Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Truyện ngắn 33

 <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"

     crossorigin="anonymous"></script>


SAU KHÓA HỌC TỪ XA

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

1. Năm học dở dang lớp Dự bị

Tôi trở thành giáo viên trường trung học cơ sở Tân An, thị xã La Gi, trong điều kiện khá oái oăm...

Hôm đó đúng là sinh nhật thứ 18 của tôi, ngày 18/03/1975, tôi còn nhớ rất rõ: đang học lớp Dự bị A1 của đại học khoa học Huế, thì cả miền Nam xảy ra cuộc binh biến năm 1975. Ba mẹ tôi và các em vẫn ở trong quê, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, chắc chỉ mới biết diễn tiến cuộc chiến theo Đài phát thanh, trong khi tôi ở trọ tại Đốc Sơ, phía Bắc thành phố Huế, đã nghe văng vẳng tiếng départ của đại bác từ Mỹ Chánh theo tiếng gió vọng về. Buổi sáng đó, tôi còn chăm chú nghe thầy Hỷ giải mấy bài tập Giải tích II ở giảng đường C, thì buổi chiều tôi đã phải nháo nhác cuốn gói đồ đạc, theo thác người chạy loạn, leo lên chiếc xe GMC mui trần đã gần kín người, ngồi tạm trên mớ bàn ghế, giường tủ của gia đình ông trung tá quân tiếp vụ mà tôi may mắn hưởng một suất đi ké, nhờ lâu nay dạy kèm Toán cho con trai của ổng. Chiếc GMC chạy bon bon trên đường IA, vượt qua các đèo Đá Bạc, Phước Tượng, Phú Gia khá êm ả, đến đèo Hải Vân thì bị tắc đường vì người di tản quá nhiều nên đường quốc lộ chật cứng. Chúng tôi vào đến Đà nẵng lúc gần tối, tôi được xem như người nhà của gia đình học sinh dạy kèm, được dằn bụng buổi tối bằng ổ bánh mì trợ cấp của Hội Chữ Thập Đỏ, hôm sau lại một mình lưu lạc từ Ngã ba Huế đến bến tàu Sông Hàn; ở đó, tình cờ tôi gặp anh Đức, anh họ con bác Phú anh ruột ba tôi, là thiếu úy Hải quân, anh định gởi tôi theo ca nô hải quân ra tận bán đảo Sơn Chà, chờ tàu thủy đưa dân tỵ nạn vào Saigon. Từ kinh nghiệm những lần chở dân chạy loạn, anh khuyên tôi cải trang làm nam giới, phòng tránh những bất trắc của thân gái dặm trường, dự kiến mất đến mấy ngày trời từ Đà Nẵng vào Saigon. Tướng tá bề ngoài tôi chắc cũng khá bặm trợn, nên sau mươi phút cải trang, anh Đức đã gật đầu yên tâm, chỉ rõ đường từ cảng Saigon về nhà bác Phú ở cư xá Thanh Đa, sau khi vét sạch tiền trong túi đưa cho tôi, tháo luôn cả chiếc đồng hồ cá mập đeo vào cổ tay tôi: thời buổi loạn lạc, sinh mạng mới quý, của cải đáng gì! Anh gởi gắm tôi cho chú thím Năm Tân, là gia đình người quen cùng đi chuyến ca nô ra Sơn Chà, có cô con gái tên Hồng, cũng cải trang thành con trai như tôi theo sách của anh Đức… Tính tôi xông xáo nên giúp được chú thím Năm Tân khá nhiều chuyện như chuẩn bị nước ngọt, nắm cơm vắt… được nhận là người nhà, cùng ăn cơm ngày hai bữa đến khi tàu cặp bến cảng Saigon. Lên bờ, khi hết cứng chân cứng tay sau mấy ngày rập rình trên biển, tôi cảm ơn chú thím Năm Tân, chia tay Hồng và tìm đến nhà bác Phú, mấy ngày sau gặp được ba mẹ và các em cũng sơ tán từ La Gi vào theo dòng người chạy loạn, thật vui mừng vì cả nhà còn nguyên vẹn…

Chuyến đi từ Huế vào Saigon đã mất nhiều ngày vì thời gian lênh đênh trên tàu thủy khá dài, nhưng chuyến trở ra còn lâu hơn nhiều, chiếc xe IFA mang tiếng là tốc hành nhồi nhét hơn sáu chục người trên 45 ghế ngồi, phải mất hơn một tuần mới ra đến giữa miền Trung vì cứ pan liên tục; đến Đà Nẵng thì lái xe gãi đầu gãi tai, xin trả cho khách ra Huế một trăm ngàn (tức một phần ba giá vé), để bán khách lại cho xe khác, vì tự lượng sức xe không leo nổi cái dốc Hải Vân ngoằn ngoèo, suốt mấy chục cây số đường đèo lại không có trạm sửa xe. Mọi người càu nhàu rồi cũng phải chấp nhận, may sao đến trưa, kiếm được chiếc xe khách từ Huế vào từ sáng sớm, đang đón khách ra. Kịp ra đến Huế trong ngày, tôi xuống xe ngay cầu Tràng Tiền, chạy ào vào khu Morin hỏi thăm, gặp thầy Khải ở Giáo vụ mới biết khóa Dự bị của tôi vừa mới thi lên lớp xong, đúng hai buổi của ngày hôm trước, chương trình cả năm của lớp Toán chỉ thu gọn trong hai môn Giải tích I và Vật Lý. Tôi đọc hai bản sao lưu đề thi ở Phòng mà tiếc hùi hụi: đề Vật Lý quá dễ, còn Giải Tích I là môn ruột của tôi, mới đọc đề tính tích phân, trong đầu tôi đã nảy ra mấy cách giải liền. Thôi thì còn nước còn tát, hôm sau tôi đến Trường, xin tham gia sinh hoạt với lớp, quyết dự đầy đủ các buổi học chính trị, hăng hái tham gia các đợt lao động do Đoàn Trường tổ chức, được xét kết nạp vào Hội Liên Hiệp Thanh Niên Giải Phóng thành phố Huế (dù ngày 26/03 lịch sử tôi đang lang thang ở tận Saigon), với hy vọng khi xét lên lớp sẽ được chiếu cố phần nào… Thời đó vẫn mang tư tưởng ấu trĩ, ngây thơ như thế, tôi không nghĩ rằng sinh hoạt phong trào và học tập chuyên môn là hai mảng hoàn toàn độc lập.

Quả nhiên, danh sách sinh viên lên năm thứ hai (năm Dự bị trước đây được tính là năm thứ nhất) không có tên tôi. Nhà trường, đúng ra là Viện Đại học, cho phép các sinh viên được lên lớp chuyển sang học lớp cùng ngành tương đương, là năm thứ hai của ngành sư phạm 4 năm, còn số sinh viên không được lên lớp (do thi không đạt, hoặc không dự thi như tôi) được đăng ký học khóa sư phạm cấp tốc 2 năm, khi tốt nghiệp ra trường sẽ là giáo viên dạy cấp 2, để bổ sung cho miền Trung đang tương đối khan hiếm. Tôi suy nghĩ kỹ, không muốn ba mẹ phải đổ công sức, tiền của để nuôi tôi thêm năm nữa, trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn, các em còn đang tuổi ăn học, nên chấp nhận học khóa sư phạm 2 năm này, dù biết chắc học lực của mình không giới hạn ở đó. Kể như lấy ngắn nuôi dài, trong tương lai khi có điều kiện sẽ tìm cách nâng cao kiến thức… Sau hai năm học không cần gắng sức, môn học nào cũng đạt điểm cao, tôi nhận bằng tốt nghiệp loại Giỏi khá thờ ơ, chọn nhiệm sở là nơi xa nhất: Sở Giáo dục Bình Thuận, là quê của tôi, và được phân công về trường phổ thông cấp 2 Tân An, thị xã La Gi. Từ nhà cha mẹ đến trường dạy học chỉ non hai cây số đường đất, đạp xe chỉ mất mười phút. Thế là đã có điều kiện giúp ba mẹ nuôi các em ăn học rồi…

Thời gian thắm thoắt như thoi đưa, sau hơn chục năm, tôi trở thành Tổ trưởng tổ Toán-Tin, là giáo viên nòng cốt dạy các lớp chuyên Toán của Trường, hàng năm tôi chuyên được phân công dẫn học sinh đi thi giỏi Toán cấp Tỉnh. Nhưng bên cạnh công việc hàng ngày, kỷ niệm mấy tháng học dự bị vẫn thỉnh thoảng quay về, thổi bùng trong ký ức tưởng như nguội lạnh của tôi niềm đam mê học hỏi. Nhất là những khi căng đầu óc ra giải các bài toán dựng hình, quỹ tích phức tạp, lòng tôi lại náo nức muốn tìm cơ hội mài dũa tư duy của mình. Vì thế, tôi vượt quá tuổi băm khi nào không hay, mà chưa có được một mảnh tình rách vắt lên vai áo…

Thông báo của Sở Giáo dục về định hướng quy hoạch cán bộ đến thật đúng lúc, quy định giáo viên cấp cơ sở phải có trình độ đại học, trong Thông báo có nêu danh sách các Trung tâm đào tạo từ xa của các trường đại học trong cả nước như Hà Nội, Vinh, Huế… để học viên chọn lựa đăng ký học: giáo viên trẻ phải chịu 50% kinh phí trong ba năm đi học, riêng từ cấp tổ trưởng như tôi trở lên được Sở tài trợ hoàn toàn. Tôi đã sẳn sàng tư tưởng chịu toàn bộ kinh phí để được đi học, thì đây quả là thời cơ quá tốt để thỏa mãn ước mơ của mình. Thời gian tập trung học (theo quy định là để giáo viên giải đáp thắc mắc cho học viên) là từ hai đến ba tuần trong dịp hè, kể như tôi khỏi nghỉ hè luôn, mà dịp hè thường tôi cũng không rảnh vì vướng các lớp bồi dưỡng, dạy thêm do Trường và tư nhân tổ chức mà. Thế là mất một nguồn thu nhập đáng kể, nhưng bù lại, tôi được đi học, miễn kinh phí đào tạo, vẫn lợi chán. Tôi nhẩm tính thế và hăng hái làm đơn đi học, dĩ nhiên tôi chọn Đại học Huế, nơi đã một thời gắn bó…

2. Năm thứ nhất A1, quay lại làm học sinh…

Buổi đầu tiên tập trung, cán bộ giáo vụ Hùng, một thanh niên còn khá trẻ, chỉ bằng tuổi em út của tôi, đề nghị Lớp bầu ban cán sự để quản lý các sinh hoạt, học tập. Một học viên là giáo viên dạy cùng trường đề cử tôi làm lớp phó học tập, được ủng hộ nhiệt liệt vì đa số các học viên đều nghe nói về thành tích dạy chuyên Toán của tôi, ý kiến cả lớp đều nhất trí tán thành. Cuối cùng, Ban cán sự lớp đã thành hình, ngoài tôi ra, còn có anh lớp trưởng xấp xỉ tuổi tôi, anh Đồng là bộ đội chuyển ngành, và một lớp phó đời sống kiêm thủ quỹ, cô Duyên còn trẻ măng, ăn mặc rất mode, khá xinh đẹp, nghe nói là vợ của một đại gia khá lớn tuổi. Trong buổi họp nội bộ của Ban cán sự và vài thành viên lớn tuổi, lớp trưởng xác định nhiệm vụ chủ yếu của Ban cán sự là tìm mọi cách để mọi học viên thi các môn đạt yêu cầu, mà kết quả điểm số của giáo viên, đa số là nam giới, là quyết định…, anh vừa nói vừa mỉm cười nhìn Duyên đầy ẩn ý, Duyên cũng mỉm cười đáp lại. Tôi hiểu ý nghĩa ngầm của hai cái mỉm cười đó, chỉ băn khoăn tự hỏi, không lẽ mình đã già, đã lạc hậu với những quan hệ phức tạp của thời đại hiện nay?

Các buổi tiếp theo, giáo viên lần lượt lên lớp, cứ một môn vài buổi, mỗi buổi bốn tiết, có giải lao khoảng nửa tiếng giữa buổi. Thứ tự các môn học không theo một trình tự nào, từ môn chung lại tiếp theo môn cơ bản hoặc ngược lại. Sau tôi hỏi ra mới biết, các thầy cô dạy như chạy show từ tỉnh này sang tỉnh khác, nên lịch học được sắp sẳn từ trước, chỉ cần có một hai buổi để di chuyển từ điểm học này sang điểm học khác cho kín lịch; các lớp học phải bị động theo lịch của giáo viên, có khi nghỉ học mấy ngày liền, rồi học liên tục sáng chiều và cả tối, những lúc đó các hàng quán cơm gần điểm học tha hồ được mùa khách. Nhà tôi xa điểm học chỉ hơn chục cây số, nên đi lại không mất thời gian lắm; trong lớp có người ở cách hàng trăm cây số, đi xe máy gần ba tiếng đồng hồ mới đến nơi học, nên phải xuất phát ở nhà từ bốn giờ rưỡi sáng mới kịp điểm danh vào buổi học lúc bảy rưỡi. Rút kinh nghiệm, nhiều anh chị (về sau có cả tôi) đã thuê phòng trọ ở lại gần điểm học, có người thuê cả nhà dân, chỉ cần có chỗ đặt lưng buổi trưa, buổi tối, gần đến giờ học chỉ ăn quấy quá gì đó để lên lớp. Nếu so với học sinh nông thôn trước đây, mỗi ngày đi bộ dăm cây số đến trường, cơm áo có cha mẹ lo, thì tôi thấy học viên từ xa vất vả hơn nhiều. Nhưng suy đi, tính lại, nếu học đại học từ xa mỗi năm một tháng thế này trong ba năm, vẫn tiết kiệm chi phí hơn bốn năm tập trung dài hạn ở Huế, lên lớp ngày một hai buổi sáng hoặc chiều, xa hẳn gia đình, chưa kể việc thi tuyển vào không đơn giản như ghi danh học từ xa.

Môn học chuyên ngành đầu tiên mà tôi làm quen, ngoài những môn truyền thống như Tập hợp – Quan hệ - Ánh xạ… là môn Lý luận dạy học Toán, nghe có vẻ lý thuyết nhưng các ví dụ minh họa lại rõ ràng, cụ thể, qua đó tôi hiểu được yêu cầu giáo viên phải hơn học trò một cái đầu, để khi dạy giải toán cho thấu đáo, ngoài các phương pháp truyền thống mà học trò đề xuất, giáo viên phải nắm những phương pháp khác để làm sáng tỏ lý thuyết đã học. Điều này quá hợp ý tôi, ngay khi dạy các em chuyên Toán, tôi đã chú trọng việc tìm nhiều phương pháp giải, nhưng chưa khái quát thành lập luận được. Giáo viên giảng hóa ra chính là anh Trung, trước kia cùng lớp Dự bị A với tôi, tôi nhận ra nhờ dáng người cao lều nghều mà bạn bè hồi đó hay trêu như cây sào chọc c.; sau 1975, anh cũng chuyển từ khoa học sang sư phạm nhưng học hệ 4 năm chứ không phải hệ 2 năm như tôi; đã bao nhiêu năm, anh không nhận ra lớp phó Quỳnh là cô bạn cùng lớp ngày nào…  Cũng anh Trung dạy tiếp môn Phương trình vi phân, môn này minh họa cho môn học trước: các bài tập theo từng loại đã được giải cụ thể theo nhiều phương

pháp khác nhau, bài giải được in trên giấy A4, tôi tròn mắt chiêm ngưỡng vì kiểu chữ in công thức toán ở đây đẹp

hơn MSWord thường dùng rất nhiều.

Trong giờ giải lao, tôi mạnh dạn tranh luôn vai trò của lớp phó Duyên, mời anh đi uống cà phê ở căn tin điểm thi, hỏi luôn về phần mềm soạn thảo, nhưng vẫn giấu biến thân phận bạn học cũ ngày nào… Anh cho biết, năm học tới, lớp tôi thành A2, sẽ có môn học Maple & AMS-TEX để tính toán và soạn thảo tiện lợi hơn cho ngành Toán, nhưng không biết Trưởng ngành Toán là thầy Định sẽ phân công ai đi dạy ở Bình Thuận? Lớp trưởng Đồng ngồi gần đó hóng chuyện, cũng xen vào: Thầy cho em số thầy Định, em sẽ xin thầy Định cho thầy dạy tụi em tiếp… Tôi im lặng, không nói gì, nhưng trong lòng thích thú vì có người nói thay ý mình.

Chúng tôi bước vào kỳ thi cuối năm, một tuần sau buổi gặp mặt chia tay với thầy Trung, mỗi môn thi một buổi. Điều bất ngờ xảy ra khi mở đề thi môn Phương trình vi phân, môn khá hóc búa mà hầu hết học viên đều sợ: đề thi được cán bộ giáo vụ Hùng chọn trước trong Ngân hàng đề, đều nằm toàn bộ trong tài liệu mà thầy Trung đã trao ở lớp để tôi photocopy và phát cho từng học viên. Anh Đồng sau đó gọi điện cho thầy Trung, báo thầy Định đã chấp thuận yêu cầu năm tới phân công thầy Trung dạy lớp tôi, và cho biết lớp thi môn PTVP đạt kết quả rất tốt, thậm chí đã mang tài liệu thầy cho sử dụng trái phép trong phòng thi. Câu trả lời của Thầy làm mọi người suy nghĩ mãi: tài liệu như súng đạn, đâu có tội, lỗi lầm là của người sử dụng đó thôi. Sau đó, họp Ban Cán sự lớp, anh Đồng tuyên bố: Hôm chia tay, lớp mình chỉ phong bì cho thầy Trung ngang bằng các thầy cô khác, đúng ra phải gấp đôi, gấp ba mới phải. Thôi, để năm tới… Nhỏ Duyên cười lí lắc: Không biết thầy có gia đình chưa, hay để chị Quỳnh bù vào… Tôi xua tay gạt phắt, nói tào lao, nhưng trong lòng lại thấy rộn ràng khó tả…

3. Năm thứ hai A2, những vấn đề trăn trở…

Cán bộ giáo vụ Hùng liên lạc khá sớm với anh Đồng, báo một việc quan trọng: chuẩn bị một số máy tính xách tay (laptop) đủ cho 2-3 học viên/máy để học và thực hành tại chỗ, vì điểm học ở Phan Thiết không có phòng máy thực hành. Thật ra, một số học viên đã có sẳn laptop, hoặc có thể mượn đâu đó trong thời gian học, đã sẳn sàng khi biết sẽ tái ngộ với thầy Trung. Cái lo là không biết máy tính phải hiện đại đến đâu, vì có nhiều máy tính đã tương đối cũ. Ngay buổi học đầu tiên với môn Phương pháp Giảng dạy Toán học, chúng tôi vẫn phải học sau hai môn cơ sở là Giải Tích Hàm và Môđun Đại số rồi nghỉ hai ngày liền, thầy Trung cho biết trước: các phần mềm Maple và AMS-TEX ngày càng được nâng cao, ở đây chỉ giới thiệu phần cơ sở, máy I2 có cấu hình tối thiểu, với 2Gb bộ nhớ RAM và 50 Gb trống trên đĩa cứng là cài và dùng được. Môn Hình học sơ cấp sau đó đã minh họa cho Phương pháp Giảng dạy Toán học (thầy Trung đã mua sẳn hộp phấn màu để vẽ hình cho rõ), các bài toán dựng hình khá phức tạp được nêu rõ các bước Giả Thiết, Chứng Minh, Cách Dựng, Biện luận, để trở thành đơn giản. Thầy giới thiệu luôn cách đi ngược trong bài toán chứng minh, từ kết quả cần chứng minh, cứ lần ngược đến giả thiết ban đầu, các bước chỉ cần trả lời câu hỏi: từ đâu suy ra? để tìm đường chứng minh… Biết bao bài học kinh nghiệm có thể tích lũy để dạy học sinh sau này. Riêng các bài toán quỹ tích được Thầy giảng giải bằng thực tế: giả sử anh chị ở đâu đó, muốn tìm tôi để đưa thư, phải biết tỉnh tôi đang ở (Bình Thuận - ví như mặt phẳng), nơi ăn ở (khách sạn Cà Ty - ví như điểm cố định), để xác định lộ trình tìm (ví như quỹ tích), và thời điểm có thể gặp (giờ ăn, giờ ngủ, giờ đi dạy - ví như giới hạn của quỹ tích). Con bé Duyên ngồi bên cạnh, khều tôi nói nhỏ: Thầy bật đèn xanh rồi đó, chị thử hỏi nếu muốn hẹn gặp Thầy để tâm sự thì làm thế nào? Tôi suỵt nhỏ, thầm nhủ: con bé như ma xó, nói đúng ý nghĩ tôi có trong đầu mà không dám nói ra.

Chợp mắt buổi trưa xong, nhớ lại câu nói của Duyên trên lớp, tự nhiên tôi thấy ngại, trùm chăn nằm khoèo ở nhà trọ, không muốn đến đường Thủ Khoa Huân tham gia buổi cà phê mà Ban cán sự mời Thầy nhân buổi được nghỉ ở quán Mộc, để thưởng thức cái view khá đẹp, mãi đến khi anh Đồng gọi điện nhắc, nghe có cả tiếng Thầy, tôi mới vội thay quần áo chạy tới. Tôi đến nơi đúng lúc Thầy đang kể chuyện gia đình, có nhắc đến vợ Thầy với câu nói mà tôi nhớ mãi: đằng sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người đàn bà… Nội dung nói chuyện trở thành nửa đực nửa cái, tôi nghe trước quên sau, chỉ biết chi tiết mà Duyên kể lại hôm sau: vợ Thầy trước đó đã từng là học sinh của Thầy… Buổi cà phê kết thúc với đề nghị của Thầy: đi thăm chỗ ở, phòng trọ của vài học viên trong lớp. Sau vài phút ngần ngừ, anh Đồng chấp thuận và đề nghị Thầy đi xe với tôi, vì anh học viên chở Thầy đi chính là chủ quán Mộc, phải trông quán vì khách đến đã khá đông. Tôi lẳng lặng ngồi sau Thầy, không dám ôm eo dù Duyên cứ thúc giục. Tôi nghĩ, phải xem Thầy là của trưng bày, chỉ nên nhìn ngắm, đừng động vào. Anh Đồng đi trước, đến thẳng đến căn phòng trên gác ngôi nhà đường Phạm Ngọc Thạch, nơi tôi và bốn bạn nữ khác cùng trọ. Cũng may, chúng tôi đã gấp dọn chăn màn, quần áo cẩn thận, thầy Trung chỉ đảo mắt nhìn qua, không nói gì, chỉ giục mọi người đi tiếp…

Ở lớp, đến khi giới thiệu (thầy chỉ dùng từ giới thiệu, chứ không dùng từ dạy, vì cho rằng không phải là sản phẩm của mình) phần mềm AMS-TEX, thầy có nói qua ứng dụng để chọn ngẫu nhiên đề thi Toán, là đề tài thầy đang nghiên cứu, tôi thích quá, hỏi phăng tới và thầy cho tôi chép cả quy trình thực hiện, không ngần ngại. Tôi thử lại thấy rất hiệu quả, dự định sẽ áp dụng khi chọn đề cho các lớp chuyên Toán của tôi ở La Gi. Khi tôi hỏi: Nếu đăng ký đề tài nghiên cứu ở Tỉnh, mang tên tác giả chung với Thầy, được không? Thầy ngần ngừ: Cứ mang tên Quỳnh, nói vài lời cảm ơn, có nhắc đến tôi là được. Các học viên khác trong lớp thì khoái chí với các phiên bản từ sơ khai đến mới nhất của phần mềm Maple, dặn nhau đừng cho học sinh biết, kẻo chúng biết thì xài luôn, không thèm học môn Toán nữa.

Bất ngờ lại đến hôm chia tay thầy Trung, vừa kết thúc xong môn phụ Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, chúng tôi chuẩn bị buổi chiều sẽ học tiếp môn Lý thuyết trường – Lý thuyết Galois với chính thầy Định, Trưởng ngành Toán. Sau khi anh Đồng thay mặt Lớp nói lời cảm ơn và tặng cuốn sổ tay, và nháy mắt ra hiệu cho Duyên lên tặng hoa chúc mừng, thầy Trung nói vài câu cảm ơn và tuyên bố: tấm lòng của các anh chị, tôi rất trân trọng và rất mong các anh chị truyền đạt lại cho các em hậu sinh những kiến thức thâu nhận được. Riêng cuốn sổ tay Lớp tặng… Thầy mở cuốn sổ tay, không thèm mở chiếc phong bì chứa hai triệu đồng, chính tay tôi niêm phong và kẹp trong sổ tay, tôi có quyền sử dụng tiền trong này tùy thích, phải không? Thầy mỉm cười nói tiếp khi cả lớp nhao nhao đồng ý: Tôi xin nhận tấm lòng của Lớp và xin tặng lại Lớp để nhập vào quỹ, đóng góp các chi phí cho học tập chung, rồi xua tay khi mọi người phản đối: Tôi đã nhìn thấy phòng trọ bốn người ngủ chung một giường, đã biết có người chạy xe máy hàng trăm cây số để đến lớp, nên biết nhiều anh chị đã hy sinh quá nhiều để đi học. Xin đừng từ chối tấm lòng của tôi. Thầy ấn chiếc phong bì vào tay anh Đồng đang đứng sững sờ, nói tiếp: Riêng về bó hoa, đẹp thật, nhưng đem về khách sạn rồi cũng đem vứt thôi, vì đến chiều tôi đi rồi; xin phép Lớp, tôi tặng lại cho một học viên nữ ở xa nhất. Mọi người đẩy chị Hồng dạy ở Bình Tân, Bắc Bình lên, chị ôm bó hoa, vừa khóc vừa nói: chồng em lâu nay cũng chưa tặng hoa cho em bao giờ, em cảm ơn Thầy và sẽ nhớ bó hoa này suốt đời. Thầy Trung vẫy chào cả lớp và nhanh chóng bước đến Phòng Giáo viên, hòa trong đám giáo viên đang uống nước giải lao sau giờ dạy.

Buổi chiều, nói chuyện với thầy Định, Trưởng Ngành Toán trong giờ giải lao, tôi mới biết mức thu nhập kham khổ của giáo viên ở Đại học Huế: ngoài mức lương theo đúng quy định của Nhà nước, tiền vượt giảng khi dạy vượt chuẩn 280 tiết mỗi năm là ba đến bốn chục ngàn đồng một tiết, tùy mức lương, trong khi với giáo viên cấp hai chúng tôi, tiền vượt giảng đã là năm mươi chín ngàn đồng một tiết, gần gấp đôi rồi… Chúng  tôi có hỏi thầy Định liệu có gặp lại được thầy Trung không, thầy đáp: Bây giờ thầy Trung đang về Khánh Hòa để dạy lớp từ xa ở đó, rồi vào tiếp Phú Yên và Bình Định để dạy theo lịch đã phân công. Đi từ xa để dạy hơi vất vả, nhưng ai cũng muốn dạy, vì định mức trả gấp đôi định mức bình thường là thu nhập bổ sung cho lương vô cùng chính đáng… Với đề nghị năm sau cho thầy Trung dạy lớp tốt nghiệp chúng tôi, thầy Định ngần ngừ: Tôi không dám hứa trước, vì các lớp A1, sẽ lên A2 năm sau ở các tỉnh Cực Nam như Rạch Giá, Cà Mau cũng cần thầy mà ai cũng ngại đi xa, chỉ có thầy Trung luôn xông xáo…

4. Năm thứ ba, thi tốt nghiệp quá đơn giản…

Chương trình Lớp ôn thi tốt nghiệp có ba môn, trong đó các môn nhỏ lẻ bên Đại Số chiếm 50% nội dung, bên Giải Tích chiếm 30%, còn lại là Phương pháp dạy Toán. Thảo nào thầy Định không phân công thầy Trung dạy phần tóm tắt này, thật ra tương đối đơn giản, chỉ cần học kỹ các môn học hai năm trước thì thông qua năm tốt nghiệp rất dễ dàng. Chúng tôi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp khá đơn giản, nhờ đã nắm vững kiến thức từ hai năm trước. Điều ân hận duy nhất là không có mặt thầy Trung trong buổi liên hoan mừng kết quả tốt nghiệp, trong thâm tâm, chúng tôi đã nhận được không chỉ kiến thức thuần túy mà còn cả cái Tâm của người thầy, qua những động thái của các giáo viên mà thầy Trung là tiêu biểu. Lớp học chúng tôi đã tốt nghiệp 100%, một nửa đạt loại Khá trở lên, chỉ có riêng tôi (hơi xấu hổ tí xíu) là nhận bằng đỏ loại Giỏi.

Tôi trở về trường Tân An với các học sinh thân yêu, các em đã trưởng thành nhiều sau ba mùa hè tôi miệt mài học tập, nhiều em đã vào cấp 3, một số em đã vào được trường chuyên Trần Hưng Đạo ở thành phố Phan Thiết. Nếu gặp lại các em, tôi không ngần ngại nói: Biễn học bao la, càng học càng thấy mình dốt. Cái chính là tự mình phải biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, để hôm nay phải hoàn thiện hơn ngày hôm qua… Ngoài ra, nên tạo điều kiện để người khác có thể vươn lên như mình. Điều đó, tôi đã học từ anh Trung, ngày trước tôi chỉ gọi đơn thuần là Bạn, ngày nay đã phải kính cẩn gọi là Thầy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét