Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Truyện ngắn 32

 


<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

CUỘC PHIÊU LƯU ĐA DẠNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

1. Nguồn gốc của bản thân

Sách vở trong và ngoài nước thường nói: Hồng nhan đa truân: gẫm lại thân phận mình, tôi cũng không lấy làm lạ. Dám mạnh dạn tự xưng là hồng nhan, vì tôi biết khi mình, tạm xem là giống cái, mới được khai sinh, nhiều anh chàng đã nhìn tôi, chiêm ngưỡng, trầm trồ, nói quá một chút là thèm thuồng, mơ ước có được tôi, hoặc một hình tượng khác tương tự như tôi. Thế rồi chỉ rất nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhất là vài năm, có thể chỉ vài tháng, các anh đã bắt đầu phủi tay, chê bai một số mặt hạn chế của tôi, chú tâm tìm của mới lạ, nhiều ưu điểm hơn. Phũ phàng hơn, sau khi sở hữu, khai thác tôi chán chê, họ có thể lạnh lùng, thản nhiên, sang tay tôi cho người khác, không chút lưu luyến, như rũ sạch một món nợ. Không sao, tôi vẫn sẳn sàng giúp hết người này đến người khác theo nhu cầu của họ, trong mọi khả năng của tôi. Tôi nói điều này không phải để kết án nam giới nói chung, mà ngay cả giới chị em đối với tôi cũng có thể phũ phàng như thế! Nói xấu nhân loại hơi nhiều rồi, xin thiên hạ   đừng trách tôi hận đời rồi phê phán mọi người. Tôi xin nói ngay thân thế của tôi: tôi là chiếc máy tính xách tay, gọi nôm na là laptop, đời I5 thế hệ đầu, thế hệ Nehalem, được Intel thiết kế để thay thế kiến trúc Core 2 cũ, vẫn theo quy trình 45nm, bằng cách tích hợp công nghệ tự động điều chỉnh tốc độ xung nhịp Turbo Boost và siêu phân luồng Hyper Threading để tăng hiệu năng đáng kể so với các thế hệ xử lý trước…

Ông tổ của tôi là Michael Dell, còn khá trẻ, sinh năm 1965, mới lập nghiệp năm 1984, khi còn là sinh viên của đại học Texas ở Austin, bằng cách lắp đặt máy vi tính từ các linh kiện rời, rồi bán cho khách hàng; sau đó, với số vốn ít ỏi chỉ một ngàn đô la bèo bọt do gia đình hỗ trợ, ông bỏ học để bắt đầu kinh doanh và nhanh chóng được xếp hạng vào nhóm Fortune 500. Với lịch sử gia đình hoành tráng đó, tôi ra đời sau khi được lắp ráp khá hoàn chỉnh, từ cấu hình chuẩn ban đầu, tôi được cài đặt tăng dung lượng đĩa cứng và bộ nhớ RAM lên gấp đôi để dễ tiếp thị rồi được đem trưng bày trong cửa hàng Wal-Mart ở Mexico dưới dạng sản phẩm mới tung ra thị trường, và nhanh chóng được các đại gia để mắt đến.

2. Lần hôn phối thứ nhất, với đại gia kinh doanh

Hồi đó, ở Hoa kỳ đang có trào lưu các đại gia tự trang trí bằng chiếc laptop kè kè bên mình; nước Việt Nam mình sau này mới học đòi, thay thế trào lưu trước 1975 như đồng hồ Omega ở miền Nam và đài Xiêng Mao ở miền Bắc. Người đầu tiên tôi được gả bán có tên đầy đủ là ông Lê văn Quỷnh, nhập cảnh sang Hoa kỳ theo diện HO trong chương trình ODP từ năm 80 của thế kỷ trước, hiện ở quận Cam, bang California. Trong quân đội Saigon trước đây, ông chỉ đóng được đến lon Trung Tá là cao nhất, nhưng đó chỉ là thành quả công sức điếu đóm của ông với viên tướng vùng qua khá nhiều năm, nên ông biết mình rất khó phát triển về đường binh nghiệp; ông quyết định rẽ nhánh sang đường khác. Cùng với các anh chị em, con cháu ở gần nhà, ông mở tổ hợp nhỏ làm nail chui, bắt đầu từ những người thân biết ít nhiều nghệ thuật trang điểm. Dần dần nghề dạy nghề, tổ hợp của ông ngày càng phát triển, trở thành một tiệm làm nail chính thức. Ông Quỷnh trở thành chủ tiệm, đổi tên mình thành Levy Quynce, để xóa mờ cái tên Quỷnh đầy tính hai lúa; cái tên mới cũng không xa lạ với bà con họ hàng, đồng nghiệp, nên tiếp thị nghề nghiệp để tự quảng cáo cũng thuận tiện. Dĩ nhiên, ông tự trang bị một bề ngoài khá hoàng tráng: áo quần complet Versaca, giày Moccasins Lacoste, nhẫn đeo tay Skymond Luxury, chỉ riêng xe hơi vẫn đơn giản là chiếc Chevrolet 4 chỗ. Vợ ông, bà Mái nay đổi tên thành Mary Levy rất Mỹ, đề nghị ông đổi xe Mercedès mới ra lò, ông gạt ngay: Tụi Tàu khựa không làm Mercedès giả, bà biết đó! Bù lại, ông bà quyết định sắm tôi, con Dell I5 thế hệ đầu, nhân chuyến đi chơi Mexico miễn phí do Hội Đồng Hương tổ chức, để trang trí bổ sung. Cả năm đứa con của ông chỉ được nhìn ngắm tôi bên ngoài, sờ đến chiếc bao da bọc tôi bên trong là tối đa, còn vợ ông, bà Mary Levy, thỉnh thoảng được phép đụng vào bàn phím, vì sợ lây virus bên ngoài vào máy, theo ông giải thích. Do đó, tôi về với gia đình ông Levy gần một năm mà vẫn còn trinh nguyên, mấy phím gõ trên keyboard thỉnh thoảng mới được ông chạm nhẹ vào khi họp với đối tác: ý tứ để trao đổi thì ông sắp sẳn trong đầu, chỉ giả vờ mở nắp tôi ra, liếc mắt nhìn tôi cho có lệ rồi phát biểu ào ạt ý tưởng trong đầu. Trong khi đó, các đối tác của ông, được bố trí ngồi ở cự ly khá xa để không thấy rõ mặt tôi, thường gật đầu thán phục tác phong làm việc đầy tính khoa học của ông.

Tôi cứ tưởng mình sẽ phải tham gia vở hài kịch lâu dài, thì một năm sau, duyên số đưa đẩy đã rẽ ngoặt, đưa số phận tôi sang một hướng khác. Trước hết là từ ông Quynce. Một đồng đội tên Nam, được nhập cảnh theo diện V11 của chương trình ODP, vì có thời gian lái xe cho hãng RMK-BRJ chuyên xây dựng đường sá trước khi về lái xe cho ông, hiện đang ở Los Angeles cũng đang mở một Trung tâm Thẩm Mỹ, được công nhận bởi Hội đồng Thẩm Mỹ, cơ quan có thẩm quyền toàn quốc trong ngành thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp. Ông này muốn mở một Chi nhánh ở quận Cam, và có ý định chọn ông Quynce phụ trách Chi nhánh. Trước đây đã làm sếp, nay chỉ mong làm lính cho anh lái xe cũ, ông Quỷnh muốn tìm mọi cách để lấy lòng Nam, ông quá mừng khi biết Nam có cậu con trai là Huy, rất mê chơi game online trên máy tính. Ông Quỷnh quyết định bỏ con săn sắt bắt con cá rô, đem laptop còn gần như mới tinh là tôi tặng cho Huy, nhằm biến dự định Giám đốc Chi nhánh của mình thành quyết định chính thức. Lúc này, đã xuất hiện lứa I5 thế hệ 2, với các tiến trình 32nm, 22nm với lõi kép và lõi tứ, với vi kiến trúc Sandy Bridge, tốc độ nhanh hơn nhiều, chắc ông Quỷnh nhắm đến các trang sức hiện đại này để thay tôi.

3. Lần hôn phối thứ hai, với thiếu gia lãng tử

Cậu thiếu gia Huy đối xử với tôi khác hẳn ông đại gia Quỷnh: ông gượng nhẹ bao nhiêu thì cậu Huy hùng hổ bấy nhiêu, có thể vì tay thanh niên nhanh nhẹn và mạnh mẽ hơn tay ông già, mặt khác, các chương trình mà cậu Huy sử dụng chủ yếu là các game online như bắn cá, đua xe hay mạnh bạo hơn, đá banh, chiến tranh lãnh thổ… Bàn phím của tôi bắt đầu rệu rã dần, con chuột điều khiển cũng bắt đầu trở chứng, thỉnh thoảng cứng đơ chỉ sau vài tháng sử dụng. May thay, loại chuột quang đã ra đời thay loại chuột cũ dễ bị nhiễm bẩn, còn với bàn phím, chỉ cần lắp thêm một bàn phím phụ ở thiết bị ngoại vi qua cổng USB là thay thế được bàn phím gốc. Nhưng thật ra, bàn phím gốc vẫn nhạy, chỉ bị ảnh hưởng vì những cú nhấn như búa tạ của cậu Huy mỗi khi chơi game thất bại. Hơn nữa, ông Nam ba cậu Huy bắt đầu bực mình khi thấy việc học con mình sa sút dần, đêm nào cũng thức đến hai ba giờ sáng để hôm sau lại ngủ li bì, nhiều hôm bỏ cả giờ học. Sau nhiều lần bắt phạt, cậu Huy hứa ra năm mới, sang học kỳ mới sẽ chăm chỉ hơn, nên ông Nam đồng ý cho cậu về quê thăm ông bà nội ở Việt Nam thay ông Nam đang bận kinh doanh, nhân dịp nghỉ Lễ Giáng sinh đến Tết dương lịch tiếp theo của năm đó.

Không ngờ đây là bước ngoặt lớn của tôi. Ngoài trò mê chơi game, Huy còn mê cá độ đỏ đen, đặc biệt là cá độ bóng đá. Thời điểm cuối năm Huy về nước, đúng lúc đang diễn ra lượt bán kết lượt về AFF cup ở sân Mỹ Đình. Lượt đi, Việt Nam đã thắng Philippines 2-1, chỉ cần hòa ở lượt về là vào chung kết. Đa số dân cá độ đều bắt Việt Nam thắng, thậm chí còn chấp nửa trái trong 90 phút. Nghe các bạn mồi chài, rủ rê, Huy cũng bắt Việt Nam, lấy toàn bộ tiền dự định mua vé về nước đặt cược. Cuối cùng, với kết quả 4-2 nhưng khốn khổ thay lại nghiêng về đối thủ. Thế là Huy phải bán tháo hết mọi thứ có trên người để gom đủ tiền mua vé lượt về, đồng hồ, áo quần, dĩ nhiên chiếc laptop trên trời rơi xuống cũng cho đi nốt. Tôi biết số phận mình lại long đong nhưng nghĩ kỹ cũng chẳng lưu luyến gì cậu Huy nữa, thân tôi bị vùi dập lâu nay về cả vật chất lẫn tinh thần đã đủ lắm rồi. Tôi được đạt yên vị trong hộc tủ một tiệm bán linh kiện máy tính, chờ ngày được sang tên cho chủ mới, tức là cuộc hôn phối mới.

4. Lần hôn phối thứ ba với nhà gõ đầu trẻ 

Người thứ ba đến tìm hiểu tôi có cái dáng cù lần, ngờ nghệch, của lão nông dân mới trúng vụ vụ mùa, tuy có vẻ học thức đôi chút. Tôi biết dung nhan của mình đã tàn tạ nhiều qua thời gian dày vò của thiếu gia lãng tử Huy nên mặc cho lão săm soi nhìn ngắm. Thử qua mấy cổng USB, thấy đọc tốt, lão nông dân gật gù. Anh thợ bán linh kiện thật thà: Card đồ họa VGA hơi yếu, lão càu cạu: Tôi mua máy có phải để chơi game đâu? Có dây thử cổng SCSI không? Thử qua thấy ngon lành, lão mới mỉm cười, yêu cầu: Phần cứng tạm được, anh chia ổ cứng làm ba, cài trên đĩa C cho tôi bộ Windows 10 kèm Office 13 nhé, cả Easy Driver, chép luôn bộ ghost vào ổ D. Phần mềm miễn phí nhé! Hóa ra tay nông dân này cũng biết ít nhiều, tôi thấy nê nể hơn một chút. Đến khi thử bàn phím, thấy có vài phím hơi xộc xệch, anh thợ giả lả: Giá định bán là bốn triệu, em bớt hai trăm ngàn bàn phím và chuột không dây, được không? Lão nhăn mặt: Chuột trăm tám, bàn phím ngoài một trăm, giá bán ở Hạ Trắng, chú điện hỏi đi! Lão còn nắm giá linh kiện sát hơn cả thợ nữa. Càng tốt, gặp được kẻ biết người biết của, chắc yên thân hơn khi ở với đại gia Quỷnh và thiếu gia Huy. Tính ra, giá trị của tôi khi đến tay người chủ thứ ba này tính ra chưa đến hai trăm đô la, bằng một phần năm số tiền đại gia Quynce Levy phải bỏ ra khi rước tôi về. Nhưng nếu so với mặt bằng thu nhập thì ông Quỷnh chi một phần mười thu nhập tháng từ tiệm nail, trong khi lão nông dân Hóa chi cả tháng lương để đưa nàng về dinh.

Sau đó, nơi ở thường xuyên của tôi là chiếc ba lô cũ mèm, gần rách nát mà lão nông dân hằng ngày đeo sau lưng. Thật ra, lão là giáo viên dạy toán và những môn liên quan, trong thời buổi ngành giáo dục đề ra quyết sách tin học hóa khi giảng dạy, đương nhiên các giáo viên đứng lớp phải tìm cách tậu cho mình một chiếc laptop, vì có mấy khi giáo viên quèn như lão giành được chiếc laptop phân chung cho bộ môn để giảng dạy tiết của mình?

Ngoài chương trình Tin học văn phòng phổ biến MS Office có sẳn, lão cài thêm cho tôi đủ thứ phục vụ cho việc lên lớp: trước hết là chương trình diệt virus Kapersky để chống ngoại xâm, rồi lão tạm quên MS Word để soạn thảo văn bản bằng AMS-TEX với khả năng soạn công thức toán linh hoạt hơn, thêm cả phần tính toán Maple để dạy cho học viên các lớp đại học hóa ngành Toán khi đào tạo từ xa những kiến thức tính toán cơ bản về số học, giải tích, đại số… rồi những ứng dụng chuyên sâu của MS Excel cho phần thực hành môn Xác suất – Thống kê. Lão cũng chú tâm mở rộng nghiên cứu khoa học khi ứng dụng AMS-TEX để lập chương trình chọn đề trắc nghiệm ngẫu nhiên từ ngân hàng đề có sẳn, song song với các chương trình khác trên nền tảng MS Word. Ngoài ra, lão còn chuyên tâm tìm hiểu phần Hình học sơ cấp, môn học yêu thích từ khi đi học, nghiên cứu những áp dụng hình học, và đại số để giải quyết các vấn đề thực tế hàng ngày. Quả thật, tôi phải lao động khá vất vả khi về với lão, nhưng vẫn cảm nhận được cái thú vị được phục vụ trí tuệ, chứ không phải loại lao động phổ thông cày bừa như với cậu Huy. Lão cũng có vẻ gắn bó với tôi, không phải nâng trứng, hứng hoa như ông Quỷnh mà giữ gìn tôi, nói đúng ra là thông tin do tôi lưu giữ, khá cẩn thận, khó ai được phép cắm USB vào máy của lão… Tôi biết sau mình, đám hậu sinh lần lượt được xuất xưởng đến thế hệ 5,6,7, thậm chí I7 rồi, nhưng lão Hóa vẫn muốn làm ra những thành phẩm với cấu hình tối thiểu còn khá hạn chế, điều đó sẽ thuyết phục người sử dụng…

Tôi tưởng mình sẽ gắn bó lâu dài với lão, nhưng số mệnh lại đưa đẩy tôi theo chiều hướng khác. Kỹ tính như lão Hóa, tôi đoán ngoài vợ lão ra, khó ai được lão vừa lòng, thì nay lại thấy. Trong số hàng ngày sinh viên đủ chuyên ngành mà lão có dạy Toán, có cậu Thu đã đạt được hai điểm 10 môn Toán A1, và cả Toán A2, do lão dạy, đến khi chấm bài, soi đi soi lại, bới lông tìm vết mãi, lão buộc lòng phải phết điểm mười, trong khi sinh viên học với lão, được điểm chín là có thể khoe khoang khắp trường… Thu là con một gia đình nông dân ở xã Hải Dương nghèo khổ của huyện Hải Lăng đất Quảng Trị, từ khi đi học không biết khái niệm học thêm là gì, chỉ theo đuổi kiến thức bằng sách giáo khoa thuần túy. Trong lớp, Thu không được xếp diện xuất sắc do điểm phong trào thua nhiều bạn trong lớp có điều kiện hơn, nên ít được tập thể chiếu cố. Ngành Công nghệ Cơ khí mà Thu theo đuổi đòi hỏi khá nhiều công cụ hiện đại, mà trước sau, Thu chi có chiếc máy tính bấm tay Casio-500 mua lại của bạn bè với giá khá rẻ khi thi đại học. Sau khi lẳng lặng tìm hiểu kỹ gia cảnh của Thu, lão Hóa thỏa thuận gả tôi cho Thu với giá đã mua, sẽ thanh toán trong bốn năm, kể từ ngày Thu tốt nghiệp đi làm. Thỏa thuận được ký kết trong quán cà phê của căn tin nhà trường, trong đó lão Hóa nói rõ: Nếu có nhu cầu nâng cấp, Thu có thể thay linh kiện hoặc thay cả tôi, tiền thanh toán để lo cho hoạt động từ thiện tương tự, khỏi trả cho Hóa…

5. Lần hôn phối thứ tư, với em gái còn vắt mũi chưa sạch

Đang mùa CoVid, thành phố Huế thường xuyên được xếp màu cam, nên ngành giáo dục cứ liên tục thay đổi hình thức học tập: hôm trước đang tập trung gặp gỡ ở trường với khẩu trang gần kín mặt theo quy định 5K, thì hôm sau lại phải chuẩn bị mạng wifi thật chu đáo để lên lớp trực tuyến. Khi đó trang phục trên người có thể thoải mái hơn, nhưng phải quan sát trước tầm nhìn chung quanh của máy, để tránh những tình huống bất ngờ. Học sinh nghèo khó không dễ sắm điện thoại thông minh, chỉ hy vọng những chiếc laptop cũ, giá rẻ. Bây giờ tôi đang giao duyên với H’Bia, một em gái lớp 6 Trường THCS Hồng Vân, A Lưới cũng thuộc tỉnh Thừa thiên Huế. Quá trình gặp gỡ khá hy hữu: chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp, nhờ nguồn tiền tích lũy được qua mấy tháng thực tập, anh sinh viên Thu tự trang bị được một chiếc I7 Dell Precision 7540 loại second hand do anh bạn nước ngoài về nước không dùng nữa; nhớ lời dặn của thầy Hóa, anh liên hệ hội Chữ Thập Đỏ của Tỉnh, và theo chương trình Sóng và Máy Tính cho em được Tỉnh phát động, tôi được chuyển giao cho H’Bia, một học sinh giỏi của trường Hồng Vân, vừa mới mồ côi cha vì dịch CoVid. Tôi biết mình đã qua khỏi thời xuân sắc rồi, chỉ phù hợp với các em mới tập tễnh làm quen với khoa học, thôi thì cứ giúp các em, giúp đời trong mọi khả năng của mình. Tôi hy vọng rằng cuộc sống của tôi sẽ chấm dứt việc phiêu lưu từ đây, các cuộc hôn phối từ người lớn tuổi là ông Quỷnh đến người trẻ tuổi nhất là em H’Bia đã cho tôi nhận ra chân lý: cuộc sống của mình là xứng đáng khi đem lại được lợi ích cho người khác.

(thân tặng em Lê văn Hòa, với những tình cảm trân quý)

1 nhận xét:

  1. Thật sự cảm ơn Thầy rất nhiều. Em đã nhìn thấy bản thân em trong nhân vật Thu mà Thầy viết đến. 
    Hôm nay là chủ nhât, em vẫn đi làm như mọi ngày. Bỗng nhiên em nhớ đến Thầy rồi vào Blog của Thầy xem, em cứ ngỡ là theo dõi Blog sẽ được nhận thông báo khi Thầy đăng bài mới nhưng không có Thầy ạ. Em xin lỗi vì đã biết Thầy sớm đăng bài mới mà bài xuất bản từ ngày 03/02/2022 đến nay là sau tròn 10 ngày em mới đọc được.
    Qua những bài viết em biết được Thầy rất đa tài, chuyên toán, giỏi văn rồi còn rất am hiểu về công nghệ máy tính nữa. Em vẫn còn nhớ rất kỹ bản hợp đồng yêu thương ngày ấy và đang lưu giữ ở nhà. Em vẫn hy vọng là nhờ Thầy giúp em gửi lại giá trị này đến những thế hệ sau cũng có hoàn cảnh như em. Thầy vẫn còn hoạt động trong tổ chức bảo trợ ấy chứ ạ?
    Thú thật với Thầy, chuyến phiêu lưu của em laptop Dell Inspiron N5110 khi đến tay cậu Thu cũng rất là vất vả đó ạ :))) Lần đầu tiên trong đời được sở hửu cái laptop trên tay thật sự rất vui sướng, đó là điều mà mọi sinh viên đều ao ước vì nó là thứ rất cần thiết khi học đại học và Thu cũng vậy. Sau khi Thu nhận máy về là sạc cho nó đầy pin, trong lúc đó là không kiềm chế được săm soi, ngắm nhìn ngoại quan của máy, thật sự rất thích. Nó giúp ích cho Thu rất nhiều trong quá trình học tập, nhờ có nó mà Thu đã giành được 10 chấm trong học phần tin học cơ bản. Vì Thu học chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí, đòi hỏi về phần mềm chuyên ngành là rất nhiều, mà phần mềm chuyên ngành kỹ thuật là rất nặng, nào là Autocad, Solidworks, Inventor,... Dù máy chạy khá yếu nhưng Thu vẫn phải cài lên để phục vụ học tập. Sau gần 2 năm sử dụng Thu bắt đầu có ý định nâng cấp nhưng mà Thu không ngờ linh kiện nâng cấp lại đắt như vậy, cuối cùng Thu nâng cấp 2 đợt (nói rõ hơn là 1 nâng cấp , 1 thay thế). Đầu tiên là thay cho nó cục pin mới vì đã chai sạn quá lâu rồi, không cắm sạc thì không thể mở máy lên được. Sau đó Thu nâng cấp thêm 1 ổ SSD 250 Gb để cài phần phềm lên chạy luôn cho mạnh. Tổng 2 lần nâng cấp cũng hơn 1tr6, mà sinh viên Thu nhờ có học bổng khuyến kích ở trường đóng học phí dư mới có thể mua được.
    Và rồi điều không muốn cũng đã đến, khi Thu là sinh viên năm cuối, trong gian đoạn làm đồ án tốt nghiệp, đồ án của Thu liên quan đến mô phỏng thiết kế đòi hỏi cấu hình máy cao mới có thể làm được. Không còn sự lựa chọn nào khác, Thu đành gả chiếc laptop kỉ niệm của Thầy giành cho mình đến em học sinh mới vào cấp 3 ở gần hồ Tịnh Tâm thông qua cửa hàng sửa chữa laptop Huy Hoàng gần đó. Dù trong lòng rất tiếc và ái náy khi đó là vật kỉ niệm nhưng khi được biết em gái ấy cũng học tập rất tốt, do nhà không có điều kiện nhiều nên chỉ mua lại máy cũ, Thu cũng yên lòng mà quyết định gã máy với giá chưa đến 1 triệu đồng (Thu vẫn giữ lại ổ SSD cho mình). Thiết nghĩ khi đến tay em gái đó chiếc laptop sẽ được yêu thương và trân quý như Thầy và Thu mà thôi.
    Sau khi gả máy đó Thu tự mua cho mình chiếc laptop cũ khác mạnh hơn mang tên là Hp Zbook 15G2 là máy trạm đồ họa chuyên ngành kỹ thuật. Tuy có máy mới mạnh hơn nhưng Thu vẫn chưa bao giờ quên máy cũ, chiếc máy kỉ niệm mà Thầy dành cho mình trong suốt thời gian học đại học đó. Hôm bảo vệ Thu cũng được điểm cao nhất lớp với điểm 9.6.
    Thật sự rất vui, rất hạnh phúc và thấy mình thật may mắn khi có Thầy giúp đỡ. Một lần nữa em cảm ơn Thầy rất nhiều.
    Hiện em đang làm việc tại tập đoàn Thaco Chu lai Quảng nam. Công việc khá ổn định và điều em vẫn luôn hy vọng là còn nhờ Thầy giúp em chuyển lạ giá trị hợp đồng đến tổ chức bảo trợ ấy để có thể giúp đỡ được thế hệ sau có khó khăn được tốt hơn ạ.
    Gửi Thầy Tuấn với những lời yêu thương trân quý!

    Trả lờiXóa