Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Truyện ngắn 27

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

MÓN QUÀ NGÀY HIẾN CHƯƠNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Trường Xuân, lớp trưởng, quân Xa 10 điểm:

Chúng tôi quen biết nhau từ đầu cấp trung học phổ thông, nhưng chỉ chơi thân nhau vào học kỳ hai của lớp 12, sau khi đăng ký ngành thi đại học, bước đầu theo đuổi những ước mơ thuở nhỏ của mình. Trường NH của chúng tôi không phải là trường chuyên, nhưng điểm chuẩn thi tuyển vào lớp 10 thuộc diện cao nhất nhì trong Tỉnh, nên nhiều học sinh giỏi ở trung học cơ sở ngoại tỉnh cũng muốn thi tuyển để vào học… Để củng cố bề dày truyền thống có nhiều học sinh giỏi từ trước 1975, Ban giám hiệu Trường thường chú ý chiêu mộ những giáo viên có khả năng, tâm huyết với nghề. Lớp chúng tôi là Lớp Chọn từ đầu cấp, tập trung những học sinh vốn đã giỏi, lại thường xuyên phấn đấu chăm học để được giữ lại lớp Chọn sau mỗi năm học, nên bạn nào cũng được xem là hy vọng của Nhà Trường.

Thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi từ lớp 10 là Lê Hữu, mà bọn học sinh tai quái thường gọi là Hữu bạc, nổi tiếng không chỉ vì mái tóc và chòm râu bạc trắng, mà còn bởi đầu óc suy luận chu đáo khi dạy Toán. Đặc biệt, thầy có thói quen hướng suy nghĩ của học sinh về những giải pháp đặc biệt, mới lạ khi giải toán, nhất là những bài toán sơ cấp. Vốn là một cây Toán của lớp, tôi không bao giờ quên kinh nghiệm từ kỷ niệm khi học với thầy: lần đó, mày mò cả đêm, tôi tìm ra lời giải một bài toán hình học về dựng hình khá phức tạp, hôm sau ở lớp, sau khi tình nguyện lên bảng giải để ra oai với các bạn, đang chờ khen, thầy chỉ hỏi tôi: còn cách nào khác không? Trong khi cả lớp đang ngẩn ngơ cắn bút suy nghĩ, thầy đã giới thiệu tới ba cách giải khác, dựa trên những khái niệm rất căn bản, và ôn tồn giải thích: trong toán học, những khái niệm căn bản rất quý, nếu đào sâu suy nghĩ sẽ phát hiện rất nhiều điều mới lạ… Cho nên, nhiều học trò của thầy đã đỗ vào đại học, đi theo ngành Toán như thầy. Tính ra hàng năm, số học sinh trường tôi thi tuyển vào đại học có đến hơn trăm người, hơn nửa số đó có giấy báo trúng tuyển, đã có người giật giải thủ khoa khối A của vài trường đại học danh tiếng.

Nhóm chúng tôi hình thành tình cờ sau một buổi sinh hoạt lớp dịp sau Tết, khi có bạn đưa ra câu Tiên hạ thủ vi cường để bàn luận. Sau khi nghe các ý kiến ủng hộ sôi nổi, cho rằng với lực lượng tương đương, ai ra tay trước sẽ có lợi, tôi hỏi: Trong lớp mình, ai biết chơi cờ tướng? Tôi vốn được ba tôi tập chơi cờ tướng từ nhỏ, sau này tôi đã đấu ngang ngửa với sư phụ của mình. Nhìn thấy lác đác có mươi bạn giơ tay, tôi liền lấy giấy kẻ một bàn cờ nhỏ, vẽ quân tròn, quân vuông làm hai phe, sắp thành thế cờ đối xứng, mỗi bên có một Tướng, một Tốt, hai Sĩ, hai Pháo, sắp thành thế đối xứng nhau qua đường biên. Rõ ràng ở thế cờ này, bên đi trước sẽ thua, vì đi Tốt hay đi Pháo tạt ngang đều bị đối thủ đi sau gài vào thế chiếu bí. Tôi lên tiếng: Đây có thể gọi là thế cờ hình bình hành, vì 4 con Pháo cứ giữ thành hình bình hành là được… Khi cả lớp đang ngẩn người thán phục, thì bạn Minh ruộng, quê Quảng Trị, đã lên tiếng: Mình có ý kiến, nếu tấn Pháo hết mức để chận đường Tướng lên, rồi dạt Tốt ra, bị đối thủ xuất Tướng dọa đâm Tốt chiếu bí, thì con Tốt lụt cứ dàn ngang, dọa chiếu, đối thủ lên Tướng sẽ mắc pháo, phải vào cung, cứ nhất điểm, nhất chiếu là thế cờ hòa… Tôi cười giả lả: Tóm lại, đây là thế cờ phản biện, hai bên quân số như nhau, bên tiên được đi trước, giỏi lắm chỉ có cờ hòa. Bạn Phúc cận, chuyên gia tính nhẩm của Lớp, góp ý: Tớ còn một thế khác, một bên còn đủ 16 quân, bên kia chỉ có Pháo và Tốt thôi, nhưng nếu bên ít quân biết đi, đi tiên sẽ thắng, đi hậu sẽ hòa. Quân số rất chênh lệch, duy trì cờ hòa mới khó… Mấy con ma-cờ xúm lại xem, cãi nhau ỏm tỏi, cuối cùng cả bọn thống nhất ý kiến thành lập nhóm Tam Đảng, trong cờ tướng là bộ Xa mười, Pháo bảy, Mã ba, tình cờ tên bọn tôi Xuân-Phúc-Minh lại trùng các phụ âm. Mấy tên khác, như Tín, Tùng… khả năng chơi cờ mờ nhạt hơn, được xếp là Tốt đen. Từ đó, chúng tôi thường gặp mặt để trao đổi kiến thức chuyên môn, thỉnh thoảng ngoài giờ học, chúng tôi lại mài dũa trí ruệ bằng môn thể thao yêu thích…

Tự lượng khả năng, sở thích và theo lời khuyên của thầy chủ nhiệm, tôi đăng ký thi vào ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Đây là ngành đang hot mà tôi yêu thích và Đà Nẵng cũng đang phát triển mạnh, hy vọng là môi trường phát triển trong tương lai.

Hồng Phúc, lớp phó học tập, quân Pháo 7 điểm:

Tôi mồ côi mẹ từ khi còn đang được ẳm ngửa. Mẹ tôi mắc chứng ung thư đại tràng, khi các bác sĩ phát hiện được đã bị di căn qua gan. Thời đó, quan niệm xưa cũ phong lao cổ lại, tứ chứng nan y vẫn đang phổ biến, mắc bệnh như mẹ tôi là phải chấp nhận trời kêu ai nấy dạ thôi! Gia đình tôi đã chạy chữa đủ kiểu cho Mẹ, từ Tây y sang Đông y, cho Mẹ uống đủ thứ, từ mật gấu đến tam thất, nhiều lần Ba tôi lên thượng nguồn miền Trung, đến những bản làng nghe nói có vị thuốc đặc trị ung thư, nhưng tất cả đều vô vọng… Khi lớn lên, nghe Ba tôi kể lại, hồi còn nhỏ, khi tôi khát sữa vì thiếu Mẹ, Ba phải bế sang nhà hàng xóm xin bú ké một bà mẹ khác đang nuôi con mọn, cũng may bà ấy đang thừa sữa để nuôi con... Vì thế, tôi được Ba tập cai sữa từ rất sớm, và được nuôi bộ bằng sữa hộp Similac và bột ngũ cốc. Người ta thường nói: Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường, cũng may gia đình tôi kinh tế không quá khó khăn, ba tôi làm thầu khoán xây dựng nên có điều kiện chăm sóc tôi cẩn thận… Những khi thấy tôi cặm cụi khâu vá quần áo, hay đơn giản là thêu bảng tên trên áo đồng phục, Ba có vẻ chạnh lòng, có ý muốn đi bước nữa để tìm người phụ nữ chăm sóc cho tôi, nhưng tôi cương quyết từ chối. Tôi nghĩ, tình cảm gia đình là vô biên, mất mẹ thì dồn hết sang ba, làm sao chia xẻ với người khác đươc nữa? Lớn lên, không có anh chị em, tôi thường sang nhà ngoại, học bà ngoại và các dì cách nấu nướng, bếp núc cẩn thận để tập lo vai trò nội tướng trong gia đình. Tôi đã sử dụng thành thạo bàn máy may Singer của mẹ ngày trước, tra dầu máy cẩn thận mỗi khi dùng xong, đồ dùng, soong chảo nấu ăn trong bếp bao giờ cũng được chùi rửa sáng choang. Lần giỗ mẹ vừa rồi, tôi cùng các dì sửa soạn, nấu ăn suốt buổi, nhưng khi dọn ra mời khách, mọi người trong nhà đều bảo tôi đã đứng bếp, lo giỗ cho mẹ, khách khứa ngạc nhiên trầm trồ làm tôi ngượng chín mặt.

Ngoài ra, khi rảnh rỗi, tôi chi biết vùi đầu vào tủ sách của mẹ tôi trước đây. Sinh thời, Mẹ đã học nữ hộ sinh, lúc lập gia đình với Ba, Mẹ đã chấp nhận bỏ nghề để chăm sóc gia đình. Mẹ chỉ khai trong lý lịch hai từ nội trợ đơn giản, trong khi vài đồng nghiệp tốt nghiệp cùng khóa với Mẹ đã đứng đầu những nhà hộ sinh tăm tiếng của Thành phố. Khi mang thai tôi, được Ba và gia đình nhà ngoại khuyến khích, Mẹ đã bắt đầu ôn tập mấy tháng môn Toán và môn Hóa với thầy Hữu, và tự ôn Chuyên môn để thi vào Y hệ Chuyên tu - nay gọi là hệ Dài Hạn 4 năm, thì căn bệnh ung thư ập đến… Tóm lại, gia sản tinh thần Mẹ để lại cho tôi là hơn ngàn đầu sách đủ loại, từ loại sách cơ bản để ôn thi đại học khối B đến chuyên môn sơ cấp ngành Y khoa. Không hiểu sao cuốn Cẩm nang Cờ Tướng lại lọt vào trong tủ sách, có lẽ của Ba tôi hay nghiền ngẫm, hồi còn làm thợ xây dựng, Ba cũng thích chơi cờ tướng, và nhờ tình cờ đọc kỹ một bài cờ thế độc đáo trong đó, tôi được xếp vào nhóm Tam Đảng. Ngay từ khi thi tuyển vào Trường NH, tôi đã có ý định sẽ đi tiếp con đường mà Mẹ đã đi dở dang. Tôi đã chú trọng học môn Sinh và Hóa, bên cạnh môn Toán thường trực ở các khối thi A,B,D và nhiều khối thi khác, mà thầy Hữu đã dày công đào luyện, tôi đăng ký thi vào Đại học Y khoa Huế. Biết học phí ngành Y đa khoa cao hẳn hơn các ngành học khác, nhưng tôi tin Ba sẽ ủng hộ tôi với dự định sẽ hướng đến chuyên ngành hẹp Sản Phụ khoa dở dang của Mẹ. Thây Hữu rất ủng hộ khi biết tôi chọn ngành Y, chỉ dặn tôi nhớ chú ý giúp đỡ người nghèo khổ đau ốm…

Công Minh, lớp phó lao động, quân Mã 3 điểm:

Quê tôi nằm ngay ngay giữa miền Trung đất nước, thường được xem là tỉnh nghèo. Là con giữa của một đám anh chị em gà vịt năm đứa, tuy học tương đối khá, bọ mạ tôi xác định trước, không nuôi nổi con đến hết cấp đại học. Điển hình là anh cả nhà tôi: bọ mạ tuyên bố chỉ nuôi nổi anh đến năm thứ nhất Cao đẳng Công nghiệp, sau đó giao cho anh tự lo, từ tiền ăn ở đến học phí. Tự đánh giá không kham nổi chi phí đến khi tốt nghiệp, anh đã bỏ học sau khi theo đuổi hai học kỳ, ra ngoài làm thợ cơ khí, cũng tạm đủ sống.

Rút kinh nghiệm từ anh, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, tôi xin bọ mạ bán con heo giống tôi nuôi chung với bầy heo trong nhà, làm lộ phí để vào Huế thì tuyển vào lớp 10 trường NH danh tiếng, và may mắn trúng tuyển. Suốt ba năm học, được các bạn đề cử làm lớp phó lao động, tôi chấp thuận làm vì thấy còn dễ hơn công việc đồng áng ngày mùa ở quê trước đây. Gay go nhất là vấn đề đầu tiên, tức tiền đâu, tôi phải khá vất vả lo sinh kế bên cạnh việc học. May mắn được ở nhờ nhà cậu ruột, vốn là nhà thờ ngoại nằm ở gần trường, hàng ngày khi đi học về, tôi phải giúp cậu mợ xắt chuối cho bầy heo nhà nuôi đang tuổi lớn, rồi khi học bài xong, lại lo rửa đống chén bát của cả nhà. Hàng tháng, bọ mạ tôi gởi vào cho cậu mợ yến rưỡi gạo quê và ít rau củ quả trồng trong nhà, tháng nào thiếu thì tháng sau bù, tôi biết mình chịu ơn cậu mợ nhiều nên mỗi chủ nhật, tôi chú ý kèm cặp thêm cho mấy em con cậu mợ, kết quả khá khả quan, các em có biểu hiện tiến bộ, cậu mợ khá vui lòng và tôi cũng thấy lạc quan. Đến khoản học phí mấy trăm ngàn đồng một tháng là cả một vấn đề lớn, may thay, thầy giáo chủ nhiệm là người đồng hương, rất thương tôi, thầy nhận tôi là cháu trong họ, hàng tháng đóng học phí cho tôi, có dặn tôi không nên cho ai biết điều này. Tôi biết mức lương tháng của thầy, cộng thêm các khoản vượt giảng, phúc lợi hàng quý, dạy thêm chẳng được bao nhiêu, điều đó càng làm tôi thêm quý trọng, nên tôi xin xem thầy như chính cha ruột của mình. Thầy chỉ cười bảo, ngày trước có người giúp thầy, chỉ dặn thầy giúp lại người khác khi có điều kiện.

Tôi đăng ký thi vào sư phạm Toán ở Huế, hy vọng sau này sẽ nối nghiệp Thầy, một phần cũng vì kinh tế gia đình tôi khá hạn chế, cha mẹ ruột ở quê là nông dân, suốt ngài chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ngay ở cấp phổ thông, tôi đã phải bươn chải khá nhiều rồi. Bốn năm đại học, nếu đỗ vào sư phạm sẽ không tốn tiền học phí, và nếu tìm được việc làm thêm như kèm trẻ tại gia thì quá tốt, có điều kiện vừa trau dồi dần nghiệp vụ sư phạm khi thực hành, vừa đỡ đần kinh tế cho gia đình…

Thành Tín, thành viên Lớp, quân Tốt 1 điểm:

Chúng tôi đã chia tay với trường NH cùng năm với thầy Hữu chủ nhiệm: nhận quyết định chuẩn bị về hưu từ mấy tháng trước, nhưng Thầy xin Ban Giám hiệu cho tiếp tục chủ nhiệm lớp cho đến hết năm học. Ngày lớp tổ chức liên hoan nhẹ, chỉ có ít bánh kẹo chia tay, thầy Hữu cũng đến dự cùng với các thầy cô bộ môn khác. Khi được mời phát biểu, Thầy chúc các học sinh thi tuyển đại học thật tốt, đặc biệt các học sinh đem chuông đi đấm xứ người ở Đà Nẵng, Saigon, Vinh, Hà Nội… Các học sinh chia tay thầy cô khá xúc động, có đứa thường ngày cục mịch như Minh ruộng (quân Mã trong Tam Đảng) chỉ lí nhí mấy câu rồi ôm thầy chủ nhiệm, nước mắt ràn rụa… Xuân lớp trưởng (quân Xa trong Tam Đảng) là đứa tỉnh táo nhất, đề nghị Lớp tổ chức gặp mặt mười năm sau, khi các bạn đã trưởng thành, đúng 9 giờ sáng như hôm nay, vào ngày Hiến chương Nhà Giáo 20/11, tại nhà thầy Hữu chủ nhiệm, gần cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bên Gia Hội, nơi có cây mận sai quả mà ai cũng thích. Để thêm phần long trọng, mỗi người sẽ phải chuẩn bị một món quà đặc trưng cho nghề nghiệp của mình để biếu Thầy. Mọi người ồn ào tán thưởng…

Mười năm sau…

Tôi biết mình chỉ là thành viên bình thường của Lớp, thuộc loại Tốt đen nên lo đến nhà Thầy từ sớm. Đang mùa dịch CoVid, tôi chỉ đi một mình trên taxi 6 chỗ, cùng mấy thùng các tông. Quà mang về biếu Thầy chỉ là mấy cân cà phê hạt và dăm quả sầu riêng, những thứ thu hoạch tử rẫy của tôi trên cao nguyên Gia Lai. Tốt nghiệp đại học Nông Lâm ngành Trồng Trọt, tôi lập nghiệp ở cao nguyên, kiếm được ít đất làm rẫy, mang được ít thành quả về biếu Thầy. Đang khệ nệ mang mấy thùng các tông đựng trái cây theo con đường lát gạch từ cổng vào nhà, có tiếng gọi tránh đường làm tôi giật mình né sang một bên. Thằng Tùng đen cũng học Nông Lâm như tôi, chuyên ngành Chăn Nuôi, từ trên taxi bước xuống, hắn đội trên đầu chiếc khay bọc giấy bạc, phía trên có một con heo sữa khá lớn, đã quay vàng rộm. Hắn cười hì hì hỏi tôi: ngành Nông Lâm mình làm ra sản phẩm ăn được, còn dân trí thức, chẳng lẽ đem giấy má, bút phấn đến biếu Thầy?

Thằng Minh ruộng đến sau Tùng đen một phút, khệ nệ mang hộp kính nền nhung đỏ, trên có dòng chữ dát vàng TÔN SƯ – TRỌNG ĐẠOChà, giáo viên mà chơi sang quá, tính ra tới mấy chỉ vàng chứ có it đâu? Mày lên phó giáo sư rồi à? Tùng ngậm ngùi, gõ gõ ngón tay lên mặt kính: ngày trước thầy giúp tao quá nhiều, giờ tao mở lò luyện thi kiếm được cũng bộn, mùa dịch thì tổ chức zoom dạy trực tuyến là thừa ăn. Chừng này của tao có đáng gì so với tấm lòng của Thầy hồi đó đâu?

Một số bạn lần lượt kéo đến, mang các loại quà đại diện cho ngành nghề của mình. Lớp trưởng Trường Xuân đến trên chiếc Mercedès đời mới, cũng mang khẩu trang như mọi người, tay xách chiếc cặp diplomate, ra dáng lãnh đạo lắm. Trả lời những câu chất vấn: quà đâu? hắn mỉm cười, mở tung chiếc cặp: một chiếc laptop I7 nhỏ gọn, đầy đủ webcam và bộ loa rời xinh xắn. Sản phẩm mới của công ty tao thành lập đó, hắn nhỏ giọng. Mà sao chưa thấy thằng Phúc cận, nhỉ? Hay là quân Pháo tịt nòng rồi?

Một cô gái trẻ, áo trắng có đính băng tang đen, dắt một cậu nhóc chừng ba tuổi, bước về phía chúng tôi. Tuy cả hai đều mang khẩu trang, nhưng rõ ràng không phải là người cùng lớp chúng tôi ngày trước.  Cô gái cần thận xịt nước khử khuẩn lên tay, gỡ khẩu trang ra và hỏi: Các anh cho biết, đây có phải là nhà thầy Lê Hữu? và tự giới thiệu khi biết đúng nơi cần tìm: Em là vợ anh Phúc, và đây là con trai của anh ấy. Mẹ anh Phúc hồi còn sống cũng đã học với Thầy. Anh Phúc mới mất trong đợt cùng y bác sĩ thành phố tình nguyện tham gia chống dịch ở Đồng Nai, trước khi ra đi có điện nhắc em đến nhà thầy Hữu thay anh và Mẹ thăm Thầy, gặp mặt Lớp và…  Xuân cắt ngang: Thôi, tôi hiểu rồi. Xin chia buồn với Chị và Cháu về cái tang lớn này. Cả lớp đang tập trung chờ thăm Thầy. Kìa, Cô đã ra mở cửa…

Một bà già tóc bạc phơ chậm rãi mở rộng cửa, nói với chúng tôi: Các anh chị đến thăm nhà và thắp hương cho Thầy phải không? và giải thích về sự ra đi của Thầy khi có người thắc mắc: Thầy đã mất năm ngoái, do tuổi cao, lại lao phổi nặng sau hơn bốn mươi năm dạy học. Tháng sau là giỗ đầu. Cả nhóm nghẹn ngào xúc động, có đứa bật khóc mếu máo: Thầy ơi…, rõ ràng là tiếng Minh. Xuân cũng nghẹn ngào: Thôi, theo quy định 5K, chúng ta lần lượt từng người vào thắp hương và lễ Thầy, thăm sức khỏe Cô, rồi theo Chị sang nhà thắp hương cho Minh luôn thể. ChắcPhúc đã gặp Thầy và mẹ của Phúc ở thế giới bên kia để báo cáo công việc rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét