Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Truyện ngắn 28


  <script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
     crossorigin="anonymous"></script>

HAI TUẦN GIAM LỎNG

Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Mọi chuyện xảy ra đối với tôi như một giấc mơ. Trong suốt hai tuần, thỉnh thoảng tôi lại lẩn thẩn dụi mắt, cắn nhẹ môi để kiểm tra xem mình có mơ ngủ hay không. Rõ ràng là không, mọi việc thật sáng tỏ như ban ngày: tôi, Nữ Chúa nhóm Nữ Quái Sông Hương như bạn bè thường gọi, đang bị quản thúc giữa bốn bức tường quét vôi trắng, cùng hai cô bạn cánh hẩu Hạnh, Ngân cùng nhóm, giống như đang giết thời gian mỗi buổi sáng ở quán cà phê quen thuộc… Tôi bần thần nhớ lại, bắt đầu từ sáng hôm đó, ngày Chủ nhật định mệnh…

Ngày đầu tiên:

Như thường lệ các ngày trong tuần, từ sáu giờ sáng, ba đứa chúng tôi hẹn nhau đi bộ ra vườn hoa trước quán cà phê Lộng Gió, khởi động chân tay mấy phút rôi băng qua cầu, bắt đầu đi bộ dọc theo cầu Phú Xuân, đứa nào thích chạy jogging thì nhún nhảy một chút nhưng vẫn giữ tốc độ đi bộ thể dục của cả nhóm. Dọc theo đường đi bộ sát bờ Bắc sông Hương, thỉnh thoảng liếc sang bên kia đường Trần Hưng Đạo ngắm nhìn phố xá bắt đầu thức giấc, vẫn áo pull, quần short và khẩu trang nghiêm chỉnh – đang mùa dịch CoVid mà, chúng tôi thong thả tiến về cầu Trường Tiền, tay vẫn giữ chai Aquafina đong đưa theo nhịp đi, hôm đó trời hơi se lạnh nên chẳng đứa nào khát nước. Vượt quá cầu Trường Tiền, sang đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, chai nước chỉ hơi vơi, riêng tôi bắt đầu thấy đói, tối qua hai mẹ con tôi ăn cơm hơi sớm vì khu vực nhà tôi bị cắt điện cả ngày, mà đã từ lâu tôi bỏ thói quen ăn bữa khuya để giữ eo rồi. Tôi rủ cả bọn vào quán bún Trâm trong khuôn viên cạnh cercle nautique – tên mới là nhà hàng Festival Huế, nhưng tôi quen gọi tên hồi cả nhà tôi hay đi tập bơi hồi trước; lúc này dịch đã hơi ngớt, quán bún được phép mở bán dưới 10 khách, nhỏ Hạnh láu táu: ừ, để tao có cớ bỏ khẩu trang ra cho đỡ bí, nhỏ Ngân điềm đạm: bọn mình trả tiền kiểu Mỹ nhé, tôi ngắt lời: không, hôm nay tao mời, mới được tăng lương…

Có hai người khách đã ngồi trong quán, đều là nam giới, trông rất ngầu, tay xăm trổ vằn vện, đang uống dở hai chai Heineken, chú ý ngay đến chúng tôi đang kéo ghế ngồi. Người lớn tuổi hơn, có bộ râu quai nón, hắng giọng nói với chủ quán: Bà chủ, tôi trả tiền ăn sáng của mấy em này… rồi cười duyên với tôi: Được không, em gái? Không biết tên này từ đâu đến mà định vuốt râu hùm, tôi thản nhiên: Bác chủ quán, cho ba tô bún loại đặc biệt, và gói cho ba tô mang về, cũng đặc biệt... Ngân cười khoái chí, nó biết tôi chơi xỏ gã kia, vì quán này lâu nay chỉ bán đồng giá hai mươi lăm ngàn đồng một tô bún. Gã đàn ông tím mặt, tên trẻ hơn, có ria mép, gầm gừ: Để em dạy cho tụi nó một bài học, đại ca… Thêm chai nữa, lấy trớn đã! Nút chai bia khi khui bắn sang phía tôi, tôi nhẹ nhàng bắt lấy, rôi thi triển trò chơi Ngạnh công quen thuộc từ nhỏ của Thiếu Lâm Bắc phái, bóp nút chai dẹp lép bằng ba ngón tay. Tôi búng tay, nút chai bay trở lại bàn bên kia. Bà Trâm chủ quán biết có chuyện, chạy ra: Xin các ông các bà, để yên cho quán tôi làm ăn… Hai gã đàn ông trả vội vàng tiền bia, vùng vằng bước ra khỏi quán, bước vào quán cà phê trước mặt. Tôi vẫn thản nhiên nhận tô bún được mang ra, chỉ nhắc Hạnh, Ngân nạp năng lượng đầy đủ.

Đòn trả thù hèn hạ đến khá bất ngờ, khi tôi vừa từ lề bước một chân xuống mặt đường nhựa. Thoáng nghe tiếng xe máy rú to sau lưng, tôi xoay phắt người lại, phát hiện ra bộ mặt có râu quai nón dữ dằn đáng ghét trên chiếc SH đang lao thẳng tới sau lưng. Phản xạ tập luyện hàng ngày kịp giúp tôi trụ vững chân phải, xoay 180 độ, tống ngọn cước chân trái Bàn Long sở trường vào mặt kẻ gây rối. Liền ngay sau đó là cảm giác đau nhói ở đầu gôi phải, rồi lan ra ê ẩm toàn thân, đau quá tôi thiếp đi, chỉ biết loáng thoáng sau đó có hai cánh tay khỏe mạnh nhấc bổng tôi lên, đặt lên xích lô, rồi xe chạy thẳng vào bệnh viện ở gần đó…

Tôi mở mắt, nhận ra mình đang ở trong khoa Ngoại Chấn thương-Chỉnh hình của Bệnh viện Trung ương Huế, đúng là nơi tôi đã có lần thăm bà chị họ bị tai nạn giao thông được đưa vào điều trị. Bây giờ tôi cũng đang được điều trị đây, đầu gối phải đang bó bột nhưng không đau lắm, chắc chỉ bong gân thôi, nhưng sao tôi lại bị giam trong một cái chụp lớn như con cá mắc lưới thế này? Lựa lúc được tiêm mũi thuốc, chắc là thuốc hồi sức, tôi hỏi cậu y tá đang trùm áo bảo hộ kín mít, chỉ nhận ra giới tính nhờ dáng cao dong dỏng và giọng nói vịt đực, có hơi ngàn ngạt dưới lớp vải che kín mặt mũi. Cậu ta mới nhận trực từ sáng nay, nên các thông tin cho biết chỉ từ người chở tôi vào viện báo cho nhân viên trực ca trước. Hóa ra tôi đã thành bệnh nhân CoVID cấp F1, dù đã được tiêm phòng đủ 2 mũi Astra Zaneca theo cơ quan tôi đang công tác, nhưng vì đã tiếp xúc gần với F0 nên được phong cấp F1. Còn F0 không ai xa lạ, chính là tên đàn ông râu quai nón, cũng phải nhập viện dạng cách ly còn nghiêm ngặt hơn tôi nữa, để điều trị ở khoa Răng Hàm Mặt do sống mũi bị vỡ nát, thành quả của ngọn cước Bàn Long của tôi. Còn nữa, bộ đồ thể dục của tôi đã được thay thế bằng đồng phục hồng của bệnh nhân nữ, ai đã thay cho tôi thế này? Hy vọng là nhân viên y tế nữ, tôi đại kỵ để người khác giới chạm vào mình, nam nữ thọ thọ bất tương thân mà. Còn sợi dây chuyền đá có trái tim lồng hình tôi và ba mẹ nữa, tôi đã giữ rất kỹ từ khi ba tôi mất vì tai biến, có lẽ đã rơi mất đâu đó khi xung đột rồi. Hai đứa Hạnh, Ngân cùng đi thể dục với tôi, chắc cũng thuộc diện F1 rồi. Còn bao nhiêu người ở quán bún Trâm nữa? Một loạt câu hỏi ập đến làm tôi rối trí… Tôi mệt mỏi nhắm nghiền mắt, thôi biết thế là đủ, bó bột xong mẹ tôi sẽ làm thủ tục cho tôi xuất viện, không phải để về nhà mà để chuyển về nơi cách ly tập trung, nghe nói hiện nay đặt cơ sở tại Phân hiệu Trường Nghiệp Vụ Thuế của Tỉnh, ở cuối đường Phạm văn Đồng, hay còn gọi là tỉnh lộ 49. Hạnh, Ngân và chị Trâm chủ quán bún cùng dạng F1 như tôi cũng được cách ly tập trung ở đây, cả tên đàn em có ria mép của gã râu quai nón cũng vậy. Riêng nguồn gốc tai họa, tên râu quai nón, kẻ F0 mới bỏ trốn từ trại cách ly ra, được đưa về đâu chẳng biết, tôi không thèm quan tâm, chỉ biết chắc hắn sẽ nhớ tôi mãi, khi sống mũi chưa liền lại…

Thôi đã vào đến đây thì chấp nhận tất cả, ai gọi làm gì thì mình làm nấy, tôi tự nhủ. Trước hết là thủ tục lấy dịch tỵ hầu. Theo thứ tự tên, Hạnh, Ngân, rồi đến tôi – Quỳnh – lần lượt đến bàn xét nghiệm, ngửa mũi cho cô nhân viên y tế chọc vào. Nhỏ Ngân nhút nhát, cứ khấn lạy Trời cho âm tính, tôi phải phì cười: mày phải nói: âm hộ em như trong truyện cười chứ! Rồi cũng tới phiên tôi phải ngửa mũi, đúng là cực hình vì tôi lâu nay không quen bị chạm vào mũi, dù chỉ nhỏ thuốc mỗi khi bị nghẹt mũi. Cũng may, cô y tá làm thủ tục ngoáy mũi có giọng nói nhẹ nhàng, trông vui vẻ dễ thương, chứ có bề ngoài dễ ghét như tên F0 râu quai nón dễ bị tôi ngứa mũi cho một đạp lắm. Sau tôi, tới phiên bà Trâm, chủ quán bún; kiểm tra kết quả thì bốn người đều âm tính. Cả bốn người được Hội đồng Y tế tuyên án: 14 ngày cách ly tập trung, sau đó là 14 ngày cách ly tại gia nữa. Chúng tôi được xếp vào ở chung phòng 14, tầng 2, thuộc dãy nhà B. Thế là trở lại cuộc sống như mấy tuần quân sự ở đại học, có khác chăng là chỉ nằm giường cá nhân mà không ăn cơm tập thể, mỗi buổi ăn sáng, trưa, chiều có suất cơm hộp do điều dưỡng mang tới. Nhà vệ sinh ở đầu dãy thì dùng chung với phòng 15 bên cạnh, ngoài ra phạm vi diện tích đi dạo giải khuây là lan can dài 4m, rộng 1m, ngoài hai mươi mét vuông phòng ở, mà bốn giường đơn kê cách nhau 2m theo quy định đã chiếm nửa diện tích rồi. Phòng có một bàn gỗ nhỏ và mấy chiếc ghế nhựa, chiếc ti vi 14 inches đã chiếm gần hết diện tích bàn. Chúng tôi đặt tivi lên hai ghế nhựa kê sát nhau, kéo bàn lai, đặt giữa hai giường là có thể chơi tiến lên đủ bốn tay rồi. Điều dưỡng có nhắc nhở: nhớ giữ quy định khoảng cách, thì Hạnh tếu táo: giữ chứ, không được nhìn trộm bài người khác mà…

Mẹ tôi quá chu đáo, đã chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết cho tôi trong chiếc valise giấy bồi, ngoài những trang phục áo quần, vật dụng cần thiết hàng ngày như sữa tắm Enchanteur, kem đánh răng Sensodyne, dầu gội đầu biotin&collagen là những thứ tôi quen dùng từ mấy năm nay, khu cách ly chưa chắc đã có… Ngoài chiếc smartphone thường xuyên mang theo mình, mẹ tôi còn chuẩn bị cho tôi chiếc laptop I5 thế hệ 3 có tai nghe, cài cả Viber, Zalo để xem phim, nghe nhạc, đọc báo khi cần. Đôi giày vải Bata đế crêpe tạm để ở nhà vì chật chỗ, chân tôi đang đau, đến khi tháo băng gối cũng vừa hết thời gian cách ly. Hỗ trợ cho đôi dép quai nhựa để đi lại là chiếc gậy tập đi khi bị tai biến của ba tôi hồi còn sống, mẹ tôi đã hạ độ cao xuống một nấc cho hợp với chiều cao của tôi. Một góc của chiếc valise là gói thuốc tây đủ loại, từ giảm sốt đến đau họng, tiêu chảy, tăng sức đề kháng..., tôi thấy mình cứ như một hiệu thuốc di động. Chắc mẹ tôi đã nghiên cứu tìm hiểu kỹ để chuẩn bị cho mấy tuần bị giam lỏng của tôi, mẹ biết con gái mẹ tính tình đuểnh đoảng như con trai, có bao giờ đi ra khỏi vòng tay của mẹ mà biết chuẩn bị đồ đạc đâu?

Nhỏ Ngân mở túi xách du lịch, lấy ra hộp Nestcafé, sau khi liếc thấy phích nước sôi đã chuẩn bị sẳn; nhỏ Hạnh góp hộp bánh đậu xanh Hải Dương cũng còn nguyên, tôi khui bao thuốc lá Camel; chị Trâm đặc biệt hơn, lấy trong túi xách hộp bánh pâté-chaud bọc giấy kính còn nóng hổi, nháy mắt: ông xã mình mới gởi vào, ổng hứa sẽ tiếp tế đều. Thế là đủ món xôm trò cho buổi gặp mặt tân gia đầu tiên…

Ngày cách ly thứ bảy:

Hôm nay, một ngày như mọi ngày. Tôi giữ thói quen cố hữu dậy khá sớm, từ lúc 4g30 khi mọi người vẫn đang say ngủ. Tranh thủ lúc chưa ai thức dậy, tôi vào phòng vệ sinh chung của hai phòng, thực hiện các thủ tục vệ sinh cá nhân; đầu gối đang bó bột, tôi không thao tác nhanh như mọi người được. Sau đó là phần thể dục buổi sáng. Thay vì dượt lại mấy bài quyền cơ bản như mọi ngày, vì chân vẫn phải nghỉ, tôi chỉ ngồi thiền trong nửa tiếng đồng hồ cho tĩnh tâm, rồi chống gậy đi ra lan can, vừa ngắm cảnh vừa thở hít sâu để tận hưởng không khí trong lành vùng ngoại ô buổi sáng sớm. Đây là khu vực cách ly tập trung cho các F1, nhưng giữa các phòng ở đều có tường ngăn cách ra tận lan can, tòa nhà đối diện lại cách hằng chục mét nên tôi không ngại. Phóng tầm mắt ra xa, tôi thấy quán cà phê Gọi đã có lác đác vài người ngồi ngoài vườn nhâm nhi cà phê sáng, có lẽ họ ngắm cảnh ở vườn hoa là chính chứ cà phê ở đó cũng chẳng có gì đặc sắc, tôi đã uống vài lần ở đó mà vị giác chẳng có gì đáng nhớ…

Đến giờ ăn sáng, tôi quay vào phòng, ăn nhanh tô bún giò, xương thịt ở tô bún cũng chất lượng chẳng kém ở quán chị Trâm, chính chị cũng công nhận, có điều giá và rau sống hơi ít, chắc vì đang mùa dịch … Mấy hôm nay, ăn sáng cũng khá chất lượng, vài ngày lại đổi món, sang xôi đậu xanh muối mè hay bánh ướt thịt heo. Tiêu chuẩn buổi sáng tiếp theo sau đó là cà phê đen, uống nóng hay lạnh tùy khẩu vị từng người, vì dĩa đá cục và phích nước sôi luôn kèm theo, ai thích pha sữa thì sẳn hộp sữa Phương Nam khui sẵn, đậy kín bằng nắp nhựa, chị Trâm đã sung công. Buổi trưa và buổi tối cũng có cơm nóng, canh sốt, một món cá hay thịt, một món rau củ quả luộc hay xào, tất cả đều xếp gọn trong hộp xốp nhỏ cho một khẩu phần. Nhỏ Hạnh thường tấm tắc: Ăn thế này cũng sang đó chứ, mình sẽ thanh toán ra sao? Chị Trâm điềm đạm: Chị hỏi rồi, mỗi ngày 80k, mình ở hai tuần chỉ mất hơn một triệu thôi! Hạnh cười: Có khi dân nghèo thành thị lại tìm cách vào đây ở, khỏi lo nhà ở, điện nước, mà ăn uống lại rẻ… Nhỏ Ngân bĩu môi: Mày thử bị giam vài tháng xem, không buồn tình trốn ra ngoài thì đừng nói…

Cả bọn ăn sáng xong thường rủ nhau chơi bài tiến lên giết thời gian, có khi lại cãi với cán bộ trực ban: Đây cũng là thể dục trí tuệ, chúng tôi thực hiện lời khuyên tập thể dục thường xuyên mà! Tôi không thích sa đà vào những trò chơi vô bổ đó, lại bật laptop lên, cắm tai nghe để thưởng thức nhạc Trịnh một mình. Khu cách ly này không có wifi, quán cà phê Gọi thì có, tôi biết mật khẩu qua vài lần đến đó, nhưng sóng đến đây thì rất yếu nên có cũng như không. Cũng may, laptop của tôi đã được tôi download ở nhà từ YouTube và lưu lại trên đĩa cứng 500Gb những thứ tôi ưa thích, như nhạc tiền chiến, phim võ thuật của Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt…, những truyện trinh thám của tác giả yêu thích như Chase hay Christie thì tôi chép từ viet-messenger-ebook. Tóm lại, laptop của tôi như ký ức tinh thần của tôi, cái gì cần nhớ thì tôi lưu lại cả, cần tìm lại gì, mở laptop ra là có hết. Nghe nhạc một lúc, tôi lại ra lan can, mở nhạc nghe một mình, không cần tai nghe.

Đưa mắt nhìn sang tòa nhà cách ly dành cho F1 nam, tôi chợt thấy một bóng dáng vạm vỡ, trông quen quen, cũng giỏng tai lắng nghe tiếng nhạc trong laptop của tôi. Ở khá xa cả chục mét, nhưng nhờ xuôi gió, chắc hắn cũng nghe được, dù tôi chưa nhận rõ hắn là ai. Đến khi có người đến bên cạnh hỏi gì đó, tôi nhận ra đó là tên đàn em có ria mép, F1 của tên F0 râu quai nón, hắn hất hàm trả lời, tôi chợt nhận ra hắn là ai nhờ cái hất hàm ngạo nghễ quen thuộc. Đúng rồi, lão Don Quichotte của Huế!

Thật ra, tên cúng cơm của lão là Lê Đông, còn biệt danh Ki Sốt được tôi ngầm tặng sau giai thoai hy hữu: trong trận chung kết giải bóng đá Trường Sơn giữa đội Huế và đội Đà Nẵng, lão giữ chân trung phong của đội nhà, lúc hai bên đang hòa 1-1 vào những phút bù giờ của hiệp phụ thứ hai, một cầu thủ Đà Nẵng bị thổi phạt vì bóng chạm tay trong vòng cấm. Thời đó chưa có công nghệ VAR để soi lại các tình huống gây tranh cãi, giải các đội vườn ở nước ta vẫn phải công nhận trọng tài là cha mẹ! Bản thân tôi, một fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, ngồi ở khán đài ngay cạnh cầu môn, thấy rõ hậu vệ đội bạn đã khép chặt tay vào nách khi chạm bóng, nhưng trọng tài đã thổi còi rồi! Penalty của trung phong Đông sút, gặp thủ môn loại giấy của Đà Nẵng bắt thì mười quả ăn cả mười! Thế mà lão Đông lại đá phạt đền nhẹ hều, giống như chuyền bóng cho thủ môn bắt vậy, làm đội Huế hỏng ăn trận chung kết trong 120 phút. Đến khi sút phạt đền tranh thắng bại thì Huế thắng 4-2, mà chưa phải đá đến quả phạt đền thứ 5. Khi tổng kết giải, tôi hỏi tiêng lão có định bán độ không thì lão hất hàm rất ngạo nghễ, trả lời cụt lủn: tôi không thích thắng trận nhờ trọng tài. Tôi thay mặt nhóm Nữ Quái Sông Hương ngầm tặng cho lão danh hiệu Ki Sốt, vì trận hòa do cái tính bốc đồng đó của lão làm tôi mất một chầu nhậu, nếu thắng độ…

Nhận ra người bên khu cách ly của nam, tôi ngẩn ngơ suy nghĩ, rồi trổ tài suy đoán như Sherlock Holmes. Đông Ki Sốt mà cũng vào khu cách ly CoVid à? Lão cũng mắc F1 như tôi? Tôi biết lão là viên chức hành chính, cha mẹ là dân nghèo thành thị, biết đá bóng, chơi khá tốt nhưng không say mê, suốt ngày chỉ lo việc sinh kế, làm gần như thợ đụng khi rảnh rỗi. Nghe bạn bè nói, tính lão hiền khô, bao lần tranh chấp với bạn cũng chịu phần thiệt về mình, khác hẳn những lần xông xáo trên sân cỏ, thường được hàng cầu thủ hậu vệ đối thủ gọi là sát thủ ẩn danh. Hay là lâu nay, lão cũng ẩn danh chờ cơ hội tung hoành, thì cũng vướng CoVid như tôi? Lão ở cùng phòng với tên ria mép, như vậy có khả năng nhập khu cách ly cùng ngày. Nhưng ở quán bún chị Trâm hôm đó có thấy mặt lão đâu?

Hôm nay là hết một tuần cách ly, chúng tôi sẽ lại phải bị ngoáy mũi lần nữa theo quy định. Dù sao, tôi cũng mong kết quả của ai cũng âm tính, để mau chóng về đoàn tụ với gia đình.

Ngày thứ mười ba:

Hôm trước đầu tuần, tự nhiên thấy buồn, tôi lại gia nhập sòng tiến lên với Hạnh, Ngân và chị Trâm để giải sầu. Chơi hội 30 điểm, không ăn tiền mà thống nhất hai người thua phải chia nhau trực vệ sinh Phòng trong tuần. Chơi đủ bốn tay, vui hẳn lên vì mỗi người có cơ hội đoán bài đối thủ, thay vì chơi ba người, thiếu một tay bài rất khó đoán. Ván cuối, tôi và Ngân cùng 29 điểm, tôi tính rất kỹ, từ quân 3 đến Át đều đã xuất hiện rồi, nên mạnh dạn tung quân 2 cơ đè quân 2 rô của Ngân. Không ngờ nó rình mãi mới chụp được Bốn Đôi Thông lên đè tiếp 2 cơ, tôi đành chịu phép, cười nhận thua: tao tính rồi, Tứ Quý không thể có, lại mắc Bốn Đôi Thông của mày, chứ dễ gì đè được tao! Hạnh lí lắc: Đúng rồi, ai mà đè được Nữ Chúa Sông Hương, họa chăng có anh xích lô… Tôi gằn giọng: Mày nói thằng nào? Hạnh mỉm cười: Thì hôm mày bong gân đầu gối nhập viện, anh xích lô bế mày lên xe rồi giữ tay chân mày cho tụi tao đẩy xe, vì mày vùng vẫy dữ quá… Tôi lắp bắp: Nói… nói bậy... Ngân xen vào: Nó nói thật đấy, mày xem ảnh chụp đi, tao còn lưu đây. Tôi nhìn vào smartphone của Ngân mà sững sờ, hoa cả mắt, thấy lão Đông đang ghì chặt tay tôi trên xe xích lô, cảnh vật chung quanh trông nhòe nhoẹt, chứng tỏ xe đang di chuyển khá nhanh. Tôi nghẹn giọng: Có ai nhìn thấy ảnh này chưa? Ngân thản nhiên: Chưa, hôm trước định cho mày xem mà tao quên mất, thôi mày không thích thì tao xóa đi nhé! Tôi ngần ngừ, ấp úng: Mày chuyển cho tao giữ đã rồi xóa, mà thôi đi, ở đây không có wifi để chuyển, tao chụp ảnh lại đã! Chụp ảnh xong, tôi xóa ngay bức ảnh tang tích quái ác, kiểm tra điện thoại của Ngân thật cẩn thận để ảnh mất hẳn. Thế là từ nay, chỉ có tôi có bức ảnh đó, không hiểu vì sao tôi muốn giữ cho riêng mình mãi. Nhìn kỹ ảnh phóng to, tôi thấy trên cổ mình vẫn còn đeo sợi dây chuyền đá có trái tim lồng hình cả nhà, vậy nó chỉ mất khi tôi vào bệnh viện. Mất nó tôi rất tiếc, mua chẳng bao nhiêu, nhưng đó là kỷ vật lưu lại hình ảnh người cha đã quá cố, giờ biết tìm đâu ra? ở nhà tôi còn bức ảnh này khổ lớn mẹ tôi treo trong phòng, lần này ra chắc phải làm lại cái khác để đeo mới được. Tôi lại nghĩ, như vậy mình đã biết nguồn gốc lây CoVid của Đông Ki Sốt rồi. Ảnh chạy xích lô từ sáng sớm, gặp mình trong đám đánh nhau, thấy bị thương nên chở mình vào viện, nên dính chưởng luôn! Tội nghiệp, đã nghèo còn gặp cái eo, vì mình mà ảnh phải vào khu cách ly, biết ai lo cho cha mẹ ở nhà? Tự nhiên, tôi không muốn gọi Đông Ki Sốt là lão nữa, dù đã quen miệng.

Có tiếng gõ cửa, chị Trâm nhìn đồng hồ: Chưa đến giờ cơm mà! Sao sớm thế? nhưng vẫn ra mở cửa. Anh điều dưỡng đưa cho chị một gói tướng bánh bông lan điểm nho khô, có vẻ chồng chị định vỗ vợ cho béo hay sao, tôi nghĩ vậy và định đi ra lan can ngắm trời đất cho khuây khỏa thì nghe điều dưỡng gọi tiếp: chị Quỳnh đến nhận quà, cớ người gởi! Tôi thắc mắc, mình đã dặn Mẹ đừng tiếp tế mà, có thiếu gi đâu? nhưng vẫn nhận chiếc hộp nhỏ hình vuông bọc giấy trắng. Mở hộp ra, trước mắt tôi là sợi dây chuyền đá lồng ảnh gia đình, mà tôi đã tưởng mất. Điều dưỡng cười, giải thích: người nhà gởi cho anh Đông dãy nhà A, nhưng ảnh có dặn trước, chuyển qua cho cô Quỳnh bên dãy B. Ảnh đã nhặt được trên xe xích lô của ảnh. Tôi bàng hoàng, Đông đã quá chu đáo, đã lo trả của rơi cho tôi, cũng không phủ nhận công việc kiếm thêm hàng ngày của mình, mà nhiều người cho là hạ tiện…

Tôi lại mang laptop ra lan can, mở bài Cám ơn người của Hoài An, do hai ca sĩ Phúc Lâm và Thu Minh hát: Ϲám ơn người cho tôi thương, cho tôi yêu giữa cuộc đời... Bài này tôi ít nghe, nằm trong série nhạc hải ngoại tôi ngẫu hứng download từ YouTube. Tôi mở volume hết cỡ, tin rằng anh sẽ hiểu lòng tri ân của tôi. Tôi mơ hồ thấy anh đang mỉm cười, nụ cười hiếm hoi xuất hiện trên nét mặt thường ngày ngạo nghễ. Có tiếng chị Trâm gọi tôi, tôi chạy vào giúp chị mấy việc lặt vặt, thì nghe laptop phát sang bài mới Ở hai đầu nỗi nhớ: Có một không gian nào... đo chiều dài nỗi nhớ Có khoảng mênh mông nào... sâu thẳm hơn tình thương. Bể dĩa rồi. Tôi hoảng hồn chạy ra định tắt nhạc, không hiểu vì sao lại thôi. Tiếng chị Trâm trầm ngâm: Cứ nghe hết bài đã em, tự nhiên chị nghe, thấy nhớ chồng chị quá… Tôi giả vờ nghe lời chị, trong thâm tâm lại muốn nghe lần nữa mà không dám nói ra.

Buổi chiều, chúng tôi lại làm thủ tục ngoáy mũi lần cuối, chuẩn bị cho đợt trả tự do của cả phòng. Bên tòa nhà A của nam có mấy người đến hạn nhưng chưa được ra, vì đã vi phạm nội quy: lén tổ chức uống rượu trong khu cách ly. May thay, không có anh Đông của tôi trong số đó.

Ngày cuối cùng:

Mẹ tôi đi taxi đến khu cách ly từ sáng sớm, dù chỉ mới xa tôi đúng hai tuần, mà tối nào cũng gọi điện cho nhau cả tiếng đồng hồ. Mẹ vẫn mang khẩu trang và màng kính chống giọt bắn, ngồi cùng với cha mẹ Hạnh, Ngân và nhiều người nữa, chắc là thân nhân những người cách ly. Mẹ ơi, con sắp về với Mẹ đây. Sau hai tuần cách ly tại gia, mẹ nhớ đi với con về Thủy Dương thăm gia đình anh Đông, Mẹ nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét