Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 42

   <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

NGUỒN GỐC NHỮNG SỰ KIỆN, mẹ kể con nghe

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Trong cuộc sống hàng ngày, có những sự kiện, mới thoạt nhìn qua trông rất đơn giản, có thể lý giải nguyên nhân được ngay. Nhưng nếu bỏ công tìm hiểu nguồn gốc sâu xa, có thể nhận ra nhiều điều thú vị, giúp cho ta thấy rõ tâm lý của đối tượng trong cuộc. Tôi muốn minh họa ý tưởng này qua trong buổi nói chuyện bên chén trà với con gái, đang học lớp 12, nghĩa là bắt đầu biết suy nghĩ, để tập cho con thói quen đánh giá mọi việc một cách cặn kẽ, khách quan. Bắt đầu từ câu chuyện cuộc chạy đua giữa Thỏ và Rùa nổi tiếng, đã được kể từ cuối thế kỷ XVII trong tập Ngụ Ngôn của La Fontaine, sau này nhiều nước đã đưa vào tập truyển cổ tích cho trẻ em: Thỏ thách Rùa chạy thi, nhưng chủ quan, mải mê vui chơi, hái hoa đuổi bướm, đến khi sực nhớ lại thì Rùa đã bò gần đến đích, vội phóng nhanh nhưng không kịp, đành chịu thua; ở đây, không phải chỉ là vấn đề nhất cự ly, nhì tốc độ, mà nguyên nhân sâu xa là do Thỏ đã khinh thường Rùa chỉ biết bò từng bước, tin rằng có thể chấp Rùa một quãng xa, rồi chạy nhanh vẫn thắng, nên cuối cùng phải thua cuộc.

Để sinh động hơn, tôi kể tiếp chuyện của Quỳnh, một đồng nghiệp của tôi: là con gái rượu trong một gia đình nề nếp, cha công tác ở Ban Tuyên huấn, mẹ giảng dạy ở trường trung cấp Chính trị của Tỉnh, ông nội hoạt động cách mạng từ năm 1930 (bà nội mất sớm), Quỳnh rất tự hào về truyền thống chính trị của đại gia đình có tổng tuổi Đảng tới ba con số của mình, tự nhủ luôn nghe lời dặn của Ba Mẹ, chỉ giao thiệp, kết bạn với những người có phẩm chất chính trị vững vàng… Đến khi Quỳnh quen biết Đồng, ban đầu thấy khá yên tâm khi biết Đồng đã nhập ngũ từ chiến dịch biên giới Tây Nam, được cử đi dạy văn hóa ở trường quân chính quân khu với quân hàm thượng sĩ, nay chuyển ngành về cơ quan, được cử làm bí thư Chi đoàn khối văn phòng, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn quá rồi, còn đòi gì nữa?

Vốn cẩn thận, Quỳnh đến Phòng Tổ chức Cán bộ của cơ quan, tìm hiểu kỹ hơn, mới biết thành phần gia đình của Đồng được xếp loại tạch-tạch-sè, nghĩa là tiểu tư sản trí thức; trong sơ yếu lý lịch tự khai, Đồng mồ côi mẹ từ nhỏ, cha cũng đã mất, sinh thời lại là giáo viên lưu dung, dạy tiếng Pháp từ thời Pháp thuộc, có một thời gian tham gia Nam bộ kháng chiến, nhưng trong thời buổi đảng phái nhiễu nhương hồi đó, có ai chẳng tham gia tổ chức này, hoạt động nọ? Rồi anh An, Phó phòng còn nhận xét, số liệu rất chính xác dù ý đồ cung cấp thông tin khá rõ rệt (An đang rắp ranh bắn sẻ Quỳnh): Đồng có tuổi Đoàn mới lên 2, chỉ bằng số lẻ của Quỳnh thôi! Quả thật, Quỳnh sinh ở Thanh Chương, Nghệ An, vào Đoàn từ năm lớp 7 hệ 10 năm, kể cả mấy năm đại học và thâm niên công tác sắp hết tập sự, tính tuổi Đoàn đã gấp mấy lần của Đồng rồi. Một điểm hơi vô lý: bốn năm đại học, và quyết định nhập ngũ vẫn không đủ yếu tố xét kết nạp cho Đồng hay sao?

Thắc mắc nào cũng phải tìm hiểu cặn kẽ. Quỳnh tìm gặp chú Hồng bạn của Ba, đang công tác ở phòng Quản lý sinh viên và Đoàn trường đại học, nơi Đồng đã học, để tìm hiểu chi tiết, thấy rõ nguyên nhân: từ năm học thứ nhất, lúc đất nước vừa thống nhất, thời vàng thau lẫn lộn, hồi đó việc xét kết nạp Đoàn còn phức tạp hơn kết nạp Đảng bây giờ rất nhiều, Đồng là Đối tượng của Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Huế; sau một năm được bồi dưỡng quan điểm chính trị, Hội kết nạp Đồng, hình thức khá đơn giản qua một quyết định trao tay, kèm theo danh sách hơn chục người của cả trường. Rồi sau mấy năm đại học, từng bước phấn đấu qua đủ các cấp Cảm tình Đoàn, Cơ sở Đoàn, vào đầu năm thứ tư, Đồng được gọi đi học lớp Bồi dưỡng Đối tượng Đoàn của toàn Trường, vỏn vẹn 17 người trên mấy trăm sinh viên đủ ngành cả mấy khóa. Oái oăm thay, có một nguồn tin truyền khẩu không biết từ đâu tung ra, Trường chỉ giữ những sinh viên tốt nghiệp đã kết nạp Đoàn để phân công tác, trở thành bức tường vô hình khó vượt qua, và là nguồn gốc của mọi toan tính, khi số đoàn viên trong Chi đoàn – Lớp trước sau chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà Bí thư chi đoàn (học lực cũng kha khá) tuy không nói ra thành lời, vẫn nuôi mơ ước được giữ lại để nhận công tác ở Trường. Nhiều lý do về lý lịch được suy diễn ra từ vài sự cố chính trị như bạo động, rải truyền đơn… làm trì hoãn chuyện kết nạp Đoàn cho những sinh viên có học lực khá giỏi, với lời phê sau khi được thẩm tra lý lịch: đối tượng cần phải được nghiên cứu/bồi dưỡng thêm vì gia đình có vướng mắc / bản thân có vấn đề, trong khi ở địa phương sở tại, trước đây thuộc loại da báo lẫn lộn, gia đình nào cũng có người ở bên này, bên kia (có một chuyện khôi hài cười ra nước mắt: một gia đình nọ có hai anh em ruột, là sĩ quan trong quân đội Saigon, và sĩ quan bộ đội miền Bắc; trong buỗi giỗ cha, cậu em than thở: em không được Tổ chức giao phó công việc gì, vì vướng anh ruột là sĩ quan quân đội cũ; ông anh cười: ngược lại, sau khi đi học cải tạo về, tao được giám đốc nhận làm trợ lý, tin giao nhiều việc quan trọng, nhờ có em ruột là sĩ quan bộ đội). Đến khi nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam, Trường phát động phong trào sinh viên nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Trong khi một số đoàn viên thực thụ lấy lý do hoàn cảnh gia đình, để vắng mặt trong ngày khám sức khỏe chuẩn bị cho đợt tuyển quân, thì đơn tình nguyện nhập ngũ dài ba trang giấy của sinh viên Hoàng Thế Đồng được mang ra đọc trước toàn thể sinh viên; cùng với kết quả sức khỏe loại A1, đương nhiên anh Đồng có tên trong danh sách nhập ngũ; trong tình hình sôi động lúc đó, việc kết nạp vào Đoàn được tạm quên, nên anh nhập ngũ chỉ với tư cách thanh niên trơn. Theo đồng đội kể lại, dù là tân binh tích cực trong huấn luyện, anh vẫn lạc lõng đứng ngoài khi đơn vị sinh hoạt đoàn, trong đó có nhiều đoàn viên quê ở khu IV cũ, mới học hết cấp 2. Sau này, Đồng có tâm sự với Quỳnh, sau mấy tháng huấn luyện ở Can Lộc, Hà Tĩnh, với tấm bằng khen có được sau chiến dịch hộ đê La Giang ở Đức Nhân, Tiểu đoàn chọn anh đi học lớp Đối tượng Đảng ở Trung đoàn, được gọi thì cứ đi, phát triển Đảng không qua giai đoạn phát triển Đoàn cũng được, anh đang học thì đơn vị nhận được lệnh trên, chuẩn bị ra biên giới phía Bắc để tăng cường vào quân đoàn mới thành lập; khi làm hồ sơ Đối tượng, anh không có ngày vào Đoàn (đã kết nạp đâu), chính trị viên Tiểu đoàn thúc Đại đội tiến hành kết nạp sớm, đến khi tổ chức được thì anh đã lên đường theo đoàn tiền trạm ra biên giới: anh được báo ngày vào Đoàn của mình mà không thể giơ tay tuyên thệ vì chỉ được kết nạp vắng mặt. Trở lại chuyện phân công tác sau tốt nghiệp, sau khi xét cắt tốt nghiệp một số sinh viên trốn khám sức khỏe trước đợt tuyển quân, Trường quyết định giữ lại công tác ở Khoa ba sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, đều là thanh niên trơn, riêng đồng chí Bí thư chi đoàn nhận được quyết định phân công tác về Trường Trung cấp ở tỉnh bạn!

Hết thời gian nghĩa vụ, từ trường quân chính được chuyển ngành về cơ quan, với thành tích mấy năm quân ngũ, giấy chứng nhận đối tượng Đảng trong chiến tranh, anh Đồng được các đoàn viên bầu vào Ban chấp hành Chi đoàn với số phiếu gần như tuyệt đối, rồi được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư. Sau khi đã thống nhất ý kiến với anh, Quỳnh mạnh dạn giới thiệu Đồng là bạn trai với Ba Mẹ và Ông Nội (không phải lo chiều ngược lại, vì anh đã mồ côi cả cha lẫn mẹ), hy vọng tìm được vài phiếu thuận. Quả nhiên, Ông nội và Ba (đã trải qua quân ngũ) có thiện cảm ngay với quá khứ bộ đội cũng như lý lịch tương đối sáng sủa của anh, ông nội mời anh ở lại ăn trưa với gia đình, Ba thì mê mẩn đối đầu với anh bên bàn cờ tướng, chỉ có Mẹ hơi ngần ngừ sau mươi phút nói chuyện, căn dặn riêng Quỳnh nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn quan hệ tình cảm lâu dài. Mẹ thấy cậu Đồng tính khí rất cương quyết, khi đã có chính kiến là quyết làm cho bằng được, thời buổi này mà không biết mềm nắn, rắn buông là dễ đụng chạm, sớm muộn rồi cũng ảnh hưởng đến người thân. Quỳnh cho rằng Mẹ lo hơi xa, anh Đồng chỉ làm việc hành chính, có va chạm với ai mà lo ngại, nhưng dù sao cũng nên phòng xa, rồi qua thời gian Quỳnh sẽ tìm cách uốn nắn anh dần. Dù sao, nghe nói anh Đồng về cơ quan là do bạn của bác Phúc phó giám đốc giới thiệu, được cái ô to như thế che trên đầu thì ngại gì mưa nắng nữa?

Lời mẹ của Quỳnh tiên đoán hóa ra có thật. Đụng chạm đầu tiên của anh Đồng trong cơ quan là với chú Đinh trưởng phòng, đồng thời

cũng là Bí thư Chi bộ trong Đảng. Chuyện vô cùng đơn giản: chú Đinh muốn làm một giấy công tác cho cháu là người ngoài cơ quan, mà anh Đồng đang quản lý con dấu; thật ra, với tư cách Trưởng phòng Hành chính, chữ ký của chú Đinh vẫn đủ thẩm quyền để đóng dấu; trước đây khi bác Toại chưa về hưu, con dấu để trong hộc tủ không khóa, chú Đinh thường ký vào giấy công tác rồi tự lấy con dấu cộp vào, đã thành thông lệ. Từ ngày anh Đồng thay chân bác Toại, anh xin cơ quan lắp một khóa chìm vào ngăn kéo để con dấu, bên trên là cuốn sổ ghi rõ loại giấy tờ đóng dấu, ngày giờ, họ tên của người ký trên con dấu. Chú Đinh là Trưởng phòng, ký tên đóng dấu là chuyện bình thường, nhưng theo nguyên tắc, tên người nhận giấy công tác phải thuộc biên chế cơ quan, anh cũng không đồng ý để chú Đinh ký giấy khống chỉ. Sau một lần tranh cãi giữa hai bên dẫn đến to tiếng, bác Phúc phó giám đốc phải can thiệp, bác gọi chú Đinh vào Phòng Phó Giám đốc khá lâu, chắc để thống nhất ý kiến, sau đó toàn cơ quan được phổ biến quy định về sử dụng con dấu, phù hợp ý kiến hợp pháp của anh Đồng, qua sự cố đó, trông chú Đinh có vẻ cay cú lắm. Từ đó, quan hệ giữa bí thư Chi bộ và bí thư Chi đoàn bỗng dưng căng như sợi dây đàn, chú Đinh luôn tỏ thái độ hậm hực khi có mặt anh Đồng, riêng anh Đồng vẫn thản nhiên làm việc như bình thường, cố gắng duy trì đi làm đúng giờ. Quỳnh làm việc ở bàn kế toán gần anh Đồng, nhớ có lần, anh đến cơ quan chậm vài phút so với quy định, chị Hoa Phó phòng (vốn thân quen với chú Đinh) đã phê bình kịch liệt, giống như anh vừa vi phạm một khuyết điểm trầm trọng. Các nhà tham mưu con cũng nhỏ to bình luận, đừng tưởng cậu Đồng trên răng dưới cát-tút mà coi thường, chọc vào đó như chọc vào ổ kiến lửa… Có người còn thêu dệt biết đâu bác Phúc (phó giám đốc, phó bí thư đảng ủy) đang nhắm cậu Đồng làm con rể, chính Quỳnh cũng giật mình, nhớ ra chị Thiên Kim con bác Phúc là bạn học cũ của anh Đồng, thuộc loại sắc nước, hương trời, nổi tiếng ăn diện trong giới phụ nữ, mấy lần Quỳnh nghe các bạn gái thách chị Thiên Kim cưa đổ cây lim cổ thụ Đồng. Nhưng Quỳnh cũng yên tâm khi biết tính anh Đồng, rất kỵ phụ nữ chạy theo thời trang, Quỳnh nhớ có lần anh đã chơi chữ són phân để nói về các cô gái đua đòi son phấn…

Mọi người đang sôi nổi tranh luận về thế mạnh ô dù của anh Đồng thì một sự kiện bất ngờ xảy ra. Đúng ngày thứ hai đầu tuần, một chú công an mang quân hàm đại úy đi xe chuyên dụng 4 chỗ, đến gặp giám đốc Hòa, nghiêm chỉnh chào theo quy định, rồi đưa giấy mời bác Phúc, phó giám đốc cùng anh Đồng, nhân viên hành chính quản lý con dấu cơ quan, đến Công an Thành phố để làm sáng tỏ một số vấn đề, cụm từ thường dùng của ngành tư pháp khi bắt đầu một chuyên án. Bác Phúc hầm hầm cắp cặp ra xe trước, ngồi cạnh lái xe, miệng lầu bầu đồ phản phé, anh Đồng và đại úy công an ngồi ghế sau. Mọi người xúm lại hỏi giám đốc Hòa, ông cho biết Công an Thành phố muốn xác minh một vài giấy tờ khá mập mờ trong dự án hợp tác với tổ chức phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ mà bác Phúc là chủ dự án, theo đề nghị của nước bạn. Chúng tôi chỉ biết đến thế, giám đốc Hòa cũng không biết gì hơn vì mọi việc thuộc Dự án đều ủy quyền cho phó giám đốc Phúc, phụ trách Đối ngoại.

Mọi việc được sáng tỏ sau đó một ngày, khi anh Đồng được tại ngoại, thay vào đó là chú Đinh, Trưởng phòng Hành chính. Khi gặp gia đình Quỳnh, anh cho biết (giống như đã tường trình với giám đốc Hòa) Công an Thành phố muốn làm sáng tỏ nguồn gốc của những hợp đồng kinh tế lưu hành song song, với số liệu hoàn toàn khác nhau. Hóa ra, khi hợp tác với các tổ chức nước ngoài, cơ quan thường thảo ra hai bản hợp đồng kinh tế tương đương với hai bộ số liệu hoàn toàn khác nhau, một loại số liệu để xin hỗ trợ vốn, càng cao càng tốt, một loại số liệu thì ngược lại, thấp nhất nếu có thể, để thực chi và đối phó với Cục thuế, riêng phần chênh lệch để làm gì, chỉ có Trời biết! Tổ chức nước ngoài phát hiện ra, đề nghị Công an Thành phố hỗ trợ làm sáng tỏ. Sau khi biết thời điểm bắt đầu giữ con dấu của anh Đồng, chỉ sau một giờ làm việc với bác Toại đã nghỉ hưu, Công an cho cả hai tại ngoại, thay vào đó là chú Đinh, đã từ lâu là cánh tay mặt của bác Phúc. Hôm sau, chị Thiên Kim hùng hồn tuyên bố với nhiều người, cái gì không mua được bằng tiền vẫn có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Chị tỏ ra rất thân mật với anh Đồng, rồi mới tối hôm qua, chị tìm đến nhà trọ của anh, sau khi liếc mắt đưa tình khá lộ liễu (tôi thấy rõ anh thoáng đỏ mặt khi nhắc đến chi tiết này), đã đưa một số văn bản được ghi ngày tháng cách đây đã mấy tháng, kèm theo một chiếc phong bì dày cộm, đề nghị anh sáng mai đến cơ quan đóng dấu vào. Anh Đồng đã thẳng thắn từ chối, bảo thẳng lương tâm không cho phép, và đề nghị chị Kim nhắn lại với những người sau lưng chị, hãy mạnh dạn khai báo sự thật để hưởng lượng khoan hồng. Chị Kim vùng vằng bỏ ra về, sau khi lớn tiếng mắng anh đồ ngu, đã nghèo mà còn sĩ, anh đã thắp hương ngoài trời (ở nhà trọ làm gì có bàn thờ) khấn với ba mẹ, con tự hào đã là con của Ba Mẹ, rồi hôm sau, anh đến thăm gia đình Quỳnh, thuật lại mọi chuyện, có cả ông nội chăm chú lắng tai nghe. Mẹ Quỳnh không nói gì, chỉ bảo: Thôi từ nay, mỗi ngày cháu ghé ăn cơm với gia đình cả hai buổi sáng chiều cho vui cửa vui nhà, chẳng có gì mà ngại, chỉ thêm bát đũa thôi. Quỳnh cũng đã hiểu, Mẹ muốn giữ chân Đồng khỏi vướng vào những bất trắc có thể gặp trong cuộc sống độc thân.

Câu chuyện cuối cùng đã ngã ngũ, bác Phúc đã nhận quyết định về hưu sớm dù chưa đến tuổi, chú Đinh đã chuyển công tác sang cơ quan khác, đảm nhiệm công tác phong trào do lãnh đạo chiếu cố bề dày công tác nên không truy tố ra trước pháp luật, dù đối tác nước ngoài đẫ đề nghị. Đồng và Quỳnh đã về với nhau sau một đám cưới đơn giản nhưng thật đầm ấm, con cũng đã lớn. Cuộc sống gia đình tuy không dư giả nhưng khá bền vững vì hai bên đã cùng nhau vượt qua thử thách.

Tôi thở một hơi dài, tạm chấm dứt câu chuyện, quay lại nhìn con. Con bé mỉm cười: Chuyện thú vị lắm, Mẹ ạ! Con chỉ thắc mắc một điều… Tôi nhỏ giọng: Gì hả con? Con bé trầm ngâm: Con nhớ lại, bạn của Mẹ có ai tên Quỳnh đâu! Mà sao những nhân vật trong gia đình Quỳnh lại giống nhà mình thế? Vậy cô Quỳnh có phải là… Tôi ngắt lời, xoa đầu con: … là Mẹ, con ạ! Con gái của Mẹ cũng thông minh đấy chứ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét