Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

Truyện ngắn 49

 

ÔNG DƯỢNG VÀ BỐ GIÀ

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Khi đọc tiêu đề của mẩu tâm sự ngắn ngủi này, xin mọi người chú ý đến dấu sắc trong từ BỐ, tránh nhầm lẫn thành dấu huyền ra chữ BỒ tối kỵ: tôi là con gái vừa trưởng tràng, vừa út ít của Ba Mẹ, hồi học phổ thông đã dự thi Nữ Sinh Thanh Lịch (và vinh dự đạt giải ba) ở ngôi trường nổi tiếng đất cố đô, sau ngày thống nhất đất nước đã đổi tên từ một nhà vua triều Nguyễn thành nữ vương anh hùng đất Việt…

Gia đình bên Ngoại tôi vốn hiếu học: ông Ngoại, một cụ đồ nho (như trong thơ của Vũ Đình Liên) cùng bà ngoại (chỉ biết tề gia - nội trợ) nhắc nhau nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm, tiết kiệm để nuôi con cái ăn học đến đại học, vào thời kỳ xã hội đang khuyến khích phổ cập tiểu học. Mẹ tôi là chị, học ngành Kinh Tế, được bổ nhiệm làm kế toán, và thăng dần thành kế toán trưởng Công ty Dược phẩm Thành phố; cậu út Tuân, chỉ ba năm sau khi học xong sư phạm Toán, vừa dạy phổ thông vừa học thạc sĩ, được trường QH danh giá tin tưởng, phân công dạy lớp Toán chuyên… Học theo ông bà ngoại, Mẹ luôn khuyên tôi: Người ta hay nói: Con gái có thì, nhưng Mẹ muốn con tập trung cho việc học, ít ra là bằng Mẹ, rồi mới tính chuyện hôn nhân. Do đó, Nhà ngoại - dĩ nhiên cả Mẹ, xem từ BỒ là cấm kỵ đối với tôi, tuổi đã hơn 18… Về chuyện này, quan niệm của nhà Nội, đúng ra là của Ba tôi (ông Nội mất sớm, mấy đời rồi đều độc đinh), lại hoàn toàn trái ngược, theo Mẹ nhận xét. Ngày tôi chào đời, sinh khó phải can thiệp, bác sĩ bảo về sau, khả năng Mẹ có thai rất thấp, Ba định đặt tên con là Hùng Anh cho có vẻ con trai, Mẹ phải nói mãi để đổi tên Hùng thành Quỳnh… Năm tôi lên sáu – vừa vào lớp một, Ba đã mấy lần bị bạn bè dè bỉu vai trò ông ngoại muôn năm, đã thuyết phục Mẹ cho tôi cắt tóc demi-garçon, mặc trang phục áo chemise, quần short, giày bata như con trai, thậm chí đăng ký cho tôi gia nhập môn phái Vạn An để trau dồi võ thuật; tóm lại, Ba muốn tạo tôi thành hình tượng một trượng phu tóc dài. Đôi lúc nhìn khung ảnh lộng kính, chụp tôi còn hỉ mũi chưa sạch, xúng xính trong bộ võ phục đen tuyền, trang trọng treo trên tường, bên cạnh ảnh của Ông Bà Nội và Ba Mẹ ngày cưới, tôi nghĩ mình là cô công chúa, sống trong lâu đài hạnh phúc mà không phải ai cũng có... Theo nhiều người nhận xét, tôi có tính cách nam giới, rất mạnh mẽ, quyết liệt, hễ bọn con trai cùng lứa khiêu khích là xắn tay áo xông vào, ục nhau ngay. Thình thoảng, tôi tâm sự với Ba Mẹ: Phải gì nhà mình có thêm đứa em trai nữa là đủ tiêu chuẩn điểm mười, Ba Mẹ nhỉ!

Từ tuổi 15, Ba rất gắn bó với tôi, theo thông lệ các buổi sáng trước khi đi làm hay rủ tôi chạy bộ mấy vòng, qua hai chiếc cầu vắt ngang sông,  rồi về ăn sáng ở quán điểm tâm – giải khát Trâm cạnh Cercle nautique, theo công thức tô-ly-điếu; tôi thường nhanh chóng thanh toán tô bún giò, ly bạc xỉu, trừ điếu thuốc lá Marlboro là nhường lại cho Ba. Sang 16, thỉnh thoảng tôi còn được Ba kéo đi cùng, đến  các buổi liên hoan để phá mồi, ở đó bạn bè trong Đội Xe của Ba thường ngâm thơ, không biết chép của ai: Cháu là con gái Trời cho đẹp, Tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi! và đòi gởi rượu bia (thay vì gởi gạo) cho cô con gái rượu của Ba. Ba hay chép miệng: Con gái là con người ta, lớn mau đi cho Ba gả chồng, Ba sẽ nhận rể làm con trai… Mẹ chỉ ủng hộ các hoạt động thể chất, bảo vận động càng khỏe người, hay nhắc tránh ăn nhậu nhiều, chỉ bắt đầu lên tiếng phản đối Nó là con gái mà! trong buổi tiệc sinh nhật ở tuổi 17 tổ chức ở nhà, Ba nghe các chú trong Đội Xe của Công ty Vận Tải, bảo nam vô tửu như kỳ vô phong, ép tôi uống một chén mắt trâu quốc lủi… Quả thật, các thứ rượu nhẹ, rượu mùi… tôi còn ngửi thấy mùi thơm, nhắp môi thấy nhẹ nhàng lâng lâng, chứ quốc lủi đưa đến gần mũi đã muốn sặc... Từ đó, tôi gần gũi với Mẹ và nhà Ngoại hơn với Ba, khi cậu Út xem như cuốn từ điển sống về Toán, môn học mà tôi rất ngại suốt mấy năm phổ thông, Mẹ thường chăm sóc và hỗ trợ tôi giải quyết những vấn đề thuần túy phụ nữ, ngay Giải ba Nữ Sinh Thanh Lịch của tôi cũng nhờ công sức tư vấn của Mẹ khá nhiều…

Sau khi nhận giấy báo tốt nghiệp trung học phổ thông, ngày tôi chuẩn bị xong hồ sơ nộp để thi vào khoa Anh trường đại học ngoại ngữ, cũng là ngày mà tôi đối diện một sự kiện quá quan trọng, mới nghe tưởng là tin vui, sau nghĩ kỹ, tôi mới thấy chẳng vui chút nào... Sáng đó, chạy vận động buổi sáng xong, tôi vào quán Trâm với Ba; ăn xong tô bún bò giò heo, đang nhâm nhi ly bạc xỉu pha kiểu Saigon, tôi nghe giọng Ba trầm trầm: Ba báo với con một tin vui: tháng sáu qua, nhà mình đã đạt tiêu chuẩn điểm 10 mà con mơ ước từ nhỏ… Tôi tròn xoe mắt, mở to miệng nghe Ba nói tiếp, giọng hơi ngập ngừng: … Con đã có em trai, tên em là Zil, con gọi là Jean cũng được. Tôi ngớ người, nhớ lại hồi tháng sáu, Mẹ cùng cô Hằng, Giám đốc Công ty vào Khánh Hòa một tuần để họp với Tổng Công ty, sinh em đâu mà nhanh thế? Tôi vừa ấp úng: Nhưng Mẹ…, đã nghe Ba nói nhanh: Mẹ chưa biết đâu, Ba báo cho con trước, rồi chiều nay Bà Nội sẽ nói với Mẹ, thế là họ Huỳnh nhà mình có cháu trai nối dõi rồi! Mẹ của Zil là dì An, bạn học cũ của Mẹ, thỉnh thoảng con có gặp đó! Bàng hoàng như bị sét đánh ngang tai, ly bạc xỉu ngọt ngào trở nên đắng ngắt khi tôi nghĩ: cậu em Zil bắt đầu chen vào giữa tôi và Ba Mẹ, đằng sau nó là dì Thiên An quen thuộc, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt lá dăm sắc sảo bỗng trở nên lạnh lẽo như của bà dì ghẻ, mụ phù thủy trong các truyện cổ tích…

Chiều hôm đó, bà Nội  đến nhà, đuổi tôi lên gác học bài, rồi rì rầm nói chuyện với Mẹ, tôi chỉ nghe loáng thoáng mấy tiếng vọng qua khe ván gỗ của sàn gác: … cháu trai chống gậy… nối dõi tông đường… khai sinh cho cháu nội… Nhìn qua khe gỗ, tôi thấy Mẹ lẳng lặng nghe, không nói một tiếng, giữ thái độ câm lặng suốt thời gian dài bà Nội nói, đến cuối buổi lấy tờ giấy trắng rồi ký tên phía dưới, thật dứt khoát rồi đưa cho Ba và Bà Nội. Tôi biết sau đó, Ba đã vận động Tòa Án thực hiên nhanh thủ tục ly hôn với Mẹ, để hợp lý hóa khai sinh cho Zil, rồi Ba cũng báo cho tôi, xem như đã báo với Mẹ: Ba sắp đi công tác liên tục thường xuyên, nên đến ở hẳn trong Khu tập thể Đội Xe - hay một nơi khác, tôi không rõ. Đến cuối tháng, khi tình cờ cầm bản sơ yếu lý lịch tự khai trong hồ sơ ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn 12A, thấy tôi viết về phần cha: Huỳnh Hữu Tuệ (đã chết), Mẹ bật khóc rồi ôm tôi, ngậm ngùi nói với giọng đứt đoạn: Bây giờ, chỉ có con là hiểu Mẹ… Thật tình, với Mẹ, ba Tuệ không còn tồn tại nữa. Tôi hiểu nỗi lòng của Mẹ, và trong thâm tâm, không muốn nhắc đến từ BA quen thuộc ngày nào, mà quyết định chuyển sang cách xưng hô mới, đầy mỉa mai, khi đã trót gọi người bạn học quý báu của Mẹ là dì An: dượng Tuệ.

Câu nói Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai không hiểu sao lại hiệu nghiệm với tôi đến như thế. Đang nẫu ruột vì chuyện dượng Tuệ nửa đường đứt gánh với gia đình, tôi càng xuống tinh thần, định bỏ học luôn khi lại nghe cậu út Tuân báo với Mẹ, em đã có giấy gọi đi học tiến sĩ ở Pháp, dự kiến trong ba năm. Cuốn từ điển sống về Toán chuẩn bị biến mất, chắc tôi bỏ thi đại học thật… Thấy tôi ngã lòng, cậu động viên: yên tâm đi, cháu đã có kiến thức căn bản, chỉ cần quyết tâm; cậu sẽ nhờ bạn thân của cậu, thay cậu kèm Toán cho cháu, chỉ vài ba tuần là OK; hồi học sư phạm, cậu Trung là bộ đội chuyển ngành, nhưng học ngang ngửa với cậu đó! Yên dạ phần nào với lời cậu út, tôi bắt đầu ôn tập dần hai môn Anh ngữ và Văn – Tiếng Việt, chờ tập trung đầu óc để luyện môn Toán với thầy Trung…

Thầy Trung ban đầu chỉ đơn giản tự giới thiệu là bạn học cũ của Tuân - cậu út tôi, nhưng đã khai sáng đầu óc vốn mù mờ về môn Toán của tôi rất nhiều: những kiến thức cơ bản khá hỗn độn, dung nạp từ cậu út, được hệ thống lại một cách logic, thật sáng sủa, rõ ràng, tôi có thể mạnh dạn tự hỏi Thế thì môn Toán phổ thông có gì phức tạp đâu? Có điều, tôi phải động não rất nhiều trong mỗi buổi học với thầy Trung, mỗi tuần học đúng ba buổi chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy (là những buổi chiều thầy rỗi việc), mỗi buổi 2 tiết, học xong buổi nào tôi thấy phấn khởi, nhưng cũng mệt phờ người... Không biết thầy công tác ở đâu? Có lần đang buổi học, điện thoại bàn reo, tôi nghe thấy giọng nam giới Bắc kỳ, chắc khá lớn tuổi, rất trịnh trọng: Xin lỗi, có phải số … không, tôi là Hữu, xin được gặp thầy Trung… nên tôi đoán công việc của thầy có ít nhiều liên quan đến giáo dục… Đến ngày thi, Mẹ bận họp sơ kết quý, (dương Tuệ báo đang nghỉ phép, đi du lịch ở Phú Quốc với mẹ con cu Zil), thầy nhận chở tôi đi và đón về cả 3 buổi thi, mỉm cười nói khi Mẹ sợ phiền thầy: Vía tôi nhẹ lắm, hy vọng cháu sẽ đậu…

Một tháng sau, trường đại học báo kết quả thi tuyển, tôi phấn khởi mang giấy báo trúng tuyển vào ngành Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ khoe với Mẹ, ông bà Ngoại, và thầy Trung (khi đó đang ngồi đánh cờ tướng với ông Ngoại, hai người trước đó đã nhanh chóng kết bạn vong niên), ông Ngoại xoa đầu tôi, khen giỏi, còn thầy chỉ cười: Thầy hy vọng cháu được 9 điểm Toán kia. Tôi chụp ảnh giấy báo gởi qua mail cho cậu Út. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định photocopy tờ giấy báo, bỏ vào phong bì gởi bưu điện đến: ông Huỳnh Hữu Tuệ, Đội Xe Cơ Giới, Công ty Vận tải…: theo huyết thống, dượng cũng là người sinh thành ra tôi, thỉnh thoảng có hỏi thăm tôi về việc học…

Năm đầu tiên học ở ngôi trường mới vừa tách ra từ mấy khoa chuyên ngữ trường đại học sư phạm, qua vài lần sinh hoạt lớp, biết điểm Toán  khi thi tuyển (được 8.5 – là công kèm cặp của cậu út và thầy Trung, hơn cả nửa số điểm chuẩn 16.5 mà tôi đạt vừa đúng) và khả năng kế toán đã học được từ Mẹ, các bạn trong lớp tín nhiệm bầu tôi vào Ban Cán Sự, phụ trách đời sống. Mẹ nghe thuật chuyện, không vui lắm khi muốn tôi tập trung cho học tập chuyên môn. Ngược lại, dượng Tuệ - suốt ngày cầm tay volant chiếc Zil ba cầu, không quan tâm mấy đến việc học tập, chỉ nói lửng lơ, chắc lấy thông tin từ mấy ông bạn nhậu: Lớp phó phụ trách học tập hay đời sống, thứ gì cũng tốt, xếp loại cuối năm đều được cộng điểm ưu tiên. Tôi tự biết lực học của mình, khi thi đạt vừa đúng điểm chuẩn tuyển vào, nhờ môn  Toán - sẽ không gặp lại suốt mấy năm học, làm sao sánh chuyên môn bằng các bạn khác mà có thể phụ trách học tập?

Tình cờ sau này tôi mới hay (thông qua ông Ngoại), thầy Trung ngoài việc dạy Lớp chuyên Toán phổ thông ở đại học khoa học, còn điều hành một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị Tin học trong thành phố: thầy Trung là cán bộ trong biên chế nhà nước, theo Luật Giáo dục không được phép đứng đầu doanh nghiệp tư nhân, nên thầy cân nhắc rồi nhờ ông Ngoại đứng tên Giám đốc doanh nghiệp giúp, chỉ ký tên vào những văn bản thầy ký nháy trước. Khi bạn bè ông Ngoại sợ bị thầy lợi dụng, lấy tấm gương Topaze trong vở kịch cùng tên của Marcel Pagnol để ngăn cản, Ông cười khà khà: Tôi hay chơi cờ với cậu Trung, thấy nước cờ minh bạch, thoáng đãng, nên biết Trung là bậc quân tử, rồi mạnh dạn đồng ý, chỉ yêu cầu không nhận đồng lương nào, chỉ đứng tên trên danh nghĩa! Thầy Trung chấp nhận, xin được đặt một máy điện thoại bàn (khá hiếm hoi thời đó) tại nhà ông Ngoại để tiện liên lạc, chi phí hàng tháng do doanh nghiệp chi trả, xem như tiêu chuẩn của giám đốc... Ông Ngoại giữ ý, dặn bà Ngoại và các con cháu không được gọi điện thoại đường dài. Thầy Trung quá cảm động, đề nghị ông bà Ngoại nhận thầy làm con đỡ đầu. Được đồng ý, thầy mang mấy đĩa xôi, con gà đến cảm ơn, và xin phép chỉ gọi là Ông, Bà (thay các cháu con thầy), tránh không gọi là Ba, Mẹ - để giữ tiếng cho Mẹ tôi… Riêng với tôi, thầy tâm sự: Vợ chồng thầy không có con… mỉm cười, giải thích thêm cho rõ ràng khi thấy tôi tròn mắt: … chỉ có hai thằng, nên mơ ước có được một cô con gái, nay có con… Cô Hoa, vợ thầy đã đến gặp Mẹ, xin nhận cháu Quỳnh Anh là con đỡ đầu, có nêu thắc mắc không biết ý ba cháu ra sao? Mẹ thẳng thừng: Mẹ con tôi đồng ý là đủ, Cô ạ! Tôi giơ hai tay,reo to: Con đồng ý hai tay, cả hai chân nữa! Mẹ mỉm cười, nhắc: Cẩn thận con, khéo ngã bây giờ…

Hai năm sau, ông Ngoại mắc chứng ung thư vòm họng, không đi lại được nhiều, thầy Trung nhận nhiệm vụ hàng ngày đến xoa bóp, tập vận động chân tay cho Ông, theo hướng dẫn của ngành phục hồi chức năng ở bệnh viện: bệnh tình ông Ngoại không thuyên giảm, nhưng tinh thần thấy thoải mái hơn nhiều. Những lúc thấy khoe khỏe, ông Ngoại lại lôi bàn cờ ra, kỳ kèo bác Trung (tôi đã mạnh dạn gọi thầy bằng Bác – anh của Mẹ - rồi) làm vài ván giải khuây, nhiều lần bà Ngoại phải can thiệp, để cho thầy làm nhiều việc khác. Những việc nặng nhọc trong nhà, trước đây do ông Ngoại hay cậu Út đảm nhiệm, nay ông ngoại đau yếu, cậu ở xa, các con cậu còn nhỏ, ham chơi, thầy Trung xắn tay áo làm tất. Đặc biệt, thầy rất đồng cảm với ông Ngoại về ý nguyện xây dựng Quỹ Khuyến học cho Phái 5, dòng họ của ông Ngoại, hai cha-con đỡ đầu bàn luận các chi tiết thực hiện khá tâm đắc: hàng năm các nhà hảo tâm trong Họ (cả bác Trung) đóng góp để làm phần thưởng cho cho con cháu trong dòng họ, có giấy chứng nhận Học sinh Giỏi, các cấp tiểu học, trung học (cơ sở, phổ thông), theo quy định cấp càng cao, phần thưởng càng lớn; ngày phát thưởng là ngày chạp họ, Quốc Khánh 02/09 hàng năm, để nhiều người cùng được nghỉ… Riêng dượng Tuệ có đến thăm Ông một hai lần, lần nào ngồi được năm mười phút, cũng xin kiếu với lý do … cháu Zil đi tướt… cháu Zil mọc răng…

Rồi cũng đến ngày ông Ngoại nhắm mắt, xuôi tay dù chưa đến tuổi 80, sau mấy tháng chịu đựng khối u với morphine do bệnh viện cấp. Mẹ gởi mail ngay cho cậu Tuân ở Pháp, cậu đang trong thời kỳ cuối của luận án nên bận bịu đủ thứ. Trong mail trả lời, cậu bảo sẽ xin Hội Đồng hoãn ngày bảo vệ luận án một thời gian để về quê trong chuyến bay sớm nhất, lo việc tang ma, rồi sẽ qua lại, xin bảo vệ sau. Ở nhà, thầy Trung lo đặt áo quan, nhờ người khâm liệm, chuẩn bị bàn thờ, xe đưa đám tang như đang lo chính đám tang của cha ruột mình. Dượng Tuệ có đến, xin bà ngoại đeo khăn tang, nghĩa tử là nghĩa tận, bà ngần ngừ nhìn tôi đang vận tang phục, rồi gật đầu. Khách đến viếng tang khá đông, nhiều người quan sát rồi nhận xét: Trưởng nam thừa trọng đi xa, chưa về kịp mà gia đình con gái tổ chức chu đáo quá!  Dượng Tuệ giả lả, để mọi người hiểu sao cũng được: Có gì đâu… Thấy không ai nói gì, tôi mấp máy môi, định lên tiếng: số lần con rể quý đến thăm Ông khi còn sống, đếm chưa hết một bàn tay… thì Mẹ kịp thời đưa mắt ngăn lại… Sau đó, dượng Tuệ ít thấy xuất hiện trong đám tang.

… Tôi đang quấn lại khăn tang trên đầu đang bị sổ ra, nghe rõ cụ Sanh, bậc cao niên trong họ được mời làm chấp lệnh - thực hiện các nghi thức tang lễ rất bài bản - lúc vắng khách đến viếng tang, hỏi cậu út Tuân vừa về đến nhà, thay bộ complet bằng quần áo tang của Trưởng nam, gậy tre, mũ rơm đầy đủ: vậy anh Trung là gì trong nhà, không mang khăn tang mà bất cứ việc gì, ngay cả anh là Trưởng Nam, cũng hỏi ý kiến anh ấy? Cậu út cung kính trả lời: Thưa Cụ, anh ấy chỉ là bạn của cháu, được Ba cháu nhận làm con đỡ đầu, đã thay cháu lo liệu công việc mấy bữa nay. Anh Trung có xin phép Gia đình không mang khăn tang để tránh cho mẹ ruột đang còn sống với tuổi gần 90. Cụ Sanh gật gù: Phải, phải…

Lễ cúng Tuần thứ sáu, chuẩn bị Lễ Chung Thất vào tuần sau, bà Ngoại bảo cậu Út mời bác Trung đến cúng cơm, có chuyện cần bàn… Tôi thấy hơi lạ vì lần cúng Tuần nào, bác cũng đến, quỳ lạy và ở lại hưởng lộc của ông Ngoại. Chắc việc quan trọng cần bàn là chi tiết Lễ Chung Thất vào tuần sau, tôi nghĩ vậy. Nhưng nội dung hoàn toàn khác. Sau bữa cơm chay, bà Ngoại mời Bác dùng trà và nhẹ giọng: Cả nhà rất hiểu tấm lòng của Trung đã lo cho Ông trước và sau khi nằm xuống, bác Trung ấp úng: … Thưa Bà, có gì đâu… vẫn nội dung như lời dượng Tuệ với khách viếng tang, nhưng về ý nghĩa, mọi người trong nhà cảm nhận hoàn toàn khác. Bà đưa tay chỉ Mẹ và cậu út ngồi bên, mỉm cười tiếp tục: Nhân tiện có cháu Tuân và cháu Mai là chủ tang và chủ phụ của tang lễ, tôi thực hiện ý nguyện của Ông, muốn để lại cho Trung một món quà nhỏ. Đây là tấm lòng, là Lộc của Ông, mong Trung đừng từ chối. Như đã chuẩn bị sẳn, Mẹ tôi đưa cho bác một phong bì, tôi thấy rõ dòng chữ ghi tên bác và con số hai mươi triệu đồng (tôi biết khoản tiền này tương đương hai lượng vàng theo thời giá). Bác Trung chớp mắt: Tấm lòng của Ông Bà, con xin nhận lãnh. Thưa Bà, khoản tiền này, con dùng làm gì cũng được, phải không ạ? Bà Ngoại trầm ngâm, rồi gật đầu: Đúng thế!

Nửa tháng sau, tôi mới biết mục đích sử dụng khoản tiền đó của bác Trung. Sau Lễ Chung Thất, cậu Mẫn, em con chú, con bác với Mẹ, ngồi lại nói chuyện với Gia đình. Cậu được dòng họ cử Phụ trách Quỹ Khuyến Học của dòng họ (từ khi ông Ngoại còn sinh thời). Năm tới đây, sẽ không có phần thưởng cho học sinh cấp phổ thông trung học (khó đạt Giỏi lăm) nữa, mà sẽ chuyển thành Học bổng mang tên Ông Ngoại tôi, chi phí lấy từ tiền lãi gởi Ngân hàng của khoản tiền hai mươi triệu đồng từ một nhà hảo tâm ẩn danh, bây giờ sổ tiết kiệm đứng tên cậu Mẫn… Tôi hiểu bác Trung đã thể hiện tâm nguyện của ông Ngoại yêu quý của tôi thật chu đáo.

Tôi hỏi riêng bác Trung: Bác ơi, bây giờ đối với con, Bác đã như người cha, chứ không chỉ là anh của Mẹ nữa! Con đã trưởng thành rồi, nên xin được gọi Bác là Ba, bác Hoa là Mẹ, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của các từ ấy, được không ạ? Bác cắn môi, trầm ngâm rồi trả lời: Với bác Hoa thì được, nhưng với bác đây thì không nên. Con phải giữ tiếng cho Mẹ con, đừng để thiên hạ đàm tiếu. Con có thể gọi Bác là Bố Già, kiểu như GodFather của Mario Puzo ở đảo Corse nước Ý.  Tôi suy nghĩ và tuyên bố, rõ ràng từng tiếng một: Năm sau con ra trường, xin đăng ký góp tháng lương đầu tiên vào quỹ Học bổng mang tên Ông, và mỗi tháng tiếp theo, con xin đóng góp 3% thu nhập hàng tháng…