Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 42

   <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

NGUỒN GỐC NHỮNG SỰ KIỆN, mẹ kể con nghe

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Trong cuộc sống hàng ngày, có những sự kiện, mới thoạt nhìn qua trông rất đơn giản, có thể lý giải nguyên nhân được ngay. Nhưng nếu bỏ công tìm hiểu nguồn gốc sâu xa, có thể nhận ra nhiều điều thú vị, giúp cho ta thấy rõ tâm lý của đối tượng trong cuộc. Tôi muốn minh họa ý tưởng này qua trong buổi nói chuyện bên chén trà với con gái, đang học lớp 12, nghĩa là bắt đầu biết suy nghĩ, để tập cho con thói quen đánh giá mọi việc một cách cặn kẽ, khách quan. Bắt đầu từ câu chuyện cuộc chạy đua giữa Thỏ và Rùa nổi tiếng, đã được kể từ cuối thế kỷ XVII trong tập Ngụ Ngôn của La Fontaine, sau này nhiều nước đã đưa vào tập truyển cổ tích cho trẻ em: Thỏ thách Rùa chạy thi, nhưng chủ quan, mải mê vui chơi, hái hoa đuổi bướm, đến khi sực nhớ lại thì Rùa đã bò gần đến đích, vội phóng nhanh nhưng không kịp, đành chịu thua; ở đây, không phải chỉ là vấn đề nhất cự ly, nhì tốc độ, mà nguyên nhân sâu xa là do Thỏ đã khinh thường Rùa chỉ biết bò từng bước, tin rằng có thể chấp Rùa một quãng xa, rồi chạy nhanh vẫn thắng, nên cuối cùng phải thua cuộc.

Để sinh động hơn, tôi kể tiếp chuyện của Quỳnh, một đồng nghiệp của tôi: là con gái rượu trong một gia đình nề nếp, cha công tác ở Ban Tuyên huấn, mẹ giảng dạy ở trường trung cấp Chính trị của Tỉnh, ông nội hoạt động cách mạng từ năm 1930 (bà nội mất sớm), Quỳnh rất tự hào về truyền thống chính trị của đại gia đình có tổng tuổi Đảng tới ba con số của mình, tự nhủ luôn nghe lời dặn của Ba Mẹ, chỉ giao thiệp, kết bạn với những người có phẩm chất chính trị vững vàng… Đến khi Quỳnh quen biết Đồng, ban đầu thấy khá yên tâm khi biết Đồng đã nhập ngũ từ chiến dịch biên giới Tây Nam, được cử đi dạy văn hóa ở trường quân chính quân khu với quân hàm thượng sĩ, nay chuyển ngành về cơ quan, được cử làm bí thư Chi đoàn khối văn phòng, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn quá rồi, còn đòi gì nữa?

Vốn cẩn thận, Quỳnh đến Phòng Tổ chức Cán bộ của cơ quan, tìm hiểu kỹ hơn, mới biết thành phần gia đình của Đồng được xếp loại tạch-tạch-sè, nghĩa là tiểu tư sản trí thức; trong sơ yếu lý lịch tự khai, Đồng mồ côi mẹ từ nhỏ, cha cũng đã mất, sinh thời lại là giáo viên lưu dung, dạy tiếng Pháp từ thời Pháp thuộc, có một thời gian tham gia Nam bộ kháng chiến, nhưng trong thời buổi đảng phái nhiễu nhương hồi đó, có ai chẳng tham gia tổ chức này, hoạt động nọ? Rồi anh An, Phó phòng còn nhận xét, số liệu rất chính xác dù ý đồ cung cấp thông tin khá rõ rệt (An đang rắp ranh bắn sẻ Quỳnh): Đồng có tuổi Đoàn mới lên 2, chỉ bằng số lẻ của Quỳnh thôi! Quả thật, Quỳnh sinh ở Thanh Chương, Nghệ An, vào Đoàn từ năm lớp 7 hệ 10 năm, kể cả mấy năm đại học và thâm niên công tác sắp hết tập sự, tính tuổi Đoàn đã gấp mấy lần của Đồng rồi. Một điểm hơi vô lý: bốn năm đại học, và quyết định nhập ngũ vẫn không đủ yếu tố xét kết nạp cho Đồng hay sao?

Thắc mắc nào cũng phải tìm hiểu cặn kẽ. Quỳnh tìm gặp chú Hồng bạn của Ba, đang công tác ở phòng Quản lý sinh viên và Đoàn trường đại học, nơi Đồng đã học, để tìm hiểu chi tiết, thấy rõ nguyên nhân: từ năm học thứ nhất, lúc đất nước vừa thống nhất, thời vàng thau lẫn lộn, hồi đó việc xét kết nạp Đoàn còn phức tạp hơn kết nạp Đảng bây giờ rất nhiều, Đồng là Đối tượng của Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Huế; sau một năm được bồi dưỡng quan điểm chính trị, Hội kết nạp Đồng, hình thức khá đơn giản qua một quyết định trao tay, kèm theo danh sách hơn chục người của cả trường. Rồi sau mấy năm đại học, từng bước phấn đấu qua đủ các cấp Cảm tình Đoàn, Cơ sở Đoàn, vào đầu năm thứ tư, Đồng được gọi đi học lớp Bồi dưỡng Đối tượng Đoàn của toàn Trường, vỏn vẹn 17 người trên mấy trăm sinh viên đủ ngành cả mấy khóa. Oái oăm thay, có một nguồn tin truyền khẩu không biết từ đâu tung ra, Trường chỉ giữ những sinh viên tốt nghiệp đã kết nạp Đoàn để phân công tác, trở thành bức tường vô hình khó vượt qua, và là nguồn gốc của mọi toan tính, khi số đoàn viên trong Chi đoàn – Lớp trước sau chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà Bí thư chi đoàn (học lực cũng kha khá) tuy không nói ra thành lời, vẫn nuôi mơ ước được giữ lại để nhận công tác ở Trường. Nhiều lý do về lý lịch được suy diễn ra từ vài sự cố chính trị như bạo động, rải truyền đơn… làm trì hoãn chuyện kết nạp Đoàn cho những sinh viên có học lực khá giỏi, với lời phê sau khi được thẩm tra lý lịch: đối tượng cần phải được nghiên cứu/bồi dưỡng thêm vì gia đình có vướng mắc / bản thân có vấn đề, trong khi ở địa phương sở tại, trước đây thuộc loại da báo lẫn lộn, gia đình nào cũng có người ở bên này, bên kia (có một chuyện khôi hài cười ra nước mắt: một gia đình nọ có hai anh em ruột, là sĩ quan trong quân đội Saigon, và sĩ quan bộ đội miền Bắc; trong buỗi giỗ cha, cậu em than thở: em không được Tổ chức giao phó công việc gì, vì vướng anh ruột là sĩ quan quân đội cũ; ông anh cười: ngược lại, sau khi đi học cải tạo về, tao được giám đốc nhận làm trợ lý, tin giao nhiều việc quan trọng, nhờ có em ruột là sĩ quan bộ đội). Đến khi nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam, Trường phát động phong trào sinh viên nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Trong khi một số đoàn viên thực thụ lấy lý do hoàn cảnh gia đình, để vắng mặt trong ngày khám sức khỏe chuẩn bị cho đợt tuyển quân, thì đơn tình nguyện nhập ngũ dài ba trang giấy của sinh viên Hoàng Thế Đồng được mang ra đọc trước toàn thể sinh viên; cùng với kết quả sức khỏe loại A1, đương nhiên anh Đồng có tên trong danh sách nhập ngũ; trong tình hình sôi động lúc đó, việc kết nạp vào Đoàn được tạm quên, nên anh nhập ngũ chỉ với tư cách thanh niên trơn. Theo đồng đội kể lại, dù là tân binh tích cực trong huấn luyện, anh vẫn lạc lõng đứng ngoài khi đơn vị sinh hoạt đoàn, trong đó có nhiều đoàn viên quê ở khu IV cũ, mới học hết cấp 2. Sau này, Đồng có tâm sự với Quỳnh, sau mấy tháng huấn luyện ở Can Lộc, Hà Tĩnh, với tấm bằng khen có được sau chiến dịch hộ đê La Giang ở Đức Nhân, Tiểu đoàn chọn anh đi học lớp Đối tượng Đảng ở Trung đoàn, được gọi thì cứ đi, phát triển Đảng không qua giai đoạn phát triển Đoàn cũng được, anh đang học thì đơn vị nhận được lệnh trên, chuẩn bị ra biên giới phía Bắc để tăng cường vào quân đoàn mới thành lập; khi làm hồ sơ Đối tượng, anh không có ngày vào Đoàn (đã kết nạp đâu), chính trị viên Tiểu đoàn thúc Đại đội tiến hành kết nạp sớm, đến khi tổ chức được thì anh đã lên đường theo đoàn tiền trạm ra biên giới: anh được báo ngày vào Đoàn của mình mà không thể giơ tay tuyên thệ vì chỉ được kết nạp vắng mặt. Trở lại chuyện phân công tác sau tốt nghiệp, sau khi xét cắt tốt nghiệp một số sinh viên trốn khám sức khỏe trước đợt tuyển quân, Trường quyết định giữ lại công tác ở Khoa ba sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, đều là thanh niên trơn, riêng đồng chí Bí thư chi đoàn nhận được quyết định phân công tác về Trường Trung cấp ở tỉnh bạn!

Hết thời gian nghĩa vụ, từ trường quân chính được chuyển ngành về cơ quan, với thành tích mấy năm quân ngũ, giấy chứng nhận đối tượng Đảng trong chiến tranh, anh Đồng được các đoàn viên bầu vào Ban chấp hành Chi đoàn với số phiếu gần như tuyệt đối, rồi được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư. Sau khi đã thống nhất ý kiến với anh, Quỳnh mạnh dạn giới thiệu Đồng là bạn trai với Ba Mẹ và Ông Nội (không phải lo chiều ngược lại, vì anh đã mồ côi cả cha lẫn mẹ), hy vọng tìm được vài phiếu thuận. Quả nhiên, Ông nội và Ba (đã trải qua quân ngũ) có thiện cảm ngay với quá khứ bộ đội cũng như lý lịch tương đối sáng sủa của anh, ông nội mời anh ở lại ăn trưa với gia đình, Ba thì mê mẩn đối đầu với anh bên bàn cờ tướng, chỉ có Mẹ hơi ngần ngừ sau mươi phút nói chuyện, căn dặn riêng Quỳnh nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn quan hệ tình cảm lâu dài. Mẹ thấy cậu Đồng tính khí rất cương quyết, khi đã có chính kiến là quyết làm cho bằng được, thời buổi này mà không biết mềm nắn, rắn buông là dễ đụng chạm, sớm muộn rồi cũng ảnh hưởng đến người thân. Quỳnh cho rằng Mẹ lo hơi xa, anh Đồng chỉ làm việc hành chính, có va chạm với ai mà lo ngại, nhưng dù sao cũng nên phòng xa, rồi qua thời gian Quỳnh sẽ tìm cách uốn nắn anh dần. Dù sao, nghe nói anh Đồng về cơ quan là do bạn của bác Phúc phó giám đốc giới thiệu, được cái ô to như thế che trên đầu thì ngại gì mưa nắng nữa?

Lời mẹ của Quỳnh tiên đoán hóa ra có thật. Đụng chạm đầu tiên của anh Đồng trong cơ quan là với chú Đinh trưởng phòng, đồng thời

cũng là Bí thư Chi bộ trong Đảng. Chuyện vô cùng đơn giản: chú Đinh muốn làm một giấy công tác cho cháu là người ngoài cơ quan, mà anh Đồng đang quản lý con dấu; thật ra, với tư cách Trưởng phòng Hành chính, chữ ký của chú Đinh vẫn đủ thẩm quyền để đóng dấu; trước đây khi bác Toại chưa về hưu, con dấu để trong hộc tủ không khóa, chú Đinh thường ký vào giấy công tác rồi tự lấy con dấu cộp vào, đã thành thông lệ. Từ ngày anh Đồng thay chân bác Toại, anh xin cơ quan lắp một khóa chìm vào ngăn kéo để con dấu, bên trên là cuốn sổ ghi rõ loại giấy tờ đóng dấu, ngày giờ, họ tên của người ký trên con dấu. Chú Đinh là Trưởng phòng, ký tên đóng dấu là chuyện bình thường, nhưng theo nguyên tắc, tên người nhận giấy công tác phải thuộc biên chế cơ quan, anh cũng không đồng ý để chú Đinh ký giấy khống chỉ. Sau một lần tranh cãi giữa hai bên dẫn đến to tiếng, bác Phúc phó giám đốc phải can thiệp, bác gọi chú Đinh vào Phòng Phó Giám đốc khá lâu, chắc để thống nhất ý kiến, sau đó toàn cơ quan được phổ biến quy định về sử dụng con dấu, phù hợp ý kiến hợp pháp của anh Đồng, qua sự cố đó, trông chú Đinh có vẻ cay cú lắm. Từ đó, quan hệ giữa bí thư Chi bộ và bí thư Chi đoàn bỗng dưng căng như sợi dây đàn, chú Đinh luôn tỏ thái độ hậm hực khi có mặt anh Đồng, riêng anh Đồng vẫn thản nhiên làm việc như bình thường, cố gắng duy trì đi làm đúng giờ. Quỳnh làm việc ở bàn kế toán gần anh Đồng, nhớ có lần, anh đến cơ quan chậm vài phút so với quy định, chị Hoa Phó phòng (vốn thân quen với chú Đinh) đã phê bình kịch liệt, giống như anh vừa vi phạm một khuyết điểm trầm trọng. Các nhà tham mưu con cũng nhỏ to bình luận, đừng tưởng cậu Đồng trên răng dưới cát-tút mà coi thường, chọc vào đó như chọc vào ổ kiến lửa… Có người còn thêu dệt biết đâu bác Phúc (phó giám đốc, phó bí thư đảng ủy) đang nhắm cậu Đồng làm con rể, chính Quỳnh cũng giật mình, nhớ ra chị Thiên Kim con bác Phúc là bạn học cũ của anh Đồng, thuộc loại sắc nước, hương trời, nổi tiếng ăn diện trong giới phụ nữ, mấy lần Quỳnh nghe các bạn gái thách chị Thiên Kim cưa đổ cây lim cổ thụ Đồng. Nhưng Quỳnh cũng yên tâm khi biết tính anh Đồng, rất kỵ phụ nữ chạy theo thời trang, Quỳnh nhớ có lần anh đã chơi chữ són phân để nói về các cô gái đua đòi son phấn…

Mọi người đang sôi nổi tranh luận về thế mạnh ô dù của anh Đồng thì một sự kiện bất ngờ xảy ra. Đúng ngày thứ hai đầu tuần, một chú công an mang quân hàm đại úy đi xe chuyên dụng 4 chỗ, đến gặp giám đốc Hòa, nghiêm chỉnh chào theo quy định, rồi đưa giấy mời bác Phúc, phó giám đốc cùng anh Đồng, nhân viên hành chính quản lý con dấu cơ quan, đến Công an Thành phố để làm sáng tỏ một số vấn đề, cụm từ thường dùng của ngành tư pháp khi bắt đầu một chuyên án. Bác Phúc hầm hầm cắp cặp ra xe trước, ngồi cạnh lái xe, miệng lầu bầu đồ phản phé, anh Đồng và đại úy công an ngồi ghế sau. Mọi người xúm lại hỏi giám đốc Hòa, ông cho biết Công an Thành phố muốn xác minh một vài giấy tờ khá mập mờ trong dự án hợp tác với tổ chức phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ mà bác Phúc là chủ dự án, theo đề nghị của nước bạn. Chúng tôi chỉ biết đến thế, giám đốc Hòa cũng không biết gì hơn vì mọi việc thuộc Dự án đều ủy quyền cho phó giám đốc Phúc, phụ trách Đối ngoại.

Mọi việc được sáng tỏ sau đó một ngày, khi anh Đồng được tại ngoại, thay vào đó là chú Đinh, Trưởng phòng Hành chính. Khi gặp gia đình Quỳnh, anh cho biết (giống như đã tường trình với giám đốc Hòa) Công an Thành phố muốn làm sáng tỏ nguồn gốc của những hợp đồng kinh tế lưu hành song song, với số liệu hoàn toàn khác nhau. Hóa ra, khi hợp tác với các tổ chức nước ngoài, cơ quan thường thảo ra hai bản hợp đồng kinh tế tương đương với hai bộ số liệu hoàn toàn khác nhau, một loại số liệu để xin hỗ trợ vốn, càng cao càng tốt, một loại số liệu thì ngược lại, thấp nhất nếu có thể, để thực chi và đối phó với Cục thuế, riêng phần chênh lệch để làm gì, chỉ có Trời biết! Tổ chức nước ngoài phát hiện ra, đề nghị Công an Thành phố hỗ trợ làm sáng tỏ. Sau khi biết thời điểm bắt đầu giữ con dấu của anh Đồng, chỉ sau một giờ làm việc với bác Toại đã nghỉ hưu, Công an cho cả hai tại ngoại, thay vào đó là chú Đinh, đã từ lâu là cánh tay mặt của bác Phúc. Hôm sau, chị Thiên Kim hùng hồn tuyên bố với nhiều người, cái gì không mua được bằng tiền vẫn có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Chị tỏ ra rất thân mật với anh Đồng, rồi mới tối hôm qua, chị tìm đến nhà trọ của anh, sau khi liếc mắt đưa tình khá lộ liễu (tôi thấy rõ anh thoáng đỏ mặt khi nhắc đến chi tiết này), đã đưa một số văn bản được ghi ngày tháng cách đây đã mấy tháng, kèm theo một chiếc phong bì dày cộm, đề nghị anh sáng mai đến cơ quan đóng dấu vào. Anh Đồng đã thẳng thắn từ chối, bảo thẳng lương tâm không cho phép, và đề nghị chị Kim nhắn lại với những người sau lưng chị, hãy mạnh dạn khai báo sự thật để hưởng lượng khoan hồng. Chị Kim vùng vằng bỏ ra về, sau khi lớn tiếng mắng anh đồ ngu, đã nghèo mà còn sĩ, anh đã thắp hương ngoài trời (ở nhà trọ làm gì có bàn thờ) khấn với ba mẹ, con tự hào đã là con của Ba Mẹ, rồi hôm sau, anh đến thăm gia đình Quỳnh, thuật lại mọi chuyện, có cả ông nội chăm chú lắng tai nghe. Mẹ Quỳnh không nói gì, chỉ bảo: Thôi từ nay, mỗi ngày cháu ghé ăn cơm với gia đình cả hai buổi sáng chiều cho vui cửa vui nhà, chẳng có gì mà ngại, chỉ thêm bát đũa thôi. Quỳnh cũng đã hiểu, Mẹ muốn giữ chân Đồng khỏi vướng vào những bất trắc có thể gặp trong cuộc sống độc thân.

Câu chuyện cuối cùng đã ngã ngũ, bác Phúc đã nhận quyết định về hưu sớm dù chưa đến tuổi, chú Đinh đã chuyển công tác sang cơ quan khác, đảm nhiệm công tác phong trào do lãnh đạo chiếu cố bề dày công tác nên không truy tố ra trước pháp luật, dù đối tác nước ngoài đẫ đề nghị. Đồng và Quỳnh đã về với nhau sau một đám cưới đơn giản nhưng thật đầm ấm, con cũng đã lớn. Cuộc sống gia đình tuy không dư giả nhưng khá bền vững vì hai bên đã cùng nhau vượt qua thử thách.

Tôi thở một hơi dài, tạm chấm dứt câu chuyện, quay lại nhìn con. Con bé mỉm cười: Chuyện thú vị lắm, Mẹ ạ! Con chỉ thắc mắc một điều… Tôi nhỏ giọng: Gì hả con? Con bé trầm ngâm: Con nhớ lại, bạn của Mẹ có ai tên Quỳnh đâu! Mà sao những nhân vật trong gia đình Quỳnh lại giống nhà mình thế? Vậy cô Quỳnh có phải là… Tôi ngắt lời, xoa đầu con: … là Mẹ, con ạ! Con gái của Mẹ cũng thông minh đấy chứ!


Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 41

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

MẶT TRÁI CỦA HÀNH ĐỘNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, đến khi trưởng thành, anh Giao và tôi chỉ được chăm sóc trong vòng tay của Mẹ và nhà ngoại. Cả nhà nội đã không công nhận Mẹ, khi Ba cương quyết phản đối Ông Nội, một ông đồ thời Nho học thất thế, dự định thông gia với một bạn học quý tộc, để đến với Mẹ, em của cậu Huy, bạn học thuở nhỏ của Ba, vốn xuất thân từ một gia đình ngụ cư trong làng (ông ngoại làm nghề chài lưới, bà ngoại ngoài công việc nội trợ hàng ngày, chỉ biết bắt ốc, mò cua, đánh dậm để hỗ trợ mưu sinh cho gia đình 4 người - Ông, Bà, cậu Huy và Mẹ). Gần một năm sau đám cưới đơn giản của Ba Mẹ (đại diện có Nhà Trai chỉ có vài bạn của Ba, sẽ cùng Ba nhập ngũ trong đợt tuyển quân một tháng sau, dự mâm cơm đạm bạc cúng gia tiên), anh Giao và tôi cùng cất tiếng khóc chào đời ở Bệnh viện Huyện (y tá Trạm xá Xã chẩn đoán song sinh, cho chuyển lên Huyện, ông ngoại và cậu Huy phải cáng võng Mẹ đi), tôi ra đời sau một phút nên chịu phận làm em (về sau, các bạn học ngành y khoa bảo đúng ra, tôi phải làm chị, vì hình thành trước trong bụng mẹ; nhưng đã quen nếp rồi, tôi cứ gọi anh Giao). Dù nghèo, ông bà ngoại cũng theo thủ tục địa phương, tổ chức đám cưới giả cho hai anh em tôi khi vừa lên hai, với sự tham gia của gia đình cậu mợ Huy Thảo và vài người láng giềng. Hôm đó, anh em chúng tôi vui sướng được súng sính trong chiếc áo dài trẻ con, mọi người bảo giống vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, dù điều kiện gia đình chúng tôi so với gia đình hoàng tộc như vực thẳm với bầu trời. Niềm vui vụt qua thoáng chốc, chỉ hơn một tháng sau, gia đình nhận được giấy báo tử từ đơn vị ở biên giới gởi về. Mẹ ngất lên ngất xuống mấy lần khi thấy giấy báo tử ghi rõ tên Ba, rồi ông bà ngoại cũng khóc vì thương xót con rể, được quý như con đẻ, riêng cậu Huy gạt nước mắt trầm ngâm rồi, sau khi bàn với mợ Thảo, tuyên bố sẽ nhận nuôi anh em tôi đến khi trưởng thành, theo nguyện vọng mà Ba tôi đã ghi trong lá thư gởi về cuối cùng, trước đó ba tháng (xem như lời trăn trối), dặn Mẹ cố nuôi dạy con học hành được như cậu Huy (đã tốt nghiệp cấp ba, xem như học cao nhất trong họ, vì Mẹ và mợ Thảo mới hết cấp 1), có lẽ vì Ba cảm nhận được sự khốn khổ của người ít học. Chính cậu Huy cũng rất quan tâm đến việc học, từ khi bắt đầu làm thầy giáo, Cậu đã đề xuất thành lập Hội Khuyến học của Huyện, được tín nhiệm cử làm Hội trưởng; kinh phí hoạt động của Hội được trích từ đóng góp khiêm tốn hàng tháng của các hội viên (đều trong giáo giới), mỗi năm có được vài học bổng nho nhỏ cho các em học sinh nghèo, học giỏi và phát thưởng khích lệ các học sinh khá giỏi.

Biết là Ba không còn, nhưng chúng tôi còn quá nhỏ để thấu hiểu nỗi mất mát mất Ba, mà hình tượng chỉ nhận biết qua mấy lá thư gởi về, được cậu Huy đọc cho cả nhà nghe, và một tấm ảnh trắng đen chụp chung cả tiểu đội tám người ở thị trấn Đồng Đăng (phụ cấp lính thời đó chỉ có năm sáu đồng, anh em được nghỉ ngày chủ nhật, cùng ra thị trấn chụp ảnh chung, sang ra cho từng người để tiết kiệm), cả nhà nhận ra Ba nhờ đôi lông mày rậm trên cặp mắt xếch ngược, còn trong ảnh, mặt mũi ai cũng đen đúa, khắc khổ vì nắng gió, bộ quân phục Xuân Hè trên mỗi người đều rách nát như nhau… Về sau, ảnh Ba trên bàn thờ (Mẹ đã lên Hiệu ảnh trên chợ Huyện, tốn mất mười đồng – bằng giá mấy cân gạo – để lồng khuôn mặt Ba vào trong bộ quân phục nguyên vẹn hơn thực tế, với quân hàm binh nhất – đúng như giấy báo tử cho B1 Hoàng Vũ) mới được tái hiện rõ ràng hơn, bắt đầu thâm nhập dần vào tiềm thức anh em chúng tôi.

Cũng trong thời gian đó (làng xã khá nhỏ nên tin tức lan rất nhanh, như tin Ba hy sinh), ban đầu nhà Nội bắn tin sang nhà Ngoại, về sau cho cả bác Minh, anh cả trong nhà, thay mặt ông bà Nội sang thuyết phục, xin đón cháu Giao về nuôi dưỡng, dù sao cũng là máu mủ họ Hoàng bên Nội, cả cháu Quỳnh (là tôi) nữa, nếu gia đình nhà Ngoại đồng ý, vì bên Nội có điều kiện hơn (bác Minh đã chuyển sang nghề kinh doanh địa ốc, đang sở hữu mấy lô đất mặt tiền, đang được xem như đại gia). Mẹ không nói gì, còn ông ngoại cũng như cậu Huy đều cương quyết từ chối, cuối cùng, cậu Huy chỉ nói một câu làm bác Minh tắc tị: Cảm ơn anh, chúng tôi tự thấy lo cho các cháu được; anh cho gởi lời thăm Chị và các cháu bên nhà, chắc sắp đến tuổi xuất giá, tòng phu rồi! Cậu muốn nhắc khéo đến gia cảnh bác Minh, đã hơn 60 rồi mà tương lai chỉ sẽ làm ông ngoại thuần túy, nhà Nội không ai dám đề cập đến lý do đem anh Giao về để nhà Nội có đứa chống gậy sau này, việc xin cho tôi đi kèm anh về nhà Nội chỉ là đãi bôi. Thật ra, dù tên Hoàng Vũ của Ba đã bị gạch bỏ trong cuốn sổ gia phả họ Hoàng, anh tôi vẫn giữ họ tên đầy đủ Hoàng Tấn Giao, cũng như tôi là Hoàng thị Như Quỳnh. Qua sự kiện này, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa câu nói L’enfer est plein de bonnes volontés ou désirs (Địa ngục đầy những ước nguyện và khát khao tốt đẹp) của thánh Bernard, tôi được học sau này trong cuốn Ngôn ngữ và Văn Minh Pháp của G.Mauger, có thể phân tích thành: việc làm sai trái hay hành động xấu thường được che đậy bởi những ý định tốt. Từ đó trong thâm tâm tôi, đã hình thành một phản xạ có điều kiện, tôi luôn cân nhắc, suy xét cẩn thận nguyên nhân, nguồn gốc trước một hành động được xem là nghĩa cử.

Mẹ con chúng tôi vẫn ở trong nhà căn nhà ba gian, hai chái của ông bà ngoại và cậu mợ Huy Thảo ở không xa thành phố (ông bà ngoại đã già yếu, cậu là giáo viên trường cấp 3 của Huyện, mợ tuy chỉ là giáo viên mầm non, nhưng có nghề phụ là cắt may quần áo khá đắt khách, nên có thể tích lũy để xây dựng, sửa sang, mở rộng nhà cửa), các anh chị con cậu mợ đều gần gũi, thương yêu anh em chúng tôi. Riêng phụ cấp hàng tháng và tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ, sau khi nghiên cứu hoàn cảnh gia đình của Ba trước khi nhập ngũ, qua khá nhiều cuộc họp, Sở Lao động – Thương binh xã hội của Tỉnh quyết định cho Mẹ và anh em chúng tôi hưởng. Lương công nhân dệt của Mẹ (đã lên đến bậc 5/7) đủ để nộp tiền ăn hàng tháng cho Cậu Mợ (dĩ nhiên, Cậu Mợ vẫn phần nào bao cấp, dù không bao giờ nói ra, rõ ràng đây là tấm lòng thơm thảo của Cậu Mợ đối với hai cháu côi cút), anh em chúng tôi có thể theo đuổi việc học đến hết cấp 3. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Giao tham gia nghĩa vụ quân sự, rồi được đơn vị cử đi học ở Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin ở Đồng Đế, Nha Trang; sau khóa học bốn năm, anh tốt nghiệp loại Giỏi, được phong quân hàm Trung úy, và được bổ nhiệm về Văn phòng Bộ Tư Lệnh ở Cát Linh, Hà Nội. Riêng tôi vẫn đam mê văn học sử Pháp, sau khi đậu bằng DELF cấp độ A2 (nhờ công sức của tôi theo đuổi cấc lớp học ban đêm, cộng với sự động viên, hỗ trợ của Mẹ và gia đình nhà ngoại), tôi mạnh dạn làm đơn thi vào Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, ngành Ngôn ngữ Pháp và may mắn trúng tuyển. Với điểm đậu khá cao so với điểm chuẩn, tôi nghĩ sức mình có thể đậu vào ngay cả ngành Sư phạm Pháp, nhưng tự thấy khó xin được nhiệm sở phù hợp sau khi tốt nghiệp nên chọn Ngôn Ngữ cho chắc ăn. Một đồng đội, trước kia đã cùng học cấp 3 với anh Giao tôi, quê ở xã bên, đã chuyển ngành về công tác ở Sở Giáo dục, hứa sẽ xin nhiệm sở tốt cho tôi nếu tôi học ngành Sư phạm Pháp, nhưng sau sự kiện nhà Nội xin đem anh Giao về nuôi, tôi như con chim đã bị ná, thấy cây cong là sợ, không dám đặt niềm tin vào bất kỳ ai cả.

Cuối cùng, tôi cũng tìm ra một công việc phù hợp ở Công ty Quốc Cường, chuyên sản xuất, thu thập các mặt hàng mộc, mỹ nghệ trong Tỉnh để xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu như Pháp, Bỉ, Thụy sĩ… Giám đốc Công ty là bác Cường, đồng đội cũ của Ba tôi, thuộc nhóm 8 anh em đã chụp ảnh chung ở Đồng Đăng, trước đây có đến thăm nhà ngoại, thắp hương cho Ba... Nghe Mẹ kể chuyện tôi đã tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Pháp, Bác ngỏ ý với Mẹ muốn nhận tôi về, vì Công ty đang cần một trợ lý đối ngoại biết tiếng Pháp, chứ tiếng Anh thì có nhiều rồi. Sau khi hỏi tôi mấy câu, Bác viết luôn một lá thư để ngỏ, bảo tôi đưa cho Trưởng phòng Tổ chức – Nhân sự của Công ty để làm thủ tục, vì ngày mai Bác phải sang Bỉ để ký kết hợp đồng, mà tuần sau mới bắt đầu thi tuyển. Tôi cầm trong tay lá thư gởi gắm đó, nhưng cất kỹ như mèo giấu phân, vì tôi không thích tìm việc làm bằng đường quan hệ, mà muốn đi bằng chính đôi chân của mình. Hôm sau, tôi đến Công ty, nộp hồ sơ xin tuyển dụng, đóng lệ phí như các ứng viên khác (dự kiến sẽ khá căng thẳng, Công ty chỉ tuyển một biên chế mà đã có trên mười đơn dự tuyển), vẫn giấu bản photocopy giấy chứng nhận liệt sỹ của Ba và lá thư gởi gắm của Bác Cường giám đốc. Đến buổi thi tuyển đầu tiên, tôi vượt qua vòng loại về chuyên môn khá vất vả, vì ngoài khả năng tiếng Pháp, Hội đồng Tuyển dụng còn kiểm tra cả tiếng Anh nữa; tôi được hẹn đến vòng hai vào buổi chiều cùng với hai ứng viên khác, để kiểm tra phần ứng xử đời thường; còn vòng ba, phần lý lịch gia đình, sẽ do Hội đồng tự xét hồ sơ, quyết định và công bố kết quả vào sáng mai. Đến vòng thứ hai, vào đầu giờ chiều, các ứng viên đang chờ vào thi, thì thấy bác Tân, Chủ tịch Hội đồng Tuyển dụng bước vào phòng, vừa đi vừa nghe điện thoại di động khá lâu. Mười phút sau, ông tùy phái gọi: Mời ứng viên Nguyễn thị Như Quỳnh vào! Tôi đứng dậy đi vào, hơi thấy lạ vì vần Q tên tôi lại bị gọi trước hai đối thủ, mang tên vần M và H. Sự việc tiếp theo thật bất ngờ, cả Hội đồng lại không chất vấn tôi câu nào cả, bác Tân chỉ phê bình tôi giấu lá thư Giám đốc nhờ đưa, rồi mỉm cười: Chính điều đó giúp chúng tôi quyết định cho em đi tiếp vòng sau; trong sáng mai, em phải bổ sung hai thứ: một là lá thư tay Giám đốc gởi cho tôi, hai là bản photocopy không cần công chứng giấy chứng nhận liệt sĩ của Ba em… Các đối thủ thấy tôi ra về chỉ sau mấy phút phỏng vấn, hí hửng chắc mẩm tôi đã bị loại, họ không ngờ đến sáng mai, tôi đã mang hai thứ giấy tờ theo yêu cầu đến để đổi lấy tờ Thông báo Trúng tuyển vào Công ty… Về sau tôi mới biết, trong buổi Lễ Ngày Thương binh – Liệt sĩ, bác Cường giám đốc kể: trong cuộc chiến chống cường tập ở biên giới, anh Hoàng Vũ, A. trưởng (tức Ba tôi) đã cõng tôi đang bị thương ở chân nên trúng đạn của địch, hy sinh: cuộc sống của tôi bây giờ xem như là do anh ấy nhường lại! Một lần nữa, tôi lại thấy rõ hành động thi ân bất cầu báo của Ba khi còn sống, chắc chắn Ba đã giúp bác Đại chỉ từ tình nghĩa đồng đội, chứ chẳng vì nguyên nhân gì khác.

Một nhân tố để tôi thay đổi cách nhìn tương đối khắt khe về các hành động chính là anh Hùng, con của bác Cường giám đốc, cũng công tác trong Phòng Đối ngoại, nhưng thuộc Tổ tiếng Anh. Anh thi vào Công ty trước tôi một năm, khi đó đã lẳng lặng nộp hồ sơ và dự thi tuyển, không hề lấy tiếng là con giám đốc, mà chỉ khai trong lý lich: tên cha là Trần văn Cường, nghề nghiệp tiểu thủ công, kể ra cũng đúng trên thực tế (có mấy ai biết tên cúng cơm của Giám đốc Công ty Quốc Cường đâu? tôi cũng khai trong lý lịch: cha là Hoàng Vũ, đã chết). Đến buổi trình diện của các nhân viên mới trước Lãnh đạo, mọi người mới vỡ lẽ khi biết anh là con trưởng của Giám đốc đang trong cảnh gà trống nuôi con. Công việc hàng ngày luôn được anh hoàn thành với hiệu suất cao, dù thế anh vẫn đi làm với trang phục giản dị theo quy định, đi về rất đúng giờ trên chiếc xe Cub 50 cũ. Mọi người trong Công ty đều nể trọng anh, không chỉ vì hiệu quả công việc, mà còn vì cổ phần gia đình bác Cường trong Công ty khá lớn, mấy năm nữa bác Cường đến tuổi nghỉ hưu, chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị chạy đâu khỏi tay anh? Tuy nhiên, đối với riêng tôi, anh chỉ đơn thuần là một đồng nghiệp vui tính, dễ gần gũi, sẳn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Tuy anh có vẻ ít nhiều có cảm tình với tôi, tôi cũng cảm thấy gần gũi với tính cách của anh khi thấy rõ hai bên có cách ứng xử tương tự khi xét tuyển, nhưng tôi tự đặt ra một ranh giới mơ hồ nhưng vững chắc giữa hai người, tránh tối đa dư luận thấy người sang, bắt quàng làm họ mà những kẻ ngồi lê, đôi mách thường gán.

Thật ngẫu nhiên, số mệnh đã đưa đẩy chúng tôi xích lại gần nhau hơn…

Tôi nhận được tin nhắn trên Zalo của anh Giao, hẹn tuần sau sẽ về quê nghỉ phép năm 10 ngày để thăm gia đình, tổ chức sinh nhật cho Mẹ và giới thiệu Phượng, cô bạn gái thân thiết cùng quê, đang công tác ở Cục Cơ Yếu với gia đình. Riêng với tôi, anh nhờ sắp xếp thời gian có một buổi rảnh rỗi, cùng đi với anh đến thăm gia đình Phượng, đang cùng nghỉ phép năm với anh, vì anh khá vụng về trong giao tiếp, ăn nói kém, đặc biệt trước con gái…, và vài chuyện khác nữa. Tôi cũng tò mò muốn biết mặt cô gái đã chiếm trái tim anh Giao, từ lâu đã được bạn bè tặng biệt danh Tôi Ghét Phụ Nữ, đối lập với nhà văn Đái Đức Tuấn – TYPN, nên nhận lời ngay, kèm theo một chút háo hức. Thế là, sau khi đã trao quà cho ông bà nội, cậu mợ và các anh chị, anh Giao cùng tôi tỉ mẩn dùng nước sôi nguội rửa sạch ba cân mơ (anh khoe: đúng mơ ở chùa Hương, mà cả Mẹ lẫn tôi đều thích), rồi ngâm với ba cân đường trắng trong lọ thủy tinh cho Mẹ dùng dần, rồi nháy mắt với tôi, cùng xuất phát; đã biết địa chỉ (chắc có hẹn trước rồi), anh đèo tôi trên xe máy đến nhà Phượng để trình diện. Trên đường đi, anh kể lại cho tôi dịp làm quen ở Hà Nội (chắc Phượng chủ động, chứ anh Giao tậm tịt biết làm gì?), mô tả gia cảnh nhà Phượng: mẹ mất sớm, nhà chỉ còn ba và anh trai (có lẽ vì cùng cảnh mồ côi từ nhỏ nên anh Giao và Phượng dễ thông cảm với nhau chăng?). Tôi mải mê trò chuyện, không chú ý đến đường sá, đến khi phát hiện đường đi sao quá quen thuộc thì đã đến nơi. Đúng là nhà của bác Cường giám đốc Công ty, hay nói đúng hơn là nhà anh Hùng cùng Phòng mà tôi đang cố tránh tiếp xúc. Tôi ngỡ ngàng nhận ra Phượng chính là em ruột anh Hùng, nghĩa là trong tương lai, nếu anh Giao và Phượng đến với nhau, thì tôi và anh Hùng sẽ thành người nhà, rất khó tránh mặt. Tôi chặc lưỡi, thôi kệ, đến đâu hay đó, mình không cố tình là được. Cũng may, anh Hùng có việc bận, đi vắng, tôi tránh được tình trạng khó ăn nói, dễ dàng ngồi tâm sự với anh Giao và Phượng.

Phượng rất tâm lý, cô có vẻ thông hiểu những lục đục giữa hai gia đình nội, ngoại của chúng tôi nên tìm cách hàn gắn lại, mà điểm kết nối là chúng tôi, đặc biệt anh Giao. Cô thuyết phục chúng tôi nên gạt bỏ tự ái, thù hận sang một bên, dù sao cũng là máu mủ, ruột thịt với nhau, một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhất là ông nội đã gần trăm tuổi, chỉ mong gặp được cháu nội trai để yên tâm có thằng chống gậy khi ông nằm xuống. Tôi đoán bác Minh đã tìm cách kết nối với anh Giao, kể hết tâm tư nguyện vọng của ông nội, chắc anh băn khoăn không biết giải quyết ra sao nên đã tâm sự với Phượng, hôm nay nhân có tôi, Phượng trình bày chính kiến của mình, đồng thời thuyết phục hai chúng tôi luôn. Thật ra, tôi cũng nghĩ như Phượng, oán thù nên cởi ra chứ không nên buộc lại, nhưng dù sao chuyện này không thể tự chúng tôi quyết, còn ý kiến của ông bà ngoại, cậu mợ nữa. Tôi chỉ trả lời nước đôi với Phượng, anh em chúng tôi sẽ suy nghĩ kỹ về ý kiến của Phượng, đồng thời thăm dò ý kiến mọi người trong nhà ngoại rồi sẽ chính thức quyết định.

Về đến nhà, sau bữa cơm tối, tôi rót trà mời ông bà, cậu mợ uống rồi khẽ khàng trình bày ý định xóa tan mối hiềm khích giữa hai gia đình nội, ngoại. Bà và Mẹ, cũng như Mợ nghe xong, chỉ khẽ gật đầu không nói gì, đưa mắt nhìn Ông và Cậu, hai người thường chốt các quyết định trong nhà. Ông cười nhẹ: Ngày trước, tao bực mình vì bên Nội có vẻ coi thường nhà mình nên trị cho biết. Đã mấy chục năm, xem chừng đã thấm rồi, thôi cũng mở lòng cho họ. Cậu tiếp lời Ông: Hai cháu đã trưởng thành, có thể cân nhắc điều hay, lẽ phải để xử sự cho đúng. Cái chính là đừng để bị coi thường, sĩ khả sát bất khả nhục mà! Thế là xem như đã thống nhất ý kiến, tôi liền gọi bác Minh, xin hẹn sáng mai anh Giao đến thăm ông nội nhân ngày phép năm. Một phút sau, bác điện lại cho tôi: Ông bảo rất vui được đón tiếp cháu nội, không phải chỉ ngày mai mà bất cứ khi nào, ngay bây giờ cũng được. Tôi ngỡ ngàng: Dạ thôi, đã khuya rồi, chúng cháu xin hẹn tám giờ sáng mai. Anh Giao điện ngay cho Phượng, báo thành quả, và hẹn bảy giờ sáng mai cùng đi ăn sáng, mời cả anh Hùng luôn, (tôi há miệng mắc quai rồi), cùng đến nhà nội.

Thêm một bất ngờ đón chúng tôi ở nhà Nội.

Vừa nghe anh Giao giới thiệu xong, ông nội đã sững sờ nhìn chăm chăm Phượng, nhấn mạnh từng chữ: Thế cháu có biết bà Công Huyền Tôn Nữ Thu Bình, con ông Bửu Hiệu không? Phượng sẽ sàng: Thưa ông, Thu Bình là mẹ ruột cháu, còn Bửu Hiệu là ông ngoại cháu ạ.

Ông nội gật đầu: Đúng rồi! Có ai bảo, cháu giống mẹ lắm không? Nhìn cháu, ông đoán ngay là con mẹ Bình. Ông vẫy tất cả chúng tôi lại ngồi bên cạnh, trầm giọng: Hồi đó, ông định ước hẹn với ông Bửu Hiệu bạn ông, hai bên kết thông gia với nhau, thằng Vũ (ông lại nhìn anh em chúng tôi) lấy con Bình. Nhưng thằng Vũ cương quyết không chịu, tự lấy mẹ các cháu, sinh được hai đứa, (rồi ông quay qua anh em Hùng, Phượng) thôi thì duyên số cả, mẹ các cháu không làm con dâu ông, thì có cháu dâu thay vào. Ông thấy toại nguyện rồi.

Tôi biết anh Giao không quan tâm đến kinh tế, nên thật ngỡ ngàng khi nghe nói ông nội đã cho anh hai mươi lạng vàng làm quà cưới. Anh đâu có thiếu tiền để nhận từ nhà nội, nơi đã gây bức xúc nhiều năm cho nhà ngoại? Không nín được, tôi tìm gặp anh hỏi cho ra nhẽ. Anh lẳng lặng đưa cho tôi xem cuốn sổ tiết kiệm với con số hơn một tỷ đồng, tương đương hai mươi lạng vàng theo giá thị trường, ghi tên cậu Huy, kèm theo giấy thỏa thuận: chỉ dùng tiền lãi suất hàng năm để làm học bổng, phần thưởng cho học sinh nghèo trong huyện. Anh thầm thì: Anh không hề quên tấm lòng của Cậu Mợ đã bảo bọc anh em mình suốt bao năm trời, nên tận dụng quà cưới của ông nội để hỗ trợ Cậu về hoạt động Khuyến học mà Cậu đã tâm huyết lâu nay, đồng thời cũng thỏa mãn tâm nguyện cuối đời của ông nội. Tôi thầm nghĩ trong đầu, mà không dám nói ra thành lời: Không chỉ riêng anh đâu lo cho ông đâu, biết đâu trong tương lai còn có em nữa.


Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 40

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

KHÁCH BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Sau buổi chạp họ, cha tôi, với vai trò Chi Trưởng Phái 1 họ Phạm, triệu tập con cháu trai trong Chi lại, tuyên bố: Cuối tháng sau, cháu Huy, con trai trưởng của chú Minh sẽ về quê mình, thay mặt Chú bàn đến việc xây lại ngôi mộ Tổ, tức cụ Cố của cháu… Tôi đã nhận e.mail của Chú báo tin hôm trước! Mọi người im lặng một thoáng, ký ức hướng đến chú Minh, mà những biến động trước đây trong cuộc sống đã tác động không ít đến mỗi người trong dòng họ Phạm chúng tôi.

Chú Minh là em út của cha tôi, trong một gia đình khá đông con – giữa thế kỷ 20, ông bà nội tôi vẫn giữ quan niệm số con cái trong nhà phản ánh hạnh phúc gia đình, giữa Cha và Chú là năm người cô mà bà nội tôi, khii còn sống, thường gọi đùa là Ngũ Long công chúa! Theo mọi người kể lại, từ khi còn nhỏ, chú đã nổi tiếng nghịch ngợm, bướng bỉnh, dù học rất giỏi. Năm 1974, trước ngày thống nhất hai miền Nam Bắc, dù chỉ học trên lớp ở trường huyện, không tốn tiền học thêm khi nào, chú vẫn thi đậu trung học phổ thông (duy nhất năm đó thi tất cả 10 môn học bằng hình thức trắc nghiệm, chấm bằng máy IBM) hạng Tối Ưu, nghĩa là sau hai buổi thi, với cây bút chì Gilbert 2B, chú đã chọn trả lời 360 câu hỏi, được ít nhất 90% trúng đáp án. Trước đó, nếu đậu hạng Ưu đã là vinh quang lắm, gia đình có thể mổ trâu, mổ bò khao cả làng. Cha là anh Cả, tuổi Giáp Thân, hơn Chú đúng 1 con giáp, khi thi Tú tài I chỉ đậu hạng Thứ, rồi bỏ học, chấp nhận làm anh giáo quèn trường làng, không vươn lên theo đường học thuật được. Khi chú Minh nhận tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, Ông Bà nội như mở mày, mở mặt với đám nhiêu, lý trong xã, nên tuy nghèo cũng định ngã con lợn sáu chục cân hơi ra khao làng xã; chú Minh cản lại, chỉ xin cha mẹ hai điều: một là may cho Chú một bộ quần áo mới (áo sơ mi, quần kaki đơn giản thôi), hai là cho phép Chú chọn ngành học của mình. Bỏ qua các lời khuyên trong nhà nhất Y, nhì Dược, Chú nhất quyết làm hồ sơ thi vào Trường Võ bị Sĩ quan Đà lạt… Thôi thì Trời không chịu Đất, Đất phải chịu Trời, Ông Bà chấp thuận cho Chú theo đường binh nghiệp, dù lúc đó tình hình chiến sự hai Bên dao động rất nhiều, sĩ quan, binh lính quân đội Saigon cứ nhấp nhổm như đang ngồi trên ổ kiến lửa, Chú vẫn bình thản thi và trúng tuyển vào Trường Võ Bị trong nhóm mười người đỗ đầu… Trong thư gởi về nhà, đều đặn mỗi tháng một lá, Chú cho biết đang học và vượt qua khá dễ dàng các khoa mục đầu tiên của khóa học, được Đại tá Hoạt, Hiệu phó của Trường (quê ở xã Vinh Thái bên cạnh, cùng huyện Phú Vang) quan tâm, ưu ái, vì Chú là một trong những học viên xuất sắc; cả nhà (các Cô đã lần lượt xuất giá tòng phu) tạm thời yên tâm về Chú.

Cuộc biến động tháng 4 năm 1975 ào đến như một cơn lốc, cả gia đình (Ông Bà nội, Cha, Mẹ, anh hai Nam và tôi còn bé xíu) cuống cuồng sơ tán vào Nam tránh bom đạn, không liên lạc được gì với Chú (tôi nhớ Bà chép miệng: Trời sinh voi sinh cỏ mà), đến sau vẫn bặt tin mấy tháng liền, Ông Bà nội đã định lấy ngày dương lịch 30/04 làm ngày giỗ Chú thì đến năm 1976, thư của Chú lại xuất hiện, đóng dấu Texas, Hoa kỳ. Cha bóc ra đọc (trước đó, Ông Bà nội đã lần lượt mất trong cảnh đói, khổ), bì thư tuy sang, đẹp, nhưng có những dấu vết lem nhem, có lẽ đã qua nhiều lần kiểm duyệt. Thư Chú cho biết: hồi 1975, ở Saigon, Chú đã phải lên tàu thủy theo bác Hoạt, Hiệu phó đồng hương huyện (giờ đã trở thành cha vợ của Chú, đám cưới đã tổ chức ở Hoa kỳ, không có nhà trai) sang bang Texas, hiện nay chú đang hành nghề làm nail, sinh sống cũng tạm ổn, không phải hưởng trợ cấp thất nghiệp như ba Hoạt. Cha vứt lá thư xuống đất, bĩu môi, gằn giọng: Tưởng được làm vương, làm tướng gì, hóa ra đi làm đẹp cho đàn bà! Xem như họ Phạm nhà mình mất hẳn thằng đó! Tôi hiểu, Cha giận mà nói thế, chứ chính Cha đã dạy tôi: Nghề nào cũng là nghề, không có nghề nào tồi, chỉ có con người tồi… khi tôi định thi vào khoa Nấu Ăn, Trường Trung cấp Du lịch.

Mối liên hệ ruột thịt với chú Minh đã ảnh hưởng đến gia đình tôi không ít. Từ khi học cấp 2 trường Vinh Hà, hai anh em Nam, Quỳnh chúng tôi đều là học sinh tiên tiến, có năm được xếp loại giỏi, nhưng mãi không kết nạp vào Đoàn được, vì chỉ cần đọc lý lịch cá nhân, thấy khai gia đình có chú ruột, đã từng thi vào VBSQĐL, hiện ở bang Texas, Hoa kỳ, thì ai cũng bảo để nghiên cứu lại. Mãi đến khi anh Nam nhập ngũ, lập nhiều thành tích, và tôi, đến cuối năm thứ hai lớp Tung cấp Nấu Ăn khóa 1, sau nhiều đợt thẩm tra lý lịch mới được giơ tay tuyên thệ trước lá cờ Đoàn. Riêng các anh chị, con của các Cô, theo quan niệm của địa phương họ bên nội mới quan trọng, không bị ảnh hưởng lý lịch mấy…

Mãi đến những năm Đổi Mới, những quan điểm tả khuynh ngày trước được thay đổi đến chóng mặt. Nghe lời thầy dùi của một số quân sư chính trị đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, chú Minh cùng một số bạn bè (trước đây đã mang tiếng vượt biên là phản quốc) tom góp tiền lại được ba ngàn đô la Mỹ, nhờ một người đại diện mang về huyện để xây dựng quê hương, cụ thể là xin kết hợp với chính quyền dựng một số cầu tạm qua mương rạch, thay thế cầu khỉ bắt đầu mục nát cho tiện đi lại, đã được chuyển ngạch xếp hạng thành Việt kiều yêu nước. Cách đánh giá từ chính quyền đến dân thường cũng thoáng rộng hơn, Cha cũng không hùng hổ đòi xóa tên chú Minh trong gia phả nữa, mà mỗi khi thấy tôi ngồi máy tính, soạn e.mail, biết là viết cho chú Minh, (anh Nam và tôi chỉ liên lạc thường xuyên qua Zalo), Cha lại nhắc tôi thăm hỏi sức khỏe thím Nhung và hai em Huy, Hùng.

Cha đã đưa thư chú Minh cho tôi đọc (anh Nam đóng quân ở xa, tôi trở thành thư ký thường trực của Cha): Chú bị đột quỵ vì tai biến mấy tháng trước, qua một tháng điều trị, chỉ bị liệt nửa người bên trái, phải nằm một chỗ, chỉ viết thư trên laptop, in ra giấy rồi ký, thím Nhung phải thường trực để phục vụ Chú, nên ủy quyền cho Huy, đã tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, về quê thay mặt Chú Thím bàn chuyện xây lại ngôi mộ Ông Cố, cũ đã gần trăm năm, để con cháu học hành tấn tới, công tác thành đạt; Huy sẽ lo phần thiết kế, riêng Chú Thím xin đóng góp mười ngàn đô la Mỹ, đưa Huy đem tờ séc về để cùng dòng họ xây dựng mộ. Thư viết trên e.mail của tôi nhờ chuyển cho Cha vào đầu tháng 5 dương lịch, đúng 47 năm ngày Chú rời đất Việt Nam. Phần bị chú (PC – post script) đọc rất cảm động: ý nguyện sau cùng của Chú Thím là sẽ được yên nghỉ trên quê hương, nên nếu có mảnh đất dư thừa nào, cho Chú Thím xin, việc làm bao kim cho Chú Thím hay chỉ để chôn tro cốt, Huy sẽ chịu trách nhiệm. Cha thần mặt suy nghĩ rồi tuyên bố: Chuyện đó tính sau, đất quê mình còn nhiều. Trước mắt, con Quỳnh lên kế hoạch nghỉ phép, đón thằng Huy vào cuối tháng 6 này.

Qua e.mail với chú Minh, tôi bắt liên lạc được với Huy, rồi kết nối Viber với em vì biết hầu hết người nước ngoài ngại dùng Zalo. Qua Viber, thấy khá thuận lợi, tôi hướng dẫn: Huy nên mua vé Siungapore Airlines, bay từ NewYork lúc 22g đêm và đến Đà Nẵng 11g trưa, kịp đi xe ra Vinh Hà trong ngày. Hoặc chọn đi từ LosAngeles về Saigon, rồi bay tiếp ra Huế thì vé chỉ hơn nửa giá, nhưng dễ mất thời gian chờ ở trong nước. Chị sẽ thuê 1 xe 16 chỗ, hạn chế người đón vì có thể Huy mang nhiều hàng hóa; Huy trả lời ngay: Thôi bay thẳng cho tiện, khỏi mất thời gian. Chị thuê taxi 4 chỗ cũng được, em mang thân em về quê trình diện là chính, nhiều hàng hóa mà làm gì? Nghe nói qua biết là dân đại gia, thà mất tiền chứ không để mất thời gian, nửa giá vé cũng phải vài trăm đô la Mỹ chứ có ít ỏi gì đâu? Nhưng sao nghe có vẻ ki bo, giảm ngay từ xe 16 chỗ xuống xe 4 chỗ? Thống nhất xong phương án, tôi gọi điện cho Hoa, cô bạn cùng quê đang công tác ở sân bay Đà Nẵng, nhờ hỏi các thủ tục. Con bé ngần ngừ rồi cười: Cuối tháng 6, tao cũng nghỉ phép ra quê, để tao đi cùng chuyến với mày, khỏi phải lo xe, mà có Huy có vướng mắc gì ở sân bay, tao gỡ cho. Thế là ổn, công việc không ngờ lại thuận buồm, xuôi gió như thế.

Công việc ban đầu đúng là suôn sẻ như dự định, có ai ngờ những sự cố bất ngờ…

Chiếc xe Fortuner 9 chỗ (tôi không dám thuê xe 4 chỗ, để dự phòng biến cố đột xuất) xuất phát ở Vinh Hà lúc 6g như dự định, đến sân bay Đà Nẵng lúc 8g. Rút kinh nghiệm từ những chuyến đón khách trước, tôi dừng ăn sáng ở Ngã ba Huế, tránh bị chém đẹp ở căn tin sân bay, ở sân bay giá cả dịch vụ bao giờ cũng gấp năm sáu lần bên ngoài. Đến phòng chờ ga quốc tế, tôi điện gọi Hoa rồi gọi hai ly cà phê, nhẩn nha chờ máy bay. Máy bay hạ cánh muộn mất 90 phút, tôi len ra khu vực đón khách, giơ cao tấm biển ghi rõ tên David Pham Hoang Huy. Đã đành tôi và Huy đã thấy mặt nhau qua Viber, nhưng có mấy ai giữ mặt mộc khi trao đổi trước webcam, với lại ra nắng gió cũng khác nhiều khi trong nhà chứ? Nhìn từ xa, một anh Việt Nam tóc đen, mắt sáng, dáng cao to, mặc áo pull, quần jean bạc phếch như dân Việt Nam, chắc là Huy, không khác ảnh trên Viber mấy, đã nhận ra tôi từ xa, vẫy tay chào, rồi làm thủ tục trình hộ chiếu, dấu kiểm dịch CoVid rồi tiến lại, vẫn mang khẩu trang khử khuẩn. Trả lời câu tôi hỏi: Hành lý của Huy đâu? Huy cười: Đây cả, tôi tròn mắt nhìn túi du lịch PANAM có dây đeo khoác qua vai và chiếc ba lô gọn nhẹ, đúng như Huy nói, xe 4 chỗ là đủ, dù có thêm Hoa đi cùng. Chúng tôi quay ra căn tin gọi Hoa, con bé xổ một tràng tiếng Anh, chắc để chào, Huy cười, tôi là dân mắm ruốc, Hoa ầm ừ, để mình thanh toán tiền uống đã, rồi liếc nhìn Huy, hắn thản nhiên nhìn quanh, tôi chợt nhớ quy luật American pay, nên im lặng trả tiền, dù sao mình cũng là đàn chị mà! Hoa cũng có vẻ không vui, chắc cô nàng định trổ tài gỡ rối nhưng mọi chuyện suôn đuột, chẳng có rắc rối nào để gỡ.

Ra đến xe, cậu lái xe hỏi tôi: Chị đón chị này à? Anh kia định đi nhờ xe hay sao? Sáng nay, tôi chỉ bảo đón khách quốc tế chứ không nói cụ thể là ai, Hoa lại ăn mặc rất mode nên cậu lái xe tưởng từ nước ngoài về. Tôi giải thích, cậu à à rồi mời mọi người ra xe. Tôi và Hoa ngồi băng ghế sau lái xe, Huy ngồi bên cạnh, thò tay quàng dây belt ngang ngực, cậu lái xe cười: Anh quàng làm gì? Có công an đâu? Huy nói nhỏ: Tôi quen rôi! và cứ giữ như thế.

Xe đang chạy trên Quốc lộ I, chuẩn bị rẽ vào đường dẫn đến hầm Hải Vân thì xe đột nhiên chao đảo mấy cái. Lái xe phanh kít lại, nhảy xuống đá nhẹ mấy cái vào bánh trước, kêu to: Thủng xăm rồi! rồi loay hoay kích xe, tháo bánh. Huy cũng nhảy xuống, giúp một tay. Lái xe cười: Anh làm cũng thạo nhỉ! Huy nhếch mép: Hồi đi học, làm ngoài giờ, tôi cũng phụ sửa xe mà! Loay hoay một hồi, lái xe kêu: Thôi chết, bánh xe dự phòng bơm hơi còn non, mới 1kg8, chắc phải tìm chỗ bơm lại! Tôi băn khoăn: Phải đi xa không mới có chỗ bơm? Lái xe ầm ừ: Chưa biết, có thể vài tiếng nữa! Thôi anh chị thông cảm, chịu khó đón xe khác, chắc còn nhiều. Em xin trả lại ba phần tư tiền thuê! Tôi biết đúng là tai nạn rủi ro, chứ lái xe là người quen, không thể chơi đểu mình được! Không biết chờ đến khi nào mới có xe trống, đủ cho 3 người? Huy hỏi: Ở đây ra Huế, có xe bus không? Tôi thốt kêu: Đúng rồi, cứ 15 phút có 1 chuyến xe bus, xuống xe chỉ thêm 4km là về đến nhà, nhưng… Hoa càu nhàu: ngồi xe buýt nóng chết! Tôi cười: Mày thông cảm, ngộ biến phải tùng quyền, chẳng lẽ ngồi đây chờ đến đêm? Phải công nhận, Huy thích nghi với hoàn cảnh rất khá. Trạm chờ xe bus còn cách 200m, Huy thản nhiên khoác ba lô, đeo túi xách đi thong dong, không như Hoa mỗi bước một kêu rên. Tôi ái ngại, bảo để tôi đeo ba lô hay mang túi giúp, Huy cười: Em là con trai mà! nên tuy mệt, tôi cũng cảm thấy niềm động viên lớn lao nên thong thả bước.

Xe bus đến, cũng may còn rộng chỗ, trên xe lại có máy điều hòa nên cũng dễ chịu. Hai tiếng đồng hồ sau, ra đến đường tránh Huế, chung tôi xuống xe, đã thấy một lô taxi, xe ôm đã đứng chờ đón khách. Huy lịch sự: Đã về gần đến nhà, em xin phép khao chị Quỳnh, chị Hoa chuyến taxi này nhé! Tôi ngớ người, hóa ra Huy cũng rất galant, biết chi tiền đúng chỗ, đúng kiểu American pay… Hoa chui tọt ngay vào taxi, hối lái xe bật điều hòa lên như sắp chết ngộp đến nơi. Chúng tôi về đến nhà lúc 19g, vừa kịp tắm rửa, ăn cơm tối, còn Hoa tranh thủ về nhà cha mẹ, cũng gần đó. Bữa cơm tối có những món ăn đồng quê như cá rô đồng chiên giòn, canh cua đồng nấu rau mồng tơi, rau muống xóc tỏi mà Huy có vẻ rất thích, ăn tới ba bát đầy. Ăn xong, Huy ngồi nói chuyện với Cha đến khuya, không biết bàn chuyện gì (thư chú Minh đã nói hết rồi mà), cứ nghe Cha băn khoăn nhưng lấy tiền đâu? sau đó hai bác cháu ngủ chung trên bộ phản ở chái Thổ Công.

Hôm sau là buổi họp dòng họ về việc xây mộ cụ Cố. Mọi người bàn luận sôi nổi, mỗi người đưa ra một ý, riêng Huy chỉ im lặng ngồi nghe. Cuối cùng, khi Cha thay mặt cả họ, thống nhất về kiểu xây, Huy chắp tay lĩnh ý (đúng kiểu các cụ đồ nho), và xin một ngày để vẽ kiểu cụ thể trên laptop mang theo. Buổi chiều hôm sau, Huy đã đưa cho tôi chiếc USB có file pdf, mang đến Trung tâm Dịch vụ Tin học của xã để in ra mấy bản. Cha là chủ công trình, chú Hộ, em họ Cha phụ trách nhóm Xây dựng và Huy, được cử làm Thư ký công trình, đồng ký tên vào, mỗi người giữ một bản. Chú Hộ tuyên bố: Mỗi suất đinh của Họ đều đăng ký góp 5 ngày công, chỉ cần 1 tháng là hoàn thành mộ Tổ. Riêng tiền vật liệu, xi măng, sắt thép, gạch… khoảng 200 triệu, Bác Trưởng định phân bổ đóng góp thế nào? Cha mỉm cười: Chú Minh, em út tôi đã nhờ cháu Huy chuyển cho tôi tấm séc mười ngàn đô la Mỹ, tính ra đủ để mua vật liệu, vận chuyển và dư ra một ít, ta sẽ làm Lễ Khánh thành và Tạ Lăng là vừa đủ. Mọi người hỉ hả đồng ý.

Đến ngày dự định cúng cụ Cố để xin xây lại mộ, cả dòng họ kéo ra mộ làm lễ. Cha, chú Hộ, Huy lần lượt thắp hương, khấn vái và lạy mộ. Phải công nhận Huy có dáng lạy rất chuẩn, hai gót chân luôn chụm lại, không bước tới hay bước lui mà chỉ khuỵu gối xuống lạy, như các hòa thượng lâu năm. Chắc ở Hoa kỳ, Huy đã tập khá nhuần nhuyễn tư thế này nên không thấy mất thăng bằng khi nào. Tuy nhiên, tôi có nhận xét là khi lạy, Huy cứ nhìn quanh như đang tìm kiếm ai, hay tìm kiếm cái gì. Lát sau, tôi thấy Huy trao đổi với Cha rồi với chú Hộ, rồi Cha bẻ vài cành cây, cắm lên mộ cụ Cố rồi nói: Hôm nay Trời đang nắng, Họ mình tạm nghỉ, ba ngày nữa sẽ họp ở nhà tôi lúc 7 giờ sáng để chú Hộ phân công việc.

Đúng ba hôm sau, Cha và chú Hộ rủ nhau đi đâu từ sáng sớm, đến 7 giờ đã về đến nhà. Cha tuyên bố với con cháu đã đến đông đủ: Hôm nay, tôi thông báo với mọi người: mộ Tổ chúng ta là mộ kết, rất hiếm quý, nên quyết định không phải xây lại nữa. Cha giải thích thêm: Hôm cúng mộ, cháu Huy bảo với tôi, theo sách phong thủy đã học, cháu nghi ngờ mộ đã kết vì thấy cây cối trên mộ, chung quanh mộ đều xanh tươi. Tôi đã trao đổi với chú Hộ, quyết định thử bằng cách bẻ mấy cành cây khô, cắm lên mộ, hôm nay ra kiểm tra thấy tốt tươi hết, chứng tỏ sinh khí ở đất quanh mộ rất nhiều. Con cháu chúng ta học hành, làm ăn thành đạt cũng một phần thể hiện thành quả của mộ kết. Quay lại Huy, Cha cười: Bác cảm ơn ba cháu đã có lòng thành quan tâm đến sự phát triển của dòng họ, và khen ngọi cháu đã biết kết hợp kiến thức phong thủy và sinh học hiện đại để giúp bác phát hiện mộ kết. Riêng khoản tiền ba cháu gởi về, bác xin hoàn trả lại để ba cháu dùng vào những việc hữu ích khác… Huy khoanh tay, thưa: Xin bác chờ cho cháu một lát. Huy lấy chiếc laptop, chạy vào phòng thờ, ở đó sóng wifi rất mạnh, ở đây đã mấy ngày nên Huy rất rõ. Lát sau Huy ra, cúi đầu thưa: Cháu mới liên hệ Viber với Ba cháu, may quá, ba cháu chưa đi ngủ. Ba Mẹ cháu thống nhất ý kiến dùng khoản tiền dự định xây mộ đó để gởi Ngân hàng, tiền lãi hàng năm sẽ dùng làm phần thưởng cho con cháu dòng họ mình về thành tích học tập, công việc mà Bác đã trao đổi với cháu tối mới về đó. Cha mỉm cười: Thay mặt dòng họ và Hội Khuyến học của Họ, một lần nữa bác cảm ơn Ba Mẹ cháu, và chính thức tuyên bố trước cả Họ: Ba Mẹ cháu có quyền chọn bất ký chỗ nào trong mảnh đất hương hỏa của họ Phạm mình để xây kim tĩnh theo mẫu do cháu thiết kế, riêng công sức xây dựng sẽ do các suất đinh trong họ đóng góp, đó là ý của trưởng họ. Mọi người hò reo tán thưởng.


Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 39

  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

NƯỚC NGOẶT CỦA THẾ CỜ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Khi chưa gặp mặt, nhiều người tưởng tôi (đã mang tên Quỳnh thì trai hay gái đều được) là con trai: tuy là con gái, nhưng do sinh trưởng trong một gia đình nổi tiếng cao cờ, nên ít nhiều thừa hưởng gien di truyền của dòng họ. Ông nội tôi là ông đồ nho vào thời mà nhà thơ Tú Xương đã ví von – quẳng bút lông đi, viết bút chì, nổi tiếng một thời ở khắp huyện Phú Vang, không phải vì đã dạy chữ nho cho con cháu quan tri huyện, mà nhờ tiếng tăm chơi cờ của ông: trên bàn thờ nhà tôi vẫn lưu giữ bộ quân cờ bằng ngà voi, nghe nói làm bên Trung Quốc, từ đời nhà Tống; ngày trước, quan đại thần họ Trương dưới triều nhà Nguyễn (từng đánh cờ thắng sứ thần nhà Thanh, được biếu bộ cờ này) nghe danh tiếng của ông nội tôi (được dân gian hồi đó gọi là Trạng Cờ) đã viết thư mời, rồi cho sĩ tốt mang xe ngựa kéo đến nhà ông tôi ở cuối xã Phú Vang, đưa đến tư thất quan, ở suốt ba ngày đêm liền để tỷ thí cao thấp. Kết quả thế nào, không có ai biết để kể lại; nhưng sau lần tỷ thí đó, theo nguyện vọng của ông nội tôi, tri huyện Phú Vang đã từ lệnh trên, đốc thúc dân phu suốt mấy tháng liền, có tùy tướng của Trương đại thần giám sát, để làm một con đường đất từ huyện lỵ về đến xã nhà tôi (sau này dân trong xã gọi là đường ông Hội – Hội là tên cúng cơm của Ông, khi đó đã mất). Riêng Ông chỉ mang về nhà bộ quân cờ bằng ngà voi, được giữ trong nhà như của gia bảo, lưu truyền sang Ba tôi (tuy chỉ là giáo viên dạy Toán ở cấp 2 của xã, nhưng được giới chơi cờ tặng danh hiệu Độc Cô Cầu Bại), rồi Huy, anh trai tôi (đang tại ngũ, từng đoạt giải nhất Cờ tướng của Sư đoàn). Riêng tôi, đã làm quen và đam mê chuyển động của 32 quân cờ đen – đỏ trước cả mấy con chữ, lại được Ba rèn dũa hàng ngày, nên sức cờ cũng kha khá. Tuy chưa phải là địch thủ của Ba (với các biến thể độc đáo của thế Bình Phong Mã, còn lâu tôi mới học hết được), nhưng tôi đã có thể so tài ngang ngửa với các tay cờ có tiếng trong huyện. Mỗi khi có khách lạ đến thăm, thực ra là để so tài cờ, Ba chỉ bảo: Hôm nay, tôi hơi mệt, để con gái tôi tiếp bác một ván, tôi khỏe sẽ gặp sau. Hơn nửa số trường hợp, đánh xong ván cờ với tôi, khách thường kiếu xin về vì bận việc, hẹn Ba tái ngộ dịp khác…

Nói thế không có nghĩa là gia đình tôi chỉ chú tâm cờ tướng, không màng đến việc khác: Ba là Tổ trưởng tổ Toán của Trường Vinh Hà (nay đã sát nhập với cấp 3, đổi tên thành Hà Trung), mấy năm liền được phong Giáo viên dạy Giỏi, đã nhiều lần dẫn học sinh đi dự thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, nay chuẩn bị nghỉ hưu; anh Huy đến tuổi nhập ngũ, được đơn vị cử đi học hệ Kỹ sư khai thác ở Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, sau 4 năm được phong Trung úy, nhận công tác ở Sư đoàn 371, đóng quân tại Sóc Sơn, Hà Nội; còn tôi, sau mấy năm đại học sư phạm ngành Toán (con gái như tôi học Toán, ai cũng cười khô khăn như Toán khó lấy chồng, nhưng tôi muốn nối tiếp cái nghiệp của Ba, hơn nữa ngành Toán phù hợp tính logic của Cờ, môn thể thao - đam mê của tôi), đã chuyển tiếp Cao học, vừa bảo vệ luận văn xong với kết quả chín điểm rưỡi trên mười, thành quả này được xem như là quà cho Mẹ nhân ngày sinh nhật sắp tới. Mẹ tôi, nguyên là giáo viên trường mầm non, cùng tuổi với Ba, đã về hưu mấy năm rồi theo quy định, là cái bóng mờ trong gia đình, nhưng đồng thời là cũng là chân đế vững chắc cho những thành công của Ba, anh Huy và tôi, đúng như câu đằng sau thành công của cả gia đình, có bóng dáng của người vợ, người mẹ

Ván cờ cuộc đời tôi đã bắt đầu khi tôi gặp anh Đức, thật ngẫu nhiên, đúng ngày sinh nhật của Mẹ, cũng bên bàn cờ tướng…

Hôm đó, tôi đang thay Cha tiếp một ông khách mê cờ, khá lớn tuổi, nhưng sức cờ thấp hơn tôi khoảng một quân Xa. Nể mái tóc bạc của ông, tôi không kết thúc ván cờ trong vòng hai mươi nước, mà cứ nhẩn nha theo thế giằng co, nhưng điểm quân hai bên thì thắng bại đã rõ rệt. Đúng lúc đó, gương mặt sáng như trăng rằm, điểm xuyết nụ cười cởi mở của anh Đức xuất hiện ngoài cổng, trên tay anh là bó hoa và bịch nylon đựng hai hộp bánh đậu xanh Nguyên Hương ở Hải Dương (sau tôi mới biết là quà sinh nhật anh Huy nhờ chuyển, đúng loại Mẹ thích): anh Đức cho biết, anh là bạn học hồi phổ thông với anh Huy, hiện đang dạy Toán ở một trường đại học không chuyên thuộc Đại học Huế, vừa rồi nhân chuyến công tác ra Hà Nội, đã tìm gặp anh Huy, được anh Huy nhờ chuyển món quà sinh nhật cho Mẹ vì kẹt Hội thao toàn sư đoàn không về được. Trao quà cho Mẹ, đưa cho Ba Mẹ chiếc smartphone xem ảnh hai bạn cũ Huy, Đức khoác vai nhau (Mẹ cứ trầm trồ vì lâu nay chỉ quen dùng điện thoại loại cục gạch), anh sà ngay vào bàn cờ (đúng là dân mê cờ, giống tôi) và nhận xét: Cờ bên Đỏ cầm chắc thua rồi, bên Đen chỉ mươi nước nữa là thắng! Vị khách tóc bạc ngậm ngùi đứng dậy: Thôi, bác nhận thua cháu. Xin lỗi, giờ bác có hẹn, xin khất ba cháu hôm khác gặp lại! Anh Đức cười cười: Tôi đánh thử một ván với Quỳnh được không? Tôi sẳn có thiện cảm với anh, nghe nói thế, liền gật đầu…

Anh Đức ngồi thế chỗ khách vừa về, được đi tiên, đẩy ngay Tốt biên. Tôi đã gặp đối thủ dùng thế cờ này vài lần, mục đích sẽ đổi Pháo, đưa Mã qua sông rồi thí Xa ăn Mã treo vách để chiếu bí bằng thế Tiền Mã Hậu Pháo, nên lẳng lặng chống Sĩ theo hướng ngược lại. Hơi bất ngờ, anh Đức nhíu mày rồi trở lại thế xuất quân Pháo đầu như bình thường, tôi cũng bình thản dùng thế Phản Cung Mã để chống đỡ, xem như hai nước đầu vừa rồi chỉ là nước chờ, thăm dò sức nhau. Tôi nhận xét: cờ anh Đức mạnh nhưng chưa thật sắc sảo, tôi dễ dàng chống đỡ, nhưng cũng không tranh tiên tấn công được. Đặc biệt, anh suy tính nước cờ khá nhanh, nếu đánh theo đồng hồ dễ chiếm ưu thế. Trong mươi nước xuất quân ban đầu, anh vừa đánh vừa hỏi tôi về việc học, việc công tác, tôi cũng tình thực trả lời, nhưng trước câu hỏi: Bộ môn Toán mà anh là Tổ trưởng sắp tuyển người, Quỳnh có muốn về đó không? Tôi hiểu đây có thể là hướng đi mới cho mình, nhưng là con gái, không nên vồ vập quá, nên lửng lơ: Dạ, để em nghĩ đã… Nghĩ đến câu trả lời, hay nghĩ đến nước đi, anh hiểu sao cũng được. Anh Đức cũng im lặng, chúng tôi tiếp tục ván cờ đến hơn một tiếng đồng hồ, với kết quả cuối cùng: anh Đức còn hai quân Xa, Pháo, tôi chỉ còn quân Xa, bền Sĩ, Tượng, bảo: Quỳnh chỉ cần đổi Xa lấy Pháo là hòa, phải không? Anh hơn quân mà xử sự rất quân tử, tôi mỉm cười chấp nhận, bắt tay hòa. Hình như cái bắt tay hơi lâu hơn quy định thì phải, tôi mơ hồ sung sướng cảm nhận điều đó. Ba tôi ngồi bên cạnh quan sát, nhận xét: Tuổi trẻ tài cao thật! Anh thử với tôi một ván nhé! Tôi cản: Ba ơi, anh mới xong một ván cả giờ đồng hồ, đang mệt, chống sao được Bình Phong Mã của Ba! Anh Đức trầm ngâm: Thì Quỳnh là con gái, cũng vừa đánh xong một ván mới tiếp anh thôi! Không sao đâu, anh vẫn hầu Bác được! (tự nhiên, hai má tôi ửng hồng khi nghe anh nhắc tới giới tính của mình)

Ván cờ bắt đầu khi đã gần trưa. Ba được nhường đi tiên, đấm tốt 3 theo thế Tiên Nhân Chỉ Lộ, thì anh Đức chọn xuất quân theo thế Quá Cung Pháo, nước cờ này chủ trương đâm Pháo dọc biên cung đối thủ để bắt quân, nên Ba ghểnh Sĩ phòng trước. Ván cờ kéo đến quá trưa, hai bên đổi quân gần hết, cuối cùng Ba còn Xa, Mã, Sĩ Tượng toàn, anh Đức mất hết quân, chỉ còn Xa, Sĩ nên quyết định đấu Xa cầu hòa, mỉm cười: Cháu kém quân, nên chơi xấu, xin đổi Xa cầu hòa. Hoà được một ván với Độc Cô Cầu Bại là vẻ vang lắm! Ba cười: Cậu cũng biết tiếng Độc Cô à? Nhưng bây giờ chỉ có Độc Cô Quyết Thắng thôi! Ba quay sang tôi: Con đi tiếp mấy nước nữa cho Ba, bài đã học trong Cẩm nang Cờ tướng rồi, hạn định trong sáu nước phải ăn được Sĩ nhé! Ba quay vào, dặn Mẹ chuẩn bị cơm trưa cho cả khách. Tôi ngồi thay chỗ Ba, thực hiện đúng bài đã học. Anh Đức tính nước đi rất kỹ, mồ hôi túa ra đầy mặt, cuối cùng chấp nhận thua ván cờ đó, mà đối thủ, cô gái (tôi, Quỳnh) cầm quân thay cha, vừa mới hòa được trên thế thua ở ván trước.

Buổi cơm trưa, anh Đức là khách mời (thay mặt anh Huy) trong bữa cơm gia đình mừng sinh nhật thứ 59 của Mẹ. Suốt bữa cơm, cả nhà, nhất là Mẹ (đang xúng xính trong chiếc áo lụa tơ tằm do Ba tặng) chỉ nói chuyện về anh Huy, về những kỷ niệm gia đình chung quanh anh. Mẹ đã nghe tôi nói qua về dự định tuyển người của Bộ môn Toán trường đại học anh Đức dạy, nghe anh Đức nói thêm: Hội đồng Xét tuyển vòng ngoài dự kiến chỉ có 5 người, Trưởng Bộ môn tuy chỉ là thành viên nhưng có ý kiến gần như quyết định, vào đến vòng trong là Lãnh đạo Trường xét, nên dặn tôi cân nhắc kỹ rồi làm hồ sơ dự tuyển, như vậy cầm bằng Mẹ đã đồng ý cho tôi dự tuyển vào đó rồi. Ba không nói gì, cuối bữa cơm, sau khi anh Đức chào ra về, dặn tôi: Con lên phòng khách, Ba nói chuyện. Tôi hiểu, có những chuyện Ba không tiện nói trước mặt khách, chờ có cơ hội sẽ nói chuyện với cô con gái rượu. Tôi lặng lặng lấy hộp tăm, pha bình trà mới và xin phép Mẹ khui hộp bánh đậu xanh Nguyên Hương, quà sinh nhật của anh Huy, để Ba vừa uống trà, ăn bánh, vừa nói chuyện với tôi, có lẽ là quan trọng.

Trước hết, Ba hỏi về kết quả luận văn Cao học của tôi (tôi nhớ rõ hôm trước Ba đã khoe với các đồng nghiệp điểm số chín phẩy năm của tôi, và cười lớn khi nghe người bạn nói lái thành nắm phải … mà, nên hiểu đây chỉ là dạo đầu), rồi hỏi nhận xét của tôi về nước cờ của anh Đức (tôi không hiểu Ba sẽ dẫn dắt đến đâu, nên cứ nói đúng nhận xét chuyên môn của mình về cờ). Cuối cùng, Ba mỉm cười: Con có cảm tình với Đức, phải không? (thấy tôi đỏ mặt, ấp úng không thành lời: dạ, anh Đức cũng như anh Huy, Ba tiếp tục) Ba thấy cách con nhìn Đức, rồi lời con nhắc về thế Bình Phong Mã của Ba, là đủ hiểu rồi! Nhưng Ba nhắc con chú ý… Tôi im lặng nghe lời Ba nói, hiểu rằng đây không phải là bài học thông thường về cờ hay về toán (Ba chẳng dạy vỡ lòng về Toán cho tôi cách đây 20 năm là gì) mà là những lời tâm huyết của người đi trước với người sinh sau, đẻ muộn rất thân thiết với mình…

… Bây giờ, không như ngày trước, bằng cử nhân, tốt nghiệp đại học không hiếm, ngay cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng không quá khó. Vấn đề là tìm được việc làm phù hợp với khả năng của mình. Giống như nước đi trên bàn cờ, di chuyển quân cờ rất đơn giản nhưng quan trọng là lựa chọn nước đi đúng, giải quyết được thế cờ khó mình gặp phải. Nếu muốn, con có thể dự tuyển vào bộ môn của anh Đức, dùng hết khả năng của con, đừng quá kỳ vọng để nếu không được, mình cũng không quá thất vọng. Còn về Đức, (tôi hồi hộp nghe tiếp) Ba không muốn can thiệp sâu vào chuyện tình cảm của con, mà Ba chỉ nêu lên vài nhận xét về tính cách của Đức thể hiện qua các nước đi trên bàn cờ. Phải công nhận Đức kiên trì, sáng tạo trong các nước tấn công, không tham ăn quân Tốt vớ vẩn mà chủ động giành ưu thế toàn cục, khi thấy cánh này yếu thì chuyển sang tấn công cánh kia. Đó là điểm mạnh, con nên học tập (nghe xa xôi quá!), nhưng Đức cũng bộc lộ vài yếu điểm (tôi chú ý lắng nghe): mới được dăm nước khai cuộc, Đức đổi Pháo lấy Mã, dù chưa đến thế phải đổi, chắc để phá thế Bình Phong Mã, dẫn đến hai Mã giao túc, mà con đã cảnh báo từ đầu; điều đó chứng tỏ khi đã nhắm đến mục tiêu, Đức dễ ngại khó khăn, vất vả. Đến trung cuộc, Ba dùng thế giả bỏ Pháo cho Đức ăn không, cậu ta ngần ngừ rồi cũng ăn, không ngờ chỉ ba nước sau phải trả giá bằng cả Pháo lẫn Mã, chứng tỏ Đức thiếu sâu sát, nhìn xa trông rộng, ăn quân rồi trả giá đắt. Cuối cùng, đến tàn cuộc như con thấy rõ, do không học thấu đáo lý thuyết Cờ Tàn nên phải nhận thua ván cờ ở mấy nước cuối cùng con đi thay Ba, để Tướng bị Mã bắt sống! Tóm lại, theo Ba, con có thể xem Đức là một đồng nghiệp đi trước có thâm niên kinh nghiệm chuyên môn, nhưng nếu muốn trao thân, gởi phận lâu dài (Ba mỉm cười xoa đầu tôi), con nên xem xét thật cẩn thận.

Lâu nay, đối với tôi, Ba như vị thánh sống, tôi làm gì cũng dựa trên ý kiến của Ba. Buổi tối đi ngủ, bên tai tôi vẫn văng vẳng lời của Ba, thật chí lý vì theo ký ức đã thành thói quen, tôi có thể diễn lại hết 114 nước đi cả hai bên của ván cờ Ba (tôi chỉ thay Ba ở vài nước cuối) với anh Đức, đúng ra là 115 nước, khi tôi chiếu Tướng ăn Sĩ, anh Đức nhận thua; nhưng khuôn mặt sáng sủa, nụ cười tươi tắn của anh Đức lại hiện ra trong ký ức, tôi đâm khó nghĩ vì không biết Tình Cảm của mình có chịu thua Lý Trí hay không?

Định Mệnh đưa đẩy đã đề ra một nước giải cho thế bí của tôi, hay nói đúng hơn, giúp tôi chọn được một nước đi phù hợp.

Cũng trong Đại học Huế, một trường đại học không chuyên khác cũng tuyển giáo viên Toán, có lẽ cơ cấu cũng tương tự như trường anh Đức đang dạy, vừa tách ra khỏi cơ quan Đại học Huế, về trường có đông sinh viên nên cần giáo viên. Tôi hỏi ý kiến Ba Mẹ và nộp đơn dự tuyển cả hai nơi, dĩ nhiên không nói gì với anh Đức (anh cũng đã dặn tôi, nếu tình cờ đến Trường gặp anh, cũng gặp nhau làm ngơ, khi thi tuyển sẽ có vẻ khách quan hơn). Cũng may, nội dung chuẩn bị môn Toán cao cấp và Xác suất Thống kê ở hai trường tương tự như nhau, thời điểm dự thi cũng chỉ cách nhau vài ngày, nên tôi không phải đầu tư công sức gì nhiều. Chi phí dự tuyển cả hai nơi đương nhiên cao hơn so với chỉ một nơi: Ba tôi vừa nhận tiền vượt giảng cuối năm, sẳn sàng hỗ trợ cho tôi ứng tuyển ngay.

Tôi dự thi tuyển vào Trường anh Đức đang giảng dạy sau, bên kia thi tuyển trước. Thể lệ hai nơi tương tự như nhau: Hội đồng vòng ngoài phát năm đề thi (đều là bài giảng 1 tiết) cho ứng viên chuẩn bị trong ba ngày, đến khi thi sẽ bốc thăm một trong năm đề thi để giảng thử cho Hội đồng đánh giá có đủ tiêu chuẩn vào vòng trong, lần này do Lãnh đạo Nhà trường xét về tư cách, đạo đức, tác phong… nên mọi nỗ lực cần tập trung ở vòng ngoài. Tôi chuẩn bị nội dung giảng khá chu đáo, được Ba hỗ trợ nên quy trình đúng như giáo án mẫu ở phổ thông. Tôi thao giảng thử ở nhà cho Ba chấm, được tám điểm trên mười. Khi thi cũng tương tự, mất hết 45 phút cho một tiết giảng 50 phút, được Hội đồng chấm điểm trung bình là 92 điểm trên 100, cao nhất trong 6 ứng viên, chắc nhờ nét chữ chuyên luyện tập để viết bằng khen giúp cho ít nhiều (được 80 điểm là đỗ vòng ngoài). Cuối cùng, tôi và 2 ứng viên nam khác được xét vào vòng trong, khả năng thành công rất cao vì nghe nói Nhà trường đang chủ trương ưu tiên phát triển cán bộ giảng dạy nữ, mà Bộ môn lâu nay chỉ toàn nam giới. Cuối buổi dự tuyển, tôi lại mất gần nửa tiềng để an ủi Phụng, một nữ ứng viên khác, đang ngồi khóc ở cuối sân trường vì chỉ được 73 điểm trung bình, sau đó mới về nhà báo thành quả với Ba Mẹ.

Trong thời gian chờ đến ngày ứng tuyển ở trường kia, anh Đức tìm đến tôi, nghiêm chỉnh nhờ soạn thảo trên máy tính một bài báo viết tay, ký tên anh, dự tính chuyển ra hơn chục trang văn bản, nội dung là đổi mới phương pháp dạy Toán trong trường Đại học không chuyên, để anh gởi đăng trên Tạp chí Chuyên Toán. Cái khó là bản thảo bài báo có nhiều công thức Toán mà MS.Word không thuận lợi khi thể hiện, nói đúng ra là không đẹp. Vỗ vai tôi, anh Đức cười: Cứ xem như là bài tập ngoài cho ứng viên dự tuyển vào trường, nếu hoàn thành sẽ được ưu tiên khi xét! Tôi nghĩ ngay đến Ba, tuy dạy Toán ở phổ thông nhưng cũng nghiên cứu nhiều về Tin học, đặc biệt là chương trình soạn thảo các công thức Toán. Đến tối, tôi nhờ Ba hướng dẫn sử dụng chương trình soạn thảo AMSTEX rồi mày mò gõ, tham khảo cuốn Ngôn Ngữ Soạn Thảo AMSTEX của Giáo sư Trần Mạnh Tuấn (không biết giáo sư này có chơi saxophone không?). Tôi tỉ mẩn lướt web một vòng, tình cờ phát hiện bài báo của một tác giả (ghi rõ: đã mất năm …) có nội dung tương tự bản thảo anh Đức vừa đưa cho. Hoảng hồn, tôi gọi điện hỏi anh Đức, nói rõ tên tác giả thì anh trả lời, giọng thản nhiên: Ông đó đã chết rồi, không sống lại để kiện anh em mình đâu! Mà Quỳnh ngại gì, bài báo khoa học nào cũng rút tỉa từ nhiều bài báo khác mà! Đầu óc tôi cứ ong ong dù anh Đức đã cắt máy, nên quyết định hỏi ý kiến Ba Mẹ. Ba đã trả lời, giọng ráo hoảnh: Nếu là con của

Ba, đừng dây dưa vào những chuyện này! Tôi vâng lời, giữ im lặng khi anh Đức điện hỏi việc soạn thảo, lấy lý do không đủ khả năng

hoàn thành công việc được giao, trong khi tự biết chỉ một hai ngày, nếu toàn tâm toàn ý làm, tôi có thể kết thúc công việc.

Tôi dự thi với Hội đồng có anh Đức không khó khăn lắm, vì đề thi bốc thăm được không khác xa lắm so với đề thi lần trước. Ngẫu nhiên, tôi gặp lại ứng viên Phụng mà lần trước tôi đã dỗ cho nín khóc, đợt này Phụng rất tự tin, cho rằng mình sẽ vượt qua vòng ngoài dễ dàng, vào vòng trong là đương nhiên dễ hơn vì mẹ Phụng là Lãnh đạo cấp trên, ở Đại học Huế. Kết thúc buổi thi, tôi lủi thủi ra về sau khi nghe công bố kết quả: tôi được 79/100 điểm, bị loại từ vòng gởi xe cùng với 3 ứng viên khác, trong khi chỉ duy nhất Phụng vào vòng trong với 81 điểm. Điều an ủi đến với tôi ngay khi trở về nhà, là tờ Thông báo Trúng tuyển làm cán bộ giảng dạy bộ môn Toán, khoa Cơ bản, trường đại học …, kết quả vòng trong của đợt thi thứ nhất.

Tôi đọc tờ Thông báo Trúng tuyển với thái độ bình thản, và một tháng sau, cũng với thái độ bình thản hơn thế, trong bữa cơm, tôi đưa cho Ba Mẹ xem tấm thiệp mời dự cưới của anh Nhân Đức và Kim Phụng, được biết hai vợ chồng đều công tác trong cùng bộ môn. Ba mỉm cười: Cờ tướng học cũng như Nhân tướng học, con thấy không? Ăn cơm xong, hai cha con mình ra làm ván cờ giải khuây đi.