được nhiều chuyên gia quan tâm vì các tính chất phổ dụng (có thể nghiên cứu áp dụng ở tuyến Y tế xã) và chi phí thấp. Đặc biệt, khi trả lời các câu chất vấn thêm, Huy trả lời trôi chảy các câu hỏi về các thủ thuật châm cứu như điện châm, cấy chỉ vào huyệt, chứng tỏ sự thông hiểu không chỉ về lý thuyết mà cả thực hành. D. nhấn mạnh: trong Lời cảm ơn, khi Huy có nhắc đến sự quan tâm của Cô, em mới đoán ra vai trò của Cô; đến lúc em gặng hỏi, Huy mới xin lỗi em và đưa ra lá thư Cô gởi cho em từ mấy tháng trước - mà Huy cố tình giữ lại không chuyển…
Tôi bàng hoàng đọc thư, suy nghĩ một thoáng, và khẳng định trong e.mail trả lời: sự giúp đỡ của tôi chỉ thuần túy về mặt tư liệu mà Huy cũng như mọi sinh viên khác trong trường đều có, và tôi nhất trí với D. về dự định kết hợp với một số chuyên gia đầu ngành định hướng phát triển nghiên cứu của Huy. Bấm xong nút Send trên màn hình, tôi bần thần nhớ lại kỷ niệm trước đây với cha cháu lúc sinh thời. Lao động của Huy, thông qua luận văn vừa bảo vệ, thể hiện đúng tính cách thừa hưởng thầy Ngô: chỉ quan tâm đánh giá đúng thực chất của sự việc, không màng đến những chi tiết chung quanh. Hóa ra, tôi chỉ mới học được từ Thầy tính logic, chỉn chu, chứ với Huy, quả là: con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh…
*  *  *

Điện thoại réo rắt điệu nhạc quen thuộc. Tôi mở máy, đọc tin nhắn của tiến sĩ D.: “Chiều mai, mời Cô họp Hội đồng khoa học, xét việc chuyển tiếp nghiên cứu sinh cho Huy”. Tự nhiên ly café đắng ngắt. Tôi thấy chạnh lòng, không biết mình đã lạc hậu so với thời cuộc chưa?…