Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Truyện ngắn 41

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

MẶT TRÁI CỦA HÀNH ĐỘNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, đến khi trưởng thành, anh Giao và tôi chỉ được chăm sóc trong vòng tay của Mẹ và nhà ngoại. Cả nhà nội đã không công nhận Mẹ, khi Ba cương quyết phản đối Ông Nội, một ông đồ thời Nho học thất thế, dự định thông gia với một bạn học quý tộc, để đến với Mẹ, em của cậu Huy, bạn học thuở nhỏ của Ba, vốn xuất thân từ một gia đình ngụ cư trong làng (ông ngoại làm nghề chài lưới, bà ngoại ngoài công việc nội trợ hàng ngày, chỉ biết bắt ốc, mò cua, đánh dậm để hỗ trợ mưu sinh cho gia đình 4 người - Ông, Bà, cậu Huy và Mẹ). Gần một năm sau đám cưới đơn giản của Ba Mẹ (đại diện có Nhà Trai chỉ có vài bạn của Ba, sẽ cùng Ba nhập ngũ trong đợt tuyển quân một tháng sau, dự mâm cơm đạm bạc cúng gia tiên), anh Giao và tôi cùng cất tiếng khóc chào đời ở Bệnh viện Huyện (y tá Trạm xá Xã chẩn đoán song sinh, cho chuyển lên Huyện, ông ngoại và cậu Huy phải cáng võng Mẹ đi), tôi ra đời sau một phút nên chịu phận làm em (về sau, các bạn học ngành y khoa bảo đúng ra, tôi phải làm chị, vì hình thành trước trong bụng mẹ; nhưng đã quen nếp rồi, tôi cứ gọi anh Giao). Dù nghèo, ông bà ngoại cũng theo thủ tục địa phương, tổ chức đám cưới giả cho hai anh em tôi khi vừa lên hai, với sự tham gia của gia đình cậu mợ Huy Thảo và vài người láng giềng. Hôm đó, anh em chúng tôi vui sướng được súng sính trong chiếc áo dài trẻ con, mọi người bảo giống vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, dù điều kiện gia đình chúng tôi so với gia đình hoàng tộc như vực thẳm với bầu trời. Niềm vui vụt qua thoáng chốc, chỉ hơn một tháng sau, gia đình nhận được giấy báo tử từ đơn vị ở biên giới gởi về. Mẹ ngất lên ngất xuống mấy lần khi thấy giấy báo tử ghi rõ tên Ba, rồi ông bà ngoại cũng khóc vì thương xót con rể, được quý như con đẻ, riêng cậu Huy gạt nước mắt trầm ngâm rồi, sau khi bàn với mợ Thảo, tuyên bố sẽ nhận nuôi anh em tôi đến khi trưởng thành, theo nguyện vọng mà Ba tôi đã ghi trong lá thư gởi về cuối cùng, trước đó ba tháng (xem như lời trăn trối), dặn Mẹ cố nuôi dạy con học hành được như cậu Huy (đã tốt nghiệp cấp ba, xem như học cao nhất trong họ, vì Mẹ và mợ Thảo mới hết cấp 1), có lẽ vì Ba cảm nhận được sự khốn khổ của người ít học. Chính cậu Huy cũng rất quan tâm đến việc học, từ khi bắt đầu làm thầy giáo, Cậu đã đề xuất thành lập Hội Khuyến học của Huyện, được tín nhiệm cử làm Hội trưởng; kinh phí hoạt động của Hội được trích từ đóng góp khiêm tốn hàng tháng của các hội viên (đều trong giáo giới), mỗi năm có được vài học bổng nho nhỏ cho các em học sinh nghèo, học giỏi và phát thưởng khích lệ các học sinh khá giỏi.

Biết là Ba không còn, nhưng chúng tôi còn quá nhỏ để thấu hiểu nỗi mất mát mất Ba, mà hình tượng chỉ nhận biết qua mấy lá thư gởi về, được cậu Huy đọc cho cả nhà nghe, và một tấm ảnh trắng đen chụp chung cả tiểu đội tám người ở thị trấn Đồng Đăng (phụ cấp lính thời đó chỉ có năm sáu đồng, anh em được nghỉ ngày chủ nhật, cùng ra thị trấn chụp ảnh chung, sang ra cho từng người để tiết kiệm), cả nhà nhận ra Ba nhờ đôi lông mày rậm trên cặp mắt xếch ngược, còn trong ảnh, mặt mũi ai cũng đen đúa, khắc khổ vì nắng gió, bộ quân phục Xuân Hè trên mỗi người đều rách nát như nhau… Về sau, ảnh Ba trên bàn thờ (Mẹ đã lên Hiệu ảnh trên chợ Huyện, tốn mất mười đồng – bằng giá mấy cân gạo – để lồng khuôn mặt Ba vào trong bộ quân phục nguyên vẹn hơn thực tế, với quân hàm binh nhất – đúng như giấy báo tử cho B1 Hoàng Vũ) mới được tái hiện rõ ràng hơn, bắt đầu thâm nhập dần vào tiềm thức anh em chúng tôi.

Cũng trong thời gian đó (làng xã khá nhỏ nên tin tức lan rất nhanh, như tin Ba hy sinh), ban đầu nhà Nội bắn tin sang nhà Ngoại, về sau cho cả bác Minh, anh cả trong nhà, thay mặt ông bà Nội sang thuyết phục, xin đón cháu Giao về nuôi dưỡng, dù sao cũng là máu mủ họ Hoàng bên Nội, cả cháu Quỳnh (là tôi) nữa, nếu gia đình nhà Ngoại đồng ý, vì bên Nội có điều kiện hơn (bác Minh đã chuyển sang nghề kinh doanh địa ốc, đang sở hữu mấy lô đất mặt tiền, đang được xem như đại gia). Mẹ không nói gì, còn ông ngoại cũng như cậu Huy đều cương quyết từ chối, cuối cùng, cậu Huy chỉ nói một câu làm bác Minh tắc tị: Cảm ơn anh, chúng tôi tự thấy lo cho các cháu được; anh cho gởi lời thăm Chị và các cháu bên nhà, chắc sắp đến tuổi xuất giá, tòng phu rồi! Cậu muốn nhắc khéo đến gia cảnh bác Minh, đã hơn 60 rồi mà tương lai chỉ sẽ làm ông ngoại thuần túy, nhà Nội không ai dám đề cập đến lý do đem anh Giao về để nhà Nội có đứa chống gậy sau này, việc xin cho tôi đi kèm anh về nhà Nội chỉ là đãi bôi. Thật ra, dù tên Hoàng Vũ của Ba đã bị gạch bỏ trong cuốn sổ gia phả họ Hoàng, anh tôi vẫn giữ họ tên đầy đủ Hoàng Tấn Giao, cũng như tôi là Hoàng thị Như Quỳnh. Qua sự kiện này, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa câu nói L’enfer est plein de bonnes volontés ou désirs (Địa ngục đầy những ước nguyện và khát khao tốt đẹp) của thánh Bernard, tôi được học sau này trong cuốn Ngôn ngữ và Văn Minh Pháp của G.Mauger, có thể phân tích thành: việc làm sai trái hay hành động xấu thường được che đậy bởi những ý định tốt. Từ đó trong thâm tâm tôi, đã hình thành một phản xạ có điều kiện, tôi luôn cân nhắc, suy xét cẩn thận nguyên nhân, nguồn gốc trước một hành động được xem là nghĩa cử.

Mẹ con chúng tôi vẫn ở trong nhà căn nhà ba gian, hai chái của ông bà ngoại và cậu mợ Huy Thảo ở không xa thành phố (ông bà ngoại đã già yếu, cậu là giáo viên trường cấp 3 của Huyện, mợ tuy chỉ là giáo viên mầm non, nhưng có nghề phụ là cắt may quần áo khá đắt khách, nên có thể tích lũy để xây dựng, sửa sang, mở rộng nhà cửa), các anh chị con cậu mợ đều gần gũi, thương yêu anh em chúng tôi. Riêng phụ cấp hàng tháng và tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ, sau khi nghiên cứu hoàn cảnh gia đình của Ba trước khi nhập ngũ, qua khá nhiều cuộc họp, Sở Lao động – Thương binh xã hội của Tỉnh quyết định cho Mẹ và anh em chúng tôi hưởng. Lương công nhân dệt của Mẹ (đã lên đến bậc 5/7) đủ để nộp tiền ăn hàng tháng cho Cậu Mợ (dĩ nhiên, Cậu Mợ vẫn phần nào bao cấp, dù không bao giờ nói ra, rõ ràng đây là tấm lòng thơm thảo của Cậu Mợ đối với hai cháu côi cút), anh em chúng tôi có thể theo đuổi việc học đến hết cấp 3. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Giao tham gia nghĩa vụ quân sự, rồi được đơn vị cử đi học ở Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin ở Đồng Đế, Nha Trang; sau khóa học bốn năm, anh tốt nghiệp loại Giỏi, được phong quân hàm Trung úy, và được bổ nhiệm về Văn phòng Bộ Tư Lệnh ở Cát Linh, Hà Nội. Riêng tôi vẫn đam mê văn học sử Pháp, sau khi đậu bằng DELF cấp độ A2 (nhờ công sức của tôi theo đuổi cấc lớp học ban đêm, cộng với sự động viên, hỗ trợ của Mẹ và gia đình nhà ngoại), tôi mạnh dạn làm đơn thi vào Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, ngành Ngôn ngữ Pháp và may mắn trúng tuyển. Với điểm đậu khá cao so với điểm chuẩn, tôi nghĩ sức mình có thể đậu vào ngay cả ngành Sư phạm Pháp, nhưng tự thấy khó xin được nhiệm sở phù hợp sau khi tốt nghiệp nên chọn Ngôn Ngữ cho chắc ăn. Một đồng đội, trước kia đã cùng học cấp 3 với anh Giao tôi, quê ở xã bên, đã chuyển ngành về công tác ở Sở Giáo dục, hứa sẽ xin nhiệm sở tốt cho tôi nếu tôi học ngành Sư phạm Pháp, nhưng sau sự kiện nhà Nội xin đem anh Giao về nuôi, tôi như con chim đã bị ná, thấy cây cong là sợ, không dám đặt niềm tin vào bất kỳ ai cả.

Cuối cùng, tôi cũng tìm ra một công việc phù hợp ở Công ty Quốc Cường, chuyên sản xuất, thu thập các mặt hàng mộc, mỹ nghệ trong Tỉnh để xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu như Pháp, Bỉ, Thụy sĩ… Giám đốc Công ty là bác Cường, đồng đội cũ của Ba tôi, thuộc nhóm 8 anh em đã chụp ảnh chung ở Đồng Đăng, trước đây có đến thăm nhà ngoại, thắp hương cho Ba... Nghe Mẹ kể chuyện tôi đã tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Pháp, Bác ngỏ ý với Mẹ muốn nhận tôi về, vì Công ty đang cần một trợ lý đối ngoại biết tiếng Pháp, chứ tiếng Anh thì có nhiều rồi. Sau khi hỏi tôi mấy câu, Bác viết luôn một lá thư để ngỏ, bảo tôi đưa cho Trưởng phòng Tổ chức – Nhân sự của Công ty để làm thủ tục, vì ngày mai Bác phải sang Bỉ để ký kết hợp đồng, mà tuần sau mới bắt đầu thi tuyển. Tôi cầm trong tay lá thư gởi gắm đó, nhưng cất kỹ như mèo giấu phân, vì tôi không thích tìm việc làm bằng đường quan hệ, mà muốn đi bằng chính đôi chân của mình. Hôm sau, tôi đến Công ty, nộp hồ sơ xin tuyển dụng, đóng lệ phí như các ứng viên khác (dự kiến sẽ khá căng thẳng, Công ty chỉ tuyển một biên chế mà đã có trên mười đơn dự tuyển), vẫn giấu bản photocopy giấy chứng nhận liệt sỹ của Ba và lá thư gởi gắm của Bác Cường giám đốc. Đến buổi thi tuyển đầu tiên, tôi vượt qua vòng loại về chuyên môn khá vất vả, vì ngoài khả năng tiếng Pháp, Hội đồng Tuyển dụng còn kiểm tra cả tiếng Anh nữa; tôi được hẹn đến vòng hai vào buổi chiều cùng với hai ứng viên khác, để kiểm tra phần ứng xử đời thường; còn vòng ba, phần lý lịch gia đình, sẽ do Hội đồng tự xét hồ sơ, quyết định và công bố kết quả vào sáng mai. Đến vòng thứ hai, vào đầu giờ chiều, các ứng viên đang chờ vào thi, thì thấy bác Tân, Chủ tịch Hội đồng Tuyển dụng bước vào phòng, vừa đi vừa nghe điện thoại di động khá lâu. Mười phút sau, ông tùy phái gọi: Mời ứng viên Nguyễn thị Như Quỳnh vào! Tôi đứng dậy đi vào, hơi thấy lạ vì vần Q tên tôi lại bị gọi trước hai đối thủ, mang tên vần M và H. Sự việc tiếp theo thật bất ngờ, cả Hội đồng lại không chất vấn tôi câu nào cả, bác Tân chỉ phê bình tôi giấu lá thư Giám đốc nhờ đưa, rồi mỉm cười: Chính điều đó giúp chúng tôi quyết định cho em đi tiếp vòng sau; trong sáng mai, em phải bổ sung hai thứ: một là lá thư tay Giám đốc gởi cho tôi, hai là bản photocopy không cần công chứng giấy chứng nhận liệt sĩ của Ba em… Các đối thủ thấy tôi ra về chỉ sau mấy phút phỏng vấn, hí hửng chắc mẩm tôi đã bị loại, họ không ngờ đến sáng mai, tôi đã mang hai thứ giấy tờ theo yêu cầu đến để đổi lấy tờ Thông báo Trúng tuyển vào Công ty… Về sau tôi mới biết, trong buổi Lễ Ngày Thương binh – Liệt sĩ, bác Cường giám đốc kể: trong cuộc chiến chống cường tập ở biên giới, anh Hoàng Vũ, A. trưởng (tức Ba tôi) đã cõng tôi đang bị thương ở chân nên trúng đạn của địch, hy sinh: cuộc sống của tôi bây giờ xem như là do anh ấy nhường lại! Một lần nữa, tôi lại thấy rõ hành động thi ân bất cầu báo của Ba khi còn sống, chắc chắn Ba đã giúp bác Đại chỉ từ tình nghĩa đồng đội, chứ chẳng vì nguyên nhân gì khác.

Một nhân tố để tôi thay đổi cách nhìn tương đối khắt khe về các hành động chính là anh Hùng, con của bác Cường giám đốc, cũng công tác trong Phòng Đối ngoại, nhưng thuộc Tổ tiếng Anh. Anh thi vào Công ty trước tôi một năm, khi đó đã lẳng lặng nộp hồ sơ và dự thi tuyển, không hề lấy tiếng là con giám đốc, mà chỉ khai trong lý lich: tên cha là Trần văn Cường, nghề nghiệp tiểu thủ công, kể ra cũng đúng trên thực tế (có mấy ai biết tên cúng cơm của Giám đốc Công ty Quốc Cường đâu? tôi cũng khai trong lý lịch: cha là Hoàng Vũ, đã chết). Đến buổi trình diện của các nhân viên mới trước Lãnh đạo, mọi người mới vỡ lẽ khi biết anh là con trưởng của Giám đốc đang trong cảnh gà trống nuôi con. Công việc hàng ngày luôn được anh hoàn thành với hiệu suất cao, dù thế anh vẫn đi làm với trang phục giản dị theo quy định, đi về rất đúng giờ trên chiếc xe Cub 50 cũ. Mọi người trong Công ty đều nể trọng anh, không chỉ vì hiệu quả công việc, mà còn vì cổ phần gia đình bác Cường trong Công ty khá lớn, mấy năm nữa bác Cường đến tuổi nghỉ hưu, chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị chạy đâu khỏi tay anh? Tuy nhiên, đối với riêng tôi, anh chỉ đơn thuần là một đồng nghiệp vui tính, dễ gần gũi, sẳn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Tuy anh có vẻ ít nhiều có cảm tình với tôi, tôi cũng cảm thấy gần gũi với tính cách của anh khi thấy rõ hai bên có cách ứng xử tương tự khi xét tuyển, nhưng tôi tự đặt ra một ranh giới mơ hồ nhưng vững chắc giữa hai người, tránh tối đa dư luận thấy người sang, bắt quàng làm họ mà những kẻ ngồi lê, đôi mách thường gán.

Thật ngẫu nhiên, số mệnh đã đưa đẩy chúng tôi xích lại gần nhau hơn…

Tôi nhận được tin nhắn trên Zalo của anh Giao, hẹn tuần sau sẽ về quê nghỉ phép năm 10 ngày để thăm gia đình, tổ chức sinh nhật cho Mẹ và giới thiệu Phượng, cô bạn gái thân thiết cùng quê, đang công tác ở Cục Cơ Yếu với gia đình. Riêng với tôi, anh nhờ sắp xếp thời gian có một buổi rảnh rỗi, cùng đi với anh đến thăm gia đình Phượng, đang cùng nghỉ phép năm với anh, vì anh khá vụng về trong giao tiếp, ăn nói kém, đặc biệt trước con gái…, và vài chuyện khác nữa. Tôi cũng tò mò muốn biết mặt cô gái đã chiếm trái tim anh Giao, từ lâu đã được bạn bè tặng biệt danh Tôi Ghét Phụ Nữ, đối lập với nhà văn Đái Đức Tuấn – TYPN, nên nhận lời ngay, kèm theo một chút háo hức. Thế là, sau khi đã trao quà cho ông bà nội, cậu mợ và các anh chị, anh Giao cùng tôi tỉ mẩn dùng nước sôi nguội rửa sạch ba cân mơ (anh khoe: đúng mơ ở chùa Hương, mà cả Mẹ lẫn tôi đều thích), rồi ngâm với ba cân đường trắng trong lọ thủy tinh cho Mẹ dùng dần, rồi nháy mắt với tôi, cùng xuất phát; đã biết địa chỉ (chắc có hẹn trước rồi), anh đèo tôi trên xe máy đến nhà Phượng để trình diện. Trên đường đi, anh kể lại cho tôi dịp làm quen ở Hà Nội (chắc Phượng chủ động, chứ anh Giao tậm tịt biết làm gì?), mô tả gia cảnh nhà Phượng: mẹ mất sớm, nhà chỉ còn ba và anh trai (có lẽ vì cùng cảnh mồ côi từ nhỏ nên anh Giao và Phượng dễ thông cảm với nhau chăng?). Tôi mải mê trò chuyện, không chú ý đến đường sá, đến khi phát hiện đường đi sao quá quen thuộc thì đã đến nơi. Đúng là nhà của bác Cường giám đốc Công ty, hay nói đúng hơn là nhà anh Hùng cùng Phòng mà tôi đang cố tránh tiếp xúc. Tôi ngỡ ngàng nhận ra Phượng chính là em ruột anh Hùng, nghĩa là trong tương lai, nếu anh Giao và Phượng đến với nhau, thì tôi và anh Hùng sẽ thành người nhà, rất khó tránh mặt. Tôi chặc lưỡi, thôi kệ, đến đâu hay đó, mình không cố tình là được. Cũng may, anh Hùng có việc bận, đi vắng, tôi tránh được tình trạng khó ăn nói, dễ dàng ngồi tâm sự với anh Giao và Phượng.

Phượng rất tâm lý, cô có vẻ thông hiểu những lục đục giữa hai gia đình nội, ngoại của chúng tôi nên tìm cách hàn gắn lại, mà điểm kết nối là chúng tôi, đặc biệt anh Giao. Cô thuyết phục chúng tôi nên gạt bỏ tự ái, thù hận sang một bên, dù sao cũng là máu mủ, ruột thịt với nhau, một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhất là ông nội đã gần trăm tuổi, chỉ mong gặp được cháu nội trai để yên tâm có thằng chống gậy khi ông nằm xuống. Tôi đoán bác Minh đã tìm cách kết nối với anh Giao, kể hết tâm tư nguyện vọng của ông nội, chắc anh băn khoăn không biết giải quyết ra sao nên đã tâm sự với Phượng, hôm nay nhân có tôi, Phượng trình bày chính kiến của mình, đồng thời thuyết phục hai chúng tôi luôn. Thật ra, tôi cũng nghĩ như Phượng, oán thù nên cởi ra chứ không nên buộc lại, nhưng dù sao chuyện này không thể tự chúng tôi quyết, còn ý kiến của ông bà ngoại, cậu mợ nữa. Tôi chỉ trả lời nước đôi với Phượng, anh em chúng tôi sẽ suy nghĩ kỹ về ý kiến của Phượng, đồng thời thăm dò ý kiến mọi người trong nhà ngoại rồi sẽ chính thức quyết định.

Về đến nhà, sau bữa cơm tối, tôi rót trà mời ông bà, cậu mợ uống rồi khẽ khàng trình bày ý định xóa tan mối hiềm khích giữa hai gia đình nội, ngoại. Bà và Mẹ, cũng như Mợ nghe xong, chỉ khẽ gật đầu không nói gì, đưa mắt nhìn Ông và Cậu, hai người thường chốt các quyết định trong nhà. Ông cười nhẹ: Ngày trước, tao bực mình vì bên Nội có vẻ coi thường nhà mình nên trị cho biết. Đã mấy chục năm, xem chừng đã thấm rồi, thôi cũng mở lòng cho họ. Cậu tiếp lời Ông: Hai cháu đã trưởng thành, có thể cân nhắc điều hay, lẽ phải để xử sự cho đúng. Cái chính là đừng để bị coi thường, sĩ khả sát bất khả nhục mà! Thế là xem như đã thống nhất ý kiến, tôi liền gọi bác Minh, xin hẹn sáng mai anh Giao đến thăm ông nội nhân ngày phép năm. Một phút sau, bác điện lại cho tôi: Ông bảo rất vui được đón tiếp cháu nội, không phải chỉ ngày mai mà bất cứ khi nào, ngay bây giờ cũng được. Tôi ngỡ ngàng: Dạ thôi, đã khuya rồi, chúng cháu xin hẹn tám giờ sáng mai. Anh Giao điện ngay cho Phượng, báo thành quả, và hẹn bảy giờ sáng mai cùng đi ăn sáng, mời cả anh Hùng luôn, (tôi há miệng mắc quai rồi), cùng đến nhà nội.

Thêm một bất ngờ đón chúng tôi ở nhà Nội.

Vừa nghe anh Giao giới thiệu xong, ông nội đã sững sờ nhìn chăm chăm Phượng, nhấn mạnh từng chữ: Thế cháu có biết bà Công Huyền Tôn Nữ Thu Bình, con ông Bửu Hiệu không? Phượng sẽ sàng: Thưa ông, Thu Bình là mẹ ruột cháu, còn Bửu Hiệu là ông ngoại cháu ạ.

Ông nội gật đầu: Đúng rồi! Có ai bảo, cháu giống mẹ lắm không? Nhìn cháu, ông đoán ngay là con mẹ Bình. Ông vẫy tất cả chúng tôi lại ngồi bên cạnh, trầm giọng: Hồi đó, ông định ước hẹn với ông Bửu Hiệu bạn ông, hai bên kết thông gia với nhau, thằng Vũ (ông lại nhìn anh em chúng tôi) lấy con Bình. Nhưng thằng Vũ cương quyết không chịu, tự lấy mẹ các cháu, sinh được hai đứa, (rồi ông quay qua anh em Hùng, Phượng) thôi thì duyên số cả, mẹ các cháu không làm con dâu ông, thì có cháu dâu thay vào. Ông thấy toại nguyện rồi.

Tôi biết anh Giao không quan tâm đến kinh tế, nên thật ngỡ ngàng khi nghe nói ông nội đã cho anh hai mươi lạng vàng làm quà cưới. Anh đâu có thiếu tiền để nhận từ nhà nội, nơi đã gây bức xúc nhiều năm cho nhà ngoại? Không nín được, tôi tìm gặp anh hỏi cho ra nhẽ. Anh lẳng lặng đưa cho tôi xem cuốn sổ tiết kiệm với con số hơn một tỷ đồng, tương đương hai mươi lạng vàng theo giá thị trường, ghi tên cậu Huy, kèm theo giấy thỏa thuận: chỉ dùng tiền lãi suất hàng năm để làm học bổng, phần thưởng cho học sinh nghèo trong huyện. Anh thầm thì: Anh không hề quên tấm lòng của Cậu Mợ đã bảo bọc anh em mình suốt bao năm trời, nên tận dụng quà cưới của ông nội để hỗ trợ Cậu về hoạt động Khuyến học mà Cậu đã tâm huyết lâu nay, đồng thời cũng thỏa mãn tâm nguyện cuối đời của ông nội. Tôi thầm nghĩ trong đầu, mà không dám nói ra thành lời: Không chỉ riêng anh đâu lo cho ông đâu, biết đâu trong tương lai còn có em nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét