Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 37

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>

BÀI HỌC VÀO ĐỜI

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Tôi được dạy về ý thức tiết kiệm từ nhỏ, khi bắt đầu giúp Mẹ làm nội trợ: lúc rửa bát, phải dùng giấy báo lau trước bát đĩa dính mỡ rồi mới thoa nước rửa chén, loại đơn giản như Sunlight cũng là mặt hàng xa xỉ ở xã Trung Sơn này; làm vệ sinh khu bếp núc, tôi phải hạn chế dùng nước, vì anh Phóng phải cõng nước từ khá xa, ở tận giếng khoan chung của thôn Ta Ay Ta; khi được giao đứng bếp nấu ăn, tôi phải tập lên thứ tự bắc nồi cơm, cắt gọt, tỉa tót rau củ quả. rồi mới xào nấu, cuối cùng là món canh, để tiết kiệm thời gian và củi lửa, dù kiếm củi vùng rừng núi quanh nhà không khó lắm, nhưng Mẹ dặn kỹ, bếp núc là chuyện của đàn bà, phải biết tiết kiệm, về sau lập gia đình sẽ giúp nhiều cho chồng, cho con… Nước uống cho cả nhà thì, từ hơn mười năm trước, khi người CơTu chúng tôi mắc phải mấy trường hợp sốt rét rừng, Mẹ tôi bắt đầu dậy thật sớm, nấu một nồi nước chè xanh rồi ủ trên bếp, giữ nóng từ sáng đến tối, còn lu chứa nước mưa thì đậy kỹ, chỉ để đun sôi để pha trà khi nhà có khách, tuyệt đối không ai được tự tiện múc uống; nhờ những việc nhỏ đó mà cả nhà, từ Cha, Mẹ, đến anh Phóng và tôi, đều tránh khỏi những chứng bệnh vặt vãnh như cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, sâu răng…

Tới tuổi trưởng thành, học hết cấp cơ sở, anh Phóng tỏ ý muốn theo học nghề mộc của bác Thành người kinh, là hàng xóm gần nhà. Cha tôi suy tính mất mấy đêm rồi sau khi bàn luận với bác Thành, đã đứng ra vay tiền Ngân hàng mở xưởng chế biến lâm sản, có bác Thành là thợ cả và gần chục thợ phụ đang học việc như anh Phóng. Phải nói thêm là anh Phóng được bác Thành chăm sóc hơi kỹ, vì anh định mấy năm nữa, ra nghề mộc sẽ bắt vợ là chị Hương, con gái bác, học cùng lớp với tôi, nghe chừng cả nhà bác đều vừa lòng. Tôi ấp ủ nguyện vọng khác hẳn anh Phóng, mà cũng không như chị Hương - nghỉ học chữ để học nghề thợ may, chờ ngày được anh Phóng bắt vợ. Mấy năm học ở trường phổ thông cơ sở Trung Sơn, tôi học con chữ cũng khá, luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, thậm chí năm lớp 9, tôi đã đạt giải nhất môn Toán cấp Tỉnh, nên tôi muốn phát triển tương lai theo việc học chữ…

Cách đây ba năm, tôi đã đi đến một hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn, có kết nghĩa với Trường Đại học Nông Lâm ở Huế, xin giống chuối lùn mang về trồng rải rác quanh con suối không xa nhà ở. Đây là vùng đất hoang, chung quanh toàn là đồi núi hiểm trở, mà tôi tình cờ tìm ra lối đi vào khi tìm con chó Vện của nhà bị lạc. Mấy trăm mét vuông đất trũng, tích tụ nước đọng từ đất cao chung quanh sau mưa, quả là nơi lý tưởng để trồng chuối theo hướng dẫn của sách vở. Sau này Cha Mẹ tôi biết chuyện, giúp tôi làm một con đường tắt, đi thuận lợi hơn đến giang sơn trồng chuối của tôi, lúc đó đã phát triển thành hơn trăm bụi chuối, mỗi buồng trổ ra đi ít nhất chục nải; mỗi ngày, thu hoạch xong mang ra chợ bán sỉ cũng được mấy chục ngàn đồng. Cha Mẹ cho phép tôi cất riêng khoản tiền này, sau ba năm được gần hai triệu đồng, mẹ nói để cái Quỳnh làm vốn lấy chồng, thật ra tôi định đi trữ dần để theo đuổi việc học …

Tốt nghiệp phổ thông cơ sở xong, tôi vừa làm đơn xin thi vào lớp 10 của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú của Tỉnh, vừa làm hồ sơ xin được xét chuyển thẳng vào; theo bác Viễn, Trưởng phòng Giáo dục của Huyện, bạn Cha tôi cho hay, nếu được giải cấp quốc gia sẽ được chuyển thẳng. Tôi không có giải cấp quốc gia nhưng tôi hy vọng giải nhất môn Văn cấp tỉnh sẽ bù lại được. Thật ra, Mẹ tôi muốn tôi thi vào trường phổ thông trung học A Lưới, gần chợ Bốt Đỏ, nơi học sẽ gần nhà hơn, có thể sáng đi chiều về nếu học cả hai buổi, chỉ cần bới cơm buổi trưa, nhưng Cha tôi lại ủng hộ phương án học trường dân tộc nội trú, tuy thường xuyên ở xa nhà nhưng tôi có thể nhanh chóng trưởng thành. Hơn nữa, về đến Phường Đúc là đến thành phố rồi, ở đó tôi có thể dễ dàng theo đuổi các trung tâm luyện thi ở Huế nếu muốn học cao hơn… Tôi rất ủng hộ ý kiến của Cha, chỉ hơi băn khoăn về vườn chuối trên này không ai chăm sóc… Mẹ trấn an: Khỏi lo, mỗi ngày Mẹ sẽ bỏ ra một giờ buổi chiều lo cho con… Thế là ổn!

Tôi không được xét chuyển thẳng vào Trường mà vẫn phải thi theo quy định. Ngày thi tuyển, dù người đi hơi ê ẩm sau gần nửa buổi ngồi trên chuyến xe buýt A Lưới – Huế hơn bảy mươi cây số, hơn nửa đường là đèo dốc quanh co, tôi tỉnh hẳn người khi đọc đề thi: chỉ có hai môn Toán và Văn – Tiếng Việt, đối với tôi không khó lắm, tôi làm bài thi khá suôn sẻ, sau đó lang thang ngắm cảnh dọc bờ sông Hương, tâm trí hoàn toàn thoải mái trên chuyến khứ hồi hôm sau. Tôi không ngạc nhiên khi nhận giấy báo đi học theo đường bưu điện, chỉ hai tuần sau ngày thi. Ở xã, từ lâu chắc tôi là người đầu tiên nhận giấy báo vào học trường Nội trú, lại là con gái, nên bác Lâm đưa thư của Xã chờ gặp để đưa tận tay tôi phong bì chứa tờ giấy báo nhập học rồi chúc mừng. Tôi thấy sự việc chẳng có gì to tát mà Cha tôi định làm thịt con heo choai đang tuổi lớn để ăn mừng, tôi phải cản mãi, Cha mới quyết định chỉ cắt tiết con gà trống thiến để xé phay, làm mồi uống rượu mừng với bác Thành, người bạn thân cận nhất…

Đến gần ngày tập trung, Mẹ tôi đi với tôi từ sáng sớm, không ra bến xe buýt A Lưới, mà đến nhà chú Giáp, em bác Thành đi nhờ xe thổ mộ, như đã thỏa thuận. Chú có một trang trại nhỏ nuôi bò thịt, được xem là đặc sản của A Lưới cứ cách ngày lại đánh xe chở mấy yến thịt bò và ít nông sản núi rừng về Huế, bỏ hàng cho mấy mối quen thuộc rồi mua vải vóc, các thứ gia dụng lên A Lưới lại. Nay bác Thành gởi hai Mẹ con tôi là người nhà theo xe, nếu người quy ra cước như hàng hóa thì còn rẻ hơn nhiều, so với hai vé xe buýt về xuôi và cả tiền xe ôm từ Bến xe phía Nam lên đầu đường Huyền Trân Công Chúa, gần Thủy Biều nữa. Thế nhưng chú Giáp nhất định không nhận tiền, chở người nhà cho thêm đằm xe thôi! Khi ghì cương ngựa để dừng xe ở cổng trường Dân tộc Nội trú, chú dặn kỹ: tính ngày âm lịch, ngày lẻ xe xuôi về Huế, ngày chẵn lại ngược lên, ngày nào cũng ngang chỗ này, chị hay cháu muốn đi cứ ra chờ! Mẹ con tôi chỉ biết cảm ơn, chú cười nhỏ rồi giục ngựa chạy đi, thấp thoáng một tí rồi khuất hẳn. Tôi nhớ lại câu châm ngôn đã học từ nhỏ: tích Tiểu thành Đại, giờ mới hiểu rõ hơn, những nghĩa cử nhỏ bé như thế này, đối với chúng tôi lại có ý nghĩa tinh thần thật to lớn!

Sau khi làm xong các thủ tục nhập học cho tôi, Mẹ tìm mua ở Cửa hàng kim khí gần trường một chiếc rương bằng tôn dày có móc khóa để làm giang sơn chứa tài sản đặt ở đầu giường cho tôi, và đưa cho tôi đeo vào ngón tay áp út chiếc nhẫn vàng một chỉ, tôi biết ngày xưa đó là của hồi môn Bà Ngoại cho Mẹ lúc lấy Cha. Tôi định không nhận nhưng Mẹ bảo kể như con bắt đầu ra ở riêng, cứ giữ cho Mẹ vui! Nhìn đôi mắt Mẹ bắt đầu rơm rớm dù miệng thốt ra chữ vui, tôi không dám từ chối. Mẹ quay qua nói chuyện với cô Thùy, giám thị phụ trách phòng, hóa ra Cô là đồng hương xã Khe Tre bên huyện Nam Đông với Mẹ, lát sau Cô bảo: Tối nay chị ở lại chơi với cháu, nói chuyện với em cho vui. mai hẳng về! Tôi nghe mà mừng rơn, Mẹ mà về ngay, chắc lạ nhà, tôi chỉ biết trùm chăn nằm khóc…

Sáng hôm sau, hai Mẹ con dậy sớm như thường lệ ở nhà, tôi đưa Mẹ ra ăn sáng ở mấy hàng quán trước cổng trường. Tôi định kéo Mẹ đến quán bún tôi đã ăn thử hôm về thi, chỉ hai mươi ngàn mà lại khá ngon, thì Mẹ dừng bên gánh xôi của bà lão bán dạo dọc đường: Bà cho hai gói xôi đậu năm ngàn… rồi cười với tôi: mình ăn xôi cho chắc bụng. Tôi nhớ lại, năm nay tôi gần tròn mười sáu tuổi, suốt hơn mười năm từ khi biết nhận thức, tôi chưa hề thấy Mẹ ăn quà buổi sáng, thường chỉ lục cơm nguội chiều hôm trước còn dư, rang lại cho nóng rồi ăn. Mọi ngày, bao nhiêu món ngon vật lạ trong nhà đều nhường cho chồng, cho con đang tuổi lớn, có bao giờ Mẹ nghĩ đến cho bản thân mình? Tôi nghĩ xa hơn, nhịn ăn nhịn mặc thường xuyên như Mẹ mới duy trì được sự ổn định của gia đình, giúp Cha mở xưởng chế biến lâm sản, lo cho anh Phóng học thành nghề thợ mộc, và tôi được theo đuổi được con chữ đến tận bây giờ? Nước mắt tôi lặng lẽ ứa ra, tôi im lặng gạt qua cho Mẹ nửa gói xôi phần mình, nhỏ nhẹ: Mẹ ăn giúp con, đường về còn xa, con còn suất ăn sáng trong trường… Kìa, xe chú Giáp đến rồi… Một lần nữa, tôi có điều kiện thấy rõ ý nghĩa sâu sắc của câu châm ngôn mà tôi tưởng đã vỡ vạc được từ ngày hôm qua.

Ba năm sau…

Tôi sống xa gia đình suốt ba năm ròng rã, hàng năm chỉ về nhà thăm nhà vào dịp Tết hoặc hè, vẫn nhờ chiếc xe thổ mộ của chú Giáp, đến khi quay lại Trường, tôi lại theo xe chú, cũng khá thuận lợi vì nhà chú Giáp cũng gần nhà tôi như nhà bác Thành, anh ruột chú. Ngày Tết thì đương nhiên tôi phải về nhà rồi, Cha tôi dặn rất kỹ: giỗ cha không bằng ba ngày Tết, phải về để thắp hương trên bàn thờ, thăm mồ mả ông bà, tổ tiên… Ngoài ra, tôi chỉ về nhà kỳ nghỉ hè năm lớp 10, để khoe với Cha Mẹ giấy chứng nhận học sinh giỏi, tuy nhiên, sang năm sau, tức là ở lớp 11, đến thời gian hè, khi được nghỉ gần hai tháng như quy định, tôi viết thư xin phép Cha Mẹ cho ở lại xã Hồng Tiến để kèm cặp hai môn Toán và Văn-Tiếng Việt cho hai chị em sinh đôi Sang-Xuân, con của bác Mưu bí thư Xã, cùng học dưới tôi một lớp: hai bạn học hơi yếu nên viết thư xin bác Mưu cho phép tôi - năm trước đã đạt danh hiệu học sinh Giỏi, đến cùng ăn ở cùng nhà trong hai tháng hè, để ôn lại các kiến thức cũ và hướng dẫn sơ qua kiến thức mới, bác Mưu đã đồng ý. Nhưng Mẹ tôi hơi ngại vì nhà tôi nghèo, sợ phiền nhà Bác, sau Cha tôi thuyết phục Mẹ được vì hồi cùng tại ngũ, Cha biết Bác rất trọng việc học.

Biết rõ hai chị em Sang-Xuân mất kiến thức căn bản, tôi tập trung ôn kỹ kiến thức phổ thông cơ sở trước, rồi thong thả nhắc lại kiến thức lớp 10… Quả là học thầy không tày học bạn, hai chị em khi đã lấy lại được thăng bằng kiến thức đã học rất tiến bộ, đến bài kiểm tra đầu năm học sau được điểm chín, mười nên viết thư về khoe ngay với bác Mưu, đến chủ nhật đã thấy bác đến Trường thăm hai con, rồi mời tôi đi ăn tối, sau đó đề nghị tôi các buổi tối sang học cùng các em - bác bắt Sang-Xuân gọi tôi bằng chị dù chúng tôi bằng tuổi, thích mày tao chi tớ hơn, nếu cần thì giải đáp thắc mắc luôn, bác đã xin phép cô Thùy rồi. Từ đó tôi học các buổi tối chung bàn học với Sang-Xuân, rất thoải mái, dưới ánh đèn bàn sáng quắc và cây quạt nước Sanyo mát rượi. Việc học của hai chị em ngày càng tiến bộ, cuối năm đều đạt tiên tiến, đầu hè đó bác Mưu đánh cả ô tô 7 chỗ đến đón cả ba chúng tôi về tận nhà tôi ở Trung Sơn, thăm Cha Mẹ tôi và gởi quà cảm ơn đã nuôi dưỡng được một cô giáo trẻ tài ba, như lời bác nói rất trang trọng: Cha tôi nhận được chiếc khăn phu la rất ấm - sau Cha đem biếu cho chú Giáp thường phải đi rất sớm, và đôi giày Ý đúng cỡ chân 44 - mà Bác biết rõ hồi cùng tại ngũ, Mẹ tôi nhận bộ quần áo thổ cẩm khá đẹp. Từ đó trở đi, mỗi khi địa phương có lễ hội, Mẹ luôn vận bộ quần áo thổ cẩm, súng sính như trẻ con, khoe luôn miệng: con gái đi dạy, kiếm cho tôi đấy… làm tôi phát ngượng.

Tôi từ giã ngôi trường Phổ thông Dân tộc Nội trú thân thương, hai chị em Sang-Xuân thân thiết, cô Thùy kính yêu để bắt đầu chặng đường đi mới. Thật ra, tôi vẫn có thể làm cô giáo của chị em Sang-Xuân thêm hai tháng nữa, đến hết hè, như bác Mưu đề nghị, nhưng hai chị em đã khá vững vàng, riêng tôi phải tập trung cho kỳ thi tuyển vào đại học. Về việc chọn trường, không phải chỉ khi tiếp xúc với chị em Sang-Xuân mà tôi đã suy nghĩ từ khi vào lớp 10, tôi tự biết mình đam mê ngành sư phạm, muốn đứng trên bục giảng để truyền lại kiến thức đã học cho đồng bào CơTu quê tôi, và muốn nỗ lực thực hiện niềm mong muốn đó. Trong các ngành học, tôi nghĩ tính logic của ngành Toán hợp với tính chặt chẽ, cần kiệm vốn là truyền thống của gia đình, nên tôi quyêt định nộp hồ sơ thi vào đại học sư phạm Toán, thi khối A với ba môn Toán, Lý, Hóa. Tôi tìm đến các trung tâm dạy luyện thi ở khắp thành phố Huế, chọn nơi tương đối hẻo lánh, ít người đăng ký học để chọn làm nơi học, với suy nghĩ đơn giản, lớp càng đông thì học sinh càng dễ bị chia trí, trong khi đề thi không phải dạng đánh đố, chỉ cần theo sát nội dung giáo khoa và đào sâu các bài tập. Nghĩa là, như thầy Trình dạy Toán cho tôi ở lớp 12 đã nói, thi đậu tùy thuộc 75% vào học sinh, chỉ 20% vào thầy cô, còn 5% là yếu tố may rủi, học tài thi phận. Tôi càng hăng hái thi tuyển vào sư phạm hơn, khi biết ngành sư phạm luôn được ưu tiên đào tạo, được miễn đóng học phí cả khóa nếu khi tốt nghiệp, sẳn sàng nhận nhiệm vụ được phân công, như miền núi, hải đảo... Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình đã gắn bó cuộc sống với rừng núi A Lưới, với Cha Mẹ, với gia đình, thì còn muốn đi đâu khác nữa, đi để làm gì? Đến gần ngày thi tuyển, được biết ba môn thi Toán-Hóa-Lý được chia ra ba buổi, tôi lo nhất là chuyện ngủ quên sau khi thi môn Toán, nếu thức dậy mà đề Hóa đã phát thì coi như chấp các đối thủ một môn rồi, khi đó thì cầm bằng năm sau thi lại! May thay, Mẹ luôn đồng hành với tôi khi gặp gian nan, hứa bỏ hết việc đồng áng theo sát tôi từ buổi đầu tiên tập trung để làm thủ tục nên tôi rất yên tâm, đã có đồng hồ báo thức sống bên cạnh rồi.

Tôi nhận giấy báo, điểm thi ở trường Trung học phổ thông Phường Đúc, không xa so với trường Dân tộc Nội Trú của tôi trước đây. Buổi sáng trước hôm tập trung, vừa xuống khỏi chiếc xe thổ mộ của chú Giáp – gần như là phương tiện quen thuộc của gia đình tôi khi xuôi về Huế, Mẹ con tôi đang lơ ngơ tìm nhà thuê trọ mấy hôm cho tiện việc đi lại, thì một ông trung niên, trạc tuổi Cha tôi, đến làm quen. Ông tự giới thiệu là trưởng nhóm Tiếp sức Mùa Thi ở phường này, cùng với nhiều thành viên trong nhóm sẳn sàng tiếp nhận thí sinh các nơi về dự thi, lo giúp chổ ở, điện nước… hoàn toàn miễn phí trong thời gian dự thi. Ông giải thích: chỗ ở, màn chiếu đều có sẳn, chúng tôi chỉ trả thêm ít tiên điện nước, chẳng đáng là bao… tôi tiếp lời: mà lại giúp người ở xa đến ấm lòng rất nhiều! Tôi nhớ lại những việc đã chứng kiến, từ việc chú Giáp cho đi nhờ ngày trước đến việc hỗ trợ trước mắt, chỉ cần có tấm lòng nhân ái, sẳn sàng giúp đỡ người khác thì sự việc dù đơn giản đến đâu cũng có ý nghĩa lớn lao… Sau này, tôi được biết để giảm bớt khó khăn cho thí sinh, Nhà nước đã tổ chức hình thức thi tốt nghiệp phổ thông 3 trong 1, đa số học sinh có thể dự thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng ngay tại trường đang theo học của mình, thuận lợi này biết đâu là thành quả của những hoạt động Tiếp sức Mùa thi đã tác động đến những cấp có thẩm quyền?

Tôi vượt qua ba buổi thi thật thuận lợi, càng yên tâm hơn khi chợp mắt buổi trưa, mở mắt ra luôn thấy Mẹ vẫn đang lặng lẽ ngồi khâu vá bên cạnh, Mẹ hứa thức thay con mà, tôi yên tâm thiếp đi, nên buổi thi nào tâm trí cũng minh mẫn… Đến khi nhận phiếu báo điểm, dù không đạt điểm cao bằng các đối thủ ở thành phố - như báo chí địa phương có đăng tải, nhưng số điểm cũng khả quan, đủ cho tôi hy vọng với những ưu tiên khu vực cho người dân tộc CơTu như tôi. Quả nhiên, hơn một tuần sau, tôi nhận được tờ giấy triệu tập đi học tại Trường Đại học Sư Phạm Huế. Gia đình tôi quá đỗi vui mừng, lúc này tôi cũng đồng thuận cho Cha Mẹ mổ con lợn gần tạ để khao quân, nhưng vẫn lấy lý do là kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới của Cha Mẹ, nói văn hoa là Đám cưới Hồng Ngọc, để mời khách chung quanh.

Tôi hiểu những kết quả mình đạt được là từ những giúp đỡ lớn hoặc nhỏ của những người chung quanh, xuất phát từ tấm lòng nhân ái muốn giúp đỡ cho người khác; tôi trân trọng tấm lòng của người khác, nên muốn thể hiện biết ơn của mình một cách cụ thể. Với khoản tiền tích cóp từ giang sơn vườn chuối với sự hỗ trợ của Cha Mẹ đã lên đến hơn năm triệu đồng, tôi sẽ xin phép Cha Mẹ về Huế một ngày đẹp trời, tìm đến các nơi bán sách giáo khoa giá rẻ dưới dạng giấy vụn để vét hết tiền mua lại, kết hợp với tủ sách cũ của chị em Sang-Xuân ở Hồng Tiến từ lâu đã có ý thanh lý, làm quà cho Hội Khuyến học xã Trung Sơn: món quà này tuy nhỏ, toàn sách cũ, nhưng cũng mang ý nghĩa cho những trẻ thích tìm hiểu con chữ, nhưng không có điều kiện, như chính tôi một thời trước đây.

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét