Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Truyện ngắn 15


ĐÁNH GIÁ MỘT NHÂN CÁCH
Phụ nữ thường có thói quen dựa trên cảm tính khi đánh giá, rồi viện lý do đó để biện minh khi mắc sai lầm. Tôi tự cho là người khoa học, luôn tìm cách tránh vết bánh xe đổ đó trong công việc hàng ngày, cố gắng đánh giá mọi sự kiện đúng trình tự logic. Vậy mà, cuộc sống muôn mặt có những sự kiện vượt quá suy luận, quá óc tưởng tượng khá phong phú của tôi. Trường hợp gã Hai Xị là một dẫn chứng cụ thể…
*****
Tôi tiếp xúc với Hai Xị lần đầu cách đây hai năm, đúng ngày đầu tháng tư - Ngày Nói Dối.
Hôm đó mưa lất phất, trời mới chạng vạng mà đã tối sầm. Tôi chuẩn bị bàn giao phiên trực, định đi shopping thư giãn ở Plaza thì từ chiếc taxi dừng trước cửa, một phụ nữ nước ngoài vội vã bước xuống. Nét bối rối lo âu không làm mờ nhạt dáng dấp quý phái, cách chào hỏi, ăn nói của bà khách chứng tỏ phong cách đường bệ của tầng lớp quý tộc, đứng gần bà tôi thấy thoang thoảng mùi nước hoa Chanel No.5… Nhờ vốn tiếng Anh ở đại học cách đây mươi năm thỉnh thoảng vẫn dùng đến, cộng với khả năng diễn đạt chủ yếu bằng tay của người lái taxi, tôi nắm sơ được nội dung trình báo: bà là Monique Sylvestre, quốc tịch Pháp, hiện tạm trú tại Century Hotel, vừa mới đánh rơi một chiếc túi xách khi đi dạo trong công viên; ngoài một số vật dụng thông thường, trong túi xách có một số giấy tờ quan trọng mà bà rất mong chuộc lại nếu có người nhặt được… Tôi loay hoay làm biên bản, cố nén tiếng thở dài: thời buổi gạo châu củi quế này, người ngay rất dễ biến thành kẻ gian, tài sản cầm bằng mất hẳn, không biết có tìm lại được giấy tờ không? Tôi định ấp úng mấy lời chia buồn với bà Monique thì lại ngẩng lên: Hai Xị xuất hiện trước mặt, chiếc ba lô cũ mèm đeo sau lưng, lê đôi dép cao su mòn vẹt đế bước vào. Đó là một gã tuổi sồn sồn, tự khai là dân tộc Kinh lai Bahnar, loại thợ đụng trên địa bàn do tôi quản lý. Nghe đồn gã có thói quen mỗi đêm uống đủ 2 xị rượu mới ngủ được, lâu ngày kết thành tên luôn. Một nụ cười nửa miệng xuất hiện trên bộ mặt sứt sẹo cháy nám, tàn tích của bom napalm – bọn nhóc gọi gã là Quasimodo, tức Thằng Gù ở Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo. Tôi nghĩ, người yếu bóng vía ban đêm một mình thấy gã chắc xỉu mất, không biết gã dở hơi này định quấy rầy gì nữa? trước mắt, tôi vẫn phải giữ đúng tác phong người công an khu vực khi làm việc…
Tôi thấy rõ bà Monique né hẳn sang một bên tránh Hai Xị, chợt khuôn mặt đăm chiêu của bà sáng bừng, cười rạng rỡ khi thấy hắn lấy từ chiếc ba lô thổ tả ra chiếc túi xách tay hàng hiệu: đúng là Châu Về Hợp Phố rồi!… Tôi phấn khởi bắt tay chúc mừng bà, rồi làm luôn biên bản bàn giao chiếc túi xách nữ hiệu Gucci (chứa một phong bì giấy tờ dày cộm, có dấu niêm phong của Đại sứ quán Việt Nam ở Cộng hoà Pháp, bốn ngàn hai trăm bảy mươi ba Euro, hai triệu đồng tiền Việt Nam, một máy ảnh Canon EOS 6D, một điện thoại Luxor Las Vegas, vài thứ lặt vặt như hộp mỹ phẩm Shiseido và hộp danh thiếp ghi rõ tên Monique Sylvestre, doanh nhân), do công dân Đinh văn Hai, ngụ ở Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang nhặt được trao trả cho chủ nhân (tôi liên lạc luôn với Lễ tân Century Hotal để bổ sung số hộ chiếu của bà Monique Sylvestre, nhân tiện xác minh lại lai lịch của bà). Điểm đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là khả năng ngoại ngữ của Hai Xị: sau mấy câu ngắc ngứ tiếng Anh tự giới thiệu, biết bà Monique là người Pháp, gã chuyễn sang dùng tiếng Pháp thật lưu loát, giọng mũi chính hiệu chứ không ngàn ngạt như đa số học viên lớp Pháp ngữ ban đêm. Đất nước mở cửa rồi nên tôi để cho gã nói thoải mái, nhưng trong thâm tâm, máu Sherlock Holmes nổi lên, gã học tiếng Pháp từ hồi nào mà thông thạo quá vậy? Ngoài ra, trông bề ngoài cũng biết Hai Xị chẳng dư giả gì, tại sao gã lại hoàn trả đủ các tài sản nhặt được, hay gã định bỏ con săn sắt, bắt con cá rô?
Sau khi ký nhận đầy đủ tài sản đã đánh rơi, bằng giọng nói lịch lãm mà chân thành, bà Monique xin phép tôi được thể hiện lòng biết ơn (bà bảo dù hôm nay là Ngày Nói Dối, nhưng bà rất thật lòng), bằng cách gọi điện đến Cửa hàng nội thất Hoàng Anh Gia Lai đặt mua cho trụ sở Công an phường một bộ bàn ghế tiếp khách loại I (chúng tôi đang phải tiếp khách tạm thời trên chiếc ghế băng thô sơ, vài chiếc ghế nhựa), sau khi tôi thay mặt Công an Phường kiên quyết từ chối mọi quà tặng hiện kim. Riêng với Hai Xị, bà Monique mời về Phòng Lễ tân của Century Hotel để nói chuyện nhiều hơn. Tôi định dặn Hai Xị nhớ giữ thể diện đất nước, đừng tối mắt trước của cải vật chất, nhưng lại thôi: gã có phải là đại diện đất nước hay cá nhân tôi đâu, bất quá gã cũng như mấy gã xích lô, xe ôm thường xuyên lượn lờ quanh đám khách nước ngoài, để mặc gã tự lo liệu…
Taxi đưa hai người đi rồi, tôi quên luôn dự định shopping, mở tủ hồ sơ, tỉ mẫn đọc lại bản lưu lý lịch tự khai của Hai Xị, đã được Công An huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai xác nhận thời gian trước 1986. Hai Xị tên đầy đủ là Đinh văn Hai (họ Đinh phổ biến của dân tộc Bahnar), năm nay 56 tuổi, quê quán ở Đức Cơ, Gia Lai. Tốt nghiệp phổ thông ở Pleiku năm 1974. Tham gia du kích gần 1 năm, bị thương do bom napalm, không là thương binh. (Tôi ngờ ngợ: học phổ thông rồi làm du kích, vốn tiếng Pháp từ đâu ra?) Sau ngày giải phóng, làm thợ hồ ở các tỉnh Tây nguyên, trôi nổi về quê nội ở Huế; năm 1987 lấy vợ quê Nghệ An, chưa có con, không hiểu sao lại chia tay. Nghề nghiệp: thợ hồ theo thời vụ, hợp đồng gác đêm ở Trường phổ thông cơ sở Trần hưng Đạo, có một giấy khen của địa phương hồi chống lụt năm 1999… Tôi không xa lạ với Đức Cơ: chính ủy trung đoàn trước khi tôi xuất ngũ đi học công an - bố Quýt đỡ đầu cho tôi - là thổ công Đức Cơ, đang nghỉ hưu ở đó…
Tôi gọi điện cho bố Quýt, hỏi thăm sức khoẻ và nhờ bố xem lại ở Công an Huyện, lý lịch Đinh văn Hai, hôm sau có thông tin phản hồi ngay: Đinh văn Hai có lý lịch chưa rõ ràng - hồi chống Mỹ, gã khai tham gia dân công, đến 04/1975 bị thương nặng, chữa thương ở Đức Cơ rồi tham gia du kích luôn vì đơn vị cũ đã bị xoá phiên hiệu. Công an ở đây làm việc qua loa (thật đáng trách), sau ngày giải phóng, thấy gã tuy uống rượu như nước lã nhưng công tác tích cực (mấy lần gã được xã đội tuyên dương về thành tích tháo gỡ bom mìn) nên không nghi ngờ gì, khi gã nói muốn nhận quê mẹ Đức Cơ làm quê gốc cũng đồng ý, xác nhận luôn vào lý lịch. Thời gian sau này, có mấy thông tin tố cáo Đinh văn Hai có thời gian tham gia quân đội Saigon trước tháng 04/1975. Tôi tự nhủ: sớm muộn phải thẩm tra lại chi tiết này, tuy Hai Xị không thuộc diện cốt cán để phát triển, nhưng theo nguyên tắc, tôi phải nắm được lai lịch của mọi người sinh hoạt trên địa bàn mình phụ trách chứ.
*****
Khoảng 2 tuần sau, tôi lại tiếp xúc với gã ở sân bay Pleiku, khi chờ chuyến bay trở về Đà Nẵng.
Lâu lắm tôi mới có dịp đi máy bay, từ khi giá vận chuyển hàng không tăng chóng mặt, so với đồng lương của cán bộ viên chức nhà nước. Mọi khi có việc đi Tây nguyên, tôi đều đi xe ô tô Quốc Toàn, một hãng xe uy tín, không tranh đua tốc độ giành khách với xe khác (tôi thấy không có gì vô duyên bằng chết vì tai nạn giao thông, mất mạng vì lỗi lầm không phải của mình). Lần này, bên cạnh việc thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho một chiến sĩ trong ngành, tôi nhận thêm nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị giao: chuyễn hài cốt của một liệt sĩ về quê. Mẹ Đinh thị Mằng được Nhà nước phong là Mẹ Anh Hùng vì có chồng và hai con đều là liệt sĩ, đơn vị Công an Phường do tôi phụ trách nhận trách nhiệm nuôi dưỡng cho mẹ lúc tuổi già. Tuổi mẹ đã gần 90 nhưng vẫn rất minh mẫn, hàng tháng vẫn chống gậy ra thăm mộ chồng và con trai cả ở Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện; Mẹ chỉ buồn vì anh Chung, con trai út chết mất xác trước ngày miền Nam giải phóng, tuy đã được công nhận liệt sĩ nhưng ở quê chỉ có mộ gió thôi, vì chưa xác định được phần mộ của anh ở đâu để chuyễn hài cốt về; Mẹ vẫn mơ ước có ngày đem được nắm xương anh Chung về quê nhà là Mẹ có thể yên tâm nhắm mắt…
Tuần trước, Sở Lao động - Thương binh Xã hội Gia Lai có điện về báo tìm được hài cốt của anh, báo lại cho các đơn vị liên quan thông tin về cho Mẹ. Một cơ sở cách mạng tìm được mộ phần của anh, trên cổ hài cốt gói trong tấm poncho vẫn còn tấm thẻ bài inox mang họ tên Hoàng văn Chung, KBC …… (hồi đó anh nhận nhiệm vụ làm nội gián trong Lực lượng Đặc biệt của sư đoàn Mãnh Hổ, đóng tại Đức Cơ). Thế là thỏa lòng mẹ Mằng rối! Anh chị em trong đơn vị tôi đều xem chuyện nhà Mẹ như chuyện nhà mình, vui vẻ đóng góp kinh phí để tôi đi máy bay lên Gia Lai rước anh Chung về với Mẹ cho nhanh chóng, thuận lợi. Ông xã tôi cũng hứa trong nom kỹ hai thằng nhóc khi tôi đi vắng…
Mọi việc đều suôn sẻ như ý đến ngày tôi nhận bàn giao hài cốt tại Hội trường Sở. Ông Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai chủ trì buổi Lễ bàn giao (ngày trước chính ông đã trực tiếp giao nhiệm vụ, ông đã xác nhận để xét cấp chứng nhận liệt sĩ cho anh Chung), đứng bên cạnh ông là Hai Xị, gã mặc quần áo dân sự khác hẳn mọi bộ quân phục chung quanh, nghe mọi người nói chính gã đã tìm ra hài cốt anh Chung… Vấn đề nảy sinh: không ai biết thủ tục vận chuyển hài cốt theo đường hàng không thế nào, tôi định trả vé máy bay để đi xe ô tô, nói khó với lái xe chắc cũng êm, may thay con trai bố Quýt làm ở Cảng hàng không Pleiku đã làm giúp (tất nhiên, với sự có mặt của tôi) các công đoạn kiểm dịch y tế, đóng gói trong hòm cứng, làm thủ tục ký gởi trong khoang hàng hóa chuyến bay trở về Đà Nẵng của tôi. Thay mặt con, bố Quýt từ chối đề nghị của tôi xin thanh toán các chi phí, bố bảo xem như một món quà nhỏ cho người Mẹ Anh Hùng… Bận bịu theo thủ tục hành chính, tôi không nói chuyện với Hai Xị được, định bụng về Huế sẽ tìm đến nhà gã ở trọ hỏi chi tiết, và thay mặt đơn vị chính thức cảm ơn gã góp phần giúp chúng tôi hoàn thành trách nhiệm với mẹ Mằng...
Buổi chiều chờ máy bay ở Pleiku về Đà Nẵng, trong lúc vẫy tay tạm biệt con trai bố Quýt thì nghe tiếng chào, quay lại tôi thấy Hai Xị, sau lưng gã là khuôn mặt tươi cười của bà Monique. Trong bộ cánh sơ mi, quần tây, Hai Xị trong sáng sủa hẳn, gã thay mặt bà Monique mời tôi vào uống nước trong phòng chờ của sân bay. Tôi thong dong xách chiếc túi nhẹ tênh, chỉ có cặp giấy tờ đựng giấy xác nhận của Đảng bộ địa phương, phiếu hành lý ký gởi và hộp cà phê Gia Lai, quà cho đơn vị. Tôi định ngồi tại bàn giải khát thì bà Monique mời vào hẳn phòng trong, sau này tôi mới biết bà có thẻ máy bay loại kim cương, theo quy định có thể mời 2 khách giải khát miễn phí trong phòng chờ…
Hai Xị đóng vai phiên dịch giữa bà Monique và tôi thật hoàn hảo. Đúng ra, gã chỉ dịch sang tiếng Việt lời của bà Monique, bà đang trong trang thái phấn khích nên nói khá nhiều, khác hẳn thái độ điềm đạm quý phái lần trước tôi gặp. Mục đích của bà ở Việt Nam là tìm hài cốt con trai bà, phóng viên Michel Sylvestre tử nạn hồi tháng 04/1975, đốt thành tro và làm thủ tục mang cốt tro về Pháp. May mắn gặp Hai Xị hôm trao trả túi xách đánh rơi, qua buổi nói chuyện ở Phòng Lễ tân của Century Hotel, bà biết gã đã từng ở Đức Cơ và Pleiku hồi tháng 04/1975. Lần tiếp manh mối, khi bà kể chuyện đang đi tìm hài cốt của cậu con trai Michel Sylvestre, phóng viên biệt phái của báo Le Monde tử nạn ở Gia Lai, Hai Xị cho biết: thời điểm hỗn loạn tháng 04/1975, gã đã đi cùng chuyến xe bị nạn, chứng kiến cái chết và chôn cất Michel, gã hứa thu xếp đưa Monique đi Gia Lai tìm mộ Michel.
Trước khoản thù lao hậu hĩ, nhiều người dân địa phương sẵn sàng bỏ việc đồng áng, cùng Hai Xị đi tìm …ba tảng đá lớn chụm lại hình tam giác, nằm chênh chếch giữa cây cổ thụ lớn và rừng kơnia… trên quốc lộ 19, cách nơi đồn trú của Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ, khoảng 2 km về phía Pleiku. Đất đai vùng này chưa bị khai hoang mấy, sau hơn 30 năm vẫn còn dáng dấp cũ, chỉ sau hai ngày là Hai Xị tìm ra. Cùng chôn với Michel Sylvestre là một xác mang quân phục rằn ri, nhưng Hai Xị biết rõ đó là Victor Charlie (Việt Cộng, theo cách gọi của quân đội Mỹ)… Vì vậy, trước khi khai quật, Hai Xị liên hệ với Sở Lao động – Thương bình xã hội, tìm được ông Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, ngày trước chính là cấp trên của anh Việt Cộng này: tấm thẻ bài còn đeo trên cổ ghi tên Hoàng văn Chung, là con út của mẹ Mằng, mà hài cốt đang được tôi làm thủ tục chuyễn về quê nhà.
Khi biết câu chuyện tìm hài cốt của anh Chung và phóng viên Sylvestre, những điểm tương đồng về không gian, thời gian giúp tôi đoán trước ý đồ tận dụng một công, đôi việc của Hai Xị. Tự nhiên, tôi thấy xót xa trước sức mạnh của đồng đô la Mỹ, hay đúng ra là đồng Euro của bà Monique - người mẹ Pháp đang mỉm cười trước mặt tôi, so với những công sức của đồng bào, đồng chí giúp tôi đưa anh Chung về. Trước công việc tìm hài cốt tưởng như mò kim đáy biển của bà Monique, những thủ tục hành chính rắc rối để vận chuyển (mà tôi đã may mắn vượt qua nhờ mối quan hệ giữa các đồng đội), bà Monique (và Hai Xị) đã dễ dàng hoàn tất bằng sức mạnh của đồng tiền. Nhìn lọ tro cốt khằn kín của anh phóng viên Michel, trang trí thật trang nhã trên nền sứ trắng, được bà Monique cẩn trọng đặt trong chiếc valise nhỏ bằng nhung, kèm tờ giấy có dấu kiểm dịch của Sở Y tế, tôi lẩn thẩn tự nghĩ, riêng chi phí mua chiếc valise nhung vỏ bọc chắc hơn hẳn chi phí vận chuyển anh Chung về với mẹ Mằng mà mọi người trong đơn vị tôi và đồng đội thân quen đã gom góp lại. Nhìn bà Monique lấy tờ 5 đô la pourboire cho người phục vụ, tôi thầm so sánh, giá vé xe Đà Nẵng – Huế chỉ bằng nửa chừng đó. Tự nhiên tôi thấy đắng miệng, không nhấp nổi ngụm nước suối mà người phục vụ đã lễ phép rót ra ly, lại bâng khuâng nghĩ đến công đoạn bắt xe từ sân bay Đà Nẵng ra Huế trong đêm tối, với chiếc hòm cứng bọc vải dầu, có anh Chung trong đó… May thay, trong 50 phút bay ngắn ngủi, bà Monique (thông qua phiên dịch Hai Xị) đã chủ động mời tôi cùng ra Huế trên chuyến xe đã đặt sẵn, tôi gượng cười mấp máy mấy lời cảm ơn bà, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh
Chiếc xe Camry vừa dừng trước nhà mẹ Mằng ở xã Thủy Dương gần quốc lộ 1, Hai Xị đang ngủ gà gật đã choàng tỉnh ngay, gã vội vàng rời ghế trước, lăng xăng ra mở cốp sau, giành bê chiếc hòm cứng bọc vải dầu mang vào sân nhà mẹ Mằng: trong nhà, mẹ đã thắp hương bàn thờ từ chập tối, trong nhà có mấy anh em trong đơn vị tôi đã đến trực nhà mẹ đêm nay, sáng mai chúng tôi sẽ đưa anh Chung ra Hội trường Xã làm Lễ rồi đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện. Tôi trực tiếp cảm ơn bà Monique, rồi gọi điện về nhà, báo với chồng con: tối nay ngủ lại ở nhà mẹ Mằng, có quá nhiều chuyện để tâm sự với Mẹ, và thầm nghĩ: mình không cần cảm ơn Hai Xị nữa, gã cũng chỉ làm thuê thôi - dù là làm thuê cao cấp, chắc chắn khoản tiền bà Monique bồi dưỡng đủ cho gã sống đổi đời rồi…
Một thời gian sau, Hai Xị làm đơn xin chuyển hộ khẩu về lại quê mẹ Đức Cơ, tôi lẳng lặng làm thủ tục cho gã ra đi, không có ý kiến gì.
*****
Bức màn bí mật về cuộc đời Hai Xị đã được vén lên sau đó một năm, khi ông Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai gặp tôi ở Huế trong chuyến du lịch thăm lại chiến trường xưa. Sau khi thăm mẹ Mằng, thắp hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện, ông ghé thăm gia đình tôi, chuyển chai mật ong rừng của bố Quýt. Nhắc đến Hai Xị, ông thở dài: Phải mất nhiều thời gian, tra cứu lại tài liệu của nhân chứng đã chết, đối chiếu lời khai của người còn sống, chúng tôi mới xác định được vai trò của Đinh văn Hai trước 04/1975. Ông trầm ngâm nhớ lại rồi kể tiếp: năm 1974, tốt nghiệp tú tài, Hai tham gia du kích, phối hợp tác chiến với trung đoàn 12 quân chủ lực, sau đó nhận nhiệm vụ làm nội gián trong Lực lượng Đặc biệt của sư đoàn Mãnh Hổ tại Đức Cơ, vừa thành lập để giành lại quận Lệ Thanh đã bị quân giải phóng chiếm đóng. Tình cờ, Hai cứu sống vợ của chuẩn tướng CHH, tư lệnh Khu 24 Chiến thuật Đặc biệt, bị cơn lũ rừng cuốn trôi; Hai được chuẩn tướng tin dùng, bổ dụng làm thư ký riêng, vì Hai thông thạo ngoại ngữ, lại có ơn riêng. Sau một thời gian, nắm bắt được thông tin về sơ đồ bố phòng của Lực lượng đặc biệt, Hai chuyển tài liệu theo đường dây mật, đầu mối là anh Chung, đã được tôi cài vào Lực lượng từ trước. Dựa trên tài liệu đó, quân chủ lực đã tổ chức đánh trận quyết định, phá tan trụ sở của Lực lượng Đặc biệt, giải phóng Đức Cơ, làm chủ hoàn toàn mặt trận phía Tây Pleiku. Ông thở dài ngậm ngùi: Sau này, đối chiếu lại thông tin mới rõ: tháng 04/1975, hoạt động nội gián bị lộ, chiếc jeep có thư ký Hai và lái xe Chung, dù đã lấy danh nghĩa đưa phóng viên Michel Sylvestre ra sân bay Pleiku, bị mấy chiếc Skyraider oanh kích trên đường 19. Trong ba người trên xe, chỉ có Hai thoát chết, nhưng bị bom napalm đốt cháy cả người. Chôn cất Michel và Chung xong, Hai tìm về đến Đức Cơ dưỡng thương, rồi xin tham gia du kích tiếp. Khi đó, chính ủy Xuân, cấp trên của Hai đã chết, không có ai chứng nhận nên từ đó, Hai phải sống với lý lịch giả, hồi đó chủ nghĩa lý lịch nặng nề lắm, ai đã trót mang tiếng ngụy thì khó vươn lên được. Hai sinh tật uống rượu, bảo với bạn bè: uống để quên đời, rồi đi lưu lạc khắp nơi…
Mắt ông ánh lên niềm lạc quan: Ngẫu nhiên, bà Monique qua tìm hài cốt của con, tạo điều kiện cho Hai quay lại Đức Cơ tìm mộ Michel và Chung. Sau buổi Lễ Bàn giao hài cốt anh Chung, một cựu chiến bình đã tìm đến tôi, bàn giao cuốn sổ tay, di vật của đồng chí Xuân, chỉnh ủy trung đoàn 12, là người đã giao trách nhiệm làm nội gián cho Hai, trong đó có ghi rõ nội dung phân công, các hoạt động và thành tích của Hai. Sau một thời gian nghiên cứu, đối chiếu, cách đây 6 tháng, Tỉnh đội Gia Lai mời Đinh văn Hai lên làm thủ tục công nhận thành tích và đang đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đinh văn Hai!
Trả lời thắc mắc của tôi về cuộc sống của Hai Xị ở Đức Cơ, liệu gã có trở thành đại gia trên đó không, ông Thành cười mỉm: Với tư cách là Chủ tịch Cựu chiến binh, tôi đang chủ trì một dự án cho vay vốn sản xuất nhỏ (micro-economic) tương đương 30.000 Euro: mỗi năm một đợt vào ngày Tết Quân đội, Dự Án cho 20 cựu chiến binh mượn 500 Euro/người trong 3 năm để sản xuất rồi hoàn trả vốn không tính lãi; sau 3 đợt như vậy, Dự Án sẽ lấy tiền trả của đợt 1 cho đợt 4 vay, rồi tiền trả đợt 2 cho đợt 5 vay, tiền trả của đợt 3 cho đợt 6 vay, cứ cuốn chiếu như thế, các cựu chiến binh trước sau gì cũng có vốn sản xuất. Riêng Đinh văn Hai vừa được công nhận là cựu chiến bình, xin hưởng chỉ một suất mượn vốn đợt 1. Cô vợ Nghệ An quay lại với Hai rồi, lên ở cùng trên này, xem ra hạnh phúc lắm. Câu kết của ông Thành giúp tôi hiểu ngay nguồn gốc của dự án này: tên dự án là Đinh Sylvestre!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét