Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Truyện ngắn 30

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

LẦN THEO MỘT DẤU VẾT

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Sáng nay là thứ hai, ngày đầu tuần, đang gặm dở ổ bánh mì xíu, chuẩn bị đi làm, thì điện thoại cục gạch của tôi réo vang, hiện số của ông Hào, thuộc tổ chức kiều hối của Thành phố: cô Quỳnh có ở cơ quan không, ba mươi phút nữa tôi đến để trao tiền. Mình gặp nhau ở cổng bảo vệ như mọi khi nhé, mùa CoVid mà! Lâu nay, cứ mỗi đầu quý, đại diện kiều hối đều đặn chuyển cho tôi ba trăm đô la Mỹ, tiền cậu tôi gởi về cho nhà ngoại, hỗ trợ hương khói trong họ...

Hai mươi năm trước, vượt qua bao trắc trở, gia đình cậu mợ tôi đã xuất cảnh sang Hoa kỳ, theo chương trình ODP với diện HO của Cậu; khi ra đi cậu tỏ ý muốn, sau khi ổn định công ăn việc làm, nơi ăn ở, xin được thẻ xanh, sẽ làm thủ tục xin đón mẹ, là bà ngoại tôi sang đoàn tụ gia đình; nhưng bà không đồng ý, chỉ muốn ở quê chăm sóc mồ mả của tổ tiên và ông ngoại. Thế là từ năm sau, mỗi quý cậu đều đặn gởi tiền về theo địa chỉ của cơ quan tôi, nhờ tôi chuyển về cho bà ngoại…, vì như Cậu nói, cháu ngoại gái còn lại duy nhất kể như là cháu nội trai rồi. Nhưng bây giờ là đang giữa quý, đã đến hạn gởi tiền đâu? Hay là đọc tin trên mạng, biết dịch CoVid bùng phát ở Huế, cậu lại sốt ruột gởi sớm cho bà?

Tôi đến cơ quan, vào phòng kế toán của mình, tranh thủ mở ngay desktop ở phòng làm việc để thăm dò, quả nhiên có thư của Cậu trong e.mail: do tình hình CoVid đang căng thẳng khắp nơi, Cậu không về nước được, nên gởi về một ngàn hai trăm đô la Mỹ, nhờ tôi tìm anh tên Tâm, thuộc Tổ Xích Lô – Ba Gác trước khách sạn Hương Giang, có nốt ruồi ở mắt trái, đưa cho anh ấy một ngàn đô la, là món quà ân nghĩa Cậu gởi cho anh, phần còn lại là chi phí để tôi tìm ra được anh Tâm với chi tiết quá sức khiêm tốn mà Cậu cung cấp. Tuy là con gái, tôi vẫn có thói quen lập luận như con trai: tôi nhẩm tính, ở quận Cam, mỗi tháng cậu nhận trợ cấp thất nghiệp có mấy trăm đô la, phải lo đủ thứ, tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền đi lại, cả tiền gởi về cho bà ngoại…, chắc cậu phải vay mượn đâu đó để lo việc này, có lẽ phải quan trọng lắm. Trong mail tiếp theo sau đó mấy ngày, Cậu giải thích rõ về anh Tâm mà tôi thắc mắc: hồi năm 2000, chuẩn bị xong hồ sơ xuất cảnh, cậu bỏ trong cặp diplomate có khóa số thật kỹ vì sợ rơi mất. Cẩn thận chuyện này thì lại sơ sót chuyện khác: vì phải mang về nhà theo túi hoa quả khá lớn, là lộc cúng giỗ ông ngoại, Cậu để quên chiếc cặp trong hộc dưới đệm ngồi xe xích lô, khi thuê xe từ nhà bà ngoại ở Đập Đá ra trạm xe lam ở chợ Đông Ba, để đi về nhà. Cậu không hy vọng tìm lại được chiếc cặp, vì địa chỉ của Cậu ghi ở bộ hồ sơ để ở trong cặp, ổ khóa số có tới 4 vòng chữ, không dễ mở. Hồ sơ xuất cảnh của cả nhà ba người theo diện HO kể như đi tong, vì chỉ còn mấy ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ theo quy định của Sở Di Trú, đặt tại Saigon. Không ngờ, đầu giờ chiều hôm sau, một anh đạp xích lô đã tìm gặp Cậu đang nhâm nhi ly cà phê vì buồn sự đời, đưa trả chiếc cặp diplomate đã mở toang hoang, thuật chuyện dành hết một buổi sáng, tạm nghỉ chạy xe, dùng thủ thuật nhà nghề để mở cho ra chiếc cặp sau gần ngàn lần thử số khóa. Thấy trong cặp có bộ hồ sơ xuất cảnh có ghi địa chỉ nhà của Cậu ở Tổ 2, thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, biết là giấy tờ quan trọng, không có cách liên lạc khác vì nhà Cậu không mắc điện thoại, anh liền đạp xe, hỏi thăm tìm đến nhà đưa ngay cho Cậu. Đặc biệt, gói giấy báo đựng tiền mặt gần mười triệu đồng trong cặp, khoản tiền Cậu định mua vé cho cả nhà vào Saigon, vẫn còn y nguyên, không mất đồng nào. Mừng rú lên, Cậu rút ngay một nửa đưa cho anh để cảm ơn, nhưng anh lắc đầu, xua tay từ chối, bảo đó là tiền của Cậu, nên giữ lại để dành cho các chi phí đắt đỏ ở thành phố khi vào làm thủ tục. Anh xin ra về để chạy tiếp mấy cuốc xe đêm, sau khi chấp nhận uống một ly rượu thuốc với Cậu, mừng chiếc cặp châu về hợp phố, chúc gia đình thượng lộ bình an. Cậu chỉ ghi nhận được chi tiết nhỏ: anh là Tâm, thuộc Tổ Xích Lô – Ba Gác đặt trước khách sạn Hương Giang, có một nốt ruồi cạnh mắt trái. Rồi mấy ngày sau, công việc thủ tục ở Huế, ở Saigon, ở sân bay Tân Sơn Nhất cứ cuốn Cậu đi… Qua đến Mỹ, về quận Cam, bang California, cuộc sống mưu sinh hàng ngày tuy khá vất vả, nhưng Cậu Mợ không quên nghĩa cử của anh Tâm; Mợ đã nhắc Cậu thường xuyên, nó là người tốt, nghèo mà không tham tiền, bao giờ mình có điều kiện, nên giúp đỡ nó. Cậu Mợ chờ đến khi em Huy đi làm, ký được hợp đồng làm việc năm với Công ty Xây dựng với cương vị đốc công, mới xin ứng trước được mấy tháng lương để gởi về, nhờ tôi thực hiện…

Ngay cuối giờ làm việc chiều hôm đó, tôi tìm đến bãi xích lô của khách sạn, gặp một đám đông năm sáu người có lẽ là dân đạp xích lô, tôi thầm nhủ: lạy Trời có anh Tâm trong đó, đang quây qần cưa xị rượu với mấy trái cóc xanh trên vỉa hè bên lề, cuối đường Lê Lợi. Tôi vẫn phải mang khẩu trang, đứng xa xa hỏi thăm, tuân thủ chế độ 5K mà. Một ông râu lớn tuổi, tóc bạc phơ, dáng chừng là Tổ trưởng, rời chiếu nhậu, giọng lè nhè: Cô hỏi thằng Tâm nào? Tổ có hai người tên Tâm, lão Tâm A chết lâu rôi, thằng Tâm B đang bị tạm giam vì chở hàng lậu… Nghe tôi hỏi Tâm có nốt ruồi bên mắt trái, ông cười khẩy: À, thằng Tâm-bộ-đội hả, nó kẹt tiền quỵ xe, nghỉ chạy lâu rôi, chuyển nghề làm bốc xếp thì phải… Tôi nghe mà ngớ người, thành phố Huế có hàng mấy chục đội bốc xếp, biết tìm ở đâu? Mà cô hỏi nó làm gì, cần chở hàng hay chở người, xích lô thì thuê ai mà chẳng được? Tôi cười giả lả, chuyện tiền bạc phải nói tránh đi, cháu tìm để chuyển cho anh ấy lá thư. Có người gọi vào nhậu tiếp, ông nói gấp gáp: Thế thì Cô đưa cho cha mẹ nó cũng được, tôi có quen ổng bả, trước đây ở khu vạn đò sông Bạch Đằng, nay thành phố giải tỏa rồi, không biết chuyển đi đâu. Đường đi gặp ngõ cụt rồi, khu vạn đò giải tỏa từ lâu, hồi tìm mua tre pheo sửa nhà bếp, tôi hỏi dò mới biết bến tập kết tre pheo ở vạn đò Bạch Đằng đã chuyển về đường Hồ Quý Ly gần chợ Đầu Mối phường Phú Hậu, còn dân vạn đò thì tản mác ở các vùng tái định cư khắp nơi trong thành phố, làm sao dò được? Tôi chỉ biết thêm được một chi tiết, anh là Tâm-bộ-đội, không biết có phải anh đã từng nhập ngũ, hay có gốc là người miền Bắc? Dân ở miền Nam sông Bến Hải trở vào trước 1975 có thói quen gọi người ở miền Bắc là bộ đội, dù đó chỉ là dân sự thuần túy… Nhưng rồi tôi loại suy được ngay, cha mẹ trước ở vạn đò thì chắc là dân miền Nam rồi, có thể anh Tâm là đã đi bộ đội rồi xuất ngũ cũng nên. Nhưng đó chỉ là một chi tiết trong quá khứ, cái khó là hiện nay tìm anh ở đâu?

Thôi không tìm được lối đi gần, tôi phải theo đường vòng vậy. Tôi suy luận, anh Tâm, hay là Tâm-bộ-đội, đã gặp Cậu năm 2000, vậy có thể là bộ đội xuất ngũ sau khi mãn hạn hai năm nghĩa vụ quân sự, tức là nhập ngũ khoảng 1997, 1998… Hôm sau, tôi tìm gặp Trung, bạn học cùng lớp trước đây, hiện công tác trong Ban Quân Lực của Thành Đội Huế. Lâu lắm mới gặp lại nhau, vừa tay bắt mặt mừng xong, tôi đã lên tiếng nhờ Trung giúp rồi: dò danh sách quân nhân xuất ngũ năm 2000 trở về trước vài năm, xem có người tên Tâm, cha mẹ ở khu vạn đò, liệu có manh mối gì không. Ngày trước đi học cấp 2, Trung sinh hoạt cùng một tổ học tập với tôi, được xếp loại đôi bạn cùng tiến, khá thân thiết nên hễ tôi nhờ là Trung giúp rất nhiệt tình, dù mắt Trung vẫn thoáng nghi ngờ, anh Tâm là người nào đây? Sau hai ngày, bọn tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê Chè Hẻm đường Hùng Vương gần Thành Đội, tôi vẫn nhớ thói thích ăn đồ ngọt của bạn. Trung đưa cho tôi một tờ giấy khổ A3 in danh sách dài thậm thượt tên Tâm, có trích ngang, địa chỉ liên lạc cụ thể, riêng dân ở vạn đò chỉ sơ sơ gần trăm người; thật tiếc, chi tiết có nốt ruồi cạnh mắt trái quá đặc biệt, không ai đưa vào lý lịch trích ngang, nên xem như tôi lạc giữa sương mù… Chịu thôi! Gần trăm địa chỉ rải khắp thành phố, làm sao tôi có khả năng tìm đến từng nhà, gặp cho được anh Tâm nào đó để hỏi, thực ra là kiểm tra nốt ruồi cạnh mắt trái, xem anh có quen Cậu tôi không?

Tự dưng tôi có cảm tưởng mười mấy tờ bạc một trăm đô la nặng lên cả tấn, như hình ảnh ông tổng thống Benjamin Franklin đã biến thành người thật, dù trong số đó có hai tờ, tức là hơn một tháng lương kế toán hiện nay, tôi có quyền sử dụng để tìm được anh Tâm. Tôi bắt đầu có ý định bỏ cuộc, định gởi mail trần tình với Cậu việc vô phương tìm ra tung tích anh Tâm như Cậu nhờ. Ngồi trước máy tính, mở mail, ra vừa ấn phím Reply, tình cờ mắt tôi lướt đến đoạn thư cậu kể chuyện anh Tâm dùng thủ thuật mở khóa số chiếc cặp diplomate. Tôi bần thần suy nghĩ: Anh là bộ đội xuất ngũ, hành nghề lao động chân tay, ngày trước đã kiên trì gỡ đươc cuộn chỉ rối, mà nay tôi được học hành đầy đủ, lại chịu thua sao?

Đọc kỹ lại mail của Cậu, tôi thấy một chi tiết nhỏ có thể cho tôi một tia sáng le lói tìm ra tung tích anh Tâm: đó là thủ thuật mở khóa số chiếc cặp diplomate của Cậu quên trên xe xích lô của ảnh. Khóa số có 4 vòng, mỗi vòng có mười chữ số từ 0 đến 9, theo lý thuyết thống kê tôi đã học ở lớp Kế toán, phải có đến mười ngàn khả năng chọn khóa số, mà anh chỉ mất buổi sáng để thử mấy trăm lần, thủ thuật này chắc chỉ dân nghề sửa khóa mới biết. Vậy thì cứ khoanh vùng nhỏ lại, tìm trong giới thợ chuyên sửa khóa của thành phố xem sao…

Tôi tìm đến anh Tân, hành nghề sửa khóa trên đường Lê Lợi, gần trụ sở Ủy ban Nhân dân Tỉnh, được mệnh danh là ông thầy sửa khóa với hơn 40 năm hành nghề, quen thuộc các loại khóa nổi tiếng do Đức, Ý, Pháp… sản xuất. Anh có chị vợ bán sinh tố gần đó, chắc để quản lý anh, vì anh có vẻ rất galant với phụ nữ, khách hàng nữ bao giờ cũng ưu tiên hơn nam giới. Tuy nhiên, anh không giúp tôi được gì nhiều khi tôi hỏi anh về những người đã học nghề với anh trước đây hàng mấy chục năm, trí nhớ anh không được sắp đặt hệ thống như lý lịch trích ngang bên Thành đội. Tôi viện dẫn thêm chi tiết nốt ruồi bên mắt trái, anh càng mù tịt vì có bao giờ sư phụ quan tâm đến hình thức, mặt mũi các đồ đệ đến học nghề đâu? Anh buột miệng hỏi: Mà cậu ấy họ gì? Tôi ngần ngừ: Chỉ biết tên là Tâm, bạn bè gọi là Tâm-bộ-đội. Chị vợ đang rảnh rỗi đứng hóng chuyện bên cạnh, bàn góp: Hay là Tẩm Tô châu? Tôi ngớ người, anh Tân cười, giải thích: Có một cậu đến học nghề, là người dân tộc Tà Ôi ở A Lưới tên Đinh văn Tẩm, chuyên mặc áo xuân hè Tô châu của bộ đội, mọi người đặt là Tẩm-Tô-châu, học rồi phụ nghề cho tôi được dăm tháng thì xin nghỉ, vì tính lại, cậu không có vốn mua dụng cụ hành nghề như máy dập khóa, bộ dũa, phôi... Đúng rồi, sau khi nghỉ hắn chuyển nghề đạp xích lô, ban đầu sáng nào cũng chở giúp tôi thùng đồ nghề từ nhà ở ra đây. Sau kẹt tiền hàng ngày phải quỵ tiền xích lô từ chủ xe, hắn chuyển sang làm ở Đội Bốc Xếp chợ An Cựu. Anh tặc lưỡi: Cậu đó bỏ nghề khóa cũng uổng, hắn tâm huyết, kiên trì lắm, có lần hỏi tôi chỉ cách rồi mất cả buổi để mở cho được khóa số cặp diplomate mà không chịu phá khóa… Đúng là ánh sáng ở cuối đường hầm, tôi tìm được rồi. Kết hợp mấy thông tin thu nhận được, rõ ràng đây là tung tích người tôi cần tìm, nhưng sao lại mang tên Tẩm? Như để giải thích, anh Tân cười: hồi học với tôi, cái tên Tẩm cha mẹ đặt nghe vô duyên quá, tôi đề nghị bỏ dấu hỏi, đổi thành Tâm, dễ lọt tai hơn… Tôi không biết có phải anh Tâm-bộ-đội đã khai trong lý lịch quân nhân, họ tên gốc là Đinh văn Tẩm không, nhưng bây giờ chắc tôi không cần nhờ đến bạn Trung ở Quân lực Thành đội nữa. Chú Thanh quản lý chợ An Cựu là vai chú trong họ của tôi, dân Huế thường nói lái nên tôi thường tránh phạm húy khi đề cập đến chú…

Tôi tưởng công việc đã thông suốt, nhờ chú Thanh chỉ đường dẫn đến nhà anh công nhân bốc xếp Tâm là xong, hóa ra vẫn còn trắc trở. Chú Thanh cho biết Tâm đã thôi việc ở Tổ Bốc Xếp mấy năm nay, chuyển về quê ở xã A Roàng, huyện A Lưới. Tôi than nhỏ: A Lưới cách thành phố Huế hàng bảy chục cây số đường đèo, còn về xã A Roàng nữa, biết khi nào mới tìm ra được anh Tâm? Chú Thanh cười: Gặp Tâm không khó, chờ đến cuối tuần, hắn về thu tiền ở các sạp hàng thịt bò, được giao từ chuyến xe sớm hàng ngày, trong chợ An Cựu và nhiều chợ khác. Hiện nay Tâm là một đầu mối chăn nuôi ở A Lưới, là tấm gương làm giàu điển hình rồi. Là cựu chiến binh phụ trách thi đua của Phường, chú đọc vanh vách tiểu sử của cá nhân điển hình Đinh văn Tẩm, tức Tâm-bộ-đội, vẫn sinh hoạt với Hội Cựu chiến binh ở Phường.

Hóa ra thời gian qua, xoay xở đủ nghề, Tâm vẫn chú tâm tìm cách vươn lên để làm giàu chính đáng. Sau biến cố năm Mậu Thân 1968, gia đình anh lâm vào cảnh túng quẩn, rời đất A Lưới, lưu lạc về sống ở Vạn đò Huế; cha mẹ anh mất vì tuổi già, phải tạm chôn ở chùa, trước khi chết vẫn mong muốn yên nghỉ ở quê hương. Anh tìm cách cải táng, đưa cha mẹ về quê, mới phát hiện điều kiện chăn nuôi rất thuận lợi ở ngay chính quê hương A Lưới của mình, với có tài nguyên thiên nhiên phong phú là thảm cỏ thực vật đặc biệt, nguồn thức ăn dồi dào cho loài bò. Anh bắt đầu vay tiền bạn đồng đội để nuôi bò, từ số lượng rất khiêm tốn, đến nay đã trả hết nợ và nhân giống lên đàn bò thịt mấy chục con; chất lượng thịt săn chắc tạo thương hiệu thịt bò A Lưới, nổi tiếng không chỉ trong thành phố mà cả khắp miền Trung. Nhờ quỹ đất khá lớn ở quê, thảm thực vật đặc thù, trang trại của Tâm ngày càng phát triển, anh đã mở rộng quy mô sang nuôi heo và sắp tới cả nuôi dê nữa. Tôi nghe chú Thanh nói Tâm đang liên hệ với Ban Khuyến Nông xin hỗ trợ vay vốn Ngân hàng 30 triệu để phát triển đàn dê, thầm nhủ trong lòng: Không cần nữa, mình sẽ đưa hết tiền Cậu gởi cho anh Tâm, chắc cũng gần đủ nhu cầu. Tự tôi cũng rút ra một bài học từ anh ấy: Đừng bao giờ chịu thua nghịch cảnh, khó khăn nào cũng có cách khắc phục, ổ khóa nào cũng có cách mở… Tôi mỉm cười, suy nghĩ này giúp tôi nhớ lại nghề nghiệp một thời của anh Tâm-bộ-đội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét