Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Truyện ngắn 22

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

NÓI VỀ NGƯỜI NẰM XUỐNG

Sáu Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh
Hai Công mới nghỉ hưu hai năm – được xếp loại mầm non của Hội Người cao tuổi. Hắn sống một mình trong gian nhà nhỏ cuối xóm do cha mẹ để lại, trồng mấy luống rau, chăn dăm con gà. Tháng trước, hắn bị đột quỵ, nhập viện kịp trong 36 giờ vàng, được điều trị ở khoa Nội tiết – Thần kinh – Hô hấp, sau chuyển sang Khoa Tim mạch. Cũng may, có Ba Nhỏ ở thôn bên cạnh (bạn đồng đội cũ, thỉnh thoảng đến khề khà trà rượu) nhận nhiệm vụ hàng ngày đến bệnh viện vài tiếng đồng hồ để chăm nom. Mấy con gà lần lượt được Ba Nhỏ hóa kiếp để nấu cháo bồi dưỡng cho Công. Những lúc cần sự vun vén, ân cần của người phụ nữ, tôi mới thấm thía với nhận xét: phụ nữ được ví như giẻ vụn trong thùng bát đĩa, trông không cần thiết, nhưng nếu không có, bát đĩa dễ vỡ tan tành!
Hôm nọ, anh em trong Hội mang ít hoa quả đến thăm – đi đại diện vài người thôi vì đang mùa cách ly do dịch CoViD – trông Công mày râu nhẵn nhụi, tôi thấy hắn vẫn phong độ như trai trẻ, cái sẹo trên mí mắt trái (hắn bảo là vết thương chiến tranh) càng tạo nét duyên thầm. Ba Nhỏ đang vò đầu bức tai tìm nước đi ở bàn cờ tướng, còn Công vừa nhẩn nha uống trà, vừa liếc mắt đưa ghèn với mấy cô y tá trẻ qua lớp khẩu trang, tới phiên đi chỉ đưa ngón tay điểm một nước. Ra về, Ba Nhỏ tâm sự: sức cờ tôi có kém Công đâu, nhưng hồi này phải giả vờ thua để hắn tự thấy mình còn phong độ. Tôi nghĩ chắc chỉ vài hôm Công sẽ xuất viện về nhà…
Hôm nay chủ nhật, quả Công về thật, nhưng lại về theo lối giải phẫu bệnh! Đúng như các chuyên gia tim mạch ví von, bệnh tim mạch như thanh gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu, rơi xuống là phải ô hô, ai tai! ngay. Buổi sáng, Ba Nhỏ đang ngồi bên cạnh, thấy Công trợn ngược mắt, ngáp cá liên tục, liền gọi ngay ca trực, phối hợp đẩy xe đưa lên Khoa Hồi sức Cấp cứu ở lầu sáu, chờ đến chiều tối thì… mang đến lại mang về! Ba Nhỏ gọi điện báo tin cho tôi, nhờ chuẩn bị trước hậu sự ở nhà. Hắn chờ Khoa Giải phẫu bệnh thực hiện xong việc khám nghiệm tử thi, mới thay thế nhân viên Nhà Xác rửa ráy, khâm liệm cho Công – hình như trước đây Ba Nhỏ làm quân y nên khá thông thạo. Tôi đến Nhà Xác, thấy hắn đang săm soi các áo quan, chọn loại gỗ pho lái - lấy lý do không cần gỗ thật tốt, chỉ cần kín mùi trong Lễ Tang là đủ - rồi thực hiện các thao tác trị quan, tắm gội, phạn hàm kỹ lưỡng – hắn xua các nhân viên Nhà Xác ra ngoài (càng khỏe), bảo để hắn tự lo cho bạn. Đến khi nhập quan, Ba Nhỏ đóng vai chấp sự, cùng các nhân viên Nhà Xác đưa Hai Công vào thật nhẹ nhàng, êm ái… Hắn tuyên bố: Ở nhà chẳng còn ai cần nhìn mặt nữa, hôm nay được ngày, hoàn tất khâm liệm luôn, rồi sửa sang Hai Công nằm ngay ngắn, đậy nắp quan, xịt keo 502 kín hết các khe hở, nhờ một nhân viên phối hợp ràng dây néo luôn.  Tôi nhận xét: xem chừng chú Ba cũng thạo việc nhỉ, hắn nhún vai: hồi chiến tranh, bọn quân y chúng tôi liệm xác mãi, thằng Công là thằng thứ mấy chục rồi…
Đã cầm giấy tờ chứng tử trên tay, Ba Nhỏ và tôi còn chờ đến hơn nửa đêm mới thuê được xe bệnh viện đưa Công về. Nhà của Công nhỏ quá, nên hồi chiều tôi đã làm việc với Trưởng thôn Ba Phụng, mượn Hội trường Thôn để tổ chức Lễ viếng. Đang mùa CoViD, Ba Phụng dặn rất kỹ: hạn chế thời gian viếng chỉ trong 1 ngày – đúng ngày mai, thứ hai đầu tuần, - mỗi khách viếng phải giữ khoảng cách 2 mét, mang khẩu trang, xịt nước sát khuẩn… Thầy chùa thì chắc khỏi mời rồi! Đồng ý thôi, Hai Công sống tứ cố vô thân, họa chăng có vài người quen ở Huyện đội – xã chúng tôi sát thành phố, từ Huyện lỵ về đên cũng hơn chục cây số, mấy ai về được?
Ba Nhỏ trao lại cho tôi tờ giấy có mấy chữ nguệch ngoạc của Hai Công. Tiên lượng mình khó qua khỏi, Công đã chủ động tính toán hậu sự trước: gởi Ba Nhỏ 20 triệu đồng tiền mặt để lo chi phí tang lễ, và viết giấy nhờ tôi giúp thủ tục cho Ba Nhỏ nhận gần chục mét vuông nhà đất của Công, để sau Lễ tang, Ba Nhỏ có thể lo thủ tục hỏa táng – phải vào tận Đà Nẵng - lấy tro cốt gởi chùa Ba La Mật. Tôi hơi đắn đo rồi gật đầu, con rể tôi làm ở Văn phòng Huyện ủy, thủ tục chuyển nhượng mấy mét vuông loại hang cùng ngỏ hẻm ở xã chắc không khó. Tôi gợi ý Ba Nhỏ đứng ra làm Trưởng Ban tổ chức Lễ Tang, vì là người gần gũi với Công nhất. Ba Nhỏ sốt sắng nhận lời. Dặn dò cậu Thư ký Hội viết chương trình tang lễ để treo lên cổng Hội trường Thôn xong, tôi nhắc Ba Nhỏ gọi điện báo cho cơ quan Huyện đội, người thân… Ba Nhỏ ngần ngừ khi nghe nhắc đến người thân, ấp úng: Công có… bạn cũ, nhà ở… ngoại ô Thành phố, nhưng lâu lắm… không liên lạc. Tôi dứt khoát: Cứ gọi đi! Tao bên Huyện đội, chú bên người thân! Nghĩa tử là nghĩa tận mà!
Năm Tân, Tham mưu phó Huyện đội
Anh Tư Thân, Huyện đội trưởng, sau cú điện thoại của Sáu Mạnh, giao cho tôi thay mặt Huyện đội viếng đám tang Hai Công, dặn kỹ: Đang mùa dịch CoViD, họ báo chỉ tổ chức Lễ viếng 1 ngày, đồng chí là đại diện cho cơ quan cũ, nhớ đến sớm. Không cần đi nhiều người. Trích hai trăm ngàn từ quỹ Đơn vị theo quy định. Anh móc túi, đưa thêm tờ một trăm ngàn, nói: phần viếng của tôi. Một vài anh em trong Huyện đội góp thêm thành 450 ngàn, tôi bổ sung phần của mình, vừa tròn nửa triệu. Tôi bỏ hết vào phong bì, nắn nót viết danh sách viếng, nhâm nhi ly cà phê đen nóng, chờ 7g30 thì xuất phát. Mấy nét về hình ảnh Hai Công thoáng hiện lại…
Tính Công lầm lì, ít giao thiệp, từ khi chuyển về Huyện đội chẳng chơi thân với ai. Tôi nhớ có lần Huyện đội tổ chức Hội thao quân sự, đón Thượng tá Tư Thôi, Đại diện Tỉnh đội về dự. Đến khoa mục bắn đạn thật 100m, Công nhận trách nhiệm báo bia – nhiều người vẫn châm biếm: kết quả thi bắn phụ thuộc chủ yếu vào khâu báo bia mà! Hắn liên tục báo điểm khá thấp, sau 10 lượt bắn, người cao điểm nhất chỉ được 24 điểm sau 3 phát, có vài người không đạt được điểm trung bình 15, tôi thấy rõ lông mày bác Tư Thôi nhăn tít lại. Lúc giải lao, tôi thấy Huyện đội phó Năm Căn đến trao đổi với Công, hắn lắc đầu quầy quậy, đưa trả cờ hiệu báo điểm, như muốn từ chối nhiệm vụ báo bia. Anh Năm Căn lẳng lặng quay trở về, bực dọc thấy rõ (tay Công này ngang thật!). Gần cuối buổi bắn, tự nhiên hắn nhảy cẩng lên, phất cờ hiệu báo bệ bắn số 2 đạt 29 điểm! Nhìn lại mới biết bác Tư Thôi đích thân ra bắn thử. Anh Năm Căn lầm bầm: Hay hắn thấy sếp ra bắn nên báo điểm cao? Bác Tư Thôi mỉm cười: Anh Năm thử lên báo bia đi! rồi nằm xuống bệ bắn số 1, chuẩn bị bắn lại. Kết quả lần này vẫn 29 điểm. Buổi chiều, vui chuyện, bác Tư Thôi cho biết trước đây là A trưởng của Công, trong tiểu đội bắn tỉa ở chiến trường K…  Hắn vẫn lầm lì không nói gì, đúng cái loại ỷ quen sếp lớn mà!
Tính chi li, chặt chẽ đến bủn xỉn của Công càng đẩy hắn xa hẳn mọi người. Anh em giao thiệp với hắn vì công việc, chứ tâm tình thì không bao giờ. Tôi nhớ mãi hồi mức lương cơ sở vừa điều chỉnh thành hơn triệu đồng, mọi người đều phấn khởi thì Công (đang là Tham mưu phó) lại chẻ sợi tóc làm tư, hắn nhắc nhở tôi (đang làm quản lý): mức phụ cấp của binh nhất, với hệ số phụ cấp 0.45 là 472500 đồng, chứ không phải 470 ngàn đồng như đồng chí vẫn phát. Thật ra, là quản lý, tôi thuộc lòng các mức phụ cấp của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ thấp đến cao: 420k, 472.5k, 525k, 630k, 735k, nhưng hệ số phụ cấp 0.45 biết tính thế nào, thôi làm tròn cho dễ phát! Hắn gay gắt: Mình là cấp chỉ huy, phải sát sao từng chút một, tạo lòng tin cho cấp dưới. Khổ nỗi, Ban Chỉ huy Huyện đội sau khi tranh cãi, cuối cùng lại ủng hộ hắn, yêu cầu tôi phát bổ sung cho gần năm trời trước đó. Đơn vị có hơn chục binh nhất, tính cả năm tôi cũng chẳng thiệt bao nhiêu, nhưng từ đó thiên hạ lại soi đến những năm trước (tôi vẫn quen làm tròn lui như thế!), mà phụ cấp binh nhất với hệ số (0.45) luôn luôn lẻ 500 đồng bọ! Mọi chuyện rồi cũng qua, nhưng sau đó ai cũng gờm Công, nghe kể lại, có người đứng trước mặt Công bị đầy hơi mà không dám trung tiện, phải chạy ra xa, khỏi tầm nghe của Công mới thực hiện xả hơi ngạt
Nghe bọn lính trẻ kháo với nhau, cha Công này còn thuộc loại sát gái! Trước khi đi Kampuchia, nghe nói hắn gắn bó với cô nữ sinh rất xinh ở Thành phố, không biết đã xơ múi gì chưa? Thư từ qua lại liên tục (mà chủ yếu chỉ từ hậu phương ra tiền tuyến), cô này cương quyết bỏ qua lời thuyết phục của gia đình, từ chối những lời tỏ tình của các chàng trai thành đạt về mọi mặt, để chờ anh Công yêu quý trở về. Đến hạn xuất ngũ, hắn làm đơn xin chuyển ngành về Tỉnh đội, được phân công về Huyện đội quê nhà. Mối tình thơ mộng, lý tưởng giữa anh bộ đội phương xa và cô hoa khôi (ngầm bình chọn) của trường phổ thông trung học nổi tiếng trong Thành phố lại chấm dứt không kèn không trống, hay nói đúng hơn, những người trong cuộc không muốn ai nhắc tới. Tôi chỉ biết rằng, mấy năm sau, cô gái ấy lập gia đình với một Việt Kiểu ở Đức, trưởng nam của một gia đình danh giá…
Thanh Hương – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Miền Trung
Tôi thường không trả lời những số điện thoại lạ. Có lẽ những năm sống bình ổn cạnh chồng con không xua hết những bóng ma ám ảnh trong quá khứ; hơn nữa, những số điện thoại chuyên tiếp thị, quảng cáo cứ nhắm vào những gia đình thành đạt (hai vợ chồng quản lý Công ty Địa Ốc lớn nhất nhì miền Trung, hai đứa con học đại học Y ở Nhật và Dược ở Đức - có thể xem gia đình tôi thuộc loại này) để kết nối. Thế mà tối nay, một số điện thoại lạ hoắc gọi liên tiếp mấy lần, tôi định tắt nguồn điện thoại hoặc tinh tế hơn, thực hiện chế độ chặn cuộc gọi thì tin nhắn xuất hiện đột ngột trên màn hình chiếc Vertu Signature S Navy Alligator của tôi: Tôi xin lỗi đã làm phiền Bà. Tôi chỉ muốn báo với Bà, anh Trần Thành Công đã mất chiều nay. Lễ tang tiến hành tại Hội trường thôn X trong ngày mai. Sáng mốt sẽ di quan vào Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên ở Đà Nẵng. Tôi bần thần thả điện thoại xuống bàn…
Hình ảnh mấy chục năm trước lũ lượt kéo nhau về. Tôi đã muốn xóa hết quá khứ, thì ai khơi gợi nỗi đau cũ làm gì? Trong đầu tôi, thấp thoáng hai hình ảnh hoàn toàn đối lập của cùng một đối tượng: một anh Công cù lần, ngờ nghệch, hiền lành, ngây thơ như con nai tơ, thường ấy a ấp úng khi gặp tôi, có dạn dĩ hơn một tí khi cho tôi xem quyết định nhập ngũ, và một tên Công lọc lõi, mồm mép, ngang tàng, đểu cán như con cáo già, từ chiến trường K trở về. Buổi tối trước ngày nhập ngũ, trong quán cà phê Hạ Trắng, lần đầu chúng tôi gặp riêng nhau, con nai tơ run rẩy nắm vội mấy ngón tay của tôi đưa lên môi rồi bỏ đi như chạy. Hơn hai năm sau, cũng trong quán cà phê đó, con cáo già lại nói trơn tru, thở ra toàn giọng đểu cán: Tôi gặp em để nói lời chia tay. Sau mấy năm đi xa, tôi thấy mình không hợp với em nữa. Em bỏ tôi rồi lấy ai cũng được, quanh em có bao nhiêu vệ tinh sáng giá mà. Nhưng nay tôi trở về hai tay trắng, phải tìm vốn để kinh doanh, kiếm sống, lập gia đình với cô gái tôi yêu… Tôi chẳng có gì, chỉ có mấy lá thư em gởi mấy năm nay, định in thành sách, bán cho thiên hạ đọc chơi, lấy tiền sinh sống. Nhưng em là tác giả, nên tôi ưu tiên bán lại cho em. Tính theo ký lô giấy vụn, nhưng với giá thỏa thuận. Tôi đếm kỹ, có hon 100 lá thư em gởi, tôi tính trọn gói là 2 lượng vàng! Hai lượng vàng đổi lấy quá khứ trắng tinh như tuyết của em, rẻ quá phải không? Nếu em đồng ý, đưa vàng hay tiền cũng được, 3 ngày nữa, buổi tối gặp tôi tại quán cà phê này. Tôi trả hết toàn bộ thư, không giữ lại lá nào, cũng không photocopy đâu…
Tôi ù cả tai, lẳng lặng bỏ về nhà như kẻ mất hồn, nằm trằn trọc suy nghĩ suốt đêm. Người mà tôi đã đặt trọn niềm tin lại như thế này ư? Tôi đã nâng niu, gìn giữ mối tình trong sáng suốt hai năm trời, để nhận một thành quả như vậy sao? Đến gần sáng, sau một đêm thức trắng, tôi quyết định chọn con đường đi cho mình. Tôi nghĩ, cũng may là bộ mặt thật của hắn đã lộ ra sớm, không thì tôi đã dại dột trao thân, gởi phận cho hắn rồi. Không muốn ai hay, tôi soạn lại sợi dây chuyền vàng năm chỉ Mẹ cho trước khi mất, ngắm chiếc xe Cub kim vàng giọt lệ còn khá mới – quà sinh nhật Ba mừng tôi 20 tuổi, nếu gặp mối bán được cũng gần 2 cây vàng… Một người bạn cho tôi biết, anh Nhân, bạn của anh tôi, đi du học ở Đức về, đang muốn tìm mua xe máy. Anh cũng là một trong những vệ tinh bám theo tôi lâu nay, nhưng luôn tự trọng, không vồ vập, khoe khoang như mấy tên ở nước ngoài về. Không hiểu sao tôi thấy tin tưởng anh Nhân, có lẽ trong lúc chao đảo trong dòng xoáy cuộc đời, anh như cái phao tôi có thể bám được… Anh Nhân mua lại chiếc Cub của tôi với giá 2 lượng vàng, và nhận luôn trách nhiệm mang vàng đổi thư, tránh cho tôi khỏi gặp lại khuôn mặt đểu cán...
Mọi việc tiến hành khá suôn sẻ, tôi nhận lại đủ mấy lá thư oan nghiệt (tôi có thói quen viết mỗi tuần đúng một lá thư cho anh Công nai tơ, nên biết rằng tên cáo già đã trả đủ hết thư). Tôi không biết diễn tiến việc trao đổi, sau này chỉ nghe chủ quán Hạ Trắng kể, tối đó trước khi ra về, anh Nhân đã tát tên kia một cái như trời giáng, gằn giọng: Mày phải biến hẳn khỏi đời cô Hương, hắn ngã xuống, đầu đập vào cạnh bàn, rách mi mắt trái… Hơn hai năm sau, tôi tốt nghiệp đại học, và nhận lời cầu hôn của anh Nhân. Quà cưới của tôi lại là chiếc xe Cub yêu quý ngày nào. Tôi hy vọng đời mình đã tìm được bến đỗ an toàn… Bây giờ, tôi đã nghĩ kỹ rồi. Tôi không muốn đến bàn thờ con cáo già, nhưng nghĩa tử, nghĩa tận, tôi sẽ nhờ anh Nhân đến, thay mặt tôi, thắp một nén hương cho hắn.
Ba Nhỏ, Trưởng Ban Lễ tang
Tôi tiễn bà sœur già ra cửa, tưởng là người cuối, quay ra lại thấy một bóng đàn ông đang dừng chiếc SH trước cửa Hội trường. Thời gian viếng kết thúc lúc 18 giờ, đúng lúc đó hắn vừa xịt xong nước sát khuẩn lên hai tay và gỡ khẩu trang che mặt. Tôi ngồi ở Bàn Tiếp lễ, đọc rõ tên người viếng: Lê Thanh Hương và chồng. Hóa ra tin nhắn tối qua của tôi đã có phản hồi, dù chỉ ở giây phút cuối cùng. Cặp kính đổi màu lướt nhanh qua các hiện vật trang trí đơn giản trong Hội trường, cũng như mọi khách viếng tang khác, hắn xác định được gia cảnh của tang quyến. Thủ tục viếng tang tiến hành chỉ vài phút, đúng quy định cách ly mùa CoViD. Hắn chào tôi, hỏi mối quan hệ với Công, ngần ngừ rồi mời tôi đi uống nước. Còn 60 phút nữa mới phải ăn cơm tối với Ban Lễ tang, tôi gật đầu.
Quán cà phê vắng khách rộng thênh thang, hai chúng tôi ngồi cách nhau 2 mét như quy định, nói chuyện đủ nghe, không có ai chú ý, giờ này Đội quy tắc cách ly cũng nghỉ ăn cơm rồi. Hắn hỏi tôi về gia đình của Công, lấy làm lạ vì không thấy vợ con người mất, Ban Lễ Tang cũng toàn là bạn bè nam giới. Biết tôi thân thiết với Công, hắn hỏi lan man về cuộc sống của Công, tỏ ý thắc mắc sao không thấy có bóng dáng phụ nữ trong cuộc đời Công? Đến nước này, tôi nghĩ có thể bật mí điều mà Công che dấu bao nhiêu năm: … Trong chuyến hành quân cuối cùng trên đất bạn, Công vướng phải một trái mìn lá. Mìn phát nổ không gây thương tích nặng, nhưng tác hại vô cùng quan trọng: Quân Y sư đoàn xác định Công đã mất chức năng làm chồng vĩnh viễn. Đó là sự thua thiệt lớn về thể chất – bạn bè luôn thấy Công mày râu nhẵn nhụi, có ai hiểu đó là nỗi đau về mặt tinh thần? Hắn rất ngại làm phiền người khác, đặc biệt Thanh Hương, người mà hắn tôn sùng. Chẳng lẽ lại thú thật với Hương, để Hương gậm nhấm nỗi đau khó nói, hay lại bỏ rơi hắn để đi lấy chồng? Chung quanh Hương có bao nhiêu đối tượng để lựa chọn, mà ông là người may mắn nhất... Vậy để Hương thanh thản làm lại cuộc đời, Công chỉ có thể chết đi, hoặc biến thành người khác. Hắn suy tính với riêng tôi, rồi lên kế hoạch đóng vai một tên đểu giả, để Hương yên tâm rời bỏ hắn. Cuối cùng, kế hoạch đã thành công! Hương đã sống hạnh phúc với ông đến bây giờ, đó là điều Công mong muốn nhất. Sống một mình, nhưng Công luôn theo dõi cuộc sống của Hương… À, ông hỏi về hai lượng vàng trấn lột ngày nào hả? Ông có thấy bà sœur già đến viếng trước Ông không? Bà đã thành lập Mái Ấm Tình Thương Nguyệt Biều, nơi nuôi dưỡng Trẻ Em Khuyết Tật của Tỉnh, ngày đó Công đã chuyển 2 lượng vàng ông đưa ở quán Hạ Trắng để hỗ trợ hoạt động của Mái Ấm…
Chúng tôi nói chuyện say sưa, khi sực nhớ thì đã quá giờ hẹn ăn cơm tối với Ban Lễ tang. Điện thoại tôi hiện ra mấy cuộc gọi nhỡ, do tôi để chế độ rung nên vô tình không biết. Không sao cả, giờ tôi phải lo đăng ký bổ sung hai người vào đoàn sớm mai đi Đà Nẵng.