Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Truyện ngắn 46

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

TRÒ ĐÙA CỦA SỐ PHẬN

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Vợ chồng chúng tôi sửng sốt nghe Quỳnh tâm sự với giọng buồn buồn sau khi chiêu một ngụm nước trà: Ban đầu, nghe chị Phương nhờ, Quỳnh rất vui và tự hào khi hai vợ chồng được mời đi họ nhà trai trong đám cưới con gái anh chị, đặc biệt chồng Quỳnh được lên sân khấu với chị Phương dù chưa có dâu, rể nào. Gia đình đã chuẩn bị áo xống nghiêm chỉnh từ hai tháng trước; bất ngờ, tháng qua, ông anh ruột ở nước ngoài bị đột tử! Anh ấy là anh trai duy nhất, quyền huynh thế phụ, Quỳnh chịu tang một năm, sách gọi là cơ niên, không đi họ được, chồng Quỳnh cũng vậy! Chồng tôi ngồi cạnh, im lặng lắng nghe, rồi lên tiếng hỏi: Anh thắc mắc một chút, ông xã của Quỳnh quen biết chị Phương như thế nào mà có thể thay mặt người cha chú rể quá cố của chú rể, cháu đích tôn dòng họ ở quê vậy? Quỳnh trầm ngâm hồi tưởng lại quá khứ, rồi hắng giọng: Chuyện đã lâu, hơn ba mươi năm trước, từ hồi chú rể chưa ra đời kia, anh muốn hiểu sự tình thì chịu khó nghe em kể lại chi tiết… Tôi cũng tò mò lắng nghe đầu đuôi câu chuyện liên quan đến gia đình thông gia tương lai.

***

Quỳnh đang ngồi cuối xe, sát cửa sổ trên chuyến xe buýt Huế-Ưu Điềm (sáng chủ nhật xe thưa khách, đang tạm ngưng ở ngã ba chợ Mỹ Chánh để vài khách xuống xe) thì thoáng thấy Tú, đồng nghiệp làm việc cùng Phòng: đeo sau lưng chiếc ba lô cũ mèm thường nhật, hắn đang mải miết guồng pédale (chỉ còn hai gọng sắt để đặt chân) của chiếc xe đạp (được nhiều người gọi là xe Hợp chủng quốc vì được lắp ghép đủ loại phụ tùng từ nhiều nước khác nhau) vượt qua cầu Mỹ Chánh, từ xa Quỳnh vẫn nghe rõ tiếng xe kêu (dù không có còi) xòng xọc, Quốc lộ IA chưa tu sửa đoạn này vẫn còn lắm ổ gà, ổ trâu, cả ổ voi. Ngừng suy nghĩ về Tú (hàng ngày đã gặp nhau ở cơ quan, hôm nay tình cờ gặp trên đường, chỉ có Quỳnh chợt thấy hắn, chứ hắn vẫn đang đăm đăm nhìn mặt đường, có gì lạ đâu), Quỳnh dặn lái xe: Đến bến đò Rèn cho tôi xuống, tự nhủ chỉ cần qua đò ngang, đi bộ hơn trăm mét đường đất là đến nhà thờ họ rồi. Hôm nay là ngày giỗ bà nội, ba mẹ còn đang công tác ở Hà Nội, uỷ nhiệm Quỳnh thay mặt gia đình (anh trai còn đi học xa), đem mấy thứ về thắp hương, và thăm chị Phương, chị con cô của Quỳnh. Chị đã lập gia đình với anh Dương cùng làng (nhà chồng gần nhà thờ họ), rồi cùng vào dạy học trong Quảng Nam; tháng trước nghe báo anh được chẩn đoán bị mắc ung thư xương, chuyển về bệnh viện Đà Nẵng chạy chữa đủ cách (kể cả tháo hẳn khớp chân phải) mà vô vọng, được Bệnh viện trả về nhà, cho ăn tiêu chuẩn tự do… Chị Phương khi đó mới có thai hai tháng, xin cơ quan nghỉ hậu sản sớm, kết hợp chăm sóc chồng vào những ngày cuối đời, chắc khó khăn lắm…

Vào nhà cha mẹ chồng chị Phương, Quỳnh bàng hoàng nhận ra anh Dương nhờ đôi mắt, vẫn sáng tinh anh trên thân thể ốm o, gầy guộc, đắp một tấm chăn chiên từ bụng (dù trời đang nắng, chắc để che phần chân đã cắt cụt), nằm ở chái Thổ Công của căn nhà ba gian nhỏ hẹp (theo lời bác Liên, mẹ anh kể lại, ba tháng hè năm trước, anh đã gánh mấy trăm gánh đất từ thửa ruộng trước nhà để san bằng, nâng nền nhà lên mười phân, tránh lụt sông Ô Lâu hàng năm). Quỳnh nhớ hình ảnh đám cưới hai năm trước, cũng tổ chức ở đây, trong sân che rạp trước nhà này, chị Phương và anh luôn vui vẻ, hạnh phúc chào đón khách đến dự tiệc; hồi đó trông anh cao lớn, khỏe mạnh (cầu thủ bóng chuyền của xã mà), mới có mấy năm mà hình dáng đã thay đổi quá nhiều do tật bệnh. Chị Phương tâm sự: cả gia đình đều hiểu phong lao cổ lại, tứ chứng nan y, thôi thì Trời kêu ai nấy dạ, cầu mong anh đủ sức chống chọi đến ngày con chào đời, tức là phải phải gần bảy tháng nữa. Nói chung, anh vẫn tỉnh táo, ăn mỗi bữa được một bát cơm, chỉ khi nào cơn đau ập đến, thường là vài ba ngày một lần, lúc chiều tối, anh mới la hét, chửi rủa, thậm chí văng tục, dù trước đây có tiếng là người nho nhã. Có người đề nghị tìm morphine tiêm cho anh dịu bớt cơn đau (ba anh trước đây là y tá nên biết tiêm bắp hay tiêm ven), anh kiên quyết từ chối thứ thuốc gây nghiện đó, dính vào thì liều lượng ngày càng phải tăng thêm, tốn tiền mà chỉ kéo dài cuộc sống đau khổ chứ không dứt bệnh được. Quỳnh ngậm ngùi ép chị Phương nhận chiếc phong bì vỏn vẹn ba trăm đồng, lương tháng vừa nhận cộng với tiền Mẹ đưa chỉ được chừng đó. Trước khi ra về, Quỳnh bàng hoàng nhận ra Tú, tên đồng nghiệp cùng Phòng, đang ngồi bên giường bệnh, cầm tay anh, nói chuyện với anh Thành, bác sĩ Bệnh viện Huyện, Quỳnh chỉ nghe được loáng thoáng … biệt dược… mua ngoài… Hóa ra hôm nay Tú cũng tìm đến đây, nhưng đạp xe theo đường làng, còn Quỳnh đi xe buýt về bên kia sông. Chị Phương cười buồn, cho hay khi Quỳnh hỏi chuyện: Tú là bạn thân, cùng học lớp đại học với anh Dương trong Huế, được gán bí danh Tú-nồi-ciment, vì hồi dự đám cưới cặp Dương-Phương, đã chở chiếc nồi đất đúc xi-măng trong thùng tôn từ Huế ra làm quà cưới (thời đó, quà đám cưới thường là vật dụng trong nhà – Quỳnh nhớ mình thay mặt gia đình đã mừng chiếc phích Trung quốc hai lít), mọi người cười to khi thấy cái nồi, chắc dự định trong tương lai sẽ lấy than cho bà đẻ sưởi ấm, nay nồi còn đó, mà cháu còn mấy tháng nữa mới chào đời, không biết có trông thấy mặt cha được không? Hồi anh Dương được chuyển từ Quảng Nam ra Đà Nẵng để can thiệp tháo khớp, Tú đã đến thăm bạn một lần, giờ Dương về quê chờ ngày ra đi, Tú lại đạp xe ra thăm lần nữa. Chị Phương lại sụt sùi khóc, Quỳnh an ủi đến nghẹn lời, lát sau lại xin kiếu vì đã đến giờ hẹn xe buýt Ưu Điềm ở bến đò bên kia sông để trở vào Huế…

Hàng ngày, Quỳnh làm việc chuyên môn ở Bệnh viện một buổi, một buổi làm hành chính ở Phòng đào tạo, nên khá bận rộn. Dòng thác công việc ở cơ quan cứ cuốn Quỳnh đi, nhiều khi quên cả mọi việc ở làng. Năm nay Trường tuyển sinh khá đông, chỉ tiêu Bộ Y Tế cho phép tuyển vào hai trăm sinh viên, mà hồ sơ dự tuyển nhận được lên đến hơn bốn ngàn. Người ngoại cuộc thường đánh giá khá đơn giản: mức độ khó khăn tùy thuộc tỷ lệ chọi, nếu thi mười chọn một thì cần vượt chín người là đủ, chứ thật ra còn ở số lượng thí sinh, thi 2000 chọn 200 thì cần vượt qua đến 1800 đối thủ lận. Với quy luật phổ biến Nhất Y, nhì Dược, đương nhiên thi tuyển vào Đại học Y là chuyện sinh tử rồi. Bác Thanh Viện phó (Trường và Bệnh viện nhập thành Học viện), tuy thuộc biên chế Bệnh Viện, được phân công phụ trách Tổ chức nên theo dõi rất sát hoạt động Tuyển sinh bên Trường. Con gái Bác là bạn học của Quỳnh, nên Bác dặn dò Quỳnh cẩn thận như con cháu trong nhà: Yêu cầu cao nhất của Tuyển sinh là tính công bằng. Ở Phòng Đào tạo, cháu chú ý ngăn chận các biểu hiện tiêu cực như quay cóp, chỉ bảo nhau trong phòng thi…, tệ hơn nữa là tìm cách tuồn đề thi ra ngoài để người khác giải. Quỳnh gật đầu: Dạ, cháu xin nghe, nhưng Bác yên tâm, ngoài Lãnh đạo Trường, Phòng của cháu còn có những cán bộ trẻ xông xáo, như anh Tú… Trả lời Quỳnh là cái bĩu môi: Thằng đó cũng là đối tượng đáng chú ý… Nội chuyện dạy thêm Toán ở lò luyện thi TĐ đã đủ kết luận rồi… Thật ra, như nhiều cán bộ khác trong Trường, lương và phụ cấp hàng tháng của anh Tú cũng chỉ đủ để chi dùng nhiều lắm mươi ngày, trừ phi được gia đình bao luôn ăn ở (như Quỳnh và vài người khác). Quỳnh biết, thu nhập bổ sung của anh Tú ở lò luyện thi chỉ khiêm tốn như TĐ ngang mức lương nhà nước hàng tháng, riêng những lò luyện lớn (hàng trăm học sinh, ngồi trong lớp chỉ loáng thoáng thấy mặt giáo viên, giảng dạy thường theo kiểu coiloirement - qua loa, hiểu theo cả hai nghĩa) mới đáng để chú ý. Rồi Quỳnh lẩn thẩn tự nghĩ, nếu nghi ngờ sự chính đáng của các lò luyện thi, vì sao Nhà nước không quy định cấm tuyệt mở lò luyện? Phải chăng giáo viên vẫn không thể sống chỉ dựa vào lương, như lời tuyên bố của một lãnh đạo ngành giáo dục, đã gây tranh cãi xôn xao trong ngành? Đúng là vấn nạn của ngành giáo dục… Rồi các sự cố lần lượt ập đến thật bất ngờ, gần như dự đoán mà bác Thanh đã tiên lượng… Khốn khổ thay, đối tượng mà Công An ngành Văn hóa chĩa mũi dùi vào lại là anh Tú, người mà Quỳnh dành nhiều thiện cảm, từ sau lời kể của chị Phương.

Theo lời tường thuật của anh Thường, cán bộ công an Thành phố đặc trách khối Học viện - Nhà trường báo cho bác Thanh: theo quần chúng báo lại, đúng quy luật mỗi người dân là một chiến sĩ công an, sáng thứ tư, ngày 5 tháng 7 vừa rồi, một nhóm vài người, trong đó có anh Tú, đã bán lấy tiền bài giải môn Toán thi vào Trường cho rất nhiều phụ huynh đang chờ đón thí sinh ở quanh quẩn ba điểm thi Đại học Y khoa, Trung học Y tế, Tiểu học Vĩnh Ninh: bài giải được in trên ba trang giấy A4 bằng chữ đánh máy, in ronéo, đóng agraphe thành từng tập 2 tờ. Mấy hôm sau, Công An Thành phố đã mời anh Tú đến làm tường thuật, anh thản nhiên khẳng định hành vi của mình, viết rõ trên bản tường thuật theo yêu cầu (bác Thanh có đưa cho Quỳnh xem photocopy bản tường thuật, do bên Công An chuyển giao): trưa 04/07, anh (được nghỉ tham gia tuyển sinh đại học để chuẩn bị ra Hà Nội thi tuyển nghiên cứu sinh ở Viện Toán) đã đến Trường, xin đề thi môn Toán (môn thi thứ nhất) của một thí sinh vừa thi xong ra về, ăn cơm xong là bắt tay vào giải đề thi thật chi tiết, rồi dùng bàn máy chữ Remington đánh lại bài giải (khá vất vả với những công thức Toán) trên ba tờ stencil Gestetner, và đem đến đưa cho người bạn (đã hẹn trước) nhận in ngay trong chiều hôm đó (trong khi thí sinh đang thi Sinh, môn thứ hai). Sáng hôm sau, anh đến nhận sớm mấy trăm bản, đóng agraphe và cùng một số anh em thân thiết bán lại cho các phụ huynh đang chờ con em mình thi Hóa, môn thứ ba. Dĩ nhiên, phụ huynh nào cũng sẳn sàng bỏ ra hai đồng bạc (chỉ bằng giá ba điếu thuốc lẻ) để mua bài giải khá chi tiết, cho con em mình tham khảo, thậm chí có người còn nhận xét: Lãnh đạo Nhà trường (?) cho cán bộ chuyên môn phổ biến bài giải chu đáo thế này, thí sinh có thi đỗ hay không cũng thấy thỏa dạ. Trả lời câu chất vấn của anh Thường: Anh có tự thấy mình vi phạm pháp luật không? anh Tú nhún vai: Tôi hoàn toàn theo đúng pháp luật, chỉ có đặc biệt là bán phá giá so với Bộ môn Toán trường QH.

***

(Nghe đến đây, chồng tôi xen vào: Ngay bây giờ, thực hiện chính sách thi tốt nghiệp 3 trong 1, Bộ Giáo dục – Đào tạo còn cho đăng đáp án sau mỗi buổi thi, phổ biến trên báo chí toàn quốc kia! Tôi quay lại, gắt nhỏ: Thì cứ lặng yên nghe Quỳnh kể tiếp đã! Chồng tôi rất ngoan, im bặt ngay. Quỳnh mỉm cười, kể tiếp).

***

… Điều tra kỹ hơn, Công An Thành phố mới phát hiện: mùa tuyển sinh năm trước, được Lãnh đạo Nhà trường đồng ý, Bộ môn Toán Trường chuyên QH đã phân công các thành viên làm công việc tương tự, mỗi người giải một câu của đề thi xin được, thuê người đánh máy rồi cho in roneo, bán ra ngoài cho phụ huynh thí sinh, giá bán bài giải bằng cả bao thuốc ngoại, nghĩa là đắt hơn rất nhiều lần so với giá bài giải anh Tú bán năm nay. Năm nay, cũng theo cách làm hợp pháp đó, anh Tú đã tự thân vận động, tự giải đề, tự đánh máy, thiếu điều tự đứng ra in (hình như kỹ thuật đương thời có tên gọi xê len, chỉ có dân trong ngành in mới thực hiện được). Đúng quy luật năng chuyến hơn khẳm đò, dù giá thành bài giải bán ra khá thấp nhưng nhờ tung ra sớm, đúng thời điểm nên bán được được số lượng lớn, nghe nói sau khi trừ công in, công nhờ bán hàng, anh Tú kiếm được hơn ngàn đồng, tính ra hơn nửa chỉ vàng, tương đương năm lần lương cán bộ trung cấp hồi đó. Cũng theo thông tin từ Công an Thành phố, một tuần sau ngày tuyển sinh đầy sự cố đó, Công An theo dõi, thấy anh Tú có lùng mua ở chợ Đông Ba hộp thuốc 10 ống Dolargan, loại biệt dược Pethidine Hydrochloride chống nhiễm trùng, khá hiếm gặp (ngay ở Bệnh viện Trung ương Huế cũng khó tìm ra), có lẽ là hàng xách tay mang từ nước ngoài về. Mọi nghi ngờ lại chuyển sang lĩnh vực hoạt động chính trị, nhưng lâu nay địa phương không có biến động nào dẫn đến chiến sự dù nhỏ, nên sự kiện này chỉ giữ lại trong hồ sơ lưu trữ của Công An Thành phố. Riêng Quỳnh chỉ suy nghĩ, anh Tú lao tâm, khổ tứ như vừa rồi để làm gì, phải chăng chỉ để tăng thêm chút thu nhập để tích lũy? Vợ con chưa có, cha mẹ chưa già yếu lắm phải phụng dưỡng, có vẻ anh Tú đã sớm lo toan chuyện kinh tế rồi. Những thiện cảm ban đầu dần tan biến.

Hai tháng sau…

Chị Phương gọi điện đến nhà Quỳnh, hẹn có thể trong tuần sau sẽ nhập viện, thai đã được 39 tuần rồi, theo dõi phát triển tốt như dự kiến. Khả năng khoảng trong tuần sau, cháu sẽ chào đời. Chị đang tạm trú ở nhà người quen gần Bệnh viện Trung Ương Huế, nhờ Quỳnh theo dõi thường xuyên, sẽ báo tin khi trở dạ, nhập viện, có thể nhờ Quỳnh khi phải can thiệp. Tội nghiệp, chồng chị mất tháng trước, sau khi được cha tiêm hết 9 ống Dolargan - anh Tú đã tìm mua đâu đó trong Huế rồi đạp xe mang ra, (theo gợi ý của bác sĩ Thanh, cứ 72 giờ tiêm một ống hoặc khi đau quá sức chịu đựng), hỏi giá bao nhiêu thì anh chỉ mỉm cười, lắc đầu không nói, chắc không rẻ vì gia đình điện thoại hỏi các bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng ở Huế đều không tìm được. Thời gian đầu, sau mỗi lần tiêm, cơn đau giảm rõ rệt, gia dình khấp khởi hy vọng. Anh Tú bảo nếu hết thuốc cứ báo vào, anh sẽ nhờ chạy tìm tiếp và gởi ra, hy vọng kéo được đến ngày Dương thấy mặt con. Một ngày sau khi tiêm xong 8 ống, anh Dương lên cơn đau quằn quại rồi lịm dần, chắc khi đó đã lực tàn, sức kiệt, ba anh Dương tiêm tiếp ống nữa cũng chẳng hiệu quả gì. Anh Tú đang bận đi học minimum Ngoại ngữ đã đăng ký ở Hà Nội nên không về dự Lễ Nhập Liệm của anh Dương, chỉ nhắn tin, gia đình khỏi trả ống thuốc còn lưa lại, cứ chôn theo anh Dương. Cha anh Dương đã gói kỹ ống thuốc cuối cùng, định đưa vào quan tài khi nhập liệm, sau đó theo lời khuyên (chắc vì kiêng cữ), chỉ đặt cạnh năm lọ ngũ cốc rồi phủ tấm triệu lên, khi hạ khoán

Buổi sáng chị Phương trở dạ, mẹ anh Dương đã thuê xích lô đưa chị vào khoa Sản phụ từ sớm, rồi nhờ người đạp xe đến báo cho Quỳnh rồi anh Tú. Quỳnh khoác vội áo blouse, vào Phòng Sinh, thao tác chuyên môn giúp chị sinh nở bình thường, cháu trai khá nặng, không tã lót đã gần bốn cân, nhưng chị Phương, nhờ vòng hông hẹp đã vượt cạn không cần can thiệp; về mặt tinh thần, có thể những sự cố vừa qua đã giúp chị đủ nghị lực vượt qua những khó khăn, đau đớn về thể chất. Hôm đó, ngẫu nhiên, anh Tú trở thành chìa khóa mở kho cười: khi nghe cô y tá yêu cầu Người nhà của sản phụ Phương, mua bông gòn cho sản phụ, anh chạy bay đi, năm phút sau quay về với ba hộp bông gòn to tướng làm mọi người phì cười, anh lúng túng phân bua: họ bán một hộp ba đồng ba, mà tôi chỉ cầm tờ mười đồng… Quỳnh nhìn gương mặt nghệt ra của anh thấy tồi tội, mọi người cười rũ rượi, trêu sao không mua đủ mười hộp, chắc họ đều nghĩ anh lần đầu làm bố…

Đến ngày chị Phương xuất viện, Quỳnh bận làm giấy tờ thủ tục xuất viện, dặn anh Tú sang mua 2 vé xe ra Quảng Trị cho chị Phương và bà nội cháu, đi xe chỉ cần che kỹ, kín gió cho hai mẹ con, xuống ngay chợ Mỹ Chánh vì nhà ngoại ở ngay chợ. Nửa giờ sau anh quay lại với một anh chàng lạ hoắc, nghe gọi tên là Trung: hầu hết các tài xế xe buýt đều mê tín, không nhận chở sản phụ, chỉ có một ông người Bắc thường nhận chở, thì hôm đó đã chạy tài 1, đã xuất phát hồi 6 giờ sáng rồi. Có bệnh thì vái tứ phương, anh Tú hỏi mãi thì gặp anh Trung, bạn đồng đội cũ đang hành nghề đạp xích lô: anh Trung đồng ý chở sản phụ, cháu nhỏ và bà nội ra Mỹ Chánh với giá thỏa thuận (chắc không mềm chút nào), chỉ ngại đường xa, đoạn nào mệt thì xin nghỉ mươi phút. Anh Tú đồng ý, hẹn khi vào không chở ai, sẽ đổi tài, nhận đạp xích lô, nhường xe đạp cho anh Trung đi cho nhẹ… Cuối buổi chiều, Quỳnh ngồi ở quán chè ở cuối đường Thái Phiên, ngay Cửa Chánh Tây, thấy rõ anh Tú nặng nhọc đạp chiếc xích lô trên đường Lê Duẩn, tấm thân bồ tượng trên bảy chục cân uốn éo theo nhịp pédale xích lô trong đến tội, không ra dáng cán bộ trường đại học chút nào. Đúng là trăm hay không bằng tay quen, à mà ở đây là chân quen chứ…

Ngày đầy tháng cháu, Quỳnh được mời ra dự ở nhà ông bà ngoại, nghe nói ông bà nội muốn đem cháu về bên nhà nội để tổ chức thật long trọng nhưng chị Phương mới sinh dậy, còn yếu ớt, cháu chưa được cứng cáp mấy nên miễn cưỡng tổ chức ở nhà ngoại. Trong buổi tiệc mừng cẩm tháng, ông bà nội chắc đã hội ý trước, tuyên bố cho cháu nhận anh Tú làm cha đỡ đầu. Để đáp lại, anh Tú (đã ra từ sáng sớm) cũng xin phép nhận ông bà nội cháu là cha mẹ đỡ đầu, Quỳnh nghĩ chắc để tránh tiếng cho chị Phương. Khi Quỳnh nói suy nghĩ này với bà nội cháu, bà trầm ngâm rôi nhỏ giọng: hồi thằng Dương còn sống, tôi nghe rõ ràng nó nói với Tú: tao nhờ mày thay tao chăm sóc cho Phương và con tao, nó vào học được Y khoa thì quá tốt, chỉ thấy cháu Tú gật đầu nhận lời, mà chắc không nghĩ đến ý nghĩa sâu xa, con có cha như nhà có nóc, nếu cháu có cha dượng thương cả hai mẹ con nó thì còn gì hơn nữa? Tôi gật gù đồng ý, chị Phương vẫn còn son rỗi, gái một con mà hình thức vẫn như thiếu nữ mới lớn, nếu hai mẹ con có anh Tú làm chỗ dựa vững chãi thì còn gì hay hơn?

***

Chồng tôi lắng nghe từ đầu đến cuối, mỉm cười: Anh xin hỏi, chồng em bây giờ có phải tên là Tú không? Quỳnh đỏ mặt, ấp úng: Bên nhà nội cháu đã bật đèn xanh cho em rồi, chị Phương xem chừng rất có thiện cảm với anh Tú, nhưng quan trọng nhất là anh ấy, không biết ý tứ ra sao? Một lần, em đánh bạo đề cập với anh Tú, thì anh đã xua tay, ngắt lời: Các cụ đã dạy, có ba mối quan hệ nên tránh khi xây dựng tình cảm, để tránh những phiền lụy kéo theo theo: con thầy, vợ bạn, gái cơ quan… Em gượng gạo: Anh cũng cổ hủ như lời các cụ à? Anh Tú mỉm cười: Tôi mới cố tránh được vế thứ hai là vợ bạn, còn vế thứ ba (em giật mình, thấy anh đang cầm tay mình) tôi phải nói thêm với Quỳnh: Quân sư giúp bắn không trúng đích phải đền đạn đấy nhé! Rồi Ba Mẹ em lần đầu tiếp xúc với anh Tú đã có thiện cảm ngay. Thế là…

Chồng tôi cười dòn: Thế là rõ rồi! Anh Tú đã theo sách: Mía ngọt đánh cả cụm! Tránh cô chị, ta rị cô em… Tôi ngắt lời: Thôi đừng tán nhảm nữa! Vợ chồng Quỳnh đã kiêng không đi họ, nhưng chồng Quỳnh vẫn là cha đỡ đầu của rể nhà này! Nó học ngành Điện tử - Viễn Thông, lấy con nhà này là bác sĩ y khoa, đã phần nào thỏa mãn nguyện vọng của cha rồi! Hai vợ chồng nhớ ra tiệc mừng ở Nhà hàng nhé, sẽ dành hai chỗ ngồi trang trọng ở bàn Nhà Trai cho hai vị!