Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 06

DẤU VẾT CỦA NGƯỜI ĐÃ KHUẤT…
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Mùa hè năm nay, sau những năm bận bịu với bao công việc phức tạp về cả chuyên môn lẫn sự vụ ở Viện nghiên cứu, tôi đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (mở rộng từ luận án tiến sĩ của tôi cách đây 5 năm) với những lời đánh giá tốt đẹp của Hội đồng thẩm định. Tôi tự thưởng cho mình vài tuần thư giãn nghỉ ngơi tại thành phố thân thương mà tôi đã học suốt những năm đại học, bằng cách xin cơ quan cho gộp tiêu chuẩn phép mấy năm qua chưa hưởng để về thăm Huế, quê ngoại của tôi. Lý do chính ghi trong đơn xin nghỉ phép là thăm đại gia đình, nhưng nguyên nhân thầm kín bên trong, chỉ riêng mình tôi biết được...
Đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp nghỉ ngơi trong ngôi nhà vườn quen thuộc của ba mẹ tôi ở thôn Vỹ Dạ. Thả mình trong chiếc ghế bành đặt dọc hành lang, tôi mơ màng nhìn, xuyên qua rặng trúc ở cuối vườn, dòng sông Hương đang trôi êm ả, hồi tưởng lại những kỷ niệm thuở thiếu thời… Thấp thoáng hiện ra trước mắt tôi hình ảnh anh Đồng, chàng thanh niên đang tuổi lớn (hình bóng cách đây gần một phần tư thế kỷ), mặt mũi thô ráp, phong cách chân chất như miền quê khô cằn sỏi đá của anh…
Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, vừa tốt nghiệp xong lớp 10, tôi cùng với mẹ chuyển vào quê ngoại, cố đô Huế. Hai mẹ con tôi cùng ở với gia đình cậu mợ trong ngôi nhà rộng thênh thang do ông bà ngoại để lại, còn ba tôi, do nhu cầu công tác vẫn ở Hà nội, hàng tháng lại tranh thủ vào với gia đình vài hôm. Tôi tận dụng thời gian nghỉ mấy tháng hè để ôn thi đại học. Ba mẹ tôi muốn tôi thi vào ngành Y, nhưng tôi vẫn thấy gắn bó với môn Vật Lý gần gủi trong cả mấy năm phổ thông nên xin được thi vào Tổng hợp Lý.
Sau kỳ thi tuyển vào đại học, tôi nhận được giấy gọi vào học lớp Dự bị, mẹ tôi bảo nhờ vào diện ưu tiên con em cán bộ tập kết lâu năm, tôi mới được xét học. Ban đầu, thời gian đằng đẵng hai học kỳ năm Dự bị làm cho tôi nhận ra khoảng cách để trở thành sinh viên thực sự còn xa vời vợi: một phần vì tuổi tôi còn nhỏ - ba mẹ tôi lập gia đình muộn nên muốn cho tôi đi học sớm một năm, một phần vì (tôi tự biết) sức học tôi còn kém hơn những sinh viên được tuyển vào học chính thức…
Rồi có lần, Ba tôi vừa từ Hà nội vào, đi bộ từ chiếc Volga (hồi đó, xe hơi còn là của hiếm) đỗ cách cổng trường khá xa vào hỏi tìm tôi - Hạnh Dung lớp Dự bị, nhiều người đã nhìn tôi đầy vì nể; căn cứ tuổi đoàn, tôi được bầu vào Ban Chấp hành Chi đoàn; về hình thức, cánh con trai cho tôi điểm năm, theo thang điểm Liên xô hồi đó… Từ đó, tôi tự cảm thấy bớt mặc cảm với mọi người, rồi dần dần tự thấy mình có điều kiện để tạo một avenir en ailes (tương lai có cánh), như chị bạn học tiếng Pháp bình luận. Và, như chuyện thần tiên, trong cuộc sống của công chúa Tiên Dung lại xuất hiện Chử Đồng Tử…
Điện thoại di động réo rắt điệu nhạc quen thuộc. Tôi nhìn số máy gọi, ngập ngừng một giây rồi bấm nút nghe: chồng tôi từ thủ đô điện vào, báo vài ngày nữa sẽ đi tham quan ở Thuỵ Điển trong một tuần, phía bạn mời cả tôi cùng sang, nếu tôi đồng ý thì ra lại ngay Hà nội để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Sau một thoáng suy nghĩ, tôi từ chối, không giải thích lý do, chỉ bảo hiện nay ở đây có nhiều việc phải làm…
Sau khi đã khẳng định lại với chồng là tôi sẽ nghỉ hết phép năm tại quê hương, chứ không ra làm thủ tục để đi cùng anh ấy, tôi làm như không nghe thấy âm hưởng trách móc trong lời đàm thoại, tắt hẳn nguồn điện thoại di động. Mấy phút đàm thoại thôi mà sao thấy dài lê thê! Tôi muốn tâm trí mình thật thảnh thơi, không vướng bận vì một tác động tinh thần nào khác, để có thể sống lại với những suy nghĩ của riêng mình…
Tôi gặp anh Đồng lần đầu ở buổi sinh hoạt ngoại khoá, khi anh với cương vị lớp phó học tập của một lớp tiên tiến, được chọn để đại diện khối năm 3 trình bày tham luận về phương pháp học tập tích cực, còn tôi vẫn còn là chuẩn sinh viên ở lớp Dự bị. Hình thức bề ngoài dễ gây ấn tượng của anh làm tôi liên tưởng đến nhà sáng chế Thomas Edinson, vì vội vàng nên vẫn mang trang phục công nhân khi thuyết trình ở trường nữ trung học: anh mặc áo chemise trắng hơi ngã màu cháo lòng, quần kaki cũ bạc phếch, mang đôi dép cao su quai bố (một người bạn vui tính kể lại, hàng tháng, mỗi chiếc dép phải được đóng thêm một chiếc đinh ba phân mới đi tiếp được, vì anh thường xuyên đi bộ từ nhà cách 5-6 km đến Trường)…
Nhưng nội dung sinh động của bài tham luận đã xoá đi những định kiến về hình thức: anh không thuyết trình tràng giang đại hải về lý thuyết như những người đọc tham luận khác, mà bằng những câu hỏi gợi ý, anh lái chủ đề theo những ý chính cần tranh luận. Từ thuở nhỏ, tôi vốn rất thích đọc về giai thoại của các danh nhân, nên biết rõ những giai thoại điển hình được dẫn chứng trong tham luận của anh là có thực. Về sau, tôi còn biết thêm, anh là độc giả thường xuyên của Thư viện Tổng hợp và Thư viện Nhân dân, cùng trong một khuôn viên bên đường Lê Lợi…
Trong nhà gọi với ra, bảo tôi có điện thoại. Giọng nhỏ Quỳnh, cô bạn cũ cùng lớp hồi đại học, vẫn liến thoắng như ngày nào: Dung ơi, mày về từ khi nào? Hết tiền mua card hay sao mà tắt điện thoại di động thế? Tao dò ra được một tia tung tích lão Chử Đồng Tử của mày rồi, chiều nay tao sẽ đến cùng với mày đi tìm tiếp. Tôi thẫn thờ nhớ lại sự cố ngày xưa, đã mang lại cho anh biệt danh huyền thoại này – mà ngày trước, ngoài Quỳnh vốn rất thân thiết ra, ít ai dám nhắc đến biệt danh đó trước mặt tôi.
Lúc đó tôi đã học năm thứ nhấti. Tuy đã biết mặt anh Đồng, nhưng tôi chưa tiếp xúc trực tiếp lần nào, dù tôi cũng thuộc diện nổi trong lớp, lớp của tôi lại kết nghĩa với lớp của anh. Gần đến mùa hè, các chi đoàn trong trường phát động phong trào “xoá nạn mù bơi”, chọn ngay bến tắm trước cổng trường Sư phạm làm điểm tập luyện. Để đảm bảo an toàn, chi đoàn tôi mượn đủ 3 người 1 phao, cử một vài người bơi giỏi quan sát chung để cấp cứu khi cần thiết... Trước đây đã bao giờ tôi tiếp xúc với sông nước đâu, nên rất ngần ngại khi mặc đồ tắm trước các bạn khác giới – nhưng tôi thuộc Ban Chấp hành Chi đoàn nên bắt buộc phải tham gia. Quỳnh thì khác hẳn, nó còn hiên ngang trả đũa khi anh bí thư chi đoàn đề nghị phái nữ chỉ mặc đồ tắm một mảnh: “Tôi đang mặc đồ tắm hai mảnh đây, vậy để giữ đúng luật, Bí thư đề nghị tôi cởi bỏ mảnh nào, trên hay dưới?”…
Mọi chuyện bắt đầu khi chân tôi bị chuột rút, có lẽ tôi đã không vận động kỹ trước khi xuống nước. Uống được một ngụm nước sông vào bụng là mắt tôi hoa lên, toé hoa cà hoa cải, chiếc phao với 2 cô bạn (đều không biết bơi) trôi tuột ra đằng xa, tôi vẫy loạn tay, ú ớ không nên lời, trong khi chân phải cứng ngăc, chân trái cựa quậy được đôi chút, chẳng co duỗi gì được, tôi thoáng nghĩ phen này chắc chầu Hà Bá mất. Trong cơn hoảng loạn, tôi quờ quạng nắm được một cái gì đó, liền ôm chặc cứng không dám buông ra, mãi một lúc sau, đến khi được mang vào bờ, nôn bớt nước ra được, tôi hơi tỉnh lại mới biết vừa được anh Đồng (cũng theo lớp đi bơi gần đó), thấy tôi bị nạn nên sải tay bơi vội đến mang vào bờ…
Một mẻ hú vía! Thế mà mặt tôi từ tái xanh chuyển sang đỏ như gấc, khi nghe Quỳnh trêu: “Mày ôm anh ấy sao mà chặt thế, cứ như người yêu không bằng? anh ấy cũng chẳng dám giằng ra, cứ thế bơi một tay kéo mày vào bờ, trình độ vận động viên bơi cấp Tỉnh có khác”. Nó còn kể thêm, chẳng biết có mắm muối gì không: “Còn cái khoản hà hơi thổi ngạt nữa, lớp mình chẳng ai biết làm cũng phải nhờ đến anh ấy, trông mùi mẫn cứ như diễn viên điện ảnh Phương Tây vậy”… Tôi nhìn ra xa xa, bả vai và cánh tay trái anh ấy bị sướt dài, chắc khi đó tôi sợ chết nên cào cấu ghê lắm. Về sau, khi bàn luận về sự cố này, Quỳnh ví tôi như cô công chúa trinh trắng Tiên Dung qua lần tắm duyên số mới gặp anh Đồng, ta đặt biệt danh cho anh ấy là Chử Đồng Tử vậy.
Đứa em út xuất hiện sau lưng, lễ phép mời tôi vào dùng cơm trưa. Bị cắt đứt dòng suy tưởng, tôi định càu nhàu, lại thấy mình vô duyên. Mọi người đang quan tâm đến mình, chứ có ai định phá đám mình đâu? Tôi dịu giọng: Em thưa với ba mẹ, chị dọn dẹp bàn ghế một tí rồi vào ngay. Thực ra, tôi vẫn muốn hồi tưởng lại thêm một ít về kỷ niệm ngày nào…
Biết chuyện, Ba Mẹ tôi mời anh về nhà cảm ơn nồng nhiệt, rồi mời ăn bữa cơm gia đình. Nhưng sau đó, đối với tôi, arh luôn giữ một khoảng cách nhất định. Anh luôn né tránh những cuộc nói chuyện tay đôi với tôi. Tôi tò mò tìm hiểu từ bạn bè và được biết: anh là con duy nhất của một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, mẹ anh tần tảo nuôi anh ăn học, nên từ nhỏ, anh đã luôn mang mặc cảm tự ti với những gia đình có thể nói là sung tác, có vị trí xã hội (như gia đình tôi). Nhưng ngược lại, đối với tôi, sự uyên bác trong học tập, tính xông xáo trong cuộc sống của anh (mà ít chàng trai nào khác có được), đặc biệt ý thức phấn đấu vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn lại là những điểm thu hút sự chú ý của tôi, vốn chịu ảnh hưởng nhiều về những nhân vật điển hình trong văn học. Vừa tập trung mọi nỗ lực vào chuyện học, tôi vừa không muốn làm tổn thương tính cách của anh, nên trong giao tiếp, tôi luôn tránh những biểu hiện vô tình gợi lên vị trí xã hội của ba mẹ tôi, của gia đình tôi, dễ gây mặc cảm cho anh khi so sánh. Tôi muốn giữ cho tình bạn giữa chúng tôi thật trong sáng, ít nhất trong thời gian tôi còn đi học, rồi sau này, chuyện gì đến, sẽ đến… Tôi tìm mua và tặng anh những tác phẩm của Jack London nói về nghị lực con người chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống, dù tôi đoán biết rằng anh đã đọc trong thư viện, khi thấy tính cách những nhân vật đó hiện lại trong con người nhiều nội tâm của anh…
Buổi trưa, tôi chỉ ăn một bát cơm rồi ngừng, viện lý do phải nghỉ ngơi để chiều đi tiếp với Quỳnh. Ba mẹ tôi cũng chiều ý, vì tôi còn ở lại đây mấy tuần nữa. Mẹ chỉ hỏi: Hai đứa đi xe máy à? Đi có xa không, sao không đi taxi cho kín gió? Tôi nhỏ giọng: Mẹ ơi, con của mẹ mới ngoài 40 thôi, còn trẻ chán. Mẹ cứ yên tâm đi, tối nay con về sẽ kể chuyện về Chử Đồng Tử với Mẹ. Mẹ thảng thốt: Đồng phải không con? Hồi đó mọi người bảo hy sinh không tìm thấy xác để chôn cất mà? Tội nghiệp. Tôi ngậm ngùi: Hình như Quỳnh dò ra được rồi mẹ ạ, chiều nay con đi tiếp với Quỳnh đây…
Thời điểm lớp anh thi tốt nghiệp, đã có nguồn tin phong phanh chỉ có những sinh viên là đoàn viên mới được giữ lại công tác ở Trường. Điều thiệt thòi của anh là có một ông bác ruột làm cảnh sát của chế độ cũ, nên dù có thành tích học tập xuất sắc, có quan hệ quần chúng tốt, được hầu hết thầy cô giáo, bạn bè tin yêu, đến ngày tốt nghiệp đại học, sinh hoạt đối tượng Đoàn suốt 3 năm liền mà cuối cùng anh vẫn không được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đoàn, trong khi bản thân tôi trước đây ở miền Bắc, tự nhận thấy còn thua kém anh xa, cũng đã trở thành đoàn viên từ hồi cuối cấp 2 như hầu hết các bạn trong lớp, đơn giản chỉ vì tôi được may mắn học dưới mái trường của miền Bắc xã hội chủ nghĩa...
Cùng vào lúc này, ở phía Nam đất nước nổ ra cuộc chiến tranh ở biên giới Kampuchia, với bao nhiêu tin tức thương tâm đăng tải trên báo chí… Đoàn trường phát động phong trào thanh niên trong toàn trường tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Lần đầu tiên, anh chủ động đến tìm tôi hỏi ý kiến, quá bất ngờ nên tôi cũng trả lời nước đôi: “Em tin anh đủ sáng suốt, anh thấy điều gì đáng làm thì cứ làm”… Mấy hôm sau, lá đơn tình nguyện nhập ngũ của anh được chọn để đọc trong Lễ phát động phong trào, không phải vì nội dung sâu sắc hay vì hình thức viết bằng máu (làm khoa học, tôi hơi ngờ ngợ nguồn gốc những lá thư viết bằng máu, chỉ có anh chàng nào bị chứng máu không đông mới viết được hết lá đơn!), mà vì mọi người đều biết anh là một sinh viên xuất sắc của Khoa, một nhiệm sở tốt đẹp ở Thành phố sau khi tốt nghiệp xem như đã nằm trong tầm tay, nhưng anh vẫn ý thức nguyện vọng trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc là trên hết...
Quỳnh đã đến nhà rồi, đang nói chuyện với ba mẹ tôi. Tôi khoác chiếc áo gió xanh nhạt bên ngoài chemise trắng, quần tây xanh sẫm, dù biết cách ăn mặc cổ điển này lỗi nhịp với bộ jean mốc thời thượng của Quỳnh. Tôi muốn vong linh của anh vẫn nhận ra tôi như ngày nào, trong bộ cánh đơn giản mà ngày trước, khi khoác vào người, tôi vẫn nhận thấy ánh mắt tán đồng của anh.
Chiếc Spacy của Quỳnh chở tôi phóng như bay theo tỉnh lộ 8, hướng về quê của anh. Mẹ anh đã mất sau khi anh nhập ngũ gần ba năm, nhưng có thể dò được những tin tức cuối cùng của anh qua người bà con ở cùng quê, Quỳnh cho biết như vậy.
Buổi liên hoan ngọt mà tôi chủ động tổ chức ngay nhà mình để tiễn anh lên đường nhập ngũ bắt đầu chậm hơn dự định cả tiếng đồng hồ, vì trước đó, tôi và anh đã có một cuộc “nói chuyện riêng tư”. Chẳng hiểu khi đó tôi nghĩ sao, lại nhờ anh hướng dẫn giúp tôi giải quyết bài tập lớn về Phương Trình Vật lý Toán mà thầy giáo đã giao cho tôi. Phải công nhận cùng với tri thức tổng quát rộng rãi, anh còn là người có khả năng nắm bắt vấn đề rất nhạy bén: sau mươi phút suy nghĩ, anh đề xuất hai phương pháp chính để giải quyết, một phương pháp kinh điển trùng lặp với gợi ý của thầy hướng dẫn, phương pháp thứ hai dựa trên logic hình thức, nghe qua rất thú vị nhưng cũng hứa hẹn không ít gian truân. Chúng tôi đã bàn luận rất sôi nổi đến khi mọi người kéo đến đổng đủ, Quỳnh đã phải xen vào, đề nghị chấm dứt cuộc “tâm tình sôi nổi đầy tính khoa học” này để giao lưu với mọi người…
Sau buổi liên hoan, câu nói riêng tư - đúng ra dành cho riêng anh - được tôi phát biểu trước mặt mọi người: “Anh Đồng đi cố gắng giữ gìn sức khoẻ, Dung và mọi người chờ ngày anh trở về”. Câu trả lời của anh thật ngắn ngủi, sau này tôi mới biết là câu định mệnh: “Anh sẽ trở về gặp lại Dung và mọi người, anh cũng hy vọng tất cả vẫn còn nguyên vẹn như ngày hôm nay…”
Trong hai tháng huấn luyện tân binh và gần ba năm trên đất bạn, anh viết thư cho tôi đều đặn, nhưng ngoài vài câu kể qua cuộc sống bộ đội, anh tập trung trao đổi với tôi về phương pháp giải quyết thứ hai của bài tập lớn được giao, tuyệt đối không một lời thổ lộ tình cảm nam nữ nào - tôi đọc thư mà cứ như báo cáo khoa học vậy. Thi thoảng qua một lời tâm sự, Đồng bảo anh muốn dâng hiến đời mình cho cuộc sống chung quanh, vì anh thấy mình còn nợ cuộc đời nhiều quá, chứ chưa dám có ý định dành gì cho riêng mình cả… Tôi đành phải đánh liều hỏi thăm ý kiến của Quỳnh, con bé cười ngặt nghẽo sau khi đọc thư: “Tous les amoureux sont aveugles (những người đang yêu đều mù cả)! Sao mày cù lần thế, trong chiến trường bom đạn ác liệt mà anh Đồng còn dành thời gian viết thư đều đặn cho mày, còn đòi gì hơn nữa? Anh ấy quan niệm như St-Exupéry, yêu không phải chỉ là nhìn nhau, mà là nhìn về một hướng - cái hướng học tập để phục vụ... Thôi cố mà xứng đáng với tình cảm của anh ấy. Mày mà lơ là việc giải bài tập lớn thì bị ảnh phăng teo cầm chắc!”…
Là con gái, tôi không thể nào mở lời trước với anh, chỉ biết tin vào nhận định của Quỳnh, cố tập trung mọi nỗ lực vào việc giải quyết bài tập lớn được giao: trong luận văn tốt nghiệp, phương pháp giải thứ hai - đầy tính sáng tạo do anh gợi ý – đã được thầy hướng dẫn hoàn chỉnh rồi đưa vào làm nền tảng cơ sở của luận văn. Không những tôi nhận được kết quả Xuất sắc (toàn điểm 10) và lời khen của Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp về tính sáng tạo, tôi còn được đứng chung tên với thầy hướng dẫn trong một bài báo đăng trên tạp chí có tầm cỡ quốc gia, mà nội dung cốt lõi dựa trên những điều anh đã gợi ý trước ngày ra đi…
Tôi muồn tìm đến nơi anh Đồng an giấc ngàn thu, thắp một nén hương tưởng nhớ, và báo cho vong hồn của anh hay: những ý tưởng mà ngày xưa anh gợi ý cho tôi đã thành hiện thực. Luận văn tốt nghiệp đại học của tôi không chỉ được mở rộng thành luận án tiến sĩ được bao nhiêu người quan tâm ở trong và ngoài nước, mà còn là nền móng của một đề tài cấp Bộ mà tôi vừa bảo vệ thành công mới mấy tuần nay. Tôi trân trọng sự đóng góp của anh, dù chỉ là ý tưởng xuất phát ban đầu, nhưng lại là nền móng cho bao nhiều thành tựu lớn về sau. Và còn nữa, những điều mà tôi chưa dám nói thành lời trong buổi tiễn đưa Đồng nhập ngũ, dù bây giờ, hoàn cảnh đã đưa đẩy chúng tôi một người một ngã…
Vài tuần sau lễ tốt nghiệp, tôi nhận quyết định bổ nhiệm về làm công tác nghiên cứu ở Viện khoa học quốc gia, tiếp tục hướng nghiên cứu còn hứa hẹn bao nhiêu thành tựu. Tôi nấn ná chờ mãi tin tức của Đồng, thời điểm này chiến trạnh ở biên giới phía Nam đang hồi căng thẳng, thư từ chậm có đến hàng tháng trời. Mẹ của Đồng đã mất qua một cơn bạo bệnh, tôi và Quỳnh đã về quê dự đám tang của bà do bà con làng xóm tổ chức (bác của Đồng - kể như độc thân vì vợ con đã di tản từ 1975 - đi học tập cải tạo chưa về), không biết ở chiến trường Đồng đã biết tin mẹ khuất núi chưa? Rôi tin dữ liên tiếp báo về, sau một chiến dịch ác liệt, đại đội của Đồng đã bị hy sinh gần hết, một vài người còn lại đã được sát nhập vào đơn vị khác. Tôi thầm nhủ: Đồng ơi, không biết bây giờ anh đang nằm ở đâu, nhưng em nguyện sẽ phát triển nhưng ý tưởng ban đầu của anh cho đến cùng, xem như một chút lòng dành cho người tri kỷ đã khuất…
Ba năm sau ngày có tin anh Đồng hy sinh, tôi lập gia đình với chồng tôi hiện nay, một đồng nghiệp cùng Viện nghiên cứu. Chúng tôi đã có hai cháu, một gái, một trai (tiêu chuẩn điểm 10 như người ta thường gọi), gia đình chúng tôi sống rất hạnh phúc. Tôi vẫn thường bảo các cháu, mẹ có một người anh kết nghĩa đã hy sinh ở chiến trường Kampuchia, chính bác ấy là người có công đầu tiên trong các kết quả khoa học của mẹ. Chồng tôi không nói gì, anh luôn tỏ thái độ tôn trọng quá khứ của tôi, điều đó giúp tôi tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống gia đình.
Người cung cấp thông tin về những ngày cuối cùng của anh Đồng cho chúng tôi hoá ra là người bác ruột của anh, đã từng là cảnh sát thuộc chế độ cũ. Thì ra, sau chiến dịch ác liệt năm 1981, anh không chết nhưng bị thương tích rất nặng, hai mắt gần như mù hẳn, được giải quyết chế độ thương binh về quê cũ. Trong đầu của anh vẫn còn một mảnh đạn không lấy ra được, những khi trở trời anh thường ôm đầu lăn lộn, nhưng khi bình thường anh lại rất hoà nhã, vui vẻ với mọi người. Anh nhận dạy lớp bổ túc văn hoá không ăn lương cho xã, anh bảo chế độ thương binh đủ nuôi sống một mình anh rồi. Một đôi khi tâm sự với người bác ruột vừa đi học tập cải tạo về, anh bảo hồi đi học, anh có thầm chú ý một người con gái học sau 3 lớp, rất thông cảm với anh, nhưng ngày xưa anh đã không dám thổ lộ vì mặc cảm đũa mốc không dám gác mâm son, ngày nay càng muốn giữ kín tung tích của mình hơn, vì không muốn người khác lâm vào cảnh khó xử…
Anh mất vào những ngày cuối đông năm 1982, sau những cơn đau kinh khủng ở đỉnh đầu. Bác của anh đã tận tình chăm sóc anh những ngày cuối cùng, sau đó đã ra đi định cư ở Mỹ theo diện HO, gia đình thân quyến chẳng còn ai nữa nên chúng tôi bặt hẳn tin tức. Sang California hơn chục năm, ăn nên làm ra, bác lại trở về quê hương, với nguyện vọng khi chết sẽ gởi nắm xương tàn trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn...
Quỳnh nôn nóng hỏi: Bây giờ anh Đồng nằm ở đâu, Nghĩa trang Liệt sĩ hay của Nghĩa trang của Làng, Bác chỉ cho chúng cháu ra thăm, thắp một nén hương…. Bác từ tốn hỏi: Thế các cô quan hệ với Đồng như thế nào? Tôi ngượng ngùng, Quỳnh chỉ sang tôi: Bạn cháu đây là người con gái ngày xưa học sau anh Đồng 3 lớp đó…. Bác mỉm cười: Tôi đã thực hiện ý nguyện cuối cùng của Đồng. Cháu có thể đoán ra Đồng bây giờ nằm ở đâu không?. Những lời nói trong thư của Đồng lướt lại chầm chậm trong ký ức tôi, rồi một tia chớp loé lên trong đầu… Tôi ngập ngừng hỏi: Thưa Bác, có phải anh ấy đang ở… ở… Trường Đại học Y khoa không?. Bác ngậm ngùi: Cháu đúng thật là tri kỷ của Đồng. Trăn trối của Đồng trước khi vĩnh viễn ra đi là mong Bác thực hiện bản tự nguyện cam kết của Đồng với Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Huế: hiến xác mình cho những sinh viên y khoa của thế hệ sau có mô hình học tập môn Giải phẫu.
(viết nhân ngày Macchabée ngành Giải phẫu học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét