Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Truyện ngắn 26

 

MÓN NỢ KHÓ TRẢ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Cậu mợ tôi gởi mail từ quận Cam, California, Hoa kỳ, nhờ tôi tìm bác sĩ Trần Phi Hùng ở Bệnh viện Mắt của Tỉnh, để chuyển trả sáu trăm đô la Mỹ mà cậu mợ mượn từ mấy năm trước, nay mai tiền sẽ chuyển đến tôi ở cơ quan làm việc theo đường kiều hối. Cậu cũng nói thêm: đúng ra là cậu phải về, nhân tiện thắp hương bàn thờ tổ tiên, nhưng bây giờ dịch CoVid đang tràn lan khắp nơi, về đến nơi lại phải chịu 21 ngày cách ly tập trung thì mất thời gian quá, thôi thì mọi việc đành ủy quyền cho cháu vậy…

Cậu vốn là em họ mẹ tôi, lại ở sát nhà mẹ tôi nên hai người thân thiết với nhau như chị em ruột, nhất là khi mẹ tôi đột quỵ do tai biến mạch máu não, từ đó suốt mấy năm liền đến khi mẹ mât, ngày nào cậu hoặc mợ cũng sang xoa bóp, tập luyện cho mẹ tôi cả giờ đồng hồ, sau khi mẹ được lương y điều trị châm cứu. Đặc biệt, Long con trai cậu mợ đang du học ở Virginia, Hoa kỳ thường xuyên gởi mấy hộp kem dưỡng da mua ở siêu thị, có tác dụng chống loét rất tốt vì chứa chất kiềm, mẹ tôi nhờ đó mà không bị loét da dù phải làm bạn gắn bó với chiếc giường đơn một thời gian dài. Đến khi mẹ ra đi vì tuổi già (nhờ bôi thuốc kem của Long, sự chăm sóc của tôi cùng với sự hỗ trợ thường xuyên của cậu mợ, nên da dẻ mẹ vẫn tươi tắn như trẻ nhỏ), cậu mợ lại đứng ra lo tang ma khá chu đáo. Cũng may là khi đó, thành phố Huế chưa bị CoVid xâm lấn nên đám tang của mẹ tôi có đầy đủ thủ tục lễ nghi trang trọng. Vì thế, tuy ngoài miệng xưng cháu, gọi cậu, mợ, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn xem hai người như cha mẹ, với tâm niệm một giọt máu đào hơn ao nước lã. Ba tôi mất từ khi tôi còn nhỏ, tôi lại muộn đường chồng con nên xem gia đình cậu như gia đình mình. Sau khi mẹ tôi mất, cậu mợ được con trai bảo lãnh sang Hoa kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, tôi buồn như chấu cắn, lại trở về kiếp sống như nhân vật Remi trong truyện Không Gia Đình của Hector Malot rồi…

Cậu mợ đã nhờ thì tất nhiên tôi phải nhận, chỉ hơi băn khoăn: người kỹ tính như cậu, không muốn nợ nần ai, làm gì mà phải mượn nợ đến hơn chục triệu đồng, tính theo tỷ giá ngoại tệ vào thời điểm đó? Trong mail phúc đáp, tôi khẳng định sẽ tìm mọi cách làm việc cậu mợ nhờ, và bóng gió đề cập đến thắc mắc của mình. Mail tiếp theo của cậu mợ đã giải thích rõ: hồi đó mợ bị cận thị đến 8 đi-ốp, Bệnh viện Mắt đề nghị phẫu thuật Lasik thường quy, chi phí khá cao, lương hưu hàng tháng cậu mợ cộng lại chỉ mới được non nửa, dù điều kiện sức khỏe mợ đáp ứng đủ cho phẫu thuật, nhưng vì vấn đề tài chính nên mợ định xin thôi… Bác sĩ Hùng trực tiếp điều trị cho mợ,  còn trẻ, mới tốt nghiệp, thuyết phục mợ mạnh dạn mổ, nhân tiện đang có đoàn bác sĩ chuyên gia nhãn khoa từ nước ngoài đang ghé thăm bệnh viện, còn chi phí sẽ vận động xin các tổ chức từ thiện, vì mợ là thương binh từ hồi chống Mỹ, gia đình lại khó khăn, thuộc diện cận nghèo. Mấy hôm sau, bác sĩ Hùng báo tin vui, đã tìm ra mạnh thường quân hỗ trợ chi phí vật tư phẫu thuật. Cậu mợ quá mừng, nhưng khi hỏi danh tính mạnh thường quân để cảm ơn thì bác sĩ Hùng ấp úng, bảo theo nguyên tắc phải giữ bí mật. Thôi thế là được, mợ yên tâm bước lên bàn mổ, kíp phẫu thuật có bác sĩ Hùng phụ mổ, kết quả rất thành công, mắt mợ lại sáng rõ như thời con gái… Chỉ mấy tháng sau khi kết thúc thời gian chăm sóc hậu phẫu, anh Long đã làm xong thủ tục cho cậu mợ sang Hoa kỳ đoàn tụ, rồi cậu mợ chuyển về quận Cam, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Tôi thăm dò và biết, chi phí một ca phẫu thuật Lasik không đến 600 USD, nhưng cậu tôi, khi tính toán, thường có thói quen làm tròn số, với thiệt thòi luôn chịu về phần mình… Cậu còn dặn thêm trong phần tái bút: phương án 2: nếu bác sĩ Hùng không chịu tiết lộ danh tính vị mạnh thường quân để hoàn trả, thì cháu xin bác sĩ cứ nhận khoản tiền đó làm từ thiện, xem như đóng góp của cậu mợ cho công việc từ thiện trong xã hội…

Tôi cầm chiếc phong bì chứa sáu tờ một trăm đô la Mỹ, cất kỹ trong ví mà thấy nó nặng nề như viên gạch, cứ sợ rơi ra ngoài. Chẳng gì cũng bằng quý lương của tôi mà! Bệnh viện Mắt, trước ở Tỉnh lộ 10 đã chuyển sang cơ sở mới ở đường Phạm văn Đồng, còn gọi là Tỉnh lộ 49, tôi tìm mãi mới ra. Đúng lúc dịch CoVid đang chuyển biến rầm rộ vì nhiều người từ tỉnh khác về, Bệnh viện phải kiểm tra phòng dịch rất kỹ, tôi phải trình mã QR và chứng nhận đã tiêm phòng 2 mũi vaccine trên sổ sức khỏe điện tử mới qua được cổng vào bệnh viện. Nhưng bước đầu đã gặp trắc trở! Cô nhân viên văn thư kiêm thường trực ở Bệnh viện Mắt cho biết: bác sĩ Trần Phi Hùng đã đi tu nghiệp ở nước ngoài hơn một năm nay rồi. Thất vọng vì không gặp được bác sĩ Hùng, tôi đưa đẩy vài câu xã giao, định bụng sẽ về thuật chuyện với cậu mợ về mission impossible thì tình cờ, cô nhân viên vui miệng cho tôi thấy le lói một vài tia sáng thông tin: hồi đó, bác sĩ trưởng đoàn chuyên gia nhãn khoa (nước bạn không phong Giáo sư dễ dàng như nước minh) rất mến mộ khả năng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn của bác sĩ Hùng, nhất là sau khi biết chính bác sĩ Hùng đã bỏ tiền túi bằng mấy tháng lương bác sĩ tập sự để hỗ trợ chi phí phẫu thuật Lasik cho một bệnh nhân nữ thuộc hộ cận nghèo, nguyên là thương binh (có khả năng là mợ tôi rồi), đã đề nghị một suất FFI một năm cho đích danh bác sĩ Trần Phi Hùng. Như vậy, bác sĩ Hùng sẽ làm việc như một bác sĩ nội trú ở nước ngoài để trau dồi thêm chuyên môn và, theo cô nhân viên kể chuyện nói lại, thời gian tu nghiệp đang được gia hạn thêm sáu tháng theo đề nghị của bệnh viện bên đó, căn cứ vào khả năng làm việc. Thế là, dù không gặp mặt người cần tìm, tôi đã dò được thông tin khá quan trọng: người mạnh thường quân giấu tên ngày nào chính là bác sĩ Hùng. Tôi cảm ơn cô và dò hỏi luôn địa chỉ gia đình, bác sĩ Hùng chưa có vợ, trước khi xuất ngoại vẫn ở với mẹ trong căn hộ chung cư tập thể, cách nhà tôi ở không xa mấy…

Tuân thủ chế độ 5K, tôi mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn rồi mới phóng xe thẳng ra chợ mua ít hoa quả ở quầy hàng quen, và tìm đến nhà mẹ của bác sĩ Hùng, gõ cửa. Lần này gặp may, khu chung cư chưa bị giăng dây vì dịch CoVid. Gian chung cư mẹ bác sĩ Hùng ở chỉ có hai phòng, trông đơn sơ nhưng khá ấm cúng: phía trong chắc là phòng ngủ và công trình phụ, phòng ngoài có bày bộ bàn ghế mây để tiếp khách, và đặt một bàn thờ nhỏ, có ảnh ông cụ mặc quân phục, có lẽ là ba của Hùng. Bà cụ ra mở cửa, chắc là mẹ của Hùng, đã lớn tuổi, tóc bạc trắng, trông khá phúc hậu. Tôi tự giới thiệu, xin phép thắp hương và đặt hoa quả lên bàn thờ. Qua mấy câu thăm hỏi, vừa đề cập đến món nợ chi phí phẫu thuật Lasik, bà cụ đã mỉm cười xua tay, ngắt lời: trước khi đi, con trai tôi có nói việc này… Ngày trước, tôi làm quân y sĩ tiểu đoàn, rất vui lòng khi con nối nghiệp mình, nên luôn khuyên con phải giữ gìn y đức. Thú thật với cô, ngày cháu còn đi học ở Đại học Y Dược Huế, đã có bác sĩ Trần Thọ, đồng đội cũ của ba cháu, giúp cháu trả một phần tiền học phí từng năm học, trong cả 6 năm. Nó bảo giúp ca phẫu thuật này là bước đầu thể hiện lời hứa với bác Thọ: làm việc gì cũng nghĩ tới người bệnh trước hết! Tôi không dám nhận tiền đâu! Nếu muốn cảm ơn, cô hãy tìm đến bác sĩ Trần Thọ ân nhân ngày nào của cháu, ở địa chỉ… Tôi nấn ná một lát rồi xin kiếu từ, rồi tìm đến nhà bác Thọ theo địa chỉ mới được biết. Hy vọng lần này tìm được nguồn gốc các nghĩa cử tình cờ tôi được biết, qua đó mới thấy được trong xã hội nhiễu nhương này, vẫn có những tấm lòng vị tha, tìm niềm vui qua việc san sẻ gánh nặng của người khác…

Nhà bác Trần Thọ ở ngoại ô Thành phố Huế, xây theo kiểu nửa thành thị, nửa nông thôn: mái lợp nửa ngói, nửa fibrociment, tường có chỗ xây gạch, chỗ lại đóng tôn… Xem chừng chủ nhà ít khi bỏ công chăm sóc nơi che nắng mưa cho mình. Tôi đang tần ngần đứng ở cổng thì một ông già ở nhà bên cạnh lên tiếng hỏi. Cô tìm bác sĩ Thọ hả, có việc gì cần thiết không? Rồi khi biết tôi tìm gặp chỉ để cảm ơn, ông huyên thuyên: Ổng vào miền Nam theo đội y bác sĩ tình nguyện của Thành phố huy động đi dập dịch rồi. Nhà ổng không còn ai nên nhờ tôi vừa là hàng xóm, vừa là tổ trưởng, trông coi nhà cửa, vườn tược, cho chó mèo ăn cơm. Ông ngừng một chút rồi tiếp: Tình hình dịch như thế này, biết khi nào mới xong, chỗ này dịch lắng thì chỗ khác lại nổi, mà ông Thọ này, chỗ nào có dịch là ổng xông vào dập, đã bảo là Thọ húc mà!... Chỉ căn nhà hơi xiêu vẹo, ông ngập ngừng tiếp: Tôi có hỏi ổng: vào nơi thập tử nhất sinh, nếu phỉ phui, ông có mệnh hệ gì thì căn nhà này ra sao? ổng trả lời: lỡ tôi có mệnh hệ gì thì có tập thể, có Nhà nước lo. Còn nhà của tôi, làng xã cứ trưng dụng làm công ích xã hội, tôi chẳng có vợ con để bàn giao. Xuất thân ở Cô nhi viện, các sơ nuôi tôi trưởng thành, có dặn tôi nhớ giúp đỡ người cơ nhỡ, theo lời Chúa dạy.

Tôi chào ông, xin phép ra về, trong đầu đã định sẳn nội dung trả lời mail cho cậu: cháu đã tìm được nguồn gốc khởi phát các nghĩa cử mà cậu đã thụ hưởng một phần. Bác Thọ đã nhận giúp đỡ từ các sœur dòng Mến Thánh Giá, bác giúp anh Hùng, rồi anh Hùng giúp mợ… Khoản tiền cậu gởi, cháu đề nghị theo phương án 2 của cậu mợ: chuyển vào kinh phí hỗ trợ dập dịch ở miền Nam do Nhà nước phát động, ở đó bác Thọ cũng đang tham gia dập dịch theo tên cậu mợ. Nếu đồng ý, xin cậu mợ phản hồi sớm để cháu thực hiện.