Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Truyện ngắn 13

MỘT CHU TRÌNH KHÉP KÍNTruyện ngắn của Quỳnh Anh
Gần hết giờ giảng, chiếc Nokia trong túi quần tôi rung nhè nhẹ, báo hiệu có tin nhắn. Tôi kín đáo mở máy đọc lướt qua, ngẩn người khi thấy mấy dòng ngắn ngủi Chi gởi đến: cô Xuyến suy tim nặng, nhập viện hôm qua. Liếc nhìn đồng hồ, tôi xua tay ra hiệu cho lớp nghỉ, vội vàng trở về Văn phòng Khoa, chiêu ngụm nước cho bớt khô cổ rồi bấm máy gọi số của Chi: số máy quý khách đang gọi tạm thời không liên lạc được…, tôi biết không phải Chi tắt máy. Với nội dung nhắn tin chung chung cho tập thể thế này, chắc Chi đang trả lời điện thoại khắp nơi đổ về. Giữ điện thoại ở chế độ chờ, tôi trầm ngâm nhớ lại thời kỳ đi học, với những kỷ niệm sâu lắng của cô sinh viên nông thôn trong thành phố tỉnh lẻ. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, mà tôi cứ ngỡ như mới hôm qua…

Trong suốt sáu năm học, cô Xuyến gắn bó với sinh viên chúng tôi nói chung (và với tôi nói riêng) như một người mẹ thực sự. Không lãnh đạo một đơn vị nào trong trường, không quản lý một tài sản giá trị nào, cô chỉ là một nhân viên cấp dưỡng, giữ nhiệm vụ nấu cơm, chia cơm trong bếp tập thể. Công việc hàng ngày của cô đều đặn, ổn định, nhưng tìm hiểu kỹ mới thấy thật vất vả. Để chúng tôi có được chiếc bánh bột mì lót dạ buổi sáng, ngay từ chặp tối, cô đã phải nhồi hàng yến bột cùng với bột cái, một loại men để khi hấp, bột nở to, tạo cho người ăn cảm giác đầy đủ để đánh lừa cái đói. Cô cũng không quên việc tăng gia, trồng đủ loại rau, tranh thủ cơm thừa, canh cặn để nuôi mấy con gà, nhập cho nhà bếp để cải thiện bữa ăn quá sức khiêm tốn của sinh viên thời kỳ bao cấp...
Nói chung, cô là con người tốt tính dưới mắt nhiều người, cho đến ngày chúng tôi nghe bà Hồng ở Phòng Đời Sống, xỏ xiên: không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa, thế gian sự thường… Hỏi ra mới biết, trước đây cô là thanh niên xung phong ở chiến trường B, tuổi thanh xuân đã dành cho rừng núi Trường Sơn, đến khi hòa bình thì cô đã cứng tuổi, nghe lời bạn bè, cô tranh thủ kiếm đứa con để an dưỡng tuổi già. Cái giá phải trả là đơn vị thanh niên xung phong định gởi trả cô về lại địa phương, sau xét thành tích gần mười năm phục vụ tuyến lửa, cô mới được chuyển ngành về làm cấp dưỡng ở trường này…

Chuông điện thoại reo vang, tôi nhận ra đúng chất giọng điệu đàng của Chi:
- Cô Xuyến bị mấy cơn đau thắt ngực, nghi ngờ bị suy mạch vành Quỳnh ạ; người ta mới ký giấy để bệnh viện chụp động mạch vành cho cô ấy sáng nay.
- Kết quả thế nào? Thế thằng cu Toàn đâu?
- Toàn nhập ngũ rồi, đang ở tận Hà Giang, người ta điện tín cho nó rồi… Theo phim chụp, có mấy chỗ bị tắc, bác sĩ đang nghiên cứu phương án điều trị. Trước mắt, tạm dùng nitroglycerin giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim, propanolol ức chế thụ thể beta giao cảm, verapamil chẹn kênh calci…
- Khỏi giải thích, người ta cũng học hệ Nội như mình mà. Thế về lâu dài chắc phải can thiệp ngoại khoa chứ, ý kiến khi hội chẩn thế nào?
- Thì cứ theo đúng quy trình thôi, vấn đề đầu tiên vẫn là… tiền đâu, mình biết rồi đó. Sáng nay người ta mới ứng năm triệu cho bệnh viện để chụp động mạch rồi. Thôi nhé, để đó tính tiếp…

Khi tôi mới học năm thứ nhất, Toàn con trai của cô đang học cấp hai. Thằng bé rất ngoan, chăm học và thường giúp mẹ lo toan mọi việc trong nhà. Nói là nhà nhưng đúng ra là một mái hiên đầu hồi của nhà ăn, hai mẹ con quây thêm mấy tấm cót, thành ra một tổ ấm gia đình. Giờ giải lao, mấy chị em lớp chúng tôi thường tụ tập để nói đủ thứ chuyện, đặc biệt còn học những món ăn đặc biệt của cô Xuyến. Tôi tự thấy mình thật sự gắn bó với gia đình cô Xuyến sau lần phẫu thuật ruột thừa: do tập trung ôn thi học kỳ nên tôi cố quên đi mấy triệu chứng biểu hiện, đến buổi thi cuối cùng, rời khỏi phòng thi là tối tăm mặt mũi, chỉ kịp lê bước đến nhà cô Xuyến là tôi ngã vật ra. Toàn vừa đi học về, cuống quýt cùng mẹ võng tôi sang bệnh viện, chiều thứ bảy mọi người trong trường về hết, chỉ có hai mẹ con lếch thếch tha tôi đến tận phòng cấp cứu. Chưa hết, đến khi truyền máu, nhóm máu AB của tôi thuộc loại hiếm, may thay cả hai mẹ con cô Xuyến đều cùng nhóm máu nên tôi có ngay hai đơn vị máu tươi hỗ trợ tại chỗ. Từ đó, trong thâm tâm, tôi tự xem như một thành viên của gia đình cô Xuyến…
Mà cũng không riêng gì tôi, đối với mọi người trong trường, mẹ con cô Xuyến bao giờ cũng sốt sắng, nhiệt tình giúp đỡ như chính việc của mình. Cô không học cao, nhưng xử sự đúng cách thi ân bất cầu báo, có vẻ như cô Xuyến quên mất những gì mình đã làm cho người khác, chẳng hạn sau này khi nói đến tên tôi, nhắc đi nhắc lại mấy lần cô mới nhớ ra, không biết cô có mắc chứng Alhzeimer không? Có lẽ chỉ có những người như bà Hồng, chuyên gia mua lúa non của sinh viên ngoại trú (ứng tiền trước mua tiêu chuẩn gạo với giá thấp) mới cay cú với cô Xuyến, hai thái cực đối lập mà. Nhớ về thời kỳ đi học, cô Xuyến và bà Hồng luôn gợi cho tôi những cảm giác hoàn toàn trái ngược…

Tôi thầm trách mình, sau khi tốt nghiệp, lập gia đình rồi về luôn quê chồng nhận công tác, không mấy khi tìm cách tranh thủ về thăm gia đình cô Xuyến mà trước đây tôi đã gắn bó biết bao. Trước mắt, phải hỗ trợ với Chi chi phí điều trị cho cô đã. Tôi đến Phòng Tài chính – Kế toán, tạm ứng lương, chuyển hết về tài khoản của Chi. Gọi điện trao đổi thêm với chồng, anh sốt sắng: Có cần thêm nữa không, anh tạm ứng thêm tiền vượt giảng học kỳ này nhé. Thôi, tấm lòng thơm thảo của anh đã làm tôi ấm lòng lắm rồi. Tháng này, cả nhà sẽ chỉ sống bằng lương chồng tôi, chắc anh ấy thông cảm với lý thuyết mảnh trời riêng của tôi. Có lẽ phải vận động thêm ở bạn bè nữa, tôi nhớ lớp tôi hồi đó có nhiều đứa có vẻ rất quý cô Xuyến. Chi phí đặt một ống stent phải 15-20 triệu, mà có phải chỉ một ống đâu?
*
* *
Tôi xác định rồi, nhiệm vụ chính lúc này là giúp cô Xuyến xoay xở đủ tiền lo chi phí điều trị, việc có mặt thăm cô ấy chưa quan trọng bằng. Thử ước tính chi phí tàu xe hay máy bay đi về cũng vài triệu rồi, thà để dành khoản ấy hỗ trợ cho Chi lo liệu tại chỗ giúp cô. Thư ngỏ điện tử do tôi gởi đến các bạn cùng lớp, báo bệnh tình của cô Xuyến và kêu gọi hỗ trợ, đã có phản hồi, tuy nhiên, kết quả không làm tôi phấn khởi lắm: mười một trên tổng số hơn ba mươi địa chỉ tôi gởi đến đã lên tiếng hỗ trợ việc điều trị cho cô Xuyến, với mức ủng hộ từ một đến hai triệu đồng, tính tổng cộng trên 18 triệu, chuyển cả về tài khoản của Chi (trước đây là lớp phó đời sống của lớp) mà tôi đã ghi rõ trong thư ngỏ. Một điểm đặc biệt là hai phần ba thư phản hồi hỗ trợ này lại được gởi từ các bạn hoc là bộ đội chuyển ngành, có thể là những người đã sống chung trên chiến trường, biết đâu chẳng nấp chung một chiến hào, có thể dễ dàng tìm thấy sự cảm thông chăng?
Chi còn báo cho tôi biết thêm, Toàn con cô Xuyến có điện thoại về, cho hay đơn vị biên phòng của Toàn đang trong chiến dịch truy bắt một đường dây ma túy xuyên quốc gia nên Toàn không về ngay được, Toàn nhờ cô Chi trông nom mẹ giúp, kết thúc chiến dịch sẽ tranh thủ về ngay. Trước mắt, Toàn chuyển về tài khoản cô Chi hơn năm triệu đồng là tiền đóng góp của 36 thành viên và Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Lũng Cú, ủng hộ cho mẹ tiểu đội trưởng Toàn qua cuộc phẫu thuật…
- Tính ra, đã xoay được hơn 22 triệu, và cũng khó có khả năng xoay thêm nữa. Như vậy là được khoản tiền chụp động mạch vành và 1 ống stent kim loại trần. Theo phim chụp, dự kiến tối thiểu phải đặt 3 stent, mà vị trí đặt cũng hóc hiểm lắm, Chi thở dài.- Stent trần là sao? Còn loại gì nữa? Chi phí ra sao? Tôi nóng ruột.- Để tránh hiện tượng động mạch đã nong ra lại hẹp lại, người ta dùng stent giải phóng thuốc, tức là phủ thuốc ngăn động mạch tái hẹp; stent kim loại trần là loại không được phủ thuốc, giá từ 13 đến 17 triệu, còn stent giải phóng thuốc chống tái hẹp giá từ 39 đến 49 triệu, Chi nhỏ giọng.- Sao, gần 50 triệu à? Thế … mình… mình … tính sao? Tôi nói như hụt hơi.
Chi nói luôn, không xưng hô lịch sự “mình … người ta” như trước nữa:
- Theo quy định, Bảo hiểm Y tế chi tối đa 20 triệu. Cả mày, cả tao, đều không có khả năng xoay hơn trăm triệu lo cho cô Xuyến đâu. Tao nghĩ chỉ còn cách đăng báo, kêu gọi lòng từ thiện của mọi người thôi. Có nhiều đơn vị hoạt động từ thiện trong và ngoài nước, nếu phối hợp lại có thể giúp được cho cô lắm. Toàn có cho tao địa chỉ chú cậu Hùng đồng đội, Christophe Phạm, Việt kiều ở Singapore, hay làm từ thiện lắm. Mày xem như em ruột cô Xuyến, thạo tiếng Anh, thử liên hệ với thằng chả xem – cười khúc khích – đừng để lão khọm nhà mày ghen nhé. Tao sẽ liên hệ với mấy cơ sở từ thiện khác.
- Được, tao sẽ cố gắng,
tôi trầm giọng.*
* *
Nhận nhiệm vụ nhưng tôi không mấy hy vọng đến kết quả. Ngay cả mấy đứa bạn học, ngày trước thân thiết với cô Xuyến biết bao, mà nay chỉ hỗ trợ bằng chi phí một buổi nhậu, thậm chí có đứa còn im bặt không trả lời. Thử nghĩ nếu cha hay mẹ sếp của chúng nhập viện, chắc chúng đã phải sắp hàng chen nhau để đến thăm ở bệnh viện, mà có phải thăm suông đâu, phong bì lót tay kèm theo cầm chắc. Chẳng thế mà thiên hạ đồn, có mấy ông sếp trước khi về hưu, đã cố tổ chức mấy đám hiếu hỉ trong nhà thật xôm để thu hồi vốn… Soạn xong thư gởi cho Christophe Phạm ở Singapore hơn một tuần rồi mà tôi chần chừ chưa gởi, không phải vì ngại chồng tôi ghen (anh ấy rất trân trọng những mảnh trời riêng của tôi, đặc biệt rất ủng hộ công việc từ thiện), mà vì tôi thấy thật khó khi đường đột đặt vấn đề kêu gọi sự hỗ trợ của một người không quen biết…
Hai tuần sau, Chi thông báo, do các vị trí tắc mạch vừa nhiều, vừa phức tạp, đặt stent có thể gây đột tử, nhóm bác sĩ hội chẩn quyết định phương án bắc cầu động mạch vành cho cô Xuyến: tách rời hoàn toàn động mạch ngực trong bên phải, nối thành chữ Y với động mạch ngực trong bên trái, hai nhánh chữ Y sẽ bao vòng quanh quả tim; nhánh đầu tiên của động mạch ngực trong bên trái bắc cầu qua chỗ tắc quan trọng nhất, đoạn động mạch ngực bên phải nối qua những nhánh mạch vành bị tắc hẹp. Với chi phí phát sinh lên đến gần trăm triệu riêng cho phẫu thuật, nghe Chi bảo cô Xuyến đã nản lòng, định buông xuôi tất cả, không muốn chữa chạy gì nữa, còn Toàn dự định sẽ bán căn hộ cấp 4 có mấy mét vuông đất để lo tiền phẫu thuật cho mẹ, tôi dẹp bỏ mọi băn khoăn, quyết định chuyển hết toàn bộ hồ sơ, bệnh án của cô Xuyến do Chi scan gởi vào, kèm theo lá thư đề nghị gởi đến địa chỉ e.mail của Christophe Phạm. Thư trả lời của Christophe Phạm đến với tôi trong ngày hôm đó, xem ra ông có vẻ rành về tình hình ngành y tế ở Việt Nam. Sau một vài lần trao đổi với tôi và Chi về bệnh nhân và gia đình, Christophe Phạm đề nghị để ông lo toàn bộ chi phí cuộc phẫu thuật sắp tới. Trong tuần tới, ông sẽ chuyển về tài khoản của Chi sáu ngàn đô la Singapore, tính ra khoảng hơn trăm triệu, nếu thiếu bao nhiêu cứ báo, ông sẽ chuyển tiếp sau. Còn những khoản tiền hỗ trợ khác cho cô Xuyến, ông đề nghị Chi đổi thành ngoại tệ gởi Ngân hàng, lấy lãi cho cô Xuyến sinh sống sau này.Tin như sét đánh giữa trời quang, nhưng là nguồn tin quá tốt lành. Chúng tôi vội vã báo tin cho những người quan tâm, đặc biệt là Toàn và cậu bạn đồng đội Hùng, cháu của Christophe. Dĩ nhiên, trong đầu óc trinh thám của tôi nảy sinh ra dấu hỏi về mối quan hệ giữa Christophe và mẹ con cô Xuyến, biết đâu Christophe chính là …? Nghi ngờ này nhanh chóng bị phủ định khi Hùng, bạn của Toàn cho biết chú Christophe chỉ lớn hơn chúng tôi vài tuổi, nghĩa là thua xa tuổi cô Xuyến, chưa hề đi bộ đội, tức là không thể gặp cô Xuyến ở chiến trường B được. Christophe cũng đang rất bận việc, hứa sẽ giải đáp mọi thắc mắc của tôi khi cuộc phẫu thuật thành công…
Thôi, cứ tạm gác mối nghi ngờ này lại, trước mắt lo cho việc phẫu thuật bắc cầu động mạch thật thành công, nghĩa là bảo đảm quá trình hồi phục sức khỏe của cô Xuyến sau phẫu thuật. Theo Giáo sư Định, chuyên gia Ngoại Tim mạch, Trưởng kíp phẫu thuật, được mời từ Thành phố Hồ chí Minh ra, 98% cầu nối bằng động mạch ngực vẫn thông suốt sau 10-15 năm. Hiện nay, sau hơn 20 ca phẫu thuật, chưa có ca nào gặp biến chứng.
Ngoài ra, có lẽ chính sự hỗ trợ của Christophe Phạm đã lên dây cót tinh thần cho cô Xuyến rất nhiều, khi cô nhìn thấy tấm sổ tiết kiệm mang tên cô, đảm bảo mức sống tối thiểu cho cô và Toàn sau này. Cuối cùng, vào một ngày cuối hè, cô mạnh dạn bước lên bàn gây mê, với nụ cười thanh thản dành cho Toàn, Chi và tôi, như người đi du lịch, tin tưởng chắc chắn đến ngày trở về an toàn, mạnh khỏe…
*
* *
Ngày cô Xuyến xuất viện là ngày hội của nhiều người. Trong căn phòng cấp 4, tổ ấm của hai mẹ con, khách ra vào tấp nập, chủ yếu là chúc mừng cô đã tai qua, nạn khỏi. Chi và tôi tự nhận vai trò lễ tân, sắp xếp chỗ ngồi cho từng lượt khách trong căn phòng chật kín. Mấy cân gạo nếp, chục trứng gà so, dăm bịch sữa, vài bánh đường… thể hiện tấm lòng của những người hàng xóm thân thiết được xếp đầy trong căn nhà nhỏ bé. Bà Hồng già lụm cụm cũng mang sang quả đu đủ lớn vừa hái trong vườn, vừa nói vừa cười giả lả: đu đủ chín cây, ăn vào nhuận trường, tốt lắm em ạ! Hùng, bạn đồng đội của Toàn cũng từ Hà Giang về, mang mấy cân mắc-cọoc, quà biên giới của đồn biên phòng Lũng Cú.
Chập tối, khi hai cậu Toàn-Hùng ra trước ngõ mua mấy chai bia về để liên hoan, ngày mai trở về đơn vị, tôi vừa đút xong mấy muỗng cháo cho cô Xuyến, còn Chi đang xới cơm ra bát, thì nhà lại có khách. Một thanh niên trông hơi khó đoán tuổi qua bề ngoài, nét mặt khắc khổ, quần jean, áo pull, ôm bó hoa trong tay bước vào. Anh ta đặt hoa lên bàn rồi quỳ bên cạnh chiếc ghế bố của cô Xuyến:
- Cô … Cô có khỏe không? Anh ta ấp úng.- Ừ, cô cũng ổn – cô Xuyến ngập ngừng, em là… là…
- Cô ơi, con đây, Phạm Chiến đây, thằng Chiến khóa 82 đây, anh ta mỉm cười, có vẻ tự tin hơn.- Chiến nào nhỉ, cô già rồi, cô hay quên lắm, em thông cảm cho cô, cô Xuyến chớp chớp mắt.- Dạ, con là thằng Chiến ăn cơm cháy đây, cô còn nhớ không? Mắt anh long lanh, miệng lại cười cười.- Chiến … cơm … cháy, cô không nhớ lắm, cô nhắm mắt lại.- Thôi, cô cứ nghỉ đi, con sẽ kể chuyện với cô sau, anh ta quay sang chúng tôi, giọng chững chạc hẳn.- Các em ạ, trước đây tôi là sinh viên thuộc trường này. Chi láu táu: chúng em cũng vậy, anh mỉm cười: tôi học hồi đất nước mới giải phóng, hồi đó cuộc sống vất vả lắm, chế độ bao cấp mà, sức thanh niên chúng tôi ăn 15kg gạo bao giờ cũng thấy đói, tiêu chuẩn thịt cá có gì đâu? Cô Xuyến thương tình mới bảo tôi, mỗi buổi cơm cố tranh thủ về sớm, cô dành cho mấy miếng cơm cháy ở đáy nồi cho. Thế là, mấy giờ học cuối buổi, tôi đều kiếm cớ xin phép thầy giáo về sớm, chạy đến nhà bếp ăn trước cơm cháy dằn bụng rồi mới vào nhà ăn, dùng tiếp cơm tiêu chuẩn của sinh viên. Đến năm cuối, tôi tìm được chỗ dạy kèm, kiếm thêm thu nhập, định thôi không làm phiền cô nữa thì có người phát hiện, cô Xuyến phải nhận kỷ luật vì tội tham ô, lãng phí tài sản xã hội chủ nghĩa… Ra trường, tôi được đi tu nghiệp ở nước ngoài rồi ở lại công tác luôn ở đó đến nay, nhưng không bao giờ quên ân tình của cô Xuyến…
- Thế bây giờ, anh công tác ở đâu?
Tôi lên tiếng hỏi, khi lờ mờ nhận thấy điều gì đó chưa rõ ràng lắm.
Đúng lúc đó, hai đứa Toàn-Hùng xách mấy chai bia bước vào. Toàn cúi đầu chào khách, còn Hùng reo lên vui vẻ:
- Chú Christ, chú về đến Việt Nam khi nào vậy?