Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Truyện ngắn 38

  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>


HỆ SỐ CỦA PHÉP NHÂN

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Hồi còn mài đũng quần (à quên, mài váy chứ) ở trường phổ thông cơ sở Nguyễn Tri Phương, tôi luôn hào hứng rèn luyện trí tuệ qua những câu đố vui của thầy Vinh dạy Toán, thường đưa ra trong lớp học để không khí lớp bớt khô khan. Có một câu đố vui mà tôi nhớ mãi đến bây giờ, khi tóc đã chớm bạc: Lấy một tờ giấy dày một phần mười ly (cm), gấp đôi 30 lần, độ dày sẽ cao hơn tòa nhà 10 tầng, đúng không? Bọn học sinh chúng tôi lấy giấy bút ra hí hoáy tính, mới phát hiện kết quả thật lớn, đừng nói là nhà 10 tầng mà đỉnh chóp Empire State Building 102 tầng ở Mỹ cũng chưa ăn thua gì. Hóa ra, trong cuộc sống bình thường hàng ngày, có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng hàm chứa ý nghĩa thật sâu xa…

Tôi nhớ đến ngôi nhà thờ họ bên nội ở vùng chiêm trũng Vinh Hà, huyện Phú Vang: một căn nhà gỗ đơn sơ cấp bốn hơn mười mét vuông, hàng năm, đến tháng bảy âm lịch, ba tôi đưa cả nhà về thắp hương nhân ngày hiệp kỵ. Mới năm trước, tôi còn phải lội nước lụt ngang nửa gối mới vào nhà được, khi thắp hương nước còn lắp xắp mắt cá chân; thì năm nay, cũng ngày hiệp kỵ, đang là mùa lụt mà chúng tôi vào đến trong nhà, chân vẫn khô ráo hoàn toàn, nhìn ra quãng đường dài gần mười mét, rộng gần sải tay đi từ con đường làng đổ bê tông (từ dự án nông thôn hóa), cũng như nổi trên mặt nước. Hỏi ra mới biết, mấy tháng hè vừa qua, ba tôi và hơn mười anh em, chú bác khỏe mạnh trong họ, từ làng quê Vinh Hà đến khắp nơi trong tỉnh, sau khi xin phép của chính quyền địa phương, đã tập trung ngày đêm xắn đất từ miếng ruộng hoang trước mặt nhà thờ, gánh đổ vào để san nền; nhờ đó, nền nhà thờ nâng lên được mười phân, đường vào lên được hai mươi phân. Ngày lễ tạ nâng nền nhà thờ tổ, bác cả trưởng họ đã khề khà nói bên chén rượu mừng, không biết nói thật hay đùa: Tao nằm mơ thấy ông bà cụ kỵ hiện về, bảo giờ đây ấm áp quanh năm rồi… Tôi được dự ở mâm phụ nữ trong buổi lễ tạ đó, chỉ lẳng lặng ngồi nghe và suy nghĩ: để đánh đổi hàng chục vạn gánh đất mang từ ruộng vào, theo công thức ba khối đất nổi bằng một khối đất chìm cũng đủ biết công sức dòng họ nội tôi đổ ra không ít. Rồi tôi lan man liên tưởng đến truyện cổ tích Ngu Công dời núi đã nghe hồi tiểu học, cao xa hơn chuyện nâng nền nhà của dòng họ nội tôi, nhưng cũng dựa trên hệ số của phép nhân: công nhật tuy rất nhỏ, nếu nhân với thời gian (có thể số ngày kéo đến vô tận), thì kết quả sẽ rất lớn.

Nhìn xuống chiếc áo len dài tay cổ lọ tôi đang mặc trên người, tôi nhớ đó là phần thưởng của Mẹ khi tôi thi đậu vào trường chất lượng cao Nguyễn Tri Phương, sau 5 năm tiểu học ở trường Phú Thượng, vùng ven thành phố: thấy tôi trong ngày lạnh vẫn co ro thu người trong chiếc áo trấn thủ rộng thùng thình của Ba được cấp hồi còn tại ngũ trong bộ đội, Mẹ hứa: sẽ thưởng cho          Quỳnh một chiếc áo len dài tay nếu thi đậu vào trường Nguyễn Tri Phương. Mẹ là quản thủ thư viện ở một trường đại học, làm công việc hành chính nhưng thời gian ngồi không khá nhiều, đã tận dụng thời gian rỗi rãi suốt hai năm liền để tháo hai chiếc áo len cũ của chính Mẹ rồi đan lại cho vừa người tôi, vừa đan vừa sửa vì tôi lớn nhanh như thổi; trên nền áo len màu trắng có hình chú thỏ nâu tai to thật đẹp, đúng hình ảnh tôi thích. Do mất khá nhiều thời gian nên mãi đến đầu lớp 8, cơ thể dậy thì của tôi đã phổng phao gần như thiếu nữ, đúng mùa lạnh tôi diện áo len đi học, các bạn nữ trong lớp nhìn thấy cứ trầm trồ vì đây đúng là hàng độc, lại là hàng làm tay, faȋte-à-la-main, từ tiếng Pháp mới học được sau này. Dân nhà giàu cứ vung tiền ra là mua được áo len đủ kiểu, nhưng toàn là hàng công nghiệp, tôi hiểu áo len của tôi đây là tâm huyết, công sức sau bao nhiêu năm tháng của Mẹ, tôi mới có được. Lại là một ứng dụng thực tế của hệ số phép tính nhân mà tôi đã học từ thuở nhỏ…

Khi còn học phổ thông cơ sở, tôi đã dự định thi vào trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ (ngôi trường mà trước đây mẹ tôi đã học khi còn mang tên Nữ Thành Nội). Tôi muốn nối chí tìm hiểu tiếng Pháp của ông ngoại (vốn là giáo viên dạy tiếng Pháp từ những năm 60 của thế kỷ trước, hồi còn sống ông đã tập cho tôi làm quen với giai điệu trầm bổng của tiếng Pháp, đã dạy tôi hát những bài đơn giản như Frère Jacques, Au clair de la lune… cho Ba Mẹ nghe), vì tôi biết trường Nguyễn Huệ vẫn có lớp học ngoại ngữ Pháp. Sức học của tôi không kém các bạn về các môn học khác, chỉ kẹt có Tiếng Pháp, vậy muốn học tốt phải trau dồi ngay từ bây giờ. Dù chỉ đang học lớp 8, cứ mỗi tuần ba buổi tôi thứ hai-tư-sáu, sau bữa cơm chiều, tôi cắp mấy cuốn Le Nouveau Sans Frontières và vở ghi chép, đạp xe đến Trung tâm Ngoại Ngữ ở Trường Đại học sư phạm Huế để học lớp tôi, thời đó học phí khá thấp (hình như đang lúc nước Cộng hòa Pháp đang khuyến khích mở các lớp francophone) để Ba Mẹ có thể chu cấp cho tôi theo đuổi việc học. Bạn học trong lớp tối đa số là người lớn tuổi hơn tôi, có cả những bác sĩ đang đi học để trau dồi ngoại ngữ chuẩn bị tu nghiệp FFI ở Pháp; mọi người khá ngạc nhiên khi trong lớp có một cô bé hỉ mũi chưa sạch, phát âm tiếng Pháp tuy còn ngượng nghịu nhưng vẫn đúng giọng mũi; qua lớp học đó, tôi đã trưởng thành dần trong việc đàm thoại tiếng Pháp. Hai năm sau, khi thi đỗ vào lớp 10 trường Nguyễn Huệ, tôi nhanh chóng trở thành cây ngoại ngữ tiếng Pháp đầy uy tín, nhiều lần được cô Thanh, Tổ trưởng Ngoại ngữ đề xuất với Trường cử vào đội ngũ lễ tân để tiếp khách Pháp, thậm chí có lần làm phiên dịch (thay thầy Bình dạy tiếng Pháp, đang bận việc nhà) cho Ban Giám hiệu khi có phái đoàn nói tiếng Pháp đến thăm Trường. Đến hè chuẩn bị lên lớp 12, đã khá trưởng thành, tôi xin phép Ba Mẹ cho mỗi tối phụ bán hàng ở một shop đường Lê Lợi, ở đó người ta đang cần người biết ngoại ngữ: vốn tiếng Pháp của tôi đã tạm đủ dùng, vốn tiếng Anh cũng không đến nỗi nào. Mỗi ngày, sau sáu giờ chiều, cơm nước xong, tôi chỉ đạp xe khoảng hai cây số, hết đường Nguyễn Sinh Cung, sang Đập Đá là đến Lê Lợi, rồi sau chín giờ lại đạp về; thời gian làm việc, lúc khách Tây từ các khách sạn Century, Hương Giang… thường đi shopping, tôi chỉ làm phiên dịch đơn giản cho chủ shop với khách và tập dẩn cách tiếp thị hàng bán: mỹ nghệ, tơ lụa…, mỗi tháng tôi kiếm được hơn một triệu đồng. Lần đầu tiên cầm trên tay đòng tiền do chính mình làm ra, tôi hồi hộp run cả người: đã quá thừa để trả học phí ở trường, còn lại bao nhiêu tôi đưa cả cho Mẹ, không giữ riêng. Thật ra, tính cho rốt ráo, công lao Ba Mẹ sinh thành, dưỡng dục, nuôi tôi khôn lớn gần mười tám năm lớn như trời bể, biết bao nhiêu tiền mới báo đáp cho đủ? Mẹ không muốn lấy, bảo tôi giữ để chi tiêu vặt vãnh, con gái lớn rồi, nhưng tôi cương quyết không nhận, con ăn cơm nhà đã có Ba Mẹ lo; chỉ cần học kỹ trong sách giáo khoa cũng đủ kiến thức để thi đại học, chẳng cần tốn tiền học thêm, học bớt gì cả. Trong lòng tôi tự nhủ: Ba Mẹ đã lo cho con quá nhiều, từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt đã dạy cho con thấy thành quả của chuyện tích lũy lâu dài từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, vụn vặt.

Quả nhiên, sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vốn dễ dàng vượt qua đối với những học sinh được xếp loại khá giỏi của một trường danh tiếng như Nguyễn Huệ, tôi trải qua kỳ thi tuyển vào đại học sư phạm (hồi đó, Đại học Huế chưa thành lập Đại học ngoại ngữ) với ba buổi thi Toán, Văn, Ngoại ngữ (tôi tự tin chọn tiếng Pháp) thật suôn sẻ. Nhận giấy báo điểm thi, tôi khá thản nhiên vì tin mình sẽ trúng tuyển vào đại học, chỉ thấy hơi bất ngờ với kết quả điểm khá cao (sau này tôi mới biết, chỉ còn thiếu đúng một điểm rưỡi nữa là tôi đủ tiêu chuẩn xét đi học nước ngoài), buồn cười thay, môn Toán (mà tôi ít trông cậy nhất) lại được những 8 điểm. Tóm lại, những buổi tối mò mẫm đi học thêm tiếng Pháp từ năm lớp 8 đã gặt hái được kết quả rõ rệt, sau những thành công bước đầu. Tôi thành kính thắp hương bàn thờ, gởi thành quả này đến hương hồn Ông ngoại, người đã gieo cho tôi niềm đam mê học hỏi tiếng Pháp, rồi cảm ơn Ba Mẹ, những người đã giúp tôi un đúc, nuôi dưỡng niềm mơ ước từ thuở nhỏ.

Trong Trường, khóa của tôi chỉ có một lớp tiếng Pháp, ở đó tôi gặp lại vài bạn đã cùng học ở trường Nguyễn Tri Phương, mới sau ba năm mà mặt mũi các bạn đã thay đổi nhiều quá, mãi đến khi nghe thầy Viên chủ nhiệm đọc tên điểm danh, tôi mới nhận ra bạn cũ. Các bạn ăn diện rất à-la-mode, còn tôi tuy có cao hơn, lớn hơn nhưng vẫn mang vóc dáng của con bé nhà quê, ở vùng ven thành phố. Tự nhiên, tôi thấy xa lạ hẳn với các bạn cũ, chắc vì đã lớn hơn nên tính cách thay đổi chăng? Mối quan hệ đó dần dần gắn bó lại, khi tôi được bầu làm lớp phó học tập của Lớp (có lẽ mọi người căn cứ theo kết quả thi tuyển vào khá cao mà bầu cho tôi chăng?). Chỉ biết rằng, với cương vị lớp phó học tập, tôi có nhiệm vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho cả lớp học tốt, các bạn (nhất là những bạn học hơi kém), trở nên gần gũi dần để trao đổi kinh nghiệm học tập với tôi. Thôi thế là đủ, nói chuyện học tập thì tôi mạnh dạn phát biểu, chứ trao đổi về các mode ăn mặc thì tôi luôn ú ớ như vịt nghe sấm. Cũng may, có anh Huy lớp trưởng, là trung úy bộ đội chuyển ngành, thường đỡ đòn cho tôi mỗi khi có tranh luận dạng đó. Tôi đã cảm nhận được tình cảm anh dành cho tôi, nhưng ngược lại, đối với anh, tôi chỉ có tình bạn thuần túy, tuyệt đối không có tình cảm nào khác.

Đi học ban ngày, nhưng ban đêm tôi vẫn tiếp tục bán hàng ở shop đường Lê Lợi. Có một tối, đang bận rộn bán hàng cho khách, tôi thoáng thấy anh Huy trong đoàn khách du lịch, anh đi với vai trò phiên dịch kiêm hướng dẫn. Sau đó tôi biết thêm, các đoàn du lịch chỉ tin tưởng người phiên dịch kiêm hướng dẫn, họ chỉ shop nào là khách du lịch chỉ mua hàng ở shop đó, sau đó chủ shop sẽ lại quả cho người đó 10% doanh thu bán cho đoàn đó, bất kể lời được bao nhiêu (anh Huy chắc kiếm được lắm, tôi nghĩ vậy). Hôm sau, gặp tôi ở lớp, anh Huy thống nhất với tôi sẽ không lấy 10% lại quả ở shop tôi bán, như thế chủ shop có thể giảm giá bán vì khỏi bù 10%, việc giảm giá tuy ít nhưng bù lại, khách sẽ đến nhiều hơn vì giá mềm hơn nơi khác, quy luật năng chuyến hơn khẳm đò này đã làm tăng doanh số bán hàng của shop (lại là một ứng dụng hệ số của phép nhân). Biết chuyện, chị Liên chủ shop đã tăng lương tháng cho tôi thêm ba trăm ngàn đồng, tôi vui mừng báo cho anh Huy và khao anh một chầu chè Hẻm ở đường Hùng Vương…

Tình cảm của chung tôi cứ phát triển dần theo chiều hướng tốt đẹp, quan hệ giữa chúng tôi không chỉ còn là giữa các thành viên Ban cán sự Lớp Pháp 1 hay giữa nhân viên bán hàng shop và hướng dẫn du lịch; cũng những tiếng xưng hô anh, em bình thường mà ý nghĩa nội tại còn thắm thiết hơn nhiều. Rồi đến ngày sinh nhật của tôi, anh Huy xin phép đến nhà, tặng hoa (bộ đội mà chọn hoa kỹ thế, toàn hoa hồng đỏ thật tươi thắm!) và thăm hỏi Ba Mẹ tôi; xem chừng Ba tôi rất có cảm tình với anh Huy khi biết anh đã qua bốn năm quân ngũ, càng thương hơn khi biết anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hiện sống với bà ngoại ở An Cựu. Sau buổi gặp mặt đó, Ba chính thức xem anh Huy như người nhà, thỉnh thoảng gọi anh về ăn cơm, rảnh rỗi lại đánh cờ với Ba hay nhặt rau, sàng gạo với Mẹ. Với những anh chàng đến nhà gặp tôi với ý đồ rắp ranh bắn sẻ, Ba thường phủ đầu: Nay, tem đã đóng dấu rồi đó

Hai mươi năm sau…

Anh Huy và tôi đã chấm dứt mối quan hệ bạn bè cũng như giới thiệu mua-bán hàng cho khách du lịch hơn mười năm nay để bắt đầu mối quan hệ mới (tù nhân của nhau, như bạn bè thường nói đùa, hy sinh đời mình để giam đời người khác): sau một đám cưới đơn giản (cha mẹ anh đã mất, còn Ba Mẹ tôi thống nhất chỉ thách cưới là một tình yêu chung thủy tuyệt đối), chúng tôi lần lượt cho ra đời hai cháu, một gái rồi một trai, đúng tiêu chuẩn của công dân hiện đại. Tôi là con một, không có anh chị em, nên Ba Mẹ tôi cắt luôn mấy chục mét vuông vườn cho hai vợ chồng dựng căn nhà nhỏ làm tổ ấm, tiện cho các cháu qua thăm ông bà ngoại những lúc trái gió, trở trời, hôm nào nhà này có món ngon cũng mang một bát sang biếu nhà kia. Chúng tôi cùng nhận bằng tốt nghiệp đại học trước ngày cưới một năm, anh Huy được giữ lại Trường làm công tác phong trào, còn tôi, nhờ tấm bằng tốt nghiệp màu đỏ (loại Giỏi), được Sở Giáo dục – Đào tạo Thừa thiên Huế nhận và khi được ưu tiên chọn nhiệm sở, tôi chọn ngay Trường phổ thông trung học Nguyễn Huệ là nơi tôi đã gắn bó từ những bước đi chập chững vào đời với vốn liếng tiếng Pháp tương đối nghèo nàn. Nay tôi đã trở thành đồng nghiệp của cô Thanh đang chuẩn bị về hưu, người thay thế Cô dự kiến là thầy Bình (đang là Tổ phó) và tôi (vinh hạnh thay!) mới đây được đề cử làm Tổ phó thay thầy Bình. Mọi việc đều xuôi chèo, mát mái, trừ việc anh Huy bị tai biến rồi đột quỵ, có lẽ trước đây, từ hồi trong quân đội, anh thường làm việc quá sức nên tim mạch bị ảnh hưởng dù anh không hay rượu bia gì. Sau một tháng nhập viện để điều trị (đúng dịp CoVid đang hoành nên chỉ có tôi vào viện để chăm sóc anh – may đang dịp nghỉ hè, các cháu Giao, Hoàng còn nhỏ phải tạm gởi bên ông bà ngoại), anh đã trở về nhà, bắt đầu điều trị bằng châm cứu và tập luyện phục hồi chức năng, bắt đầu tập đi đứng trở lại.

Công việc bề bộn như thế, liệu tôi có điều kiện ứng dụng thực tế của phép nhân không? Thật ra, chính anh Huy đã gợi ý cho tôi thực hiện, với mục tiêu là duy trì chế độ phần thưởng cho các em học sinh giỏi ở Trường Bình Điền, cách khá xa Thành phố, là Trường trước đây đã kết nghĩa với đại đội pháo binh đóng quân bên cạnh, mà anh là C trưởng. Hồi còn làm hướng dẫn du lịch, hàng năm anh trích ra khoảng mươi triệu đồng để làm 10 học bổng (sau theo thời giá, anh đổi tên là phần thưởng) cuối năm cho học sinh giỏi của Trường, chuyện đó vẫn tiếp tục sau khi anh tốt nghiệp, ra làm công tác phong trào của Trường. Từ khi đổ bệnh rồi bắt đầu hồi phục, anh nghỉ làm hướng dẫn du lịch, nhưng vẫn nghĩ đến nguồn tiền làm phần thưởng cho trường Bình Điền mà khổng ảnh hưởng đến tài chính Gia đình, dù lương hưu về 1 cục của anh gởi Ngân hàng lấy tiền lãi vẫn tạm đủ sống. Anh đặt làm một thùng phước sương để ngay tại phòng khách, mỗi khi bạn bè hay đồng đội đến thăm, rủ đi uống cà phê hay đi nhậu để giải khuây, anh trả lời thẳng thừng: Rất tiếc, bệnh như mình chỉ cho phép uống chè xanh hay nước trắng, loại này mình đã có sẳn trong nhà, mời bạn cùng dùng. Tiền định mời mình, xin bạn góp vào thùng phước sương này, dùng làm việc thiện. Mỗi lần tối thiểu anh được 10 ngàn đồng (mà có phải lần nào cũng tối thiểu đâu!), chỉ cần 100 lần cái tối thiểu, anh đã dành được 1 suất phần thưởng, mỗi năm 360 ngày kiếm 10 phần thưởng không khó!

Tôi nghe anh tính toán mà xúc động, rõ ràng anh Huy của tôi tuy tàn nhưng không phế! Hơn nữa, cách suy luận của anh thật hợp với lập luận hệ số của phép nhân tôi thấm đẫm từ thuở nhỏ. Rưng rưng nước mắt, tôi thầm thì kể lại lời của anh với Ba Mẹ tôi, có cả bé Giao và cu Hoàng ở đó, mới sang chơi nhà ngoại, sau khi học bài, chờ ăn cơm, và lặng im nghe Ba kết luận: anh Huy đã suy nghĩ giống y như con hồi nhỏ! Các con đến với nhau là phải, như Saint-Exupéry đã nói: Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhuu, mà là cùng nhìn về một hướng!