Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Truyện ngắn 11

KHI HOA QUỲNH NỞ...
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Chương trình truyền hình buổi tối chưa kết thúc, nhưng không gian trong huyện lỵ đã yên ắng. Tôi chậm rãi tráng nước sôi quanh bộ bình trà Giang Minh, bỏ một nhúm trà móc câu (cậu Vinh Phó phòng vừa biếu sau chuyến công tác ở Đại Từ) vào bình, chế nước sôi vừa ba chén nhỏ. Chén được tráng qua mấy lượt nước sôi rồi úp lên mấy cánh hoa nhài đặt sẵn trên đĩa. Mấy phút sau, ba chén nước đã mang vị đậm đặc của trà móc câu và hương thoang thoảng của hoa nhài, dù không thấy cánh hoa nào trong chén. Một chén được đặt trên bàn thờ của Ba tôi cùng nén hương trầm thơm ngát, hai chén còn lại được đặt trên bàn nước, cạnh chậu hoa Quỳnh đang chuẩn bị nở… Chậu Quỳnh gia bảo, truyền từ thời ông nội tôi, mà Ba tôi và tôi đã nâng niu, gìn giữ qua bao năm! Tôi nhấp một ngụm trà, trầm ngâm nhớ lại quá khứ…
Phần I: Tuổi thơ êm ả
Tôi sinh trưởng trong một gia đình chịu ảnh hưởng thuyết tâm linh. Theo tôi, ngay cả khi thân xác của người đã khuất biến ra tro bụi, suy nghĩ của họ vẫn tồn tại, tác động đến người thân mà họ muốn nhắn nhủ. Điều này có vẻ không hợp với chủ nghĩa duy vật, nhưng có một nhà khoa học đã lý giải khi ví suy nghĩ như luồng sóng điện từ phát ra, chỉ những đối tượng có nhận thức cùng độ dài sóng với nơi phát, mới thu nhận được. Từ tuổi ấu thơ, tôi đã cảm nhận điều này qua mối quan hệ với một người, tuy chỉ đơn giản là thầy giáo dạy Toán cấp 2, nhưng lại là thần tượng của tôi trong suốt cuộc đời: Ba ruột của tôi.
Hồi còn nhỏ, có lần tôi bị lạc khi đi lang thang trong rừng nguyên sinh, trời tối rồi mà vẫn không thấy đường ra. Trong bóng tối nhập nhoè cùng khí lạnh sương đêm, tôi nghe văng vẵng tiếng Ba tôi nghẹn ngào: Quỳnh ơi, đừng chạy lung tung nhé! Nói cho Ba biết đi, chung quanh con thấy những gì? Tôi nhìn quanh rồi mấp máy môi, nói trong vô thức: Con thấy hai tảng đá lớn chồng lên nhau, to bằng cái nhà kia. Giọng Ba tôi mừng rỡ: Ba biết chỗ đó rồi, con cứ ngồi yên ở đó, chờ Ba đến. Nửa tiếng đồng hồ sau, đoàn người do Ba tôi bươn rừng đến nơi, tìm thấy tôi lạnh cóng, nằm co quắp gần như chết dí cạnh hai tảng đá lớn... Về sau này, khi điện thoại di động đã phổ biến, nhưng dù sử dụng bất kỳ loại máy hiện đại, loại mạng phổ biến nào, nơi tôi bị lạc hồi nhỏ vẫn rất khó bắt sóng. Qua sự kiện thần giao cách cảm đó, tôi có thể tin rằng: sự đồng cảm của hai Ba con tôi còn mãnh liệt hơn bất kỳ loại sóng vật lý nào, có thể vượt qua được những ngăn trở về môi trường, địa lý phức tạp để giao thoa với nhau.
Tuy nhiên, Ba tôi luôn tránh lạm dụng đường liên lạc tâm linh đó. Có lần tôi đi thi học sinh giỏi toán cấp hai ở Huyện, gặp một bài Hình Học dựng hình quen thuộc nhưng tôi quên mất đường phụ phải vẽ thêm, định cầu viện đến Ba thì tôi chỉ nhận được câu trả lời: Hãy vững tin, Ba muốn con đứng trên chính đôi chân của mình. Tôi định thần lại, đọc từng chữ trong đề, tập trung tư tưởng vào hình vẽ, và lời giải xuất hiện trên giấy thật dễ dàng, như có người cha thân yêu đang đứng động viên ngay bên cạnh. Sau này, Ba tôi giải thích, nếu không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ vào mục đích tốt đẹp, sự giao cảm tâm linh sẽ dần dần mất hiệu lực và thui chột đi. Ba trầm ngâm: Cũng như chậu hoa Quỳnh kia, ông nội được người bạn tri kỷ tặng rồi giao lại cho Ba, tuổi đời có thể hơn cả Ba rồi; thường ngày mọi người thấy không có gì đẹp, nhưng Ba chăm sóc bấy lâu chỉ để đôi lần ngắm hoa nở lúc nửa đêm, đúng lúc đó mới thấy giá trị của nó... Tôi ít khi thức khuya nên chưa thấy hoa Quỳnh nở thế nào, nhưng đã hiểu là Ba tôi đã gởi gắm tâm sự của mình qua chậu Quỳnh mộc mạc đó. Phải chăng vì tôi là đứa con gái duy nhất của Ba, hay vì có sự đồng cảm ngay từ khi lọt lòng mà tôi được Ba cho mang tên loài hoa yêu quý?
Lần đầu tiên tôi tự hào cảm nhận được mình là nguyên nhân của việc chậu Quỳnh nở hoa là năm tôi dự thi tuyển vào Đại học Sư phạm ở Thành phố. Bài thi cả 3 môn tôi làm tương đối được, nhưng làm sao đoán được kết quả khi biết mình phải đối chọi với hàng ngàn sĩ tử đủ mọi miền đất nước? Nhân chuyến công tác lên Sở Giáo dục của Thành phố, Ba tôi ghé thăm người bạn học cũ làm bên Ban Tuyển Sinh, nhờ dò điểm cho tôi. Buổi tối đó, đang ăn cơm, tự nhiên tôi thấy rạo rực rồi nghe văng vẳng bên tai tôi giọng nói của Ba đầy xúc động: Quỳnh ơi, Ba tự hào về con gái của Ba lắm! Tôi ngỡ ngàng, suýt đánh rơi đũa, đúng lúc đó hàng xóm gọi Mẹ tôi sang nghe điện thoại đường dài. Mấy phút sau, Mẹ hớn hở quay về, bảo Ba tôi vừa gọi điện báo tin tôi đã trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Toán. Quả là điều đáng tự hào: bao năm nay, số học sinh đỗ đại học của Trường phổ thông trung học thuộc Huyện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà tôi lại là đứa con gái đầu tiên trong Huyện ghi tên trên bảng vàng! (anh trai tôi học hết cấp 2 đã bỏ ngang, làm công nhân cho công ty liên doanh, nên Ba chỉ còn kỳ vọng vào việc học của tôi). Đêm đó, trằn trọc với những cảm giác mới lạ, không tài nào ngủ được, linh tính mách bảo tôi phải thay mặt Ba đang ở xa, đến tâm sự với chậu hoa Quỳnh. Thật ngẫu nhiên, lần đầu tiên trong đời, dưới ánh trăng vằng vặc, tôi thấy sự biến đổi rõ rệt của những cánh hoa Quỳnh trắng vàng nền nã: chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, qua từng khoảng khắc, đoá hoa đang còn hé nụ từ từ xoè cánh nở lớn dần, như cô thiếu nữ vươn hết sức mình đón nhận cuộc sống mới (thảo nào, nhiều ông bà cụ cao tuổi vẫn ân hận đến cuối đời mình, không có dịp ngắm hoa Quỳnh nở lúc nửa đêm). Tôi nhớ rõ lời Ba dặn: khi hoa nở, chỉ nên yên lặng ngắm, không được gây tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến việc nở hoa sau này, nên nhẹ nhàng trải chiếc chiếu ngồi xếp bằng ngắm chậu hoa cho đến khi những cánh hoa thu nhỏ lại, mấy nhánh Quỳnh trở lại bình thường như mấy ngày trước… Từ hôm đó, tôi cảm nhận rằng mỗi khi Ba tôi gặp điều gì đắc ý, tâm linh của người phát tiết ra để chậu Quỳnh tiếp thu và thúc đẩy những cánh hoa nở rộ... Khi nghe kể lại chuyện này, nhiều người cười tôi mê tín (trừ Ba tôi, dĩ nhiên), nhưng tôi tin rằng có những sự kiện mà khoa học thuần tuý khó giải thích cặn kẽ được...
Hương trên bàn thờ đã gần tàn, tôi quẹt diêm đốt nén hương mới. Thực hiện thao tác quẹt diêm một tay, tay kia vẫn cầm nén hương, tôi bùi ngùi nhớ lại những lần học thao tác ấy của Người Đó. Người Đó có bàn tay thô tháp, thường bị thiên hạ ví như “dùi đục chấm nước cáy”, mà thực hiện động tác nào cũng mềm mại, gọn gàng như của nghệ sĩ dương cầm… Chén nước đặt phía đối diện tôi vẫn còn nguyên, nhưng tôi có cảm tưởng như đã vơi đi một ít, như Người Đó đang có mặt, vừa nhấp đi một ngụm. Tôi khẽ khàng ngồi xuống, trước chiếc ghế trống, khép nép như đang đối diện với con người mà tôi vừa yêu thương, vừa kính nể…Tôi miên man hồi tưởng tiếp
Phần II: Chông gai cuộc đời
Người ta thường nói: hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Hình như tuổi thiếu thời của tôi luôn chứa đựng những trắc trở tiếp diễn mà sự thuận lợi chỉ là thi thoảng. Sau mấy hôm chiêm ngưỡng tờ giấy báo trúng tuyển trong tay, tôi đang cùng với Ba bàn tính phương án ăn, ở trong mấy năm học đại học ở thành phố thì sự cố ập đến như một cơn lốc. Vừa mới đạp xe đến trường chuẩn bị lên lớp, Ba tôi bị một cơn đột quỵ kéo ngã xuống... Mọi người trong trường khẩn trương đưa ngay Ba tôi đến Bệnh viện Huyện rồi chuyển sang tuyến tỉnh, nhưng hy vọng cứu chữa dần dần trở nên bế tắc rồi vô vọng, khi Khoa Nội Tim mạch giám định Ba tôi bị nhồi máu cơ tim, sau thiểu năng mạch vành độ II. Hoá ra lâu nay, Ba tôi đã có những biểu hiện bất thường về tim mạch, nhưng ông cố gắng chịu đựng không nói ra, để khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, đặc biệt việc học của cô con gái rượu...
Những ngày cuối cùng của Ba ở bệnh viện, tôi lấy lý do không vướng bận học hành để tự nhận trực suốt ngày bên giường bệnh. Lòng thương cảm không chỉ dành cho người cha thương kính, mà còn dành cho người thân yêu tri kỷ, với sự đồng cảm tâm linh sâu sắc... Qua những lời mấp máy khó khăn sau đôi môi khô ráp, tôi hiểu Ba tôi đang lo lắng cho việc học của tôi sau này. Nếu mất đi cây cột trụ chính của gia đình về tinh thần lẫn vật chất, làm sao tôi có đủ điều kiện theo đuổi mấy năm đại học ở thành phố? Mẹ cũng đã lớn tuổi, anh trai vừa lập gia đình rồi có cháu nhỏ, tôi biết dựa dẫm vào ai? Cuối cùng, chính tôi lại đóng vai trò người động viên an ủi cho kẻ sắp đi xa là Ba. Tôi quả quyết: Ba cứ yên tâm, đời người còn dài, bây giờ chưa học được thì tương lai con sẽ học. Con hứa với Ba, con sẽ học thành tài, sẽ trở thành người thành đạt trong xã hội... Lời nói ngô nghê của cô bé 18 tuổi làm ra vẻ người lớn đã khơi nguồn nước mắt tưởng như đã cạn của người đàn ông trung niên đang bước dần sang thế giới bên kia. Trước những giọt nước mắt hiếm thấy của người cha thương kính, tôi thấy không ân hận chút nào về lời hứa của mình, dù trong thâm tâm, tôi vẫn chưa mường tượng được mình sẽ xoay xở cuộc sống tương lai như thế nào... Trong đám tang của Ba tôi, chậu hoa Quỳnh bị dẹp vào một xó để lo lễ ma chay vì nhà quá chật chội, may thay không ai xéo mất. Hoa cũng ủ rủ như khóc cảnh sinh ly tử biệt, tôi cũng quấn cho nó dải khăn tang để nó cùng để tang Ba như tôi…
... Ba tháng sau Lễ Đại Tường của Ba, vợ chồng anh trai tôi bàn với Mẹ, bán hết ruộng vườn ở quê rồi lên thành phố sinh sống với anh ấy. Trên đó, anh tôi mở một cửa hàng nhỏ sửa xe máy, cuộc sống vật chất đã tạm ổn định, nhưng bà chị dâu đuểnh đoảng nên anh muốn Mẹ cùng lên ở trong nhà, mẹ con bà cháu cùng chăm sóc nhau... Tôi thừa biết đó là lý do biến Mẹ thành một Ô Sin cho cô vợ đẻ sòn sòn (hồi đó ở quê tôi điện thoại chỉ có 4 số, tôi cứ gán số điện thoại nhà anh ấy là Hai Năm Một Cháu); Mẹ tôi vốn quen lệ tam tòng, tứ đức nên không những thuận lòng theo anh, còn cố thuyết phục tôi cùng lên đó, sau này anh sẽ tìm lớp dạy nghề cho tôi học. Tôi cảm ơn và quyết liệt từ chối, vì tôi biết lớp dạy nghề điển hình nhất (Ô Sin) sẽ diễn ra ngay trong nhà anh, do Mẹ đứng lớp! Tôi bảo tự xoay xở được ở quê, chỉ xin Mẹ với mọi giá giữ lại chậu Quỳnh của Ba, xem như hơi hướng còn sót lại của người đã khuất...
Mẹ con tôi đang loay hoay với chuyện sinh sống của tôi thì một bước ngoặt mới lại xuất hiện. Một đồng hương của Ba tôi (trước đây tôi vẫn gọi là Chú, vì hơn tôi đến 15 tuổi) đã ngỏ lời xin cầu hôn tôi, Chú ấy bảo rằng đã nhắm tôi từ bao năm nay nhưng phải kìm nén tình cảm vì tôi còn đi học, tiếp đến cái tang của Ba... Bây giờ đã mãn tang Ba, Chú xin mẹ tôi được chăm sóc tôi như người thân trong nhà, nếu thuận lợi sẽ tiến đến hôn nhân. Mẹ con tôi biết rõ đó là lời nói khéo, đời này có mấy ai dại dột đưa con sáo sang sông đâu? Sau mấy đêm bàn luận, mẹ con tôi thống nhất một kết luận: nếu chưa lấy được người mình yêu, thì vẫn có thể tìm hạnh phúc ở người yêu mình. Tôi gật đầu chấp thuận lời cầu hôn, tự nghĩ xem như mình đã có một bến đậu mới, không còn bâng khuâng mỗi khi nghe bài Con thuyền không bến... Trước đó, tôi có tìm đến chậu Quỳnh của Ba tôi để hỏi ý kiến, nhưng vẫn không thấy gì khác lạ, có thể vong linh Ba tôi không thấy có yếu tố nào để khuyên nhủ, hoặc có thể hương hồn của Ba tôi không còn xem chậu Quỳnh là nơi trú ngụ yên bình nữa... Trước khi mẹ tôi bán hẳn khu nhà hương hoả, một đám cưới rình rang được tổ chức: tôi không ngờ gia đình nhà chồng tôi giàu sang đến thế, hoá ra chồng tôi, ngoài công việc hành chính hàng ngày, còn có cổ phần trong nhiều công ty xuyên đại dương, là một đại gia cỡ bự! Mọi sự đều thuận buồm mát mái, nếu trong buổi đón dâu không có mấy kẻ xấu miệng dèm pha: trông chú rể, cứ tưởng là bố cô dâu! Thật tình, nhìn bề ngoài, chồng tôi quả trông già trước tuổi, nên dù có ăn mặc trẻ trung đến đâu, sự chênh lệch tuổi tác vẫn rõ rệt. Tôi lại loáng thoáng nghe bên nhà chồng nói lại, mẹ tôi đã thách cưới mười ngàn giạ lúa..! Nhưng sự nông nổi của lứa tuổi mười tám đôi mươi đã xoá đi ngay nếp nhăn suy nghĩ đó, tôi yên lòng khi thấy gia đình mình đã tạm ổn định, và càng thấy thoải mái hơn khi chồng tối chấp thuận cho mang chậu hoa Quỳnh gia bảo về trưng trong hiên nhà...
Một năm sau, với bao nhiêu biến chuyển…
Trong cuộc hôn nhân nửa đường đứt gánh của tôi, tôi vẫn cho rằng kiếp trước tôi đã mắc nợ không trả được, kiếp này chủ nợ trở thành chồng tôi nên tôi phải trả bù... Sau một hai tuần đầu tiên làm quen với nhau, gia đình nhà chồng như bị sốc khi nhận ra tôi không phải là nàng dâu thuận thảo, rành rẽ công việc đồng áng mà chỉ là cô học sinh mới lớn, quen cầm cây viết hơn cây đũa cả (tôi đã đấu tranh với nhà chồng cho bằng được để học bổ túc nghiệp vụ sư phạm 12+2), ngược lại tôi thật sự hụt hẫng khi thấy mình trở thành vật trang sức của nhà chồng mà giá thành khi mua vượt quá xa giá trị sử dụng... Quan niệm bình đẳng nam nữ của tôi, cùng với sự vụng về trong công việc nội trợ (toàn những thứ xa lạ với gia đình nhà chồng) đã dẫn đến thái độ chì chiết của mẹ chồng, sự xoi mói, rỉa ráy của các mụ o lớn hơn tôi năm bảy tuổi mà phải đóng vai em... Điều đáng buồn là chồng tôi mặc nhiên xem như tôi đã đi ngược lại nề nếp, gia phong của gia đình. Với phong cách gia trưởng đã ăn sâu vào tiềm thức, chồng tôi nói rõ nhiệm vụ người vợ trong nhà là phục tùng nhà chồng: ...Gia đình tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền để rước cô về, cô có biết không? Cha cô chết đi, mẹ cô bán hết nhà cửa rồi, cô về đây tay trắng, chứ có gì đâu? Rời tôi ra, cô chỉ có nước đi ăn mày!..., câu này như giọt nước tràn miệng chiếc ly tự trọng của tôi, thúc đẩy tôi mạnh dạn đặt bút ký vào đơn xin ly hôn, đã được chồng tôi thảo dưới sự tham mưu của nhiều người, sau những cuộc tranh luận dẫn đến cãi vã... Riêng Mẹ tôi, với gánh nặng gia đình sau cái chết đột ngột của Ba, ban đầu đã tự cho là vô cùng may mắn khi kiếm được một phao cứu sinh là chàng rể (tuy lớn tuổi, nhưng) vừa là quan chức có cỡ, vừa là đại gia lắm tiền nhiều bạc: sau đám cưới của tôi, Mẹ đã có đủ vốn để mở một đường dây tín dụng cỡ trung bình... Cho nên cuối cùng, Mẹ bàng hoàng thất vọng khi được biết, sau một năm chung sống, con gái Mẹ lại hoàn trắng tay, vì cứ đòi đặt cái gọi là lòng tự trọng lên trên những tiện nghi vật chất; đúng khi đó, không hiểu sao các dây tín dụng (vốn thân thích với gia đình nhà chồng tôi) lăm le bắn tiếng đòi rút lại vốn, đẩy Mẹ vào thế kẹt. Trong khoảng khắc giận dỗi, cũng có thể nhằm ép tôi quay lại với nhà chồng, Mẹ tôi tuyên bố: tôi không còn có thứ con gái như cô nữa, đừng tính chuyện về ở với tôi! Riêng tôi cũng đã mường tượng về nỗi khổ cực mưu sinh khi bước ra khỏi bóng râm của nhà chồng, nhưng sự hiếu thắng của tuổi trẻ kèm theo sự uất ức bị đè nén bấy lâu đã chiến thắng tất cả… May mắn được hợp đồng làm văn thư ở một cơ quan hành chính, tôi tự nhủ sẽ cố học thêm lớp đại học tại chức để vươn lên, thực hiện lời hứa với Ba tôi trước phút lâm chung...
Ngày nhận quyết định ly hôn của Toà Án, ở lứa tuổi mới ngoài 22, tôi xem như mình đã đoạn tuyệt hẳn với những ràng buộc cũ để dấn thân vào một cuộc sống mới. Tài sản rõ ràng chẳng có gì để phân chia (may thay, chúng tôi chưa có con để gây bất hạnh cho trẻ nhỏ), và tính ngang tàng gia truyền đã thúc đẩy tôi từ chối mọi sự bảo trợ của nhà chồng: tài sản duy nhất tôi mang theo người, ngoài chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ Ba tôi để lại và mấy bộ quần áo cũ có trước khi lập gia đình, là chậu hoa Quỳnh kỷ niệm… Từ khi đó, suốt mấy năm liền, tôi cố quên những ước mơ của tuổi mới lớn, hàng ngày nạp năng lượng bằng ổ bánh mì thịt buổi sáng và suất cơm bụi rẻ tiền buổi trưa, sau tám giờ vất vả ở cơ quan với hàng núi giấy tờ, công văn, trở về căn phòng trọ rẻ tiền dành cho công nhân, tôi luộc gói mì tôm, ăn vội vàng rồi tất tả đạp xe đến lớp tại chức buổi tối. Ví tiền tôi thường xuyên lép kẹp, chỉ phổng phao lên vài ngày sau buổi nhận lương đầu tháng, những ngày đó tôi tự cho phép mình thêm vào tiêu chuẩn hàng ngày, quả trứng gà ốp la buổi sáng...
Tôi tự biết hình thức của mình không dưới mức trung bình: tuy phải duy trì chế độ ẩm thực ăn sư, ở phạm (ăn như nhà sư, ở như phạm nhân), cơ thể thanh xuân dù thiếu dinh dưỡng vẫn phát triển theo quy luật, ra ngoài đường tôi vẫn được nhiều chàng trai theo đuổi, có khi làm cả thơ tỏ tình gởi đến lớp... Tôi như con chim bị ná, cứ thấy cây cong là sợ, cơ bản là tôi chẳng thấy có ai đáng để tôi dựa vào: người thì quá non trẻ (không biết hỉ mũi đã sạch chưa), kẻ thì quá cáo già để tôi phải có ngay cảm giác đề phòng khi tiếp xúc, thay vì tìm một bờ vai nương tựa... Ngoài ra, tôi chua xót nhận ra mình chưa thoát khỏi sự ràng buộc với gia đình nhà chồng (bây giờ tôi trở lại gọi chồng tôi là Chú): nhiều người đang tìm hiểu tôi đã tự động rút lui khi biết danh tính Chú, như họ sợ đụng chạm các đại gia, dù về pháp lý, tôi là kẻ tự do hoàn toàn...
Chậu hoa Quỳnh theo tôi đi khắp nơi, luôn ở cạnh tôi tại mỗi điểm cư ngụ. Tôi cảm tưởng như tâm linh của Ba tôi vẫn hiển hiện trong chậu hoa Quỳnh, dù chậu Quỳnh mấy năm trời không nở hoa, nhưng vẫn tươi tắn chứ không có dáng vẻ ủ rủ như những ngày tù túng trong chiếc lồng sơn son thếp vàng của gia đình Chú… Ngày tôi thấy chậu hoa hồi sinh trở lại (trên nhánh xuất hiện những tia báo hiệu hoa sẽ nở trong vài ngày tới) là buổi cuối cùng thi vấn đáp môn tốt nghiệp: trả lời thật suôn sẻ, tôi tin chắc mình sẽ đậu (bài làm tự luận cũng khá hoàn chỉnh), tôi đã thắp hương báo với Ba về những triển vọng tốt đẹp này, và đúng ngày tôi được phát biểu trong Lễ Tốt nghiệp, với tư cách thủ khoa của khóa, tối đó hoa Quỳnh lại nở…
Nén hương thứ hai trên bàn thờ đã chớm tàn. Tôi đốt tiếp nén hương thứ ba và san sẻ nửa chén trà trước mặt của Người Đó sang chén của tôi đã cạn. Tôi tự cho phép mình chia sẻ chén trà của Người Đó, cũng như trong thời gian gần đây, tôi muốn chia sẻ những cay, đắng, ngọt, bùi trong cuộc sống Người Đó, dù mãi mãi, Người Đó vẫn nằm ngoài tầm tay với của tôi…
Phần III: Nhân Vật Trong Mơ
Mảnh bằng đại học tại chức loại giỏi cầm được trong tay, tuy đơn giản đối với nhiều người, nhưng thật quý giá đối với tôi khi tính đến bao nhiêu giọt mồ hôi đổ ra, bao nhiêu tiếng nấc kìm nén và bao nhiêu giọt nước mắt nuốt ngược vào trong. Tôi dám tự hào không thèm ngửa tay xin trợ cấp của Chú - ông chồng cũ đại gia, và cũng tránh không gây thêm khó khăn tài chính cho Mẹ, mà tôi đã vươn lên bằng chính khả năng của mình, tuyệt đối không dùng đến cái vốn tự có dù đôi khi, sự bức bách về kinh tế, sự thiếu thốn về vật chất dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, trong khi hình ảnh một cô gái nghèo khổ, tương đối có nhan sắc luôn là miếng mồi ngon cho những tên đàn ông có của và xấu nết… Những lúc cần chống lại sự cám dỗ vật chất, và thậm chí bản năng của chính mình, tôi cố nghĩ đến vong linh của Ba tôi, ngắm nhìn chậu Quỳnh không ra hoa, vẫn sởn sơ lá để cố giữ bản ngã của mình. Suốt bao năm trời, tôi được gọi sau lưng là người phụ nữ mang tính cách đàn ông: mọi người quen biết đều bảo tôi có bản lĩnh của người đàn ông quyết đoán. Nhiều lúc trông thấy bạn bè cùng lứa vui vầy hạnh phúc với chồng con, tôi nén lòng mình xuống, cố làm ra vẻ thản nhiên, giả vờ thờ ơ quay mặt đi, lòng thầm nghĩ chắc kiếp này mình không biết hạnh phúc là gì nữa. Trong thâm tâm, tôi tự nhủ, đời đối với mình chẳng ra gì, mình sẽ vươn lên để cho đời biết mặt… Nhớ lại quan niệm trước khi lấy chồng, tôi thầm tự nhủ … nếu phải chọn giữa người yêu mình hoặc người mình yêu (mà không có chiều ngược lại), thì tốt nhất là KHÔNG CHỌN AI CẢ!
Tuy nhiên, phải công nhận đời tôi cũng có quý nhân phù trợ: sau buổi Lễ Tốt nghiệp mà tôi được chọn lên phát biểu với tư cách thủ khoa của khóa, dù không có quen biết, ô dù gì, Trung tâm Giáo dục của Huyện đã gởi công văn xin tôi về một trường phổ thông cơ sở gần nhà (có lẽ nhờ vào tấm bằng loại giỏi duy nhất của khóa đó!). Một năm sau, tôi làm liều gởi đơn xin cấp đất làm nhà thì được duyệt một khoảnh đất vừa phải, dựng được một căn nhà cấp 4, rồi mấy tháng sau, theo sơ đồ quy hoạch của Huyện, mảnh đất nhà tôi bị xén ngang 1 mét sân vườn, bù lại, trở thành lô đất có 4 mét mặt tiền trên một con phố mới đông đúc dân cư, bọn cò đất cứ đến gạ gẫm tôi bán lại bằng tiền tỷ… Bằng đại học của tôi chỉ là bằng tại chức, nhưng chắc tôi thừa hưởng gien sư phạm di truyền của Ba tôi lúc sinh thời, cộng với sự gắn bó với công việc giáo dục (thật ra, không chồng con, không mảnh tình rách vắt vai, nghĩa là không vướng bận gì thì con đường phấn đấu quá thuận lợi!), đường sự nghiệp của tôi bắt đầu hanh thông. Sau mấy năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, tôi được đề bạt lên Tổ trưởng Bộ môn với số phiếu gần như tuyệt đối. Cùng với một loạt sáng kiến cải tiến và, theo cách giải thích của mấy đồng nghiệp thích làm cán bộ tổ chức, ba năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một ngày…đúng đợt phát động phong trào phát triển cán bộ nữ do bà Chủ tịch Tỉnh chỉ đạo, tôi được đề bạt lên Phó hiệu trưởng Chuyên môn, kiêm Tổ trưởng Tổ Nữ Công của trường. Cứ theo đà thăng tiến đó, vừa ngoài 30 tuổi, tôi đã nhận quyết định Phó Phòng Giáo dục của Huyện, và theo nhiều nhà tham mưu con bàn luận, tương lai của tôi sẽ không chỉ dừng lại ở đó... mọi việc diễn ra cứ như có một bà tiên với chiếc đũa cả đầy phép màu thường chỉ thấy trong mơ... Không, đúng ra phải là một ông thần hộ mệnh với đôi lông mày xếch ngược, nụ cười nửa miệng ngang tàng, thần sắc ung dung lịch lãm, trông phảng phất như Ba tôi, nhưng dáng vóc thì không thư sinh như Ba tôi mà ngược lại, cương mãnh như Triệu Tử Long đơn kỵ cứu chúa trong Tam Quốc Chí... Tôi đã thấy hình bóng này nhiều lần trong giấc mơ, và tự nhủ nếu có, sẽ chỉ gắn bó với con người như thế!
Có vẻ như hạn chế duy nhất của tôi trong cuộc sống là đường gia đạo. Con ngựa chứng dù hay đến mấy vẫn cần cây roi da, nhưng tôi vẫn chưa thấy người nào đủ bản lĩnh để cầm cương. Tôi vẫn là phụ nữ thuần tuý, nhưng để che dấu nỗi bất hạnh trong cuộc sống gia đình, tôi bắt đầu tự tạo cho mình cái vỏ bọc superwoman, học cách xử sự quyết liệt của như đàn ông thực sự. Trong công việc thường ngày, tôi có thể dấu hết nanh vuốt, thu mình lại thật mềm mại, dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, điềm đạm, nhưng khi cần, cũng có thể xù lông lên như con nhím gặp kẻ thù. Nhiều đồng nghiệp nam, thậm chí là cấp trên, đôi khi định tỏ thái độ khiếm nhã, đã gặp phản ứng quyết liệt, thậm chí gay gắt của tôi nên bắt đầu né tránh, đặc biệt sau sự cố đụng độ giữa tôi và một Trưởng Phòng Nghiệp Vụ của Sở, vốn có tiếng đào hoa và hay lăng nhăng với thuộc cấp khác giới. Sau một buổi liên hoan tất niên với khá nhiều bia rượu, anh ta nằng nặc đòi đưa tôi về nhà, lấy lý do không thể để phụ nữ về một mình. Khi tôi đã vào đến nhà, anh ta lại xông vào theo, cho thấy rõ ý định lằng nhằng. Ban đầu, tôi đã dùng lời nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết để từ chối vẫn không được. Khi anh ta bắt đầu có thái độ sàm sỡ, tôi đã trả lời bằng một cái tát nẩy lửa, thật kêu, đến nỗi có lẽ đến hàng xóm bên cạnh cũng nghe thấy. Sự việc sau đó được dàn xếp ổn thỏa, anh ta đã (làm đơn hoặc được điều động) thuyên chuyển sang một tỉnh khác, riêng tôi (kỳ lạ chưa?) được bà Giám đốc Sở bồi dưỡng để đề bạt lên thay Trưởng Phòng sắp về hưu. Tôi được mang mệnh danh mới người đàn bà thép¸ con người toàn tâm toàn ý với công việc mà không hề có chút vướng bận cho cuộc sống tình cảm riêng tư. Thỉnh thoảng tôi lại ngắm nhìn chậu hoa Quỳnh, nó vẫn sởn sơ lá mà không ra hoa như thời tôi còn đi học tại chức, xem chừng con đường công danh tạm coi là thành đạt của tôi vẫn chưa làm Ba tôi thanh thản bên kia cõi vĩnh hằng…
Có lẽ cuộc sống tôi sẽ không có biến động gì nữa, nếu tôi không gặp Người Đó vào dịp Phật Đản. Bạn bè rủ tôi đi vãn cảnh chùa Phước Tích, một ngôi chùa mới xây dựng ở địa phương hơn chục năm nay, nhưng nổi tiếng về hoạt động từ thiện. Sau thủ tục cúng dường, tôi đang ngồi uống nước tại bàn khách thì choáng ngợp người khi thấy Người Đó xuất hiện. Với đôi lông mày xếch ngược và nụ cười nửa miệng ngang tàng, hệt như Ba tôi hồi còn sống, tầm vóc nhìn xa thấy cân đối bình thường, nhưng đến gần mới thấy không dưới một mét tám mươi, tác phong điềm đạm, nho nhã, phong thái ung dung, tự nhiên của con người biết mình làm chủ tình thế, Người Đó đúng là một Triệu Tử Long của thời @! Tôi suýt kêu lên thành tiếng khi nhận ra dáng dấp vị thần hộ mệnh mà tôi đã thấy trong mơ, nhưng phải nghẹn ngào nuốt tất cả vào lòng, khi tấm áo phương trượng vàng – đỏ Người Đó khoác trên người đập vào mắt. May thay, những người chung quanh đang mê mải nghe Người Đó thuyết pháp nên không nhận ra thái độ bất thường của tôi…
Kể từ hôm đó, tôi đâm ra chuyên chú chuyện lên thăm chùa, lấy lý do để tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn, nhưng thật ra là muốn tìm hiểu mọi chi tiết chung quanh Người Đó. Tôi đã tìm ra cách tiếp cận một nhà sư đức cao vọng trọng như Người Đó mà không ngại bị tăng chúng, hay những đồng nghiệp trong ngành hoặc học sinh lên án: lấy lý do cần bồi dưỡng thêm tiếng Pháp cho bằng đại học thứ hai về ngoại ngữ, tôi xin được trau dồi môn đàm thoại với Người Đó, vốn là giáo viên tiếng Pháp trước khi xuất gia. Thông qua nhiều lần nói chuyện, tôi đã biết thêm ít nhiều: cách đây 15 năm, Người Đó sống hạnh phúc với vợ và hai con, một trai một gái… Tai họa ập đến khi chuyến máy bay đưa vợ con từ Thành phố về thăm quê gặp tai nạn, Người Đó đã như phát điên khi dò thấy danh sách hành khách tử nạn có 3 người thân yêu của mình. Sau một thời gian phẫn chí bỏ mặc tất cả, Người Đó đã dành tất cả tài sản, cả khoản tiền bồi thường của Công Ty Hàng Không để xây dựng ngôi chùa và hoạt động từ thiện, vốn là việc mà vợ Người Đó rất tích cực thực hiện thuở sinh thời…
Không hiểu vì sao tôi tin tưởng những bài thuyết giáo của Người Đó như lời thánh sống: tôi tích cực tham gia những sinh hoạt từ thiện do nhà chùa tổ chức, hăng hái dùng những khoản tiết kiệm từ đồng lương hàng tháng để đóng góp vào các quỹ cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo, những hoạt động xã hội mà Người Đó chủ trì. Tôi dần dần trở thành một thành viên tích cực của Hội Từ Thiện của nhà chùa, và thông qua những lời khuyên bảo của Người Đó, tận dụng uy tín sẵn có trong thành phố, tôi vận động nhiều nguồn tài trợ để xây dựng Quỹ Khuyến Học, Quỹ Dạy Nghề cho Trẻ Lang Thang, kết quả đạt được vô cùng khích lệ… Đáp lại những thành quả đó, Người Đó đã mỉm cười với riêng tôi, vẫn nụ cười nửa miệng khích lệ, nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa… Lần thứ ba tôi thấy chậu Quỳnh nở hoa lại vào lúc bất ngờ nhất: vừa về đến nhà sau một đợt đi cứu trợ bão lụt mấy ngày, bên Bệnh viện gọi tôi xin một đơn vị máu cho một sản phụ bị băng huyết, loại máu AB tôi có thuộc loại hiếm, nhất là ở huyện lỵ hẻo lánh này. Mệt đuối sức, nhưng nhớ lời dặn của Người Đó cứu một mạng người, bằng xây chín đợt phù đồ, tôi gắng gượng sang khoa Huyết học…, xong việc phải nghỉ ngơi suốt buổi chiều, đến tối mới trở về nhà được. Điều an ủi lớn lao là tối đó, chậu Quỳnh lại nở hoa không báo trước, và cảm động hơn, hôm sau Người Đó lại đến thăm tôi cùng với người chồng sản phụ vừa được cho máu. Lần đó, hình như trong trạng thái vô thức, Người Đó buột miệng gọi tôi là Khả Tú, đến khi tôi trêu lại: Thầy gọi ai thế, diễn viên điện ảnh Miêu Khả Tú của Hồng Kông hả? Lần đầu tiên, tôi thấy Người Đó đỏ mặt, bối rối xin lỗi, nhưng không giải thích lý do… Có vẻ như giữa chúng tôi đã hình thành một mối giao cảm, nhưng cả hai Bên đều đã xác định ngưỡng giới hạn không thể vượt qua: tôi chỉ có thể thuần túy là một thành viên tích cực của Hội Từ Thiện mà Người Đó làm Hội Trưởng, và tôi chỉ có thể nuôi dưỡng tình cảm đơn phương của mình trong đáy lòng và trong những giấc mơ mà vị thần hộ mệnh Triệu Tử Long hiện ra trong tấm áo phương trượng vàng – đỏ…
Chỉ còn 30 phút nữa là nửa đêm, chuẩn bị bước sang ngày mới. Hoa Quỳnh đã bắt đầu hé nụ, sắc màu tươi tắn, rực rỡ hơn những lần trước nữa. Tôi thắp nén nhang thứ tư trên bàn thờ của Ba, và trút nửa chén trà còn lại của người đó sang chén của tôi. Dù tôi vĩnh viễn không gặp Người Đó nữa, nhưng tôi đã mường tượng ra ý kiến của Người Đó, cũng như của Ba tôi trước vấn đề nan giải này.
Phần IV: Chữ TÂM trong cuộc sống
Cách đây một tháng, người vợ sau của Chú (chồng cũ của tôi) cùng đứa con tìm đến tôi báo tin Chú đang trở bệnh tim khá nặng, Tây Y đã gần như bó tay. Tôi thờ ơ tiếp chuyện, vì sau khi chính thức rời khỏi nhà Chú, đối với tôi, Chú chỉ là người dưng, nếu không nói đến món nợ đời khó trả mà tôi đã bỏ qua không thèm nhắc tới. Vợ Chú nói tiếp: theo những lương y kinh nghiệm của khu vực, Đông Y chỉ còn phương thuốc Bách Niên Quỳnh Dược là có khả năng cứu vãn được, những vị thuốc quý như cao hổ, mật gấu, sừng tê… đều có thể tìm được trong những hiệu thuốc Bắc ở thành phố, còn thiếu vị cơ bản nhất là cánh hoa Quỳnh trên 50 năm, mà khắp khu vực này, chỉ có duy nhất tôi đang quản lý chậu hoa gia bảo từ đời ông nội truyền lại, chứ những chậu Quỳnh đua đòi theo mốt thời thượng sau này, chưa chậu nào thọ quá mười năm. Trả lời đề nghị của nhà Chú: giá dù cao đến đâu, gia đình cũng chấp nhận, tôi lạnh lùng trả lời, chậu hoa gia bảo tôi chỉ dùng để thờ, chứ không phải để cứu cái thứ… nói đến đó, tôi ngừng lại kịp thời, dù sao mình cũng đứng đầu ngành giáo dục của Huyện… Hai mẹ con gạt nước mắt ra về, tôi bần thần suy nghĩ rồi gọi điện hỏi ý kiến Người Đó. Gọi mãi không liên lạc được, tôi mới chợt nhớ Người Đó đang đi cứu trợ bão lụt ở một tỉnh vùng duyên hải miền Trung, có thể nơi đó không bắt được sóng. Tôi gởi một tin nhắn thật chi tiết, hy vọng khi nối mạng được, Người Đó sẽ cho ý kiến, có nên hy sinh chậu Quỳnh gia bảo để cứu người đã làm tôi khổ sở nửa cuộc đời không? Ông nội, rồi đến Ba, rồi tôi đều giữ gìn chậu Quỳnh như con ngươi của mắt mình, khi ngắm hoa nở còn không dám nói lớn, nay tính chuyện cắt nghiến hoa đang nở thì xem như xử trảm chậu Quỳnh rồi.
Không ngờ tin nhắn ấy mãi mãi không có hồi âm. Tôi nhận một cuộc gọi đúng từ số máy Người Đó, nhưng bên kia máy chỉ là người đệ tử thân tín, vì Người Đó không còn nữa! Trong chuyến ra khơi cứu trợ những người bị đắm tàu do bão quá lớn, tàu chở Người Đó bị va phải đá ngầm và chìm xuống biển khơi. Người Đó đã quyết định dành phao cứu sinh cho những người trên tàu còn nặng gánh gia đình, và người đệ tử thân tín mang điện thoại của Người Đó vào đến bờ, đã nhận được tin nhắn của tôi và báo tin dữ…
Theo mọi người kể lại, tôi đã ngất xỉu, mê sảng mấy ngày liền và chỉ tỉnh trong Phòng Hồi Sức Bệnh viện sau mấy ngày cấp cứu. Trong cơn mê sảng, tôi thấy mình hiện thân thành diễn viên điện ảnh Miêu Khả Tú, sánh vai cùng diễn viên Lý Tiểu Long trong phim Hồng Kông, mà sao Lý Tiểu Long trong mơ lại giống ông thần hộ mệnh Triệu Tử Long của tôi đến thế…? Khi thần trí đã hồi phục, tôi liên hệ lại những chi tiết quanh sự ra đi của Người Đó, và tôi nhận thức được đó chính là câu trả lời rõ ràng nhất. Người Đó đã hy sinh cả mạng sống của mình cho những người chung quanh…
Tăng chúng trong chùa đã nhờ tôi, thành viên tích cực của Hội Từ Thiên, tìm trong hồ sơ lưu trữ của người ấy một bức ảnh để thờ. Tôi mất nguyên một ngày để chọn lựa bức ảnh bán thân sinh động nhất, phảng phất giống vị thần hộ mệnh Triệu Tử Long trong giấc mơ của tôi. Ngẫu nhiên, tôi tìm thấy một bức ảnh Người Đó chụp chung với một phụ nữ trông quen quen, cùng hai cháu nhỏ, một trai một gái. Soi lại gương mới thấy người phụ nữ giống tôi như hai giọt nước. Mặt sau của ảnh là dòng chữ phóng khoáng, mạnh mẽ, đúng thủ bút của Người Đó mà tôi rất quen thuộc: HOÀNG KHẢ TÚ, SỐNG MÃI TRONG LÒNG ANH. Tôi bàng hoàng nhớ lại lần người ấy gọi tôi là Khả Tú, sau lần hiến máu…
Thắp xong nén hương cuối ngày trên bàn thờ, tôi nhấc điện thoại, gọi đến số nhà Chú, bảo hai mẹ con đến nhà tôi để lấy cánh hoa Quỳnh đang nở. Trả lời câu hỏi cuống quýt về khoản tiền thanh toán, bằng ngoại tệ hay bằng vàng, tôi thong thả: HÃY CÚNG TẤT CẢ VÀO CHÙA PHƯỚC TÍCH! Tôi gác máy, quay lại ngắm chậu Quỳnh lần cuối cùng. Tối nay, hoa Quỳnh nở rực rỡ hơn bất kỳ lúc nào tôi đã thấy…
Xuân Kỷ Sửu 2009

Truyện ngắn 10

MỘT LỜI GIỚI THIỆU
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Kết thúc buổi điểm tâm sáng, vợ chồng chúng tôi đèo nhau cùng đến Trường trên chiếc Dream cũ kỹ. Chiếc xe thân thiết này là tài sản đầu tiên chúng tôi tậu được từ những ngày cùng tốt nghiệp, được giữ lại công tác ở Trường Đại học Y Dược: xếp tốt nghiệp loại Khá, cùng với thành tích hoạt động phong trào, chồng tôi nhận quyết định cán bộ giảng dạy kiêm bác sĩ điều trị ở một Khoa lâm sàng, còn tôi (thông qua lời giới thiệu của một đồng đội cũ của ba tôi, giáo sư Vũ Long, một chuyên gia đầu ngành của Miền Trung) được biên chế làm hành chính ở một Phòng chức năng.
Từ đầu năm học này, tôi đã có kế hoạch dành dụm tiền tậu thêm chiếc Nouvo cho chồng tôi, dù gì anh cũng đang giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Đoàn Trường, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nói tóm lại, là một cán bộ trẻ đầy triển vọng, nguồn phát triển trong tương lai của Trường, theo nhận định của một số cán bộ tổ chức. Nhưng chồng tôi bảo khoan, chờ khi chính thức đứng ở một cương vị xứng đáng đã. Giấc mộng tiểu đăng khoa (hoàng tử hay công chúa gì cũng được) sau 5 năm kế hoạch hóa gia đình để tập trung công sức cho con đường công danh, cũng phải tạm gác lại chờ ngày đại đăng khoa. Chờ mãi mới đến thời điểm sáng nay, biết đâu lại là bước khởi đầu cho bước đường thăng tiến sự nghiệp của anh…
… Ngay từ những năm đại học, anh đã nổi bật lên giữa các bạn cùng khóa như một ngôi sao sáng. Với quá khứ bộ đội hào hùng đầy thành tích và tác phong năng nổ, tích cực, anh được bầu làm lớp trưởng từ năm đầu tiên đến năm cuối cùng, và liên tục trúng cử vào Ban Chấp hành Đoàn Trường, nhận trách nhiệm Ủy viên Thường vụ trong suốt khóa học. Nhiều người còn nhận xét, hồi đi học, bạn bè còn sợ anh hơn cả sợ thầy cô giáo: tôi không biết có đúng không, quả thật anh rất có uy khi phát biểu trước đám đông, những ý kiến của anh thường được bạn bè, đồng nghiệp nghe theo răm rắp. Quả là anh có biệt tài làm chủ được mình: sau này, có lần lúc vui bạn bè, anh đã đấu rượu hạ gục một đồng nghiệp nổi tiếng về tửu lượng, thế mà thường ngày, anh tuyệt đối không say sưa khi nào, ngay cả khi liên hoan tập thể cũng chỉ nhấp môi đôi chút. Trong học tập, dù không học xuất sắc như một số bạn trẻ khi kết thúc phổ thông vào thẳng đại học, nhưng thái độ cần mẫn, tích cực trong từng môn học của anh, tính chỉn chu trong các buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, ở cơ sở điều trị đã chiếm được cảm tình của đa số giảng viên trong và ngoài Trường. Kết quả là, tuy chưa được công nhận là một sinh viên xuất sắc của khóa học, nhưng năm nào anh cũng có tên trong danh sách được tuyên dương, khen thưởng ở cấp Trường, thậm chí đến cấp Bộ.
Từ đầu năm học này, mọi người đã rộn rịp bàn đến chuyện mãn nhiệm kỳ thứ hai của giáo sư Vũ Long, trưởng khoa. Uy tín chuyên môn của giáo sư rất cao, nên Nhà trường đã làm công văn gởi ra Bộ xin cho giáo sư tiếp tục công tác với tư cách cố vấn chuyên môn khi đến tuổi hưu trí. Vấn đề mọi người quan tâm là ai sẽ kế tục sự nghiệp trưởng khoa của giáo sư, điều hành một trong những khoa lớn nhất trường, có tiếng nói chuyên môn vang ra đến cấp Bộ?
Các nhà tham mưu con trong Trường đã bàn luận nhiều về dự kiến nhân sự, xoay quanh khả năng chuyên môn lẫn đời sống riêng tư của các ứng cử viên tương lai. Chồng tôi, với cương vị Tổ trưởng chuyên môn, đã bảo vệ tiến sĩ khi tuổi mới ngoài 30, với bề dày họat động phong trào, cũng trở thành mục tiêu trong tầm ngắm của những nhà tổ chức chính ngạch và tự phong. Những người ủng hộ nhận định: tương lai của anh sẽ không chỉ giới hạn ở cấp Trường, mà có thể phát triển đến mức cao hơn (riêng tôi cho rằng về mặt chuyên môn, làm Trưởng Khoa đôi khi còn khó hơn lãnh đạo cấp Trường, vì uy tín chuyên môn phải thuyết phục được mọi người, chứ không phải chỉ cần cùng équipe lãnh đạo)… Những kẻ đố kỵ lại tìm cách dèm pha những sự cố vớ vẩn trong cuộc đời anh, đôi khi sự thật bị cố tình bẻ quẹo đi một cách không thương tiếc, thậm chí một cuộc tranh luận nho nhỏ của chúng tôi trước ngày tôi về nghỉ phép ở quê mẹ, cũng được thổi phồng thành bi kịch gia đình, có thể dẫn đến tình trạng ly thân, biết đâu lại khởi đầu cho việc ly dị! Đến nỗi tôi dù bận rộn đến mấy, cũng phải tìm cách dung dăng dung giẻ cắp tay anh đi trong trường mấy buổi, để chận bớt mấy cái miệng mách lẻo… Trong thâm tâm, chúng tôi tin rằng, một trong những yếu tố quyết định là ý kiến của giáo sư Vũ Long, người đỡ đầu của anh, mà chúng tôi đang có thuận lợi nhất định…
Năm cuối cùng, khi chọn đề tài làm luận văn cuối khóa, anh bốc thăm trúng đề tài do giáo sư Vũ Long hướng dẫn. Mọi người đều khen anh có số may, làm đề tài với chuyên gia đầu ngành, đến khi bảo vệ, có thầy hướng dẫn là giáo sư đầu ngành, ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng thì kết quả bảo vệ kể như nghe nhạc hiệu, biết chương trình rồi. Phát huy thuận lợi này, anh đã thực hiện đầy đủ tất cả những yêu cầu nhỏ nhặt của giáo sư, từ những số liệu cơ bản nhất đến hình thức trình bày luận văn. Ngày bảo vệ, có người đã nhận xét: đọc luận văn của anh, thấy rõ văn phong từ của giáo sư Vũ Long. Đệ tử chân truyền có khác!
Một sự cố bất ngờ đã gút lại mối quan hệ giữa anh với giáo sư Vũ Long. Vợ giáo sư tình cờ bị tai nạn giao thông, nằm Phòng Câp Cứu, khi phẫu thuật cần truyền máu với số lượng lớn, loại máu B của Cô lại khá hiếm. Thông qua Ban Chấp hành Đoàn Trường, anh phát động ngay một đợt hiến máu trong đoàn viên thanh niên, bản thân đã xắn tay áo hiến ngay 2 đơn vị, vì cùng nhóm máu với Cô. Sau đó, khi sức khỏe của Cô đã ổn định, anh nghiễm nhiên trở thành người con đỡ đầu không chính thức của vợ chồng giáo sư. Vai trò của anh trong gia đình giáo sư còn thân thiết hơn cả tôi trước đó, vốn chỉ tiếp xúc với giáo sư thông qua cha tôi, một đồng đội cũ... Sau đó, Cô đã đứng ra mai mối thành công chúng tôi với nhau, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì trước đây, hình ảnh của anh đối với tôi quá xa vời, ngoài tầm tay với…
Gần đây, anh luôn nhắc tôi giữ thái độ vừa phải với mọi người trong trường, đừng vồ vập quá như đang tìm cách mua phiếu ủng hộ, cũng đừng ra vẻ quan cách như anh đã cầm quyết định đề bạt Trưởng khoa trong tay. Không biết anh duy trì mối quan hệ cần thiết với các cấp có thẩm quyền như thế nào, nhưng nhiều lúc tôi không thể thoải mái trong quan hệ với bạn bè chung quanh, cứ phải giữ kẽ từng lời nói, thái độ… Nhiều người quen đã bóng gió xa gần với tôi, xem như việc anh trở thành Trưởng khoa chỉ là vấn đề thời gian, đối thủ trong Trường chẳng có ai xứng tầm, và hầu như ai cũng biết mối quan hệ của anh với giáo sư Vũ Long, qua những thuận lợi mà giáo sư đã tạo cho anh, đặc biệt khi anh làm nghiên cứu sinh trong nước…
Luận án tiến sĩ của anh, cũng do giáo sư Vũ Long đứng tên hướng dẫn chính, có mục tiêu tìm hiểu và đánh giá hiệu quả của một kỹ thuật nội khoa mới về điều trị loét dạ dày, xuất phát từ nguyên lý Y học đông phương. Kỹ thuật này đã được giáo sư Vũ Long tiếp thu từ một tập thể chuyên gia Trung Quốc, với sự cho phép của các cơ quan chức năng, đã được bước đầu thực hiện ở Việt Nam và sau đó phát triển thành một đề tài nghiên cứu cấp Bộ do giáo sư chủ trì; luận án tiến sĩ của anh cũng đề tài này bảo trợ... Bước đầu, việc nghiên cứu khá thuận lợi, số bệnh nhân được điều trị đều có kết quả khả quan, một số thành tựu đã được công bố trong vài hội nghị khoa học cấp Trường.
Tuy nhiên, có điều bất ngờ mà cả giáo sư Vũ Long lẫn anh đều không lường được: một đề tài nghiên cứu theo hướng tương tự cũng được tiến hành đồng thời ở một trường đại học phía Nam. Trong khi các kết quả của giáo sư Vũ Long và anh chỉ được so sánh và hoàn thiện thông qua các Bản Thông tin Y học, hàng tháng Nhà Trường nhận một lần, thì nhờ xử lý thông tin bằnginternet trên băng thông rộng, nên dù có cùng xuất phát điểm, kết quả nghiên cứu ở cơ sở phía Nam đã nhanh chóng phát triển và có những kết quả gần như bao trùm những kết quả của đề tài anh tham gia, trong đó có một luận án tiến sĩ đã bảo vệ xong phần cơ sở, chỉ chờ quyết định của Bộ để đưa ra chính thức (oái oăm thay, tác giả của luận án này lại là bạn học cũ mấy năm đại học của chúng tôi, anh Huỳnh Thanh Tâm, hay Tâm-ngố, ngày xưa vẫn được mệnh danh là chìa khoa mở kho cười của lớp). Tình huống này có nghĩa là luận án tiến sĩ của chồng tôi có khả năng bị phủ nhận hoàn toàn, chẳng có Hội đồng Khoa học nào công nhận một kết quả ra đời sau, mà lại bị che khuất sau một kết quả ra đời trước... Đây rõ ràng là tình huống tình ngay, lý gian, vì công sức của riêng anh và giáo sư Vũ Long đã đổ ra khá nhiều, nhưng vô tình lại bị luận án kia bao trùm, nguyên nhân chỉ vì phía anh quá mù mịt thông tin…
Đến lúc này, giáo sư Vũ Long đã ra tay cứu anh một bàn thua trông thấy: ông liên lạc với chủ nhiệm đề tài ở cơ sở phía Nam, cũng là giáo sư hướng dẫn luận án của anh Tâm-ngố, đề nghị hoãn việc bảo vệ luận án kia một thời gian để chồng tôi bảo vệ luận án trước. Được sự chấp thuận của người chủ nhiệm đề tài rộng lượng (cũng là một học trò cũ của giáo sư), chồng tôi đã bắt đầu vòng đua nước rút đầy nỗ lực và đạt được kết quả thần kỳ như mong đợi. Luận án của anh đã được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước thông qua đúng 1 tuần trước khi luận án kia có quyết định thành lập Hội đồng Chấm luận án: cuộc đời anh quả có nhiều quý nhân phù trợ, trong đó có giáo sư Vũ Long. Sau này, tình cờ tôi được biết thêm, giáo sư Vũ Long đã từ chối nghiệm thu đề tài nghiên cứu cấp Bộ của mình, và tự động hoàn trả lại tất cả các kính phí đã tạm ứng trước, dù hồi đó chưa có quy định gì về việc hoàn trả này, với lời giải thích đơn giản: đã là người lính, phải biết xử sự như người lính…
Hôm trước, đồng chí Bí thư Đảng ủy Trường gởi giấy hẹn anh sáng nay đến trao đổi về công tác nhân sự. Chúng tôi đều tin rằng giáo sư Vũ Long, dù đang đi công tác ở nước ngoài, đã trao đổi với lãnh đạo Nhà trường về dự kiến người kế nhiệm mình. Đã đành, thủ tục xét chọn sẽ khá phức tạp, từ việc lấy thư giới thiệu của tập thể các thành viên trong Khoa, rồi thông qua Đảng ủy, đệ trình lên cấp trên chờ quyết định chính thức, nhưng mọi người đều hiểu rằng ý kiến then chốt là lời giới thiệu của giáo sư Vũ Long, vừa là người tiền nhiệm, vừa là thầy giáo cũ của hầu hết các cấp lãnh đạo trong Trường, đã từng giữ chân đảng ủy viên từ mấy nhiệm kỳ trước. Chắc hẳn giáo sư sẽ dành những ưu ái cho anh, đứa con đỡ đầu không chính thức của gia đình, cậu con rể quý của người bạn đồng đội, người học trò mà giáo sư đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự thành đạt, thậm chí đã hy sinh sự thành công của đề tài cấp Bộ mà giáo sư đã khá tâm đắc… Chia tay trước Văn phòng Đảng ủy, tôi dặn anh trưa nhớ thu xếp về ăn cơm, tôi sẽ tranh thủ nghỉ sớm về trước, làm món canh cua đồng nấu mồng tơi mà anh rất thích, kể như liên hoan sớm cho bước đầu thành đạt của anh.
Buổi trưa, chờ mãi không thấy anh về, tôi gọi di động thì …số máy quý khách gọi tạm thời không liên lạc được. Hiểu việc chồng tắt máy không liên lạc luôn có nguyên nhân, nhưng do nóng ruột muốn biết ngay kết quả, tôi gọi điện đến gặp cô bạn cùng Phòng, là con Bí thư Đảng ủy để thăm dò tin tức. Tình cờ, chính Bí thư Đảng Ủy nghe máy và đề nghị tôi đến nhà để nói chuyện. Không chờ đến lời mời thứ hai, tôi ngoắc xe ôm đến ngay, không quên cất cơm canh sắp nguội lạnh vào chạn, hy vọng đến khi chồng tôi về, vẫn hâm lại để ăn được.
Bí thư Đảng ủy thường xem tôi như con cháu, vì có con gái làm cùng phòng với tôi. Sau vài lời xã giao ban đầu, ông tiết lộ cho tôi hay nội dung làm việc sáng nay với chồng tôi: làm công tác tư tưởng để cơ cấu anh ấy giữ cương vị Bí thư Đoàn Trường trong nhiệm kỳ tới, thay đồng chí Bí thư cũ chuyển công tác ra Trung ương. Riêng về nhân sự của Khoa, Nhà Trường đang nghiên cứu đề nghị của giáo sư Vũ Long, người tiền nhiệm: kéo dài nhiệm kỳ trưởng khoa thêm 1 năm, trong thời gian đó, Khoa đề nghị Trường tiếp nhận một cán bộ thuyên chuyển từ một cơ sở phía Nam, và bồi dưỡng cán bộ đó để trở thành Trưởng khoa tương lai. Tôi như nghe sét đánh ngang tai khi đọc họ tên ứng viên trong thư giới thiệu của giáo sư Vũ Long, gởi từ nước ngoài về: Huỳnh Thanh Tâm, người bạn học một thời của chúng tôi, chìa khóa mở kho cười của lớp ngày trước, người đã góp phần tước trong tay giáo sư Vũ Long thành công của đề tài cấp Bộ năm nào. Anh Tâm đã làm đơn xin chuyển công tác từ Cần Thơ về Trường chúng tôi để hợp lý hóa gia đình, chăm sóc cha mẹ đã già yếu…
Như muốn giải thích rõ quyết định của giáo sư Vũ Long, đồng chí Bí thư Đảng ủy mở máy tính cá nhân ra, chỉ mấy phút sau đã lọc ra nội dung chat cách đây mấy hôm với giáo sư Vũ Long (sau kinh nghiệm xương máu của đề tài bảo trợ luận án chồng tôi, giáo sư bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực internet, và bây giờ, những phương tiện giao tiếp qua internet trở thành quá thân thuộc với ông):
BTĐU: Tôi đã nhận thư giới thiệu ứng viên Trưởng Khoa mà Giáo sư gởi về qua đường Bưu điện. Có phải đó là anh Huỳnh Thanh Tâm ngày trước ở ĐH Cần Thơ, đã tham gia đề tài cấp Trường "Điều trị loét dạ dày dưới góc độ Đông Y", sau này đã phát triển thành đề tài cấp Nhà nước?
GS VL: Đúng, ngày trước anh ấy đã từng là học trò của tôi, và bây giờ, tôi rất tự hào có được một đồng nghiệp như vậy.
BTĐU: Tôi nhớ hình như Giáo sư đã từ chối nghiệm thu một đề tài cấp Bộ của Giáo sư về lĩnh vực tương tự?
GS VL: Đúng, do nhiều lý do, đề tài của chúng tôi dù đăng ký ở cấp Bộ, nhưng kết quả vẫn hạn chế hơn đề tài cấp Trường này. Trên cương vị người làm khoa học, theo tinh thần người lính, tôi tự thấy có nhiệm vụ tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển, kế thừa công việc của mình.
BTĐU: Tôi sẽ đưa vấn đề này ra Đảng ủy và Nhà trường, hy vọng mọi việc sẽ thông qua. Giáo sư cho hỏi thêm, tại sao giáo sư không giới thiệu ứng viên cơ hữu nào trong Khoa?
GS VL: Tôi hiểu ý của anh. Trong Khoa còn có một tiến sĩ, vừa là học trò, vừa là người thân thiết trong gia đình tôi nữa. Nhưng tôi nghĩ, chọn nhân tài không nên phân biệt người trong, người ngoài.
BTĐU: Xin hỏi riêng Giáo sư, có khi nào Giáo sư nghĩ đến chuyện đề bạt anh này lên Trưởng Khoa, nếu không xuất hiện trường hợp anh Huỳnh Thanh Tâm?
GS V.: Tôi đã cân nhắc kỹ giữa hai trường hợp. Nếu Trường cần một người làm công tác chuyên môn, tôi giới thiệu anh Tâm vì anh ấy hoàn toàn xứng đáng. Trường hợp muốn tôi giới thiệu một người làm tốt công tác phong trào, hay thậm chí một người chồng tốt, tôi sẽ giới thiệu anh này ngay. Chính vợ tôi cách đây mấy năm đã làm chuyện này.
BTĐU: Tôi nhớ lại lịch sử và hiểu kỹ xử sự của Nhiếp chính Tô Hiến Thành về công tác tổ chức trước khi chết: khi vua hỏi ai thay ông được, ông đã giới thiệu Trần Trung Tá là người dưng, có khả năng thay ông giúp vua làm việc lớn, còn với Vũ Tán Đường, có ơn chăm sóc ông khi ốm đau, ông sẽ giới thiệu nếu nhà vua cần người chăm sóc khi đau ốm... Cám ơn giáo sư đã gợi ý, hiện tôi đang cân nhắc cương vị Bí thư Đoàn Trường đang khuyết.
Tôi chào đồng chí Bí thư ra về. Đứng trước cổng nhà, tôi bấm máy nhắn tin cho chồng tôi, hy vọng tin nhắn sẽ xuất hiện ngay khi chồng tôi mở máy: Em đã gặp bác Bí thư Đảng ủy rồi, đã đọc cả lời giải thích của giáo sư Vũ Long. Anh về nhà đi, em sẽ phân tích cho anh rõ, và tin chắc anh sẽ xứng đáng với lòng tin của mọi người. ***

Truyện ngắn 09

MẪU CHUYỆN VẶT THỜI HẬU CHIẾN
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Lời kể của Hoài Thu, bạn của vợ, kế toán trưởng Bệnh viện:
Cô y tá trẻ chuyển bản sao bệnh án cho tôi, thở ra: Xong rồi, có người ứng tiền viện phí cho bệnh nhân Thuý Kiều đây, tôi cũng thở phào theo. Không riêng gì cô và tôi, đã hai hôm nay, mọi người ở Phòng Sinh và Phòng Tài Vụ cứ áy náy vì cas sản phụ được chuyễn cấp cứu này: gia đình không có ai, chỉ có hàng xóm thương tình chở đến, chẳng lẽ các lương y như từ mẫu lại bỏ mặc? Chẩn đoán đã vỡ ối, bệnh nhân mê sảng, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật ngay để cứu cháu; nay tạm qua cơn nguy kịch thì đến vấn đề đầu tiên! Trưởng khoa chỉ định tạm thời điều trị tiếp, chờ ý kiến Giám đốc, thì may thay…
Đọc lướt qua tên người nộp tiền (Tưởng Vĩnh Thuyên) trên tờ phiếu thu, tôi nghĩ thầm: quái lạ, họ tên giống y chang tên chồng của Linh Chi, bạn thân thiết của tôi (anh ấy một thời là thần tượng của nhóm bạn gái chúng tôi, nhờ sự hiểu biết uyên bác từ hồi đi học). Ngước mắt lên, tôi ngớ người ra: đúng là anh, với nụ cười nhếch nửa miệng ngang tàng, anh đăm chiêu suy nghĩ nên không nhận ra tôi đang khuất nửa người đằng sau quầy… Đợi anh làm xong thủ tục, đi khuất rồi, tôi khoá vội Quầy Thu ngân, chạy lên Phòng Sinh nhờ xem lại bệnh án của sản phụ Thuý Kiều – con so, 36 tuổi - mà anh vừa đóng lệ phí. Tên của trẻ sơ sinh, do sản phụ đặt, gợi ngay sự chú ý của tôi: tên cha TV Thuyên, cháu gái mang họ mẹ với cái tên thật gần gũi với tên của anh: Thu Yên! Tôi mơ hồ cảm thấy: giông bão sắp nổi lên trong gia đình bạn tôi…
Theo Linh Chi kể, cuộc sống gia đình không đến nỗi túng bấn, nhưng chẳng dư giả gì: anh dạy học, Linh Chi làm việc ở Phòng Tin học trong trường. Với mức lương cơ bản của hai vợ chồng thuộc ngành có ngày kỷ niệm trong năm, thêm ít tiền phúc lợi hàng tháng, để lo được đầy đủ cho 2 đứa con ăn học, hai vợ chồng phải tằn tiện nhiều. Cũng may, mấy năm quân ngũ đã tập cho anh tính căn cơ, tiết kiệm, nên anh đã cai hẵn café, thuốc lá sau khi Linh Chi sinh cháu thứ hai. Cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng cả nhà vẫn lạc quan, vui vẻ, khi nào cũng thấy yêu đời. Tôi thường nghĩ: gia đình Linh Chi có thể biểu trưng cho hình tượng một mái nhà tranh, hai quả tim vàng đời mới… Tôi nhớ Linh Chi có lần đùa với tôi: mình có hạnh phúc hơn người là không phải làm dâu ai cả - anh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia đình chẳng có anh chị em, nên mọi lo toan đều dành cho gia đình. Vậy người phụ nữ này là ai, quan hệ như thế nào với anh, chồng cô ta ở đâu, để anh ấy phải lo thay phần việc của người cha, người chồng?
Tôi mượn áo blouse, khoác vội qua người, đảo qua Phòng Hậu phẫu xem mặt hai mẹ con cho thoả trí tò mò, trong vai trò một y tá đến chăm sóc bệnh nhân. Mới thoạt nhìn qua, tôi phải công nhận là sản phụ Thuý Kiều có khuôn mặt phúc hậu thấy rõ, dù vừa qua một cuộc phẫu thuật, và tuổi cũng không còn trẻ trung gì. Tôi không có khả năng phân tích xem cháu nhỏ có nét gì của anh Thuyên không, theo tôi, khi mới sinh ra, cháu nào cũng từa tựa như nhau, lớn lên mới tạo nét giống cha, giống mẹ. Nhưng nếu cháu không phải là sản phẩm của anh Thuyên, tại sao anh lại trang trải chi phí cho mẹ cháu, lệ phí phẫu thuật trên dưới năm triệu có phải ít đâu, so với đồng lương nhà giáo của anh? Tên cha ghi là TV Thuyên, chữ TV là viết tắt của Tưởng Vĩnh hay chữ khác? Tên cháu nhỏ do mẹ đặt được tách ra từ tên anh, người ngờ nghệch nhất cũng thấy được sự gắn bó giữa mẹ đẻ và người tên Thuyên…
Tôi đã rút kinh nghiệm nhiều lần để không can thiệp đường đột vào chuyện gia đình người khác. Tất cả mọi việc chỉ có thể làm sáng tỏ khi mọi người trong cuộc đều đã lên tiếng, nhất là anh Thuyên. Tuy nhiên, tôi không muốn bạn Linh Chi của tôi bị đặt vào thế bị che mắt, bịt tai, vì việc này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình (mà trước hết là ảnh hưởng đến ngân sách). Ít nhất, với tư cách là bạn, tôi phải đánh tiếng dần cho Linh Chi biết đã.
Gọi hết điện thoại bàn rồi đến điện thoại cầm tay, tôi mới biết gia đình Linh Chi nhân dịp hè, đang vào thăm ông bà ngoại trong miền Nam đến hết tuần sau, riêng anh Thuyên đã ra Huế trước mấy hôm nay. Thôi dù sao chuyện cũng đã rồi, đành chờ đến ngày bạn tôi về rồi cùng bàn tính cách giải quyết, chứ thông báo nóng vội, để bạn tôi sấp ngửa chạy ngay ra cũng chẳng được gì. Trong thâm tâm, tôi mong sao có được một lời giải đáp thoả đáng mối nghi ngờ, để tôi vẫn giữ mãi được hình ảnh tốt đẹp về anh, có sẵn từ trước khi anh lập gia đình, được giữ mãi đến tận bây giờ.

Lời kể của Linh Chi, vợ, nhân viên quản trị mạng:
Cuộc điện đàm với Hoài Thu làm tôi băn khoăn suy nghĩ mãi: không biết có chuyện gì mà gọi tôi vào đêm khuya như thế? Giọng Thu hơi ngập ngừng khi nhắc đến anh Thuyên, có loáng thoáng nhắc tới tên phụ nữ, hình như định nói gì đó liên quan đến anh rồi lại thôi, làm tôi tự nhiên nhớ lại những lý do anh nêu ra để về nhà trước mẹ con tôi một tuần: trường anh sắp cho học viên sau đại học bảo vệ luận văn tốt nghiệp, các đồng đội cũ sắp tổ chức Ngày truyền thống của đơn vị, mà anh là Trưởng Ban Liên lạc… Các lý do được nêu lên khá phong phú (thói quen nghề nghiệp giúp tôi xâu chuỗi các lý do một cách logic), làm tôi cảm nhận một điều: anh cần có mặt ở Huế vào thời điểm này, dù ban đầu anh đã định cùng đi, cùng về với mẹ con chúng tôi. Hình như có một điều gì đó lấn bấn mà anh chưa tiện nói ra với tôi được. Tuy nhiên, là vợ anh, tôi biết phải đặt lòng tin lên trên sự nghi ngờ, nên vẫn vui vẻ chuẩn bị valise cho anh, đưa trước cho anh ít tiền đi đường (anh không từ chối như mọi khi, tôi hơi ngạc nhiên) để anh thực hiện nước mã hồi, dù về Huế anh chỉ ở có một mình, hai đứa con vẫn tranh thủ mùa nghỉ hè, nghỉ ngơi ở quê ngoại…
Ngày trước, hồi tôi chuẩn bị tra chân vào cùm với anh, gia đình, bạn bè cũng lắm kẻ bàn ra tán vào. Ba tôi vốn là cựu chiến binh, đi bộ đội từ thời chống Pháp rồi qua chống Mỹ, gật đầu tán thành ngay khi biết anh đã kinh qua mấy năm quân ngũ với một lô bằng khen, giấy khen đủ loại. Mẹ tôi hơi ngần ngừ, một số bạn bè tôi cũng phản đối khi nghe nói đồn anh bôn-sê-vích hơn cả những ông cộng sản nòi. Ban đầu, tôi chỉ chú ý tinh thần trách nhiệm của anh, đồng nghiệp của anh đều nhận xét: lão Thuyên nhận làm việc gì cho ai thì người đó chỉ có việc ngồi chờ kết quả, lão làm toàn tâm toàn ý như chính công việc của mình. Vì vậy, khi nghe anh hứa sẽ chịu trách nhiệm về cuộc sống gia đình nếu tôi chịu chăm sóc anh, thay người mẹ mà anh đã mất từ nhỏ, tôi đã suy nghĩ và quyết định tự nguyện hy sinh đời tôi để cứu vớt đời anh ấy
Sống với nhau, tôi nhận ra rằng anh không khô khan, mà cũng sắc sảo, dí dỏm ra phết! Có lần xem chương trình Chiếc Nón Kỳ Diệu trên VTV3, nghe đáp án mẫu người đàn ông mà phụ nữ ưa chuộng là kẻ TỐT VỚI VỢ, THƯƠNG CON, anh cười: nói như vậy có nghĩa là nếu anh tốt với em, thương 2 thằng nhóc là ra đường sẽ được phụ nữ ưa chuộng, anh tha hồ tán tỉnh phải không? Ban đầu, tôi chỉ cười cười nghĩ rằng anh nói đùa cho vui thôi, đến ngày có một cô bạn cùng quê của chính tôi, là bộ đội từ thời chống Mỹ, nay sống độc thân một mình, tìm gặp riêng tôi, ngỏ ý muốn xin anh ấy một đứa con để vui tuổi già về sau, bảo đảm có con rồi sẽ tuyệt đối cắt đứt để khỏi ảnh hưởng về sau, tôi bàng hoàng từ chối và cô bạn đồng hương cũng đã tự động biến mất khỏi cuộc sống gia đình chúng tôi, từ đó tôi mới thấy rằng anh vẫn rất có giá trước nhiều phụ nữ, ngay Hoài Thu đã có gia đình, khi nhắc đến anh vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ… Những chi tiết vụn vặt, rời rạc đó, nếu được xâu chuỗi lại, sẽ hình thành nên một hình ảnh tuy có vẻ viển vông nhưng đầy ám ảnh: biết đâu anh Thuyên của tôi (mà tôi vẫn gọi đùa là thằng cu lớn của gia đình tôi) đang được ai đó chăm sóc ân cần, khi đang thiếu vắng một bàn tay phụ nữ, dù chỉ tạm thời trong một vài ngày?
Tính tôi đã quyết làm thì khó ai cản nổi. Nhìn đồng hồ, dù đã quá khuya, hay đúng ra là quá sớm, mới có 3 giờ sáng, tôi vẫn gọi điện thoại về nhà Thu. Nghe đúng giọng ngái ngủ Thu, tôi hỏi ngay: Có chuyện gì về anh Thuyên phải không? Tao có phải ra Huế ngay không? Tôi hy vọng nghe một lời gắt gỏng, hay ít ra là một lời cằn nhằn, trách móc vì quấy rầy trong đêm khuya, nhưng kết quả thật bất ngờ, Thu buông một lời thì thầm như có gì mờ ám, giọng tỉnh ngủ hẵn: Ừ, nếu thu xếp được thì mày xin phép ông bà ngoại ra Huế đi, tao sẽ nói chuyện với mày chi tiết hơn. Đàn ông mà, ai cũng như nhau. Tìm tao ở Phòng Kế toán Bệnh viện nhé…
Mọi việc sau đó cuốn ào ào như một cơn lốc. Tôi quyết định ra Huế một mình (nếu có chuyện gì cũng tự mình giải quyết, hay hơn là kéo con cái vào), lấy lý do là có việc đột xuất ở cơ quan phải về ngay, gởi lại tiền nhờ ông bà ngoại mua vé tàu cho hai cháu tuần sau sẽ ra. Tôi cố chôn chặt nỗi phiền muộn trong lòng, chịu khó mang một túi tướng khô sặc Ba tôi gởi cho cậu con rể quý, để thỉnh thoảng nhậu với bạn bè. Ba ơi, liệu con rể Ba có xứng đáng với tấm lòng của Ba không?
Tôi gọi điện cho cậu em họ ở Huế, chuẩn bị ngày mai chạy xe máy ra ga đón chị. Cu cậu hăng hái đến không ngờ: Dạ được, chị cần ôtô không, để em thuê luôn, làm tôi ngạc nhiên, sao cậu em bỗng dưng nhiệt tình đến thế, nhưng sau nghe nói thêm, cháu lớn nhà em chuẩn bị bảo vệ luận văn Cao học, anh là phản biện thứ nhất đó, tôi mới bật cười, thầm ngao ngán cho sự đời…

Lời kể của Huy, em họ của vợ, Phó ban Quản lý Dự án:
Ban đầu tôi nghĩ việc bảo luận văn Cao học của con tôi rất thuận lợi. Tôi đã vận động bằng nhiều cách, từ tình cảm đến kinh tế, để một chuyên gia đầu ngành chịu đứng tên hướng dẫn chính, dù thực chất ông ấy chuyễn cho người hướng dẫn phụ làm việc với con tôi, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần núp bóng dưới tên ông là luận văn của con tôi đã có thể nghe nhạc hiệu, biết chương trình rồi. Thế mà, cả hướng dẫn chính lẫn hướng dẫn phụ đều đề nghị anh Thuyên làm phản biện thứ nhất, vì đề tài ứng dụng công nghệ mới, mà con tôi chọn làm khá hóc búa, anh Thuyên tuy không có học hàm cao nhưng lại là người có kinh nghiệm rất sâu về lĩnh vực này.
Tôi biết anh Thuyên là người kỹ tính, cân nhắc cẩn thận mỗi lời khen chê, thường đòi hỏi cao về mức độ làm việc của mỗi đối tượng. Tuy sức học của con tôi không phải kém cỏi, nhưng cháu còn phải tập trung tâm trí, thời gian cho những mối quan hệ cần thiết cho việc tốt nghiệp (với nhà trường, với khoa, với các thầy cô, với các cơ quan đoàn thể), thì còn đâu điều kiện để lo tập trung vào chuyên môn? Có lúc tôi muốn cho cháu chuyển sang một đề tài khác, tránh anh Thuyên cho đỡ vướng bận, nhưng Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - một đơn vị màu mỡ tôi định hướng công tác cho cháu sau này - tỏ ý quan tâm đến đề tài ứng dụng công nghệ mới, trong một buổi gặp mặt, đã động viên tôi tạo điều kiện cho cháu nghiên cứu sâu theo hướng đó, và gần như hứa chắc chắn, Phòng Tổ chức Tổng Công Ty sẽ mở rộng cửa đón tiếp, nếu cháu bảo vệ thành công luận văn.
Tóm lại, việc then chốt là phải tác động sao cho anh Thuyên tạo mọi thuận lợi để bảo vệ luận văn của cháu đạt kết quả cao nhất. Đó mới là vấn đề phức tạp nhất. Qua sự kiện anh ấy từ chối phong bì mà tôi lấy lý do bồi dưỡng đọc luận văn ngoài giờ (anh ấy thừa biết phong bì mỏng dính như thế chỉ có thể chứa mấy tờ ngoại tệ, nhưng thái độ của anh ấy dù mềm mỏng vẫn dứt khoát), tôi hy vọng với anh Thuyên nếu không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Tôi nghĩ, chỉ có thể tác động đến anh ấy thông qua tình cảm gia đình, tức là thông qua bà chị Linh Chi, phụ nữ thường thực tế hơn nam giới…
Gặp tôi ở ga, chị bảo tôi đưa đến cơ quan cô Hoài Thu bạn chị, vì chị có việc gấp. Đến Bệnh viện, đúng lúc có việc phải ra Ngân hàng, Hoài Thu bảo chị chịu khó chờ ở phòng khách, khoảng nửa tiếng sẽ quay trở lại. Chị bảo tôi cứ về đi, nhưng tôi chủ trương bám lấy thắt lưng địch, bảo không bận gì, chờ xong việc chở chị về luôn. Hình như chị cũng đang lo toan gì đó, nên cũng muốn có người bên cạnh. Tôi cùng với chị ngồi chờ Hoài Thu trong Phòng Kế toán trưởng, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tranh thủ đề cập đến việc nhờ anh Thuyên. Chiếc phòng bì mỏng - vợ tôi đã chuẩn bị sẵn, dày gấp đôi phong bì đã bị anh Thuyên trả lại - để trong túi áo veste, gọn gàng như chứa giấy mời họp.
Hình như ở Bệnh viện này, có nhiều người quen biết chị Linh Chi, ai gặp cũng chào hỏi, nói dăm ba câu đã hết bao thời gian, tôi không biết xen vào khi nào. Một bác bảo vệ già xuất hiện, nhìn chị đăm đăm rồi hỏi: Xin lỗi, cô có phải là vợ anh Tưởng Vĩnh Thuyên không? Bác nhận là đồng đội cũ của anh, nhận ra chị vì thấy giống y trong ảnh cưới của hai vợ chồng mà anh luôn mang theo người. Bác nói nhỏ nhẹ: Tôi đã định tìm anh, nhưng anh bận họp trong trường, tình cờ gặp chị đi vào cổng, thôi tôi nhờ chị cũng được. Chị giúp tôi chuyển cho anh ấy bốn trăm ba mươi lăm ngàn đồng (bác run run móc trong túi nilon ra mấy tờ giấy bạc cũ nát, thêm mấy tờ polymer loại mệnh giá thấp), mấy hôm trước biết anh Vĩnh Thuyên và anh em trong đơn vị chạy tiền lo cho chị Thuý Kiều đang phẫu thuật (tự nhiên tôi thấy chị giật nẩy mình khi nghe tên Thuý Kiều), tôi gom được ít tiền phụ cấp xin cùng đóng góp để bồi dưỡng cho chị.
Bác đã bước ra cửa, chị Linh Chi níu bác lại để hỏi thêm về thông tin, tôi đứng tần ngần, chẳng biết làm gì hơn, đành im lặng hóng chuyện: cô Kiều này xưa cùng đơn vị bộ đội với chúng tôi, đã được phong anh hùng thời chống Mỹ, nhưng khi hoà bình rồi thì đã quá thì quá lứa, cố tranh thủ kiếm một mụn con. Tìm khắp nơi, cuối cùng gặp anh đồng đội cũ, trùng tên với chồng chị, Trần văn Thuyên, làm nghề chài lưới ở Phú Lộc. Chị Kiều sắp sinh thì chồng bị tai nạn chết mất xác qua cơn bão Xangsane… May nhờ hàng xóm thương tình đưa vào bệnh viện rồi thông báo khắp nơi, anh Vĩnh Thuyên thay mặt đồng đội cũ đến thăm và đứng ra quyên góp tiền lo viện phí. Như chợt nhớ ra, bác móc trong túi áo ra thêm một tờ giấy gấp làm phong bì, lấy mấy tờ polymer màu hồng nhạt. Chị cứ nhận tiền của tôi, thêm hai trăm ngàn của thằng Quý liên lạc trung đoàn nữa nhé, cứ nói thế là anh Thuyên hiểu ngay. Bác mỉm cười: Đồng lương chúng tôi kiếm bằng mồ hôi nước mắt thì anh Thuyên nhận, chứ nghe nói hôm trước có mấy tên làm dự án, đề nghị gởi tiền nhờ anh rửa qua các đề tài nghiên cứu rồi lại quả, anh từ chối còn mắng cho nữa…
Tôi như người mất hồn, theo chị Linh Chi và bác bảo vệ lên đến Phòng Sinh, đang nhờ đọc bệnh án cô Thuý Kiều thì gặp Hoài Thu vừa về. Thu tíu tít: Xin lỗi Linh Chi nhé, tao bận quá, giờ mới xong việc, rồi nhìn bản bệnh án, nhỏ giọng: Mày biết chuyện cô Thuý Kiều rồi hả? Chị Linh Chi từ tốn: Ừ, tao biết còn hơn mày nữa. Thuý Kiều còn là đồng hương của tao nữa kia. Bây giờ mày cho tao vay ba triệu, cuối tháng tao hốt hụi sẽ trả.Tôi thẫn thờ nhìn chị Linh Chi cất cục tiền chẵn lẻ đủ loại chị Hoài Thu đưa, tiền bác bảo vệ đã gởi vào trong phong bì lớn, trông chị mang chiếc phong bì to tướng cứ nhẹ như không. Trong khi đó, phong bì đựng toàn tờ một trăm đô la Mỹ để sẵn trong túi tôi, không hiểu sao lại nặng như cối đá…

Truyện ngắn 08

ĐẰNG SAU MỘT SỐ PHẬN
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Đoàn tàu E1 lao vun vút trong màn đêm, nhịp rung nhè nhẹ đưa hành khách trên tàu dần vào giấc ngủ. Riêng tôi vẫn trằn trọc không tài nào chợp mắt được, dù thường ngày tôi đặt lưng xuống là ngủ được ngay - các con hay trêu tôi: mẹ vẫn đang còn tuổi ăn, tuổi ngủ mà! Tôi bâng khuâng nhớ lại buổi nói chuyện sáng nay với Ba của tôi, tức ông ngoại của các cháu: tuần trước, khi biết tôi sẽ phải vào Huế (để làm việc với giáo sư phản biện cho luận án tiến sĩ tôi sắp bảo vệ), Ba ngập ngừng mấy phút rồi dặn tôi hôm nào trước khi đi, nhớ đến gặp để Ba nhờ một việc - có lẽ là việc quan trọng, vì hơn ba mươi năm nay, tôi chưa thấy Ba quay về nơi đã sống suốt thời niên thiếu…
Sáng nay, khi đã sắp xong hành lý, tôi tìm đến căn gác lửng nhà cậu em - nơi Ba đã sống như kẻ ẩn cư, từ ngày Mẹ mất sau cơn bạo bệnh. Khi tôi bước vào phòng, hình như Ba vừa thắp hương cho Mẹ xong, mắt Ba như còn vương ít sương khói. Ba pha một ấm trà móc câu đậm chát, chậm rãi kể lại cho tôi nghe chuyện đời xưa, qua đó tôi mới biết mối quan hệ phức tạp của Ba với đất Huế.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, đang là một học sinh sáng giá của Trường Quốc Học, hội đủ các tiêu chuẩn về người chồng lý tưởng của các tiểu thư xứ Huế: đẹp dzai, con nhà dzầu, học dzỏi, Ba lại nhắm đến Minh Trân, một cô con gái nhà nghèo - cha làm trợ giáo, mẹ nội trợ - học ở Trường Đồng Khánh bên cạnh. Theo nhiều người nhận xét, hồi đó cô này chẳng có gì lôi cuốn, ngoài cái nết hiền thục và chăm học – nét đặc trưng của con gái xứ Huế. Ba tin chắc thế nào cũng đạt được mục tiêu mong muốn, tâm sự với gia đình, bạn bè biết bao ước mơ đã xây dựng, cho đến ngày chính cô Minh Trân, sau nhiều lần từ chối lời tỏ tình của Ba (em còn nhỏ, còn lo học), chính thức khẳng định tình cảm với một thầy giáo người Nam bộ, khá lớn tuổi, nghe nói đã có một đời vợ rồi! Chỉ hai tháng nữa thôi, bên nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi theo đúng phong tục xứ Huế…
Với lòng tự trọng của kẻ sĩ phu, Ba đã dàn xếp một buổi nói chuyện tay đôi với đối thủ của mình. Ba chấp nhận là kẻ thua cuộc (dù thực sự Ba đã vào cuộc đâu?), vì quyền quyết định cuối cùng là của cô Minh Trân. Tuy nhiên, Ba vẫn tỏ ý nghi ngờ sự thành đạt của gia đình cô Minh Trân trong tương lai, vì đối thủ của Ba chỉ bắt đầu sự nghiệp từ một con số không: là giáo viên còn tập sự ở miền Nam, do tham gia hoạt động chính trị nên bị Pháp đày an trí tại miền Trung, đến nay mới được bố trí dạy giờ ở vài trường trung học. Hoàn cảnh như thế, làm sao bảo bọc cho gia đình đầy đủ bằng Ba - thuộc dòng giống danh gia vọng tộc, cháu nội một Đốc học tiếng tăm, con một nhà kinh doanh lớn trong khu vực?
Đúng phong cách quân tử Tàu - nước sông không phạm vào nước giếng, Ba rời đất Huế, nơi đã gây cho Ba vết thương lòng đầy chua xót, ghi tên học tại Trường Y Hà Nội (thời đó chỉ cần ghi danh, Nhà trường căn cứ theo bảng điểm thời trung học để xét tuyển, Ba được nhận vào ngay), tự nhủ chỉ quay trở lại Huế khi thực tế đã chứng minh sự sai lầm trong lựa chọn của cô Minh Trân. Ba còn hạ quyết tâm sẽ dạy dỗ con cái học hành, công tác thành đạt, để sau này có thể so sánh với gia đình cô Minh Trân, và minh chứng cho nhận định của mình.
Suy nghĩ nông nổi ấy phai nhạt dần khi Ba gặp Mẹ, và dần dần cuộc sống gia đình của chúng tôi đã chứng tỏ chân lý: đằng sau sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng người đàn bà! Ngay bây giờ, khi đã về hưu, Ba vẫn có tiếng là một phẫu thuật viên tài hoa của Bệnh viện đầu ngành Ngoại; tôi tuy là gái cũng đã giữ cương vị một Tổ trưởng Đại Số của khoa Toán trong một trường đại học lớn của thủ đô, còn em trai tôi đã lần lượt tốt nghiệp trung cấp, rồi đại học xây dựng, cuối năm ngoái vừa được đề bạt làm quản đốc của một Xí nghiệp Xây lắp ở Hà Nội, trước đây đã nhiều lần đoạt giải nhất cuộc thi tay nghề xây dựng của Thủ đô. Mẹ tôi - một dược sĩ trung cấp, khi nhắm mắt xuôi tay sau một cơn đột quỵ, ắt hẳn có thể yên lòng vì đã hậu thuẫn tích cực cho sự thành công của ba cha con chúng tôi.
Ba những tưởng đã chôn vùi mọi việc vào dĩ vãng, nhưng dịp công tác vào Huế của tôi đã gợi lại cho ông những kỷ niệm ngày xưa. Dù đã biết rằng gia đình bên nào cũng đã yên phận rồi, Ba vẫn muốn nhờ tôi tìm hiểu thông tin về gia đình cô Minh Trân mà đã bao lâu nay, Ba tránh không nhắc tới, dù đôi lần Mẹ có gợi ý hỏi đến. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã cắt đứt dòng thông tin từ bạn bè cũ của Ba ở Huế, sau ngày giải phóng miền Nam Ba cứ bận bịu nhiều công việc chuyên môn, và Ba cũng tránh không gợi lên những cơn sóng tình cảm ngày nào, sợ Mẹ không vui. Ba chỉ biết loáng thoáng là chồng cô Minh Trân đã mất hơn 10 năm nay, cô bị bệnh nặng từ lâu, không đi lại được. Cô cũng đã sinh nở khá nhiều lần, con cái chẳng biết học hành công tác đến đâu. Lần này, cân nhắc mãi, hầu như sáng nào Ba cũng thắp hương nói chuyện với Mẹ, mong Mẹ thể tất cho Ba khi nhờ tôi nối lại dòng thông tin đã bị cắt đứt trong một thời gian dài. Trong sâu thẳm tiềm thức của Ba, vẫn tồn tại ý định so sánh sự thành đạt của các con Ba và các con cô Minh Trân, để bảo vệ nhận định ngày nào của mình!
Tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh của Ba để phân tích. Các gia đình miền Nam trước đây có thói quen đo lường hạnh phúc gia đình bằng số con sinh ra, gia đình cô Minh Trân đông con, chồng cô là dân ngụ cư, nay đã mất – ví như cột trụ gia đình đã xiêu, e rằng các con của Cô khó học hành, công tác đến đầu, đến đũa như những gia đình miền Bắc - chỉ có đúng 2 con như quy định của Nhà nước, với một người mẹ tuyệt vời như Mẹ chúng tôi. Không cần phân tích nhiều hơn, tôi đã có thể ước tính kết quả để làm trọng tài cho cuộc chiến so sánh thầm lặng ngày xưa rồi.
Tôi nhẹ nhàng trở mình trên chiếc giường hẹp của toa tàu, hướng suy nghĩ về công việc của mình. Nội dung luận án của tôi tuy chưa thật hoàn chỉnh, nhưng xét về thời gian tính, chỉ còn gần 2 tháng nữa là tròn thời hạn 5 năm nghiên cứu sinh. Thầy Huỳnh, giáo sư hướng dẫn đề nghị tôi thu gọn phạm vi (trên lớp phổ nhỏ hơn, với n chẵn) để kết thúc luận án, nhưng tôi vẫn cứ tâm huyết với việc phát triển theo số n lẻ, cuối cùng thầy đề nghị tôi tìm gặp để hỏi ý kiến thầy Anh, một chuyên gia về Đối Đồng Điều, đang công tác ở Đại học Khoa học Huế. Tôi hy vọng thầy Anh sẽ giúp tôi giải quyết được vấn đề mà tôi quan tâm, vì trước đây chính thầy đã dày công nghiên cứu về lớp nhóm quá-đặc-biệt, là cơ sở chính của habilitation mà thầy vừa bảo vệ ở Pháp - dịch thoáng chữ habilitation là bằng chứng nhận chưởng môn nhân (nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp Kim Dung), tức là có khả năng hình thành một trường phái mới. Thầy Huỳnh dự kiến sẽ mời thầy Anh tham gia Hội đồng Chấm Luận án Tiến Sĩ của tôi với tư cách người nhận xét thứ nhất, vì thầy Anh có thể nắm sâu sắc bản chất những kết quả đối đồng điều của tôi như chính người hướng dẫn…
* * *
Ở Huế, tôi chưa vội lo chuyện Ba tôi nhờ mà phải tranh thủ lo chuyện mình trước, vì nghe nói thầy Anh chuẩn bị đi dạy học ở châu Âu, chắc thầy sẽ bận lắm.
Tôi gặp được thầy Anh đúng 2 lần. Lần đầu, hỏi được địa chỉ nhà thầy ở Đại học Khoa học Huế, biết thầy đang ở nhà, tôi vội gọi taxi đến nhà thầy ở ngoại ô thành phố, không quên món quà miền Bắc - một can rượu Làng Vân chính hiệu, loại mà thầy rất thích - theo lời mách nước của thầy Huỳnh. Đứng ở cổng nhìn vào, gặp một cậu thanh niên mặc quần soóc, áo đông xuân đang tưới hoa trong vườn, tôi gọi với: chú gì ơi, giáo sư Anh có ở nhà không, chú cho chị vào gặp, chú nói chị có cầm thư của giáo sư Huỳnh. Câu trả lời làm tôi muốn bật ngửa: mời chị vào, tôi là Anh đây, thầy Huỳnh có gọi điện cho tôi rồi. Tôi ngượng chín cả người, có ngờ đâu thầy Anh còn trẻ thế, rồi tự an ủi khi chợt nhớ lại chuyện sứ giả của Napoléon ngỡ ngàng khi tìm gặp được Pierre Đại Đế trong trang phục anh thợ rèn đang quai búa…
Trong 45 phút làm việc, trong trang phục áo pull, quần jean đơn giản, thầy Anh đã cho thấy một nội dung hoàn toàn khác hẳn với hình thức xuất hiện ban đầu (thầy gọi chị, xưng tôi, vì thực sự thầy nhỏ tuổi hơn tôi, còn tôi vẫn gọi thầy, xưng em như quy định, dù Thầy đã nhắc nhở: chị gọi như thế thì tôi tổn thọ mất!). Đề cập đến đề tài tôi đang làm, Thầy đã gợi ý cho tôi một vài hướng giải quyết, chủ yếu là tạo từ lớp n lẻ một lớp con tương thích, mà công cụ xây dựng được rút ra từ lớp nhóm quá-đặc-biệt của Thầy. Tôi say sưa uống từng câu hướng dẫn, cho đến khi Thầy ngừng lại, đề nghị tôi 3 ngày sau gặp lại, để tôi có thời gian chuẩn bị đề xuất hướng triển khai cụ thể, tôi mới xin phép đứng dậy ra về…
Trong một khách sạn nhỏ tạm trú trong thời gian ở Huế, tôi làm việc cật lực suốt 3 ngày, hay nói đúng ra là gần 72 tiếng đồng hồ, trừ mấy tiếng đồng hồ ngủ nghỉ, ăn uống, còn ngoài ra tôi căng óc ra suy nghĩ và soạn thảo trên chiếc laptop mang theo, gõ phím, sửa xoá, sao chép, thỉnh thoảng lại lảm nhảm như người phát rồ. Tôi cố gắng hệ thống lại các ý tưởng thầy Anh đưa ra đang quay cuồng mãi trong đầu, và đến ngày thứ ba, ngày cuối cùng, tôi mừng rỡ gần như phát điên lên khi thấy mình đã tìm ra cách giải quyết vấn đề theo hướng thầy Anh đề xuất. Tôi gọi điện thoại tham khảo ý kiến thầy Huỳnh – dù sao vẫn gần gủi với tôi hơn, trình bày kết quả tìm được được và nhận được những lời khen ngợi, khích lệ rất kịp thời. Mấy tiếng đồng hồ còn lại chỉ đủ cho tôi hệ thống lại kết quả của mình thành một bài báo khoảng 3 trang A4, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi ghi tên thầy Anh cùng với tên tôi, đồng tác giả.
Lần thứ hai, thầy Anh làm việc với tôi cũng ngắn gọn, chỉ khoảng 60 phút: 15 phút đầu để đọc báo tâm huyết của tôi với sửa chữa duy nhất, ngoài mấy lỗi chính tả: thầy gạch tên mình khỏi mục tác giả, thay vào đó chỉ đơn giản là lời cảm ơn của tôi đối với Thầy; 45 phút sau, Thầy trao đổi với tôi về vài thay đổi trong cấu trúc các chương của luận án, đưa một vài gợi ý để tôi hoàn chỉnh lại dựa trên kết quả cuối cùng. Câu nói cuối cùng mà tôi nói với Thầy, rất chân tình mà nghe thật khách sáo: Cảm ơn Giáo sư đã giúp tôi hoàn thành bài báo này, dù luận án vẫn còn để ngỏ… Thầy mỉm cười, sao nụ cười trông ngây thơ như con trẻ mà lời lẽ đầy ý nghĩa: Tôi đã từng là học trò của thầy Huỳnh nên học theo tính thầy: giúp người khác làm khoa học, chứ không giúp làm luận án…
Sáng mai, tôi sẽ phải có mặt ở Hà Nội để dự buổi báo cáo luận văn tốt nghiệp của sinh viên do tôi hướng dẫn. Thành quả thu lượm được ở Huế cho phép tôi tiêu hoang một tí: trả lại vé tàu E2 đã mua khứ hồi để mua vé máy bay chuyến 19 giờ tối. Buổi chiều còn lại được dành để thực hiện việc Ba tôi nhờ, nhưng thời gian hạn chế chỉ cho phép tôi tìm đến nhà cô Minh Trân (thông qua địa chỉ ngôi nhà cha mẹ Cô trước đây, từ đó hỏi ra địa chỉ hiện tại của Cô), nhưng khi tôi đến nhà Cô thì đúng lúc mọi người đi vắng cả - các con cháu của Cô đang tổ chức cho Cô đi chơi thuyền rồng cả ngày và theo kế hoạch, khi mọi người về đến nhà thì tôi đã phải vào phòng cách ly ở sân bay Phú Bài rồi. Tôi đành gỡ gạc bằng cách hỏi thăm thông tin về gia đình Cô từ Nhật, người bán hàng đang thuê phòng mặt tiền nhà Cô để bán tơ lụa (nói chuyện với người không quen biết, tôi càng dễ phịa chuyện hơn, thật tình tôi thấy hơi khó nếu phải tự giới thiệu với các con của Cô là tôi có quan hệ như thế nào với Cô)…
Theo Nhật kể lại, Cô bị biến chứng của tai biến mạch máu não từ năm 1991, tính đến năm đã gần 15 năm rồi. Ban đầu tưởng không qua khỏi, sau đó nhờ tích cực điều trị, chăm sóc chu đáo nên Cô đã gượng đi lại được trong nhà. Đến 1997 bị tai biến lại lần thứ hai, Cô không đứng dậy được nữa. Chồng của Cô đã mất năm 1994, các anh chị con của Cô đều đã lập gia đình, làm việc ở nhiều nơi, xa nhất là miền Tây Nam Bộ. Hôm nay, các anh chị ở Huế tổ chức cho Cô đi thuyền rồng thăm lăng Minh Mạng, điện Hoà Chén, chùa Thiên Mụ, dĩ nhiên Cô chỉ ngồi trên thuyền chơi vì đi lại rất khó khăn, ngay cả chuyện đưa Cô xuống thuyền là cả vấn đề, các con Cô đã phải bế Cô xuống thuyền như bế trẻ con…
Câu chuyện cứ bị rời rạc vì khách nước ngoài thỉnh thoảng lại đến mua hàng, Nhật phải ngừng nói chuyện để tiếp khách… Đến khi thấy khách đông quá, tôi xin phép Nhật cho tôi vào nhà trong thắp cho chồng của Cô nén hương, sẵn ít hoa quả định mang biếu Cô, tôi đặt cả lên bàn thờ. Ảnh thờ chồng của Cô trông thật trang trọng, đúng là ảnh của nhà giáo. Trông cách bài trí phòng thờ thật đơn giản, tự nhiên tôi cứ thấy quen quen, không biết đã thấy ở đâu rồi? Có lẽ trước đây, Ba tôi đã mang phong cách bài trí từ xứ Huế ra Hà Nội chăng?
Trước khi gọi taxi ra sân bay, tôi nhờ Nhật thưa lại với Cô, tôi là con người bạn cũ của Cô, ghé lại thăm gia đình, tiếc là mọi người đi vắng cả. Nhật hỏi tên Ba tôi, rồi chặc lưỡi: chưa chắc Cô đã nhớ, bây giờ Cô đã già rồi, lại bệnh tật, đôi khi ngay với con cái, Cô cũng còn không nhớ mặt nữa…
* * *
Chưa bao giờ bài báo khoa học tôi gởi đăng lại được phản hồi nhanh như thế! Hỏi thầy Huỳnh mới biết, thầy Anh thuộc Ban Biên tập của Acta Mathematica, lại thuộc lĩnh vực Đại số Đồng điều nên được chọn để nhận xét bài báo tôi gởi. Không những đồng ý nhận đăng, Thầy còn nhận xét rất tốt về kết quả mới của tôi - thực hình tôi tự hào thấy mình xứng đáng với lời nhận xét đó, khi nhớ lại 3 ngày làm việc như một con điên sau khi được Thầy gợi ý. Không phải ngẫu nhiên mà mấy ngày sau đó, đề tài nghiên cứu cấp Nhà Nước do tôi đăng ký về lĩnh vực Đại số Đồng điều khá mới mẻ được thông qua dễ dàng, nhiều người còn nói với tôi: lão Anh, chuyên gia về lĩnh vực Đại số Đồng điều đã OK rồi thì còn mấy ai phản đối nữa.
Ba tôi nghe kể chi tiết chuyện ở Huế của tôi, ngoài những lời động viên học tập, ông không có ý kiến gì, nhưng tôi biết chắc ông không vừa lòng với mẫu thông tin sơ sài về cô Minh Trân mà tôi mang về. Tôi tự nhủ thầm trong lòng sẽ dành trọn một ngày để nói chuyện với Cô, với các con của Cô trong lần tôi vào Huế sắp tới – gởi giấy chính thức mời thầy Anh làm người nhận xét số 1 trong Hội đồng Chấm Luận án – và kể lại đầy đủ cho Ba tôi từng chi tiết một, nếu cần tôi sẽ thu băng hoặc thậm chí quay phim cho Ba tôi xem.
Một tuần sau khi tôi gởi luận án đã hoàn chỉnh xong vào cho thầy Anh đọc, thầy có gọi điện ra trao đổi với thầy Huỳnh, nội dung không rõ nhưng tôi thấy thầy Huỳnh vui ra mặt, chỉ thông báo với tôi mọi chuyện đều suôn sẻ…
Nguồn tin ập đến như sét đánh ngang tai. Ngày chủ nhật, tôi đang nắn nót soạn Lời Cảm Ơn trong luận án thì thầy Huỳnh điện thoại đến, giọng nghẹn ngào như khóc: thầy Anh đi rồi! Tôi sửng sốt: Thầy ấy đi đâu? Thầy còn hẹn em vào Huế để làm việc chuyên môn mà! Giọng thầy Huỳnh rõ ràng đang nén một tiếng nấc: Thầy Anh mất rồi, bị nhồi máu cơ tim. Ngày mai tôi vào Huế, ngày kia di quan rồi! Đau lòng nhất, thầy Anh ra đi trong lúc đang làm Toán sau mấy tiết giảng buổi chiều: khi người nhà mang Thầy đi cấp cứu, trên màn hình chiếc máy Dell vẫn còn dở dang mấy trang Toán đang soạn theo kiểu AMSTeX, với bộ font lấy ra từ lệnh input pam.tex (do chính Thầy sáng tạo) để kết nối TeX với các bộ font thông dụng.
Tôi dẹp phắt mọi thứ sang một bên, gọi điện báo cơ quan xin nghỉ phép đột xuất 3 ngày, dặn cậu bạn làm việc ở Hàng Không Việt Nam lấy cho tôi một vé máy bay cùng chuyến với thầy Huỳnh. Tôi điện tiếp cho chồng tôi rồi Ba tôi, báo tin phải vào Huế ngay để phúng điếu thầy Anh - mà tôi xem như người thầy hướng dẫn thứ hai của mình, không quên hứa với Ba tôi sẽ tranh thủ tìm hiểu thông tin về cô Minh Trân để bổ sung cho lần khiếm khuyết vừa rồi.
* * *
Thầy Huỳnh đến trước bàn thờ, nhẹ nhàng mở chiếc hộp vuông vắn mà Thầy ôm khư khư từ khi lên máy bay đến giờ, lấy ra một tấm bia đá in rõ tên Thầy Anh với lời ghi chú: nhà toán học Huế đã có những đóng góp quý giá trong Tôpô Đại số (chỉ có các đại gia như thầy Huỳnh mới đủ thẩm quyền nhận xét như vậy), trân trọng đặt bên cạnh di ảnh. Các học trò của thầy Huỳnh, hầu hết những người làm Toán đang có mặt đều thành kính chắp tay tưởng niệm người đã khuất. Sau đó mỗi người lần lượt rót ra chén ít rượu từ chai Whisky Scotch black label mà thầy Huỳnh vừa đặt trên bàn thờ, chạm với chiếc chén đầy rượu đặt cạnh ảnh thờ, uống cạn rồi trao chén cho người tiếp theo. Đó là thủ tục tưởng nhớ thầy Anh, con người yêu Toán như yêu rượu, thay vì thắp một nén hương như thủ tục thông thường…
Riêng tôi, sau khi nói mấy lời chia buồn với vợ con của Thầy Anh (tội nghiệp, cậu con trai duy nhất của Thầy mới 16, cứ ngơ ngác không tin rằng Ba của mình đã ra đi vĩnh viễn!), đã nhập luôn vào đám đông anh chị em, con cháu đang làm tề tựu trước bàn thờ để làm Lễ Triệu Điện, theo đúng nghi lễ Phật giáo. Có tiếng xì xào: Tội nghiệp, mẹ ổng đang đau liệt giường nên không ai dám cho hay cả, bà cứ tưởng con mình đang đi công tác ở xa. Đầu óc tôi đang trống rỗng nên nghe thấy mà chẳng suy nghĩ gì, cứ theo thủ tục hưng, bái như mọi người. Mãi đến khi đứng trước bàn thờ vọng ba ruột của Thầy, tôi mới bàng hoàng nhận ra người ở trong ảnh đã thấy ở đâu đó rồi: chính là chồng của cô Minh Trân, mà tôi đã thắp hương viếng đợt vào Huế lần trước. Như một tia chớp sáng loá trong bóng đêm, tôi nhận ra chữ Nghĩa viết thật bay bướm lồng trong khung kính treo đối diện bàn thờ - tôi đã học ít nhiều chữ Hán để nhận ra lối viết tĩnh hoạch của các cụ đồ Nho, cũng giống y như chữ Nghĩa mà tôi đã thấy ở nhà cô Minh Trân (chắc ở đây là bản photocopy), thảo nào tôi nhớ khung cảnh bài trí ở đó thấy quen quen. Các sự kiện lần lượt quay lại trong ký ức tôi như đoạn phim quay chậm, thầy Anh chính là con của cô Minh Trân - đúng ra tôi phải gọi là bà Minh Trân mới đúng. Không cần phải bàn cãi gì về sự thành đạt của Thầy nữa, những lời điếu của thầy Huỳnh cứ vang vọng mãi trong đầu óc tôi: Chúng tôi xem như em không đi đâu xa cả, em chỉ đi đến một nơi nào đó để tiếp tục làm Toán, và chúng tôi chờ những kết quả em gởi về để cùng trao đổi…
Tôi bấm máy điện thoại nhắn tin ra cho Ba tôi, vì không hơi sức để nói được nữa: Ba ơi, chờ con ra sẽ kể chuyện thật chi tiết về gia đình cô Minh Trân. Con của Cô lại là thầy của con, Ba ạ!
(viết nhân ngày giỗ đầu của em)

Truyện ngắn 07

SAU CHUYẾN NAM DU…
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Phân tích cho kỹ, nguồn gốc câu chuyện này cũng từ tôi mà ra.
Đã từ lâu, mỗi khi nghe bạn bè trêu chọc, gán đủ loại biệt danh (Khốt Ta Bít, Lý Toét, Hai Lúa) để làm nổi bật tính đơn giản của anh, tôi thực sự thấy khó chịu, vừa thương thương vừa ái ngại cho người bạn đời của tôi: dù gì anh cũng là bậc thầy của bao nhiêu người, cả những bạn bè cùng trang lứa với tôi, thế mà quanh năm suốt tháng, anh chỉ biết chú tâm vào công việc giảng dạy và nghiên cứu, chẳng quan tâm gì đến những sinh hoạt vui chơi - giải trí đời thường… Những dịp nghỉ hè, cơ quan anh tổ chức đi nghỉ mát trong nước hoặc thậm chí đi du lịch Trung quốc, anh cũng từ chối không đi, lấy lý do đang đợt chấm thi tuyển sinh, anh muốn tham gia để sinh hoạt chuyên môn với các đồng nghiệp (dĩ nhiên, anh từ chối không đi nghỉ thì nhiều người rất thích, vì kể như anh đã nhường tiêu chuẩn đi cho người khác rồi). Anh tâm sự riêng với tôi: anh có đi đâu cũng chỉ để mở rộng tầm nhìn, mà trong gần chục năm lính, anh đã có điều kiện đi gần hết đất nước rồi. Còn sang Trung quốc, trừ phi đi những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải thì chưa đến lượt của anh, chứ đi mấy tỉnh lẻ phía Nam Trung quốc, thì anh đã biết qua, hồi chiến tranh biên giới. Hơn nữa,anh có biết nói tiếng Trung quốc đâu, chẳng lẽ - anh liếc xéo tôi rồi cười nhẹ – anh nói chuyện với mấy cô gái Tàu bằng tay chân? Thôi cứ để dành tiêu chuẩn, chờ một dịp đi đâu đó cho đáng công. Nói như thế, có nghĩa là anh sẽ chẳng bao giờ có dịp đi đâu nữa cả, trừ phi đi sang những nước Âu Mỹ, xem chừng tiêu chuẩn đó khó đến tay anh lắm. Cho nên, trừ một vài lần đi dạy Đại học Từ xa cho Đại học Huế (khi đó anh phải dạy tất bật mỗi ngày 9-10 tiết theo chương trình quy định, tối lo soạn bài để mai dạy tiếp, hết đợt thì trở về, có hỏi anh cũng chẳng biết địa phương đó có gì khác ngày trước hay không), anh chỉ quanh quẩn trong Thành phố. Anh vẫn nói đùa: trong con người anh, chú Dế Mèn của Tô Hoài chẳng có chỗ trú ngụ đâu, đã bán xới đi nơi khác từ lâu rồi… Thế mà, mỗi khi mẹ con chúng tôi có dịp đi đâu, anh chuẩn bị cho những chuyến đi của vợ con thật chu đáo, chứng tỏ anh có nhiều kinh nghiệm tổ chức đi xa - chẳng gì anh đã bao nhiêu năm là lính bộ binh chuyên hành quân dã ngoại rồi, thế mà anh chẳng bao giờ biết chú ý tìm một dịp nghỉ ngơi thư giãn cho chính mình…
Lâu nay, tôi cứ áy náy cho anh mãi, đến khi nghe Sư đoàn X (đơn vị cũ của anh) thông báo tổ chức Ngày Truyền thống Sư đoàn ở thị xã Rạch Giá, Kiên Giang, kết hợp mừng thọ bát tuần cho đồng chí chính uỷ cũ, hiện đang nghỉ hưu, thời điểm tổ chức lại đúng vào dịp anh được nghỉ hai tuần chuẩn bị năm học mới, tôi thuyết phục, gần như nài ép anh đi, thậm chí còn thay anh viết và gởi thật sớm phiếu đăng ký tham gia của anh cho Ban Tổ chức. Anh phì cười khi nghe tôi - chưa một ngày mặc áo lính - thuyết trình cho anh nghe về ý nghĩa của ngày truyền thống, tình đồng đội… và cuối cùng anh đồng ý đi, một phần vì nể tôi (anh vẫn nịnh tôi: nhất vợ, nhì và ba không có, bốn mới đến Trời! mà) và phần nữa, có lẽ anh cũng rất muốn gặp lại những đồng đội cũ của anh - những nhân vật trong lý thuyết mảnh trời riêng của anh mà tôi khó thâm nhập vào được.
Trưởng Ban Tổ chức, anh Trần Phi Hùng (trước đây, chồng tôi vẫn gọi anh theo biệt danh Hùng voi – vì tấm thân bồ tượng trên dưới một tạ và tác phong làm việc không biết mệt, cũng như chồng tôi có biệt danh Kỷ ngố - vì bề ngoài trông ngơ ngơ ngác ngác, dù anh thực sự khôn ra phết - có khôn mới lấy được tôi chứ!), hiện làm Phó Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Hải sản Miền Tây, đã gọi điện trực tiếp cho tôi, căn dặn thật chi tiết: Chị cứ tạm ứng tiền mua vé máy bay Huế - Saigon – Phú Quốc -Rạch Giá cho ông Kỷ, tôi sẽ thanh toán cho hết và sẽ lo cả vé về. Ngoài Ngày Truyền thống, tụi tôi còn dẫn nhau đi vui thú khắp nơi, từ đi tắm tiên Phú Quốc đến ăn tôm tích, ốc nhảy Hà Tiên, rồi có thể theo đường cửa khẩu Xà Xía để thưởng thức đặc sản mắm ở Kampuchia nữa… Chị sẽ thấy, nội trong một tuần, tôi biến ông Kỷ ngố nhà chị thành một đại gia ăn chơi của miền Tây - mà không dính HIV đâu, chị cứ yên tâm! Biết anh ấy nói đùa, tôi vẫn ngần ngại vì sợ phiền anh quá. Tuy nhiên tôi vẫn tạm yên tâm vì biết chồng tôi sẽ được tiếp đón chu đáo. Đến khi tôi hỏi phải chuẩn bị gì để mang theo, Hùng voi cười khà khà: Ngoài giấy tờ tuỳ thân ra, một bộ quần áo là đủ, quân phục càng hay, vào đến đây tôi sẽ sắm sửa cho. À, dặn Kỷ chuẩn bị bài phát biểu về chủ đề: làm thế nào để hồi chiến tranh, một con mắm như nó lại cõng được một con voi như tôi trên mấy cây số đường rừng về đến Trạm phẫu thuật tiền phương, rồi còn cho tôi tiếp 200ml máu nữa, đừng quên nhé!
Tôi chẳng nhắc gì với anh về các mối quan hệ trong quá khứ quân ngũ, dù lòng tôi vẫn áy náy khi nhớ lại lời tự thú của anh trước khi cưới tôi - ở đơn vị cũ có cô Linh, người yêu cũ là điện báo viên trung đoàn, vì hoàn cảnh nên anh và cô ấy phải chia tay, nhưng bây giờ, biết đâu tình cũ không rủ cũng đến? Nhưng tôi tin rằng gia đình, với hai thằng con mà anh yêu quý, sẽ giúp anh luôn vững vàng, nên chỉ lẳng lặng bắt tay chuẩn bị hành lý cho chuyến đi sắp tới của anh. Anh không chịu đi bằng máy bay, vì …ngày xưa đi bộ hàng chục cây số là chuyện thường, ngày nay ngồi ô tô du lịch vài trăm cây vẫn còn sướng chán! Mà chẳng lẽ anh Hùng lại thanh toán tiền máy bay cho riêng mình thôi, còn nếu cho bao nhiêu đồng đội thì lấy tiền đâu cho đủ? Thế là, vừa nhận được mấy triệu đồng tiền vượt giảng năm học trước, cầm chưa nóng tay, anh đưa cho tôi tất cả - để chuẩn bị đóng đủ thứ tiền đầu năm học mới cho các con, anh chỉ giữ lại đủ tiền ô tô đi lại và thêm một ít để dự phòng. Kế hoạch cả đi lẫn về chỉ trong một tuần, mà anh làm như lâu lắm, cứ dặn đi dặn lại tôi đủ điều, làm tôi từ tâm trạng cảm động ban đầu chuyển dần sang bực mình, phải nói kháy: anh cứ yên tâm, cần gì thì em sẽ sang nhờ ông hàng xóm nhà mình, giống như mỗi khi ổng đi vắng thì bả sang nhờ anh vậy, em tin ổng sẽ nhiệt tình với em - như anh đã nhiệt tình với vợ ổng vậy. Anh cười chữa thẹn: bán bà con xa, mua láng giềng gần mà!
Hành lý anh mang đi gói gọn trong túi du lịch giả da – anh đã định mang chiếc ba lô cóc, tôi nói mãi mới thôi - gồm một bộ quân phục xuân hè, một bộ đại cán dành cho sĩ quan, ngoài quần áo lót thường dùng và bộ thường phục đi đường. Tôi không quên gói riêng một góc cho anh mấy vỉ thuốc trợ tim, thuốc huyết áp, lọ sinh tố C dùng hàng ngày và lọ dầu gió, và trong túi xách cầm tay, mấy lọ mắm tôm chua đặc sản của Huế cho anh biếu cụ chính uỷ và anh Hùng voi. Tôi đoán anh Hùng, ở cương vị hiện nay, chẳng thiếu gì các món hải sản, nhưng vì anh ấy đã có lòng, thì tôi phải cố duy trì mối quan hệ tốt đẹp này.
Tiễn anh ra Trạm xe du lịch An Phú, tôi nhắc đi nhắc lại với anh nhớ hạn chế uống bia rượu, bệnh tim mạch của anh không cho phép anh dzô, trăm phần trăm như dân Nam bộ đâu. Nhìn anh lơ đãng gật gật đầu, tôi vẫn chưa yên tâm, tướng ông này chỉ cần khích mấy câu là uống tới số thôi - nghe nói ngày trước, bạn bè còn truyền tụng: trong dòng rượu luân chuyển trong người Kỷ ngố, có một ít máu mà. Nhưng tôi chợt nhớ lại, sau đợt nằm viện để theo dõi nhồi máu cơ tim và chụp động mạch vành, anh đã đoạn tuyệt với rượu, mấy hũ rượu bìm bịp và Minh Mạng thang chính gốc ngâm sẵn trong nhà bây giờ chỉ dành để chiêu đãi bạn bè đến chơi, còn chủ nhân thì Mô Phật, anh chỉ uống nước trà suông, anh cũng biết tự giữ sức khoẻ lắm... Nhìn anh lần cuối trước khi xe chạy, tôi bỗng giật mình: cô gái Tây phương tóc vàng xinh đẹp, trẻ trung ngồi cạnh anh đang nói líu lo, anh cũng cười cười trả lời. Tự nhiên tôi thấy cáu kỉnh vô cớ, dù biết rằng phép lịch sự tối thiểu không cho phép anh im lặng khi người bạn đường hỏi chuyện (quãng đường Huế - Saigon có ngắn ngủi gì đâu!), anh lại thích trau dồi vốn ngoại ngữ lâu nay ít dùng tới… Mấy cô bé sinh viên sư phạm trước mặt đạp xe hàng ba choán hết đường đi, tôi gắt ầm lên làm mọi người ngơ ngác, các cô có biết đâu tôi đang trút nỗi bực mình với cô gái Tây phương sang mọi đối tượng trước mặt…
Tối nay chắc tôi khó ngủ, có nhiều lý do lắm…
* * *
Chiều hôm sau đi làm về, nghe tiếng điện thoại reo, tôi đoán ngay là anh gọi. Quả thật, anh đang ở Bến xe Miền Tây, chuẩn bị đi Rạch Giá, tranh thủ đến trạm điện thoại công cộng gọi cho tôi trong khi chờ xe chạy. Mới câu trước câu sau, tôi hỏi ngay: Hôm qua khi xe chạy, anh nói gì với cô Tây bạn đường trông vui vẻ thế? Câu trả lời đến ngay lập tức, làm tôi phát nghi: À, cô ấy hỏi người phụ nữ xinh đẹp hồi nãy ngồi sau xe máy là gì của anh, anh trả lời là sếp của anh mà. Sau mấy phút căn vặn không phát hiện thêm điều gì, tôi gặng hỏi: Khi xe chạy ban đêm, cô ấy có dựa vào anh để ngủ không? Anh cười to: Có, giống như con gái dựa vào bố để ngủ vậy. Nhớ là chồng em đã gần 50 rồi nhé, cô bé đó trông lớn xác thế mà còn thua tuổi thằng nhóc nhà mình đó. Tôi hơi quê, chỉ biết dặn anh nhớ mỗi tối điện thoại về, tiền điện thoại em sẽ thanh toán. Nói cho mạnh miệng thế thôi, chứ tôi hay anh ấy thanh toán cũng là lấy tiền túi nọ thay túi kia thôi, nhưng dù sao cũng phải dặn cho yên tâm. Mới có chừng đó đã gần 10 phút điện đàm rồi, tôi chủ động cắt kẻo anh ấy méo mặt khi trả tiền điện thoại đường dài.
Lần điện đàm tiếp theo cũng là lần cuối cùng anh chủ động gọi cho tôi, khi vừa đến Nhà khách của Tổng Công ty anh Hùng voi. Anh bảo: ngày mai bắt đầu đi khắp nơi với anh Hùng, đến các địa danh anh ấy đã chuẩn bị trước, anh ấy bảo nếu cần liên lạc ở đâu thì dùng điện thoại di động của anh ấy. Anh thấy bất tiện quá, chuyện riêng tư chẳng lẽ dùng điện thoại công của bạn, mà những nơi bọn anh đến ít có trạm điện thoại công cộng lắm. Rạch Giá là nơi có rất nhiều người đi nước ngoài, dân ở đây ăn tiêu bằng ngoại tệ gởi về, ở thành phố điện thoại di động đôi khi còn nhiều hơn điện thoại để bàn nữa, nhưng đi ra ngoài thành phố cứ như vào rừng, chẳng biết bưu điện ở đâu. Thôi từ hôm nay anh tạm ngưng gọi về, cần gì em gọi điện theo số anh Hùng, rồi anh ấy sẽ chuyển cho anh. Thế là tôi bị cắt đứt liên lạc với anh ấy, có lần thử gọi số anh Hùng, chắc đang buổi nhậu, tôi nghe rõ ràng tiếng nhạc Boléro ướt át xen lẫn tiếng cười nói của phụ nữ, anh Hùng bảo, giọng ngấm rượu đã bắt đầu nhừa nhựa: ông Kỷ đang tâm sự ở phòng bên cạnh với bạn, để tôi chuyển máy sang cho, tôi từ chối vì đoán chồng tôi cũng tiếp bạn như anh Hùng đây thôi, không biết có phải cô Linh ngày nào không, đã đến nước này thì mình chen vào làm gì. Anh Hùng tiếp, lưỡi bắt đầu líu lại vì say, tôi phải chú ý mới nghe rõ: tôi quên cảm ơn chị về mấy lọ tôm chua nhé, gởi lời cảm ơn của cụ Thắng chính uỷ nữa, trong này đồ thuỷ hải sản nhiều mà không làm ngon như ngoài đó được. Tôi cười gượng gạo, trong khi thâm tâm chỉ muốn gào lên, anh muốn cảm ơn tôi thì đừng lôi kéo chồng tôi đi chơi như thế này nữa, anh ấy có quen những kiểu giao tiếp thế này đâu? Nhưng tôi phải nuốt tất cả xuống họng, xấu chàng thì hổ ai? Trước đậy, chính tôi đã thuyết phục anh đi đây đó để khuây khoả đầu óc, sau bao nhiêu năm làm việc căng thẳng mà?
Lũ trẻ nhà tôi vô tình, cứ tưởng mẹ buồn vì nhớ bố đi xa. Hai đứa bàn với tôi kế hoạch đi đón bố. Thằng anh bảo: chiều thứ sáu mới tổ chức Ngày truyền thống của Sư đoàn X, con xem thông báo trên tivi rồi. Chắc buổi tối, bố phải lên xe ở Rạch Giá, sáng sớm mai về đến Bến xe Miền Tây rồi sang Bến xe Miền Đông, đi tiếp ra miền Trung, chiều chủ nhật sẽ phải có mặt ở Huế, vì thứ hai bố phải tập trung ở trường rồi. Chiều chủ nhật, mấy mẹ con mình đến Trạm xe du lịch An Phú để đón, biết đâu bố sẽ bất ngờ…! Tôi cũng muốn xem chồng tôi có đổi khác gì không sau chuyến Nam du, (xem một tuần xa vợ gặp lại người yêu cũ có thay đổi gì không), nên đồng ý phương án đi đón lõng. Tôi chỉ thắc mắc: lỡ bố ra bằng tàu thì sao? Thằng nhóc cười, sao nụ cười giống bố đến thế: Mẹ yên tâm, vé xe du lịch chỉ bằng 45% giá vé tàu ngồi cứng, chắc chắn bố sẽ chọn phương án kinh tế nhất. Thằng em bổ sung: gần Trạm xe du lịch có quán bánh khoái, mấy mẹ con ghé ăn rồi ngồi chờ bố luôn. Cu cậu đang tuổi lớn nên háu ăn lắm, mà bánh khoái vốn là món sở trường của cu cậu mà. Tôi gật đầu đồng ý, cu cậu vỗ tay reo hò, trẻ con sướng thật, có thể vui vì những chuyện không đâu…
Sáng thứ bảy, không cầm lòng được, tôi gọi điện gặp anh Hùng, hỏi xem chồng tôi rời Rạch Giá khi nào. Tôi tránh không nhắc đến phương tiện đi, cũng là tránh nhắc lời hứa thanh toán vé máy bay của anh ấy. Hùng voi nói khá lâu, giọng nói tỉnh rượu khác hẳn lần trước, trong buổi nhậu: Tôi đã tạm biệt Kỷ tối hôm qua, và đã ép anh ấy nhận tiền máy bay một vòng Huế - Rạch Giá. Tôi không biết anh ấy đã và sẽ đi lại bằng gì, nhưng anh ấy là ân nhân của tôi, cuộc sống tôi bây giờ còn lại là nhờ anh ấy - chị có biết anh ấy phát biểu về chủ đề tôi dặn như thế nào không? Chỉ vỏn vẹn có mấy từ: VÌ CHÚNG TÔI LÀ ĐỒNG ĐỘI đơn giản, mà làm bao nhiêu người rơi nước mắt… Bao nhiêu năm xa cách, đến bây giờ tôi tạm coi là ăn nên làm ra, anh ấy không hề mở miệng nhờ tôi giúp; (giọng thân tình) tôi đã bảo Kỷ: không phải mày nhận cho riêng mày, mà hãy chứng thực cho tấm lòng tri ân của tao. Chứng này tiền có là bao nhiêu đâu, so với cả cuộc đời tao mà mày giật lại từ tay Thần Chết. Nhận đi, rồi dùng làm việc gì tuỳ mày, cho vợ con, hay cho bồ bịch gì cũng được. Mà Kỷ làm gì có bồ bịch, hắn dị ứng với phụ nữ lạ hay sao ấy. Trong phòng hộp máy lạnh của restaurant Hương Biển ngoài Phú Quốc, hắn rất lịch sự mời cô tiếp viên xinh đẹp như người mẫu ra ngoài, chỉ để tâm sự với thằng Vũ chấm-phẩy, đồng đội cũ cùng trung đội. Chắc anh Hùng voi hơi lạ khi nghe tiếng cảm ơn hồ hởi của tôi, anh có biết đâu mấy hôm nay tôi cứ canh cánh vì từ bạn hôm nọ của anh ấy.
***
Chiều chủ nhật, ba mẹ con vừa dắt xe máy ra khỏi nhà (thằng anh mới học 11 nhưng đi xe đã quen, đoạn đường này gần nhà, lại không có công an kiểm soát nên tôi liều cho cháu đi chiếc Cub 50 của tôi), chưa ra đến cổng thì đã nghe nhốn nháo, một chiếc com măng ca đỗ xịch trước cổng, ông xã nhà tôi nhảy xuống bế bổng thằng cu em lên. Gớm, râu ria chưa kịp cạo, anh cứ cạ cạ vào má làm thằng cu nhột, cười khanh khách. Anh quay sang chỉ vào người đàn ông trung niên, mang quân hàm đại tá, chân hơi tập tễnh, giới thiệu với tôi: đồng đội của anh, anh Phạm Vũ, tức Vũ ch.., anh ngừng lại, tới phiên anh Vũ cười, tiếp lời: …Vũ chấm-phẩy, thương binh loại 2, bạn cùng trung đội với Kỷ. Anh nhìn hai chiếc xe máy với ánh mắt dò hỏi, tôi nhỏ giọng: cả nhà định đi đón anh đấy, tưởng anh ra xe ôtô…Anh cười khà khà: thì anh cũng ra bằng xe ôtô đây, nhưng chừng này hành lý của anh làm sao hai xe máy chở hết được? Mang hết các thứ vào nhà, tôi tròn mắt nhìn mấy chục chai nước mắm Phú Quốc ràng buộc cẩn thận, chưa kể mấy gói tướng tôm, mực khô. Anh giải thích: hòn đất bay đi, hòn chì bay lại, mấy lọ tôm chua của em được hoá phép thành những thứ này đây, anh Hùng bảo quà Huế có chất thì quà Rạch Giá có lượng vậy. Cũng may có xe anh Vũ ra đến Quảng Bình, anh đi nhờ mới chuyển hết các thứ này về được, chứ theo phương án anh Hùng, gởi đường hoá vận rồi mua vé máy bay ra thì có mà nhận toàn chai lọ vỡ…
Tôi sẵng giọng: Anh đã có phương án đi nhờ xe anh Vũ, thì anh nhận tiền anh Hùng làm gì, mang tiếng chết?Thế có gặp dì (tôi cố tình kéo dài chữ dì) Linh không? Chồng tôi ngậm ngùi: Linh mất rồi, em ạ, anh Vũ đã kể với anh hôm đầu tiên gặp nhau ở Phú Quốc, cô ấy bị ảnh hưởng chất độc màu da cam hồi ở chiến trường chống Mỹ. Còn chuyện nhận tiền của anh Hùng, em đừng nóng, để anh giải thích sau, bây giờ sẵn quần áo, mấy mẹ con theo bác Vũ về quê có việc luôn, trên đường đi mình nói chuyện tiếp…
Suốt chặng đường mấy chục cây số về quê, chồng tôi giải thích mọi chuyện. Thì ra, từ lâu anh thấy rằng do phương tiện đi lại khó khăn, tôi không có điều kiện giúp đỡ gì cho quê mình, dù đó là nơi bố tôi đã sinh ra, trưởng thành, và có ý nguyện sẽ an nghỉ cuối cùng tại quê hương: anh chị em chúng tôi, dù đã ăn học thành tài, lại chưa làm được gì cho quê mình cả. Chồng tôi quê tứ xứ, khi lập gia đình với tôi đã nhận quê vợ là quê hương của mình. Nhân chuyến Nam du, có tiền vé máy bay anh Hùng voi tặng, thêm các khoản lót tay đưa trước để pourboire cho mấy em tiếp viên nhà hàng, anh Kỷ ngố đã dồn hết tiền để mua 2 chiếc máy vi tính và 1 chiếc máy in kim - toàn loại second hand nhưng là hàng hiệu, tại cửa hàng bán máy vi tính của một đồng đội cũ ở Saigon, dành làm quà cho trường phổ thông ở quê hương. Thì ra mấy thùng carton còn lại trên xe (mà tôi tưởng là hành lý của anh Vũ) toàn là thiết bị Tin học, dành cho quê của chính tôi. Anh tâm sự: mấy lần về thăm quê, thấy học sinh học Tin học chay trong sách, ham thực hành lắm mà chẳng có máy, thấy thương lắm. Nói dự định ra thì ngại anh Hùng buồn, anh chỉ dặn trước cậu bạn cửa hàng vi tính, chờ lên đến Saigon là chọn hàng đóng gói chở đi luôn. Nhân có xe anh Vũ, chiều nay mình về quê thăm anh hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, bạn học cũ của anh, rồi làm thủ tục chuyển tài sản cho Nhà trường luôn.
Tôi gặng: thế nếu máy móc hư thì ai sửa chữa? Anh cười: máy vi tính nhà mình có hư thì cũng anh sửa chữa mà. Thôi đã thương thì thương cho trót, một tháng mình về thăm quê một lần, vừa tranh thủ hương khói cho tổ tiên, vừa thăm phòng máy xem cần sửa chữa gì, cũng là dịp cho mấy thằng nhóc nhà mình tập làm thầy Tin học luôn.
Mấy thằng nhóc nghe nói được làm thầy, cười khì khì theo bố, trông thật dễ ghét.

Truyện ngắn 06

DẤU VẾT CỦA NGƯỜI ĐÃ KHUẤT…
Truyện ngắn của Quỳnh Anh

Mùa hè năm nay, sau những năm bận bịu với bao công việc phức tạp về cả chuyên môn lẫn sự vụ ở Viện nghiên cứu, tôi đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (mở rộng từ luận án tiến sĩ của tôi cách đây 5 năm) với những lời đánh giá tốt đẹp của Hội đồng thẩm định. Tôi tự thưởng cho mình vài tuần thư giãn nghỉ ngơi tại thành phố thân thương mà tôi đã học suốt những năm đại học, bằng cách xin cơ quan cho gộp tiêu chuẩn phép mấy năm qua chưa hưởng để về thăm Huế, quê ngoại của tôi. Lý do chính ghi trong đơn xin nghỉ phép là thăm đại gia đình, nhưng nguyên nhân thầm kín bên trong, chỉ riêng mình tôi biết được...
Đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp nghỉ ngơi trong ngôi nhà vườn quen thuộc của ba mẹ tôi ở thôn Vỹ Dạ. Thả mình trong chiếc ghế bành đặt dọc hành lang, tôi mơ màng nhìn, xuyên qua rặng trúc ở cuối vườn, dòng sông Hương đang trôi êm ả, hồi tưởng lại những kỷ niệm thuở thiếu thời… Thấp thoáng hiện ra trước mắt tôi hình ảnh anh Đồng, chàng thanh niên đang tuổi lớn (hình bóng cách đây gần một phần tư thế kỷ), mặt mũi thô ráp, phong cách chân chất như miền quê khô cằn sỏi đá của anh…
Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, vừa tốt nghiệp xong lớp 10, tôi cùng với mẹ chuyển vào quê ngoại, cố đô Huế. Hai mẹ con tôi cùng ở với gia đình cậu mợ trong ngôi nhà rộng thênh thang do ông bà ngoại để lại, còn ba tôi, do nhu cầu công tác vẫn ở Hà nội, hàng tháng lại tranh thủ vào với gia đình vài hôm. Tôi tận dụng thời gian nghỉ mấy tháng hè để ôn thi đại học. Ba mẹ tôi muốn tôi thi vào ngành Y, nhưng tôi vẫn thấy gắn bó với môn Vật Lý gần gủi trong cả mấy năm phổ thông nên xin được thi vào Tổng hợp Lý.
Sau kỳ thi tuyển vào đại học, tôi nhận được giấy gọi vào học lớp Dự bị, mẹ tôi bảo nhờ vào diện ưu tiên con em cán bộ tập kết lâu năm, tôi mới được xét học. Ban đầu, thời gian đằng đẵng hai học kỳ năm Dự bị làm cho tôi nhận ra khoảng cách để trở thành sinh viên thực sự còn xa vời vợi: một phần vì tuổi tôi còn nhỏ - ba mẹ tôi lập gia đình muộn nên muốn cho tôi đi học sớm một năm, một phần vì (tôi tự biết) sức học tôi còn kém hơn những sinh viên được tuyển vào học chính thức…
Rồi có lần, Ba tôi vừa từ Hà nội vào, đi bộ từ chiếc Volga (hồi đó, xe hơi còn là của hiếm) đỗ cách cổng trường khá xa vào hỏi tìm tôi - Hạnh Dung lớp Dự bị, nhiều người đã nhìn tôi đầy vì nể; căn cứ tuổi đoàn, tôi được bầu vào Ban Chấp hành Chi đoàn; về hình thức, cánh con trai cho tôi điểm năm, theo thang điểm Liên xô hồi đó… Từ đó, tôi tự cảm thấy bớt mặc cảm với mọi người, rồi dần dần tự thấy mình có điều kiện để tạo một avenir en ailes (tương lai có cánh), như chị bạn học tiếng Pháp bình luận. Và, như chuyện thần tiên, trong cuộc sống của công chúa Tiên Dung lại xuất hiện Chử Đồng Tử…
Điện thoại di động réo rắt điệu nhạc quen thuộc. Tôi nhìn số máy gọi, ngập ngừng một giây rồi bấm nút nghe: chồng tôi từ thủ đô điện vào, báo vài ngày nữa sẽ đi tham quan ở Thuỵ Điển trong một tuần, phía bạn mời cả tôi cùng sang, nếu tôi đồng ý thì ra lại ngay Hà nội để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Sau một thoáng suy nghĩ, tôi từ chối, không giải thích lý do, chỉ bảo hiện nay ở đây có nhiều việc phải làm…
Sau khi đã khẳng định lại với chồng là tôi sẽ nghỉ hết phép năm tại quê hương, chứ không ra làm thủ tục để đi cùng anh ấy, tôi làm như không nghe thấy âm hưởng trách móc trong lời đàm thoại, tắt hẳn nguồn điện thoại di động. Mấy phút đàm thoại thôi mà sao thấy dài lê thê! Tôi muốn tâm trí mình thật thảnh thơi, không vướng bận vì một tác động tinh thần nào khác, để có thể sống lại với những suy nghĩ của riêng mình…
Tôi gặp anh Đồng lần đầu ở buổi sinh hoạt ngoại khoá, khi anh với cương vị lớp phó học tập của một lớp tiên tiến, được chọn để đại diện khối năm 3 trình bày tham luận về phương pháp học tập tích cực, còn tôi vẫn còn là chuẩn sinh viên ở lớp Dự bị. Hình thức bề ngoài dễ gây ấn tượng của anh làm tôi liên tưởng đến nhà sáng chế Thomas Edinson, vì vội vàng nên vẫn mang trang phục công nhân khi thuyết trình ở trường nữ trung học: anh mặc áo chemise trắng hơi ngã màu cháo lòng, quần kaki cũ bạc phếch, mang đôi dép cao su quai bố (một người bạn vui tính kể lại, hàng tháng, mỗi chiếc dép phải được đóng thêm một chiếc đinh ba phân mới đi tiếp được, vì anh thường xuyên đi bộ từ nhà cách 5-6 km đến Trường)…
Nhưng nội dung sinh động của bài tham luận đã xoá đi những định kiến về hình thức: anh không thuyết trình tràng giang đại hải về lý thuyết như những người đọc tham luận khác, mà bằng những câu hỏi gợi ý, anh lái chủ đề theo những ý chính cần tranh luận. Từ thuở nhỏ, tôi vốn rất thích đọc về giai thoại của các danh nhân, nên biết rõ những giai thoại điển hình được dẫn chứng trong tham luận của anh là có thực. Về sau, tôi còn biết thêm, anh là độc giả thường xuyên của Thư viện Tổng hợp và Thư viện Nhân dân, cùng trong một khuôn viên bên đường Lê Lợi…
Trong nhà gọi với ra, bảo tôi có điện thoại. Giọng nhỏ Quỳnh, cô bạn cũ cùng lớp hồi đại học, vẫn liến thoắng như ngày nào: Dung ơi, mày về từ khi nào? Hết tiền mua card hay sao mà tắt điện thoại di động thế? Tao dò ra được một tia tung tích lão Chử Đồng Tử của mày rồi, chiều nay tao sẽ đến cùng với mày đi tìm tiếp. Tôi thẫn thờ nhớ lại sự cố ngày xưa, đã mang lại cho anh biệt danh huyền thoại này – mà ngày trước, ngoài Quỳnh vốn rất thân thiết ra, ít ai dám nhắc đến biệt danh đó trước mặt tôi.
Lúc đó tôi đã học năm thứ nhấti. Tuy đã biết mặt anh Đồng, nhưng tôi chưa tiếp xúc trực tiếp lần nào, dù tôi cũng thuộc diện nổi trong lớp, lớp của tôi lại kết nghĩa với lớp của anh. Gần đến mùa hè, các chi đoàn trong trường phát động phong trào “xoá nạn mù bơi”, chọn ngay bến tắm trước cổng trường Sư phạm làm điểm tập luyện. Để đảm bảo an toàn, chi đoàn tôi mượn đủ 3 người 1 phao, cử một vài người bơi giỏi quan sát chung để cấp cứu khi cần thiết... Trước đây đã bao giờ tôi tiếp xúc với sông nước đâu, nên rất ngần ngại khi mặc đồ tắm trước các bạn khác giới – nhưng tôi thuộc Ban Chấp hành Chi đoàn nên bắt buộc phải tham gia. Quỳnh thì khác hẳn, nó còn hiên ngang trả đũa khi anh bí thư chi đoàn đề nghị phái nữ chỉ mặc đồ tắm một mảnh: “Tôi đang mặc đồ tắm hai mảnh đây, vậy để giữ đúng luật, Bí thư đề nghị tôi cởi bỏ mảnh nào, trên hay dưới?”…
Mọi chuyện bắt đầu khi chân tôi bị chuột rút, có lẽ tôi đã không vận động kỹ trước khi xuống nước. Uống được một ngụm nước sông vào bụng là mắt tôi hoa lên, toé hoa cà hoa cải, chiếc phao với 2 cô bạn (đều không biết bơi) trôi tuột ra đằng xa, tôi vẫy loạn tay, ú ớ không nên lời, trong khi chân phải cứng ngăc, chân trái cựa quậy được đôi chút, chẳng co duỗi gì được, tôi thoáng nghĩ phen này chắc chầu Hà Bá mất. Trong cơn hoảng loạn, tôi quờ quạng nắm được một cái gì đó, liền ôm chặc cứng không dám buông ra, mãi một lúc sau, đến khi được mang vào bờ, nôn bớt nước ra được, tôi hơi tỉnh lại mới biết vừa được anh Đồng (cũng theo lớp đi bơi gần đó), thấy tôi bị nạn nên sải tay bơi vội đến mang vào bờ…
Một mẻ hú vía! Thế mà mặt tôi từ tái xanh chuyển sang đỏ như gấc, khi nghe Quỳnh trêu: “Mày ôm anh ấy sao mà chặt thế, cứ như người yêu không bằng? anh ấy cũng chẳng dám giằng ra, cứ thế bơi một tay kéo mày vào bờ, trình độ vận động viên bơi cấp Tỉnh có khác”. Nó còn kể thêm, chẳng biết có mắm muối gì không: “Còn cái khoản hà hơi thổi ngạt nữa, lớp mình chẳng ai biết làm cũng phải nhờ đến anh ấy, trông mùi mẫn cứ như diễn viên điện ảnh Phương Tây vậy”… Tôi nhìn ra xa xa, bả vai và cánh tay trái anh ấy bị sướt dài, chắc khi đó tôi sợ chết nên cào cấu ghê lắm. Về sau, khi bàn luận về sự cố này, Quỳnh ví tôi như cô công chúa trinh trắng Tiên Dung qua lần tắm duyên số mới gặp anh Đồng, ta đặt biệt danh cho anh ấy là Chử Đồng Tử vậy.
Đứa em út xuất hiện sau lưng, lễ phép mời tôi vào dùng cơm trưa. Bị cắt đứt dòng suy tưởng, tôi định càu nhàu, lại thấy mình vô duyên. Mọi người đang quan tâm đến mình, chứ có ai định phá đám mình đâu? Tôi dịu giọng: Em thưa với ba mẹ, chị dọn dẹp bàn ghế một tí rồi vào ngay. Thực ra, tôi vẫn muốn hồi tưởng lại thêm một ít về kỷ niệm ngày nào…
Biết chuyện, Ba Mẹ tôi mời anh về nhà cảm ơn nồng nhiệt, rồi mời ăn bữa cơm gia đình. Nhưng sau đó, đối với tôi, arh luôn giữ một khoảng cách nhất định. Anh luôn né tránh những cuộc nói chuyện tay đôi với tôi. Tôi tò mò tìm hiểu từ bạn bè và được biết: anh là con duy nhất của một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, mẹ anh tần tảo nuôi anh ăn học, nên từ nhỏ, anh đã luôn mang mặc cảm tự ti với những gia đình có thể nói là sung tác, có vị trí xã hội (như gia đình tôi). Nhưng ngược lại, đối với tôi, sự uyên bác trong học tập, tính xông xáo trong cuộc sống của anh (mà ít chàng trai nào khác có được), đặc biệt ý thức phấn đấu vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn lại là những điểm thu hút sự chú ý của tôi, vốn chịu ảnh hưởng nhiều về những nhân vật điển hình trong văn học. Vừa tập trung mọi nỗ lực vào chuyện học, tôi vừa không muốn làm tổn thương tính cách của anh, nên trong giao tiếp, tôi luôn tránh những biểu hiện vô tình gợi lên vị trí xã hội của ba mẹ tôi, của gia đình tôi, dễ gây mặc cảm cho anh khi so sánh. Tôi muốn giữ cho tình bạn giữa chúng tôi thật trong sáng, ít nhất trong thời gian tôi còn đi học, rồi sau này, chuyện gì đến, sẽ đến… Tôi tìm mua và tặng anh những tác phẩm của Jack London nói về nghị lực con người chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống, dù tôi đoán biết rằng anh đã đọc trong thư viện, khi thấy tính cách những nhân vật đó hiện lại trong con người nhiều nội tâm của anh…
Buổi trưa, tôi chỉ ăn một bát cơm rồi ngừng, viện lý do phải nghỉ ngơi để chiều đi tiếp với Quỳnh. Ba mẹ tôi cũng chiều ý, vì tôi còn ở lại đây mấy tuần nữa. Mẹ chỉ hỏi: Hai đứa đi xe máy à? Đi có xa không, sao không đi taxi cho kín gió? Tôi nhỏ giọng: Mẹ ơi, con của mẹ mới ngoài 40 thôi, còn trẻ chán. Mẹ cứ yên tâm đi, tối nay con về sẽ kể chuyện về Chử Đồng Tử với Mẹ. Mẹ thảng thốt: Đồng phải không con? Hồi đó mọi người bảo hy sinh không tìm thấy xác để chôn cất mà? Tội nghiệp. Tôi ngậm ngùi: Hình như Quỳnh dò ra được rồi mẹ ạ, chiều nay con đi tiếp với Quỳnh đây…
Thời điểm lớp anh thi tốt nghiệp, đã có nguồn tin phong phanh chỉ có những sinh viên là đoàn viên mới được giữ lại công tác ở Trường. Điều thiệt thòi của anh là có một ông bác ruột làm cảnh sát của chế độ cũ, nên dù có thành tích học tập xuất sắc, có quan hệ quần chúng tốt, được hầu hết thầy cô giáo, bạn bè tin yêu, đến ngày tốt nghiệp đại học, sinh hoạt đối tượng Đoàn suốt 3 năm liền mà cuối cùng anh vẫn không được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đoàn, trong khi bản thân tôi trước đây ở miền Bắc, tự nhận thấy còn thua kém anh xa, cũng đã trở thành đoàn viên từ hồi cuối cấp 2 như hầu hết các bạn trong lớp, đơn giản chỉ vì tôi được may mắn học dưới mái trường của miền Bắc xã hội chủ nghĩa...
Cùng vào lúc này, ở phía Nam đất nước nổ ra cuộc chiến tranh ở biên giới Kampuchia, với bao nhiêu tin tức thương tâm đăng tải trên báo chí… Đoàn trường phát động phong trào thanh niên trong toàn trường tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Lần đầu tiên, anh chủ động đến tìm tôi hỏi ý kiến, quá bất ngờ nên tôi cũng trả lời nước đôi: “Em tin anh đủ sáng suốt, anh thấy điều gì đáng làm thì cứ làm”… Mấy hôm sau, lá đơn tình nguyện nhập ngũ của anh được chọn để đọc trong Lễ phát động phong trào, không phải vì nội dung sâu sắc hay vì hình thức viết bằng máu (làm khoa học, tôi hơi ngờ ngợ nguồn gốc những lá thư viết bằng máu, chỉ có anh chàng nào bị chứng máu không đông mới viết được hết lá đơn!), mà vì mọi người đều biết anh là một sinh viên xuất sắc của Khoa, một nhiệm sở tốt đẹp ở Thành phố sau khi tốt nghiệp xem như đã nằm trong tầm tay, nhưng anh vẫn ý thức nguyện vọng trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc là trên hết...
Quỳnh đã đến nhà rồi, đang nói chuyện với ba mẹ tôi. Tôi khoác chiếc áo gió xanh nhạt bên ngoài chemise trắng, quần tây xanh sẫm, dù biết cách ăn mặc cổ điển này lỗi nhịp với bộ jean mốc thời thượng của Quỳnh. Tôi muốn vong linh của anh vẫn nhận ra tôi như ngày nào, trong bộ cánh đơn giản mà ngày trước, khi khoác vào người, tôi vẫn nhận thấy ánh mắt tán đồng của anh.
Chiếc Spacy của Quỳnh chở tôi phóng như bay theo tỉnh lộ 8, hướng về quê của anh. Mẹ anh đã mất sau khi anh nhập ngũ gần ba năm, nhưng có thể dò được những tin tức cuối cùng của anh qua người bà con ở cùng quê, Quỳnh cho biết như vậy.
Buổi liên hoan ngọt mà tôi chủ động tổ chức ngay nhà mình để tiễn anh lên đường nhập ngũ bắt đầu chậm hơn dự định cả tiếng đồng hồ, vì trước đó, tôi và anh đã có một cuộc “nói chuyện riêng tư”. Chẳng hiểu khi đó tôi nghĩ sao, lại nhờ anh hướng dẫn giúp tôi giải quyết bài tập lớn về Phương Trình Vật lý Toán mà thầy giáo đã giao cho tôi. Phải công nhận cùng với tri thức tổng quát rộng rãi, anh còn là người có khả năng nắm bắt vấn đề rất nhạy bén: sau mươi phút suy nghĩ, anh đề xuất hai phương pháp chính để giải quyết, một phương pháp kinh điển trùng lặp với gợi ý của thầy hướng dẫn, phương pháp thứ hai dựa trên logic hình thức, nghe qua rất thú vị nhưng cũng hứa hẹn không ít gian truân. Chúng tôi đã bàn luận rất sôi nổi đến khi mọi người kéo đến đổng đủ, Quỳnh đã phải xen vào, đề nghị chấm dứt cuộc “tâm tình sôi nổi đầy tính khoa học” này để giao lưu với mọi người…
Sau buổi liên hoan, câu nói riêng tư - đúng ra dành cho riêng anh - được tôi phát biểu trước mặt mọi người: “Anh Đồng đi cố gắng giữ gìn sức khoẻ, Dung và mọi người chờ ngày anh trở về”. Câu trả lời của anh thật ngắn ngủi, sau này tôi mới biết là câu định mệnh: “Anh sẽ trở về gặp lại Dung và mọi người, anh cũng hy vọng tất cả vẫn còn nguyên vẹn như ngày hôm nay…”
Trong hai tháng huấn luyện tân binh và gần ba năm trên đất bạn, anh viết thư cho tôi đều đặn, nhưng ngoài vài câu kể qua cuộc sống bộ đội, anh tập trung trao đổi với tôi về phương pháp giải quyết thứ hai của bài tập lớn được giao, tuyệt đối không một lời thổ lộ tình cảm nam nữ nào - tôi đọc thư mà cứ như báo cáo khoa học vậy. Thi thoảng qua một lời tâm sự, Đồng bảo anh muốn dâng hiến đời mình cho cuộc sống chung quanh, vì anh thấy mình còn nợ cuộc đời nhiều quá, chứ chưa dám có ý định dành gì cho riêng mình cả… Tôi đành phải đánh liều hỏi thăm ý kiến của Quỳnh, con bé cười ngặt nghẽo sau khi đọc thư: “Tous les amoureux sont aveugles (những người đang yêu đều mù cả)! Sao mày cù lần thế, trong chiến trường bom đạn ác liệt mà anh Đồng còn dành thời gian viết thư đều đặn cho mày, còn đòi gì hơn nữa? Anh ấy quan niệm như St-Exupéry, yêu không phải chỉ là nhìn nhau, mà là nhìn về một hướng - cái hướng học tập để phục vụ... Thôi cố mà xứng đáng với tình cảm của anh ấy. Mày mà lơ là việc giải bài tập lớn thì bị ảnh phăng teo cầm chắc!”…
Là con gái, tôi không thể nào mở lời trước với anh, chỉ biết tin vào nhận định của Quỳnh, cố tập trung mọi nỗ lực vào việc giải quyết bài tập lớn được giao: trong luận văn tốt nghiệp, phương pháp giải thứ hai - đầy tính sáng tạo do anh gợi ý – đã được thầy hướng dẫn hoàn chỉnh rồi đưa vào làm nền tảng cơ sở của luận văn. Không những tôi nhận được kết quả Xuất sắc (toàn điểm 10) và lời khen của Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp về tính sáng tạo, tôi còn được đứng chung tên với thầy hướng dẫn trong một bài báo đăng trên tạp chí có tầm cỡ quốc gia, mà nội dung cốt lõi dựa trên những điều anh đã gợi ý trước ngày ra đi…
Tôi muồn tìm đến nơi anh Đồng an giấc ngàn thu, thắp một nén hương tưởng nhớ, và báo cho vong hồn của anh hay: những ý tưởng mà ngày xưa anh gợi ý cho tôi đã thành hiện thực. Luận văn tốt nghiệp đại học của tôi không chỉ được mở rộng thành luận án tiến sĩ được bao nhiêu người quan tâm ở trong và ngoài nước, mà còn là nền móng của một đề tài cấp Bộ mà tôi vừa bảo vệ thành công mới mấy tuần nay. Tôi trân trọng sự đóng góp của anh, dù chỉ là ý tưởng xuất phát ban đầu, nhưng lại là nền móng cho bao nhiều thành tựu lớn về sau. Và còn nữa, những điều mà tôi chưa dám nói thành lời trong buổi tiễn đưa Đồng nhập ngũ, dù bây giờ, hoàn cảnh đã đưa đẩy chúng tôi một người một ngã…
Vài tuần sau lễ tốt nghiệp, tôi nhận quyết định bổ nhiệm về làm công tác nghiên cứu ở Viện khoa học quốc gia, tiếp tục hướng nghiên cứu còn hứa hẹn bao nhiêu thành tựu. Tôi nấn ná chờ mãi tin tức của Đồng, thời điểm này chiến trạnh ở biên giới phía Nam đang hồi căng thẳng, thư từ chậm có đến hàng tháng trời. Mẹ của Đồng đã mất qua một cơn bạo bệnh, tôi và Quỳnh đã về quê dự đám tang của bà do bà con làng xóm tổ chức (bác của Đồng - kể như độc thân vì vợ con đã di tản từ 1975 - đi học tập cải tạo chưa về), không biết ở chiến trường Đồng đã biết tin mẹ khuất núi chưa? Rôi tin dữ liên tiếp báo về, sau một chiến dịch ác liệt, đại đội của Đồng đã bị hy sinh gần hết, một vài người còn lại đã được sát nhập vào đơn vị khác. Tôi thầm nhủ: Đồng ơi, không biết bây giờ anh đang nằm ở đâu, nhưng em nguyện sẽ phát triển nhưng ý tưởng ban đầu của anh cho đến cùng, xem như một chút lòng dành cho người tri kỷ đã khuất…
Ba năm sau ngày có tin anh Đồng hy sinh, tôi lập gia đình với chồng tôi hiện nay, một đồng nghiệp cùng Viện nghiên cứu. Chúng tôi đã có hai cháu, một gái, một trai (tiêu chuẩn điểm 10 như người ta thường gọi), gia đình chúng tôi sống rất hạnh phúc. Tôi vẫn thường bảo các cháu, mẹ có một người anh kết nghĩa đã hy sinh ở chiến trường Kampuchia, chính bác ấy là người có công đầu tiên trong các kết quả khoa học của mẹ. Chồng tôi không nói gì, anh luôn tỏ thái độ tôn trọng quá khứ của tôi, điều đó giúp tôi tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống gia đình.
Người cung cấp thông tin về những ngày cuối cùng của anh Đồng cho chúng tôi hoá ra là người bác ruột của anh, đã từng là cảnh sát thuộc chế độ cũ. Thì ra, sau chiến dịch ác liệt năm 1981, anh không chết nhưng bị thương tích rất nặng, hai mắt gần như mù hẳn, được giải quyết chế độ thương binh về quê cũ. Trong đầu của anh vẫn còn một mảnh đạn không lấy ra được, những khi trở trời anh thường ôm đầu lăn lộn, nhưng khi bình thường anh lại rất hoà nhã, vui vẻ với mọi người. Anh nhận dạy lớp bổ túc văn hoá không ăn lương cho xã, anh bảo chế độ thương binh đủ nuôi sống một mình anh rồi. Một đôi khi tâm sự với người bác ruột vừa đi học tập cải tạo về, anh bảo hồi đi học, anh có thầm chú ý một người con gái học sau 3 lớp, rất thông cảm với anh, nhưng ngày xưa anh đã không dám thổ lộ vì mặc cảm đũa mốc không dám gác mâm son, ngày nay càng muốn giữ kín tung tích của mình hơn, vì không muốn người khác lâm vào cảnh khó xử…
Anh mất vào những ngày cuối đông năm 1982, sau những cơn đau kinh khủng ở đỉnh đầu. Bác của anh đã tận tình chăm sóc anh những ngày cuối cùng, sau đó đã ra đi định cư ở Mỹ theo diện HO, gia đình thân quyến chẳng còn ai nữa nên chúng tôi bặt hẳn tin tức. Sang California hơn chục năm, ăn nên làm ra, bác lại trở về quê hương, với nguyện vọng khi chết sẽ gởi nắm xương tàn trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn...
Quỳnh nôn nóng hỏi: Bây giờ anh Đồng nằm ở đâu, Nghĩa trang Liệt sĩ hay của Nghĩa trang của Làng, Bác chỉ cho chúng cháu ra thăm, thắp một nén hương…. Bác từ tốn hỏi: Thế các cô quan hệ với Đồng như thế nào? Tôi ngượng ngùng, Quỳnh chỉ sang tôi: Bạn cháu đây là người con gái ngày xưa học sau anh Đồng 3 lớp đó…. Bác mỉm cười: Tôi đã thực hiện ý nguyện cuối cùng của Đồng. Cháu có thể đoán ra Đồng bây giờ nằm ở đâu không?. Những lời nói trong thư của Đồng lướt lại chầm chậm trong ký ức tôi, rồi một tia chớp loé lên trong đầu… Tôi ngập ngừng hỏi: Thưa Bác, có phải anh ấy đang ở… ở… Trường Đại học Y khoa không?. Bác ngậm ngùi: Cháu đúng thật là tri kỷ của Đồng. Trăn trối của Đồng trước khi vĩnh viễn ra đi là mong Bác thực hiện bản tự nguyện cam kết của Đồng với Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Huế: hiến xác mình cho những sinh viên y khoa của thế hệ sau có mô hình học tập môn Giải phẫu.
(viết nhân ngày Macchabée ngành Giải phẫu học)