Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Truyện ngắn 31

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

 ĐƯỜNG VÒNG VÀO ĐẠI HỌC

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

1. Thuở thiếu thời

Nhiều người nhận xét số mệnh tôi như nhau: nhỏ Quỳnh ra đời dưới ngôi sao xấu. Quê tôi ở Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm giữa miền Trung nghèo khổ, mà sách vở đã ví như chiếc đòn xóc gánh hai vựa lúa Bắc, Nam. Hồi tôi bắt đầu học cấp hai, hợp tác xã đã xếp gia đình tôi vào thành phần thấp nhất là bần cố nông, đơn giản vì không còn thành phần nào thấp hơn nữa. Bên nội tôi trước đây thuộc dòng họ có ít của ăn, của để, nhưng từ khi ông nội tôi mất do chiến tranh, bà nội lại bại liệt do tai biến vì cao huyết áp, của nả trong nhà cứ đội nón ra đi dần dần, cuối cùng ngôi nhà hương hỏa cũng phải bán đi, cả nhà mấy người chấp nhận chui rúc dưới mái lều tranh, vách đất để tránh nắng mưa quanh năm suốt tháng. Mẹ tôi hồi trẻ có ít nhiều nhan sắc, có học dăm ba chữ thánh hiền vì ông ngoại tôi là thầy đồ nho, do cảm mến tính chân chất, hiếu để của ba tôi hồi đó, đã hết lòng chăm sóc bà nội ốm đau, nên đồng ý khi ông bác đại diện nhà nội tôi hỏi cưới, từ chối những đề nghị, hứa hẹn của nhiều người trong làng thuộc loại đẹp dzai, con nhà dzầu, học dzỏi để về làm dâu nhà tôi, chung sức với ba tôi chăm sóc bà nội. Kết quả của lựa chọn đó là hai anh em tôi. Ba mẹ tôi tuy không biết chính sách kế hoạch hóa gia đình, nhưng tự cuộc sống khó khăn đã ngăn cản việc sinh nhiều con… Thật ra, tôi đã suýt trở thành út hụt khi mẹ sẩy thai đứa em tôi lúc mới gần hai tháng, do mẹ cố gắng gánh đất giúp ba tôi nâng cao nền nhà, đề phòng nước lụt năm 1963; phải lo chuẩn bị sớm vì trước đó, mọi người thấy kiến bò lên cao khá nhiều. Lúc này, bà nội tôi đã mất sau mấy năm bán thân bất toại, suốt thời gian đó, việc đi đứng, sinh hoạt của bà nội đều do cha mẹ tôi đảm nhiệm, anh tôi đang tuổi mới lớn, tôi đang còn quá bé, chỉ giúp được mấy việc lặt vặt như rót nước, xoa lưng… Lớn lên một chút, tôi được tiếng là khéo tay, khi giúp mẹ làm ruộng, việc cấy hái cứ nhanh thoăn thoắt: từ khi học cấp hai, gặp ngày mùa tôi trở thành một nhân lực đáng kể, những lúc nông nhàn tôi thay hẳn mẹ chăm sóc bà nội khá chu đáo, từ việc bón cơm cho ăn đến chuyện lo vệ sinh hàng ngày…

Nói qua chuyện gia đình tôi để hiểu mức sinh hoạt trong nhà lệ thuộc vào tình hình sức khỏe rất nhiều. Bà nội tôi từ khi bị tai biến, thời gian đầu đã phải hàng ngày tiêm một ống thuốc, tên là gì đó tôi quên mất, theo chỉ định của bác sĩ tuyến huyện khi điều trị cấp cứu, nghe nói để duy trì tuần hoàn não, tiền mua một hộp thuốc 5 ống đã bằng cả tạ lúa, tức là công lao động cật lực suốt tuần của cả gia đình tôi. Trong nhà tôi chẳng có ai biết về ngành Y, mỗi khi tiêm cho bà nội lại phải nhờ dì Hòa, chị họ xa của mẹ tôi, làm y tá ở Trạm Y tế xã; trong thời gian dì đi tập huấn ở huyện thì gia đình tôi đành phải cậy đến đồng nghiệp của dì là bác Mẫn, y tá còn lại của xã; bác này ra giá rất rõ ràng: hai mươi ngàn đồng cho công một mũi tiêm, kể cả tiền vật dụng như sơ ranh, bông băng, cồn… Cũng may, ngoài bà nội tôi ra, ba mẹ và anh em tôi đều khỏe mạnh, ít ốm đau vặt, nên chi phí thuốc men tập trung cả về việc lo cho bà nội… Sau đám tang của bà nội, phải tổ chức khá chu đáo, kinh tế gia đình tôi đã đến mức kiệt quệ. Con lợn lang gần tạ của nhà tôi nuôi chung với nhà hàng xóm phải cấn hết nửa con phần mình cho nhà họ, để lấy tiền thanh toán chi phí tang ma, thừa một ít để dành cho hai lễ Chung thất, Tốt khốc và cả lễ Tiểu tường, Đại tường để cảm tạ những người đã giúp đỡ bà nội tôi lúc sinh thời…

Gần ba tháng sau đám tang của bà nội tôi, là khai giảng năm học mới. Dù hơi lớn tuổi so với các bạn cùng lớp vì phải đi học muộn hơn, tôi đã kết thúc cấp hai với danh hiệu học sinh giỏi bốn năm liền, Trường có thông báo tôi được xét chuyển thẳng vào lớp 10 trường cấp ba Hải Chánh của huyện, không phải qua thi tuyển. Tôi biết sức học của mình, cộng với những nỗ lực không ngừng, là xứng đáng với việc chuyển thẳng, nhưng vẫn ngần ngừ chưa muốn nộp hồ sơ nhập học, vì thật ra, mộng ước của tôi còn xa hơn, không chỉ đơn giản là tấm bằng tốt nghiệp cấp ba, nay đã đổi tên thành bằng phổ thông trung học. Từ bệnh tình của bà nội tôi, được chứng kiến những vất vả của gia đình, của ba và anh trai tôi đang tuổi mới lớn khi phải khiêng cáng võng bà nội lên bệnh viện huyện cách nhà hơn chục cây số khi trời đang mưa, của mẹ tôi khi phải còng lưng bắt tép ngoài đồng giữa nắng trưa khô hạn hoặc gió bấc lạnh lẽo, hay khi phải nuốt nước mắt, vét từng hạt lúa cuối cùng để trả công tiêm thuốc cho bà nội của bác y tá Mẫn lương y như từ mẫu, những thảm cảnh đó có thể tránh khỏi nếu trong nhà tôi có người biết ít nhiều kiến thức y tế. Sớm ý thức điều đó, tôi tích cực xin theo học lớp Y tá Sơ cấp ba tháng tổ chức tại Hội trường xã, vào các buổi tối và ngày thứ bảy, chủ nhật. Đúng ra, chỉ những người đã tốt nghiệp cấp 2 mới được học, còn tôi chỉ mới bắt đầu học lớp 9 của hệ 12 năm, nhưng vì số học viên đăng ký học chưa đủ để thành lập Lớp, tôi là học sinh giỏi mấy năm liền, có tướng tá phổng phao như người lớn, lại van nài khẩn thiết nên Ban tổ chức Lớp linh động cho học… Suốt mấy tháng liền, mỗi buổi tối sau bữa cơm, tôi nhanh chóng rửa bát đĩa rồi cắp sách vở đi học đến chín giờ tối, xong về nhà lại ôn bài vở ban ngày học ở trường đến tận khuya. Kết thúc khóa học, được Ban Tổ chức Lớp cấp chứng chỉ loại Khá, tôi rất tự hào, đã có động lực ban đầu để tiếp tục ước mơ theo đuổi ngành Y. Nhưng tôi biết, thi vào đại học y khoa rất khó, nghe nói mỗi năm học Trường chỉ tuyển có hai trăm sinh viên trong số hàng ngàn thí sinh dự thi, toàn là học sinh giỏi từ các trường chuyên, lớp chọn danh tiếng khắp miền Trung, nên tôi nghĩ, nếu học đơn thuần ở trường huyện khó có hy vọng đỗ, học sinh trường Huyện thường không đặt mục tiêu vào đại học nên khó tạo nên không khí thi đua học tập sôi nổi như ở trường Tỉnh. Thành phố Đông Hà cũng thuộc tỉnh Quảng Trị, nhưng tôi cảm thấy gần gũi với thành phố Huế hơn, có lẽ vì bà con bên ngoại ít nhiều sống ở Huế, dù làng quê Câu Nhi của tôi, nói đúng ra là thôn Mỹ Chánh, gần như nằm giữa hai thành phố đó, trên tuyến quốc lộ 1A.

2. Bắt đầu xa nhà

Ở Huế, thành phố đang tập trung nhiều trường đại học, trong đó có đại học y khoa, miền đất hứa của tôi, có thể xem các trường phổ thông trung học là bước đệm bản lề để vào trường đại học. Trong đó, dĩ nhiên trường chuyên Quốc Học là trường danh giá nhất, nhưng cũng khó vào nhất. Nhưng tôi thiển nghĩ, học sinh trường chuyên chưa hẳn đã giỏi hơn học sinh trường khác, nếu quá tập trung học môn chuyên mà xao lãng những môn học còn lại. Hơn nữa, lệ phí thi tuyển vào cấp ba, dù là trường chuyên hay không, cũng ngang ngửa giá nửa tạ lúa, trong khi Tỉnh đã có thông báo cắt nguồn kinh phí hỗ trợ cho thí sinh dự thi. Trong số hai trường Trung học phổ thông danh tiếng còn lại ở thành phố Huế là trường Hai Bà Trưng và trường Nguyễn Huệ, tôi nhắm ngay đến trường Nguyễn Huệ, vì gần trường có tịnh xá Ngọc Kinh, nơi dì Ngọc Tâm, em ruột mẹ tôi đang trụ trì. Thỉnh thoảng dì liên lạc với mẹ tôi, tỏ ý sẳn sàng cho tôi lưu trú dài ngày nếu tôi có ý định vào học ở Huế, chỉ cần khi ở phải tuân theo nội quy của tịnh xá.

Tôi biết mức kinh tế khó khăn của gia đình không cho phép ba mẹ nuôi con ăn học đến đầu đến đũa. Chẳng hạn như anh tôi, học xong cấp hai ở xã, anh tự biết học chữ khó thành đạt nên xin chuyển sang học nghề ở xưởng mộc gần nhà, vừa học việc vừa phụ nghề mộc nên được chủ xưởng nuôi ăn ngày ba bữa, sau ba năm tạm xem là ra nghề, có thể làm việc tự nuôi thân. Tôi may mắn hơn anh, bước đầu có thành công hơn trong việc học, nhưng dự tính sẽ phải đổ ra khá nhiều công sức, tiền của để thực hiện ước mơ học ngành Y của mình. Trước hết, tôi thuyết phục và xin ba mẹ cho bán lũ gà choai trong đám gà của gia đình nuôi quanh nhà, lũ gà này do tôi nuôi riêng, gần chục con đang tuổi lớn, hồi đó mẹ tôi nói đùa, cho Quỳnh nuôi làm vốn đi lấy chồng; bây giờ bán đi, tôi tiếc lắm nhưng phải có tiền đóng lệ phí thi tuyển vào lớp 10 của trường phổ thông trung học Nguyễn Huệ, tôi phải tự lo nếu không muốn học ở Hải Chánh. Mẹ tôi vét trong bồ được năm yến lúa, giao cho tôi bốn yến để xay thành gạo, mang vào nộp trước cho tịnh xá, hẹn đến ngày mùa mẹ sẽ gởi vào thêm. Tuy nghe dì Ngọc Tâm bảo ở tịnh xá cũng ăn chay, rau đậu như các ni sư khác, mẹ vẫn gói thêm cho tôi mấy loong lạc, cân vừng, tranh thủ dạy cho tôi cách nấu những món ăn chay đơn giản, rẻ tiền như rau muống xào tỏi, đậu hũ sốt cà chua… để làm món đệm.

Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ năm lớp 10, khi nhận giấy báo trúng tuyển vào học lớp 10 trường Nguyễn Huệ. Thật ra, suy nghĩ kiếm thêm thu nhập để đỡ đần cho cha mẹ, tôi đã un đúc trong tâm trí mình từ lâu, nhưng ở nông thôn, biết làm gì ra được đồng tiền, ngoài việc gieo trồng, chăm bón mấy luống rau cải, rau muống trên rẻo đất năm phần trăm của gia đình, giúp ba mẹ chăm sóc con heo nuôi chung với hàng xóm, chăm sóc bầy gà, trong đó có mấy con gà của riêng tôi, là đã hết ngày giờ, biết làm gì khác? Đến khi vào ở trong thành phố, chuyện làm thêm để kiếm tiền trở nên đơn giản hơn, chỉ cần chịu khó, mất công chút ít là được.

Trước hết là làm gia sư, công việc đến với tôi khá ngẫu nhiên. Trong lớp có bạn Hằng học cùng tổ với tôi, nhà ở đường Ngô Sỹ Liên gần trường; bạn được cha mẹ giao nhiệm vụ kèm các môn Toán, Văn cho các em Hùng, Hà ở nhà, nhưng lại muốn có thời gian rỗi, chắc để đi chơi hay làm việc riêng gì đó, nên tìm cách chuyển giao công việc đó cho tôi, bằng cách thuyết phục cha mẹ về khả năng sư phạm của tôi mà bạn tưởng tượng ra, dù tôi với Hằng chỉ mới một vài lần tiếp xúc trong tổ học tập. Thật ra, do tính tôi dễ hòa đồng với mọi lứa tuổi nên tôi nhanh chóng gần gũi với các em nhỏ. Từ việc gia sư lại nảy sinh ra thêm vấn đề khác, theo hướng tốt đẹp hơn. Khi các học sinh nhí này thắc mắc về những kiến thức ở cấp cơ sở, tôi nhắc lại rõ ràng cho các em cũng để tự mình ôn tập, dạng lính bữa mai cai lính bữa hôm mà, và tôi chứng thực bằng những sách tham khảo, là những phần thưởng học sinh giỏi toàn diện trường cũ tặng mà tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Các em thích quá xin mua lại, tôi hiểu tác động chủ yếu là con dấu đỏ của Trường cấp hai Hải Tân dưới lời khen tặng, về mặt tâm lý có thể thúc đẩy các em chăm học hơn, tôi nghĩ thế nên tặng các em luôn, vì sau tôi chẳng còn em nào để giữ lại, mà tính ra nếu bán, giá trị chẳng được bao nhiêu. Tình cờ mẹ của Hằng biết được, bà không nói gì, chỉ gặp riêng tôi, đề nghị: sau mỗi buổi dạy kèm thêm của các em, tức là chiều thứ năm và chiều chủ nhật, tôi ở lại dùng cơm rau buổi tối với gia đình, dĩ nhiên số tiền bồi dưỡng ba trăm ngàn đồng hàng tháng vẫn không thay đổi. Ban đầu tôi từ chối nhưng bà cứ thuyết phục mãi, Hằng cũng nói thêm vào, cuối cùng tôi chấp thuận. Thế là suốt mấy năm học cấp ba, đến khi tôi thi đại học, đều đặn mỗi tuần hai bữa tôi cắt cơm ở tịnh xá Ngọc Kinh. Thật tình, bữa cơm rau ở gia đình Hằng nghe qua thì đơn giản, nhưng đối với tôi luôn là cả đại tiệc, nhất là những ngày gặp có giỗ; tôi nhận thấy món ăn nào, dù đơn giản đến đâu, cũng như bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể đang tuổi lớn của tôi, suốt mấy tháng liền đã tập làm quen với khẩu phần ăn trường trai của tịnh xá. Nhờ đó tôi dành dụm được hai trăm ngàn đồng mua được chiếc xe đạp Phượng Hoàng tuy hơi cũ nhưng linh kiện còn khá tốt, để di chuyển khi cần thiết, vì tôi bắt đấu thấy tầm quan trọng của khái niệm thời gian tính.

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông diễn ra thật suôn sẻ với tôi, bằng tốt nghiệp kể như tôi đã nắm chắc trong tay. Thật ra, khi nghe ngành giáo dục tuyên bố trên Đài Phát thanh, mục tiêu tốt nghiệp phổ thông toàn Tỉnh là hơn 90% thí sinh, tôi nghĩ mình có khả năng cao là đỗ tốt nghiệp vì tự biết sức học trong lớp không quá tệ, mà Trường Nguyễn Huệ không phải loại xoàng trong Tỉnh. Nhưng tôi không vội báo tin mừng về cho gia đình, quan trọng nhất vẫn là kỳ thi tuyển vào đại học y khoa, mục tiêu tối thượng của tôi. Từ đầu học kỳ hai của lớp 12, khi cùng các bạn làm hồ sơ thi tuyển vào đại học để Trường tổng hợp lại, gởi đến Ban Tuyển Sinh, tôi đã nắn nót ghi mấy chữ Trường Đại học Y Khoa Huế vào mục nguyện vọng, như một lời nhắn gởi âm thầm đến các đấng tối cao. Để trang bị thêm kiến thức cho ba môn Toán, Sinh, Hóa của hệ B, tôi đã nghiến răng – đúng là phải nghiến răng nhịn ăn sáng mấy tháng liền, chỉ uống nước sôi nguội chờ đến buổi cơm trưa, đang tuổi lớn mà nhịn ăn sáng chịu sao nổi – để ghi danh và nộp đủ học phí tham dự ba lớp học luyện thi cấp tốc của ba môn, học phí một khóa học hơn một tháng với ba buổi một tuần mà đã gấp đôi lương tháng gia sư của tôi, cũng may là các địa điểm học đều ở nội thành, không cách quá xa tịnh xá tôi ở, nên tôi vẫn đạp xe chạy show kịp dự các lớp. Tôi tranh thủ làm quen vài bạn trong lớp học luyện thi, ngoại giao để mượn đủ thứ tài liệu về rồi thức đêm ghi chép, vừa ghi chép vừa hệ thống lại, kể như một lần học, chứ tiền đâu mà photocopy hàng mấy trăm trang? Ăn uống đã ít, lại thường xuyên thức thâu đêm, hậu quả là tôi gầy rộc đi, ngồi học mà cứ thường xuyên ngáp vặt. Cân lượng tôi giảm sút từ trên năm mươi ký xuống còn hơn bốn mươi, mọi người nhìn tôi cứ quở vì thấy tôi xuống sắc rõ rệt. Tai hại nhất là trí nhớ của tôi bắt đầu trở nên tệ hại, nhiều thứ nhớ trước lại quên sau, tôi phải tập uống cà phê đen để thức mà học. Nhưng chất cafein đăng đắng đó chỉ tác dụng nhất thời, nhiều khi tôi chỉ mở chong cặp mắt mà không ghi nhớ được điều gì sau mấy tiếng ngồi học. Nhưng tôi vẫn cố gượng, vì leo cau gần đến lúc hái quả rồi…

3. Bước vấp ngã đầu tiên

Hằng cũng đăng ký thi vào y khoa như tôi, bạn ấy không hy vọng gì thi đậu mà mang tâm lý khá ngược đời: chọn thi Y khoa để nếu có rớt, thì mang tiếng thi rớt Y khoa vẫn oai hơn thi rớt ngành khác như Sư phạm, Khoa học, Nông lâm… Trong khi tôi suốt ngày đêm vất vả cày bừa các môn thi khối B thì Hằng vẫn thảnh thơi rong chơi, bát phố với bạn bè cùng lứa. Nó tuyên bố thẳng thừng: Tao thi đại học cho vui thôi, nếu rớt thì ra phụ mẹ tao bán vải ngoài chợ, tội gì phải học bù đầu như nhỏ Quỳnh? Tôi không tranh cãi, mỗi người có một chí hướng riêng, dù sao có bạn đồng hành còn hơn một mình một bóng trên đường đi thi. Hằng hứa hẹn: Hai đứa mình cùng thi cụm Trường Trung cấp Y tế, ba buổi thi hai đứa sẽ cùng đi xe Cub của tao, biết đâu cái vía đăng khoa của mày trong ngày thi chẳng lân sang bên tao? Nghe nói thế, không biết Hằng có ăn mặn không, mắm muối thế nào mà đi thi với nhau, vía chúng tôi lại hòa lẫn, nhưng khổ nỗi, lại theo chiều ngược lại. Hai buổi đầu, tôi thi môn Toán và môn Sinh cũng tạm được, cũng ít nhiều hy vọng, tới sáng hôm sau, thi môn Hóa, đầu óc tôi đặc quánh, tưởng như có thể lấy thìa xúc ra từng miếng như đậu hũ được. Sau này nghĩ lại, tôi biết đó là hậu quả của việc học quá sức chịu đựng của cơ thể mình, không thể trách ai cả. Tôi kết thúc bài thi Hóa như người mất hồn, tự nhiên lại nghĩ vẩn vơ, hay mình đã viết công thức hóa học nhầm thành thuốc gây mê nên mới mê sảng thế này! Sau khi ký nộp bài, tôi lảo đảo về chỗ ngồi, gục xuống bàn thiếp đi…

Tôi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên giường sắt bệnh viện, có Hằng và mẹ tôi ngồi bên cạnh. Hỏi ra mới biết, hôm nọ tôi đã ngất xỉu trong phòng thi, được Hằng thuê xích lô đưa về tịnh xá, rồi dì Ngọc Tâm báo ra cho mẹ tôi biết. Mẹ tôi hộc tốc bắt ngay xe vào Huế, chăm sóc tôi trong tịnh xá rồi theo lời khuyên của dì Ngọc Tâm, ni sư trụ trì, đưa tôi vào khoa Nội A Bệnh viện Trung ương Huế để có người chuyên môn theo dõi sát sao hơn. Đến giờ thăm khám, bác sĩ điều trị, một phụ nữ có gương mặt phúc hậu, tóc bạc, bề ngoài xấp xỉ tuổi mẹ tôi, đo huyết áp, nhịp tim của tôi và trấn an mẹ tôi: bệnh tình không nghiêm trọng, cơ thể suy nhược do thiếu ăn, thiếu ngủ, chỉ cần bồi dưỡng, ăn uống đầy đủ là người phổng phao trở lại ngay. Mẹ tôi cười yên tâm, lại thuyết phục tôi, sức khỏe là trên hết, cho xuất viện là con về quê với ba mẹ thôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đừng sa đà theo việc học mà ốm không gượng được. Hằng ngồi bên cạnh cũng đốc vào: Mẹ tao bảo, nếu thi hỏng thì mày ra sạp vải, bán với tao, coi như chị em trong nhà. Tôi hơi thấy xiêu lòng trước những lời thuyết phục này, nhưng ở giường bệnh ở cuối phòng, mắt tôi thoáng thấy một cậu con trai đang dỗ dành, đút cháo cho mẹ bị bại liệt; hình ảnh này gợi cho tôi nhớ lại những vất vả của cả nhà khi chăm sóc bà nội hồi còn sống. Tôi ngần ngừ suy nghĩ rồi nói trớ đi: con hơi mệt, mẹ và Hằng cho con nghỉ đã, nhưng trong thâm tâm, tôi đã dự liệu cho bước đi sắp tới của mình…

Năm năm sau… Tôi hồi tưởng lại diễn tiến thời gian qua, thoáng qua như một giấc mơ…

4. Gượng đứng dậy đi tiếp

Tôi xuất viện với chi phí phải trả khá thấp, chỉ trên dưới trăm ngàn đồng cho bảy ngày nằm điều trị, nhờ mẹ tôi xin được ở xã giấy chứng nhận hộ nghèo, nên tôi được miễn giảm gần như toàn bộ thuốc men. Trong khi đó, bà con ở quê, gần như cả thôn vì họ hàng nội ngoại dồn cả về trong thôn, gởi cho tôi nhiều thư thăm hỏi và đủ thứ quà cáp bồi dưỡng, từ quả đu đủ chín cây mới hái trong vườn đến chục trứng gà đang giữ chuẩn bị chờ ấp, đặc biệt không ai gởi biếu tiền, một phần vì ở nông thôn không sẵn tiền mặt, một phần vì dân quê chân chất không có thói quen lượng hóa tình cảm bằng đồng tiền như dân thành phố, nhưng sự quan tâm của mọi người làm tôi ấm lòng hơn cả vật chất nhận được. Trong mớ thư từ gởi cho tôi theo địa chỉ tịnh xá đó, nổi lên lá thư gởi bưu điện, với địa chỉ người nhận Hoàng thị Như Quỳnh, tịnh xá Ngọc Kinh, 176/8 Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Lộc, thành phố Huế, đúng nét chữ của tôi, là phong bì viết sẳn địa chỉ trong hồ sơ dự thi để Trường gởi giấy báo điểm. Tôi đã đoán trước được kết quả hỏng sau khi thi xong môn Hóa, nhưng số điểm từng môn là cả bất ngờ lớn đối với tôi: Toán 9.0, Sinh 7.0, Hóa 3.5, Tổng điểm 19.5, trong khi điểm chuẩn cho diện thí sinh như tôi là 20.0, nghĩa là tôi thiếu vỏn vẹn nửa điểm mỏng manh để đậu được trên cành cây đại học y khoa. Không như Hằng, tổng cả 3 môn đúng 0.5 điểm, nghĩa là, như mẹ của Hằng nói một cách trào lộng sau này, nếu vo tôi và Hằng thành một người thì vừa đủ điểm đậu. Bà động viên tôi cố gắng ôn tập để năm tới thi lại, trong thời gian đó cứ tranh thủ thời gian rỗi cùng Hằng giúp bà quản lý sạp vải ở mặt tiền chợ Đông Ba. Tôi hiểu, bên cạnh tình cảm dành cho riêng tôi, bà cũng tính đến quyền lợi riêng tư của gia đình bà: tôi thường ăn nói hoạt bát hơn Hằng nên khi đứng bán có thể thu hút khách hơn. Tôi không phiền trách những toan tính đó, vì hiểu con người ai cũng muốn lo chu toàn cho bản thân, cho gia đình, trước khi dồn công sức cho những hoạt động từ thiện với tha nhân.

Tôi lại tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, theo một con đường khác, hợp với khả năng mình hơn, phải biết liệu cơm, gắp mắm chứ! Với kết quả thi tương đối khá dù chưa trúng tuyển đại học, tôi làm đơn xin học lớp Trung học Chuyên nghiệp ngành đào tạo y sĩ Y học cổ truyền 2 năm do Bộ Y tế thành lập, được nhanh chóng chấp thuận và, do hộ khẩu ở ngoại tỉnh, sau khi được xét học lực qua học bạ phổ thông và điểm thi đại học, tôi được chấp thuận cho ở nội trú trong khuôn viên Trường Trung cấp Y tế, ngay sát bên hông Trường Đại học Y Khoa Huế, có quyền đặt bếp tự nấu ăn hoặc báo cơm tập thể. Về mặt địa lý, tôi đã tiếp cận miền đất hứa của mình, chỉ cách vài chục mét đường Ngô Quyền rải nhựa, hay hàng rào thép gai đơn sơ sau ruộng rau muống của Trường tôi. Tạm biệt tịnh xá Ngọc Kinh từ đây!

Ngoài khía cạnh địa lý, điều mà tôi quan tâm hơn là chương trình học. Dĩ nhiên, chương trình trung học có yêu cầu đào tạo luôn thấp hơn chương trình đại học, dù chỉ là so với hệ dài hạn 4 năm. Rút kinh nghiệm từ hậu quả việc học quá sức hồi luyện thi đại học, tôi dành nhiều thời gian đọc kỹ giáo trình giảng dạy ở lớp và mượn tài liệu tương ứng bên đại học về đọc thêm ở nhà. Quỹ thời gian của của tôi khá lớn, khóa học đến những hai năm mà, tôi chỉ lên lớp học buổi sáng hoặc buổi chiều như quy định của Trường, từ đó tôi có thể nhận làm việc bán-thời-gian đứng bán ở sạp vải của mẹ Hằng, vừa duy trì được mối quan hệ, vừa kiếm thêm chút thu nhập thay cho hoạt động gia sư trước đây, vì hai đứa em Hùng, Hà của Hằng đã chuyển vào học trường quốc tế ở Saigon. Ngoài ra, còn có việc làm khác gần với chuyên môn hơn, từ thầy Hân dạy chuyên môn Châm Cứu cho lớp tôi: thầy đang điều trị tại nhà cho một nữ bệnh nhân già bị liệt nửa người do tai biến như bà nội tôi trước đây, khả năng hồi phục có tiến triển, tuy nhiên bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng sau khi châm cứu, mà thầy quá bận không có thời gian. Nhắm trong đám sinh viên trong Lớp, thầy chọn tôi, có tiếng cần mẫn, chăm chỉ, làm người hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của thầy, mỗi ngày thực hiện 60 phút. Ban đầu, tôi định không nhận tiền thù lao, chỉ nhằm mục đích nâng cao tay nghề thực hành, vì thời gian châm cứu ba đợt của thầy Hân dự định chỉ kéo dài hai tháng, và vì hàng ngày tôi không mất thời gian nhiều, có thể hỗ trợ đến tập luyện một tiếng đồng hồ sau khi phụ Hằng bán ở sạp vải; nhưng gia đình bệnh nhân, sau khi chứng kiến sự phục hồi rõ rệt của người bệnh, đặt vấn đề với tôi tập phục hồi cho cụ dài ngày, dĩ nhiên dưới sự hướng dẫn, kiểm soát của thầy Hân, với mức thù lao hàng tháng đủ cho tôi thanh toán tiền ở nội trú hàng tháng và ăn mỗi ngày một bữa cơm bụi ở quán ăn nổi tiếng Chị Tẹo, nếu không muốn báo cơm ở bếp tập thể nhà trường.

Sau hai năm học, tôi nhận bằng tốt nghiệp loại Khá, với điểm thi tổng kết xếp thứ ba trong số hơn bốn mươi học viên. Do mục tiêu của Trường là đào tạo nhân lực cho cơ sở tuyến Tỉnh, tôi được phân công về Trung tâm Y tế Phú Vang của Tỉnh. Là người ngoại tỉnh lại đậu tốt nghiệp điểm cao, nên tôi được ưu tiên chọn nhiệm sở, ai cũng dự đoán tôi sẽ chọn nhiệm sở là xã tương đối gần thành phố cho thuận lợi thì mọi người, đặc biệt là chú Sơn, giám đốc Trung tâm lại tròn mắt ngạc nhiên khi tôi lại quyết định chọn xã Vinh Hà, thuộc diện vùng sâu, vùng xa của Huyện. Sau giây phút bất ngờ, chú Sơn có vẻ rất vui, nói với tôi: về đó, nếu có khó khăn cần giúp, chú sẽ giúp trong mọi khả năng. Tôi không nói ra lý do thầm kín mà tôi chôn chặt trong lòng: cự ly Huế-Vinh Hà tuy xa, điều kiện vật chất ở Vinh Hà tuy hạn chế, nhưng tôi có thể rút ngắn thời gian tập sự, thay vì sáu mươi tháng, chỉ sau ba năm công tác là tôi có thể nộp đơn thi đại học y khoa hệ dài hạn bốn năm, ở diện cán bộ đi học, để thực hiện ước mơ từ thuở nhỏ của mình.

Dân cư ở xã Vinh Hà đón tôi như một vị khách quý. Thì ra, anh y sĩ Hồng trước đây ở Trạm Y tế xã đã bỏ việc mấy tháng rồi, vì không chịu nổi cảnh sống xa nhà, xa vợ con tại thành phố Huế cả tuần liền, dù anh đã tậu được xe máy sau một năm làm ở xã, khoảng cách hơn ba mươi cây số chỉ chạy xe máy nửa tiếng đồng hồ là tới. Tình trạng còn độc thân của tôi xem chừng làm bác Thân bí thư xã khá yên tâm, bác chỉ căn phòng khép kín đằng sau Trạm Y tế, đã chuẩn bị sẳn cho y sĩ của Trạm, có phòng tắm và khu vệ sinh riêng dù khá đơn giản, trong khi dân chúng ở đây vẫn quen tắm ở giếng và giải quyết nỗi buồn theo công thức nhất quận công, nhì…  muôn thuở.

Sau buổi họp ra mắt đầu tiên với xã, tôi đề nghị triển khai ngay hai điểm cốt yếu trong toàn xã: toàn dân phải ngủ trong màn và các nhà phải lắp đặt dần hệ thống hố xí hai ngăn. Khó thực hiện nhất là điểm thứ hai, nhưng tôi biết toàn Tỉnh sắp triển khai dự án xây dựng hố xí hai ngăn sinh thái VinaSanres. Ngay hôm sau, tôi đạp xe gần mười cây số lên Trung tâm Y tế gặp chú Sơn và trổ tài thuyết phục, cuối cùng chú đồng ý cấp cho xã Vinh Hà số lượng hố xí tráng men gấp rưỡi mức bình quân so với xã khác, với lý do ưu tiên vùng sâu, vùng xa, nhân lực y tế lại ít. Vấn đề còn lại thuộc về cơ sờ, phải huy động nhân lực và vật tư như gạch ngói, xi măng để xây dựng. Ngay sau đó, Lãnh đạo xã đã họp toàn dân để bàn, mời tôi vào Ban Điều hành Nhóm thực hiện dự án, trong buổi họp tôi đề nghị những nhà được chọn làm địa điểm xây (đương nhiên có nhà các chức sắc của xã, phép vua thua lệ làng mà) hãy mở rộng cửa nhà cho bà con, lối xóm vào dùng chung. Đề nghị được nhanh chóng ủng hộ, vì dân nông thôn, dù là chức sắc hay kẻ cùng đinh, ai cũng muốn trữ phân bắc đến khi hoai để làm nhiều việc… Còn những việc điều trị thuần túy cá nhân thì kể không xiết, ngoài việc cho thuốc đau đầu, đau bụng, cảm sốt bình thường, tôi còn tận dụng các mẹo chữa bệnh dân gian học từ bác lang Thản ở thôn Phong Hòa gần quê, bên bờ kia sông Ô Lâu: liếm mép trị bụi vào mắt, hơ ngải cứu trị mũi nghẹt, trị nhức đầu… Những trường hợp cần đến kháng sinh đơn giản như viêm họng, sổ mũi, tôi đạp xe hết 10 phút tìm đến hiệu thuốc Tây xã Vinh Thái, mua và để lại cho người dùng đúng giá gốc đã mua. Sau này, qua các bệnh nhân mới biết: trước đây, anh y sĩ Hồng thường chém giá gấp đôi khi mua thuốc giúp bệnh nhân, tôi nghĩ đến bác y tá Mẫn, đồng nghiệp của dì Hòa ở ngoài quê. Bàn tay luôn có ngón dài, ngón ngắn mà! Cùng ngày, tôi nhận thư mẹ báo tin vui ở quê, anh trai đã làm đám hỏi với một cô y tá trẻ mới về Trạm Y tế thay bác Mẫn về hưu, ra Tết tôi nhớ thu xếp về dự đám cưới, thế là tôi đã có bà chị dâu cùng ngành rồi.

5. Lời hứa của con tim

Cơn bão số 6 tên Xangsane với mức độ ác liệt chưa từng thấy trước đây, được cảnh báo trên các phương tiện thông tin khi đang tung hoành ở quần đảo Philippines, bắt đầu đến hỏi thăm tổ 5, nơi đặt trụ sở của Trạm Y tế xã, sát ngay phòng tôi ở. Lúc đó tôi vừa thức giấc, định ra ngoài đánh răng, rửa mặt thì đã nghe tiếng gió gầm rú, rồi ào một cái, mấy tấm fibrociment được giằng néo bằng dây thép cẩn thận trên mái nhà để chống bão đã bị lật tung, mấy bao cát đè lên trên bay tung tóe như đồ chơi của trẻ con. Tôi hoảng hồn định chui vào nấp dưới gầm giường, thì cây xà ngang trên cao đong đưa rồi rơi xuống trúng chân trái. Đau điếng người nhưng tôi vẫn cố nhoài người chui gọn dưới chiếc giường đơn, hy vọng mấy then ngang giường che đỡ được phần nào. Một lát sau, cơn cuồng phong lại tan biến nhanh chóng như khi ập đến, tôi đang thở dốc, thì nghe tiếng Quân, thằng cu nhà hàng xóm trước Trạm í ới bên ngoài. Nhìn ra tôi thấy thằng bé đang đội mưa chạy đến. Tôi tự khám sơ qua thấy xương cốt không việc gì, chỉ có chân hơi khó di chuyển, chắc trặc mắt cá chân rồi. Cu Quân lắp bắp với giọng cà lăm quen thuộc: Cô… cô chờ… một chút, con tìm xe… chở cô đi… Nó chạy ào đi, tôi cản không kịp: nhà nó chỉ còn bà ngoại già yếu, nó còn nhỏ chút, biết kiếm xe gì? Chỉ mươi phút sau, Quân xuất hiện với chiếc xe trâu thường để chở rơm rạ, trước xe là con Bồ Hóng mà cu Quân chăn dắt hàng ngày. Thôi thì xe nào cũng là phương tiện, hy vọng con Bồ Hóng kéo xe đừng xóc quá. Tôi chỉ đường cho cu Quân dong xe lên Trung tâm Y tế Huyện, nó mạnh dạn điều khiển trâu như người lớn, cũng may đa số đường đi đã rải nhựa, cu Quân lại lót khá nhiều rơm dưới chiếu, nên tôi nằm thấy êm như nằm nệm. Nhìn chiếc chiếu còn khá mới, tôi hỏi: Chiếu đâu ra vậy Quân? Nó cười nhỏ: Bà ngoại con lấy chiếc chiếu đang nằm, cả gối nưa, dặn con chở cô đi cho cẩn thận. Tôi nghe mà thấy ấm cả lòng, không chỉ nhờ mấy tấm áo mưa Quân quây quanh xe để che gió, mà nhờ tấm lòng thơm thảo của hai bà cháu mà tôi cảm nhận được.

Đến Trung tâm Y tế, chú Sơn giám đốc nhận ra tôi ngay, đích thân chú nhận khám cho tôi để hỗ trợ cho bác sĩ trực ngoại đang bận túi bụi vì bệnh nhân đến cấp cứu khá nhiều, dù chuyên khoa của chú là sản phụ khoa. Xét nghiệm, chụp X-quang chân tôi xong, chú mỉm cười: cô Quỳnh yên tâm, chỉ bị phần mềm thôi, bong gân chút xíu, cố định hay bó bột vài ngày là xong. Chú nháy mắt với tôi, tiếp: Thế cô định công tác ở Vinh Hà bao lâu, không bỏ việc như anh Hồng chứ? Tôi ngượng nghịu không trả lời, dù trong thâm tâm đã có dự kiến, nung nấu trong đầu suốt quãng đường ngự trên xe trâu từ nhà đến đây.

Sáu tháng sau…

Tờ giấy báo gọi nhập học hệ dài hạn bốn năm đến với tôi như một điều hiển nhiên, khi tôi đã tương đối trưởng thành khi tích lũy khá nhiều kinh nghiệm và kiến thức, từ cơ sở đến nâng cao, từ lý thuyết đến thực hành. Tôi tự xác định mục tiêu đậu thật cao trên cành cây đại học y khoa, giờ đây đã sát nhập vào Đại học Huế, chứ không lắt lẻo cành mềm như hồi thi hệ dài hạn sáu năm. Quả thật, chuẩn bị kiến thức để thi môn Toán, tôi chỉ tự ôn tập, không dự một lớp luyện thi nào mà vẫn đạt điểm tuyệt đối: điểm 10, dù đề thi năm nay khá phức tạp, bài Hình học khó làm được hoàn chỉnh nếu không tìm ra được đường vẽ phụ. Môn Hóa tôi cũng tự học cả phần Vô cơ, Hữu cơ lẫn Đại cương, tôi đạt điểm thấp hơn, nhưng so lại vẫn cao nhất trong số mấy trăm thí sinh đến từ các tỉnh. Riêng môn Chuyên Môn chỉ được 7.0, nhưng qua đó tôi đã gởi gắm niềm tự hào khi trả lời phân liên hệ thực tế câu hỏi Y học cộng đồng. Thành tích về sự suy giảm rõ rệt tỷ lệ bệnh sốt rét và bệnh đường ruột ở xã Vinh Hà từ khi tôi nhận công tác so với thời gian trước đó đã được chú Sơn tuyên dương trong buổi sơ kết chương trình Năm Dứt Điểm, tôi đã nhắc lại chi tiết trong bài thi như một minh chứng cho thành quả nhỏ bé của mình. Tôi nhớ lai, chú Sơn đã báo trong buổi tiệc mừng công: Trên đã có dự án xây gạch ngói Trạm y tế Vinh Hà rồi! tôi buột miệng nói lại sau khi nhấp chén rượu cuốc lủi, khẳng định lại lời hứa trong thâm tâm: học xong, Quỳnh sẽ xin về công tác tiếp ở Vinh Hà, nơi Quỳnh nhận là quê hương thứ hai, ít nhất cho đến khi giúp Trung tâm đào tạo được người thay thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét