Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Truyện ngắn 48

 

DI DỜI KHU MỘ TỔ TIÊN

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Sau khi thắp mấy nén hương, lâm râm khấn vái trước bàn thờ, Ba gọi tôi vào Phòng đọc sách. Gọi là Phòng đọc sách của Gia đình, thật ra là Phòng khách dành riêng cho Ba… Phía sau chiếc tủ nhiều ngăn khá lớn, cao đến trần nhà, có cửa kính chắn bụi, chứa đủ loại sách Đông phương kim cổ mà Ba thường đọc, là bàn thờ gỗ gụ, với các bát hương của ông bà nội, thấp hơn một chút là của Mẹ, đã mất cách đây mấy năm, sau cơn bạo bệnh. Trước bàn thờ là bộ trường kỷ, thường chỉ dùng để tiếp khách trang trọng của Ba…

Lịch sử về bộ bàn thờ - trường kỷ được Ba kể lại, tôi còn nhớ rõ: đầu năm 1975, thấy chiếc bàn thờ cũ trong nhà đã hư hỏng, mục nát, Ba tìm mua ở Pleiku một khối gỗ cẩm lai, thuê chú Hiền thợ mộc có tay nghề cao, đóng chiếc bàn thờ mới, loại có chốt bằng thép thay mộng bằng gỗ để dễ tháo lắp, nhân tiện đóng luôn bộ trường kỷ… Ba Mẹ tôi vừa mới cúng xong bàn thờ mới, thắp được vài tuần hương, thì cuộc binh biến tháng tư ập đến đột ngột, không kịp trở tay… Tháng sáu năm đó, theo quy định, Ba bắt buộc phải trình diện rồi tập trung học tập cải tạo không biết đến khi nào - ban đầu Ủy ban chỉ phổ biến đem theo 10 ngày lương thực rồi cứ kéo dài mãi… Từ điều kiện vật chất tương đối đầy đủ của gia đình (khi đó, Ba đang là Đại tá, phụ trách Tổng cục Tiếp Vận), cả nhà bắt đầu lâm cảnh túng bấn. Thỉnh thoảng Mẹ phải bán đi một vài vật dụng trong nhà (quạt máy, radio-casette, ti vi, tủ đông lạnh…) để chi dụng hàng ngày. Để duy trì sinh hoạt của gia đình – anh hai và tôi còn ở cấp Tiểu học, Mẹ đã phải tận dụng khả năng học được từ thời con gái với bà ngoại để sinh nhai: hàng ngày làm yaourt, bỏ mối bán khắp thành phố. Công việc đòi hỏi bỏ giấc ngủ trưa để canh mặt trời, sưởi dưới nắng nóng, hoặc thức khuya ủ yaourt trong nước ấm ba sôi hai lạnh khi trở trời, kịp cất yaourt vừa lên men vào trong tủ lạnh - cũng may gia đình còn giữ được chiếc tủ lạnh Hitachi loại trung (trước đây để trong bếp, chỉ dùng cho gia nhân trong nhà), vừa đủ để ủ lạnh yaourt gần trăm thẩu và vài chục gói nylon bán lẻ. Trừ đi tiền điện nước, tiền bỏ mối yaourt hàng ngày, gom lại trong cả tháng vừa đủ cho chi phí thăm nuôi Ba vào đầu tháng, tính thực phẩm khô để bới xách và lộ phí để Mẹ đi đường từ Huế ra tận Hoàng Liên Sơn. Sức khỏe của Mẹ suy sụp dần nhưng Mẹ vẫn cố gượng… Thư Ba gởi về, ngoài việc hỏi thăm sức khỏe mấy mẹ con, phần tái bút có dặn rất kỹ: nhớ không được bán chiếc bàn thờ, cố giữ cho được bằng mọi giá! Đến giữa thập niên 80, Ba trở về nhà, thân thể gầy rộc, da đen sạm, mang theo theo giấy tờ ra trại với nhận xét: đã học tập cải tạo tốt; trong khi theo Ba là: còn sống được nhờ Ơn Trên phù hộ. Hồ sơ xuất cảnh theo diện HO được nhanh chóng hoàn thiện, mấy tháng sau, gia đình bốn người - Ba, Mẹ, anh hai và tôi - đã lọt qua đợt phỏng vấn và nhận vé máy bay sang nửa bên kia của Trái Đất! Trước khi đi, tận dụng tay nghề thợ mộc học được trong trại cải tạo, Ba tỉ mẩn tháo chiếc tủ thờ, bó gọn lại thành khối, gởi theo đường tàu biển sang địa chỉ cậu Hữu, em họ của Mẹ - đang học dở West Point ở New York, Hoa kỳ; ảnh thờ và bát hương thì Ba mang theo người. Riêng bộ trường kỷ, không tháo lắp được, tính tiền gởi theo thể tích thì quá đắt, đành để lại; Ba suy nghĩ rồi đem tặng dì Xuân, chị ruột của Mẹ, đã cùng anh Quang Huy - anh con dì con già của tôi, bằng tuổi anh hai Dũng – nhận trách nhiệm sẽ thay Ba - Ba và ông nội đều là độc đinh của dòng họ Trần, trông coi, hương khói mồ mả khu Trần tộc mộ địa của họ nội ở khu vực Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế, trong đó có phần mộ dượng Yêm, chồng dì Xuân, gốc gác tận miền Tây - sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, tử trận năm 1971, đang tạm trú trong phần mộ họ Trần nhà vợ… Gia đình tôi sang Mỹ, ban đầu tạm định cư ở quận Orange, bang California. Riêng Mẹ, sức lức đã mỏi mòn sau hơn mười năm một mình lo toan cho cả nhà, đã sụp đổ hẳn rồi ra đi vì lao phổi – một trong tứ chứng nan y thời xưa, chụp X-quang thấy hai buồng phổi chỉ còn hoạt động một ít ở chóp đỉnh… Là người rất tự trọng đến mức tự ái, Ba từ chối trợ cấp, giúp đỡ của bạn bè, sĩ quan dưới quyền trước đó, nhận lái xe cho hãng taxi Gold, làm việc ngày đêm để nuôi hai con ăn học… Hai mươi năm sau, anh hai Dũng tốt nghiệp Đại học Ngân hàng ở City University of Seattle, ban đầu được tuyển vào làm Kế toán viên, rồi cất nhắc làm Trưởng phòng Nghiệp Vụ Ngân hàng Goldman Sachs, còn tôi đang theo học Văn hóa Phương Đông năm cuối đại học ở Iowa State University, theo lời khuyên của Ba. Kinh tế gia đình đã khấm khá dần, anh hai khi lên chức Trưởng phòng, đã bỏ tiền mua đất và xây căn hộ khá tiện nghi ở Alum Rock Avenue phía Đông San Jose, vợ chồng anh dần dần nắm vai trò chủ chốt của gia đình trong việc chi tiêu (lúc này Mẹ đã mất), Ba và tôi sống chung nhà với vợ chồng anh (chị hai là Trưởng phòng Nhân sự cùng cơ quan) ở tầng hai - tôi chỉ giữ căn phòng nhỏ cuối dãy khi nghỉ hè về nhà... Cố khôi phục bộ trường kỷ, Ba chấp nhận bỏ tiền mua mấy tấc gỗ bocote ở Mexico có giá cao hơn loại cẩm lai ở Việt Nam nhiều, thuê thợ mộc đóng theo kích cỡ chuẩn - thỏa thuận xong mới biết tiền công thợ mộc ở đây gấp mấy lần tiền gỗ. Trường kỷ đóng xong được sắp trước bàn thờ; tầng hai trở thành giang sơn riêng của Ba: ngoài những công trình phụ, Ba chỉ ra Phòng đọc sách để trò chuyện với con cái hoặc khách bình thường, hoặc ngồi nghiền ngẫm cuốn sách nào Ba thấy hay ho, hay đọc tài liệu hiện đại trên laptop; bộ trường kỷ chỉ để tiếp khách lớn tuổi hơn Ba, như bậc cha chú…

Tôi đã định ngồi ở bàn đọc sách như mọi ngày, Ba đã bảo vào trong, ngồi đối diện Ba trên bộ trường kỷ. Ba thong thả chế ấm trà móc câu, đúng loại Tân Cương ở Thái Nguyên, nước trà trong như ngọc, loại Ba vẫn thường mua ở siêu thị 99 Ranch Market, mỗi ngày chỉ chế uống đúng một ấm. Tôi ngẩn ngơ, hình như đây là lần đầu Ba xử sự với tôi như bậc trưởng thượng… Quả nhiên, Ba đã nêu ra với tôi một vấn đề khá quan trọng: nhân dịp nghỉ hè, gần đến lễ Vu Lan, nhờ tôi thay mặt Ba đang ở tuổi chuối chín cây, về quê hương, chuẩn bị đất đai di dời khu mộ tổ tiên… Trả lời thắc mắc của tôi sao không cử anh hai, trưởng nam gia đình, trưởng tộc dòng họ, Ba lắc đầu: Nó đang lo cho cuộc họp Hội đồng Quản trị vào tháng sau, đâu có quan tâm chuyện này! Tôi chợt nhớ lại lần tranh luận căng thẳng giữa Ba và anh hai trong bữa ăn tối cuối tuần trước – hôm đó chị hai đi dự party sinh nhật bạn: Ba vừa đọc obituary - cáo phó - trên báo biết tin cậu Hữu, em họ của Mẹ, vừa quá cố ở thành phố Los Angeles, California, đề nghị anh hai thay mặt gia đình đến viếng tang, anh nhăn mặt, trả lời: Con đang vận động ý kiến ủng hộ của các thành viên Hội đồng Quản Trị để ứng cử vào chức vụ Phó Giám đốc, chắc bận lắm! Ba điện hỏi số tài khoản của Mợ hoặc các em con Cậu, con chuyển khoản ít tiền viếng tang là được rồi! Ba im lặng không nói gì, hôm sau chỉ lẳng lặng báo đi vắng khỏi nhà mấy ngày. Khi Ba trở về, soạn quần áo của Ba đem giặt, tôi mới thấy cuống vé khứ hồi San Jose – Los Angeles – San Jose trong túi áo… Tôi hỏi chuyện, Ba ngậm ngùi: Mợ Vy, vợ cậu Hữu, và các cháu rất xúc động khi Ba, dù tuổi cao, đã vượt hơn 300 miles đến thắp hương cho cậu Hữu, mợ bảo: ở đất khách quê người, nén hương của bà con cùng quê đủ làm ấm lòng cả nhà… Tôi càng hiểu tâm sự của Ba hơn khi nhớ lại các kiến thức Tâm lý ngành học đang theo đuổi. Thấy tôi im lặng, xem như đồng ý, Ba mỉm cười: Ngày mai Ba book vé khứ hồi Los Angeles – Đà Nẵng cho con, thứ bảy đi, còn ngày về vẫn để open, rồi Ba cầm smartphone hí hoáy một lúc, Ba chuyển vào tài khoản con tám ngàn đô, của Ba chỉ còn chừng đó… Tôi lẩn thẩn tính nhẩm: Ba đã trích 50% trợ cấp thất nghiệp hàng tháng để đưa cho vợ chồng anh hai, vậy dành dụm mấy năm mới được chừng này… rồi Ba trầm ngâm: Về đến Huế, con đừng ở nhà dì Xuân, có thể tạm trú ở nhà dì Huệ, em cậu Hữu, rồi liên hệ với bà con bên nội bàn chuyện mua đất quy tập phần mộ tổ tiên, dự phòng phải di dời phần mộ tổ tiên theo quy hoạch Công viên Văn hóa Ngự Bình. Dự kiến khu vực nhận di dời sẽ là Nghĩa trang Hương Hồ, ở Hương Trà và Nghĩa trang Phú Sơn, ở Hương Thủy. Nhưng có tới hàng ngàn ngôi mộ, địa điểm bố trí sẽ phân tán, khó chăm sóc. Với dì Xuân… Ba im lặng, rồi buông thõng: Ba ủy quyền, con cứ xem tình hình mà xử sự. Nhớ tôn chỉ là mộ di dời cần đặt gần nhau, tiện chăm sóc, các hương hồn ở thế giới bên kia vẫn thấy gần gũi nhau. Tôi uống cạn chén trà như cố nuốt hết lời căn dặn của Ba, thắp hết các bát hương trên bàn thờ, vái bốn cái, rồi quay về phòng, chuẩn bị hành lý, không quên mấy hộp chocolat cho Hồng, bạn thân thiết từ hồi tiểu học, thường xuyên liên lạc bằng e.mail với tôi. Kiểm tra lại tài khoản, ngoài khoản tiền Ba vừa chuyển, tôi vẫn còn mấy trăm đô la, tiền dành dụm khi tranh thủ làm thêm ngoài giờ học ở các quán ăn trong mấy năm học ở Iowa, đủ để chi tiêu cả tháng, không xâm phạm vào khoản tiền Ba gởi. Nghĩ lại, dù sao anh hai Dũng cũng hết lòng lo cho tôi khi hàng năm đều đặn chuyển tiền học phí đến Nhà trường, và tiền lưu trú cho tôi đến đại học xá…

* * *

Bất ngờ đầu tiên tôi gặp là sự chênh lệch giữa gia cảnh dì Huệ và dì Xuân; dù cùng là chị em họ - cậu Hữu, dì Huệ gọi ông ngoại tôi, tức là ba của dì Xuân và Mẹ tôi là cậu, nhưng điều kiện hai nhà thật khác biệt. Tôi chỉ nắm sơ lược thông tin: dì Huệ là cô giáo mầm non đã về hưu non, góa chồng từ khi còn trẻ, chỉ có một cậu con trai; dì Xuân là bác sĩ cũng đã nghỉ hưu, con trai là anh Huy làm ngành địa chính…

Tạm gởi hành lý ở Hồng, tôi đến tìm nhà dì Huệ theo địa chỉ Ba cho, ngớ người khi trông thấy mái nhà nửa tôle (dân địa phương gọi là tồn) nửa ngói, tường xây cũng hơn nửa bằng tableau ciment (dân còn gọi là bờ lô), còn lại xây bằng gạch thẻ đủ loại, là loại nhà mà tôi tưởng sang thế kỷ 21 không còn tồn tại nữa - hỏi Dì thêm mới biết, một phần tư dân địa phương này đều sinh hoạt trong những căn nhà tạm bợ như thế, riêng Dì nhờ cậu Hữu giúp một ít tiền mới mua được nhà này. Nói chuyện được một lát, một cậu thanh niên bước vào, chào tôi. Đó là Nghĩa, con trai duy nhất của Dì, trạc tuổi tôi, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Ngân hàng, đang chạy xin việc, theo Dì kể. Chi nhánh Ngân hàng X đồng ý nhận Nghĩa vào làm nếu thỏa thuận hàng tháng giới thiệu khách hàng gởi tiết kiệm 50 triệu đồng. Suy đi tính lại, Nghĩa tìm đến Huy, con dì Xuân, là anh con cô con cậu – khi học đại học Kinh tế ngành Tài chính, Nghĩa đã làm đơn xin Tổ chức Khuyến học do anh Huy phụ trách, cho vay vốn để ăn học suốt bốn năm, sẽ trả dần khi ra Trường, nhưng bây giờ Huy lại từ chối gởi tiết kiệm vào Ngân hàng X để đầu tư tiền vào việc khác có lợi hơn, theo Nghĩa nhắc lại lời Huy: Trong công việc, không có anh em, bà con, họ hàng… chỉ có đối tác…, đồng thời rủ Nghĩa về giúp việc cho Huy ở Tổ chức Khuyến học, nhưng Nghĩa từ chối vì trái ngành nghề, lại không hy vọng có thu nhập… Tuy nhiên, điều làm tôi ngán sợ nhất nếu ở nhà dì Huệ, là chuyện giải quyết nỗi buồn nhà vệ sinh. Tình cờ, theo Dì ra sau nhà, rửa tay trong lu nước mưa, thấy Dì múc một gáo nước uống ngon lành, tôi lắc đầu từ chối khi Dì mời, Dì thản nhiên bảo tôi chờ một lát để Dì đi giải (!) rồi vào pha trà cho dễ uống, tôi thấy rõ Dì đến ngồi xổm khuất sau bụi dứa… Đến khi uống trà, Dì còn mời: Trưa con ở lại đây, ăn canh cá rô với Dì, cá rô nuôi béo, ngon lắm! Thoáng thấy ao cá có khung tre phía trên được che kín - đúng dạng cầu tõm, tôi vội vàng xin chiếc đĩa, đặt tờ 50 USD xin gởi cúng giỗ dượng Phú chồng Dì, sắp tới, lấy cớ đã hẹn ăn cơm với bạn Hồng, rồi theo xe ôm - dịch vụ này thật khó tìm thấy ở mọi tiểu bang đất Hoa kỳ - tìm đến một khách sạn vùng nhà dì Xuân trước đây – ký ức tôi nhớ rõ ở khu phố Vĩnh Lợi, nay là Phú Hội, được quy hoạch thành khu du lịch trông lạ hẳn. Tôi kiểm tra cẩn thận chất lượng toilette rồi yên tâm đưa hộ chiếu ra, báo với lễ tân sẽ ở lại khoảng hai tuần, hy vọng đến khi đó, công việc đã tạm ổn. Hỏi đến dì Trần thị Kim Xuân, vợ ông Lê Quang Yêm, vẫn không ai biết, đến khi nhắc đến tên Lê Quang Huy con Dì, thì mọi người mới cho biết: anh Huy thuộc Hội đồng Quản trị chuỗi khách sạn ở đây, kể cả khách sạn tôi đang ở. Ngoài ra, anh còn đang là đại gia ngành địa ốc ở thế giới bên kia… Tò mò, tôi hỏi thêm thông tin chi tiết từ chị phụ trách lễ tân: dì Xuân bị tai biến gần chục năm nay, tránh tiếp xúc bên ngoài gia đình, nên ít người biết, riêng anh Huy phụ trách địa chính của Thành phố, đang sở hữu nhiều lô đất, lớn bé có cả, có thể quy hoạch thành nghĩa trang gia đình, nên có khá nhiều người cầu cạnh. Huế là thành phố chú trọng tâm linh, đã có khu An Bằng, nổi tiếng trong và ngoài nước là Thành phố Ma, với nhiều ngôi mộ có chi phí xây dựng bằng cả ngôi biệt thự cao cấp, nhờ tiền con cháu ở nước ngoài gởi về… Trong quy hoạch thế kỷ 21, khá nhiều ngôi mộ cũ sẽ phải di dời (như Trần tộc mộ địa của họ nội tôi), đương nhiên anh Huy có quyền thao túng…, nghe nói giá đất mua cho một ngôi mộ cải táng ngoài quy hoạch khoảng hai chai (tiếng lóng của dân địa ốc, chỉ một triệu đồng). Thông tin này cho tôi thấy ngay con đường liên hệ mua đất để quy tập mồ mả, tính nhẩm khoản tiền hơn tám ngàn đô la (của cả hai cha con cộng lại) theo tỷ giá hối đoái trên thị trường chỉ hơn một nửa chi phí mua đất cho gần trăm ngôi mộ Trần tộc cần cải táng, hy vọng anh Huy nghĩ tình bà con (họ nội của tôi cũng là họ ngoại của anh Huy) mà tính gia hữu nghị cho Trần tộc chăng?

Tôi xin số điện thoại của anh Huy, gọi điện xin gặp anh để bàn chuyện mua đất xây Nghĩa trang cho gia đình. Tôi không muốn xưng là em con dì của anh Huy (tức Mẹ tôi, em ruột của dì Xuân), vì trước mắt, tôi muốn sòng phẳng trong công việc – anh Huy đã chẳng từng nói với Nghĩa, em con dì họ: Trong công việc, không có anh em, bà con, họ hàng… chỉ có đối tác khi từ chối làm sổ tiết kiệm, để giúp Nghĩa có việc làm sao? Anh Huy trả lời trên điện thoại rất lịch sự - với đối tác làm ăn nào chẳng lịch sự, báo đang bận việc ở Đà Nẵng – lại đang theo đuổi một dự án địa ốc ở thế giới bên kia chăng, xin hẹn tôi đến đầu tuần sau sẽ gặp mặt tại nhà để bàn chi tiết. Tôi lẳng lặng ra chợ Đông Ba mua ít hoa quả đến thăm dì Xuân, nghe nói Dì đang nằm liệt trên giường ở nhà, có người phục vụ 24/24 giờ bên cạnh…

Trông qua căn phòng dì Xuân đang nằm, với đầy đủ tiện nghi như vô tuyến truyền hình siêu mỏng, máy điều hòa không khí mát rượi, so với nhà dì Huệ, rõ ràng là hai thái cực… Tưởng chỉ là thủ tục thăm hỏi bình thường, hóa ra qua buổi nói chuyện với dì Xuân đang nằm bán thân bất toại trên giường, tôi mới vỡ vạc ra được khá nhiều chuyện không nghĩ ra được… Nghe tôi tự giới thiệu là con của ba Lý, dì hơi nhổm người lên rồi rơi phịch xuống giường sau khi cố gắng quá sức. Dì trỏ bộ trường kỷ kê đối diện giường cho tôi ngồi, kể lại chuyện ngày trước, giống như Ba tôi đã từng kể lại: Năm 1971, trước khi dì sang nhận hài cốt Dượng từ Đồi 31 ở Hạ Lào về, Ba con đã đấu tranh để nhà nội cho an táng Dượng trong khu Trần tộc mộ địa, dì nhớ mãi mấy từ rể thảo như con trai mà Ba con đã thuyết phục ông bà nội, để cuối cùng Dượng được yên nghỉ bao nhiêu năm ở đây… Bộ trường kỷ con đang ngồi đây, hồi đó dì nhận cho Ba con yên tâm, chờ con cháu Ba con về để bàn giao lại, chứ trước nghĩa cử của Ba con, dì dặn anh Huy phải thay mặt chăm sóc, hương khói khu Trần tộc Mộ địa, có cả phần mộ của Dượng, đến trọn đời. Tôi ngắt lời: Thưa Dì, cháu nghe nói hình như Tỉnh đã có kế hoạch di dời để xây dựng Công viên Văn hóa… Dì gật đầu: chuyện đó, thằng Huy làm bên Địa chính đã biết, đã chuẩn bị phương án xử lý. Đã từ lâu, nó đã thăm dò, tìm hiểu các khoảnh đất dự định quy hoạch làm Nghĩa trang, đã mua riêng một mảnh đất năm trăm mét vuông ở Giạ Lê, Hương Thủy, dưới dạng đền bù hoa màu trồng trọt, rất hợp phong thủy, tả thanh long, hữu bạch hổ, dưới chân có suổi chảy, dự định làm nghĩa trang dòng họ Lê… Tôi ngẩn ngơ: Nhưng mảnh đất lâu nay là của họ Trần mà. Dì mỉm cười: Trần tộc mộ địa trước đây chỉ hơn 200 mét vuông, nếu cải táng còn chiếm ít diện tích hơn nữa. Thằng Huy định chia mảnh đất đó ra làm hai phần, một bên cho họ Lê nhà nội, một bên cho họ Trần nhà ngoại. Bà con nội ngoại khi mãn phần đều có thể an táng ở đó, với điều kiện… Tôi hồi hộp: Điều kiện gì hả Dì? Dì trầm ngâm suy nghĩ rồi noi: Trước đây thằng Huy thích hoạt động từ thiện xã hội, nhưng bị lợi dụng nhiều quá. Chẳng hạn như nó thành lập Hội Khuyến học, cho sinh viên nghèo vay tiền ăn học, khi tốt nghiệp ra trường sẽ trả, chưa thấy ai trả mà nhiều sinh viên cứ nghĩ nó có nhiều tiền, lại tiếp tục khai thác… Tôi gật gù, nhớ đến trường hợp em Nghĩa, con dì Huệ. Dì tiếp tục: Rồi đến khu Nghĩa trang họ Trần, cứ tưởng là tạo điều kiện để bà con anh chị em ở thế giới bên kia quây quần cạnh nhau, không ngờ có nhiều gia đình hãnh tiến, tuy cùng họ nhưng xa đến mấy tầm đại bác, ỷ có tiền nên xây mộ phần người thân trong nhà quá sức hoành tráng, hơn cả mộ ông bà, cha mẹ…, trông cứ như lăng tẩm thu nhỏ của vua chúa ngày trước, nên thằng Huy yêu cầu… Tôi nghe cũng thấy sôi máu, hỏi luôn: Yêu cầu sao hả Dì? Dì nhẹ nhàng: Nó yêu cầu quy cách phải định sẳn từ trước, nếu ai muốn sửa sang cho mộ phần người thân thì phải xây cho mộ phần người trên trước hoành tráng hơn, thế thôi… Tôi thấy thông tin nắm bắt như thế đã tạm đủ, nên cúi chào dì Xuân, xin phép ra về…

* * *

Đầu tuần sau, anh Huy hẹn tôi gặp mặt ở quán cà phê S-line trước mặt nhà để nói chuyện, vì phải dành không gian cho mẹ nghỉ ngơi. Tôi đồng ý ngay, vì có những chuyện không tiện bàn trước dì Xuân. Vừa gặp mặt anh Huy, tôi cứ tưởng sẽ đóng vai trò đối tác làm ăn, thì anh đã vồn vã thăm hỏi sức khỏe dượng Trần Lý và anh hai Dũng, cứ như người thân trong họ. Tôi lễ phép trả lời các câu hỏi của anh, và hỏi luôn: Sao anh mới gặp đã biết em là con ba Lý? Anh mỉm cười, nhẹ nhàng: Thăm mạ Xuân của anh, ngồi lâu tâm sự chỉ có người thân trong họ. Anh đi xa, nhưng luôn theo dõi Mạ anh qua camera giám sát gắn trong phòng mà! Cuối cùng, anh hỏi: Em định làm đối tác, bàn việc gì với anh hôm nay? Tôi đổi giọng nghiêm chỉnh: Công việc Ba em ủy quyền, anh đã chuẩn bị xong cả rồi, rất chu đáo, đúng yêu cầu của Ba em! Thế anh định tiến hành thế nào? Anh cười: Anh chỉ chịu trách nhiệm các phần mộ của họ Lê thôi! Còn họ Trần bên em, đã cho ba anh tạm trú bấy lâu nay, giờ anh chỉ mời các cụ về làm láng giềng với họ anh, các thủ tục lễ nghi chắc phải phiền ba em hoặc chú hai Dũng! Tôi nhẹ nhàng: Em sẽ cố thuyết phục anh hai về Việt Nam thực hiện ước nguyện của Ba em. Em chỉ còn một nguyện vọng: xin anh nhận khoản đóng góp của Ba và em cho những hoạt động từ thiện trong giáo dục của anh! Tôi xin số tài khoản của anh, làm thủ tục chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản sang, và đề nghị thêm: Em không dám đòi, mà chỉ xin anh, nếu có điều kiện, tạo điều kiện cho em Nghĩa, con dì Huệ có công ăn việc làm… Anh Huy gật gù: anh đã nhắn Nghĩa, đang cần người tin cẩn phụ trách kế toán, khi nào Nghĩa thu xếp được, cứ đến tìm anh…

Câu chuyện chỉ kết thúc hoàn toàn một tháng sau đó, sau cuộc bỏ phiếu thăm dò cương vị Phó Giám đốc Ngân hàng Goldman Sachs. Hóa ra, bà con của mợ Vy, vợ cậu Hữu đã quá cố, chiếm số cổ phần khá cao trong Ngân hàng, chỉ cần mợ lên tiếng ủng hộ con trai ông Chen Lee (Trần Lý) là cán cân lệch hẳn đi về phía Chen Zung (anh Dũng). Vô cùng phấn khởi, anh Dũng đã mua luôn mấy vé khứ hồi về Viêt Nam cho mẹ con mợ Vy, và xin tham gia đoàn thỉnh tro cốt cậu Hữu về yên nghỉ ở quê nhà, kết hợp làm lễ tạ khu Trần tộc mộ địa mới…