Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Truyện ngắn 18

TRƯỚC ĐÁM CƯỚI BẠC

Hôm nay tôi ăn trưa một mình. Chồng tôi làm việc cả ngày ở Ban Đối ngoại Tỉnh, ăn cơm bụi ở căng tin, con đầu đã ăn sớm đi trực nhật lớp, con sau ở lại bán trú. Tôi trầm ngâm ngắm tấm thiệp mời đám cưới, tự nhiên đắng miệng không muốn nuốt miếng cơm, dù thường ngày ăn rất ngon miệng.
Tấm thiệp mời có hình thức đơn giản, trang trí khá trang nhã, không hiểu sao tôi lại thấy nặng nề như thế? Không phải vì đây là Đám Cưới Bạc – phú quý sinh lễ nghĩa, thời buổi này những người có điều kiện thường tìm cách tổ chức lễ lượt gặp mặt để bồi tiếp, thù tạc, mở rộng quan hệ, trả nợ ơn nghĩa – mà tôi quan tâm chủ yếu đến người gởi thiệp…
Chú rễ trong đám cưới Bạc này (gọi là chú rễ cho có ý nghĩa, chứ tuổi đã 62) là anh Khánh, đồng đội của cha tôi thời chống Mỹ. Sau ngày thống nhất đất nước, cha tôi tiếp tục tham gia Mặt trận Tây Nam rồi Mặt trận phía Bắc, đến 1986 hy sinh ở biên giới Hà Tuyên; còn anh Khánh chuyển ngành về học tiếp đại học sư phạm, dạy học mấy năm rồi chuyển sang quản lý. Tôi còn nhớ, trong đám tang cha tôi (hồi đó tôi mới học tốt nghiệp cấp 2), các đồng đội trong đơn vị cũ cha tôi đến viếng, tất cả đều mặc quân phục. Anh Khánh dáng cao to nhất, là trưởng đoàn, tự giới thiệu trước đây tôi là liên lạc của đại đội trưởng Thuấn (tên cha tôi) ở mặt trận Tây nguyênđến khi có người trong đoàn nói nhỏ, cả nhà mới biết anh đang là Giám đốc Sở. Anh làm Giám đốc Sở Giáo dục của Tỉnh một thời gian rồi ra Bộ, nhận trách nhiệm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cách đây mấy năm, và chuẩn bị nghỉ hưu năm nay (theo quy định, tuổi nghỉ hưu là 60, nghe đồn anh quen biết nhiều ở Trung ương nên được kéo dài thời gian công tác thêm 2 năm, nay đã có thông báo chuẩn bị để hạ cánh…). Làm việc ở Hà nội, hàng tháng anh vẫn bay vào Huế dăm ngày, chị Chi vợ anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn xuân sắc lắm…
*
*  *
Nhìn đồng hồ, đã đến giờ đi làm buổi chiều rôi. Tôi nghe tiếng máy xe nổ không êm lắm, hình như đến hạn thay dầu nhớt rồi. Chiều nay phải nhớ ghé tiệm sửa xe gần nhà, thay luôn đèn pha bị hỏng. Đường vắng xe, tôi vừa chạy vừa miên man quay lại ký ức.
Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Pháp văn năm 1994. Mẹ tôi bảo có người nhắn tôi nộp đơn về Sở Giáo dục Tỉnh. Sau khá nhiều thủ tục hành chính, anh Khánh - khi đó là Giám đốc Sở, nhận tôi về làm trợ lý, kiêm Hành chính Văn phòng (thời đó giáo sinh sư phạm tốt nghiệp đều phải tự lo đi xin việc, bạn bè cùng khóa cứ tị nạnh tôi về ngôi sao chiếu mệnh sáng chói). Quỳnh là bạn thân tôi, hỏi nhỏ:chạy vào chỗ này hết bao nhiều? tôi ngẩn người chẳng biết nói gì, gặp dịp thăm dò, Mẹ đã nghiêm giọng: mối quan hệ này không thể tính được bằng tiền đâu, con gái ạ! làm tôi sợ run không dám hỏi tiếp, vậy mà Quỳnh, khi nghe thuật lại, đã diễn dịch ra ngay: chắc được tính bằng cây, bằng chỉ thôi… Tôi không dám bàn thêm, chỉ tự nhủ trong thâm tâm, mình có một món nợ ơn nghĩa với anh Khánh. Cũng theo thông tin bạn bè cho hay, Quỳnh nhận dạy ở huyện miền núi NĐ hơn mười năm, chạy vạy đủ kiểu mới được thuyên chuyển về huyện QĐ, cách Trung tâm Thành phố hơn 30 km.
Từ khi được tiếp nhận vào Sở, tôi cố gắng công tác thật tốt để tránh tiếng 5C (con cháu các cụ cả). Hơn 20 năm, tôi cố sức rèn luyện, trau dồi các kỹ năng nghiệp vụ, tích cực theo học các lớp nâng cao tay nghề, bổ sung chuyên môn, không ngại tham gia các phòng trào văn-thể-mỹ của cơ quan nên được nhiều người tín nhiệm. Tôi được bầu làm Tổ trưởng Công đoàn, rồi tham gia Ban Chấp hành Công đoàn, nhưng tôi nghĩ Công đoàn chỉ là bề mặt, về lâu dài vẫn phải bám vào chuyên môn. Sau nhiều năm phấn đấu, cùng ít nhiều cơ may, vị trí của tôi được phát triển dần lên Tổ trưởng chuyên môn, sau đó một thời gian dài, tôi được đề bạt làm Trưởng phòng Nghiệp vụ… Tất nhiên, mức phấn đấu (nói đúng ra là tham vọng) vẫn theo đà phát triển không ngừng nghỉ. Tôi và một vài người khác đang ngấp nghé chiếc ghế Phó Giám đốc Hậu cần mà người đương nhiệm đang chuẩn bị nghỉ hưu. Dù không nói ra, mỗi chúng tôi đều hiểu vấn đề nhân sự chịu nhiều tác động, ở bên Tỉnh ủy, và cả theo ngành dọc là Bộ Giáo dục – Đào tạo, mà cơ quan tham mưu là Vụ Tổ chức, đứng đầu là anh Khánh…
Hôm trước, anh Khánh tìm tôi đưa thiệp mời, giải thích rõ Đám Cưới Bạc này do các con anh chị đề xuất, mừng 25 năm ngày cưới, sau khi đã giải thích ý nghĩa Đám Cưới Bạc và thuyết phục anh chị đồng ý cho các con đứng ra tổ chức… Anh Khánh nói: khách mời là bạn bè, đồng đội của anh chị hiện sinh sống trong Tỉnh, riêng vợ chồng tôi là đại diện của đại đội trưởng Thuấn, thủ trưởng của anh ở mặt trận Tây nguyên. Một số khách đến từ Hà Nội, tranh thủ dự Đám Cưới Bạc của anh chị và thăm thú nhiều nơi nữa… Tôi cảm ơn anh, hứa sẽ thu xếp công việc để tham dự…
*
*  *
Tôi tự tập cho mình thói quen đánh giá con người một cách khách quan, không cảm tính. Chồng tôi vẫn thường trách tôi mang tính khí như đàn ông, có lẽ phải làm công tác Tổ chức mới đúng. Dắt xe vào hàng hiên, tôi cố giữ tỉnh táo để suy nghĩ tiếp về anh Khánh, người tôi sẽ tiếp cận…
Với mọi người, anh Khánh giữ được tiếng thanh liêm, nhưng nhìn vợ anh ăn diện đúng mode, đi lại bằng xe hơi đời mới, hai đứa con đi học nước ngoài, một đứa đã tốt nghiệp, làm việc ở Singapore, một đứa đang học ở Canada, tự tôi liên tưởng đến câu ngạn ngữ: Đằng sau sự thành công của người đàn ông, có bóng dáng của một người đàn bà và câu biến thể: Đằng sau người đàn ông thất bại là người đàn bà xúi dại. Tôi nghĩ ý nghĩa hai câu này như nhau: phụ nữ luôn phải chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của người bạn đời. Câu chuyện ông quan thanh liêm khi về hưu, trách vợ không đổi tuổi Tý của ông thành tuổi Sửu để nhận trâu vàng thay chuột vàng đã cũ lắm rồi. Quỳnh bổ sung cho tôi câu chuyện hiện đại hơn: Một người thưa với quan nổi tiếng thanh liêm, không hề nhận đút lót: “Tôi chịu ơn ngài, chẳng có gì để tạ ơn, chỉ có chậu mai gia bảo để tỏ lòng thành”. Chậu mai trông quá xấu, chẳng đáng gì, nên quan đồng ý nhận, vứt vào một xó nhà. Thời gian sau, có người đến thăm nhà quan, tấm tắc khen cái thế độc đáo của chậu mai, bàn riêng với vợ quan xin mua lại với giá rất cao. Mua bán xong xuôi, người này tìm đến người biếu chậu mai, cho hay: “Xong việc rồi nhé!”
Tôi không bao giờ quên, anh Khánh là người ơn của tôi: kết quả học tập của tôi không hơn gì Quỳnh, thế mà trong khi Quỳnh lao đao công tác khắp nơi, tôi vẫn ổn định công tác ở ngay Thành phố, cách nhà chỉ 10 phút xe máy. Tôi hiểu mối ưu tiên này xuất phát từ tình đồng đội của anh Khánh với cha tôi, và dù tôi có những nỗ lực đáng kể trong thời gian công tác, tạo được uy tín nhất định, nhưng tôi vẫn thấy rõ mình có quý nhân phù trợ Tuy nhiên, nếu khách quan đánh giá, tôi không thể khẳng định ân nhân của tôi là con người thánh thiện trong tất cả mọi chuyện…
Nếu cơ quan không chủ trương tiết kiệm triệt để, anh Khánh, với hàm Vụ trưởng của anh, vẫn có thể dùng xe hơi đi công cán. Nhưng hình ảnh chị Chi vợ anh hàng ngày đi lại trên chiếc Camry 2.5Q đập vào nhiều ánh mắt hiếu kỳ, nhất là những người chuyên ngồi lê, đôi mách… Một nhà nghiên cứu trong nước phân tích: để nuôi một chiếc xe hơi đi lại hàng ngày, bao gồm các phí gởi xe qua đêm, đường bộ, bảo hiểm xe và vật chất trong xe, đăng kiểm, xăng đi lại, gởi xe ngoài đường, quỹ bảo dưỡng, tổng cộng không dưới 7 triệu/tháng; vậy nếu không dùng xe để kinh doanh, thu nhập phải đạt tối thiểu 20 triệu/tháng… Chưa kể chi phí cho 2 đứa con ăn học ở nước ngoài, hoàn toàn ngoài tầm mức lương đơn thuần, dù của cán bộ cấp trung ương…
Nhưng, trông người rỗi gẫm đến ta…
Nghĩ lại quá trình công tác của mình, tôi có cảm tưởng mình như kẻ há miệng mắc quai. Nếu quả thật anh Khánh có những nguồn thu nhập đáng ngờ vực để đảm bảo cuộc sống như hiện nay, thì chính tôi cũng đã chịu ơn của anh, dù theo Mẹ tôi, chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ gia đình đồng đội, nhưng biết đâu có nhữnglobby (vận động hành lang) mà Mẹ giấu không cho tôi biết… Rồi Đám Cưới Bạc sắp tới đây, tôi phải đi quà như thế nào để vừa lòng cho Bên đưa đang muốn tiếp cận cho tương lai, Bên nhận đang chuẩn bị hạ cánh an toàn… Phòng làm việc của Phó Giám đốc Hậu cần vẫn mở cửa, nhưng tôi có cảm tưởng như đang ở thật xa, tận cuối chân trời...
Tôi gọi điện thoại tâm sự với Quỳnh. Con bé làm việc ở xa Thành phố mà như ma xó, việc gì cũng rõ: mày biết không, mấy năm trước, vợ chồng lão K.C. được bán hóa giá căn hộ ở chung cư LHP, lấy lý do con đi xa, nhà neo người, lão bán luôn, lời mấy trăm chai, chắc ăn đến hết đời mới hết. Ngôi nhà hiện đang ở lại cho Công ty Liên doanh thuê làm trụ sở, giá không mềm đâu. Tao còn nghe nói vợ lão còn cho sinh viên vay tiền nữa, sao mà đủ ngón kinh doanh thế không biết? Tôi thẫn thờ tắt máy, không muốn nghe Quỳnh liến thoắng nữa.
*
*  *
Buổi chiều, tôi làm việc như người mất hồn. Hết giờ, tôi phóng xe đến tiệm anh Phước gần nhà gởi lại xe, dặn sửa xong mang về nhà cho tôi. Chuẩn bị xong cơm nước, tôi bảo các con ăn trước, pha ấm nước chè xanh, nhâm nhi chờ chồng tôi về. Tối nay anh tiếp khách, không ăn cơm nhà, nhưng chắc chắn sẽ về. Hy vọng anh ấy sẽ giúp tôi nhiều ý kiến: thuận vợ thuận chồng, tát bễ Đông cũng cạn mà!
Chồng tôi vẫn giữ thói quen ăn bát canh buổi tối do tôi nấu, dù đã ăn đâu đó rồi. Tôi chờ anh húp xong bát canh riêu cua mới hâm lại, xỉa răng, chiêu ngụm nước chè, mới bắt đầu đề cập đến tấm thiệp mời Đám Cưới Bạc. Anh nhẩn nha cười:
- Anh Khánh chị Chi mời à? Đi chứ, anh cũng thu xếp cùng đi. Tôi ngớ người:
- Thế anh định đi mừng đám cưới thế nào? Anh lại mỉm cười:
- Thì cứ như mọi đám cưới khác. Đi một người thì ba trăm, đi hai người thì năm trăm. Tôi tròn mắt:
- Đám Cưới Bạc của Vụ trưởng sắp hạ cánh đấy anh ạ. Biết đâu là phi vụ cuối cùng? Anh lắc đầu:
- Anh Khánh hồi còn ở Huế là đối thủ ruột của anh trên sân quần vợt, anh biết rõ lắm. Chị Chi trước đây là Hội trưởng Hội Phụ huynh trường con mình học mà. Tôi nhíu mày:
- Nhưng anh có biết dư luận đồn đại về cuộc sống gia đình anh chị ấy như thế nào không? Em cũng đang muốn tìm hiểu kỹ hơn đây… Anh nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt không còn vẻ cười cợt:
- Thế em muốn tìm hiều về chuyện gì? Lý do ngày trước nhận em về Văn phòng Sở hả?
Ông chồng tôi tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi thật. Chắc chắn thông tin anh biết không chỉ ở chuyện tôi nhận công tác ngày xưa. Đúng rồi, anh làm ở Ban Đối Ngoại mà, những thông tin tôi quan tâm đều có yếu tố nước ngoài cả. Tôi hỏi phăng dần từng manh mối, anh cứ tuần tự trả lời theo ký ức, chỗ nào không nhớ kỹ thì dở sổ ra, cuốn sổ công tác dày cộp mà anh luôn mang theo người trong chiếc cặp ngoại giao có khóa. Thông tin của anh cung cấp làm tôi phải há hốc miệng ngồi nghe:
…Chị Chi vợ anh Khánh đã nghỉ hưu 2 năm nay, đang làm Giám đốc Đại lý của Chi nhánh Hãng xe Toyata đặt tại Tỉnh mình, em đừng quên chị là một trong những người học tiếng Nhật đầu tiên của Tỉnh. Hình thức phải theo mode là đương nhiên, em đừng quên chị ấy cũng có vóc dáng chuẩn không thua gì em nhé (anh hơi né người, tránh cái nhéo tay của tôi). Chiếc Camry chị đi là của Hãng Toyota giao cho Giám đốc đại lý đi tiếp thị, hết hợp đồng thì trả lại… Thằng Hùng con đầu anh chị 8 năm trước là học sinh giỏi cấp quốc gia, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã chủ động tìm học bổng trên mạng và tự thi tuyển, được cấp học bổng toàn phần 4 năm học ở Singapore, vừa đi học vừa đi làm, tốt nghiệp Thạc sĩ xong đang chuyển tiếp sinh Tiến sĩ ở Mỹ, hàng năm vẫn gởi tiền về giúp Ba Mẹ cho em du học ở Canada theo chương trình học bổng 901 của Chính phủ. Thật tình, anh chỉ muốn hai đứa con mình theo gương con anh chị Khánh Chi. Tôi bàng hoàng tiếp nhận các thông tin trái chiều nhưng quá rõ ràng, vẫn không bỏ sót những chi tiết khác: Tiền chênh lệch khi bán lại căn nhà hóa giá, anh chị gởi Ngân hàng, lấy tiền lãi thành lập quỹ HOPE hỗ trợ cho sinh viên Đại học Y Dược nghèo, hiếu học. Hàng năm, Hope chọn một sinh viên nghèo, có khả năng được mượn không tính lãi số tiền tương đương 100 USD, sau 6 năm học, ra trường làm việc sẽ trả lại tiền để Hope hỗ trợ cho khóa tiếp theo, như vậy sau này, mỗi năm có 6 sinh viên được mượn tiền tài trợ. Tôi ngờ ngợ: Tên Hope có vẻ quen quen… Anh cười: Em có nhớ, thằng cu nhà mình hồi hè khoe với Mẹ, được học bổng cho năm học này hơn triệu bạc, cũng của Hope đó: tiêu chuẩn dành cho học sinh do thành viên đơn vị cũ của ông ngoại cháu trực tiếp nuôi dưỡng… Anh kết luận: tập nhìn đời lạc quan đi em, đừng nhìn qua lăng kính màu tối nữa nhé!
Tôi không trả lời anh, vì đang hí hoáy nhắn tin cho Quỳnh: Chuyện đơn giản lắm, Quỳnh ơi! Tao đi dự Đám Cưới Bạc về rồi sẽ kể chuyện cho mày nghe. Thú vị lắm…

(thân tặng các em Minh-Phương)