Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Truyện ngắn 17

TRĂN TRỞ MỘT ĐIẾU VĂN

Chưa bao giờ chồng tôi lo nghĩ như lần này, trông anh phờ phạc hẳn đi. Ngày mai, anh được cơ quan bố trí đi an dưỡng, nghỉ ngơi nhân dịp hè, vậy mà công việc từ đâu đâu lại kéo đến. Bệnh tim mạch của anh chịu tác động của hệ thần kinh giao cảm, cứ suy nghĩ nhiều thì huyết áp lại lồng lên như ngựa vía…
Sáng nay chủ nhật, anh Quý, Trưởng Ban Liên lạc Hội Cựu Chiến Binh (thật ra Hội này chỉ tự phát từ mấy anh em đồng đội cũ, muốn hằng năm gặp mặt để tâm sự, trao đổi những kỷ niệm buồn vui thời quân ngũ) điện thoại cho tôi, nội dung: biết anh đang tham gia tuyển sinh sau đại học, cắt mọi liên lạc, nhưng chiều nay Quý đi công tác nước ngoài rồi, nên báo chị nhờ anh chuẩn bị điếu văn đọc cho anh Thông, đồng đội cũ mới mất (đúng rồi, sáng sớm nay tôi xem VTV1 thấy có nêu tên Trương Đại Thông ở mục Cáo Phó). Ba ngày nữa làm Lễ Truy điệu. Vì anh Thông đã phục viên nên Hội Cựu Chiến Binh sở tại sẽ đọc điếu văn. Tôi cho biết ngày mai chồng tôi lại đi vắng, Quý cười bảo: Thì Quý ký hồ sơ nghỉ an dưỡng cho ảnh chứ ai. Văn hay chữ tốt, Hội này có mấy ai bằng anh, lại quen biết với anh Thông, anh được nghỉ ngơi càng có thời gian suy ngẫm, viết lách. Tôi đành nhận lời, thầm nghĩ đây là mảnh trời riêng của anh, mình phải ủng hộ trong mọi khả năng thôi.
Xế chiều, chồng tôi về đến nhà, tắm rửa qua loa rồi ngủ 1 giấc thẳng cẳng, bù cho mấy hôm thao thức theo đề thi. Buổi tối, nghe tôi báo lại yêu cầu của Quý, anh bần thần, pha một ấm trà đặc, ngồi tâm sự với tôi. Nhiều góc độ khác nhau trong mảnh trời riêng của anh bắt đầu hé lộ, cho tôi thấy những phức tạp trong cuộc sống tưởng như đơn điệu của đời bộ đội…
*
*  *
Thời điểm anh kết thúc huấn luyện, về đơn vị với quân hàm binh nhì, ông Thông (thường được gọi là Thông gấu, để phân biệt với anh nuôi Thông chuột) đã là trung đội phó, mang quân hàm thượng sĩ. Tuy cùng tỉnh, nhưng anh tránh lợi dụng cái mác đồng hương kiểu thấy người sang bắc quàng làm họ (mà tỉnh Bình Trị Thiên có nhỏ đâu, trải dài mấy trăm cây số lận), nên cũng chẳng gần gũi mấy với ông Thông. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi trung đội anh, được sự chỉ huy của ông Thông, bám trụ ở bản Cóc Xế, cột mốc 25, chống mũi vu hồi của địch suốt 1 tuần, lần lượt thương vong đến hơn nửa, đến khi được nhận lệnh tiểu đoàn cho rút lui, mới biết B phó cách đó 5 ngày đã bàn giao trung đội cho A trưởng A1 để đi viện vì cơn sốt rét đến rất đúng lúc!...
Mấy tháng chiến đấu ở biên giới Lạng Sơn đã xoay chuyển thời cuộc đến chóng mặt. Khi Trung đoàn trao giấy khen, quân hàm hạ sĩ với quyết định A-trưởng cho anh, ông Thông đã là trung úy, lần lượt thăng lên Đại đội phó rồi Tiểu đoàn phó Hậu cần (nhiều người dè bỉu sau lưng: bố Thông gấu suốt đời chuyên làm Phó, mà không giải thích nguyên nhân). Phải nói ông Thông có tài nắm bắt rất nhạy ý tưởng của cấp trên, dù chỉ là câu nói ngẫu hứng. Có lần Chính ủy Trung đoàn theo ông Thông đi thăm điểm chốt của Đại đội, trượt chân ngã oạch một phát, buột miệng: nơi này mà làm mấy bậc cấp để đi thì tốt quá! Thế là hôm sau, tiểu đội của anh được điều động dùng cuốc xẻng làm ngay mấy trăm bậc cấp, dù cuối cùng, lính tráng vác khối bê tông lên đỉnh đồi làm hầm vẫn bấm mũi giày vào đá cho dễ đi, sức đâu nhấc chân lên từng bậc cấp… Nước sông, công lính mà! Rồi câu vè của lính, trở nên sinh động hẳn lên vì được D-phó hậu cần Thông thực hiện răm rắp: đường sữa lương khô phân từ trên xuống, cuốc xẻng súng đạn phân từ dưới lên! Một thời gian dài, anh và đồng đội vẫn suy diễn lệch lạc như thế, cho tới ngày tiếp xúc với ông Vũ… Hành quân dã ngoại với các anh, ông Vũ cũng mang khẩu RPD nặng trịch với 2 cơ số đạn 1400 viên, giải lao vẫn ăn củ sắn luộc, ăn nói bỗ bã như lính trơn; cuối đợt hành quân, tình cờ anh mới biết ông Vũ là Tư lệnh trung đoàn…
Duyên nợ của anh với ông Thông còn dài! Một năm sau khi chuyển về làm giáo viên Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông Tin ở Nha Trang, anh gặp lại ông Thông, là học viên lớp Sĩ quan Trung cấp 2 năm. Dù ngày ở tiểu đoàn đã tránh không dự lớp Bổ túc văn hóa buổi tối của Trung đoàn (mà anh là giáo viên mời), nhưng bây giờ ông Thông săn đón anh hết mức, vì môn Toán anh đảm nhiệm là môn cơ bản hóc búa, phải được ít nhất 5 điểm môn Toán của anh Trung sĩ Giáo viên, ông mới có thể tốt nghiệp Sĩ quan Trung cấp với quân hàm Thiếu tá. Mối quan hệ đồng hương cấp Tỉnh (tưởng đã quên lãng trước đây) đã được ông Thông quảng bá đến mức tối đa, hầu như cả lớp đều biết mối quan hệ đồng hương, đồng chiến hào của hai người… Riêng anh cố cư xử đúng mức với ông: tổng kết, ông đã được điểm 5 (vớt) môn Toán như một số học viên yếu kém khác. Điểm khá giỏi thì quá tầm học lực của ông, anh vốn kỹ tính khi cho điểm…
Anh còn gặp lại ông nhiều lần nữa khi sinh hoạt Hội Cựu Chiến Binh đơn vị cũ. Ông Thông tham gia Hội là đương nhiên: phục viên với quân hàm Trung Tá, ông trở thành Hội viên danh dự, thường xuyên được mời chào trong các buổi gặp mặt. Hơn nữa, Hội tuy chỉ là tự phát nhưng có một số hội viên là cán bộ đương chức cấp Tỉnh, đã tham gia Hội là có điều kiện dễ dàng tiếp cận cấp lãnh đạo. Một lần, tình cờ thấy bức ảnh ông Thông cụng ly với một Hội viên đang là Phó Chủ tịch Tỉnh, được phóng to để trong trang đầu cặp hồ sơ mà thỉnh thoảng ông trưng ra nửa kín nửa hở, anh bật cười nhớ lại ngạn ngữ: non sông dễ đổi, bản tính khó dời! Ông Thông thường nhắc quan điểm của Mario Puzo qua lời của Vito Corleone, Bố già Mafia: các mối quan hệ xã hội được ví như lương thực ở Bắc Cực, có được thì cứ giữ: bây giờ chưa dùng, biết đâu mười, hai mươi năm sau sẽ dùng đến. Mà nghĩ cho cùng, con cái đã thành đạt, con trai là Phó Giám đốc Tổng Công ty Thủy sản xuất khẩu, con gái làm việc với Công ty Liên doanh với nước ngoài, ông còn mưu cầu điều gì qua các mối quan hệ nữa nhỉ?
*
*  *
Giờ tôi mới hiểu khó khăn của anh. Viết điếu văn, thường chỉ nêu lên những mặt tốt đẹp, thành công, ai lại nêu lên những mặt trái, dù đó đúng là bản chất người đã khuất? Anh cười gượng gạo, kể lại cho tôi: có người vợ khi nghe cơ quan đọc điếu văn về chồng mình “…thương tiếc một công dân liêm khiết, một người chồng chung thủy, một người cha trách nhiệm…” đã bảo nhỏ với con: “Con giở mặt kính quan tài lên xem, có phải Ba con đó không, hay họ nhầm?”… Anh thường dạy học sinh phải biết tôn trọng sự thật, mà nay mình viết điếu văn chỉ nói mặt tốt của ông Thông, hóa ra mình dối trá? Một nửa ổ bánh mì là nửa ổ bánh mì, còn một nửa sự thật là sự dối trá mà.
Chính tôi bây giờ cũng ân hận, phải gì mình đừng nhận lời anh Quý, để người khác lo chuyện này hay hơn. Tội nghiệp chồng tôi, sáng mai đi an dưỡng mà cứ lo canh cánh với mission impossible (nhiệm vụ bất khả thi) được giao. Tôi cũng không biết phải góp ý với anh nên như thế nào…
5 giờ sáng hôm sau, khi tôi bắc nồi xôi sáng cho cả nhà (cha con nhà này một giuộc, thích ăn xôi hàng ngày như dân Lào) thì anh có điện thoại. Tiếng chuông reo khác thường, nhỏ và ngân dài, hình như từ nước ngoài gọi về. Anh cầm điện thoại nghe, chỉ nói vắn tắt với tôi: anh Quý gọi (Quý đại gia mà, điện thoại luôn phủ sóng quốc tế) rồi lặng im một lúc lâu không nói gì, nhưng nét mặt đang đăm chiêu lại từ từ giãn ra thành nụ cười nửa miệng quen thuộc. Mười lăm phút sau, anh chỉ thốt ra mấy từ vô nghĩa: OK… chuột… không phải gấu… chắc chắn được mà. Anh quay lại, trầm ngâm nhìn tôi, rồi ngậm ngùi: Thương anh Thông-chuột quá: anh cũng mất trước ông Thông-gấu một ngày; anh Quý nhờ viết điếu văn là viết cho anh Thông-chuột. Anh thoát nạn rồi, em ạ. Điếu văn cho anh Thông-chuột thì dù không giao, anh cũng phải tham gia làm cho bằng được.
Anh pha bình trà mới, kể chuyện Thông chuột cho tôi. Một phần tò mò, một phần muốn chuộc lỗi đánh chữ tác thành chữ tộ khi nghe yêu cầu anh Quý nhờ, tôi lắng nghe không bỏ sót chi tiết nào.
*
*  *
Lê Thông nhập ngũ cùng đợt với anh. Thấp bé nhẹ cân, thể lực B1, nhập ngũ là chết luôn biệt danh Thông=Chuột. Khi huấn luyện, Chuột được phát khẩu AK báng gập, chứ đeo CKC, chắc báng súng phết đất. Sang đơn vị chiến đấu, nhìn vóc dáng của Chuột, Chính trị viên định nhận về làm liên lạc cho Ban chỉ huy Đại đội, trong khi Chuột cứ năn nỉ xin về trung đội. Cuối cùng, khi phát hiện khả năng nấu bếp (trước khi nhập ngũ, Chuột nấu bếp ở Cửa hàng Ăn uống Diên Sanh, Quảng Trị), từ Ban Chỉ huy đến anh em chiến sĩ đều thuyết phục Chuột làm anh nuôi (càng hay, chứ làm liên lạc, ở cùng nhà Ban Chỉ huy, nghe đồng chí Thông, biết gọi đại đội phó hay liên lạc?)
Qua khó khăn mới thấy khả năng con người. Theo quy định, nấu bằng củi thì 1 nuôi quân phục vụ 20 chiến sĩ, thế mà những ngày Chuột đứng bếp đại đội, hai phụ bếp chỉ vừa làm vừa chơi, còn cơm dẻo, canh ngọt luôn đúng giờ. Về sau, Quản lý phân công Chuột chuyên đứng bếp chính, hai chiến sĩ chọn luân phiên từ mỗi trung đội hàng ngày chỉ lo kiếm thêm rau tàu bay, môn thục… để phụ trợ cho bếp ăn đơn vị. Đợt diễn tập toàn trung đoàn, đại đội được tuyên dương về mặt hậu cần, nhờ đôi quang gánh có thể nấu cơm khi hành quân của Chuột, nồi canh rau tập tàng Chuột hái tranh thủ dọc đường, nấu với mớ ốc do Chuột bắt dưới suối ngay khi đội hình dừng chân. Phải hưởng cái thú ăn miếng cơm nóng, húp ngụm canh ngọt, xỉa răng tanh tách trong khi chiến sĩ đại đội khác loay hoay kiếm củi, bắc bếp nấu cơm mới thấy cái khả năng tiềm tàng của Chuột.
Với sự gợi ý và tuyển chọn của chính trị viên, Đại đội thành lập Tổ nuôi quân 3 người, tổ trưởng là Thông-Chuột. Các tổ viên được tập huấn các công việc phục vụ hậu cần chung cho tập thể đại đội và độc lập cho từng trung đội. Tưởng là tập huấn chơi chơi, ai ngờ đến khi đánh nhau thực sự mới thấy giá trị. Trong đợt chống cường tập ở biên giới cuối năm 1979, quân địch chỉ ở cách một tầm đạn bắn, nên đại đội phải chia hẳn thành 3 trung đội, mỗi trung đội rải các tiểu đội bộ binh, hỏa lực trấn các ngọn đồi. Tiểu đội 1 của anh đóng quân gần địch nhất, chỉ mấy tầm lựu đạn: đạn dược trang bị đầy đủ, không sợ thiếu, chỉ mỗi tội đến trưa, nắm cơm sáng bay veo, lính chỉ uống nước cầm hơi. Anh tính đường đổ nước vào túi gạo sấy thì C-bộ phát tín hiệu chuẩn bị nhận cơm. Căng mắt ra nhìn mới thấy dưới lớp pháo địch bắn cầm canh, bóng một con chuột nhắt men theo đường mòn lủi lên, gần đến nơi thì nhận ra đúng là Chuột với chiếc ba lô bằng thân người, chứa đủ mọi thứ cơm canh. Anh ôm chầm lấy Chuột, cạ hàm râu lâu ngày chưa cạo vào đôi má nhem nhuốc bụi đất. Chuột xua xua tay, bảo còn mấy nơi phải đưa cơm tiếp… Nhìn cái bóng loắt choắt lủi tiếp sang đồi bên cạnh, anh thầm nghĩ có mấy ai thấy hết giá trị của Chuột?
Anh nhận được thông báo điều động về Bộ Tư Lệnh Thông Tin Liên lạc, ngay sau trận pháo của địch khóa đuôi của chiến dịch, với vết thương vào phần mềm của chân, không đi lại được. Lại cũng Chuột và một chiến sĩ tải thương khác cáng anh về Trạm Quân Y Trung đoàn ở hậu cứ. Chuột cười cười khi anh áy náy với tấm thân bồ tượng hơn 70kg của mình: nói anh đừng giận, chứ một mình em gánh rau lợn cho đơn vị nặng bảy tám mươi cân là thường. Một tuần sau, anh xuất viện về Trung đoàn bộ làm thủ tục chuyển về Hà Bắc rồi vào Nha Trang, với món nợ ân nghĩa canh cánh trong lòng: dò hỏi trong Trạm Quân Y, biết đơn vị máu tươi anh tiếp nhận được là từ chú đồng đội tải thương, có dáng loắt choắt như con chuột nhắt…
*
*  *
Mấy hôm sau, anh kể mọi chuyện cho tôi qua điện thoại (đúng là ruột để ngoài da, không chờ về đến nhà):

Trong đợt nghỉ, anh nhờ con trai đi xe máy về Trại An dưỡng đèo anh đi viếng 2 đám tang.
Đám đầu tiên ở Phú Bài, Huế: hai cha con anh như chìm trong đoàn người đi viếng, đông nhất là các Phòng, Ban, Ngành thuộc Tổng Công ty Thủy sản Xuất khẩu và các đơn vị trực thuộc, mà người trực tang ghi rất chi tiết: vòng hoa, trướng, liễn, hoa quả, số tiền viếng (một trăm ngàn đồng đi viếng của anh chắc chìm nghỉm trong bao nhiêu phong bì viếng khác). Nghe nói áo quan làm bằng gỗ pơ mú, giá đến mấy chục triệu đồng…
Đám thứ hai ở tận Diên Sanh, Quảng Trị lại khác hẳn. Có vài vòng hoa để trống, khách viếng chỉ cần nhờ viết tên lên băng tím cài vào rồi vòng hoa lại quay vòng. Lê Suốt, trưởng nam của Thông-Chuột (thay cha quản lý Cửa hàng Ăn uống Diên Sanh), đại diện Ban Lễ Tang đón tiếp anh và cùng thống nhất nội dung điếu văn. Thông báo được ghi trang trọng trên Bàn Tiếp Lễ và bên cạnh linh cữu, làm bằng gỗ pho lái đơn giản: Theo nguyện vọng cuối đời của người quá cố, tang quyến sẽ chuyển toàn bộ tiền phúng điếu cho Trại Trẻ SOS ở địa phương…


Tôi không nghe anh nói gì về nội dung điếu văn cho anh Thông-Chuột, nhưng tôi tin chắc rằng chồng tôi sẽ thay mặt các đồng đội, thoải mái nói lên tất cả tấm lòng của mình, rằng anh vẫn sống với dòng máu của Chuột trong cơ thể, trong khi Chuột đã ra đi với lòng tiếc thương của mọi người.