Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 02

TRĂM NĂM BIA ÐÁ THÌ MÒN…
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Ðến ngã ba Ngoẹo Dàng Xay, chiếc taxi chở chúng tôi rời đường quốc lộ, rẽ vào tỉnh lộ 49. Chạy được một quãng, xe tạm dừng tại chắn An Cựu để tránh tàu hỏa. Tôi vào một quán hàng xén bên đường, mua mấy nén hương và diêm. Tôi phải tìm chọn cho được loại hương thơm làm ở đất Bắc, không có bao bì sặc sỡ nhưng mùi trầm rất đượm. Ðặc tính này, theo tôi, rất hợp với Thầy, con người sống với nhiều nội tâm. Tôi bần thần nhớ lại…
Sau bao nhiêu năm thụ giáo với Thầy, từ những ngày chập chững bước vào bậc trung học đệ nhị cấp ở Trường Ðồng Khánh cổ kính, đến những năm học Văn khoa trên dãy lầu Morin mượn của Ðại học Khoa học, và năm học cuối cùng sau 1975 khi chuyển sang ngành Sư Phạm, tôi đã không chỉ học được kiến thức ngoại ngữ của một người thầy nói tiếng Pháp thông thạo như tiếng mẹ đẻ, mà còn đã biết ngưỡng mộ ở Thầy một tính cách khiêm tốn đầy tự trọng, một tài năng uyên bác trong một bề ngoài vô cùng giản dị.
Ít ai biết được con người từng giảng Văn học sử nước Pháp trôi chảy như một giáo sư chính gốc, từng hướng dẫn cho nhiều giáo sinh Ðại học Sư phạm làm khoá luận tốt nghiệp về Giáo học pháp, lại là kẻ đã cầm tầm vông vạt nhọn trong hàng ngũ Thanh Niên Tiền Phong, chống lại súng đạn của Pháp hồi Nam bộ Kháng chiến, để được hưởng mùi vị mấy tháng cơm tù Catinat và một án lưu đày biệt xứ. Tôi tình cờ biết được bí mật này hồi 1973, sau khi cảm khái lời bình luận của Thầy qua bài Plainte de l’Exilé (Lời than thở của kẻ bị đày) trong khi giảng về nhà thơ Baudelaire, tôi tìm cách dò hỏi người cậu làm An ninh ở Ty Công an Tỉnh Thừa thiên, và đã ít nhiều biết rõ thêm về một quá khứ đầy sôi động của người thầy có bề ngoài điềm đạm, mực thước này, tuy đang dạy học nhưng vẫn đang bị Ban Nội chính Thị xã Huế theo dõi từng đường đi, nước bước sau mấy năm bị Pháp lưu đày, an trí ở Đồng hới…
Tàu đã chạy qua, đường thông rồi. Tôi trở ra xe, giục lái xe chạy tiếp, rồi lặng im ngắm cảnh vật hai bên đường Ngự Bình thi nhau chạy ngược lại, miên man hồi tưởng về quá khứ đang quay chậm trong ký ức. Qua bao nhiêu năm, nhiều sự kiện trôi qua đã giúp cho tôi cảm nhận được cách sống của Thầy tôi...
Những biến động năm 1975 đã ào đến như một cơn lốc, làm thay đổi bao nhiêu sinh hoạt bình thường. Việc học tập của sinh viên chúng tôi cũng bị gián đoạn mất hàng tháng liền. Đến khi các trường học tiếp tục hoạt động lại, ngành giáo dục bắt đầu rà soát rất chặt chẽ hàng ngũ giáo viên ở các trường trung - đại học, và căn cứ theo bằng cấp, Thầy được phân về một Trường cấp 2 trong Thành phố! Thầy vẫn bình thản nhận và hoàn thành nhiệm vụ này như chấp thuận một sự an bày của Số phận, và sau đó một tháng cũng bình thản nhận tiếp quyết định điều chuyển từ Trường cấp 2 đó về Ðại học Sư phạm để giảng dạy tiếng Pháp. Vào tuổi 60, trong đợt nghỉ dưỡng bệnh sau khi được mổ thủy tinh thể cả hai mắt, vẫn với thái độ điềm đạm như thế, Thầy lại đến trường, tiếp tục giảng bài với đôi mắt còn băng kín, chỉ nhờ lớp trưởng đọc từng đoạn giáo trình in sẵn...
Thật xót xa thay cho Thầy khi, về nguyên tắc, Thầy vẫn chỉ được xếp là một cán bộ lưu dung, thâm niên công tác của Thầy chỉ được tính từ năm 1975. Thầy nhận quyết định nghỉ chế độ với vỏn vẹn 7 năm công tác - thật oái oăm, nhưng những nguyên tắc về chế độ, chính sách là không thay đổi được. Nhiều đồng nghiệp, học trò của Thầy đã cố tìm những người hoạt động kháng chiến với Thầy ngày trước, để xin xác nhận thành tích kháng chiến của Thầy, hầu tăng thêm thời gian công tác, nhưng những người này, hoặc đã chuyển công tác đi xa, hoặc lại quan tâm đến nhiều công việc khác, nên chẳng có kết quả gì… Thầy lại có vẻ không thiết tha với chuyện này. Thầy bảo khi cầm cây tầm vông vạt nhọn lao lên đương đầu với súng đạn, có mấy ai nghĩ đến chuyện sau này cần phải chứng nhận thành tích đâu?
Sự chấp nhận thua thiệt này của Thầy đã giúp tôi liên tưởng đến nhận định của Marxim Gorki để ví von với cách sống của Thầy: “Giá trị con người là một phân số, trong đó tử số là mức mình có, mẫu số là mức mình tưởng mình có”. Thầy vẫn tâm sự với học trò: “Tôi chỉ là một con đom đóm nhỏ, muốn góp phần thắp sáng cho cuộc đời”. Điều đó khiến chúng tôi thấy mình vô cùng bé nhỏ trước Thầy. Quả thật, đến cuối đời, dù Thầy chưa hề được công nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú, học trò khắp mọi nơi trên thế giới, từ châu Âu sang châu Mỹ, vẫn quý trọng Thầy như một người thầy chân chính…
Leo lên hết dốc Ngũ Tây, chiếc taxi dừng lại dưới gốc đa bên vệ đường. Bạn tôi bảo, từ đây đến chỗ Thầy còn gần một cây số nữa, đường hẹp lắm nên taxi không vào được, phải chịu khó đi bộ thôi, dù đường có hơi lầy lội sau cơn mưa. Thì đi! Tôi đã bay hàng ngàn cây số về đến đây, có nề hà gì một khoảng cách đi bộ nữa để đến với Thầy...
Tôi cũng chẳng xa lạ gì đối với gia đình của Thầy, hồi còn đi học tôi vẫn thường tự xưng là con gái đỡ đầu của Thầy, thường đến nhà Thầy thăm Cô và các con của Thầy, ngay cả khi tôi đã tốt nghiệp ra đi dạy. Giống như những gia đình khác ở miền Nam, cuộc sống vật chất của gia đình Thầy đã thay đổi khá nhiều từ sau năm 1975. Chiếc xe Vauxhall bốn chỗ ngồi trước đây Thầy vẫn lái đi làm, đưa các con đi học đã mất ở Ðà nẵng vào những ngày loạn lạc tháng Ba năm 1975, thay vào đó là chiếc xe đạp Saigon; chiếc áo veste chững chạc mặc hàng ngày lên lớp đã được thay bằng áo chemise ngắn tay và quần kaki đơn giản, và bao nhiêu thay đổi khác nữa cho thấy rõ sự xuống dốc về kinh tế của gia đình Thầy.
Ðiểm đáng trân trọng là Thầy vẫn cố lo cho các con học đến nơi đến chốn, dù kinh tế gia đình đã sa sút nhiều. Thầy đã dạy cho chúng tôi biết giá trị của việc học, học để có nội dung - có kiến thức thực sự, chứ không phải chỉ để có hình thức - giành được một mảnh bằng. Bản thân Thầy, dù không có được bằng đại học, nhưng với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy sau hơn 40 năm giảng dạy và phong cách sống, Thầy đã truyền đạt cho lũ hậu sinh chúng tôi (sau khi nghỉ chế độ, Thầy vẫn được tiếp tục mời giảng ở Trường) những điều không thể đánh giá bằng những chứng chỉ theo quy định của ngành giáo dục. Chỉ sau này, khi đã ra vật lộn với xã hội, phải lựa chọn giữa bản ngã và những ràng buộc khác, chúng tôi mới thấy được công sức của những người đi trước như Thầy - đã dạy chúng tôi chữ Tâm trước khi dạy chữ Trí
Sau khi cùng gia đình xuất cảnh sang nước ngoài, tôi đã phải bỏ nghề godautre (gõ đầu trẻ) để chuyển sang kinh doanh, mở cửa hàng may mặc. Công việc tôi thành đạt một phần cũng từ chữ Tâm học được của Thầy. Tôi không chạy theo số lượng để mưu cầu lợi nhuận, mà tự đặt mình vào cương vị khách hàng để nâng cao chất lượng của sản phẩm làm ra. Ðối với tôi, lợi nhuận của cửa hàng chỉ là kết quả tất yếu của việc nâng cao uy tín với khách hàng, chứ không bao giờ là mục tiêu cao nhất của công việc...
Bạn bè chúng tôi ở nước ngoài có liên lạc với nhau và quyên góp tiền về biếu Thầy khi nghe Thầy lâm bệnh. Lần đầu tiên, Thầy nhận nhưng viết thư dặn chúng tôi dừng có lo lắng nhiều cho Thầy, căn dặn kỹ lần sau đừng gởi nữa, vì Thầy không muốn làm mọi người bận tâm, ở trong nước Thầy cũng tự lo liệu được như mọi người…
Thầy ra đi năm 1994, do căn bệnh cố hữu của những người làm việc quá sức trong một môi trường đầy bụi phấn khá ô nhiễm. Những con vi trùng Kock đã huỷ hoại đến mức xơ hoá gần hết hai lá phổi của Thầy, cùng với những triệu chứng loạn nhịp tim thường thấy ở người cao tuổi đã làm sức khoẻ của Thầy kiệt quệ. Thật tiếc là trong những ngày tang tóc ấy, tôi không có điều kiện quay trở về nước, ra Huế để thắp một nén hương trước linh cửu của Thầy, người mà tôi quý trọng như cha của mình.
Giày của tôi đã dính bê bết đất đỏ bazan, tôi bước hơi vất vả. Nhưng gần đến nơi rồi, bạn tôi bảo mộ của Thầy nằm khuất sau đám tùng xa xa. Thầy ơi! Con muốn thưa với Thầy, lý do vì sao con không tham gia vào việc đóng góp xây lăng mộ cho Thầy, dù con đã được tiếng là con gái đỡ đầu của Thầy. Bao nhiêu người đã chê trách con vì chuyện đó…
Sau khi Thầy mất, tôi đã đọc lời nhắn tin gởi chung trên nhiều tạp chí hải ngoại, đã nhận những thư điện tử gởi đến địa chỉ của tôi, nói lên ý định đóng góp tiền của để xây lăng mộ cho Thầy, nhưng tôi vẫn lặng im không trả lời. Tôi vẫn yêu kính Thầy như xưa, mỗi lần nghĩ về quê hương là tôi nhớ đến Thầy, nhưng tôi tin chắc hương hồn Thầy sẽ không vừa lòng khi biết mọi người kêu gọi đóng góp để xây lăng mộ cho Thầy. Thầy đã tuyên bố: modeste je vis, modeste je mourrai! (Tôi sống khiêm tốn và sẽ chết đơn giản!) và tôi biết, Thầy là người luôn giữ lời của mình. Tôi không muốn phê phán gì chuyện học trò đóng góp để xây dựng cho Thầy, nhưng trong thâm tâm, tôi biết chắc Thầy sẽ không bằng lòng. Khi còn sống, Thầy đã không muốn làm người khác bận tâm, có lý đâu lại đồng ý việc góp tiền xây lăng mộ cho mình?
Các bạn của tôi đã trách móc thái độ bất hợp tác này của tôi, thậm chí có người đã dè bỉu tôi chỉ biết tự nhận là con đỡ đầu của Thầy khi còn ở trong nước, còn nhờ đến Thầy, đến bây giờ ở nước ngoài, Thầy ra đi thì tôi lại quên luôn vai trò của mình. Tôi không muốn giải thích lý do, vì tôi biết nói ra cũng chẳng mấy ai hiểu. Tôi chỉ tiếc là mình ở quá xa Thầy, không biết được ý nguyện cuối cùng của Thầy để tìm cách thực hiện, nhưng tôi biết Thầy không bao giờ nghĩ đến mình trước người khác, việc đưa ra chuyện xây lăng mộ chắc chắn không hợp với ý của Thầy.
…Tết năm nay, tôi quyết định trở về quê sau bao lần đón Xuân đất khách, vì công việc làm ăn đã tạm ổn định, và Ba Mẹ tôi ở quê cũng đã già yếu nhiều. Những người sống xa quê hương thường nô nức trở về để tìm thấy hương vị ngày Xuân hiếm thấy ở xứ Âu Mỹ, riêng tôi chăng thấy náo nức mấy, ngoài ý muốn gặp lại hai đấng sinh thành và thăm lại các thầy cô cũ. Sau hơn mười năm xa quê hương, tôi vẫn mang mặc cảm tự ti của người rời bỏ đất nước lúc đang đầy khó khăn, nên tuy cố gắng tìm lại những kỷ niệm thuở thiếu thời để xua tan những gánh nặng tâm lý, tôi vẫn không muốn gặp lại các bạn đồng trang lứa. Bây giờ, một người một số phận, một quan điểm sống, có mấy ai có thể chia xẻ những suy nghĩ gàn dở của con người khắc kỷ như tôi ?
Do đó, tôi thực hiện chuyến hành hương cuối Đông về quê thật âm thầm, lặng lẽ. Trong tâm trạng bứt rứt pha ít mặc cảm, tôi tránh không gặp các bạn cũ, chỉ điện thoại liên lạc với đứa bạn thân nhất đang dạy học ở quê nhà Phú Đa khô cằn sỏi đá, hẹn đón ở sân bay Phú Bài, tạt về nhà cất hành lý, chào ba mẹ, và cùng với tôi đi một vòng về Huế, để thăm những chốn kỷ niệm ngày xưa và cả nơi Thầy đang an nghỉ.
Bạn tôi rủ đi thăm lại những nơi bán đặc sản của Huế, bánh cuốn Huyền Anh, bánh khoái Thượng Tứ, bánh nậm Mụ Ðỏ, bún bò Mụ Rớt, nhưng tôi biết mình sẽ chẳng nuốt được miếng nào nếu chưa thắp được một nén hương thăm Thầy tôi. Trước khi đến viếng bàn thờ Thầy ở nhà, tôi muốn nói chuyện với Thầy tại nơi an nghỉ cuối cũng của Thầy, dù phải cách trở qua ba tấc đất, nhưng tôi tin vong linh của Thầy sẽ hiểu tấm lòng tôi được. Tôi muốn có một lời tâm sự với chính mình, gởi đến hương hồn của Thầy, giải thích vì sao tôi đã im hơi, lặng tiếng suốt một thời gian dài, sau khi nhận được lời đề nghị đóng góp xây lăng mộ cho Thầy, cũng để nhận thiếu sót là mình vẵn chưa làm được gì để xứng đáng là học trò của Thầy, để Thầy vui lòng nơi chín suối…
Mắt tôi hoa cả lên khi bạn tôi dừng lại trước phần mộ của Thầy. Nếu không được người khác dẫn đi, chắc tôi khó nhận ra được mộ của Thầy, lẫn trong hàng ngàn, hàng vạn ngôi mộ bình thường khác ở phía sau núi Ngự Bình. Lăng mộ của Thầy đây ư? Vỏn vẹn một khối ciment hình chữ nhật đơn giản, trên mặt rải đất pha sỏi, ở đầu mộ là tấm bia đầu triệu với dòng chữ viết chân phương “NƠI ÐÂY AN NGHỈ - ÔNG…” ở cuối bia là tên những người phụng lập - Cô và các con của Thầy. Rất nhiều chân nhang cắm quanh mộ, và những nhánh hoa immortel (bất tử) nở rộn ràng trên mộ cho tôi biết rằng ngôi mộ đơn giản này vẫn được chăm sóc thường xuyên. Nhìn mộ của Thầy, đầu óc của tôi quay cuồng bao nhiêu câu hỏi. Như vậy có phải mọi người đều suy nghĩ như tôi, không tán thành xây lăng cho Thầy…?
Tôi nôn nóng hỏi bạn tôi diễn tiến sau việc quyên tiền xây lăng mộ, sửng sốt lắng nghe lời kể và ngậm ngùi liên tưởng đến khuôn mặt hiền từ đầy bao dung của Thầy, trong khói hương thơm nhẹ lẩn trong mùi cỏ dại hoà trong hơi lạnh của gió bấc cuối Đông:
…Theo đề nghị của gia đình Thầy, thống nhất với ý kiến của đại diện những người quyên góp, số tiền quyên để xây lăng mộ được dùng để xây dựng học bổng dành cho học sinh nghèo - hiếu học để khuyến khích các em học tập. Theo dự kiến ban đầu, khoản này chỉ đủ cho 5 năm học bổng ở Trường Hai Bà Trưng, mỗi năm hai suất, nhưng sau đó, các học trò cũ, các đồng nghiệp của Thầy tiếp tục đóng góp để xây dựng học bổng ngày càng lớn mạnh, mở rộng phạm vi đến các Trường phổ thông vùng sâu, vùng xa của Tỉnh.
Năm nay, Trường Phú Ða quê mình cũng đã được phân 2 trong tổng số gần 20 suất học bổng; lớp học do mình chủ nhiệm có một em học sinh được Nhà trường xét chọn. Mình vô cùng tự hào khi thay mặt tập thể giáo viên, ký tên xác nhận tiêu chuẩn của học sinh được chọn, trong phiếu đề nghị cấp học bổng mang tên chính người Thầy yêu quý của mình…
Thầy ơi, con đom đóm chết đi, nhưng vẫn góp phần điểm sáng cho cuộc đời, như trước đây nhiều danh nhân đã học thành tài khi đọc sách bằng đom đóm. Còn con, thật tệ quá, chưa làm được điều gì để xứng đáng là học trò của Thầy, lại đi phê phán đủ điều khi chưa tìm hiểu kỹ mọi người đã làm được những gì sau khi Thầy mất. Bây giờ, con phải làm gì đây, để chuộc lại lỗi lầm của con, và xứng đáng là hậu duệ của con đom đóm khiêm tốn đó?
Rời vùng đồi núi Ngự Bình, theo hướng dẫn của bạn tôi, chiếc taxi đưa chúng tôi thẳng đến ngôi nhà bấy lâu nay được xem là địa chỉ liên lạc của Tổ chức Học bổng mang tên Thầy.
Không khí mùa Đông bắt đầu ấm dần lên, hứa hẹn một mùa Xuân đầy sức sống...
01/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét