Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Truyện ngắn 45

 

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

TẠ LỖI TRÊN PHỐ NÚI

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Ngồi cạnh chị Lành giám đốc, cùng bàn ăn với các cán bộ chủ chốt trong tiệc tổng kết năm của Trung tâm tại quán ăn Thi Huỳnh, nghe rõ tiếng tít tít nho nhỏ, báo có tin nhắn của chiếc Iphone Galaxy A53 xám tro, thấy Chị với tay lấy chiếc xắc tay Idigo mắc sau lưng ghế, mở hộp nhựa lấy chiếc kính lão Y805, tôi thầm nghĩ: bốn năm nữa Chị mới nghỉ hưu, mà giờ đọc chữ phải mang kính lão rồi! Công việc căng thẳng thật! Chị nheo mắt đọc rồi đưa điện thoại tôi xem – tiếng là Trợ lý giám đốc nhưng tôi thân thiết với Chị như ruột thịt. Tin nhắn của con gái Chị, đang học lớp tại chức Nông học, ngắn gọn như tính cách của nó: Thầy Lâm Huỳnh ở Huế. Coffee No 1 Garden. Mẹ có quen thì đến. Trái với phong thái tự tin, đĩnh đạc hàng ngày, Chị ấp úng với tôi: thầy Huỳnh dạy Toán lớp Cử tuyển hồi đó, Quỳnh nhớ không? Chị quay qua anh Rân, Kế toán trưởng: Chị đi có việc, chú thanh toán bữa tiệc, nhớ lấy hóa đơn tài chính nhé! Lái xe Minh ở bàn bên cạnh nốc cạn ly Bò húc, đứng lên bấm điều khiển mở cửa xe, sếp đã đi thì chẳng có lý do ngồi lại.

Chị Lành kéo tay tôi: Đi luôn Quỳnh! Tôi dạ nhỏ, trong đầu chầm chậm nhớ lại kỷ niệm của lớp học trong quá khứ đã hơn chục năm… Khi được Sở Y tế Quảng Nam gợi ý cử đi học hệ Chuyên tu Cử tuyển ở Huế, chuẩn bị cơ cấu phụ trách Trung tâm Y tế huyện Trà My – đứng đầu ngành ở vùng dân tộc chúng tôi thường phải là người đồng bào sở tại, cùng với yêu cầu xin mua bốn khối gỗ loại một theo giá thỏa thuận để hoàn thiện căn nhà đang xây, Chị nằng nặc đòi có tôi tháp tùng trong cả khóa học, để làm chỗ dựa học tập vững chắc cho Chị: đơn giản, Chị biết trước khi học trung học Y tế, tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học loại Khá ở Tam Kỳ, có thể giải quyết dễ như trò đùa các bài tập khó những môn cơ bản – mặt yếu của sinh viên Chuyên tu. Chuỗi quá khứ lần lượt lướt qua trong ký ức tôi như cuốn phim quay chậm.

***

Danh sách lớp Chuyên tu Cử Tuyển của chúng tôi có hơn 40 người, được lọc kỹ từ các Trung tâm Y tế của miền Trung, Tây nguyên. Tỉnh Quảng Nam có ba, chị Lành và tôi ở Trà My, cùng anh Rao ở Đông Giang. Chị Lành lớn tuổi nhất lớp, có dáng vẻ lãnh đạo nên được bác sĩ Ngọc, Chủ nhiệm lớp chỉ định làm lớp phó đời sống, có nhiệm vụ phối hợp với lớp trưởng ALăng Sơn quan hệ với các cán bộ, đặc biệt là các giáo viên giảng dạy. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên của Lớp, tôi được các bạn đề cử làm lớp phó học tập, có lẽ mọi người đã ngưỡng mộ bản sao học bạ cấp ba toàn điểm chín/mười và tấm bằng đỏ do Trường trung học Y tế Tam Kỳ cấp, dù tôi chẳng phải nỗ lực gì nhiều trong mấy năm học ở đó; nhưng bác Ngọc đã chuyển tôi sang làm Hội trưởng Hội sinh viên, vì theo cơ cấu, Ban Cán sự Lớp, cũng là cấp ủy Chi bộ, phải phân phối đều cho các địa phương. Anh Lê Mưu ở A Lưới được chỉ định làm Lớp phó học tập, bấm khẽ và nói nhỏ với tôi: Nếu Tổ học tập có khó khăn gì, nhờ Hội Sinh viên hỗ trợ nhé! Tôi miễn cưỡng gật đầu.

Năm đầu tiên của Lớp, sinh viên chỉ học ôn ba môn cơ bản Toán-Hóa-Sinh, cuối năm sẽ kiểm tra lên lớp – ba năm tiếp sẽ nhập với nhóm thi tuyển vào, tập trung học chuyên môn. Lịch học ôn cơ bản được phân đều trong sáu buổi sáng liên tục của tuần, chủ nhật được nghỉ xả hơi. Môn nào cũng lên lớp một lèo cả buổi bốn tiết, có giải lao mười lăm phút giữa buổi, sinh viên theo học hoa cả mắt, nhất là các anh chị lớn tuổi như chị Lành. Ngay cả tôi và một số bạn trẻ, vốn quen thuộc các công đoạn tính toán hồi cấp ba, đến tiết cuối cùng buổi học, đầu óc như bị cùn hẳn đi, nếu được gọi lên bảng cứ ấy a ấp úng kiểu chó ăn vụng bột, như các bạn lớn tuổi. Các thầy giáo vẫn tỉnh táo suốt buổi lên lớp, giáo viên lâu năm có khác. Đặc biệt, thầy Lâm Huỳnh dạy Toán còn trẻ, chắc chỉ ngang ngửa tuổi tôi – tôi chú ý nhận xét: trên lớp thầy xưng tôi, gọi anh/chị khá trang trọng, khác với hai thầy dạy Hóa, Sinh xưng hô thầy - các em, tạo khoảng cách rõ rệt, đúng là cán bộ lão làng. Về sau, qua bác Ngọc, tôi biết thêm: thầy Huỳnh sinh trưởng ở Huế, vào đại học trước 1975, gia đình thuộc loại tạch-tạch-sè – nói theo những người kỳ thị chính trị là ngụy dân, như họ thường phân biệt ngụy quân, ngụy quyền với giới hoạt động cách mạng, xếp hạng mục như câu vè nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết…; lý lịch thầy được vớt vát lại nhờ bốn năm bộ đội biên giới sau khi tốt nghiệp đại học, nghe nói đã leo lên đến thượng sĩ, điểm này làm tôi nể đôi chút khi nhớ cha tôi, sau năm năm tại ngũ, phục viên về chỉ với quân hàm trung sĩ – hồi đó tôi còn nhỏ xíu. Thầy Huỳnh biết làm Tin học - gần với ngành Toán, được giáo sư Hiệu trưởng xem như cánh tay phải, tin cẩn giao phó xử lý các số liệu quan trọng như thi tuyển sinh, học tập hàng năm, tốt nghiệp, dù Thầy chưa phải là đảng viên. Điểm này làm tôi thấy hơi lạ vì người có khả năng, nhiệt huyết thường được cấp ủy Đảng bồi dưỡng, tạo điều kiện kết nạp sớm, cớ sao Thầy lại giữ mãi vai trò quần chúng sau mấy năm đại học, mấy năm bộ đội với thành tích không đến nỗi tồi, nếu không muốn nói là được nhiều người ao ước có được? Sau này tôi biết, tính cách Thầy khá ngang ngạnh, không được lòng nhiều người, có lẽ vì thế mà chậm phát triển mặt chính trị chăng?

Trở lại vai trò Chủ tịch Hội sinh viên (kiêm trợ lý của anh Mưu, Lớp phó học tập), thật vất vả cho tôi khi Lớp đặt chỉ tiêu: đến cuối năm, toàn thể sinh viên sẽ đạt yêu cầu khi thi kết thúc ba môn học, nghĩa là tất cả đều đạt điểm 5 trở lên cả ba môn, trên thang điểm mười. Với hai môn Hóa, Sinh thì có thể yên tâm, đề thi cuối năm thường được chọn trong bộ đề mà anh Mưu đã liên hệ với các anh chị sinh viên Cử tuyển các năm trước xin bài giải rồi photocopy cho mỗi sinh viên trong Lớp một bản, các thầy lão làng phụ trách môn đã tuyên bố: cho sẳn mỗi sinh viên 5 điểm rồi, đạt được mức cao hơn tùy thuộc mức độ phấn đấu của từng người, lo nhất là môn Toán. Sau khi nêu tính logic trong suy luận của môn học, sinh viên nếu tiếp thu được sẽ thuận lợi khi học Chuyên môn ba năm tiếp theo, thầy Huỳnh trả lời thẳng khi anh Mưu ngỏ ý xin bộ đề Toán: Tôi không xây dựng bộ đề, hàng năm chọn ra đề thi theo kiến thức mà sinh viên va vấp khi học, các anh chị nhớ đừng học tủ, phải nắm chắc kiến thức! Nghe nói, dù đã dạy Toán cho cả lớp Cử tuyển và Dự bị Y khoa hơn chục năm, năm học nào Thầy cũng đổi mới bài giảng và bổ sung khối lượng bài tập vì, như Thầy nói, đọc đi đọc lại kỹ, luôn thấy mình thiếu sót. Cách lên lớp của Thầy cũng đặc biệt: với các sinh viên thuộc loại luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu – xin mượn thương hiệu của Prudential để diễn đạt sự chậm hiểu, Thầy không cầm tay chỉ việc, nhẫn nại nhai đi nhai lại kiến thức như các giáo viên khác, mà ép buộc đầu óc sinh viên làm việc cật lực, bằng cách liên tiếp thay đổi số liệu bài toán của vừa giải xong trên bảng và gọi lên giải, để người khá giỏi cũng như yếu kém, có thể học tập ngay trên bảng, khi được gọi lên. Thủ tục gọi lên bảng giải toán cũng khác thường: không theo thứ tự danh sách, cũng không theo vị trí ngồi trên lớp, mà theo chỉ định điện giật: người vừa tình nguyện lên bảng xong có quyền chỉ định người lên bảng tiếp theo, nếu người được chỉ định làm bài được thì chỉ định tiếp, nếu không thì quay lại người vừa chỉ định. Quy định này buộc mọi sinh viên khá giỏi hay yếu kém đều phải ở tư thế chuẩn bị kiến thức, sẳn sàng bị gọi lên bảng, càng không muốn mang tiếng thất bại, trả về vị trí cũ, thì ê mặt với cả lớp, và cũng tránh việc trả thù vặt người mình không thích bằng cách chỉ định lên bảng. Tuy mọi người ban đầu có hơi vất vả với quy định khác thường này, nhưng hiệu quả lại khá bất ngờ: kẻ yếu kém đã chú tâm học để nắm vững kiến thức, người khá giỏi càng tích cực học tập để nâng cao tư duy lý luận. Gánh nặng của anh Mưu lớp phó, đúng ra là của tôi, trở nên nhẹ hơn: qua lần thi/kiểm tra cuối kỳ một, số bài dưới năm điểm chỉ lác đác đếm được trên đầu ngón tay, dù suốt buổi kiểm tra, chúng tôi không hề phát huy tinh thần làm việc tập thể, ai làm bài nấy, thầy Huỳnh luôn quan sát từng cử chỉ nhỏ nhặt của các đối tượng tình nghi, với cặp mắt sắc bén như mắt của công an, thuế vụ, kiểm lâm…

Học kỳ hai bắt đầu khá căng thẳng: Nhà trường phát động phong trào thi, coi thi, chấm thi nghiêm túc sau khi dư luận xã hội xôn xao về chỉ tiêu gần 100% thí sinh thi đỗ tốt nghiệp phổ thông, gây xôn xao đến Bộ Giáo dục – Đào tạo, các cấp thẩm quyền bắt đầu soi kỹ chất lượng coi thi, chấm thi từ cấp phổ thông đến đại học. Trong lớp chúng tôi, đối tượng băn khoăn lo lắng nhất là các anh chị lớn tuổi – trong đó có chị Lành, dù đợt thi/kiểm tra các điểm Hóa Sinh cả lớp thấp nhất là sáu điểm, riêng môn Toán chị đạt điểm năm què, làm tròn từ điểm chấm khá sát sao 47/100 của thầy Huỳnh – nghĩa là Chị đã suýt đậu phải cành mềm; Chi ủy mở rộng (có thêm tôi) tổ chức họp đột xuất, ra nghị quyết tìm cách tạo điều kiện để cả lớp vượt qua môn Toán. Hôm đó, tôi bận việc xin về trước, sau chị Lành kể lại, Chi ủy mở rộng đã đưa ra nhiều phương án, trong đó có phương án liên quan đến Tổ Học tập mà anh Huy (và tôi) phụ trách: xin thầy Huỳnh tổ chức phụ đạo vào chiều thứ tư, chủ yếu giải bài tập cho các học viên lớn tuổi, có học lực yếu kém…, dù kế hoạch học tập cả năm chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc.

Đúng tuần bắt đầu ôn tập để thi – với riêng tôi, là thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần có mặt, điểm danh trong các buổi học, thầy Huỳnh đột ngột tuyên bố chia tay với Lớp: Thầy nhận quyết định chuyển đến một đơn vị khác trong Trường, thuần xử lý số liệu, và là cơ sở thực hành Tin của cán bộ - sinh viên thuộc Trường. Thay thế vai trò giảng dạy Toán cho chúng tôi là cô Hòa còn rất trẻ, được điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, dùng lại bài giảng chi tiết do thầy Huỳnh soạn và phổ biến cho Lớp từ hồi đầu năm học. Bác sĩ Ngọc, chủ nhiệm Lớp cho biết, thầy Huỳnh đã nộp hai đề thi Toán và đáp án, chính thức và dự trữ, cho Phòng Đào tạo lựa chọn theo quy định cho kỳ thi/kiểm tra cuối năm, việc chấm thi do cô Hòa và một giáo viên khác đảm nhiệm… Đã quen với công tác nhân sự, chúng tôi thấy việc thay thế cán bộ giảng dạy là bình thường, chỉ cần guồng máy chạy đều là được, trừ một thông tin hành lang khá mơ hồ, không biết có chính xác không - việc chuyển công tác của thầy Huỳnh có ít nhiều liên quan đến lớp Cử tuyển chúng tôi… Tôi nhớ anh Sơn lớp trưởng kể chuyện, hồi mồng ba Tết, đã cùng anh Mưu đem một chai Johnny Walker black label 75ml và con mực đến thăm nhà ba mẹ Thầy, ba thầy trò đã nướng mực và cưa hết chai rượu, chẳng lẽ chi tiết uống rượu ngày Tết với sinh viên lại ảnh hưởng? Chuyện thầy Huỳnh dần dần chìm vào quên lãng, lớp Cử tuyển khi tổng kết cuối năm có mời Thầy đến dự, nhưng đúng ngày đó Thầy bận đi công tác ở Hà Nội.

Dòng thác học tập kéo chúng tôi liên tục, thi/kiểm tra cuối năm ba môn Toán Hóa Sinh, kỳ lạ thay, tôi được điểm 10 môn Toán dù tự chấm còn thấy nhiều va vấp, chị Lành được những 6 điểm, tiếp theo là thời gian tập trung học Chuyên môn ba năm, các môn học cận lâm sàng và lâm sàng, rồi những môn y học xã hội, thủ tục khóa luận tốt nghiệp cuốn chúng tôi đi như một cơn lốc ngoài ý muốn. Kết quả tốt nghiệp sau bốn năm học: tôi đạt loại Khá, chị Lành loại Trung bình nhưng thế là đủ để chính thức nhận quyết định Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Dù tôi có đề đạt nguyện vọng làm chuyên môn thuần túy, chị Lành vẫn vận động kéo tôi về làm Trợ lý cho Chị, tiết lộ ý định sẽ tiếp tục học Cao học mấy năm sau nữa. Từ vai trò bạn học - nói đúng hơn tôi là người dẫn dắt, Chị trở lại làm sếp của tôi, quá khứ mấy năm học vừa qua được xếp sâu trong mấy tầng ký ức.

***

Chiếc Fortuner 7 chỗ rẽ vào thị trấn, dừng trước khu vườn rộng hơn một mẫu tây, ở giữa là căn biệt thự ba tầng của gia đình chị Lành. Chị nói nhỏ với tôi: Chờ chị một chút, rồi vào nhà, mười phút sau quay ra với chiếc túi nhỏ, bộ Le Smoking đen tuyền, biểu tượng quyền lực đầy cá tính đã được thay bằng bằng trang phục công sở trắng xanh nền nã. Chị vẫn giữ giọng uy quyền với lái xe: Dừng cách quán cà phê No 1. Garden hai mươi mét, chúng tôi đi bộ đến! Xe dừng, Chị kéo tay tôi bước đi, giải thích: Học trò gặp thầy, phải ăn mặc chuẩn mực. Chị khoan thai sóng bước cùng tôi đến quán cà phê, phẩy tay chào qua mấy nhân viên đứng thẳng người khi thấy Chị, tiến thẳng đến chiếc bàn nhỏ cuối phòng, mỉm cười: hai học trò Lành, Quỳnh xin chào Thầy, rồi quay sang cô con gái cùng đám bạn học lớp tại chức đang ngơ ngác nhìn: Thầy Huỳnh đã dạy Mẹ cách đây mười hai năm, con về nhà chuẩn bị cơm trưa, nhường cho Mẹ tiếp Thầy sáng nay!

Sáng hôm đó, thắc mắc ngày trước của tôi bắt đầu được giải tỏa, cây kim trong đống rơm đã lộ dần ra. Chị Giám đốc Trung tâm Lành đầy uy quyền đã trở lại dáng dấp nhu mì của cô sinh viên lớp Chuyên tu cử tuyển ngày nào, nói chuyện với thầy giáo với nhiều tiếng thưa, dạ, thỉnh thoảng lại nhấp môi vào ly cà phê trứng capuchino vẫn còn y nguyên. Nghe thủng câu chuyện giữa hai bên, tôi mới hiểu phương án hỗ trợ cho lớp phụ đạo ngày trước.

Dọ biết thầy Huỳnh tận dụng vốn ngoại ngữ, làm thêm ban đêm ở shop hàng tơ lụa với nhiệm vụ bán hàng cho khách Tây, Ban Cán sự đã tìm đến nơi làm việc ngoài giờ của Thầy, biếu gói giấy pelure bọc hai bao thuốc ba số vàng rộm, lấy lý do để Thầy tiếp khách khi Thầy từ chối, bảo không hút thuốc. Về đến nhà, mở gói giấy, thấy giữa hai bao thuốc khoản tiền bằng cả tháng lương giáo viên, Thầy đã niêm phong hết lại, mang đến Ban Giám hiệu Nhà trường để nộp. Vào thời điểm đó, Đảng ủy đang phát động đợt kiểm tra tư cách đảng viên, Ban Cán sự, cũng là Chi ủy, không dám nhận sai sót về mình, chỉ khai có đến thăm, nói chuyện đơn thuần, không tặng quà cáp gì. Nội dung món quà trên mức tình cảm bị xé to ra khắp trường, nhiều người thắc mắc không hiểu trước đây sự thể ra sao mà bên nói có, bên bảo không, Lãnh đạo Nhà trường quyết định trả lại gói quà niêm phong cho Thầy, nguồn gốc xa nhất biết được. Túng thế, thầy Huỳnh quyết định hóa giá luôn hai bao thuốc, gộp với số tiền bên trong, hiến tặng tất cả cho Tổng Hội Sinh viên toàn Trường, để hỗ trợ cho học sinh nghèo; và để tránh tiếng đồn không hay cho các đơn vị liên quan, Thầy chấp nhận chịu lời ong, tiếng ve về phía mình, làm đơn xin thôi nhiệm vụ giảng dạy, chuyển về hẳn Đơn vị Xử lý số liệu cho Nhà trường. Thật ra, nguồn gốc sự kiện khá đơn giản, hầu như những đối tượng liên quan đến Lớp đều đã có quà, nhưng không một ai lên tiếng, chỉ có thầy Huỳnh tự biến thành Don Quichotte để chiến đấu với cối xay gió… Cuối năm học, khi mọi việc đã im ắng, Ban Cán sự định nhân Tổng kết, gặp Thầy để nhận lỗi, giải tỏa các ẩn ức thì Thầy đi Hà Nội dự khóa học nâng cao về Công nghệ Thông tin, mọi việc cứ theo thời gian chìm dần vào quên lãng. Đến bây giờ, qua bao thay đổi, Thầy chuyển sang giảng dạy ở Trường khác, được phân công dạy Toán Xác suất Thống kê cho lớp tại chức Nông học Bắc Trà My, ngẫu nhiên lớp phó đời sống lại là con gái chị Lành, hôm nay Lớp mời Thầy đi uống cà phê, hỏi ra mới biết trước sau, hai mẹ con chị Lành lần lượt thụ giáo với đúng một người.

Tôi nghe rõ giọng chị Lành thiết tha: Em xin thay mặt Lớp, nhận lỗi với Thầy, đúng ra lời xin lỗi phải cách đây hơn chục năm, nhưng công việc bề bộn cứ cuốn em đi, bây giờ nhân gặp được Thầy lên đây, xin Thầy vui lòng tha thứ. Thầy Huỳnh trầm ngâm: Nghiệp giáo viên như kẻ lái đò đưa khách sang sông, hồi đó đưa Lớp các anh chị sang sông gần xong, kể như tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, sao lại băt lỗi khách sang sông vì vài sự cố nhỏ nhặt? Các anh chị đã thành nghề, góp phần phục vụ cho xã hội, điều đó đã đủ cho tôi tự hào. Chị Lành mỉm cười: Cảm ơn Thầy đã rộng lượng thứ lỗi. Nhân đây, em có chút quà thể hiện tấm lòng (chị mở túi vải nhỏ đã chuẩn bị) là lít mật ong rừng thu hoạch ở địa phương, mong Thầy nhận cho tấm lòng của tụi em. Chị rút trong túi chiếc hộp giấy cứng, bề mặt lộng giấy bóng kính, thấy rõ chai thủy tinh bên trong đựng mật ong còn nguyên sáp, thấy rõ dấu chứng nhận quốc tế ISO 22000:2018, đúng loại xuất khẩu Highlandbee.

***

Buổi trưa, chị Lành giữ tôi ở lại ăn cơm, chồng chị đi ăn giỗ ở Trà Cang, con trai út trọ học ở Tiên Phước nên chỉ còn hai mẹ con. Nghe hai chị em tôi nói chuyện, nhắc đến thầy Lâm Huỳnh, con bé Dung xin thuật chuyện. Cháu kể lể khá dài dòng, khác hẳn cách nói cụt lủn mọi ngày, chắc được khơi trúng mạch: Con thấy Thầy chạy xe máy từ Huế vào, chở theo ba lô to đùng, đến Trung tâm Giáo dục chuyên nghiệp, dở ra mới thấy là hơn trăm bản photocopy bài giảng Xác suất Thống kê, Thầy tặng cả cho học viên của Lớp để học, giá photocopy ở đây đắt gấp ba giá ở Huế. Chị Lành mỉm cười: Thế Lớp con định tặng lại Thầy cái gì, rút kinh nghiệm Lớp của Mẹ, đừng quy ra thóc nhé! Bé Dung nhẹ nhàng: Mẹ của Thầy đã lớn tuổi, tụi con định gởi Thầy biếu Cụ củ sâm Ngọc Linh một lạng mới đào được, hy vọng Thầy sẽ nhận. Chị Lành trầm ngâm: Trong thực tế, người ta hay lượng hóa công việc để dễ tính toán, nhưng thật ra, có những thứ thuộc về mặt tinh thần, việc lượng hóa mất hết ý nghĩa.