Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 11

KHI HOA QUỲNH NỞ...
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Chương trình truyền hình buổi tối chưa kết thúc, nhưng không gian trong huyện lỵ đã yên ắng. Tôi chậm rãi tráng nước sôi quanh bộ bình trà Giang Minh, bỏ một nhúm trà móc câu (cậu Vinh Phó phòng vừa biếu sau chuyến công tác ở Đại Từ) vào bình, chế nước sôi vừa ba chén nhỏ. Chén được tráng qua mấy lượt nước sôi rồi úp lên mấy cánh hoa nhài đặt sẵn trên đĩa. Mấy phút sau, ba chén nước đã mang vị đậm đặc của trà móc câu và hương thoang thoảng của hoa nhài, dù không thấy cánh hoa nào trong chén. Một chén được đặt trên bàn thờ của Ba tôi cùng nén hương trầm thơm ngát, hai chén còn lại được đặt trên bàn nước, cạnh chậu hoa Quỳnh đang chuẩn bị nở… Chậu Quỳnh gia bảo, truyền từ thời ông nội tôi, mà Ba tôi và tôi đã nâng niu, gìn giữ qua bao năm! Tôi nhấp một ngụm trà, trầm ngâm nhớ lại quá khứ…
Phần I: Tuổi thơ êm ả
Tôi sinh trưởng trong một gia đình chịu ảnh hưởng thuyết tâm linh. Theo tôi, ngay cả khi thân xác của người đã khuất biến ra tro bụi, suy nghĩ của họ vẫn tồn tại, tác động đến người thân mà họ muốn nhắn nhủ. Điều này có vẻ không hợp với chủ nghĩa duy vật, nhưng có một nhà khoa học đã lý giải khi ví suy nghĩ như luồng sóng điện từ phát ra, chỉ những đối tượng có nhận thức cùng độ dài sóng với nơi phát, mới thu nhận được. Từ tuổi ấu thơ, tôi đã cảm nhận điều này qua mối quan hệ với một người, tuy chỉ đơn giản là thầy giáo dạy Toán cấp 2, nhưng lại là thần tượng của tôi trong suốt cuộc đời: Ba ruột của tôi.
Hồi còn nhỏ, có lần tôi bị lạc khi đi lang thang trong rừng nguyên sinh, trời tối rồi mà vẫn không thấy đường ra. Trong bóng tối nhập nhoè cùng khí lạnh sương đêm, tôi nghe văng vẵng tiếng Ba tôi nghẹn ngào: Quỳnh ơi, đừng chạy lung tung nhé! Nói cho Ba biết đi, chung quanh con thấy những gì? Tôi nhìn quanh rồi mấp máy môi, nói trong vô thức: Con thấy hai tảng đá lớn chồng lên nhau, to bằng cái nhà kia. Giọng Ba tôi mừng rỡ: Ba biết chỗ đó rồi, con cứ ngồi yên ở đó, chờ Ba đến. Nửa tiếng đồng hồ sau, đoàn người do Ba tôi bươn rừng đến nơi, tìm thấy tôi lạnh cóng, nằm co quắp gần như chết dí cạnh hai tảng đá lớn... Về sau này, khi điện thoại di động đã phổ biến, nhưng dù sử dụng bất kỳ loại máy hiện đại, loại mạng phổ biến nào, nơi tôi bị lạc hồi nhỏ vẫn rất khó bắt sóng. Qua sự kiện thần giao cách cảm đó, tôi có thể tin rằng: sự đồng cảm của hai Ba con tôi còn mãnh liệt hơn bất kỳ loại sóng vật lý nào, có thể vượt qua được những ngăn trở về môi trường, địa lý phức tạp để giao thoa với nhau.
Tuy nhiên, Ba tôi luôn tránh lạm dụng đường liên lạc tâm linh đó. Có lần tôi đi thi học sinh giỏi toán cấp hai ở Huyện, gặp một bài Hình Học dựng hình quen thuộc nhưng tôi quên mất đường phụ phải vẽ thêm, định cầu viện đến Ba thì tôi chỉ nhận được câu trả lời: Hãy vững tin, Ba muốn con đứng trên chính đôi chân của mình. Tôi định thần lại, đọc từng chữ trong đề, tập trung tư tưởng vào hình vẽ, và lời giải xuất hiện trên giấy thật dễ dàng, như có người cha thân yêu đang đứng động viên ngay bên cạnh. Sau này, Ba tôi giải thích, nếu không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ vào mục đích tốt đẹp, sự giao cảm tâm linh sẽ dần dần mất hiệu lực và thui chột đi. Ba trầm ngâm: Cũng như chậu hoa Quỳnh kia, ông nội được người bạn tri kỷ tặng rồi giao lại cho Ba, tuổi đời có thể hơn cả Ba rồi; thường ngày mọi người thấy không có gì đẹp, nhưng Ba chăm sóc bấy lâu chỉ để đôi lần ngắm hoa nở lúc nửa đêm, đúng lúc đó mới thấy giá trị của nó... Tôi ít khi thức khuya nên chưa thấy hoa Quỳnh nở thế nào, nhưng đã hiểu là Ba tôi đã gởi gắm tâm sự của mình qua chậu Quỳnh mộc mạc đó. Phải chăng vì tôi là đứa con gái duy nhất của Ba, hay vì có sự đồng cảm ngay từ khi lọt lòng mà tôi được Ba cho mang tên loài hoa yêu quý?
Lần đầu tiên tôi tự hào cảm nhận được mình là nguyên nhân của việc chậu Quỳnh nở hoa là năm tôi dự thi tuyển vào Đại học Sư phạm ở Thành phố. Bài thi cả 3 môn tôi làm tương đối được, nhưng làm sao đoán được kết quả khi biết mình phải đối chọi với hàng ngàn sĩ tử đủ mọi miền đất nước? Nhân chuyến công tác lên Sở Giáo dục của Thành phố, Ba tôi ghé thăm người bạn học cũ làm bên Ban Tuyển Sinh, nhờ dò điểm cho tôi. Buổi tối đó, đang ăn cơm, tự nhiên tôi thấy rạo rực rồi nghe văng vẳng bên tai tôi giọng nói của Ba đầy xúc động: Quỳnh ơi, Ba tự hào về con gái của Ba lắm! Tôi ngỡ ngàng, suýt đánh rơi đũa, đúng lúc đó hàng xóm gọi Mẹ tôi sang nghe điện thoại đường dài. Mấy phút sau, Mẹ hớn hở quay về, bảo Ba tôi vừa gọi điện báo tin tôi đã trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Toán. Quả là điều đáng tự hào: bao năm nay, số học sinh đỗ đại học của Trường phổ thông trung học thuộc Huyện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà tôi lại là đứa con gái đầu tiên trong Huyện ghi tên trên bảng vàng! (anh trai tôi học hết cấp 2 đã bỏ ngang, làm công nhân cho công ty liên doanh, nên Ba chỉ còn kỳ vọng vào việc học của tôi). Đêm đó, trằn trọc với những cảm giác mới lạ, không tài nào ngủ được, linh tính mách bảo tôi phải thay mặt Ba đang ở xa, đến tâm sự với chậu hoa Quỳnh. Thật ngẫu nhiên, lần đầu tiên trong đời, dưới ánh trăng vằng vặc, tôi thấy sự biến đổi rõ rệt của những cánh hoa Quỳnh trắng vàng nền nã: chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, qua từng khoảng khắc, đoá hoa đang còn hé nụ từ từ xoè cánh nở lớn dần, như cô thiếu nữ vươn hết sức mình đón nhận cuộc sống mới (thảo nào, nhiều ông bà cụ cao tuổi vẫn ân hận đến cuối đời mình, không có dịp ngắm hoa Quỳnh nở lúc nửa đêm). Tôi nhớ rõ lời Ba dặn: khi hoa nở, chỉ nên yên lặng ngắm, không được gây tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến việc nở hoa sau này, nên nhẹ nhàng trải chiếc chiếu ngồi xếp bằng ngắm chậu hoa cho đến khi những cánh hoa thu nhỏ lại, mấy nhánh Quỳnh trở lại bình thường như mấy ngày trước… Từ hôm đó, tôi cảm nhận rằng mỗi khi Ba tôi gặp điều gì đắc ý, tâm linh của người phát tiết ra để chậu Quỳnh tiếp thu và thúc đẩy những cánh hoa nở rộ... Khi nghe kể lại chuyện này, nhiều người cười tôi mê tín (trừ Ba tôi, dĩ nhiên), nhưng tôi tin rằng có những sự kiện mà khoa học thuần tuý khó giải thích cặn kẽ được...
Hương trên bàn thờ đã gần tàn, tôi quẹt diêm đốt nén hương mới. Thực hiện thao tác quẹt diêm một tay, tay kia vẫn cầm nén hương, tôi bùi ngùi nhớ lại những lần học thao tác ấy của Người Đó. Người Đó có bàn tay thô tháp, thường bị thiên hạ ví như “dùi đục chấm nước cáy”, mà thực hiện động tác nào cũng mềm mại, gọn gàng như của nghệ sĩ dương cầm… Chén nước đặt phía đối diện tôi vẫn còn nguyên, nhưng tôi có cảm tưởng như đã vơi đi một ít, như Người Đó đang có mặt, vừa nhấp đi một ngụm. Tôi khẽ khàng ngồi xuống, trước chiếc ghế trống, khép nép như đang đối diện với con người mà tôi vừa yêu thương, vừa kính nể…Tôi miên man hồi tưởng tiếp
Phần II: Chông gai cuộc đời
Người ta thường nói: hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Hình như tuổi thiếu thời của tôi luôn chứa đựng những trắc trở tiếp diễn mà sự thuận lợi chỉ là thi thoảng. Sau mấy hôm chiêm ngưỡng tờ giấy báo trúng tuyển trong tay, tôi đang cùng với Ba bàn tính phương án ăn, ở trong mấy năm học đại học ở thành phố thì sự cố ập đến như một cơn lốc. Vừa mới đạp xe đến trường chuẩn bị lên lớp, Ba tôi bị một cơn đột quỵ kéo ngã xuống... Mọi người trong trường khẩn trương đưa ngay Ba tôi đến Bệnh viện Huyện rồi chuyển sang tuyến tỉnh, nhưng hy vọng cứu chữa dần dần trở nên bế tắc rồi vô vọng, khi Khoa Nội Tim mạch giám định Ba tôi bị nhồi máu cơ tim, sau thiểu năng mạch vành độ II. Hoá ra lâu nay, Ba tôi đã có những biểu hiện bất thường về tim mạch, nhưng ông cố gắng chịu đựng không nói ra, để khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, đặc biệt việc học của cô con gái rượu...
Những ngày cuối cùng của Ba ở bệnh viện, tôi lấy lý do không vướng bận học hành để tự nhận trực suốt ngày bên giường bệnh. Lòng thương cảm không chỉ dành cho người cha thương kính, mà còn dành cho người thân yêu tri kỷ, với sự đồng cảm tâm linh sâu sắc... Qua những lời mấp máy khó khăn sau đôi môi khô ráp, tôi hiểu Ba tôi đang lo lắng cho việc học của tôi sau này. Nếu mất đi cây cột trụ chính của gia đình về tinh thần lẫn vật chất, làm sao tôi có đủ điều kiện theo đuổi mấy năm đại học ở thành phố? Mẹ cũng đã lớn tuổi, anh trai vừa lập gia đình rồi có cháu nhỏ, tôi biết dựa dẫm vào ai? Cuối cùng, chính tôi lại đóng vai trò người động viên an ủi cho kẻ sắp đi xa là Ba. Tôi quả quyết: Ba cứ yên tâm, đời người còn dài, bây giờ chưa học được thì tương lai con sẽ học. Con hứa với Ba, con sẽ học thành tài, sẽ trở thành người thành đạt trong xã hội... Lời nói ngô nghê của cô bé 18 tuổi làm ra vẻ người lớn đã khơi nguồn nước mắt tưởng như đã cạn của người đàn ông trung niên đang bước dần sang thế giới bên kia. Trước những giọt nước mắt hiếm thấy của người cha thương kính, tôi thấy không ân hận chút nào về lời hứa của mình, dù trong thâm tâm, tôi vẫn chưa mường tượng được mình sẽ xoay xở cuộc sống tương lai như thế nào... Trong đám tang của Ba tôi, chậu hoa Quỳnh bị dẹp vào một xó để lo lễ ma chay vì nhà quá chật chội, may thay không ai xéo mất. Hoa cũng ủ rủ như khóc cảnh sinh ly tử biệt, tôi cũng quấn cho nó dải khăn tang để nó cùng để tang Ba như tôi…
... Ba tháng sau Lễ Đại Tường của Ba, vợ chồng anh trai tôi bàn với Mẹ, bán hết ruộng vườn ở quê rồi lên thành phố sinh sống với anh ấy. Trên đó, anh tôi mở một cửa hàng nhỏ sửa xe máy, cuộc sống vật chất đã tạm ổn định, nhưng bà chị dâu đuểnh đoảng nên anh muốn Mẹ cùng lên ở trong nhà, mẹ con bà cháu cùng chăm sóc nhau... Tôi thừa biết đó là lý do biến Mẹ thành một Ô Sin cho cô vợ đẻ sòn sòn (hồi đó ở quê tôi điện thoại chỉ có 4 số, tôi cứ gán số điện thoại nhà anh ấy là Hai Năm Một Cháu); Mẹ tôi vốn quen lệ tam tòng, tứ đức nên không những thuận lòng theo anh, còn cố thuyết phục tôi cùng lên đó, sau này anh sẽ tìm lớp dạy nghề cho tôi học. Tôi cảm ơn và quyết liệt từ chối, vì tôi biết lớp dạy nghề điển hình nhất (Ô Sin) sẽ diễn ra ngay trong nhà anh, do Mẹ đứng lớp! Tôi bảo tự xoay xở được ở quê, chỉ xin Mẹ với mọi giá giữ lại chậu Quỳnh của Ba, xem như hơi hướng còn sót lại của người đã khuất...
Mẹ con tôi đang loay hoay với chuyện sinh sống của tôi thì một bước ngoặt mới lại xuất hiện. Một đồng hương của Ba tôi (trước đây tôi vẫn gọi là Chú, vì hơn tôi đến 15 tuổi) đã ngỏ lời xin cầu hôn tôi, Chú ấy bảo rằng đã nhắm tôi từ bao năm nay nhưng phải kìm nén tình cảm vì tôi còn đi học, tiếp đến cái tang của Ba... Bây giờ đã mãn tang Ba, Chú xin mẹ tôi được chăm sóc tôi như người thân trong nhà, nếu thuận lợi sẽ tiến đến hôn nhân. Mẹ con tôi biết rõ đó là lời nói khéo, đời này có mấy ai dại dột đưa con sáo sang sông đâu? Sau mấy đêm bàn luận, mẹ con tôi thống nhất một kết luận: nếu chưa lấy được người mình yêu, thì vẫn có thể tìm hạnh phúc ở người yêu mình. Tôi gật đầu chấp thuận lời cầu hôn, tự nghĩ xem như mình đã có một bến đậu mới, không còn bâng khuâng mỗi khi nghe bài Con thuyền không bến... Trước đó, tôi có tìm đến chậu Quỳnh của Ba tôi để hỏi ý kiến, nhưng vẫn không thấy gì khác lạ, có thể vong linh Ba tôi không thấy có yếu tố nào để khuyên nhủ, hoặc có thể hương hồn của Ba tôi không còn xem chậu Quỳnh là nơi trú ngụ yên bình nữa... Trước khi mẹ tôi bán hẳn khu nhà hương hoả, một đám cưới rình rang được tổ chức: tôi không ngờ gia đình nhà chồng tôi giàu sang đến thế, hoá ra chồng tôi, ngoài công việc hành chính hàng ngày, còn có cổ phần trong nhiều công ty xuyên đại dương, là một đại gia cỡ bự! Mọi sự đều thuận buồm mát mái, nếu trong buổi đón dâu không có mấy kẻ xấu miệng dèm pha: trông chú rể, cứ tưởng là bố cô dâu! Thật tình, nhìn bề ngoài, chồng tôi quả trông già trước tuổi, nên dù có ăn mặc trẻ trung đến đâu, sự chênh lệch tuổi tác vẫn rõ rệt. Tôi lại loáng thoáng nghe bên nhà chồng nói lại, mẹ tôi đã thách cưới mười ngàn giạ lúa..! Nhưng sự nông nổi của lứa tuổi mười tám đôi mươi đã xoá đi ngay nếp nhăn suy nghĩ đó, tôi yên lòng khi thấy gia đình mình đã tạm ổn định, và càng thấy thoải mái hơn khi chồng tối chấp thuận cho mang chậu hoa Quỳnh gia bảo về trưng trong hiên nhà...
Một năm sau, với bao nhiêu biến chuyển…
Trong cuộc hôn nhân nửa đường đứt gánh của tôi, tôi vẫn cho rằng kiếp trước tôi đã mắc nợ không trả được, kiếp này chủ nợ trở thành chồng tôi nên tôi phải trả bù... Sau một hai tuần đầu tiên làm quen với nhau, gia đình nhà chồng như bị sốc khi nhận ra tôi không phải là nàng dâu thuận thảo, rành rẽ công việc đồng áng mà chỉ là cô học sinh mới lớn, quen cầm cây viết hơn cây đũa cả (tôi đã đấu tranh với nhà chồng cho bằng được để học bổ túc nghiệp vụ sư phạm 12+2), ngược lại tôi thật sự hụt hẫng khi thấy mình trở thành vật trang sức của nhà chồng mà giá thành khi mua vượt quá xa giá trị sử dụng... Quan niệm bình đẳng nam nữ của tôi, cùng với sự vụng về trong công việc nội trợ (toàn những thứ xa lạ với gia đình nhà chồng) đã dẫn đến thái độ chì chiết của mẹ chồng, sự xoi mói, rỉa ráy của các mụ o lớn hơn tôi năm bảy tuổi mà phải đóng vai em... Điều đáng buồn là chồng tôi mặc nhiên xem như tôi đã đi ngược lại nề nếp, gia phong của gia đình. Với phong cách gia trưởng đã ăn sâu vào tiềm thức, chồng tôi nói rõ nhiệm vụ người vợ trong nhà là phục tùng nhà chồng: ...Gia đình tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền để rước cô về, cô có biết không? Cha cô chết đi, mẹ cô bán hết nhà cửa rồi, cô về đây tay trắng, chứ có gì đâu? Rời tôi ra, cô chỉ có nước đi ăn mày!..., câu này như giọt nước tràn miệng chiếc ly tự trọng của tôi, thúc đẩy tôi mạnh dạn đặt bút ký vào đơn xin ly hôn, đã được chồng tôi thảo dưới sự tham mưu của nhiều người, sau những cuộc tranh luận dẫn đến cãi vã... Riêng Mẹ tôi, với gánh nặng gia đình sau cái chết đột ngột của Ba, ban đầu đã tự cho là vô cùng may mắn khi kiếm được một phao cứu sinh là chàng rể (tuy lớn tuổi, nhưng) vừa là quan chức có cỡ, vừa là đại gia lắm tiền nhiều bạc: sau đám cưới của tôi, Mẹ đã có đủ vốn để mở một đường dây tín dụng cỡ trung bình... Cho nên cuối cùng, Mẹ bàng hoàng thất vọng khi được biết, sau một năm chung sống, con gái Mẹ lại hoàn trắng tay, vì cứ đòi đặt cái gọi là lòng tự trọng lên trên những tiện nghi vật chất; đúng khi đó, không hiểu sao các dây tín dụng (vốn thân thích với gia đình nhà chồng tôi) lăm le bắn tiếng đòi rút lại vốn, đẩy Mẹ vào thế kẹt. Trong khoảng khắc giận dỗi, cũng có thể nhằm ép tôi quay lại với nhà chồng, Mẹ tôi tuyên bố: tôi không còn có thứ con gái như cô nữa, đừng tính chuyện về ở với tôi! Riêng tôi cũng đã mường tượng về nỗi khổ cực mưu sinh khi bước ra khỏi bóng râm của nhà chồng, nhưng sự hiếu thắng của tuổi trẻ kèm theo sự uất ức bị đè nén bấy lâu đã chiến thắng tất cả… May mắn được hợp đồng làm văn thư ở một cơ quan hành chính, tôi tự nhủ sẽ cố học thêm lớp đại học tại chức để vươn lên, thực hiện lời hứa với Ba tôi trước phút lâm chung...
Ngày nhận quyết định ly hôn của Toà Án, ở lứa tuổi mới ngoài 22, tôi xem như mình đã đoạn tuyệt hẳn với những ràng buộc cũ để dấn thân vào một cuộc sống mới. Tài sản rõ ràng chẳng có gì để phân chia (may thay, chúng tôi chưa có con để gây bất hạnh cho trẻ nhỏ), và tính ngang tàng gia truyền đã thúc đẩy tôi từ chối mọi sự bảo trợ của nhà chồng: tài sản duy nhất tôi mang theo người, ngoài chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ Ba tôi để lại và mấy bộ quần áo cũ có trước khi lập gia đình, là chậu hoa Quỳnh kỷ niệm… Từ khi đó, suốt mấy năm liền, tôi cố quên những ước mơ của tuổi mới lớn, hàng ngày nạp năng lượng bằng ổ bánh mì thịt buổi sáng và suất cơm bụi rẻ tiền buổi trưa, sau tám giờ vất vả ở cơ quan với hàng núi giấy tờ, công văn, trở về căn phòng trọ rẻ tiền dành cho công nhân, tôi luộc gói mì tôm, ăn vội vàng rồi tất tả đạp xe đến lớp tại chức buổi tối. Ví tiền tôi thường xuyên lép kẹp, chỉ phổng phao lên vài ngày sau buổi nhận lương đầu tháng, những ngày đó tôi tự cho phép mình thêm vào tiêu chuẩn hàng ngày, quả trứng gà ốp la buổi sáng...
Tôi tự biết hình thức của mình không dưới mức trung bình: tuy phải duy trì chế độ ẩm thực ăn sư, ở phạm (ăn như nhà sư, ở như phạm nhân), cơ thể thanh xuân dù thiếu dinh dưỡng vẫn phát triển theo quy luật, ra ngoài đường tôi vẫn được nhiều chàng trai theo đuổi, có khi làm cả thơ tỏ tình gởi đến lớp... Tôi như con chim bị ná, cứ thấy cây cong là sợ, cơ bản là tôi chẳng thấy có ai đáng để tôi dựa vào: người thì quá non trẻ (không biết hỉ mũi đã sạch chưa), kẻ thì quá cáo già để tôi phải có ngay cảm giác đề phòng khi tiếp xúc, thay vì tìm một bờ vai nương tựa... Ngoài ra, tôi chua xót nhận ra mình chưa thoát khỏi sự ràng buộc với gia đình nhà chồng (bây giờ tôi trở lại gọi chồng tôi là Chú): nhiều người đang tìm hiểu tôi đã tự động rút lui khi biết danh tính Chú, như họ sợ đụng chạm các đại gia, dù về pháp lý, tôi là kẻ tự do hoàn toàn...
Chậu hoa Quỳnh theo tôi đi khắp nơi, luôn ở cạnh tôi tại mỗi điểm cư ngụ. Tôi cảm tưởng như tâm linh của Ba tôi vẫn hiển hiện trong chậu hoa Quỳnh, dù chậu Quỳnh mấy năm trời không nở hoa, nhưng vẫn tươi tắn chứ không có dáng vẻ ủ rủ như những ngày tù túng trong chiếc lồng sơn son thếp vàng của gia đình Chú… Ngày tôi thấy chậu hoa hồi sinh trở lại (trên nhánh xuất hiện những tia báo hiệu hoa sẽ nở trong vài ngày tới) là buổi cuối cùng thi vấn đáp môn tốt nghiệp: trả lời thật suôn sẻ, tôi tin chắc mình sẽ đậu (bài làm tự luận cũng khá hoàn chỉnh), tôi đã thắp hương báo với Ba về những triển vọng tốt đẹp này, và đúng ngày tôi được phát biểu trong Lễ Tốt nghiệp, với tư cách thủ khoa của khóa, tối đó hoa Quỳnh lại nở…
Nén hương thứ hai trên bàn thờ đã chớm tàn. Tôi đốt tiếp nén hương thứ ba và san sẻ nửa chén trà trước mặt của Người Đó sang chén của tôi đã cạn. Tôi tự cho phép mình chia sẻ chén trà của Người Đó, cũng như trong thời gian gần đây, tôi muốn chia sẻ những cay, đắng, ngọt, bùi trong cuộc sống Người Đó, dù mãi mãi, Người Đó vẫn nằm ngoài tầm tay với của tôi…
Phần III: Nhân Vật Trong Mơ
Mảnh bằng đại học tại chức loại giỏi cầm được trong tay, tuy đơn giản đối với nhiều người, nhưng thật quý giá đối với tôi khi tính đến bao nhiêu giọt mồ hôi đổ ra, bao nhiêu tiếng nấc kìm nén và bao nhiêu giọt nước mắt nuốt ngược vào trong. Tôi dám tự hào không thèm ngửa tay xin trợ cấp của Chú - ông chồng cũ đại gia, và cũng tránh không gây thêm khó khăn tài chính cho Mẹ, mà tôi đã vươn lên bằng chính khả năng của mình, tuyệt đối không dùng đến cái vốn tự có dù đôi khi, sự bức bách về kinh tế, sự thiếu thốn về vật chất dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, trong khi hình ảnh một cô gái nghèo khổ, tương đối có nhan sắc luôn là miếng mồi ngon cho những tên đàn ông có của và xấu nết… Những lúc cần chống lại sự cám dỗ vật chất, và thậm chí bản năng của chính mình, tôi cố nghĩ đến vong linh của Ba tôi, ngắm nhìn chậu Quỳnh không ra hoa, vẫn sởn sơ lá để cố giữ bản ngã của mình. Suốt bao năm trời, tôi được gọi sau lưng là người phụ nữ mang tính cách đàn ông: mọi người quen biết đều bảo tôi có bản lĩnh của người đàn ông quyết đoán. Nhiều lúc trông thấy bạn bè cùng lứa vui vầy hạnh phúc với chồng con, tôi nén lòng mình xuống, cố làm ra vẻ thản nhiên, giả vờ thờ ơ quay mặt đi, lòng thầm nghĩ chắc kiếp này mình không biết hạnh phúc là gì nữa. Trong thâm tâm, tôi tự nhủ, đời đối với mình chẳng ra gì, mình sẽ vươn lên để cho đời biết mặt… Nhớ lại quan niệm trước khi lấy chồng, tôi thầm tự nhủ … nếu phải chọn giữa người yêu mình hoặc người mình yêu (mà không có chiều ngược lại), thì tốt nhất là KHÔNG CHỌN AI CẢ!
Tuy nhiên, phải công nhận đời tôi cũng có quý nhân phù trợ: sau buổi Lễ Tốt nghiệp mà tôi được chọn lên phát biểu với tư cách thủ khoa của khóa, dù không có quen biết, ô dù gì, Trung tâm Giáo dục của Huyện đã gởi công văn xin tôi về một trường phổ thông cơ sở gần nhà (có lẽ nhờ vào tấm bằng loại giỏi duy nhất của khóa đó!). Một năm sau, tôi làm liều gởi đơn xin cấp đất làm nhà thì được duyệt một khoảnh đất vừa phải, dựng được một căn nhà cấp 4, rồi mấy tháng sau, theo sơ đồ quy hoạch của Huyện, mảnh đất nhà tôi bị xén ngang 1 mét sân vườn, bù lại, trở thành lô đất có 4 mét mặt tiền trên một con phố mới đông đúc dân cư, bọn cò đất cứ đến gạ gẫm tôi bán lại bằng tiền tỷ… Bằng đại học của tôi chỉ là bằng tại chức, nhưng chắc tôi thừa hưởng gien sư phạm di truyền của Ba tôi lúc sinh thời, cộng với sự gắn bó với công việc giáo dục (thật ra, không chồng con, không mảnh tình rách vắt vai, nghĩa là không vướng bận gì thì con đường phấn đấu quá thuận lợi!), đường sự nghiệp của tôi bắt đầu hanh thông. Sau mấy năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, tôi được đề bạt lên Tổ trưởng Bộ môn với số phiếu gần như tuyệt đối. Cùng với một loạt sáng kiến cải tiến và, theo cách giải thích của mấy đồng nghiệp thích làm cán bộ tổ chức, ba năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một ngày…đúng đợt phát động phong trào phát triển cán bộ nữ do bà Chủ tịch Tỉnh chỉ đạo, tôi được đề bạt lên Phó hiệu trưởng Chuyên môn, kiêm Tổ trưởng Tổ Nữ Công của trường. Cứ theo đà thăng tiến đó, vừa ngoài 30 tuổi, tôi đã nhận quyết định Phó Phòng Giáo dục của Huyện, và theo nhiều nhà tham mưu con bàn luận, tương lai của tôi sẽ không chỉ dừng lại ở đó... mọi việc diễn ra cứ như có một bà tiên với chiếc đũa cả đầy phép màu thường chỉ thấy trong mơ... Không, đúng ra phải là một ông thần hộ mệnh với đôi lông mày xếch ngược, nụ cười nửa miệng ngang tàng, thần sắc ung dung lịch lãm, trông phảng phất như Ba tôi, nhưng dáng vóc thì không thư sinh như Ba tôi mà ngược lại, cương mãnh như Triệu Tử Long đơn kỵ cứu chúa trong Tam Quốc Chí... Tôi đã thấy hình bóng này nhiều lần trong giấc mơ, và tự nhủ nếu có, sẽ chỉ gắn bó với con người như thế!
Có vẻ như hạn chế duy nhất của tôi trong cuộc sống là đường gia đạo. Con ngựa chứng dù hay đến mấy vẫn cần cây roi da, nhưng tôi vẫn chưa thấy người nào đủ bản lĩnh để cầm cương. Tôi vẫn là phụ nữ thuần tuý, nhưng để che dấu nỗi bất hạnh trong cuộc sống gia đình, tôi bắt đầu tự tạo cho mình cái vỏ bọc superwoman, học cách xử sự quyết liệt của như đàn ông thực sự. Trong công việc thường ngày, tôi có thể dấu hết nanh vuốt, thu mình lại thật mềm mại, dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, điềm đạm, nhưng khi cần, cũng có thể xù lông lên như con nhím gặp kẻ thù. Nhiều đồng nghiệp nam, thậm chí là cấp trên, đôi khi định tỏ thái độ khiếm nhã, đã gặp phản ứng quyết liệt, thậm chí gay gắt của tôi nên bắt đầu né tránh, đặc biệt sau sự cố đụng độ giữa tôi và một Trưởng Phòng Nghiệp Vụ của Sở, vốn có tiếng đào hoa và hay lăng nhăng với thuộc cấp khác giới. Sau một buổi liên hoan tất niên với khá nhiều bia rượu, anh ta nằng nặc đòi đưa tôi về nhà, lấy lý do không thể để phụ nữ về một mình. Khi tôi đã vào đến nhà, anh ta lại xông vào theo, cho thấy rõ ý định lằng nhằng. Ban đầu, tôi đã dùng lời nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết để từ chối vẫn không được. Khi anh ta bắt đầu có thái độ sàm sỡ, tôi đã trả lời bằng một cái tát nẩy lửa, thật kêu, đến nỗi có lẽ đến hàng xóm bên cạnh cũng nghe thấy. Sự việc sau đó được dàn xếp ổn thỏa, anh ta đã (làm đơn hoặc được điều động) thuyên chuyển sang một tỉnh khác, riêng tôi (kỳ lạ chưa?) được bà Giám đốc Sở bồi dưỡng để đề bạt lên thay Trưởng Phòng sắp về hưu. Tôi được mang mệnh danh mới người đàn bà thép¸ con người toàn tâm toàn ý với công việc mà không hề có chút vướng bận cho cuộc sống tình cảm riêng tư. Thỉnh thoảng tôi lại ngắm nhìn chậu hoa Quỳnh, nó vẫn sởn sơ lá mà không ra hoa như thời tôi còn đi học tại chức, xem chừng con đường công danh tạm coi là thành đạt của tôi vẫn chưa làm Ba tôi thanh thản bên kia cõi vĩnh hằng…
Có lẽ cuộc sống tôi sẽ không có biến động gì nữa, nếu tôi không gặp Người Đó vào dịp Phật Đản. Bạn bè rủ tôi đi vãn cảnh chùa Phước Tích, một ngôi chùa mới xây dựng ở địa phương hơn chục năm nay, nhưng nổi tiếng về hoạt động từ thiện. Sau thủ tục cúng dường, tôi đang ngồi uống nước tại bàn khách thì choáng ngợp người khi thấy Người Đó xuất hiện. Với đôi lông mày xếch ngược và nụ cười nửa miệng ngang tàng, hệt như Ba tôi hồi còn sống, tầm vóc nhìn xa thấy cân đối bình thường, nhưng đến gần mới thấy không dưới một mét tám mươi, tác phong điềm đạm, nho nhã, phong thái ung dung, tự nhiên của con người biết mình làm chủ tình thế, Người Đó đúng là một Triệu Tử Long của thời @! Tôi suýt kêu lên thành tiếng khi nhận ra dáng dấp vị thần hộ mệnh mà tôi đã thấy trong mơ, nhưng phải nghẹn ngào nuốt tất cả vào lòng, khi tấm áo phương trượng vàng – đỏ Người Đó khoác trên người đập vào mắt. May thay, những người chung quanh đang mê mải nghe Người Đó thuyết pháp nên không nhận ra thái độ bất thường của tôi…
Kể từ hôm đó, tôi đâm ra chuyên chú chuyện lên thăm chùa, lấy lý do để tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn, nhưng thật ra là muốn tìm hiểu mọi chi tiết chung quanh Người Đó. Tôi đã tìm ra cách tiếp cận một nhà sư đức cao vọng trọng như Người Đó mà không ngại bị tăng chúng, hay những đồng nghiệp trong ngành hoặc học sinh lên án: lấy lý do cần bồi dưỡng thêm tiếng Pháp cho bằng đại học thứ hai về ngoại ngữ, tôi xin được trau dồi môn đàm thoại với Người Đó, vốn là giáo viên tiếng Pháp trước khi xuất gia. Thông qua nhiều lần nói chuyện, tôi đã biết thêm ít nhiều: cách đây 15 năm, Người Đó sống hạnh phúc với vợ và hai con, một trai một gái… Tai họa ập đến khi chuyến máy bay đưa vợ con từ Thành phố về thăm quê gặp tai nạn, Người Đó đã như phát điên khi dò thấy danh sách hành khách tử nạn có 3 người thân yêu của mình. Sau một thời gian phẫn chí bỏ mặc tất cả, Người Đó đã dành tất cả tài sản, cả khoản tiền bồi thường của Công Ty Hàng Không để xây dựng ngôi chùa và hoạt động từ thiện, vốn là việc mà vợ Người Đó rất tích cực thực hiện thuở sinh thời…
Không hiểu vì sao tôi tin tưởng những bài thuyết giáo của Người Đó như lời thánh sống: tôi tích cực tham gia những sinh hoạt từ thiện do nhà chùa tổ chức, hăng hái dùng những khoản tiết kiệm từ đồng lương hàng tháng để đóng góp vào các quỹ cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo, những hoạt động xã hội mà Người Đó chủ trì. Tôi dần dần trở thành một thành viên tích cực của Hội Từ Thiện của nhà chùa, và thông qua những lời khuyên bảo của Người Đó, tận dụng uy tín sẵn có trong thành phố, tôi vận động nhiều nguồn tài trợ để xây dựng Quỹ Khuyến Học, Quỹ Dạy Nghề cho Trẻ Lang Thang, kết quả đạt được vô cùng khích lệ… Đáp lại những thành quả đó, Người Đó đã mỉm cười với riêng tôi, vẫn nụ cười nửa miệng khích lệ, nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa… Lần thứ ba tôi thấy chậu Quỳnh nở hoa lại vào lúc bất ngờ nhất: vừa về đến nhà sau một đợt đi cứu trợ bão lụt mấy ngày, bên Bệnh viện gọi tôi xin một đơn vị máu cho một sản phụ bị băng huyết, loại máu AB tôi có thuộc loại hiếm, nhất là ở huyện lỵ hẻo lánh này. Mệt đuối sức, nhưng nhớ lời dặn của Người Đó cứu một mạng người, bằng xây chín đợt phù đồ, tôi gắng gượng sang khoa Huyết học…, xong việc phải nghỉ ngơi suốt buổi chiều, đến tối mới trở về nhà được. Điều an ủi lớn lao là tối đó, chậu Quỳnh lại nở hoa không báo trước, và cảm động hơn, hôm sau Người Đó lại đến thăm tôi cùng với người chồng sản phụ vừa được cho máu. Lần đó, hình như trong trạng thái vô thức, Người Đó buột miệng gọi tôi là Khả Tú, đến khi tôi trêu lại: Thầy gọi ai thế, diễn viên điện ảnh Miêu Khả Tú của Hồng Kông hả? Lần đầu tiên, tôi thấy Người Đó đỏ mặt, bối rối xin lỗi, nhưng không giải thích lý do… Có vẻ như giữa chúng tôi đã hình thành một mối giao cảm, nhưng cả hai Bên đều đã xác định ngưỡng giới hạn không thể vượt qua: tôi chỉ có thể thuần túy là một thành viên tích cực của Hội Từ Thiện mà Người Đó làm Hội Trưởng, và tôi chỉ có thể nuôi dưỡng tình cảm đơn phương của mình trong đáy lòng và trong những giấc mơ mà vị thần hộ mệnh Triệu Tử Long hiện ra trong tấm áo phương trượng vàng – đỏ…
Chỉ còn 30 phút nữa là nửa đêm, chuẩn bị bước sang ngày mới. Hoa Quỳnh đã bắt đầu hé nụ, sắc màu tươi tắn, rực rỡ hơn những lần trước nữa. Tôi thắp nén nhang thứ tư trên bàn thờ của Ba, và trút nửa chén trà còn lại của người đó sang chén của tôi. Dù tôi vĩnh viễn không gặp Người Đó nữa, nhưng tôi đã mường tượng ra ý kiến của Người Đó, cũng như của Ba tôi trước vấn đề nan giải này.
Phần IV: Chữ TÂM trong cuộc sống
Cách đây một tháng, người vợ sau của Chú (chồng cũ của tôi) cùng đứa con tìm đến tôi báo tin Chú đang trở bệnh tim khá nặng, Tây Y đã gần như bó tay. Tôi thờ ơ tiếp chuyện, vì sau khi chính thức rời khỏi nhà Chú, đối với tôi, Chú chỉ là người dưng, nếu không nói đến món nợ đời khó trả mà tôi đã bỏ qua không thèm nhắc tới. Vợ Chú nói tiếp: theo những lương y kinh nghiệm của khu vực, Đông Y chỉ còn phương thuốc Bách Niên Quỳnh Dược là có khả năng cứu vãn được, những vị thuốc quý như cao hổ, mật gấu, sừng tê… đều có thể tìm được trong những hiệu thuốc Bắc ở thành phố, còn thiếu vị cơ bản nhất là cánh hoa Quỳnh trên 50 năm, mà khắp khu vực này, chỉ có duy nhất tôi đang quản lý chậu hoa gia bảo từ đời ông nội truyền lại, chứ những chậu Quỳnh đua đòi theo mốt thời thượng sau này, chưa chậu nào thọ quá mười năm. Trả lời đề nghị của nhà Chú: giá dù cao đến đâu, gia đình cũng chấp nhận, tôi lạnh lùng trả lời, chậu hoa gia bảo tôi chỉ dùng để thờ, chứ không phải để cứu cái thứ… nói đến đó, tôi ngừng lại kịp thời, dù sao mình cũng đứng đầu ngành giáo dục của Huyện… Hai mẹ con gạt nước mắt ra về, tôi bần thần suy nghĩ rồi gọi điện hỏi ý kiến Người Đó. Gọi mãi không liên lạc được, tôi mới chợt nhớ Người Đó đang đi cứu trợ bão lụt ở một tỉnh vùng duyên hải miền Trung, có thể nơi đó không bắt được sóng. Tôi gởi một tin nhắn thật chi tiết, hy vọng khi nối mạng được, Người Đó sẽ cho ý kiến, có nên hy sinh chậu Quỳnh gia bảo để cứu người đã làm tôi khổ sở nửa cuộc đời không? Ông nội, rồi đến Ba, rồi tôi đều giữ gìn chậu Quỳnh như con ngươi của mắt mình, khi ngắm hoa nở còn không dám nói lớn, nay tính chuyện cắt nghiến hoa đang nở thì xem như xử trảm chậu Quỳnh rồi.
Không ngờ tin nhắn ấy mãi mãi không có hồi âm. Tôi nhận một cuộc gọi đúng từ số máy Người Đó, nhưng bên kia máy chỉ là người đệ tử thân tín, vì Người Đó không còn nữa! Trong chuyến ra khơi cứu trợ những người bị đắm tàu do bão quá lớn, tàu chở Người Đó bị va phải đá ngầm và chìm xuống biển khơi. Người Đó đã quyết định dành phao cứu sinh cho những người trên tàu còn nặng gánh gia đình, và người đệ tử thân tín mang điện thoại của Người Đó vào đến bờ, đã nhận được tin nhắn của tôi và báo tin dữ…
Theo mọi người kể lại, tôi đã ngất xỉu, mê sảng mấy ngày liền và chỉ tỉnh trong Phòng Hồi Sức Bệnh viện sau mấy ngày cấp cứu. Trong cơn mê sảng, tôi thấy mình hiện thân thành diễn viên điện ảnh Miêu Khả Tú, sánh vai cùng diễn viên Lý Tiểu Long trong phim Hồng Kông, mà sao Lý Tiểu Long trong mơ lại giống ông thần hộ mệnh Triệu Tử Long của tôi đến thế…? Khi thần trí đã hồi phục, tôi liên hệ lại những chi tiết quanh sự ra đi của Người Đó, và tôi nhận thức được đó chính là câu trả lời rõ ràng nhất. Người Đó đã hy sinh cả mạng sống của mình cho những người chung quanh…
Tăng chúng trong chùa đã nhờ tôi, thành viên tích cực của Hội Từ Thiên, tìm trong hồ sơ lưu trữ của người ấy một bức ảnh để thờ. Tôi mất nguyên một ngày để chọn lựa bức ảnh bán thân sinh động nhất, phảng phất giống vị thần hộ mệnh Triệu Tử Long trong giấc mơ của tôi. Ngẫu nhiên, tôi tìm thấy một bức ảnh Người Đó chụp chung với một phụ nữ trông quen quen, cùng hai cháu nhỏ, một trai một gái. Soi lại gương mới thấy người phụ nữ giống tôi như hai giọt nước. Mặt sau của ảnh là dòng chữ phóng khoáng, mạnh mẽ, đúng thủ bút của Người Đó mà tôi rất quen thuộc: HOÀNG KHẢ TÚ, SỐNG MÃI TRONG LÒNG ANH. Tôi bàng hoàng nhớ lại lần người ấy gọi tôi là Khả Tú, sau lần hiến máu…
Thắp xong nén hương cuối ngày trên bàn thờ, tôi nhấc điện thoại, gọi đến số nhà Chú, bảo hai mẹ con đến nhà tôi để lấy cánh hoa Quỳnh đang nở. Trả lời câu hỏi cuống quýt về khoản tiền thanh toán, bằng ngoại tệ hay bằng vàng, tôi thong thả: HÃY CÚNG TẤT CẢ VÀO CHÙA PHƯỚC TÍCH! Tôi gác máy, quay lại ngắm chậu Quỳnh lần cuối cùng. Tối nay, hoa Quỳnh nở rực rỡ hơn bất kỳ lúc nào tôi đã thấy…
Xuân Kỷ Sửu 2009

2 nhận xét:

  1. CHÀO MỪNG THÀNH VIÊN MỚI CỦA BLOGSPOT! Kết quả cuộc hội đàm buổi chiều nay vậy là tuyệt.
    Và ... đã đủ quân số của 1 đội bóng, 11 truyện ngắn lận mà, vượt xa chị N rồi.
    Sẽ đọc Hoa quỳnh khi đầu óc thảnh thơi hơn 1 chút, chừ thì chào 1 tiếng cái đã nghe.
    Quỳnh Anh không phản đối nếu chị N đăng ký làm độc-giả-trung-thành (thứ 2) chứ ?

    Trả lờiXóa
  2. Tuấn ơi,
    Chị N đã đọc xong truyện về hoa quỳnh. Truyện hay, cảm động, bút pháp tốt và cảm xúc rất có sức lan truyền, không biết góp ý cái gì.
    Có 1 vài chi tiết nhỏ sẽ trao đổi thêm.

    Trả lờiXóa