Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Truyện ngắn 23

 

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

Người vắng mặt Ngày Hội Lớp

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Với thói quen như lập trình sẵn, dù ở trong nhà hay ra ngoài, tôi đều thức giấc lúc 5g30. Qua cửa kính, trời đã sáng, trên Quốc lộ 1A đã thấy đông đúc xe qua lại. Chiếc xe giường nằm Saigon-Huế từ từ giảm tốc độ, bật signal, bóp còi rồi rẽ phải, rời đường An Dương Vương, tiến vào khu vực Bến xe Phía Nam. Xe vừa dừng, mấy giọng nói đặc Huế của cánh xe ôm, taxi chào mời đã vọng vào trong xe, qua cánh cửa hé mở. Tôi thong thả đứng lên, vặn mình cho đỡ mỏi: đã hơn nửa ngày giam mình trên nửa mét vuông giường nệm từ chiều hôm qua, trừ một tiếng đồng hồ nghỉ ăn tối ở Nha Trang. Tôi tiến ra cửa lên xuống, xỏ chân vào đôi xăng đan Biti’s quen thuộc, làn quai êm ả ôm gọn đôi chân làm tôi nhẹ cả người. Xua tay từ chối lời mời của xe ôm, giờ này xe ôm chạy ra thấu Sịa cũng đòi cả trăm ngàn, tôi thầm nghĩ, tiến về dãy xe bus ở cuối sân. Trong đầu văng vẳng lời dặn của Quỳnh: đến Bến xe Phía Nam, mày cứ lên xe buýt tuyến 6 đi Sịa. Tới Trạm quay đầu Quảng Vinh, xuống xe hỏi nhà cô giáo Quỳnh, ai cũng biết. Đi bộ 50m là tới… Xe buýt chuẩn bị chạy, kịp cho tôi tạt ngang quán hàng rong bên cạnh, mua chiếc bánh mì chả ăn điểm tâm… Hôm nay xe vắng khách, tôi nhẩn nha tìm chỗ trống, đặt chiếc túi xách bên cạnh, ngắm cầu Phú Xuân, cống Thăng Long, cầu Bạch Yến lần lượt lướt qua cửa sổ, miên man hồi tưởng quá khứ mấy chục năm trước…

Tôi đang học lớp 11 ở trường Nữ Thành Nội thì xảy ra cuộc biến động 1975. Cả gia đình (bà ngoại, mẹ, anh Hùng và tôi) sơ tán vào tận Saigon, tạm trú ở nhà cậu ruột, khu Thanh Đa. Tôi hiểu vì sao gia đình không liên lạc với ba tôi: ông đã chia tay với mẹ tôi khi tôi còn ẵm ngửa, đã lập gia đình mới, có con cái đầy đủ, sống ổn định ở Đakao. Theo mẹ kể lại (bà ngoại chẳng bao giờ nhắc đến) và xem ảnh cũ trong nhà, ba tôi có dáng to cao, khỏe mạnh (Trung Úy Quân cảnh Tư pháp mà), ăn nói lưu loát, bặt thiệp, được lòng nhiều người… Tôi không rõ lý do ba mẹ chia tay, chỉ mơ hồ cảm thấy có liên quan tới bà ngoại. Bà ngoại nói nhiều như mọi người già, nên khắc khẩu với với người trọng tự ái như ba tôi, vốn xuất thân nghèo khổ, vươn lên từ cảnh hàn vi…

Dù vậy, lý lịch gia đình vẫn gây hệ quả, mà anh em tôi phải gánh chịu khá nặng nề… Anh Hùng đậu vào Đại học Sư phạm Toán trước 1975. Còn tôi (khốn khổ thay), dù đã nhận giấy báo trúng tuyển năm 1976 vào ngành Toán như anh, khi đến Trường làm thủ tục nhập học thì bị gạt ra, do Quy chế Tuyển sinh ngặt nghèo mới bổ sung: gia đình em Mai vướng mắc về lý lịch, thuộc Nhóm IV, có người anh đã học đại học là đủ rồi, theo lời giải thích của cán bộ tuyển sinh. Bầu trời hy vọng như sụp đổ trước mặt. Tôi ngậm ngùi cầm hồ sơ về nhà (giấy báo đã bị thu rồi), gậm nhấm nỗi buồn thi không ăn ớt thế mà cay thời mới. Tôi đóng cửa nhà, không tiếp một ai: những bạn trong lớp đến nhà, trước mừng thi đậu, sau chia buồn với nỗi đau rớt vì lý lịch. Ngay cả Long lớp phó (sau 1975, một số nam sinh từ trường Hàm Nghi chuyển sang, trường tôi đổi tên thành Nguyễn Huệ; cả lớp đều gọi là Long ngố vì mặt trông ngơ ngác, dù học giỏi) đến nhà tìm tôi mấy lần, chỉ có anh Hùng ra tiếp…

Hai năm sau, 1978. Anh Hùng tốt nghiệp hạng Khá, nhưng lại vướng lý lịch, phải nhận nhiệm sở ở tỉnh Đắc Lắc, về một huyện lạ hoắc: Krông Pak. Ở nhà, tôi tham gia tổ hợp thêu ren (được nói trại cho vui, thành thợ rèn) của phường cho qua ngày giờ và quên đi nỗi buồn hận ngày nào. Long đã nhập ngũ, tham gia chiến dịch Tây Nam (nghe nói có 1 bằng khen qua chiến đấu) rồi chuyển về Nha Trang, học ở Trường Sĩ quan Thông tin. Thi thoảng Long gởi thư về cho tôi, hỏi thăm mọi người, động viên tôi ôn luyện kiến thức chờ thi lại. Long bảo: quy chế Tuyển sinh ngày càng nới rộng, về chính trị đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại rồi (đúng giọng lưỡi của sĩ quan quân đội, nhưng nghe cũng có lý). Cũng từ lời khuyên của Long, tôi nộp đơn thi đại học lần nữa, vẫn thi vào Sư phạm Toán vì hình ảnh cô giáo dạy Toán như có bùa mê đối với tôi… Cuối cùng, giấy báo thứ 2 cũng đến tay tôi, của Trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên, ra trường chỉ dạy cấp I. Tôi suy nghĩ và quyết định đi học, sau khi tham khảo ý kiến nhiều người, của Long là chính. Long nói trong thư: Trước mắt, Mai cứ lấy ngắn mà nuôi dài. Phải hy vọng phát triển từ Trung cấp, Cao đẳng lên Đại học… Tôi chỉ nghĩ đơn giản: mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, sức mình chắc chỉ bươn tới đây là hết…

Thời gian học ở cơ sở tại Đường 9, Đông Hà trôi qua nhanh, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá. Suốt hai năm học, vì công việc vất vả, đường sá đi lại khó khăn, bà ngoại và mẹ không ra thăm tôi được, còn anh Hùng vẫn dạy ở Tây Nguyên chưa hề về Huế. Có một lần, Long về phép, mang cả xe đạp, đi xe đò ra Đông Hà, đạp tiếp gần chục cây số theo Đường 9 ra thăm tôi ở cơ sở 2 của Trường. Sau chiến tranh ở Campuchia, hình ảnh anh bộ đội sáng giá lắm, nên giáo viên cho phép hai đứa tôi nói chuyện riêng trong 30 phút, rồi Long quay ngược lại, vào Huế. Trở về khu tập thể nữ, các bạn cùng lớp bắt khao Mai có người yêu ra thăm, và trấn lột luôn mấy cái bánh Trung Thu (chắc Long mua ở chợ Đông Ba ra làm quà) mà tôi muốn nửa giấu, nửa khoe. Việc nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay, tin sốt dẻo Mai có người yêu bộ đội đến thăm đã lan vào đến Huế…

Năm 1980, tôi nhận công tác ở Trường phổ thông cấp I-II Phong Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Hương Điền. Đường chim bay cách Huế không xa, nhưng đi đường bộ phải trên dưới 40km. Cơ sở xa nhất của Trường là Hòa Bắc, phải lội qua con suối (thường ngập lút đầu khi lũ về), là nơi nghỉ chân của cánh tìm trầm trước khi vào sâu trong núi. Long tốt nghiệp sĩ quan, nhận công tác ở huyện đội PL. Mỗi tháng một lần, Long đạp xe lên Phong Mỹ thăm tôi, theo đường Thanh Tân - Ồ Ồ, hoặc theo ngã ba Phò Trạch rẽ vào. Sáng đi, chiều về, chúng tôi gặp nhau chỉ 1-2 tiếng đồng hồ, tính cả buổi trưa, ăn cơm với các bạn đồng nghiệp. Bạn bè đánh giá quan hệ chúng tôi là mối tình trong sáng, vì dù mọi người tế nhị tìm cách tránh mặt, chúng tôi vẫn luôn giữ đúng lễ giáo, so với lớp trẻ sau này sáng quen ở quán net, chiều dắt nhau vào khách sạn quả là một trời một vực… Quà của Long mang lên thường là mấy cân gạo nếp, khi về nhà lại chở ít khoai sắn núi rừng…

Năm 1982, Long bàn chuyện tương lai khá rõ ràng: cuối năm nay làm đám hỏi, và xin cho Mai chuyển công tác về đồng bằng, chuyển được xong là cưới luôn. Đám hỏi tổ chức đơn giản nhưng đủ lễ nghi… Long nhờ các bạn đồng đội có tay nghề trang trí nhà tôi thật trang trọng, và lễ vật mang đến đúng phong tục xứ Huế: trầu cau, bánh phu thê, nem chả… Tôi tự nghĩ, đến bây giờ xem như đã là dâu của ba mẹ Long rồi…

* * *

Xe buýt chạy dọc đường Nguyễn Chí Thanh của Phong Điền, song song với đường 1A. Theo dân địa phương nhận xét, mở đường này tốn nhiều công sức, nhưng rút ngắn thời gian Quảng Điền vào Huế và ngược lại. Ký ức của tôi cũng trôi về những bước ngoặt lớn của cuộc đời…

Ban đầu, một người tìm gặp tôi đang nghỉ hè về nhà, tự xưng là Lãnh đạo Huyện đội PL. Sau vài câu xã giao, anh ta đề nghị tôi tác động để Long ngừng chuyện đấu tranh. Tôi không biết nội vụ cụ thể, chỉ nghe họ tuyên bố: cô nói với cậu Long, sinh sự thì sự sinh, nó muốn chuyển cô về Huế, cưới cô thì liệu mà ngậm miệng lại. Tương lai của cô và con cô sau này tùy thuộc vào nó. Nó mà chịu nghe, cái ghế Huyện đội phó sẽ giành cho nó. Khi tôi đến nhà, kể chuyện lại, Long trầm ngâm: Huyện đội, nơi Long công tác, đã và đang xảy ra chuyện động trời. Trước đây, Huyện đội trưởng đã làm thủ tục che chở cho một số thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, nay lại tiếp tục, Long mới phát hiện ra. Họp cơ quan, khi Long nêu vấn đề, Ban Chỉ huy trấn áp, dọa nạt, nên Long định báo cáo lên Tỉnh đội. Tôi dè dặt: Chuyện quan trọng, phe họ có đông người, nếu Long manh động, hậu quả sau này sẽ ảnh hưởng đến Mai, đến gia đình, chẳng phải đầu cũng phải tai. Thôi Long nên bỏ qua đi, việc gì mất công sức để đội đá vá trời, dành sức lo chuyện mình… Ánh mắt Long chợt tối lại, chỉ nói nhát gừng với tôi, tôi mơ hồ cảm thấy, tình cảm giữa Long với tôi bắt đầu rạn nứt. Mà điều tôi quan tâm hiện nay chỉ là việc chuyển công tác về đồng bằng. Tôi nói với Long: không ai chịu lên miền núi công tác thay Mai đâu. Mai chỉ còn cách nộp đơn thi đại học, phải ôn thi cho đậu. Nhưng cả Phòng Giáo dục của Huyện năm nay chỉ có một suất nghỉ ôn thi, Huyện có tới mấy trường học, ngay ở trường của Mai, anh Tính, Hiệu phó chuyên môn cũng xin nghỉ ôn thi, làm sao Mai tranh với Tính được?

Chắc ông Trời đi vắng, để cơ may rơi xuống cho tôi: không hiểu sao, Phòng Giáo dục Huyện gởi công văn về Trường, báo tôi được nghỉ dạy sáu tháng để ôn thi đại học. Tôi dẹp mọi chuyện khác qua một bên, ôn lại kiến thức Toán, Lý, Hóa... Long sắp xếp thời gian đến ôn với tôi ở nhà, vào các chủ nhật. Vốn giỏi Toán Lý hồi phổ thông, thêm mấy năm học sĩ quan, gặp các giáo viên dạy cơ bản tâm huyết nên Long càng có điều kiện trau dồi. Dần dần, tôi nắm hết kiến thức cần thiết để thi, nhưng càng nắm chắc kiến thức, tôi càng nhận thấy Long tuột dần khỏi tay tôi… Tôi có cảm tưởng Long chỉ còn là người bạn tốt, chấm hết!

Tôi trúng tuyển Đại học Sư phạm Toán năm 1983, vậy là muộn mất bảy năm so với lần đầu… Bảy năm để trả giá cho lý lịch nặng nề ngày nào, nhưng phải công nhận, lần thứ hai trúng tuyển không chỉ nhờ khả năng mà còn nhờ lý lịch. Tôi là giáo viên đi học, lý lịch đã chuyển từ Nhóm IV (thuộc gia đình có vướng mắc) sang Nhóm I (bản thân là cán bộ, công nhân viên đi học), với điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn khá nhiều…

Bốn năm đại học trôi qua như một giấc mơ. Tôi tham gia lớp học mà bạn cùng lớp trẻ hơn gần chục tuổi, thậm chí tôi còn hơn tuổi vài giáo viên trẻ, nên được xem như bà chị cả của Lớp. Tôi tham gia toàn tâm, toàn ý vào các môn học, các giáo viên cũng thường nâng đỡ cô sinh viên lớn tuổi chăm học, nên tôi hiểu điểm số các môn học cũng có phần chiếu cố. Thôi, những ưu đãi này xem như bù trừ cho những thiệt thòi trước đây. Tôi bắt đầu nhìn cuộc sống qua cặp kính màu hồng, chỉ trừ một điều... Thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau, Long nhìn tôi thờ ơ như người xa lạ, và tôi cũng có cảm tưởng giữa hai người chưa có một đám hỏi ràng buộc. Nói phải thì củ cải cũng nghe, thế mà củ cải Long cứ lầm lì thì biết làm sao được? Hai bên đã không có tiếng nói chung, tôi nghĩ ràng buộc với nhau chỉ vô ích. Nghe nói Long đã chuyển công tác về Tỉnh đội, rất được ưu ái… Cũng may, ở chỗ cũ chắc khó thoát khỏi búa rìu của Lãnh đạo.

Năm học cuối cùng, tôi hoàn tất trọn vẹn các môn học, còn bảo vệ xong khóa luận là tốt nghiệp (bảo vệ khóa luận bao giờ chẳng tốt?). Tôi xin làm khóa luận tốt nghiệp với thầy Liêm, theo chuyên ngành Giáo học pháp, khá phù hợp với khả năng của tôi, với kinh nghiệm mấy năm giảng dạy ở miền núi, với đối tượng là người dân tộc chậm hiểu. Ngày tôi bảo vệ khóa luận, anh Hùng từ Tây Nguyên có ra Huế dự, còn Long bận hội nghị quân chính ở Hà Nội, chỉ nhờ người mang hoa đến chúc mừng. Tôi vẫn hồi hộp chờ, chuyện giữa Long và mình sẽ kết thúc như thế nào đây? Mọi việc sáng tỏ khi Long gởi cho tôi một lá thư khá dài, đề nghị chia tay vì không hợp tính cách… Dân xứ Huế đều quan niệm đám hỏi gần như là đám cưới rồi, con gái có đám hỏi rồi lại thôi thì chịu nhiều tai tiếng, nhưng theo Long, hậu quả còn đỡ tệ hại hơn nếu cưới nhau rồi bỏ nhau, ảnh hưởng tới con cái nếu có… Cuối cùng, Long xin nhận mọi sai trái về phần mình, vì làm dang dở cuộc đời của Mai…

Tôi tốt nghiệp đại học loại Khá, được ưu tiên chọn nhiệm sở, và tôi chọn nơi xa nhất, tận Biên Hòa. Tôi muốn đi khỏi mảnh đất xứ Huế, đã mang lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm đau xót…

* * *

Quỳnh như ma xó, tôi nghĩ đến là xuất hiện ngay. Xuống xe buýt, đang định tìm người hỏi nhà thì mắt tôi bị hai bàn tay bịt chặt. Nghe tiếng cười khanh khách và giọng nói giả trọ trẹ cho khác: Đố là ai? tôi mỉm cười: Con quỷ Quỳnh. Sao biết tao về mà ra đón? Quỳnh tếu táo: Thấy tao tài không? Định ra chợ mua con gà, gặp đúng mày đang lơ ngơ xuống xe. Thôi theo tao về nhà nghỉ ngơi, sáng mai về Trường dự Hội Lớp. Tuần trước, thằng Quý vẩu ở Sing gởi mấy trăm đô la về, khao Lớp mình liên hoan gặp mặt. Bốn mươi năm rồi, biết có đông đủ không? Gần năm chục đứa, kể cả bọn từ Hàm Nghi chuyển về, tao chỉ mới liên lạc với vài đứa ở Huế thôi. Rồi Quỳnh nhỏ giọng: Chuyện mày với Long kết thúc lâu rồi, hai bên đã yên phận, mày đã hạnh phúc với anh Hội, nhưng tao chưa nghe mày tâm sự. Tối nay, hai đứa nói chuyện nhé. Chồng tao trực cơ quan, càng tiện.

Đêm đó, Quỳnh tra hỏi đủ chuyện, tôi như tội nhân tự giác khai báo. Đến khi tôi kể chuyện gặp cơ may được nghỉ mấy tháng để ôn thi, Quỳnh cười khanh khách: Chẳng có cơ may vô tình nào đâu? Tay Kết, cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục là anh họ chồng tao, hắn biết mày rất rõ. Không biết hồi đi bộ đội, hắn có ân oán gì với Long, mà khi Long nói: nếu Kết giải quyết cho Mai nghỉ ôn thi thì xóa nợ, hắn thực hiện liền… Tôi nhớ lại, khi nghe tôi báo được nghỉ 6 tháng ôn thi, Long im lìm, chỉ lẳng lặng lên kế hoạch ôn tập Toán Lý cho tôi. Quỳnh trầm giọng: Mày biết vợ Long không? Con gái cưng của Tỉnh đội trưởng đó, Long núp bóng cha vợ nên chắc dễ thở hơn hồi ở Huyện đội. Tôi nghẹn giọng. Quỳnh thở dài: Thôi được, sáng mai đến trường dự Hội Lớp, tao sẽ hỏi đến đầu đến đũa. Tao nguyên là Bí thư Chi đoàn Khối 12 mà, nguyên Lớp phó Long phải nể tao chứ. Thôi, ngủ đi… Con bé vô tư thật, mới dứt tiếng đã quay nằm ngang, gác chân lên bụng tôi, bắt đầu ngáy nhè nhẹ.

* * *

Buổi Hội Lớp khá đông, nhưng vẫn thiếu một vài nhân vật: Quý vẩu chủ chi đang ở Sing, một bạn nam đã mất do ung thư, một bạn nữ bận chăm sóc mẹ ốm nặng ở tỉnh xa. Long đang trực chỉ huy bộ đội chống bão Aere gây lụt ở Vinh Thanh, Phú Vang, bạn Thế cao cùng công tác ở Tỉnh đội với Long cho biết. Quỳnh phát pháo: Con rể Tỉnh đội trưởng cũng phải trực chiến chống bão lụt hả? Sao Sếp không ưu tiên cho miễn? Thế phì cười: Sếp nghỉ hưu lâu rồi. Ở Tỉnh đội, ai cũng biết Long Húc (lại biệt danh mới) chuyên lao vào đầu sóng, ngọn gió. Hồi chưa là cha vợ, Sếp đã làm việc với thằng Húc đang ở Huyện đội, ưa ý mới kéo nó về Tỉnh đội chứ. Quỳnh tò mò: Chuyện gì ở Huyện mà Tỉnh phải chen vào? Thế nhỏ giọng, như muốn mọi người chú ý: Chuyện đã lâu, hơn 30 năm rồi. Ở PL, thằng Húc phát hiện Huyện đội làm thủ tục giả mạo cho thanh niên trốn nghĩa vụ, hắn nêu lên thì Huyện đội trưởng chơi trò cả vú lấp miệng em, lôi kéo nhiều người quen biết tác động Húc (tôi chột dạ, nghĩ tới lần gặp chính tay này ở nhà khi nghỉ hè). Húc vẫn cương quyết làm tới, đặt vấn đề lên thấu Tỉnh đội. Sếp dẫn đoàn Thanh tra (có tao) về xử lý. Cuối cùng, Ban Chỉ huy bị cảnh cáo, Huyện đội trưởng chịu kỷ luật ra quân, Tỉnh đội điều thằng Húc về làm Trưởng phòng Kế hoạch. Quỳnh hắng giọng: Chứ không phải Húc chịu kỷ luật phải làm rể Sếp à? Thế cười khì khì: À, chuyện này thú vị lắm. Húc nắm bắt thông tin việc chạy nghĩa vụ của Huyện đội nhờ con bé Hà văn thư hành chính cung cấp, nên búa rìu Huyện đội đổ hết lên đầu Húc và Hà. Đến khi Đoàn Thanh Tra về, Sếp mới cho biết Hà là con gái ổng, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Văn thư, Sếp đã lẳng lặng đưa về Huyện đội để thực tập. Qua chuyện này, Sếp thấy con gái đã trưởng thành, mà còn kén được thằng rể quý. Bây giờ Húc và Hà đã có hai thằng con lớn bộn rồi…

Mọi người vẫn cười nói, riêng tôi lặng lẽ suy ngẫm chuyện ngày xưa. Long đã một thời trân quý tôi, không quản ngại khó khăn để đến với tôi, còn tôi chỉ nghĩ đơn giản, không muốn chia xẻ tính cách thẳng thắn của Long, chỉ muốn yên phận. Cơ duyên trong đời chỉ đến một lần, không biết nắm bắt thì phải để vuột mất. Bây giờ tôi cũng đã có một gia đình êm ấm, chỉ biết cầu mong cho gia đình Long Hà được hạnh phúc.