<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7143897352168730"
crossorigin="anonymous"></script>
Đi tìm một địa chỉ...
Truyện ngắn của Quỳnh Anh
Tầng 3, Khoa điều
trị Tim Mạch, chiều 09/06/2021
Dịch CoVid đang bùng phát trở lại trong cả nước, lan đến cả những địa
phương nhỏ lẻ như Thành phố Huế.Tôi liếc nhìn đồng hồ, 16g30, sắp chấm dứt ca
trực rồi. Cửa buồng thang máy từ từ mở. Một phụ nữ tầm thước, lưng đeo ba lô,
tay xách túi vải nhỏ, đẩy chiếc xe lăn, trng đó chứa một thân thể bèo nhèo, tay
chân buông thõng không còn sinh khí, từ thang máy bước ra theo anh Sơn, điều dưỡng viên Khoa Đột Qụy
đang cầm tập hồ sơ bệnh án, chầm
chậm tiến vào tiền sảnh, nơi
đặt bộ phận Hành chính Khoa. Lại nhận bệnh nhân chuyển khoa, mất thời
gian rồi đây! Tôi
thầm nghĩ, nhấn chuông gọi y công lấy drap trải giường và quần áo bệnh nhân. Chẳng gì, khoa
con cưng của Bênh viện mà, phải chỉn chu chứ! Đưa mắt lướt qua tên
bệnh nhân, ký ức tôi ngờ ngợ, hình như tôi đã thấy tên này nhiều lần trong gần
30 năm nay, từ khi còn đi học. Tôi giụi mắt nhìn kỹ: đúng là anh Tuynh,
mà nhóm Siêu
Quậy chúng tôi ngày trước đã thống nhất đặt tên là Twin Falcone, từ tên nhân vật chính trong truyện ngắn của Prosper Mérimée, tác giả văn
học Pháp nổi tiếng từ
thế kỷ XIX. Làm xong thủ tục đón
nhận bệnh nhân, tôi bần thần nhớ lại dĩ vãng.
Những kỷ niệm quá khứ từ hơn 20 năm trước từ từ cuộn lại như cuốn phim quay chậm...
Những
năm 90 của thế kỷ trước, địa phương Bình
Trị Thiên vừa mới thực hiện chia tỉnh xong.
Đội Thiếu
niên thành phố Huế (trong đó có nhóm Siêu Quậy chúng tôi) đang
sinh hoạt đều đặn hàng tuần ở Nhà Văn hóa,
bỗng tan tác như đàn chim vỡ tổ vì
chị Như phụ trách Đội (thần tượng của lứa tuổi chíp hôi chúng tôi) đã theo cha mẹ chuyển ra Quảng Bình. Biết tìm đâu ra những
buổi ngâm, đọc thơ Tố Hữu, Thanh Hải... bằng giọng nữ trung ấm áp, truyền cảm của chị Như? Thay
thế chị là anh Tuynh, tướng tá trông khá cục mịch, nghe nói là bộ đội từ Kampuchia
xuất ngũ về... Không khí thơ văn bay bổng trước đây đã thay đổi: mỗi buổi sinh hoạt, thay vì nghe
chị Như ngâm và bình thơ, chúng tôi được anh
Tuynh phát cho mỗi nhóm ba bốn đứa một
bản photocopy vài trang giấy in chữ khổ nhỏ, là truyện ngắn của các tác giả nổi
tiếng, để chuyền tay nhau đọc, tuần sau gặp nhau cùng bình luận. Không ngờ cách làm này giúp bọn trẻ chúng
tôi tập được tính độc lập suy nghĩ, thậm chí có đứa trong nhóm chúng tôi sau
này cũng viết văn, tuy không nổi tiếng nhưng cũng được gọi là văn (không có chữ
g, để thành văng) sĩ... Tôi còn nhớ, lần tranh cãi ồn ào sôi nổi nhất của chúng tôi là khi
bình luận truyện ngắn Mateo Falcone
của Prosper Mérimée, với nội dung là: trong xã hội lục lâm thời đó,
người cha Mateo quyết định bắn
chết người con trai duy nhất của mình để bảo toàn danh dự. Tôi theo phe phản đối Mateo,
cho là ông xử sự quá khắc nghiệt trước sai lầm của con trai khi vi phạm lời hứa
che giấu cho tên tù vượt ngục. Anh Tuynh theo phe ngược lại, hùng hồn bảo vệ Mateo bằng những lời đanh thép đến sắt đá,
đến nỗi cuối cùng, nhóm Siêu Quậy
chúng tôi thống nhất gọi trại tên anh là Twin
Falcone... Anh vui vẻ chấp nhận biệt danh này, như một thỏa thuận ngầm với
nhóm chúng tôi về tính cách đặc biệt của mình... Về sau, tôi còn biết thêm, trước
đây anh đã là người yêu của chị Như, hai người một thời gắn bó lắm rồi lại lục
đục vì tính cách khác nhau, đến lúc chia tay hẳn vì ngăn trở địa lý (lúc đó, khoảng cách 165km từ Huế ra Đồng Hới là xa lắm). Tôi thường nghĩ, người nào làm
vợ anh chắc phải khổ sở vì cái tính khắc kỷ bất thường của anh, Twin Falcone
mà...
Mấy năm
sau, tôi gặp lại anh khi làm lớp phó lớp Kỹ thuật – Điều dưỡng khóa I,
còn anh là giáo viên dạy hai môn hóc búa nhất: Toán và Xác suất – Thống kê. Được di truyền gien cận
thị từ cha, thị lực lại bị giảm sau chiến tranh biên giới, một thời gian dài
theo lớp sau đại học ở thủ đô, nên anh khó nhận ra con bé lớp phó học tập là đối
thủ hay tranh cãi ở Nhà Văn hóa ngày nào. Tôi cũng lẳng lặng học suốt hai học
kỳ không nhận quen biết, không tranh thủ tình thân để lợi dụng xin điểm. Anh cho điểm không quá kẹo, nhưng thật khó kiếm được điểm 9,10 từ anh,
giáo
viên nổi tiếng khó khăn khi đánh giá:
cả hai môn tôi được điểm 7/10, hơi thấp cho một lớp phó học tập. Mãi đến khi tổng
kết năm I, lớp tôi hụt mất danh hiệu Xuất sắc vì anh không chịu nâng điểm cho
một số bạn (trong đó có tôi, nếu anh nâng là vừa
đạt loại Giỏi), tôi lầu bầu: đã
bảo là Falcone mà, đừng hòng... khi đó
anh mới nhận ra tôi là trưởng nhóm Siêu
quậy ngày nào... Nhận ra người quen cũ, nhưng đánh giá của anh không hề thay đổi.
Thời cuộc đã thay đổi, bây giờ lão
Tuynh (gọi lão
là đúng, vì có ai nhận
ra cái thân thể bèo nhèo, chân tay bên phải co quắp vì chứng tai biến khi
đột quỵ là cây đập
bóng chuyền nổi tiếng một thời đâu) là bệnh nhân thuộc Khoa tôi (tôi vẫn
nhớ nỗi đau hụt
học sinh Giỏi năm nào), chắc
phải điều trị dài ngày vì thuộc loại bệnh nặng, phải đưa vào phòng 304 để Trưởng khoa trực tiếp theo
dõi. Nhập viện vào Khoa Đột Qụy vì tai biến, từ đó bác sĩ phát hiện lão bị
suy tim độ III, chỉ số tống máu EF chỉ được 30%, nên sau hội chẩn, các bác sĩ
chuyển lão
về Khoa Nội Tim Mạch để điều trị suy tim trước. Chụp MRI mới biết lão
Tuynh đã một lần tai biến thoáng qua hơn 5 năm (hồi đó lão đi dạy Từ Xa ở Gia Lai), đến
bây giờ là nhồi máu ở cầu não. Quan điểm các bác sĩ là tập trung điều trị suy
tim trước, vì tim ngừng là đi luôn, còn điều trị phục hồi chức năng là
chuyện lâu dài về sau.
Lão Tuynh không nhận ra tôi (ngày trước
còn tỉnh táo đã không nhận ra, bây giờ ngay cả tiếng nói của lão còn ú ớ, thần trí dao động như vậy
lại càng khó nhận), tôi
cũng giữ khoảng cách như ngày nào còn đi học. Người phụ nữ đẩy xe cho lão hình
như cũng quen biết với bệnh
viện, tôi thấy nhiều đồng nghiệp lớn tuổi chào hỏi thân tình, hỏi ra mới biết chị từng
làm Công đoàn Bệnh viện từ hồi tôi còn đi học, nay đã về hưu. Tôi giữ mức quan
hệ vừa phải của Hành chính Khoa, ngấm ngầm theo dõi xử sự của cặp bệnh nhân –
người nhà này, tự hỏi trong lòng, không
biết chị ta có ưu điểm gi nổi bật hơn chị Như (thần tượng một thời của tôi) để lão Tuynh chịu gắn
bó cuộc đời?
Dịch CoVid đang hoành hành nên mọi cơ sở y tế thực hiện gián cách triệt để, Khoa Tim Mạch chúng tôi càng
nghiêm ngặt hơn. Lúc này đúng thời điểm kiểm tra chéo giữa các Khoa, chúng tôi
càng ý thức giữ gìn chặt chẽ. Trong giờ hành chính, người nhà phải ra khỏi phòng bệnh (dù đã hạn chế
tối đa số người nhà nuôi bệnh), các bệnh nhân đeo khẩu trang kín mặt, chỉ phân
biệt giới tính bằng màu áo bệnh nhân và cụ thể bằng bảng tên đính ở đầu giường và đeo ở cổ tay. Riêng về bảng tên ở cổ tay, một
đồng nghiệp của tôi đã bị Trưởng khoa nạt: Đừng vẽ đường bậy cho hươu chạy... khi tếu
táo: lỡ bệnh
nhân tự tử chết, mình nhìn là biết ngay là ở Khoa nào... Cơ thể lão Tuynh không béo nhưng cao to, thoạt trông gầy gò sau hơn tuần
nhập viện nhưng thân hình lực
lưỡng cao hơn thước tám vẫn nặng gần tạ, mặc đồng phục bênh nhân size XL mà cứ như bó giò, không biết chị vợ (áng chừng trên dưới
60kg) dìu lão
đi vệ sinh như thế nào? Tôi nhớ
có lần lão
ngã ở cửa nhà vệ sinh, phải nhờ đến hai thanh niên khỏe mạnh hỗ trợ nhau mới
mang lão
trở về giường được. Mọi người đã tính tới phương án thắt bỉm như trẻ sơ sinh
cho lão
(khốn khổ, đang
mùa nắng nóng gắt), may
thay, vợ lão
mượn đâu đó được chiếc xe dành cho người liệt đi vệ sinh, tải trọng được cả tạ.
Xe được mang đến, lắp đặt ở cổng cấp cứu (có ai được vào bệnh viện đâu), vợ lão
nhận được chiếc xe đi
vệ sinh mà mừng như bắt
được vàng! Sau đó, tôi còn
biết, cậu con trai còn
ở Huế nhận nhiệm vụ trực nhà
(cậu em đang công tác ở Hà Nội, kẹt CoVid không vào hỗ trợ chăm cha được),
hàng ngày khi đi làm vẫn
tranh thủ mang nước
uống và các vật dụng cần thiết cho vợ chồng lão theo con đường bí mật là cổng Bệnh viện Quốc
tế, đồ đạc phải ngụy
trang bên ngoài bằng chiếc ba
lô như mang hàng cấm.
Tầng 2, Phòng Khám
Tim Mạch, sáng 20/06/2021
Vợ lão trước đây là một Trưởng Khoa thuộc Trung tâm Nhi
khoa, bây giờ đã nghỉ hưu hẳn nhưng vẫn được lòng mọi người, thỉnh thoảng vẫn
chạy sang xin nước nóng để pha sữa, hòa thực phẩm chức năng cho lão uống. Bệnh viện chỉ cho một người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân (sau khi đã xét
nghiệm CoVid âm tính mới cấp Thẻ Người Nhà) nên trăm việc không tên đều đến tay
chị. Nguyên là bác sĩ nhưng chị phục vụ lão như y tá, thậm chí hộ lý, y công... Quá
nửa đêm, quãng 1-2 giờ sáng, lão gọi vợ dậy cho đi tiểu, ban đêm vắng lặng nên chỉ cần lão
thì thào là tôi (hôm đang ngủ trực ở tiền sảnh, vốn tỉnh ngủ) nghe được. Cũng may, ban
đêm lão
chỉ gọi một lần, chứ
lão mà mắc chứng đa niệu,
chắc chị và các bệnh
nhân cùng phòng mất ngủ cả đêm. Ăn uống cũng rất đơn giản, vợ chồng lão chỉ báo 2 suất cơm bệnh
viện, chị đút cho lão ăn xong lại lặng lẽ nhấm nháp suất còn lại. Thế
mà, sáng sớm nào cũng vậy, khi lão còn say sưa ngủ thì chị đã đi tập thể dục dọc hành
lang trên tầng hai của bệnh
viện, dĩ nhiên với trang phục như
ninja mặt kín
khẩu trang, vẫn vui vẻ chào hỏi mọi người. Về đến bệnh phòng, lại lặng lẽ mang chậu,
ca nước, bàn chải đánh răng, cho lão đánh răng, rửa mặt... Buổi chiều, không phải giờ thăm bệnh, chị lại
miệt mài tập những động tác cơ bản cho lão theo hướng dẫn của kỹ thuật viên khoa Phục
hồi chức năng. Nhìn chị nâng cẳng chân lão (to gần bằng nửa con người chị) mới thấy
chị vất vả nhiều với từng thao tác tưởng chừng đơn giản... Tôi nhớ có lần chị
khoe mấy ngón tay bên phải của chồng bắt đầu ngọ ngoạy, hồn nhiên như bà mẹ
thấy những cử động đầu tiên của đứa con sơ sinh. Đến sáng nay, khi đưa chồng đi
siêu âm tim sau mười ngày điều trị, tôi thoáng thấy những giọt nước mắt vui mừng
lăn trên gò má bắt đầu hốc hác của chị khi thấy
chỉ số EF tăng lên 35%. Rõ ràng lão Tuynh có phước lắm mới có được người bạn
đời như thế!
Tôi bồi hồi nhớ đến chị Như, mới biết được
thông tin về chị qua lá
thư của người bạn cũ thuộc nhóm Siêu Quậy ngày trước: chị Như làm lãnh đạo ở ngành Ngân hàng, chuẩn bị nghỉ hưu, đã từng lập
gia đình với một ông làm to bên Ủy ban Tỉnh, sinh hai con nếp tẻ đầy đủ, nhưng
gia đình không thuận hòa lắm. Mấy
năm trước, chồng chị
mắc khuyết điểm, bị điều chuyển sang công tác khác, nên bất mãn thời cuộc, say sưa tối ngày, cuối cùng
vợ chồng lại chia tay, con cái
đã trưởng thành, đứa thì
theo bố, đứa theo mẹ. Chị Như tuy đã cứng tuổi nhưng còn xuân sắc lắm, vẫn tham gia hội dance
sport, cùng bạn bè nhảy
múa tối ngày... Tôi không dám chắc chắn, nếu lão Tuynh sống với chị Như, gặp
tai biến như thế, liệu có được chị chăm sóc chu đáo như vợ lão hiện nay ở Khoa tôi không,
hay như một vài trường hợp tôi đã chứng kiến, vợ thắt bỉm cho chồng suốt ngày,
đến tối thay bỉm khác?
Tôi không tin lắm về thuyết luân hồi của
nhà Phật, cho rằng số phận con người ở kiếp này chịu tác động từ kiếp trước,
mà tôi nghĩ:
mình hưởng những thành quả (hay hậu quả) do chính những việc mình đã làm, chỉ
sớm hay muộn thôi. Gẫm lại tính cách của anh Tuynh và chị Như, cứ cho là đã thể
hiện qua sinh hoạt ở Nhà Văn hóa ngày nào: chị Như
tài hoa, cầm kỳ thi họa biết cả nhưng thụ động, chỉ biết thể hiện kết quả văn
hóa văn nghệ có sẳn, còn anh Tuynh chủ động gợi cho chúng tôi độc lập suy nghĩ,
bảo vệ chính kiến cá nhân..., hai tính cách đó thật khó hòa hợp trong cuộc
sống, dĩ nhiên càng khó tạo thành một gia đình êm ấm. Riêng tôi, biết phận mình
không dám với xa, chọn một anh bạn hàng xóm chân chất, làm nghề xây dựng ở xã
Vinh Hà, nay anh đã là thợ bậc năm, thường được những nhà thầu lớn nhận làm đốc
công các công trình xây dựng ở Huế, nhờ tay nghề giỏi và tính cẩn thận, chu
đáo. Hai đứa con trai đều ngoan ngoãn, chăm học, có hiếu với cha mẹ. Chồng tôi
thường bảo: Tài sản nhà mình có hai đứa con là hai cục vàng mười rồi, cần gì hơn
nữa?
Tầng 1, Trung tâm
Tim Mạch, chiều 29/06/2021
Sau 21 ngày điều trị, chỉ số EF của lão Tuynh có dấu hiệu khả quan, tăng dần lên
35%, rồi 40%, Trưởng Khoa thấy bệnh tình đã tạm ổn định nên cho xuất viện, một
tháng sau sẽ tái khám. Thật ra, còn có một nguyên nhân tế nhị khác: phòng 304
chỉ có 5 giường bệnh, cả 3 tuần nay chỉ có 3-4 bệnh nhân nên vợ lão
có thể ngủ đêm trên giường trống, thiếu drap cũng không sao. Các người nhà bệnh
nhân khác (đa số là nam) có thể ưu tiên nhường cho phụ nữ, họ tìm chỗ ngủ ở
hành lang hoặc phòng khám tầng 2, mát hơn nhiều. Nhưng khi bệnh nhân vào đông,
chiếm hết giường bệnh, thì hai vợ chồng nằm úp thìa trên chiếc giường chín tấc trông thật
khổ sở... Trời lại trở nóng đến 39-40 độ, nên sau khi xem xét khả năng phục hồi
chức năng của bệnh nhân, các bác sĩ thống nhất cho xuất viện để điều trị ngoại
trú, bệnh nhân sẽ tự tập luyện phục hồi chức năng ở nhà. Chị tâm sự với tôi: Anh ấy nói hôm
trước, mơ ước được sử dụng lại máy tính, đã từ lâu như cây bút diễn đạt suy nghĩ
của anh. Từ ngành Toán bước sang ngành Tin, anh đã hòa nhập khá nhanh, tạo một
số ứng dụng nhỏ cho công việc văn phòng, bây giờ tay phải bị liệt, không biết
khi nào mới sử dụng được con chuột, bàn phím... Chắc còn lâu lắm. Chị
quay mặt đi, giấu mấy giọt nước mắt mới trào ra khóe...
Tôi biết hai vợ chồng lão Tuynh khó xoay xở với đủ thứ vật dụng (quần
áo, quạt...) phải mang về, đặc biệt là chiếc xe đi vệ sinh mượn được (chắc chắn
sẽ cần thiết khi về nhà) nên viện cớ đang rảnh rỗi, mang giúp hai vợ chồng mấy
túi xách đến tầng 1, chờ chiếc xe điện thuê sẳn để đưa ra cổng cấp cứu, nơi đó
ngươi nhà đã thuê taxi chờ sẳn. Lên được băng sau của chiếc taxi từ chiếc xe
điện là một cố gắng vượt mức của lão Tuynh và những người đi đón, vì độ cao
giường nằm xe điện và bậc xe taxi 6 chỗ gầm cao là trở ngại lớn đối với người
chưa bình phục khả năng đứng... Cuối cùng, trước tiếng cảm on lắp bắp thều thào
vẫn chưa tròn chữ của lão Tuynh, tự nhiên tôi buột miệng: Dạ, không có
gì. Chúc thầy về nhà chóng bình phục. Chiếc taxi đã chạy vút đi, tôi thấy
rõ ràng đôi mắt mở tròn của lão khi nghe từ thầy từ miệng tôi. Suốt mấy tuần điều trị
trong Khoa, chỉ nghe gọi bệnh nhân Tuynh, trừ mấy điều dưỡng ở Trung
tâm Nhi khoa gọi danh xưng này theo tiếng cô của vợ, nên chắc lão thấy lạ. Về đến Khoa, tôi tự
nhủ sẽ tìm dịp đến thăm nhà hai vợ chồng, trước như Điều dưỡng Khoa đến thăm
sức khỏe bệnh nhân, sau để giải thích rõ từ thầy đã gieo bao thắc mắc vào trí não bệnh
nhân đang cần tịnh dưỡng... Tôi nhớ mang máng địa chỉ trong hồ sơ bệnh án ở Phú
Vang, cùng huyện tôi ở, chắc tìm nhà không khó...
Phòng ăn gia đình, khu
quy hoạch Vinh Hà, Phú Vang, chiều 26/07/2021
Ngày mai là ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ, được nghỉ trực, tôi định
sẽ tìm đến địa chỉ Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang (từ tháng 7 chuyển lên Thành
phố rồi) ghi trong bệnh án, mà tôi đã chép lại cẩn thận trước khi nộp hồ sơ
nhập kho lưu trữ. Tuổi tôi đã gần 50, mắt mũi buổi chiều thường kèm nhèm, tôi
mở rộng tấm bản đồ chi tiết của huyện Phú Vang, hồi chiều mới mượn chị bạn làm
ở Phòng Địa Chính mà chẳng đọc được gì. Thôi đành nhờ thằng con trai cả tìm
giúp, nó là dân chuyên Tin, tìm đường đi theo Google Map chỉ là chuyện vặt. Hiếu ơi, con có
rảnh không? Tìm giúp mẹ đường đi đến Lại Thế đi! Thằng bé lôi chiếc
smartphone loại second hand, quà tặng khiêm nhường của vợ chồng tôi cho giải
nhì Tin học toàn tỉnh. Lại Thế hay Thế Lại hả mẹ? Phải chính xác, vì cái ở bờ
Bắc, cái ở bờ Nam. Loay hoay một
hồi, thằng bé chỉ rõ đường đi, hóa ra cũng gần. Nhưng mẹ tìm ai vậy? Vài bữa nữa, con cũng
sẽ tìm về vùng đó. Tôi lúng túng. À, thầy dạy học cũ của mẹ, con không biết
đâu. Mà con đến vùng đó để làm gì? Thằng bé mỉm cười, đưa cho tôi
một tờ giấy khổ A4. Mẹ xem đi, có phải tên của Ba Mẹ không?
Tôi nhìn lướt tờ giấy, bàng hoàng đến sững sờ. Rõ ràng là tên hai vợ
chồng tôi, những người nuôi dưỡng thằng con cưng trước mặt mà không nghĩ có
ngày được nêu tên. Giọng thằng bé thật sôi nổi, thoáng nét tự hào. Tổ chức học bổng
HHF thành hình mấy năm nay rồi, 100% quỹ đóng góp
của những nhà hảo tâm đều làm từ thiện. Mỗi
năm học, HHF thông báo về một số trường phổ thông vùng sâu, vùng xa, nhờ chọn hai
học sinh nghèo – hiếu học để trao học bổng, lại thưởng thêm nếu học sinh đó đạt
giải cấp Tỉnh. Năm học vừa qua, con và một bạn học khác được chọn nhận học bổng,
tính ra mỗi người được gần một triệu rưỡi, mẹ ạ. Trong khi tôi say
sưa ngắm dòng chữ in tên mình như ngày trước nhận giấy chứng nhận học sinh tiên
tiến, thằng bé thủ thỉ. Như mọi năm, Nhà trường nhận về, trao cho học sinh nhân
ngày khai giảng năm học mới, thường là đầu tháng 9. Năm nay vì dịch CoVid không
cho tập trung đông, nên tự mỗi học sinh sẽ đến nhận trực tiếp. Ngày đó nếu ba
bận việc, mẹ đi với con nhé. Giọng nó lại liến thoắng. Con chỉ sợ không
gặp được ông phụ trách học bổng để cảm ơn. Ngày nộp hồ sơ, ông bị tai biến còn nằm
trên giường, chỉ có cô nhận hồ sơ, ông duyệt và in thông báo với chữ ký của ông
đã scan sẳn...
Nhìn kỹ mẫu chữ ký phóng khoáng ở cuối trang, tôi đã đoán ra ngay họ tên
của chủ nhân. Nước mắt rưng rưng, tôi thầm nhủ với lòng mình: Thế là thầy đã
phần nào bình phục, đã soạn được những bản thông báo đến những học sinh được
học bổng, vinh danh cả họ tên những người nuôi dưỡng. Em sẽ không chờ đến ngày
nhận học bổng của con em nữa. Ngày mai, em sẽ cùng con đến thăm thầy, biếu thầy
chục trứng gà nhà mới đẻ, và xin trân trọng gọi lại chữ THẦY mà em đã trót
quên.
-ooOoo-
Mới có dịp đọc lại câu chuyện của Thầy. Rất hay và ý nghĩa. Có 1 ít lỗi chính tả tuy nhiên có thể đó là lời văn chân thật nhất.
Trả lờiXóaCó phải thầy đang kể lại câu chuyện của chính mình không? em thấy hình ảnh của Thầy là nhân vật Tuynh nhóm siêu quậy với biệt danh Twin Falcone - kiên định thẳng tính và quyết đoán. Nhân vật tôi là bác sĩ người quen cũ của Thầy từ hồi nhóm siêu quậy tới đi học toán xác suất thống kê rồi làm bác sĩ chữa cho Thầy hiện tại. Ấn tượng với người vợ tần tảo của thầy là Cô Hà, k thể so sánh đc với chị Như bạn gái xưa của Thầy hiện giờ có cuộc sống sung túc nhưng không mấy hạnh phúc, ... Cuối cùng nhân vật tôi lại càng bất ngờ và biết ơn về Thầy khi con trai của bà đang nhận học bổng HHF do Thầy sáng lập và quyết định đến thăm người Thầy mà lâu nay đã quên.
Cho thấy câu chuyện rất hay và ý nghĩa truyền tải thông điệp về lòng biết ơn, tri ân Thầy Cô, nói về giá trị cuộc sống với hạnh phúc giản dị nhất, điều quan trọng là biết trân quý những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Chúc Thầy thật nhiều sức khỏe, chúc Thầy Cô luôn luôn hạnh phúc!