Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

Truyện ngắn 36

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>


NGƯỜI THẦY KỲ QUẶC

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Tháng trước, anh mới tổ chức sinh nhật thứ 16 cùng với gia đình, nhưng tính ra không còn trẻ nữa: con trai lớn của anh đã hơn 30, tuổi tam thập nhi lập, con gái sau cũng đã ngoài 25, đều chưa lập gia đình, dù cũng đã được xếp loại hotboy, hotgirl ở thành phố. Rất đơn giản, anh sinh ngày 29 tháng 2, nên đã về hưu mấy năm rồi. Đứng trên bục giảng trên dưới 40 năm, tính ra lượng học trò đến chục vạn người, nhưng nhắc đến tên anh, hầu như học sinh nào cũng nhận ra ngay, vì cái tính nết khá kỳ quặc trong cuộc sống, đối với học sinh -sinh viên, cũng như đối với những người khác trong xã hội mà anh tiếp xúc. Riêng tôi có dịp tiếp xúc với anh từ khi anh còn là sinh viên, xin kể lại những kỷ niệm với anh từ thuở đó; để có tính khách quan hơn, tôi xin phép được đặt tên anh là X, như Xuân chẳng hạn.

Tôi dự thi tuyển sinh vào đại học năm 1977, hồi đó quy chế tuyển sinh chưa thống nhất 3 trong 1 như hiện nay, tốt nghiệp phổ thông là cứ nộp đơn dự thi vào trường đại học mình chọn. Tôi học phổ thông ở Thanh Chương, Nghệ An, tốt nghiệp lớp 10 xong là chuyển vào Huế theo gia đình; tôi học khá hai môn Sinh, Hóa nên chọn thi vào đại học tổng hợp Sinh, dù biết khả năng khó đối chọi với sĩ tử đất Huế, vốn có tiếng chăm học, hơn nữa phần Hóa hữu cơ lại khá xa lạ với học sinh hệ 10 năm… Quả nhiên, năm đó tôi chỉ đậu phải cành mềm, thời kỳ đó Trường không báo điểm, tôi không biết mình được dưới điểm chuẩn để đậu là bao nhiêu. Tôi chỉ nhận được thông báo vào học lớp Dự bị đại học, tiêu chuẩn này có được từ việc ba mẹ tôi đã từng là bộ đội, riêng ba tôi đã đi B ở miền Nam mấy năm trước 1975, theo lời bác Trác, bạn ba tôi công tác bên Ban Tuyển Sinh của Tỉnh... Học Dự bị một năm, rồi năm sau phải thi tuyển sinh lại như mọi người…

Tôi gặp anh Xuân trong lớp Dự bị này: anh không thuộc Nhóm I hay II theo lý lịch như sinh viên trong lớp, mà anh thường tự xưng là ngụy dân, theo cách gọi người miền Nam là ngụy quân, ngụy quyền hồi đó. Lúc đó, anh là sinh viên năm thứ ba, thuộc Tổ Học Tập của Lớp Toán 3 nên theo sự phân công của Chi đoàn, nhận nhiệm vụ ôn tập môn Toán cho lớp chúng tôi thay các thầy đang rất bận. Tôi quên nêu một chi tiết khá thú vị: anh vẫn chưa là đoàn viên dù đã học đến năm thứ ba, hồi đó kết nạp vào Đoàn phải qua khá nhiều bước, từ giai đoạn đang là Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng, phải phấn đấu để làm cảm tình đoàn, rồi tiến lên là cơ sở đoàn, sau cùng là cảm tình đoàn, được thẩm tra lý lịch gia đình hai ba đời, được hai đoàn viên giới thiệu mới được kết nạp Đoàn. Bản thân anh chi mới ở cấp cơ sở đoàn, chắc còn lâu mới được giơ tay tuyên thệ, như tôi đã làm hồi mới lớp 8 ở Trường cấp 2 Xuân Tường. Chắc anh chỉ hơn bọn tôi vài tuổi, trong lớp còn có người đi bộ đội mấy năm mới về học, có khi còn hơn tuổi anh, làm gì phải gọi bằng thầy? Để dằn mặt, hôm đầu tiên gặp mặt các thầy giáo nai của Tổ Học Tập, tôi chép trước một đề bài khó, lựa trong cuốn Tuyển tập các bài Toán sơ cấp tập I của Phan Đức Chính – Phạm Tấn Dương - Lê Đình Thịnh, đưa ra, dùng giọng nhỏ nhẹ, lễ phép nói: Bài này do bạn em hỏi, nhờ các Thầy giải giúp, tuần sau em xin… cười thầm biết rằng mới đọc qua đề, anh nào anh nấy đều tái cả mặt. Rồi tuần sau, đúng buổi học Toán của lớp tôi, anh Tổ trưởng đề nghị Lớp không nên hỏi những thứ ngoài chương trình ôn tập, rồi giao cho anh Xuân lên giải đáp thắc mắc. Lời giải của anh Xuân khác hẳn với lời giải trong cuốn sách tôi đã chép, nhưng lại ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Khi tôi đứng lên, nêu lời giải trong sách, anh nhỏ nhẹ: Lời giải của bạn chiếm đến nửa trang 84, kéo sang nửa trang 85 của sách in, dài dòng hơn vì phải dùng đến một bổ đề, phải chứng minh được bổ đề rồi ứng dụng. Khi ôn tập, bạn nên chú trọng sự đơn giản, ngắn gọn… Sau này tôi mới biết, anh không chỉ có tập I (được xem như hàng độc hồi đó) như tôi mà có cả tập II, tập III; anh đã bỏ ra hơn một tháng học bổng sinh viên mười tám đồng để mua lại từ một đàn anh học chuyên Toán ở Hà Nội. Anh khuyên chúng tôi: nên học cái lõi của bài toán khó, chứ đừng quan tâm đến các dạng toán, chẳng lẽ giải toán lại ghi: xem sách xxx, trang yy sao? Bài toán khó nào cũng có cách giải, cứ nắm chắc lý thuyết là được! Tôi nghe bạn bè trong lớp gọi anh là Xuân hâm, vì anh chủ trương chỉ học kỹ theo sách giáo khoa, không quan tâm đến nhiều loại sách nâng cao khác… Tôi không chú tâm đến việc học Toán với nhóm các anh lắm, vì đã tính trước đường đi của tôi; năm học Dự bị chỉ để giết thời gian ở không, và để ôn luyện kiến thức trước khi thi tuyển vào đại học lần nữa…

Hai năm sau…

Tôi đã là sinh viên, học gần xong năm thứ nhất, không phải của đại học tổng hợp mà của đại học y khoa, nhất y nhì dược, vinh quang hơn nhiều. Kết thúc năm Dự bị, tôi xin nghỉ học sớm ba tháng để ôn luyện, theo đuổi các điểm luyện thi của thầy Quang, thầy Khải, thầy Đạt ở khắp thành phố, và mạnh dạn làm hồ sơ thi tuyển vào trường đại học y khoa Huế, và may mắn thay, đã trúng tuyển. Lần này vẫn thi khối B với ba môn Toán Sinh Hóa, nhưng thi xong tôi thấy yên tâm hơn năm trước rất nhiều. Tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào học năm thứ nhất, cả nhà tôi rất vui mừng vì tôi đã đạt được ý nguyện học y khoa của ông bà, cha mẹ…

Tôi tình cờ gặp lại anh Xuân tại Cung An Định, khi tiễn các bạn cùng lớp nhập ngũ sau cuộc chiến ở biên giới Tây Nam. Anh đã tốt nghiệp, nói đúng ra là tốt nghiệp đặc cách, chế độ dành cho những sinh viên năm cuối nhận lệnh nhập ngũ – anh vẫn chưa là đoàn viên. Bạn Phúc lớp tôi cũng nhập ngũ lứa này, có anh ruột là anh Viễn, học cùng lớp với anh Xuân, nghe Phúc nói anh Viễn cay cú vì đơn tình nguyện nhập ngũ bị bác, còn đơn của anh Xuân lại được chấp thuận, trong lúc rất nhiều thanh niên tìm đủ mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự như cha mẹ đau ốm, bản thân có bệnh mãn tính... Tôi lân la hỏi chú Hùng, bạn ba tôi bên Thành đội, đang thu nhận hồ sơ, chú nói vắn tắt: một đứa có nguyện vọng trực tiếp cầm súng, bảo vệ Tổ quốc thì được, còn đứa muốn đi bộ đội thay để em được học tiếp thì nhận làm gì? Tôi hiểu anh Xuân không màng đến chế độ tốt nghiệp đặc cách, còn anh Viễn tính toán cho gia đình, sau này nghe nói đi dạy học rồi vượt biên sang Canada: tôi mới có cái nhìn khác hơn về tính kỳ quặc của anh Xuân. Nhưng thôi, đó là chuyện người ngoài, mình lo học đã…

Hết học kỳ 2 năm Y4, tôi được xếp loại Khá về học lực, nên Ba Mẹ cho về quê thăm nhà ngoại, thưởng công học tập vất vả suốt năm, và trực đêm một tuần hai buổi. Trên chuyến tàu TN4 ra Hà Nội, tình cờ tôi gặp cậu Chương, đồng hương của mẹ tôi, cũng ra Bắc trên cùng chuyến tàu. Cậu là Quyền Hiệu trưởng trường đại học tổng hợp mà tôi đã học năm dự bị hồi đó, sau này mới chuyển sang học y khoa. Tôi đã nói khéo với bà cụ ngồi cạnh cậu Chương xin đổi chỗ, cụ bằng lòng ngay vì tình cờ vé ngồi của tôi có số 36, ngồi sát cửa sổ, rất thoáng. Hai cậu cháu nói chuyện rất vui vẻ trên quãng đường sắt gần bảy trăm cây số, tàu chạy phải mất hơn một ngày đêm. Cậu cũng dạy Toán, nhiều lần hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho sinh viên. Câu chuyện dần dần chuyển về lớp thầy nai tơ đã dạy tôi hồi đó, cậu càu nhàu: Lớp đó có thằng Xuân, học cũng được nhưng bướng không thể tả. Hồi đó, tôi đã định nhận hướng dẫn tốt nghiệp cho nó làm về sơ đồ Pert thì nó có lệnh nhập ngũ, mới đây nó mặc quân phục về Trường, lại gây ồn ào… Cậu im bặt, chắc chuyện chẳng hay ho gì, nhưng tính con gái là chúa tò mò, tôi hỏi phăng tới. Cậu ậm ừ rồi kể lại tự sự. Hóa ra sau khi công bố luật nghĩa vụ quân sự, khóa nhập ngũ hồi đó đã gần hết hạn, đứa thì xuất ngũ, đứa lại chuyển ngành, anh Xuân đại diện về hỏi nơi nhận thì chú Liêu ở Phòng Tổ chức trả lời: Nhà Trường không biết, các cậu có gia đình ở đâu thì về địa phương đó, Trường không nhận… Anh Xuân hét to, tôi nhớ âm lượng của anh, ngày trước khi anh nói ở giảng đường không cần micro vẫn nghe rõ: Đâu được? Ngày trước nhà trường được tiếng đưa sinh viên sắp tốt nghiệp nhập ngũ, nay có thằng chết, thằng sống quay về, Trường lại đem con bỏ chợ, lý đâu lạ thế? Nghe ồn ào, cậu Chương ra hỏi: Ai nói thế? Anh Xuân ưỡn ngực: Em là Xuân, khóa lưu dung ngành Toán, thầy ghi tên đi! Cậu Chương kể xong, kết luận: Phòng Truyền thống còn treo bằng khen, giấy khen của nó do đơn bị bộ đội ở biên giới cấp, nên cho qua tội làm náo loạn! Tôi im lặng nghe, không nói gì, chỉ nghĩ trong bụng, chắc gì mình đã làm tốt hơn, trong trường hợp đó! Tự nhiên tôi hết hứng thú nói chuyện, tàu đã đến ga Vinh rồi, tôi xin phép Cậu rồi nhắm mắt thiu thiu ngủ… Tự nhiên trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy mình đến thăm gia đình người bạn cũ đã nhập ngũ, vừa mới chết trận, thấy cả cậu Chương đang thắp hương trên bàn thờ ghi rõ chữ Tổ quốc ghi công.

Tôi tốt nghiệp không thuộc loại Giỏi, nên không hy vọng được giữ lại Bộ môn làm cán bộ giảng dạy được. Nhưng nhờ Ba tôi làm bên ngành Tuyên Huấn của Tỉnh, cũng ít nhiều quen biết, nên được nhận công tác ở Phòng Giáo vụ, làm công việc theo dõi học tập của vài khối sinh viên, và được 50% biên chế ở khoa lâm sàng, như một vài bác sĩ khác. Tôi đã nghĩ rằng công việc hành chính này thật nhàm chán, nhưng chui vào chăn mới biết chăn có rận, làm một thời gian ngắn, tôi mới biết vai trò tham mưu cho công việc đào tạo của Nhà trường. Khi không có việc thì ngồi không, thỉnh thoảng mang tiếng là đi dự giờ nhưng thực chất là kiểm tra thái độ học tập của sinh viên xem có đúng nội quy nhà trường hay không, nhưng khi vào mùa công việc thì rối mù, như thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp, hay đơn giản như thi học kỳ… Theo nguyên tắc, mỗi buổi thi phải có hai giám thị, hễ Bộ môn không đủ người là điều thêm cán bộ giáo vụ chúng tôi, đôi khi mất cả buổi nghỉ sau trực để thực hiện những công việc sự vụ này…

Tôi đã gặp lại anh Xuân đúng thời gian thi tuyển sinh đại học, anh chuyển ngành từ quân đội về, sau ba năm giảng dạy ở Trường Sĩ quan, anh được anh Dự, bạn học cũ giới thiệu về bộ môn Toán Lý thuộc khối Khoa học Cơ bản, nơi đó đang thiếu giáo viên; nhưng Tổ chức lại đưa anh về Giáo vụ, và biên chế 50% bộ môn như bọn chúng tôi, rồi sau quyết định được sửa thành 100% Giáo vụ, vì nơi đó có nhiều chuyện tiêu cực, cậu có mặt sẽ làm giảm bớt…, theo lời giải thích của Trưởng phòng. Mới chân ướt, chân ráo về Phòng, anh tham gia ngay Tổ chấm thi Tuyển sinh môn Toán, còn tôi được cử làm Thư ký của Tổ. Theo quy định thống nhất của Tổ, cán bộ chấm thi sẽ được trả tiền theo số bài chấm, nên ai chấm nhanh sẽ được hưởng nhiều tiền. Dự kiến thời gian chấm thi mất mười ngày, nhưng sau vài ngày chấm, Tổ Chấm môn Toán phát hiện có một cách giải một câu 2 điểm, ngắn gọn hơn đáp án của Bộ, nên thống nhất sửa lại đáp án cho hoàn chỉnh. Anh Xuân nhớ đã gặp một bài giải theo hướng mới đó, cán bộ chấm trước không cho điểm, anh chấm sau cũng đồng ý, nay nghĩ lại có khả năng thí sinh mất oan 2 điểm! Anh đề nghị lục bài ra chấm lại, đa số cán bộ trong Tổ chấm đều phản đối vì đang lúc cao trào, chậm phút nào mất tiền phút đó, có người nói, coi như thí sinh đó rủi ro, phải chấp nhận thôi! Anh không chịu, nếu đó là con em của bạn thì sao? Cuối cùng, anh tự nhận trách nhiệm cùng tôi lục cho ra bài đó, mất đứt hai ngày, nên tiến độ chấm của anh chậm hẳn lại, khi tổng kết thua bạn chấm khác gần trăm lượt chấm. Bản thân tôi là Thư ký Tổ Chấm, phải có mặt đến khi kết thúc, lỡ mất một buổi xem phim rạp Hưng Đạo, đúng suất cuối cùng của phim đang ăn khách Cuốn theo chiều gió, mà bạn bè nghĩ tôi đã rảnh, mua vé mời đi… Lỡ mất buổi xem phim, tôi còn tức anh ách khi nghe anh nói: Mục tiêu cao nhất của tuyển sinh là công bằng, Quỳnh làm giáo vụ, phải gương mẫu chứ! Bực mình hơn là khi biết chuyện, nhiều người lại ủng hộ anh Xuân mới chết…

Trong phòng, công việc anh được phân công là lên lịch học trên lớp và thực hành ở bệnh viện, phòng thí nghiệm cho sinh viên các khối lớp, anh đã hoàn thành khá suôn sẻ và dự định sắp xếp để tối ưu hóa, thu nhỏ số phòng học đến mức tối thiểu mà vẫn đảm bảo chương trình giảng dạy, theo lý thuyết tối ưu đã học… Trường tổ chức lớp học Hướng dẫn Nghiên cứu khoa học cho cán bộ, tôi ghi tên tham gia học nhưng chỉ bữa đực bữa cái, rồi mất gần mười ngày dính trận dịch sốt xuất huyết, người cứ bần thần không đi học được, nên khi yết danh sách thi, không có tên tôi vì vắng quá quy định. Tôi phàn nàn với anh chị em trong Phòng, anh Xuân bảo để liên hệ với Ban Tổ chức Lớp, nhận kèm thêm nội dung học cho tôi, cũng không dược. Biết chuyện, anh Dự cười, bảo tôi: Em dại quá, ông Trưởng Ban Tổ chức Lớp vốn ghét Xuân, nó ra mặt giúp thì em bị loại cầm chắc! Sau đó, anh Xuân cùng tôi đăng ký làm chung một đề tài nghiên cứu khoa học về tình hình học tập của sinh viên, đề tài không đoạt giải gì, nhưng sau này, nghe nói trong Ban Giám hiệu đã phát triển đề tài đó thành đề tài cấp Bộ… Dư luận trong Trường bắt đầu có lời ong, tiếng ve về quan hệ giữa chúng tôi, tôi liền đổi cách xưng hô, gọi anh là thầy, danh xưng mà hồi học lớp Dự bị tôi rất ghét, trong khi anh vẫn thản nhiên gọi tôi bằng từ bạn

Rồi đến khi nhà Trường mua chiếc máy vi tính đời 386 đầu tiên, đặt ở Phòng Giáo vụ chúng tôi, đối với mọi người khá xa lạ nhưng anh Xuân rất dễ dàng thích nghi, hỏi ra mới biết anh đã làm quen với máy tính từ đời 286 khi còn trong quân đội, khi chuyển ngành về, anh đã tom góp hết tài sản, xin thêm tiền ba mẹ để mua chiếc máy vi tính đặt trong nhà. Thế là ma cũ thành thầy ma mới, mọi người tôn anh làm thầy để học những bước đầu tiên của Tin học văn phòng mà anh đã dày công tìm hiểu… Đặc biệt, anh không đòi trang bị máy điều hòa không khí để bảo quản máy mà anh chỉ yêu cầu mỗi ngày mở máy tính một lần, dùng trong nửa giờ, chơi game cũng được, để tránh ẩm mốc. Tôi nhớ anh chị em phòng chúng tôi -trong đó có tôi, huênh hoang tự xưng là những đại đệ tử của thầy để được ưu tiên thực hành trên máy khi rảnh rỗi. Các cán bộ khác trong Trường cũng tìm cách gặp anh để trao đổi thêm về Tin học, anh luôn chân thành, đơn giản khi nói chuyện, tự nhận mình chỉ là lính bữa mai, không dám cai lính bữa hôm. Cho nên, danh xưng thầy mà tôi gọi không quá lạc lõng trước mặt người khác…

Chiếc máy vi tính đã phù phép giúp công việc hành chính của chúng tôi đơn giản rất nhiều, như soạn thảo, tra cứu số liệu lưu trữ, nên có thể dành nhiều thời gian để làm việc chuyên môn. Bộ môn bắt đầu chú ý đến việc phát triển chuyên môn cho tôi, cho tôi đi học bồi dưỡng tiếng Phàp mỗi năm một tháng ở Hà Nội, nếu kiểm tra đạt yêu cầu sẽ đi tu nghiệp FFI ở Pháp trong một năm. Cái khó của tôi là trước đây chỉ học qua tiếng Nga, giờ thêm tiếng Pháp quá xa lạ, dễ gì thu nhận được? Chị em trong Phòng rỉ tai với tôi, ông Xuân là con nhà nòi tiếng Pháp đó, hóa ra trước đây anh đã có bằng tú tài chương trình Pháp, nhưng thích học Toán nên bỏ không. Tôi đặt vấn đề và anh vui vẻ nhận lời mở một câu lạc bộ tiếng Pháp cho tôi tham gia tập đàm thoại, nghe giọng mũi của anh, tôi cứ tưởng anh là ông thầy người Pháp dạy bồi dưỡng ở Hà Nội. Thế là hết giờ hành chính, câu lạc bộ tiếng Pháp bắt đầu hoạt động, ban đầu chỉ hai ba người, rồi số lượng cứ tăng dần lên theo nhu cầu học tiếng Pháp của cán bộ trong Trường. Anh Xuân tự nhận trước là người dốt đặc về chuyên môn y khoa nên chỉ trao đổi về giao tiếp hàng ngày, đối với chúng tôi như vậy là đủ, vì chuyên môn đã có sách vở rồi. Khả năng tiếng Pháp của tôi tăng tiến rõ rệt trong đợt ra Hà Nội tiếp theo, cuối cùng tôi đã kiểm tra đạt yêu cầu, sẳn sàng cho đợt FFI tiếp theo…

Anh Xuân vẫn tiếp tục dạy Toán cho sinh viên hệ dài hạn lẫn chuyên tu, và nổi tiếng là người khắc nghiệt về điểm số lẫn quan hệ. Tôi đã nghe các sinh viên chuyên tu - sau này gọi là dài hạn 4 năm, kháo nhau về chuyện anh mang trả trên lớp học chiếc phong bì hai triệu đồng kèm theo lẳng hoa lớp đã tặng nhân ngày 20/11, tuyên bố rõ ràng số tiền này đã vượt quá mức tình cảm, nể lớp nên anh nhân nhượng không truy tố trước pháp luật, nhưng từ nay sinh viên chỉ được gặp anh trên lớp, anh không tiếp ở nhà. Quả thật, đến Tết Nguyên Đán, anh đã bắt Ban Cán sự của chính lớp đó đứng ngoài cổng dưới trời mưa, dở chậu hoa cảnh quà Tết ra, thấy không có gì kèm theo, mới mở cổng mời vào nhà. Tôi nhớ mãi câu nói của anh khi thuật chuyện này: danh tiết người thầy to lắm, không mua được bằng tiền…

Có người hỏi tôi: Giờ anh ấy đã về hưu, chị chắc cũng vậy, thế cứ mãi gọi là thầy à? Xin trả lời nhỏ thôi: Tôi chấm dứt gọi Thầy mấy chục năm nay rồi, đã chuyển sang gọi bằng Anh, rồi Chú này Chú nọ, bây giờ là Thằng Cu lớn để phân biệt với con trai đầu lòng…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét