Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Truyện ngắn 44

 

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>


TẤM BẰNG THẠC SĨ MƠ ƯỚC

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Gia đình tôi được Tổ dân phố xếp vào diện dân nghèo thành thị, nên anh em chúng tôi được Ba Mẹ căn dặn từ khi còn rất nhỏ: phải học để vươn lên, thoát cảnh nghèo túng! Trước đây, Ba là hạ sĩ địa phương quân, sau 1975 chỉ phải học cải tạo ba tuần rồi được về nhà, ban đầu hành nghề đạp xích lô, một thời gian sau không đủ tiền thuê ngày và quỵ xe cho chủ nên chuyển nghề sang xe đạp thồ - hay xe đạp ôm như cách gọi ở miền Nam: nói theo ngôn ngữ kinh tế chính trị, tư liệu sản xuất chỉ cần một chiếc xe đạp với ba bộ bi-trục – miền Nam gọi là đạn-cốt – chuẩn của hai bánh và bàn đạp là có thể hành nghề tốt, quan hệ sản xuất thì nhờ các bạn cũ trong Tổ xe thồ giới thiệu với Tổ là có thẻ hành nghề. Ba làm việc vất vả cả ngày chỉ vừa đủ ăn, mối quen thường là mỗi sáng chở hàng của các tiểu thương quen biết ra chợ và cuối ngày chở về, Ba tự lo ăn uống sáng trưa và nhận trách nhiệm với Mẹ - Trưởng Ban tài chính gia đình: hàng tháng chạy đủ hai mươi kí gạo đổ vào kho - tức vỏ thùng đạn đại liên Mỹ, không mấy khi đầy của nhà; mọi chi phí như thức ăn, áo quần, điện nước… của mấy miệng ăn trong nhà đều do một tay Mẹ lo liệu nhờ nghề gia truyền đặc biệt. Mẹ học từ đâu không biết, có lẽ từ bà ngoại, cách làm yaourt – về sau, dân xứ mình học theo mấy nước Tây Âu, gọi là yoghurt-  thật ngon, hợp với khẩu vị nhiều người: từ một hộp sữa đặc, giá chợ khi đó chỉ bảy tám đồng, Mẹ có thể chế biến ra ba mươi lọ yaourt cao cấp, bán hai đồng một lọ cho người có tiền hoặc ra năm mươi túi ni lông nhỏ, bán năm hào một túi cho người ít tiền hơn. Là con gái, tôi học lần hồi cách làm yaourt thay Mẹ, từ những thao tác vặt vãnh như dùng thìa canh đong sữa đã hòa cái vào lọ hay bao ni lông, đậy nắp lọ hay thắt bao và sắp trong soong to, riêng công đoạn cuối thì phải đúng Mẹ thực hiện, sau khi đã tắm gội, rửa chân tay cẩn thận: hòa nước ấm theo công thức ba sôi hai lạnh rồi ủ trong bao tải khi trời râm, hay phơi trên mái tôle khi trời nắng, độ vài tiếng đồng hồ sau, lắc nhẹ thấy đã đông là được. Hàng yaourt của Mẹ rất được tín nhiệm: có lần tôi theo Mẹ đến quầy canteen của Bệnh viện Hương Thủy, vừa đưa yaourt vào quầy thì được chủ canteen thanh toán tiền ngay, trong khi chủ nhiều mặt hàng khác phải đợi mấy hôm nữa, hàng còn tồn nhiều…; hoặc các em nhỏ học ở Nhà trẻ Mầm Non hay Mẫu giáo Hoa Mai đang vui đùa ở sân chơi, hễ thấy bóng Mẹ xuất hiện ở đầu đường Đống Đa với hai phích nhựa trên tay là xúm lại đông đặc như kiến để mua yaourt, các cô bảo mẫu và phụ huynh không ngăn cản vì chính họ cũng nghiện món ăn rẻ tiền, bổ dưỡng đó. Có thể nói, nghề làm yaourt của Mẹ đã nuôi sống được cả nhà mấy năm liền, bao luôn cả việc học của anh em tôi, từ cấp phổ thông đã đối diện với đủ thứ chi phí có thể tưởng trượng ra để bổ trên đầu học sinh: tiền xây dựng trường, tiền quỹ lớp, tiền quỹ phụ huynh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, kỹ năng sống, tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền quỹ đoàn đội, tiền kế hoạch nhỏ, tiền Chữ thập Đỏ…, chưa kể đến tiền học thêm môn Toán, môn Văn mà học sinh lớp 9, cuối cấp 2 như tôi bắt đầu phải làm quen. Riêng anh Hai tôi, vừa học hết kỳ một lớp 10 trường bán công Nguyễn Trường Tộ, đã tự động bỏ học chữ để chuyển sang học nghề thợ may ở Trường Trung học công nghiệp, khi gia đình biết chuyện thì anh đã học nghề được hơn nửa khóa học rồi. Ba Mẹ trách thì anh giải thích: con học chữ không vào được, mà Ba Mẹ cố nuôi con đến hết hết lớp 12 cũng chưa chắc có việc làm để đỡ đần cha mẹ. Hỏi ra mới biết, anh dự định chuyển sang học nghề từ năm lớp 9, không dám xin tiền Ba Mẹ để đóng tiền học nên từ khi đó đã tập nhịn ăn sáng để dành tiền – anh nhịn một ổ bánh mì xíu ăn sáng chỉ có được năm hào, nhưng lâu ngày thì tích tiểu thành đại, cộng thêm cả tiền mừng tuổi mấy năm dồn lại mới đủ cho học phí khóa học mấy tuần. Bây giờ anh Hai đã ra nghề, làm việc trong công ty May HBI ở Khu công nghiệp Phú Bài, năm ngoái thi đậu lên bậc ba, lương hàng tháng anh đem về, đưa hết cho Mẹ, chỉ giữ lại một ít để tiêu vặt. Khoản thưởng cuối năm đầu tiên của Công ty, anh góp với Ba tậu được chiếc Dream Tàu đời đầu, Ba hành nghề đỡ vất vả hơn trước, thu nhập lại khá hơn. Thỉnh thoảng anh lại giúi cho tôi ít tiền để Quỳnh sắm cái gương, cái lược, khỏi dùng chung với Mẹ! Tuy khác giới nhưng cùng lứa tuổi, anh thích tâm sự với tôi hơn với Ba, theo quy luật khác dấu hút nhau như trong Vật lý: anh biết Ba kỳ vọng con cái vươn lên bằng việc học, nhưng đầu óc anh tăm tối quá, thôi Quỳnh thay anh, đừng phụ lòng Ba Mẹ, cố học cho giỏi, mọi việc có anh lo. Không biết anh nói với Mẹ những gì, mà sau khi tôi học xong cấp hai ở Thủy Phương, thi đậu vào lớp mười trường cấp ba Hương Thủy, Mẹ chủ động nhận làm hết công việc cơm nước, giặt giũ trong nhà, để Quỳnh tập trung học cho tốt, cấp ba rất nhiều môn khó, chỉ giao cho tôi việc nấu cơm tối khi hoàn tất việc học trong ngày. Ngoài ra, tôi biết anh Hai chơi thân với chị Hương hàng xóm con chú Đông từ nhỏ đến giờ, hiện nay chị cũng làm việc ở HBI như anh; nhưng sau này tôi ít thấy anh hát ông ổng bài Cô láng giềng của Hoàng Quý bằng cái giọng vịt đực như trước, mà suốt ngày chỉ tranh thủ ngủ bù lấy sức, thức dậy thì đăm chiêu lên lịch làm việc tăng ca, lại thường báo bận lắm khi chị Hương rủ đi dạo. Xem ra, anh hầu như ông cụ non, quên hết việc vui chơi của tuổi thanh niên, chỉ dành toàn tâm toàn lực cho công việc, không kể ngày đêm, nhận làm tăng ca bất kể nhiều hôm mưa gió. Anh dành dụm tiền làm ngoài giờ, tiền thưởng năng suất mua cho tôi chiếc máy tính bỏ túi fx-500ES, được xem như loại hiện đại nhất thời đó. Nhờ có nó, được thầy Hữu bạc, giáo viên chủ nhiệm lớp tận tình hướng dẫn, tôi đã thành thạo các thao dượt tính toán từ đơn giản đến phức tạp và đến cuối học kỳ một lớp 12, tôi vinh dự đoạt giải nhất kỳ thi giải Toán bằng máy tính bỏ túi trong toàn Tỉnh, vượt qua nhiều thí sinh khác, đa số thuộc gia đình khá giả, được trang bị đủ thứ trang thiết bị hiện đại. Trong buổi phát thưởng tại Hội trường Văn phòng Sở Giáo dục, tôi phát biểu cảm ơn sự giảng dạy chu đáo của Nhà trường và thầy Hữu đang có mặt, cố kìm mấy giọt nước mắt để nhắc đến sự động viên học tập của gia đình, của Ba Mẹ và đặc biệt của anh Hai, đã hy sinh rất nhiều để tạo điều kiện cho tôi học tập, đạt được kết quả hôm nay. Trong lúc đang được mọi người trầm trồ khen tặng, tôi ngậm ngùi nghĩ đến Ba vẫn đang miệt mài chạy xe dưới ánh nắng chói chang, Mẹ vẫn kiên nhẫn đong đếm từng thìa sữa cho vào bao ni lông, anh Hai vẫn cần mẫn theo guồng quay của giàn máy may công nghiệp... Khi nói chuyện với tôi khá lâu sau buổi trao thưởng, thầy Hữu chủ nhiệm – vừa được đề bạt lên Phó hiệu trưởng, lưu ý học sinh Trường cấp ba chúng tôi từ lâu không có ai thi đậu vào đại học sư phạm Toán, Thầy mong muốn tôi tạo một tiền lệ cho mọi người noi theo. Về học lực, Thầy đánh giá tôi có năng khiếu về các môn cơ bản, đặc biệt là môn Toán, nên tôi có ít nhiều hy vọng đậu đại học, dù ngành sư phạm sẽ có nhiều người thi vào hơn các ngành khác vì sinh viên sư phạm được hưởng chế độ hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt, nói nôm na là miễn học phí… Tôi hứa với Thầy, và tự hứa với lòng mình, sẽ tích cực học tập nhiều hơn nữa, trước mắt tự xác định phải thi đậu vào đại học sư phạm ngành Toán như kỳ vọng của gia đình và cả thầy Hữu. Cầm món tiền thưởng ra thẳng chợ Đông Ba, tôi tìm mua chiếc găng tay giả da lót nỉ bên trong, thử vừa tay tôi chắc là vừa tay chị Hương, một phong kẹo chocolat nữa, tôi sẽ đưa anh Hai làm quà tặng chị nhân ngày Valentine sắp tới, chắc chị sẽ vui lắm…

Tôi hoàn tất hồ sơ thi tuyển vào khoa Toán Trường đại học sư phạm Huế, rồi tiếp tục dùi mài kinh sử, không theo cách hoang phí thời gian, tiền bạc, tâm trí như nhiều bạn khác vào việc tham gia các lớp luyện thi cấp tốc và dài hơi, được mở khắp thành phố và cả vùng ngoại ô… Dưới sự kèm cặp của thầy Hữu – dù khá bận rộn với cương vị mới là Phó hiệu trưởng chuyên môn, Thầy vẫn giành ba buổi một tuần, duy trì lớp học miễn phí một thầy một trò, giúp tôi ôn tập thấu đáo, cặn kẽ các kiến thức cơ sở Toán từ lớp 10, ngoài ra vẫn nhiệt tình với các học sinh khác: với cương vị Tổ trưởng tổ Toán, hàng ngày thầy mất khá nhiều thời gian dùng chiếc máy vi tính cá nhân để download những đề thi, câu hỏi trắc nghiệm có trên mạng từ các cơ sở giáo dục trong và ngoài Tỉnh, tổng hợp lại, rồi chép vào USB, đem vào Trường nhờ máy in của tổ Toán, in ra để phổ biến cho chín lớp 12 của toàn Trường.

Đến đầu tháng sáu, như thông lệ hàng năm, học sinh cuối cấp phổ thông trung học rộn rịp tham gia cuộc tổng diễn tập – gọi thế vì Sở đã đặt chỉ tiêu tối thiểu 90% học sinh dự thi tốt nghiệp phổ thông phải đậu, còn việc thi tuyển vào đại học hay cao đẳng, trong hoặc ngoài Tỉnh còn tùy thuộc khả năng từng người. Mỗi buổi thi, Ba đều chở tôi đến điểm thi – vẫn là trường Hương Thủy quen thuộc, lâu nay hàng ngày vẫn từ nhà đi bộ đến hơn cây số đến học, nhưng dịp này Ba bảo chở xe máy cho khỏe chân. Ngày đầu tiên thi Toán, Ba chiêu đãi cô con gái rượu một tô bún cho tỉnh táo, làm bài tốt, tôi xúc động nhớ giá tiền dĩa cơm bình dân - suất ăn trưa của Ba – chỉ bằng một nửa; mấy buổi sau tôi đề nghị mua nắm xôi, ít tiền hơn, hai cha con cùng ăn, mà Ba chỉ ăn hết một phần ba, còn lại nhường tôi hết...

Tôi – nói đúng hơn là cả nhà, tính cả thầy Hữu, mà tôi xem như cha đỡ đầu – phấn khởi nhận kết quả thi tốt nghiệp phổ thông loại Giỏi, càng mừng hơn khi biết sẽ được cộng thêm điểm vào kết quả thi đại học. Chỉ còn mấy tuần nữa là đến ngày thi, cả ngày lẫn đêm tôi lao vào học tập cả ba môn Toán Lý Hóa, quên cả ăn ngủ, nhiều hôm Mẹ phải nhắc mới nhớ. Tới gần ngày thi, tôi ngỡ ngàng nghe anh Hai báo sẽ cùng chị Hương thu xếp tránh ca trực trùng nhau, chia phiên chở tôi đến điểm thi, ngay cơ sở Đại học Sư phạm ở đường Lê Lợi bằng chiếc xe Babetta của chị – anh chị đã nối lại bang giao qua món quà Valentine tôi đã chuẩn bị cho anh, để Ba rảnh rang, tập trung lo nhiệm vụ – nói văn hoa là công việc đường lối - hàng ngày. Rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, từ tối hôm trước Mẹ đã ngâm đậu xanh với mấy loong nếp, rồi hôm sau dậy sớm nấu nồi xôi đậu – ăn xôi đậu đi thi là hên lắm, Mẹ nói – để tôi dùng điểm tâm với cả nhà trước khi lên đường ứng thí. Tôi nghĩ, thành quả tôi đạt được chắc không phải nhờ xôi đậu xanh, mà chính là từ tấm lòng thơm thảo của Ba, Mẹ, thầy Hữu, anh Hai và chị Hương (bây giờ, khi viết bài này, tôi đã phải gọi chị là chị Hai rồi) đã động viên tôi nỗ lực vận dụng hết chất xám khi thi. Một kỷ niệm khó quên: có một câu trong đề Toán, yêu cầu tính diện tích hình phẳng giới hạn bởi hai đường cong, làm xong nộp bài rồi, về đến nhà tôi còn băn khoăn mãi, không biết mình làm đúng hay sai, vì nhiều thầy giáo Toán bảo tôi sai, nhưng thầy Hữu đọc kỹ bài giải của tôi lại bảo đúng. Đến khi công bố đáp án chính thức, tôi mới biết chắc chắn mình làm đúng câu đó. Kết quả thi tuyển của tôi được công bố sau ba tuần hồi hộp, thật tuyệt vời, trên cả mong đợi: tổng điểm thi cả ba môn của thí sinh Trần thị Quỳnh là 23.5 điểm, trong khi điểm chuẩn vào đại học sư phạm Toán là 20 điểm…

Điều thú vị nhất, sau này khi làm luận văn Cao học với thầy Liêm, nghe Thầy kể lại, tôi mới giải tỏa được mối băn khoăn khi thi: trong đề Toán ra năm đó, câu về tính diện tích hình phẳng không chuẩn xác hoàn toàn, ban đầu người ra đề nhẩm tính hai đường cong chỉ cắt nhau tại hai giao điểm với hoành độ x=1 và x=2, nhưng thật ra còn một giao điểm thứ ba khó nhận ra với hoành độ x=27 – giải bằng chương trình tính toán Maple mới thấy, nên sau khi chính thầy Liêm phát hiện ra sai sót đó, đáp án phải sửa lại cho hoàn chỉnh. Tổ chấm Toán gặp mấy trăm bài thi tuyển đều làm sai câu đó, chỉ duy nhất bài có số phách 392 làm đúng, nên đề xuất và được Hội đồng thi tuyển thống nhất, thưởng 0.5 điểm cho số phách 392. Sau khi gọi thí sinh trúng tuyển nhập học, thầy Liêm bỏ công tra cứu từ điển số phách, mới biết số phách Toán 392 là của thí sinh Trần thị Quỳnh, trường phổ thông trung học Hương Thủy, đã giải đúng câu mà thầy tâm đắc đó và được thưởng 0.5 điểm, nên chú ý theo dõi tôi từ khi nhập học cho đến năm cuối, Thầy nhận hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho tôi theo chuyên ngành Giáo học pháp. Kết thúc bốn năm học, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Toán hạng Khá – thỏa kỳ vọng của thầy Hữu rồi, thầy Liêm động viên tôi thi chuyển tiếp Cao học Toán, Thầy sẳn sàng làm người hướng dẫn nếu tôi thi đậu. Hỏi ý kiến thầy Hữu, tôi được sự đồng tình ủng hộ việc học tiếp, Thầy cũng nói rõ ý định: trường Hương Thủy sẳn sàng tiếp nhận nếu tôi muốn về trường sau khi tốt nghiệp Cao học, Thầy sẽ làm việc với Sở Giáo dục Tỉnh xin thêm biên chế, khi số giáo viên Toán của Trường còn khá mỏng so với lượng học sinh ngày càng tăng, Thầy cùng vài giáo viên khác cũng gần đến tuổi nghỉ hưu …

Việc học như được tạo đà nên thăng tiến nhanh chóng, trong kỳ thi tuyển Cao học, tôi vượt qua các môn Giải tích, Đại số khá suôn sẻ, nội dung thi không khác xa lắm so với những môn học mà tôi vừa kết thúc năm cuối vừa qua, riêng môn Ngoại Ngữ, tôi chọn thi tiếng Anh nên hơi vất vả với phần Nghe hiểu, cũng may cuối cùng cũng ổn, tôi nhận kết quả 5 điểm Ngoại ngữ mà mừng hơn nhận bằng tốt nghiệp đại học. Qua kinh nghiệm suýt sẩy chân này, tôi tự hứa phải trau dồi tiếng Anh cẩn thận hơn, vì chuyên môn Toán nếu học lên cao rất cần ngoại ngữ, chứ không chỉ tham khảo sách trong nước là đủ. Đến phần bảo vệ đề cương nghiên cứu, theo gợi ý của thầy Liêm, tôi chọn đề tài Vận dụng toán học để giải quyết một số bài toán thực tế, được nhiều thầy giáo trong tổ Giáo học pháp của khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Huế quan tâm, trước khi thống nhất thông qua trong Hội đồng đáng giá các đề cương tiểu luận.

Trong mấy năm theo đuổi chương trình Cao học, tôi đã mất khá nhiều thời gian cho các môn chung như Ngoại ngữ, Triết học, chiếm đến một phần tư tổng số đơn vị học trình, rồi đến những môn hỗ trợ phụ thuộc như Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Phương pháp giảng dạy trong đại học, mà do không có giáo viên giảng dạy trong thời điểm dự kiến, Trường phải thỉnh giảng cả những chuyên gia từ Hà Nội vào. Đúng như nhận xét của một số thầy - kể cả thầy Liêm đang đứng tên hướng dẫn chính cho tôi, nhiều môn học có tên gọi rất kêu được đưa ra để tổng số đơn vị học trình đạt ngưỡng 80, nhưng tác dụng đến đề tài nghiên cứu được bao nhiêu thì chỉ có Trời mới biết, phải chờ đến tương lai mới thẩm định được. Tôi chấp nhận học hết các môn, nhồi nhét hết kiến thức quy định vào bộ nhớ để đến khi cần mới tìm hiểu, như con bò cần mẫn nhồi nhét hết thức ăn vào đầy bốn túi của dạ dày, đến khi cơ thể thấy đói mới… ợ ra nhai lại!

Tôi xác định kiến thức có được từ tấm bằng thạc sĩ chưa giúp ích được gì trong thực tế cuộc sống, sau sự kiện chú Báu, bạn Ba tôi đến nhà chơi, nhân biết tôi vừa bảo vệ thạc sĩ ngành Toán xong nên nhờ nghiên cứu cách chia bình mật ong rừng khá lớn gần chục lít, không ghi dung lượng, mới được gia đình con gái ở Gia Lai nhờ bạn có cha mẹ ở gần nhà Chú, chạy xe tải gởi về, biếu chung hai nhà nội ngoại. Chú muốn phân chia thật công bằng, tránh tư tưởng nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai nhà nội ngoại các cháu, dễ gây hiểu nhầm về sau. Thấy tôi ngẩn ngơ suy nghĩ, Ba tôi bàn góp: … thì cứ chịu khó đổ ra, đong từng chén nhỏ như Mẹ đong yaourt vậy, bên nào thiệt thì cũng thông cảm, lọt sàng xuống nia ma, mất đi đâu mà ngại. Tôi cương quyết không chấp nhận, đang nghĩ đến chuyện phân tích bình mật thành ba phần, phần cổ và thân đều là hình trụ tròn xoay, ở giữa là hình nón cụt, đều có công thức tính thể tích cả, chỉ hơi khó là phải dùng thước ô ly mới đo được chính xác kích thước từng phần, đang suy nghĩ thì Mẹ về đến nhà sau chuyến viễn du đến nhà trẻ, mẫu giáo, hơi buồn vì không bán hết hàng khi trời trở, không khí se se lạnh, khách hàng không hào hứng ăn yaourt lắm. Có bệnh thì vái tứ phương, chú Báu quay sang hỏi Mẹ, và sững sờ khi nghe câu trả lời: Dễ ợt, để tôi chia cho, chỉ năm phút thôi! Cả tôi cũng mở to mắt nhìn Mẹ thao tác: Mẹ lấy một bình nhựa năm lít rỗng loại nước Aquafina tinh khiết, đổ một ít mật ong sang, thì lượng mật còn lại trong bình đạt độ cao a1, rồi Mẹ lật ngược bình lại thì lượng mật đạt độ cao b1. Mẹ tiếp tục làm đến lần thứ 6, thì hai độ cao a6 và b6 đã trùng nhau, nghiễm nhiên đã chia đúng nửa bình sau n=6 lần rót. Cả nhà vỗ tay reo hò tán thưởng, Mẹ mỉm cười: Có gì đâu, ngày trước tôi học của bà ngoại các cháu cách chia đều chai nước mắm hay chai dầu hỏa, đều thực hiện như thế! Chú Báu phấn khởi đòi mua lại toàn bộ phần yaourt bán ế hôm đó để khao cả nhà, riêng tôi thẫn thờ nghĩ lại, vốn liếng kiến thức học bao nhiêu năm vẫn còn hụt hẫng so với thực tế.

Buổi chiều hôm đó, tôi tâm sự với thầy Hữu: Tấm bằng thạc sĩ mà con mơ ước bây lâu chỉ là mốc đánh dấu bước đi đầu tiên của con trên con đường khoa học. Con thấy mình còn phải học rất nhiều từ Ba Mẹ, từ Thầy, từ vô vàn người chung quanh, những kiến thức dân gian mà hiểu biết của con chỉ là hạt cát trong sa mạc…

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét