Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 09

MẪU CHUYỆN VẶT THỜI HẬU CHIẾN
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Lời kể của Hoài Thu, bạn của vợ, kế toán trưởng Bệnh viện:
Cô y tá trẻ chuyển bản sao bệnh án cho tôi, thở ra: Xong rồi, có người ứng tiền viện phí cho bệnh nhân Thuý Kiều đây, tôi cũng thở phào theo. Không riêng gì cô và tôi, đã hai hôm nay, mọi người ở Phòng Sinh và Phòng Tài Vụ cứ áy náy vì cas sản phụ được chuyễn cấp cứu này: gia đình không có ai, chỉ có hàng xóm thương tình chở đến, chẳng lẽ các lương y như từ mẫu lại bỏ mặc? Chẩn đoán đã vỡ ối, bệnh nhân mê sảng, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật ngay để cứu cháu; nay tạm qua cơn nguy kịch thì đến vấn đề đầu tiên! Trưởng khoa chỉ định tạm thời điều trị tiếp, chờ ý kiến Giám đốc, thì may thay…
Đọc lướt qua tên người nộp tiền (Tưởng Vĩnh Thuyên) trên tờ phiếu thu, tôi nghĩ thầm: quái lạ, họ tên giống y chang tên chồng của Linh Chi, bạn thân thiết của tôi (anh ấy một thời là thần tượng của nhóm bạn gái chúng tôi, nhờ sự hiểu biết uyên bác từ hồi đi học). Ngước mắt lên, tôi ngớ người ra: đúng là anh, với nụ cười nhếch nửa miệng ngang tàng, anh đăm chiêu suy nghĩ nên không nhận ra tôi đang khuất nửa người đằng sau quầy… Đợi anh làm xong thủ tục, đi khuất rồi, tôi khoá vội Quầy Thu ngân, chạy lên Phòng Sinh nhờ xem lại bệnh án của sản phụ Thuý Kiều – con so, 36 tuổi - mà anh vừa đóng lệ phí. Tên của trẻ sơ sinh, do sản phụ đặt, gợi ngay sự chú ý của tôi: tên cha TV Thuyên, cháu gái mang họ mẹ với cái tên thật gần gũi với tên của anh: Thu Yên! Tôi mơ hồ cảm thấy: giông bão sắp nổi lên trong gia đình bạn tôi…
Theo Linh Chi kể, cuộc sống gia đình không đến nỗi túng bấn, nhưng chẳng dư giả gì: anh dạy học, Linh Chi làm việc ở Phòng Tin học trong trường. Với mức lương cơ bản của hai vợ chồng thuộc ngành có ngày kỷ niệm trong năm, thêm ít tiền phúc lợi hàng tháng, để lo được đầy đủ cho 2 đứa con ăn học, hai vợ chồng phải tằn tiện nhiều. Cũng may, mấy năm quân ngũ đã tập cho anh tính căn cơ, tiết kiệm, nên anh đã cai hẵn café, thuốc lá sau khi Linh Chi sinh cháu thứ hai. Cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng cả nhà vẫn lạc quan, vui vẻ, khi nào cũng thấy yêu đời. Tôi thường nghĩ: gia đình Linh Chi có thể biểu trưng cho hình tượng một mái nhà tranh, hai quả tim vàng đời mới… Tôi nhớ Linh Chi có lần đùa với tôi: mình có hạnh phúc hơn người là không phải làm dâu ai cả - anh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia đình chẳng có anh chị em, nên mọi lo toan đều dành cho gia đình. Vậy người phụ nữ này là ai, quan hệ như thế nào với anh, chồng cô ta ở đâu, để anh ấy phải lo thay phần việc của người cha, người chồng?
Tôi mượn áo blouse, khoác vội qua người, đảo qua Phòng Hậu phẫu xem mặt hai mẹ con cho thoả trí tò mò, trong vai trò một y tá đến chăm sóc bệnh nhân. Mới thoạt nhìn qua, tôi phải công nhận là sản phụ Thuý Kiều có khuôn mặt phúc hậu thấy rõ, dù vừa qua một cuộc phẫu thuật, và tuổi cũng không còn trẻ trung gì. Tôi không có khả năng phân tích xem cháu nhỏ có nét gì của anh Thuyên không, theo tôi, khi mới sinh ra, cháu nào cũng từa tựa như nhau, lớn lên mới tạo nét giống cha, giống mẹ. Nhưng nếu cháu không phải là sản phẩm của anh Thuyên, tại sao anh lại trang trải chi phí cho mẹ cháu, lệ phí phẫu thuật trên dưới năm triệu có phải ít đâu, so với đồng lương nhà giáo của anh? Tên cha ghi là TV Thuyên, chữ TV là viết tắt của Tưởng Vĩnh hay chữ khác? Tên cháu nhỏ do mẹ đặt được tách ra từ tên anh, người ngờ nghệch nhất cũng thấy được sự gắn bó giữa mẹ đẻ và người tên Thuyên…
Tôi đã rút kinh nghiệm nhiều lần để không can thiệp đường đột vào chuyện gia đình người khác. Tất cả mọi việc chỉ có thể làm sáng tỏ khi mọi người trong cuộc đều đã lên tiếng, nhất là anh Thuyên. Tuy nhiên, tôi không muốn bạn Linh Chi của tôi bị đặt vào thế bị che mắt, bịt tai, vì việc này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình (mà trước hết là ảnh hưởng đến ngân sách). Ít nhất, với tư cách là bạn, tôi phải đánh tiếng dần cho Linh Chi biết đã.
Gọi hết điện thoại bàn rồi đến điện thoại cầm tay, tôi mới biết gia đình Linh Chi nhân dịp hè, đang vào thăm ông bà ngoại trong miền Nam đến hết tuần sau, riêng anh Thuyên đã ra Huế trước mấy hôm nay. Thôi dù sao chuyện cũng đã rồi, đành chờ đến ngày bạn tôi về rồi cùng bàn tính cách giải quyết, chứ thông báo nóng vội, để bạn tôi sấp ngửa chạy ngay ra cũng chẳng được gì. Trong thâm tâm, tôi mong sao có được một lời giải đáp thoả đáng mối nghi ngờ, để tôi vẫn giữ mãi được hình ảnh tốt đẹp về anh, có sẵn từ trước khi anh lập gia đình, được giữ mãi đến tận bây giờ.

Lời kể của Linh Chi, vợ, nhân viên quản trị mạng:
Cuộc điện đàm với Hoài Thu làm tôi băn khoăn suy nghĩ mãi: không biết có chuyện gì mà gọi tôi vào đêm khuya như thế? Giọng Thu hơi ngập ngừng khi nhắc đến anh Thuyên, có loáng thoáng nhắc tới tên phụ nữ, hình như định nói gì đó liên quan đến anh rồi lại thôi, làm tôi tự nhiên nhớ lại những lý do anh nêu ra để về nhà trước mẹ con tôi một tuần: trường anh sắp cho học viên sau đại học bảo vệ luận văn tốt nghiệp, các đồng đội cũ sắp tổ chức Ngày truyền thống của đơn vị, mà anh là Trưởng Ban Liên lạc… Các lý do được nêu lên khá phong phú (thói quen nghề nghiệp giúp tôi xâu chuỗi các lý do một cách logic), làm tôi cảm nhận một điều: anh cần có mặt ở Huế vào thời điểm này, dù ban đầu anh đã định cùng đi, cùng về với mẹ con chúng tôi. Hình như có một điều gì đó lấn bấn mà anh chưa tiện nói ra với tôi được. Tuy nhiên, là vợ anh, tôi biết phải đặt lòng tin lên trên sự nghi ngờ, nên vẫn vui vẻ chuẩn bị valise cho anh, đưa trước cho anh ít tiền đi đường (anh không từ chối như mọi khi, tôi hơi ngạc nhiên) để anh thực hiện nước mã hồi, dù về Huế anh chỉ ở có một mình, hai đứa con vẫn tranh thủ mùa nghỉ hè, nghỉ ngơi ở quê ngoại…
Ngày trước, hồi tôi chuẩn bị tra chân vào cùm với anh, gia đình, bạn bè cũng lắm kẻ bàn ra tán vào. Ba tôi vốn là cựu chiến binh, đi bộ đội từ thời chống Pháp rồi qua chống Mỹ, gật đầu tán thành ngay khi biết anh đã kinh qua mấy năm quân ngũ với một lô bằng khen, giấy khen đủ loại. Mẹ tôi hơi ngần ngừ, một số bạn bè tôi cũng phản đối khi nghe nói đồn anh bôn-sê-vích hơn cả những ông cộng sản nòi. Ban đầu, tôi chỉ chú ý tinh thần trách nhiệm của anh, đồng nghiệp của anh đều nhận xét: lão Thuyên nhận làm việc gì cho ai thì người đó chỉ có việc ngồi chờ kết quả, lão làm toàn tâm toàn ý như chính công việc của mình. Vì vậy, khi nghe anh hứa sẽ chịu trách nhiệm về cuộc sống gia đình nếu tôi chịu chăm sóc anh, thay người mẹ mà anh đã mất từ nhỏ, tôi đã suy nghĩ và quyết định tự nguyện hy sinh đời tôi để cứu vớt đời anh ấy
Sống với nhau, tôi nhận ra rằng anh không khô khan, mà cũng sắc sảo, dí dỏm ra phết! Có lần xem chương trình Chiếc Nón Kỳ Diệu trên VTV3, nghe đáp án mẫu người đàn ông mà phụ nữ ưa chuộng là kẻ TỐT VỚI VỢ, THƯƠNG CON, anh cười: nói như vậy có nghĩa là nếu anh tốt với em, thương 2 thằng nhóc là ra đường sẽ được phụ nữ ưa chuộng, anh tha hồ tán tỉnh phải không? Ban đầu, tôi chỉ cười cười nghĩ rằng anh nói đùa cho vui thôi, đến ngày có một cô bạn cùng quê của chính tôi, là bộ đội từ thời chống Mỹ, nay sống độc thân một mình, tìm gặp riêng tôi, ngỏ ý muốn xin anh ấy một đứa con để vui tuổi già về sau, bảo đảm có con rồi sẽ tuyệt đối cắt đứt để khỏi ảnh hưởng về sau, tôi bàng hoàng từ chối và cô bạn đồng hương cũng đã tự động biến mất khỏi cuộc sống gia đình chúng tôi, từ đó tôi mới thấy rằng anh vẫn rất có giá trước nhiều phụ nữ, ngay Hoài Thu đã có gia đình, khi nhắc đến anh vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ… Những chi tiết vụn vặt, rời rạc đó, nếu được xâu chuỗi lại, sẽ hình thành nên một hình ảnh tuy có vẻ viển vông nhưng đầy ám ảnh: biết đâu anh Thuyên của tôi (mà tôi vẫn gọi đùa là thằng cu lớn của gia đình tôi) đang được ai đó chăm sóc ân cần, khi đang thiếu vắng một bàn tay phụ nữ, dù chỉ tạm thời trong một vài ngày?
Tính tôi đã quyết làm thì khó ai cản nổi. Nhìn đồng hồ, dù đã quá khuya, hay đúng ra là quá sớm, mới có 3 giờ sáng, tôi vẫn gọi điện thoại về nhà Thu. Nghe đúng giọng ngái ngủ Thu, tôi hỏi ngay: Có chuyện gì về anh Thuyên phải không? Tao có phải ra Huế ngay không? Tôi hy vọng nghe một lời gắt gỏng, hay ít ra là một lời cằn nhằn, trách móc vì quấy rầy trong đêm khuya, nhưng kết quả thật bất ngờ, Thu buông một lời thì thầm như có gì mờ ám, giọng tỉnh ngủ hẵn: Ừ, nếu thu xếp được thì mày xin phép ông bà ngoại ra Huế đi, tao sẽ nói chuyện với mày chi tiết hơn. Đàn ông mà, ai cũng như nhau. Tìm tao ở Phòng Kế toán Bệnh viện nhé…
Mọi việc sau đó cuốn ào ào như một cơn lốc. Tôi quyết định ra Huế một mình (nếu có chuyện gì cũng tự mình giải quyết, hay hơn là kéo con cái vào), lấy lý do là có việc đột xuất ở cơ quan phải về ngay, gởi lại tiền nhờ ông bà ngoại mua vé tàu cho hai cháu tuần sau sẽ ra. Tôi cố chôn chặt nỗi phiền muộn trong lòng, chịu khó mang một túi tướng khô sặc Ba tôi gởi cho cậu con rể quý, để thỉnh thoảng nhậu với bạn bè. Ba ơi, liệu con rể Ba có xứng đáng với tấm lòng của Ba không?
Tôi gọi điện cho cậu em họ ở Huế, chuẩn bị ngày mai chạy xe máy ra ga đón chị. Cu cậu hăng hái đến không ngờ: Dạ được, chị cần ôtô không, để em thuê luôn, làm tôi ngạc nhiên, sao cậu em bỗng dưng nhiệt tình đến thế, nhưng sau nghe nói thêm, cháu lớn nhà em chuẩn bị bảo vệ luận văn Cao học, anh là phản biện thứ nhất đó, tôi mới bật cười, thầm ngao ngán cho sự đời…

Lời kể của Huy, em họ của vợ, Phó ban Quản lý Dự án:
Ban đầu tôi nghĩ việc bảo luận văn Cao học của con tôi rất thuận lợi. Tôi đã vận động bằng nhiều cách, từ tình cảm đến kinh tế, để một chuyên gia đầu ngành chịu đứng tên hướng dẫn chính, dù thực chất ông ấy chuyễn cho người hướng dẫn phụ làm việc với con tôi, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần núp bóng dưới tên ông là luận văn của con tôi đã có thể nghe nhạc hiệu, biết chương trình rồi. Thế mà, cả hướng dẫn chính lẫn hướng dẫn phụ đều đề nghị anh Thuyên làm phản biện thứ nhất, vì đề tài ứng dụng công nghệ mới, mà con tôi chọn làm khá hóc búa, anh Thuyên tuy không có học hàm cao nhưng lại là người có kinh nghiệm rất sâu về lĩnh vực này.
Tôi biết anh Thuyên là người kỹ tính, cân nhắc cẩn thận mỗi lời khen chê, thường đòi hỏi cao về mức độ làm việc của mỗi đối tượng. Tuy sức học của con tôi không phải kém cỏi, nhưng cháu còn phải tập trung tâm trí, thời gian cho những mối quan hệ cần thiết cho việc tốt nghiệp (với nhà trường, với khoa, với các thầy cô, với các cơ quan đoàn thể), thì còn đâu điều kiện để lo tập trung vào chuyên môn? Có lúc tôi muốn cho cháu chuyển sang một đề tài khác, tránh anh Thuyên cho đỡ vướng bận, nhưng Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - một đơn vị màu mỡ tôi định hướng công tác cho cháu sau này - tỏ ý quan tâm đến đề tài ứng dụng công nghệ mới, trong một buổi gặp mặt, đã động viên tôi tạo điều kiện cho cháu nghiên cứu sâu theo hướng đó, và gần như hứa chắc chắn, Phòng Tổ chức Tổng Công Ty sẽ mở rộng cửa đón tiếp, nếu cháu bảo vệ thành công luận văn.
Tóm lại, việc then chốt là phải tác động sao cho anh Thuyên tạo mọi thuận lợi để bảo vệ luận văn của cháu đạt kết quả cao nhất. Đó mới là vấn đề phức tạp nhất. Qua sự kiện anh ấy từ chối phong bì mà tôi lấy lý do bồi dưỡng đọc luận văn ngoài giờ (anh ấy thừa biết phong bì mỏng dính như thế chỉ có thể chứa mấy tờ ngoại tệ, nhưng thái độ của anh ấy dù mềm mỏng vẫn dứt khoát), tôi hy vọng với anh Thuyên nếu không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Tôi nghĩ, chỉ có thể tác động đến anh ấy thông qua tình cảm gia đình, tức là thông qua bà chị Linh Chi, phụ nữ thường thực tế hơn nam giới…
Gặp tôi ở ga, chị bảo tôi đưa đến cơ quan cô Hoài Thu bạn chị, vì chị có việc gấp. Đến Bệnh viện, đúng lúc có việc phải ra Ngân hàng, Hoài Thu bảo chị chịu khó chờ ở phòng khách, khoảng nửa tiếng sẽ quay trở lại. Chị bảo tôi cứ về đi, nhưng tôi chủ trương bám lấy thắt lưng địch, bảo không bận gì, chờ xong việc chở chị về luôn. Hình như chị cũng đang lo toan gì đó, nên cũng muốn có người bên cạnh. Tôi cùng với chị ngồi chờ Hoài Thu trong Phòng Kế toán trưởng, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tranh thủ đề cập đến việc nhờ anh Thuyên. Chiếc phòng bì mỏng - vợ tôi đã chuẩn bị sẵn, dày gấp đôi phong bì đã bị anh Thuyên trả lại - để trong túi áo veste, gọn gàng như chứa giấy mời họp.
Hình như ở Bệnh viện này, có nhiều người quen biết chị Linh Chi, ai gặp cũng chào hỏi, nói dăm ba câu đã hết bao thời gian, tôi không biết xen vào khi nào. Một bác bảo vệ già xuất hiện, nhìn chị đăm đăm rồi hỏi: Xin lỗi, cô có phải là vợ anh Tưởng Vĩnh Thuyên không? Bác nhận là đồng đội cũ của anh, nhận ra chị vì thấy giống y trong ảnh cưới của hai vợ chồng mà anh luôn mang theo người. Bác nói nhỏ nhẹ: Tôi đã định tìm anh, nhưng anh bận họp trong trường, tình cờ gặp chị đi vào cổng, thôi tôi nhờ chị cũng được. Chị giúp tôi chuyển cho anh ấy bốn trăm ba mươi lăm ngàn đồng (bác run run móc trong túi nilon ra mấy tờ giấy bạc cũ nát, thêm mấy tờ polymer loại mệnh giá thấp), mấy hôm trước biết anh Vĩnh Thuyên và anh em trong đơn vị chạy tiền lo cho chị Thuý Kiều đang phẫu thuật (tự nhiên tôi thấy chị giật nẩy mình khi nghe tên Thuý Kiều), tôi gom được ít tiền phụ cấp xin cùng đóng góp để bồi dưỡng cho chị.
Bác đã bước ra cửa, chị Linh Chi níu bác lại để hỏi thêm về thông tin, tôi đứng tần ngần, chẳng biết làm gì hơn, đành im lặng hóng chuyện: cô Kiều này xưa cùng đơn vị bộ đội với chúng tôi, đã được phong anh hùng thời chống Mỹ, nhưng khi hoà bình rồi thì đã quá thì quá lứa, cố tranh thủ kiếm một mụn con. Tìm khắp nơi, cuối cùng gặp anh đồng đội cũ, trùng tên với chồng chị, Trần văn Thuyên, làm nghề chài lưới ở Phú Lộc. Chị Kiều sắp sinh thì chồng bị tai nạn chết mất xác qua cơn bão Xangsane… May nhờ hàng xóm thương tình đưa vào bệnh viện rồi thông báo khắp nơi, anh Vĩnh Thuyên thay mặt đồng đội cũ đến thăm và đứng ra quyên góp tiền lo viện phí. Như chợt nhớ ra, bác móc trong túi áo ra thêm một tờ giấy gấp làm phong bì, lấy mấy tờ polymer màu hồng nhạt. Chị cứ nhận tiền của tôi, thêm hai trăm ngàn của thằng Quý liên lạc trung đoàn nữa nhé, cứ nói thế là anh Thuyên hiểu ngay. Bác mỉm cười: Đồng lương chúng tôi kiếm bằng mồ hôi nước mắt thì anh Thuyên nhận, chứ nghe nói hôm trước có mấy tên làm dự án, đề nghị gởi tiền nhờ anh rửa qua các đề tài nghiên cứu rồi lại quả, anh từ chối còn mắng cho nữa…
Tôi như người mất hồn, theo chị Linh Chi và bác bảo vệ lên đến Phòng Sinh, đang nhờ đọc bệnh án cô Thuý Kiều thì gặp Hoài Thu vừa về. Thu tíu tít: Xin lỗi Linh Chi nhé, tao bận quá, giờ mới xong việc, rồi nhìn bản bệnh án, nhỏ giọng: Mày biết chuyện cô Thuý Kiều rồi hả? Chị Linh Chi từ tốn: Ừ, tao biết còn hơn mày nữa. Thuý Kiều còn là đồng hương của tao nữa kia. Bây giờ mày cho tao vay ba triệu, cuối tháng tao hốt hụi sẽ trả.Tôi thẫn thờ nhìn chị Linh Chi cất cục tiền chẵn lẻ đủ loại chị Hoài Thu đưa, tiền bác bảo vệ đã gởi vào trong phong bì lớn, trông chị mang chiếc phong bì to tướng cứ nhẹ như không. Trong khi đó, phong bì đựng toàn tờ một trăm đô la Mỹ để sẵn trong túi tôi, không hiểu sao lại nặng như cối đá…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét