Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 04

TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC…
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

1. Tâm sự của người cha:
Việc chuẩn bị thi đại học của con gái tôi đã được cả nhà tính toán từ 3 năm trước đây, khi cháu đang còn học lớp 9, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Trước hết là việc chọn trường phổ thông trung học để thi vào. Tôi không thích con tôi thi vào những lớp chuyên, chỉ muốn cháu học lớp phổ thông, để tập trung học những môn sau này sẽ thi đại học (trước đây, thiếu gì những học sinh thuộc lớp chuyên lại thi rớt tốt nghiệp phổ thông, kể như được miễn thi đại học!). Vợ tôi, thực tế hơn, tính nhẩm độ dài khoảng đường mà cháu phải đạp xe đến trường (dưới trời nắng chang chang mùa nóng hay lội trong nước bạc mùa lụt) xem trường nào gần nhà, ở vùng ít ngập nước để ưu tiên chọn thi vào (cô ấy quên mất trường chuyên cấp phổ thông cơ sở Nguyễn Tri Phương của Huế thường xuyên ngập trong nước lụt mỗi khi mưa to). Con gái tôi, đơn giản hơn, không nghĩ đến những chuyện xa xôi, chỉ thăm dò ý kiến các bạn trong lớp cũ, xem có thể gặp lại nhau trong cùng một trường cấp 3 để kết thành hội hay không…
Cuối cùng, kết quả tuyển thi vào trung học phổ thông được yết. Trừ hai học sinh đã xuất sắc đậu vào phổ thông Quốc Học từ đợt tuyển trước, lớp của con tôi, dựa trên nguyện vọng và kết quả thi tuyển, được rải đều khắp các trường Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Gia Hội, một số khác phải về các trường bán công. Nhờ 1 điểm được cộng thêm vì tốt nghiệp loại Khá, con tôi đạt vừa đủ điểm chuẩn vào trường Nguyễn Huệ, ngôi trường 30 năm trước đây mẹ cháu đã học với cái tên thơ mộng: Nữ Thành Nội. Tôi tự nhủ: may thật, từ mấy năm nay, tỷ lệ đậu đại học của học sinh trường Nguyễn Huệ cao lắm, nhưng vẫn nhắc con mình: ý thức học tập của con là quan trọng nhất…
Tôi vốn rất ghét các lớp dạy thêm ở nhà: thời của tôi, chẳng cần học thêm, học bớt gì, chỉ cần nắm chắc bài vở trong trường là có thể tốt nghiệp Tú tài bán phần, toàn phần, rồi trúng tuyển vào đại học. Thế mà bây giờ, trước phong trào “thi đua dạy thêm & học thêm” - như câu vè dầy châm biếm: “(dạy) học ngày không đủ, tranh thủ (dạy) học đêm, (dạy) học thêm buổi sáng, (dạy) học ráng buổi chiều, (dạy) học liều ngày chủ nhật, (dạy) học lật đật ngày thứ hai, (dạy) học lai rai cả tháng…” - trong cả nước, dồn vị trí những lớp dạy chính khoá ở Trường vào ngõ hẹp, tôi đành phải lắc đầu chịu thua, gởi con tôi đến một bạn học ngày trước, hiện là giáo viên có uy tín trong ngành Toán, có mở lớp dạy thêm ở nhà; rồi từ đó con tôi tham gia thêm các lớp Văn, tiếng Pháp do bạn tôi giới thiệu (đủ các môn khối D3), vì từ lâu cháu đã muốn theo đuổi việc học tiếng Pháp như tôi trước đây. Thời khoá biểu của cháu, nhất là từ năm lớp 11 trở đi, kín mít từ đầu đến cuối tuần, chỉ còn một vài buổi tối thư giãn…
Vợ tôi, với tư cách là Chủ nhiệm Hậu cần của gia đình, từ đầu năm lớp 12, đã chú ý bồi dưỡng cho con tôi để có sức theo đuổi các lớp học chính khoá và ngoại khoá. Tôi nhẩm tính sơ qua, tiền bồi dưỡng hàng ngày cho con tôi (bơ, thịt, đường, sữa, trứng gà… đủ loại, cứ như vận động viên quốc gia) gần bằng cả tiền ăn cho 3 người còn lại (hai vợ chồng và cu Bi, hiện học lớp 7, may là không phải năm thi của cháu), ban đầu trông con tôi ăn còn thấy ngon miệng, nhưng dần dần chán ăn và thể trạng vẫn ngày càng sút! Tôi đoán nguyên nhân do cháu thiếu ngủ: mỗi đêm cháu học và ôn bài đến 12 giờ, vậy mà có những buổi sáng phải học thêm từ 5 giờ 30 đến 7 giờ sáng. Cháu kể, có những lớp học thêm, đến trước cả 30 phút đồng hồ mà vẫn ngồi gần cuối lớp đông gần trăm học sinh, gặp trời u ám càng khổ, vài ngọn đèn néon 1.20m chẳng toả sáng được bao nhiêu. Tôi bảo cháu nhường chiếc xe đạp Trung quốc cho cu Bi, mua cho cháu chiếc xe đạp Nhật, đạp cứ nhẹ như không, nhưng mỗi ngày đạp đi, đạp về hơn 10 km để học chính khoá, chạy show học thêm, không phải là đơn giản…
Cu Bi được Ba Mẹ làm công tác tư tưởng, đã thay hẳn chị làm việc vặt vãnh trong nhà: nhặt rau, vo gạo khi Mẹ nấu ăn, phơi phóng khi Mẹ giặt giũ, múc nước khi Mẹ lau nhà, đôi khi còn giúp tôi đánh trên máy vi tính giáo trình đã soạn. Đôi khi, con gái tôi tâm sự: cháu phát ghen với cu Bi về những giây phút cười đùa thật sảng khoái, những giấc ngủ ngon ngáy như kéo gỗ, trong khi cháu vừa học xong lý thuyết Toán buổi sáng đã phải làm bài tập Tiếng Pháp cho buổi chiều, và chuẩn bị bài bình văn sáng ngày mai. Quả thật, tôi thấy cháu như một cái máy, dung nạp đủ thứ kiến thức vào trong người mà chưa tiêu hoá kịp (cu Bi cứ hay trêu chị là loài bò, đang ăn cho thật nhiều và chờ đến kỳ thi để … ợ ra và nhai lại).
Cuối cùng, điều phải đến đã đến. Dự xong buổi cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, ngồi trên xe tôi đón về nhà, cháu hoa cả mắt, suýt té ngã mấy lần. Tôi dự đoán cháu kiệt sức sau mấy tháng trời học tập vô cùng căng thẳng, nên đưa cháu đi khám bệnh luôn. Ở bệnh viện, cháu được chẩn đoán là bị suy nhược thần kinh nặng! Nghĩ cũng hợp lý thôi, hơn một năm trời, đúng vào tuổi ăn tuổi ngủ mà cháu chỉ dành 5-6 tiếng đồng hồ ban đêm và 15-20 phút buổi trưa để chợp mắt, thì sức lực đâu chịu nổi nữa…
Thế là cháu trở thành bệnh nhân khoa Nội thần kinh, bỏ hết những buổi học luyện thi tổ chức sau kỳ thi phổ thông. Trong bệnh án có ghi: tránh làm việc căng thẳng đầu óc, nên vợ tôi không cho cháu mang bất kỳ sách vở nào vào bệnh viện cả. Cháu chỉ được phép mang một máy walkman vào để nghe nhạc, và thỉnh thoảng lại có điều kiện trau dồi tiếng Pháp bằng cách nói chuyện với một vài bác sĩ trong Khoa. Cũng là một điều kiện thuận lợi để cháu ôn tập phần nào kiến thức, xem chừng các bác sĩ biết tiếng Pháp cũng thích nói chuyện với cháu khi nhàn rỗi…

2. Tâm sự của cô con gái:
Tôi xuất viện về nhà một tuần trước ngày tập trung thi tuyển sinh. Dù tốt nghiệp phổ thông loại Khá, tôi cũng được Ba tôi xác định trước là tham dự kỳ thi lần này để giải toả tâm lý, chứ mục tiêu kỳ thi chỉ là …cuộc tổng diễn tập chuẩn bị năm sau thi. Thế mà, chuẩn bị bước vào phòng thi, tôi lại thấy tinh thần của mình thư thái hơn hẳn, so với thời điểm thi tốt nghiệp xong. Phải chăng đầu óc tôi đã trở lại minh mẫn sau hơn một tháng thư giãn khi nằm viện, tạm xa rời sách vở để hoà đồng với cuộc sống thông thường?
Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục… Đến lúc này, tôi mới thấy thấy ý nghĩa câu nói này, đặc biệt ở vế giữa. Sau bao nhiêu ngày không cầm đến sách, môn Văn học trở lại trong đầu tôi thật sáng sủa, rõ ràng, tôi không nhớ nhiều những ngôn từ bóng bẩy, nhưng những ý tưởng chủ yếu trong những bài bình văn lại hình thành rất minh bạch. Nói theo ngôn từ của kiếm hiệp, tôi đã nắm được (kiếm) Ý nên không cần thuộc (kiếm) THỨC nữa. Trong sô 3 môn thi, tôi tự tin nhất ở môn Văn, thậm chí còn hơn cả khi chưa nhập viện điều trị. Môn Tiếng Pháp, tôi cũng không lo nhiều vì đa số đối thủ của tôi, các thí sinh thi khối D3 không có điều kiện trau dồi nhiều về tiếng Pháp, trong khi từ nhỏ tôi đã thường xuyên sử dụng để trò chuyện với Ba tôi, một giáo viên tiếng Pháp lâu năm, rồi khi nằm viện vẫn thỉnh thoảng còn ôn luyện. Môn tôi ngại nhất vẫn là môn Toán, đã đành tôi đã học xong phần lý thuyết, có làm những bài tập cơ bản, nhưng còn phần ôn tập nâng cao, chắc chắn tôi thua hẳn các đối thủ đã chăm chỉ tu luyện tại các lò luyện thi sau khi thi tốt nghiệp. Thôi đành mặc kệ, đến đâu hay đó, tôi cũng đã xác định kết quả kỳ thi không quan trọng, nên bước vào phòng thi vô cùng thoải mái, không vướng một gánh nặng tâm lý nào.
Buổi tập trung đầu tiên thật yên bình. Sau khi điểm danh, giám thị 1, một cô giáo đứng tuổi, nói năng hoà nhã và điềm đạm dễ gây ấn tượng, phổ biến cho cả phòng nghe nội quy thi cử và cùng giám thị 2 thu lệ phí dự thi. Các sĩ tử trong phòng thi làm quen với nhau trong một không khí lịch sự giả tạo: chúng tôi đều biết rằng bắt đầu từ ngày mai, tất cả đều trở thành đối thủ của nhau, càng nhường nhịn sẽ càng thêm khả năng bị loại ra khỏi cuộc chiến. Xem lại số báo danh của tôi, được chín nút, 14789, lại là số tới, hên quá! Hy vọng đầu xuôi, đuôi lọt, biết đâu tôi chẳng qua được thuận lợi kỳ thi bước vào đời này.
Buổi sáng đầu tiên thi môn Văn khá trôi chảy. Đọc xong đề thi, sau mười phút soạn dàn bài, ngòi bút của tôi bắt đầu chạy rào rào trên mặt giấy theo dòng suy nghĩ tưởng như vô tận (ngoài dự kiến ban đầu của tôi). Dường như mấy tuần nằm viện đã khơi thông mạch văn của tôi tắc tị bấy lâu nay. Tôi nhìn chung quanh, một số người cũng say sưa viết như tôi, nhưng tôi nghĩ không phải ai cũng nắm vững yêu cầu của đề bài. Lời thầy dạy tập viết hồi cấp một vẫn văng vẳng trong tai: chữ viết trau chuốt, đều đặn sẽ gây ấn tượng tốt cho người đọc, đặc biệt thuận lợi khi người đó chấm bài của mình. Tôi cố gắng viết chữ thật cẩn thận, tránh bôi xoá, giữ bài viết thật sạch sẽ để gây ấn tượng tốt cho người chấm. Hai giám thị ngồi nhàn nhã coi thi đến hết giờ. Một số thí sinh nộp bài về trước, nhưng tôi vẫn ngồi đến phút cuối cùng, dò lại những ý tứ và lỗi chính tả, cố gắng hoàn chỉnh đến mức tối đa bài viết của mình.
Buổi chiều thi Toán là cả một gánh nặng với cả phòng thi. Không ít tiếng thở dài, chắt lưỡi vang lên khi đề thi được phát ra. Đề Toán không quá khó vì những câu hỏi lắt léo chuyên sâu, nhưng đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tất cả những kiến thức cơ bản của lớp 12 để giải đến kết quả cuối cùng. Có bệnh thì vái tứ phương: chỉ sau 15-20 phút, đã có một vài trường hợp thí sinh chép bài lẫn nhau phải khiển trách, có người bị cảnh cáo khi phát hiện sử dụng tài liệu mang vào, nhưng tình hình lộn xộn vẫn không dứt. Đến khi hai giám thị lập biên bản đình chỉ thi một trường hợp tái phạm sử dụng tài liệu, an ninh phòng thi mới tạm được vãn hồi. Tôi biết thân phận mình, không dám lao theo những bài tập khó, chỉ biết đánh vật với những câu hỏi cơ bản bằng mớ kiến thức Toán khiêm tốn còn lưu giữ được, với mục tiêu quyết chống điểm liệt, như một thí sinh vui tính đã khôi hài lên tiếng khi đọc đề. Có một bài tập khá quen thuộc nhưng tôi lại quên mất bí quyết giải, chỉ nhớ mơ hồ là phải vẽ thêm một đường gì đó trên hình vẽ. Đến hết giờ, giống như đa số thí sinh còn lại trong phòng, tôi nộp bài với tâm trạng ủ rũ. Ra khỏi phòng thi, cơn giông mùa hạ đang kéo đến, nhưng Ba tôi đã đứng chờ ở công địa điểm thi, mang sẳn áo mưa cho tôi rồi. Trên đường về, đúng lúc tia chớp loé trước mắt, tôi chợt nghĩ ra lời giải bài toán quen thuộc mà tôi đang làm dở dang rồi tắc tị. Trời ơi, có thế mà nghĩ không ra. Đúng là tôi bị tẩu hoả, nhập ma rồi…
Buổi thi thứ ba môn Tiếng Pháp, tôi đã nổ lực vượt mức, cùng với những lời khuyên nhủ của Ba và van nài của Mẹ, để có đủ can đảm đến địa điểm thi, vì tôi đã cầm chắc đậu phải cành mềm đến tám mươi phần trăm rồi. Nghe cu Bi động viên thật buồn cười: chị phải quyết tâm, đây là trận cuối cùng, không còn gì để mất cả. Trên đường đi, tôi lẩn thẩn nghĩ: biết đâu những sĩ tử khác cũng nghĩ như cu Bi, sẽ tìm mọi biện pháp dù tệ hại nhất để đạt đến kết quả: loại đối thủ của mình. Tôi đi thi chẳng cần nhất thiết phải đậu, nếu thiên hạ thấy tôi làm được bài, gây áp lực đòi chép bài của tôi thì sao? Nhưng xe Ba chở đã đến địa điểm thi rồi, chảng lẽ bảo Ba quay trở về nhà lại? Các câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu, đến khi tôi bước chân vào phòng thi… Đập ngay vào mắt tôi là sự vắng lặng đến bất ngờ của phòng thi, sáng nay có hơn nửa số thí sinh trong phòng đã bỏ cuộc, chắc do họ tự đánh giá kết quả bài thi Toán hôm qua quá tệ. Thôi thì may nhờ rủi chịu, tôi tiếp tục môn thi cuối cùng, cũng may Tiếng Pháp là lĩnh vực tương đối quen thuộc của tôi, dù đầu óc có đang bị chi phối nhưng tôi cũng cố làm xong bài kịp giờ.
Thi xong, tôi cùng Ba Mẹ và cu Bi đi Bạch Mã nghỉ mát một ngày. Điều duy nhất tôi yêu cầu mọi người là đừng nói gì với tôi về chuyện thi cử cả, để vết thương tinh thần kịp lên da non…

3. Tâm sự của người mẹ:
Chồng tôi đã xác định cho con thi để giải toả tâm lý, nhưng tôi vẫn tính đến những bức xúc của cháu và những vất vả về vật chất, mặc cảm tinh thần trong năm học lớp 13 sau này. Con tôi xứng đáng để bước vào ngưỡng cửa đại học chứ, tại sao lại phải lùi sau các bạn một năm, vì một lý do khách quan do phải chịu tải quá nặng trong việc học (mà tôi cũng ít nhiều có trách nhiệm)? Tại sao tôi không tìm cách để con tôi được suông sẻ việc học, trong khi chính cháu có khả năng thực sự?
Ngay sau đợt thi, tôi tìm cách tiếp cận những người làm phần hành tuyển sinh xem có chính sách xét tuyển gì có thể châm chước cho con tôi vừa phải điều trị hàng tháng trời ở bệnh viện xong. Một anh bạn học cũ ở Hội đồng Tuyển sinh, trong một vài phút hiếm hoi tôi gặp được giữa hai đợt họp, cũng giải thích cặn kẽ cho tôi rằng yếu tố duy nhất để xét tuyển cháu vào đại học là kết quả 3 môn thi của cháu đạt điểm chuẩn dành cho diện và khu vực của cháu. Tôi thất vọng lấy xe định ra về, nhưng vừa ra đến cổng, một cuộc nói chuyện bất ngờ đã thúc đẩy tôi tiếp tục hướng đi đã dự định…
Một cô gái ăn mặc lịch sự với một nốt ruồi son ở khoé mắt, tôi chỉ nhớ mang máng đã gặp ở đâu đó, chận tôi lại hỏi thăm. Cô ấy hỏi địa chỉ và hẹn tôi tối nay sẽ đến nhà để bàn biện pháp giúp đỡ cho con tôi. Thật bất ngờ! Vì chồng tôi đang đi công tác xa, tôi tỏ ý muốn điện thoại trao đổi qua trước với anh, cô ấy gạt luôn: đừng, chị ạ, đàn ông nguyên tắc lắm, chuyện chị em mình tâm sự với nhau rồi bàn tính giải quyết cho dễ. Tôi đồng ý, vì nghĩ chưa chắc chồng tôi tán thành chuyện này, hẹn cô ấy buổi tối đến nhà. Hai con tôi cùng đi dự sinh nhật của em họ, càng thuận lợi cho chúng tôi tính chuyện…
Cô ấy bảo: thật tiếc là chị không gặp em trước, em có thể lo liệu giúp cho con chị từ khi thi kia. Gởi giám thị sắp xếp cho con chị ngồi cạnh đứa làm được bài, lơ là các trường hợp vi phạm quy chế… đã là một bước thuận lợi rồi. Nhưng thôi, chị gặp được em muộn, đánh phải lo ở khâu chấm thi vậy. Chị cho em số báo danh, nét chữ của cháu, và một số chi tiết về bài làm của cháu. Tôi trả lời: chuyện này tôi không cho cháu biết đâu, nó nhỏ tuổi nhưng tự ái cao lắm. Nội dung bài làm, cháu chỉ nói lại sơ sơ thôi… Câu trả lời đến rất nhanh: thế thì hơi tốn kém đấy!...
Cô ấy xem kỹ nét chữ của con tôi, mượn một cuốn vở ghi chép của cháu hồi lớp 12, và tuyên bố nước đôi: em không dám chắc chắn cháu sẽ đậu, nhưng em sẽ cố tìm cách nâng điểm mỗi môn cho cháu khoảng 1-2 điểm. Trước mắt, chị tạm ứng cho em 5% chi phí làm tiền taxi (tiếng lóng của chi phí giao dịch, không hoàn lại nếu dịch vụ không thành), phần còn lại em sẽ lấy khi cháu có giấy báo chính thức. Chị em ta thống nhất chuyện này chỉ có 2 người biết, có gì chị liên lạc với em theo số điện thoại di động 090… Thôi em chào chị, chúc chị may mắn! Đến khi tôi muốn cô viết mấy chữ làm bằng, cô ấy cười to: Chị ơi, ai dám ghi bút tích chuyện tày trời hả chị? cứ yên tâm, em còn làm ăn nhiều vụ lớn hơn nhiều. Chuyện này em làm giúp chị thôi, ăn thua gì…
Kể từ hôm đó, gần như ngày nào tôi cũng gọi điện thoại cho cô ấy. Tin tức vẫn đều đặn nhận được: … đang liên lạc với cán bộ chấm thi Toán … đã chuyển nét chữ để nhận dạng … đã tìm ra bài, đang hội ý nâng điểm … đã nâng được môn Toán thêm 2 điểm … đang liên lạc với cán bộ chấm thi Văn … đến khi tôi thắc mắc điểm môn Toán ban đầu là bao nhiêu thì câu trả lời có phần lúng túng: … chị không yêu cầu trước, họ đã chấm qua nhiều bài khác nên quên rồi … Thêm một yếu tố nghi ngờ nữa: … Môn Văn đang chấm, nhưng chưa tìm ra bài… trong khi tôi biết, Tổ chấm thi môn Văn đã liên hoan tổng kết đợt chấm thi và giải tán từ hôm qua. Cho nên, tôi dứt khoát từ chối, đòi chờ đến kết quả cuối cùng, khi cô ta gợi ý: em hiện nay phải chạy thêm một số nơi nữa, chị ứng thêm cho em 5% được không? Cũng may, trong nhà chỉ có mỗi mình tôi khổ sở, dằn vặt vì chuyện nhiễu nhương này, trong khi chồng tôi và hai cháu vẫn bình thường, riêng con gái tôi đã đăng ký tham gia lớp học ngoại khoá chuẩn bị năm tới thi lại.
Sự việc kết thúc vào những ngày đầu hạ tuần tháng 8. Anh bạn cũ, đã từng giải thích cho tôi quy chế tuyển sinh, gọi điện về tận nhà báo cho tôi biết, cháu vừa đủ điểm đỗ, từ bây giờ đã nhập số liệu lên Internet và sáng sớm mai sẽ treo bảng chính thức. Môn Toán kém nhất chỉ được 1 điểm, nhưng bù lại hai môn Văn và Tiếng Pháp khá cao và cộng điểm thưởng khi thi tốt nghiệp loại Giỏi nên kéo lại. Anh ta cười: khao đi, chị ơi, thứ nhất là cháu vừa đau dậy mà vẫn thi đỗ, thứ hai là đậu vừa sát nút. Tôi hân hoan: anh cứ chuẩn bị đi, hôm đó anh sẽ là khách quý của gia đình.
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, tôi nhận điện thoại 090… của cô bạn quý. Giọng khá gấp gáp: Chị ơi, điểm thi của cháu dù có nâng lên rồi vẫn thiếu nửa điểm. Đành phải bổ sung thêm phương án cũ thành phương án mới thôi. Nếu chị đồng ý chi thêm 10%, em sẽ chạy cho cháu đủ điểm đậu, mang giấy báo về tận tay cho chị. Chỉ cần chị hứa đồng ý thôi, khỏi cần tạm ứng gì, chị em với nhau cả mà. Câu trả lời của tôi bây giờ thật lạnh lùng, dứt khoát: Thôi em ạ, chị chấp nhận để cháu hỏng, cứ xem như chị đã thanh toán sòng phẳng tiền taxi cho em rồi. Tôi dứt khoát cắt máy, và liên tiếp cắt khi thấy máy dò điện thoại hiện con số 090… mà tôi không muốn gặp lại nữa.
Thật đáng xấu hổ khi phải thuật lại chuyện này, nhưng tôi muốn kể lại thật đầy đủ để những người trong hoàn cảnh của tôi rút kinh nghiệm, và muốn chính nhân vật chính của sự kiện này cũng phải hiểu rằng tôi biết nhưng bỏ qua, chứ không phải tôi mù tịt chẳng hiểu gì.

4. Tâm sự của cậu em trai:
Buổi liên hoan mừng chị tôi thi đỗ đại học bắt đầu lúc 7 giờ, có đủ mặt mọi người trong gia đình, các bạn học cùng đỗ đại học với chị, một vài người khách của Ba Mẹ. Chị tôi đứng lên, cảm ơn mọi người, nhất là Ba Mẹ, đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để chị có thể vào được đại học. Nhắc đến thời gian nằm viện, chị cho rằng nếu tiếp tục học như trước đó, chưa chắc chị đã có đủ sức đứng vững đến ngày thi, chứ đừng nói thi đỗ. Phải nghỉ học để nhập viện điều trị bệnh là một cái rủi, nhưng trong cái rủi đó lại có cái may là đầu óc được nghỉ ngơi sau một thời gian đã bị bão hoà.
Ba tôi tiếp lời: giống như chuyện Tái ông mất ngựa ngày xưa. Tái ông có con ngựa hay đi lạc mất, mọi người cho rằng rủi, Tái ông bảo không lo, biết đâu trong cái rủi có cái may. Mấy hôm sau ngựa quay về dắt theo một con ngựa đẹp khác, Tái ông bảo biết đâu trong cái may lại có cái rủi. Cứ như thế, cậu con trai cưỡi con ngựa mới bị ngã gãy chân, thì được miễn đăng quân dịch, thời đó đi lính chết trận rất nhiều. Nói tóm lại, trong cái rủi lại có cái may, trong cái may lại có cái rủi, ta phải biết phát huy hết khả năng của mình trong mọi hoàn cảnh…
Truyền hình đang phát phần thời sự, đến phần nói về một tổ chức lừa đảo lớn về kinh tế - văn hoá – xã hội đang bị ngành Công an phanh phui và truy tố. Đến khi trên màn hình xuất hiện ảnh của người phụ nữ đứng đầu tổ chức lừa đảo, ăn mặc lịch sự, với một nốt ruồi son ở khoé mắt, tôi thấy tự nhiên mẹ tôi sững người hẳn ra. Tôi hỏi: Mẹ ơi, Mẹ quen người này à? Mẹ tôi lắp bắp: Không … Không, Mẹ không quen, nhưng cùng lúc nhìn thấy giọt nước mắt xúc động trên mi mắt, tôi nghe dường như có tiếng thở phào nhẹ nhõm thoát ra khỏi lồng ngực của Mẹ.
(viết nhân Ngày khai giảng năm học 2003-2004 của Đại học Huế)
09/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét