Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Truyện ngắn 46

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

TRÒ ĐÙA CỦA SỐ PHẬN

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Vợ chồng chúng tôi sửng sốt nghe Quỳnh tâm sự với giọng buồn buồn sau khi chiêu một ngụm nước trà: Ban đầu, nghe chị Phương nhờ, Quỳnh rất vui và tự hào khi hai vợ chồng được mời đi họ nhà trai trong đám cưới con gái anh chị, đặc biệt chồng Quỳnh được lên sân khấu với chị Phương dù chưa có dâu, rể nào. Gia đình đã chuẩn bị áo xống nghiêm chỉnh từ hai tháng trước; bất ngờ, tháng qua, ông anh ruột ở nước ngoài bị đột tử! Anh ấy là anh trai duy nhất, quyền huynh thế phụ, Quỳnh chịu tang một năm, sách gọi là cơ niên, không đi họ được, chồng Quỳnh cũng vậy! Chồng tôi ngồi cạnh, im lặng lắng nghe, rồi lên tiếng hỏi: Anh thắc mắc một chút, ông xã của Quỳnh quen biết chị Phương như thế nào mà có thể thay mặt người cha chú rể quá cố của chú rể, cháu đích tôn dòng họ ở quê vậy? Quỳnh trầm ngâm hồi tưởng lại quá khứ, rồi hắng giọng: Chuyện đã lâu, hơn ba mươi năm trước, từ hồi chú rể chưa ra đời kia, anh muốn hiểu sự tình thì chịu khó nghe em kể lại chi tiết… Tôi cũng tò mò lắng nghe đầu đuôi câu chuyện liên quan đến gia đình thông gia tương lai.

***

Quỳnh đang ngồi cuối xe, sát cửa sổ trên chuyến xe buýt Huế-Ưu Điềm (sáng chủ nhật xe thưa khách, đang tạm ngưng ở ngã ba chợ Mỹ Chánh để vài khách xuống xe) thì thoáng thấy Tú, đồng nghiệp làm việc cùng Phòng: đeo sau lưng chiếc ba lô cũ mèm thường nhật, hắn đang mải miết guồng pédale (chỉ còn hai gọng sắt để đặt chân) của chiếc xe đạp (được nhiều người gọi là xe Hợp chủng quốc vì được lắp ghép đủ loại phụ tùng từ nhiều nước khác nhau) vượt qua cầu Mỹ Chánh, từ xa Quỳnh vẫn nghe rõ tiếng xe kêu (dù không có còi) xòng xọc, Quốc lộ IA chưa tu sửa đoạn này vẫn còn lắm ổ gà, ổ trâu, cả ổ voi. Ngừng suy nghĩ về Tú (hàng ngày đã gặp nhau ở cơ quan, hôm nay tình cờ gặp trên đường, chỉ có Quỳnh chợt thấy hắn, chứ hắn vẫn đang đăm đăm nhìn mặt đường, có gì lạ đâu), Quỳnh dặn lái xe: Đến bến đò Rèn cho tôi xuống, tự nhủ chỉ cần qua đò ngang, đi bộ hơn trăm mét đường đất là đến nhà thờ họ rồi. Hôm nay là ngày giỗ bà nội, ba mẹ còn đang công tác ở Hà Nội, uỷ nhiệm Quỳnh thay mặt gia đình (anh trai còn đi học xa), đem mấy thứ về thắp hương, và thăm chị Phương, chị con cô của Quỳnh. Chị đã lập gia đình với anh Dương cùng làng (nhà chồng gần nhà thờ họ), rồi cùng vào dạy học trong Quảng Nam; tháng trước nghe báo anh được chẩn đoán bị mắc ung thư xương, chuyển về bệnh viện Đà Nẵng chạy chữa đủ cách (kể cả tháo hẳn khớp chân phải) mà vô vọng, được Bệnh viện trả về nhà, cho ăn tiêu chuẩn tự do… Chị Phương khi đó mới có thai hai tháng, xin cơ quan nghỉ hậu sản sớm, kết hợp chăm sóc chồng vào những ngày cuối đời, chắc khó khăn lắm…

Vào nhà cha mẹ chồng chị Phương, Quỳnh bàng hoàng nhận ra anh Dương nhờ đôi mắt, vẫn sáng tinh anh trên thân thể ốm o, gầy guộc, đắp một tấm chăn chiên từ bụng (dù trời đang nắng, chắc để che phần chân đã cắt cụt), nằm ở chái Thổ Công của căn nhà ba gian nhỏ hẹp (theo lời bác Liên, mẹ anh kể lại, ba tháng hè năm trước, anh đã gánh mấy trăm gánh đất từ thửa ruộng trước nhà để san bằng, nâng nền nhà lên mười phân, tránh lụt sông Ô Lâu hàng năm). Quỳnh nhớ hình ảnh đám cưới hai năm trước, cũng tổ chức ở đây, trong sân che rạp trước nhà này, chị Phương và anh luôn vui vẻ, hạnh phúc chào đón khách đến dự tiệc; hồi đó trông anh cao lớn, khỏe mạnh (cầu thủ bóng chuyền của xã mà), mới có mấy năm mà hình dáng đã thay đổi quá nhiều do tật bệnh. Chị Phương tâm sự: cả gia đình đều hiểu phong lao cổ lại, tứ chứng nan y, thôi thì Trời kêu ai nấy dạ, cầu mong anh đủ sức chống chọi đến ngày con chào đời, tức là phải phải gần bảy tháng nữa. Nói chung, anh vẫn tỉnh táo, ăn mỗi bữa được một bát cơm, chỉ khi nào cơn đau ập đến, thường là vài ba ngày một lần, lúc chiều tối, anh mới la hét, chửi rủa, thậm chí văng tục, dù trước đây có tiếng là người nho nhã. Có người đề nghị tìm morphine tiêm cho anh dịu bớt cơn đau (ba anh trước đây là y tá nên biết tiêm bắp hay tiêm ven), anh kiên quyết từ chối thứ thuốc gây nghiện đó, dính vào thì liều lượng ngày càng phải tăng thêm, tốn tiền mà chỉ kéo dài cuộc sống đau khổ chứ không dứt bệnh được. Quỳnh ngậm ngùi ép chị Phương nhận chiếc phong bì vỏn vẹn ba trăm đồng, lương tháng vừa nhận cộng với tiền Mẹ đưa chỉ được chừng đó. Trước khi ra về, Quỳnh bàng hoàng nhận ra Tú, tên đồng nghiệp cùng Phòng, đang ngồi bên giường bệnh, cầm tay anh, nói chuyện với anh Thành, bác sĩ Bệnh viện Huyện, Quỳnh chỉ nghe được loáng thoáng … biệt dược… mua ngoài… Hóa ra hôm nay Tú cũng tìm đến đây, nhưng đạp xe theo đường làng, còn Quỳnh đi xe buýt về bên kia sông. Chị Phương cười buồn, cho hay khi Quỳnh hỏi chuyện: Tú là bạn thân, cùng học lớp đại học với anh Dương trong Huế, được gán bí danh Tú-nồi-ciment, vì hồi dự đám cưới cặp Dương-Phương, đã chở chiếc nồi đất đúc xi-măng trong thùng tôn từ Huế ra làm quà cưới (thời đó, quà đám cưới thường là vật dụng trong nhà – Quỳnh nhớ mình thay mặt gia đình đã mừng chiếc phích Trung quốc hai lít), mọi người cười to khi thấy cái nồi, chắc dự định trong tương lai sẽ lấy than cho bà đẻ sưởi ấm, nay nồi còn đó, mà cháu còn mấy tháng nữa mới chào đời, không biết có trông thấy mặt cha được không? Hồi anh Dương được chuyển từ Quảng Nam ra Đà Nẵng để can thiệp tháo khớp, Tú đã đến thăm bạn một lần, giờ Dương về quê chờ ngày ra đi, Tú lại đạp xe ra thăm lần nữa. Chị Phương lại sụt sùi khóc, Quỳnh an ủi đến nghẹn lời, lát sau lại xin kiếu vì đã đến giờ hẹn xe buýt Ưu Điềm ở bến đò bên kia sông để trở vào Huế…

Hàng ngày, Quỳnh làm việc chuyên môn ở Bệnh viện một buổi, một buổi làm hành chính ở Phòng đào tạo, nên khá bận rộn. Dòng thác công việc ở cơ quan cứ cuốn Quỳnh đi, nhiều khi quên cả mọi việc ở làng. Năm nay Trường tuyển sinh khá đông, chỉ tiêu Bộ Y Tế cho phép tuyển vào hai trăm sinh viên, mà hồ sơ dự tuyển nhận được lên đến hơn bốn ngàn. Người ngoại cuộc thường đánh giá khá đơn giản: mức độ khó khăn tùy thuộc tỷ lệ chọi, nếu thi mười chọn một thì cần vượt chín người là đủ, chứ thật ra còn ở số lượng thí sinh, thi 2000 chọn 200 thì cần vượt qua đến 1800 đối thủ lận. Với quy luật phổ biến Nhất Y, nhì Dược, đương nhiên thi tuyển vào Đại học Y là chuyện sinh tử rồi. Bác Thanh Viện phó (Trường và Bệnh viện nhập thành Học viện), tuy thuộc biên chế Bệnh Viện, được phân công phụ trách Tổ chức nên theo dõi rất sát hoạt động Tuyển sinh bên Trường. Con gái Bác là bạn học của Quỳnh, nên Bác dặn dò Quỳnh cẩn thận như con cháu trong nhà: Yêu cầu cao nhất của Tuyển sinh là tính công bằng. Ở Phòng Đào tạo, cháu chú ý ngăn chận các biểu hiện tiêu cực như quay cóp, chỉ bảo nhau trong phòng thi…, tệ hơn nữa là tìm cách tuồn đề thi ra ngoài để người khác giải. Quỳnh gật đầu: Dạ, cháu xin nghe, nhưng Bác yên tâm, ngoài Lãnh đạo Trường, Phòng của cháu còn có những cán bộ trẻ xông xáo, như anh Tú… Trả lời Quỳnh là cái bĩu môi: Thằng đó cũng là đối tượng đáng chú ý… Nội chuyện dạy thêm Toán ở lò luyện thi TĐ đã đủ kết luận rồi… Thật ra, như nhiều cán bộ khác trong Trường, lương và phụ cấp hàng tháng của anh Tú cũng chỉ đủ để chi dùng nhiều lắm mươi ngày, trừ phi được gia đình bao luôn ăn ở (như Quỳnh và vài người khác). Quỳnh biết, thu nhập bổ sung của anh Tú ở lò luyện thi chỉ khiêm tốn như TĐ ngang mức lương nhà nước hàng tháng, riêng những lò luyện lớn (hàng trăm học sinh, ngồi trong lớp chỉ loáng thoáng thấy mặt giáo viên, giảng dạy thường theo kiểu coiloirement - qua loa, hiểu theo cả hai nghĩa) mới đáng để chú ý. Rồi Quỳnh lẩn thẩn tự nghĩ, nếu nghi ngờ sự chính đáng của các lò luyện thi, vì sao Nhà nước không quy định cấm tuyệt mở lò luyện? Phải chăng giáo viên vẫn không thể sống chỉ dựa vào lương, như lời tuyên bố của một lãnh đạo ngành giáo dục, đã gây tranh cãi xôn xao trong ngành? Đúng là vấn nạn của ngành giáo dục… Rồi các sự cố lần lượt ập đến thật bất ngờ, gần như dự đoán mà bác Thanh đã tiên lượng… Khốn khổ thay, đối tượng mà Công An ngành Văn hóa chĩa mũi dùi vào lại là anh Tú, người mà Quỳnh dành nhiều thiện cảm, từ sau lời kể của chị Phương.

Theo lời tường thuật của anh Thường, cán bộ công an Thành phố đặc trách khối Học viện - Nhà trường báo cho bác Thanh: theo quần chúng báo lại, đúng quy luật mỗi người dân là một chiến sĩ công an, sáng thứ tư, ngày 5 tháng 7 vừa rồi, một nhóm vài người, trong đó có anh Tú, đã bán lấy tiền bài giải môn Toán thi vào Trường cho rất nhiều phụ huynh đang chờ đón thí sinh ở quanh quẩn ba điểm thi Đại học Y khoa, Trung học Y tế, Tiểu học Vĩnh Ninh: bài giải được in trên ba trang giấy A4 bằng chữ đánh máy, in ronéo, đóng agraphe thành từng tập 2 tờ. Mấy hôm sau, Công An Thành phố đã mời anh Tú đến làm tường thuật, anh thản nhiên khẳng định hành vi của mình, viết rõ trên bản tường thuật theo yêu cầu (bác Thanh có đưa cho Quỳnh xem photocopy bản tường thuật, do bên Công An chuyển giao): trưa 04/07, anh (được nghỉ tham gia tuyển sinh đại học để chuẩn bị ra Hà Nội thi tuyển nghiên cứu sinh ở Viện Toán) đã đến Trường, xin đề thi môn Toán (môn thi thứ nhất) của một thí sinh vừa thi xong ra về, ăn cơm xong là bắt tay vào giải đề thi thật chi tiết, rồi dùng bàn máy chữ Remington đánh lại bài giải (khá vất vả với những công thức Toán) trên ba tờ stencil Gestetner, và đem đến đưa cho người bạn (đã hẹn trước) nhận in ngay trong chiều hôm đó (trong khi thí sinh đang thi Sinh, môn thứ hai). Sáng hôm sau, anh đến nhận sớm mấy trăm bản, đóng agraphe và cùng một số anh em thân thiết bán lại cho các phụ huynh đang chờ con em mình thi Hóa, môn thứ ba. Dĩ nhiên, phụ huynh nào cũng sẳn sàng bỏ ra hai đồng bạc (chỉ bằng giá ba điếu thuốc lẻ) để mua bài giải khá chi tiết, cho con em mình tham khảo, thậm chí có người còn nhận xét: Lãnh đạo Nhà trường (?) cho cán bộ chuyên môn phổ biến bài giải chu đáo thế này, thí sinh có thi đỗ hay không cũng thấy thỏa dạ. Trả lời câu chất vấn của anh Thường: Anh có tự thấy mình vi phạm pháp luật không? anh Tú nhún vai: Tôi hoàn toàn theo đúng pháp luật, chỉ có đặc biệt là bán phá giá so với Bộ môn Toán trường QH.

***

(Nghe đến đây, chồng tôi xen vào: Ngay bây giờ, thực hiện chính sách thi tốt nghiệp 3 trong 1, Bộ Giáo dục – Đào tạo còn cho đăng đáp án sau mỗi buổi thi, phổ biến trên báo chí toàn quốc kia! Tôi quay lại, gắt nhỏ: Thì cứ lặng yên nghe Quỳnh kể tiếp đã! Chồng tôi rất ngoan, im bặt ngay. Quỳnh mỉm cười, kể tiếp).

***

… Điều tra kỹ hơn, Công An Thành phố mới phát hiện: mùa tuyển sinh năm trước, được Lãnh đạo Nhà trường đồng ý, Bộ môn Toán Trường chuyên QH đã phân công các thành viên làm công việc tương tự, mỗi người giải một câu của đề thi xin được, thuê người đánh máy rồi cho in roneo, bán ra ngoài cho phụ huynh thí sinh, giá bán bài giải bằng cả bao thuốc ngoại, nghĩa là đắt hơn rất nhiều lần so với giá bài giải anh Tú bán năm nay. Năm nay, cũng theo cách làm hợp pháp đó, anh Tú đã tự thân vận động, tự giải đề, tự đánh máy, thiếu điều tự đứng ra in (hình như kỹ thuật đương thời có tên gọi xê len, chỉ có dân trong ngành in mới thực hiện được). Đúng quy luật năng chuyến hơn khẳm đò, dù giá thành bài giải bán ra khá thấp nhưng nhờ tung ra sớm, đúng thời điểm nên bán được được số lượng lớn, nghe nói sau khi trừ công in, công nhờ bán hàng, anh Tú kiếm được hơn ngàn đồng, tính ra hơn nửa chỉ vàng, tương đương năm lần lương cán bộ trung cấp hồi đó. Cũng theo thông tin từ Công an Thành phố, một tuần sau ngày tuyển sinh đầy sự cố đó, Công An theo dõi, thấy anh Tú có lùng mua ở chợ Đông Ba hộp thuốc 10 ống Dolargan, loại biệt dược Pethidine Hydrochloride chống nhiễm trùng, khá hiếm gặp (ngay ở Bệnh viện Trung ương Huế cũng khó tìm ra), có lẽ là hàng xách tay mang từ nước ngoài về. Mọi nghi ngờ lại chuyển sang lĩnh vực hoạt động chính trị, nhưng lâu nay địa phương không có biến động nào dẫn đến chiến sự dù nhỏ, nên sự kiện này chỉ giữ lại trong hồ sơ lưu trữ của Công An Thành phố. Riêng Quỳnh chỉ suy nghĩ, anh Tú lao tâm, khổ tứ như vừa rồi để làm gì, phải chăng chỉ để tăng thêm chút thu nhập để tích lũy? Vợ con chưa có, cha mẹ chưa già yếu lắm phải phụng dưỡng, có vẻ anh Tú đã sớm lo toan chuyện kinh tế rồi. Những thiện cảm ban đầu dần tan biến.

Hai tháng sau…

Chị Phương gọi điện đến nhà Quỳnh, hẹn có thể trong tuần sau sẽ nhập viện, thai đã được 39 tuần rồi, theo dõi phát triển tốt như dự kiến. Khả năng khoảng trong tuần sau, cháu sẽ chào đời. Chị đang tạm trú ở nhà người quen gần Bệnh viện Trung Ương Huế, nhờ Quỳnh theo dõi thường xuyên, sẽ báo tin khi trở dạ, nhập viện, có thể nhờ Quỳnh khi phải can thiệp. Tội nghiệp, chồng chị mất tháng trước, sau khi được cha tiêm hết 9 ống Dolargan - anh Tú đã tìm mua đâu đó trong Huế rồi đạp xe mang ra, (theo gợi ý của bác sĩ Thanh, cứ 72 giờ tiêm một ống hoặc khi đau quá sức chịu đựng), hỏi giá bao nhiêu thì anh chỉ mỉm cười, lắc đầu không nói, chắc không rẻ vì gia đình điện thoại hỏi các bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng ở Huế đều không tìm được. Thời gian đầu, sau mỗi lần tiêm, cơn đau giảm rõ rệt, gia dình khấp khởi hy vọng. Anh Tú bảo nếu hết thuốc cứ báo vào, anh sẽ nhờ chạy tìm tiếp và gởi ra, hy vọng kéo được đến ngày Dương thấy mặt con. Một ngày sau khi tiêm xong 8 ống, anh Dương lên cơn đau quằn quại rồi lịm dần, chắc khi đó đã lực tàn, sức kiệt, ba anh Dương tiêm tiếp ống nữa cũng chẳng hiệu quả gì. Anh Tú đang bận đi học minimum Ngoại ngữ đã đăng ký ở Hà Nội nên không về dự Lễ Nhập Liệm của anh Dương, chỉ nhắn tin, gia đình khỏi trả ống thuốc còn lưa lại, cứ chôn theo anh Dương. Cha anh Dương đã gói kỹ ống thuốc cuối cùng, định đưa vào quan tài khi nhập liệm, sau đó theo lời khuyên (chắc vì kiêng cữ), chỉ đặt cạnh năm lọ ngũ cốc rồi phủ tấm triệu lên, khi hạ khoán

Buổi sáng chị Phương trở dạ, mẹ anh Dương đã thuê xích lô đưa chị vào khoa Sản phụ từ sớm, rồi nhờ người đạp xe đến báo cho Quỳnh rồi anh Tú. Quỳnh khoác vội áo blouse, vào Phòng Sinh, thao tác chuyên môn giúp chị sinh nở bình thường, cháu trai khá nặng, không tã lót đã gần bốn cân, nhưng chị Phương, nhờ vòng hông hẹp đã vượt cạn không cần can thiệp; về mặt tinh thần, có thể những sự cố vừa qua đã giúp chị đủ nghị lực vượt qua những khó khăn, đau đớn về thể chất. Hôm đó, ngẫu nhiên, anh Tú trở thành chìa khóa mở kho cười: khi nghe cô y tá yêu cầu Người nhà của sản phụ Phương, mua bông gòn cho sản phụ, anh chạy bay đi, năm phút sau quay về với ba hộp bông gòn to tướng làm mọi người phì cười, anh lúng túng phân bua: họ bán một hộp ba đồng ba, mà tôi chỉ cầm tờ mười đồng… Quỳnh nhìn gương mặt nghệt ra của anh thấy tồi tội, mọi người cười rũ rượi, trêu sao không mua đủ mười hộp, chắc họ đều nghĩ anh lần đầu làm bố…

Đến ngày chị Phương xuất viện, Quỳnh bận làm giấy tờ thủ tục xuất viện, dặn anh Tú sang mua 2 vé xe ra Quảng Trị cho chị Phương và bà nội cháu, đi xe chỉ cần che kỹ, kín gió cho hai mẹ con, xuống ngay chợ Mỹ Chánh vì nhà ngoại ở ngay chợ. Nửa giờ sau anh quay lại với một anh chàng lạ hoắc, nghe gọi tên là Trung: hầu hết các tài xế xe buýt đều mê tín, không nhận chở sản phụ, chỉ có một ông người Bắc thường nhận chở, thì hôm đó đã chạy tài 1, đã xuất phát hồi 6 giờ sáng rồi. Có bệnh thì vái tứ phương, anh Tú hỏi mãi thì gặp anh Trung, bạn đồng đội cũ đang hành nghề đạp xích lô: anh Trung đồng ý chở sản phụ, cháu nhỏ và bà nội ra Mỹ Chánh với giá thỏa thuận (chắc không mềm chút nào), chỉ ngại đường xa, đoạn nào mệt thì xin nghỉ mươi phút. Anh Tú đồng ý, hẹn khi vào không chở ai, sẽ đổi tài, nhận đạp xích lô, nhường xe đạp cho anh Trung đi cho nhẹ… Cuối buổi chiều, Quỳnh ngồi ở quán chè ở cuối đường Thái Phiên, ngay Cửa Chánh Tây, thấy rõ anh Tú nặng nhọc đạp chiếc xích lô trên đường Lê Duẩn, tấm thân bồ tượng trên bảy chục cân uốn éo theo nhịp pédale xích lô trong đến tội, không ra dáng cán bộ trường đại học chút nào. Đúng là trăm hay không bằng tay quen, à mà ở đây là chân quen chứ…

Ngày đầy tháng cháu, Quỳnh được mời ra dự ở nhà ông bà ngoại, nghe nói ông bà nội muốn đem cháu về bên nhà nội để tổ chức thật long trọng nhưng chị Phương mới sinh dậy, còn yếu ớt, cháu chưa được cứng cáp mấy nên miễn cưỡng tổ chức ở nhà ngoại. Trong buổi tiệc mừng cẩm tháng, ông bà nội chắc đã hội ý trước, tuyên bố cho cháu nhận anh Tú làm cha đỡ đầu. Để đáp lại, anh Tú (đã ra từ sáng sớm) cũng xin phép nhận ông bà nội cháu là cha mẹ đỡ đầu, Quỳnh nghĩ chắc để tránh tiếng cho chị Phương. Khi Quỳnh nói suy nghĩ này với bà nội cháu, bà trầm ngâm rôi nhỏ giọng: hồi thằng Dương còn sống, tôi nghe rõ ràng nó nói với Tú: tao nhờ mày thay tao chăm sóc cho Phương và con tao, nó vào học được Y khoa thì quá tốt, chỉ thấy cháu Tú gật đầu nhận lời, mà chắc không nghĩ đến ý nghĩa sâu xa, con có cha như nhà có nóc, nếu cháu có cha dượng thương cả hai mẹ con nó thì còn gì hơn nữa? Tôi gật gù đồng ý, chị Phương vẫn còn son rỗi, gái một con mà hình thức vẫn như thiếu nữ mới lớn, nếu hai mẹ con có anh Tú làm chỗ dựa vững chãi thì còn gì hay hơn?

***

Chồng tôi lắng nghe từ đầu đến cuối, mỉm cười: Anh xin hỏi, chồng em bây giờ có phải tên là Tú không? Quỳnh đỏ mặt, ấp úng: Bên nhà nội cháu đã bật đèn xanh cho em rồi, chị Phương xem chừng rất có thiện cảm với anh Tú, nhưng quan trọng nhất là anh ấy, không biết ý tứ ra sao? Một lần, em đánh bạo đề cập với anh Tú, thì anh đã xua tay, ngắt lời: Các cụ đã dạy, có ba mối quan hệ nên tránh khi xây dựng tình cảm, để tránh những phiền lụy kéo theo theo: con thầy, vợ bạn, gái cơ quan… Em gượng gạo: Anh cũng cổ hủ như lời các cụ à? Anh Tú mỉm cười: Tôi mới cố tránh được vế thứ hai là vợ bạn, còn vế thứ ba (em giật mình, thấy anh đang cầm tay mình) tôi phải nói thêm với Quỳnh: Quân sư giúp bắn không trúng đích phải đền đạn đấy nhé! Rồi Ba Mẹ em lần đầu tiếp xúc với anh Tú đã có thiện cảm ngay. Thế là…

Chồng tôi cười dòn: Thế là rõ rồi! Anh Tú đã theo sách: Mía ngọt đánh cả cụm! Tránh cô chị, ta rị cô em… Tôi ngắt lời: Thôi đừng tán nhảm nữa! Vợ chồng Quỳnh đã kiêng không đi họ, nhưng chồng Quỳnh vẫn là cha đỡ đầu của rể nhà này! Nó học ngành Điện tử - Viễn Thông, lấy con nhà này là bác sĩ y khoa, đã phần nào thỏa mãn nguyện vọng của cha rồi! Hai vợ chồng nhớ ra tiệc mừng ở Nhà hàng nhé, sẽ dành hai chỗ ngồi trang trọng ở bàn Nhà Trai cho hai vị!

 

 

 

 



Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Truyện ngắn 45

 

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

TẠ LỖI TRÊN PHỐ NÚI

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Ngồi cạnh chị Lành giám đốc, cùng bàn ăn với các cán bộ chủ chốt trong tiệc tổng kết năm của Trung tâm tại quán ăn Thi Huỳnh, nghe rõ tiếng tít tít nho nhỏ, báo có tin nhắn của chiếc Iphone Galaxy A53 xám tro, thấy Chị với tay lấy chiếc xắc tay Idigo mắc sau lưng ghế, mở hộp nhựa lấy chiếc kính lão Y805, tôi thầm nghĩ: bốn năm nữa Chị mới nghỉ hưu, mà giờ đọc chữ phải mang kính lão rồi! Công việc căng thẳng thật! Chị nheo mắt đọc rồi đưa điện thoại tôi xem – tiếng là Trợ lý giám đốc nhưng tôi thân thiết với Chị như ruột thịt. Tin nhắn của con gái Chị, đang học lớp tại chức Nông học, ngắn gọn như tính cách của nó: Thầy Lâm Huỳnh ở Huế. Coffee No 1 Garden. Mẹ có quen thì đến. Trái với phong thái tự tin, đĩnh đạc hàng ngày, Chị ấp úng với tôi: thầy Huỳnh dạy Toán lớp Cử tuyển hồi đó, Quỳnh nhớ không? Chị quay qua anh Rân, Kế toán trưởng: Chị đi có việc, chú thanh toán bữa tiệc, nhớ lấy hóa đơn tài chính nhé! Lái xe Minh ở bàn bên cạnh nốc cạn ly Bò húc, đứng lên bấm điều khiển mở cửa xe, sếp đã đi thì chẳng có lý do ngồi lại.

Chị Lành kéo tay tôi: Đi luôn Quỳnh! Tôi dạ nhỏ, trong đầu chầm chậm nhớ lại kỷ niệm của lớp học trong quá khứ đã hơn chục năm… Khi được Sở Y tế Quảng Nam gợi ý cử đi học hệ Chuyên tu Cử tuyển ở Huế, chuẩn bị cơ cấu phụ trách Trung tâm Y tế huyện Trà My – đứng đầu ngành ở vùng dân tộc chúng tôi thường phải là người đồng bào sở tại, cùng với yêu cầu xin mua bốn khối gỗ loại một theo giá thỏa thuận để hoàn thiện căn nhà đang xây, Chị nằng nặc đòi có tôi tháp tùng trong cả khóa học, để làm chỗ dựa học tập vững chắc cho Chị: đơn giản, Chị biết trước khi học trung học Y tế, tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học loại Khá ở Tam Kỳ, có thể giải quyết dễ như trò đùa các bài tập khó những môn cơ bản – mặt yếu của sinh viên Chuyên tu. Chuỗi quá khứ lần lượt lướt qua trong ký ức tôi như cuốn phim quay chậm.

***

Danh sách lớp Chuyên tu Cử Tuyển của chúng tôi có hơn 40 người, được lọc kỹ từ các Trung tâm Y tế của miền Trung, Tây nguyên. Tỉnh Quảng Nam có ba, chị Lành và tôi ở Trà My, cùng anh Rao ở Đông Giang. Chị Lành lớn tuổi nhất lớp, có dáng vẻ lãnh đạo nên được bác sĩ Ngọc, Chủ nhiệm lớp chỉ định làm lớp phó đời sống, có nhiệm vụ phối hợp với lớp trưởng ALăng Sơn quan hệ với các cán bộ, đặc biệt là các giáo viên giảng dạy. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên của Lớp, tôi được các bạn đề cử làm lớp phó học tập, có lẽ mọi người đã ngưỡng mộ bản sao học bạ cấp ba toàn điểm chín/mười và tấm bằng đỏ do Trường trung học Y tế Tam Kỳ cấp, dù tôi chẳng phải nỗ lực gì nhiều trong mấy năm học ở đó; nhưng bác Ngọc đã chuyển tôi sang làm Hội trưởng Hội sinh viên, vì theo cơ cấu, Ban Cán sự Lớp, cũng là cấp ủy Chi bộ, phải phân phối đều cho các địa phương. Anh Lê Mưu ở A Lưới được chỉ định làm Lớp phó học tập, bấm khẽ và nói nhỏ với tôi: Nếu Tổ học tập có khó khăn gì, nhờ Hội Sinh viên hỗ trợ nhé! Tôi miễn cưỡng gật đầu.

Năm đầu tiên của Lớp, sinh viên chỉ học ôn ba môn cơ bản Toán-Hóa-Sinh, cuối năm sẽ kiểm tra lên lớp – ba năm tiếp sẽ nhập với nhóm thi tuyển vào, tập trung học chuyên môn. Lịch học ôn cơ bản được phân đều trong sáu buổi sáng liên tục của tuần, chủ nhật được nghỉ xả hơi. Môn nào cũng lên lớp một lèo cả buổi bốn tiết, có giải lao mười lăm phút giữa buổi, sinh viên theo học hoa cả mắt, nhất là các anh chị lớn tuổi như chị Lành. Ngay cả tôi và một số bạn trẻ, vốn quen thuộc các công đoạn tính toán hồi cấp ba, đến tiết cuối cùng buổi học, đầu óc như bị cùn hẳn đi, nếu được gọi lên bảng cứ ấy a ấp úng kiểu chó ăn vụng bột, như các bạn lớn tuổi. Các thầy giáo vẫn tỉnh táo suốt buổi lên lớp, giáo viên lâu năm có khác. Đặc biệt, thầy Lâm Huỳnh dạy Toán còn trẻ, chắc chỉ ngang ngửa tuổi tôi – tôi chú ý nhận xét: trên lớp thầy xưng tôi, gọi anh/chị khá trang trọng, khác với hai thầy dạy Hóa, Sinh xưng hô thầy - các em, tạo khoảng cách rõ rệt, đúng là cán bộ lão làng. Về sau, qua bác Ngọc, tôi biết thêm: thầy Huỳnh sinh trưởng ở Huế, vào đại học trước 1975, gia đình thuộc loại tạch-tạch-sè – nói theo những người kỳ thị chính trị là ngụy dân, như họ thường phân biệt ngụy quân, ngụy quyền với giới hoạt động cách mạng, xếp hạng mục như câu vè nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết…; lý lịch thầy được vớt vát lại nhờ bốn năm bộ đội biên giới sau khi tốt nghiệp đại học, nghe nói đã leo lên đến thượng sĩ, điểm này làm tôi nể đôi chút khi nhớ cha tôi, sau năm năm tại ngũ, phục viên về chỉ với quân hàm trung sĩ – hồi đó tôi còn nhỏ xíu. Thầy Huỳnh biết làm Tin học - gần với ngành Toán, được giáo sư Hiệu trưởng xem như cánh tay phải, tin cẩn giao phó xử lý các số liệu quan trọng như thi tuyển sinh, học tập hàng năm, tốt nghiệp, dù Thầy chưa phải là đảng viên. Điểm này làm tôi thấy hơi lạ vì người có khả năng, nhiệt huyết thường được cấp ủy Đảng bồi dưỡng, tạo điều kiện kết nạp sớm, cớ sao Thầy lại giữ mãi vai trò quần chúng sau mấy năm đại học, mấy năm bộ đội với thành tích không đến nỗi tồi, nếu không muốn nói là được nhiều người ao ước có được? Sau này tôi biết, tính cách Thầy khá ngang ngạnh, không được lòng nhiều người, có lẽ vì thế mà chậm phát triển mặt chính trị chăng?

Trở lại vai trò Chủ tịch Hội sinh viên (kiêm trợ lý của anh Mưu, Lớp phó học tập), thật vất vả cho tôi khi Lớp đặt chỉ tiêu: đến cuối năm, toàn thể sinh viên sẽ đạt yêu cầu khi thi kết thúc ba môn học, nghĩa là tất cả đều đạt điểm 5 trở lên cả ba môn, trên thang điểm mười. Với hai môn Hóa, Sinh thì có thể yên tâm, đề thi cuối năm thường được chọn trong bộ đề mà anh Mưu đã liên hệ với các anh chị sinh viên Cử tuyển các năm trước xin bài giải rồi photocopy cho mỗi sinh viên trong Lớp một bản, các thầy lão làng phụ trách môn đã tuyên bố: cho sẳn mỗi sinh viên 5 điểm rồi, đạt được mức cao hơn tùy thuộc mức độ phấn đấu của từng người, lo nhất là môn Toán. Sau khi nêu tính logic trong suy luận của môn học, sinh viên nếu tiếp thu được sẽ thuận lợi khi học Chuyên môn ba năm tiếp theo, thầy Huỳnh trả lời thẳng khi anh Mưu ngỏ ý xin bộ đề Toán: Tôi không xây dựng bộ đề, hàng năm chọn ra đề thi theo kiến thức mà sinh viên va vấp khi học, các anh chị nhớ đừng học tủ, phải nắm chắc kiến thức! Nghe nói, dù đã dạy Toán cho cả lớp Cử tuyển và Dự bị Y khoa hơn chục năm, năm học nào Thầy cũng đổi mới bài giảng và bổ sung khối lượng bài tập vì, như Thầy nói, đọc đi đọc lại kỹ, luôn thấy mình thiếu sót. Cách lên lớp của Thầy cũng đặc biệt: với các sinh viên thuộc loại luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu – xin mượn thương hiệu của Prudential để diễn đạt sự chậm hiểu, Thầy không cầm tay chỉ việc, nhẫn nại nhai đi nhai lại kiến thức như các giáo viên khác, mà ép buộc đầu óc sinh viên làm việc cật lực, bằng cách liên tiếp thay đổi số liệu bài toán của vừa giải xong trên bảng và gọi lên giải, để người khá giỏi cũng như yếu kém, có thể học tập ngay trên bảng, khi được gọi lên. Thủ tục gọi lên bảng giải toán cũng khác thường: không theo thứ tự danh sách, cũng không theo vị trí ngồi trên lớp, mà theo chỉ định điện giật: người vừa tình nguyện lên bảng xong có quyền chỉ định người lên bảng tiếp theo, nếu người được chỉ định làm bài được thì chỉ định tiếp, nếu không thì quay lại người vừa chỉ định. Quy định này buộc mọi sinh viên khá giỏi hay yếu kém đều phải ở tư thế chuẩn bị kiến thức, sẳn sàng bị gọi lên bảng, càng không muốn mang tiếng thất bại, trả về vị trí cũ, thì ê mặt với cả lớp, và cũng tránh việc trả thù vặt người mình không thích bằng cách chỉ định lên bảng. Tuy mọi người ban đầu có hơi vất vả với quy định khác thường này, nhưng hiệu quả lại khá bất ngờ: kẻ yếu kém đã chú tâm học để nắm vững kiến thức, người khá giỏi càng tích cực học tập để nâng cao tư duy lý luận. Gánh nặng của anh Mưu lớp phó, đúng ra là của tôi, trở nên nhẹ hơn: qua lần thi/kiểm tra cuối kỳ một, số bài dưới năm điểm chỉ lác đác đếm được trên đầu ngón tay, dù suốt buổi kiểm tra, chúng tôi không hề phát huy tinh thần làm việc tập thể, ai làm bài nấy, thầy Huỳnh luôn quan sát từng cử chỉ nhỏ nhặt của các đối tượng tình nghi, với cặp mắt sắc bén như mắt của công an, thuế vụ, kiểm lâm…

Học kỳ hai bắt đầu khá căng thẳng: Nhà trường phát động phong trào thi, coi thi, chấm thi nghiêm túc sau khi dư luận xã hội xôn xao về chỉ tiêu gần 100% thí sinh thi đỗ tốt nghiệp phổ thông, gây xôn xao đến Bộ Giáo dục – Đào tạo, các cấp thẩm quyền bắt đầu soi kỹ chất lượng coi thi, chấm thi từ cấp phổ thông đến đại học. Trong lớp chúng tôi, đối tượng băn khoăn lo lắng nhất là các anh chị lớn tuổi – trong đó có chị Lành, dù đợt thi/kiểm tra các điểm Hóa Sinh cả lớp thấp nhất là sáu điểm, riêng môn Toán chị đạt điểm năm què, làm tròn từ điểm chấm khá sát sao 47/100 của thầy Huỳnh – nghĩa là Chị đã suýt đậu phải cành mềm; Chi ủy mở rộng (có thêm tôi) tổ chức họp đột xuất, ra nghị quyết tìm cách tạo điều kiện để cả lớp vượt qua môn Toán. Hôm đó, tôi bận việc xin về trước, sau chị Lành kể lại, Chi ủy mở rộng đã đưa ra nhiều phương án, trong đó có phương án liên quan đến Tổ Học tập mà anh Huy (và tôi) phụ trách: xin thầy Huỳnh tổ chức phụ đạo vào chiều thứ tư, chủ yếu giải bài tập cho các học viên lớn tuổi, có học lực yếu kém…, dù kế hoạch học tập cả năm chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc.

Đúng tuần bắt đầu ôn tập để thi – với riêng tôi, là thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần có mặt, điểm danh trong các buổi học, thầy Huỳnh đột ngột tuyên bố chia tay với Lớp: Thầy nhận quyết định chuyển đến một đơn vị khác trong Trường, thuần xử lý số liệu, và là cơ sở thực hành Tin của cán bộ - sinh viên thuộc Trường. Thay thế vai trò giảng dạy Toán cho chúng tôi là cô Hòa còn rất trẻ, được điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, dùng lại bài giảng chi tiết do thầy Huỳnh soạn và phổ biến cho Lớp từ hồi đầu năm học. Bác sĩ Ngọc, chủ nhiệm Lớp cho biết, thầy Huỳnh đã nộp hai đề thi Toán và đáp án, chính thức và dự trữ, cho Phòng Đào tạo lựa chọn theo quy định cho kỳ thi/kiểm tra cuối năm, việc chấm thi do cô Hòa và một giáo viên khác đảm nhiệm… Đã quen với công tác nhân sự, chúng tôi thấy việc thay thế cán bộ giảng dạy là bình thường, chỉ cần guồng máy chạy đều là được, trừ một thông tin hành lang khá mơ hồ, không biết có chính xác không - việc chuyển công tác của thầy Huỳnh có ít nhiều liên quan đến lớp Cử tuyển chúng tôi… Tôi nhớ anh Sơn lớp trưởng kể chuyện, hồi mồng ba Tết, đã cùng anh Mưu đem một chai Johnny Walker black label 75ml và con mực đến thăm nhà ba mẹ Thầy, ba thầy trò đã nướng mực và cưa hết chai rượu, chẳng lẽ chi tiết uống rượu ngày Tết với sinh viên lại ảnh hưởng? Chuyện thầy Huỳnh dần dần chìm vào quên lãng, lớp Cử tuyển khi tổng kết cuối năm có mời Thầy đến dự, nhưng đúng ngày đó Thầy bận đi công tác ở Hà Nội.

Dòng thác học tập kéo chúng tôi liên tục, thi/kiểm tra cuối năm ba môn Toán Hóa Sinh, kỳ lạ thay, tôi được điểm 10 môn Toán dù tự chấm còn thấy nhiều va vấp, chị Lành được những 6 điểm, tiếp theo là thời gian tập trung học Chuyên môn ba năm, các môn học cận lâm sàng và lâm sàng, rồi những môn y học xã hội, thủ tục khóa luận tốt nghiệp cuốn chúng tôi đi như một cơn lốc ngoài ý muốn. Kết quả tốt nghiệp sau bốn năm học: tôi đạt loại Khá, chị Lành loại Trung bình nhưng thế là đủ để chính thức nhận quyết định Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Dù tôi có đề đạt nguyện vọng làm chuyên môn thuần túy, chị Lành vẫn vận động kéo tôi về làm Trợ lý cho Chị, tiết lộ ý định sẽ tiếp tục học Cao học mấy năm sau nữa. Từ vai trò bạn học - nói đúng hơn tôi là người dẫn dắt, Chị trở lại làm sếp của tôi, quá khứ mấy năm học vừa qua được xếp sâu trong mấy tầng ký ức.

***

Chiếc Fortuner 7 chỗ rẽ vào thị trấn, dừng trước khu vườn rộng hơn một mẫu tây, ở giữa là căn biệt thự ba tầng của gia đình chị Lành. Chị nói nhỏ với tôi: Chờ chị một chút, rồi vào nhà, mười phút sau quay ra với chiếc túi nhỏ, bộ Le Smoking đen tuyền, biểu tượng quyền lực đầy cá tính đã được thay bằng bằng trang phục công sở trắng xanh nền nã. Chị vẫn giữ giọng uy quyền với lái xe: Dừng cách quán cà phê No 1. Garden hai mươi mét, chúng tôi đi bộ đến! Xe dừng, Chị kéo tay tôi bước đi, giải thích: Học trò gặp thầy, phải ăn mặc chuẩn mực. Chị khoan thai sóng bước cùng tôi đến quán cà phê, phẩy tay chào qua mấy nhân viên đứng thẳng người khi thấy Chị, tiến thẳng đến chiếc bàn nhỏ cuối phòng, mỉm cười: hai học trò Lành, Quỳnh xin chào Thầy, rồi quay sang cô con gái cùng đám bạn học lớp tại chức đang ngơ ngác nhìn: Thầy Huỳnh đã dạy Mẹ cách đây mười hai năm, con về nhà chuẩn bị cơm trưa, nhường cho Mẹ tiếp Thầy sáng nay!

Sáng hôm đó, thắc mắc ngày trước của tôi bắt đầu được giải tỏa, cây kim trong đống rơm đã lộ dần ra. Chị Giám đốc Trung tâm Lành đầy uy quyền đã trở lại dáng dấp nhu mì của cô sinh viên lớp Chuyên tu cử tuyển ngày nào, nói chuyện với thầy giáo với nhiều tiếng thưa, dạ, thỉnh thoảng lại nhấp môi vào ly cà phê trứng capuchino vẫn còn y nguyên. Nghe thủng câu chuyện giữa hai bên, tôi mới hiểu phương án hỗ trợ cho lớp phụ đạo ngày trước.

Dọ biết thầy Huỳnh tận dụng vốn ngoại ngữ, làm thêm ban đêm ở shop hàng tơ lụa với nhiệm vụ bán hàng cho khách Tây, Ban Cán sự đã tìm đến nơi làm việc ngoài giờ của Thầy, biếu gói giấy pelure bọc hai bao thuốc ba số vàng rộm, lấy lý do để Thầy tiếp khách khi Thầy từ chối, bảo không hút thuốc. Về đến nhà, mở gói giấy, thấy giữa hai bao thuốc khoản tiền bằng cả tháng lương giáo viên, Thầy đã niêm phong hết lại, mang đến Ban Giám hiệu Nhà trường để nộp. Vào thời điểm đó, Đảng ủy đang phát động đợt kiểm tra tư cách đảng viên, Ban Cán sự, cũng là Chi ủy, không dám nhận sai sót về mình, chỉ khai có đến thăm, nói chuyện đơn thuần, không tặng quà cáp gì. Nội dung món quà trên mức tình cảm bị xé to ra khắp trường, nhiều người thắc mắc không hiểu trước đây sự thể ra sao mà bên nói có, bên bảo không, Lãnh đạo Nhà trường quyết định trả lại gói quà niêm phong cho Thầy, nguồn gốc xa nhất biết được. Túng thế, thầy Huỳnh quyết định hóa giá luôn hai bao thuốc, gộp với số tiền bên trong, hiến tặng tất cả cho Tổng Hội Sinh viên toàn Trường, để hỗ trợ cho học sinh nghèo; và để tránh tiếng đồn không hay cho các đơn vị liên quan, Thầy chấp nhận chịu lời ong, tiếng ve về phía mình, làm đơn xin thôi nhiệm vụ giảng dạy, chuyển về hẳn Đơn vị Xử lý số liệu cho Nhà trường. Thật ra, nguồn gốc sự kiện khá đơn giản, hầu như những đối tượng liên quan đến Lớp đều đã có quà, nhưng không một ai lên tiếng, chỉ có thầy Huỳnh tự biến thành Don Quichotte để chiến đấu với cối xay gió… Cuối năm học, khi mọi việc đã im ắng, Ban Cán sự định nhân Tổng kết, gặp Thầy để nhận lỗi, giải tỏa các ẩn ức thì Thầy đi Hà Nội dự khóa học nâng cao về Công nghệ Thông tin, mọi việc cứ theo thời gian chìm dần vào quên lãng. Đến bây giờ, qua bao thay đổi, Thầy chuyển sang giảng dạy ở Trường khác, được phân công dạy Toán Xác suất Thống kê cho lớp tại chức Nông học Bắc Trà My, ngẫu nhiên lớp phó đời sống lại là con gái chị Lành, hôm nay Lớp mời Thầy đi uống cà phê, hỏi ra mới biết trước sau, hai mẹ con chị Lành lần lượt thụ giáo với đúng một người.

Tôi nghe rõ giọng chị Lành thiết tha: Em xin thay mặt Lớp, nhận lỗi với Thầy, đúng ra lời xin lỗi phải cách đây hơn chục năm, nhưng công việc bề bộn cứ cuốn em đi, bây giờ nhân gặp được Thầy lên đây, xin Thầy vui lòng tha thứ. Thầy Huỳnh trầm ngâm: Nghiệp giáo viên như kẻ lái đò đưa khách sang sông, hồi đó đưa Lớp các anh chị sang sông gần xong, kể như tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, sao lại băt lỗi khách sang sông vì vài sự cố nhỏ nhặt? Các anh chị đã thành nghề, góp phần phục vụ cho xã hội, điều đó đã đủ cho tôi tự hào. Chị Lành mỉm cười: Cảm ơn Thầy đã rộng lượng thứ lỗi. Nhân đây, em có chút quà thể hiện tấm lòng (chị mở túi vải nhỏ đã chuẩn bị) là lít mật ong rừng thu hoạch ở địa phương, mong Thầy nhận cho tấm lòng của tụi em. Chị rút trong túi chiếc hộp giấy cứng, bề mặt lộng giấy bóng kính, thấy rõ chai thủy tinh bên trong đựng mật ong còn nguyên sáp, thấy rõ dấu chứng nhận quốc tế ISO 22000:2018, đúng loại xuất khẩu Highlandbee.

***

Buổi trưa, chị Lành giữ tôi ở lại ăn cơm, chồng chị đi ăn giỗ ở Trà Cang, con trai út trọ học ở Tiên Phước nên chỉ còn hai mẹ con. Nghe hai chị em tôi nói chuyện, nhắc đến thầy Lâm Huỳnh, con bé Dung xin thuật chuyện. Cháu kể lể khá dài dòng, khác hẳn cách nói cụt lủn mọi ngày, chắc được khơi trúng mạch: Con thấy Thầy chạy xe máy từ Huế vào, chở theo ba lô to đùng, đến Trung tâm Giáo dục chuyên nghiệp, dở ra mới thấy là hơn trăm bản photocopy bài giảng Xác suất Thống kê, Thầy tặng cả cho học viên của Lớp để học, giá photocopy ở đây đắt gấp ba giá ở Huế. Chị Lành mỉm cười: Thế Lớp con định tặng lại Thầy cái gì, rút kinh nghiệm Lớp của Mẹ, đừng quy ra thóc nhé! Bé Dung nhẹ nhàng: Mẹ của Thầy đã lớn tuổi, tụi con định gởi Thầy biếu Cụ củ sâm Ngọc Linh một lạng mới đào được, hy vọng Thầy sẽ nhận. Chị Lành trầm ngâm: Trong thực tế, người ta hay lượng hóa công việc để dễ tính toán, nhưng thật ra, có những thứ thuộc về mặt tinh thần, việc lượng hóa mất hết ý nghĩa.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Truyện ngắn 44

 

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>


TẤM BẰNG THẠC SĨ MƠ ƯỚC

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Gia đình tôi được Tổ dân phố xếp vào diện dân nghèo thành thị, nên anh em chúng tôi được Ba Mẹ căn dặn từ khi còn rất nhỏ: phải học để vươn lên, thoát cảnh nghèo túng! Trước đây, Ba là hạ sĩ địa phương quân, sau 1975 chỉ phải học cải tạo ba tuần rồi được về nhà, ban đầu hành nghề đạp xích lô, một thời gian sau không đủ tiền thuê ngày và quỵ xe cho chủ nên chuyển nghề sang xe đạp thồ - hay xe đạp ôm như cách gọi ở miền Nam: nói theo ngôn ngữ kinh tế chính trị, tư liệu sản xuất chỉ cần một chiếc xe đạp với ba bộ bi-trục – miền Nam gọi là đạn-cốt – chuẩn của hai bánh và bàn đạp là có thể hành nghề tốt, quan hệ sản xuất thì nhờ các bạn cũ trong Tổ xe thồ giới thiệu với Tổ là có thẻ hành nghề. Ba làm việc vất vả cả ngày chỉ vừa đủ ăn, mối quen thường là mỗi sáng chở hàng của các tiểu thương quen biết ra chợ và cuối ngày chở về, Ba tự lo ăn uống sáng trưa và nhận trách nhiệm với Mẹ - Trưởng Ban tài chính gia đình: hàng tháng chạy đủ hai mươi kí gạo đổ vào kho - tức vỏ thùng đạn đại liên Mỹ, không mấy khi đầy của nhà; mọi chi phí như thức ăn, áo quần, điện nước… của mấy miệng ăn trong nhà đều do một tay Mẹ lo liệu nhờ nghề gia truyền đặc biệt. Mẹ học từ đâu không biết, có lẽ từ bà ngoại, cách làm yaourt – về sau, dân xứ mình học theo mấy nước Tây Âu, gọi là yoghurt-  thật ngon, hợp với khẩu vị nhiều người: từ một hộp sữa đặc, giá chợ khi đó chỉ bảy tám đồng, Mẹ có thể chế biến ra ba mươi lọ yaourt cao cấp, bán hai đồng một lọ cho người có tiền hoặc ra năm mươi túi ni lông nhỏ, bán năm hào một túi cho người ít tiền hơn. Là con gái, tôi học lần hồi cách làm yaourt thay Mẹ, từ những thao tác vặt vãnh như dùng thìa canh đong sữa đã hòa cái vào lọ hay bao ni lông, đậy nắp lọ hay thắt bao và sắp trong soong to, riêng công đoạn cuối thì phải đúng Mẹ thực hiện, sau khi đã tắm gội, rửa chân tay cẩn thận: hòa nước ấm theo công thức ba sôi hai lạnh rồi ủ trong bao tải khi trời râm, hay phơi trên mái tôle khi trời nắng, độ vài tiếng đồng hồ sau, lắc nhẹ thấy đã đông là được. Hàng yaourt của Mẹ rất được tín nhiệm: có lần tôi theo Mẹ đến quầy canteen của Bệnh viện Hương Thủy, vừa đưa yaourt vào quầy thì được chủ canteen thanh toán tiền ngay, trong khi chủ nhiều mặt hàng khác phải đợi mấy hôm nữa, hàng còn tồn nhiều…; hoặc các em nhỏ học ở Nhà trẻ Mầm Non hay Mẫu giáo Hoa Mai đang vui đùa ở sân chơi, hễ thấy bóng Mẹ xuất hiện ở đầu đường Đống Đa với hai phích nhựa trên tay là xúm lại đông đặc như kiến để mua yaourt, các cô bảo mẫu và phụ huynh không ngăn cản vì chính họ cũng nghiện món ăn rẻ tiền, bổ dưỡng đó. Có thể nói, nghề làm yaourt của Mẹ đã nuôi sống được cả nhà mấy năm liền, bao luôn cả việc học của anh em tôi, từ cấp phổ thông đã đối diện với đủ thứ chi phí có thể tưởng trượng ra để bổ trên đầu học sinh: tiền xây dựng trường, tiền quỹ lớp, tiền quỹ phụ huynh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, kỹ năng sống, tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền quỹ đoàn đội, tiền kế hoạch nhỏ, tiền Chữ thập Đỏ…, chưa kể đến tiền học thêm môn Toán, môn Văn mà học sinh lớp 9, cuối cấp 2 như tôi bắt đầu phải làm quen. Riêng anh Hai tôi, vừa học hết kỳ một lớp 10 trường bán công Nguyễn Trường Tộ, đã tự động bỏ học chữ để chuyển sang học nghề thợ may ở Trường Trung học công nghiệp, khi gia đình biết chuyện thì anh đã học nghề được hơn nửa khóa học rồi. Ba Mẹ trách thì anh giải thích: con học chữ không vào được, mà Ba Mẹ cố nuôi con đến hết hết lớp 12 cũng chưa chắc có việc làm để đỡ đần cha mẹ. Hỏi ra mới biết, anh dự định chuyển sang học nghề từ năm lớp 9, không dám xin tiền Ba Mẹ để đóng tiền học nên từ khi đó đã tập nhịn ăn sáng để dành tiền – anh nhịn một ổ bánh mì xíu ăn sáng chỉ có được năm hào, nhưng lâu ngày thì tích tiểu thành đại, cộng thêm cả tiền mừng tuổi mấy năm dồn lại mới đủ cho học phí khóa học mấy tuần. Bây giờ anh Hai đã ra nghề, làm việc trong công ty May HBI ở Khu công nghiệp Phú Bài, năm ngoái thi đậu lên bậc ba, lương hàng tháng anh đem về, đưa hết cho Mẹ, chỉ giữ lại một ít để tiêu vặt. Khoản thưởng cuối năm đầu tiên của Công ty, anh góp với Ba tậu được chiếc Dream Tàu đời đầu, Ba hành nghề đỡ vất vả hơn trước, thu nhập lại khá hơn. Thỉnh thoảng anh lại giúi cho tôi ít tiền để Quỳnh sắm cái gương, cái lược, khỏi dùng chung với Mẹ! Tuy khác giới nhưng cùng lứa tuổi, anh thích tâm sự với tôi hơn với Ba, theo quy luật khác dấu hút nhau như trong Vật lý: anh biết Ba kỳ vọng con cái vươn lên bằng việc học, nhưng đầu óc anh tăm tối quá, thôi Quỳnh thay anh, đừng phụ lòng Ba Mẹ, cố học cho giỏi, mọi việc có anh lo. Không biết anh nói với Mẹ những gì, mà sau khi tôi học xong cấp hai ở Thủy Phương, thi đậu vào lớp mười trường cấp ba Hương Thủy, Mẹ chủ động nhận làm hết công việc cơm nước, giặt giũ trong nhà, để Quỳnh tập trung học cho tốt, cấp ba rất nhiều môn khó, chỉ giao cho tôi việc nấu cơm tối khi hoàn tất việc học trong ngày. Ngoài ra, tôi biết anh Hai chơi thân với chị Hương hàng xóm con chú Đông từ nhỏ đến giờ, hiện nay chị cũng làm việc ở HBI như anh; nhưng sau này tôi ít thấy anh hát ông ổng bài Cô láng giềng của Hoàng Quý bằng cái giọng vịt đực như trước, mà suốt ngày chỉ tranh thủ ngủ bù lấy sức, thức dậy thì đăm chiêu lên lịch làm việc tăng ca, lại thường báo bận lắm khi chị Hương rủ đi dạo. Xem ra, anh hầu như ông cụ non, quên hết việc vui chơi của tuổi thanh niên, chỉ dành toàn tâm toàn lực cho công việc, không kể ngày đêm, nhận làm tăng ca bất kể nhiều hôm mưa gió. Anh dành dụm tiền làm ngoài giờ, tiền thưởng năng suất mua cho tôi chiếc máy tính bỏ túi fx-500ES, được xem như loại hiện đại nhất thời đó. Nhờ có nó, được thầy Hữu bạc, giáo viên chủ nhiệm lớp tận tình hướng dẫn, tôi đã thành thạo các thao dượt tính toán từ đơn giản đến phức tạp và đến cuối học kỳ một lớp 12, tôi vinh dự đoạt giải nhất kỳ thi giải Toán bằng máy tính bỏ túi trong toàn Tỉnh, vượt qua nhiều thí sinh khác, đa số thuộc gia đình khá giả, được trang bị đủ thứ trang thiết bị hiện đại. Trong buổi phát thưởng tại Hội trường Văn phòng Sở Giáo dục, tôi phát biểu cảm ơn sự giảng dạy chu đáo của Nhà trường và thầy Hữu đang có mặt, cố kìm mấy giọt nước mắt để nhắc đến sự động viên học tập của gia đình, của Ba Mẹ và đặc biệt của anh Hai, đã hy sinh rất nhiều để tạo điều kiện cho tôi học tập, đạt được kết quả hôm nay. Trong lúc đang được mọi người trầm trồ khen tặng, tôi ngậm ngùi nghĩ đến Ba vẫn đang miệt mài chạy xe dưới ánh nắng chói chang, Mẹ vẫn kiên nhẫn đong đếm từng thìa sữa cho vào bao ni lông, anh Hai vẫn cần mẫn theo guồng quay của giàn máy may công nghiệp... Khi nói chuyện với tôi khá lâu sau buổi trao thưởng, thầy Hữu chủ nhiệm – vừa được đề bạt lên Phó hiệu trưởng, lưu ý học sinh Trường cấp ba chúng tôi từ lâu không có ai thi đậu vào đại học sư phạm Toán, Thầy mong muốn tôi tạo một tiền lệ cho mọi người noi theo. Về học lực, Thầy đánh giá tôi có năng khiếu về các môn cơ bản, đặc biệt là môn Toán, nên tôi có ít nhiều hy vọng đậu đại học, dù ngành sư phạm sẽ có nhiều người thi vào hơn các ngành khác vì sinh viên sư phạm được hưởng chế độ hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt, nói nôm na là miễn học phí… Tôi hứa với Thầy, và tự hứa với lòng mình, sẽ tích cực học tập nhiều hơn nữa, trước mắt tự xác định phải thi đậu vào đại học sư phạm ngành Toán như kỳ vọng của gia đình và cả thầy Hữu. Cầm món tiền thưởng ra thẳng chợ Đông Ba, tôi tìm mua chiếc găng tay giả da lót nỉ bên trong, thử vừa tay tôi chắc là vừa tay chị Hương, một phong kẹo chocolat nữa, tôi sẽ đưa anh Hai làm quà tặng chị nhân ngày Valentine sắp tới, chắc chị sẽ vui lắm…

Tôi hoàn tất hồ sơ thi tuyển vào khoa Toán Trường đại học sư phạm Huế, rồi tiếp tục dùi mài kinh sử, không theo cách hoang phí thời gian, tiền bạc, tâm trí như nhiều bạn khác vào việc tham gia các lớp luyện thi cấp tốc và dài hơi, được mở khắp thành phố và cả vùng ngoại ô… Dưới sự kèm cặp của thầy Hữu – dù khá bận rộn với cương vị mới là Phó hiệu trưởng chuyên môn, Thầy vẫn giành ba buổi một tuần, duy trì lớp học miễn phí một thầy một trò, giúp tôi ôn tập thấu đáo, cặn kẽ các kiến thức cơ sở Toán từ lớp 10, ngoài ra vẫn nhiệt tình với các học sinh khác: với cương vị Tổ trưởng tổ Toán, hàng ngày thầy mất khá nhiều thời gian dùng chiếc máy vi tính cá nhân để download những đề thi, câu hỏi trắc nghiệm có trên mạng từ các cơ sở giáo dục trong và ngoài Tỉnh, tổng hợp lại, rồi chép vào USB, đem vào Trường nhờ máy in của tổ Toán, in ra để phổ biến cho chín lớp 12 của toàn Trường.

Đến đầu tháng sáu, như thông lệ hàng năm, học sinh cuối cấp phổ thông trung học rộn rịp tham gia cuộc tổng diễn tập – gọi thế vì Sở đã đặt chỉ tiêu tối thiểu 90% học sinh dự thi tốt nghiệp phổ thông phải đậu, còn việc thi tuyển vào đại học hay cao đẳng, trong hoặc ngoài Tỉnh còn tùy thuộc khả năng từng người. Mỗi buổi thi, Ba đều chở tôi đến điểm thi – vẫn là trường Hương Thủy quen thuộc, lâu nay hàng ngày vẫn từ nhà đi bộ đến hơn cây số đến học, nhưng dịp này Ba bảo chở xe máy cho khỏe chân. Ngày đầu tiên thi Toán, Ba chiêu đãi cô con gái rượu một tô bún cho tỉnh táo, làm bài tốt, tôi xúc động nhớ giá tiền dĩa cơm bình dân - suất ăn trưa của Ba – chỉ bằng một nửa; mấy buổi sau tôi đề nghị mua nắm xôi, ít tiền hơn, hai cha con cùng ăn, mà Ba chỉ ăn hết một phần ba, còn lại nhường tôi hết...

Tôi – nói đúng hơn là cả nhà, tính cả thầy Hữu, mà tôi xem như cha đỡ đầu – phấn khởi nhận kết quả thi tốt nghiệp phổ thông loại Giỏi, càng mừng hơn khi biết sẽ được cộng thêm điểm vào kết quả thi đại học. Chỉ còn mấy tuần nữa là đến ngày thi, cả ngày lẫn đêm tôi lao vào học tập cả ba môn Toán Lý Hóa, quên cả ăn ngủ, nhiều hôm Mẹ phải nhắc mới nhớ. Tới gần ngày thi, tôi ngỡ ngàng nghe anh Hai báo sẽ cùng chị Hương thu xếp tránh ca trực trùng nhau, chia phiên chở tôi đến điểm thi, ngay cơ sở Đại học Sư phạm ở đường Lê Lợi bằng chiếc xe Babetta của chị – anh chị đã nối lại bang giao qua món quà Valentine tôi đã chuẩn bị cho anh, để Ba rảnh rang, tập trung lo nhiệm vụ – nói văn hoa là công việc đường lối - hàng ngày. Rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, từ tối hôm trước Mẹ đã ngâm đậu xanh với mấy loong nếp, rồi hôm sau dậy sớm nấu nồi xôi đậu – ăn xôi đậu đi thi là hên lắm, Mẹ nói – để tôi dùng điểm tâm với cả nhà trước khi lên đường ứng thí. Tôi nghĩ, thành quả tôi đạt được chắc không phải nhờ xôi đậu xanh, mà chính là từ tấm lòng thơm thảo của Ba, Mẹ, thầy Hữu, anh Hai và chị Hương (bây giờ, khi viết bài này, tôi đã phải gọi chị là chị Hai rồi) đã động viên tôi nỗ lực vận dụng hết chất xám khi thi. Một kỷ niệm khó quên: có một câu trong đề Toán, yêu cầu tính diện tích hình phẳng giới hạn bởi hai đường cong, làm xong nộp bài rồi, về đến nhà tôi còn băn khoăn mãi, không biết mình làm đúng hay sai, vì nhiều thầy giáo Toán bảo tôi sai, nhưng thầy Hữu đọc kỹ bài giải của tôi lại bảo đúng. Đến khi công bố đáp án chính thức, tôi mới biết chắc chắn mình làm đúng câu đó. Kết quả thi tuyển của tôi được công bố sau ba tuần hồi hộp, thật tuyệt vời, trên cả mong đợi: tổng điểm thi cả ba môn của thí sinh Trần thị Quỳnh là 23.5 điểm, trong khi điểm chuẩn vào đại học sư phạm Toán là 20 điểm…

Điều thú vị nhất, sau này khi làm luận văn Cao học với thầy Liêm, nghe Thầy kể lại, tôi mới giải tỏa được mối băn khoăn khi thi: trong đề Toán ra năm đó, câu về tính diện tích hình phẳng không chuẩn xác hoàn toàn, ban đầu người ra đề nhẩm tính hai đường cong chỉ cắt nhau tại hai giao điểm với hoành độ x=1 và x=2, nhưng thật ra còn một giao điểm thứ ba khó nhận ra với hoành độ x=27 – giải bằng chương trình tính toán Maple mới thấy, nên sau khi chính thầy Liêm phát hiện ra sai sót đó, đáp án phải sửa lại cho hoàn chỉnh. Tổ chấm Toán gặp mấy trăm bài thi tuyển đều làm sai câu đó, chỉ duy nhất bài có số phách 392 làm đúng, nên đề xuất và được Hội đồng thi tuyển thống nhất, thưởng 0.5 điểm cho số phách 392. Sau khi gọi thí sinh trúng tuyển nhập học, thầy Liêm bỏ công tra cứu từ điển số phách, mới biết số phách Toán 392 là của thí sinh Trần thị Quỳnh, trường phổ thông trung học Hương Thủy, đã giải đúng câu mà thầy tâm đắc đó và được thưởng 0.5 điểm, nên chú ý theo dõi tôi từ khi nhập học cho đến năm cuối, Thầy nhận hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho tôi theo chuyên ngành Giáo học pháp. Kết thúc bốn năm học, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Toán hạng Khá – thỏa kỳ vọng của thầy Hữu rồi, thầy Liêm động viên tôi thi chuyển tiếp Cao học Toán, Thầy sẳn sàng làm người hướng dẫn nếu tôi thi đậu. Hỏi ý kiến thầy Hữu, tôi được sự đồng tình ủng hộ việc học tiếp, Thầy cũng nói rõ ý định: trường Hương Thủy sẳn sàng tiếp nhận nếu tôi muốn về trường sau khi tốt nghiệp Cao học, Thầy sẽ làm việc với Sở Giáo dục Tỉnh xin thêm biên chế, khi số giáo viên Toán của Trường còn khá mỏng so với lượng học sinh ngày càng tăng, Thầy cùng vài giáo viên khác cũng gần đến tuổi nghỉ hưu …

Việc học như được tạo đà nên thăng tiến nhanh chóng, trong kỳ thi tuyển Cao học, tôi vượt qua các môn Giải tích, Đại số khá suôn sẻ, nội dung thi không khác xa lắm so với những môn học mà tôi vừa kết thúc năm cuối vừa qua, riêng môn Ngoại Ngữ, tôi chọn thi tiếng Anh nên hơi vất vả với phần Nghe hiểu, cũng may cuối cùng cũng ổn, tôi nhận kết quả 5 điểm Ngoại ngữ mà mừng hơn nhận bằng tốt nghiệp đại học. Qua kinh nghiệm suýt sẩy chân này, tôi tự hứa phải trau dồi tiếng Anh cẩn thận hơn, vì chuyên môn Toán nếu học lên cao rất cần ngoại ngữ, chứ không chỉ tham khảo sách trong nước là đủ. Đến phần bảo vệ đề cương nghiên cứu, theo gợi ý của thầy Liêm, tôi chọn đề tài Vận dụng toán học để giải quyết một số bài toán thực tế, được nhiều thầy giáo trong tổ Giáo học pháp của khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Huế quan tâm, trước khi thống nhất thông qua trong Hội đồng đáng giá các đề cương tiểu luận.

Trong mấy năm theo đuổi chương trình Cao học, tôi đã mất khá nhiều thời gian cho các môn chung như Ngoại ngữ, Triết học, chiếm đến một phần tư tổng số đơn vị học trình, rồi đến những môn hỗ trợ phụ thuộc như Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Phương pháp giảng dạy trong đại học, mà do không có giáo viên giảng dạy trong thời điểm dự kiến, Trường phải thỉnh giảng cả những chuyên gia từ Hà Nội vào. Đúng như nhận xét của một số thầy - kể cả thầy Liêm đang đứng tên hướng dẫn chính cho tôi, nhiều môn học có tên gọi rất kêu được đưa ra để tổng số đơn vị học trình đạt ngưỡng 80, nhưng tác dụng đến đề tài nghiên cứu được bao nhiêu thì chỉ có Trời mới biết, phải chờ đến tương lai mới thẩm định được. Tôi chấp nhận học hết các môn, nhồi nhét hết kiến thức quy định vào bộ nhớ để đến khi cần mới tìm hiểu, như con bò cần mẫn nhồi nhét hết thức ăn vào đầy bốn túi của dạ dày, đến khi cơ thể thấy đói mới… ợ ra nhai lại!

Tôi xác định kiến thức có được từ tấm bằng thạc sĩ chưa giúp ích được gì trong thực tế cuộc sống, sau sự kiện chú Báu, bạn Ba tôi đến nhà chơi, nhân biết tôi vừa bảo vệ thạc sĩ ngành Toán xong nên nhờ nghiên cứu cách chia bình mật ong rừng khá lớn gần chục lít, không ghi dung lượng, mới được gia đình con gái ở Gia Lai nhờ bạn có cha mẹ ở gần nhà Chú, chạy xe tải gởi về, biếu chung hai nhà nội ngoại. Chú muốn phân chia thật công bằng, tránh tư tưởng nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai nhà nội ngoại các cháu, dễ gây hiểu nhầm về sau. Thấy tôi ngẩn ngơ suy nghĩ, Ba tôi bàn góp: … thì cứ chịu khó đổ ra, đong từng chén nhỏ như Mẹ đong yaourt vậy, bên nào thiệt thì cũng thông cảm, lọt sàng xuống nia ma, mất đi đâu mà ngại. Tôi cương quyết không chấp nhận, đang nghĩ đến chuyện phân tích bình mật thành ba phần, phần cổ và thân đều là hình trụ tròn xoay, ở giữa là hình nón cụt, đều có công thức tính thể tích cả, chỉ hơi khó là phải dùng thước ô ly mới đo được chính xác kích thước từng phần, đang suy nghĩ thì Mẹ về đến nhà sau chuyến viễn du đến nhà trẻ, mẫu giáo, hơi buồn vì không bán hết hàng khi trời trở, không khí se se lạnh, khách hàng không hào hứng ăn yaourt lắm. Có bệnh thì vái tứ phương, chú Báu quay sang hỏi Mẹ, và sững sờ khi nghe câu trả lời: Dễ ợt, để tôi chia cho, chỉ năm phút thôi! Cả tôi cũng mở to mắt nhìn Mẹ thao tác: Mẹ lấy một bình nhựa năm lít rỗng loại nước Aquafina tinh khiết, đổ một ít mật ong sang, thì lượng mật còn lại trong bình đạt độ cao a1, rồi Mẹ lật ngược bình lại thì lượng mật đạt độ cao b1. Mẹ tiếp tục làm đến lần thứ 6, thì hai độ cao a6 và b6 đã trùng nhau, nghiễm nhiên đã chia đúng nửa bình sau n=6 lần rót. Cả nhà vỗ tay reo hò tán thưởng, Mẹ mỉm cười: Có gì đâu, ngày trước tôi học của bà ngoại các cháu cách chia đều chai nước mắm hay chai dầu hỏa, đều thực hiện như thế! Chú Báu phấn khởi đòi mua lại toàn bộ phần yaourt bán ế hôm đó để khao cả nhà, riêng tôi thẫn thờ nghĩ lại, vốn liếng kiến thức học bao nhiêu năm vẫn còn hụt hẫng so với thực tế.

Buổi chiều hôm đó, tôi tâm sự với thầy Hữu: Tấm bằng thạc sĩ mà con mơ ước bây lâu chỉ là mốc đánh dấu bước đi đầu tiên của con trên con đường khoa học. Con thấy mình còn phải học rất nhiều từ Ba Mẹ, từ Thầy, từ vô vàn người chung quanh, những kiến thức dân gian mà hiểu biết của con chỉ là hạt cát trong sa mạc…

 


Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Truyện ngắn 43

 

  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

NHIỆM VỤ TRÊN QUÊ HƯƠNG

Truyên ngắn của Quỳnh Anh (thân tặng cháu Ái Việt)

Sau hơn hai mươi năm sống trên đất người xứ lạ, tuy là con gái, tôi lại nhận nhiệm vụ thay mặt Ba về quê nội. Ba Mẹ sinh được hai con, anh trai đã mất vì bệnh hồi nhỏ, còn lại mỗi tôi, nên phải đảm nhiệm công việc của trưởng nam. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Ba kết thúc thời gian cải tạo ở Tháp Bà, Hoàng Liên sơn, dành cho đại tá quân đội Saigon, gia đình ba người chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh theo diện HO của chương trình ODP sang Hoa kỳ; lúc đó, nhiều người nghĩ mà không nói nước Mỹ giàu, ở đó giơ tay cũng hái ra tiền, đoán sớm muộn Ba tôi sẽ về thăm quê, không xênh xang áo mão như quan lớn, cũng lên xe, xuống ngựa như đại gia triệu phú.

Sự thật trái ngược hẳn, ở đất Mỹ, ai cũng phải làm việc vất vả mới có thu nhập: sau mấy tháng trôi nổi, gia đình chúng tôi chuyển đến quận Cam, bang California; Ba không muốn sống dựa vào nguồn trợ cấp thất nghiệp, lòng thương hại của bạn bè, của cả thuộc cấp trước đây, may mắn xin được công việc lái xe đường dài cho một hãng vận tải nên nhận ngay; Mẹ nhờ khéo tay, biết trang điểm nên học nghề nail, tranh công việc của những người trước đây chuyên làm đẹp cho bà phu nhân đại tá, công việc nghe có vẻ hạ tiện nhưng thu nhập hàng tháng có khi hơn hẳn lương lái xe của Ba, đủ để lo ăn ở, chi phí đi lại, không phải đi xa nhà nên có thể trông nom tôi, cô con gái rượu đang tuổi lớn, thường được ví như bom nổ chậm; riêng tôi, để có tiền tiêu vặt khỏi xin Ba Mẹ, đã tập làm thêm ngoài giờ học ở trường, như hái táo thuê, rửa bát đĩa ở nhà hàng. Khi tôi định học thêm Vovinam từ chú Hoàng Phi bạn Ba, đang chần chừ khi biết học phí hàng tháng không nhỏ, Ba Mẹ đã ủng hộ con gái cũng cần biết võ để phòng thân, để Ba Mẹ lo học phí cho, tôi hiểu nguyên nhân sâu xa: võ đường Hoàng Phi được xem như một cộng đồng Việt Nam thu nhỏ, đa số đều là người Việt, trừ vài võ sinh bản xứ. Sau ba năm miệt mài trên thảm tập, tôi thi lên cấp, được mang thắt lưng đỏ, chú Phi đề nghị với tôi, khóa tới đứng lớp huấn luyện cho võ sinh mới nhập môn, cũng là lúc tôi bảo vệ xong hoàn thành khóa luận tốt nghiệp cao đẳng về Tổ chức sự kiện.

Cuộc sống gia đình bắt đầu tạm ổn định, Ba viết thư về quê xin làm thủ tục đón ông bà nội sang sum họp gia đình, thư của ông trả lời ráo hoảnh: mày có nhớ ông bà cha mẹ thì về thăm, chứ tao đi theo mày thì mồ mả tổ tiên, nhà thờ dòng họ giao khoán cho ai? Biết tính ông nội rất dứt khoát, Ba định thu xếp cho cả nhà về quê thì sự cố ập đến: trong một chuyến lái xe đường dài để giao hàng đến LosAngeles, Ba bị đột quỵ vì tai biến, chú Huy cùng lái (xe đi đường xa luôn có hai lái xe) nhanh chóng đưa Ba đến Las Encinas Hospital, hoàn tất giao hàng rồi lại đưa Ba về Irvine, California, từ đó cuộc sống của Ba gắn liền với giường bệnh và chiếc xe lăn, có Mẹ luôn bên cạnh để hỗ trợ những sinh hoạt cần thiết.

Trước khi tôi sang LosAngeles để đáp chuyến bay thẳng về Đà Nẵng, Ba dùng laptop luôn đặt cạnh giường bệnh, soạn thảo một kế hoạch chi tiết, in ra mấy trang A4, cho vào phong bì, niêm phong cẩn thận rồi giao cho tôi, dặn dò kỹ lưỡng: trong ba tuần về nước theo visa, con có thể tạm trú ở nhà bác Cả, Ba đã gởi mail xin phép rồi; ngoài những việc riêng, con xin ông nội cho phép thay mặt Ba thắp hương bàn thờ Họ, thăm mộ tổ tiên, nhớ cư xử đàng hoàng với bà con trong Họ. Ở quê, sẽ có người điện thoại tìm con, nói đúng mật khẩu là câu của Victor Hugo: Peace is the virtue of civilization. War is its crime (Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác), đưa cho con nửa tờ một đô la, ráp lại khớp với nửa tờ Ba đưa đây, khi đó con bóc phong bì, thực hiện lời Ba dặn trong thư. Quả Ba tôi là tín đồ của Khổng Minh, dù đau liệt giường, bị hạn chế khả năng vận động nhưng thần trí vẫn sáng suốt, minh mẫn, suy tính công việc vẫn cặn kẽ, chu đáo như thời còn là Đại tá Trưởng phòng Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Saigon ngày trước, lên kế hoạch chi tiết mà vẫn giữ nguyên tắc bí mật.

Tranh thủ 60 phút quá cảnh ở Singapore của chuyến bay LosAngeles - Đà Nẵng, tôi đến quầy hàng lưu niệm của sân bay Changi, tìm mua vài lốc dầu Eagle Brand làm quà, Mẹ nói thứ này ở quê nhà rất chuộng, vừa thoa cho nóng người vừa uống chống đau bụng, giá ở Sing một lọ 24ml chỉ gần một đô la Mỹ. Các anh bán hàng, tôi nghe rõ ràng vừa mới mày tao chi tớ với nhau, thấy tôi xuất hiện, tóc đen da vàng, chắc nghĩ tôi là người Nhật, mở miệng líu lo ohayou gozaimasu, tôi xổ luôn tiếng Việt, lâu nay Ba Mẹ quy định trong nhà chỉ được nói tiếng mẹ đẻ: bán cho choa ba lốc dầu Con Ó, nhìn các anh há hốc mồm, tôi cười thầm trong bụng, lẳng lặng rút master card trả tiền. Một con gió bỗng ập đến, thổi tung chiếc mũ casquette trên đầu tôi bay lên cao, theo phản xạ tôi tung người lên với lấy được ngay, rồi hạ người xuống vừa kịp đỡ túi hàng đưa tới trước mặt. Tôi thản nhiên bỏ ngoài tai tiếng xuýt xoa khen ngợi, rút khăn tay thấm mồ hôi, cài lại quai mũ rồi trở về chố ngồi của mình trên chiếc Boeing 747 ở cuối phi trường.

Sáu tiếng đồng hồ sau, tôi làm thủ tục ở sân bay Đà Nẵng, mua chiếc sim rác lắp thêm vào máy, nhận hàng lý, chiếc túi xách tay nhỏ gọn có bánh xe nhẹ tênh, đồ đạc bên trong cũng ít; lưng đeo ba lô, tôi đeo túi qua vai, bước đi dễ dàng. Từ kinh nghiệm học từ anh bạn đồng hương về quê tháng trước, tôi lắc đầu từ chối cánh taxi mời chào, kiểm lại mớ tiền Việt mới đổi, tìm chiếc xe buýt tuyến R14, đưa tờ 5 ngàn đồng, giả giọng Quảng nói vỏn vẹn mấy từ Côông dziên hai chính thoéng boa như dân bản địa, tôi biết tuyến xe buýt Đà Nẵng – Huế có trạm dừng ở Công viên 29/3, lên xe đó trả 70 ngàn, 4 tiếng sau là đến Bến xe phía Nam của Huế; tôi tính sẽ xuống ở ngã ba đường Tránh, trả mấy chục ngàn đồng xe ôm - nước Mỹ lạc hậu, chưa thấy phương tiện này – là mấy chục phút sau, có thể gặp ông bà nội đã cách biệt gần ba mươi năm.

Tôi tính kỹ như thế mà cũng thua Trời tính. Ngồi trên xe buýt, điện thoại réo vang, nghe giọng anh Sơn con bác Cả (bằng tuổi anh Trung đã mất, hơn tôi một tuổi - tôi đã quen giọng qua Viber) gấp gáp: Quỳnh xuống máy bay chưa, xe anh thuê đón em nãy giờ bị kẹt ở hầm Hải Vân, đến hơi chậm! đến khi biết tôi đã theo tuyến R14 để đón xe buýt ra Huế, giọng anh cuống quýt hẳn: Quỳnh cứ đến Công viên 29/3, uống café chờ anh, xe 16 chỗ màu trắng số 75-00032 nhé! Anh cúp máy ngay, chắc sợ gọi số phủ sóng quốc tế tốn tiền, anh đâu biết xuống sân bay, tôi đã mua ngay sim nội địa cài thêm vào máy để dùng trong mấy tuần ở quê. Đến công viên 29/3, tôi xuống xe buýt, mang túi xách và chiếc ba lô đến chiếc ghế nhựa của xe nước mía ven đường, lâu lắm mới được thưởng thức vị nước mía miền Trung, thầm nghĩ ngoài anh Sơn, không biết ai đi đón tôi nữa mà thuê cả xe 16 chỗ, trang trọng thật!

Trời mùa hè nắng gắt, ly nước mía nhỏ xíu chưa đã cơn khát khô cổ, tôi gọi thêm ly thứ hai, vừa uống hết thì thấy chiếc Ford transit trắng đảo một vòng quanh công viên, lượn qua mấy quán cà phê máy lạnh bên kia đường rồi xịch đến bên xe nước mía khi thấy tôi vẫy, một người mở cửa, bước xuống với bộ complet, cravate nghiêm chỉnh – tôi hơi thấy xa lạ với bộ pull-jean của mình, đúng anh Sơn rồi, anh nói huyên thiên: sao Quỳnh không báo để anh đi đón, anh hỏi chú qua Viber mới biết chuyến bay, tính đi đường mất hai tiếng, không ngờ kẹt xe ở hầm Hải Vân cả tiếng nên trễ, mà sao Quỳnh không ngồi trong quán café có điều hòa cho mát mà ngồi ven đường, bụi chết! Bước lên xe, tôi tròn mắt thấy có mỗi lái xe, anh phẩy tay khi tôi hỏi có ai cùng đi: có ai đâu, thuê xe rộng ngồi cho tiện, còn hành lý nữa mà, Quỳnh đã lấy chưa? Anh thoáng thở dài khi thấy tôi chỉ có cái ba lô và túi xách nhỏ, rồi hối thúc khi tôi chờ lấy tiền thừa sau khi đưa chị bán nước mía tờ 20k: thôi bỏ đi, có mấy đồng bọ, đáng gì, tôi vẫn kiên nhẫn chờ lấy lại sáu ngàn đồng rồi lẳng lặng lên xe, nói nhỏ: xin lỗi anh, em xin phép chợp mắt một chút, chuyến bay hơi dài lại phải trái múi giờ, và lắc đầu xua tay khi anh đề nghị thuê phòng nghỉ vài giờ cho đỡ mệt rồi đi ra Huế, tôi đã quen ngủ ngồi nhiều lần khi gọi auto-stop. Tuy nhắm mắt, ngả lưng nhưng tôi vẫn biết xe dừng mấy lần để bắt khách, nghe rõ ràng tiếng anh Sơn trăm ngàn ra đến đường Tránh, thích thì lên, có cả tiếng cười: ét xe ăn mặc sang quá, nhưng vẫn tảng lờ, không nghe ai nói gì thêm, mấy khi được đi xe đường dài máy lạnh giá hời.

Xe về đến Vinh Hà khi trời đã xế chiều, tôi vòng tay chào ông bà nội, gia đình bác Cả, mình là phận em út mà! Sau bữa cơm tối với món canh cua đồng nấu mồng tơi và rau muống xóc tỏi rất ngon miệng, tôi đưa mấy hộp trà nhài Delite 30 gói nhập từ Trung quốc – đúng goût của ông nội, theo Ba nói – và mấy củ sâm Triều tiên cho Bà nội. Gia đình bác Cả nhận quà mỗi người một hộp dầu Eagle Brand của Singapore và một gói kẹo Hershey’s nuggets của Mỹ, túi xách của tôi có thể tích khiêm tốn, chỉ chứa được chừng đó. Các anh chị con út bác Cả (hai Bác sản xuất hơn một tiểu đội, lứa út ít vai anh chị của tôi mới hơn mười tuổi) hí hoáy lột hết vỏ ra xem có nhét tờ đô nào không, tôi lẳng lặng xin chiếc đĩa, đặt tờ 100 USD lên, thưa với ông nội: sắp đến là giỗ ông Cố, Ba Mẹ con có ít lòng thành xin gởi về để góp phần cúng Cố. Có lẽ bộ mặt tươi cười ông tổng thống Benjamin Franklin làm bác Cả tươi lên một chút, bác bảo anh Sơn lo đưa tôi đi, khi tôi xin ngày mai sang thắp hương nhà thờ, thăm mộ tổ tiên. Rồi không biết nghĩ sao, bác chấp thuận ngay khi tôi xin phép ngày mốt lên thăm bạn ở Huế, ở lại đó một hai tuần (nghĩa là gần hết ba tuần theo visa), chỉ nhắc ngày hai mươi bảy âm là chạp họ, nhớ về thắp hương, vậy tôi có thể dành trọn thời gian thực hiện nhiệm vụ Ba đã ghi trong cẩm nang, chưa biết việc gì.

Sáng hôm sau, mấy anh chị con bác Cả và tôi đến nhà thờ, dâng hương và quỳ lạy tổ tiên. Tôi đã quen với thế tấn Kim kê độc lập và tập luyện từ trước, khi lạy vẫn chụm hai gót chân dễ dàng như các nhà sư, trong khi anh Sơn bắt chước, cố giữ không bước tới lui, mất thăng bằng tí nữa ngã lăn ra, làm các em cười ồ. Rồi đường đi đến khu vực nghĩa trang dòng họ, phải vượt que một khe nước rộng hơn hai mét, trong khi nhiều người xắn quần lội qua, tôi dùng thế Phượng hoàng triển dực vượt qua khá nhẹ nhàng. Ít nhất mọi người cũng thấy, tôi không thuộc loại tiểu thư hay mất gốc như họ tưởng.

Tôi lên Huế, tìm đến nhà Thư, cháu của chú Huỳnh Phi, sống ở đó thật thoải mái vì tính tình rất hợp, năm trước Thư qua thăm chú, đi phượt với tôi mấy ngày, thân thiết như chị em ruột. Chồng Thư đang đi công tác, Thư chưa có con, chúng tôi đùa nghịch ở nhà như trẻ mới lớn. Thư dẫn tôi đi thăm lại các quán bún mụ Rớt, bánh bèo mụ Đỏ, bánh cuốn Huyền Anh, cơm hến bên Cồn (theo chế độ american pay, tôi thích Thu ở tính sòng phẳng), những khẩu vị hơn 20 năm nay mới gặp lại; phố Tàu ở quận Cam có chất lượng thua xa, thiếu hương vị đậm đà như ở ngay xứ Huế. Tôi liên lạc với nhiều bạn cũ, có đứa sắp có dâu, rể rồi, gẫm lại thân mình chưa một mảnh tình vắt vai cũng ngậm ngùi. Có lần Thư hỏi: đến khi nào Quỳnh mới lắp một chiếc rờ-moóc vào cuộc sống của mình? Tôi cười: chưa biết, con trai bây giờ thực dụng quá, không hợp với mình, sống độc thân càng khỏe, khỏi phải hò hẹn mất thời gian.

Nói trước, bước không qua, đến một ngày tôi cũng được lời hẹn: số điện thoại gốc của tôi nhận tin nhắn từ một số lạ hoắc, có đầu số +1(510), nội dung đúng mật khẩu quy định Peace is the virtue of civilization. War is its crime, kèm theo câu hỏi Where are you now exactly? ba phút sau khi tôi trả lời, đại ý tôi đang ở nhà bạn tại góc đường Tôn Thất Tùng – Bùi thị Xuân, là lời hẹn bằng tiếng Việt khá chuẩn, tôi xin gặp bạn lúc 15 giờ chiều mai, ở trạm nghỉ chân thứ hai của cầu Dã Viên, phía đường Bùi thị Xuân đi lên, đề nghị mang nửa tờ đô la để đối chiếu và thư của Uncle You. Tên Vũ của Ba được bạn bè gọi trại thành You, tôi hiểu thư ở đây là lá thư cẩm nang mà tôi luôn mang theo mình. Trả lời OK xong, tự nhiên tôi thấy hồi hộp như cô gái mới lớn lần đầu hẹn hò, dù tôi đã gần 30, đã học về tổ chức sự kiện, võ nghệ đủ để tự vệ, đối tượng hẹn gặp có lời lẽ đàng hoảng, chỉn chu, có vẻ học thức, mà điểm hẹn rất khoa học: nếu chỉ hẹn cầu Dã viên thôi thì làm sao phân biệt bờ Nam hay bờ Bắc, xuôi hay ngược sông của chiếc cầu dài hơn ba trăm mét?

Hôm sau, gần ba giờ chiều, tôi thong thả đi bộ đến điểm hẹn, giả vờ đứng hóng mát để giữ chỗ, biết đâu chẳng có cặp đôi nào đó cũng ngẫu nhiên hẹn nhau đúng ở đây, vào giờ này? Thôi giữ chỗ trước là hơn. Hóa ra người định chiếm chỗ hẹn này là có thật, không phải cặp đôi nào mà là hai thanh niên trông rất ngầu, tay anh nào cũng lộ ra vết xăm trổ vằn vện sau chiếc áo pull sặc sỡ. Anh cao hơn hất hàm: Em gái, đứng đây làm gì? Tôi điềm đạm: tôi hóng mát, chỗ công cọng mà! Hắn phẩy tay, cười đểu: Nhưng đây là điểm choác của anh, em muốn đón khứa thì chờ anh choác xong đã, rồi anh sẽ đi với em gái! Mấy người thấy lạ xúm lại, tôi giận tím mặt, định phản ứng, trông dáng đứng lòng khòng, khuỳnh khoàng của hai tên không bảo đảm một thế tấn vững chắc, thì có tiếng can thiệp: Người ta đến trước, hai anh đến sau, sao lại tranh chỗ? Tên cao lớn sừng sộ: Mày muốn làm hiệp sĩ hả, có giỏi vào đây! Tôi quay lại nhìn, anh thanh niên mảnh khảnh mặc áo chemise trắng, quần xanh như lọt thỏm giữa hai tên đầu gấu cao to, môt tên lăm lăm dao con chó đã bật lưỡi, tên kia cũng thủ khúc cây ngắn như chiếc đoản côn. Tôi hơi yên tâm khi thấy anh thư sinh rê chân trái thành thế Trảo mã tấn khá linh hoạt, trong chớp mắt, tôi thấy rõ ngọn cước Bàn long chân phải tung lên trúng cổ tay đang cầm dao con chó, lưỡi dao bay lên thành hình cầu vòng rơi tõm xuống sông, đối thủ ôm tay xuýt xoa lui lại, tên kia vung cây đoản côn định giáng xuống lưng anh thư sinh đang lấy lại thăng bằng, thì tôi đã xoay người nhập nội, tống luôn cú chỏ vào giữa mặt, hắn lảo đảo gục xuống, những người chung quanh ào lại giữ hai tên giao cho công an đang đi đến, làm chứng cho sự cố chúng tôi bị hai tên chích choác dùng vũ khí uy hiếp.

Tại Đồn Công an Phường Đúc, anh thư sinh trình hộ chiếu Mỹ ghi rõ: anh tên David Huỳnh Phong, và giấy chứng nhận là giáo viên ngắn hạn của Trung tâm Anh ngữ EUC. Tôi cũng trình hộ chiếu để khai báo theo nguyên tắc, mấy người làm chứng cũng đưa chứng minh thư và cả hai tên chích, choác nữa, một tên đang bầm tím cổ tay phải, tên kia thì máu mũi vẫn chảy, chắc giập xương lá mía, tôi ra đòn khá nặng. Trong thời gian tường trình, tôi tỉnh táo nhận ra trong ví anh Phong có miếng nhựa trong chứa nửa tờ một đô la…

Ra khỏi Đồn Công An, tôi mỉm cười với anh: số điện thoại tạm thời của tôi ở Việt Nam là 036……, ở đây anh đừng dùng số ở Mỹ phí tiền, anh hơi ngớ người rồi hiểu ngay khi tôi chìa nửa tờ một đô la ra, anh cũng lục ví, lấy miếng nhựa, rút nửa tờ một đô la ráp lại vừa khít, thế là xong phần nhận dạng. Chúng tôi trở lại cầu Dã viên, theo đường đi bộ xuống cồn Dã viên, đến vườn Ngự Uyển, vừa đi vừa nói chuyện. Anh tự giới thiệu về mình: đã cùng gia đình sang Hoa kỳ từ 1970, theo cha là kỹ sư của hãng vận tải JB Hunt, đã học phổ thông ở Heritage, hiện theo năm cuối đại học Virginia ngành Đông phương học, đang về Huế - quê nội, để tìm hiểu chuyên môn cho đồ án tốt nghiệp, thời gian rỗi anh nhận dạy miễn phí tiếng Anh đàm thoại cho EUC - cũng là một cách đóng góp cho quê hương, tôi nghĩ. Trả lời thắc mắc của tôi về võ nghệ, anh thú thật chỉ mới theo học chút xíu Thiếu Lâm Hồng gia trong bốn năm (tôi hơi giật mình, các sư huynh lò Hoàng Phi học 4 năm là được phép thi lên đai trắng rồi, mà anh bảo chút xíu…). Rồi đến chuyện chính Ba tôi nhờ. Tôi bóc cẩm nang, đọc lướt qua, rồi hỏi: Thế anh có biết ông Kelvin Quynce không? anh Phong mỉm cười: Kelvin Quynce có tên Việt là Huỳnh Kiếm, lấy tên Mỹ gần giống với tên gốc, chính là… (anh ngập ngừng) cha tôi! Cả gia đình nhà nội đều có thẻ xanh từ năm 1970 theo họ Quynce, cả chú tôi là Huỳnh Minh đã mất hồi 1972, cũng là Michael Quynce. Trong thư Ba có nói rõ, trung úy Michael Quynce tham gia đoàn biệt kích tiền trạm chiến dịch Lam Sơn 72 cùng chú Trần Hùng quân báo, em kết nghĩa của Ba, bị tử thương ở sông Thạch Hãn. Chú đã kể lại cho Ba trong một bữa nhậu: chính tay chú Hùng đã nhét trong miệng Michael tấm thẻ bài inox, rồi gói xác trong tấm poncho, đào huyệt chôn đúng giữa cây bồ đề và hậu điện sau chùa có tên Linh Quang tự. Chú đã mất ngoài biển khơi trong cuộc tháo chạy năm 1975, nên Ba tự thấy có nhiệm vụ thông báo cho họ Huỳnh/Quynce, nhất là khi ông Kelvin đã nhận Ba vào lái xe trong chi nhánh California của hãng vận tải JB Hunt, giúp Ba thoát được mặc cảm ăn bám, dù chỉ biết Ba là cựu quân nhân Saigon. Chính nghĩa cử này càng thúc đẩy Ba giúp họ Quynce tìm ra thi thể Michael, nhưng đột ngột lâm bệnh nên phải nhờ đến cô con gái rượu. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ Ba giao phó, sau khi cùng Phong đi đến chùa Linh Quang, trình bày sự việc, hẹn ngày cùng chính quyền địa phương, đại diện Dự án hợp tác MIA tiến hành khai quật. Việc giám định ADN chỉ là thủ tục, khi hàng chục người thấy rõ trong miệng bộ xương cao lớn có tấm thẻ bài (dog tag) ghi rõ tên tuổi, số hiệu quân nhân. Khi Đại diện Dự án MIA hỏi tôi số tài khoản để chuyển khoản tiền thưởng, nhớ lời Ba dặn trong cẩm nang, tôi trả lời vắn tắt, vẫn qua phiên dịch theo quy định: Mục đích của Gia đình tôi chỉ là hỗ trợ tìm tung tích cho các quân nhân mất tích trong chiến tranh, bất kể bên nào. Xin chuyển tiền đến tài khoản thích hợp…

Nhớ lời bác Cả dặn, đúng ngày 26 âm lịch, tôi chuẩn bị ít hoa quả, sắp vào làn mây, báo với Thư: ngày mai mình ra bến xe Đông Ba, về làng chạp họ, Thư chỉ mỉm cười, không nói gì. Hôm sau, vừa xuống xe buýt số 13, đang loay hoay tìm xe buýt số 15 thì David Phong xuất hiện, nhã nhặn mời tôi lên xe 7 chỗ do anh cầm lái: anh xin cùng về làng thắp hương cho Họ, lý do là chính thức mục kích tập tục cúng bái để bổ sung cho đồ án. Đến làng, tôi chỉ biết giới thiệu với mọi người anh Huỳnh Phong, con của bác Kiếm, bạn ba Vũ, đang xin tìm hiểu tập tục cúng bái, cũng may anh nói tiếng Việt rất sõi nên nhanh chóng hòa nhập, anh chụp ảnh đủ các nghi lễ cúng họ, tấm tắc khen ngon khi ăn món xôi gấc với thịt heo luộc. Cuối buổi chạp, ông nội đứng lên, với cả Họ: cháu Phong đây là con anh Huỳnh Kiếm, bạn thằng út Vũ nhà này, đã nhờ cha con thằng út (ông liếc nhìn tôi) tìm ra hài cốt chú ruột là Huỳnh Minh, muốn cảm ơn dòng họ mình bằng cách đóng góp hai mươi ngàn đô la để xây nhà thờ Họ và sửa sang mộ tổ tiên, tôi đã thay mặt dòng họ cảm ơn tấm lòng của họ Huỳnh và mời cháu Phong một chén rượu tri ân.

Tôi im lặng đi ra cổng, bấm Viber thuật chuyện với Ba, bây giờ là giữa trưa, bên Mỹ mới nửa đêm, Ba vẫn còn thức, tôi hỏi: công việc Ba giao đã ổn, nhưng sao Ba không giao thẳng họ Huỳnh cho tiện? nghe rõ tiếng Ba cười: bác Kelvin là thượng nghị sĩ ở  LosAngeles, thỉnh thoảng đến thăm Ba, còn thằng David ở tận Virginia, cả năm mới gặp nhau một lần; hiện nay ở Việt nam hay Triều tiên, trò buôn xác Mỹ đang phổ biến, phải có con kiểm tra đúng người họ Quynce, Ba mới yên tâm; chưa hết đâu, về đây con sẽ biết, qua chuyện Michael, bác Kelvin đã nhắm con cho David, ngỏ ý muốn kết thông gia với nhà mình đó. Tôi ngượng đỏ mặt, quay vào, nghe rõ tiếng anh Phong đang nhỏ nhẹ: Thưa ông nội, con đang tìm hiểu về Triết lý Đông phương học, qua chuyện chú Huỳnh Minh, đã hiểu ý nghĩa của lời dạy thi ân bất cầu báo… Tôi thấy hơi lạ, tại sao anh Phong dùng từ ông nội chú như người trong nhà thế?