Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 39

  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

NƯỚC NGOẶT CỦA THẾ CỜ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Khi chưa gặp mặt, nhiều người tưởng tôi (đã mang tên Quỳnh thì trai hay gái đều được) là con trai: tuy là con gái, nhưng do sinh trưởng trong một gia đình nổi tiếng cao cờ, nên ít nhiều thừa hưởng gien di truyền của dòng họ. Ông nội tôi là ông đồ nho vào thời mà nhà thơ Tú Xương đã ví von – quẳng bút lông đi, viết bút chì, nổi tiếng một thời ở khắp huyện Phú Vang, không phải vì đã dạy chữ nho cho con cháu quan tri huyện, mà nhờ tiếng tăm chơi cờ của ông: trên bàn thờ nhà tôi vẫn lưu giữ bộ quân cờ bằng ngà voi, nghe nói làm bên Trung Quốc, từ đời nhà Tống; ngày trước, quan đại thần họ Trương dưới triều nhà Nguyễn (từng đánh cờ thắng sứ thần nhà Thanh, được biếu bộ cờ này) nghe danh tiếng của ông nội tôi (được dân gian hồi đó gọi là Trạng Cờ) đã viết thư mời, rồi cho sĩ tốt mang xe ngựa kéo đến nhà ông tôi ở cuối xã Phú Vang, đưa đến tư thất quan, ở suốt ba ngày đêm liền để tỷ thí cao thấp. Kết quả thế nào, không có ai biết để kể lại; nhưng sau lần tỷ thí đó, theo nguyện vọng của ông nội tôi, tri huyện Phú Vang đã từ lệnh trên, đốc thúc dân phu suốt mấy tháng liền, có tùy tướng của Trương đại thần giám sát, để làm một con đường đất từ huyện lỵ về đến xã nhà tôi (sau này dân trong xã gọi là đường ông Hội – Hội là tên cúng cơm của Ông, khi đó đã mất). Riêng Ông chỉ mang về nhà bộ quân cờ bằng ngà voi, được giữ trong nhà như của gia bảo, lưu truyền sang Ba tôi (tuy chỉ là giáo viên dạy Toán ở cấp 2 của xã, nhưng được giới chơi cờ tặng danh hiệu Độc Cô Cầu Bại), rồi Huy, anh trai tôi (đang tại ngũ, từng đoạt giải nhất Cờ tướng của Sư đoàn). Riêng tôi, đã làm quen và đam mê chuyển động của 32 quân cờ đen – đỏ trước cả mấy con chữ, lại được Ba rèn dũa hàng ngày, nên sức cờ cũng kha khá. Tuy chưa phải là địch thủ của Ba (với các biến thể độc đáo của thế Bình Phong Mã, còn lâu tôi mới học hết được), nhưng tôi đã có thể so tài ngang ngửa với các tay cờ có tiếng trong huyện. Mỗi khi có khách lạ đến thăm, thực ra là để so tài cờ, Ba chỉ bảo: Hôm nay, tôi hơi mệt, để con gái tôi tiếp bác một ván, tôi khỏe sẽ gặp sau. Hơn nửa số trường hợp, đánh xong ván cờ với tôi, khách thường kiếu xin về vì bận việc, hẹn Ba tái ngộ dịp khác…

Nói thế không có nghĩa là gia đình tôi chỉ chú tâm cờ tướng, không màng đến việc khác: Ba là Tổ trưởng tổ Toán của Trường Vinh Hà (nay đã sát nhập với cấp 3, đổi tên thành Hà Trung), mấy năm liền được phong Giáo viên dạy Giỏi, đã nhiều lần dẫn học sinh đi dự thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, nay chuẩn bị nghỉ hưu; anh Huy đến tuổi nhập ngũ, được đơn vị cử đi học hệ Kỹ sư khai thác ở Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, sau 4 năm được phong Trung úy, nhận công tác ở Sư đoàn 371, đóng quân tại Sóc Sơn, Hà Nội; còn tôi, sau mấy năm đại học sư phạm ngành Toán (con gái như tôi học Toán, ai cũng cười khô khăn như Toán khó lấy chồng, nhưng tôi muốn nối tiếp cái nghiệp của Ba, hơn nữa ngành Toán phù hợp tính logic của Cờ, môn thể thao - đam mê của tôi), đã chuyển tiếp Cao học, vừa bảo vệ luận văn xong với kết quả chín điểm rưỡi trên mười, thành quả này được xem như là quà cho Mẹ nhân ngày sinh nhật sắp tới. Mẹ tôi, nguyên là giáo viên trường mầm non, cùng tuổi với Ba, đã về hưu mấy năm rồi theo quy định, là cái bóng mờ trong gia đình, nhưng đồng thời là cũng là chân đế vững chắc cho những thành công của Ba, anh Huy và tôi, đúng như câu đằng sau thành công của cả gia đình, có bóng dáng của người vợ, người mẹ

Ván cờ cuộc đời tôi đã bắt đầu khi tôi gặp anh Đức, thật ngẫu nhiên, đúng ngày sinh nhật của Mẹ, cũng bên bàn cờ tướng…

Hôm đó, tôi đang thay Cha tiếp một ông khách mê cờ, khá lớn tuổi, nhưng sức cờ thấp hơn tôi khoảng một quân Xa. Nể mái tóc bạc của ông, tôi không kết thúc ván cờ trong vòng hai mươi nước, mà cứ nhẩn nha theo thế giằng co, nhưng điểm quân hai bên thì thắng bại đã rõ rệt. Đúng lúc đó, gương mặt sáng như trăng rằm, điểm xuyết nụ cười cởi mở của anh Đức xuất hiện ngoài cổng, trên tay anh là bó hoa và bịch nylon đựng hai hộp bánh đậu xanh Nguyên Hương ở Hải Dương (sau tôi mới biết là quà sinh nhật anh Huy nhờ chuyển, đúng loại Mẹ thích): anh Đức cho biết, anh là bạn học hồi phổ thông với anh Huy, hiện đang dạy Toán ở một trường đại học không chuyên thuộc Đại học Huế, vừa rồi nhân chuyến công tác ra Hà Nội, đã tìm gặp anh Huy, được anh Huy nhờ chuyển món quà sinh nhật cho Mẹ vì kẹt Hội thao toàn sư đoàn không về được. Trao quà cho Mẹ, đưa cho Ba Mẹ chiếc smartphone xem ảnh hai bạn cũ Huy, Đức khoác vai nhau (Mẹ cứ trầm trồ vì lâu nay chỉ quen dùng điện thoại loại cục gạch), anh sà ngay vào bàn cờ (đúng là dân mê cờ, giống tôi) và nhận xét: Cờ bên Đỏ cầm chắc thua rồi, bên Đen chỉ mươi nước nữa là thắng! Vị khách tóc bạc ngậm ngùi đứng dậy: Thôi, bác nhận thua cháu. Xin lỗi, giờ bác có hẹn, xin khất ba cháu hôm khác gặp lại! Anh Đức cười cười: Tôi đánh thử một ván với Quỳnh được không? Tôi sẳn có thiện cảm với anh, nghe nói thế, liền gật đầu…

Anh Đức ngồi thế chỗ khách vừa về, được đi tiên, đẩy ngay Tốt biên. Tôi đã gặp đối thủ dùng thế cờ này vài lần, mục đích sẽ đổi Pháo, đưa Mã qua sông rồi thí Xa ăn Mã treo vách để chiếu bí bằng thế Tiền Mã Hậu Pháo, nên lẳng lặng chống Sĩ theo hướng ngược lại. Hơi bất ngờ, anh Đức nhíu mày rồi trở lại thế xuất quân Pháo đầu như bình thường, tôi cũng bình thản dùng thế Phản Cung Mã để chống đỡ, xem như hai nước đầu vừa rồi chỉ là nước chờ, thăm dò sức nhau. Tôi nhận xét: cờ anh Đức mạnh nhưng chưa thật sắc sảo, tôi dễ dàng chống đỡ, nhưng cũng không tranh tiên tấn công được. Đặc biệt, anh suy tính nước cờ khá nhanh, nếu đánh theo đồng hồ dễ chiếm ưu thế. Trong mươi nước xuất quân ban đầu, anh vừa đánh vừa hỏi tôi về việc học, việc công tác, tôi cũng tình thực trả lời, nhưng trước câu hỏi: Bộ môn Toán mà anh là Tổ trưởng sắp tuyển người, Quỳnh có muốn về đó không? Tôi hiểu đây có thể là hướng đi mới cho mình, nhưng là con gái, không nên vồ vập quá, nên lửng lơ: Dạ, để em nghĩ đã… Nghĩ đến câu trả lời, hay nghĩ đến nước đi, anh hiểu sao cũng được. Anh Đức cũng im lặng, chúng tôi tiếp tục ván cờ đến hơn một tiếng đồng hồ, với kết quả cuối cùng: anh Đức còn hai quân Xa, Pháo, tôi chỉ còn quân Xa, bền Sĩ, Tượng, bảo: Quỳnh chỉ cần đổi Xa lấy Pháo là hòa, phải không? Anh hơn quân mà xử sự rất quân tử, tôi mỉm cười chấp nhận, bắt tay hòa. Hình như cái bắt tay hơi lâu hơn quy định thì phải, tôi mơ hồ sung sướng cảm nhận điều đó. Ba tôi ngồi bên cạnh quan sát, nhận xét: Tuổi trẻ tài cao thật! Anh thử với tôi một ván nhé! Tôi cản: Ba ơi, anh mới xong một ván cả giờ đồng hồ, đang mệt, chống sao được Bình Phong Mã của Ba! Anh Đức trầm ngâm: Thì Quỳnh là con gái, cũng vừa đánh xong một ván mới tiếp anh thôi! Không sao đâu, anh vẫn hầu Bác được! (tự nhiên, hai má tôi ửng hồng khi nghe anh nhắc tới giới tính của mình)

Ván cờ bắt đầu khi đã gần trưa. Ba được nhường đi tiên, đấm tốt 3 theo thế Tiên Nhân Chỉ Lộ, thì anh Đức chọn xuất quân theo thế Quá Cung Pháo, nước cờ này chủ trương đâm Pháo dọc biên cung đối thủ để bắt quân, nên Ba ghểnh Sĩ phòng trước. Ván cờ kéo đến quá trưa, hai bên đổi quân gần hết, cuối cùng Ba còn Xa, Mã, Sĩ Tượng toàn, anh Đức mất hết quân, chỉ còn Xa, Sĩ nên quyết định đấu Xa cầu hòa, mỉm cười: Cháu kém quân, nên chơi xấu, xin đổi Xa cầu hòa. Hoà được một ván với Độc Cô Cầu Bại là vẻ vang lắm! Ba cười: Cậu cũng biết tiếng Độc Cô à? Nhưng bây giờ chỉ có Độc Cô Quyết Thắng thôi! Ba quay sang tôi: Con đi tiếp mấy nước nữa cho Ba, bài đã học trong Cẩm nang Cờ tướng rồi, hạn định trong sáu nước phải ăn được Sĩ nhé! Ba quay vào, dặn Mẹ chuẩn bị cơm trưa cho cả khách. Tôi ngồi thay chỗ Ba, thực hiện đúng bài đã học. Anh Đức tính nước đi rất kỹ, mồ hôi túa ra đầy mặt, cuối cùng chấp nhận thua ván cờ đó, mà đối thủ, cô gái (tôi, Quỳnh) cầm quân thay cha, vừa mới hòa được trên thế thua ở ván trước.

Buổi cơm trưa, anh Đức là khách mời (thay mặt anh Huy) trong bữa cơm gia đình mừng sinh nhật thứ 59 của Mẹ. Suốt bữa cơm, cả nhà, nhất là Mẹ (đang xúng xính trong chiếc áo lụa tơ tằm do Ba tặng) chỉ nói chuyện về anh Huy, về những kỷ niệm gia đình chung quanh anh. Mẹ đã nghe tôi nói qua về dự định tuyển người của Bộ môn Toán trường đại học anh Đức dạy, nghe anh Đức nói thêm: Hội đồng Xét tuyển vòng ngoài dự kiến chỉ có 5 người, Trưởng Bộ môn tuy chỉ là thành viên nhưng có ý kiến gần như quyết định, vào đến vòng trong là Lãnh đạo Trường xét, nên dặn tôi cân nhắc kỹ rồi làm hồ sơ dự tuyển, như vậy cầm bằng Mẹ đã đồng ý cho tôi dự tuyển vào đó rồi. Ba không nói gì, cuối bữa cơm, sau khi anh Đức chào ra về, dặn tôi: Con lên phòng khách, Ba nói chuyện. Tôi hiểu, có những chuyện Ba không tiện nói trước mặt khách, chờ có cơ hội sẽ nói chuyện với cô con gái rượu. Tôi lặng lặng lấy hộp tăm, pha bình trà mới và xin phép Mẹ khui hộp bánh đậu xanh Nguyên Hương, quà sinh nhật của anh Huy, để Ba vừa uống trà, ăn bánh, vừa nói chuyện với tôi, có lẽ là quan trọng.

Trước hết, Ba hỏi về kết quả luận văn Cao học của tôi (tôi nhớ rõ hôm trước Ba đã khoe với các đồng nghiệp điểm số chín phẩy năm của tôi, và cười lớn khi nghe người bạn nói lái thành nắm phải … mà, nên hiểu đây chỉ là dạo đầu), rồi hỏi nhận xét của tôi về nước cờ của anh Đức (tôi không hiểu Ba sẽ dẫn dắt đến đâu, nên cứ nói đúng nhận xét chuyên môn của mình về cờ). Cuối cùng, Ba mỉm cười: Con có cảm tình với Đức, phải không? (thấy tôi đỏ mặt, ấp úng không thành lời: dạ, anh Đức cũng như anh Huy, Ba tiếp tục) Ba thấy cách con nhìn Đức, rồi lời con nhắc về thế Bình Phong Mã của Ba, là đủ hiểu rồi! Nhưng Ba nhắc con chú ý… Tôi im lặng nghe lời Ba nói, hiểu rằng đây không phải là bài học thông thường về cờ hay về toán (Ba chẳng dạy vỡ lòng về Toán cho tôi cách đây 20 năm là gì) mà là những lời tâm huyết của người đi trước với người sinh sau, đẻ muộn rất thân thiết với mình…

… Bây giờ, không như ngày trước, bằng cử nhân, tốt nghiệp đại học không hiếm, ngay cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng không quá khó. Vấn đề là tìm được việc làm phù hợp với khả năng của mình. Giống như nước đi trên bàn cờ, di chuyển quân cờ rất đơn giản nhưng quan trọng là lựa chọn nước đi đúng, giải quyết được thế cờ khó mình gặp phải. Nếu muốn, con có thể dự tuyển vào bộ môn của anh Đức, dùng hết khả năng của con, đừng quá kỳ vọng để nếu không được, mình cũng không quá thất vọng. Còn về Đức, (tôi hồi hộp nghe tiếp) Ba không muốn can thiệp sâu vào chuyện tình cảm của con, mà Ba chỉ nêu lên vài nhận xét về tính cách của Đức thể hiện qua các nước đi trên bàn cờ. Phải công nhận Đức kiên trì, sáng tạo trong các nước tấn công, không tham ăn quân Tốt vớ vẩn mà chủ động giành ưu thế toàn cục, khi thấy cánh này yếu thì chuyển sang tấn công cánh kia. Đó là điểm mạnh, con nên học tập (nghe xa xôi quá!), nhưng Đức cũng bộc lộ vài yếu điểm (tôi chú ý lắng nghe): mới được dăm nước khai cuộc, Đức đổi Pháo lấy Mã, dù chưa đến thế phải đổi, chắc để phá thế Bình Phong Mã, dẫn đến hai Mã giao túc, mà con đã cảnh báo từ đầu; điều đó chứng tỏ khi đã nhắm đến mục tiêu, Đức dễ ngại khó khăn, vất vả. Đến trung cuộc, Ba dùng thế giả bỏ Pháo cho Đức ăn không, cậu ta ngần ngừ rồi cũng ăn, không ngờ chỉ ba nước sau phải trả giá bằng cả Pháo lẫn Mã, chứng tỏ Đức thiếu sâu sát, nhìn xa trông rộng, ăn quân rồi trả giá đắt. Cuối cùng, đến tàn cuộc như con thấy rõ, do không học thấu đáo lý thuyết Cờ Tàn nên phải nhận thua ván cờ ở mấy nước cuối cùng con đi thay Ba, để Tướng bị Mã bắt sống! Tóm lại, theo Ba, con có thể xem Đức là một đồng nghiệp đi trước có thâm niên kinh nghiệm chuyên môn, nhưng nếu muốn trao thân, gởi phận lâu dài (Ba mỉm cười xoa đầu tôi), con nên xem xét thật cẩn thận.

Lâu nay, đối với tôi, Ba như vị thánh sống, tôi làm gì cũng dựa trên ý kiến của Ba. Buổi tối đi ngủ, bên tai tôi vẫn văng vẳng lời của Ba, thật chí lý vì theo ký ức đã thành thói quen, tôi có thể diễn lại hết 114 nước đi cả hai bên của ván cờ Ba (tôi chỉ thay Ba ở vài nước cuối) với anh Đức, đúng ra là 115 nước, khi tôi chiếu Tướng ăn Sĩ, anh Đức nhận thua; nhưng khuôn mặt sáng sủa, nụ cười tươi tắn của anh Đức lại hiện ra trong ký ức, tôi đâm khó nghĩ vì không biết Tình Cảm của mình có chịu thua Lý Trí hay không?

Định Mệnh đưa đẩy đã đề ra một nước giải cho thế bí của tôi, hay nói đúng hơn, giúp tôi chọn được một nước đi phù hợp.

Cũng trong Đại học Huế, một trường đại học không chuyên khác cũng tuyển giáo viên Toán, có lẽ cơ cấu cũng tương tự như trường anh Đức đang dạy, vừa tách ra khỏi cơ quan Đại học Huế, về trường có đông sinh viên nên cần giáo viên. Tôi hỏi ý kiến Ba Mẹ và nộp đơn dự tuyển cả hai nơi, dĩ nhiên không nói gì với anh Đức (anh cũng đã dặn tôi, nếu tình cờ đến Trường gặp anh, cũng gặp nhau làm ngơ, khi thi tuyển sẽ có vẻ khách quan hơn). Cũng may, nội dung chuẩn bị môn Toán cao cấp và Xác suất Thống kê ở hai trường tương tự như nhau, thời điểm dự thi cũng chỉ cách nhau vài ngày, nên tôi không phải đầu tư công sức gì nhiều. Chi phí dự tuyển cả hai nơi đương nhiên cao hơn so với chỉ một nơi: Ba tôi vừa nhận tiền vượt giảng cuối năm, sẳn sàng hỗ trợ cho tôi ứng tuyển ngay.

Tôi dự thi tuyển vào Trường anh Đức đang giảng dạy sau, bên kia thi tuyển trước. Thể lệ hai nơi tương tự như nhau: Hội đồng vòng ngoài phát năm đề thi (đều là bài giảng 1 tiết) cho ứng viên chuẩn bị trong ba ngày, đến khi thi sẽ bốc thăm một trong năm đề thi để giảng thử cho Hội đồng đánh giá có đủ tiêu chuẩn vào vòng trong, lần này do Lãnh đạo Nhà trường xét về tư cách, đạo đức, tác phong… nên mọi nỗ lực cần tập trung ở vòng ngoài. Tôi chuẩn bị nội dung giảng khá chu đáo, được Ba hỗ trợ nên quy trình đúng như giáo án mẫu ở phổ thông. Tôi thao giảng thử ở nhà cho Ba chấm, được tám điểm trên mười. Khi thi cũng tương tự, mất hết 45 phút cho một tiết giảng 50 phút, được Hội đồng chấm điểm trung bình là 92 điểm trên 100, cao nhất trong 6 ứng viên, chắc nhờ nét chữ chuyên luyện tập để viết bằng khen giúp cho ít nhiều (được 80 điểm là đỗ vòng ngoài). Cuối cùng, tôi và 2 ứng viên nam khác được xét vào vòng trong, khả năng thành công rất cao vì nghe nói Nhà trường đang chủ trương ưu tiên phát triển cán bộ giảng dạy nữ, mà Bộ môn lâu nay chỉ toàn nam giới. Cuối buổi dự tuyển, tôi lại mất gần nửa tiềng để an ủi Phụng, một nữ ứng viên khác, đang ngồi khóc ở cuối sân trường vì chỉ được 73 điểm trung bình, sau đó mới về nhà báo thành quả với Ba Mẹ.

Trong thời gian chờ đến ngày ứng tuyển ở trường kia, anh Đức tìm đến tôi, nghiêm chỉnh nhờ soạn thảo trên máy tính một bài báo viết tay, ký tên anh, dự tính chuyển ra hơn chục trang văn bản, nội dung là đổi mới phương pháp dạy Toán trong trường Đại học không chuyên, để anh gởi đăng trên Tạp chí Chuyên Toán. Cái khó là bản thảo bài báo có nhiều công thức Toán mà MS.Word không thuận lợi khi thể hiện, nói đúng ra là không đẹp. Vỗ vai tôi, anh Đức cười: Cứ xem như là bài tập ngoài cho ứng viên dự tuyển vào trường, nếu hoàn thành sẽ được ưu tiên khi xét! Tôi nghĩ ngay đến Ba, tuy dạy Toán ở phổ thông nhưng cũng nghiên cứu nhiều về Tin học, đặc biệt là chương trình soạn thảo các công thức Toán. Đến tối, tôi nhờ Ba hướng dẫn sử dụng chương trình soạn thảo AMSTEX rồi mày mò gõ, tham khảo cuốn Ngôn Ngữ Soạn Thảo AMSTEX của Giáo sư Trần Mạnh Tuấn (không biết giáo sư này có chơi saxophone không?). Tôi tỉ mẩn lướt web một vòng, tình cờ phát hiện bài báo của một tác giả (ghi rõ: đã mất năm …) có nội dung tương tự bản thảo anh Đức vừa đưa cho. Hoảng hồn, tôi gọi điện hỏi anh Đức, nói rõ tên tác giả thì anh trả lời, giọng thản nhiên: Ông đó đã chết rồi, không sống lại để kiện anh em mình đâu! Mà Quỳnh ngại gì, bài báo khoa học nào cũng rút tỉa từ nhiều bài báo khác mà! Đầu óc tôi cứ ong ong dù anh Đức đã cắt máy, nên quyết định hỏi ý kiến Ba Mẹ. Ba đã trả lời, giọng ráo hoảnh: Nếu là con của

Ba, đừng dây dưa vào những chuyện này! Tôi vâng lời, giữ im lặng khi anh Đức điện hỏi việc soạn thảo, lấy lý do không đủ khả năng

hoàn thành công việc được giao, trong khi tự biết chỉ một hai ngày, nếu toàn tâm toàn ý làm, tôi có thể kết thúc công việc.

Tôi dự thi với Hội đồng có anh Đức không khó khăn lắm, vì đề thi bốc thăm được không khác xa lắm so với đề thi lần trước. Ngẫu nhiên, tôi gặp lại ứng viên Phụng mà lần trước tôi đã dỗ cho nín khóc, đợt này Phụng rất tự tin, cho rằng mình sẽ vượt qua vòng ngoài dễ dàng, vào vòng trong là đương nhiên dễ hơn vì mẹ Phụng là Lãnh đạo cấp trên, ở Đại học Huế. Kết thúc buổi thi, tôi lủi thủi ra về sau khi nghe công bố kết quả: tôi được 79/100 điểm, bị loại từ vòng gởi xe cùng với 3 ứng viên khác, trong khi chỉ duy nhất Phụng vào vòng trong với 81 điểm. Điều an ủi đến với tôi ngay khi trở về nhà, là tờ Thông báo Trúng tuyển làm cán bộ giảng dạy bộ môn Toán, khoa Cơ bản, trường đại học …, kết quả vòng trong của đợt thi thứ nhất.

Tôi đọc tờ Thông báo Trúng tuyển với thái độ bình thản, và một tháng sau, cũng với thái độ bình thản hơn thế, trong bữa cơm, tôi đưa cho Ba Mẹ xem tấm thiệp mời dự cưới của anh Nhân Đức và Kim Phụng, được biết hai vợ chồng đều công tác trong cùng bộ môn. Ba mỉm cười: Cờ tướng học cũng như Nhân tướng học, con thấy không? Ăn cơm xong, hai cha con mình ra làm ván cờ giải khuây đi.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét