Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Truyện ngắn 19

ĐẰNG SAU VÒNG HOA PHÚNG ĐIẾU
         Chiếc Vertu Signature S Rose Gold rung lên nhè nhẹ, cùng với khúc nhạc dạo đầu bài Le Beau Danube Bleu, báo hiệu có tin nhắn. Tôi chần chừ mấy phút, đưa đầu chải Mascara Extra Volume Collagen phết xong làn mi trái cho thật chuẩn (làn mi mà chồng tôi vẫn thường ví von làn mi của mẹ Cầm như của con gái tuổi băm, dù tôi đã lên chức Cố mấy năm nay), rồi mới với tay mở chiếc bao da điện thoại, thầm nhủ phải đổi bao da đà điểu thôi, loại bao da cá sấu này lỗi thời rồi. Tin nhắn ngắn gọn, không dấu, gói gọn trong 160 ký tự, đúng phong cách của chị Thanh, Hội trưởng Phụ nữ QB, nhưng nội dung làm tôi ngơ ngẩn mất mấy phút: chị báo tin bạn Minh Trân đã mất, cùng với thời gian tổ chức Lễ Viếng. Tôi bần thần nhớ lại, quá khứ sáu bảy mươi năm trước ào ạt kéo về...
Những năm 40 của thể kỷ 20, Nhóm Thất Tiên Nữ chúng tôi còn là những thiếu nữ đang tuổi cắp sách đến trường. Tuổi trẻ hồn nhiên, ngây thơ, ít so bì, chúng tôi đối với nhau thân thiết như chị em một nhà. Chị Thanh lớn nhất (do đi học muộn), được xem như chị Cả, thường đứng ra phân xử những tranh cãi nhỏ nhặt của các em. Tôi nhỏ tuổi nhất, lại sinh thiếu tháng vào cuối năm, mặc nhiên trở thành cô em út ít được cưng chiều của Nhóm. Chị Trân lớn hơn tôi hai tuổi, lẫn vào các chị còn lại như chị Thọ, chị Lê, chị Hiên, chị Bội... Tuy học cùng nhau nhưng kinh tế gia đình mỗi người một khác: cha mẹ tôi, với Cửa hàng Tơ lụa lớn nhất nhì thị xã ĐH, có thể chăm lo cho tôi theo những điều kiện tốt nhất. Trong khi các chị em thường tập văn nghệ chỉ bằng giọng hát, nhiều lắm là có tiếng kèn harmonica hỗ trợ, hàng tuần tôi vẫn học piano với gia sư hai buổi tại nhà, vì thầm chê loại đàn guitare, mandoline không quý phái bằng...
Trong thâm tâm, tôi công nhận giọng Nữ Trung của chị Trân khá ấm, dù về nhạc lý, chị chỉ biết võ vẽ. Cũng đúng thôi, cha chị Trân là trợ giáo, mẹ nội trợ, nuôi hơn chục miệng ăn trong nhà (hồi đó, xã hội đánh giá hạnh phúc gia đình qua số con cái trong nhà), làm sao gia đình có thể cho chị học những kỹ năng sống (theo cách gọi sau này) được? Thi thoảng, tôi thấy bất mãn khi nhiều anh (trong đó, tôi đặc biệt chú ý anh Nguyên Lộc, học trước chúng tôi mấy năm), thậm chí nhiều thầy giáo trong Trường, chăm chú ngắm chị Trân. Kỳ lạ thật! Chị thấp hơn tôi gần mười phân, đi guốc thấp, thường chỉ mặc dài trắng khi đi học hoặc áo bà ba khi ở nhà, ra chợ, so thế nào được với tôi chân dài, thắt đáy, lưng ong tha thướt (bây giờ gọi là dáng người mẫu) với quần áo trên người toàn hàng lụa Tô Châu?
Việc học hành ở trường, kết quả học tập cũng như nhau. Các gia đình Việt Nam hồi đó đều chủ trương cho con gái biết chữ là lấy chồng được rồi, học hết phổ thông là nhiều lắm, chứ học càng cao càng chống ề... Chị Trân học khá những môn hợp với nam giới, giờ Toán thường được gọi lên bảng chữa bài tập, khi thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp (BEPC), chị đạt 19.75/20 điểm Vật Lý, được ông Chánh Chủ khảo Hội đồng tuyên dương. Nhưng sau đó là chuỗi ngày đen tối của Chị...
Riêng tôi, vốn có khiếu văn chương từ cấp tiểu học, bài luận nào cũng đạt điểm cao, đến cấp trung học đệ nhất cấp, tài năng càng phát triển. Được sự khuyến khích của cha mẹ, anh em, tôi đã nghiền ngẫm hàng trăm tác phẩm văn chương trong Thư viện Gia đình, cả Thư viện Thị xã. Sang trung học đệ nhị cấp, tôi được Gia đình gởi ra học ở Trường Bưởi (khi đó đã đổi tên thành Trường Chu Văn An), trọ ở nhà Cô ruột ở phố Thụy Khuê (Cô lập gia đình, sinh toàn con trai, nên quý tôi như con gái ruột). Hồi đó không có Lớp Chuyên Ban, nhưng tôi đã nổi bật trong toàn Trường về môn Văn học, đã mấy lần được cử đi thi Học sinh Giỏi Văn toàn Thành phố Hà Nội. Tôi được tuyển vào học lớp Văn khóa I của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1951, đến khi tốt nghiệp được nhận về giảng dạy Văn học ở Trường Chu Văn An, nơi đã ươm mầm tài năng của tôi. Một vài năm sau thời kỳ Đổi Mới, tôi tập huấn ở Trường Viết Văn Nguyễn Du, bắt đầu có tên tuổi trên văn đàn với một số tác phẩm...
Chị Trân tham gia công tác Cách mạng từ những năm tranh tối, trang sáng ở tỉnh QB. Căn cứ theo khả năng học tập, Chị được phân công phụ trách lớp Bình dân Học vụ theo chủ trương Chống Giặc Dốt. Tôi nghĩ có nhiều học viên tham gia Lớp học không phải vì nhu cầu học tập mà vì muốn tiếp xúc với Cô Giáo dáng thấp nhỏ, có nụ cười hiền hậu, cuốn hút... Rồi sau đó nghe tin Chị bị Phòng Nhì Pháp bắt, tra tấn để truy ra tên tuổi người chỉ đạo phong trào. Tôi bàng hoàng suy nghĩ, không biết tấm thân liễu yếu, đào tơ như Chị làm sao chịu nỗi các đòn tàu bay, tàu ngầm... của bọn Phòng Nhì? Thế mà, các anh Khánh, Ngọc (trực tiếp lãnh đạo Chị) sau khi cẩn thận chuyển sang địa bàn mới, vẫn được cơ sở ở địa bàn cũ cho biết không ai sờ gáy đến... Một thời gian sau, không thu thập được chứng cứ gì, Chị được Phòng Nhì thả về nhà, nhưng bị quản thúc không được rời khỏi nơi cư trú trong thời hạn hai năm trời... Rồi cũng như những phụ nữ đến tuổi cập kê khác, Chị cũng lập gia đình dù có hơi muộn đôi chút, với một thầy giáo người miền Nam đã có một đời vợ...
Tôi vẫn quan niệm như người xưa, pha lẫn chút tư duy hiện đại: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Điều tự hào lớn nhất của người phụ nữ, đối với tôi, là sự thành đạt của gia đình, từ đại gia đình của ông bà, cha mẹ, đến tiểu gia định của Chồng, Con. Cha Mẹ tôi, trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, đã chuyển ra sống hẳn ở Hà Nội, tham gia tích cực Tuần Lễ Vàng được phát động khắp toàn quốc. Tên tuổi các Cụ được tuyên dương trên Đài Phát thanh Hà Nội, cùng với Bằng Liệt Sĩ của anh Cả tôi từ những năm đầu kháng chiến, nên trong công cuộc Cải cách Ruộng Đất nhiều điều tiếng, uy tín gia đình tôi (ở dạng Tư sản Yêu nước) vẫn không ảnh hưởng gì. Thông, em trai út của tôi, vẫn học tiếp Trường Cán bộ Công đoàn, khi tốt nghiệp nhận công tác chuyên trách ở Nhà máy Phân đạm HB. Hai con của tôi, dựa trên uy tín của Cha Mẹ (chồng tôi cũng hoạt động trong ngành Văn học, có một số tác phẩm khá phổ biến) cũng có chỗ đứng vững chắc trong xã hội: con trai đầu là Trưởng phòng OTK của Công ty May 10, con gái út (tự hào hơn) là Trưởng Bộ môn Toán của một Trường Đại học ở Hà Nội. Riêng tôi, với bằng Đại học Sư phạm Văn học khóa I, thâm niên mấy mươi năm giảng dạy, Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam mấy nhiệm kỳ, tôi có quyền ngẩng mặt tự hào với bạn bè, đồng nghiệp...
Một thời gian khá dài, do bận sinh kế gia đình khi đất nước còn khó khăn, do thiếu nguồn liên lạc, tôi vắng tin các bạn học ở đất QB khô cằn sỏi đá ngày nào. Đến những năm bước sang Thiên Niên Kỷ mới, Hội Phụ Nữ QB ở thủ đô mới hoạt động trở lại, đứng đầu vẫn là bà chị cả Thanh... Qua chị Thanh, tôi mới biết tình hình sinh sống của các bạn cũ, và đặc biệt của chị Trân: hết thời gian bị quản thúc, chị theo gia đình chuyển vào trong Huế, rồi lập gia đình với người thầy trước đây đã dạy kèm tiếng Pháp lẫn Toán, Lý cho Nhóm Thất Tiên Nữ - thiếu tôi (đã chuyển ra học ở Hà Nội). Chị có đến 7 con cả trai lẫn gái (trong đó có một cháu đã từng tìm đến nhà lúc tôi đi công tác vắng, hỏi chồng tôi địa chỉ của Thông em tôi, tìm đến tận khu tập thể cơ quan để chuyển thư và quà của anh Nguyên Lộc, hiện định cư bên Thụy Sĩ; Thông có kể cho tôi, tỏ ra rất cảm kích). Dù đã hoàn tất khóa Nữ Hộ Sinh ở Từ Dũ, Chị đã từ chối lời mời cộng tác với bạn cùng khóa, mở Nhà Hộ sinh tư (trước 1975, nhà hộ sinh KC lớn nhất nhì Huế), để dành thời gian chăm sóc chồng và 7 đứa con ăn học. Năm 1991, chị Trân bị tai biến mạch máu não do huyết áp cao, bị bán thân bất toại, phải nhập viện cấp cứu. Được Bệnh viện và Gia đình tích cực điều trị bằng Tây Y lẫn Đông Y, Chị đã tập đứng dậy, vịn vào các giá đỡ để tập đi được một thời gian, thì bị tai biến lần thứ hai năm 1997, từ đó nằm liệt giường. Hàng ngày, các con vẫn chăm sóc Chị, cho uống sữa, ăn cháo xay, phân công nhau trực thời gian không bận công tác…
Nhân một chuyến đi tham quan các tỉnh Miền Trung của Hội Nhà Văn, tôi có tranh thủ ghé thăm chị Trân. Chị vẫn phải nằm trên giường, không ngồi dậy được, nhưng vẫn tỉnh táo nghe tôi kể chuyện gia đình, thỉnh thoảng lại mỉm cười, gật gật đầu (tội nghiệp, còn đâu nụ cười duyên dáng mê hoặc lòng người ngày trước?). Tiếng chị nói hơi khó nghe vì âm không tròn, thỉnh thoảng con chị đang trực Mẹ (tôi có hỏi và biết chính là người đã tiếp xúc với Thông, em tôi ở HB) lại phiên dịch lời của Chị cho tôi nghe. Cuối cùng, tôi có hỏi một câu, chắc làm Chị suy nghĩ ít nhiều: Thế bây giờ chị Trân học được đến bằng cấp gì rồi, chắc là đau ốm khó có thể trau dồi thêm kiến thức, phải không? Tôi thấy Chị ngẩn ngơ, chớp chớp mát suy nghĩ, thì con của Chị đã trả lời: Thưa Dì, con xin phép được trả lời thay. Mạ con chỉ học đến cấp phổ thông, nhưng đã tạo điều kiện cho mọi thành công khác trong gia đình. Ngoài Ba con là nhân sĩ trí thức, mười bốn con cái dâu rể, thấp nhất là bằng đại học, còn tiến sĩ, phó giáo sư được dăm ba người. Tôi bàng hoàng với số liệu này (đánh đúng vào mục đích đối trọng của tôi), im lặng không nói gì thêm, thầm nghĩ với câu thành ngữ đằng sau thành công của người đàn ông là có bóng dáng của người đàn bà, mà với Chị là thành công của cả đại gia đình...
Sau chuyến đi tham quan này, tôi kể chuyện với Lê, bạn cùng nhóm QB ở thủ đô. Vốn là y sĩ, Lê nói thêm: Em chưa biết hết đâu. Chị làm ngành Y nên hiểu tận tường. Nằm liệt giường như chị Trân, có mấy ai kéo dài được năm bảy năm, với tình trạng loét da? Năm ngoái chị có vào thăm chị Trân trong Huế, sờ lưng chị ấy thấy mịn màng như da con trẻ. Tính đến lúc đó, chị bị tai biến 23 năm, và nằm liệt giường đã được 17 năm rồi. Có thể nói đây là kỳ tích trong việc điều dưỡng, Cầm ạ.
Thông tin gì cũng phải được kiểm tra đến đầu, đến đũa. Tôi gọi điện lại cho chị Thanh, xa gần mấy câu rồi hỏi luôn: Thế chị Trân mất vì lý do gì, có phải bị loét da không? Câu trả lời làm tôi sáng mắt: Không đâu! Con dâu, con gái là bác sĩ, đều xác định chị mất do suy tim, 93 tuổi rồi mà! Chiều thứ bảy còn bập bẹ hát Frères Jacques với con trai, đến tối thấy khó thở, loạn nhịp tim, và ra đi mờ sáng thứ hai.
Thế là mọi sự đã rõ ràng. Điều đáng tự hào của Chị, không phải là tuổi thọ 93, mà là 27 năm vẫn lạc quan chống chọi với chứng bán thân bất toại, với 21 năm liệt giường. Tôi nghĩ các con của Chị đã hết lòng chăm sóc Mẹ, giống như Chị đã hy sinh tất cả để chăm sóc cho Gia đình.


Tôi sẽ ghi nội dung gì trên điện hoa sẽ gởi vào viếng chị, để thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình?