Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Truyện ngắn 14

 MỘT MẢNH GHÉP PHÙ HỢP
Chuyến tàu SE6 đang lăn bánh trong đêm mưa, chậm dần rồi ngừng lại. Đến ga Quảng Ngãi rồi! Điện thoại tôi rung nhẹ, báo có tin nhắn. Nhìn đồng hồ, đã 23g20! Tôi trở mình, bấm máy đọc mấy dòng ngắn ngủi của cậu Bình phó đoàn, đang nằm trong khoang bên cạnh: Theo kế hoạch, 7g15 sáng mai tàu đến Huế. Buổi chiều mới đăng ký các đoàn dự Hội Trường. Buổi sáng Cô đi đâu không, để em mượn xe? Tôi im lặng, tắt hẳn nguồn điện thoại cho tĩnh tâm. Lần này về dự ngày Hội thành lập Trường, với cương vị Trưởng đoàn của cơ quan, dù được tiêu chuẩn đi máy bay, nhanh chóng và tiện lợi hơn, tôi vẫn muốn đi cùng các thành viên khác trên chuyến tàu quen thuộc năm nào, vừa để hòa đồng với tập thể, vừa để tìm lại kỷ niệm một thời đi học…
Trong khoang giường nằm êm ấm, đã mấy tiếng đồng hồ rồi mà tôi vẫn không dỗ được giấc ngủ như thói quen thời sinh viên: hồi đó, cuối tuần về thăm nhà, tôi thường tranh thủ ngủ, thậm chí ngủ ngồi trên chuyến tàu về Huế, kịp buổi học đầu tuần sáng hôm sau. Giáo vụ Trường Đại học Y Dược quy định điểm danh rất chặt chẽ, nên để lách luật, lớp chúng tôi đã thống nhất điểm danh buổi sáng vào tiết thứ nhì, cho những học viên hay về thăm nhà tranh thủ (như tôi) đến ga Huế vào chuyến tàu sớm, kịp thuê xe ôm chạy thẳng đến Trường để hô: có! Quy định này ít nhiều gây căng thẳng cho sinh viên, nhưng cũng rèn cho chúng tôi ý thức khép mình vào kỷ luật, trước hết là nội quy về giờ giấc…
Khó ngủ thật! Tôi bồi hồi nhớ lại thời gian đi học, bốn năm trời thoảng qua như một giấc mơ.
* * *
So với các bạn cùng lớp, tôi tương đối cứng tuổi hơn: tốt nghiệp dược sĩ trung học, tôi lập gia đình, lo cho các con ăn học lớn khôn mất hơn chục năm; sau đó, theo nhu cầu phát triển đào tạo, trường trung cấp (lúc đó, tôi đang là trợ giảng) yêu cầu tôi học tiếp lấy bằng đại học, dù tuổi tôi đã hơn 40! Thời gian đầu đi học, nhìn tôi thao tác thành thạo trong các buổi thực hành (ở trường trung cấp, tôi hướng dẫn thực hành Hóa Dược), biết tuổi của tôi, một số bạn trong lớp gọi tôi bằng thay vì chị, làm tôi đâm ngượng vì người nghe cứ tưởng tôi là cô giáo! Yếu tố cuối cùng để tôi chính thức đề nghị các bạn bỏ hẳn danh xưng là sự xuất hiện của Người Đó, với cương vị thầy giáo của lớp…
Các học phần do Người Đó đảm nhiệm là môn khoa học cơ bản, mà chúng tôi thường xem như những môn phụ, hỗ trợ cho chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, qua mấy khóa trước, biết Người Đó nổi tiếng là dũng sĩ diệt sinh viên, nên hôm nào có tiết của Người Đó, chúng tôi cũng lo chuẩn bị bài cẩn thận, nếu phải chào cờ trước mấy chục sinh viên thì ê cả mặt! Người Đó có quy định riêng về thứ tự gọi lên bảng làm bài tập, không theo danh sách hay vị trí ngồi trong lớp, mà theo chỉ định của người vừa hoàn thành nhiệm vụ làm bài trên bảng… Quy định này buộc mỗi sinh viên phải luôn chuẩn bị kiến thức vì có thể bị gọi bất ngờ, nhưng cũng vướng phải tình huống mà chính Người Đó đã nhận xét: bạn có thể chỉ định người mình tin tưởng về kiến thức, hoặc người mình đang căm thù!… Để tránh trường hợp sau, quy định được bổ sung: nếu giới thiệu người không làm được bài, thì chính mình phải làm thay! Trong buổi liên hoan chấm dứt các môn khoa học cơ bản, Người Đó tâm sự: mục đích chính của quy định này là để sinh viên thường xuyên trau dồi kiến thức, chứ ai muốn hành hạ sinh viên?
Tôi còn nhớ, với cương vị lớp phó học tập, khi thắc mắc về vài chi tiết khác biệt của bài giảng hiện tại so với bài giảng cách đây nhiều năm của Người Đó, tôi được giải thích: tôi thường đọc lại các bài giảng của mình, cố phát hiện ra những khiếm khuyết để hoàn chỉnh nội dung truyền đạt cho sinh viên; năm học sau, nếu tìm đọc bài giảng môn này, có lẽ em sẽ phát hiện điều khác biệt nữa… Tôi nhận thấy, khi ôn môn Cơ Bản để thi tuyển vào Cao học, các thí sinh thường tham khảo bài giảng của Người Đó… Có lần, Người Đó chấm bài kiểm tra, cho tôi 7 điểm, trong khi người chép bài tôi được 7.5 điểm, với lý do: với lỗi ngớ ngẩn này, lớp phó học tập đáng bị trừ điểm nhiều hơn người khác!
Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi và Người Đó lại vào dịp cuối học kỳ, chuẩn bị nghỉ Tết. Qua các sinh viên là cán bộ đi học của Trường, biết được quy định về chi tiêu nội bộ, chúng tôi phỏng đoán được thu nhập của các giáo viên, căn cứ theo chỉ số lương, chỉ số phụ cấp và định mức vượt giảng cả năm: chúng tôi thật sự xúc động khi thấy nhiều thầy cô vẫn tận tâm giảng dạy, dù mức thu nhập hàng tháng không cao hơn - nói một cách lịch sự - mức thu nhập của dược sĩ trung cấp chúng tôi. Ban Cán sự Lớp thống nhất trích quỹ lớp chuẩn bị chu đáo quà Tết cho tất cả các thầy cô đang giảng dạy cho lớp: trong mỗi túi quà, ngoài một ít trà bánh, mứt kẹo và chai rượu, chúng tôi còn kèm theo phong bì một chai (tiếng lóng chỉ một triệu đồng), khoản này nếu tính chia ra cho đầu học viên trong lớp cũng chẳng là bao… Do nhà Người Đó ở xa nhất so với các thầy cô khác, Ban Cán sự chúng tôi đến thăm chúc Tết nhà Người Đó cuối cùng, ngày 22 Tết (tôi nhớ rõ, tháng chạp năm đó là tháng thiếu), để sớm mai chúng tôi lên tàu về quê. Ban đầu gặp mặt chỉ khoảng 10 phút để thực hiện thăm hỏi xã giao theo thủ tục rồi gởi quà, rồi khi về gần đến chỗ trọ, tôi nhận điện thoại Người Đó yêu cầu tất cả quay trở lại để làm việc, hoặc sáng mai lên Phòng Hiệu trưởng, nhận lại quà Tết tôi gởi trả lại
Trong gần nửa giờ đồng hồ, trả lời lý lẽ có vẻ thuyết phục của Lớp Trưởng và Bí Thư: tất cả các thầy cô đều đã nhận quà Tết như nhau, Người Đó chỉ nêu câu hỏi: hơn 30 lớp học trong trường, liệu tất cả có gởi quà cho các thầy cô như thế không? Có nhiều sinh viên trong trường phải thuê phòng trọ ở chung, bốn năm người ngủ một giường, các anh chị biết không? Cuối cùng, trước lời nhận lỗi và năn nỉ của Ban Cán sự - hình như có cả những giọt nước mắt của tôi, Người Đó đồng ý nhận trà bánh, mứt kẹo, còn chai rượu thì buộc các sinh viên chiều mồng 7 Tết đến nhà Người Đó liên hoan đầu năm, riêng phong bì dứt khoát buộc chúng tôi phải cầm về. Nghe kể lại, trong buổi gặp mặt đầu năm vào chiều mồng 7, sau khi cùng mấy nam sinh viên lớp chúng tôi quất đổ chai Johnny Walker Red label quà tặng và thêm già nửa chai Black label còn trong nhà, Người Đó ví von: trước chủ nghĩa phong bì, tập thể giáo viên có 10% chống đối, có 10% ủng hộ, và 80% phiếu trắng - có cũng được mà không có cũng được; tôi thuộc 10% đầu tiên, muốn lôi kéo 80% cuối cùng theo mình… Tôi tin rằng, không chỉ riêng mình, mà còn nhiều học viên khác đã dành sự kính mến không nhỏ cho Người Đó, nên chẳng lấy làm lạ khi được biết, trong những chuyến đi dạy từ xa ở các tỉnh miền Trung nổi tiếng hiếu học, các học viên cũ đã tổ chức đón tiếp Người Đó hoành tráng như đón người thân thiết nhất…
Riêng tôi, ngoài sự kính trọng thường dành cho các thầy cô, tôi còn dành riêng cho Người Đó sự mến phục, ngưỡng mộ vì tính quảng đại (qua bạn bè, tôi biết Người Đó đang điều hành Hội Từ Thiện quyên góp tiền hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo khó trong bệnh viện) hoàn toàn đối lập với người bạn đời của tôi, mà sau này tôi buộc lòng phải chia tay… Một cách cảm tính, tôi đã dành nhiều thời gian hơn bình thường để học thật nhuần nhuyễn các học phần của Người Đó, đạt được kết quả cao nhất… Mãi đến sau này, khi chính thức đứng lớp giảng dạy cho học viên trường mình, tôi mới thấy ý nghĩa của những kiến thức cơ bản: thay vì chỉ tuần tự nêu lên các quy định chuyên môn, tôi có thể vận dụng kiến thức cơ bản để giải thích cơ chế của thứ tự ưu tiên các quy định trên. Ngoài ra, tôi còn học thêm được nhiều về tính cách Người Đó: tận tụy trong công việc, luôn tìm cách hoàn thiện chính mình…
Tuy nhiên, cá nhân tôi lại không muốn quá gần gũi với Người Đó, vì tôi biết đó là kẻ khắc kỷ: Người Đó đã tự đặt ra khái niệm limism (chủ nghĩa giới hạn): con người phải tự xác định giới hạn không thể vượt qua, nghĩa là phải biết dừng lại đúng lúc. Nhìn ánh mắt Người Đó dành cho tôi, tôi hiểu mình không chỉ là một sinh viên đơn thuần, đồng thời, trái tim tôi mách bảo với tôi rằng: Người Đó không chỉ đơn thuần là thầy giáo… Tuy nhiên, mỗi chúng tôi đều có những ràng buộc được xem là ngưỡng giới hạn, tôi nghĩ nên dừng lại ở cương vị là fan của Người Đó, thì mối quan hệ vẫn luôn trong sáng, đẹp đẽ dưới mắt mọi người… Thường ngày, Người Đó vẫn nói đùa với bạn bè: vật tư của tôi đang thừa, nếu ai cần tôi sẵn sàng biếu không…, nhưng tôi nghĩ Người Đó là người cha, người chồng chu toàn trách nhiệm với gia đình, vợ con, nên không một phụ nữ nào có quyền xen vào giữa. Vì thế sau này, được cất nhắc lên cương vị chủ chốt của cơ quan, có vị trí đáng kể trong xã hội, khi đạt những thành quả trong công việc mà tôi thầm hiểu ít nhiều xuất phát từ công sức đào tạo của Người Đó, tôi vẫn không muốn báo công trực tiếp làm xáo trộn cuộc sống gia đình, mà chỉ muốn những thông tin này đến với Người Đó một cách ngẫu nhiên, giống như thành quả của những học viên bình thường khác…
Chuyến tàu SE6 bắt đầu chạy ngược chiều, sau 30 phút dừng tác nghiệp ở ga Đà Nẵng. Luồng kỷ niệm của tôi cũng bắt đầu chuyển hướng, khi những thông tin tôi biết về Người Đó không còn mang tính chất bình ổn như trước nữa. Những lắc lư của chuyến tàu khi leo dốc đèo Hải Vân cũng dao động như những hoài niệm của tôi về đất Huế, trong đó có hình bóng một thời của Người Đó…
* * *
Tin dữ về Người Đó đến với tôi thật đột ngột, thông qua một đồng nghiệp đang học sau tôi mấy khóa ở Trường, gởi e.mail báo cho tôi, lúc đó đang đi tham quan ở Thượng Hải, Trung Quốc với cơ quan: trong chuyến đi công tác về nông thôn bằng xe máy, một chiếc xe ben chở đầy đất đá chạy theo chiều ngược lại đã mất lái, húc đổ dải phân cách giữa đường và đè nghiến lên chiếc xe máy Người Đó đang đèo một đồng nghiệp phía sau… Theo báo chí tường thuật, chiếc xe máy thuộc loại nồi đồng cối đá của Người Đó phải bẹp rúm dưới chục tấn đất đá, một khối đá ước chừng mấy tạ chỉ mới quệt qua đã đập tan chiếc mũ bảo hiểm (mà trước đây chúng tôi thường trêu dí súng AK vào bắn không lủng) của Người Đó. Người đồng nghiệp cùng đi mếu máo: thấy xe ben đổ tới, anh ấy xoay người đẩy tôi bắn sang vệ đường rơi xuống mương, tôi thoát được thì anh ấy bị… Tai nạn xảy ra trên quốc lộ IA, cách thành phố hơn chục cây số, gọi được xe cứu thương đến nơi đã hơn 20 phút, đến khi chở về đến Phòng Hồi Sức Bệnh Viện Trung Ương Huế đã gần 60 phút. Nghe nói Người Đó đã tỉnh lại một khoảng khắc trước khi ra đi, đủ để gặp mặt vợ con nói lời vĩnh biệt…
Tôi trở về nước với đoàn tham quan sau đó một tuần, bàng hoàng nhận tiếp qua e.mail tấm ảnh buổi lễ truy điệu Người Đó… Cha mẹ Người Đó đã mất, không có anh chị em, chỉ có gia đình bên ngoại các cháu. Tự nhiên tôi thấy ngờ ngợ khi nhìn kỹ những người trong ảnh: bên cạnh vợ con của Người Đó (mà tôi rất quen mặt) là một cháu gái 15,16 tuổi mang khăn tang, nét mặt thanh tú giống hệt một người phụ nữ trẻ đẹp, rõ ràng là mẹ của cháu, đang nắm tay cháu và một cháu trai nhỏ hơn, hai người này lại không mang khăn tang. Một dấu hỏi to tướng mọc ra ngay trong đầu tôi, ba mẹ con này là ai mà lạc vào gia đình tang tóc này, cháu gái để tang, hai người kia lại không?
Thiên hạ vẫn thưòng nói: chờ đến khi nằm xuống, mới biết hậu duệ…, biết đâu đây là sản phẩm Người Đó để lại trong nhân gian, sau những chuyến công tác xa nhà; đến khi từ biệt cõi trần, gia đình mới cho cháu đến nhận tang. Vợ Người Đó là người rất kỹ tính, không thể dễ dàng cho người khác chịu tang nếu không biết rõ lai lịch rõ ràng, chắc Cô đã đồng ý cho cháu gái thắt khăn tang để vong linh Người Đó khỏi tủi... Tôi ngậm ngùi nhớ lại những lần Người Đó nửa đùa nửa thật: thầy bói bảo số tôi chịu một lời nguyền không sinh được con gái; thật vậy, đi gởi mấy nơi chỉ được toàn là con trai thôi… Thầy ơi, nếu đúng như thế, chắc Thầy cũng ngậm cười nơi chín suối, vì đã có cô con gái dễ thương như thế phá bỏ lời nguyền mà thầy bói nhắc đến rồi… Tôi lẩn thẩn nghĩ thêm, nếu phải tìm con ngoài giá thú, phụ nữ thường tìm người đàn ông đáng mặt nam nhi, mà từ trước đến nay, ngoài chi tiết mới phát hiện này, người khắt khe như tôi còn phải nhận xét Người Đó tương đối hoàn chỉnh mà. Tuy an ủi với suy nghĩ này, tôi vẫn cứ chạnh lòng, có vẻ như trong lòng tôi, hình tượng lý tưởng của người sáng lập chủ nghĩa giới hạn đã lung lay tới tận gốc rễ, chân dung của Người Đó trong trò chơi ghép hình puzzle cứ lệch lạc thế nào ấy… Nhớ lại lời các cụ đã khuyên để tự an ủi: đừng lý tưởng hóa một ai cả, cứ để họ sống bình thường, với những tình cảm của con người bình thường, thì người đó và chính ta nữa, cũng sẽ thấy thoải mái vô cùng…
Nói gì thì nói, rõ ràng tôi không thấy yên tâm với những nhận định và lập luận của chính mình. Một thời gian sau, không nén lòng được, tôi đã tìm cách liên lạc với vợ Người Đó để hỏi cho ra nhẽ. Sự thật đến với tôi thật bất ngờ, đúng ra là thật đơn giản, chỉ do tôi suy đoán quá phức tạp rồi tưởng tượng ra đủ chuyện: Người Đó không hề quen biết gì với ba mẹ con này, ngược lại, cả đại gia đình ba mẹ con, cha các cháu và cả ông bà nội ngoại chúng chỉ quen biết gia đình Người Đó sau tai nạn thảm khốc trên. Trong thời gian ngắn ngủi cuối cùng trong đời - giây phút hồi quang phản chiếu như cây đèn bùng sáng khi sắp tụt bấc, biết mình khó qua khỏi, Người Đó đã thuyết phục vợ con đồng ý cho mình hiến tạng giúp cho những người còn sống có nhu cầu. Lá gan của Người Đó, thông qua các phẫu thuật viên của Bệnh viện Trung Ương Huế, được ghép cho cha các cháu đang bị suy gan mạn, ngẫu nhiên đã có thông số phù hợp đến lạ kỳ. Một số tạng khác như thận, giác mạc… của Người Đó cũng đã được bảo quản chờ chuyển tiếp cho hàng loạt bệnh nhân đang chờ, trong cả nước số nhu cầu ghép tạng quá lớn so với số cung ít ỏi… Trong bệnh viện, cha các cháu đã hồi phục rõ rệt, gia đình nội ngoại quá đỗi vui mừng, không quên giao nhiệm vụ cho mấy mẹ con đến viếng và chịu tang Người Đó như cha mình. Vì ông bà nội ngoại các cháu còn mạnh khỏe, theo đề nghị của Cô, gia đình chỉ cần cho cháu gái đeo khăn tang thay cho cả nhà, vì hồi còn sống, Người Đó cũng chỉ ước mơ có một mụn con gái…
* * *
Buổi sáng đến Huế, tôi nhờ cậu Bình tạm phụ trách đoàn, và nếu có điều kiện, tổ chức cho mọi người đi tham quan đền Huyền Trân Công chúa mới hoàn thành hai năm trước. Riêng tôi, thực hiện xong các thủ tục ở khách sạn, tôi lặng lẽ gọi taxi đến nhà Người Đó… Tôi đã bận bịu mãi, đến hôm nay mới có dịp đến thăm hương linh của Thầy; nếu được, tôi sẽ xin cùng Cô đi thăm mộ Thầy, và thưa với người đã khuất: em đã tìm ra mảnh ghép cuối cùng, làm cho bức chân dung của Thầy tuyệt vời hơn cả trí tưởng tượng của em nữa; em sẽ xin tham gia bảo trợ cho Hội Ghép Tạng ở Huế, để luôn cảm thấy gần gũi với Thầy, người mà em suốt đời ngưỡng mộ…
(ngày Valentine năm 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét