Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Truyện ngắn 43

 

  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

NHIỆM VỤ TRÊN QUÊ HƯƠNG

Truyên ngắn của Quỳnh Anh (thân tặng cháu Ái Việt)

Sau hơn hai mươi năm sống trên đất người xứ lạ, tuy là con gái, tôi lại nhận nhiệm vụ thay mặt Ba về quê nội. Ba Mẹ sinh được hai con, anh trai đã mất vì bệnh hồi nhỏ, còn lại mỗi tôi, nên phải đảm nhiệm công việc của trưởng nam. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Ba kết thúc thời gian cải tạo ở Tháp Bà, Hoàng Liên sơn, dành cho đại tá quân đội Saigon, gia đình ba người chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh theo diện HO của chương trình ODP sang Hoa kỳ; lúc đó, nhiều người nghĩ mà không nói nước Mỹ giàu, ở đó giơ tay cũng hái ra tiền, đoán sớm muộn Ba tôi sẽ về thăm quê, không xênh xang áo mão như quan lớn, cũng lên xe, xuống ngựa như đại gia triệu phú.

Sự thật trái ngược hẳn, ở đất Mỹ, ai cũng phải làm việc vất vả mới có thu nhập: sau mấy tháng trôi nổi, gia đình chúng tôi chuyển đến quận Cam, bang California; Ba không muốn sống dựa vào nguồn trợ cấp thất nghiệp, lòng thương hại của bạn bè, của cả thuộc cấp trước đây, may mắn xin được công việc lái xe đường dài cho một hãng vận tải nên nhận ngay; Mẹ nhờ khéo tay, biết trang điểm nên học nghề nail, tranh công việc của những người trước đây chuyên làm đẹp cho bà phu nhân đại tá, công việc nghe có vẻ hạ tiện nhưng thu nhập hàng tháng có khi hơn hẳn lương lái xe của Ba, đủ để lo ăn ở, chi phí đi lại, không phải đi xa nhà nên có thể trông nom tôi, cô con gái rượu đang tuổi lớn, thường được ví như bom nổ chậm; riêng tôi, để có tiền tiêu vặt khỏi xin Ba Mẹ, đã tập làm thêm ngoài giờ học ở trường, như hái táo thuê, rửa bát đĩa ở nhà hàng. Khi tôi định học thêm Vovinam từ chú Hoàng Phi bạn Ba, đang chần chừ khi biết học phí hàng tháng không nhỏ, Ba Mẹ đã ủng hộ con gái cũng cần biết võ để phòng thân, để Ba Mẹ lo học phí cho, tôi hiểu nguyên nhân sâu xa: võ đường Hoàng Phi được xem như một cộng đồng Việt Nam thu nhỏ, đa số đều là người Việt, trừ vài võ sinh bản xứ. Sau ba năm miệt mài trên thảm tập, tôi thi lên cấp, được mang thắt lưng đỏ, chú Phi đề nghị với tôi, khóa tới đứng lớp huấn luyện cho võ sinh mới nhập môn, cũng là lúc tôi bảo vệ xong hoàn thành khóa luận tốt nghiệp cao đẳng về Tổ chức sự kiện.

Cuộc sống gia đình bắt đầu tạm ổn định, Ba viết thư về quê xin làm thủ tục đón ông bà nội sang sum họp gia đình, thư của ông trả lời ráo hoảnh: mày có nhớ ông bà cha mẹ thì về thăm, chứ tao đi theo mày thì mồ mả tổ tiên, nhà thờ dòng họ giao khoán cho ai? Biết tính ông nội rất dứt khoát, Ba định thu xếp cho cả nhà về quê thì sự cố ập đến: trong một chuyến lái xe đường dài để giao hàng đến LosAngeles, Ba bị đột quỵ vì tai biến, chú Huy cùng lái (xe đi đường xa luôn có hai lái xe) nhanh chóng đưa Ba đến Las Encinas Hospital, hoàn tất giao hàng rồi lại đưa Ba về Irvine, California, từ đó cuộc sống của Ba gắn liền với giường bệnh và chiếc xe lăn, có Mẹ luôn bên cạnh để hỗ trợ những sinh hoạt cần thiết.

Trước khi tôi sang LosAngeles để đáp chuyến bay thẳng về Đà Nẵng, Ba dùng laptop luôn đặt cạnh giường bệnh, soạn thảo một kế hoạch chi tiết, in ra mấy trang A4, cho vào phong bì, niêm phong cẩn thận rồi giao cho tôi, dặn dò kỹ lưỡng: trong ba tuần về nước theo visa, con có thể tạm trú ở nhà bác Cả, Ba đã gởi mail xin phép rồi; ngoài những việc riêng, con xin ông nội cho phép thay mặt Ba thắp hương bàn thờ Họ, thăm mộ tổ tiên, nhớ cư xử đàng hoàng với bà con trong Họ. Ở quê, sẽ có người điện thoại tìm con, nói đúng mật khẩu là câu của Victor Hugo: Peace is the virtue of civilization. War is its crime (Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác), đưa cho con nửa tờ một đô la, ráp lại khớp với nửa tờ Ba đưa đây, khi đó con bóc phong bì, thực hiện lời Ba dặn trong thư. Quả Ba tôi là tín đồ của Khổng Minh, dù đau liệt giường, bị hạn chế khả năng vận động nhưng thần trí vẫn sáng suốt, minh mẫn, suy tính công việc vẫn cặn kẽ, chu đáo như thời còn là Đại tá Trưởng phòng Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Saigon ngày trước, lên kế hoạch chi tiết mà vẫn giữ nguyên tắc bí mật.

Tranh thủ 60 phút quá cảnh ở Singapore của chuyến bay LosAngeles - Đà Nẵng, tôi đến quầy hàng lưu niệm của sân bay Changi, tìm mua vài lốc dầu Eagle Brand làm quà, Mẹ nói thứ này ở quê nhà rất chuộng, vừa thoa cho nóng người vừa uống chống đau bụng, giá ở Sing một lọ 24ml chỉ gần một đô la Mỹ. Các anh bán hàng, tôi nghe rõ ràng vừa mới mày tao chi tớ với nhau, thấy tôi xuất hiện, tóc đen da vàng, chắc nghĩ tôi là người Nhật, mở miệng líu lo ohayou gozaimasu, tôi xổ luôn tiếng Việt, lâu nay Ba Mẹ quy định trong nhà chỉ được nói tiếng mẹ đẻ: bán cho choa ba lốc dầu Con Ó, nhìn các anh há hốc mồm, tôi cười thầm trong bụng, lẳng lặng rút master card trả tiền. Một con gió bỗng ập đến, thổi tung chiếc mũ casquette trên đầu tôi bay lên cao, theo phản xạ tôi tung người lên với lấy được ngay, rồi hạ người xuống vừa kịp đỡ túi hàng đưa tới trước mặt. Tôi thản nhiên bỏ ngoài tai tiếng xuýt xoa khen ngợi, rút khăn tay thấm mồ hôi, cài lại quai mũ rồi trở về chố ngồi của mình trên chiếc Boeing 747 ở cuối phi trường.

Sáu tiếng đồng hồ sau, tôi làm thủ tục ở sân bay Đà Nẵng, mua chiếc sim rác lắp thêm vào máy, nhận hàng lý, chiếc túi xách tay nhỏ gọn có bánh xe nhẹ tênh, đồ đạc bên trong cũng ít; lưng đeo ba lô, tôi đeo túi qua vai, bước đi dễ dàng. Từ kinh nghiệm học từ anh bạn đồng hương về quê tháng trước, tôi lắc đầu từ chối cánh taxi mời chào, kiểm lại mớ tiền Việt mới đổi, tìm chiếc xe buýt tuyến R14, đưa tờ 5 ngàn đồng, giả giọng Quảng nói vỏn vẹn mấy từ Côông dziên hai chính thoéng boa như dân bản địa, tôi biết tuyến xe buýt Đà Nẵng – Huế có trạm dừng ở Công viên 29/3, lên xe đó trả 70 ngàn, 4 tiếng sau là đến Bến xe phía Nam của Huế; tôi tính sẽ xuống ở ngã ba đường Tránh, trả mấy chục ngàn đồng xe ôm - nước Mỹ lạc hậu, chưa thấy phương tiện này – là mấy chục phút sau, có thể gặp ông bà nội đã cách biệt gần ba mươi năm.

Tôi tính kỹ như thế mà cũng thua Trời tính. Ngồi trên xe buýt, điện thoại réo vang, nghe giọng anh Sơn con bác Cả (bằng tuổi anh Trung đã mất, hơn tôi một tuổi - tôi đã quen giọng qua Viber) gấp gáp: Quỳnh xuống máy bay chưa, xe anh thuê đón em nãy giờ bị kẹt ở hầm Hải Vân, đến hơi chậm! đến khi biết tôi đã theo tuyến R14 để đón xe buýt ra Huế, giọng anh cuống quýt hẳn: Quỳnh cứ đến Công viên 29/3, uống café chờ anh, xe 16 chỗ màu trắng số 75-00032 nhé! Anh cúp máy ngay, chắc sợ gọi số phủ sóng quốc tế tốn tiền, anh đâu biết xuống sân bay, tôi đã mua ngay sim nội địa cài thêm vào máy để dùng trong mấy tuần ở quê. Đến công viên 29/3, tôi xuống xe buýt, mang túi xách và chiếc ba lô đến chiếc ghế nhựa của xe nước mía ven đường, lâu lắm mới được thưởng thức vị nước mía miền Trung, thầm nghĩ ngoài anh Sơn, không biết ai đi đón tôi nữa mà thuê cả xe 16 chỗ, trang trọng thật!

Trời mùa hè nắng gắt, ly nước mía nhỏ xíu chưa đã cơn khát khô cổ, tôi gọi thêm ly thứ hai, vừa uống hết thì thấy chiếc Ford transit trắng đảo một vòng quanh công viên, lượn qua mấy quán cà phê máy lạnh bên kia đường rồi xịch đến bên xe nước mía khi thấy tôi vẫy, một người mở cửa, bước xuống với bộ complet, cravate nghiêm chỉnh – tôi hơi thấy xa lạ với bộ pull-jean của mình, đúng anh Sơn rồi, anh nói huyên thiên: sao Quỳnh không báo để anh đi đón, anh hỏi chú qua Viber mới biết chuyến bay, tính đi đường mất hai tiếng, không ngờ kẹt xe ở hầm Hải Vân cả tiếng nên trễ, mà sao Quỳnh không ngồi trong quán café có điều hòa cho mát mà ngồi ven đường, bụi chết! Bước lên xe, tôi tròn mắt thấy có mỗi lái xe, anh phẩy tay khi tôi hỏi có ai cùng đi: có ai đâu, thuê xe rộng ngồi cho tiện, còn hành lý nữa mà, Quỳnh đã lấy chưa? Anh thoáng thở dài khi thấy tôi chỉ có cái ba lô và túi xách nhỏ, rồi hối thúc khi tôi chờ lấy tiền thừa sau khi đưa chị bán nước mía tờ 20k: thôi bỏ đi, có mấy đồng bọ, đáng gì, tôi vẫn kiên nhẫn chờ lấy lại sáu ngàn đồng rồi lẳng lặng lên xe, nói nhỏ: xin lỗi anh, em xin phép chợp mắt một chút, chuyến bay hơi dài lại phải trái múi giờ, và lắc đầu xua tay khi anh đề nghị thuê phòng nghỉ vài giờ cho đỡ mệt rồi đi ra Huế, tôi đã quen ngủ ngồi nhiều lần khi gọi auto-stop. Tuy nhắm mắt, ngả lưng nhưng tôi vẫn biết xe dừng mấy lần để bắt khách, nghe rõ ràng tiếng anh Sơn trăm ngàn ra đến đường Tránh, thích thì lên, có cả tiếng cười: ét xe ăn mặc sang quá, nhưng vẫn tảng lờ, không nghe ai nói gì thêm, mấy khi được đi xe đường dài máy lạnh giá hời.

Xe về đến Vinh Hà khi trời đã xế chiều, tôi vòng tay chào ông bà nội, gia đình bác Cả, mình là phận em út mà! Sau bữa cơm tối với món canh cua đồng nấu mồng tơi và rau muống xóc tỏi rất ngon miệng, tôi đưa mấy hộp trà nhài Delite 30 gói nhập từ Trung quốc – đúng goût của ông nội, theo Ba nói – và mấy củ sâm Triều tiên cho Bà nội. Gia đình bác Cả nhận quà mỗi người một hộp dầu Eagle Brand của Singapore và một gói kẹo Hershey’s nuggets của Mỹ, túi xách của tôi có thể tích khiêm tốn, chỉ chứa được chừng đó. Các anh chị con út bác Cả (hai Bác sản xuất hơn một tiểu đội, lứa út ít vai anh chị của tôi mới hơn mười tuổi) hí hoáy lột hết vỏ ra xem có nhét tờ đô nào không, tôi lẳng lặng xin chiếc đĩa, đặt tờ 100 USD lên, thưa với ông nội: sắp đến là giỗ ông Cố, Ba Mẹ con có ít lòng thành xin gởi về để góp phần cúng Cố. Có lẽ bộ mặt tươi cười ông tổng thống Benjamin Franklin làm bác Cả tươi lên một chút, bác bảo anh Sơn lo đưa tôi đi, khi tôi xin ngày mai sang thắp hương nhà thờ, thăm mộ tổ tiên. Rồi không biết nghĩ sao, bác chấp thuận ngay khi tôi xin phép ngày mốt lên thăm bạn ở Huế, ở lại đó một hai tuần (nghĩa là gần hết ba tuần theo visa), chỉ nhắc ngày hai mươi bảy âm là chạp họ, nhớ về thắp hương, vậy tôi có thể dành trọn thời gian thực hiện nhiệm vụ Ba đã ghi trong cẩm nang, chưa biết việc gì.

Sáng hôm sau, mấy anh chị con bác Cả và tôi đến nhà thờ, dâng hương và quỳ lạy tổ tiên. Tôi đã quen với thế tấn Kim kê độc lập và tập luyện từ trước, khi lạy vẫn chụm hai gót chân dễ dàng như các nhà sư, trong khi anh Sơn bắt chước, cố giữ không bước tới lui, mất thăng bằng tí nữa ngã lăn ra, làm các em cười ồ. Rồi đường đi đến khu vực nghĩa trang dòng họ, phải vượt que một khe nước rộng hơn hai mét, trong khi nhiều người xắn quần lội qua, tôi dùng thế Phượng hoàng triển dực vượt qua khá nhẹ nhàng. Ít nhất mọi người cũng thấy, tôi không thuộc loại tiểu thư hay mất gốc như họ tưởng.

Tôi lên Huế, tìm đến nhà Thư, cháu của chú Huỳnh Phi, sống ở đó thật thoải mái vì tính tình rất hợp, năm trước Thư qua thăm chú, đi phượt với tôi mấy ngày, thân thiết như chị em ruột. Chồng Thư đang đi công tác, Thư chưa có con, chúng tôi đùa nghịch ở nhà như trẻ mới lớn. Thư dẫn tôi đi thăm lại các quán bún mụ Rớt, bánh bèo mụ Đỏ, bánh cuốn Huyền Anh, cơm hến bên Cồn (theo chế độ american pay, tôi thích Thu ở tính sòng phẳng), những khẩu vị hơn 20 năm nay mới gặp lại; phố Tàu ở quận Cam có chất lượng thua xa, thiếu hương vị đậm đà như ở ngay xứ Huế. Tôi liên lạc với nhiều bạn cũ, có đứa sắp có dâu, rể rồi, gẫm lại thân mình chưa một mảnh tình vắt vai cũng ngậm ngùi. Có lần Thư hỏi: đến khi nào Quỳnh mới lắp một chiếc rờ-moóc vào cuộc sống của mình? Tôi cười: chưa biết, con trai bây giờ thực dụng quá, không hợp với mình, sống độc thân càng khỏe, khỏi phải hò hẹn mất thời gian.

Nói trước, bước không qua, đến một ngày tôi cũng được lời hẹn: số điện thoại gốc của tôi nhận tin nhắn từ một số lạ hoắc, có đầu số +1(510), nội dung đúng mật khẩu quy định Peace is the virtue of civilization. War is its crime, kèm theo câu hỏi Where are you now exactly? ba phút sau khi tôi trả lời, đại ý tôi đang ở nhà bạn tại góc đường Tôn Thất Tùng – Bùi thị Xuân, là lời hẹn bằng tiếng Việt khá chuẩn, tôi xin gặp bạn lúc 15 giờ chiều mai, ở trạm nghỉ chân thứ hai của cầu Dã Viên, phía đường Bùi thị Xuân đi lên, đề nghị mang nửa tờ đô la để đối chiếu và thư của Uncle You. Tên Vũ của Ba được bạn bè gọi trại thành You, tôi hiểu thư ở đây là lá thư cẩm nang mà tôi luôn mang theo mình. Trả lời OK xong, tự nhiên tôi thấy hồi hộp như cô gái mới lớn lần đầu hẹn hò, dù tôi đã gần 30, đã học về tổ chức sự kiện, võ nghệ đủ để tự vệ, đối tượng hẹn gặp có lời lẽ đàng hoảng, chỉn chu, có vẻ học thức, mà điểm hẹn rất khoa học: nếu chỉ hẹn cầu Dã viên thôi thì làm sao phân biệt bờ Nam hay bờ Bắc, xuôi hay ngược sông của chiếc cầu dài hơn ba trăm mét?

Hôm sau, gần ba giờ chiều, tôi thong thả đi bộ đến điểm hẹn, giả vờ đứng hóng mát để giữ chỗ, biết đâu chẳng có cặp đôi nào đó cũng ngẫu nhiên hẹn nhau đúng ở đây, vào giờ này? Thôi giữ chỗ trước là hơn. Hóa ra người định chiếm chỗ hẹn này là có thật, không phải cặp đôi nào mà là hai thanh niên trông rất ngầu, tay anh nào cũng lộ ra vết xăm trổ vằn vện sau chiếc áo pull sặc sỡ. Anh cao hơn hất hàm: Em gái, đứng đây làm gì? Tôi điềm đạm: tôi hóng mát, chỗ công cọng mà! Hắn phẩy tay, cười đểu: Nhưng đây là điểm choác của anh, em muốn đón khứa thì chờ anh choác xong đã, rồi anh sẽ đi với em gái! Mấy người thấy lạ xúm lại, tôi giận tím mặt, định phản ứng, trông dáng đứng lòng khòng, khuỳnh khoàng của hai tên không bảo đảm một thế tấn vững chắc, thì có tiếng can thiệp: Người ta đến trước, hai anh đến sau, sao lại tranh chỗ? Tên cao lớn sừng sộ: Mày muốn làm hiệp sĩ hả, có giỏi vào đây! Tôi quay lại nhìn, anh thanh niên mảnh khảnh mặc áo chemise trắng, quần xanh như lọt thỏm giữa hai tên đầu gấu cao to, môt tên lăm lăm dao con chó đã bật lưỡi, tên kia cũng thủ khúc cây ngắn như chiếc đoản côn. Tôi hơi yên tâm khi thấy anh thư sinh rê chân trái thành thế Trảo mã tấn khá linh hoạt, trong chớp mắt, tôi thấy rõ ngọn cước Bàn long chân phải tung lên trúng cổ tay đang cầm dao con chó, lưỡi dao bay lên thành hình cầu vòng rơi tõm xuống sông, đối thủ ôm tay xuýt xoa lui lại, tên kia vung cây đoản côn định giáng xuống lưng anh thư sinh đang lấy lại thăng bằng, thì tôi đã xoay người nhập nội, tống luôn cú chỏ vào giữa mặt, hắn lảo đảo gục xuống, những người chung quanh ào lại giữ hai tên giao cho công an đang đi đến, làm chứng cho sự cố chúng tôi bị hai tên chích choác dùng vũ khí uy hiếp.

Tại Đồn Công an Phường Đúc, anh thư sinh trình hộ chiếu Mỹ ghi rõ: anh tên David Huỳnh Phong, và giấy chứng nhận là giáo viên ngắn hạn của Trung tâm Anh ngữ EUC. Tôi cũng trình hộ chiếu để khai báo theo nguyên tắc, mấy người làm chứng cũng đưa chứng minh thư và cả hai tên chích, choác nữa, một tên đang bầm tím cổ tay phải, tên kia thì máu mũi vẫn chảy, chắc giập xương lá mía, tôi ra đòn khá nặng. Trong thời gian tường trình, tôi tỉnh táo nhận ra trong ví anh Phong có miếng nhựa trong chứa nửa tờ một đô la…

Ra khỏi Đồn Công An, tôi mỉm cười với anh: số điện thoại tạm thời của tôi ở Việt Nam là 036……, ở đây anh đừng dùng số ở Mỹ phí tiền, anh hơi ngớ người rồi hiểu ngay khi tôi chìa nửa tờ một đô la ra, anh cũng lục ví, lấy miếng nhựa, rút nửa tờ một đô la ráp lại vừa khít, thế là xong phần nhận dạng. Chúng tôi trở lại cầu Dã viên, theo đường đi bộ xuống cồn Dã viên, đến vườn Ngự Uyển, vừa đi vừa nói chuyện. Anh tự giới thiệu về mình: đã cùng gia đình sang Hoa kỳ từ 1970, theo cha là kỹ sư của hãng vận tải JB Hunt, đã học phổ thông ở Heritage, hiện theo năm cuối đại học Virginia ngành Đông phương học, đang về Huế - quê nội, để tìm hiểu chuyên môn cho đồ án tốt nghiệp, thời gian rỗi anh nhận dạy miễn phí tiếng Anh đàm thoại cho EUC - cũng là một cách đóng góp cho quê hương, tôi nghĩ. Trả lời thắc mắc của tôi về võ nghệ, anh thú thật chỉ mới theo học chút xíu Thiếu Lâm Hồng gia trong bốn năm (tôi hơi giật mình, các sư huynh lò Hoàng Phi học 4 năm là được phép thi lên đai trắng rồi, mà anh bảo chút xíu…). Rồi đến chuyện chính Ba tôi nhờ. Tôi bóc cẩm nang, đọc lướt qua, rồi hỏi: Thế anh có biết ông Kelvin Quynce không? anh Phong mỉm cười: Kelvin Quynce có tên Việt là Huỳnh Kiếm, lấy tên Mỹ gần giống với tên gốc, chính là… (anh ngập ngừng) cha tôi! Cả gia đình nhà nội đều có thẻ xanh từ năm 1970 theo họ Quynce, cả chú tôi là Huỳnh Minh đã mất hồi 1972, cũng là Michael Quynce. Trong thư Ba có nói rõ, trung úy Michael Quynce tham gia đoàn biệt kích tiền trạm chiến dịch Lam Sơn 72 cùng chú Trần Hùng quân báo, em kết nghĩa của Ba, bị tử thương ở sông Thạch Hãn. Chú đã kể lại cho Ba trong một bữa nhậu: chính tay chú Hùng đã nhét trong miệng Michael tấm thẻ bài inox, rồi gói xác trong tấm poncho, đào huyệt chôn đúng giữa cây bồ đề và hậu điện sau chùa có tên Linh Quang tự. Chú đã mất ngoài biển khơi trong cuộc tháo chạy năm 1975, nên Ba tự thấy có nhiệm vụ thông báo cho họ Huỳnh/Quynce, nhất là khi ông Kelvin đã nhận Ba vào lái xe trong chi nhánh California của hãng vận tải JB Hunt, giúp Ba thoát được mặc cảm ăn bám, dù chỉ biết Ba là cựu quân nhân Saigon. Chính nghĩa cử này càng thúc đẩy Ba giúp họ Quynce tìm ra thi thể Michael, nhưng đột ngột lâm bệnh nên phải nhờ đến cô con gái rượu. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ Ba giao phó, sau khi cùng Phong đi đến chùa Linh Quang, trình bày sự việc, hẹn ngày cùng chính quyền địa phương, đại diện Dự án hợp tác MIA tiến hành khai quật. Việc giám định ADN chỉ là thủ tục, khi hàng chục người thấy rõ trong miệng bộ xương cao lớn có tấm thẻ bài (dog tag) ghi rõ tên tuổi, số hiệu quân nhân. Khi Đại diện Dự án MIA hỏi tôi số tài khoản để chuyển khoản tiền thưởng, nhớ lời Ba dặn trong cẩm nang, tôi trả lời vắn tắt, vẫn qua phiên dịch theo quy định: Mục đích của Gia đình tôi chỉ là hỗ trợ tìm tung tích cho các quân nhân mất tích trong chiến tranh, bất kể bên nào. Xin chuyển tiền đến tài khoản thích hợp…

Nhớ lời bác Cả dặn, đúng ngày 26 âm lịch, tôi chuẩn bị ít hoa quả, sắp vào làn mây, báo với Thư: ngày mai mình ra bến xe Đông Ba, về làng chạp họ, Thư chỉ mỉm cười, không nói gì. Hôm sau, vừa xuống xe buýt số 13, đang loay hoay tìm xe buýt số 15 thì David Phong xuất hiện, nhã nhặn mời tôi lên xe 7 chỗ do anh cầm lái: anh xin cùng về làng thắp hương cho Họ, lý do là chính thức mục kích tập tục cúng bái để bổ sung cho đồ án. Đến làng, tôi chỉ biết giới thiệu với mọi người anh Huỳnh Phong, con của bác Kiếm, bạn ba Vũ, đang xin tìm hiểu tập tục cúng bái, cũng may anh nói tiếng Việt rất sõi nên nhanh chóng hòa nhập, anh chụp ảnh đủ các nghi lễ cúng họ, tấm tắc khen ngon khi ăn món xôi gấc với thịt heo luộc. Cuối buổi chạp, ông nội đứng lên, với cả Họ: cháu Phong đây là con anh Huỳnh Kiếm, bạn thằng út Vũ nhà này, đã nhờ cha con thằng út (ông liếc nhìn tôi) tìm ra hài cốt chú ruột là Huỳnh Minh, muốn cảm ơn dòng họ mình bằng cách đóng góp hai mươi ngàn đô la để xây nhà thờ Họ và sửa sang mộ tổ tiên, tôi đã thay mặt dòng họ cảm ơn tấm lòng của họ Huỳnh và mời cháu Phong một chén rượu tri ân.

Tôi im lặng đi ra cổng, bấm Viber thuật chuyện với Ba, bây giờ là giữa trưa, bên Mỹ mới nửa đêm, Ba vẫn còn thức, tôi hỏi: công việc Ba giao đã ổn, nhưng sao Ba không giao thẳng họ Huỳnh cho tiện? nghe rõ tiếng Ba cười: bác Kelvin là thượng nghị sĩ ở  LosAngeles, thỉnh thoảng đến thăm Ba, còn thằng David ở tận Virginia, cả năm mới gặp nhau một lần; hiện nay ở Việt nam hay Triều tiên, trò buôn xác Mỹ đang phổ biến, phải có con kiểm tra đúng người họ Quynce, Ba mới yên tâm; chưa hết đâu, về đây con sẽ biết, qua chuyện Michael, bác Kelvin đã nhắm con cho David, ngỏ ý muốn kết thông gia với nhà mình đó. Tôi ngượng đỏ mặt, quay vào, nghe rõ tiếng anh Phong đang nhỏ nhẹ: Thưa ông nội, con đang tìm hiểu về Triết lý Đông phương học, qua chuyện chú Huỳnh Minh, đã hiểu ý nghĩa của lời dạy thi ân bất cầu báo… Tôi thấy hơi lạ, tại sao anh Phong dùng từ ông nội chú như người trong nhà thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét