Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 07

SAU CHUYẾN NAM DU…
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Phân tích cho kỹ, nguồn gốc câu chuyện này cũng từ tôi mà ra.
Đã từ lâu, mỗi khi nghe bạn bè trêu chọc, gán đủ loại biệt danh (Khốt Ta Bít, Lý Toét, Hai Lúa) để làm nổi bật tính đơn giản của anh, tôi thực sự thấy khó chịu, vừa thương thương vừa ái ngại cho người bạn đời của tôi: dù gì anh cũng là bậc thầy của bao nhiêu người, cả những bạn bè cùng trang lứa với tôi, thế mà quanh năm suốt tháng, anh chỉ biết chú tâm vào công việc giảng dạy và nghiên cứu, chẳng quan tâm gì đến những sinh hoạt vui chơi - giải trí đời thường… Những dịp nghỉ hè, cơ quan anh tổ chức đi nghỉ mát trong nước hoặc thậm chí đi du lịch Trung quốc, anh cũng từ chối không đi, lấy lý do đang đợt chấm thi tuyển sinh, anh muốn tham gia để sinh hoạt chuyên môn với các đồng nghiệp (dĩ nhiên, anh từ chối không đi nghỉ thì nhiều người rất thích, vì kể như anh đã nhường tiêu chuẩn đi cho người khác rồi). Anh tâm sự riêng với tôi: anh có đi đâu cũng chỉ để mở rộng tầm nhìn, mà trong gần chục năm lính, anh đã có điều kiện đi gần hết đất nước rồi. Còn sang Trung quốc, trừ phi đi những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải thì chưa đến lượt của anh, chứ đi mấy tỉnh lẻ phía Nam Trung quốc, thì anh đã biết qua, hồi chiến tranh biên giới. Hơn nữa,anh có biết nói tiếng Trung quốc đâu, chẳng lẽ - anh liếc xéo tôi rồi cười nhẹ – anh nói chuyện với mấy cô gái Tàu bằng tay chân? Thôi cứ để dành tiêu chuẩn, chờ một dịp đi đâu đó cho đáng công. Nói như thế, có nghĩa là anh sẽ chẳng bao giờ có dịp đi đâu nữa cả, trừ phi đi sang những nước Âu Mỹ, xem chừng tiêu chuẩn đó khó đến tay anh lắm. Cho nên, trừ một vài lần đi dạy Đại học Từ xa cho Đại học Huế (khi đó anh phải dạy tất bật mỗi ngày 9-10 tiết theo chương trình quy định, tối lo soạn bài để mai dạy tiếp, hết đợt thì trở về, có hỏi anh cũng chẳng biết địa phương đó có gì khác ngày trước hay không), anh chỉ quanh quẩn trong Thành phố. Anh vẫn nói đùa: trong con người anh, chú Dế Mèn của Tô Hoài chẳng có chỗ trú ngụ đâu, đã bán xới đi nơi khác từ lâu rồi… Thế mà, mỗi khi mẹ con chúng tôi có dịp đi đâu, anh chuẩn bị cho những chuyến đi của vợ con thật chu đáo, chứng tỏ anh có nhiều kinh nghiệm tổ chức đi xa - chẳng gì anh đã bao nhiêu năm là lính bộ binh chuyên hành quân dã ngoại rồi, thế mà anh chẳng bao giờ biết chú ý tìm một dịp nghỉ ngơi thư giãn cho chính mình…
Lâu nay, tôi cứ áy náy cho anh mãi, đến khi nghe Sư đoàn X (đơn vị cũ của anh) thông báo tổ chức Ngày Truyền thống Sư đoàn ở thị xã Rạch Giá, Kiên Giang, kết hợp mừng thọ bát tuần cho đồng chí chính uỷ cũ, hiện đang nghỉ hưu, thời điểm tổ chức lại đúng vào dịp anh được nghỉ hai tuần chuẩn bị năm học mới, tôi thuyết phục, gần như nài ép anh đi, thậm chí còn thay anh viết và gởi thật sớm phiếu đăng ký tham gia của anh cho Ban Tổ chức. Anh phì cười khi nghe tôi - chưa một ngày mặc áo lính - thuyết trình cho anh nghe về ý nghĩa của ngày truyền thống, tình đồng đội… và cuối cùng anh đồng ý đi, một phần vì nể tôi (anh vẫn nịnh tôi: nhất vợ, nhì và ba không có, bốn mới đến Trời! mà) và phần nữa, có lẽ anh cũng rất muốn gặp lại những đồng đội cũ của anh - những nhân vật trong lý thuyết mảnh trời riêng của anh mà tôi khó thâm nhập vào được.
Trưởng Ban Tổ chức, anh Trần Phi Hùng (trước đây, chồng tôi vẫn gọi anh theo biệt danh Hùng voi – vì tấm thân bồ tượng trên dưới một tạ và tác phong làm việc không biết mệt, cũng như chồng tôi có biệt danh Kỷ ngố - vì bề ngoài trông ngơ ngơ ngác ngác, dù anh thực sự khôn ra phết - có khôn mới lấy được tôi chứ!), hiện làm Phó Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Hải sản Miền Tây, đã gọi điện trực tiếp cho tôi, căn dặn thật chi tiết: Chị cứ tạm ứng tiền mua vé máy bay Huế - Saigon – Phú Quốc -Rạch Giá cho ông Kỷ, tôi sẽ thanh toán cho hết và sẽ lo cả vé về. Ngoài Ngày Truyền thống, tụi tôi còn dẫn nhau đi vui thú khắp nơi, từ đi tắm tiên Phú Quốc đến ăn tôm tích, ốc nhảy Hà Tiên, rồi có thể theo đường cửa khẩu Xà Xía để thưởng thức đặc sản mắm ở Kampuchia nữa… Chị sẽ thấy, nội trong một tuần, tôi biến ông Kỷ ngố nhà chị thành một đại gia ăn chơi của miền Tây - mà không dính HIV đâu, chị cứ yên tâm! Biết anh ấy nói đùa, tôi vẫn ngần ngại vì sợ phiền anh quá. Tuy nhiên tôi vẫn tạm yên tâm vì biết chồng tôi sẽ được tiếp đón chu đáo. Đến khi tôi hỏi phải chuẩn bị gì để mang theo, Hùng voi cười khà khà: Ngoài giấy tờ tuỳ thân ra, một bộ quần áo là đủ, quân phục càng hay, vào đến đây tôi sẽ sắm sửa cho. À, dặn Kỷ chuẩn bị bài phát biểu về chủ đề: làm thế nào để hồi chiến tranh, một con mắm như nó lại cõng được một con voi như tôi trên mấy cây số đường rừng về đến Trạm phẫu thuật tiền phương, rồi còn cho tôi tiếp 200ml máu nữa, đừng quên nhé!
Tôi chẳng nhắc gì với anh về các mối quan hệ trong quá khứ quân ngũ, dù lòng tôi vẫn áy náy khi nhớ lại lời tự thú của anh trước khi cưới tôi - ở đơn vị cũ có cô Linh, người yêu cũ là điện báo viên trung đoàn, vì hoàn cảnh nên anh và cô ấy phải chia tay, nhưng bây giờ, biết đâu tình cũ không rủ cũng đến? Nhưng tôi tin rằng gia đình, với hai thằng con mà anh yêu quý, sẽ giúp anh luôn vững vàng, nên chỉ lẳng lặng bắt tay chuẩn bị hành lý cho chuyến đi sắp tới của anh. Anh không chịu đi bằng máy bay, vì …ngày xưa đi bộ hàng chục cây số là chuyện thường, ngày nay ngồi ô tô du lịch vài trăm cây vẫn còn sướng chán! Mà chẳng lẽ anh Hùng lại thanh toán tiền máy bay cho riêng mình thôi, còn nếu cho bao nhiêu đồng đội thì lấy tiền đâu cho đủ? Thế là, vừa nhận được mấy triệu đồng tiền vượt giảng năm học trước, cầm chưa nóng tay, anh đưa cho tôi tất cả - để chuẩn bị đóng đủ thứ tiền đầu năm học mới cho các con, anh chỉ giữ lại đủ tiền ô tô đi lại và thêm một ít để dự phòng. Kế hoạch cả đi lẫn về chỉ trong một tuần, mà anh làm như lâu lắm, cứ dặn đi dặn lại tôi đủ điều, làm tôi từ tâm trạng cảm động ban đầu chuyển dần sang bực mình, phải nói kháy: anh cứ yên tâm, cần gì thì em sẽ sang nhờ ông hàng xóm nhà mình, giống như mỗi khi ổng đi vắng thì bả sang nhờ anh vậy, em tin ổng sẽ nhiệt tình với em - như anh đã nhiệt tình với vợ ổng vậy. Anh cười chữa thẹn: bán bà con xa, mua láng giềng gần mà!
Hành lý anh mang đi gói gọn trong túi du lịch giả da – anh đã định mang chiếc ba lô cóc, tôi nói mãi mới thôi - gồm một bộ quân phục xuân hè, một bộ đại cán dành cho sĩ quan, ngoài quần áo lót thường dùng và bộ thường phục đi đường. Tôi không quên gói riêng một góc cho anh mấy vỉ thuốc trợ tim, thuốc huyết áp, lọ sinh tố C dùng hàng ngày và lọ dầu gió, và trong túi xách cầm tay, mấy lọ mắm tôm chua đặc sản của Huế cho anh biếu cụ chính uỷ và anh Hùng voi. Tôi đoán anh Hùng, ở cương vị hiện nay, chẳng thiếu gì các món hải sản, nhưng vì anh ấy đã có lòng, thì tôi phải cố duy trì mối quan hệ tốt đẹp này.
Tiễn anh ra Trạm xe du lịch An Phú, tôi nhắc đi nhắc lại với anh nhớ hạn chế uống bia rượu, bệnh tim mạch của anh không cho phép anh dzô, trăm phần trăm như dân Nam bộ đâu. Nhìn anh lơ đãng gật gật đầu, tôi vẫn chưa yên tâm, tướng ông này chỉ cần khích mấy câu là uống tới số thôi - nghe nói ngày trước, bạn bè còn truyền tụng: trong dòng rượu luân chuyển trong người Kỷ ngố, có một ít máu mà. Nhưng tôi chợt nhớ lại, sau đợt nằm viện để theo dõi nhồi máu cơ tim và chụp động mạch vành, anh đã đoạn tuyệt với rượu, mấy hũ rượu bìm bịp và Minh Mạng thang chính gốc ngâm sẵn trong nhà bây giờ chỉ dành để chiêu đãi bạn bè đến chơi, còn chủ nhân thì Mô Phật, anh chỉ uống nước trà suông, anh cũng biết tự giữ sức khoẻ lắm... Nhìn anh lần cuối trước khi xe chạy, tôi bỗng giật mình: cô gái Tây phương tóc vàng xinh đẹp, trẻ trung ngồi cạnh anh đang nói líu lo, anh cũng cười cười trả lời. Tự nhiên tôi thấy cáu kỉnh vô cớ, dù biết rằng phép lịch sự tối thiểu không cho phép anh im lặng khi người bạn đường hỏi chuyện (quãng đường Huế - Saigon có ngắn ngủi gì đâu!), anh lại thích trau dồi vốn ngoại ngữ lâu nay ít dùng tới… Mấy cô bé sinh viên sư phạm trước mặt đạp xe hàng ba choán hết đường đi, tôi gắt ầm lên làm mọi người ngơ ngác, các cô có biết đâu tôi đang trút nỗi bực mình với cô gái Tây phương sang mọi đối tượng trước mặt…
Tối nay chắc tôi khó ngủ, có nhiều lý do lắm…
* * *
Chiều hôm sau đi làm về, nghe tiếng điện thoại reo, tôi đoán ngay là anh gọi. Quả thật, anh đang ở Bến xe Miền Tây, chuẩn bị đi Rạch Giá, tranh thủ đến trạm điện thoại công cộng gọi cho tôi trong khi chờ xe chạy. Mới câu trước câu sau, tôi hỏi ngay: Hôm qua khi xe chạy, anh nói gì với cô Tây bạn đường trông vui vẻ thế? Câu trả lời đến ngay lập tức, làm tôi phát nghi: À, cô ấy hỏi người phụ nữ xinh đẹp hồi nãy ngồi sau xe máy là gì của anh, anh trả lời là sếp của anh mà. Sau mấy phút căn vặn không phát hiện thêm điều gì, tôi gặng hỏi: Khi xe chạy ban đêm, cô ấy có dựa vào anh để ngủ không? Anh cười to: Có, giống như con gái dựa vào bố để ngủ vậy. Nhớ là chồng em đã gần 50 rồi nhé, cô bé đó trông lớn xác thế mà còn thua tuổi thằng nhóc nhà mình đó. Tôi hơi quê, chỉ biết dặn anh nhớ mỗi tối điện thoại về, tiền điện thoại em sẽ thanh toán. Nói cho mạnh miệng thế thôi, chứ tôi hay anh ấy thanh toán cũng là lấy tiền túi nọ thay túi kia thôi, nhưng dù sao cũng phải dặn cho yên tâm. Mới có chừng đó đã gần 10 phút điện đàm rồi, tôi chủ động cắt kẻo anh ấy méo mặt khi trả tiền điện thoại đường dài.
Lần điện đàm tiếp theo cũng là lần cuối cùng anh chủ động gọi cho tôi, khi vừa đến Nhà khách của Tổng Công ty anh Hùng voi. Anh bảo: ngày mai bắt đầu đi khắp nơi với anh Hùng, đến các địa danh anh ấy đã chuẩn bị trước, anh ấy bảo nếu cần liên lạc ở đâu thì dùng điện thoại di động của anh ấy. Anh thấy bất tiện quá, chuyện riêng tư chẳng lẽ dùng điện thoại công của bạn, mà những nơi bọn anh đến ít có trạm điện thoại công cộng lắm. Rạch Giá là nơi có rất nhiều người đi nước ngoài, dân ở đây ăn tiêu bằng ngoại tệ gởi về, ở thành phố điện thoại di động đôi khi còn nhiều hơn điện thoại để bàn nữa, nhưng đi ra ngoài thành phố cứ như vào rừng, chẳng biết bưu điện ở đâu. Thôi từ hôm nay anh tạm ngưng gọi về, cần gì em gọi điện theo số anh Hùng, rồi anh ấy sẽ chuyển cho anh. Thế là tôi bị cắt đứt liên lạc với anh ấy, có lần thử gọi số anh Hùng, chắc đang buổi nhậu, tôi nghe rõ ràng tiếng nhạc Boléro ướt át xen lẫn tiếng cười nói của phụ nữ, anh Hùng bảo, giọng ngấm rượu đã bắt đầu nhừa nhựa: ông Kỷ đang tâm sự ở phòng bên cạnh với bạn, để tôi chuyển máy sang cho, tôi từ chối vì đoán chồng tôi cũng tiếp bạn như anh Hùng đây thôi, không biết có phải cô Linh ngày nào không, đã đến nước này thì mình chen vào làm gì. Anh Hùng tiếp, lưỡi bắt đầu líu lại vì say, tôi phải chú ý mới nghe rõ: tôi quên cảm ơn chị về mấy lọ tôm chua nhé, gởi lời cảm ơn của cụ Thắng chính uỷ nữa, trong này đồ thuỷ hải sản nhiều mà không làm ngon như ngoài đó được. Tôi cười gượng gạo, trong khi thâm tâm chỉ muốn gào lên, anh muốn cảm ơn tôi thì đừng lôi kéo chồng tôi đi chơi như thế này nữa, anh ấy có quen những kiểu giao tiếp thế này đâu? Nhưng tôi phải nuốt tất cả xuống họng, xấu chàng thì hổ ai? Trước đậy, chính tôi đã thuyết phục anh đi đây đó để khuây khoả đầu óc, sau bao nhiêu năm làm việc căng thẳng mà?
Lũ trẻ nhà tôi vô tình, cứ tưởng mẹ buồn vì nhớ bố đi xa. Hai đứa bàn với tôi kế hoạch đi đón bố. Thằng anh bảo: chiều thứ sáu mới tổ chức Ngày truyền thống của Sư đoàn X, con xem thông báo trên tivi rồi. Chắc buổi tối, bố phải lên xe ở Rạch Giá, sáng sớm mai về đến Bến xe Miền Tây rồi sang Bến xe Miền Đông, đi tiếp ra miền Trung, chiều chủ nhật sẽ phải có mặt ở Huế, vì thứ hai bố phải tập trung ở trường rồi. Chiều chủ nhật, mấy mẹ con mình đến Trạm xe du lịch An Phú để đón, biết đâu bố sẽ bất ngờ…! Tôi cũng muốn xem chồng tôi có đổi khác gì không sau chuyến Nam du, (xem một tuần xa vợ gặp lại người yêu cũ có thay đổi gì không), nên đồng ý phương án đi đón lõng. Tôi chỉ thắc mắc: lỡ bố ra bằng tàu thì sao? Thằng nhóc cười, sao nụ cười giống bố đến thế: Mẹ yên tâm, vé xe du lịch chỉ bằng 45% giá vé tàu ngồi cứng, chắc chắn bố sẽ chọn phương án kinh tế nhất. Thằng em bổ sung: gần Trạm xe du lịch có quán bánh khoái, mấy mẹ con ghé ăn rồi ngồi chờ bố luôn. Cu cậu đang tuổi lớn nên háu ăn lắm, mà bánh khoái vốn là món sở trường của cu cậu mà. Tôi gật đầu đồng ý, cu cậu vỗ tay reo hò, trẻ con sướng thật, có thể vui vì những chuyện không đâu…
Sáng thứ bảy, không cầm lòng được, tôi gọi điện gặp anh Hùng, hỏi xem chồng tôi rời Rạch Giá khi nào. Tôi tránh không nhắc đến phương tiện đi, cũng là tránh nhắc lời hứa thanh toán vé máy bay của anh ấy. Hùng voi nói khá lâu, giọng nói tỉnh rượu khác hẳn lần trước, trong buổi nhậu: Tôi đã tạm biệt Kỷ tối hôm qua, và đã ép anh ấy nhận tiền máy bay một vòng Huế - Rạch Giá. Tôi không biết anh ấy đã và sẽ đi lại bằng gì, nhưng anh ấy là ân nhân của tôi, cuộc sống tôi bây giờ còn lại là nhờ anh ấy - chị có biết anh ấy phát biểu về chủ đề tôi dặn như thế nào không? Chỉ vỏn vẹn có mấy từ: VÌ CHÚNG TÔI LÀ ĐỒNG ĐỘI đơn giản, mà làm bao nhiêu người rơi nước mắt… Bao nhiêu năm xa cách, đến bây giờ tôi tạm coi là ăn nên làm ra, anh ấy không hề mở miệng nhờ tôi giúp; (giọng thân tình) tôi đã bảo Kỷ: không phải mày nhận cho riêng mày, mà hãy chứng thực cho tấm lòng tri ân của tao. Chứng này tiền có là bao nhiêu đâu, so với cả cuộc đời tao mà mày giật lại từ tay Thần Chết. Nhận đi, rồi dùng làm việc gì tuỳ mày, cho vợ con, hay cho bồ bịch gì cũng được. Mà Kỷ làm gì có bồ bịch, hắn dị ứng với phụ nữ lạ hay sao ấy. Trong phòng hộp máy lạnh của restaurant Hương Biển ngoài Phú Quốc, hắn rất lịch sự mời cô tiếp viên xinh đẹp như người mẫu ra ngoài, chỉ để tâm sự với thằng Vũ chấm-phẩy, đồng đội cũ cùng trung đội. Chắc anh Hùng voi hơi lạ khi nghe tiếng cảm ơn hồ hởi của tôi, anh có biết đâu mấy hôm nay tôi cứ canh cánh vì từ bạn hôm nọ của anh ấy.
***
Chiều chủ nhật, ba mẹ con vừa dắt xe máy ra khỏi nhà (thằng anh mới học 11 nhưng đi xe đã quen, đoạn đường này gần nhà, lại không có công an kiểm soát nên tôi liều cho cháu đi chiếc Cub 50 của tôi), chưa ra đến cổng thì đã nghe nhốn nháo, một chiếc com măng ca đỗ xịch trước cổng, ông xã nhà tôi nhảy xuống bế bổng thằng cu em lên. Gớm, râu ria chưa kịp cạo, anh cứ cạ cạ vào má làm thằng cu nhột, cười khanh khách. Anh quay sang chỉ vào người đàn ông trung niên, mang quân hàm đại tá, chân hơi tập tễnh, giới thiệu với tôi: đồng đội của anh, anh Phạm Vũ, tức Vũ ch.., anh ngừng lại, tới phiên anh Vũ cười, tiếp lời: …Vũ chấm-phẩy, thương binh loại 2, bạn cùng trung đội với Kỷ. Anh nhìn hai chiếc xe máy với ánh mắt dò hỏi, tôi nhỏ giọng: cả nhà định đi đón anh đấy, tưởng anh ra xe ôtô…Anh cười khà khà: thì anh cũng ra bằng xe ôtô đây, nhưng chừng này hành lý của anh làm sao hai xe máy chở hết được? Mang hết các thứ vào nhà, tôi tròn mắt nhìn mấy chục chai nước mắm Phú Quốc ràng buộc cẩn thận, chưa kể mấy gói tướng tôm, mực khô. Anh giải thích: hòn đất bay đi, hòn chì bay lại, mấy lọ tôm chua của em được hoá phép thành những thứ này đây, anh Hùng bảo quà Huế có chất thì quà Rạch Giá có lượng vậy. Cũng may có xe anh Vũ ra đến Quảng Bình, anh đi nhờ mới chuyển hết các thứ này về được, chứ theo phương án anh Hùng, gởi đường hoá vận rồi mua vé máy bay ra thì có mà nhận toàn chai lọ vỡ…
Tôi sẵng giọng: Anh đã có phương án đi nhờ xe anh Vũ, thì anh nhận tiền anh Hùng làm gì, mang tiếng chết?Thế có gặp dì (tôi cố tình kéo dài chữ dì) Linh không? Chồng tôi ngậm ngùi: Linh mất rồi, em ạ, anh Vũ đã kể với anh hôm đầu tiên gặp nhau ở Phú Quốc, cô ấy bị ảnh hưởng chất độc màu da cam hồi ở chiến trường chống Mỹ. Còn chuyện nhận tiền của anh Hùng, em đừng nóng, để anh giải thích sau, bây giờ sẵn quần áo, mấy mẹ con theo bác Vũ về quê có việc luôn, trên đường đi mình nói chuyện tiếp…
Suốt chặng đường mấy chục cây số về quê, chồng tôi giải thích mọi chuyện. Thì ra, từ lâu anh thấy rằng do phương tiện đi lại khó khăn, tôi không có điều kiện giúp đỡ gì cho quê mình, dù đó là nơi bố tôi đã sinh ra, trưởng thành, và có ý nguyện sẽ an nghỉ cuối cùng tại quê hương: anh chị em chúng tôi, dù đã ăn học thành tài, lại chưa làm được gì cho quê mình cả. Chồng tôi quê tứ xứ, khi lập gia đình với tôi đã nhận quê vợ là quê hương của mình. Nhân chuyến Nam du, có tiền vé máy bay anh Hùng voi tặng, thêm các khoản lót tay đưa trước để pourboire cho mấy em tiếp viên nhà hàng, anh Kỷ ngố đã dồn hết tiền để mua 2 chiếc máy vi tính và 1 chiếc máy in kim - toàn loại second hand nhưng là hàng hiệu, tại cửa hàng bán máy vi tính của một đồng đội cũ ở Saigon, dành làm quà cho trường phổ thông ở quê hương. Thì ra mấy thùng carton còn lại trên xe (mà tôi tưởng là hành lý của anh Vũ) toàn là thiết bị Tin học, dành cho quê của chính tôi. Anh tâm sự: mấy lần về thăm quê, thấy học sinh học Tin học chay trong sách, ham thực hành lắm mà chẳng có máy, thấy thương lắm. Nói dự định ra thì ngại anh Hùng buồn, anh chỉ dặn trước cậu bạn cửa hàng vi tính, chờ lên đến Saigon là chọn hàng đóng gói chở đi luôn. Nhân có xe anh Vũ, chiều nay mình về quê thăm anh hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, bạn học cũ của anh, rồi làm thủ tục chuyển tài sản cho Nhà trường luôn.
Tôi gặng: thế nếu máy móc hư thì ai sửa chữa? Anh cười: máy vi tính nhà mình có hư thì cũng anh sửa chữa mà. Thôi đã thương thì thương cho trót, một tháng mình về thăm quê một lần, vừa tranh thủ hương khói cho tổ tiên, vừa thăm phòng máy xem cần sửa chữa gì, cũng là dịp cho mấy thằng nhóc nhà mình tập làm thầy Tin học luôn.
Mấy thằng nhóc nghe nói được làm thầy, cười khì khì theo bố, trông thật dễ ghét.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét