Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Truyện ngắn 12

ĐẰNG SAU TẤM CHI PHIẾU
Truyện ngắn của Quỳnh Anh
Chí Kiên, Trưởng Phòng Giáo dục Huyện:
Học cùng lớp với Vinh khùng từ nhỏ, nhưng tôi không chơi được với thằng cha lập dị, toàn làm chuyện ngược đời đó: tốt nghiệp phổ thông loại Giỏi, thi đại học thừa điểm đậu, đúng lúc chiến tranh biên giới nổ ra, hắn chơi trội, xin bảo lưu kết quả rồi làm đơn nhập ngũ; sau bốn năm lính trên chốt với một tập bằng khen, giấy khen, móc được vào ve áo quân hàm ba sao, vạch vàng, vào thời mà sĩ quan quân đội kiếm nhà, kiếm đất dễ như trở bàn tay, hắn lại ngang tàng từ chối suất đi học sĩ quan (chắc vì thế mà Mười Đức, chính trị viên đại đội, dù cùng quê cũng không đồng ý kết nạp đảng cho hắn), xin chuyển ngành về nhập học sư phạm (quý báu gì nghề ăn như sư, ở như phạm đó...); có tấm bằng tốt nghiệp đại học màu đỏ và thành tích mấy năm lính đủ để giữ hắn ở lại trường làm giảng viên, hắn lại điên điên khùng khùng xin nhận công tác ở quê hương, về cái huyện khỉ ho, cò gáy này, kéo theo cả cô bạn xinh xắn cùng khoá... Linh Chi vợ hắn, ngày trước từng là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều bài thơ tình sinh viên trong trường, tuy không thuộc loại chim sa cá lặn, nhưng được cái nét đằm thắm, dịu dàng làm bao anh ngẩn ngơ: con gái có học, có nhan sắc, nhà khá giả ở thành phố, lại dại dột nghe Vinh dụ dỗ, bỏ thành phố về mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này, nơi chỉ đáng dành cho những tên tốt nghiệp hạng trung bình vớt như ... tôi: thi đại học không đậu, tôi xin làm việc ở Uỷ ban Xã vài năm, tranh thủ diện ưu tiên cho cán bộ, đi học mấy năm tại chức, tốt nghiệp cùng năm với Linh Chi và Vinh. Hồi đi học, tôi cũng có làm mấy vần thơ con cóc tặng em; nay con sáo đã sang sông, nhớ chuyện ngày xưa, tôi chỉ tự an ủi như chú cáo: chùm nho ngọt ngào kia ơi, ngươi đã theo Vinh khùng về đây, thì ngươi còn xanh lắm...
Tưởng Vinh chủ trương mỏ gà hơn đuôi trâu, xin về quê để làm vương, làm tướng gì, hoá ra sau gần hai mươi năm công tác, khi tôi đã đứng đầu ngành Giáo dục của Huyện thì hắn chỉ leo lên đến chức Tổ trưởng Bộ môn ở trường trung học phổ thông: dù năng lực có thừa, hắn lại thiếu quá nhiều điểm tế nhị để phát triển lên nữa! Về tác phong, dù luôn giữ quy định áo bỏ trong quần, dép quai hậu, nhưng đúng là Vinh khùng, Trưởng Bộ môn gì mà hình thức còn mèng hơn giáo viên tập sự: trông như thằng nghèo kiết xác, dù lên lớp hay đi họp cũng chỉ biết thắng mấy bộ quần áo si đa loại coton không ủi, xỏ đôi chân bàn cuốc vào đôi dép Biti's nối thêm dây cho vừa chân (chân hắn hồi học cấp ba đã đi số 43, nghe nói mấy năm lính vẫn chỉ mang được dép lốp vì chẳng có giày số lớn). Mấy năm trước, chủ tịch huyện Bá kiến (trước là bí thư chi đoàn lớp chúng tôi, do có giọng cười kiểu lãnh tụ nên được gọi như nhân vật của Nam Cao), sau khi nhờ Vinh kèm Toán cho cậu con phá gia chi tử đậu được vào cao đẳng, tặng quà gì Vinh cũng từ chối, bạn bè giúp nhau thôi, sếp phải gởi mua đôi giày Italy chính hãng số 43 (nghe nói giá hơn hai chứ có ít đâu), bảo tôi nói khó với hắn giày số 43 này chỉ có mày đi được thôi, hắn cảm ơn rồi cất trong tủ, bảo thời tiết hay mưa, mình mang Biti's lội nước đi dạy cho khoẻ (nghe nói sau này thằng Nghệ toác cùng lớp, có con đi công an vũ trang hy sinh ở biên giới phía Bắc, mỗi khi đi họp ngày Thương binh Liệt sĩ thường diện đôi giày Italy chính hãng). Đúng là Vinh khùng! Gặp tay tôi, đôi giày này sẽ cùng tôi xuất hiện khắp các lễ lạc, hội nghị cấp huyện, nhất là những nơi có mặt sếp Bá, để sếp thấy rõ tôi trân trọng món quà của sếp thế nào... Ngược lại, Vinh hay ngượng khi bị nhận dạng là bạn các sếp, hắn giấu các mối quan hệ đó cứ như mèo giấu phân, thường ngày chỉ thích nhắc đến thành công của đám học trò cùng khổ: đứa thi đậu đại học thường được nhắc lại từng kỷ niệm hồi học phổ thông, vài đứa thi đủ điểm đi học nước ngoài được kể tên như tấm gương sáng cho lớp đàn em học tập...
Thôi, cứ cho là hắn thích ăn mặc đơn giản, giấu quần áo đẹp trong nhà để giả nghèo giả khổ, nhưng chiếc xe cùi của hắn (xe chạy ở đầu huyện, cuối huyện đã nghe tiếng máy) thì không lẫn vào đâu được. Chẳng lẽ hắn giấu được chiếc xe khác trong nhà? Nhìn đâu cho xa, chỉ ngắm chiếc xe dành cho cục cưng Linh Chi của hắn đang đi là rõ: bao năm rồi vẫn là Cub 50 đời đầu cũ kỹ, trong khi thiên hạ lên toàn xe đời mới, đa số là tay ga, có người định sắm cả ô tô nữa. Có lần tôi bực mình nói kháy với Linh Chi: em đi chiếc xế ghẻ này phải đạp nổ máy hàng ngày, có khi tiền thay giày mới đủ để em sắm xế tay ga rồi; Linh Chi nhỏ nhẹ: anh Phước là phụ huynh học sinh nhà em, ảnh sửa xe em tốt lắm mà không bao giờ lấy tiền, em chỉ đạp nhẹ là xe nổ dòn... làm tôi chịu thua. Không hiểu sao hai vợ chồng, với hai thằng con vẫn cứ vui vầy được trong căn hộ tập thể mười tám mét vuông, chỉ rộng bằng nhà bếp của tôi, với những bữa cơm đạm bạc, tính tổng giá thành bữa chính cả nhà có khi chỉ bằng tiền ăn sáng của con tôi?
Đôi khi tôi tự nghĩ, hay là Vinh không biết khái niệm đồng tiền? Nghe nói có lúc hắn chơi sang như đại gia, xem đồng tiền như nước thải: cách đây gần chục năm, qua bạn bè, biết một đồng đội cũ của hắn (đã phục viên, hành nghề xe ôm ở chợ Huyện) định cầm chiếc xe máy lấy tiền cho vợ phẫu thuật ở bệnh viện thành phố, hắn thuyết phục vợ đưa chiếc nhẫn hai chỉ hồi môn cho mượn, nghe nói người nhận đã bật khóc rồi rút dao chặt phăng một ngón tay út, thề không bao giờ quên điều này... Lần khác, chính tôi bị Vinh đưa vào thế khó xử khi mang đến nộp Phòng Giáo dục một phong bì chứa hai ông tổng thống Mỹ mà một người khách đã lén để lại dưới bình hoa phòng khách, sau khi đề nghị hắn, với tư cách Trưởng Tiểu ban chấm Toán cho kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tìm cách nâng điểm cho một bài thi đã đánh dấu sẵn. Vinh bảo không biết mặt ông này, chỉ đoán ổng là người nhà của thí sinh làm bài thi đó (tôi thì quá rõ nhân vật này, hôm trước chính ổng đã đưa trước một ông tổng thống Mỹ cho tôi để tác động đến Vinh rồi). Cuối cùng, Vinh tổ chức chấm tập thể bài thi đã đánh dấu đó, được bốn điểm rưỡi trên mười! Tội nghiệp cái thân tôi, sợ há miệng mắc quai, tiếc đứt ruột mà phải ngậm ngùi đưa cả ba ông tổng thống Mỹ trở về nơi xuất phát...
Có ai ngờ thằng này tẩm ngẩm, tầm ngầm mà đấm chết voi! Trưa nay, đang nghỉ trưa tại cơ quan sau buổi giao ban đầu tuần, tôi nhận được điện thoại từ em Mỹ Lam, một chiến hữu bên Ngân hàng, thường giúp tôi giải quyết những vấn đề tài chính tế nhị. Giọng em ỡm ờ chậm rãi, cố làm ra vẻ bình thường, nhưng ẩn chứa sự đắc thắng khó giấu của ả đàn bà thích hóng chuyện thiên hạ: anh có tin ông Vinh bạn anh vừa trúng quả không?Sáng nay em vừa ký xác nhận một chi phiếu hơn trăm chai mang tên ổng, anh nhớ bảo ổng rửa đi nhé! Tiếng rửa đơn giản của Lam không gợi cho tôi hình ảnh quen thuộc chai rượu Johnny Walker được nghiêng cổ rỏ nhẹ mấy giọt lên bản chính các quyết định lên lương, thăng chức, mà tôi nghĩ đến ngay thủ đoạn rửa tiền của bọn mafia cổ cồn, chẳng lẽ thằng bạn học khố rách, áo ôm của tôi giả nghèo, giả khổ để che giấu cái ruột bất lương? Tôi trầm giọng, hẹn Mỹ Lam cuối giờ chiều nay đến quán café quen thuộc nói chuyện...
Mỹ Lam, Tổ trưởng Nghiệp vụ, Điểm Giao dịch số 1, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương:
Công việc cho phép tôi nắm những thu nhập hợp pháp của khách hàng trong Huyện thông qua Ngân hàng, nhưng tôi chẳng quan tâm điều này lắm: những giao dịch tài chính cá nhân không mấy khi vượt quá chục triệu, còn những thu nhập bất minh thì ai tội gì lạy ông, tôi ở bụi này tại Ngân hàng. Cho nên, tấm chi phiếu sáu ngàn đô la Mỹ gởi cho Trần Vinh bên ngành Giáo dục, đối với Phòng Nghiệp vụ chúng tôi giống như tiếng sấm giữa trời quang. Gia cảnh anh Vinh thì tôi biết quá rõ: chồng là giáo viên toán, thu nhập kể cả phụ cấp trưởng bộ môn và chủ nhiệm lớp chuyên tròm trèm ba triệu rưỡi, vợ chuyển ngành từ giáo dục sang văn thư lưu trữ sau đợt tinh giản biên chế, tổng thu nhập cả nhà chỉ hơn sáu triệu, ngần ấy thu nhập lo cho hai thằng con trai đang tuổi ăn học là cả một vấn đề. Ngành Giáo dục hạn chế mở các lớp dạy thêm, nên anh Vinh chỉ biết kiếm thêm thu nhập bằng cách tham gia viết các tài liệu chuyên môn giảng dạy Toán với các trường đại học, thu nhập đó gần một năm mới có một lần (cũng trả qua tài khoản như lương tháng), vừa đủ để mua vài thứ gia dụng trong nhà. Linh Chi, nhờ sử dụng được chuyên môn tin học để quản lý văn bản, số liệu, có thời gian rỗi rãi đã tận dụng bằng cách nhận len về đan, kiếm thêm tiền rau dưa qua ngày... Không như anh Kiên râu luôn nhanh nhạy trong các mối quan hệ (nhờ thực hiện đúng chủ trương dĩ hòa vi quý ...đi nhẹ, nói khẽ, hay cười, chuyện đâu bỏ đó, là người phiếu cao... mà nhanh chóng leo lên đầu ngành Giáo dục của Huyện), vợ chồng anh Vinh có vẻ thờ ơ (nói đúng hơn là dị ứng) với những lo toan ngoài chuyên môn công việc... Đúng là Vinh khùng!
Trong quán café vườn quen thuộc, nhấp qua một ngụm Capuccino là anh Kiên râu hỏi thăm ngay về tấm chi phiếu. Quả tình, tôi cũng chẳng biết gì hơn ngoài việc tiến hành thủ tục chuyển sang tiền Việt Nam theo tỷ giá Ngân hàng và báo cho anh Trần Vinh đến làm thủ tục nhận. Kiên hỏi gặng: Em cho anh biết, chi phiếu do ai ký? Lý do chi tiền là gì? Thấy tôi ngần ngừ, anh cười giả lả: Anh biết nguyên tắc bảo mật trong Ngân hàng của em, nhưng anh muốn hỏi để bảo vệ cho uy tín cán bộ ngành. Em thừa biết, anh có thẩm quyền yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin mà. Ừ, lãnh đạo Phòng Giáo dục đã nói thế thì tôi chẳng có lý do gì mà bí mật. Lý do chuyển tiền chỉ là quà tặng, còn người chuyển tiền là ... Lưu Phước Tài, ở Bangkok, Thái Lan. Kiên chớp mắt, rồi xin lỗi, bước ra ngoài gọi điện thoại với ai đó mấy phút, rồi quay lại cười lạnh: Em có biết Lưu Phước Tài là ai không? Thoáng nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Kiên hạ giọng: Anh vừa được biết, Tài là ông trùm kinh doanh vàng bạc, đá quý của toàn vùng Đông Nam Á, doanh số hàng năm của Tập đoàn do Tài đứng đầu lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ... Theo anh, em cứ việc làm thủ tục cho Vinh nhận quà, nhớ trừ thuế thu nhập 10% theo đúng quy định, anh sẽ chú ý theo dõi kỹ việc này. Không loại trừ khả năng Vinh là một mắt xích của đường dây buôn bán hàng cấm do Tài đứng đầu, vì không dễ gì tập đoàn này chi hàng ngàn đô la Mỹ cho Vinh. Tôi gật đầu: OK, chuyện thuế thu nhập thì anh khỏi lo, bên ký chi phiếu đã nộp đủ sáu ngàn sáu trăm đô la Mỹ, gồm cả thuế thu nhập cho anh Vinh rồi. Nhưng liệu anh Vinh có vi phạm pháp luật gì không anh? Kiên chép miệng: sáu ngàn đô la Mỹ thì có gì to tát đâu, quan trọng là mặt chính trị thôi. Tôi cười thầm trong bụng, Kiên râu hàng năm nhận cả chục ngàn đô từ thân nhân ở nước ngoài qua đường kiều hối, chắc chẳng bao giờ tự đặt dấu hỏi chính trị về mình. Tôi chỉ bâng khuâng tự hỏi, không biết rồi hai vợ chồng Vinh sẽ làm gì với số tiền hơn trăm triệu này?
Linh Chi, Nhân viên văn thư lưu trữ, Trường trung cấp dạy nghề:
Đúng là trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay. Dự tính cuối tuần đón anh Vinh dẫn đoàn học sinh thi Olympic ở thành phố về, tôi ghé chợ mua ít dưa cải về muối, chồng tôi và mấy đứa con hạp khẩu thứ này lắm. Hàng dưa vừa gói xong thì hàng thịt quay đã mời chào rộn rã, ...mông em ngon lắm chị Chi ơi, lấy một cân nhé, tôi mỉm cười với câu nói nhiều nghĩa, thầm nghĩ bao lâu nay nhà mình có ăn thịt quay đâu, đã nghe mời tiếp ...hay chị lấy nửa con heo sữa này nhé, em lấy giá vốn thôi, tôi bật cười: nhà chị ăn heo sữa đến khi nào mới trả nợ em được, thì đã nghe tiếng mau mắn: chị bảo anh lên Ngân hàng nhận tiền rồi bao nhiêu heo sữa chẳng được, bây giờ vàng đang xuống đó, chị nhớ mua để dành phòng thân... Tôi ngớ ra chẳng hiểu gì, vội mua qua quýt mấy thứ về nhà, định bụng gọi điện cho anh phó đoàn có điện thoại di động, nhờ cho gặp anh Vinh để hỏi cho ra nhẽ.
Nhưng tôi vừa về đến nhà thì đã thấy khách chờ sẳn. Một chiếc xe Camry biển số trắng đậu dưới bóng cây vú sữa trước nhà; xe tôi vừa dừng, một người đàn ông lạ hoắc, ăn mặc lịch lãm đã bước xuống, vồn vã chào tôi và xin được vào nhà nói chuyện. Trong khi tôi loay hoay mở cửa, pha trà rót nước, ông ta nhanh nhẹn mang một lẳng hoa lớn (đẹp thật, toàn hồng nhung và lys Đà Lạt chính gốc, có đâu mà sẳn thế này?), đặt rất gọn ở góc học tập trong nhà, và nhẹ nhàng ngồi xuống ghế của bộ bàn ăn (cũng là bàn làm việc, bàn tiếp khách, bàn ăn cơm của cả nhà). Giọng miền Nam nhỏ nhẹ, chậm rãi: Thưa chị, tôi là trợ lý của anh Chín Tài, nhận nhiệm vụ thay mặt anh đang công tác ở nước ngoài, đến thăm và thưa chuyện với anh chị... Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, ông giải thích: anh Chín có tên cũ là Mười Đức, trước đây là chính trị viên đại đội của anh Vinh, đã từ chối kết nạp Đảng cho anh Vinh vì không chịu đi học sĩ quan. Vậy mà cách đây tám năm, anh Vinh vẫn nhiệt tình giúp đỡ khi vợ anh Đức nhập viện... Trả lời câu hỏi của tôi về sức khoẻ vợ Mười Đức, giọng ông ta trở nên hào hứng: Thưa chị, bây giờ chị Chín khoẻ lắm, sau khi phẫu thuật u nang buồng trứng đã sinh một cháu trai kháu khỉnh. Anh Mười Đức, khi đó đổi tên thành Chín Tài, cùng anh em chúng tôi đi khai thác đá đỏ ở Quỳ Châu, long đong một thời gian dài rồi nhờ Tổ đãi, trúng được mấy chuyến liên tiếp, anh Chín được tín nhiệm cử làm bường trưởng, dần dần chúng tôi liên kết với bên Thái Lan thành lập Công ty rồi Tổng Công ty kinh doanh đá quý mang tên Đức Tài, đặt trụ sở bên Bangkok. Anh Chín hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, còn chị là Giám đốc marketing... Giọng ông ta trở lại dè dặt: anh chị Chín giao trách nhiệm cho tôi với mọi giá, tìm cho được chiếc nhẫn hai chỉ vàng ngày trước đã mượn của anh chị, nhưng quả thật vô phương vì sau bao nhiêu năm, không biết chiếc nhẫn đã lưu lạc đến đâu rồi? Vì vậy anh chị Chín xin nhận lỗi và xin phép được biếu lại anh chị hai chiếc nhẫn kim cương, sản phẩm theo kiểu dáng mới nhất của Tổng Công ty, xem như quà kỷ niệm 20 năm ngày cưới của anh chị. Thấy tôi nhăn mặt, ông ta vội vàng nói luôn: đồng thời, anh Chín cũng đã gởi qua Ngân hàng Ngoại thương cho anh chị một số tiền nhỏ, xem như tiền lãi suốt mấy năm qua... Tôi nghe mà chóng cả mặt, vội xua tay: Thôi, cảm phiền anh cuối tuần này quay lại, chồng tôi đi công tác về sẽ thống nhất ý kiến rồi trả lời với anh. Trước mắt, nhờ anh chuyển đến anh chị Mười Đức lời chúc sức khoẻ của vợ chồng chúng tôi...
Quỳnh Anh, Phóng viên thời sự, báo địa phương:
Được cử thực hiện một bài phóng sự về các hoạt động hỗ trợ giáo dục của địa phương, tôi đề xuất tìm hiểu tổ chức học bổng dành cho học sinh huyện X và Ban Biên tập đã đồng ý. Theo số liệu thống kê, hàng năm Tổ chức học bổng này cấp khoảng hai mươi suất học bổng, định mức năm mươi đô la Mỹ cho các học sinh nghèo - học giỏi của Huyện, chia về các trường phổ thông trung học và phổ thông cơ sở để nhà trường bình chọn. Con số năm mươi đô la Mỹ, ở thành phố thì không lớn, nhưng ở huyện là đủ để lo chi phí học tập cả năm của học sinh; và nếu nhân lên cho hai mươi suất nữa thì quả là con số đáng kể...
Sáng nay trời nắng đẹp. Tìm đến nhà Trần Vinh, người cấp học bổng, tôi hơi ngạc nhiên vì bên ngoài trông không giống nhà của một đại gia, có khả năng hàng năm cấp học bổng cho học sinh cả ngàn đô la Mỹ. Nhà khóa trái cửa, tôi hỏi hàng xóm mới biết cả gia đình đi nghỉ mát mấy ngày theo tiêu chuẩn nghỉ hè hàng năm của Phòng Giáo dục dành cho giáo viên dạy giỏi, xe 45 chỗ vừa chạy sáng nay. Tôi nghe mà bật cười, có tiền sao không thuê một chiếc 12 hay 16 chỗ đi cho khỏe, tội gì chen chúc trên xe tập thể chật chội, nóng nực? Hay họ muốn đi tập thể cho đông vui?
Không biết làm gì hơn, tôi tìm đến Phòng Giáo dục để hỏi thêm thông tin về Tổ chức học bổng này, thầm nghĩ có lẽ việc phân phối học bổng đều lấy đầu mối từ Phòng Giáo dục. Thật may mắn, Quyền Trưởng phòng Giáo dục là chú Đạt, bạn học của mẹ tôi, trước đây hay đến nhà tôi chơi nên quen mặt. Mời tôi vào phòng làm việc, chú Đạt tâm sự: Trước đây, như cháu biết, chú công tác bên Khoa Giáo Thành phố, nay Huyện xin điều động về phụ trách Phòng Giáo dục thay cho một đồng chí tạm nghỉ công tác. Mới chân ướt, chân ráo về đây, chú còn lạ lẫm lắm, điều gì không biết chú sẽ hỏi anh chị em trong Phòng... Khi biết tôi muốn tìm hiểu về Tổ chức Học bổng do Trần Vinh phụ trách, giọng chú hồ hởi lên: Tưởng gì chứ chuyện này thì chú nắm khá rõ, vì Vinh khùng là bạn đồng đội của chú. Chú mỉm cười, giải thích: đồng đội các chú hay đặt biệt danh cho nhau, như chú là Đạt phỏm, vì chú chơi bài khi nào cũng thắng... Tôi lặng im nghe chú kể chuyện nhà chú Trần Vinh, chuyện có thật mà nghe cứ như chuyện cổ tích...
...Nghe trợ lý báo lại vợ chồng Vinh không muốn nhận tiền, Chín Tài (đúng ra là Mười Đức) và vợ cùng nhau về nước, tổ chức một buổi gặp mặt các đồng đội cũ, và nói chuyện rốt ráo với vợ chồng Vinh. Chín Tài tâm sự, nguyên nhân việc đổi tên cũng như việc chặt một trong mười ngón tay, đơn giản là không muốn quên ân nghĩa của Vinh, và đề nghị anh em thuyết phục Vinh nhận tấm lòng tri ân của mình. Nhưng Vinh khùng cũng muốn bảo vệ cách sống của mình bấy lâu nay, cuối cùng hai bên thống nhất như sau: khoản tiền sáu ngàn đô la Mỹ được gởi dài hạn trong ngân hàng theo tên của Vinh, lấy lãi hàng năm cấp học bổng cho học sinh nghèo-hiếu học của Huyện, vợ chồng Chín Tài còn đều đặn hỗ trợ thêm kinh phí cấp học bổng hàng năm; hai chiếc nhẫn kim cương sẽ đổi thành tiền, góp kinh phí cùng Huyện xây dựng lại ngôi trường Vinh đang dạy, cũng là trường Vinh đã học ngày xưa...
Tôi nghe xong, vẫn thấy cấn cái chưa thỏa mãn, nghĩ mãi mới ra, hỏi luôn: như thế, mọi thứ Chín Tài gởi cho vợ chồng chú Vinh đều được dùng làm việc từ thiện; nhưng vợ chồng chú Vinh vẫn thiệt mất hai chỉ vàng ngày trước... Chú Đạt cười khà khà: Thì chú cũng đã nêu vấn đề ấy ra, nhưng vợ chú Vinh đã trả lời: hai đứa con chúng em đều là học sinh giỏi cấp thành phố, là hai cục vàng khối của gia đình rồi, có gì sánh được đâu...
Tôi đăm chiêu nhìn ra ngoài trời. Dưới ánh nắng ngày hè chói chang, một cơn gió nhẹ thoảng qua làm không khí dịu lại...
(gởi tặng các đồng đội của tôi)